1. Đặt vấn đề
Trà Vinh là tỉnh đặc thù có nhiều dân tộc như: Kinh, Khmer, Hoa và một bộ phận người Chăm cùng cộng cư sinh sống từ rất lâu. Trải qua chiều dài lịch sử đáng tự hào này, cộng đồng các dân tộc ở đây đã sáng tạo nên những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đặc sắc và mang nhiều giá trị. Những di sản văn hóa này luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc của mỗi dân tộc, là sự kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của nhiều thế hệ lao động của người dân trên vùng đất này.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đang gặp nhiều khó khăn, đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan quản lý và các chủ thể của di sản, những người đang trực tiếp thực hành di sản. Làm cách nào và làm như thế nào để tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý di sản là một việc làm cần thiết nhằm góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị đó.
2. Thực trạng di sản văn hóa ở Trà Vinh
2.1. Di sản văn hóa phi vật thể
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác [Tiêu chuẩn quốc gia 2014: Thuật ngữ và định nghĩa chung].
Ở Trà Vinh có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: tiếng nói - chữ viết của các dân tộc thiểu số, văn học dân gian, tục ngữ, ca dao, luật tục, hương ước, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống,... Đặc điểm của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ và được lưu truyền thông qua con đường truyền miệng, là những kiệt tác có giá trị đặc biệt do nhân loại sáng tạo nên, có sức ảnh hưởng lan tỏa trong cộng đồng và sự độc đáo của bản sắc văn hóa, có tính ứng dụng chất lượng kỹ thuật và khả năng mang lại hiệu quả và giá trị như một chứng nhân độc đáo cho truyền thống văn hóa.
Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đã chỉ đạo cho đơn vị Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiến hành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên phạm vi toàn tỉnh và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập, ghi chép và thống kê lại toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh nhằm nhận diện tổng quát và xác định các giá trị của di sản từ tên gọi, loại hình, chủ thể, địa điểm, không gian văn hóa, sức sống, đặc điểm, những kỹ năng, kỹ thuật, nghệ thuật, những tri thức do nghệ nhân sử dụng trong trình diễn các loại hình nghệ thuật, và các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa phi vật thể nhằm mục đích cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng lại các hiện tượng văn hóa đã và đang có nguy cơ mai một cần bảo vệ khẩn cấp, mục đích của kiểm kê là bảo vệ di sản. Trên cơ sở đó phân loại, xác định loại hình, di sản nào đang có nguy cơ mai một cao, có giá trị tiêu biểu để lựa chọn lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ đó có căn cứ và cơ sở pháp lý cho các hoạt động xây dựng các đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Trà Vinh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian của cộng đồng các dân tộc ở đây được phát huy như: Lễ hội Ok-Om-Bok của dân tộc Khmer, lễ hội cúng biển Mỹ Long, lễ hội Neak Tà của người Khmer, làng nghề Cốm dẹp ở Ba So, Cầu Ngang và Giồng Chanh A, Long Hệp, Trà Cú; nghề dệt chiếu truyền thống ở Cà Hom - Bến Bạ; nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer, nghệ thuật viết chữ trên lá Buông (Satra), nhiều bài dân ca, truyện dân gian, câu đố được nhiều người lưu giữ và truyền miệng lại cho thế hệ mai sau.
Tính đến nay có trên 20 đề tài, dự án sưu tầm, truyền dạy, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nguồn vốn của các tổ chức văn hóa, của ngân sách địa phương. Đặc biệt, qua kết quả kiểm kê có 24 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được đưa vào Danh mục kiểm kê, trong đó, đã lập 07 hồ sơ khoa học di sản trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đã có 05 di sản được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer tỉnh Trà Vinh, Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Trà Vinh, Lễ hội cúng biển Mỹ Long, Lễ hội Ok-Om-Bok của người Khmer tỉnh Trà Vinh, Nghệ thuật Rô-bam của người Khmer tỉnh Trà Vinh. Hiện tại, trong năm 2017, cơ quan chuyên môn cũng đang tiến hành lập hồ sơ Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer tỉnh Trà Vinh để đề nghị Bộ VHTTDL xét đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia [Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh].
