Từ những cơ sở đó, văn minh Việt Nam mang sẵn trong nó tính chất bản địa bền vững và tiếp thu các nền văn minh ngoại vi mà chủ yếu là ấn Độ và Trung Hoa. Hai nền văn minh lớn đó đã vào Việt Nam bằng đường biển và lục địa, được tiếp nhận, dung hoá hay nói một cách khác là được "bản địa hoá" đến nỗi sau này chính nó đã bị văn minh Việt Nam đồng hoá để thành một dạng mới, thích nghi, phát triển với bản địa.
Khi đã giao thoa với nhau, bằng cách này hay cách khác, các tôn giáo bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng, như nhà nhân học Samuel Hungtinton viết: "Nền văn minh là tập hợp văn hoá cao nhất cộng đồng con người và là mức độ rộng nhất của bản sắc văn hoá. Nền văn minh được xác định bằng cả những yếu tố khách quan như ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo, phong tục, thể chế và bằng sự tự xác định mình một cách chủ quan"(3). Như vậy, tôn giáo là một yếu tố của văn minh vào một thời gian nhất định nào đó như nhận định: "Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội, ra đời và phát triển từ hàng ngàn năm nay, tồn tại cùng loài người trong một thời gian khó mà đoán định trước được. Trong quá trình tồn tại và phát triển, tôn giáo ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống chính trị, tư tưởng văn hoá, xã hội và tâm lí, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán của nhiều quốc gia, dân tộc, của các tầng lớp người, nhất là đối với thế hệ trẻ"(4). Nội dung trên làm rõ sự hợp thành đó, dù trong một không gian và thời gian nhất định đã làm sáng tỏ đặc điểm tập trung của một nền văn minh.
Khi nói đến "đặc tính tôn giáo Nam Bộ" cần thấy rằng thực tế của Nam Bộ có tôn giáo và đạo giáo (religion, sectes religieux). Trên khái quát cơ bản những tôn giáo lớn đã du nhập vào Việt Nam (Bắc Bộ và Trung Bộ) và sau đó do điều kiện lịch sử lại tiếp tục vào Nam Bộ như Phật giáo. Cũng có những đạo giáo mới hình thành ở Nam Bộ từ giữa thế kỉ XIX đến nay như Bửu Sơn Kỳ Hương (1849), Tứ Ân Hiếu Nghĩa (1876), Hoà Hảo (1939), Cao Đài (1926), không kể Đạo Dừa là một đạo giáo nhỏ bé ở địa phương và sau năm 1975 coi như không còn tồn tại nữa.
Như trên đã nói, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (54 dân tộc) và đa văn hoá. Hầu hết các tôn giáo lớn đều có mặt. Ngoài ra, nhiều tôn giáo đã được bản địa hoá, biến dạng thành những đạo giáo cứu thế (sectes religieux messianistes), các tín ngưỡng á-tôn giáo (parareligion)(5) bao gồm những đạo giáo xuất phát từ Công giáo, Phật giáo lẫn lộn với tín ngưỡng bản địa, với mê tín dị đoan, những nghi thức, lễ hội kì bí, dùng bùa chú; các tín ngưỡng của các bộ tộc rừng núi còn bảo lưu cho đến nay. Và những đạo giáo cứu thế này thường mang nặng tính chất bộ lạc, chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài ngoại. Họ cũng tham gia hoặc bị lợi dụng vào những phong trào chính trị địa phương hoặc chống phong kiến, thực dân bóc lột(6) như: nhóm Maulani ở Indonésia (1842), nhóm Magdano ở Philippines (1897)… Dưới triều đại Mãn Thanh đã hình thành những tổ chức nửa đạo giáo nửa chính trị bí mật hoặc bán công khai, những cái tên tới nay vẫn còn được nhắc đến: Thiên Địa Hội, Thái Bình Thiên Quốc, Bạch Liên Giáo. Sau khi bị nhà Thanh đàn áp, tan rã, một số tìm cách lưu vong tới Nam Bộ, nơi có nhiều người Hoa sinh sống để dễ bề trốn tránh và hoạt động che giấu dưới những hội có tính chất đồng hương hoặc lễ bái cúng dường.
