LỜI NÓI ĐẦU
Sau Thế chiến thứ II, tình trạng nghèo đói và lạc hậu phổ biến trong từng ngõ ngách của tất cả các nước ở châu Á. Ước mơ thoát nghèo đè nặng lên dân chúng và các chính khách có trách nhiệm của các chính phủ.
Nhật Bản với những kinh nghiệm công nghiệp hóa có từ trước chiến tranh, nuốt nỗi cay đắng của kẻ bại trận, chấp nhận là mắt xích của Mỹ trong “vòng cung chống Cộng”, quyết tâm làm lại nước Nhật bằng phát triển kinh tế. Kết quả thật ngoạn mục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm từ năm 1945 đến năm 1950 đạt 9,4%; từ năm 1950 đến năm 1955 đạt 10,9%; từ năm 1950 đến năm 1987 đạt 7,1%. Năm 1952, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật đã tương đương với trước chiến tranh. Năm 1968, nợ nước ngoài đã thấp hơn cho vay, Nhật Bản vươn lên vị trí thứ hai về tổng GDP trong thế giới tư bản. Năm 1982, GDP tính tổng thể là 4.177 tỷ USD, bình quân đầu người là 10.326,34 USD, Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế, khẳng định điều thần kỳ của nước Nhật hậu chiến(1).
Xu thế phục hưng của Nhật Bản, ngay từ lúc thoát khỏi chế độ chiếm đóng của Mỹ vào năm 1952, đã gây tiếng vọng đến Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nước châu Á khác, đánh thức khát vọng thoát nghèo ở khu vực này. Hồng Kông, Philipines, Indonesia rồi Thái Lan, và sau đó là Singapore, Malaysia đã nhận ra tiếng vọng và bắt đầu thấy bức bối với tình trạng lạc hậu. Khi các nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng ngày càng ổn định thì giấc mơ “cất cánh” ngày càng hiện rõ và thôi thúc cơn khát phát triển.
Nhưng đến nay chỉ có mấy nước trong số đó “hóa rồng”.
Vào năm 1960, GDP đầu người của Hàn Quốc chỉ mới là 82 USD, tương đương hoặc cao hơn Việt Nam lúc đó chút ít; Đài Loan 170 USD, Singapore 394 USD, và Hồng Kông 429 USD. Thời ấy, trừ Hồng Kông là xứ sở thuộc Anh nên có vẻ khá hơn, còn tất cả đều không khác mấy những thôn quê nghèo khó, hay những làng chài tối tăm, những thị trấn chắp vá, nhếch nhác... Dân chúng phần đông mù chữ. Chính thể nóng lạnh vì những vấn đề chính trị và có nơi chao đảo vì những cuộc bạo loạn sắc tộc...
Sau một thời gian rất ngắn, đến năm 1970, GDP của Singapore đã đạt tới 913,87 USD/người, Hồng Kông 959,20 USD/người, Hàn Quốc năm 1975 là 1.310 USD/người. Nghĩa là đã vượt qua ngưỡng bị coi là nước nghèo.
Ngưỡng này, Việt Nam vượt qua cuối năm 2009, trước một năm so với dự kiến.
Không rơi vào những cái bẫy của sự phát triển để rồi phải dừng lại ở mức vài nghìn USD đầu người/năm như Philipines và Indonesia, hay như Malaysia và Thái Lan, bốn nền kinh tế Đông Á (tạm gọi như vậy với lý do chúng tôi sẽ nói kỹ hơn trong các chương của cuốn sách này), gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore tiếp tục phát triển và đạt ngưỡng 10.000 USD đầu người chỉ chưa đầy 20 năm sau mốc đầu tiên của thu nhập trung bình. Đó là năm 1987 với Đài Loan, năm 1988 với Hồng Kông, năm 1989 với Singapore và năm 1990 với Hàn Quốc. Cả thế giới giật mình - bốn nền kinh tế Đông Á đã “cất cánh”, hay còn gọi là “hoá rồng”, trở thành các nước công nghiệp mới (NICs/NIEs(2)), làm nên điều kỳ diệu của Đông Á thế kỷ XX.
Cả thế giới giật mình bởi lẽ, nếu các nước công nghiệp hóa thế hệ thứ nhất phải mất vài trăm năm, tuần tự đi qua các bước gian truân, thì các nước công nghiệp hóa mới chỉ cần hai, ba mươi năm để đi hết chặng đường này. Đến nay, thu nhập quốc dân đầu người của các nước này đã ở vào nhóm các nước cao nhất thế giới. Đời sống kinh tế - xã hội ở đây cũng có nhiều nét tốt đẹp đáng được ca ngợi. Chỉ số phát triển con người (HDI - Human Development Index) của những nước này cũng rất cao: năm 2010, chỉ số HDI của Hồng Kông là 0,862, xếp thứ 21 trong 169 quốc gia; Hàn Quốc 0,877, xếp thứ 12 trong 169 quốc gia; Singapore 0,846, xếp thứ 27 trong 169 quốc gia.
Nhưng không chỉ có thế, chặng đường công nghiệp hóa thần tốc của Đông Á cho tới nay vẫn là liều thuốc kích thích, gây ấn tượng mạnh đối với nhiều nước, nhất là các nước đi sau như Việt Nam:
- Không nhất thiết phải đi qua hàng trăm năm tích lũy và cải tạo tư bản chủ nghĩa như châu Âu, các nước đi sau có thể nhanh chóng tiến tới thịnh vượng và phồn vinh trong một xã hội công nghiệp.
- Không nhất thiết phải có nguồn lực tự nhiên giàu có và đa dạng, trong xã hội hiện đại, con người và văn hóa chính là những nguồn lực quan trọng và quyết định.
- Không nhất thiết phải chịu sự trói buộc của thực trạng kinh tế, hoặc chỉ là “đầu ra” của nền kinh tế, ngày nay, giáo dục là nền tảng và là chìa khóa của sự phát triển.
- Không nhất thiết hiện đại hóa phải đồng nhất với phương Tây hóa, các nước đi sau có thể và cần phải tìm những con đường riêng của mình để trở thành một xã hội hiện đại.
- Không nhất thiết phải phá bỏ các giá trị cũ hoặc “cứng nhắc rập khuôn” các giá trị mới. Trong tương quan với các giá trị ngoại sinh, giá trị truyền thống có thể hóa thân thành sức mạnh mới - hiếu học, cần cù, đồng thuận và trách nhiệm xã hội…là những giá trị không bao giờ cũ.
Không được như các nước Đông Á nói trên, các nước Đông Nam Á, mà điển hình là Philippines và Thái Lan, dù đã có lúc được dự báo là sẽ “hóa rồng”, “hóa hổ” nhưng đến nay, vẫn chưa “cất cánh” để trở thành những nước công nghiệp hóa.
Năm 1961, GDP đầu người của Philippines đã là 260 USD. Con số này, vào lúc đó là một sự khích lệ, vì khá hơn so với nhiều nước châu Á thời ấy, đủ để kích thích khát vọng thoát nghèo và phát triển. Nhưng những năm sau đó, chủ yếu do những nguyên nhân chính trị, mọi cố gắng vĩ mô đều ít hiệu quả. Kinh tế tăng giảm thất thường, có năm GDP đầu người chỉ còn 172 USD. Phải đến thời kỳ Fidel Ramos lên làm Tổng thống (1992-1998), Philippines mới bắt đầu trỗi dậy, trở thành quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống xã hội khởi sắc. Thời kỳ này, GDP của Philippines tăng đáng kể, từ 710,47 USD đầu người năm 1991 đến năm 1994 đã vượt quá 1.000 USD và đến năm 1996 đạt gần 1.200 USD. Đầu những năm 90 (thế kỷ XX), Philippines được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá sẽ là con hổ tiếp theo của châu Á.
Tuy vậy, xã hội Philippines dường như luôn có xu hướng đi theo “một quán tính chết người” hình thành từ khi Ferdinand Marcos (1965-1986), vị Tổng thống chuyên quyền bậc nhất trong lịch sử Philippines lên cầm quyền. Đó là sự đối đầu giữa các lực lượng xã hội đã bị phân hoá sâu sắc. Một bên là đông đảo người nghèo, không có hay ít có cơ hội trở thành giàu có (trong những năm 2000-2007, tỷ lệ người sống dưới ngưỡng nghèo 1,25 USD người/ngàylà 22,6%; tỷ lệ dưới ngưỡng nghèo 2 USD người/ngày là 45%; tỷ lệ người nghèo theo chuẩn quốc gia của Philippines là 25,1%(3)). Một bên là tầng lớp thượng lưu, gồm những người giàu, các sĩ quan cao cấp trong quân đội (luôn có hai phe kình địch nhau giữa ủng hộ người đương nhiệm và ủng hộ người tiền nhiệm) và tầng lớp giáo sỹ với đa số ủng hộ người nghèo và một số ủng hộ giới thượng lưu. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, trong giới chứcPhilippines luôn có những người tham nhũng, thiếu trách nhiệm. Chính phủ thời nào cũng bị chê là yếu kém, không đảm đương được các sứ mệnh quốc gia, bị thao túng bởi các nhóm lợi ích kiểu tư bản thân hữu (từ những năm 80 trở lại đây, theo ước tính, hàng năm GDP của Philippines thường thất thoát khoảng 10% do tham nhũng và chủ nghĩa tư bản thân hữu(4)). Quan chức chính phủ nơm nớp trong tình trạng nghi kỵ. Lòng tin của dân chúng vào vào chính thể không nhiều. Và, chính trường luôn rình rập nguy cơ đảo chính.
Có thể hiểu được tại sao một đất nước được tin tưởng là đang cất cánh, lại bị chững lại khoảng hơn 10 năm và đến nay nền kinh tế vẫn dưới mức GDP đầu người 2.000 USD.
Tương tự như trường hợp Philipines là Thái Lan, mặc dù về một số phương diện, Thái Lan lại có điều kiện thuận lợi hơn.
Là một nước nông nghiệp truyền thống, từ năm 1965 Thái Lan đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo; mỗi năm Thái Lan xuất ra thị trường thế giới khoảng 8-10 triệu tấn. Vớiý chí phát triển khá mạnh mẽ, từ những năm 70, Thái Lan đã rất chú ý đến công nghiệp và thực hiện chính sách “hướng vào xuất khẩu”. Từ năm 1988 đến năm 1996, kinh tế Thái Lan liên tục tăng trưởng cao với tốc độ 9,4%/ năm. Lúc đó, cất cánh chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhưng khủng hoảng tài chính 1997-1998 lại bắt đầu từ đây. Năm 1996, nợ của khu vực tư nhân của Thái Lanlên đến 140,9% GDP. Tháng 7/1997, các đợt tấn công vào đồng Baht khiến Thái Lan buộc phải thả nổi tỷ giá.Khủng hoảng nhanh chóng lan ra toàn châu Á và nhiều nước khác.Khi một lượng khá lớn vốn nước ngoài đột ngột rút đi, những “bong bóng” của nền kinh tế Thái lộ ra và thi nhau tan vỡ. Giữa “thanh thiên bạch nhật”, không có chiến tranh, không có thiên tai, không có các kẻ thù hữu hình truyền thống khác, mà Thái Lan thiệt hại khoảng 80 tỷ USD, đồng Baht Thái Lan mất giá 44%.
Cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 đã làm gục ngã “con hổ tương lai” Thái Lan. Thêm vào đó, nền kinh tế Thái Lan lại luôn bị ảnh hưởng do bất ổn về chính trị. Đảo chính là logic chính trị thường trực của chính trường Thái. Từ năm 1932 đến năm 2006, khi Thaksin Shinawatra mất chức và phải sống lưu vong, tại Thái Lan đã xảy ra 17 cuộc đảo chính, trong đó có 10 lần “thành công”. Cũng từ năm 2006 đã có 7 thủ tướng liên tiếp thay nhau kế nhiệm, nhưng bất ổn xã hội không vì thế mà dịu đi mà dường như lại còn lan rộng, ít ra là tới thời điểm 2011 khi bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksinchấp chính. Có người đã cố truy tìm nguyên nhân của những hỗn loạn ấy “ở hai chữ dân chủ, nhưng nền dân chủ không có lỗi vì những hỗn loạn ấy, lỗi nằm ở chính điều ngược lại”(5).
Giấc mơ hoá rồng của Thái Lan đã tạm xa vời, dù kinh tế mấy năm nay vẫn có những dấu hiệu tích cực. Năm 2008, GDP đầu người Thái Lan đã vượt quá mốc 4.000 USD. Với các nước đang phát triển, nhiều người thích nghe con số GDP đầu người theo sức mua ngang giá (PPP - purchasing power parity); với cách tính này người ta thường nhắc đến con số 8.001 USD chứ không phải 4.043 USD của Thái Lan năm 2008.
* * *
Trên đây là cách trình bày cố tình đơn giản hóa để làm rõ thực chất của hai mô hình phát triển Đông Á và Đông Nam Á, một trong hai nội dung cơ bản của cuốn sách này. Những nội dung cụ thể của hai mô hình, những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp làm cho Đông Á cất cánh, những hạn chế và khiếm khuyết chặn đường phát triển của Đông Nam Á, những bài học thành công, những kinh nghiệm đau đớn… chúng tôi sẽ cố gắng phân tích chi tiết đến mức có thể, với mục đích gợi ý cho sự phát triển ở Việt Nam, cốt là để bạn đọc suy ngẫm, chiêm nghiệm.
Một nội dung khác của cuốn sách là vấn đề tiến bộ xã hội.
Về đại thể, với những gì đã xảy ra mấy chục năm qua, không ai có thể phủ nhận, Đông Á đã đi được một chặng đường dài trên con đường tiến bộ. Nếu so sánh với Đông Nam Á, thì rõ ràng mô hình Đông Nam Á là không hoặc chưa thành công.
Tuy nhiên, về tiến bộ xã hội mà nói như thế thì quá đơn giản.
Trong thực tế, ở bất kỳ dân tộc nào, tiến bộ xã hội là xu hướng tất yếu, không gì có thể cưỡng lại được. Nhưng với phạm vi cục bộ như ở một cộng đồng, tại một khu vực, trong một thời gian nào đó, thì sự tiến bộ đôi khi lại phải đi xuyên qua những hình thức quanh co, thụt lùi, thoái bộ hay thậm chí phản tiến bộ. Điều đó đặt ra yêu cầu phải đặc biệt tỉnh táo và nghiêm khắc khi nhìn nhận những hiện tượng cụ thể theo những tiêu chuẩn nhất định của tiến bộ xã hội. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ở thời nào cũng có người day dứt tự hỏi, thời ta đang sống đây là thời tiến bộ hay không phải thế.
Với các con rồng Đông Á, chúng tôi đặt câu hỏi, phải chăng ở mô hình Đông Á chỉ toàn là những điều tốt đẹp, mà Đông Nam Á và các nước đi sau có thể hoặc nhất thiết phải học hỏi? Phải chăng bàn tay sắt của Park Chung Hee, Chun Doo Hwan, Tưởng Giới Thạch… cùng với cuộc sống như khổ sai của hàng triệu người trong đó có hàng nghìn người thiệt mạng vì sự phát triển, là điều bình thường? hay thậm chí là điều tốt, điều hay? Liệu sự vô nhân đạo ở quy mô lớn có phải là cái giá phải trả cho một đất nước nào đó trở thành nước công nghiệp hóa?
Với Việt Nam, câu hỏi đặt ra là, tại sao một quốc gia có dân chúng được tiếng là thông minh, cần cù, hiếu học v.v; nhiều cá nhân có ý chí chính trị mạnh mẽ, có tâm thế phát triển sáng suốt, có trách nhiệm xã hội cao v.v; nền văn hóa có nhiều truyền thống tốt đẹp, tính cách dân tộc có lợi thế phù hợp với xu thế phát triển, hoàn cảnh quốc tế có nhiều điểm thuận lợi v.v; (nghĩa là có những điều kiện tương tự như các nước Đông Á) mà đất nước vẫn còn kẹt lại ở nhiều vấn đề, chưa vượt qua được những cái bẫy khá thô sơ của sự tăng trưởng (chứ cũng chưa chắc đã phải là bẫy thu nhập trung bình), và chưa phát triển được như tiềm năng, như thực lực đầu tư?
Dĩ nhiên, những câu hỏi này quá khó và thuộc loại vấn đề không phải trả lời một lần là xong, nên trong cuốn sách chúng tôi mới chỉ xới lên và cố gắng lý giải được phần nào.
Theo chúng tôi, tấm gương ngoạn mục về phát triển của Hàn Quốc, rất tiếc lại gắn liền với những bài học đau đớn về bộ mặt phản nhân văn của xã hội và sự chà đạp quyền con người trong thời kỳ Park Chung Hee, Chun Doo Hwan. Việc coi thường giá trị dân chủ đã làm cho không chỉ người dân mà cả những người đầy nhiệt huyết trong nội các cũng cảm thấy công lao của họ đối với chế độ trở nên vô nghĩa. Bên cạnh nỗi đau khổ của hàng triệu dân chúng trong đó có hàng nghìn người thiệt mạng, thì ngay số phận của các tổng thống cũng không tránh khỏi bi đát. Trong 8 đời tổng thống kể từ năm 1961 đến nay, đã có tới 2 cuộc đảo chính, nhiều vụ ám sát hụt trong đó một lần “thành công”, 2 tổng thống bị kết án tù trong đó có 1 án chung thân, 1 tổng thống tự sát, 2 tổng thống từng bị tù đày vì dân chủ trong đó có 1 người từng nhận án tử hình. Và, những hệ lụy đến nay vẫn chưa buông tha nền chính trị Hàn Quốc.
Thật đáng suy ngẫm, những bất hạnh này không đến từ “kẻ thù - người anh em phương Bắc”, mà là sản phẩm của chính chế độ độc tài.
Ngày nay, chẳng có một dân tộc nào hay một quốc gia nào tự nguyện chấp nhận chính thể độc tài. Lịch sử nhân loại, bằng máu xương và nước mắt của nhiều thế hệ đã chứng minh con đường tiến bộ của loài người là con đường ngày càng đi tới dân chủ và tự do. Bước sang thế kỷ XXI, khi các chính thể cực quyền đã đi vào lịch sử, khi toàn cầu hoá đã hiện diện thực tế ở mọi địa phương, khi các mối quan hệ xuyên quốc gia của thời đại thông tin đã trở thành một phần của đời sống thường nhật... thì các dân tộc hoàn toàn có đủ lý do để từ chối hoặc đoạn tuyệt với mô hình thống trị độc tài. Dù sự vận động của các nền dân chủ luôn phải trải qua những bước quanh co, thậm chí có những thời điểm thụt lùi hoặc rơi vào thoái bộ, nhưng xét trên toàn cục, càng phát triển, trình độ dân chủ của mọi xã hội càng đạt tới nấc thang cao hơn. Càng dân chủ, các xã hội càng có điều kiện để phát triển và lên đến trình độ hợp lý hơn, nhân đạo hơn và bền vững hơn, nhất là ở điều kiện hiện nay. Dĩ nhiên, các hành vi dân chủ đôi khi có thể làm hỗn loạn xã hội, làm khó cho việc cầm quyền, quản lý. Nhưng không thể vì thế mà quay lưng lại với dân chủ. Chỉ có một cách là phải thích nghi, tìm phương thức quản lý xã hội thích hợp với thời đại.
Và đó không phải là con đường tăm tối, hay ngõ cụt. Về dài lâu đó là con đường tiết kiệm, hợp lý để đi tới tiến bộ xã hội.
* * *
Cuốn sách này là sự phát triển ý tưởng từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ do tác giả làm chủ nhiệm. Với sự hoàn thành cuốn sách này, chúng tôi xin trân trọng cám ơn GS.TS. Đỗ Hoài Nam, người đã cho phép chúng tôi thực hiện đề tài, gợi ý nhiều ý tưởng quý giá để chúng tôi nghiên cứu sâu hơn về vấn đề khó và thú vị này. Chúng tôi xin cám ơn GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, GS.TS. Phạm Xuân Nam, những người đã dành thì giờ đọc, suy ngẫm và cho chúng tôi những nhận xét có giá trị trong quá trình chỉnh sửa cuốn sách.
Trong suốt thời gian thực hiện đề tài và hoàn chỉnh bản thảo, nhóm làm việc của chúng tôi đã lao động khá căng thẳng trên tinh thần không khoan nhượng về mặt học thuật. Xin cám ơn TS. Dương Bạch Kim, TS. Nguyễn Hữu Vượng, TS. Lưu Minh Văn và CN. Lương Thu Trang, những đồng nghiệp yêu quý - chúng ta đã đồng hành cùng nhau qua từng nội dung lớn nhỏ của cuốn sách.
Xin cám ơn Hội đồng khoa học và anh chị em cán bộ Viện Thông tin Khoa học xã hội đã tạo cho chúng tôi những điều kiện tốt nhất để nghiên cứu và triển khai đề tài, từ lúc soạn thảo văn bản đầu tiên đến khi hoàn thành bản thảo hôm nay.
Cuốn sách này được ra mắt ở Nhà xuất bản Tri thức, đây là một vinh dự không nhỏ đối với chúng tôi. Xin được cám ơn GS.TS. Chu Hảo, người có nhiều ý tưởng hay về khoa học, giáo dục và phát triển mà chúng tôi đã tham khảo trong quá trình hoàn thành bản thảo.
Cuốn sách có thể còn nhiều điều chưa làm vừa lòng bạn đọc. Xin đón nhận sự phê bình góp ý của bạn đọc gần xa.
Hà Nội, tháng 10 năm 2011
Hồ Sĩ Quý
Chương I
TĂNG TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ TIẾN BỘ XÃ HỘI: CÁC QUAN ĐIỂM CƠ BẢN
I.1. Tăng trưởng
I.1.1. Khái niệm “Tăng trưởng kinh tế”
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tăng trưởng kinh tế với tính cách là khái niệm kinh tế học đã được sử dụng từ năm 1776, khi Adam Smith viết cuốn sách nổi tiếng Của cải của các dân tộc. Ngay từ khi đó, nội hàm kinh tế của khái niệm này đã được hiểu gần như hiện nay(6). Nghĩa là, ở các thời kỳ khác nhau, cơ cấu và đặc điểm của tăng trưởng kinh tế có thể được hiểu không giống nhau, song bản chất của nó thì từ lâu đã được hiểu như ta đang hiểu. Đó là khái niệm dùng để chỉ sự tăng (hoặc gia tăng) về giá trị sản lượng của một nền kinh tế trong một kỳ kế hoạch xác định. Với một nền kinh tế ở phạm vi quốc gia, kỳ kế hoạch thường tính theo năm và đơn vị tính phổ biến là GDP/người/năm. Tuy nhiên, chỉ tiêu xác định mức tăng trưởng kinh tế không chỉ là GDP (Gross Domestic Product), mà còn là GNP (Gross National Product), NNP (Net National Product) và PPP (Purchasing Power Parity) tính tổng thể hoặc tính theo PCI (Per Capita Income).
Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên về số lượng, chất lượng, tốc độ và quy mô sản lượng của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Sự tăng trưởng được so sánh theo các thời điểm gốc sẽ phản ánh tốc độ tăng trưởng.
Đó là sự gia tăng quy mô sản lượng kinh tế nhanh hay chậm so với thời điểm gốc. Quy mô và tốc độ tăng trưởng là “cặp đôi” trong nội dung khái niệm tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, người ta thường tính mức gia tăng về tổng giá trị của cải của xã hội bằng các đại lượng tổng sản phẩm quốc dân hoặc tổng sản phẩm quốc nội. Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) là tổng giá trị tính bằng tiền của những hàng hoá và dịch vụ mà một nước sản xuất ra từ các yếu tố sản xuất của mình (dù là sản xuất ở trong nước hay ở nước ngoài) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tổng giá trị tính bằng tiền của toàn bộ hàng hoá và dịch vụ mà một nước sản xuất ra trên lãnh thổ của nước đó (dù nó thuộc về người trong nước hay người nước ngoài) trong một thời gian nhất định (thường là một năm). So sánh tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ta thấy:
GNP = GDP + thu nhập ròng từ tài sản ở nước ngoài.
Thu nhập ròng từ tài sản ở nước ngoài = thu nhập chuyển về nước của công dân nước đó làm việc ở nước ngoài trừ đi thu nhập chuyển ra khỏi nước của người nước ngoài làm việc tại nước đó. Tăng trưởng kinh tế là mức gia tăng GDP hay GNP năm sau so với năm trước. GNP và GDP là hai thước đo tiện lợi nhất để tính mức tăng trưởng kinh tế của một nước biểu hiện bằng giá cả. Vì vậy, để tính đến yếu tố lạm phát, người ta phân định GNP, GDP danh nghĩa và GNP, GDP thực tế. GNP, GDP danh nghĩa là GNP và GDP tính theo giá hiện hành của năm tính; còn GNP và GDP thực tế là GNP và GDP được tính theo giá cố định của một năm được chọn làm gốc. Với cách tính này, GNP, GDP thực tế loại trừ được ảnh hưởng của sự biến động của giá cả (lạm phát). Do đó, có mức tăng trưởng danh nghĩa và mức tăng trưởng thực tế.
I.1.2. Vai trò của tăng trưởng kinh tế
Thành tựu kinh tế - xã hội của một quốc gia thường được đánh giá ở nhiều phương diện, theo nhiều tiêu chí, chỉ báo, chỉ số, dấu hiệu v.v tùy thuộc vào mục đích đánh giá. Tuy nhiên, trong hầu hết các loại đánh giá, tăng trưởng kinh tế luôn là tiêu chí cơ bản; bởi tăng trưởng kinh tế trong tất cả các chế độ xã hội bao giờ cũng là cơ sở, là nền tảng để mỗi xã hội triển khai, thực hiện và giải quyết hàng loạt vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác.
Trước hết, tăng trưởng kinh tế trực tiếp làm gia tăng giá trị của nguồn lực nền tảng, và sức mạnh cơ sở vật chất của đời sống xã hội. Tăng trưởng kinh tế nhanh hay chậm là vấn đề có ý nghĩa sống còn và quyết định đối với mọi quốc gia trên con đường phát triển hoặc khắc phục sự lạc hậu, hướng tới giàu có, thịnh vượng.
Tăng trưởng kinh tế làm cho mức thu nhập quốc dân tăng, từ đó phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của cộng đồng có điều kiện để được cải thiện, tuổi thọ cư dân có khả năng kéo dài thêm, tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ em có cơ hội giảm, tạo điều kiện cho giáo dục, khoa học, y tế, văn hoá v.v. phát triển.
Tăng trưởng kinh tế lành mạnh sẽ góp phần giải quyết vấn đề việc làm, giảm thất nghiệp. Khi một nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng cao và hợp lý thì một trong những nguyên nhân quan trọng là đã sử dụng tốt hơn lực lượng lao động. Trong trường hợp này, thất nghiệp đi theo xu hướng giảm. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tình trạng thất nghiệp thường diễn ra theo những quy luật xác định dựa trên tỷ lệ giữa GNP thực tế so với GNP tiềm năng.
Tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề vật chất để củng cố an ninh quốc phòng, củng cố chế độ chính trị, tăng uy tín và vai trò quản lý của nhà nước đối với xã hội.Tăng trưởng kinh tế với thời gian đủ dài còn tạo sự thay đổi tích cực trong đời sống tinh thần xã hội, cải thiện tâm thế xã hội; nếu quản lý vĩ mô tốt, chỉ số hạnh phúc cư dân có thể được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Đối với các nước đi sau như Việt Nam, tăng trưởng kinh tế còn là điều kiện tiên quyết để khắc phục sự tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khác và là điều kiện cần để tiến hành mọi kế sách vĩ mô khác.
Dễ hiểu tại sao tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế nhanh và liên tục lại là khát vọng thường xuyên của các chính phủ, nhưng sẽ là không đúng và nguy hiểm nếu theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Thực tế cho thấy, không phải sự tăng trưởng nào cũng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội như mong muốn, bởi đôi khi quá trình tăng trưởng mang tính hai mặt. Việc tăng trưởng kinh tế quá mức, quá sức chịu đựng của hạ tầng xã hội cũng sẽ làm cho nền kinh tế “quá nóng”,có thể làm nảy sinh các vấn đề xã hội, gây nên những tình huống bất thường cho quản lý vĩ mô. Vì vậy, trong khi không được phép bỏ lỡ những cơ hội phát triển do hoàn cảnh mang lại, nhu cầu phát triển bền vững lại đòi hỏi mỗi quốc gia trong từng thời kỳ phải tìm ra những phương thức thích hợp để đạt được sự tăng trưởng hợp lý, không đẩy xã hội vào những cơn sốc, không làm phát sinh thêm những vấn đề xã hội ngoài những vấn đề mà mỗi quá trình tăng trưởng buộc phải đối mặt. Đây là yêu cầu không dễ thực hiện trong thực tế, mặc dù về mặt lý thuyết thì các chính phủ đều nhận thức ở mức độ khá thỏa đáng. Nền kinh tế Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Việt Nam v.v. trong những năm gần đây đều đã ít nhiều lúng túng khi vướng phải những vấn đề này.
Cần thiết phải nhắc tới vài bài học thực tế về tăng trưởng kinh tế
Liên bang Xô Viết thời kỳ Stalin mặc dù đã bị phê phán rất kịch liệt bằng những thuật ngữ hết sức kỳ thị như “chế độ tổng tài” (Politarism), “chế độ nhà nước trị” (Etacratism), “chế độ thống trị của giới thượng lưu” (Elitarism), “xã hội sau tấm màn sắt cộng sản”, v.v;nhưng, sự thần kỳ trong phát triển kinh tế lúc đó là điều không dễ phủ nhận. Từ chỗ rất lạc hậu vào năm 1928, đến năm 1940, nền công nghiệp Xô Viết đã có khả năng chế tạo được những khí tài quân sự chất lượng cao tương đương so với Đức. Đến năm 1950, công nghiệp hoá đãhoàn thành về cơ bản. Hai mươi năm sau đó, nhịp độ tăng trưởng GNP trung bình hàng năm của Liên Xô là 5,1%, trong khi Mỹ thời kỳ đó chỉ đạt 3,6% (dĩ nhiên, so sánh về tốc độ tăng trưởng kinh tế là điều rất tương đối, nhưng giữa Mỹ và Liên Xô thời kỳ đó thì số liệu này cũng có ý nghĩa). Có thể nói, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã sụp đổ, song điều làm cho người ta còn phải bàn mãi về chế độ đó chính là bài học về sự tăng trưởng kinh tế cùng với những phương thức tốt đẹp trong việc giải quyết các vấn đề về phúc lợi xã hội. Khác với các mô hình xã hội của chủ nghĩa xã hội không tưởng, mô hình Xô Viết trong khi từng bước thoả mãn các nhu cầu phúc lợi công cộng, nền kinh tế không vì thế mà suy sụp, ít ra thì cũng tới những năm 70.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Xô Viết(7) | ||
Thời kỳ | GNP gia tăng trung bình hằng năm (%) | Ghi chú |
1928 - 1940 | 6,1 | |
1941 -1950 | 2,0 | |
1951 - 1970 | 5,1 | Số liệu phân tích |
1971 - 1975 | 3,0 | của CIA |
1976 - 1980 | 1,9 | |
1981 - 1985 | 1,8 | |
1986 - 1989 | 2,2 | |
1990 | -2,0 | Số liệu phân tích |
1991 | -17,0 | của IMF |
Trên thực tế, đối với sự tồn tại của một chế độ xã hội (một chế độ xã hội chứ không phải một chính thể cầm quyền), không ít vấn đề, kể cả những vấn đề chính trị - xã hội khúc mắc nhất, sẽ vẫn có thể tạm được gác lại, nếu đời sống kinh tế tăng trưởng và phát triển ở một mức nào đó; và ngược lại, mọi vấn đề sẽ có nguy cơ trở nên căng thẳng nếu nền kinh tế sa sút, tăng trưởng kinh tế không được đảm bảo ở mức cần thiết.
Ở châu Á, Singapore là một nước nhỏ, Hồng Kông chỉ là một đặc khu (SAR) của Trung Quốc, các nước NICs liên tục bị chỉ trích là những nước ít nhiều độc tài, còn Trung Quốc thì vấp phải khá nhiều vấn đề chính trị - xã hội gây mất thiện cảm, thế nhưng uy tín của họ trên trường quốc tế vẫn khá cao. Lý do chính - kinh tế:
Nếu năm 1988 được coi là thời điểm phồn vinh nhất của các nước Nam Âu so với trước đó, thì GDP đầu người của các nước này ở thời điểm đó vẫn thấp hơn Hồng Kông. Lúc đó, GDP của Hồng Kông tính tổng thể là 46,4 tỷ USD, tính theo đầu người là 10.590 USD, cao hơn Nam Âu khoảng 600 USD (chênh lệch 600 USD/đầu người ở thế kỷ trước khác biệt rất lớn so với hiện nay). Trong hai thập niên 80-90, giá trị xuất khẩu của Hồng Kông đã tăng hơn 300 lần và cán cân thanh toán luôn luôn ở mức thừa dư. Năm 1991, GDP của Hồng Kông là 80,9 tỷ USD, tính theo đầu người là 15.443 USD; năm 2010 là 215,4 tỷ USD, tính theo đầu người là 30.863 USD(8). Từ năm 1997,Hồng Kông trở về với Trung Quốc, nền kinh tế của đặc khu này mất một thời gian ngắn có vẻ chao đảo, song vị trí quốc tế của Hồng Kông vẫn rất lớn và trước cũng như sau năm 1997, Hồng Kông vẫn có vị trí không thể thay thế đối với sự phát triển ở Trung Quốc.
Khác với vị trí phụ thuộc của Hồng Kông, Singapore là một quốc gia độc lập; nhưng đấycũng chỉ là một đảo quốc, có diện tích và dân số thua kém nhiều thành phố của các nước khác. Tuy vậy, thực lực kinh tế mới là cái tạo nên uy tín quốc tế của Singapore. Với nền kinh tế mở, năng động vào loại bậc nhất thế giới, có sự kiểm soát, điều tiết vĩ mô rất nghiêm ngặt, từ giữa thập niên 80 trở lại đây Singapore là trung tâm tài chính lớn thứ tư của thế giới sau New York, London và Tokyo. Được gọi là “con đại bàng tài chính phương Đông”, Singapore không chỉ là trung tâm dịch vụ, thương mại của của hầu hết các công ty đa quốc gia trên thế giới, mà còn là thị trường trao đổi ngoại tệ lớn của thế giới với lượng ngoại tệ được trao đổi hàng ngày lên đến hơn 100 tỷ USD. Năm 1996, GDP của Singapore là 94,1 tỷ USD (chỉ tính thu nhập quốc nội), tính theo đầu người là 30.900 USD; năm 2010 GDP của Singapore là 181,9 tỷ USD, tính theo đầu người là 37.579 USD. Vị thế kinh tế - chính trị của đảo quốc bé nhỏ này, trên thực tế, không thua kém các nước có diện tích và dân số lớn hơn gấp nhiều lần.
Cùng với Singapore, từ giữa thập niên 70 đến nay, Đài Loan, Hàn Quốc v.v. và một vài quốc gia châu Á khác thường bị phương Tây phê phán là độc tài, thiếu dân chủ hoặc có sự can thiệp của giới quân sự. Mặc dù vậy, sự lớn mạnh của các nước NICs vẫn là bài học được nhiều quốc gia chú trọng phân tích và tìm hiểu. Chính sự phát triển thần kỳ của các nước này đã là nguyên nhân khiến “các quan chức và giới kinh doanh Mỹ bị chỉ trích nhiều về việc không bắt chước thành công của mô hình châu Á”(9) . Chẳng có gì quá cường điệu khi nói rằng, sở dĩ giới học thuật và giới chính trị quốc tế quan tâm nhiều đến các vấn đề về vai trò của Khổng giáo, về các giá trị châu Á, về đặc thù văn hoá Á Đông v.v. chẳng qua cũng vì nhịp điệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở khu vực này.
Còn Trung Quốc, thời gian gần đây, quốc gia đông dân nhất thế giới này càng ngày càng chứng tỏ là “con sư tử đã tỉnh ngủ” (lời Napoleon gần 200 năm trước(10)). Mặc dù về phương diện chính trị, xã hội và văn hóa, Trung Quốc vẫn nổi cộm những vấn đề không thể ca ngợi, thậm chí rất đáng phê phán và lên án, nhưng vị thế của nước này trên trường quốc tế rõ ràng là ngày một cao. Nguyên nhân chủ yếu thuộc về kinh tế. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng từ những năm 80 và tăng trưởng mạnh vào đầu thập niên 90 sau chuyến “tuần du phương Nam” của Đặng Tiểu Bình năm 1992 với tuyên bố “mèo trắng mèo đen” nổi tiếng(11). Việc duy trì tính chất của chế độ chính trị cũ, nhưng lại cải cách táo bạo về kinh tế đã được Trung Quốc chủ trương tại Đại hội Đảng 14 và trong kế hoạch 10 năm của thập niên 1990.
Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, kinh tế Trung Quốc lại tăng trưởng cao, đạt 9,1% năm 2003, 9,5% năm 2004 và 9,8% năm 2005. Tính bình quân 1970-2008, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 7,9%, thuộc loại cao nhất thế giới(12). Tháng 12/2005, Tổng cục thống kê Trung Quốcđã tính toán và công bố, Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng thứ sáu thế giới (vượt Italia với GDP khoảng 2.000 tỷ USD). Năm 2006, Trung Quốctự công bố là nền kinh tế đứng thứ tư thế giới, tính theo USD, vượt Pháp và Anh. Ngày 16/8/2010, theo tờ New York Times, Trung Quốc được công nhận là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới sau khi Nhật Bản thông báo GDP của mình là 1.286 tỷ USD (= 5.474 tỷ USD tính theo PPP), thấp hơn so với con số 1.335 tỷ USD (= 5.800 USD tính theo PPP) của Trung Quốc. Nghĩa là, Trung Quốc đã thế chỗ Nhật Bản ở vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới(13). Nhiều nhà kinh tế cho rằng, nếu giữ được mức tăng trưởng như năm 2010 là 10,3%, trong vòng một thập niên nữa, quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ ngang ngửa với Mỹ.
Và điều đó đã và đang làm thay đổi cục diện cũng như các chiến lược vĩ mô của nhiều nước trên thế giới(14).
