Trước tiên phải khẳng định rằng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là một hướng đi đúng nhằm khai thác giá trị di sản góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng mặt khác phải thấy rằng bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch có những yêu cầu hoàn toàn khác nhau. Yêu cầu cao nhất đối với việc bảo tồn di sản văn hóa là phải giữ được giá trị nguyên gốc. Đối với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc, cơ sở tâm linh… việc bảo tồn, tôn tạo phải giữ được nguyên trạng. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể (như dân ca Ví, Giặm) việc bảo tồn, phát huy phải giữ được giá trị nguyên gốc. Không vì tu bổ, tôn tạo mà làm biến dạng hoặc “làm mới” di tích. Không vì khai thác, phát huy mà làm mất giá trị nguyên gốc của các di sản văn hóa phi vật thể. Do những yêu cầu khắt khe trên đây nên việc bảo tồn di sản văn hóa không thể sinh ra lợi nhuận, càng không được chạy theo lợi nhuận. Trong khi đó, yêu cầu bắt buộc đối với phát triển du lịch là phải tạo ra lợi nhuận ngày càng cao, bởi đây là ngành công nghiệp không khói. Xét từ góc độ kinh tế thì rõ ràng bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch có sự mâu thuẫn với nhau. Vậy tại sao cứ phải gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch? Câu trả lời đơn giản là: những di sản văn hóa độc đáo có sức thu hút lớn đối với du khách là cơ sở để ngành du lịch tạo nguồn thu. Ngày nay, các loại hình du lịch phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới. Du lịch văn hóa là hành trình đưa du khách đến với các di sản văn hóa, giúp con người tìm về cội nguồn của chính mình để sống nhân văn hơn, hoàn thiện hơn. Nhưng điều đáng tiếc là con người đã lợi dụng hành trình văn hóa của chính mình để tạo nguồn thu cho hoạt động du lịch. Nguồn thu này hoàn toàn chính đáng nếu di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị tốt hơn nhờ hoạt động du lịch. Nghĩa là, việc thu hút du khách đến tham quan chẳng những không làm phương hại đến di sản văn hóa mà còn làm cho giá trị di sản văn hóa lan tỏa trong cộng đồng. Nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn không phải như vậy. Người ta đặt ra mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa là để phát triển du lịch. Nhưng càng phát triển du lịch, di sản văn hóa càng bị xâm hại.
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện các dự án bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, vì mục đích lợi nhuận người ta đã đảo ngược giá trị. Đáng lẽ ra các dự án bảo tồn di sản văn hóa thì phải lấy việc bảo tồn di sản làm mục đích hàng đầu, nhưng người ta lại đảo ngược lấy kinh doanh du lịch làm mục đích hàng đầu. Sự đảo ngược giá trị này bộc lộ từ khi bắt đầu xây dựng dự án đến phê duyệt dự án, đấu thầu công trình, cấp vốn ngân sách. Những người có trách nhiệm liên quan đều biết rõ vấn đề này nhưng rồi ai cũng lờ đi vì mục đích lợi nhuận, vì quan hệ A - B, vì tỷ lệ hoa hồng. Thế rồi, những chuyện đáng buồn đã xẩy ra bất chấp phản ứng của dư luận. Những công trình dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cầu vượt, cáp treo.. ngang nhiên mọc lên lấn át cả di tích. Những cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhan nhản mọc lên ở khắp các khu di tích như nấm mọc sau mưa. Những con đường, bãi đậu xe được bê - tông hóa bao vây các di tích làm mất cả không gian văn hóa. Những quán ăn, quầy hàng lưu niệm, điểm vui chơi giải trí, nơi gửi xe mọc lên dày đặc để “chặt chém” du khách. Tất cả đều nhằm tạo nguồn thu cho hoạt động du lịch, bất chấp di sản văn hóa có được bảo vệ hay không. Đó là chưa kể, dịch vụ ăn theo đã thu hút ngày càng đông những đối tượng không mấy văn minh như: hành nghề mê tín dị đoan, bán vàng mã, bán hàng rong, những người hành khất…. Phải chăng, cội nguồn những hoạt động trên đây đều do gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch?
