Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong đó, các di sản lịch sử - văn hóa, với tư cách “là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”, đóng vai trò quan trọng đối với ngành du lịch [Luật Di sản văn hóa 2001].
Với truyền thống lịch sử đấu tranh oai hùng, cùng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công mở mang khai phá bờ cõi, phát triển sản xuất, phòng chống giặc ngoại xâm,… trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng, người dân xây nhiều lăng, miếu tôn thờ, chiêm bái với lòng biết ơn sâu sắc. Lăng Ông ở TP Hồ Chí Minh là một trong số những di tích lịch sử - văn hóa làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị trong công tác nghiên cứu khoa học và đời sống văn hóa, tâm linh, du lịch của nhân dân thành phố và là địa điểm tham quan của nhiều khách du lịch quốc tế [Lonely Planet 1999: 454]. Năm 1988, Lăng Ông được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 1288 - VH/QĐ ngày 16/11/1988 của Bộ Văn hóa công nhận Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Lăng Lê Văn Duyệt.
1. Sơ lược về di tích
Di tích kiến trúc - nghệ thuật Lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông) hay dân gian thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu [Lê Trung Hoa (cb) 2003: 211] tọa lạc tại xã Bình Hòa, tổng Bình Trị Thượng, tỉnh Gia Định [Nguyễn Viết Ngoạn (cb) 2014: 78], nay là số 01 đường Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Di tích nằm trên khu đất rộng lớn với diện tích hiện hữu là 18.500m2, được giới hạn với bên ngoài bằng bức tường vây quanh với chu vi là 500m, cao 1,2m. Bức tường được trổ ra 4 cổng theo 4 hướng và 4 con đường (trong đó 2 con đường là trung tâm quận Bình Thạnh). Cổng Nam mở ra đường Vũ Tùng, đây là cổng chính của di tích; cổng Tây mở ra đường Đinh Tiên Hoàng, đây là đường trung tâm của Quận; cổng Bắc mở ra đường Phan Đăng Lưu, đây là con đường trung tâm của Quận và là cổng sau của di tích; cổng Đông mở ra đường Trịnh Hoài Đức.
Kiến trúc lăng mộ từ cổng Tam quan vào gồm: Nhà bia - Lăng mộ - Miếu thờ.
Cổng Tam quan với hai cây thốt nốt của Lăng Ông từng là biểu tượng của Sài Gòn xưa, ngày nay được làm biểu tượng của tất cả các hoạt động liên quan đến Lăng.
Nhà bia, là một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái ngói lợp âm dương, trên vòm cửa hình vòng cung có khắc phù điêu 4 chữ “Lê Công Bi Đình” tức là nhà bia của Lê Công. Trong nhà bia có tấm bia đá xanh đen khắc chữ Hán do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm 1894, nội dung ca tụng công đức của Tả quân đối với triều đình và nhân dân.
Lăng mộ, đây là nơi có giá trị và kiến trúc cổ nhất. Toàn thể khu mộ được xây bằng hợp chất ô dước, một loại vật liệu dùng để xây dựng từ xa xưa rất chắc chắn, điển hình là đến ngày nay gần 2 thế kỷ nhưng lăng mộ vẫn còn nguyên vẹn. Phần mộ có 2 ngôi mộ, đó là mộ Tả quân và Tả quân phu nhân. Hai ngôi mộ được đặt song song và cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng úp trên bệ hình chữ nhật. Từ ngoài đi vào thì mộ Tả quân bên phải, mộ Tả quân phu nhân bên trái. Trước song mộ có bình phong tiền và sau mộ là bình phong hậu.
Cũng cần biết thêm ngoài song mộ trên còn có 2 ngôi mộ của hai cô hầu cách khu di tích chính bằng 2 con đường. Một ngôi mộ nằm bên đường Trịnh Hoài Đức, thuộc phường 1 và một ngôi mộ nằm bên đường Đinh Tiên Hoàng thuộc phường 3, quận Bình Thạnh.
Miếu thờ, được gọi là “Thượng Công Linh Miếu” gồm: Tiền điện, Trung điện, Chánh điện; đồng thời hai bên còn có dãy Đông lang và Tây lang. Giữa Tiền điện - Trung điện và Trung điện - Chánh điện được cách nhau bằng sân thiên tĩnh.
Tiền điện: Là nơi bá tánh dâng lễ vật nên còn gọi là nhà Hương. Tiền điện được xây dựng trên nền đất vuông vắn bốn chiều (12m x 12m), có 4 cột chính bằng gỗ được gọi là nhà “tứ tượng”. Mặt trước Tiền điện được lắp 14 cánh cửa bằng gỗ kiểu “thượng song hạ bản”, các cánh cửa được sơn màu đỏ và được trang trí hình 5 con dơi (ngũ phúc) màu vàng.