Vị trí của 6 nền kinh tế hàng đầu thế giới 2000-2010
(tính theo tổng GNP)
I.1.3. Các nguồn lực của tăng trưởng kinh tế
Kết quả nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế ở cả các nước phát triển, cũng như các nước đang phát triển cho phép các nhà kinh tế nêu ra bốn nguồn lực chủ yếu tạo nên tăng trưởng kinh tế, đó là nguồn lực con người, nguồn lực tự nhiên, tư bản và công nghệ.
Nguồn lực con người là số lượng và chất lượng lao động ở đầu vào của quy trình sản xuất gồm vốn con người và vốn xã hội của lao động thể hiện ở kỹ năng, kiến thức, kỷ luật v.v. của đội ngũ lao động. Đây là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế. Các yếu tố còn lại như tư bản, nguyên vật liệu, công nghệ đều có thể mua hoặc vay mượn được, nhưng nguồn lực con người ở quy mô một nền kinh tế hoặc ở một quy trình sản xuất thiết yếu thì khó có thể mua hoặc vay mượn được. Các yếu tố như máy móc thiết bị, nguyên vật liệu hay công nghệ sản xuất chỉ có thể phát huy được tối đa hiệu quả bởi đội ngũ lao động có chất lượng. Kết quả nghiên cứu các nền kinh tế bị tàn phá sau Thế chiến thứ Hai cho thấy, mặc dù nền kinh tế Đức và Nhật bị kiệt quệ sau chiến tranh, nhưng với vốn nhân lực có kỹ năng, nền kinh tế Đức và chậm hơn một chút là Nhật, đã phục hồi nhanh chóng tạo ra sự thần kỳ thời hậu chiến.
Nguồn lực tự nhiên của một quốc gia gồm điều kiện địa lý, đất đai, khoáng sản v.v. đặc biệt là dầu mỏ, rừng và nguồn nước của quốc gia đó. Nguồn lực tự nhiên ngày nay không còn có vai trò quyết định như trước đây, nhưng vẫn vô cùng có ý nghĩa để một quốc gia nào đó có thể tăng trưởng và phát triển. Ả rập Saudi là nước có nguồn dầu mỏ lớn, quốc gia nàynhờ đó đã đạt tới thịnh vượng. Nga là nước có nhiều loại tài nguyên tự nhiên, đây cũng luôn là lợi thế của nền kinh tế Nga trong những lúc cần có tiếng nói với thế giới. Ngược lại, Nhật Bản và Singapore là những nước gần như không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng bằng các phương thức phát triển hợp lý, quản lý vĩ mô thông minh v.v. nên vẫn là các cường quốc về kinh tế.
Tư bản là một trong những nhân tố của sản xuất đã được nghiên cứu khá đầy đủ. Tùy theo tỷ lệ tư bản trên mỗi lao động mà mỗi nền sản xuất nhất định được sử dụng những giá trị công nghệ, máy móc, thiết bị v.v. nhiều hay ít và tạo ra sản lượng cao hay thấp. Thông thường lượng tư bản hình thành qua tích lũy, qua đầu tư, kể cả qua bóc lột hay hy sinh tiêu dùng cho tương lai. Lượng tư bản đã hình thành có ý nghĩa đặc biệt trong sự phát triển kinh tế dài hạn. Các quốc gia có tỷ lệ đầu tư cao và hợp lý, có tỷ lệ sử dụng đồng vốn có hiệu quả v.v. thường tăng trưởng cao và bền vững. Tư bản cố định xã hội, đặc biệt về cơ sở hạ tầng xã hội có vai trò tối quan trọng, tạo tiền đề cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội phát triển.
Tăng trưởng kinh tế ngày nay còn là quá trình không ngừng thay đổi công nghệ. Thậm chí, quyết tâm đổi mới công nghệ ngay từ khi công nghệ chưa lạc hậu đang là một thách thức lớn đối với các chính phủ và các nhà tư bản trên con đường phá các bẫy tăng trưởng. Công nghệ sản xuất mới cho phép cùng một lượng lao động và tư bản đầu vào có thể tạo ra sản lượng cao hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, bằng các công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới v.v. nhu cầu của sự phát triển ngày nay đang đòi hỏi nền sản xuất phải đạt tới các tiêu chuẩn mới về “xanh”, “sạch”, và “thân thiện với môi trường” v.v.
I.1.4. Hạn chế của các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế
Các chỉ tiêu đo lường mức tăng trưởng kinh tế được sử dụng làm thước đo trình độ phát triển của một nền kinh tế cụ thể. Thông thường các chỉ tiêu này sẽ trở thành mục tiêu phấn đấu của chính phủ và được xem là tiêu chí đánh giá hiệu quả điều hành của quản lý vĩ mô. Tuy nhiên, vấn đề sẽ nảy sinh khi các chỉ tiêu “cơ học” này bị vô tình hay cố ý coi là đồng nghĩa với toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng trưởng kinh tế, bao giờ và ở đâu cũng vậy, không phản ảnh hết và không phản ảnh chính xác trình độ thực và nhất là phúc lợi của các nhóm dân cư khác nhau trong xã hội. Trên thực tế, nền kinh tế có thể tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng ngoạn mục, nhưng chênh lệch giàu nghèo giữa các cộng đồng cư dân, giữa nông thôn và thành thị lại có thể tăng lên ngoài mức kiểm soát, bất bình đẳng xã hội do vậy cũng có thể tăng, các vấn đề xã hội và đạo đức nảy sinh thêm. Tăng trưởng có thể cao, nhưng lợi nhuận đôi khi không tăng tương ứng, chất lượng cuộc sống có thể không tăng, môi trường có thể bị hủy hoại, tài nguyên bị khai thác quá mức, các nguồn lực khác có thể bị sử dụng không hiệu quả, xã hội có thể kém lành mạnh hơn.
Tăng trưởng kinh tế là điều kiện tiên quyết cho phát triển và tiến bộ xã hội. Không thể nói đến phát triển nếu không có tăng trưởng kinh tế. Tiến bộ xã hội đôi khi cũng có thể được thừa nhận ở những mặt cục bộ và trong một thời gian ngắn nào đó. Tuy nhiên, nếu chỉ chạy theo các tiêu chí thuần tuý định lượng để tăng trưởng kinh tế, nếu tăng trưởng kinh tế không được đảm bảo trong khuôn khổ của một sự phát triển có tính bền vững thì tiến bộ xã hội, về nguyên tắc, không thể thực hiện được.
Tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, tăng trưởng kinh tế bỏ quên con người, tăng trưởng kinh tế phá hủy văn hóa, tăng trưởng kinh tế làm hỏng xã hội v.v. ngày nay đang là các nguy cơ đối với tiến bộ xã hội. Trách nhiệm ngăn chặn các nguy cơ này, trước hết thuộc về các chính phủ.
I.1.5. Tăng trưởng phản phát triển
Những năm gần đây, ý nghĩa văn hóa - xã hội của tăng trưởng kinh tế được quan tâm bàn luận nhiều hơn. Tuy vậy, khi xem xét ý nghĩa trực tiếp của nó, người ta thường nói nhiều hơn đến những ảnh hưởng tích cực mà tăng trưởng kinh tế mang lại cho xã hội và cho rằng, tăng trưởng kinh tế tự nó không hề mang ý nghĩa tiêu cực trực tiếp; tất cả những tiêu cực nảy sinh từ tăng trưởng kinh tế, nếu có, đều chỉ là những hậu quả thứ cấp, phái sinh khi sản phẩm của sự tăng trưởng đã đi vào đời sống xã hội. Thực ra, quan niệm như vậy không đúng.
Từ góc độ tiến bộ xã hội, vấn đề là ở chỗ, bản thân sự tăng trưởng kinh tế cũng thường xuyên làm nảy sinh các hệ quả văn hóa - xã hội trực tiếp. Đây là điều dễ bị che lấp bởi đại đa số của cải xã hội, một khi được sản xuất ra thì đều hiển nhiên có giá trị và giá trị sử dụng. Có lý do khiến người ta lầm tưởng sự tăng trưởng kinh tế tự nó không mang ý nghĩa tiêu cực trực tiếp. Cố nhiên, tăng trưởng kinh tế trong phần lớn các trường hợp đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, nghĩa là nó có khả năng đem lại phồn vinh cho xã hội và hạnh phúc cho con người. Nhưng, không phải trong mọi trường hợp sự tăng trưởng kinh tế đều tác động tích cực đến xã hội. Đặc biệt, trong xã hội thị trường ở thời toàn cầu hóa. Có khá nhiều “phí tổn” (Costs) và tai họa mà một số cộng đồng đã phải gánh chịu do tăng trưởng kinh tế. Ngoài những “phí tổn có thể có” đã được nêu trong một số tài liệu kinh tế học (như: 1/Làm nảy sinh sự hám lợi, chủ nghĩa duy lợi; 2/Tăng nguy cơ mất ổn định hệ thống gia đình và cơ cấu xã hội hiện hành; 3/Tăng sự đe dọa đối với tôn giáo và quyền lực xã hội; 4/Làm tăng thêm sự thờ ơ đối với con người do đề cao kỹ thuật; 5/Xu hướng chạy theo nhu cầu của tăng trưởng kinh tế(15)), bản thân sự tăng trưởng kinh tế còn có khả năng trực tiếp gây ra những hậu quả không kém phần nghiêm trọng, nếu con người quá đề cao sự tăng trưởng mà vô tình hoặc cố ý lãng quên khía cạnh văn hóa - xã hội của nó. Chính vì thế, từ giữa những năm 90, UNDP cùng với một số tổ chức quốc tế khác đã chú trọng nghiên cứu những tác động tiêu cực này ở nhiều nước trên thế giới và đưa ra lời cảnh báo đối với các chính phủ về 5 dạng tăng trưởng mà bản thân chúng là không lành mạnh hoặc “phản phát triển”(16):
Một trong những dạng tăng trưởng phản phát triển thường gặp ở những nền kinh tế phát triển cao là tăng trưởng không tạo thêm việc làm (Jobless Growth). Đây là tình trạng mà nền kinh tế có chỉ số GDP hoặc GNP tăng, tốc độ tăng trưởng thường là cũng tăng, nhưng tổng số việc làm trong nền sản xuất xã hội không tăng. Ở trường hợp này, số người thất nghiệp trong phạm vi nền kinh tế không giảm hoặc tăng, các vấn đề xã hội có thể nảy sinh thêm hoặc trầm trọng thêm do sự tăng trưởng kinh tế quá thiên về khai thác các nguồn lực công nghệ, kỹ thuật, trí tuệ và tài chính.
Thực ra, hiện tượng tăng trưởng không tạo thêm việc làm cũng không có gì mới lạ trong đời sống kinh tế. Người ta đã biết đến hiện tượng này từ lâu, khi máy móc được sử dụng thay thế con người trong sản xuất. Nhưng trước kia, sự thay thế con người bằng máy móc chỉ diễn ra trong những quy mô hạn chế. Người lao động khi được thay thế trong dây chuyền sản xuất có thể dễ dàng chuyển sang làm việc khác, hoặc chuyển sang hệ thống lao động dịch vụ. Nghĩa là, xã hội xét trên tổng thể không mất cân bằng khi cơ cấu lao động thay đổi. Ngày nay, mức tăng dân số và kéo theo nó là tăng nguồn lao động giản đơn ở nhiều nước đã vượt quá khả năng thu nhận lao động khi những nền kinh tế không được hoạch định một cách chặt chẽ. Việc tăng năng suất lao động nhờ đầu tư cho lao động trí tuệ và đầu tư công nghệ từ vốn bên ngoài cũng là một nguyên nhân có khả năng tạo ra những mất cân đối không chỉ đối với một số ngành kinh tế, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Bởi vậy, việc điều tiết vĩ mô sao cho kinh tế vẫn tăng trưởng mà không tăng tỷ lệ thất nghiệp, không làm nảy sinh các vấn đề xã hội đang trở thành bài toán không dễ giải quyết đối với hầu hết mọi quốc gia.
Dạng thứ hai của tăng trưởng kinh tế đang bị cộng đồng thế giới lên án là tình trạng tăng trưởng một cách thô bạo (Ruthless Growth). Với dạng này, nền kinh tế của cả cộng đồng gia tăng về quy mô và giá trị sản lượng, GDP tính theo đầu người cũng tăng, nhưng những con người cụ thể được hưởng thành quả từ sự tăng trưởng đó chỉ là thiểu số. Tăng trưởng chỉ làm lợi cho những người giàu có, giới chủ, tầng lớp quý tộc, những người có đặc quyền đặc lợi, v.v. Còn những người nghèo thì nghèo thêm hoặc không được hưởng gì từ sự lớn mạnh của nền kinh tế quốc dân.
Phải thừa nhận rằng, về mặt chủ quan, không có chính phủ nào lại cố ý định hướng phát triển kinh tế quốc gia theo kiểu này. Nhưng trong thực tế, ở những phạm vi khác nhau, ở những chủ thể kinh tế khác nhau, dạng tăng trưởng này vẫn diễn ra. Đây là hiểm họa khiến chúng ta có thể liên tưởng đến sự phân tích của K. Marx về lao động bị tha hóa. Năm 1844, K. Marx đã đặt câu hỏi: Sản phẩm lao động làm ra không thuộc về người lao động thì thuộc về ai? Phải chăng thuộc về Thượng đế? Hay thuộc về giới tự nhiên? Và ông tự trả lời: “Nếu sản phẩm của lao động không thuộc về công nhân, nếu nó đối lập với công nhân như một lực lượng xa lạ, thì điều này chỉ có thể xảy ra do chỗ sản phẩm thuộc về người khác, người không phải công nhân. Nếu hoạt động của công nhân là nỗi khổ dày vò bản thân anh ta thì hoạt động đó nhất định phải mang lại khoái lạc và thú vui cho một người khác nào đó. Không phải thần thánh và giới tự nhiên, mà chỉ chính ngay con người mới có thể là lực lượng xa lạ, thống trị con người”(17).
Sự tăng trưởng thô bạo là một trong những ung nhọt của xã hội thị trường, mà ngay từ thế kỷ trước đã bị kịch liệt phê phán. Tiếc rằng đến tận thế kỷ XXI, ung nhọt ấy chẳng những chưa được chữa trị, mà còn có phần trầm trọng hơn.
Dạng tăng trưởng thứ ba thường bị cộng đồng thế giới nhìn với con mắt không thiện cảm là tăng trưởng câm (Voiceless Growth). Với dạng này, nền kinh tế có tăng trưởng, nhưng bầu không khí tinh thần xã hội thiếu cởi mở, chính thể độc đoán, tình trạng dân chủ xã hội không theo kịp nền văn minh vật chất.
Nói đến dạng tăng trưởng này, các chính khách phương Tây thường dẫn ra trường hợp một số nước NICs và một số nước châu Á khác để phê phán. Đương nhiên, trong sự phê phán của phương Tây, không loại trừ có thể có sự cài đặt những ý đồ chính trị nào đấy. Tuy vậy, về mặt học thuật thuần túy, sự phê phán của họ cũng có nhiều điểm đáng phải suy nghĩ. Theo nghiên cứu của R. Barro, thì Singapore và Hàn Quốc là những nền kinh tế có sự tăng trưởng cao dưới sự điều hành của “chính phủ độc đoán” hoặc “giới quân sự”. Nhưng R. Barro cho rằng, giữa “tính hiệu quả về kinh tế” và tình trạng “chính phủ độc đoán” không có mối quan hệ rõ ràng. Ông lập luận, Brazil và Peru những năm 70 cũng là những chính thể độc tài, nhưng nền kinh tế ở đây lại kém hiệu quả hơn nhiều so với các nước dân chủ(18). Nước Nga thời Putin cũng được một số học giả coi là tăng trưởng kinh tế không đi liền với dân chủ hóa.
Gần đây, khi cách tiếp cận văn hóa đối với phát triển xã hội được chú ý nhiều hơn, người ta đã phê phán dạng tăng trưởng thứ tư, mà đối với nó những thành tựu của nền kinh tế có nguy cơ phải trả giá bằng sự hủy hoại hoặc tan rã các giá trị truyền thống, đó là Tăng trưởng mất gốc (Rootless Growth).
Do hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa, ở không ít quốc gia, tăng trưởng kinh tế đã kéo theo tình trạng lai căng, du nhập những lối sống khác lạ từ xã hội thị trường bên ngoài. Để nền kinh tế phát triển, thông thường người ta buộc phải chấp nhận sự du nhập của cái ngoại lai ở một mức độ nào đó. Song, sẽ rất khó lường hết sự nguy hiểm, nếu các cộng đồng đánh mất bản sắc riêng của mình, nếu sự phát triển có xu hướng bị đứt đoạn với quá khứ.
Tình trạng Mỹ hóa lối sống và văn hoá tiêu dùng hiện đang là căn bệnh khó chữa trị không chỉ đối với các nước đang phát triển, mà còn đối với cả các nước châu Âu có bề dày văn hoá lâu đời như Pháp, Anh, Nga v.v. “Sự xâm lăng về văn hoá” không phải là điều hoang tưởng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu như ở khắp nơi, từ Trung Quốc tới Nam Phi, từ Pháp tới Nga, người ta đều cảnh giác rất cao đối với sự bành trướng của các giá trị Mỹ và văn hoá tiêu dùng Mỹ. Tính phức tạp của vấn đề nằm ở chỗ, giá trị Mỹ và văn hoá tiêu dùng Mỹ thường bành trướng trong “sự bảo hiểm vô lối” của “sức mạnh Mỹ” mà các quốc gia vẫn buộc phải sử dụng để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước mình. Dĩ nhiên, điều vừa nói không có ý cho rằng mọi thứ văn hoá Mỹ đều xấu hoặc kém giá trị. Điều muốn lưu ý chỉ là, giữa người Mỹ và người Đông Á, nói như Mahathir Mohamad, “sự khác nhau cơ bản giữa họ không phải chỉ là ở khía cạnh giá trị xã hội mà còn ở khía cạnh giá trị con người”(19). Đây là lý do rất căn bản khiến người ta không được phép để nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng mất gốc.
Dạng tăng trưởng kinh tế không lành mạnh thứ năm mà ngay từ những năm 70, Câu lạc bộ Roma đã nhận ra bộ mặt của nó – kiểu tăng trưởng bất chấp tương lai (Futureless Growth). Thực ra, các dự báo của Câu lạc bộ Roma về giới hạn của sự tăng trưởng(20) không phải là toàn bộ tư tưởng của những người lên tiếng cảnh báo về dạng tăng trưởng bất chấp tương lai. Phải đến giữa những năm 90 của thế kỷ XX, khi nền kinh tế thế giới đã đạt tới trình độ rất cao, con người mới có điều kiện để hiểu một cách sâu sắc những tác động ngược về mặt văn hoá của tăng trưởng kinh tế.
Do tham vọng của những lợi ích cục bộ hoặc nhất thời nào đó, cũng có thể do sự hoạch định thiển cận về mặt chiến lược, trong không ít nền kinh tế đã nảy sinh tình trạng vô tình hoặc cố ý không tính đến tương lai của chính mình. Người ta khai thác tài nguyên một cách tối đa, gạt sang một bên những bài toán về môi sinh và những lợi ích chính đáng của những người xung quanh và của thế hệ sau. Đầu tư nhằm vào những lĩnh vực sinh lợi nhanh được kêu gọi ồ ạt, trách nhiệm trả nợ đẩy cho thế hệ kế tiếp. Lợi ích trước mắt được quan tâm quá mức gây nên tình trạng phát triển theo kiểu “bong bóng”. Với kiểu tăng trưởng này, đôi khi con người cũng bị khai thác như một đồ vật làm nảy sinh các tệ nạn xã hội phức tạp.
Ngày nay, hầu hết các nền kinh tế đều ý thức rõ và tuyên chiến với kiểu tăng trưởng này. Tuy vậy, những ý định tốt đẹp vẫn chưa phải là cơ chế ngăn cản sự tăng trưởng bất chấp tương lai. Những phức tạp của quá trình toàn cầu hoá, sự can thiệp và chi phối của những nước giàu, sự thiếu hụt về nhiều mặt ở những nền kinh tế chậm phát triển, tình trạng bị thao túng bởi lợi ích nhóm, nạn tham nhũng tràn lan ở một số quốc gia v.v. luôn gây ra những nguy cơ to lớn đối với các nền kinh tế muốn đạt tới sự phát triển bền vững.
Trên cơ sở điểm mặt năm dạng tăng trưởng kinh tế thiếu lành mạnh vừa nêu, một lần nữa chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, tăng trưởng kinh tế không phải trong mọi trường hợp đều có ý nghĩa tích cực. Có những kiểu tăng trưởng không lành mạnh, kìm hãm hoặc kéo lùi tiến bộ xã hội. Sẽ là nguy hiểm nếu coi tăng trưởng kinh tế là mục đích tối thượng của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cũng không nên quá cực đoan đến mức đánh giá quá thấp hàm lượng kinh tế trong các quá trình xã hội - coi thường mục đích kinh tế trong sự phát triển; coi tăng trưởng kinh tế trong mọi trường hợp lại chỉ thuần tuý là phương tiện để con người đạt tới mục đích khác.
I.2. Phát triển
Ngày nay, nói đến “phát triển”, người ta ngầm hiểu là phát triển xã hội, hay phát triển kinh tế - xã hội. Hầu như không ai dùng từ “phát triển” để chỉ trạng thái chung mà tất cả các hiện tượng trong cả tự nhiên, xã hội và tư duy đều phải tuân theo. Về mặt lý luận, phát triển được hiểu là thuộc hệ thống các phạm trù Tăng trưởng - Phát triển - Phát triển bền vững (growth - development - sustainable development) phản ánh sự tiến bộ kinh tế - xã hội của đời sống xã hội. Đây là kết quả của quá trình tiếp thu hạt nhân hợp lý từ lý luận phương Tây du nhập vào nước ta kể từ thời kỳ Đổi mới. Tuy nhiên, trước đó, thuật ngữ phát triển được giới lý luận và các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng có khác với hiện nay.
Trước những năm 90, ở Việt Nam, cũng như ở Nga và các nước khác thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa lúc đó, không ai sử dụng “phát triển” như một thuật ngữ độc lập (không có tính từ hoặc bổ ngữ kèm theo); nói đến phát triển, người ta phải buộc phải hình dung là nói về sự phát triển của cái gì, của đối tượng xem xét nào, con người hay xã hội, giới vô cơ hay hữu cơ, động vật hay thực vật, tư duy hay lý luận v.v. Lúc đó, cách nói “văn hóa và phát triển”, “giới và phát triển” hay “môi trường và phát triển” v.v. không được sử dụng. Trong lý luận, phát triển luôn luôn được hiểu là thuộc hệ thống các phạm trù Vận động - Phát triển - Tiến bộ - hệ thống các phạm trù rất cơ bản của triết học duy vật biện chứng.
Thực ra, về phương diện lý thuyết, cách dùng như trước đây hợp lý hơn, logic hơn và triệt để hơn. Tuy nhiên, đời sống ngôn ngữ cũng lại có quy luật riêng của nó - quy luật do số đông người sử dụng tạo ra.
Phát triển theo quan điểm duy vật biện chứng |
Phát triển là khái niệm chỉ một quy luật phổ biến của thế giới vật chất. Đó là một trường hợp đặc biệt của sự vận động, là quá trình vận động từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Trong giới hữu cơ, phát triển được biểu hiện ở việc gia tăng khả năng thích nghi, khả năng tự sản sinh và hoàn thiện của cá thể trước môi trường. Trong xã hội, sự phát triển biểu hiện ở năng lực chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội để xã hội tiến tới mức độ ngày càng tiến bộ hơn. Trong tư duy, sự phát triển biểu hiện ở khả năng nhận thức ngày càng sâu sắc, đầy đủ, đúng đắn hơn về thế giới. Nguồn gốc của sự phát triển nằm ngay trong bản thân sự vật, do mâu thuẫn của sự vật quy định. Phát triển, là quá trình tự thân của mọi sự vật và hiện tượng. Phát triển là một quá trình khách quan, độc lập với ý thức con người. Phát triển là sự thống nhất của các mặt đối lập. Quan điểm phát triển đòi hỏi phải xem xét sự vật trong sự tự vận động, trong sự biến đổi của nó. Phát triển là kết quả của quá trình thay đổi về lượng dẫn tới sự thay đổi về chất; sự phát triển diễn ra theo đường xoáy trôn ốc, trong quá trình phát triển, hiện thực dường như có sự quay trở lại điểm xuất phát, nhưng trên một trình độ mới cao hơn. Phát triển có tính phổ biến, nghĩa là sự phát triển diễn ra ở tất cả mọi lĩnh vực - từ tự nhiên đến xã hội và tư duy, từ hiện thực khách quan đến những khái niệm, những phạm trù phản ánh hiện thực ấy. Phát triển là quá trình tất yếu, nhưng phức tạp, không đơn tuyến khi xem xét quá trình đó ở một thời điểm với phạm vi cục bộ. Phát triển trong hiện thực và trong tư duy thường diễn ra theo những con đường quanh co, không nhất thiết, trong đó có thể có bước thụt lùi tương đối. Quan điểm phát triển đòi hỏi nhìn sự vật không chỉ như là cái đang có, mà còn phải thấy được khuynh hướng vận động, biến đổi theo khả năng tiến lên hay thụt lùi của nó. |
Với tính cách là một trong những thuộc tính phổ biến của thế giới vật chất, khái niệm phát triển được rút ra từ vô số những biến đổi nói chung, những biến đổi gắn liền với sự đổi mới hệ thống, cấu trúc và chức năng của đối tượng xem xét bao gồm sự phát sinh, biến thái, mất đi một số yếu tố và mối liên hệ của đối tượng, và biến thành một cái mới. Phát triển “là quá trình vận động từ thấp (kém hoàn thiện) đến cao (hoàn thiện hơn), mà nét đặc trưng chủ yếu là cái cũ mất đi và cái mới ra đời”. Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, phát triển thường được hiểu là sự tăng trưởng kinh tế mà không gây ra những vấn đề xã hội, “tạo điều kiện cho con người ở bất kỳ đâu cũng có cuộc sống đầy đủ, lành mạnh và lâu dài”(21). Đối với mỗi xã hội cụ thể, phát triển là sự vận động đi lên, sự biến đổi theo chiều hướng tiến bộ của những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội với những nhân tố cụ thể như tăng trưởng kinh tế, thu nhập quốc dân tính theo đầu người tăng liên tục, mức sống, sức khoẻ và tuổi thọ của cư dân được cải thiện, giáo dục phổ cập và đỉnh cao có tiến bộ, khoa học phát triển v.v. và tăng trưởng kinh tế không làm nảy sinh các vấn đề phức tạp về xã hội và môi trường.
Phát triển còn được hiểu là bao gồm những hoạt động hoặc quá trình làm tăng năng lực của con người hoặc môi trường để đáp ứng những nhu cầu của con người hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Nhờ thành quả của phát triển, con người được khoẻ mạnh, được chăm sóc, được lao động, được giải trí, nghĩa là con người được thoả mãn các nhu cầu ngày càng cao của mình. Rõ ràng, phát triển không chỉ đơn giản là bằng mọi cách khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên để tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật v.v. mà còn được thể hiện ở những lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khoẻ con người, giáo dục, an ninh, cũng như bảo tồn thiên nhiên và hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần v.v. Tăng trưởng kinh tế phải đóng vai trò là điều kiện, là cơ sở cho sự phát triển nói chung.
I.3. Phát triển bền vững
I.3.1. Lịch sử quan niệm về phát triển bền vững
Phát triển bền vững (Sustainable development), khái niệm dùng để chỉ quá trình vận động tích cực mà trong đó nguồn lực của sự phát triển luôn luôn được tái sinh, là một quan niệm mới, hạt nhân lý luận của một quan điểm mới, quan điểm không hề quen thuộc chút nào, đặc biệt với các quá trình xã hội. Đây là sản phẩm của thời đại chúng ta(22).
Thực tiễn chỉ ra rằng, phát triển, nhất là phát triển xã hội, không phải là một quá trình vận động theo con đường thẳng thuần nhất, đơn tuyến: giai đoạn sau không phải bao giờ cũng tiến bộ hơn giai đoạn trước; người đi sau không phải bao giờ cũng khôn ngoan hơn người đi trước; giải pháp ra đời sau, biết rút kinh nghiệm từ giải pháp có trước, song không phải bao giờ cũng hợp lý hơn giải pháp trước v.v. Bởi lẽ, phát triển vốn là một quá trình phức tạp, có thể gồm trong đó cả những bước quanh co, những thất bại, những thụt lùi tạm thời; dù rằng, xét cho cùng xã hội loài người vẫn tất yếu vận động theo hướng đi lên, theo chiều hợp lý hơn, tiến bộ hơn.
Lịch sử phát triển lâu dài của nhân loại đã chứng kiến những phức tạp đó và đã đặt ra nhu cầu phải nghiên cứu kỹ lưỡng để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm làm cho xã hội phát triển hợp lý hơn. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhân loại nhận thức ra vấn đề phát triển bền vững có phần hơi muộn.
Thái độ đối với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật nói riêng và đối với toàn bộ nền văn minh nhân loại nói chung, từ thế kỷ XV đến tận cuối thế kỷ XIX, chủ yếu là thái độ lạc quan. Thời đó, người ta tin vào sức mạnh vạn năng của con người và rất ít người tính đến “sự trả thù của giới tự nhiên”. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, người ta mới bắt đầu nhận thức được rằng, cái làm nên sự phát triển không ngừng của văn minh loài người, phần lớn do bóc lột, tước đoạt tài nguyên thiên nhiên và phá hoại môi trường tự nhiên một cách tàn nhẫn. Con người hoá ra là kẻ thù nguy hiểm nhất của giới tự nhiên.
Nhưng sự tàn phá giới tự nhiên ở những thế kỷ trước, dẫu sao cũng vẫn là nhỏ bé so với thế kỷ XX.
Sự phát triển của xã hội hiện đại với những thành tựu to lớn về phương diện văn minh vật chất, từ nửa sau của thế kỷ XX đã tạo nên áp lực nặng nề của con người đối với môi trường tự nhiên, làm cho bản thân giới tự nhiên mất đi khả năng tự phục hồi. Sự suy thoái môi trường đã tiềm tàng nguy cơ khủng hoảng sinh thái ở phạm vi toàn cầu. Không hề quá khi bà G.H. Brundland, nguyên Chủ tịch Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới nhận định, trừ chiến tranh hạt nhân ra thì sự biến đổi của khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với loài người. Nó không những đe dọa sự tồn vong của con người mà còn uy hiếp cả tương lai của trái đất(23).
Điều đáng nói là sự tàn phá môi trường thế giới thì diễn ra trên quy mô toàn cầu, nhưng lợi nhuận thu được từ việc bóc lột tài nguyên thiên nhiên lại chỉ làm lợi cho một số người ở một số nước. Hậu quả của quá trình đó là sự trả thù của một thiên nhiên bị tổn thương nặng, chủ yếu trút xuống các quốc gia nghèo với điều kiện sản xuất, điều kiện sống và cơ sở hạ tầng thấp kém.
Thực ra, những hiểm họa của tình trạng phát triển không bền vững trên phạm vi toàn cầu đã được báo động từ rất sớm. Nhưng có quá nhiều lý do, trong đó không ít lý do cũng rất khách quan khiến con người có phần trượt theo tâm lý tự hào về thành tựu vĩ đại của mình trong việc chinh phục giới tự nhiên. Những lý do khách quan ấy lại được khích lệ bằng những triết lý đề cao vị thế của con người, làm cho con người đôi lúc trở nên ngạo mạn, và giới tự nhiên đã trả thù con người. Đến cuối những năm 60 (thế kỷ XX), vấn đề đã trở nên thực sự nghiêm trọng. Sự tiến bộ của loài người được đánh dấu bằng trình độ bóc lột giới tự nhiên đã tiến đến gần những giới hạn nguy hiểm. Câu lạc bộ Roma là tổ chức khoa học rung tiếng chuông cảnh báo đặc biệt hối thúc về những giới hạn nguy hiểm đó. Năm 1968, khoảng 30 nhà khoa học hàng đầu châu Âu dưới sự chỉ đạo của A. Peccei thành lập tổ chức khoa học phi chính phủ mang tên Câu lạc bộ Roma và sau đó đã lần lượt công bố các báo cáo về môi trường làm rúng động dư luận. Tại nhiều nước, các tổ chức thành viên của Câu lạc bộ Roma về sau cũng dần được hình thành; đến nay đã có hơn 30 quốc gia có tổ chức thành viên. Trong số hơn 20 báo cáo của Câu lạc bộ Roma, báo cáo năm 1972 với tiêu đề Giới hạn của sự tăng trưởng (The Limits to Growth) được coi là có tiếng vang nhất và có tác dụng làm thức tỉnh toàn thể loài người(24).
Cùng với những hoạt động của Câu lạc bộ Roma, đã xuất hiện những công trình nghiên cứu nghiêm túc về sự xuống cấp của môi trường và của hệ sinh thái. Người ta nhận ra môi trường không phải là vấn đề riêng của từng quốc gia, mà là vấn đề phải giải quyết ở tầm toàn cầu. Nhiều tổ chức quốc tế về môi trường đã xuất hiện và tiến hành những hoạt động thiết thực để toàn cầu hoá vấn đề bảo vệ môi trường. Các nhà tư tưởng bàn đến một hình thức phát triển mà trong đó, những mục tiêu về kinh tế phải được tính đến trong tương quan với khả năng bảo vệ môi trường như một điều kiện cho sự phát triển kế tiếp. Khái niệm “phát triển phù hợp với sinh thái” được đề xuất tại Hội nghị quốc tế “Môi trường và con người” do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Stockholm năm 1972, là khởi thủy của tư tưởng về phát triển bền vững(25). Năm 1980, ba tổ chức quốc tế IUCN, UNEP và WWF(26) đã soạn thảo và thông qua Chiến lược bảo vệ toàn cầu (World Conservation Strategy), trong đó nêu rõ bảo vệ môi trường phải bao gồm cả khai thác và sử dụng một cách hợp lý tài nguyên tự nhiên nhằm mang lại cho con người của thế hệ hôm nay và cả các thế hệ mai sau một cuộc sống đầy đủ, lành mạnh. Trong văn kiện này, tư tưởng về phát triển bền vững đã được chú ý và được triển khai. Theo tư tưởng này, bảo vệ môi trường dĩ nhiên không phải nhằm mục đích tự thân, con người không thể ngừng hoàn toàn khai thác tự nhiên, mà vấn đề là khai thác như thế nào.
Sau nhiều thế kỷ đạt được những thành tựu vĩ đại về kinh tế, loài người ngày càng ý thức được đã đến lúc không thể phát triển theo con đường tàn phá tự nhiên và gia tăng bất công xã hội. Bởi, con người cũng là một phần của giới tự nhiên. Sự phát triển theo kiểu “ứng trước” chỉ có thể giải quyết được những nhu cầu trước mắt, còn “những khoản nợ” thì người sau và nhiều thế hệ sau sẽ phải gánh chịu.
Từ sau khi Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED(27)) được Liên Hiệp Quốc thành lập với nhiệm vụ soạn thảo báo cáo về các vấn đề môi trường và đưa ra những phương hướng phát triển chung cho toàn thế giới, vấn đề môi trường tự nhiên đã dần được ý thức rõ hơn trong các chương trình nghị sự của các quốc gia và từng bước đi vào các chính sách của cộng đồng quốc tế. Đến những năm 80, quan điểm chính thống ở hầu hết các quốc gia đều nhất trí cần phải kết hợp giữa khai thác tài nguyên và giữ gìn môi trường. Dĩ nhiên, từ quan điểm đến hành động là một khoảng cách khá xa; rất ít tổ chức kinh tế - xã hội đã giải quyết được hai nhiệm vụ trên một cách hợp lý. Lúc đó, đối với hầu hết các quốc gia, nhu cầu tăng trưởng kinh tế gắn quá chặt với phải khai thác tài nguyên. Tính chất toàn cầu của vấn đề bảo vệ môi trường được đặt ra bức thiết và thái độ chung của cộng đồng quốc tế về việc cần phải đối xử với tự nhiên một cách thân thiện hơn được đặc biệt nhấn mạnh.
Trên thực tế, quan điểm Phát triển bền vững chỉ thực sự ra đời và tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong dư luận quốc tế với sự xuất hiện của Báo cáo Tương lai chung của chúng ta năm 1987 do WCED soạn thảo và công bố. Báo cáo này quan niệm: Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại khả năng của các thế hệ tương lai và đáp ứng các nhu cầu của họ(28).
Năm 1989, Ủy ban Môi trường và Phát triển bền vững (Committee on Environment and Subtainable Development) gồm đại biểu quốc hội của 131 quốc gia đã được thành lập tại Geneva, Thụy Sĩ. Nhiệm vụ của Ủy ban này là chuẩn bị các tài liệu và định hướng các quyết sách về môi trường cho Hội nghị thượng đỉnh Rio-92. Tại Ủy ban này, vấn đề phát triển bền vững được bàn thảo khá chi tiết(29).
Trước thềm Rio-92, ba tổ chức IUCN, UNEP và WWF năm 1991 đã công bố Chiến lược vì sự sống bền vững (Strategy for Sustainable Living). Đây là văn kiện được đánh giá cao về quan điểm phát triển bền vững. Một lần nữa, phát triển bền vững được nhấn mạnh với ý nghĩa cải thiện chất lượng cuộc sống của con người trong phạm vi khả năng chịu đựng được của các hệ sinh thái(30).
Tháng 6 năm 1992, Hội nghị cấp cao thế giới về môi trường và phát triển (Hội nghị thượng đỉnh về trái đất) gồm các đại biểu của hơn 178 quốc gia và 70 tổ chức quốc tế nhóm họp tại Rio de Janeiro, Brazil đã thông qua các văn kiện quan trọng: Tuyên ngôn Rio gồm 27 nguyên tắc về môi trường và phát triển; Chương trình hành động của thế kỷ XXI gồm 115 chương trình môi trường cho thế giới thứ ba và kêu gọi các nước công nghiệp phát triển tăng thêm viện trợ phát triển cho các nước nghèo đến năm 2000. Các văn bản nổi tiếng của cộng đồng quốc tế như Nguyên tắc phòng ngừa các thảm họa môi trường hoặc Công ước về tính đa dạng sinh học v.v. cũng đã được đề xuất. Các văn kiện Rio-92 đã khẳng định quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo đó, hoà bình, phát triển và bảo vệ môi trường là những vấn đề phụ thuộc lẫn nhau, quan hệ hữu cơ với nhau v.v. Với Tuyên bố Rio, quan điểm phát triển bền vững được hiểu là “sự phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh, dựa trên việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện nay và không ảnh hưởng bất lợi đối với các thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn những nhu cầu của họ”(31).
