1. Di sản - di sản lịch sử - văn hóa
Di sản là khái niệm rộng bao gồm tất cả những thành tố vật thể, phi vật thể ở trong môi trường tự nhiên; môi trường văn hóa - xã hội, nó bao gồm: cảnh quan thiên nhiên, tổng thể vật chất và tinh thần thuộc về giá trị lịch sử, cả các di chỉ tự nhiên, hoặc do con người tạo nên. Nó bao gồm cả tính đa dạng sinh học, thảm thực vật, thế giới động vật hoang dã hay đã được thuần dưỡng, lai tạo. Di sản còn bao gồm cả các tập tục truyền thống, những tri thức và kinh nghiệm sống… đã và đang được lưu truyền trong đời sống của cộng đồng, nó vừa mang bản sắc địa phương vừa có tính lan truyền, phản ánh quá khứ đồng thời cũng hiện hữu trong đời sống hiện tại.
Theo Từ điển tiếng Việt: “Di sản là cái của thời trước để lại” [Viện Ngôn ngữ học 2004: 254]. Theo Từ điển Hán Việt: “di” là sót lại, để lại; “sản” là tài sản. Vậy có thể hiểu: di sản là tài sản để lại, còn sót lại của quá khứ, nó cho thấy quá trình phát triển lâu dài, là tài sản của quá khứ.
Di sản văn hóa: Theo văn kiện được Đại hội đồng ICOMOS (Hội đồng Quốc tế Các di tích và di chỉ) lần thứ 11 tại Sofia (Bungari): “Di sản văn hóa là để chỉ những di tích, những cụm kiến trúc và những di chỉ có giá trị di sản, tạo thành môi trường lịch sử hoặc môi trường xây dựng” [Hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu 2004: 194]. Theo Luật Di sản văn hóa được thông qua tại kỳ thứ 9 khóa X, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: “Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chat có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” [Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành 2002: 12]. Đối với bất cứ quốc gia nào thì di sản văn hóa đều là thành quả của một quá trình hình thành, gìn giữ, bảo vệ,… được chuyển giao qua các thế hệ. Với dân tộc Việt Nam, có một lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước, di sản văn hóa phản ánh tiến trình đó, nó chính là sự kết tinh những giá trị vật chất tinh thần trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Vì thế hệ thống kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đã minh chứng sinh cho sức sống trường tồn của dân tộc, làm nên diện mạo, lối sống, tính cách của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Theo Luật Di sản văn hóa được kỳ họp thứ 9 - Quốc hội Khóa X nước CHXHCN Việt Nam (29/6/2001) thông qua thì kho tàng di sản văn hóa Việt Nam bao gồm: Di sản văn hóa vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể.
- Di sản văn hóa vật thể: là toàn bộ những sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được hình thành trong tiến trình lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gồm:
- Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa: “Là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”;
- Hệ thống danh lam thắng cảnh: “Là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mĩ, khoa học” [Luật Di sản văn hóa và nghị định hướng dẫn thi hành 2002: 13];
- Ngoài ra còn bao gồm cả: Hệ thống di vật (là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học); Hệ thống cổ vật (là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và có từ 100 năm tuổi trở lên); Bảo vật quốc gia (là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm lịch sử, văn hóa, khoa học); là những hiện vật của quá khứ về các mặt lịch sử, văn hóa, khoa học được kết tinh từ thành quả lao động sáng tạo của con người Việt Nam.
- Di sản văn hóa phi vật thể: là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết được lưu truyền bằng miệng, truyền nghề và các hình thức lưu giữ khác. Bao gồm: tiếng nói - chữ viết; các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học; Kho tàng văn học nghệ thuật dân gian, lễ hội dân gian truyền thống; phong tục, tập quán, lối sống,…
Như vậy có thể thấy Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa rất lớn với gần 40 ngàn di sản vật thể, 60 ngàn di sản phi vật thể - với gần 8.000 lễ hội trong đó hơn 3.000 lễ hội dân gian thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc rất độc đáo với nhiều di sản văn hóa thế giới cũng như nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn và thu hút khách du lịch trong cũng như ngoài nước như: Quần thể di tích cố đô Huế; Khu di tích Mỹ sơn; Quần thể danh thắng Tràng An;… Đây là nguồn tài nguyên vô giá, có thể khai thác để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh,…
2. Di sản lịch sử - văn hóa - lợi thế để phát triển du lịch; những vấn đề đặt ra
Trong xu thế phát triển hiện nay, du lịch đang trở thành nhịp cầu kết nối, giải quyết những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc trên toàn thế giới.