Trong các di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục kiểm kê có một số di sản văn hóa đang có nguy cơ mai một cần bảo vệ khẩn cấp nhằm lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc. Trước thực trạng di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một cao, cần có giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể một cách khoa học.
2.2 Di sản văn hóa vật thể
Căn cứ quy định của Luật Di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh hiện nay được chia làm bốn loại hình: di tích lịch sử (di tích lịch sử lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân), di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh [Luật Di sản văn hóa Việt Nam 2003: Điều 4].
Qua kết quả kiểm kê, toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 528 di tích nằm trải khắp trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố (trong đó có 08 di tích khảo cổ, 159 di tích lịch sử, 360 di tích kiến trúc nghệ thuật và 01 di tích danh thắng). Dự kiến có khoảng 100 di tích đủ tiêu chí lập hồ sơ đề nghị xếp hạng (trong đó có 30 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh). Tính đến thời điểm hiện nay Trà Vinh có 35 di tích đã được xếp hạng (13 di tích cấp quốc gia 22 di tích cấp tỉnh [Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh 2017].
Trong số các di tích đã được xếp hạng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý, bảo vệ các di tích sau: di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Long Đức, thành phố Trà Vinh; di tích khảo cổ Lưu Cừ II ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú; di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy và di tích Bến Tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu ở thị xã Duyên Hải; di tích danh thắng Ao Bà Om ở phường 8, thành phố Trà Vinh. Tại các di tích này đều có biên chế, nhân sự của đơn vị phục vụ. Riêng các di tích đã được xếp hạng còn lại như các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thị xã, thành phố và chủ sở hữu di tích cùng chính quyền địa phương phối hợp quản lý, bảo vệ.
Trong những năm qua, các di tích đã được Nhà nước đầu tư để tu bổ, tôn tạo như: công trình chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo khu di tích Ao Bà Om (hạng mục lót đan, tổng mức đầu tư 486.918.000 đồng, năm thực hiện 2013-2014; hạng mục san lấp mặt bằng, tổng mức đầu tư 993.856.000 đồng, năm thực hiện 2013-2014; hạng mục cải tạo hệ thống điện chiếu sáng, tổng mức đầu tư 331.657.595 đồng, năm thực hiện 2010); công trình nâng cấp khu di tích Bến Tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu (tổng mức đầu tư 1tỷ đồng, năm thực hiện 2012-2013); công trình chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (hạng mục đường dây hạ thế cấp ngầm, tổng mức đầu tư 994.095.000 đồng, năm thực hiện 2012-2013); công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Âng (hạng mục: tu bổ, tôn tạo tổng thể, chính điện, sala, tăng xá, thư viện; tổng mức đầu tư 20.467.728.739 đồng, năm thực hiện 2010-2013); trùng tu di tích chùa Long Thành (hạng mục xây dựng chánh điện, tổng mức đầu tư 973.164.156 đồng, năm thực hiện 2011-2012); công trình chống xuống cấp và tôn tạo di tích chùa ấp Sóc (tổng mức đầu tư 834.752.842 đồng, năm thực hiện 2010); trong năm 2015 thực hiện 03 dự án chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích: Bảo quản, tu bổ di tích, phế tích kiến trúc Lưu Cừ II, Cải tạo ao sen Đền thờ Bác, Bảo quản, tu bổ di tích Ao Bà Om (hạng mục: bảo dưỡng cây xanh): 600 triệu đồng [Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh].
Tuy nhiên, nguồn kinh phí tu bổ tôn tạo đối với các di tích đã được xếp hạng thì còn hạn chế so với yêu cầu thực tế. Vì vậy, một số chủ sở hữu quản lý di tích đã tự vận động nguồn vốn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên hiện trạng di tích như: di tích chùa Ta Lôn xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải; di tích Phước Minh Cung phường 2, thành phố Trà Vinh; di tích chùa Ba Sy xã Phương Thạnh, huyện Càng Long; di tích đình Bà Trầm xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành; di tích chùa Chrôi Tansa xã Kim Sơn, huyện Trà Cú; di tích chùa Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang… Nhìn chung, các di tích đã được xếp hạng do một tập thể hoặc cá nhân trực tiếp quản lý thì ít nhiều đều có nguồn kinh phí xã hội hóa trong việc tu bổ, tôn tạo.