Năm 1992, Ủy ban Phát triển bền vững (Commission on Subtainable Development) của Liên Hiệp Quốc được chính thức thành lập với sự tham gia của 53 quốc gia. Nhiệm vụ của Ủy ban này là phối hợp giải quyết những vấn đề cấp thiết về năng lượng, nguồn nước, giao thông và môi trường, các vấn đề đại dương v.v. Mục đích của Ủy ban này là xoá bỏ tình trạng nghèo đói và làm thay đổi nhu cầu đối với sản xuất nhằm phát triển bền vững. Với hoạt động của Ủy ban này, quan điểm phát triển bền vững thể hiện ý nghĩa to lớn của nó ở sự kết hợp giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề kinh tế với các vấn đề xã hội và các vấn đề sinh thái(32).
Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững (còn gọi là Hội nghị Rio’10 hay Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg)nhóm họp tại Johannesburg, Nam Phi với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cũng như các chuyên gia về kinh tế, xã hội và môi trường của gần 200 quốc gia. Tại đây, các bên đã nhìn lại những việc đã làm trong 10 năm trước đó theo tinh thần Tuyên ngôn Rio và Chương trình Nghị sự 21. Hội nghị đã đề xuất một số mục tiêu ưu tiên bao gồm xóa nghèo đói, phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đại diện của các quốc gia tham gia hội nghị cũng cam kết chiến lược về phát triển bền vững tại mỗi quốc gia trước năm 2005. Tại Hội nghị này, đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm dẫn đầu đã trình bày báo cáo Phát triển bền vững ở Việt Nam - Mười năm nhìn lại và con đường ở phía trước. Báo cáo nêu rõ những thành tích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường cũng như những vấn đề mà Việt Nam đang phải giải quyết để thực hiện cam kết thực hiện Chương trình nghị sự Rio - 21.
Tháng 12/2009, Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững với mục đích là ký được một thỏa thuận toàn cầu về khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính để thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hạn vào 2012, diễn ra tại Copenhagen, Đan Mạch. Đây là sự kiện quan trọng được dư luận quốc tế trông đợi nhất kể từ sau Hội nghị Johannesburg 2002. Tại Hội nghị, cuộc đàm phán về vấn đề biến đổi khí hậu đã diễn ra gay gắt. Các nước phát triển đồng ý sẽ cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO2, trong khi các nước đang phát triển sẽ hạn chế tốc độ gia tăng loại khí thải này. Tuy nhiên, với các mục tiêu cụ thể của từng nước, cộng đồng thế giới vẫn tỏ ý thất vọng với kế hoạch cắt giảm khí thải của Mỹ và Trung Quốc, với chương trình trợ giúp tài chính của các nước giàu đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu các nước giàu phải có những cam kết tài trợ cụ thể, ít nhất là 10 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu về cam kết của Việt Nam trước những hiểm họa của biến đổi khí hậu. Tuy Hiệp ước Copenhagen không đáp ứng kỳ vọng của nhiều nước, song một lần nữa những thách thức đặt ra cho phát triển bền vững đã được nhiều nước, trong đó có Việt Nam, ý thức ngày càng sâu sắc hơn.
Có thể nhận thấy, không quá khó để cộng đồng quốc tế thống nhất với nhau trong việc thừa nhận tính cấp thiết của phát triển bền vững, cũng như những tiêu chí và những yêu cầu chủ yếu của phát triển bền vững. Nhưng, rõ ràng là hết sức khó khăn để cộng đồng quốc tế thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững cụ thể trên phạm vi toàn cầu, cũng như làm thế nào để quan điểm phát triển bền vững được các quốc gia, nhất là các quốc gia giàu và phát triển quan tâm thay đổi chính sách phát triển trong từng công trình, trong từng dự án. Thái độ của một vài nước lớn rõ ràng là một thí dụ tiêu cực trong con mắt của cộng đồng thế giới.
Trong khi đó, đối với một số quốc gia chậm phát triển, những nhu cầu khác như xoá đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế v.v. lại đang là những mục tiêu có phần quan trọng hơn, bức xúc hơn và cấp bách hơn so với mục tiêu bảo vệ môi sinh. Đây là một thực tế dễ làm nảy sinh những kế sách thiển cận, dù xét dưới góc độ nào đó, những ưu tiên trước mắt cũng không phải là không mang ý nghĩa nhân văn. Dĩ nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện hơn, tăng trưởng bằng mọi cách hẳn là một mô hình khiếm khuyết, ảnh hưởng xấu đến lợi ích của các cộng đồng khác và ảnh hưởng xấu đến lợi ích của thế hệ tương lai.
Thực tế này đòi hỏi quan điểm phát triển bền vững phải được giải quyết trên phạm vi toàn cầu, trong đó các nước giàu phải tự nguyện có trách nhiệm đối với yếu tố bền vững trong phát triển, phải tuân thủ các hiệp ước quốc tế và các nguyên tắc về bảo vệ môi trường. Hơn ai hết, họ phải chịu trách nhiệm đầu tư cho gìn giữ và phát triển môi trường.
I.3.2. Khái niệm “Phát triển bền vững”
Vấn đề là ở chỗ, đối với mỗi xã hội, sự phát triển có thể không bền vững, nghĩa là sự phát triển có thể dừng lại hoặc có thể đi kèm theo những hệ lụy, những nguy cơ về tự nhiên - môi trường và đặc biệt là về xã hội, cản trở sự liên tục của các quá trình phát triển; cũng có thể sự phát triển, tăng trưởng của những lĩnh vực này lại kéo theo sự thụt lùi, xuống cấp của những yếu tố khác, những lĩnh vực khác, làm tổn hại đến sự phát triển con người ở thế hệ hiện tại và đặc biệt ở thế hệ kế tiếp.
Đến nay đã có hơn 70 định nghĩa về “Phát triển bền vững”.
Tuy nhiên, định nghĩa được thừa nhận phổ biến và được coi là hàm chứa các tư tưởng cốt lõi về phát triển bền vững vẫn là định nghĩa của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới của Liên Hiệp Quốc: Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của hiện tại song không xâm phạm tới khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai(33). Định nghĩa này xác định phát triển bền vững là phương thức thỏa mãn các nhu cầu của các thế hệ hiện tại, dĩ nhiên bao gồm cả việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhưng cố gắng không xâm hại đến quyền và khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Với tính cách là một phương thức phát triển, thì việc phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của hiện tại song không xâm phạm tới khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai, về thực chất, là quá trình mà trong đó, sự phát triển luôn đảm bảo được các nguồn lực cho quá trình phát triển tiếp theo. Nghĩa là, cùng với việc đạt được mục đích phát triển, các nguồn lực tạo ra sự phát triển đó, kể cả vốn, nguồn lực con người, nguồn lực xã hội, tài nguyên tự nhiên, hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học v.v. cần phải được bảo tồn hoặc thay thế hợp lý, khi một nguồn lực nào đó cần phải thay thế (trong trường hợp một nguồn lực cụ thể nào đó bị cạn kiệt, nó cần phải được bổ sung hoặc thay thế sao cho tổng thể các nguồn lực luôn ở vào thế hợp lý, làm tiền đề cho sự phát triển tiếp theo).
Năm 1991 khái niệm phát triển bền vững đã được các tổ chức IUCN, UNEP, WWF sử dụng với ý nghĩa cải thiện chất lượng cuộc sống của con người trong phạm vi khả năng chịu đựng của hệ sinh thái. Quan niệm này đã chỉ rõ hơn mối quan hệ giữa nhu cầu phát triển với môi trường, cụ thể là khả năng chịu đựng của hệ sinh thái. Rõ ràng, nhất thiết phải quan tâm đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống con người. Con người ở đây không chỉ là thế hệ hiện tại trong một khoảng thời gian cụ thể. Con người thời kỳ nào cũng cần phải được thoả mãn các nhu cầu. Nhưng quan niệm này cũng xác định rõ sự hạn chế về môi trường và sinh thái đối với sự phát triển mà con người phải tôn trọng như là một điều kiện tất yếu. Nghĩa là, cải thiện chất lượng cuộc sống không phải là sự thỏa mãn nhu cầu bằng mọi cách! Sự cải thiện bao gồm trong đó sự chấp nhận tương đối của cả con người và cả khả năng chịu đựng của hệ sinh thái với tính cách là điều kiện cần cho sự cải thiện đó (sự thoả mãn nhu cầu). Như vậy, con người có thể nhận biết được khi nào khả năng chịu đựng đó đến giới hạn để điều chỉnh hoạt động của mình, cho dù khả năng cải thiện cuộc sống và thỏa mãn nhu cầu của con người là tương đối. Nói như vậy có nghĩa là, ngay cả khi các nhu cầu của con người chưa thật sự được thỏa mãn, nhưng sự chịu đựng của môi trường đã đến giới hạn, thì nhất thiết phải có các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Các biện pháp đó bao gồm cả việc cắt giảm nhu cầu của con người, hoặc tìm những biện pháp thích hợp hơn, có lợi hơn, dễ chịu hơn đối với hệ sinh thái. Quan niệm này như vậy cũng đã chỉ rõ, việc cải thiện chất lượng cuộc sống của con người không thể đạt tới vô hạn, bởi khả năng chịu đựng của hệ sinh thái là có hạn.
Các biện pháp của con người nhằm tận dụng triệt để hơn những gì thiên nhiên có thể mang lại như trong suốt thời gian dài vừa qua là bóc lột tàn nhẫn, là vi phạm đạo đức sinh thái, và điều đáng nói là điều đó đã và đang trực tiếp cản trở sự phát triển bền vững, cản trở sự thoả mãn nhu cầu của ngay cả các thế hệ hiện tại. Con người cần phải biết chăm sóc và nuôi dưỡng hệ sinh thái.
Như đề cập ở trên, do nhận thức muộn mằn về phát triển bền vững, cho đến nay nhân loại chưa làm được nhiều cho mục tiêu đúng đắn đó. Kể từ sau Chương trình AGENDA 21, nhiều quốc gia ở khắp các châu lục đã xây dựng chương trình hành động quốc gia dựa trên hoàn cảnh thực tiễn của mình. Theo Báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường toàn cầu năm 2000 (GEO - 2000) của UNEP, hiện có hai mối lo ngại ở tầm toàn cầu, bao trùm nhân loại khi bước vào thiên niên kỷ mới. Một là, hệ sinh thái nhân văn toàn cầu bị đe dọa bởi sự mất cân bằng sâu sắc về năng suất, cũng như trong phân phối hàng hoá và dịch vụ. Tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác đến kiệt quệ để đem lại sự giàu có cho cả nhân loại, nhưng vẫn còn hơn một tỷ người trên hành tinh đang bị đói, bởi lợi ích từ khai thác tài nguyên thiên nhiên nói trên không được phân phối đến tay họ. Hai là, tình trạng phối hợp và đồng thuận trên phạm vi toàn cầu để giải quyết các vấn đề môi trường không theo kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự xuống cấp về môi trường. Thậm chí, khi môi trường đang cần được quan tâm bảo vệ một cách bức thiết thì lại xuất hiện sự rạn nứt trong cộng đồng quốc tế về việc thực hiện các cam kết chung. Điều đó đang đặt nhân loại trước những nguy cơ mới và những thử thách mới.
Định nghĩa 1987 của WCED về phát triển bền vững về cơ bản đã vạch ra các khuôn khổ tư tưởng cho các lý thuyết, các chiến lược và các kế sách phát triển. Các quan điểm và các chương trình hành động tiếp theo của nhân loại thể hiện qua Tuyên bố Rio’ 92, Agenda 21, Johanesburg 2002, Copenhagen 2009 v.v. đã cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn yêu cầu về sự phát triển bền vững của nhân loại. Tuy vậy, vẫn có những chính khách, một số nhà khoa học v.v. chưa thỏa mãn với những tư tưởng đã được xác định và đặc biệt là với những gì mà loài người đã thực hiện được; họ thể hiện sự thất vọng về một số khía cạnh của tư tưởng phát triển bền vững và hậu quả kém cỏi của những tư tưởng đó trong thực tiễn. Chẳng hạn, David G. Victor, Giáo sư Đại học California, San Diego, nhà hoạt động bảo vệ môi trường khá nổi tiếng người Mỹ trong bài Cần phải suy nghĩ lại về phát triển bền vững đã phê phán: “Thay cho việc gắn kết tự nhiên, kinh tế, và công bằng xã hội lại với nhau, phát triển bền vững đã làm nảy sinh những mục tiêu và bản liệt kê các mục cần kiểm tra hết sức chuyên dụng và phần lớn vô nghĩa. Đặc biệt gây tai hại là hàng loạt những cuộc họp thượng đỉnh được Liên Hiệp Quốc đồng tâm điều hành để tạo ra những văn kiện và những chính sách chung chung và rời rạc. Phát triển bền vững, chiếc la bàn được thiết kế để chỉ cho thấy con đường đi tới những nền kinh tế công bằng và có thể phát triển, đang đung đưa theo mọi hướng”(34).
David G. Victor không phải là người đơn độc trong ý kiến này. Trên thực tế, bản thân các định nghĩa, các tư tưởng và các chiến lược về phát triển bền vững vẫn chưa phải đã hoàn hảo. Nhưng hơn thế, các chương trình hành động của Liên Hiệp Quốc, của các tổ chức quốc tế và của các chính phủ cũng chỉ mới đem lại những kết quả khiêm tốn. Ngoài “công nghệ xanh” khá tốn kém, sự phát triển bền vững vẫn phải kỳ vọng vào sự tự giác mang nặng tính chất đạo đức của các hoạt động xã hội, kể cả ở tầm chính phủ và ở phạm vi cá nhân. Các thiết chế pháp lý quốc tế hiện vẫn mới chỉ có hiệu lực ở mức khá hạn chế.
I.3.3. Các phương diện cơ bản của phát triển bền vững
Việc chỉ ra những yếu tố của phát triển bền vững đã được nhiều quốc gia quan tâm. Liên Hiệp Quốc cũng đã xây dựng và công bố Lịch trình thế kỷ XXI (Agenda 21) nhằm hỗ trợ tất cả các quốc gia trên thế giới xây dựng kế hoạch hành động quốc gia sao cho khả thi, đảm bảo tính bền vững của sự phát triển.
Ở Việt Nam, ngay từ 12/6/1991 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Kế hoạch quốc gia về môi truờng và phát triển bền vững theo quyết định 187 - CP. Ngày 25/6/1998, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành chỉ thị 36 - CT/TW về công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá. Chỉ thị này đã xem Bảo vệ môi trường là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và phát triển kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp các ngành, là cơ sở để đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
Về lý thuyết, việc phân chia phát triển bền vững thành các lĩnh vực, các phương diện, các yếu tố để nghiên cứu và đề xuất chính sách cho hoạt động thực tiễn có thể có nhiều phương án. Thời kỳ đầu, tức là từ những năm 90 trở về trước, người ta chỉ xem xét phát triển bền vững ở 3 lĩnh vực hay 3 phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường. Về sau, do quan niệm phát triển bền vững về xã hội cũng chưa bao hàm hết các vấn đề về văn hóa, con người và chính trị, nên một số nhà nghiên cứu trong các tổ chức quốc tế đã chia phát triển bền vững thành 5 lĩnh vực hay 5 trụ cột / phương diện để xem xét: kinh tế, xã hội, văn hóa, con người và môi trường hoặc kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường. Từ đó, ở Việt Nam cũng như ở đại đa số các quốc gia trong cộng đồng thế giới, phát triển bền vững thường được nhận thức và được triển khai hành động trên các phương diện cơ bản sau đây:
- Phát triển bền vững về kinh tế
Khi bàn đến các yếu tố hay các phương diện cơ bản của phát triển bền vững, trước hết người ta thường bàn đến sự bền vững trong phát triển kinh tế hay phát triển bền vững về kinh tế. Sở dĩ như vậy là vì phát triển sản xuất luôn là điều kiện có tính chất cơ sở đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Khi nền sản xuất xã hội tăng trưởng kém hoặc bị đình trệ, sự phát triển nói chung sẽ bị gián đoạn hoặc gặp phải những vấn đề. Trong trường hợp đó, người ta không thể hay khó có thể tính đến những nội dung khác thuộc hệ vấn đề phát triển bền vững. Tính bền vững trong phát triển kinh tế, trên thực tế, là điều kiện, là nguyên nhân, là tác nhân v.v. cho sự phát triển về văn hóa, chính trị, xã hội và con người. Sự bền vững về kinh tế tạo điều kiện và quyết định sự bền vững của các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Trước khi nhận thức được tính cấp thiết của sự phát triển bền vững, nhân loại đã bằng mọi cách tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất. Các biện pháp đã được sử dụng, trong đó khai thác tài nguyên thiên nhiên với cường độ cao, không tính đến hay không thể tính đến khả năng phục hồi, khả năng chịu đựng của hệ sinh thái thường là điều khó tránh. Thêm vào đó, việc áp dụng các quy trình sản xuất nhắm đến lợi nhuận tối thượng, không quan tâm đến việc xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn ra môi trường, cũng như một loạt các vấn đề khác đã đặt phát triển kinh tế trong tình trạng không bền vững v.v. Quả bom sinh thái treo lơ lửng trên đầu nhân loại là hình tượng báo động đối với các quyết sách duy kinh tế cực đoan.
Phát triển bền vững về kinh tế là quá trình gia tăng sức sản xuất xã hội một cách lâu dài, bổ sung các nguồn lực thường xuyên trong suốt quá trình tăng trưởng và phát triển. Chỉ tiêu thể hiện sự bền vững về kinh tế khá phức tạp và nhất thiết phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó, tăng nhanh GDP chỉ là một chỉ số. Vấn đề cốt lõi là làm sao duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài mà không hủy hoại môi trường, không phá vỡ cân bằng sinh thái, không làm nảy sinh các vấn đề xã hội, không vướng vào các bẫy tăng trưởng, không hy sinh lợi ích của các thế hệ mai sau.
Hiện nay tính bền vững trong phát triển kinh tế đang được nhiều quốc gia chú ý một cách nghiêm túc. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nếu không duy trì được sự phát triển theo hướng phát triển bền vững thì tương lai của các nền kinh tế quốc gia và nền kinh tế thế giới chắc chắn sẽ bị đe doạ. Trong điều kiện toàn cầu hóa, sự không bền vững ở một nền kinh tế quốc gia, ở một khu vực sẽ kéo theo ít nhiều những tác động xấu đến hầu hết các khu vực khác trên thế giới và đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Tính bền vững trong phát triển kinh tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, do vậy, cần phải hoạch định được các chiến lược hợp lý về phát triển, về tốc độ tăng trưởng, về động lực phát triển, về môi trường, về con người v.v. trong đó, đặc biệt mối quan hệ giữa lợi ích và chi phí, giữa nguồn lực bị suy giảm và nguồn lực được tái sinh, bổ sung, sao cho nguồn lực được tái sinh, bổ sung phải lớn hơn hoặc bằng nguồn lực đã bị suy giảm.
Mức độ bền vững về kinh tế bị chi phối bởi tham vọng về tính hiệu qủa và tiết kiệm chi phí đầu vào, chi phí khai thác chế biến v.v. Điều quan trọng là người ta đã phát triển kinh tế bằng cách nào. Điều này liên quan chặt chẽ với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Để phát triển nhanh (nói một cách chính xác hơn là để tăng trưởng nhanh), khai thác tài nguyên với một cường độ lớn hơn vẫn là phương thức mà nhiều nền kinh tế vô tình hay cố ý lựa chọn. Dĩ nhiên, đó là phương thức rất dễ phá vỡ tính bền vững. Có những nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo được. Khai thác tài nguyên theo kiểu truyền thống chắc chắn sẽ nảy sinh hậu quả làm vượt quá sức chịu đựng của hệ sinh thái vốn đã được cân bằng qua hàng triệu năm phát triển, tiến hoá. Đó là chưa kể đến vô số những chất thải độc hại mà con người đã thải vào thiên nhiên trong quá trình phát triển. Thiên nhiên bị vơ vét đến nghèo nàn, hệ sinh thái mất cân bằng nghiêm trọng, các quy luật phát triển tự nhiên bị đảo lộn dẫn đến những thay đổi bất thường trong tự nhiên và những nguy cơ tiềm ẩn khác mà con người có thể còn chưa biết đến, hoặc chưa lường hết. Khả năng bị giới tự nhiên trả thù, ngày nay không còn là nguy cơ, mà đã là thực tế ở Việt Nam và ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Phát triển kinh tế bằng mọi giá khó tránh khỏi sự trả thù của thiên nhiên. Thực tế đã khẳng định đủ rõ, chính con người phải trả giá cho những hành động thiếu khôn ngoan hoặc vô trách nhiệm bằng sinh mạng của chính mình, và bằng sự không bền vững trong phát triển của nhiều thế hệ. Có mối quan hệ chặt chẽ, máu thịt giữa sự bền vững trong phát triển kinh tế với sự bền vững về môi trường và sinh thái, trong đó sự bền vững của môi trường và của hệ sinh thái là điều kiện và là cơ sở quyết định sự bền vững trong phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh như vậy, những nước có trình độ phát triển cao, trở nên giàu có từ điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn là những mô hình đáng để các nước đi sau học hỏi, tham khảo trong quá trình tìm kiếm cho mình một phương thức phát triển không quá lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Nhật Bản, Đài Loan, Singapore v.v. là những quốc gia/vùng lãnh thổ như thế.
Sự phát triển bền vững về kinh tế còn được quy định hoặc quyết định bởi rất nhiều yếu tố khác, những yếu tố hoàn toàn chủ quan của con người. Đã có khá nhiều cảnh báo thuyết phục về những hậu quả xấu về phương diện xã hội của sự phát triển không bền vững: đảo lộn các giá trị truyền thống, mất ổn định chính trị và xã hội, thiếu dân chủ và tự do cá nhân, bệnh tật, tệ nạn xã hội v.v. Với cách thức phát triển thiếu chú ý đến mặt xã hội của các quá trình kinh tế, điều nguy hiểm là ở chỗ, tính không bền vững nảy sinh từ các vấn đề xã hội dẫn đến tai họa nhanh hơn nhiều so với sự trừng phạt của hệ sinh thái tự nhiên, thậm chí làm sụp đổ cả một quốc gia.
Điều đáng lo ngại là hiện nay, khi nhân loại đã bước sang Thiên niên kỷ thứ ba, tình trạng phát triển không đều giữa các vùng, các châu lục, các quốc gia vẫn còn khá lớn; sự phân hoá giàu - nghèo vẫn rất nghiêm trọng và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Các nước trong nhóm đang phát triển, kém phát triển đang đứng trước sức ép phải đẩy mạnh sản xuất, xoá đói giảm nghèo, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế để phần nào bắt kịp sự phát triển của các nước đi trước. Đối với các nhóm nước này, khai thác và tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển thường là cách bất đắc dĩ phải lựa chọn. Chính phủ chịu sức ép rất lớn về tình trạng nghèo đói của đất nước. Đầu tư nước ngoài trong nhiều trường hợp cũng không hề chú ý đến nhu cầu phát triển bền vững của các quốc gia nhận đầu tư. Ngoài ra, còn là sự chi phối của các lợi ích nhóm vụ lợi cục bộ, tình trạng tham nhũng, lãng phí v.v. Điều đó giải thích vì sao một số nước chưa thật sự chú ý và cũng rất khó làm tốt được trước tình trạng môi trường bị ô nhiễm, rừng bị chặt phá, hệ sinh thái bị phá huỷ, vấn nạn xã hội gia tăng v.v.
Thực trạng đáng buồn đó đang là trở ngại lớn đối với việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở những nước này. Dĩ nhiên, không thể vin vào lý do xoá đói giảm nghèo để phá hoại môi trường. Có những cách thức khác giúp đồng thời đạt được cả hai mục đích. Trong trường hợp này, nhất thiết phải có sự quản lý vĩ mô sáng suốt và sự trợ giúp của các nước giàu, các nước phát triển. Tuy nhiên, một số nước giàu đang nắm phần lớn của cải vật chất của nền sản xuất nhân loại, lại luôn tìm cách lẩn trốn trách nhiệm, thậm chí đôi khi còn tìm cách trút gánh nặng ô nhiễm sang các nước khác, những nước đã và đang là nạn nhân của quá trình công nghiệp hoá. Điều đó giải thích vì sao môi trường sống của thế giới nói chung vẫn đang tiếp tục bị xâm hại.
Để đạt tới một sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, nhất thiết phải có sự phát triển cân đối giữa các quốc gia, vùng, châu lục và phải phấn đấu cho một thế giới không còn nghèo đói. Ngày nay, sự phát triển của các nước nghèo còn tiềm ẩn một nguy cơ không bền vững khác. Đó là phát triển bằng cách vay nợ. Tình trạng nợ nần, lãi nặng sẽ đưa các nước nghèo lệ thuộc vào các nước giàu và các tổ chức tài chính quốc tế về nhiều phương diện. Đã có những quốc gia bị vỡ nợ, phá sản. Gánh nặng nợ nần đang tiếp tục đưa họ lún sâu hơn vào một sự phát triển không bền vững. Dĩ nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính phủ của các nước không kiểm soát được tình hình. Các quốc gia cho vay và các tổ chức tài chính quốc tế chỉ là những người liên đới. Do vậy, muốn phát triển bền vững nhất thiết phải có bộ máy quản lý vĩ mô sáng suốt, lành mạnh, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nội lực, sự phát triển con người phải được coi là mục tiêu của sự phát triển.
- Phát triển bền vững về xã hội
Phát triển bền vững về xã hội gắn chặt và có quan hệ hữu cơ với phát triển bền vững về kinh tế, thậm chí đôi khi là hệ quả của sự bền vững trong phát triển kinh tế. Sự bền vững về xã hội gắn liền với một hệ thống các tiêu chí hết sức phức tạp. Sự phức tạp đó được quy định bởi sự phức tạp của đời sống xã hội với những mâu thuẫn vốn có về lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội, cũng như các chuẩn mực đạo đức, lối sống, truyền thống và các giá trị v.v.
Bền vững về xã hội trước hết thể hiện ở sự hợp lý về huy động nguồn lực xã hội, tổ chức nền kinh tế cho phù hợp với yêu cầu của thời đại, phân phối thu nhập và phân bố phúc lợi xã hội giữa các giai tầng xã hội hợp lý, giải quyết tốt các vấn đề về truyền thống và văn hóa, đảm bảo được sự ổn định chính trị, xã hội v.v. Trong xã hội hiện đại, mọi vấn đề xã hội đều có nguy cơ đẩy xã hội đi chệch khỏi quỹ đạo của tính bền vững. Do vậy, chú trọng các vấn đề xã hội, làm chủ được sự biến động của các yếu tố truyền thống, phong tục, tập quán, tôn giáo, đạo đức, luật pháp v.v. và vị thế của các giai tầng xã hội v.v. là nhu cầu thường trực của sự phát triển bền vững về xã hội. Một xã hội ngày càng giàu có, nhưng vẫn là xã hội đó với con người, văn hóa và cảnh quan địa lý tự nhiên truyền thống, chứ không phải là một xã hội khác lạ với môi trường tự nhiên khắc nghiệt hơn trước - đó là hình ảnh nên hình dung về phát triển bền vững.
Nhiều tài liệu khi đề cao tính ổn định, thường coi phát triển bền vững về xã hội là một sự phát triển trong hạn chế về xung đột, hạn chế xáo trộn hay rối loạn xã hội. Điều này dĩ nhiên là đúng; tuy vậy, không đúng tuyệt đối. Điều cần có ở bất cứ xã hội nào là ổn định (tương đối), nhưng năng động, đa dạng (tuyệt đối). Ổn định, đồng thuận, kiểm soát được và có kỷ cương v.v. không có nghĩa là một chiều, kém năng động và kém sáng tạo. Ổn định xã hội, nhưng làm giảm hoặc cản trở nhu cầu bình thường của đại đa số cư dân cũng có nguy cơ làm phương hại đến tính bền vững về xã hội trong sự phát triển. Sâu xa hơn, bất cứ sự phát triển nào khả dĩ làm đảo lộn những chuẩn mực bình thường (nền tảng) của xã hội, cũng đều đe doạ sự phát triển bền vững. Dân chủ và kỷ cương, tự do và trách nhiệm, quyền con người và quyền công dân v.v. là những chuẩn mực bình thường đóng vai trò là những nền tảng cho sự vận hành của tất cả các xã hội đáp ứng nhu cầu của phát triển bền vững.
Cụ thể hơn, một xã hội phát triển bền vững trước hết là một xã hội có nền kinh tế tăng trưởng liên tục, trong đó môi trường được bảo vệ, hệ sinh thái được cân bằng, sự phân cực giàu nghèo đủ lớn để kích thích xã hội năng động, nhưng cũng đủ giới hạn để xã hội không mất ổn định. Trong sự phát triển bền vững, chủ quyền quốc gia, an sinh xã hội, an ninh con người v.v. là những cái được đảm bảo tuyệt đối. Chính phủ có trách nhiệm và trách nhiệm đó được kiểm soát bởi các thiết chế pháp lý. Xã hội dân sự và trách nhiệm chính phủ không chồng chéo nhau. Dân chúng tự do, lao động sáng tạo trong một đời sống pháp lý minh bạch và có hiệu lực. Đời sống tinh thần văn hóa phong phú, gắn với thế giới bên ngoài nhưng không đứt đoạn với truyền thống; bản sắc riêng được giữ vững. Giáo dục và khoa học được đề cao, làm chìa khóa cho sự phát triển. Trật tự an toàn xã hội được kiểm soát. Sự phát triển con người được coi trọng và các chỉ số phát triển con người luôn được cải thiện.
- Phát triển bền vững về môi trường
Tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái là thực chất của quan niệm về phát triển bền vững. Quan niệm hiện đại về phát triển bền vững rộng rãi hơn, nhưng vấn đề bảo vệ môi trường và hệ sinh thái vẫn là yêu cấu rất căn bản và có ý nghĩa quyết định. Bản chất của vấn đề ở đây là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Điều đó có nghĩa rằng, dù bằng phương thức nào, sự phát triển của con người trực tiếp hay gián tiếp cũng đều không tránh được việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mọi quá trình phát triển xét đến cùng là việc sử dụng nguồn lực con người để khai thác tài nguyên thiên nhiên nhằm thoả mãn nhu cầu của con người. Vấn đề là ở chỗ, ngày nay, người ta có thể lựa chọn phương thức khai thác tự nhiên để tự nhiên (trong tổng thể) không bị cạn kiệt, không bị mất khả năng phục hồi, không trả thù con người và tồn tại bền vững cùng với đời sống con người.
Chính vì vậy, phát triển bền vững trước hết gắn liền với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, tức là phải biết hành động thân thiện với tự nhiên, có thái độ nuôi dưỡng tự nhiên, hạn chế việc thay thế các nguồn lực trong tự nhiên v.v. Trong việc hoạch định bất kỳ chiến lược phát triển nào, thông thường, phát triển bền vững về môi trường luôn là vấn đề được bàn đến nhiều nhất khi người ta xác định tiêu chí cho phát triển bền vững. Ngày nay, sự khó khăn về mặt lý thuyết ít nhiều đã có phương án tháo gỡ. Rất tiếc, khó khăn lớn nhất lại nằm ở cách thức, biện pháp và ý chí thực hiện. Những năm gần đây, việc thiết kế các đề án về bảo vệ môi sinh tuy đã khó, nhưng thông thường việc tổ chức thực hiện các đề án đó trong thực tế còn khó hơn.
Ngày nay, các “công nghệ xanh”, “công nghệ sạch” v.v. là những biện pháp tỏ ra có hiệu quả để tài nguyên thiên nhiên và môi trường được chú ý khai thác trong phạm vi có thể phục hồi hoặc được khai thác đi đôi với được bảo vệ và chăm sóc hợp lý. Đó là cơ sở đầu tiên cho một sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, thế giới ngày nay vẫn chưa ra khỏi tình trạng phải bóc lột tự nhiên để giải quyết vấn đề nghèo đói. Nghĩa là, các tư tưởng và các công nghệ đòi hỏi con người phải thân thiện với môi trường, trên thực tế, vẫn còn là cái gì đó xa xỉ, ít ra là đối với tất cả các cộng đồng nghèo đói. Do vậy, quan niệm về sự phát triển bền vững vẫn rất cần phải được quảng bá, để thay thế tận gốc quan niệm coi con người được quyền đứng trên tự nhiên, được quyền khai thác tự nhiên “như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác” (chữ dùng của Engels(35)).
Ngoài ra, ở trình độ cao hơn, sự phát triển bền vững về môi trường còn đặt ra yêu cầu về việc giữ gìn cân bằng sinh thái và đảm bảo đa dạng sinh học. Các khoa học về môi trường ở trình độ hiện nay đã chỉ ra rằng, việc duy trì được sự cân bằng sinh thái, đảm bảo được sự đa dạng sinh học v.v. là nhu cầu khó nhất và tinh tế nhất trong các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, mà tới hôm nay loài người thông minh cũng chưa làm được bao nhiêu.
- Phát triển bền vững về văn hoá
Từ trước đến nay, quan điểm phát triển bền vững về văn hoá chưa được chú ý đúng mức, mặc dù văn hóa chưa bao giờ được nói đến nhiều như mấy thập niên gần đây. Với sức mạnh vốn có của nó, văn hoá ngày càng được quan tâm như một nhân tố quan trọng, một nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Phát triển bền vững về văn hoá gắn liền một cách chặt chẽ với phát triển bền vững về xã hội và con người. Đó là kiểu phát triển trong đó yếu tố văn hoá đã được tính đến với tính cách là yếu tố nội sinh, có chức năng điều chỉnh, chi phối; chẳng những không bị mai một hoặc thui chột trong quá trình phát triển, mà còn có thể trở thành một thứ năng lực mềm (Soft power(36)), một động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Văn hoá được nói đến trong phát triển bao gồm cả các giá trị truyền thống, các chuẩn mực đạo đức, phong tục tập quán, đời sống tinh thần v.v. của các cộng đồng dân cư.
Tăng trưởng mà phải trả giá bằng sự mai một nền văn hoá truyền thống của cả cộng đồng, đó không phải là sự phát triển, mà là sự hủy hoại, nhất thiết phải loại bỏ. Điều đáng nói là ở chỗ, quá trình này diễn ra thường tự phát, lâu dài, và nhiều khi cũng tất yếu. Chẳng hạn, khi một nền kinh tế xem hội nhập quốc tế là điều kiện cần để phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ thì việc ảnh hưởng, tác động giữa các nền văn hoá là không thể tránh khỏi. Trong trường hợp này, sự pha trộn, giao thoa, hay xâm lăng về văn hóa chắc chắn sẽ diễn ra. Nếu không có những chính sách hợp lý nhằm bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống, rất có thể bản sắc của một nền văn hoá sẽ bị lấn át bởi nhu cầu chính đáng của một nền kinh tế đang phát triển. Mà, mất văn hóa mới là mất hết - sự phát triển sẽ chẳng có ý nghĩa bao nhiêu, nếu sau vài chục năm, một cộng đồng nào đó biến thành một cộng đồng khác, dù về kinh tế cộng đồng đó đã đạt được những thành quả to lớn đến đâu đi chăng nữa.
Đương nhiên, văn hóa cũng có cơ chế tự bảo vệ của nó. Trong quá trình phát triển, đôi khi văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống, vẫn chi phối, quy định, tác động, thậm chí trả thù đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong trường hợp này, nhu cầu về sự phát triển bền vững đòi hỏi các chiến lược phát triển phải chủ động giải quyết các vấn đề về văn hóa, sao cho bản sắc mỗi cộng đồng luôn luôn là “hạt nhân sống còn” của mỗi nền văn hóa trong sự phát triển.
* * *
Các phương diện của sự phát triển bền vững vừa nói ở trên có quan hệ đặc biệt hữu cơ với nhau. Mỗi mặt, mỗi yếu tố đều đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển bền vững, nghĩa là chúng không thể không tính đến trong các chiến lược phát triển bền vững. Không nên chỉ chú trọng đến phương diện này mà xem nhẹ các phương diện khác. Bởi, sự suy thoái của một mặt, một yếu tố, một phương diện nào đó có thể kéo theo sự suy yếu của cả hệ thống, ảnh hưởng đến tính bền vững của cả hệ thống.
Một quốc gia có thể khó mất đi, nhưng nếu giá trị tự nhiên, đặc điểm văn minh, tầm vóc lịch sử và bản sắc văn hoá của quốc gia đó bị tha hoá, bị biến thành cái khác trong quá trình phát triển, thì cũng khó có thể coi quốc gia đó là vẫn còn tồn tại.
Đó chính là ý nghĩa nhân văn của tư tưởng về phát triển bền vững.
- Phát triển bền vững vì mục tiêu phát triển con người
Phát triển không có mục đích tự thân. Phát triển là phát triển vì con người. Mục đích cuối cùng của mọi quá trình phát triển (về kinh tế, về xã hội, về môi trường, về văn hoá v.v.) đều có mục đích cuối cùng là đảm bảo cho cuộc sống con người ngày càng tốt hơn, con người phát triển ngày càng hoàn thiện hơn. Và con người cũng chính là động lực đóng vai trò quyết định của tất cả các quá trình ấy.
Như đã trình bày ở trên, lâu nay người ta vẫn xem khai thác tài nguyên thiên nhiên, khai thác với cường độ cao là một phương thức để phát triển. Phương thức đó đã gắn liền với không ít quốc gia trong nhiều thế kỷ. Nhiều quốc gia đã trở nên giàu có nhờ khai thác và bán tài nguyên thiên nhiên - tài nguyên của nước mình và tài nguyên của người khác, tài nguyên của thế hệ đương đại và của các thế hệ kế tiếp. Nhưng kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, ngày nay, tức là bắt đầu từ thế kỷ XX, một phương thức phát triển như vậy đã hết cơ hội để tồn tại.