I- Với Tam giáo đồng nguyên, đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão, những đạo giáo ở Nam Bộ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo Đại thừa, của đạo Khổng mà những cơ chế đã được bản địa hoá từ lâu đời.
Học Phật Tu Nhơn là xương sống của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên lập năm 1849, sau được tín đồ gọi là Phật Thầy Tây An. ảnh hưởng của khoa Phong thuỷ học (trước 1975 gọi là địa lí = géomancie) cùng thuyết âm dương, Đạo giáo và kinh Dịch đã khiến ông Đoàn Minh Huyên coi Thất Sơn là nơi linh địa vì đó là "chỉ sơn" của "tả thanh long" (sông Mêkông) và “hữu bạch hổ” (dãy Trường Sơn) (bên trái là rồng xanh bên phải là hổ trắng) và đại huyệt là vùng Thất Sơn là "chỉ sơn" (núi tụ lại) từ Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Ông Đoàn Minh Huyên còn tin ở sấm Trạng Trình để có thể đổi đời, nghĩa là đánh đổ nhà Nguyễn:
Bửungọc quân minh thiên Việt nguyên
Sơn trung sứ mạng địa Nam tiền
Kỳ niên Trạng tái tân phục quốc
Hương xuất Trình sang tạo nghiệp yên
Theo Bửu Sơn Kỳ Hương đó là bài Tứ Linh Tự, ý nói là Thất Sơn là "núi quý hương lạ" và Trạng Trình sẽ ra đời để lập nghiệp yên(7).
Có thể Phật Thầy Tây An đã "ngộ đạo" trong suối nguồn của đạo lí Phật giáo. Và ông đã viết:
"Nhiệm mầu vui đạo Thích Ca
Thiền môn hứng chí Di Đà lòng chuyên
Nương thuyền Bát Nhã cho yên
Vào non ngũ uẩn tín thiềng sùng tu".(8)
Và dù có "học Phật" ông vẫn giữ cội nguồn truyền thống dân tộc và lí tưởng ái quốc "dân vi quý, quân vi khinh" của hệ thống tư duy Khổng - Mạnh:
"Kính trời, kính đất, thần minh
Tòng môn phụng sự giữa toàn Tứ Ân".(9)
Cạnh niềm tin vào "núi quý, hương lạ", vào "địa linh nhân kiệt" của phong thuỷ học, ông vẫn hi vọng vào một cuộc "đổi đời" tượng trưng là hội Long Hoa và "minh chúa" sẽ ra đời:
“Nhứt ngươn Đức Phật Thích Ca
Giáng sanh cõi thế Long Hoa hội kì”(10)
“Kính dưng Minh Chúa hưng long
Dân khương vật phụ thiên xuân thái bình”(11)
"Đạo Phật cùng người chẳng bao xa
Lành làm nên Phật dữ làm ma
Quới tiên cũng đua theo đường danh lợi
Nào ai thoát khỏi chốn Diêm La”(12)
Từ Phật Thầy Tây An, quan điểm học Phật tu nhơn được truyền tới đạo Hoà Hảo, Ông Huỳnh Phú Sổ tự nhận là hậu thân của Phật Thầy Tây An, là vị Phật Việt Nam. Trước đó là sự xuất hiện của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Người sáng lập là ông Ngô Lợi (1831-1890). Tín đồ gọi ông là Đức Bổn Sư. Ông vẫn theo đường lối học Phật tu Nhơn của Bửu Sơn Kỳ Hương nhưng việc làm cụ thể có nhiều điều khác. Giống nhau là không tu hành theo Phật pháp, không thờ tượng hay tranh Phật mà thay vào một tấm vải đỏ gọi là trần điều (đạo Hoà Hảo dùng màu nâu sậm gọi là trần đà), không tụng kinh Phật và đọc những kinh riêng như Giác Mê Tâm Kệ, Sấm Giảng Người Đời, kinh Phổ Độ Bàn Đào, Sấm Giảng Thi Văn. Tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hoà Hảo không lập chùa, không xuất gia, không cạo tóc, không mặc cà sa, không cúng kiếng, không ăn chay, không li gia cát ái ở chùa. Họ cũng không tin, không cúng kiếng tà ma quỷ thần, bói toán, không cúng vàng mã cho người chết, không uống rượu.