Trung điện: Trước đây được dùng làm Chánh điện và hậu cung. Mặt trước Trung điện là 14 cánh cửa gỗ sơn màu đỏ, trang trí đồ án long, lân, quy, phụng chạm nổi và thếp vàng. Trong dãy cột tại Trung điện có 4 cột cái, trên mỗi thân cột được chạm trổ đôi rồng ẩn hiện giữa những tầng mây tranh nhau quả cầu lửa (gọi là long trụ); 4 “long trụ” này vừa có chức năng kiến trúc vừa thể hiện nghệ thuật trang trí chạm khắc gỗ hết sức độc đáo.
Chánh điện được thiết kế theo nhà “tứ tượng” như Tiền điện. Khung nhà Chánh điện và 4 long trụ đều được đúc bằng xi măng cốt sắt. Giàn cửa 14 cánh bằng gỗ được trang trí hình dơi cách điệu hoa lan và đồ án long, lân quy, phụng. Tại Chánh điện, đa số kiến trúc được xây dựng bằng vật liệu hiện đại nhưng nhờ sự tài hoa của các nhà kiến trúc kết hợp độc đáo giữa xưa và nay nên khung cảnh toàn Lăng rất hài hòa.
Nhìn chung Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt đạt được những giá trị nghệ thuật kiến trúc và trang trí mang nhiều ý nghĩa, có tính kế thừa nghệ thuật trang trí truyền thống của dân tộc, chủ yếu là “nghệ thuật Huế”. Thể hiện rõ nét là: chạm khắc trên gỗ, đá, khảm sành sứ, nghệ thuật chưng chế hoa, lá, trái cây tươi,...
Cũng cần nói thêm, tại Chánh điện, năm 2008 có tượng đồng Tả quân được an vị cao 2,7 mét, nặng 3 tấn. Từ khi có tượng đồng Tả quân, di tích càng uy nghiêm, trang trọng hơn.
Lịch sử Tả quân Lê Văn Duyệt
Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764, mất năm 1832. Tả quân là một trong những bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn. Tổ tiên của Tả quân gốc tích ở Quảng Ngãi đến nội tổ thì vào Nam định cư lập nghiệp. Ông được sinh ra tại Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Định Tường (Tiền Giang). Ông sinh ra đã mang tật kín bẩm sinh (ái nam ái nữ). Thuở nhỏ ông đã bộc lộ là cậu bé thông minh, lanh lẹ, sức khỏe phi thường, thích bắt chim, đánh cá, chọi gà và hay tụ tập trẻ trong làng chia phe tập trận đánh giặc.
Ông theo phò Chúa Nguyễn Phúc Ánh từ lúc 17 tuổi, đến năm 1789 bắt đầu đứng vào hàng tướng lĩnh của Chúa Nguyễn. Vào thời vua Gia Long xem Ông là Đệ nhất khai quốc công thần và phong chức Khâm sai chưởng Tả quân Dinh Bình Tây Tướng Quân. Ông được giữ làm tổng trấn Gia Định thành lần thứ nhất từ 1813 đến 1815 và lần thứ hai từ 1820 đến lúc qua đời.
Ông có khả năng về quân sự lẫn chính trị, ngoại giao; là một vị quan thanh liêm, đức độ, chính trực, luôn thương yêu, quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, không vì lợi ích riêng mà lúc nào cũng lo cho dân cho nước. Khi làm Tổng trấn, ông đã huy động các lực lượng đào kênh, đắp đường mở mang bờ cõi, phát triển sản xuất; củng cố thành lũy để phòng chống giặc ngoại xâm. Với uy danh và tài ngoại giao, ông đã giảng hòa được xứ Chân Lạp, Xiêm La trở thành nước láng giềng thân tình tránh được chiến tranh. Với luật pháp nghiêm minh, công bằng, ông thuần phục kẻ trộm cướp, đạo tặc biết ăn năn trở thành người lương thiện; thẳng tay trừng trị những kẻ ỷ quyền hành hà hiếp người dân, bọn quan tham ô hủ hóa. Ông cũng lập ra cơ quan từ thiện chăm lo trẻ con mồ côi, phụ nữ góa chồng học chữ, học nghề để nuôi sống bản thân.
Công trạng của ông đã dành cho đất nước được vua Gia Long tặng cho quyền “Nhập triều bất bái” (vào triều không phải quỳ lạy) và “Tiền trảm hậu tấu” (chém trước tâu sau).