Thế kỷ XX đã sáng tạo ra một phương thức phát triển khác, không dựa vào tài nguyên thiên nhiên, cũng không dựa vào tài nguyên thiên nhiên của nước khác. Một số quốc gia nghèo về nguồn lực tự nhiên, hóa ra vẫn có khả năng phát triển nhanh nhờ một nguồn lực đặc biệt, nguồn lực lấy không bao giờ cạn - nguồn lực con người – “vốn con người đã thay thế vốn đôla” (A. Toffler)(37). Quốc gia nào nhận thức được vấn đề này sớm và có chiến lược đầu tư đúng đắn cho con người, không phải trên quan điểm đầu tư phúc lợi xã hội, mà trên quan điểm đầu tư cho phát triển thì quốc gia đó sẽ nhanh chóng thấy được hiệu quả vô cùng to lớn từ sự đầu tư của họ.
Phát triển bền vững về con người là biết đầu tư cho con người, ngoài việc sử dụng hợp lý vốn con người (Human Capital) và vốn xã hội (Social Capital) những nguồn lực đầu vào tất nhiên của quá trình phát triển, còn phải biết đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội, coi con người là mục tiêu và là động lực của phát triển. Muốn vậy, phải xây dựng được một hệ thống chăm lo cho nguồn lực con người. Con người phải được đảm bảo về mặt sức khoẻ, thể lực; phải được đảm bảo về đời sống kinh tế; và nhất là phải được đào tạo trong một nền giáo dục toàn diện và có hệ thống. Vấn đề rất khó là, muốn có một nền y tế và giáo dục trình độ cao có khả năng chăm sóc, tạo điều kiện cho con người phát triển thì lại cần đầu tư rất nhiều và cả một quá trình phát triển lâu dài. Như thế, có thể thấy cái vòng luẩn quẩn của những quốc gia nghèo khi không có điều kiện đầu tư cho con người. Với đội ngũ nhân lực lao động có trình độ thấp, họ không thể phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất để có thể cạnh tranh với nền sản xuất của các quốc gia phát triển. Đó là chưa nói đến tình trạng họ còn bị các quốc gia giàu thực hiện những biện pháp bảo hộ mậu dịch, bảo hộ sản xuất trong nước, bị phân biệt đối xử và cạnh tranh không lành mạnh. Khi nền sản xuất xã hội không thực sự phát triển, tích lũy nội bộ nền kinh tế không lớn, tức là khi còn nghèo, họ không có đủ sức mạnh để ưu tiên cho giáo dục và đầu tư cho con người. Cái vòng luẩn quẩn đó tiếp tục trói buộc các quốc gia nghèo.
Trong hoàn cảnh như vậy, những quốc gia nghèo thường khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn là bóc lột và tận dụng những gì còn có thể khai thác được từ nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đã bị khai thác từ trước. Bên cạnh đó, họ cũng không thể tránh được các khoản nợ vay với những điều kiện nhiều khi hết sức đáng ngại. Không có cách nào khác, muốn có tương lai, ngay cả các nước nghèo cũng buộc phải có những chiến lược và giải pháp thích hợp để hướng tới một sự phát triển bền vững mà mục đích tối thượng là phát triển bền vững về con người.
Khi con người được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, thì tăng trưởng kinh tế, cũng như sự phát triển các lĩnh vực khác của xã hội v.v. có ý nghĩa đến mấy cũng chưa phải là mục tiêu tối thượng của sự phát triển. Nói cách khác, sẽ là không đầy đủ nếu trình độ phát triển của một xã hội chỉ được đánh giá bằng thu nhập quốc dân, bằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, bằng số lượng của đội ngũ lao động, hay bằng các chỉ tiêu nào đó về mặt tiện nghi vật chất của đời sống. Phát triển, xét cho cùng là phát triển con người; ý nghĩa của sự phát triển, trên thực tế, không nằm ở đâu khác ngoài sự phát triển của con người. Và đó chính là lý do tồn tại của quan điểm phát triển con người bền vững.
Cũng cần nói thêm rằng, “Phát triển con người bền vững” là một quan điểm, cũng có thể gọi là một lý thuyết rất mới được các chuyên gia UNDP đề xướng trong những năm gần đây, khi thực hiện các các Báo cáo thường niên về phát triển con người (Human Development Report). Lý thuyết này được tán thưởng và cũng được kỳ vọng. Nhưng, tác dụng thực tế của nó, có thể do còn quá mới mẻ nên chưa thể hiện thật rõ. Những tư tưởng của UNDP được đánh giá là rất nhân văn thể hiện ở 5 khía cạnh cơ bản của phát triển con người bền vững 1/ Nâng cao năng lực con người; 2/ Đẩy mạnh hợp tác; 3/ Tôn trọng sở hữu; 4/ Chú trọng tính bền vững; và 5/ Đảm bảo an ninh. Hoạt động của UNDP chủ yếu tập trung tại các quốc gia đang phát triển với các chương trình hành động nhằm vào 4 yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển con người bền vững: 1/ Xoá đói giảm nghèo; 2/ Tạo việc làm và duy trì sinh kế; 3/ Bảo vệ và phục hồi môi trường; và 4/ Thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ(38). Ở Việt Nam, UNDP đã triển khai một số hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thảo luận khoa học v.v. trong khuôn khổ của các chính sách phát triển con người bền vững.
Chúng tôi nghĩ rằng còn quá sớm để đánh giá tính hiện thực, mức độ khả thi của việc áp dụng quan điểm này. Tuy nhiên, ý nghĩa tiến bộ của việc đề xuất và triển khai quan điểm phát triển con người bền vững thì lại đã đủ rõ. Hơn bao giờ hết, phát triển con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế thị trường hiện nay phải là mục tiêu sâu xa của bất cứ chương trình kinh tế - xã hội nào. Và, mục tiêu đó, hiển nhiên không thể chỉ là cái nhất thời, tô điểm cho những chính sách dân túy, mà phải là cái nối tiếp nhau bền lâu xuyên qua các thế hệ người.
I.4. Tiến bộ xã hội
I.4.1. Khái niệm “Tiến bộ xã hội”
Như đã đề cập ở trên, trong các tài liệu lý luận mác xít, tiến bộ được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với các khái niệm vận động và phát triển. Vận động - phát triển - tiến bộ là hệ thống các khái niệm phản ánh những trình độ vận động khác nhau của toàn bộ thế giới khách quan với tính phức tạp, đa dạng của nó - từ các dạng vật chất vật chất vô cơ đến các dạng vật chất hữu cơ, từ giới tự nhiên vô sinh đến thế giới hữu sinh và xã hội loài người. Nếu vận động xã hội là hình thức cao nhất của sự vận động của thế giới vật chất, thì tiến bộ xã hội chính là khái niệm đánh giá trình độ cao nhất của hình thức vận động này. Tiếc rằng ngày nay, cả ở Việt Nam cũng như ở phạm vi thế giới, khái niệm tiến bộ xã hội ít được sử dụng hơn so với phát triển.
Với bản thân khái niệm tiến bộ xã hội thì nội hàm của nó biểu hiện khá rõ và gần như luôn luôn được xác định. Trong nhiều ngôn ngữ, tiến bộ đều bắt nguồn hay được đối chiếu với gốc từ tiếng Latin: progressus, nghĩa là vận động tiến lên phía trước; là một kiểu, một khuynh hướng phát triển được đặc trưng bởi bước chuyển từ trình độ thấp lên trình độ cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Đối lập với tiến bộ là khái niệm thoái bộ (regressus), nghĩa là sự vận động ngược - khuynh hướng đặc trưng cho quá trình phân rã, hủy hoại, thoái hoá khỏi cấu trúc đã có của khách thể.
Nói đến tiến bộ, người ta thường hiểu là tiến bộ trong xã hội, của xã hội, thuộc về xã hội. Rất ít khi tiến bộ được dùng để chỉ các quá trình thuần túy tự nhiên. Đối với các quá trình tự nhiên, sự vận động tiến lên phía trước từ thấp lên cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn thường được biểu thị trong khái niệm phát triển.
Với tính cách là một khái niệm triết học, khái niệm phát triển dùng để chỉ tất cả các quá trình có sự vận động từ trình độ thấp tới trình độ cao hơn. Dĩ nhiên, như vừa nói ở trên, khái niệm phát triển không chỉ đặc trưng cho các quá trình tự nhiên, mà còn được dùng khá phổ biến trong nhận thức các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Ở những trường hợp như vậy, phát triển đôi khi cũng có nghĩa là đã đạt đến sự tiến bộ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, không phải mọi sự phát triển trong xã hội đều là tiến bộ. Cũng không phải mọi tập hợp các tiêu chí của sự phát triển đều có thể được thừa nhận là tiến bộ. Trong hầu hết các quan niệm khác nhau, tiến bộ chỉ là một trình độ - trình độ cao của sự phát triển.
Như vậy, trong khi tương đối thống nhất với nhau trong việc trả lời câu hỏi tiến bộ xã hội là gì, thì lý luận đặc biệt quan tâm và luôn luôn tranh luận về câu hỏi tiến bộ xã hội được biểu hiện như thế nào? được xác định bởi những phẩm chất gì? Nói cách khác, vấn đề đặt ra chủ yếu là ở chỗ xác định tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội. Đối với lý luận, cái cần được thảo luận không phải là tiến bộ là gì, mà là tiến bộ cần được xác định bởi những tiêu chuẩn nào?
Do được sử dụng khá phổ biến không những trong tất cả các khoa học xã hội, mà cả trong ý thức thông thường, nên việc phân định phạm vi ứng dụng và mức độ khái quát của các khoa học khi sử dụng khái niệm tiến bộ xã hội cũng là vấn đề đã từng gây tranh cãi. Không ít khoa học xã hội tự coi tiến bộ xã hội là khái niệm thuộc bộ máy phạm trù của mình. Tuy nhiên, đa số tác giả coi tiến bộ xã hội trước hết là khái niệm của triết học; bởi lẽ, trong các khoa học chuyên ngành hoặc liên ngành, tiến bộ xã hội là khái niệm có tính chất vay mượn; nó chỉ phản ánh những mặt, những khía cạnh đặc thù của tiến bộ(39).
Vậy tiến bộ xã hội thuộc hệ thống phạm trù của khoa học nào?
Không thể phủ nhận quan niệm coi tiến bộ xã hội là khái niệm thuộc các khoa học như xã hội học, kinh tế học, chính trị học v.v. hoặc thuộc những khoa học liên ngành nào đó. Sẽ là bất hợp lý nếu không thừa nhận, mỗi khoa học chuyên biệt, thậm chí mỗi quan điểm nghiên cứu, đều có thể và có quyền đưa ra bảng tiêu chuẩn riêng của mình về tiến bộ xã hội. Vấn đề tất nhiên sẽ là ở chỗ, bảng tiêu chuẩn riêng ấy khách quan đến mức độ nào, hợp lý đến mức nào với những điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể.
Thời gian gần đây, nhiều cộng đồng khác nhau trên thế giới, mặc dù sống trong những điều kiện kinh tế - xã hội hết sức đặc thù, nhưng cũng đã chấp nhận và sử dụng các bảng tiêu chuẩn chung do các tổ chức quốc tế nêu ra để đánh giá mức độ phát triển của cộng đồng mình. Bảng tiêu chuẩn phát triển con người với các chỉ số phát triển người (HDI – Human Development Index) do UNDP đưa ra là một thí dụ. Trong những bảng tiêu chuẩn kiểu này, không phải mọi tiêu chuẩn đã hoàn toàn hợp lý, song để đánh giá trình độ tiến bộ của mỗi quốc gia so với mặt bằng chung của cộng đồng thế giới, thì việc đưa ra những bảng tiêu chuẩn này, về cơ bản là có ý nghĩa. Tiến bộ về kinh tế, tiến bộ về y tế và tiến bộ về mức sống, v.v. có thể chưa phải là mục tiêu tối thượng hoặc trước mắt trong chiến lược phát triển của từng quốc gia. Song, đó cũng là những tiêu chuẩn có giá trị phổ biến mà việc thừa nhận chúng nói lên rằng, dù có bị quy định bởi những điều kiện đặc thù đến mức nào đi nữa thì các dân tộc khác nhau cũng đều có những cái chung, cái phổ quát đặc trưng cho sự tiến bộ xã hội.
Có đủ cơ sở để xác định rằng, mặc dù được sử dụng phổ biến trong nhiều khoa học xã hội và nhân văn, song với chức năng thế giới quan và phương pháp luận được thể hiện rất rõ của nó, tiến bộ xã hội, trước hết là một khái niệm triết học. Đối với triết học mác xít, tiến bộ xã hội thuộc hệ thống phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử, hay triết học xã hội như ngày nay người ta thường phân loại. Điều này đã được giới triết học mác xít khẳng định từ những năm 70-80 (thế kỷ XX).
Khi thừa nhận điều vừa nói, cần lưu ý rằng, trong các tác phẩm kinh điển, khái niệm tiến bộ xã hội không được các tác gia kinh điển của chủ nghĩa Marx trình bày như là một trong những phạm trù cấu thành những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Cả Marx và Engels đều bàn đến tiến bộ xã hội, thậm chí bàn đến khá nhiều, nếu tính đến cả những chỗ các ông lý giải không trực tiếp. Tuy nhiên, các ông không coi tiến bộ xã hội là khái niệm giữ vị trí tương đương với các khái niệm như phương thức sản xuất, tồn tại xã hội, ý thức xã hội, v.v. Chính các nhà mác xít hậu thế là những người có công làm phong phú và sáng tỏ thêm một số phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử, trong đó có phạm trù tiến bộ xã hội.
Mặc dù tiến bộ xã hội là đối tượng khảo cứu của nhiều khoa học, song nếu xuất phát từ khía cạnh nghiên cứu chuyên biệt của các khoa học đó thì không một khoa học chuyên ngành nào có chức năng đưa ra những tiêu chuẩn phổ quát nhất để định hướng cho sự vận động của xã hội nói chung hay của tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống xã hội. Những tiêu chuẩn hợp lý nhất của kinh tế học, chính trị học hay xã hội học, v.v. trong hiện thực vẫn chưa phải là những tiêu chuẩn đảm bảo cho xã hội tiến bộ thực sự. Không một khoa học chuyên ngành nào, cũng như không một liên ngành khoa học nào đủ sức đưa ra được những tiêu chuẩn tổng thể, đáng tin cậy có ý nghĩa bao trùm đối với sự tiến bộ nói chung. Vì vậy, với đặc trưng thế giới quan và phương pháp luận hiển nhiên của mình, triết học buộc phải có thái độ trước những đòi hỏi của sự tiến bộ, buộc phải đưa ra những tiêu chuẩn chung nhất, những quan điểm tổng quát có tính chất định hướng đối với những quan niệm ngoài triết học về tiến bộ xã hội. Các khoa học chuyên ngành, các chương trình xã hội cụ thể, khi đưa ra những tiêu chuẩn riêng của mình, dù kín đáo hay trực diện, dù thừa nhận hay không thừa nhận, bao giờ cũng phải dựa vào một quan điểm triết học nào đó.
Không như trong các khoa học chuyên biệt, trong triết học, tiến bộ xã hội là khái niệm có chức năng định hướng về mặt thế giới quan. Thảo luận triết học về tiến bộ xã hội, trong bản chất của nó, là thảo luận về những quan điểm, những tiêu chuẩn hướng tới sự tiến bộ chung, có ý nghĩa quy định làm cơ sở cho việc chọn lựa những phương án khác nhau trong sự vận động của mọi lĩnh vực thuộc đời sống xã hội.
Cần lưu ý rằng, điều vừa nói trên đây không phải là một đảm bảo chắc chắn và tuyệt đối cho các quan niệm triết học về tiến bộ xã hội khỏi bị rơi vào sai lầm. Trái lại, tính hợp lý hay không hợp lý, khả năng đạt tới sự đúng đắn hay là khả năng có thể mắc phải sai lầm của các quan niệm triết học khác nhau, về cơ bản không do chức năng triết học của các quan niệm ấy quy định, mà chính là do trình độ khái quát và sức mạnh ứng dụng của chúng chi phối. Chúng ta đều biết, trong lịch sử tư tưởng nhân loại đã từng xuất hiện không ít những quan điểm ở tầm triết học hoặc mang tính triết học song lại rơi vào ấu trĩ, sai lầm hay cực đoan khi kiến giải về tiến bộ xã hội. Hậu quả của việc ứng dụng những quan điểm ấy, tất nhiên, sẽ là tiêu cực; chẳng những chúng không thúc đẩy sự vận động xã hội theo chiều hướng tiến bộ, mà ngược lại, chúng còn cản trở, kìm hãm hoặc làm đổ vỡ các quá trình xã hội tích cực. Trường hợp những quan niệm phi triết học, ngoài triết học nhưng do vô tình hoặc cố ý được sử dụng như những quan niệm triết học, tức là được mở rộng phạm vi ứng dụng và trình độ khái quát tới các lĩnh vực ngoài khả năng bao quát của chúng cũng thuộc loại này.
Nếu xem xét tiến bộ xã hội trong mối tương quan với những phạm trù cấu thành nội dung các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, chẳng hạn, tồn tại xã hội và ý thức xã hội, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, v.v. thì sẽ thấy tiến bộ xã hội là sự thể hiện nội dung của các nguyên lý đó trong khía cạnh giá trị của vấn đề. Nói cách khác, nếu nội dung các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử được xem xét từ góc độ giá trị học thì giá trị của các quan hệ xã hội được phản ánh trong các nội dung đó chính là nội dung của khái niệm tiến bộ xã hội. Tiến bộ xã hội dù xét dưới góc độ nào, cũng đều là sản phẩm của sự đánh giá của con người đối với các hiện tượng và các quá trình mang tính xã hội diễn ra trong đời sống con người.
Trong so sánh với những giá trị khác của các quan hệ đánh giá thì những giá trị của tiến bộ phần lớn là các giá trị thứ sinh, phái sinh, tức là những giá trị được xác định trên cơ sở đã tồn tại các giá trị vật chất hoặc các giá trị tinh thần khác. Điều này nói lên tính khái quát của các giá trị của sự tiến bộ: sự đánh giá về trình độ tiến bộ của một hiện tượng hoặc một quá trình nào đó, thông thường không đơn thuần chỉ là sự đánh giá dựa vào các giá trị nội tại, giá trị ban đầu của các hiện tượng, các quá trình đã diễn ra trong đời sống xã hội, mà là sự đánh giá ở mức độ cao hơn - những hiện tượng và quá trình cụ thể đó có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển nói chung của cộng đồng và của xã hội loài người. Chẳng hạn, giá trị tự thân của một thành tựu khoa học bao giờ cũng mang ý nghĩa tích cực. Song việc sử dụng thành tựu ấy nhằm phục vụ những mục đích nào đó, trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp không vì sự tiến bộ của con người, thậm chí phản bội lại hạnh phúc của con người.
I.4.2. Những quan điểm tiêu biểu về tiến bộ xã hội
- Những quan niệm tiêu biểu trước K. Marx
Trong lịch sử nhân loại, vấn đề tiến bộ xã hội thật sự được nêu ra từ thời Phục Hưng, song từ rất sớm trước đó, các nhà tư tưởng đã suy tư rất nhiều về phương hướng vận động của lịch sử xã hội, về tương lai của nhân loại và về ý nghĩa của đời sống xã hội loài người.
Ngay từ thời cổ đại, Hesiod, nhà thông thái đa thần giáo Hy Lạp, người cùng với Homer được nhắc đến nhiều lần trong các tác phẩm của Aristotle và Heaclitus, đã đưa ra lý thuyết về sự vận động của xã hội theo xu hướng suy đồi về đạo đức. Trong một diễn ca nổi tiếng cho đến ngày nay, Hesiod nói rằng lịch sử loài người đã trải qua “5 thế kỷ”, bắt đầu là “thế kỷ vàng”. Đó là thời đại mà con người đối xử với nhau theo những chuẩn mực đạo đức thật đẹp đẽ và cao cả. Tiếp theo là “thế kỷ bạc”, thế kỷ mà con người đã bắt đầu sống trong lo âu và những người xấu đã xuất hiện. Sau đó là các “thế kỷ” ngày một thoái hoá về các chuẩn mực của lòng trung thực. Đáng sợ nhất là “thế kỷ sắt”(40), thế kỷ mà Hesiod coi là đương thời với ông. Đây là thế kỷ mà con người trở thành kẻ thù của con người.
Quan niệm của Hesiod thực tế là quan niệm về sự thoái bộ. Tuy rằng Hesiod chỉ nhìn thấy, hay cũng có thể là chỉ cố tình nhìn thấy, một mặt, mặt trái của sự tiến bộ, song lịch sử tư tưởng đã ghi nhận ông là nhà tư tưởng đầu tiên của châu Âu cố gắng phác họa và đi tìm con đường vận động của xã hội loài người.
Ở phương Đông cổ đại, trong triết học Nho giáo, cũng có quan niệm coi sự vận động của xã hội diễn ra theo xu hướng thụt lùi về mặt đạo đức. Chẳng hạn, trong con mắt của Khổng Tử, xã hội lý tưởng không phải là một mô hình cần phải được xây dựng trong tương lai. Trái lại, đó là một xã hội có thực đã từng tồn tại trong quá khứ - xã hội đại đồng của vua Thuấn, vua Nghiêu. Do vậy, trong quan niệm của Nho giáo, “tiên vương”, “tiên thánh” được xem là mẫu mực cho hành vi của thiên hạ. Cũng vì thế mà việc noi gương đời xưa (“pháp cổ”), việc bắt chước đạo đức của các bậc tiên thánh, tiên vương (“pháp thiên vương”) được coi là xu hướng vận động tất nhiên của các xã hội.
Còn ở phương Tây, tiếp theo Hesiod, hầu hết các nhà tư tưởng của mọi thời đại, dù ít hay nhiều, cũng đều nêu lên những quan điểm của mình về tiến bộ xã hội.
Trong thời đại của nền dân chủ chiếm hữu nô lệ, Platon (427-347 trước CN) là một trong những bậc tiền bối của học thuyết về tiến bộ xã hội. Người đời sau đã ghi lại hàng chục cuộc đối thoại của ông về các vấn đề liên quan đến xu hướng vận động của xã hội thông qua các quan niệm của ông về nhà nước, về chính trị, về đạo đức, v.v. Theo Platon, xã hội loài người, trong bản tính của nó, sẽ vận động theo chiều hướng đi lên. Trong sự vận động ấy, chính trị, pháp quyền, nhà nước sẽ lần lượt phải thay đổi các hình thức biểu hiện của chúng. Hình thức sau thường “ưu điểm” hơn hình thức trước. Sự vận động của xã hội không phải là một quá trình vô tận, mà là những đường vòng có giới hạn, ở đó có chu kỳ lặp lại những giai đoạn đã trải qua. Aristotle (384-322 trước CN) là người đã tập hợp, kế thừa và phát triển các quan niệm của Platon về vận động xã hội. Tuy cũng thừa nhận xã hội vận động theo chu kỳ, song Aristotle tự phân biệt mình với bậc thầy của mình trong sự lý giải về tính hiện thực, độ linh hoạt và tính có khuynh hướng của sự thay thế các hình thức phức tạp của đời sống xã hội, cũng như “sự tiến triển tự nhiên” của các kiểu nhà nước. Aristotle đã so sánh tiến trình xã hội với sự vận động của các cơ thể sống và hình dung rằng, sự phức tạp của vận động xã hội cần phải được lý giải bằng bản chất “động vật chính trị” của con người (“bẩm sinh, con người là một động vật chính trị”(41) - Aristotle).
Vào thời phong kiến Trung cổ, dưới sự thống trị của nhà thờ Kito giáo, con người và xã hội loài người đã sa vào những nghịch lý của sự tiến bộ. Một mặt, con người được coi là giống với Đấng sáng tạo, nghĩa là ở nó cũng tiềm ẩn khả năng sáng tạo. Nhưng mặt khác, con người lại là nô lệ của Chúa. Điều này đã tạo nên mâu thuẫn khó vượt qua cho sự phát triển. Mặc dù đa số các nhà tư tưởng của thời này cũng hiểu lịch sử như một quá trình có khuynh hướng, song tính khuynh hướng của quá trình ấy lại được coi là sản phẩm do Thượng đế an bài, còn các quy luật khách quan của lịch sử thì đã bị các học thuyết thần học phủ định.
Những lý thuyết đầu tiên về tiến bộ xã hội (theo đúng nghĩa hiện đại của khái niệm này) chỉ thực sự xuất hiện vào thời kỳ của sự tích lũy nguyên thuỷ tư bản chủ nghĩa cùng với sự trưởng thành của giai cấp tư sản, vốn là đại biểu và tượng trưng cho sự tiến bộ xã hội lúc bấy giờ.
Cột mốc đáng kể trong sự phát triển của những quan niệm về tiến bộ xã hội được đánh dấu bởi tên tuổi của J. Vico (1668-1744). Ông đã đưa ra lý thuyết về “vòng tuần hoàn của lịch sử”. Theo đó, con đường tiến triển của tất cả các dân tộc đều đi theo một chu kỳ gồm ba giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn “thần thánh”, giai đoạn được phản ánh trong các huyền thoại. Lúc đó, trong xã hội chưa tồn tại nhà nước, nhân vật trung tâm của xã hội là các vị tư tế. Tiếp đó là giai đoạn “anh hùng”, giai đoạn được phản ánh trong những anh hùng ca cổ đại. Lúc này nhà nước quý tộc xuất hiện và ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn “người” hoặc giai đoạn “nhân tính”. Đây là giai đoạn đã được phản ánh trong sử biên niên, tương ứng với sự tồn tại của nhà nước cộng hoà hay nhà nước quân chủ lập hiến. Theo J. Vico, qua mỗi chu kỳ như vậy, các dân tộc đều phải đón nhận một cuộc khủng hoảng và tan rã xã hội. Sự tiến bộ xã hội, trong quan niệm của ông, là kết quả của những mâu thuẫn và những cuộc đấu tranh gay gắt giữa các giai tầng xã hội, song cuối cùng xã hội không đi lên, mà trở lại điểm xuất phát ban đầu của chu kỳ.
Sau J. Vico, những tư tưởng về tiến bộ xã hội nảy nở rực rỡ vào thời đại mở đường cho cách mạng tư sản Pháp. Các nhà tư tưởng của thời kỳ này tin tưởng sâu sắc vào tiến bộ xã hội và cố gắng lý giải nó với những chuẩn mực thời đại của họ. C. Helvetius, nhà triết học duy vật Pháp (1715-1771) đã nghiên cứu các cơ thể sống từ những hình thức thấp, sơ khai của chúng, rồi từ đó tìm ra xu hướng vận động phức tạp của lịch sử xã hội. Trong tác phẩm Bàn về tinh thần, xuất bản năm 1758, ông cho rằng con người là sản phẩm của hoàn cảnh, nhưng hoàn cảnh lại do pháp luật tạo ra, do vậy cần phải thay đổi hoàn cảnh bằng một thái độ cách mạng. Tiến bộ xã hội trong quan niệm của Helvetius bao gồm nhiều tư tưởng nhân đạo về pháp luật, về công bằng xã hội, về phân phối của cải và về lý tưởng xã hội.
J. Rousseau (1712-1778) và D. Diderot (1713-1784), hai nhà triết học Khai sáng, đồng thời là hai nhà lý luận tiên phong của cách mạng tư sản Pháp là những người có ảnh hưởng lớn đến các quan niệm về tiến bộ xã hội ở châu Âu đương thời và đến tận ngày nay. Trong nhiều tác phẩm nổi tiếng của mình như Bàn về nguồn gốc và cơ sở của bất bình đẳng giữa người với người xuất bản năm 1755, Khế ước xã hội hay là những nguyên tắc của pháp quyền chính trị xuất bản năm 1762, Bàn về giáo dục xuất bản năm 1762, v.v. J. Rousseau đã nêu ra nhiều quan điểm rất tiến bộ về tự do, bình đẳng và bác ái. Tương tự, trong các tác phẩm như Tư tưởng triết học xuất bản năm 1746, Thư về những người mù xuất bản năm 1749, Người cháu họ của Ramo xuất bản khoảng năm 1762, v.v., Diderot đã tỏ rõ quan điểm của mình trong việc xây dựng một xã hội lấy lý tính làm cơ sở và tiêu chuẩn của tiến bộ.
M. Condorcet (1743-1794), nghị sĩ quốc hội (thời kỳ sau cách mạng 1789), người đã tham gia nhóm bách khoa của Diderot, nhà toán học, nhà xã hội học và nhà triết học - khai sáng, viện sĩ Hàn lâm Pháp cũng là một trong những nhà tư tưởng kiệt xuất về tiến bộ xã hội. Ông không những là người đã đề xuất nhiều tư tưởng đáng chú ý về tiến bộ xã hội, bày tỏ niềm tin của mình vào lý tưởng tiến bộ xã hội, mà còn bằng chính cuộc đời của mình cổ vũ nhiệt thành cho lý tưởng tự do - bình đẳng - bác ái và đấu tranh không mệt mỏi cho tiến bộ xã hội. Trong tác phẩm Phác họa bức tranh lịch sử về sự tiến bộ của lý tính con người viết năm 1793-1794 (chưa hoàn thành) và xuất bản năm 1795, ông chứng minh rằng, tiến bộ xã hội có những quy luật chung của nó. Nếu con người nắm bắt được những quy luật này thì sự phát triển xã hội về đại thể là có thể dự báo được, thậm chí, có thể rút ngắn được. Theo ông, lịch sử là sản phẩm của lý tính. Sự vận động của lịch sử sẽ diễn ra cùng với khả năng vô tận của lý tính con người. Các thời đại khác nhau của lịch sử, theo ông, gắn liền với những giai đoạn khác nhau của sự phát triển lý tính. Chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa là giai đoạn cao trong số mười giai đoạn của lịch sử loài người. Sự tiến bộ của xã hội loài người trong tương lai, theo ông, cũng đi theo hướng phát triển pháp quyền tư sản. Đáng lưu ý là, Helvetius, Condorcet, cũng như tất cả những nhà tư tưởng thuộc thời đại của các ông đã coi lý tính là tiêu chuẩn tối thượng của tiến bộ xã hội.
Một trong những nhà triết học trước Marx có công phân tích một cách đầy đủ nhất về mặt triết học cho lý luận về tiến bộ xã hội là G. Hegel (1770-1831). Hegel cho rằng, tiến bộ xã hội chính là sự vận động tiến về phía trước của cái kém hoàn thiện đến cái hoàn thiện hơn. Theo ông, cái chưa hoàn thiện mang trong mình mặt đối lập của nó - cái hoàn thiện. Cái hoàn thiện tồn tại ngay trong tiềm năng, trong tính xu hướng của cái chưa hoàn thiện. Có thể thấy rằng, điều cốt lõi trong lý thuyết của ông về tiến bộ xã hội là ở chỗ đã nhận ra và lý giải một cách sâu sắc tính biện chứng của sự vận động xã hội, đã xem xét lịch sử xã hội như một quá trình thống nhất và hợp quy luật. Mặc dù đề cao tính đặc thù của mỗi thời đại, song Hegel vẫn khẳng định rằng, mỗi thời đại là một giai đoạn tất yếu trong tiến trình phát triển chung của nhân loại. Tuy vậy, ông lại quá tư biện đến mức coi tiến bộ xã hội chính là quá trình vận động của ý niệm. Đây là điểm mà Hegel thường bị phê phán là không đi xa hơn các lý thuyết thần học trung cổ về sự phát triển xã hội. Thêm vào đó, ngay trong triết học xã hội, Hegel cũng tự mâu thuẫn với chính mình. Trong khi cho rằng, sự phát triển, theo logic nội tại của nó, luôn luôn là vô cùng, vô hạn thì ông lại biện minh rằng sự tồn tại của nhà nước quân chủ lập hiến Phổ là đỉnh cao của sự phát triển lịch sử.
Nhà triết học và xã hội học Pháp nổi tiếng, ông tổ của chủ nghĩa thực chứng, đã khái quát và nêu ra những quan niệm đáng chú ý về tiến bộ xã hội là O. Comte (1798 -1857). Bằng những nghiên cứu toán học và “vật lý học về xã hội” (xã hội học) của mình, Comte cho rằng, sự tiến hoá của con người về mặt trí tuệ (tương đương với sự phát triển tri thức của các cá nhân riêng lẻ) là cái quy định toàn bộ sự phát triển xã hội. Quá trình tiến hoá này, diễn ra theo ba giai đoạn. Đầu tiên là “giai đoạn thần thoại”: mọi hiện tượng được giải thích trên cơ sở các quan niệm tôn giáo. Tiếp theo là giai đoạn “siêu hình học”: các nhân tố siêu nhiên được thay thế bằng cái gọi là các bản chất, các nguyên nhân. Nhiệm vụ của giai đoạn này là phê phán và công phá để chuẩn bị cho giai đoạn cuối cùng, “giai đoạn thực chứng”, hay “giai đoạn khoa học”. Ở giai đoạn thứ ba này, khoa học về xã hội xuất hiện, các quy luật xã hội được phát hiện và được thực chứng. Trên thực tế, Comte là người đã kế thừa và phát triển quan niệm về tiến bộ xã hội của Saint Simon. Trong quan niệm của Comte, tiến bộ xã hội được nhấn mạnh ở phẩm chất “bác ái”.
Nhà triết học, xã hội học, sử học và kinh tế học nổi tiếng người Đức, người đề xướng vai trò nền tảng của văn hoá đối với sự tiến bộ xã hội là M. Weber (1864-1920). Ông đánh giá rất cao ý nghĩa của các nhân tố truyền thống, tôn giáo và đạo đức đối với sự tiến bộ xã hội. Theo M. Weber, lý tính với tính cách là nét đặc trưng của văn hoá châu Âu được hình thành qua nhiều thế kỷ là tính quy định bên trong, là cái có ý nghĩa nền tảng đối với sự vận động của các xã hội châu Âu. Sự vận động ấy có xu hướng hiển nhiên là đi theo mô hình của xã hội thị trường. Ông cho rằng, xã hội tiến bộ phải là xã hội biết xử lý hợp lý (có lý tính) mối quan hệ giữa các nhân tố văn hoá, chính trị, kinh tế, tư tưởng, v.v. Trong việc xử lý các mối quan hệ ấy, nền văn minh tư bản chủ nghĩa phải được hiện ra như là một tất yếu đối với các cộng đồng Kito giáo và Tin lành. Trong quan niệm về tiến bộ xã hội của Weber có hai điều đáng chú ý. Một là, ông đã coi lý tính như là nhân tố quy định đối với văn hoá châu Âu hiện đại, cái làm nên sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu. Hai là, Weber đặc biệt nhấn mạnh nhân tố đạo đức và nhân tố văn hóa tôn giáo trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. Theo quan niệm của ông, chính nhân tố đạo đức và nhân tố văn hóa tôn giáo là nguồn gốc của những đức tính tốt đẹp của con người; những đức tính tốt đẹp ấy đến lượt mình lại quy định bộ mặt của xã hội, đặc biệt là bộ mặt của xã hội tư bản châu Âu.
- Quan niệm của chủ nghĩa Marx
Kế thừa những quan niệm về tiến bộ xã hội đã có từ thời cổ đại, trên cơ sở đấu tranh không khoan nhượng với các trào lưu tư tưởng duy tâm siêu hình đương thời, Marx và Engels đã xây dựng nên hệ thống quan niệm về tiến bộ xã hội mà cho đến tận hôm nay vẫn là một đỉnh cao khó vượt qua. Có lẽ Marx là một trong số không nhiều triết gia tin tưởng tuyệt đối vào sự tiến bộ - dù có quanh co, thăng trầm đến đâu đi nữa, xã hội loài người rốt cuộc vẫn cứ tiến về phía trước với chiều hướng tiến bộ hơn, bất chấp mọi mưu toan, mọi khuynh hướng có ý đồ bẻ ngược hay cản trở dòng chảy của lịch sử. “Chính con người làm ra lịch sử của mình, nhưng trong một hoàn cảnh nhất định, quy định họ, trên cơ sở các quan hệ thực hiện hữu, trong đó các điều kiện kinh tế…- xét đến cùng vẫn là có tính chất quyết định và tạo thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình phát triển v.v. Việc một vĩ nhân này và chính vĩ nhân ấy xuất hiện trong một thời điểm nhất định ở một nước nhất định dĩ nhiên là ngẫu nhiên hoàn toàn… Nhưng nếu như không có Napoleon thì người khác sẽ đóng vai trò của ông ta. Điều đó được chứng minh bởi một sự thật là bất cứ khi nào cần có một người như vậy thì đều có một người như vậy: Cesar, Augustus, Cromwell, v.v.”(42). Đối với Marx, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(43).
Chẳng phải ngẫu nhiên mà theo thăm dò của kênh truyền hình News Online BBC 1999, Marx được đánh giá là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại trong vòng 1.000 năm qua(44). Dĩ nhiên, thật khó phủ nhận trong thế kỷ XX, hầu hết những xã hội được xây dựng theo mô hình của Marx đều mắc phải những khuyết tật không nhỏ, nhưng nguyên nhân đích thực của những khuyết tật ấy không phải do Marx. Vì vậy, có thể hiểu tại sao vị thế của Marx với tư cách là nhà tư tưởng của xã hội loài người vẫn được nhìn bằng con mắt ngưỡng mộ. Có thể nói, không một tác phẩm nào, không một bài phát biểu nào mà Marx và Engels lại không bằng cách này hay bằng cách khác đề cập đến tiến bộ xã hội. Theo đánh giá của Day Thoesen, “K. Marx đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn cuộc đấu tranh giải phóng. Ông là cha đẻ của tư duy chính trị hiện đại”(45).