Về phần tu Nhơn, tín đồ chịu ảnh hưởng nặng nề của đạo Khổng (đã được bản địa hoá), nặng truyền thống văn minh Việt Nam: thờ cúng tổ tiên, yêu nước thương nòi, theo tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức. Khi cúng kiếng còn khấn ta bà giáo chủ, Thích Ca Mầu Ni Phật, thập phương pháp, thập phương tăng, chư vị sơn thần, chư vị năm non bảy núi, thiên hoàng, địa hoàng, nhân hoàng. Ngoài ra họ còn khấn những anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân, chư quan cựu thần (cụ thể như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Hai Bà Trưng, Bình Định Vương Lê Lợi, cả Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định…).
Có lẽ phần tu Nhơn, những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hoà Hảo thể hiện lối sống nông dân, nặng truyền thống dân tộc có khi đến bảo thủ với bới tóc, áo vạt hò, quần lá nem, đi chân đất. Có thể nói không quá đáng rằng, vùng Thất Sơn là nơi duy nhất ở nước ta còn bảo lưu những bản sắc văn hoá về y phục.
Tu Nhơn của Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hoà Hảo đi vào cụ thể hơn như ghi trong quan điểm tứ đại trọng ân: ân tổ tiên, cha mẹ, ân quê hương đất nước, ân nhân loại đồng bào. Duy có ân Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) thì những đạo giáo này không nhắc đến.
II- Tư tưởng Phật giáo nặng về tư tưởng thiền.
Phật tại Tâm, Tâm tức Phật, chúng sinh là Phật sẽ thành, không nặng về lối tu hành kinh viện. Quan điểm này rất rõ nét và cụ thể từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đến Hoà Hảo: Đạo và Đời phải gắn chặt, "xong đạo làm người mới nói đến chuyện học Phật"(13) và rất ca ngợi gương trung dũng của Quan Công. Kinh Đào Viên Minh Thánh Kinh của Tứ Ân Hiếu Nghĩa có ghi:
“Lòng trung che lấp ánh trời
Khí hùng xông suốt tận trời nể oai
Râu dài nghĩa khí cũng dài
Mặt đỏ, lòng đỏ mới trai anh hùng”.(14)
III- Những người lập đạo là nông dân, tín đồ là nông dân nghèo, chịu nặng nề áp bức của triều đình phong kiến và đại điền chủ. Họ giàu lòng yêu nước nhưng lại mê tín và hay tin vào thần quyền, tin vào một lãnh đạo thần quyền để giải quyết thế quyền. ảnh hưởng của những vị đạo sĩ vừa là tiên tri (prophète) vừa là "minh chủ" được đề cao.
Do đó, từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hoà Hảo cũng như Cao Đài đều mang tính chính trị và thường tuỳ thời điểm, cơ hội mà lập ra những tổ chức chính trị gắn với tôn giáo. Họ thường không có hệ thống triết học giáo lí và thần học mà chỉ nặng nề về "tuỳ cơ ứng biến" mang tính thực dụng nhất thời, "lựa gió kéo buồm" để thực hiện những tham vọng cá nhân hoặc một nhóm lãnh đạo. Điều này khiến một số người cầm đầu các đạo giáo đã bất chấp tính nguyên tắc của Phật giáo là từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha, đã lập cả những tổ chức chính trị và vũ trang, bị lôi cuốn vào các hoạt động chống lại dân tộc và cách mạng. Khi vai trò thống trị của một số nước xâm lược Tây Phương và thực dân Pháp đã yếu đi, và Nhật Bản ngày càng mạnh lên, nhất là sau khi đánh thắng hạm đội Sa hoàng Nga ở eo biển Đối Mã năm 1905, Nhật Bản trở thành cường quốc về kinh tế và quân sự. Kể từ sau khi có cuộc Minh Trị Duy Tân trong nửa cuối thế kỉ XIX, Nhật Bản đã có mưu đồ làm bá chủ Châu á và tuyên truyền rất mạnh thuyết "Châu á của người Châu á" và thuyết "Khối thịnh vượng chung Đại Đông á" (The Greater East-Asia Co-Properity Sphere) được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi vào những năm 1943 trở đi(15). Những nước có thuộc địa ở Châu á lúc đó phản ứng lại thuyết này khá mạnh mẽ bằng lí luận như cuốn Le Peril Jaune (Hiểm hoạ da vàng) của Claude Farrère, bằng chính trị như lập ra cả tổ chức chính trị tay sai thân Tây Phương, vực lại các chính thể quân chủ bù nhìn và lập các tổ chức võ trang bí mật hoặc nửa bí mật để đề phòng khi Nhật Bản đảo chính hoặc xâm lược.
