Tham dự tọa đàm có sự hiện diện của TS. Trần Ngọc Khánh – Phó trưởng khoa Văn hóa học kiêm Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, TS. Nguyễn Hoàng Yến - Phó Trưởng P.QLKH-DA, một số tiến sĩ trong và ngoài trường, đông đảo các vị khách mời, các anh chị nghiên cứu sinh, học viên cao học, và một số người quan tâm từ các cơ quan, công ty ngoài trường. Về phạm vi địa lý, ngoài các những người sống và làm việc ở Tp.HCM, có những người đến từ Đồng Nai, Bình Dương, xa hơn nữa là Cần Thơ, và có lẽ xa nhất là từ Nha Trang.
Toàn cảnh buổi báo cáo (Ảnh Lê Thị Ninh)
Đúc rút các kinh nghiệm nghiên cứutính cách vùng miền và tính cách con người từ các công trình khoa học trên thế giới và Việt Nam, tác giả đã trình bày ngắn gọn “Cơ sở lý luận nghiên cứu tính cách vùng miền” trên 3 điểm chính là khái niệm tính cách vùng miền, một số cách tiếp cận nghiên cứu tính cách tộc người và một số phương pháp nghiên cứu tính cách tộc người. Để có cơ sở vững chắc đi sâu nghiên cứu tính cách người Việt Nam nói chung và tính cách người Thanh Hoá nói riêng, tác giả dành riêng một mục khảo sát những nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của tính cách tập thể, tính cách dân tộc, tính cách vùng miền ở Việt Nam của các tác giả đi trước.
Sau khi phân tích chỗ mạnh chỗ yếu của cách tiếp cận tâm lý học - dân tộc học - văn hóa học, tiếp cận triết học - tâm lý học - văn hóa học, tiếp cận giá trị học, tiếp cận địa lý học - văn hóa học, và các phương pháp so sánh văn hóa, phương pháp nghiên cứu tính cách dân tộc từ xa, phương pháp nghiên cứu tính cách dân tộc qua sản phẩm văn hóa…, tác giả báo cáo đã đề xuất áp dụng phương pháp Dịch lý - Hệ thống - Loại Hình (DHH) vào việc nghiên cứu tính cách dân tộc, vùng miền.
Phương pháp Dịch lý - Hệ thống - Loại hình được vận dụng để xử lý một trường hợp vào loại phức tạp nhất của các tiểu vùng văn hóa ở Việt Nam là tính cách người Thanh Hóa. Đây là nơi được mệnh danh là “Thanh cậy thế (Nghệ cậy thần)”, là mảnh đất sản sinh ra nhiều vua chúa nhất trong lịch sử Việt Nam, là “Thanh Hóa anh hùng”, lại cũng là mảnh đất được chính người xứ Thanh tự trào là “ăn rau má, phá đường tàu” (và rất nhiều giai thoại khác). Trong những năm gần đây, ở nhiều công ty, xí nghiệp, và thậm chí cả một số cơ quan, có hiện tượng ngại nhận người Thanh-Nghệ-Tĩnh vào làm việc. Trong đó bị “kỳ thị” nhiều nhất chính là người Thanh (ngay cả ở Nghệ-Tĩnh cũng có những nơi không nhận người Thanh). Từ đây, hình thành một nghịch lý về tính cách người Thanh Hoá là: Xưa Thanh Hóa là đất anh hùng, nơi sinh ra rất nhiều đời vua chúa, nay thì người lao động Thanh Hóa không được đón tiếp ở nhiều nơi.
Ý nghĩa của việc giải mã nghịch lý Thanh Hoá ở chỗ: nhiều tật bệnh của người Thanh Hoá cũng là những tật bệnh của người VN nói chung. Những gì đã và đang xảy ra với người Thanh Hoá ở VN cũng đã và đang xảy ra với người VN trên trường quốc tế. Với những tật xấu như ăn cắp vặt, luồn lách pháp luật, người Việt Nam cũng đang trở thành đối tượng bị kỳ thị ở một số nước trên thế giới.
Báo cáo viên say sưa với việc thuyết trình (Ảnh Lê Thị Ninh)
Người nghe chăm chú tiếp nhận nội dung báo cáo (Ảnh Lê Thị Ninh)
Người nghe tiếp nhận nội dung báo cáo bằng hình ảnh (Ảnh Lê Thị Ninh)
Những trao đổi, thảo luận sôi nổi (Ảnh Lê Thị Ninh)
Phát biểu của TS. Nguyễn Hoàng Yến, đại diện Phòng Quản lý Khoa học và Dự án (Ảnh Lê Thị Ninh)
Kết thúc buổi tọa đàm, thay mặt Ban tổ chức, TS. Nguyễn Hoàng Yến đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã chuẩn bị chu đáo và trình bày một báo cáo có nội dung khoa học sâu và có tính ứng dụng cao. Báo cáo khoa học mở ra hướng nghiên cứu ứng dụng tính cách văn hoá, tính cách dân tộc, tính cách con người của các vùng miền khác nhau, trong các thời kỳ lịch sử khác nhau.
Chụp ảnh lưu niệm với diễn giả (Ảnh Lê Thị Ninh)
Nguồn: PV vanhoahoc.vn