Quan điểm chính của chủ nghĩa Marx về tiến bộ xã hội thể hiện ở những nội dung sau:
- Tiến bộ xã hội là quá trình mâu thuẫn
Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx, tiến bộ xã hội mặc dù là xu thế khách quan, song nó lại là một quá trình đầy mâu thuẫn, được thực hiện trong mâu thuẫn và thông qua mâu thuẫn; và vì vậy, trong nhận thức của con người nó lại càng là quá trình mâu thuẫn. Marx viết: “Trong thời đại chúng ta, mọi sự vật đều tựa hồ như bao hàm mặt đối lập của nó. Chúng ta thấy rằng những máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới từ xưa tới nay chưa ai biết, dường như có một sức mạnh thần kỳ nào đó, lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ. Những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về mặt tinh thần. Dường như loài người càng chinh phục được thiên nhiên nhiều hơn, thì con người lại càng trở thành nô lệ của những người khác hoặc nô lệ cho sự đê tiện của chính mình. Dường như ngay cả đến ánh sáng thuần khiết của khoa học cũng không thể chiếu rọi bằng cách nào khác ngoài cách chiếu rọi vào cái bối cảnh tối tăm của sự ngu dốt. Tất cả những phát minh của chúng ta và tất cả sự tiến bộ của chúng ta tựa hồ như đang dẫn tới chỗ là những lực lượng vật chất thì được ban cho một đời sống tinh thần, còn đời sống của con người vốn đã bị tước mất cái mặt tinh thần rồi thì nay lại bị hạ thấp xuống trình độ những lực lượng vật chất đơn thuần. Mâu thuẫn đối kháng đó giữa một bên là nền công nghiệp hiện đại và khoa học với một bên cảnh bần cùng hiện nay và sự suy đồi, mâu thuẫn đối kháng đó giữa lực lượng sản xuất và quan hệ xã hội trong thời đại chúng ta là một sự thật rõ ràng, không tránh khỏi và không thể chối cãi được... Về phía mình, chúng ta không hiểu nhầm bản chất của cái tinh thần lắt léo luôn luôn thể hiện trong tất cả các mâu thuẫn đó”(46).
Đoạn trích trên hơi dài, nhưng chúng tôi không muốn cắt bớt cốt để người đọc thấy được cách lập luận và chiều sâu tư tưởng của Marx. Tư tưởng trên rất điển hình cho cách nhìn của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx về mâu thuẫn nói chung và mâu thuẫn trong tiến bộ xã hội nói riêng. Từ khi Marx đưa ra nhận định nói trên, sự phát triển vượt bậc của xã hội loài người đã làm cho những mâu thuẫn đó sâu sắc hơn rất nhiều, tuy vậy, trong các tài liệu lý luận hiện đại, việc nêu ra những nghịch lý của sự phát triển cũng khó mà vượt qua được nhận xét uyên thâm nói trên của Marx.
Điều sâu sắc trong các lập luận của Marx về mâu thuẫn trong tiến bộ xã hội là ở chỗ, ông “không hiểu nhầm” và cũng muốn mọi người “không hiểu nhầm bản chất của cái tinh thần lắt léo luôn luôn thể hiện trong tất cả các mâu thuẫn”. Mâu thuẫn là cái vốn có trong sự phát triển và tiến bộ. Xã hội muốn phát triển và tiến bộ không có cách nào khác là phải “tiến lên thông qua mâu thuẫn”. Mâu thuẫn, mà đặc biệt là mâu thuẫn xã hội không phải luôn luôn là điều tốt, nhưng không có mâu thuẫn thì xã hội không tiến bộ được. Marx viết: “Không có đối kháng thì không có tiến bộ. Đó là quy luật mà nền văn minh đã tuân theo cho đến ngày nay v.v.”(47).
- Tiến bộ xã hội là sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội
Trước khi chủ nghĩa Marx ra đời, chủ nghĩa duy tâm thống trị trong mọi nhận thức về tiến bộ xã hội. Với học thuyết của Marx về hình thái kinh tế - xã hội, “lần đầu tiên, lịch sử được đặt trên cơ sở hiện thực của nó. Cái sự thật hiển nhiên mà cho mãi đến lúc đó người ta vẫn bỏ quên mất, là trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh để giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học, v.v.”(48). Đó là “sự thật hiển nhiên” quy định mọi sự vận động và tiến bộ của đời sống xã hội. Theo Marx và Engels tiến trình lịch sử xã hội loài người không phải là sự vận động vô hướng theo dẫn dắt của cái “tất yếu mù quáng”, mà là quá trình vận động có quy luật, theo hướng tiến bộ; là quá trình tất yếu chuyển từ những hình thái kinh tế - xã hội này lên những hình thái kinh tế - xã hội khác, cao hơn, tiến bộ hơn. Marx viết: “Về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của các hình thái kinh tế - xã hội”(49).
Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Marx là một trong các lý thuyết đem lại tiêu chuẩn khách quan để phân biệt xã hội loài người ở giai đoạn phát triển này với giai đoạn phát triển khác, vạch ra cái chung, cái lặp lại trong lịch sử các dân tộc - quốc gia khác nhau trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Bởi vậy, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, cho đến nay vẫn là cơ sở phương pháp luận, là một trong những nền tảng lý luận của của các khoa học xã hội, bởi nó đã vạch ra sự thống nhất của lịch sử xuyên qua tính đa dạng của các sự kiện ở các nước khác nhau trong các thời kỳ khác nhau. Tính chất tiến bộ của bất kỳ một hiện tượng xã hội nào, đều chỉ có thể được đánh giá hợp lý khi đặt nó trong một hình thái kinh tế - xã hội nhất định.
Thời gian gần đây, nhất là từ sau sự sụp đổ của khối Xô Viết đầu những năm 90, lý thuyết về các làn sóng văn minh của Alvin Toffler được giới khoa học và hoạt động xã hội đặc biệt chú ý. Đã có lúc, người ta tưởng học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội có thể sẽ cáo chung, do sự thắng thế của lý thuyết về các làn sóng văn minh. Tuy nhiên, sự thắng thế trong khoa học không giống như sự thắng thế trong tranh giành quyền lực. Cùng với thời gian, cách nhìn tiến bộ xã hội từ sự thay thế các làn sóng văn minh, hóa ra cũng chỉ là một trong không ít những cách tiếp cận về sự phát triển xã hội. Nó có những thế mạnh, những ưu điểm, nhưng cũng có những hạn chế của nó. Trên thực tế, lý thuyết về các làn sóng văn minh là sự bổ sung có giá trị cho học thuyết Marx về hình thái kinh tế - xã hội, làm cho nhận thức nói chung về sự phát triển của xã hội loài người trở nên mềm dẻo hơn, dễ hình dung hơn với các quá trình lịch sử dài ngắn khác nhau(50).
- Tiến bộ xã hội là khuynh hướng vận động khách quan, có quy luật và “có những bước quanh co hoặc thụt lùi tương đối”
Bằng hai phát kiến vĩ đại của mình - quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Marx đã đưa ra những quan niệm vừa duy vật vừa biện chứng, tức là những quan niệm khoa học về tiến bộ xã hội. Ông coi tiến bộ xã hội là quá trình đi lên tất yếu, có quy luật của xã hội loài người, từ một hình thái kinh tế - xã hội này sang một hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn. Đó không phải là một quá trình ngẫu nhiên, tự phát như các quá trình tự nhiên, mà là kết quả tổng hợp của những hoạt động, những nỗ lực mà con người, trước hết là của đông đảo quần chúng nhân dân tạo ra.
Các quy luật vận động của đời sống xã hội thể hiện phong phú trong các hình thái kinh tế - xã hội là các quy luật của hoạt động người, tức là do con người tạo ra. Tuy thế, các quy luật đó lại không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan mà trái lại, luôn mang tính khách quan, nghĩa là với tính tất yếu của mình, các quy luật xã hội buộc con người phải nhận thức cho đúng, rồi thích nghi, và bị khuất phục. Chính điều đó làm cho sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội trở thành quá trình lịch sử - tự nhiên, trong đó con người là chủ thể và là động lực của sự phát triển.
Theo Marx, quần chúng nhân dân là lực lượng quyết định tiến bộ xã hội. Bởi lẽ, trong quá trình lao động sản xuất vật chất, con người đã sáng tạo ra những điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của bản thân mình, bằng cách ấy con người đã sáng tạo ra lịch sử. Nhưng con người chinh phục tự nhiên, cải biến thế giới không phải với tư cách là những cá nhân đơn lẻ, mà với tư cách là những thành viên trong cộng đồng. Trong cộng đồng xã hội và cũng chỉ trong cộng đồng xã hội, con người mới làm nên lịch sử thông qua các quan hệ phức tạp với nhau, các quan hệ mà ngày nay người ta thấy đã được định hình trong vô số các thiết chế kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội. Đây là một trong những tiền đề của lịch sử và cũng là tiền đề của tiến bộ xã hội.
Xã hội loài người đã và đang phát triển trải qua những giai đoạn khác nhau, tất cả đều phong phú và không kém phần phức tạp. Trong mỗi giai đoạn đều có sự tác động của những quy luật chung đặc trưng cho cái lặp lại, cái bền vững trong lịch sử, và đồng thời cũng có sự thể hiện của những quy luật đặc thù chỉ biểu hiện trong một không gian và thời gian lịch sử có giới hạn. Lịch sử phát triển của xã hội loài người dường như có sự lặp lại, nhưng thú vị là không bao giờ lặp lại nguyên vẹn cái cũ. Lịch sử tiến lên không theo chu kỳ giản đơn mà là theo vòng xoáy ốc. Sự lặp lại của lịch sử thường có vẻ quen thuộc vì lặp lại cái cũ, nhưng thực ra là mới lạ vì bao giờ cũng chỉ lặp lại ở một trình độ khác, bao hàm một điều mới nào đó.
Trong quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Marx, con người trong mọi thời đại luôn luôn là kẻ sáng tạo ra lịch sử. Nhưng, sự sáng tạo đó không phải là quá trình bịa đặt vô cớ hay tùy tiện, mà là quá trình bị quy định nghiêm ngặt bởi những điều kiện khách quan. Điều kiện khách quan của lịch sử không đơn thuần chỉ gồm những yếu tố thời đại, đương đại, mà còn là những yếu tố kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật v.v. đã được tạo ra từ các thế hệ trước. “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy v.v. Mỗi giai đoạn của lịch sử đều gặp một kết quả vật chất nhất định, một tổng số nhất định những lực lượng sản xuất, một quan hệ - được tạo ra trong quá trình lịch sử - của những cá nhân với tự nhiên và với những người khác, quan hệ mà mỗi thế hệ nhận được từ những tiền bối của mình, một khối lớn những lực lượng sản xuất, những tư bản và những điều kiện (tức là những thứ một mặt bị thế hệ mới làm biến đổi đi, song mặt khác lại quy định đối với thế hệ mới) những điều kiện sinh hoạt của chính thế hệ mới và làm cho chính thế hệ mới có một sự phát triển nhất định, một tính chất riêng biệt”(51).
Mặc dù tin tưởng tuyệt đối vào tiến bộ xã hội, nhưng Marx và Engels không nhìn tiến bộ bằng con mắt đơn giản, một chiều. Sự vận động tiến về phía trước của lịch sử là đương nhiên, nhưng bao giờ cũng diễn ra một cách hết sức phức tạp và đầy mâu thuẫn, thậm chí có những bước thụt lùi, có trường hợp thoái bộ hoặc vận động quanh co. Tiến bộ xã hội, do vậy, cần phải được hiểu một cách lịch sử, cụ thể gắn với hoàn cảnh hiện thực của các xã hội. Nếu như “định luật cơ bản” của sự phát triển của giới hữu cơ nói chung, theo Engels, là “mỗi một bước tiến trong sự phát triển của giới hữu cơ đồng thời cũng là một sự thoái hoá vì nó củng cố sự phát triển một chiều, và loại bỏ khả năng phát triển nhiều chiều”(52), thì trong lĩnh vực xã hội, Marx nói rất rõ: “Nói chung không nên hiểu khái niệm tiến bộ dưới hình thức trừu tượng thông thường”(53); không nên hình dung tiến bộ xã hội một cách giản đơn như một quá trình bằng phẳng, đơn tuyến, thẳng tắp, không có những bước quanh co hoặc thụt lùi tương đối. Các quá trình xã hội thường diễn ra không đơn thuần chỉ là tiến bộ hoặc thoái bộ. Bên cạnh sự vận động theo hướng tiến bộ, còn có cả những vận động thụt lùi, quanh co hoặc thoái hóa; trong sự phát triển “luôn luôn thấy có những trường hợp thoái bộ và loanh quanh”(54).
Như vậy, tiến bộ trong quan niệm của Marx và Engels là xu hướng phát triển từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện của các hệ thống và tiểu hệ thống trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội là hình thức cao nhất của tiến bộ xã hội. Còn thoái bộ, ngược lại, là một khuynh hướng đối lập với tiến bộ, là sự vận động thụt lùi, vận động theo hướng suy đồi, thoái hoá v.v. Trong đời sống xã hội, hai khuynh hướng này luôn tồn tại dưới dạng khả năng. Trên thực tế, mỗi cộng đồng vận động theo khả năng nào còn tùy thuộc vào trình độ của các chủ thể hoạt động trong việc nắm bắt các xu hướng khách quan và trình độ khống chế những xu hướng khách quan ấy.
Có thể thấy, đặt vấn đề về sự tiến bộ, dù từ kinh nghiệm cá nhân hay từ kinh nghiệm cộng đồng cũng đều là cách đặt vấn đề trong sự chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống. Câu hỏi day dứt để xác định ta đang sống trong một xã hội tốt lên hay xấu đi luôn là câu hỏi không buông tha ai và không dễ trả lời. Với tính cách là một vấn đề lý luận, tiến bộ xã hội, do vậy, là vấn đề muôn thuở, là vấn đề của mọi thời đại. Bởi lẽ, do được đặt ra cùng với sự tồn tại của con người, do phải đảm nhận chức năng thể hiện nhu cầu vĩnh hằng của loài người - nhu cầu phải luôn luôn tiến về phía trước, mà sự tiến bộ xã hội đã và sẽ mãi mãi là một vấn đề tồn tại song hành với đời sống con người. Song ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, ở mỗi hoàn cảnh riêng biệt của đời sống xã hội, tiến bộ xã hội có những nét đặc thù riêng của nó.
I.4.3. Tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội
- Tiêu chuẩn về tiến bộ xã hội trước Marx
Phân tích lý luận về tiến bộ xã hội, người ta không thể lảng tránh vấn đề cần phải lấy những thước đo nào để đánh giá một xã hội cụ thể xem có được gọi là tiến bộ hay không; tức là vấn đề tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội. Do tiến bộ xã hội bao giờ cũng là vấn đề giá trị học, nên bất kỳ tiêu chuẩn nào của tiến bộ xã hội bao giờ cũng chứa trong nó yếu tố chủ quan. Các tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội bao giờ cũng gắn chặt với các quan điểm, lập trường, đường lối, chủ trương v.v. của các nhà nước, các tổ chức xã hội khi đánh giá các hiện tượng và các quá trình lịch sử. Mỗi cộng đồng, đoàn thể, chính đảng, quốc gia v.v. đều có thể xác định tiêu chuẩn riêng cho hoạt động của mình để đạt tới tiến bộ.
Như đã biết, các hiện tượng xã hội được coi là tiến bộ dù theo tiêu chuẩn nào chăng nữa, cũng đều không hoàn toàn tuyệt đối: cái được coi là tiến bộ lúc này, ở nơi này thì vào lúc khác, ở nơi khác có thể lại được coi là không tiến bộ. Cái đóng vai trò là tiến bộ tuyệt đối ở mặt này, thì ở mặt khác lại có thể không phải là tiến bộ v.v. Khó có thể tìm thấy tiêu chuẩn nào đóng vai trò tích cực một cách tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh và đối với mọi đối tượng. Nói cách khác, tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội luôn luôn mang tính lịch sử và cụ thể. Mỗi tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội đều có phạm vi ứng dụng xác định, dành riêng cho những hiện tượng xã hội nhất định.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội không mang tính khách quan. Dù bị chi phối bởi ý muốn chủ quan của người đánh giá đến đâu chăng nữa, những tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội, nếu muốn được thừa nhận, nếu muốn đóng vai trò định hướng đối với sự tiến bộ vẫn phải đảm bảo tính khách quan ở mức độ cần thiết. Điều này do bản thân đối tượng được đánh giá quy định.
Trong lịch sử tư tưởng nói chung, một khi các nhà tư tưởng thừa nhận tính chất tiến bộ của sự vận động xã hội thì thông thường họ cũng nêu ra và khẳng định những quan điểm riêng của mình về tiêu chuẩn của sự tiến bộ. Vì thế, tham vọng về một quan điểm toàn diện và tổng quát đối với tiến bộ xã hội là cái rất khó đạt tới. Tiêu chuẩn phổ quát của tiến bộ xã hội theo quan điểm triết học, bao giờ cũng là một thang đo có tính chất định tính cho sự đánh giá các quá trình xã hội. Những tiêu chuẩn cụ thể của tiến bộ xã hội, những tiêu chuẩn định lượng rạch ròi thường đóng vai trò là căn cứ cho sự xác định tiêu chuẩn phổ quát, song dẫu sao những căn cứ đó cũng không phải là những chỉ báo có tính chất quyết định.
Có thể thấy, bên cạnh quan niệm cho rằng, tiêu chuẩn chung của tiến bộ xã hội, trước hết, là tiêu chuẩn khách quan, nên cần phải tìm nó trong lĩnh vực sản xuất vật chất, trong lĩnh vực kinh tế v.v. còn có quan niệm cho rằng tiến bộ xã hội không có tiêu chuẩn khách quan, thống nhất và do vậy, cần phải tìm nó trong lĩnh vực tinh thần, ý thức, trong lĩnh vực tư tưởng.
Những người theo quan điểm phủ nhận tiêu chuẩn khách quan, thống nhất của tiến bộ xã hội cho rằng, tiến bộ xã hội là thước đo chủ quan đặc trưng riêng cho mỗi cộng đồng của lịch sử xã hội loài người. Mỗi giai cấp, mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân luôn đứng trên một lập trường nào đó, theo đuổi một mục đích nhất định nhằm mưu cầu lợi ích cho riêng mình, vì thế khi đánh giá về sự tiến bộ xã hội, mỗi chủ thể thường dựa vào nhận thức chủ quan của mình, theo ý muốn chủ quan của mình hoặc cho rằng chỉ có tiêu chuẩn riêng cho từng lĩnh vực trong đời sống xã hội, chứ không có tiêu chuẩn chung để đánh giá tiến bộ xã hội. Hiện nay, khi nghe “tiếng chuông cảnh tỉnh” về sự cạn kiệt tài nguyên, về nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố, về tình trạng phân hoá giàu nghèo hoặc về tình trạng ô nhiễm môi trường trên khắp hành tinh... thật dễ hiểu, tại sao có nhiều tư tưởng đã đề nghị cộng đồng thế giới phải thông qua những thước đo phổ quát, nhân đạo về tiến bộ xã hội.
Hơn thế nữa, vấn đề tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội lại càng phức tạp hơn khi mà cùng xuất phát từ một lập trường, một quan điểm nào đó, người ta vẫn đưa ra những đánh giá, nhận định khác nhau.
Sự thật thì ngay từ thời cổ đại, khi tư tưởng về tiến bộ xã hội mới hình thành, các nhà tư tưởng của thời đại đó đã nói đến tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội. Song, do những hạn chế có tính chất thời đại, có lúc, người ta đã lấy một xã hội cụ thể, một vương triều cụ thể và coi đó là xã hội kiểu mẫu, là vương triều lý tưởng để đánh giá xã hội mà mình đang sống là tiến bộ hay thoái bộ. Những mô hình kiểu như “thế kỷ vàng son” hay “xã hội đại đồng” Nghiêu - Thuấn v.v. được xây dựng trên một tầm nhìn như vậy.
Trong suốt “đêm dài Trung cổ”, các nhà tư tưởng ở thời kỳ này do chịu ảnh hưởng nặng nề của thế giới quan thần học và những tín điều của nhà thờ Kitô giáo, cái được coi là điểm xuất phát của mọi tư duy, nên đối với họ sự tồn tại của một xã hội nào đó là do ý Chúa và bởi vậy mà vấn đề có hay không có tiêu chuẩn để đánh giá sự tiến bộ của xã hội - đó là cái do Chúa sắp đặt.
Vấn đề tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội chỉ thực sự trở thành vấn đề bàn cãi ở thời kỳ Phục hưng, khi những quan niệm về tiến bộ lịch sử đã trở thành cơ sở lý luận, thành ngọn cờ tư tưởng của giai cấp tư sản đang hình thành trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến suy tàn. Với sức mạnh của khoa học lúc bấy giờ, các nhà tư tưởng tư sản nhìn nhận chế độ phong kiến là một sản phẩm phi lý của lịch sử, vì thế, theo họ, chế độ phong kiến phải được thay bằng một xã hội lấy sự phát triển của trí tuệ con người, sự sáng suốt của lý tính làm nền tảng. Với quan niệm đó, họ thừa nhận chỉ có sự phát triển theo hướng đi lên của lý tính con người mới được coi là tiêu chuẩn để đánh giá sự tiến bộ của xã hội.
J.Vico, khi coi sự phát triển của mỗi dân tộc đều diễn ra theo một vòng tròn khép kín để rồi từ đó lại đi lên theo sự quay của một vòng tuần hoàn mới, đã lấy sự phát triển theo hướng đi lên của lý tính con người làm thước đo trình độ phát triển của một dân tộc(55).
Helvetius, Condorcet, khi khẳng định tiến bộ xã hội tuân theo những quy luật chung của nó, đã coi lý tính con người là tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn tối cao để đánh giá sự tiến bộ của xã hội. Condorcet khẳng định, sớm hay muộn nhân loại cũng sẽ đạt tới một chế độ xã hội mà ở đó không còn “bạo chúa và nô lệ”, ở đó chỉ toàn là “những người tự do”, do vậy, ngoài “lý tính” không còn gì để có thể coi là tiêu chuẩn để đánh giá tiến bộ xã hội(56).
A. Turgot khi đánh giá cao vai trò của sự tăng trưởng kinh tế, của tiến bộ về khoa học, kỹ thuật đã cho rằng, giữa sự phát triển xã hội và sự thay đổi những hình thức của đời sống kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ. Ông coi tăng trưởng kinh tế và tiến bộ khoa học, kỹ thuật là thước đo trình độ phát triển của xã hội.
Xuất phát từ quan niệm coi tính đặc thù trong văn hóa tinh thần của các dân tộc là cái có ý nghĩa tuyệt đối, quyết định sự phát triển của xã hội, J. Herder đã khẳng định trình độ phát triển của nền văn hóa tinh thần chính là thước đo sự phát triển xã hội.
Hegel đã lý giải sự tiến bộ xã hội một cách sâu sắc về phương diện triết học. Mặc dù bị hạn chế bởi quan điểm duy tâm, song ông đã xem xét lịch sử nhân loại như một quá trình thống nhất và hợp quy luật. Tuy đề cao tính đặc thù của mỗi thời đại, ông vẫn khẳng định mỗi thời đại là một giai đoạn tất yếu trong tiến trình phát triển chung của nhân loại. Với niềm tin vững chắc vào sức mạnh và khả năng của lý tính con người, ông coi tiến bộ xã hội như là quá trình tự vận động của “ý niệm tuyệt đối”. Theo ông, “sự phát triển của ý thức về tự do” là tiêu chuẩn của tiến bộ lịch sử.
Saint Simon, Robert Owen và Charles Fourier, khi đưa ra những quan niệm của mình về tiến bộ xã hội đều luận chứng cho tính tất yếu lịch sử của việc thiết lập một chế độ xã hội mới như là kết quả của sự phát triển hợp quy luật của lịch sử. Với tư tưởng về tính khách quan của tiến bộ xã hội, các ông khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa xã hội là một bước tiến trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, khi đề cập đến tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội thì ở các ông lại có sự khác nhau. Saint Simon coi sự phát triển của tri thức khoa học, của đạo đức và của tôn giáo là động lực phát triển của xã hội, là tiêu chuẩn khách quan để đánh giá sự phát triển của xã hội. Owen coi quá trình tiến bộ từng bước trong sự tự nhận thức của con người là tiêu chuẩn để đánh giá tiến bộ xã hội. Bởi thế, ông rất đề cao vai trò của giáo dục đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân. Còn Fourier coi năng suất lao động xã hội là thước đo trình độ phát triển của xã hội và, trình độ giải phóng phụ nữ cũng được ông coi là thước đo trình độ phát triển của xã hội.
O. Comte với quan niệm coi sự tiến hóa của lịch sử nhân loại được kết thúc ở chủ nghĩa tư bản, đã lấy yếu tố thực chứng làm thước đo sự tiến hóa về mặt trí tuệ và đó cũng là thước đo trình độ tiến bộ của xã hội.
M. Weber, với quan niệm văn hóa là một “cấu trúc xã hội nằm ở bề sâu”, quy định sự biến động của các cấu trúc trên bề mặt xã hội, đã coi văn hoá là cái quyết định tiến bộ xã hội. Quan niệm này của Weber đã có ảnh hưởng lớn đến các nhà triết học, xã hội học tư sản phương Tây. Một vài người trong số đó, khi dựa vào quan niệm của Weber đã coi văn hóa Tin Lành là hạt nhân của tinh thần tư bản chủ nghĩa và coi chủ nghĩa tư bản là xã hội cuối cùng trong lịch sử nhân loại, là giới hạn của sự tiến bộ xã hội.
O. Spengler, P. Sorokin và A.Toynbee với quan niệm về vòng tuần hoàn của quá trình lịch sử đã ít nhiều phủ nhận tiến bộ xã hội. Các ông coi lịch sử xã hội loài người là sự cùng tồn tại nhiều nền văn minh, mà các nền văn minh đó chỉ khác nhau ở loại hình tôn giáo. Từ đó, các ông lấy trình độ hòa hợp của các tôn giáo để đánh giá sự tiến bộ trong các nền văn minh khác nhau.
Đứng trước những vấn đề mang tính toàn cầu của thời đại như nguy cơ chiến tranh hạt nhân, tình trạng phá hủy môi trường sống, nạn cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên do sự “tác động ngược” của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghệ, một số học giả phương Tây lâu nay đang nói đến “sự tận cùng của lịch sử”, “buổi hoàng hôn, ngày tàn của thế giới”, “sự cáo chung của nhân loại”. Đây là kiểu suy tư rất đặc trưng của văn hoá Tây Âu, cố tình nhìn sự phát triển một cách bi quan để làm rõ những vấn đề cốt lõi của sự tiến bộ. Một trong những quan điểm kiểu này là báo cáo “Giới hạn của sự tăng trưởng” của các thành viên Câu lạc bộ Roma. Theo lập luận của báo cáo này, mọi sự tăng trưởng, phát triển của sản xuất và của nền kinh tế đều có giới hạn và điều đó dẫn đến khủng hoảng. Do đó, cần phải giữ cho sự phát triển của lực lượng sản xuất ở mức thấp nhất. Tái sản xuất giản đơn ra con người và của cải là phương sách giúp nhân loại thoát khỏi thảm họa của ngày tận thế. Tiến bộ của khoa học, kỹ thuật không trùng hợp với tiến bộ xã hội; chính điều đó đã dẫn đến sự suy thoái về mặt xã hội(57).
Ngược lại, một số học giả như Raymond Aron, G. Can, John Kenneth Galbraith, đặc biệt Walt Whitman Rostow, nhà xã hội học Mỹ, lại đưa ra quan điểm về quyết định luận kỹ thuật (kỹ trị), coi kỹ thuật là yếu tố quyết định sự tiến bộ xã hội và lấy tiến bộ kỹ thuật làm tiêu chuẩn hàng đầu của tiến bộ xã hội. Quan niệm này được phổ biến rộng rãi ở nhiều nước Tây Âu vào những năm 50 - 60 (thế kỷ XX) với học thuyết về xã hội hậu công nghiệp. Ngoài ra, trong đời sống tinh thần phương Tây hiện đại còn tồn tại một dạng quan niệm khác - quan niệm đối lập tiến bộ xã hội với tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Những người theo quan niệm này cho rằng, ngày nay khoa học, kỹ thuật đã trở thành một lực lượng khủng khiếp, đe dọa tiến bộ xã hội. Nếu khoa học cứ phát triển như tốc độ hiện nay thì rồi đây con người sẽ được thay thế bằng người máy và kỹ thuật do con người tạo ra sẽ quay lại thống trị con người(58).
- Tiêu chuẩn về tiến bộ xã hội theo quan niệm của chủ nghĩa Marx
Khắc phục tính chất duy tâm và siêu hình trong những quan niệm về tiến bộ xã hội của các bậc tiền bối, chỉ ra cách hiểu phiến diện, không hợp lý, thiếu khách quan của các quan điểm đương thời, Marx và Engels đã vạch ra những tiêu chuẩn chung nhất, mang tính khách quan để xác định tiến bộ xã hội. Với học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn khách quan, phổ quát để xác định trình độ tiến bộ của xã hội loài người là sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội. Điều này có nghĩa là, mỗi hình thái kinh tế - xã hội cụ thể đều tất nhiên tiến bộ hơn so với các hình thái trước nó và đồng thời cũng tất nhiên kém tiến bộ hơn so với các hình thái sẽ xuất hiện sau nó. Các lĩnh vực cấu thành mỗi hình thái như quan hệ sản xuất xã hội, cơ sở hạ tầng, chính trị, pháp quyền, đạo đức xã hội, v.v. cũng bị quy định bởi điều kiện kinh tế - xã hội của từng hình thái nên có trình độ tiến bộ hơn so với xã hội trước đó và kém tiến bộ hơn so với các xã hội sau đó, kể cả lĩnh vực đạo đức (mỗi thời đại kinh tế - xã hội đều có nền đạo đức của riêng mình, không thể lấy tiêu chuẩn đạo đức phong kiến, để phê phán hoặc đánh giá thấp nền đạo đức tư bản chủ nghĩa, dù rằng ở một số trường hợp cụ thể, đạo đức tư sản dường như suy đồi hơn các xã hội trước đó).
Trên cơ sở thừa nhận bản chất của tiến bộ nằm trong sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội, Marx và Engels đã xem xét sự phát triển của con người trong mỗi xã hội, mà trước hết là trong hoạt động sản xuất vật chất - lĩnh vực hoạt động cơ bản của xã hội loài người, để đánh giá tiến bộ xã hội. Marx viết: “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”(59). “Hoạt động sống của họ (những cá nhân con người) biểu hiện đời sống của họ như thế nào thì họ là như thế ấy. Do đó họ là như thế nào, điều đó ăn khớp với sản xuất của họ, với cái mà họ sản xuất ra cũng như với cách họ sản xuất. Do đó những cá nhân là như thế nào, điều đó phụ thuộc vào những điều kiện vật chất của sự sản xuất của họ”(60). Sự phát triển của cách mà con người sản xuất chính là cái quy định trình độ của sự phát triển của con người. Con người có mục đích tự thân là phát triển phong phú bản chất của mình(61). Trình độ lý tưởng của sự phát triển đó là: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(62).
Trong tổng thể các quan niệm của K. Marxvà F. Engels về sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội và vai trò của con người trong sự thay thế đó, như vừa trình bày ở trên, đặc biệt trong tư tưởng về sự phụ thuộc của cá nhân con người vào những điều kiện vật chất của sự sản xuất, có thể thấy, các tác gia kinh điển của chủ nghĩa Marx đã coi cách mà con người sản xuất với những tư liệu lao động đặc thù của mỗi thời đại chính là cái để phân biệt những thời đại kinh tế khác nhau. Nói cách khác, thước đo đánh giá trình độ của mỗi thời đại kinh tế - xã hội là thước đo tổng hợp giữa tư liệu lao động với phương thức mà con người sản xuất. Trải qua các thời đại, do sự phát triển tất yếu của tư liệu lao động, cách thức sản xuất của con người, đương nhiên, cho phép họ tự do hơn. Sự phát triển tự do của con người là một lát cắt khác của quan hệ giữa phương thức mà con người sản xuất với trình độ của tư liệu lao động. Một xã hội sẽ đạt tới đỉnh cao của sự tiến bộ khi ở đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Với ý nghĩa ấy, sự phát triển tự do của con người chính là thước đo phổ quát nhất về trình độ phát triển của xã hội, là tiêu chuẩn tối cao của tiến bộ xã hội.
Ngày nay, tư tưởng về sự phát triển tự do của con người ít được nói đến. Khi bàn đến con người và phát triển con người, giới lý luận, giới khoa học và các nhà hoạch định chính sách nói nhiều hơn đến lý thuyết và bộ công cụ về phát triển con người của UNDP. Từ năm 1990, để đánh giá đầy đủ hơn mức độ tiến bộ về phương diện phát triển con người, UNDP đã xây dựng một công cụ giản đơn, dùng để đo các khả năng cơ bản nhất của con người (sống lâu, có học vấn, có mức sống tốt - chỉ số phát triển con người). Trên thực tế, chỉ số phát triển con người (HDI) là thước đo tương đối toàn diện so với các thước đo được sử dụng trước đó dùng để đánh giá sự phát triển. Quan điểm của UNDP được các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc tán đồng khi áp dụng tiêu chuẩn HDI là, thu nhập (GDP hoặc GNP phản ánh tăng trưởng và phát triển kinh tế) chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục đích của sự phát triển. Khi coi con người là mục tiêu tối thượng, sự phát triển biểu hiện ra phong phú hơn nhiều so với sự biểu hiện của chỉ số GDP hay các chỉ số kinh tế khác. Việc sử dụng chỉ số HDI, do vậy, cho phép các quốc gia hình dung được một bức tranh toàn cảnh hơn về đời sống kinh tế - xã hội, về sự phát triển con người.
Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh có lẽ là người chú ý nhiều hơn và đã có một số bài viết, bài phát biểu bàn trực diện về những vấn đề của tiến bộ xã hội, mặc dù mưu cầu về một sự tiến bộ cho dân tộc, cho đất nước, cho từng cộng đồng v.v. luôn là tâm huyết của tất cả các nhà tư tưởng, các nhà hoạt động xã hội. Năm 1946, xuất phát từ mục tiêu cao nhất của đất nước là độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân tộc, trên Báo Cứu Quốc, số ra ngày 21 tháng Giêng, khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(63). Cũng năm 1946 khi bàn về cần kiệm liêm chính, Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”(64). Rõ ràng, đây là một cách diễn đạt về những nét chủ yếu, bản chất của một xã hội tiến bộ ở nước ta.
Có thể suy ra rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về một xã hội giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, ở đó, không có người bóc lột người, mọi người đều có tự do, được ấm no và hạnh phúc, chính là tư tưởng về một xã hội Việt Nam tiến bộ, cũng là những tiêu chuẩn tối cao của tiến bộ xã hội. Những tư tưởng này, trên thực tế, có ý nghĩa to lớn trong suốt quá trình cách mạng ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, cũng là những tư tưởng điều chỉnh và thúc đẩy những chuyển biến kinh tế - xã hội trong những năm đổi mới và sẽ còn là quan điểm có ý nghĩa chiến lược đối với việc bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
***
Tóm lại, tăng trưởng, phát triển, phát triển bền vững dù mở rộng cách hiểu đến thế nào cũng chưa phải là mục đích cuối cùng của sự phát triển xã hội. Mục đích thực sự của sự phát triển là phát triển con người, nói như Marx, là sự phát triển tự do của mỗi con người trong sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
Và đó là thước đo trình độ phát triển của xã hội, là tiêu chuẩn tối cao của tiến bộ xã hội.
Chương II
VẤN ĐỀ MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔNG Á VÀ ĐÔNG NAM Á
II.1. Mô hình phát triển Đông Á và Đông Nam Á: thực chất vấn đề và nội hàm khái niệm ngầm định
II.1.1. Khái niệm “Mô hình”
Những năm gần đây, thuật ngữ “mô hình phát triển” được sử dụng rất phổ biến cả trong các tài liệu khoa học và cả trong các tài liệu thông tin đại chúng. Mặc dầu vậy, hầu như người sử dụng chẳng bao giờ giải thích tại sao những trường hợp cụ thể được nói tới lại gọi là “mô hình” hay “mô hình phát triển”. Đối tượng được gọi là “mô hình” thường là một cách thức, một kiểu phát triển của một vùng, một quốc gia, một địa phương hay một lĩnh vực kinh tế - xã hội nào đó; “mô hình” cũng được dùng để gọi một giai đoạn, một quá trình tăng trưởng hoặc phát triển ở một đối tượng xem xét nào đó; thậm chí đôi khi “mô hình” còn dùng để gọi một đặc điểm hay một đặc trưng nổi bật của một hiện tượng phát triển rất cụ thể. Chẳng hạn, mô hình Bắc Âu, mô hình Tây Âu, mô hình Đông Nam Á, mô hình Đông Á, mô hình Xô Viết, mô hình Đông Âu, mô hình Trung Quốc, mô hình Cu Ba, mô hình Philipines, mô hình Thái Lan, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, mô hình tăng trưởng chiều rộng, mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, mô hình phát triển kinh tế Tân cổ điển, mô hình ổn định để phát triển, mô hình giáo dục Phần Lan, mô hình công nghiệp đàn nhạn bay, v.v.
Về đại thể, mô hình là khuôn mẫu trừu tượng của một hệ thống đã có hoặc đang được xây dựng, bao gồm cấu trúc, các thành phần cơ bản và các quy luật vận hành của hệ thống đó. Mô hình được thể hiện bằng các ngôn ngữ chuyên ngành tùy theo đối tượng được mô tả và tùy theo mục đích nghiên cứu của người thiết kế mô hình, thí dụ mô hình toán học, mô hình kiến trúc, mô hình máy bay, mô hình kinh tế, mô hình xã hội, mô hình phát triển, mô hình hệ tuần hoàn, v.v. Khi nghiên cứu lý thuyết về mô hình, người ta có thể phân loại mô hình thành: mô hình động - mô hình tĩnh, mô hình thống kê - mô hình hàm số, mô hình lý thuyết - mô hình thực tế, mô hình ảo - mô hình thực v.v. Ngày nay, khái niệm mô hình và phương pháp mô hình hoá được sử dụng trong hầu hết các ngành khoa học tự nhiên, kĩ thuật, khoa học xã hội(65).
Trên thực tế, việc sử dụng khái niệm “mô hình” thường không chặt chẽ. Người ta không quan tâm nhiều đến khái niệm “mô hình” mà chú ý hơn đến các nội dung chi tiết được thể hiện trong mỗi mô hình cụ thể đó. Trong tiếng Việt, thuật ngữ “mô hình” còn tương đối hơn, do tình trạng chuyển ngữ. Ngoài các thuật ngữ “Modèle” từ tiếng Pháp, “Model” từ tiếng Anh, “mô hình” đôi khi còn được chuyển ngữ từ các thuật ngữ khác như “Pattern”, “Paradigm” (ví dụ, flying-geese pattern, flying-geese paradigm - mô hình đàn nhạn bay).