Bên cạnh công tác tu bổ, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo, lớp tập huấn quản lý di tích cho những đối tượng hoạt động tại các di tích để cùng chung tay với Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Các di tích khảo cổ học cũng được quan tâm, chú trọng. Trong năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học (Viện KHXH vùng Nam Bộ) tiến hành điều tra, thám sát, khai quật di tích Bờ Lũy - chùa Kom Pong Thmo, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành. Kết quả khai quật đã phát hiện được nền móng của sáu kiến trúc xây bằng gạch phân bố trong một không gian liền khoảnh, trên khu vực có thế gò đất nổi cao hơn so với xung quanh. Ngoài ra, qua công tác điều tra, khảo sát còn phát hiện vết tích kiến trúc phân bố trải rộng trên phạm vi khoảng 4.500 m2 đến 5.000 m2 và những ghi nhận rất mới về vết tích vòng lũy đắp đất nằm liền kề phía Tây di tích chùa Kom Pong Thmo [Trung tâm Khảo cổ học 2015].
Các hiện vật thu được sau khai quật như mảnh đồng thau, các mảnh kim loại vàng có chạm khắc thể hiện hình voi, hình hoa sen, các hiện vật bằng đất nung, mảnh gốm thường được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo, rất phổ biến trong văn hóa Óc Eo (thế kỷ thứ IV-VII AD). Qua kết quả điều tra, thám sát khai quật và phát hiện các vết tích, các nhà nghiên cứu Khảo cổ học có nhận định bước đầu di tích chùa Kom Pong Thmo là nền - móng phế tích kiến trúc tôn giáo có quy mô lớn và rất phong phú, có giá trị to lớn, mang đặc trưng văn hóa Óc Eo [Trung tâm Khảo cổ học 2015]. Đây là kiến trúc có quy mô lớn nhất, rất độc đáo và lần đầu tiên được phát hiện ở Tây Nam Bộ. Bờ Lũy - vòng thành có quy mô và độc đáo nhất ở Nam bộ hiện nay. Hiện tại, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học hoàn chỉnh nội dung hồ sơ khoa học di tích này trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét xếp hạng di tích cấp quốc gia thuộc loại hình di tích khảo cổ học.
Trong số các hiện vật mà Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang lưu giữ và bảo quản thì có Ngẫu tượng Linga-Yoni. Đây là hiện vật đầu tiên của tỉnh Trà Vinh được công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2016 [Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh].
Ngẫu tượng Linga-Yoni (Sinh thực khí nam và nữ) có niên đại thế kỷ thứ V-VI sau công nguyên (kích thước H: 2.1cm, R: 3.7cm, trọng lượng 150 gam), được chế tác thủ công với chất liệu đá thủy tinh trong suốt (Crystal rock) bằng nhiều công đoạn kỹ thuật như: đục, ghè, đã, mài,… tạo nên một biểu tượng linh vật thờ hoàn chỉnh và được các nhà khảo cổ học phát hiện trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ học Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú năm 1986. Di tích này được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào ngày 09/01/1990 (Quyết định số 34/VHQĐ ngày 09/01/1990 của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Ngẫu tượng Linga-Yoni được tạo tác có dạng hình trụ liền nhau trong một khối. Yoni hình tròn có đường kính đáy 3.4 cm, đường kính bề mặt 2.3cm, có vòi nhô ra 0.7 cm, trên bề mặt thân vòi được tạo rãnh nước để thực hành sinh hoạt nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo. Lòng Yoni được đục lõm đều để tạo gờ nhỏ. Trung tâm của khối có dạng tròn được tạo tác hình Linga nhỏ hình trụ. Linga có đầu tròn, mài nhẵn cân đối, chiều cao 0.9cm, đường kính 0.6 cm [Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh 2015].