Những thập niên gần đây, du lịch là một ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Du lịch phát triển góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho các quốc gia và giải quyết nhiều công ăn việc làm cho xã hội; thúc đẩy sự phát triển của các ngành có liên quan như xây dựng, thương mại, sản xuất hàng tiêu dùng, bảo hiểm, giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông,... Hiện nay, hằng năm trên toàn cầu trung bình có trên 900 triệu lượt người đi du lịch. Con số này sẽ đạt hơn 1 tỉ vào năm 2010 và 1,6 tỉ vào năm 2020, 1,8 tỉ lượt khách năm 2030 [Viettrade 2014], trong đó 60% dòng khách đi du lịch có mục đích tìm hiểu nền văn hóa khác so với nền văn hóa nơi họ sinh sống. Du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới, xuất khẩu du lịch chiếm khoảng 30% xuất khẩu dịch vụ thương mại thế giới và 6% tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. “Với tư cách là ngành xuất khẩu, hiện nay du lịch đã vươn lên đứng vị trí thứ 4 sau ngành nhiên liệu, hóa dầu và sản xuất ô-tô” [Trần Sơn Hải 2010: 3].
Vì hiệu quả to lớn đó, trước xu hướng hội nhập, nhiều nước trên thế giới đã chọn du lịch là ngành ưu tiên phát triển số 1 trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình.
Tại Việt Nam ngành du lịch đã có lịch sử phát triển 50 năm, nhưng chỉ thực sự phát triển nhanh vào những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước. Nếu so sánh với các ngành kinh tế khác, du lịch được xếp vào một trong những ngành mới.
Từ khi du lịch được Đảng và Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Năm 2001, Việt Nam mới thu hút được khoảng 2,3 triệu lượt khách quốc tế, thì đến năm 2008, con số này đã đạt 4,25 triệu lượt khách. Việt Nam hiện được xếp hạng thứ 6 trong 10 nước dẫn đầu về phát triển du lịch tốt từ 2007-2016. Năm 2015, du lịch Việt Nam đón khoảng trên 7,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu nhập du lịch đạt khoảng 337,8 tỉ đồng, tăng 6,2% so với 2014. Năm 2016, số lượng khách quốc tế đã đạt 10 triệu lượt; khách du lịch nội địa là 62 triệu lượt; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP [Tổng cục Thống kê - Tổng cục Du lịch].
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành liên vùng và xã hội hóa cao. Chất lượng của hoạt động du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiềm năng tài nguyên du lịch, chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch và kết cấu hạ tầng, chính sách phát triển ngành du lịch của nhà nước, tình hình an ninh chính trị của đất nước, mức độ mở cửa và hội nhập của nền kinh tế. Phát triển du lịch nhanh và bền vững, thu hẹp dần khoảng cách với những quốc gia có ngành du lịch phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và toàn diện là yêu cầu cấp bách đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta biết phát huy và khai thác lợi thế của hệ thống di sản văn hóa để phát triển, đó vừa là nhiệm vụ cấp bách, lại có ý nghĩa chiến lược lâu dài góp phần quyết định tương lai phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.
Chính vì lẽ đó, xuất phát từ thực tiễn phát triển của du lịch Việt Nam, tháng 3/2017 Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã tổ chức hội thảo “Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững” và xem đây như là một nhiệm vụ trọng yếu trong quá trình thực hiện mục tiêu của ngành, để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW(16/01/2017). Tại Hội thảo, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã nhấn mạnh: Cái gốc để phát triển bền vững là giữ gìn, phát huy, bổ sung các giá trị cho di sản văn hóa và trao truyền đến thế hệ sau [Hà An 2017].
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng, tâm linh, các di sản lịch sử - văn hóa là nơi lưu giữ phản ánh một phần lịch sử các địa phương cũng như đất nước, đồng thời cũng chứa đựng những giá trị tâm linh rất lớn. Hơn thế, nó cũng là nơi lưu giữ, trao truyền cho các thế hệ sau những kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Việt Nam, nếu chúng ta biết khai thác những giá trị đó thì nó chính là lợi thế của sự phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng trong xu thế mở cửa, hội nhập hiện nay.