Về mô hình phát triển Đông Á và Đông Nam Á, vấn đề đang được nói tới ở đây, chính là loại mô hình phát triển kinh tế - xã hội với những đặc trưng tương đối riêng biệt và xác định của nó xuất hiện tại các quốc gia NICs Đông Á gồm Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và cả Singapore trong những năm 60-80 ở thế kỷ trước. Nói chính xác hơn, khi so sánh với một vài nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam v.v., các nhà nghiên cứu nhận thấy, các nước khối NICs sở dĩ phát triển nhanh và công nghiệp hoá thành công là nhờ có cái gì đó chung, tốt hơn, có giá trị hơn, hay hơn v.v. so với các nước Đông Nam Á. Từ đó, người ta mới quay lại tìm xem cái chung tạo ra sự trì trệ ở các nước Đông Nam Á là những gì. Và các nhà nghiên cứu đã tìm được những cái chung đó. Sức thuyết phục đến đâu thì còn phải tranh cãi. Nhưng vấn đề thì đã có cơ sở thực tế của nó - vấn đề mô hình Đông Nam Á và mô hình Đông Á.
Điều đáng lưu ý là hầu hết các khái niệm ở đây đều rất tương đối. Người ta chú ý đến nội dung của vấn đề cần bàn luận và khá dễ dãi chấp nhận sự thiếu chuẩn xác của khái niệm biểu đạt. Tên gọi của mô hình khi thì được diễn đạt bằng thuật ngữ “Mô hình Đông Á”, khi thì được diễn đạt bằng thuật ngữ “Mô hình Đông Bắc Á”. Gần đây, dùng để chỉ đối tượng này người ta ít dùng “Mô hình Đông Bắc Á” mà quen dùng “Mô hình Đông Á” hơn. Tuy thế cả hai tên gọi này cũng đều ở dạng quy ước không thật nghiêm ngặt, vì “Đông Á” và “Đông Bắc Á” đều là các khái niệm vay mượn từ địa chính trị, dùng để chỉ mấy quốc gia Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, chứ không phải tất cả các quốc gia ở phía Đông Châu Á hay phía Đông bắc châu Á. Hơn thế nữa, trong khái niệm “Mô hình Đông Bắc Á” hay “Mô hình Đông Á”, Singapore, một quốc gia Đông Nam Á lại được coi là thuộc mô hình này (ở phần sau chúng tôi sẽ trình bày kỹ hơn nội dung của vấn đề). Ngoài ra, Trung Quốc, do vị trí địa lý ở Đông Á, nên đôi khi cũng được bàn đến như là có những nét thuộc mô hình Đông Á. Trong một số trường hợp khác, do trình độ phát triển và do có những biểu hiện kinh tế - xã hội na ná như Đông Nam Á, nên Trung Quốc lại cũng được nói đến như là có những nét thuộc về mô hình Đông Nam Á.
Có thể vì tránh một sự bàn cãi kinh viện về khái niệm Mô hình Đông Á hay Mô hình Đông Bắc Á, nên không thấy ai đưa ra một định nghĩa chuẩn xác cho khái niệm này, mặc dù lúc cần thiết thì cũng thấy có nêu các tiêu chí, các đặc trưng để phân biệt Mô hình Đông Á so với các mô hình khác. Trong cuốn sách này, để thống nhất tên gọi, chúng tôi dùng khái niệm “Mô hình Đông Á”, chứ không gọi là “Mô hình Bắc Đông Á” như trong một vài tài liệu khác, mặc dù nội dung của hai cách gọi trên thực tế là giống nhau.
II.1.2. Mô hình phát triển Đông Á và Đông Nam Á
Mô hình phát triển Đông Á và Mô hình phát triển Đông Nam Á là khái niệm được David Depice và các chuyên gia Harvard sử dụng trong báo cáo tư vấn cho Chính phủ Việt Nam năm 2008. Báo cáo chỉ ra những kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước Đông Á khác trong quá trình trở thành các xã hội công nghiệp (NICs/NIEs) và những kinh nghiệm thất bại (tương đối) của các nước Đông Nam Á đến nay vẫn chưa (hoặc không) vượt qua cái bẫy của sự phát triển(66).
Để hiểu về điều mà các chuyên gia Harvard gọi là mô hình Đông Á, cần thiết phải ngược lại cội nguồn của vấn đề, xem quan niệm về mô hình phát triển Đông Á bắt nguồn từ đâu.
Vào những năm 90, với một quan niệm rất tương đối, các nước công nghiệp mới ở châu Á gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore được gọi là những con rồng hoặc những con hổ. Người châu Âu không thiện cảm với rồng, thậm chí coi rồng là con vật dữ nên thích gọi những nước này là hổ, còn người châu Á lại ngưỡng mộ rồng nên thích gọi những nước này là rồng. Nhưng gần đây, cũng không thật chặt chẽ, báo chí lại phân biệt rồng với hổ. Người ta coi hổ châu Á gồm những nước mới nổi như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và đôi khi cả Trung Quốc. Việt Nam cũng đã có lần được cựu Tổng thống Mỹ G. Bush gọi là “con hổ trẻ” (young tiger(67)). Cách nói bóng bẩy “Sự thần kỳ Đông Á” (hay “Sự thần kỳ châu Á”), do thay đổi quan niệm về rồng và hổ nên cũng được hiểu rộng hơn. Nếu trước kia “Sự thần kỳ Đông Á” chỉ dùng để nói về 4 con rồng thì nay lại được gọi chung cho hiện tượng phát triển nhanh ở cả các nước công nghiệp mới và cả các nước có tốc độ tăng trưởng cao ở khu vực. Trong tình trạng sử dụng thuật ngữ “cởi mở” như vậy, có thể thấy, các khái niệm “Mô hình Đông Á” và “Mô hình Đông Nam Á” mà GS. David Dapice và các chuyên gia Harvard sử dụng, rõ ràng, một lần nữa lại “làm phong phú thêm” sự phân loại về phát triển ở đây.
Dẫu sao, vấn đề vẫn chưa thoát ly khỏi cơ sở khách quan hiện thực hiển nhiên của nó - đó là sự tăng trưởng và phát triển nhanh của nhiều nước trong khu vực Đông Á.
Khoảng hơn 20 năm nay, Đông Á với sự trỗi dậy của Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore là chủ đề không xa lạ đối với giới lý luận và các nhà hoạt động chính trị, xã hội. Sự xuất hiện của 4 con rồng châu Á được coi là điều kỳ diệu của thế kỷ XX. Trên khắp các diễn đàn từ Đông sang Tây, người ta đã nhiều lần mổ xẻ sự phát triển thần kỳ của các nền kinh tế này nhằm tìm ra bài học kinh nghiệm cho các nước chậm phát triển, và cả các nước phát triển. Tấm gương công nghiệp hóa thần tốc của Đông Á cho tới nay vẫn là liều thuốc kích thích, gây ấn tượng mạnh đối với các nước đi sau:
- Không nhất thiết phải đi qua hàng trăm năm tích lũy và cải tạo tư bản chủ nghĩa như châu Âu, các nước đi sau có thể nhanh chóng tiến tới thịnh vượng và phồn vinh trong một xã hội công nghiệp.
- Không nhất thiết phải có nguồn lực tự nhiên giàu có và đa dạng, trong xã hội hiện đại, con người và văn hóa chính là những nguồn lực quan trọng và quyết định.
- Không nhất thiết phải chịu sự trói buộc của thực trạng kinh tế, hoặc chỉ là “đầu ra” của nền kinh tế, ngày nay, giáo dục là nền tảng và là phương thức tạo ra nguồn lực phát triển - “Tri thức đẻ ra tri thức, tri thức là thứ lấy không bao giờ cạn” (Alvin Toffler).
- Không nhất thiết hiện đại hóa phải đồng nhất với phương Tây hóa, các nước đi sau có thể và cần phải tìm những con đường riêng của mình để trở thành một xã hội hiện đại.
- Không nhất thiết phải phá bỏ các giá trị cũ hoặc “cứng nhắc rập khuôn” các giá trị mới, trong tương quan với các giá trị ngoại sinh, giá trị truyền thống có thể hóa thân thành sức mạnh mới - hiếu học, cần cù, đồng thuận và trách nhiệm xã hội v.v. là những giá trị không bao giờ cũ.
Như vậy, Mô hình Đông Á là khái niệm dùng để chỉ kiểu phát triển mà 4 nước (hay 4 nền kinh tế) châu Á đã trải qua kể từ giai đoạn nghèo đói đến lúc trở thành các nước công nghiệp hóa mới (NICs/NIEs). Nghĩa là từ khoảng những năm 60, khi hầu hết các nước châu Á đều đứng ở một điểm xuất phát gần như tương đương nhau. Sau một thời gian ngắn, các nước này thoát nghèo (GDP đạt khoảng 1.000 USD đầu người năm: Hàn Quốc 1971, Hồng Kông 1971, Đài Loan 1970, Singapore 1970). Không dừng lại ở đó, các nước này tiếp tục phát triển và phát triển mạnh, rồi “cất cánh” và “hóa rồng” (khoảng 10.000 USD đầu người năm: Hàn Quốc 1993, Hồng Kông 1988, Đài Loan 1991, Singapore 1989). Đằng sau thành tựu kinh tế ngoạn mục ấy, dĩ nhiên, mô hình Đông Á chứa đựng trong nó những đặc trưng cũng không kém phần đáng chú ý về phương diện văn hóa, xã hội và chính trị, mà trong đó quản lý vĩ mô và ý chí con người v.v. là những lĩnh vực có nhiều điều đáng nói; chúng tôi sẽ cố gắng phân tích một phần ở chương này và chủ yếu là ở chương sau.
Còn Mô hình Đông Nam Á là khái niệm dùng để chỉ kiểu phát triển mà các nước Đông Nam Á đã và đang trải qua - thoát nghèo từ những năm 90 nhưng đến nay vẫn chưa hoặc chưa thể hóa rồng. Thái Lan, Philppines, Indonesia v.v. là những trường hợp như vậy. Có những lý do về mặt quản lý vĩ mô, ý chí chính trị, thực trạng giáo dục, khoa học v.v. kìm hãm sự bứt phá khiến các nước này rơi vào các bẫy tăng trưởng và khó thoát ra được.
II.2. Quá trình tăng trưởng và phát triển ở Đông Á và Đông Nam Á: ý nghĩa tiến bộ xã hội và bài học kinh nghiệm
II.2.1. Singapore
Singapore là một quốc đảo nằm ở cực nam bán đảo Mã Lai, là một trong số ít nhà nước đô thị còn lại trên thế giới và là nước nhỏ nhất Đông Nam Á. Khi Công ty Đông Ấn của Anh vào hòn đảo này năm 1867 thì ở đây chỉ có một làng chài với dân cư thưa thớt gồm người Mã Lai và người Orang Lant ở cửa sông Singapore. Bị Nhật chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai (1942-1945), Singapore lại trở lại là thuộc địa của Anh tháng 4 năm 1946. Hợp nhất vào Malaysia năm 1963, nhưng đến tháng 8 năm 1965, Singapore tách thành một nước cộng hòa độc lập và được Liên Hiệp Quốc công nhận ngày 21 tháng 9 năm đó.
Singapore là một quốc gia đa dân tộc gồm người Mã Lai, Trung Quốc và Ấn Độ. Khi độc lập, Singapore phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế và xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm. Lương của người lao động rất thấp. Tỷ lệ thất nghiệp cao, khoảng 13,5%. Tình trạng lao động và xã hội bất ổn định. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá và hư hỏng nặng bởi chiến tranh. Phương tiện công cộng và nhà ở nghèo nàn, thiếu thốn. Dân số tăng với tốc độ nhanh. Sự ra đi của người Anh đã làm mất đi 38.000 việc làm (bằng 20% lực lượng lao động) vào đúng thời điểm thất nghiệp và dân số tăng nhanh, đã làm giảm GDP quốc gia. Cùng lúc đó chi phí quốc phòng Singapore cũng lại đòi hỏi phải tăng.
Rút kinh nghiệm từ bài học phát triển của Ấn Độ và của một số nước thuộc thế giới thứ ba, ông Lý Quang Diệu đã quyết định đi theo con đường riêng để phát triển kinh tế, không lệ thuộc vào bất kỳ một lý thuyết phát triển nào của thế giới thứ ba. Từ năm 1965, Đảng Nhân dân hành động (PAP) đã chủ trương hình thành một “nhà nước phát triển”, đặc biệt chú trọng phát triển nền kinh tế dựa trên sự kiểm soát toàn bộ nền kinh tế và sở hữu nhà nước. Trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân tương đối yếu thì nhà nước và bộ máy quản lý nhà nước phải là tác nhân dẫn dắt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nuôi dưỡng công nghiệp hóa, tạo vốn cho đầu tư tư nhân, xây dựng hạ tầng, cung cấp các loại dịch vụ v.v.
Chiến lược then chốt của Singapore là chính sách kinh tế định hướng vào xuất khẩu, chú trọng đầu tư nước ngoài, chú trọng kinh doanh, kết hợp với các đầu tư do nhà nước chỉ đạo trong các công ty chiến lược của chính phủ.
Không có tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển của Singapore chủ yếu dựa vào phát triển nguồn lực con người, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng. Về căn bản, các chiến lược kinh tế của Singapore đều được thống nhất triển khai theo tư tưởng: đề cao vai trò chiến lược của chính phủ, tập trung huy động nguồn lực con người và liên tục phát triển cơ sở hạ tầng.
Thách thức chính đối với Singapore trong những năm 60 là tình trạng thất nghiệp cao, mà con đường duy nhất đề tạo việc làm là phải phát triển rộng các ngành công nghiệp chế tạo. Tuy nhiên, trong những năm này nền kinh tế thiếu vốn trầm trọng và quá phụ thuộc vào Công ty Đông Ấn. Năm 1960, chính phủ Singapore đã kiến nghị Liên Hợp Quốc yêu cầu gửi các cố vấn kinh tế từng làm việc tại những nước có điều kiện tương tự như Singapore đến giúp. Năm 1961, chính phủ thành lập Văn phòng Phát triển kinh tế với mục đích chủ yếu là theo dõi tình hình chung và cung cấp thông tin về các thủ tục đầu tư nước ngoài vào Singapore. Nhân viên của Văn phòng Phát triển kinh tế đã đi khắp nước Mỹ và các nước Tây Âu để giới thiệu về các điều kiện thuận lợi khi đầu tư vào Singapore như thủ tục dễ dàng, chi phí xây dựng thấp, tình hình chính trị ổn định, lực lượng lao động nói tiếng Anh tốt… Năm 1967, Singapore ra Đạo luật khuyến khích phát triển cho phép Văn phòng Phát triển kinh tế được quyền trao cho các công ty nước ngoài địa vị ưu đãi với những hỗ trợ về thuế kỳ hạn 5 năm. Nhiều công ty nước ngoài đã vào Singapore do chi phí sản xuất thấp hơn 20% so với những nơi khác.
Năm 1968, chính phủ Singapore chuyển sang chiến lược công nghiệp hóa nhanh thông qua thu hút đầu tư nước ngoài. Chiến lược công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu được hỗ trợ bằng các bước vận động nhằm biến Singapore thành một trung tâm tài chính quốc tế và khu vực. Kiểm soát hối đoái được dỡ bỏ và nhiều biện pháp khuyến khích hoạt động tài chính được thực hiện. Nhiều nỗ lực được triển khai để phát triển ngành du lịch. Cũng vào năm này, Bộ Khoa học và Công nghệ được thành lập nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ trong hệ thống giáo dục và trong nền kinh tế. Năm 1967, Hội đồng khoa học Singapore ra đời với tư cách là cơ quan tư vấn về đào tạo nhân lực và thực hiện nghiên cứu và phát triển (R & D) trong công nghiệp. Ủy ban kinh tế đề xuất kiến nghị phát triển các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và robot, công nghệ laser và vi điện tử và công nghệ thông tin và quang học; thành lập các trung tâm về nhiều lĩnh vực; mở rộng tương tác giữa các cộng đồng công nghiệp; và mở rộng đào tạo sau đại học để có nhiều kỹ sư và các nhà khoa học hơn.
Chính phủ Singapore đã sử dụng lợi thế cạnh tranh là lao động lương thấp và vị trí chiến lược của cảng nước sâu để phát triển nền kinh tế: nhập khẩu các bộ phận chế tạo về lắp ráp và tái xuất thành phẩm, trước tiên là các cấu kiện máy tính và hàng điện tử tiêu dùng.
Các kết quả kinh tế của cuối thời kỳ này là tốc độc tăng GDP hàng năm đạt 6%, trong đó khu vực chế tạo đã từ 10% năm 1960 tăng lên 15% vào cuối những năm 1960. Quan trọng hơn, Singapore còn tiếp nhận được các công nghệ mới do các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào.
Tuy vậy, Singapore vẫn chưa hài lòng với mức độ thành công. Tốc độ tăng trưởng những năm 60 vẫn bị coi là chưa đủ để đất nước bứt phá. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 10%. Các thách thức kinh tế vẫn nghiêm trọng do việc người Anh rút khỏi hòn đảo này và chính sách đối đầu của Indonesia trong những năm Singapore tham gia Liên bang Malaysia (1963-1965). Việc tách khỏi Malaysia phá vỡ kế hoạch hình thành một thị trường chung trong khu vực làm cho Singapore giảm sức thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, chính phủ Singapore phải tiếp tục công việc đầy khó khăn để cải thiện nền kinh tế.
Năm 1979, chính phủ bắt đầu tiến trình tái cơ cấu kinh tế quan trọng hướng tới giá trị gia tăng cao hơn, công nghệ cao hơn và tăng cường vốn nhiều hơn. Nền công nghiệp được đẩy mạnh ở các lĩnh vực cơ khí hóa, tự động hóa và tin học hóa với những khuyến khích về thuế. Một chính sách lương cao ba năm được Hội đồng lương quốc gia thực hiện vào những năm 79 - 81. Vì thế chi phí nhân công tăng mạnh tới 10,1%/năm trong ba năm đó, trong khi sản lượng kinh tế hàng năm chỉ tăng 4,4%.
Để duy trì sức thu hút đầu tư nước ngoài, Văn phòng Phát triển kinh tế liên tục điều chỉnh hệ thống thuế. Cuối những năm 70 hệ thống này còn mở rộng tới các doanh nghiệp nhỏ của Singapore và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để giảm chi phí sản xuất tới 33%. Ngoài ra, chính phủ còn thiết lập các thiết chế hỗ trợ khác bao gồm các doanh nghiệp nhà nước trong các khu vực tài chính và vận tải, Ngân hàng Phát triển Singapore, Hãng hàng không Singapore và xưởng đóng tàu tại Senbawang. Trong đầu tư công, chính phủ duy trì hệ thống an sinh xã hội đã có từ năm 1955. Hệ thống quỹ này vẫn mang tính bắt buộc đối với mọi cá nhân người lao động giúp xây dựng một lực lượng lao động dựa trên tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm và tự lực. Nhằm thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn, chính phủ Singapore còn thực hiện việc giám sát các điều kiện lao động để tạo ra một môi trường lao động tích cực và đạo luật lao động quy định các tiêu chuẩn thuê làm việc đã được ban hành.
Trong những năm 70 - 79, chiến lược công nghiệp hóa của chính phủ vận hành tốt đã góp phần nâng GDP thực tế trung bình đạt 9,4%. Singapore đứng thứ 5 trong các nước đang phát triển về thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) với 0,3 tỷ USD/năm. Công nghiệp sản xuất trở thành khu vực kinh tế lớn nhất, tăng từ 20% GDP năm 1970 lên 27% năm 1979. Xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Singapore lớn hơn tái xuất, tăng từ 39% tổng hàng hóa xuất khẩu năm 1970 lên 59% năm 1979. Khu vực tài chính phát triển nhanh chóng. Thị trường đô la Châu Á tăng từ 31 triệu USD năm 1968 lên 38 tỷ năm 1979. Khu vực thương mại cũng tăng trưởng tương tự như vậy. Tình trạng thất nghiệp chấm dứt với tỷ lệ giảm đáng kể từ 6% năm 1970 xuống còn 3,3% năm 1979. Hơn 430.000 việc làm mới đã được tạo thêm, trong đó khu vực chế tạo chiếm gần một nửa. Về chế độ lương, tháng 7 năm 1972, chính phủ thành lập Hội đồng lương quốc gia ba bên để đảm bảo mức tăng lương đúng mức.
Nếu những năm 60, Singapore phải đối đầu với tình trạng thiếu vốn, thì những năm 80, là những thách thức kinh tế khác do áp lực ngày càng cao về tiền lương của người lao động. Vào thời điểm này, xuất hiện thêm nhiều nền kinh tế đang nổi lên ở Đông Nam Á. Không còn là nền kinh tế cung cấp lao động rẻ và để duy trì sức cạnh tranh, Singapore đã chuyển sang chiến lược phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng đòi hỏi lực lượng lao động có kỹ năng cao và chuyển từ công nghiệp sản xuất sang công nghiệp dịch vụ.
Để có lực lượng lao động tay nghề cao, năm 1981, chính phủ đã thành lập Văn phòng máy tính quốc gia để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong các ngành công nghiệp có liên quan đến công nghệ thông tin nhằm thu hút các công ty công nghệ thông tin toàn cầu sản xuất và bán phần mềm của họ qua Singapore. Cuối những năm 80, Văn phòng máy tính quốc gia đã thực hiện kế hoạch sử dụng và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin tại tất cả các công ty Singapore, cũng như đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin tại các địa phương. Nhờ vậy hoạt động kinh doanh của Singapore đã kết nối được với các nước phương Tây. Chính phủ Singapore đã đổ một khoản tiền lớn hơn 3 lần số tiền đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong những năm 80 để xây dựng hạ tầng viễn thông.
Văn phòng phát triển kinh tế tiếp tục mở rộng cơ chế ưu đãi không chỉ riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất, mà cả với những nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Bằng việc thực hiện các chiến lược như vậy, Singapore từ chỗ là một nước trong thế giới thứ ba đã trở thành một nước phát triển trong khoảng thời gian rất ngắn. Thời kỳ 1965-1973 nền kinh tế Singapore đạt mức tăng trưởng chưa từng thấy: GDP đạt 12,7%/ năm. Tỷ lệ người lao động có tay nghề giỏi đã tăng từ 11% năm 1979 lên 22% năm 1985.
Năm 1985, kinh tế Singapore suy thoái nghiêm trọng. Chính phủ chỉ định Ủy ban kinh tế xem xét lại tình hình và đề ra các phương hướng mới. Sau khi nghiên cứu kỹ, Báo cáo của Ủy ban kinh tế vạch ra chiến lược để kinh tế Singapore sẽ phát triển như phương Tây vào những năm 90 và thậm chí còn đẩy mạnh khả năng cạnh tranh. Báo cáo đề xuất những biện pháp chuẩn bị, trong đó những biện pháp cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo:
- Nâng cao trình độ học vấn trung bình của lực lượng lao động (năm 1980, 72,6% lao động Singapore chỉ có trình độ tiểu học hoặc không đi học và chỉ 3,5% có trình độ đại học).
- Đào tạo và tái đào tạo thường xuyên lực lượng lao động.
- Mở rộng và cải thiện giáo dục ở các cấp sau trung học và đặc biệt tăng số lượng tuyển sinh.
Tương tự như những năm 80, thách thức chủ yếu của nền kinh tế Singapore trong những năm 90 là phải đảm bảo khả năng tiếp nhận công nghệ cao. Chính phủ tiếp tục chi lớn cho phát triển công nghệ cao (khoảng 2 tỷ USD giai đoạn 1991-1995 và 4 tỷ USD giai đoạn 1996-2000 thông qua Văn phòng máy tính quốc gia), thành lập các khu công nghệ cao và các cơ sở như Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Namyang, Viện Khoa học hệ thống và nhiều cơ quan khoa học khác. Chính phủ còn thực hiện các chương trình hợp tác toàn diện với các cơ sở nghiên cứu công nghệ ở Mỹ, Australia và châu Âu thông qua Đại học Quốc gia Singapore.
Tháng 10/1991, Chính phủ công bố kế hoạch kinh tế chiến lược cho giai đoạn tiếp theo, chỉ ra 8 hướng chiến lược biến nước Cộng hòa thành một quốc gia phát triển hàng đầu trong vòng 30 đến 40 năm. Singapore đặt mục tiêu đuổi kịp Mỹ vào năm 2030 hoặc Hà Lan vào năm 2020 về GDP trên đầu người. Các hướng chiến lược này nhằm vào phát triển nguồn lực con người, thúc đẩy nỗ lực chung của đất nước, tạo ra bầu không khí hướng đến đổi mới, phát triển các tổ hợp công nghiệp sản xuất/dịch vụ, duy trì sức cạnh tranh quốc tế và giảm bớt khả năng bị tổn thương. Đặc điểm then chốt của chiến lược kinh tế này là chú trọng vào cả hai khu vực sản xuất và dịch vụ, khuyến khích các doanh nghiệp địa phương đa dạng hóa, nâng cao trình độ và phát triển các công ty có định hướng xuất khẩu mạnh và xúc tiến các đầu tư khu vực.
Một chiến lược quan trọng nữa của Singapore thời kỳ này là mở rộng các hoạt động hợp tác kinh tế trong khu vực. Đầu những năm 90, Chính phủ Singapore đã đưa một số ngành sản xuất của mình vào Johor của Malaysia và vào Riau của Indonesia, hình thành nên tam giác phát triển Singapore - Johor - Riau, trong đó Singapore là trung tâm tài chính, còn Johor và Riau là nguồn cung cấp lực lượng lao động. Trong tam giác phát triển này, Johor và Rian như đôi cánh kinh tế bên ngoài để Singapore trở thành địa vị trung tâm tài chính của vùng. Singapore -Johor - Riau rất gần nhau, Singapore và Johor nối với nhau bằng 1,2 km đường bộ có khả năng lưu chuyển trên 40.000 xe cộ mỗi ngày. Bởi Singapore lúc này đã có hệ thống cơ sở hạ tầng tầm cỡ thế giới. Từ sau năm 1996, tam giác Singapore - Johor - Riau tiếp tục mở rộng và được xem là tam giác phát triển Indonesia - Malaysia - Singapore.
Mở đầu cho sự hợp tác thành công giữa ba nước là những thay đổi trong chính sách đầu tư nước ngoài của Indonesia năm 1990 cho phép 100% sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài được phát triển các khu công nghiệp ở Batam và các giao dịch buôn bán được thực hiện trực tiếp với Cơ quan phát triển công nghiệp Batam. Vào giữa những năm 90 đã có trên 400 nhà máy chế tạo nước ngoài ở Batam, trong đó hơn 70% kết nối với các công ty Singapore. Chính phủ Singapore còn hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở Batam. Khu công nghiệp Batamindo được xây dựng năm 1991, liên kết phát triển với các công ty của Chính phủ Singapore. Ngoài ra, còn có khu nghỉ liên hợp quốc tế Bintan, khu công nghiệp Bintan và khu công nghiệp đảo Kariman, thu hút hơn 4 tỷ đô la đầu tư nước ngoài vào hòn đảo này. Chính phủ Malaysia hiểu rõ tầm quan trọng trong việc hợp tác với Singapore tại Johor nói riêng, cũng như đối với sự phát triển kinh tế của Malaysia nói chung và ngay từ đầu đã có những biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch các công ty đa quốc gia từ Singapore vào Johor. Malaysia đã xây dựng các khu công nghiệp mới, các cơ sở đào tạo người lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông ở Johor. Vào cuối những năm 90, tỷ lệ các dịch vụ tài chính của Malaysia đã tăng lên chiếm xấp xỉ 30% GDP.
Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973, Chính phủ Singapore bắt đầu tiến hành một chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, chú trọng vào công nghệ, công nghệ thông tin và phát triển nguồn lực con người. Vào những năm 90, Singapore đã có khả năng tự phát triển thành một nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, hóa dầu và thương mại quốc tế với chiến lược đẩy mạnh các khu vực sản xuất và dịch vụ thành hai trục chính của nền kinh tế. Trước tiến trình toàn cầu hóa trên toàn thế giới và sự cạnh tranh của các nền kinh tế mới nổi ở thị trường châu Á, chính phủ Singapore đã có những chính sách thực tế đa dạng hóa và củng cố hơn nữa các năng lực kinh tế của mình, đồng thời cũng đặc biệt quan tâm đến việc trở thành bộ phận trong hệ thống thương mại quốc tế thông qua nhiều thỏa thuận “Tối huệ quốc” với tất cả các đối tác thương mại hàng đầu như Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ. Khởi đầu chính sách thương mại, Singapore chú trọng tham gia các hệ thống thương mại đa phương như GATT (WTO, từ 1994) và các khối thương mại khu vực như ASEAN(68). Vào cuối những năm 90, Singapore chuyển sang ký các thỏa thuận thương mại tự do với các nước khác và các hiệp hội khu vực và tiểu khu vực như New Zealand, Australia, Nhật Bản, EFTA(69), Ấn Độ v.v. do khủng hoảng tài chính châu Á làm giảm luồng FDI và do Ấn Độ và Trung Quốc nổi lên như những đối tác hàng đầu châu Á trong thương mại quốc tế. Nhờ các biện pháp như vậy, nền kinh tế Singapore đã vượt qua được tất cả các cuộc khủng hoảng.
Tổng dự trữ trong nước từ 1961 đến 1994 tăng từ -2% lên 50% GDP trong khi tổng đầu tư tăng từ 12% lên 32% GDP. GDP và GDP tính theo đầu người tương ứng tăng từ 8,5% và 10%/năm. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã tăng mức dự trữ trong nước, thúc đẩy tăng trưởng và chính tăng trưởng đã tạo ra tổng mức dữ trữ và đầu tư cao hơn. Kết quả là thu nhập theo đầu người tăng 46 lần từ năm 1961 đến năm 1994 (từ 447 USD lên 20.499 USD). Năm 1998, GNP thực tế của Singapore là 95,5 tỷ USD, GNP tính theo đầu người là 24.210 USD. Năm 2003, GDP thực tế của Singapore là 91,3 tỷ USD, GDP tính theo đầu người là 24.841 USD. Năm 2008, GDP thực tế của Singapore là 181,9 tỷ USD, GDP tính theo đầu người là 37.595 USD(70).
Trong những năm từ 1997 đến 2003, cơ cấu các ngành công nghiệp trong tổng GDP không thay đổi nhiều: các ngành sản xuất hàng hóa chiếm 1/3, riêng công nghiệp chế tạo chiếm 1/4, các ngành dịch vụ chiếm 2/3, trong đó dịch vụ ngân hàng và thương mại chiếm 20%. Mặc dù từ những năm 1980 Singapore đã tập trung nhiều hơn vào dịch vụ, nhưng sản xuất vẫn có vai trò rất quan trọng và chiếm 24,3% năm 2003, tăng một chút so với năm 1997 và tăng so với năm 2001 (23%).
Các ngành sản xuất chính gồm điện tử, hóa chất, máy và thiết bị và thiết bị y sinh học. Điện tử là khu vực sản xuất lớn nhất, chiếm 40% tổng sản phẩm khu vực sản xuất năm 2003, song giảm so với năm 1999 (52%). Số nhân công làm việc trong khu vực này lên tới 85.581 người, chiếm 25% toàn bộ công nghiệp sản xuất và mức đầu tư tăng 3,2 tỷ USD năm 1999 lên 4,2 tỷ USD năm 2003. Ngành hóa chất tăng nhẹ so với năm 1999, từ 25% lên 26,2% năm 2003 với số nhân công khoảng 6,7% và mức đầu tư 1,57 tỷ USD.
Ngành máy móc thiết bị vận tải và hóa chất chiếm 16,8% tổng sản lượng khu vực sản xuất với số nhân công chiếm 41% và với mức đầu tư là 629,3 triệu USD, giảm 1,35 tỷ so với năm 1999. Các hoạt động chính trong khu vực này là chế tạo máy móc và các hệ thống, các mô đun và cấu kiện chính xác cùng các phương tiện vận tải đường không, đường bộ và đường biển.
Singapore có tham vọng trở thành trung tâm tầm cỡ thế giới về công nghệ y sinh học và nghiên cứu khoa học gần gũi với đời sống. Năm 2003, sản lượng chế phẩm y sinh học chiếm 7,7% với số nhân công khoảng 2,2%. Giá trị gia tăng trung bình trên lao động trên 900.000 USD, thể hiện trình độ kỹ năng cao. Đầu tư trong lĩnh vực này đạt 851,5 triệu USD, cao gấp hơn 2 lần năm 1999 (333 triệu USD).
Mặc dù công nghiệp xây dựng có vai trò lớn trong sự phát triển của Singapore, nhưng GDP và nhân công sử dụng trong ngành này liên tục giảm từ năm 1999 tương ứng là 9% và 200.000 người xuống 5,3% và 114.500 người năm 2003. Tình trạng giảm nói trên là do năng suất của lao động trong khu vực này thấp. Cuối năm 1999, chính phủ đã đưa ra dự án 21 về xây dựng để cải thiện tình hình.
Các dịch vụ thương mại bao gồm bán buôn, bán lẻ, các dịch vụ tài chính và các dịch vụ kinh doanh.
Năm 2003, bán buôn bán lẻ đóng góp 13% tổng GDP với trị giá trên 21 tỷ USD, với số nhân công gần 300.000 người. Tổng chỉ số bán lẻ năm 2003 tăng 8% so với năm 2002. Quý 1/2004, chỉ số bán buôn trong nước tăng 5% và chỉ số bán buôn nước ngoài tăng 15% so với cùng kỳ năm 2003. Cơ cấu xuất khẩu của Singapore trong những năm qua đã thay đổi lớn, từ các ngành công nghiệp kỹ năng thấp sang hàng hóa chế tạo kỹ năng cao hơn. Tổng sản lượng dịch vụ tài chính là 17 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng GDP, giảm nhẹ so với trung bình giai đoạn 1999-2002 (12%). Số nhân công làm việc trong khu vực này là 105.000 người. Dịch vụ kinh doanh đóng góp 22 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng GDP. Giao thông - vận tải - thông tin đóng góp 21,8 tỷ USD, chiếm 13% tổng GDP, sử dụng 216.000 nhân công, tăng khoảng 18.000 người so với năm 1999. Hoạt động chủ yếu của du lịch là dịch vụ khách sạn và nhà hàng. Năm 2003, du lịch đã đóng góp khoảng 1,9% tổng GDP, thu nhập ước đạt 3,2 tỷ USD, giảm nhiều so với năm 2001 là 4,2 tỷ USD. Văn phòng du lịch Singapore đã đề xuất đề án Tourism 21 Vision để cải thiện tình hình nhằm biến Singapore thành thủ đô du lịch Đông Nam Á.
Về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ Singapore thực hiện một chương trình nhanh chóng xây dựng trường học đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo. Trường sở được sử dụng 2 ca, sáng và chiều. Từ năm 1960 đến năm 1968, học sinh tiểu học và trung học tăng từ 284.702 lên 371.970 ở cấp tiểu học và từ 59.244 tăng lên 150.641 ở cấp trung học. Số lượng giáo viên cũng tăng từ 10.590 lên 17.184 năm 1965. Một hệ thống giáo dục chung được thực hiện theo mô hình giáo dục của Anh gồm 6 năm tiểu học, 4 năm trung học và 2 năm dự bị đại học với chương trình học chung cho tất cả các môn bằng 4 ngôn ngữ.
Năm 1981, hệ thống trường trung học được kết cấu lại. Có thêm 4 loại trường khác là trường dạy nghề, trường kỹ thuật, trường thương mại và viện dạy nghề. Giáo dục kỹ thuật được coi trọng theo hướng công nghiệp hóa để xuất khẩu. Tháng 4/1968, Hội đồng đào tạo công nghiệp quốc gia chịu trách nhiệm về giáo dục và đào tạo kỹ thuật được thành lập do Bộ trưởng Tài chính làm chủ tịch, còn Bộ trưởng Lao động và Thư ký Ủy ban giáo dục của Quốc hội là thành viên. Tháng 6/1968, Bộ Giáo dục được phân chia thành Vụ giáo dục phổ thông và Vụ giáo dục kỹ thuật.
Hệ thống các trường trung học, các trường dạy nghề cũng được phân đoạn. Ngoài các môn học phổ thông, các học sinh đều học vẽ kỹ thuật và tất cả các học sinh nam và 50% học sinh nữ phải thực hành ở xưởng mỗi tuần một lần. Số nữ sinh còn lại theo học lớp kinh tế gia đình. Ở những lớp trên của trường trung học, một phần ba số học sinh được phân theo luồng kỹ thuật, số còn lại học chương trình phổ thông. Số học sinh trung học năm thứ tư ở luồng kỹ thuật đã tăng từ 1.600 năm 1968 lên trên 7.000 năm 1972.
Hệ thống đào tạo công nghiệp cũng có nhiều thay đổi. Số viện dạy nghề tăng từ 4 năm 1968 lên 9 năm 1972 với số tốt nghiệp tương ứng là 324 và trên 4.000. Chương trình đào tạo được chia thành những đơn vị nhỏ từ 6 tháng đến 2 năm tùy theo loại và trình độ kỹ năng và việc quản lý hệ thống này được chuyển từ Bộ Lao động sang Vụ Giáo dục kỹ thuật thuộc Bộ Giáo dục. Đến năm 1973, trách nhiệm này được bàn giao cho Văn phòng Giáo dục công nghiệp, mà 6 năm sau hợp nhất với Văn phòng giáo dục người lớn thành Văn phòng đào tạo công nghiệp và dạy nghề. Các trường Đại học Bách khoa và Trường Ngee Ann College đã có những thay đổi để phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế: môn học và chương trình học được chuyển đổi, hệ thống thi cử và cấp bằng trong nước được thiết lập lại. Năm 1965, Đại học Tổng hợp Singapore đã cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, kiến trúc và công nghệ của Đại học Bách khoa. Năm 1968 tất cả các chương trình đào tạo nghề của Đại học Bách khoa được chuyển giao cho Đại học Tổng hợp Singapore với số lượng sinh viên nhập học tăng gấp hơn 2 lần, từ 3.198 năm 1969 tăng lên 7.546 năm 1979, năm ban hành Chứng chỉ kỹ thuật công nghiệp 2 năm toàn thời gian và 4 năm bán thời gian. Năm 1975, đã có 2.057 sinh viên Đại học Bách khoa được cấp Chứng chỉ kỹ thuật công nghiệp.