Thực hiện những âm mưu đó, cả Nhật và Pháp vẫn hoặc công khai hoặc bí mật liên hệ với những trí thức nằm trong các đạo giáo này. Tính chất dùng tôn giáo để hoạt động "chính trị thời vụ" rất rõ: "Năm 1942, Nhật mua chuộc lôi kéo Hoà Hảo, đưa ông Huỳnh Phú Sổ về Sài Gòn. Tại đây ông Huỳnh Phú Sổ vận động một số nhân vật chính trị của một số tổ chức, đảng phái thân Nhật như Đại Việt, Quốc Dân Đảng vào đạo Hoà Hảo để gây thanh thế. Thời gian này, nhiều thanh niên đạo Hoà Hảo tham gia các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự do Nhật lập ra và thao túng"(16). Đến khoảng năm 1946, ông Huỳnh Phú Sổ và một số chức sắc thân cận lập ra những đảng phái chính trị vừa mang tính "tôn giáo cứu thế" như Việt Nam Dân chủ Xã hội đảng (Dân Xã đảng), Việt Nam Quốc gia Độc lập đảng và cả những lực lượng vũ trang riêng(17) mà chỉ sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, những tổ chức chính trị và lực lượng vũ trang như thế mới bị giải tán.
Đạo Cao Đài cùng mang một dạng đạo giáo cứu thế nhưng có phần khác đạo Hoà Hảo về mặt dùng chính trị và quân sự để thực hiện mưu đồ tranh bá đồ vương. Năm 1939, đạo Cao Đài đã lập Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội do Kỳ ngoại hầu Cường Để làm Uỷ viên trưởng (Kỳ ngoại hầu Cường Để là dòng họ vua nhà Nguyễn, lưu vong sang Nhật thời kì Đông Du và ở lại Nhật, được Hoàng đế Nhật gả một người trong tôn thất cho). Cao Đài cử một người đại diện là Trần Văn Ân gặp Matusita, Giám đốc hãng thương mại Dainan Koosi và ông này là người liên lạc giữa Cao Đài và Kỳ ngoại hầu Cường Để lúc đó cư ngụ ở Nhật. Nhiều tín đồ Cao Đài vào tổ chức này và một số tổ chức bán quân sự gồm khoảng 3.000 chức sắc và tín đồ Cao Đài do Trần Quang Vinh cầm đầu được tổ chức gọi là Nội ứng nghĩa binh nguỵ trang dưới hình thức là công nhân của xưởng đóng tàu của Nhật ở Sài Gòn(18). Cuộc liên kết với Kỳ ngoại hầu Cường Để và Nhật Bản chấm dứt khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh tháng 8/1945. Sau đó, Cao Đài tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp một thời gian ngắn. Qua sự mua chuộc của thực dân Pháp đang trở lại xâm lược Nam Bộ, một số chức sắc cầm đầu Cao Đài và quân đội Cao Đài do Nguyễn Văn Thành chỉ huy đã hợp tác với Pháp; và sau đó lại hợp tác với chính phủ bù nhìn do đế quốc Mỹ dựng nên.