Trong quá trình phát triển của ngành du lịch Việt Nam, hệ thống các di sản đã và đang được tận dụng, khai thác triệt để các giá trị để thu lợi. Các di tích trong hệ thống di sản lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành “điểm nhấn” quan trọng để xây dựng các tour, tuyến điểm du lịch. Chính vì thế, để vừa tận dụng lợi thế khai thác, vừa gìn giữ, củng cố phát huy giá trị nhiều mặt của hệ thống di sản cho sự phát triển bền vững trong Nghị định số 92/2002/NĐ-CP (11/11/2002), điều 47 đã ghi rõ: “Trách nhiệm của Tổng cục Du lịch:
- Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức khai thác những giá trị của di sản văn hóa phục vụ cho việc phát triển du lịch bền vững…
- Phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin và Ủy ban nhân dân các cấp đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích, làng nghề thủ công, lễ hội truyền thống ở các trung tâm và các tuyến điểm du lịch; giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa trong hoạt động du lịch” [Luật Di sản Văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành2002: 90].
Với hệ thống kho tàng di sản phong phú, những năm vừa qua ngành du lịch đã và đang chú trọng đến việc khai thác nguồn lợi từ di sản để phát triển, “góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” [Nghị quyết 08-NQ/TW 2017]. Thông qua các hoạt động du lịch, di sản văn hóa lịch sử - thiên nhiên của nước ta đã và đang được giới thiệu thiệu rộng rãi với sức lan tỏa lớn. Qua đó, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam - một đất nước có bề dày và truyền thống văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, sản vật dồi dào, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, mến khách,… đã được nhiều nước, khu vực biết đến. Những thập niên gần đây, việc các di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam được UNESCO tôn vinh là những thương hiệu đặc biệt đã và đang góp phần không nhỏ trong việc quảng bá cũng như thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.
Hơn nữa, tại các địa phương, việc phát triển du lịch kết hợp với hoạt động bảo tồn, tôn tạo di sản, một mặt phát huy được giá trị di sản, mặt khác cũng tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, người dân được hưởng lợi nhiều hơn thông qua việc tham gia dịch vụ du lịch, ngành nghề thủ công truyền thống tại khu vực di sản và xung quanh khu vực di sản được phục hồi, mở rộng. Các hoạt động phát huy giá trị di sản ngày càng được chú trọng, mở rộng thông qua các hình thức sáng tạo, phong phú như những năm Du lịch (Hạ Long, Quảng Nam,...), Festival Huế, Đêm rằm phố cổ (Hội An),… thông qua các hoạt động đó từ chỗ du lịch chỉ thu hút được du khách đến tham quan, thưởng ngoạn nét đẹp của các công trình kiến trúc - mỹ thuật tại di sản, thì nay du khách còn được thưởng thức các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống tại các điểm đến của tuyến điểm đó.
Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn phát triển đó ngành du lịch cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, chưa có được sự khác biệt tạo nên từ lợi thế, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu… Ở các địa phương chưa có nhận thức đầy đủ, đúng mức về di sản; một số nơi, di sản hàng ngày, hàng giờ bị đe dọa, xâm hại, xuống cấp, hoặc tôn tạo không chú ý đến yếu tố bảo tồn (ví dụ điển hình như việc tôn tạo chùa Trấn quốc Hà Nội - việc xây dựng một tháp cao lớn ngay trong khuôn viên chùa, đã làm cho cảnh quan di tích bị biến đổi, giá trị nguyên gốc của di tích không còn). Cũng ở không ít địa phương, di tích sau khi được xếp hạng vẫn tiếp tục trong tình trạng bị hoang hóa, không những không có kế hoạch bảo tồn cũng như phát huy giá trị di sản đề hỗ trợ cho sự phát triển, mà thậm chí vẫn để lãng phí, hoặc khai thác bừa bãi (ví dụ điển hình: di tích núi Tam Thanh và núi nàng Tô Thị - Lạng Sơn - một di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, nhưng lại được giao cho công ty tư nhân xây dựng các công trình khai thác du lịch, trong đó xây một số hạng mục công trình trái với tích chất của di tích như xây dựng nhà hàng, bãi đỗ xe,… làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích; vi phạm Luật Di sản văn hóa). Một số nơi có hiện tượng lấn chiếm di tích, hoặc những di sản phi vật thể không được chú ý chăm lo gìn giữ, có nguy cơ bị mai một, thất truyền, ví dụ: Chùa Trăm gian - Chương Mỹ, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội, được khởi dựng từ đời Lý Cao Tông (1176-1210), một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao - một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, đã bị phá dỡ Nhà tổ và Gác Khánh để xây lại mới (08/2012). Hoặc ở một số lễ hội truyền thống gần đây đã bị biến dạng, không còn nguyên gốc…
3. Nguyên nhân – Một số kiến nghị
Sở dĩ có tình trạng trên, do nhiều nguyên nhân nhưng thiết nghĩ, các nguyên nhân đó như nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập là:
* Chưa đánh giá và phát huy đúng vai trò của cộng đồng, còn nhiều bất cập trong việc giáo dục, tuyên truyền kiến thức về di sản cho cộng đồng - những chủ thể của di sản, nhưng bản thân họ lại không hiểu thấu đáo về “tài sản” của mình, vì thế họ có những hành vi xâm hại, thậm chí còn phá hỏng di sản; Công tác truyền thông về di sản cũng như vấn đề gìn giữ, bảo vệ di sản thì hầu như cộng đồng rất ít thông tin.