Một loạt các chương trình quốc gia về giáo dục và đào tạo đã được thực hiện. Phong trào nghiệp đoàn cùng tham gia đào tạo người lao động đã ra đời như tổ chức các lớp nâng cao khả năng cho người lao động về tiếng Anh, về toán v.v. tổ chức các chương trình nâng cao kỹ năng về tin học. Các chương trình này được thực hiện với sự hợp tác của Văn phòng Tiêu chuẩn và Năng suất về tài chính, với Viện Giáo dục kỹ thuật về xây dựng giáo trình, thiết kế các khóa đào tạo và cấp giấy chứng nhận. Các công ty khuyến khích, chỉ định người lao động tham gia đào tạo, đồng thời kết cấu các chương trình đào tạo và thực hiện. Các chương trình trên đã vươn tới tất cả các doanh nghiệp có tổ chức nghiệp đoàn.
Năm 1968, Bộ Khoa học và Công nghệ được thành lập; Hội đồng khoa học Singapore ra đời. Trong những năm 78-90, Singapore đã đạt được những bước tiến về nghiên cứu và phát triển (R&D): chi tiêu quốc gia cho khoa học tăng từ 0,2% lên 1% GDP; số người làm việc tại các cơ sở R&D tăng từ 1.672 người lên 7.004 người, số kỹ sư và nhà khoa học nghiên cứu trên 10.000 dân tăng từ 8 lên 78 người. Đại học Tổng hợp Singapore mở rộng các chương trình đào tạo sau đại học. Năm 1987, tuyển sinh đại học tăng 12%. Tỷ lệ kỹ sư và nhà khoa học nghiên cứu về R&D tăng từ 49% năm 1984 lên 61% năm 1990.
Từ năm 1960, chính phủ Singapore đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm duy trì một lực lượng lao động chất lượng cao. Trong việc này, Bộ Thương mại và Công nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất, thông qua nhiều cơ quan chính phủ khác. Văn phòng phát triển kinh tế chịu trách nhiệm đảm bảo các kỹ năng cần thiết cho việc chuyển giao công nghệ, còn Bộ Giáo dục đầu tư dài hạn, thường xuyên đổi mới hệ thống giáo dục. Chính phủ quan tâm chuẩn hóa hệ thống giáo dục, tập trung không chỉ vào môn toán và các môn khoa học, mà cả ngôn ngữ dân tộc (nhất là tiếng Mardarin và Maly), đồng thời vẫn coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Đầu những năm 1960, hầu hết các nhà trường đều học song ngữ. Ban Phát triển nhân lực của Văn phòng phát triển kinh tế được thành lập năm 1961 và chịu trách nhiệm phát triển các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cần thiết cho các quy trình đào tạo.
Các viện kỹ thuật có vai trò quan trọng từ những năm cuối 1960 đầu 1970 khi Singapore nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các chiến lược hướng vào xuất khẩu của mình. Chính phủ Singapore đầu tư lớn vào việc xây dựng các viện kỹ thuật và Văn phòng phát triển kinh tế bắt đầu cấp kinh phí cho những lao động được chọn đi đào tạo ở nước ngoài để họ có thể nhanh chóng chuyển giao kỹ năng chế tạo cho lực lượng lao động trong nước và khuyến khích các công ty nước ngoài thành lập các trường đào tạo tại chỗ cho lao động Singapore. Cuối những năm 70 và trong những năm 80, Văn phòng phát triển kinh tế mở rộng việc đào tạo nghề thêm nhiều khu vực, hướng vào các ngành công nghiệp có kỹ năng cao như điện tử và hợp tác với các quốc gia phát triển thành lập các trung tâm và các cơ sở đào tạo như Viện Công nghệ sản xuất Đức - Singapore, Viện Công nghệ phần mềm Nhật Bản - Singapore và Viện Công nghệ điện tử Pháp - Singapore. Năm 1979, Bộ Giáo dục đã xây dựng một hệ thống giáo dục mới nhằm cung cấp lực lượng lao động cần thiết về khoa học và các lĩnh vực nghề nghiệp. Với hệ thống này, Singapore có thể đào tạo một lực lượng lao động giỏi nghề với chất lượng rất cao bên ngoài các trường đại học và tạo cơ hội cho những người không thể theo hệ thống giáo dục chính quy vẫn có thể học tập.
Singapore muốn xây dựng một hệ thống giáo dục trong đó thông qua cạnh tranh gắt gao, sinh viên sẽ được tuyển chọn và phân loại theo chất lượng học tập của họ. Như vậy, những sinh viên ưu tú nhất được tuyển chọn vào các trường đại học để cho ra một lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn, còn những người xuất thân từ các trường đào tạo thực hành sẽ tham gia lực lượng lao động đào tạo cho công nghiệp chế tạo có kỹ năng thấp hơn. Hệ thống đào tạo có tuyển chọn này có sức thu hút hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bộ Giáo dục đang có kế hoạch về một cuộc cải cách lớn hệ thống giáo dục nhằm phát triển khả năng sáng tạo và cách tư duy năng động trong sinh viên.
Cùng với những thay đổi trong hệ thống giáo dục và đào tạo, Văn phòng phát triển kinh tế còn đề xuất nhiều chương trình phát triển nhân lực như Chương trình tái đào tạo nhân viên và công nhân dôi dư sau khi đóng cửa các cơ sở quân sự của Anh, chương trình đào tạo thợ sửa chữa tàu, sản xuất dàn khoan và chương trình đào tạo thợ cho ngành công nghiệp chế tạo thiết bị thăm dò dầu ngoài khơi và lọc dầu. Năm 1968, Văn phòng công nghiệp còn xây dựng 6 trung tâm đào tạo về công nghiệp, sản xuất kim loại, sản xuất khuôn mẫu, điện - cơ, cơ khí, điện - hóa chất, sản xuất đồ gỗ và cơ khí chính xác với sự giúp đỡ của Pháp, Nhật, Anh và UNDP. Ngoài ra, Văn phòng còn đề xuất Chương trình học bổng phát triển công nghiệp hỗ trợ tài chính để khuyến khích các công ty đa quốc gia đầu tư vào Singapore, gửi nhân viên của mình đi đào tạo tại các nhà máy ở nước ngoài. Văn phòng phát triển kinh tế đã thành lập ba trung tâm đào tạo trên cơ sở đối tác nhiều bên, trong đó chính phủ cấp quyền sử dụng đất và hỗ trợ tài chính và các phương tiện khác. Về phần mình, các công ty đa quốc gia đã đứng ra thành lập trung tâm, cử giám đốc điều hành, thiết kế các chương trình đào tạo và cung cấp các bài giảng. Họ đã cam kết đào tạo số lượng nhân viên nhiều hơn 2 lần nhu cầu của các công ty đa quốc gia đóng tại Singapore. Người học phải qua 2 năm đào tạo tại trung tâm, sau đó có 2 năm gắn bó với các công ty đa quốc gia
Về hạ tầng cơ sở và giao thông đô thị, Singapore được kế thừa từ người Anh một cơ sở hạ tầng tốt; do công nghiệp hóa và kinh nghiệm quản lý hệ thống hành chính tương đối hiệu quả nên họ có đủ khả năng duy trì và phát triển di sản này. Ở Singapore, từ năm 1822 đã có một Ủy ban thành phố giám sát việc sử dụng đất đai. Toàn bộ hòn đảo được chia thành các quận, huyện phù hợp với đặc điểm sinh hoạt và kinh doanh sau đó phát triển thành các thị trấn mới nhỏ hơn. Cảng Singapore có nhiều đường sá và hệ thống dịch vụ. Năm 1956 đã có 6 bến cảng. Các sân bay thường xuyên được nâng cấp, riêng sân bay Paya Lebar được dành cho máy bay phản lực.
Tuy vậy, sự phát triển kinh tế nhanh trong những năm 60 đã nảy sinh những vấn đề mới về giao thông do chính phủ chú ý đến các khu công nghiệp và quy hoạch nhà ở. Năm 1968, Chính phủ đã thành lập Bộ Giao thông để giải quyết vấn đề. Từ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được phát triển liên tục với hệ thống đường bộ tăng từ 800 km cuối những năm 60 lên 3.000 km vào năm 1990.
Để giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông, vấn nạn của hầu hết các nước phát triển nhanh, chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp trong đó đặc biệt phát triển hệ thống giao thông công cộng. Năm 1973, Chính phủ hợp nhất các công ty xe buýt tư nhân thành Singapore Bus Service. Singapore Bus Service đã cung cấp nhiều dịch vụ nhanh cho các khu chung cư rộng lớn và các vùng công nghiệp. Năm 1982, Chính phủ thành lập Trans - Island Bus Service để cạnh tranh với Singapore Bus Service. Các dịch vụ nhanh được hệ thống giao thông công cộng cung cấp tăng lên gấp nhiều lần trong những năm 70 - 80. Cuối những năm 80, Chính phủ lại thành lập Mass Rapid Transit System kết nối giữa các khu chung cư và các khu công nghiệp bằng một mạng lưới Light Rapid Transit đến các khu chung cư mới và các khu công nghệ cao. Năm 1995, Chính phủ thành lập Cơ quan Land Transport Authority để giám sát việc quản lý Mass Rapid Transit System và Light Rapid Transit, cũng như quy hoạch giao thông vận tải trong tương lai.
Từ những năm 80, Singapore đã vào cuộc về cách mạng thông tin. Nhiều nỗ lực được triển khai nhằm xây dựng nền kinh tế tri thức đồng thời với một hạ tầng thông tin hiện đại. Singapore muốn có một hạ tầng “phi vật thể” để đưa công nghệ cao vào Singapore giống như đối với công nghệ sản xuất mà các công ty đa quốc gia đã xây dựng vào thời kỳ đầu. Các nhà quản lý Singapore hiểu được, cần thiết phải xây dựng một lực lượng lao động có chuyên môn cao và đảo quốc phải có một cơ cấu công nghệ thông tin mạnh để nhanh chóng biến Singapore thành một trung tâm công nghệ cao ở châu Á.
Để thực hiện các mục tiêu khá đồ sộ của mình, trong những năm 60-70, chính phủ đã thành lập một loạt các cơ quan hoặc doanh nghiệp về phát triển do nhà nước sở hữu, quản lý hoặc giám sát như Văn phòng phát triển nhà ở (1960), Văn phòng phát triển kinh tế (1961), Public Utilities Board (1963), Port of Singapore Authority (1964), Công ty Jurong và Ngân hàng Phát triển Singapore (1998), Telecommunication Authority of Singapore (1974) và Công ty Temasek Holding Ltd (1974)(71). Tầm ảnh hưởng lớn của các cơ quan và doanh nghiệp này thể hiện rõ sự can thiệp của nhà nước đối với phát triển kinh tế dưới sự cầm quyền của đảng PAP. Trong khi thực hiện lộ trình phát triển, Chính phủ đã hình thành được hệ thống tập quyền quản lý và kỹ trị hữu hiệu có sức mạnh điều hành hệ thống thị trường.
Đến tận hôm nay, nền kinh tế Singapore vẫn thực sự sôi động, đầy sức cạnh tranh và đổi mới, đó là một nền kinh tế hỗn hợp do chính phủ cung cấp hầu hết cơ sở hạ tầng và kiểm soát tốt tốc độ và chiến lược phát triển. Singapore thực sự không nợ nước ngoài và các cuộc cải cách kinh tế hoàn toàn không chịu sức ép từ bên ngoài.
Hệ thống cai trị ở Singapore được xem là một trong những chính phủ minh bạch về chính trị và ít tham nhũng nhất trên thế giới. Trong nhiều lần xếp hạng, Singapore vẫn thường nằm trong tốp các nước ít tham nhũng nhất thế giới. Trong xếp hạng năm 2005 của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), Singapore đứng thứ 5 trong nhóm nước trong sạch nhất, chỉ sau Iceland, Phần Lan, New Zealand và Đan Mạch.
Để có vị trí này, Singapore đã trải qua một quá trình đấu tranh nghiêm khắc ngay từ khi Lý Quang Diệu lên nắm quyền. Ông Lý nhận thức rằng không chống tham nhũng thì không thể đạt được mục tiêu phát triển mong muốn.
Trong ba yếu tố tạo nên tham nhũng, vào những năm 60, Singapore chưa thể làm gì với thực trạng lương bổng vì lúc đó đất nước vẫn còn nghèo. Vì vậy, chính phủ chọn tấn công vào hai yếu tố tạo tham nhũng còn lại: giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng cường hình phạt. Luật chống tham nhũng mới ra đời với 32 phần, thay bộ luật cũ năm 1937 với 12 phần. Có một số sửa đổi quan trọng như án tù tăng lên, người nhận hối lộ phải trả lại hết tiền đã nhận. Văn phòng điều tra tham nhũng (CPIB) được tăng quyền hạn, với khả năng điều tra “mọi tài khoản ngân hàng” của những ai bị nghi có hành vi phi pháp.
Một người có thể bị khép tội tham nhũng ngay cả khi người đó chưa nhận tiền hối lộ, nếu ý định phạm pháp đã đủ để khép tội. Công dân Singapore phạm tội nhận hối lộ ở nước ngoài cũng bị xử như phạm pháp trong nước. Cả khi bị cáo qua đời, tòa án cũng có quyền trưng thu tài sản tham nhũng.
Cho mãi tới thập niên 80, khi kinh tế đã phát triển, Singapore mới đủ khả năng làm nốt phần còn lại trong chiến lược chống tham nhũng là tăng lương cho nhân viên. Tháng 3/1985, Thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố các lãnh đạo chính trị cần được trả lương thật cao để “dương liêm” bảo đảm cho chính quyền trong sạch. Ông nói cách hay nhất chống tham nhũng là “đi cùng thị trường”, thay cho thói đạo đức giả đã tạo nên tham nhũng.
Theo GS. Jon S.T. Quah, khoa chính trị học Đại học Quốc gia Singapore, kinh nghiệm của Singapore không dễ lặp lại ở các nước khác vì hoàn cảnh đặc thù và vì những chi phí chính trị và kinh tế của việc trả lương cao. Tuy nhiên, có 6 bài học có thể tham khảo được. Đó là:
- Bộ máy lãnh đạo phải thực tâm chống tham nhũng và trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng.
- Các biện pháp chống tham nhũng phải đầy đủ, không có lỗ hổng và thường xuyên được xem xét lại để thay đổi, nếu cần thiết.
- Cơ quan chống tham nhũng phải trong sạch. Không nhất thiết phải có quá nhiều nhân viên, và bất kỳ thanh tra nào tham nhũng cũng phải bị trừng phạt và đuổi ra khỏi ngành.
- Cơ quan chống tham nhũng phải tách khỏi bộ máy cảnh sát.
- Để giảm cơ hội tham nhũng tại các ngành dễ sa ngã như hải quan, thuế vụ, công an giao thông, các cơ quan này phải thường xuyên kiểm tra và thay đổi qui định làm việc.
- Động cơ tham nhũng trong khối nhân viên nhà nước và quan chức có thể giảm bớt nếu lương và phụ cấp cho họ có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Đảng PAP cầm quyền không phải là đảng duy nhất tồn tại ở Singapore, nhưng là đảng duy nhất lãnh đạo và có vị trí không thể thay thế đối với sự phát triển của đảo quốc này, ít nhất là cho đến nay. Đảng PAP đã có nhiều biện pháp tự do hóa nền kinh tế và thu hút vốn nước ngoài, thực hiện nhanh chóng công cuộc cải biến kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng sống.
Vai trò điều tiết vĩ mô của chính phủ thể hiện rộng khắp trong mọi mặt của đời sống kinh tế, tạo nên một ví dụ kinh điển về mối quan hệ tiềm ẩn khả năng tích cực giữa nhà nước và thị trường, giữa bàn tay cứng rắn của pháp luật với đời sống tự do của dân chúng, giữa trách nhiệm cá nhân và kỷ cương xã hội, giữa tính minh bạch và phát triển kinh tế: chính phủ lập kế hoạch dự thảo ngân sách cho mọi hoạt động từ tài chính quốc tế cho đến thu gom rác; chính phủ sở hữu, kiểm soát, điều tiết hoặc phân bố đất đai lao động và nguồn vốn; chính phủ ấn định hoặc tác động đối với nhiều loại giá cả làm cơ sở cho các nhà đầu tư tư nhân tính toán kinh doanh và quyết định đầu tư.
Sự can thiệp của nhà nước trong nền kinh tế đã ảnh hưởng tích cực không chỉ đối với lợi ích của doanh nghiệp tư nhân, mà còn đối với phúc lợi chung của nhân dân. Ngoài việc tạo ra việc làm trong các khu vực tư nhân và nhà nước, chính phủ còn cung cấp nhà ở hỗ trợ, giáo dục và y tế và các dịch vụ giải trí cũng như vận tải công cộng. Chính phủ quyết định mức tăng lương hàng năm và dự định mức phụ cấp ngoài lương tối thiểu trong các khu vực nhà nước và tư nhân. Chính phủ còn quản lý quỹ tiết kiệm hưu trí thông qua Central Provident Fund và Post Office Bank, tạo điều kiện cho cá nhân có các cổ phần tại các doanh nghiệp.
Tinh thần trách nhiệm của nhà nước đối với phúc lợi của người lao động đã làm cho chính phủ được dân chúng ủng hộ, đảm bảo ổn định chính trị, khuyến khích đầu tư tư nhân. Sự can thiệp hợp lý của nhà nước vào nền kinh tế đã hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không chống lại người lao động, ít nhất là về phúc lợi vật chất.
Vào những năm 60, GDP thực tế của Singapore dưới 500 USD/người. Lúc đó Singapore rất nghèo, đang loay hoay tìm đường phát triển sau khi độc lập và sau cú sốc tách khỏi Malaysia. Sau hai thập niên, năm 1985 GDP của Singapore là 10.811 USD/người, nghĩa là đã vượt qua ngưỡng bị coi là nước nghèo (960 USD/người theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, hoặc 875 USD/người theo tiêu chuẩn của WB). Không rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình và dừng lại ở đó, Singapore tiếp tục phát triển và trở thành NIC, một trong 4 con hổ châu Á - điều kỳ diệu của thế kỷ XX. Đến năm 2003, GDP (tính theo PPP) Singapore là 29.663 USD đầu người năm; Chỉ số phát triển con người (HDI) 2005 là 0,925, xếp hạng 25/177 nước. Đến năm 2007, GDP (tính theo PPP) Singapore là 35.163 USD đầu người năm; Chỉ số phát triển con người (HDI) 2009 là 0,944, xếp hạng 23/182 nước.
GDP, HDI Singapore qua các năm
Số liệu củaWB và OECD | Số liệu của UNDP (HDR 1990-2010) |
||||
Năm | GDP | GDP | HDI | Xếp hạng HDI | Theo HDR |
1960 | 394,65 | ||||
1961 | 437,94 | ||||
1962 | 429,54 | ||||
1963 | 472,18 | ||||
1964 | 464,38 | ||||
1965 | 511,76 | ||||
1966 | 561,23 | ||||
1967 | 619,07 | ||||
1968 | 700,58 | ||||
1969 | 802,66 | ||||
1970 | 913,87 | ||||
1971 | 1.061,18 | ||||
1972 | 1,353,99 | ||||
1973 | 1,903,30 | ||||
1974 | 2.320,50 | ||||
1975 | 2.505,85 | ||||
1976 | 2.587,18 | ||||
1977 | 2.829,71 | ||||
1978 | 3.333,24 | ||||
1979 | 3.962,27 | ||||
1980 | 4.859,27 | ||||
1981 | 5.489,36 | ||||
1982 | 5.777,43 | ||||
1983 | 6.495,58 | ||||
1984 | 6.890,51 | ||||
1985 | 6.485,08 | ||||
1986 | 6.588,94 | ||||
1987 | 7.412,94 | ||||
1988 | 8,932,21 | ||||
1989 | 10.275,34 | ||||
1990 | 12.091,35 | ||||
1991 | 13.768,17 | ||||
1992 | 15,388,48 | Real 18.330 | 0,878 | 32/174 | 1995 |
1993 | 17,551,98 | ||||
1994 | 20.672,33 | Real 20.499 | |||
1995 | 23.915,62 | ||||
1996 | 25.213,83 | ||||
1997 | 25.254,65 | ||||
1998 | 20.981,72 | PPP 24.210 | 0,883 | 24/177 | 2000 |
1999 | 20.868,14 | PPP 20.767 | 0,876 | 26/150 | 2001 |
2000 | 23.018,66 | PPP 23.356 | 0,885 | 25/173 | 2002 |
2001 | 20.699,59 | PPP 22.680 | 0,884 | 28/175 | 2003 |
2002 | 21.152,19 | PPP 24.040 | 0,902 | 25/177 | 2004 |
2003 | 22.651,41 | PPP 24.841 | 0,907 | 25/177 | 2005 |
2004 | 26.319,14 | PPP 28.077 | 0,916 | 15/177 | 2006 |
2005 | 29.400,74 | PPP 29.663 | 0,922 | 25/177 | 2007/2008 |
2006 | 32.960,32 | ||||
2007 | 38.522,93 | PPP 49.704(Real 35.163) | 0,944 | 23/182 | 2009 |
2008 | 39.949,50 | PPP 37.595 | 0,846 | 27/169 | 2010 |
2009 | 36.536,96 | ||||
2010 | |||||
Nguồn: HDR 1990-2010 & WB national accounts data, and OECD National Accounts data files http://www.indexmundi.com/facts/singapore/gdp-per-capita |
Sự ra đời và phát triển của Singapore là điều kỳ diệu của thế kỷ XX. Tấm gương bứt phá của một đảo quốc nhỏ bé, dân số ít, tài nguyên hạn chế… từ nghèo khó tới thịnh vượng đã làm “xấu hổ” nhiều quốc gia lớn, tài nguyên nhiều mà vẫn nghèo hoặc chậm phát triển. Những người “ghen ghét” với Singapore đôi khi gọi nước này là Singapore.Inc nghĩa là Công ty Singapore, với những thứ “vô nghĩa” như cấm kẹo cao su và hình phạt đánh roi mây. Nhưng với những người ít nhiều ngưỡng mộ Singapore và các quốc gia đi sau thì Singapore là “thứ người ta thích bắt chước nhất”. Đúng như Tom Plate, nhà báo nổi tiếng người Mỹ nhận xét: “Nếu bắt chước là hình thức khen ngợi chân thành nhất thì Singapore ngày nay chính là một trong những quốc gia được khen ngợi nhiều nhất trên thế giới”(72). Trên thực tế, tiếng nói của quốc đảo này nhiều khi ngang ngửa với một cường quốc.
II.2.2. Hàn Quốc
Nhật Bản thống trị Triều Tiên từ năm 1910 và chấm dứt sự thống trị đó vào thời điểm kết thúc Thế chiến thứ Hai, năm 1945. Lúc đó, Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền, miền bắc tính đến vĩ tuyến 38 thuộc Liên Xô, từ vĩ tuyến 38 về nam thuộc Mỹ. Mỹ và Liên Xô không thể đồng thuận trong việc áp dụng chế độ Đồng ủy trị ở Triều Tiên.
Tháng 11/1947, Liên Hiệp Quốc đã đề xuất tổng bầu cử tại Hàn Quốc dưới sự hỗ trợ của một Ủy ban Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Liên Xô đã khước từ giải pháp này và từ chối những ảnh hưởng của Ủy ban Liên Hiệp Quốc đối với nửa phía nam của bán đảo. Liên hợp quốc sau đó đã đưa ra một giải pháp khác kêu gọi bầu cử tại các địa phương với sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc. Bầu cử đầu tiên được tiến hành vào ngày 10/5/1948 tại những tỉnh nằm ở phía nam vĩ tuyến 38. Vĩ tuyến này đã trở thành đường chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền nam và bắc, dẫn đến việc thành lập nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở phía bắc và Cộng hoà Triều Tiên (Hàn Quốc) ở phía nam. Mỗi bên đều tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp của toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên.
Căng thẳng gia tăng giữa hai miền cuối cùng đã dẫn đến Chiến tranh Triều Tiên. Ngày 25/6/1950, buộc tội miền nam đã vượt qua trước và tấn công, quân đội Triều Tiên đã vượt vĩ tuyến 38. Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Mỹ và Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn Nam Hàn, còn Liên Xô và Trung Quốc đứng sau Bắc Hàn. Cuộc chiến kéo dài đến ngày 27/7/1953, khi lực lượng Liên Hiệp Quốc và Quân đội Nhân dân Triều Tiên cùng quân tình nguyện Trung Quốc ký kết Thoả thuận đình chiến. Khu phi quân sự Triều Tiên phân chia hai nước và bán đảo Triều Tiên bị chia cắt cho đến nay. Gần 3 triệu người thiệt mạng, bị thương và hàng triệu người khác mất nhà cửa hoặc bị chia ly với người thân trong cuộc chiến này. Thoả thuận đình chiến này hiện vẫn đang còn hiệu lực.
Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thống nhất đất nước trên cơ sở lập luận “một Triều Tiên”, không công nhận chính phủ miền nam và chọn con đường thống nhất đất nước bằng cách mạng xã hội chủ nghĩa, còn Hàn Quốc coi chính phủ của mình là thực thể hợp pháp trên bán đảo này và sự thống nhất là sự mở rộng chủ quyền quốc gia. Những quan điểm cứng nhắc, không nhân nhượng đã khiến cho quá trình hòa giải giữa hai bên không thể thực hiện được. Quan hệ hai bên dần được cải thiện vào thập niên 70. Hai miền Triều Tiên công nhận chính phủ của nhau. Năm 1998, những cố gắng cải thiện quan hệ hai miền được tiến thêm một bước nhờ chính sách Ánh Dương do cựu Tổng thống Kim Dea Jung khởi xướng. Chính sách này được thực hiện với 3 nguyên tắc cơ bản nhằm chung sống hòa bình chứ không thay đổi chế độ hay tái thống nhất, dù rằng hai bên vẫn thừa nhận một bán đảo Triều Tiên thống nhất là mục tiêu lâu dài. Những quan hệ chính trị rộng mở hơn giữa Triều Tiên - Hàn Quốc đã xuất hiện. Nhờ những kết quả từ Chính sách này, ông Kim Dae Jung đã được nhận giải Nobel Hòa bình năm 2000. Tuy nhiên, đến 11/2010, Hàn Quốc đã công bố Sách trắng mới với tuyên bố chính sách Ánh dương của Hàn Quốc nhằm gắn kết hai miền Triều Tiên đã thất bại.
Hàn Quốc nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên với diện tích tự nhiên 98.400 km2 (xấp xỉ 45% diện tích bán đảo). Về điều kiện tự nhiên, đồi núi chiếm 70% lãnh thổ. Đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ do chạy dài ven các con sông, song bị chia cắt thành những vùng nhỏ bởi hệ thống đồi núi. Hệ động thực vật phong phú nhờ khí hậu gió mùa v.v. Bên cạnh những ưu đãi của thiên nhiên, thì tình trạng đất canh tác manh mún là nguyên nhân của nạn đói kéo dài liên miên trước những năm 1960. Hàn Quốc rất nghèo tài nguyên khoáng sản và hầu như không có một loại khoáng sản quý hiếm.
Xét về nguồn lực tự nhiên, Hàn Quốc thực sự là một nước nghèo. Chỉ có một số ít khoáng sản chất lượng thấp gồm than đá, quặng sắt, đá vôi, kaolinit và graphit. Nước này không có mỏ dầu, hầu hết các tài nguyên thủy điện và khoáng sản cũng như các cơ sở công nghiệp do Nhật Bản xây dựng trong thời gian tạm chiếm đều thuộc về Bắc Triều Tiên.
Thêm vào đó, trong những năm 1950, Hàn Quốc không những phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh Triều Tiên mà còn phải nhận thêm một luồng người tị nạn lớn. Có thể nói, khi bắt tay vào công nghiệp hóa, nguồn tài nguyên và cũng là tài sản lớn nhất của Hàn Quốc là số dân biết chữ và cần cù.
Dân số Hàn Quốc năm 1964 là 27,9 triệu người, năm 1969 là 30 triệu người, năm 1980 là 38 triệu người, năm 1983 là 40 triệu người, năm 1996 là 46 triệu người, năm 2009 là 49.773.145 người và tính đến tháng 1/2010 là 50.062.000 người.
Dân số Hàn Quốc | ||
1964 | 27.900.000 | Ghi chú |
1969 | 30.000.000 |
Làm tròn số |
1980 | 38.000.000 | |
1983 | 40.000.000 | |
1996 | 46.000.000 | |
2009 | 49.773.145 | |
2010 | 50.062.000 |
Quá trình công nghiệp hóa đã dẫn đến tình trạng di dân từ nông thôn ra thành thị. Dân số đô thị tăng nhanh, từ 28% năm 1960 lên 74,4% năm 1990, tập trung chủ yếu tại Seoul và Busan. Năm 2009, tỉnh Gyeonggi có dân số đông nhất Hàn Quốc là 11,29 triệu người; Seoul 10,2 triệu người; Busan 3,56 triệu người; ở phía nam, tỉnh Gyeongsang 3,22 triệu người và Incheon 2,69 triệu người.
Năm 1948, Lý Thừa Vãn (Lee Seungman, 1875-1965) đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở khu vực nam bán đảo Triều Tiên và trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Ông giữ cương vị này cho đến năm 1960.
Sau chiến tranh Triều Tiên, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Hàn Quốc vô cùng khó khăn với lạm phát cao, kinh tế gián đoạn và phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp truyền thống với 2/3 dân số trong độ tuổi lao động sống bằng nghề nông. Công nghiệp vốn rất nhỏ bé, lại bị phá hủy nặng nề trong thời kỳ 1941-1945 của Thế chiến thứ Hai và Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Khoảng 25% dân số không có nhà ở. Hàng triệu người bị chia ly với người thân(73). Đại bộ phận dân cư không biết chữ quốc ngữ. Dưới chế độ thuộc địa, Triều Tiên có rất ít nhà quản lý được đào tạo và có kinh nghiệm. Những người trở thành các nhà lãnh đạo Triều Tiên sau năm 1945 đều đã từng bị tù đày hoặc tham gia chiến tranh và có rất ít kinh nghiệm cai trị, quản lý. Ngoài ra, trước 1953, miền Bắc đã lôi kéo được khoảng 6.000 kỹ thuật viên và quản lý công nghiệp đến làm việc tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Chính sách kinh tế của giai đoạn sau chiến tranh được chính phủ lựa chọn là phải tăng cường nhập khẩu hàng hoá cho tiêu dùng và cho các khâu trung gian của sản xuất.
Từ năm 1953 đến năm 1957, Hàn Quốc gặp rất nhiều khó khăn và thách thức của thời kỳ đầu phục hồi kinh tế và xây dựng lại đất nước. Việc tiến hành chiến lược kinh tế nói trên đã diễn ra chật vật, bởi thị trường nội địa nhỏ, mà nguồn vốn đầu tư lại đòi hỏi phải đủ lớn. Cùng lúc đó, tình hình chính trị không ổn định, những vấn đề kinh tế - xã hội căng thẳng như lạm phát, nghèo đói, thất nghiệp, dân số gia tăng, đô thị hóa ồ ạt v.v. Song, những khó khăn đó đã nhanh chóng được giải quyết nhờ các chương trình viện trợ từ quốc tế và nhờ các tổ chức từ thiện, đặc biệt từ Mỹ. Sau đình chiến 1953, Mỹ đã viện trợ Hàn Quốc trên 3,6 tỷ USD chủ yếu dành để hàn gắn vết thương chiến tranh và một phần phát triển kinh tế.
Ngay giai đoạn này, giáo dục đã được chính phủ Hàn Quốc chú trọng: tỷ lệ mù chữ giảm từ 78% xuống còn 28%, số lượng sinh viên đại học tăng 12,5 lần.
Từ năm 1958 đến năm 1961, nền kinh tế được cơ cấu lại: giảm sản xuất thô, sơ chế, tăng sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Chính sách công nghiệp trong thời kỳ này chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài để phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Ba ngành “công nghiệp trắng” là dệt sợi, xay xát và sản xuất đường tăng trưởng đáng kể, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân. Các nhà máy phân bón, xi măng, giấy, nhựa v.v. bắt đầu hoạt động. Các ngành công nghiệp cơ khí, kim khí, điện lực v.v. được xây dựng.
Nông nghiệp lạc hậu, không đủ cung cấp lương thực cho người dân trong những năm 1950, vì vậy chính sách nông nghiệp của giai đoạn 1958 - 1961 là chú trọng tăng sản xuất nông nghiệp, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước. Ngành phân bón và thuốc trừ sâu được lựa chọn đầu tư trước tiên, nhằm cải thiện năng suất nông nghiệp.
Chiến lược công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu đã làm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chiếm 40,8%, công nghiệp chiếm 18,2%, trong đó công nghiệp chế tạo chiếm 13,8% và dịch vụ chiếm 41,0% của GNP giai đoạn 1960-1962.
Về quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, năm 1955, Hàn Quốc tham gia IMF và WB.
Từ năm 1951 đến năm 1956, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng đạt 5,5%/năm. Đến cuối năm 1957, nền kinh tế đã đạt được mức tương đương như trước chiến tranh, nhưng từ năm 1958 đến năm 1961, lại suy giảm chỉ còn 3,6%/năm.
Đảo chính quân sự nổ ra năm 1961 và tướng Park Chung Hee (Phác Chính Hy) lên nắm quyền. Những bất ổn về chính trị, nạn thất nghiệp, lạm phát, nông dân mất ruộng đất đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Năm 1962, Tổng thống Park Chung Hee bắt đầu kế hoạch công nghiệp hóa 5 năm lần thứ nhất (1962-1966) nhằm mục tiêu xây dựng cơ cấu công nghiệp tự chủ, không mang khuynh hướng tiêu dùng và phụ thuộc như những năm 50. Chính phủ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống, thủy điện và chuẩn bị cơ sở cho quá trình đẩy mạnh xuất khẩu. Chính sách công nghiệp giai đoạn này tập trung vào việc chuẩn bị các điều kiện cho công nghiệp hóa. Chính phủ đã xây dựng cơ cấu công nghiệp không hướng vào tiêu dùng và không quá phụ thuộc vào dầu lửa như những năm 50.
Công nghiệp hóa được bắt đầu từ công nghiệp nhẹ. Các ngành công nghiệp chủ yếu như điện, phân bón, sợi hóa học, lọc dầu, PVC và xi măng được phát triển mạnh dựa trên cơ sở liên doanh với nước ngoài và vốn vay. Nhờ phát triển những ngành công nghiệp mới, tốc độ tăng của khu vực chế tạo đạt tới 25,7% năm 1966 (trong khi năm 1962 chỉ đạt 13,8%). Tỷ trọng của ngành công nghiệp nặng và hóa chất trong tổng sản phẩm công nghiệp chế tạo, chế biến là 10,2%.
Chaebol - các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc được chính phủ chọn để thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Đây là công ty lúc đầu thuộc sở hữu gia đình. Park Chung Hee đã ưu đãi, tạo điều kiện và đánh thức trách nhiệm để các công ty này phát triển kinh tế đất nước. Sự hợp tác giữa chính phủ và Chaebol đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo nên những thành công đáng kinh ngạc của Hàn Quốc. Các Chaebol đã nhanh chóng phát triển thành các tập đoàn lớn hoạt động trên thị trường quốc tế. Các Chaebol đã được các ngân hàng nhà nước cung cấp vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp và giám sát tài chính đối với các khoản nợ cho vay ưu đãi này. Nhà nước chủ trương cùng với họ chia sẻ rủi ro tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế theo kế hoạch của nhà nước. Chính phủ cũng cắt giảm thuế, nhất là đối với các Chaebol thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng như cầu và đường cao tốc. Sự ra đời và phát triển các Chaebol là một kinh nghiệm đáng giá của Hàn Quốc mà đến nay chưa quốc gia nào học được.
Hàn Quốc đã tận dụng nguồn lao động dư thừa, kỹ năng và chi phí rẻ để phát triển sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Nhờ vậy, đã khắc phục tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về tài nguyên, vượt qua sức ép do thị trường trong nước nhỏ bé để hướng đến xuất khẩu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ xuất khẩu trong GNP đã từ 2,4% năm 1961 tăng lên 6,8% năm 1966.
Ngay từ đầu những năm 60, Hàn Quốc đã tiến hành cải cách trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa và năm 1964 thực hiện các biện pháp giảm thuế nhập khẩu, nhất là đối với những nguyên liệu cần thiết cho sản xuất hàng xuất khẩu và những mặt hàng nhập khẩu quan trọng liên quan đến việc tiếp thu khoa học kỹ thuật và công nghệ của nước ngoài.
Để khuyến khích xuất khẩu, năm 1964, chính phủ đã phá giá gần 100% đối với đồng nội tệ và bắt đầu áp dụng hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi. Xuất khẩu của giai đoạn này chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp nhẹ như dệt may, cao su, gỗ ván sử dụng nhiều lao động, tiền lương thấp, có tính cạnh tranh cao.
Trong lịch sử, Hàn Quốc thiếu lương thực triền miên, nên vào những năm 60 chính sách nông nghiệp của Park Chung Hee tập trung đặc biệt vào việc có đủ gạo và lương thực chính. Ngành phân bón và thuốc trừ sâu tiếp tục được xem là những nơi cần đầu tư để nông nghiệp phát triển. Cơ giới hóa nông nghiệp cũng đã được chú ý. Máy kéo và máy liên hợp gặt đập cỡ nhỏ được ưu tiên sản xuất. Năm 1965, sản lượng gạo Hàn Quốc đã đạt 3 triệu tấn.
Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ hai (1967-1971) với mục tiêu hiện đại hóa cơ cấu công nghiệp bằng việc xây dựng các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu như sắt thép, cơ khí, hóa chất... Chính sách nhập khẩu trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất được chuyển sang chính sách đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở sử dụng lao động có lợi thế cạnh tranh.
