THÀNH PHỐ SANKT-PETERBURG, NGA
Sưu tầm và giới thiệu:
Ngọc Thêm - Tuyết Ngân
Sankt-Peterburg (tiếng Nga: Санкт-Петербург; đọc là ‘Xanh Pê-téc-bua’), là cố đô của nước Nga, do Sa hoàng Pier Đại Đế quyết định xây dựng vào ngày 27 tháng 5 năm 1703, trên vùng đất đánh chiếm được của Thụy Điển. Sankt-Peterburg nằm trên châu thổ sông Neva; thông ra Vịnh Phần Lan.
Tên của thành phố được đặt theo tên của Thánh Peter (một trong 12 môn đồ của chúa Jesu), là thánh bảo hộ của Pier Đại Đế. Chữ “saint” tiếng Pháp là ‘thánh’, “Saint Peter” là ‘Thánh Peter’; còn “burg” tiếng Đức là ‘thành phố’. Như vậy, Sankt-Peterburg nghĩa là "Thành phố của Thánh Peter". Thực ra, thành phố bắt đầu từ pháo đài Sankt-Piterburg trên một đảo nhỏ. Sau khi trên đảo xây thêm Nhà thờ Peter và Pavel, pháo đài được đổi tên thành Petropavlovskaya, còn tên gọi ban đầu của nó ngưòi ta chuyển sang cho thành phố mới được thành lập. Tuy nhiên, chưa có một văn bản nào về tên gọi thành phố được thông qua. Lúc bấy giờ ở thành phố này có rất đông cư dân ngoại quốc sinh sống, họ phát âm tên thành phố "thánh Peter" theo các tiếng mẹ để của mình: Đức, Thụy Điển, Hà Lan, v.v. Vì thế, vào đầu thế kỷ 18, có tới khoảng 30 cách phát âm khác nhau tên thành phố này, với chữ ‘thánh’ là Sankt, Sant, San; tên của Peter là Piter, Peter, Piters, Peters; và các đuôi là burg, burx, burk. Ngay trong các thư từ của Peter Đại Đế, người ta cũng thấy ông viết tên thành phố theo nhiều cách khác nhau: Санктъпетерсъбурк (1703), Санктпитербурх (1703), Питербурх (1706), Санктпетерзбурк (1710); Санкт-Питер-Бург (1714),Санктъ Питербурх (1720). Từ tháng 7 năm 1724, báo “Tin tức (Ведомости) chính thức chuyển sang gọi tên thành phố là Петер thay cho “Питер”. Trong các năm 1712-1918, St.Peterburg là thủ đô của nước Nga. Vào năm 1914, sau khi nổ ra Chiến tranh thế giới thứ nhất, mà trong đó Nga đang giao chiến với Đức, tên gọi thành phố theo kiểu tiếng Đức “Sankt-Peterburg” được đổi thành Petrograd (Петроград) theo kiểu thuần Nga để thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Sau Cách Mạng tháng 10, Liên Xô lấy Moskva làm thủ đô. Năm 1924, sau khi V.I. Lênin mất, St.Peterburg được đổi tên thành Leningrad để tưởng niệm ông. Sau khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền thành phố đã tiến hành trưng cầu dân ý và sau đó theo ý dân, thành phố được trả lại tên ban đầu là Sankt-Peterburg.
Hiện nay, Sankt-Peterburg có diện tích trên 670 kilômét vuông và dân số theo thống kê năm 2005 là 4,7 triệu người. Nếu tính cả khu vực phụ cận thì diện tích tổng thể là 1.439 kilômét vuông, với gần 5 triệu 550 ngàn dân.
Sankt-Peterburg có 41 trường đại học, trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia - nơi nhiều nhà khoa học lớn của nước Nga như Lomonosov, Mendeleev,v.v. đã từng làm việc và nơi đã đào tạo biết bao nhân tài - nguyên tổng thống V.Putin cũng đã từng học ở đây. Thành phố còn có trên 170 viện nghiên cứu khoa học, trên 2.000 thư viện (trong đó có Thư viện lớn mang tên M.J. Saltikov-Shchedrin), đài quan sát thiên văn Pulkovo,...
Về giao thông, Sankt-Peterburg là một trong những cảng biển lớn nhất của Nga, đồng thời là một đầu mối giao thông quan trọng về đường sắt và đường bộ. Đây cũng là căn cứ chính của hải quân Nga (Hạm đội Baltic). Cảng sông được các tuyến đường thủy nối liền với các biển Bạch Hải, Azov, Caspien và Biển Đen. Thành phố có một sân bay quốc tế là sân bay Pulkovo.
Về kinh tế, Sankt-Peterburg phát triển các ngành công nghiệp đóng tàu (với xưởng đóng tàu Baltic nổi tiếng); cơ khí (với các nhà máy cơ khí Electrosila, Kirov); điện kĩ thuật và điện tử; luyện kim và kim loại màu; hóa chất, cao su; dệt vải, may mặc; giày da; in ấn; gỗ, giấy; vật liệu xây dựng và thực phẩm.
