Thời trẻ, L. White thích thiên văn học, từng có ý định theo học chuyên ngành vật lý học nhưng sau khi vào lực lượng hải quân Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần I, ông lại đặc biệt quan tâm đến hành vi ứng xử của con người. Trước tiên đó là câu hỏi tại sao người ta chỉ dạy cho những người lính như ông về xã hội Mỹ, đất nước Mỹ cùng với bao sự thật liên quan bị bóp méo; sau đó là những câu hỏi liên quan đến việc tại sao các dân tộc, quốc gia lại cư xử như thế này chứ không phải như thế khác đã đưa L. White đến với tâm lý học và xã hội học. Ông đăng ký học cả hai chuyên ngành này tại Đại học Louisiana. Sau khi tốt nhiệp cứ nhân tâm lý học tại Louisiana vào năm 1923, ông đến học ở Đại học Columbia và năm sau nhận học vị thạc sĩ tâm lý học tại trường này.
Ở Đại học Columbia, L. white lại đam mê nhân học sau khi dự các khóa học do Alexander Goldenweiser – một cựu học trò của Franz Boas giảng dạy. Qua Alexander Goldenweiser, L. White hấp thụ phương pháp luận của trường phái Boas, đặc biệt quan tâm đến dân tộc học và có ác cảm với thuyết tiến hóa văn hóa truyền thống. Điều trớ trêu là không bao lâu sau đó, khi trực tiếp tiếp xúc với các công trình của Lewis Henry Morgan (1818-1881) và Herbert Spencer (1820-1903), L. White trở thành người phê phán Boas và lý luận của Boas bất kỳ khi nào có cơ hội. Theo ông, có thể Morgan và Spencer sai trong một số chi tiết nhưng giả thuyết chung về việc văn hóa có khuynh hướng tiến hóa từ những dạng thức đơn giản đến phức tạp hơn là đúng. L. White từ bỏ Đại học Columbia chuyển sang đại học Chicago và lấy bằng tiến sĩ nhân học tại đại học này năm 1927.
Sau khi nhận bằng tiến sĩ, L. White trở thành giáo sư của Đại học Buffalo (1927-1929), của Đại học Chicago và Đại học Michigan (1930-1970). Trong quá trình giảng dạy và trong các công trình nghiên cứu, L. White luôn đấu tranh cho quan niệm mới của mình về thuyết tiến hóa, ông gọi là học thuyết Tiến hóa mới (neo-evolutionism) hay Tiến hóa chung (general evolutionism). Ông cũng là người đi tiên phong trong việc kêu gọi các nhà nhân học hãy dừng lại việc thu thập các dữ liệu đơn thuần, thay vào đó cần đi sâu vào những ý nghĩa và cấu trúc bên trong của văn hóa. Ông đề xuất phải có một khoa học về văn hóa (culturology) để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu văn hóa với tư cách là một đối tượng chuyên biệt, đặc thù.
Thuyết Tiến hóa mới của L. White chịu ảnh hưởng khá sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Marx. L. White cho rằng cho rằng mọi chế độ xã hội – văn hóa đều có cơ sở vật chất và kỹ thuật của nó và đó chính là cơ sở của sự tiến hóa. Theo ông, văn hóa là “hệ thống thống nhất có tổ chức” (organized, integrated system) bao gồm ba hệ thống cấu thành là kỹ thuật, xã hội và tư tưởng. Hệ thống kỹ thuật (technological system) được cấu thành từ những công cụ, phương tiện khai thác lương thực và tri thức; hệ thống xã hội (sociological system) được cấu thành từ những quan hệ xã hội trong các lĩnh vực như gia đình, kinh tế, chính trị, tôn giáo; hệ thống tư tưởng (ideological system) gồm tri thức, tín ngưỡng được biểu hiện ở các biểu tượng. Trong ba hệ thống này, hệ thống kỹ thuật đóng vai trò cơ sở vì liên quan trực tiếp đến nhu cầu sinh tồn của con người và trong cơ sở sinh tồn này năng lượng đóng vai trò quan trọng nhất. Chính vì vậy học thuyết của L. White còn được gọi là “Quyết định luận năng lượng” (energy determinism). Theo L. White, tính hiệu quả của sự biến đổi năng lượng để con người dễ sử dụng có liên quan trực tiếp đến sự tiến hóa của văn hóa. Trong những điều kiện giống nhau, hiệu quả sử dụng công cụ cao hay thấp sẽ quyết định trình độ phát triển của văn hóa. Ông cũng nhấn mạnh đến việc áp dụng thuyết tiến hóa mới như nguyên lý chung đối với mọi nền văn hóa nên học thuyết của ông còn được gọi là thuyết Tiến hóa chung (general evolutionism).
Học thuyết của L. White bị nhiều người đương thời phê phán, nhất là ý kiến cho rằng L. White đã thiếu tính kiểm chứng bằng các tư liệu dân tộc chí. Người phê phán mạnh mẽ nhất là Julian Steward (1902-1972), người luôn triển khai lý luận trên cơ sở tư liệu dân tộc chí và quan niệm mỗi nền văn hóa có một cách tiến hóa khác nhau do những điều kiện đặc thù của từng nền văn hóa. Thuyết tiến hóa của Julian Steward, do vậy, là thuyết Tiến hóa đa hệ (multilinear evolution) với nhiều luận điểm đối lập với học thuyết tiến hóa chung, đơn hệ của L. White.
L. White qua đời ngày 31 tháng 3 năm 1975 tại California vì bệnh tim.
Các công trình chính:
Khoa học văn hóa. Nghiên cứu về nhân loại và văn minh
(The Science of Culture. A Study of Man and Civilization), 1949, 1969, 1971
Sự tiến hóa của văn hóa (The evolution of Culture), 1959
Các tiểu luận về Khoa học văn hóa (Essays in the Science of culture), 1960
Khái niệm “văn hóa” (The Concept of Culture), viết chung với Beth Dillingham, 1973
Khái niệm "Các hệ thống văn hóa". Bí quyết để hiểu các bộ lạc và các quốc gia (The concept of Cultural Systems. A Key to Understanding Tribes and Nations), 1975
Người biên soạn: Nguyễn Văn Hiệu