Qua khảo sát các hiện vật khảo cổ học về loại hình hiện vật trên, các nhà nghiên cứu cho rằng Linga-Yoni Lưu Cừ II (Trà Vinh) là hiện vật độc bản và có giá trị đặc biệt về lịch sử, khoa học, văn hóa. Hiện vật minh chứng di tích Lưu Cừ II là đền thờ thần Shiva thuộc giai đoạn phát triển của nền văn hóa Óc Eo được tạo tác với một trình độ kỹ thuật cao nhất là trên nền chất liệu đá thủy tinh. Hiện vật được phát hiện ngay trong địa tầng di tích khảo cổ, do đó có đầy đủ tính xác thực là hiện vật thuộc di tích Lưu Cừ II. Đây cũng là cơ sở khoa học trong việc giúp các nhà khoa học có giải thích hợp lý về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật không chỉ của hiện vật mà cho cả di tích kiến trúc Lưu Cừ II. Hiện vật đã góp phần minh chứng trên địa bàn Nam Bộ có một nền văn hóa bản địa đã từng tồn tại và phát triển rực rỡ, đó là văn hóa Óc Eo, trong đó có tỉnh Trà Vinh đã từng tồn tại từ thế kỷ thứ I-VII sau công nguyên.
Di tích lịch sử - văn hóa là di sản quý báu và là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc. Di tích là những vết tích, những gì còn lại qua thời gian và được lưu lại cho đến ngày hôm nay, bao gồm những hiện vật là vật chất như: đình, chùa, miếu, đền tháp, nhà cửa, các công trình xây dựng kiến trúc cổ có giá trị mĩ thuật,… Di tích lịch sử phản ánh những hoạt động, đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của con người trải qua thời gian hay một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử. Mặt khác, đây còn là nơi lưu niệm, trưng bày, tưởng nhớ các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Di tích lịch sử - văn hóa là những dấu ấn của một thời đại, có những di tích còn nổi trên mặt đất, có di tích đã chìm sâu trong lòng đất hay đã bị ngập nước.
Những di tích lịch sử - văn hóa là những nguồn sử liệu trực tiếp, cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng về trang sử hùng tráng của dân tộc, truyền thống hào hùng của ông cha ta, của những thế hệ đi trước trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chính vì di tích lịch sử là những bằng chứng lịch sử nên nó được xem là phương tiện để nhận thức các sự kiện đã qua, từ đó nhận thức đúng về các sự kiện, nhân vật lịch sử có liên quan để lưu truyền cho thế hệ sau.
Trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, các di tích lịch sử văn hóa như: đình, chùa, miếu, danh lam thắng cảnh,… có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh và tín ngưỡng của con người. Gắn liền với đó là các sự tích, truyền thuyết, tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến sự tạo thành và tồn tại của các di tích trong tiến trình lịch sử. Với một ý nghĩa như vậy, những giá trị của di tích không chỉ được xem như là bản thông điệp giữa các thế hệ mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Ngày nay, với xu thế hội nhập, văn hóa là nền tảng cho sự phát triển của dân tộc, quốc gia. Thực tế, việc sử dụng, khai thác di tích diễn ra chồng chéo nhau, vì các cơ quan bảo tồn, du lịch, điện ảnh, thương mại, dịch vụ… địa phương đều hướng vào khai thác di tích. Mỗi nơi một cách; các hoạt động chưa được quản lý, phối hợp chặt chẽ.
3. Đề xuất - kiến nghị
Bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là một lĩnh vực hoạt động đầy khó khăn, phức tạp. Lĩnh vực hoạt động này vừa mang tính khoa học sâu sắc, vừa mang tính thực tiễn sinh động, đồng thời là lĩnh vực hoạt động mang tính xã hội cao. Nên công tác này là việc làm cấp bách và cần phải có giải pháp hợp lý, kịp thời để bảo vệ và phát huy di sản.
Trước hết, cần tuyên truyền, phổ biến cho mọi người hiểu đúng, nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của giá trị di sản văn hóa, bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để từ đó có sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo công chúng trong toàn xã hội cùng với cơ quan chức năng chung tay gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản.