Có một thực tế khó cưỡng lại là các dự án bảo tồn di sản văn hóa đã biến tướng thành dự án xây dựng cơ bản nằm trong tay các nhà thầu. Dưới sự điều khiển của các nhà thầu, những hạng mục trùng tu, tôn tạo, phục dựng di tích nhằm bảo tồn giá trị di sản văn hóa đều được đơn giản hóa, làm dối, làm ẩu để có lợi nhuận. Nhiều di tích được các nhà thầu làm biến dạng, “làm mới” một cách không thương tiếc, khi hỏi nguyên nhân thì họ hồn nhiên trả lời “làm như cũ thì ăn gì”. Cách đây 8 năm (2007) ở Nghệ An xẩy ra vụ việc làm “mất tích” đền Cuông gây bức xúc trong dư luận. Đền Cuông thờ Thục An Dương Vương (ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu) là một trong những ngôi đền cổ kính nhất của Nghệ An, còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa của thời Nguyễn. Do ngôi đền này xuống cấp nên được Bộ VHTT cấp 7 tỷ đồng (trong 2 năm 2005 - 2006) từ nguồn vốn chương trình Quốc gia chống xuống cấp di tích. Ngân sách tỉnh bổ sung thêm 8 tỷ đồng để thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo di tích đền Cuông trị giá trên 15 tỷ đồng. Dự án này được lý giải là để phát triển khu du lịch đền Cuông cửa Hiền với quy hoạch đã được phê duyệt trước đó. Nhưng khu du lịch đền Cuông cửa Hiền chẳng thấy đâu chỉ thấy đền Cuông bị “mất tích”. Nguyên nhân là do Sở VHTT (nay là sở VHTT&DL) và Ban quản lý Di tích Danh thắng tỉnh Nghệ An đã “chỉ đạo thầu” để giao dự án này cho các chủ thầu quen biết nhằm tạo cơ hội “làm ăn”. Các ông chủ thầu của công trình này đều là những người không hiểu gì về di sản văn hóa. Kết quả là di tích đền Cuông đã được “làm mới” từ cổng Tam quan, Bình phong, Nhà tượng đến Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, Tả vu, Hữu vu. Những họa tiết hoa văn chạm trổ độc đáo, những cấu kiện kiến trúc cổ kính trên các xà, cột, kèo, vì kẻ… đều được đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến gỗ xuất khẩu cho bào nhẵn. Có những cấu kiện kiến trúc trên những cột, kèo, xà, được chạm khắc độc đáo tuy mới bị hư hỏng nhẹ nhưng đều bị thay thế bằng gỗ mới. Tại thời điểm đó, ai đến thăm đền Cuông đều hết sức ngỡ ngàng bởi ngôi đền cổ kính với mái ngói, đầu đao uốn lượn đã biến mất. Thay vào đó là một ngôi đền mới tuy cao rộng hơn, bề thế hơn nhưng là một ngôi đền “làm mới” với màu sơn công nghiệp, màu ngói đỏ tươi, màu gỗ bào trơn bóng. Vụ việc “mất tích” đền Cuông là một ví dụ điển hình về sự đảo ngược giá trị trong bảo tồn di sản văn hóa. Sau sự kiện hy hữu này, một nhà nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ có uy tín đã mỉa mai nói rằng: “Đền Cuông bị làm mới là do được cấp nhiều tiền quá”.
Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Kim Liên gắn với phát triển du lịch (phê duyệt ngày 18/7/2003) là một dự án trọng điểm của tỉnh, được cấp vốn ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Thực hiện dự án này nhằm bảo tồn những di sản văn hóa quý giá về quê hương và thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng dự án này cũng không thoát khỏi số phận lấy phát triển du lịch làm mục đích hàng đầu. Thế là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bị “làm mới”. Sau khi dự án này hoàn thành (giai đoạn I) các đoàn khách về tham quan quê Bác không còn thấy cảnh làng Sen thân thuộc mà như lạc vào một xứ sở khác. Làng Sen ngày xưa là những con đường đất nhỏ hẹp, là những lũy tre làng rợp che bóng mát, là những bãi cỏ xanh chăn thả trâu bò, là những dãy ao làng tỏa ngát hương sen. Còn Làng Sen ngày nay cứ như là phố thị, tất cả cảnh quan của làng quê nghèo ngày xưa đều biến mất. Đường làng được bê - tông hóa rộng thênh thang, những bãi cỏ xanh được bê - tông hóa làm bãi đậu xe, giữa làng quê mà có đường hai chiều với hàng cột điện như đường cao tốc. Và cũng như ở nhiều khu di tích khác, Làng Sen sau khi được bê - tông hóa đã mọc lên những quầy hàng kinh doanh dịch vụ đủ loại. Nếu là một làng quê bình thường thì đây là sự “đổi đời” trong thời kỳ hội nhập. Nhưng vì là quê hương Bác Hồ nên ai về đây cũng cảm thấy tiếc nuối. Được biết, giai đoạn 2 của dự án này đang được thực hiện là phục dựng cảnh quan Làng Sen. Nhà nước lại bỏ ra một khoản tiền không nhỏ đền bù cho những hộ dân xây nhà kiên cố xung quanh nhà Bác để họ di dời, thay vào đó sẽ là những ngôi nhà tranh không có người ở nằm lọt thỏm giữa một không gian cách biệt. Nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu về tham quan quê Bác đã rất buồn khi Làng Sen đã bị bê - tông hóa. Di sản văn hóa của Làng Sen chỉ còn lại hai mảnh vườn với mấy nếp nhà tranh ở quê nội và quê ngoại Bác Hồ. Khi hỏi Ban quản lý Dự án tại sao lại làm như vậy thì nhận được câu trả lời: “Tất cả đều đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Hóa ra, khi phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Kim Liên, một di sản quý giá vào bậc nhất của Quốc gia, người ta vẫn đặt mục tiêu phát triển du lịch lên hàng đầu.
Trở lại câu hỏi: phát triển du lịch có bảo tồn được di sản văn hóa? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải minh định rạch ròi giá trị di sản văn hóa với giá trị các công trình dịch vụ. Di sản văn hóa là vô giá, mất đi không bao giờ có lại, còn các công trình dịch vụ dù hiện đại đến đâu cũng chỉ tính bằng tiền, có thể phá đi làm lại dễ dàng. Hấp dẫn du khách là di sản văn hóa chứ không phải các công trình dịch vụ. Từ lâu, các chuyên gia đã cảnh báo rằng, du khách quốc tế đến Việt Nam không phải để được ăn nghỉ trong khách sạn nhiều sao, được thưởng thức những “thú vui” hiện đại, được mua sắm những thứ đắt tiền. Họ đến đây là để tìm hiểu bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam được lưu giữ trong các di sản văn hóa. Bởi vậy, các di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam càng bảo tồn được giá trị nguyên gốc càng có sức hấp dẫn lớn đối với du khách quốc tế. Rất đáng tiếc là các nhà hoạt động du lịch đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu điều đơn giản này. Đây là nguyên nhân sâu xa làm cho du khách nước ngoài đến Việt Nam số lượng ít và “một đi không trở lại”. Tất nhiên, xây dựng các công trình dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong việc ăn nghỉ, đi lại, mua sắm là rất cần thiết. Nhưng nếu lấy đó làm mục đích hàng đầu sẽ là một sai lầm.
Thế giới đương đại có nhiều loại hình du lịch phong phú: du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thám hiểm…trong đó du lịch văn hóa đem lại nhiều giá trị bổ ích nên ngày càng được du khách ưa chuộng. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, nhiều di sản văn hóa đặc sắc đã được bảo tồn, phát huy để phát triển du lịch. Nhưng cũng không ít di sản văn hóa bị biến dạng, mất giá trị nguyên gốc do hoạt động du lịch. Phát triển du lịch có bảo tồn được di sản văn hóa hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn văn hóa của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và những người làm du lịch. Có tầm nhìn văn hóa thì kho tàng di sản sẽ là cơ sở thuận lợi để phát triển du lịch bền vững. Không có tầm nhìn văn hóa thì phát triển du lịch chỉ là “ăn xổi ở thì” không tránh khỏi phá hoại di sản.
Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/