IV- Đạo Cao Đài, một loại hình hỗn hợp của các tôn giáo Đông Phương và Tây Phương, một sự pha trộn những yếu tố văn minh Việt Nam và ngược lại, mang theo những quan điểm kì bí của mê tín siêu hình.
Như những đạo giáo khác ở Việt Nam, đạo Cao Đài xuất hiện như phản ứng của nhân dân thuộc lớp nghèo và tiểu tư sản ở nông thôn và thành phố trước tình hình kinh tế, chính trị, xã hội dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Nhưng đạo Cao Đài có điều khác biệt là do những người thuộc tầng lớp tư sản, địa chủ, tiểu tư sản, công chức lập ra. Đây cũng là sự dị ứng đối với các tôn giáo lớn như Công giáo, Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa, với cả đạo Khổng và đạo Lão. Dị ứng và thất vọng vì những tôn giáo này lúc đó thể hiện những điều ngược lại với nguyện vọng của nhân dân. "Đạo Phật Tiểu thừa tại chỗ với phương châm "tự độ, tự tha", chỉ giải thoát cho ai xuất gia tu hành, khó hoà hợp với lối sống của người Nam Bộ. Đạo Phật Đại thừa bị suy vi từ mấy thế kỉ trước nay lại chia rẽ thêm nhiều tông phái và nhất là sự thâm nhập các yếu tố mê tín dị đoan của đạo Lão. Nói tóm lại sự suy sụp của các tôn giáo và đạo lí đương thời tạo ra khoảng trống về tư tưởng tín ngưỡng tạo điều kiện thuận lợi cho đạo Cao Đài ra đời và phát triển"(19).
Không những đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão được thâu tóm trong đạo Cao Đài mà tất cả những tôn giáo khác cùng bị "Cao Đài hoá" với quan điểm: "Tam giáo quy nguyên là ba tôn giáo lớn ở á Đông: Khổng giáo, Lão giáo và Thích giáo, nay đồng quy về nguồn gốc, về cái lí duy nhất bổn sơ. Ngũ chi phục nhất là nhân đạo, thần đạo, thánh đạo, tiên đạo và Phật đạo nay đều trở về lí duy nhất nói trên"(20).
Sự hỗn hợp tôn giáo trong Cao Đài nhằm mục đích thâu tóm tín ngưỡng thành một mối với một đại diện Thượng Đế mang tính độc thần duy nhất, tối thượng tối cao, chỉ có một ngôi. Đó là Thượng Đế đích thân mượn tên: Cao Đài Tiên Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát bao gồm Phật giáo (Phật Thích Ca), Lão giáo (Lão Tử), Nho giáo (Khổng Tử) và ngũ chi là Thần đạo (Khương Thái Công), Thánh đạo (Jésus Christ), Tiên đạo (Lý Thái Bạch), Nhơn đạo, Phật đạo(21). Riêng việc thờ giáo chủ Hồi giáo (Islam) Mohamed chỉ thấy có phái Phổ Thông Giáo Lý nhắc đến(22). Đạo Cao Đài là tôn giáo hỗn hợp không những chỉ có tín ngưỡng đông, tây, kim, cổ mà cả trong các thần thánh gồm cả Victor Hugo (nhà văn Pháp mặc bộ y phục Viện sĩ Hàn lâm viện Pháp), Tôn Trung Sơn. Bản chất hỗn hợp cũng rõ nét như: mượn lối cầu cơ của Victor Hugo, kiến trúc theo "thượng á, hạ Âu", tổ chức giáo hội theo lối phương Tây, nội thất trang trí cột rồng, long sàng như các vị hoàng đế Trung Hoa thời phong kiến. Nam nữ tín đồ ra vào cửa riêng, ngồi riêng như Hồi giáo. Về Cao Đài, Maguerite Marie Thiollier đã nhận định: "Đạo Cao Đài, tôn giáo hỗn hợp ở Việt Nam, mang xu hướng thần trí, kết hợp Phật giáo, Kitô giáo, Khổng giáo, Đạo giáo và Thần giáo, trong đó thuật thông linh đóng vai trò chi phối… Giáo phái chính trị tôn giáo rất có tôn ti trật tự này có một ảnh hưởng lớn tới các sự kiện chiến tranh ở Việt Nam"(23).Đạo Cao Đài còn có tín đồ người Khmer ở Tây Ninh và ở cả Campuchia, có thánh thất ở Hà Nội, ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ở Pháp, ở Hoa Kỳ, ở Campuchia. Đạo Cao Đài có đông tín đồ ở Phnom Penh gọi là xóm Cao Đài, có thánh thất và khi ông Hộ pháp Phạm Công Tắc (sống lưu vong từ đầu năm 1956) mất vào năm 1971, nhục thân ông vẫn chôn ở đó. Đạo Cao Đài là đạo giáo có tên trong các tự điển tôn giáo nước ngoài và được mời dự những hội nghị tôn giáo quốc tế. Một tín đồ người Pháp là Gabriel Gobron đã viết cuốn Le Caodaisme (Đạo Cao Đài) bằng tiếng Pháp và xuất bản năm 1950(24).