Xét về chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục, v.v. thì Sankt-Peterburg là một trung tâm lớn thứ hai của Nga, sau Moskva, nhưng nếu nói về phương diện văn hóa và du lịch thì nó còn hơn cả Moskva. Sankt-Peterburg đã được UNESCO thừa nhận là thành phố du lịch hấp dẫn thứ 8 của thế giới. Riêng năm 2004, Sankt-Peterburg đã đón 3,4 triệu du khách từ khắp thế giới. Số du khách đến thăm thành phố trong những năm gần đây tăng liên tục. Sankt-Peterburg hấp dẫn du khách bởi nhiều thứ, nhưng nổi bật là các "đặc sản" văn hoá như Cung điện Mùa Đông, Cung điện Mùa Hè; hệ thống sông cầu, hiện tượng đêm trắng, v.v.
Cung điện Mùa Đông được xây dựng năm 1754 - 1762, là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của Sankt-Peterburg trên khuôn viên rộng 90.000 m2. Cung điện do kiến trúc sư người Ý là Bartolomeo Rastrelli thiết kế theo phong cách nghệ thuật Baroque theo yêu cầu của Hoàng hậu Elizabeth, dùng làm hoàng cung của Sa Hoàng. Sau Cách mạng tháng Mười, Cung điện Mùa Đông trở thành Bảo tàng nghệ thuật Quốc gia Hermitage, trưng bày trên 3 triệu tác phẩm nghệ thụât thu gom từ khắp thế giới.
Cung điện Mùa Hè nằm ở vịnh Phần Lan cách St.Peterburg 29 km. Cung điện này phân thành "Thượng Hoa Viên" và "Hạ Hoa Viên". Hạ Hoa Viên có khoảng 200 đài phun nước với hơn 2000 vòi nước. Các đài phun nước được thiết kế phong phú và đa dạng. Nội thất của Cung điện Mùa Hè được trang trí sang trọng không thua kém gì Cung điện Mùa Đông. Trong cung điện này, các bức tường đều có màu vàng. Trên đó treo những bức họa cổ điển, các phòng trong cung điện được trang trí lộng lẫy với những đường nét tinh xảo. Trung tâm của cung điện Mùa Hè là thác nước cao 20m, được phun ra từ miệng một con sư tử, nước chảy xuống hồ chứa và thoát ra vịnh Phần Lan.
Do thành phố nằm ở cửa sông, các kênh rạch tự nhiên và kênh đào chằng chịt đã tạo nên một thành phố với hàng trăm hòn đảo, cùng vô số những chiếc cầu cổ kính, nên nó cũng được mệnh danh là “Venice của phương Bắc”.
Do nằm ở phương Bắc (59,93 độ vĩ bắc), ánh sáng Mặt Trời khúc xạ từ phía bên kia Địa cầu (nơi đang là ban ngày), vượt qua miền Cực Bắc để tỏa sáng xuống thành phố, nên Sankt-Peterburg nổi tiếng với hiện tượng “đêm trắng”: đêm sáng gần như ban ngày. Đi chơi vào những đêm trắng bên bờ Neva để xem cầu mở là niềm vui thú có một không hai.
Sankt-Peterburg còn là một trong những trung tâm bảo tàng lớn của châu Âu và thế giới, bên cạnh Bảo tàng Ermitage vốn là Cung điện Mùa Đông, còn có Bảo tàng Nga và vô số bảo tàng khác. Thành phố có Nhà hát Maria, mà trong những năm 1920-1992 là Nhà hát Nhạc kịch Opera và Ballet mang tên Kirov, với phòng hòa nhạc nổi tiếng thế giới, được thành lập từ năm 1862. Ở ngoại ô Sankt-Petersburg ó những địa danh du lịch nghỉ mát nổi tiếng như các thành phố, thị trấn Peterhof, Pushkin, Pavlovsk, Zelonogorsk, Sestroreck...
***
Những ai đã từng một thời học ở Nga đều không thể không biết tới thành Len (“thành Len” là cách mà sinh viên Việt Nam gọi tắt Leningrad). Vì dù ở đâu, một trong những chuyến du lịch đầu tiên là đến Len. Chưa đến Len coi như chưa đến nước Nga.
Với những người từng sống và học tập ở Len, thành phố này lại càng thân thương gấp bội phần.
Với các bạn chưa một lần đến Nga, Sankt-Peterburg chắc hẳn rất hấp dẫn và mời gọi. Với những người yêu thích văn hoá lại càng như thế, đơn giản vì Sankt-Peterburg là một trung tâm văn hoá lớn, không chỉ của Nga, mà của cả thế giới!
Anbum ảnh này, chúng tôi xin dành tặng những người từng một thời học ở Len, ở Nga, và tất cả những ai yêu thích thành Len. Những người từng một thời học ở Len, Nga, xem để nhớ và hồi tưởng những kỷ niệm. Với những người chưa một lần đến Len, chúng tôi hy vọng rằng sau khi xem xong bộ ảnh này, trong lòng bạn sẽ nảy sinh ước muốn có một dịp nào đó đến thăm Sankt-Peterburg - "thành Len"!
N.T. - T.N.
(thông tin và tư liệu ảnh lấy từ Internet và nguồn cá nhân)