Gia định Thành thời Tả quân làm Tổng trấn đã phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân ấm no, yên vui, kỷ cương, phép nước được thực hiện triệt để, tạo được một xã hội đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tôn giáo. Nhân dân mến mộ ông nên thường gọi là “Ông Lớn Thượng”. Gần 2 thế kỷ qua, từ khi ông qua đời, trải bao sóng gió song Lăng mộ của ông vẫn giữ được sự tôn nghiêm, ngày càng rực rỡ, mở cửa thường xuyên để bá tánh nhân dân đến chiêm bái, tôn thờ.
2. Thực trạng di tích
- Tổ chức: Sau nhiều năm trải qua nhiều cơ quan đơn vị quản lý, hiện nay di tích này do Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thạnh quản lý trực tiếp theo Quyết định số 6637/QĐ-UBND ngày 20/10/2010 của Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh về chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước đối với Di tích Lịch sử - Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt từ Trung tâm Văn hóa về Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thạnh.
Di tích có Ban Quản lý theo Quyết định số 3076/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh về kiện toàn nhân sự Ban Quản lý di tích kiến trúc - nghệ thuật Lăng Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh nhiệm kỳ 2015 - 2010. Ban Quản lý có 13 thành viên, trong đó 1 trưởng ban, 2 phó ban, 10 thành viên. Các thành viên Ban Quản lý có 4 người làm việc thường trực, 5 người đại diện cho Ban quý tế, 1 người đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin Quận, 1 người đại diện Trung tâm Văn hóa Quận, 1 người đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận, 1 người đại diện Ủy ban nhân dân Phường tại địa phương di tích tọa lạc.
Di tích mở cửa thường xuyên mỗi ngày từ 6 giờ đến 17g00, do đó có lực lượng trực và làm việc thường xuyên là 14 người gồm: 2 Thường trực, 2 văn phòng (kiêm thủ kho, thủ quỹ, kế toán), 5 bảo vệ, 3 hầu chuông, 2 sân vườn. Bên cạnh đó Ban Quý tế có 2 thường trực đến thường xuyên vào buổi sáng.
- Hoạt động:
Về lễ hội: Tính theo ngày Âm lịch hàng năm tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt tổ chức các lễ hội sau:
+ Lễ hội Tết Nguyên đán: Mùng 1, 2, 3 tháng Giêng.
+ Lễ Hạ nêu - Khai hạ: Mùng 7 tháng Giêng.
+ Lễ Thanh minh - Tháng 3.
+ Lễ Tết Đoan Ngọ - Mùng 5 tháng 5.
+ Lễ Giỗ Đức Kinh Lược Phan Thanh Giản – Mùng 5 tháng 7.
+ Lễ Giỗ Quận Công Lê Chất – Mùng 10 tháng 7.
+ Lễ Giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt – Ngày 30 tháng 7, ngày 01 và 02 tháng 8.
+ Lễ Tết Trung thu – ngày 15 tháng 8.
+ Lễ Sắp Ấn (đưa Thần) – Tảo mộ: Ngày 25 tháng Chạp.
+ Lễ rước Thần – Dựng Nêu – Ngày 30 tháng Chạp.
+ Lễ đón Giao thừa, hái lộc đầu năm.
Bên cạnh đó còn tổ chức cúng Giỗ Tả quân phu nhân (Mùng 10 tháng 10), cúng ngày Thương binh Liệt sĩ (27 tháng 7 Dương lịch).
Riêng vào dịp lễ giỗ Tả quân và lễ Khai hạ - Hạ Nêu còn tổ chức lễ Cầu an gồm Xây chầu và Đại bội, sau đó là hát bội. Các nghi thức đều được thực hiện theo tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn. Trong lễ giỗ Tả quân có hơn 80 hội, đình, đền, lăng miếu và đông đảo bá tánh nhân dân đến cúng viếng trung bình hơn 3.000 lượt người. Vào lễ Tết là dịp bá tánh nhân dân đến chiêm bái, xin lộc đầu năm đến cả nửa tháng Giêng, số lượng ước trên 100.000 lượt người.
Về tham quan chiêm bái: Hàng ngày Lăng mở cửa để bá tánh nhân dân đến chiêm bái, đón các đoàn học sinh, sinh viên các trường ở mọi cấp lớp trên toàn thành phố và các nơi khác đến học tập, tìm hiểu di tích. Bên cạnh đó các cá nhân, tổ chức, đài truyền hình các nơi đến quay phim, chụp hình làm tư liệu, quảng bá,…
- Những mặt làm được:
Lăng được sự quan tâm hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo quận Bình Thạnh, các cơ quan chức năng Quận, UBND Phường tại địa phương đã tạo điều kiện cho Lăng tổ chức các hoạt động ổn định, đảm bảo an ninh trật tự; phối hợp tốt giữa chính quyền với cơ sở tín ngưỡng dân gian.