Thứ hai, có những chính sách đãi ngộ, khuyến khích hỗ trợ các chủ sở hữu di sản, những nghệ nhân đang thực hành di sản để góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị đó. Cử cán bộ phụ trách lĩnh vực di sản đi cơ sở khảo sát và có kế hoạch mở lớp đào tạo, truyền dạy kỹ năng thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Thành lập các phòng, ban chức năng chuyên môn để tạo được hệ thống tổ chức trong công tác quản lý. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý di sản và đại diện chủ sở hữu, quản lý, thực hành di sản ở địa phương. Mặt khác, cần có giải pháp thích hợp điều tiết lợi ích của các thành phần kinh tế, đặc biệt là lợi ích của cá nhân, cộng đồng cư dân - những chủ sở hữu đích thực của di sản, tránh trường hợp giành nhau quyền quản lý những di sản có nguồn thu lớn; ngược lại, đùn đẩy cho trách nhiệm quản lý đối với những di sản không có khả năng khai thác.
Thứ ba, cơ quan chuyên trách cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, để có giải pháp tu bổ chống xuống cấp, ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử có giá trị đặc biệt quan trọng gắn với giai đoạn cách mạng kháng chiến với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đầu tư vốn xây dựng cơ bản để tu bổ, tôn tạo các di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao đang trong trình trạng xuống cấp. Đẩy mạnh việc xã hội hóa các thành phần xã hội cùng tham gia tu bổ, tôn tạo di tích.
Thứ tư, tuyển dụng và đào tạo nhân sự yêu thích tìm hiểu nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc, có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ để làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chú trọng, đề cao việc bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại các di tích, nâng dần trình độ nghiệp vụ cho các thuyết minh viên để phục vụ tốt khách tham quan, học tập. Tăng cường xây dựng, đào tạo đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, công nhân lành nghề có khả năng đáp ứng yêu cầu của công tác tu bổ di tích và áp dụng các thành tựu của khoa học kĩ thuật, công nghệ hiện đại trong bảo quản, tu bổ di tích.
Thứ năm, Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, mở rộng các hình thức xã hội hóa để mọi người dân có thể tham gia bảo vệ di sản văn hóa. Đối với những di sản văn hóa đã mai một thì cần đầu tư, nghiên cứu phục dựng lại và có giả pháp hợp lý để phát huy sức sống. Cần phải có sự đầu tư đúng mức và đồng bộ giữa các ngành, các cấp có liên quan trong định hướng phát triển về kinh tế, văn hóa - du lịch. Phải thành lập những dự án quy hoạch tổng thể làm căn cứ định hướng cho sự đầu tư hợp lý của các ngành.
4. Kết luận
Trước bối cảnh đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giao lưu toàn diện dẫn đến những giá trị của một số di sản văn hóa ở Trà Vinh có nguy cơ mai một cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Việc bảo vệ và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Trà Vinh nói riêng, cả nước nói chung là một lĩnh vực hoạt động có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một hoạt động quan trọng nhưng cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp. Đây là lĩnh vực vừa nhạy cảm vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tiễn và mang tính xã hội cao nên cần có giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững góp phần tỏa sáng giá trị kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh 2015: Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia do Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh thực hiện năm 2015.
- Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh 2016: Báo cáo kết quả hoạt động bảo tồn, bảo tàng năm 2016.
- Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh 2017: Bảng danh sách thống kê di tích tỉnh Trà Vinh tính đến tháng 8/2017.
- Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh: Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Trà Vinh.
- Luật Di sản văn hóa Việt Nam 2003: Luật Di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành. NXB Chính trị Quốc gia.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh: Báo cáo kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích.
- Tiêu chuẩn quốc gia 2014: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10382:2014 về di sản văn hóa và các vấn đề liên quan.
- Trần Văn Bính 2004: Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ - Thực trạng và những vấn đề đặt ra, NXB Chính trị Quốc gia.
- Trung tâm Khảo cổ học 2015: Báo cáo kết quả khai quật di tích Chùa Lò Gạch.
Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”