* Một trong các nguyên nhân khác, tác động không nhỏ đến việc xâm hại di sản đó là hoạt động du lịch. Những năm gần đây, khi Việt Nam liên tục có các di sản được UNESCO công nhận, du lịch văn hóa, tôn giáo tâm linh trở nên phát triển, phổ biến. Các hoạt động kinh doanh lữ hành đã khai thác gần như triệt để giá trị nhiều mặt từ hệ thống di tích và danh thắng để phát triển các loại hình khác nhau và thu lợi, điều này đã trở thành vấn nạn trong việc giữ và bảo vệ di sản. Khi du khách với số lượng lớn và tấp nập tham quan mà nhận thức chưa đầy đủ, thiếu hiểu biết thì sẽ dẫn đến những hành động làm bẩn, làm xấu hoặc tàn phá di sản. Hơn thế nữa, khi người dân địa phương ở nơi có di sản chủ yếu sống nhờ du lịch, các hoạt động thương mại diễn ra hàng ngày thì nguy cơ di sản bị xâm hại là không tránh khỏi. Như vậy một nghịch lý nảy sinh giữa việc phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương (điểm đến của tour du lịch) và việc trực tiếp phá hủy, xâm hại, làm biến dạng di sản từ hệ quả của việc phát triển du lịch.
* Để khắc phục những bất cập trên đòi hỏi toàn xã hội phải có nhận thức đầy đủ, có chính sách bảo vệ một cách bền vững lâu dài. Vấn đề bảo vệ, gìn giữ di sản phải được xác định là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mỗi địa phương và mỗi người dân. Vì thế, cùng với vai trò của các cấp, ngành, cần có sự quan tâm đúng mức tới vai trò của cộng đồng. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa việc giáo dục, tuyên truyền kiến thức về di sản và việc bảo vệ di sản tới cộng đồng với nhiều hình thức và các kênh thông tin khác nhau.
* Yêu cầu đặt ra đối với ngành du lịch, những người tham gia hoạt động kinh doanh lữ hành phải luôn nhận thức được: “phát triển để bảo tồn”, “khai thác, phát triển để bảo tồn”. Đúng như tinh thần trong điều 4 Luật Du lịch đã chỉ rõ: “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai” [Luật Du lịch 2016: 11]. Để thực hiện được, đòi hỏi những người làm du lịch phải thật sự quan tâm đến việc tổ chức, điều hành, hướng dẫn du lịch cho phù hợp với từng loại hình, tuyến điểm, khai thác được giá trị nhiều mặt của di sản, đồng thời đạt hiệu quả cao trong kinh doanh, nhưng vẫn gìn giữ, bảo tồn được di sản. Đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tiến trình phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW.
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
- Dương Văn Sáu, 2008, Di tích Lịch sử - Văn hóa và danh thắng Việt Nam, H., NXB Đại học Quốc gia.
- Hà An 2017, “Hội thảo khoa học ‘Di sản văn hóa với Chiến lược phát triển bền vững’”, http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/hoi-thao-khoa-hoc-di-san-van-hoa-voi-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-230102.html
- Hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu, 2004, Hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu, NXB Xây Dựng.
- Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành, 2002, H., NXB Chính trị Quốc gia.
- Luật Du lịch, 2006, Luật Du lịch, H., NXB Chính trị Quốc gia.
- Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu, 2001, Du lịch bền vững, H., NXB Đại học Quốc gia.
- NQ 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/docs/841
- Tổng cục Thống kê – Tổng cục Du lịch, Số liệu thống kê năm 2016.
- Trần Sơn Hải, 2010, “Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, Tóm tắt luận án tiến sĩ ngành Quản lý hành chính công tại Học viện Hành chính, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
- Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học, 2004, Từ điển tiếng Việt. -NXB Đà Nẵng.
- Viettrade 2014, Tình hình & xu hướng phát triển du lịch thế giới. http://old.vietrade.gov.vn/lnh-vc-khac/4539-tinh-hinh-va-xu-huong-phat-trien-du-lich-the-gioi.htmlhttp://vnexpress.net
Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”