Có Ban quản lý được cơ cấu nhiều đơn vị chức năng tham gia qua đó hỗ trợ tốt cho di tích, trong đó thường trực là những cán bộ hưu trí, có thời gian để quản lý công việc thường xuyên.
Ban quý tế tập họp được số lượng đông (gần 50 ban viên và cộng tác viên), đa số là những người lớn tuổi nhưng có tâm phục vụ, có kinh nghiệm tổ chức tế lễ, vừa tham gia lễ tại Lăng vừa hỗ trợ lễ cho rất nhiều đình, lăng bạn và cả lễ của Thành phố.
- Những mặt hạn chế:
Mặc dù được trùng tu sửa chữa nhiều lần nhưng hiện nay một số hạng mục tại Lăng đã xuống cấp: Mái ngói toàn miếu thờ đang ở giai đoạn bị dột nặng mỗi khi mưa xuống; các nhà vệ sinh (2 nơi) không đảm bảo đúng tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, tường rào bao quanh toàn di tích lâu năm đang mục, hư…
Di tích chưa có phòng trưng bày, chưa có người thuyết minh được học qua trường lớp. Hiện nay, thường trực Ban Quản lý tự thuyết minh theo tình hình thực tế yêu cầu của các đơn vị khi đến tham quan Lăng.
Trong thực tế dù chưa kết nối với các đơn vị du lịch, nhưng một số tour du lịch vẫn thường xuyên dẫn khách đến tham quan tại Lăng. Tuy nhiên Ban Quản lý di tích không thống kê được vì các nhóm này không đăng ký.
3. Phương hướng quản lý và khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch
Bên cạnh tín ngưỡng tôn giáo thì tín ngưỡng dân gian cũng là một nhu cầu văn hóa tâm linh của con người. Hơn nữa các cơ sở tín ngưỡng dân gian (lăng, miếu, đình, đền,... ) thường được gắn với lịch sử, dân tộc, kiến trúc nghệ thuật,… Trong xu thế cuộc sống phát triển hiện đại hiện nay thì việc tìm hiểu, hiểu biết về văn hóa, dân tộc, tâm linh là điều rất cần thiết để qua đó giáo dục truyền thống dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Tại Di tích kiến trúc nghệ thuật Lăng Lê Văn Duyệt nhằm thu hút khách đến với di tích, Ban Quản lý xem trọng công tác tu bổ, sửa chữa để Lăng ngày càng mỹ quan nhưng vẫn giữ được nét uy nghiêm, tôn kính; chăm sóc cây cảnh để môi trường đạt xanh, sạch, đẹp; nhân viên làm việc có tâm, hướng dẫn và phục vụ khách đến vui vẻ, niềm nở và ra về với tinh thần lạc quan phấn khởi. Trong thời gian tới Ban Quản lý sẽ lập phòng trưng bày, in tờ gấp quản bá rộng rãi, in logo biểu tượng Lăng,… Về giá trị phi vật thể, nghiêm túc duy trì và phát huy các nghi thức cúng tế truyền thống dân tộc, bổ sung bồi dưỡng lực lượng trẻ kế thừa để tiếp tục thực hiện nghi cúng đúng truyền thống.
Do đó đối với các di tích để quản lý và phát triển du lịch, kiến nghị các đơn vị chức năng đặc biệt là ngành Văn hóa - Thông tin và ngành Du lịch cần quan tâm một số vấn đề sau:
- Cần có những cơ chế rõ ràng, cụ thể hơn trong quản lý như việc thành lập Ban Quản lý, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho những người làm việc tại di tích.
- Ngành du lịch cần đưa một số di tích vào danh bạ nhất định qua đó tùy theo đối tượng khách để chọn di tích phù hợp tham quan.
- Cần đầu tư thêm cho các di tích cơ sở vật chất đạt chuẩn du lịch (phòng trưng bày, nhà vệ sinh,…) vì đa số các di tích còn hạn chế những điểm này do nguồn thu hạn hẹp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lê Trung Hoa (cb), Nguyễn Đình Tư, 2003, Từ điển địa danh Sài Gòn, Hồ Chí Minh, NXB Trẻ.
- Lonely Planet, 1999, Vietnam, 5th edition, Lonely Planet Publications.
- Luật Di sản văn hóa, 2001, Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10, Thông qua ngày 29/6/2001.
- Nguyễn Viết Ngoạn (cb), 2014, Trường ĐH Sài Gòn – Tạp chí Xưa & Nay, Di sản Sài Gòn, NXB Thời đại.
- Tài liệu, hồ sơ lưu tại khu Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Lăng Lê Văn Duyệt.
Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”