Nhìn chung, đặc tính của những tôn giáo và đạo giáo ở phía Nam được thể hiện như sau:
1/ Không biểu hiện tính cực đoan như một số giáo phái tôn giáo trên thế giới mà từ xa xưa hay tới đầu thế kỉ XXI vẫn thường giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tôn giáo bằng các cuộc bạo lực vũ trang đổ máu, mang nặng tính khủng bố, kì thị tôn giáo, chủng tộc. ở Việt Nam từ xưa tới nay không có xung đột tôn giáo. Điều này thể hiện rõ bản chất độ lượng, dung hoá, hiếu hoà, nhân ái của các dân tộc Việt Nam vốn hàng nghìn năm đã có truyền thống này.
2/ Tín đồ các tôn giáo, đạo giáo hầu hết là nông dân ở miệt vườn và do nhiều yếu tố về địa lí nhân chủng, xã hội, kinh tế, văn hoá nên hình thành những cộng đồng tôn giáo tương đối tập trung như Phật giáo Nam tông của người Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh và rải rác ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh, người Khmer ít khi theo tôn giáo khác. Phật giáo Đại thừa (Mahayana = Bắc tông) có tín đồ chủ yếu là người Kinh, người Hoa thường tập trung ở các thị trấn, thị xã, thành phố, các nơi đông dân cư.
3/ Vì đời sống xã hội còn thấp, dân trí chưa cao nên một số tín đồ tôn giáo và đạo giáo (trừ Công giáo, Tin Lành và Islam) thường có xu hướng "đời thường hoá" các tín ngưỡng trở thành mê tín dị đoan, ví dụ: lễ Phật, lễ Bà Chúa Xứ, lễ Ông Bổn, Đức Thánh Quan để cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức, tình duyên, và cầu "đổi đời". Họ tin rằng vay vốn Bà Chúa Xứ ở núi Sam - Châu Đốc sẽ làm ăn phát tài, nhất là giới bình dân, đặc biệt là tiểu thương. Thậm chí quá tin tưởng sự linh nghiệm của Bà Chúa Xứ, họ còn lập miếu thờ Bà Châu Đốc 2 (Bà Châu Đốc 1 ở núi Sam, Châu Đốc) ở ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và tên chính thức của miếu là Ngũ Hành Miếu (xây năm 1993). Họ cũng đôi khi thờ chung cả Ông Cọp, Ông Địa, Thần Tài, Quan Thánh… nhưng chính vẫn là Bà Châu Đốc. Còn có cả miếu thờ Bà Châu Đốc ở quận 9, thành phố Hồ Chí Minh.
4/ Tôn giáo, đạo giáo không thể tách khỏi sự phát triển của lịch sử và xã hội, hay nói cách khác là Đạo không thể tách khỏi Đời, Đạo mà xa Đời thì Đạo như cây lìa đất, sẽ khô héo lụi tàn.
5/ Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có những đường lối, chính sách rõ ràng và độ lượng với các tôn giáo và đạo giáo như đã ấn định trong Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (điều 70):
"Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật".
"Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ".
"Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách Nhà nước"(25).
Đáp lại chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta các tôn giáo và đạo giáo đã đưa ra đường lối "tốt đời đẹp đạo", "sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc", "kính Chúa yêu Nước", "đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội", cùng dân tộc làm trọn nghĩa vụ thiêng liêng là giữ vững nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam, xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh với nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (Số 2(26)/2004)
http://www.vae.org.vn/
__________________________
1. Đào Duy Anh. Lịch sử Việt Nam. Hà Nội 1955.
2. Olov. R. T. Jansé, người đã nghiên cứu khai quật những hiện vật về thời kì đồ đồng ở Đông Sơn (Thanh Hoá) từ năm 1934 đến năm 1939; giáo sư tại các Đại học Harvard, Đại học Paris…; tác giả cuốn Nguồn gốc văn minh Việt Nam. Bản dịch của Cao Hữu Hoàng, Nxb Đại Học, Huế, 1961, tr. 5.
3. Samuel Hungtinton. The Clash of Civilization. Canada 2001. Bản dịch Sự va chạm của các nền văn minh. Nguyễn Phương Sửu và tập thể, Nxb Lao động, Hà Nội 2003, tr. 36.
4. Nguyễn Tài Thư (chủ biên). ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1997, tr. 206.
5. Encyclopaedia Britannica, 1994-2002.
6. Vittorio Lanternari. Les Mouvements Religieux Des Peuples Opprimes. Bản dịch Những phong trào tôn giáo của những dân tộc bị áp bức. Paris 1962, tr. 27.
7. Trực Minh. Lược sử Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. 1975, tr. 15-16.
8. Sấm Truyền của Tông phái Phật Thầy (bản phiên âm) trong Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An của Nguyễn Văn Hầu, Tông Sơn Cổ Tự xuất bản, 1973, tr. 102.
9. Sấm Truyền của Tông phái Phật Thầy. Sđd, tr. 109.
10. Sđd, tr. 111.
11. Sđd, tr. 118.
12. Bổn Chánh Kim Cổ Kỳ Quan (toàn bộ 9 quyển), lời Phật Thầy năm Kỉ Dậu, nhằm năm 1849, ông Nguyễn Văn Thới (Ba Thới) Bửu Sơn Kỳ Hương, Láng Linh sưu tập, ấn quán Văn Khiêm, Long Xuyên 1957, tr. 36.
13. Hà Tâm Dân. Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Hệ phái Tứ Â n Hiếu Nghĩa, Tủ sách Sưu khảo tư liệu, 1971, tr. 33.
14. Sđd, tr. 47
15. Morinosuke Kajima (Viện trưởng Viện Hoà bình Thế giới). The Road To Pan-Asia (Con đường tới Liên á), Tokyo 1943, tr. 23.
16. Ban Tôn giáo Chính phủ. Một số tôn giáo ở Việt Nam. Hà Nội 1993, tr 206.
17. Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo. Tổng Đoàn Bảo An Hoà Hảo. Thánh địa Hoà Hảo 1973.
18. Phan Kỳ Chưởng. Đạo Cao Đài và chính trị. Luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chính Sài Gòn, 1973, tr. 67, 68.
19. Sđd, tr. 180.
20. Huệ Lương. Tiểu sử Ngũ giáo Thánh Nhơn Tam Trấn và Đức Khương Thái Công. Phổ thông giáo lí xuất bản, Sài Gòn 1964, tr. 3.
21. Tiếp pháp Trương Văn Tràng. Giáo lí. Toà thánh Tây Ninh xuất bản, 1970, tr. 54.
22. Sđd.
23. Maguerite Marie Thiollier. Dictionnaire des Religions, (Từ điển Tôn giáo).Editions Chapitre, Paris 2001, p. 100.
24. Gabriel Gobron. Le Caodaisme.Sài Gòn 1950.
25. Ban Tôn giáo Chính phủ. Các văn bản của Nhà nước về hoạt động tôn giáo (Lưu hành nội bộ), Hà Nội 1992, tr. 7.