Vào cuối những năm 60, chính sách công nghiệp hướng đến hiện đại hóa cơ cấu công nghiệp, xây dựng các ngành thay thế nhập khẩu, gồm công nghiệp thép, chế tạo máy và hóa chất. Các ngành công nghiệp chủ yếu gồm sợi nhân tạo, hóa dầu, thiết bị điện. Các ngành công nghiệp nhẹ gồm vải, cao su, gỗ dán. Các ngành khai khoáng và chế tạo máy tăng trung bình 19,8%. Các ngành công nghiệp nặng và hóa chất chiếm 14,2%. Xuất khẩu tăng 30,8%/năm, trong đó gần 1/2 là các sản phẩm của công nghiệp nặng và hóa chất.
Để khuyến khích các hoạt động xuất khẩu và đầu tư của các ngân hàng nước ngoài, tháng 1/1967, Ngân hàng Ngoại hối đã được thành lập, tháng 7/1967 là Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc và sau đó là hàng loạt các ngân hàng thương mại.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1972-1976), Hàn Quốc chú trọng xây dựng một cơ cấu công nghiệp hướng đến xuất khẩu bằng đẩy mạnh công nghiệp nặng và hóa chất dựa vào lợi thế so sánh. Chính sách công nghiệp của giai đoạn này là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và hóa chất, tập trung xây dựng các ngành cung cấp nguyên vật liệu và thiết bị cho các ngành công nghiệp mới, chấm dứt sự phụ thuộc vào nước ngoài. Các ngành công nghiệp được phát triển là gang thép, thiết bị vận tải, thiết bị điện tử gia dụng, đóng tàu, hóa dầu và các thiết bị công nghiệp.
Về nông nghiệp, Hàn Quốc đã thực hiện các dự án thủy lợi lớn, tập trung đầu tư các hệ thống tưới tiêu và phân bố lại ruộng đất. Phong trào phát triển cộng đồng mới, làm cho các cộng đồng nông thôn truyền thống phù hợp hơn với xã hội công nghiệp hiện đại đã được thực hiện rộng khắp tại các vùng nông thôn. Nhờ phong trào này, thu nhập của các hộ nông dân đã ngang bằng thu nhập của các hộ thành thị.
Sau khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, Hàn Quốc thực hiện chiến lược đa dạng hóa các quan hệ hợp tác quốc tế thông qua đầu tư quốc tế ra bên ngoài và mở rộng các hoạt động thương mại. Hợp đồng hợp tác kinh tế tư nhân Hàn Quốc với Canada, Bỉ, Italy, Pháp đã lần lượt ra đời. Các ủy ban hợp tác kinh tế tư nhân Hàn Quốc với Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Nam Á, Thụy Điển, Phần Lan, Australia cũng nối tiếp nhau xuất hiện.
Trong giai đoạn này, tỷ trọng dự trữ và đầu tư trong nước tăng rất cao. Tỷ trọng đầu tư trong nước đã từ 15% tăng lên 23%, giúp khắc phục những khó khăn do khủng hoảng dầu lửa 1973. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 1973 vẫn đạt 9,4%.
Tuy nhiên, khủng hoảng dầu lửa năm 1973 đã làm cơ cấu công nghiệp trở nên mất cân đối. Trước tình hình đó, chính phủ nhận thấy cần phải xây dựng công nghiệp độc lập. Do vậy, kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1977-1981) hướng đến sự thay đổi cơ cấu công nghiệp và thúc đẩy cạnh tranh quốc tế. Năm 1981, tăng trưởng của khu vực khai khoáng và chế biến tăng 10,3%. Kinh tế tăng trưởng 5,5%. Các ngành công nghiệp nặng và hóa chất tăng 51,8% và xuất khẩu chiếm 45,3% tổng sản lượng. Các ngành điện tử và máy móc tổng hợp đã có những tiến bộ đáng kể nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và bản thân các ngành này được coi là “ngành chiến lược” mới trong sử dụng lao động và công nghệ cao.
Trong những năm 70-80, kinh tế Hàn Quốc tập trung vào ngành công nghiệp nặng và sản xuất ô tô. Với sự hỗ trợ của chính phủ, Posco, một công ty sản xuất thép, được thành lập trong vòng gần 3 năm, là xương sống đầu tiên cho nền kinh tế Hàn Quốc trong những năm tiếp theo. Ngày nay, Posco trở thành nhà sản xuất thép đứng thứ 3 trên thế giới. Hàn Quốc là nước đóng tàu lớn nhất trên thế giới với các công ty hoạt động đa quốc gia như Hyundai Heavy Industries và Samsung Heavy Industries luôn thống trị thị trường đóng tàu toàn cầu. Ngành sản xuất ô tô cũng phát triển một cách nhanh chóng và đang có triển vọng trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới. Với các hãng Hyundai Kia Automotive Group, Hàn Quốc hiện là nước đứng thứ 5 thế giới về sản xuất ô tô.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 5 (1982-1986), chính phủ đã chuyển hướng chiến lược công nghiệp hóa sang các ngành có lợi thế so sánh, chuyển các ngành công nghiệp nặng và hóa chất sang hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. Đây là bước chuyển dịch quyết đoán và có ý nghĩa để Hàn Quốc “cất cánh”. Trước đó, mặc dù chính phủ đã tăng cường điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, nhưng sự mất cân đối về cơ cấu của toàn bộ nền kinh tế, cũng như khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất vẫn kém so với các nước có cùng quy mô kinh tế; lạm phát vẫn ở mức độ cao; GDP đầu người/năm vẫn mới khoảng 2.000 USD v.v. Nếu không có bước chuyển dịch quyết đoán này, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn bị kẹt lại trong bẫy thu nhập trung bình.
Với kế hoạch 5 năm lần thứ 5, nền kinh tế Hàn Quốc chuyển sang một giai đoạn mới: công nghiệp hóa dựa trên công nghệ cao và tiến dần đến trình độ quốc tế và quốc tế hóa được sản xuất công nghiệp. Từ những năm 80, cải cách cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ. Công nghiệp phát triển nhanh. Nông nghiệp dần chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hàn Quốc “hoá rồng” trở thành nước công nghiệp mới (NIC) dẫn đầu châu Á.
Giáo dục Hàn Quốc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa truyền thống Khổng giáo. Không quay lưng lại với truyền thống này, nhưng nền giáo dục Hàn Quốc hiểu được điều hạn chế của lối giáo dục khoa cử truyền thống và đem tinh thần hiếu học để chinh phục khoa học công nghệ hiện đại. Một lần nữa Hàn Quốc đề cao tinh thần hiếu học, coi hiếu học là một tiềm năng cần phải phát huy để đối mặt với sức ép chính trị về sự phân chia hai miền, đối mặt với yêu cầu sống còn về sự phát triển của một đất nước thiếu tài nguyên và động viên toàn xã hội khát khao vươn tới hiện đại, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến.
Chính sách giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn đặt nền móng (1945-1960), Giai đoạn phát triển số lượng (1961-1979), Giai đoạn nâng cao chất lượng (1980-1990) và Giai đoạn nền giáo dục tiên tiến (từ 1990 cho đến nay).
Ngay từ đầu những năm 50, bất chấp chiến tranh, sự bùng nổ giáo dục diễn ra ở tất cả các cấp học Hàn Quốc. Đến đầu những năm 90, tỷ lệ nhập học của học sinh trung học đã tăng gấp trên 10 lần và tỷ lệ nhập học các trường cao đẳng và đại học tăng gấp 4,3 lần so với năm 1952. Năm 1994, Hàn Quốc có 5.900 trường tiểu học, 2.645 trường phổ thông cơ sở, 1.784 trường trung học và 314 trường đại học.
Hệ thống các trường học ở Hàn Quốc đã tạo ra được một mặt bằng dân trí có giáo dục và đội ngũ lao động có kỷ luật cao vào loại bậc nhất trong khu vực. Năm 1997, tỷ lệ biết chữ của người lớn là 97,2%, tỷ lệ nhập học ở các cấp giáo dục là 90%. Năm 2010, tỷ lệ nhập học trung học là 97,5 %, tỷ lệ nhập học ở các cấp giáo dục là 96,1%.
Từ cuối những năm 70, chính sách đưa đi thanh niên đi đào tạo ở nước ngoài và khuyến khích thu hút những người Hàn Quốc có học vấn cao đang sinh sống ở nước ngoài trở về làm việc đã làm cho Hàn Quốc trở thành quốc gia có trình độ nguồn nhân lực vào loại bậc nhất khu vực. Ở châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước có tỷ lệ nhập học các trường đại học cao nhất. Tuy nhiên, năm 1984, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản. Năm 1990, 37% dân số Hàn Quốc độ tuổi 20-24 nhập học các trường đại học, trong khi đó Nhật Bản chỉ là 30% và Đài Loan là 28%. Khoảng một nửa số tiến sỹ cả khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Hàn Quốc học ở Mỹ đều trở về. Năm 1991, chỉ 25,3% số người Hàn Quốc du học ở Mỹ ở lại Mỹ, trong khi tỷ lệ này của Ấn Độ là 57,5%, Trung Quốc là 51,2%, Đài Loan là 31,9% và Nhật Bản là 31,5%. Chính sách trọng dụng nhân tài trong nước đã tạo cơ hội tốt cho những người có trình độ trở về phục vụ đất nước.
Hàn Quốc đứng thứ 30 trong số các quốc gia có trình độ phát triển nguồn nhân lực cao, trong khi Malaysia thứ 56, Thái Lan thứ 67, Philippines thứ 77 và Việt Nam thứ 110.
Chính phủ mở rộng cơ hội giáo dục đến mọi cộng đồng xã hội như người già, người tàn tật và phụ nữ. Năm 1997, tỷ lệ nam giới biết chữ ở Hàn Quốc là 98,9% và nữ giới là 95,5%. Tính theo tỷ lệ nhập học ở các cấp giáo dục, nữ chiếm 84% và nam chiếm 94%. Tính đến năm 1990, 8.550 phụ nữ Hàn Quốc có trình độ giáo dục bậc đại học, trong khi đó Nhật Bản chỉ có 7.582 người.
Hệ thống các trường dạy nghề cũng đào tạo ra một số lượng lớn các công nhân kỹ thuật, phục vụ cho công nghiệp hoá. Đặc biệt, hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc chú trọng chủ yếu đến nhân tố tinh thần và ý thức kỷ luật: Người Hàn Quốc đòi hỏi tinh thần kỷ luật cao trong làm việc và phải biết hy sinh khi phấn đấu cho những mục tiêu chung của đất nước.
Hàn Quốc hôm nay đã có một đội ngũ lao động tinh hoa. Người Hàn Quốc tự trang bị cho mình những năng lực, tri thức và tinh thần kỷ luật cần thiết phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế. Con người Hàn Quốc đã trở thành nhân tố quan trọng và quyết định góp phần vào sự phát triển và tăng trưởng nhanh và bền vững ở Hàn Quốc. Chính phủ luôn thừa nhận tầm quan trọng của giáo dục, coi giáo dục là nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước. Có thể nói, Hàn Quốc đã đạt được một nền giáo dục toàn diện.
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của sự phát triển kinh tế Hàn Quốc từ sau năm 1945 là phát triển không kéo theo sự bất bình đẳng quá mức trong phân phối thu nhập. Hàn Quốc thuộc nhóm các quốc gia phát triển con người cao và bất bình đẳng thấp, với mức chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu và nghèo nhất là 6 lần, trong khi đó Malaysia là 11,7 lần, Thái Lan 9,4 lần, Philippines 7,4 lần, Brazil 32,1 lần, Mexico 13,5 lần v.v. Đánh giá giai đoạn 1989-1994, Hàn Quốc đã giảm được tỷ lệ đói nghèo thu nhập xuống dưới 10% dân số, trong khi chỉ số này của Thái Lan là 13%, Malaysia 16%, Philippines 41%, Trung Quốc 11%, Mexico 34% và Brazil 17%.
Kinh tế phát triển, các cơ hội việc làm ở Hàn Quốc được mở rộng. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 8,2% năm 1963 xuống 2,4% năm 1995.
Về phúc lợi xã hội, chi tiêu giai đoạn 1990-1995 cho y tế, sức khoẻ cộng đồng chiếm 5,4% GDP, đạt 518 USD/người/năm tính theo PPP. Tuổi thọ trung bình của người dân từ 65 tuổi năm 1970 tăng lên 70 tuổi năm 1988, 72,4 tuổi năm 1997, 77,0 năm 2005 và 79,8 tuổi năm 2010.
GDP, HDI Hàn Quốc qua các năm
Số liệu của IMF | Số liệu của UNDP (HDR 1990-2010) | |||||
Năm |
GDP (PPP) |
Tăng so với năm trước (%) |
GDP |
HDI |
Xếp hạng HDI |
Theo HDR |
1975 | 1.310 | |||||
1980 | 2.302,288 | |||||
1981 | 2.662,612 | 15,65 % | ||||
1982 | 3.012,35 | 13,14 % | ||||
1983 | 3.461,543 | 14,91 % | ||||
1984 | 3.897,274 | 12,59 % | ||||
1985 | 4272,953 | 9,64 % | ||||
1986 | 4.853,443 | 13,59 % | ||||
1987 | 5.551,948 | 14,39 % | ||||
1988 | 6.349,814 | 14,37 % | ||||
1989 | 6.965,295 | 9,69 % | ||||
1990 | 7.829,165 | 12,40 % | ||||
1991 | 8.806,414 | 12,48 % | ||||
1992 | 9.436,407 | 7,15 % |
9.250 R.: 5.249 |
0,882 | 31/174 | 1995 |
1993 | 10.151,74 | 7,58 % | ||||
1994 | 11.162 | 9,95 % | ||||
1995 | 12.287,91 | 10,09 % | ||||
1996 | 13.294,48 | 8,19 % | ||||
1997 | 14.175,81 | 6,63 % | ||||
1998 | 13.419,58 | -5,33 % | 13.478 | 0,854 | 31/174 | 2000 |
1999 | 14.971,44 | 11,56 % | ||||
2000 | 16.502,58 | 10,23 % | ||||
2001 | 17416,63 | 5,54 % | ||||
2002 | 18.858,63 | 8,28 % | 16.950 | 0,888 | 28/177 | 2004 |
2003 | 19.696,82 | 4,44 % | 17.971 | 0,901 | 28/177 | 2005 |
2004 | 21.138,1 | 7,32 % | ||||
2005 | 22.783,23 | 7,78 % | 22.029 | 0,921 | 26/177 | 2007/2008 |
2006 | 24.655,92 | 8,22 % | ||||
2007 | 26.579,12 | 7,80 % | 24.801 | 0,937 | 26/182 | 2009 |
2008 | 27.707,05 | 4,24 % | 29.518 | 0,877* | 12/169 | 2010 |
2009 | 28.008,26 | 1,09 % | ||||
2010 | 29.996,84 | 7,10 % | ||||
Nguồn: UNDP (HDR 1990-2010) & International Monetary Fund - 2011 World Economic Outlook http://www.indexmundi.com/south_korea/gdp_per_capita_(ppp).html (IMF) |
Sự phát triển nhanh chóng và đúng hướng của Hàn Quốc có thể là kết quả của sự kết hợp một cách hữu cơ giữa các nhân tố kinh tế và xã hội như: tỉ lệ cao về biết chữ và sự cần cù của dân chúng, chính sách hợp lý và hữu hiệu khi chọn cải cách kinh tế đầu những năm 60 nhằm vào phát triển các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và theo hướng xuất khẩu, tính linh hoạt rất cao trong quản lý (luôn luôn sẵn sàng phản ứng đối với những tín hiệu phát sinh từ nền kinh tế), sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, v.v.(74) Mặc dù những quyết định về chiến lược phát triển của chính phủ và những điều kiện thuân lợi trong thương mại quốc tế là những nhân tố quan trọng dùng để lý giải sự phát triển “kỳ diệu” của Hàn Quốc, song nhân tố con người vẫn là cái quyết định trong quá trình công nghiệp hoá của Hàn Quốc. Chính ý chí cháy bỏng vươn tới thịnh vượng của người dân và lãnh đạo đất nước, tinh thần tự nguyện làm thêm giờ, với đồng lương thấp, cùng với tinh thần hy sinh vì xí nghiệp đã bù đắp cho sự thiếu vốn và nguồn lực tự nhiên v.v. đã làm nên Hàn Quốc hôm nay.
Hàn Quốc là tấm gương chưa từng có tiền lệ trong lịch sử để các nước đi sau nghiên cứu, tham khảo. Quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc được tiến hành từ năm 1961 đến năm 1991. Trong ba thập kỷ đó, Hàn Quốc từ một nước nghèo nàn, lại bị tàn phá trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, trở thành một trong những nước công nghiệp mới hùng mạnh nhất về mặt kinh tế của thế giới thứ ba. Tính từ năm 1963 đến năm 1978, GNP thực tế của Hàn Quốc tăng với tốc độ hàng năm gần 10% và với tốc độ tăng trưởng thực tế trung bình hơn 11% trong suốt những năm từ 73 đến 78. Hơn thế nữa, tính đến nay chất lượng tăng trưởng của Hàn Quốc vẫn thuộc loại cao nhất so với các nước cùng có tốc độ tăng trưởng cao trên dưới 10%. Năm 1963, GDP theo đầu người ở Hàn Quốc mới đạt 100 USD. Đến đầu những năm 80 đã vượt quá 2.000 USD, đầu những năm 90 vượt qua ngưỡng 10.000 USD và đến 2010 đã vượt quá 30.000 USD. Theo đánh giá của một số học giả, Hàn Quốc là tấm gương nổi bật nhất về phát triển kinh tế dài hạn thành công(75).
Sau hai thập niên xuất hiện các nước NICs châu Á mà không thấy xuất hiện con rồng nào tiếp theo, nhiều ý kiến cho rằng, cả 4 con rồng châu Á dĩ nhiên, đều có sự bứt phá ngoạn mục. Nhưng Singapore và Hồng Kông dẫu sao cũng chỉ là những quốc đảo, sự phát triển ở đó thực ra mới chỉ là sự phát triển của những thành phố lớn. Đài Loan thì ít nhiều cũng lợi thế hơn Hàn Quốc ở truyền thống văn hóa lâu đời, đội ngũ tư bản mang theo từ Hoa lục và nền kinh tế - xã hội tương đối bài bản do thừa kế từ thời Nhật Bản chiếm đóng. Vì thế, sẽ chẳng có một sự bứt phá nào tiếp theo ngoạn mục như Hàn Quốc được nữa.
II.2.3. Đài Loan
Đài Loan là hòn đảo có lịch sử vài nghìn năm. Hiện vật lịch sử cho biết người Nam Đảo đã có mặt trên đảo từ rất sớm. Sau thế kỷ XVI, Đài Loan là nơi giao lưu văn hóa và trao đổi thương mại giữa Đông và Tây. Có những chứng cứ cho thấy tại đây đã có mặt người Hà Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản v.v. Những thế kỷ gần đây, dân cư Đài Loan chủ yếu là người Hán. Từ năm 1895 đến năm 1945, Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản, nền văn hóa Đài Loan vì thế cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng.
Đài Loan nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, cách Trung Quốc lục địa khoảng 160 km về phía tây bắc, cách Philippines 350 km về phía nam và cách Nhật Bản 1.070 km về phía Bắc. Đài Loan gồm đảo Đài Loan và một số đảo nhỏ với diện tích 36.179 km2. Đảo Đài Loan dài 394 km, nơi rộng nhất trên đảo là 144 km. Hai phần ba là rừng núi, phần còn lại là cao nguyên, đồng bằng duyên hải, thung lũng và đồi. Đài Loan thuộc vùng khí hậu cận nhiệt đới, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng từ 25 độ C đến 28 độ C. Phía bắc Đài Loan thường có mưa lớn từ cuối tháng 10 tới tháng 3 năm sau. Phía nam khí hậu nóng hơn phía Bắc, mùa hè thường có gió mùa Tây Nam kèm theo mưa. Vào các tháng 7, 8 và 9 ở Đài Loan thường có bão. Về điều kiện tự nhiên, thì hòn đảo này thuộc loại ít tài nguyên. Tài nguyên lớn nhất của Đài Loan là được bao bọc bởi biển và gió, là tỷ lệ rừng nhiệt đới và các suối khoáng khá lớn. Dãy núi trung tâm Đài Loan có tới hơn 200 ngọn núi cao trên 3.000m, trong đó núi Ngọc Bích (Yu-Shan) cao tới 3.952m, là ngọn núi cao nhất phía Bắc châu Á.
Rừng nhiệt đới được bảo vệ và các suối nước nóng là những món quà tương đối quý mà thiên nhiên dành cho hòn đảo này. Đài Loan được xếp trong nhóm 15 nước có nguồn suối nóng đẹp và sạch nhất thế giới. Suối nước nóng ở Đài Loan đa dạng với nước nóng, nước lạnh, nước bùn, v.v. Núi và rừng Đài Loan có khoảng 18.400 các loại sinh vật khác nhau với khoảng 20% được ghi trong sách đỏ cần được bảo vệ.
Dân số Đài Loan hiện khoảng trên 25 triệu, trong đó người Đài Loan chiếm 84%, người từ Trung Hoa lục địa chiếm 14% và thổ dân chiếm 2%. Khoảng 59% dân số Đài Loan tập trung ở 4 thành phố lớn là Đài Bắc, Cao Hùng, Đài Trung và Đài Nam. Đài Bắc và Cao Hùng là 2 thành phố đông dân nhất.
Đài Loan hiện có nền công nghiệp phát triển, có nhiều tập đoàn công nghiệp lớn và khoảng 80.000 xí nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 98% tổng số xí nghiệp ở Đài Loan, sản xuất ra 50% tổng giá trị sản phẩm công nghiệp và 60% tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Hệ thống các xí nghiệp vừa và nhỏ có thể coi là một đặc thù của công nghiệp Đài Loan, nhân tố đã góp phần tạo nên sự tăng trưởng kinh tế của Đài Loan trong mấy thập niên qua và cũng là nơi sử dụng lao động nước ngoài nhiều nhất; tính đến tháng 1/2011, tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Đài Loan là 383.164 người(76). GDP bình quân đầu người thực tế của Đài Loan hiện khoảng 14.000 USD/năm, xếp thứ 25 trên thế giới.
Một nhận xét về người Đài Loan(77) Vào bữa trưa và bữa sáng, người Đài Loan không uống bia, rượu mà chỉ uống nước hoa quả hoặc cà phê. Trong công việc, người Đài Loan rất cần cù, chăm chỉ. Luôn tuân theo sự chỉ bảo của chủ hoặc của người điều hành. Không phàn nàn nhiều, dù công việc khó, sẵn sàng giúp chủ hoàn thành công việc khi được chủ yêu cầu, làm ngoài giờ. Không chây lười, trốn việc, không bao giờ nói dối, lừa gạt chủ hay người điều hành mà luôn có sự hợp tác để hoàn thành công việc. Ông chủ hoặc người điều hành cũng làm việc như người khác. Trong giao tiếp, người Đài Loan thường hay nói to, nhưng ít để bụng hoặc chấp nhặt. |
Đài Loan tự coi là một bộ phận của Trung Quốc, nhưng là bộ phận đại diện cho Trung Hoa, nên vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của Trung Quốc.
Cuối năm 1949, sau khi thua trận hoàn toàn ở Trung Hoa lục địa, Tưởng Giới Thạch đem gần hai triệu người gồm gia đình và các đảng viên, quân đội Quốc Dân đảng cùng với không ít di sản văn hóa Trung Hoa ra Đài Loan nhằm chờ thời cơ giành lại chính quyền. Khi bỏ chạy đến Đài Loan, chính phủ Quốc Dân đảng không quên mang theo những tài sản rất lớn, gồm toàn bộ kho dự trữ vàng và ngoại tệ của chính phủ Trung Hoa Lục địa. Quan trọng hơn, như một phần kế hoạch trong cuộc rút lui về Đài Loan, Quốc Dân đảng đã mang theo giới thương nhân và trí thức hàng đầu của Trung Hoa. Đội quân di tản thực chất là lực lượng dân chúng tinh nhuệ nhất của Trung Quốc lúc đó. Có thể nói, vào năm 1949 đại bộ phận chất xám và tư bản Trung Quốc đã tản cư qua Đài Loan. Dòng tiền tệ và nhân lực mạnh này đã trở thành nền tảng cho sự phát triển kinh tế thần kỳ của Đài Loan sau này.
Viện Bảo tàng quốc gia Đài Bắc là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới và là nơi cất giữ 5.000 năm lịch sử Trung Hoa, được cẩn trọng mang theo từ Hoa lục. Ở đó, lưu trữ vô số các tuyệt tác nghệ thuật và dấu tích của các thời đại Phong kiến Trung Hoa.
Thời kỳ Nhật Bản cai trị trước và trong Thế chiến thứ Hai, dù có những hậu quả đáng buồn nhưng cũng đã mang lại nhiều thay đổi cho Đài Loan trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và kinh tế công và tư. Các hoạt động viễn thông và giao thông vận tải diễn ra khá thuận tiện trên khắp hòn đảo. Người Nhật cũng đã cải tiến hệ thống giáo dục công. Và, giáo dục phổ thông và trung học đã trở thành bắt buộc đối với mọi công dân khi Đài Loan trở thành Trung Hoa Dân Quốc.
Trong những thập niên đầu, Đài Loan không phải là một quốc gia mà là một chiến khu. Lực lượng Quốc Dân đảng tự coi là một chính phủ Hoa Lục di tản, với đầy đủ quốc hội, chính phủ và quân đội. Tưởng Giới Thạch vẫn tiếp tục tự nhận là chính quyền đại diện của toàn thể Trung Quốc và Đài Loan chỉ là một tỉnh căn cứ địa của chính phủ Quốc Dân đảng. Lúc đó, chiến tranh vẫn tiếp tục xảy ra tại eo biển, cạnh các hòn đảo Kim Môn, Mã Tổ, Trần Thành. Ngoài khơi thì Hạm đội 7 của Mỹ túc trực. Nhờ được Mỹ bảo vệ về quân sự với hỗ trợ ồ ạt về kinh tế, Tưởng Giới Thạch đã nhanh chóng áp đặt bộ máy chính quyền Quốc Dân đảng đối với hòn đảo này, thiết lập một chế độ độc tài cá nhân, độc đảng và cai trị với bàn tay sắt. Lực lượng đối lập với Quốc Dân đảng trên đảo Đài Loan lúc đầu cũng không tồn tại vì các lực lượng cộng sản đã bị tiêu diệt hoàn toàn năm 1948, một năm trước cuộc di tản, khi các cuộc bạo động xuống đường bị đàn áp trong biển máu với hơn 10.000 người bị hành quyết trong vài ngày, trong đó phần đông là những người cộng sản.Vấn đề dân chủ chỉ đặt ra ở những thập niên sau, khi những người bản địa đã tiến bộ hơn về kinh tế và văn hóa.
Kinh tế Đài Loan đôi khi được gọi là một nền kinh tế đảo, vì chủ yếu phụ thuộc vào bên ngoài. Nguồn nguyên liệu trên đảo không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Thị trường trong nước quá nhỏ bé. Vì vậy, sự biến động của tình hình kinh tế quốc tế tác động rất mạnh đến kinh tế Đài Loan. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng dầu lửa thế giới năm 1981 đã làm cho sản lượng xuất khẩu của Đài Loan giảm xuống một cách đáng kể, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Đài Loan cũng giảm đi một cách nhanh chóng. Tăng trưởng kinh tế của Đài Loan lúc đó chỉ còn 3,4%, tức là mức thấp nhất kể từ năm 1973. Đến năm 1984 khi giá dầu lửa thế giới hạ, nền kinh tế thế giới tiếp tục ổn định và phát triển thì ngay lập tức kinh tế Đài Loan lại đạt được mức tăng trưởng khá cao tới 10,6%.
Phần lớn diện tích của hòn đảo Đài Loan đều là núi, hầu hết các diện tích đất có thể canh tác được đã canh tác hết và gần đạt đến giới hạn cao nhất của mật độ canh tác. Nền nông nghiệp tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp và không tìm được việc làm. Xét dưới góc độ tạo công ăn việc làm và giải quyết thất nghiệp, hai ngành lâm nghiệp và ngư nghiệp Đài Loan không có tương lai sáng sủa. Do đó, ngoài việc thực hiện một kế hoạch công nghiệp hoá với quy mô lớn, Đài Loan không có hy vọng giải quyết được nguy cơ thất nghiệp và thiếu việc làm ngày càng tăng. Thêm vào đó, ngay cả việc tiến hành công nghiệp hoá cũng không thể sử dụng phương pháp cũ như đã làm tại một số ngành công nghiệp tại hòn đảo này. Chính phủ Đài Loan đã nhận thấy chỉ có xây dựng một nền công nghiệp quy mô lớn với lượng đầu tư tư bản lớn cùng phương thức sản xuất hiện đại thì Đài Loan mới có hy vọng cạnh tranh được với Nhật Bản và một số quốc gia công nghiệp khác tại thị trường Đông Nam Á và Tây Bán cầu. Ngoài tư bản và nhân tài lãnh đạo, quản lý, thì quan trọng hơn nữa, cần phải có kế hoạch về nhân lực đáp ứng các kỹ năng nhân lực cho nhu cầu phát triển kinh tế hiện đại.
Sau năm 1949, chính phủ Quốc Dân đảng đã đưa ra nhiều bộ luật, trong đó có luật cải cách ruộng đất mà họ chưa từng thực thi một cách có hiệu quả tại lục địa. Chính phủ áp dụng chính sách thay thế nhập khẩu, tìm cách sản xuất, chế tạo ngay trong nước các hàng hóa phải nhập khẩu. Đa số các chương trình này đã được thực hiện với sự trợ giúp kinh tế từ Mỹ, sự bao cấp đối với những mặt hàng sản xuất trong nước với giá đắt. Một thời gian sau, những người Đài Loan bản xứ đã chiếm lĩnh được các vị trí công quyền, đẩy đa số người gốc lục địa ra khỏi chính phủ; vì thế nhiều người trong số này đã chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, vốn là một thế mạnh của họ.
Tiến hành cải cách ruộng đất và khuyến khích tăng tỷ lệ tiết kiệm là hai lý do quan trọng khiến Đài Loan đảm bảo được bước khởi đầu tốt. Việc loại bỏ các địa chủ lớn và khuyến khích các thay đổi trong sản xuất nông nghiệp đã được bắt đầu từ khi Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan. Ngay từ thời 1895 đến 1940, mức sống trung bình của người dân Đài Loan đã được cải thiện và thu nhập trung bình/người tăng khoảng 1,5%/năm. Đó là một thuận lợi cho Đài Loan về sau. Cùng với sự hỗ trợ do Đạo luật trợ giúp Trung Hoa năm 1948 và Ủy ban Hỗn hợp Trung - Mỹ về Tái thiết nông thôn, chính phủ Tưởng Giới Thạch đã áp dụng chương trình cải cách ruộng đất sâu rộng và rất có hiệu quả ở Đài Loan trong những năm 50. Nhà nước tái phân phối đất đai cho nông dân và bồi thường cho những chủ đất lớn bằng các chứng chỉ và cổ phần tại các nhà máy công nghiệp của nhà nước. Cải cách ruộng đất đã tạo ra nhiều chủ trang trại nhỏ và sản lượng nông nghiệp đã tăng gần 8%/năm trong suốt những năm 50. Thị trường trong nước về hàng tiêu dùng nhờ đó tăng mạnh. Nông nghiệp còn đem lại những chuyển dịch quan trọng để hỗ trợ cho công nghiệp. Trên tổng thể, dù cải cách khiến một số chủ đất lớn bị nghèo đi, nhưng những người khác chuyển các khoản bồi thường của mình thành tiền vốn và bắt đầu thành lập các công ty sản xuất công nghiệp hoặc kinh doanh thương mại. Những nhà tư bản công nghiệp đầu tiên của Đài Loan mới đã xuất hiện. Cùng với những nhà buôn di cư từ lục địa trước đó, họ điều hành sự chuyển tiếp của Đài Loan sang một nền kinh tế công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Để sớm ổn định kinh tế vĩ mô, chính phủ Đài Loan chấp nhận tỷ lệ lãi suất tương đối cao, có phần không bình thường và triệt để tôn trọng việc cân đối ngân sách. Các biện pháp này đã nâng tỷ lệ dự trữ trong nước và tạo điều kiện giảm lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Đài Loan trong những năm 60-90 chỉ là 5,6%, trong khi tỷ lệ tương ứng của Hàn Quốc là 12,7% và tỷ giá hối đoán biến động cho đến cuối những năm 80 cũng thấp hơn Hàn Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách của Đài Loan cũng rất cảnh giác với những tác động tiêu cực của chiến lược phát triển kinh tế thay thế nhập khẩu ban đầu. Trong khi khuyến khích và đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, chính phủ đã tự do hóa hệ thống thương mại và tiến hành chính sách công nghiệp cạnh tranh, giảm bớt các rào cản thương mại và giảm giá lớn vào năm 1950. Một giai đoạn tăng trưởng theo hướng xuất khẩu ngoạn mục ở Đài Loan đã được mở ra. Dẫn đầu là xuất khẩu hàng hóa với tỷ lệ tăng từ 10% năm 1955 lên 46% năm 1965 so với tổng sản phẩm xuất khẩu. Những năm 50, tình hình chung ở Đài Loan vẫn còn nhiều khó khăn. Vật giá chưa ổn định, tỷ lệ thất nghiệp cao, toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của Mỹ. Vào năm 1962, GNP đầu người của Đài Loan mới chỉ là 170 USD; nền kinh tế của hòn đảo này chỉ ở mức tương đương với Zaire và Congo. Để phát triển, Đài Loan đã tiến hành cải cách kinh tế, chính trị, xã hội, kêu gọi đầu tư, xây dựng chiến lược kinh tế “hướng về xuất khẩu”. Do có ít tài nguyên thiên nhiên nên Đài Loan chú trọng phát triển kinh tế xuất khẩu vào những sản phẩm chính là đồ điện, kim loại, dệt may, chất dẻo, hoá chất và phụ tùng ô tô và ngày nay là hàng điện tử. Năm 2010, xuất khẩu của Đài Loan đã đạt sản lượng và tốc độ cao nhất so với 30 năm trước đó. Thị trường lớn nhất của Đài Loan hiện nay là Trung Quốc, chiếm 40,1% tổng giá trị xuất khẩu, với trị giá lên tới 9,71 tỷ USD. Vị trí thứ 2 thuộc về khối 6 nước ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, chiếm tổng cộng 3,66 tỷ USD hay 15,1% tổng xuất khẩu. Đứng thứ 3 là Mỹ với 11,9% và châu Âu với 11,1%(78).
Đài Loan đạt mức độ trung bình về đầu tư so với các nước tiếp nhận đầu tư, nhưng trong nhiều năm liền, nước này ít dựa vào nguồn vay bên ngoài. Điều đó phản ánh mức độ dự trữ trong nước cao, mà không nhiều nước có thể làm được.
Những năm 60-70, chính phủ Đài Loan thực hiện chính sách cạnh tranh công nghiệp một cách thận trọng bởi hiểu nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Đài Loan đi theo hướng chú ý để cạnh tranh tạo ra một môi trường khuyến khích đầu tư, tăng hàm luợng R & D trong sản xuất và phân bố nguồn lực hiệu quả hơn đối với sản xuất. Đối với từng khu vực kinh tế, Đài Loan tập trung vào một hoặc một số lĩnh vực lựa chọn của nền kinh tế sản xuất để tăng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu.
Nền kinh tế Đài Loan đã phát triển mạnh và liên tục từ những năm 50 cho đến thập niên 80 và đã tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội. Trong suốt thời kỳ này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đài Loan trung bình khoảng 9,2 %/năm. Sự phát triển về kinh tế đã tạo ra một hệ quả xã hội đáng chú ý: đã hình thành được một tầng lớp trung lưu đủ mạnh về vốn, kỹ năng, kinh nghiệm và quan hệ quốc tế để có thể tham gia một cách tích cực hơn vào hệ thống chính trị - xã hội. Một thế hệ những người trẻ, có học vấn cao, quan tâm đến đất nước và nhất là có ý thức rõ ràng về Đài Loan với tính cách là một quốc gia có triển vọng đối với những người sống trên đảo.
“Thập đại kiến thiết” là mười dự án phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ của Đài Loan được khởi công từ năm 1973 theo sáng kiến của Thủ tướng Tưởng Kinh Quốc. Mục đích của mười dự án này là tạo cơ sở thuận lợi cho bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ từ nông nghiệp và công nghiệp nhẹ sang lấy công nghiệp nặng làm trọng tâm, thoát khỏi tình trạng kinh tế lạc hậu, di sản của thời kỳ Nhật cai trị. Mười dự án đó là xây dựng Sân bay quốc tế Đào Viên Đài Loan, xây dựng tuyến đường sắt Bắc Hồi chạy vòng quanh Đài Loan, điện khí hóa đường sắt, xây dựng cảng Đài Trung, xây dựng cảng Tô Áo ở Nghi Lan, xây dựng nhà máy điện nguyên tử, xây dựng đường cao tốc Trung Sơn, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, phát triển ngành luyện thép và phát triển công nghiệp hóa dầu.
Chính phủ Đài Loan chú trọng thực hiện các kế hoạch kinh tế trung hạn, đề xuất các mục tiêu kinh tế vĩ mô và các công thức cho việc đầu tư vào các khu vực của nền kinh tế. Các kế hoạch này chỉ mang tính chất chỉ dẫn. Các nhà lập kế hoạch thường chỉ có ít quyền hạn và được tiếp cận hạn chế với các công cụ chính sách và tư vấn về việc cấp tín dụng. Ở Đài Loan không có các thiết chế liên kết bộ máy kinh tế nhà nước với khu vực tư nhân. Quan hệ chỉ là điều chỉnh lẫn nhau hơn là hợp tác. Chính phủ Đài Loan nói chung giới hạn vai trò của mình chỉ là người cung cấp hạ tầng vật chất và xã hội và các sản phẩm công. Chính phủ cân đối các nhu cầu công cộng với ý đồ cải thiện để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân. Vai trò gián tiếp của chính phủ được khẳng định rõ ở mức độ cao về tiết kiệm, về các thặng dư thương mại hàng năm, về thái độ bảo thủ trong chính sách tài khoá và tiền tệ, với một triết lý phát triển bình quân và một hệ thống tổ chức công nghiệp mang tính đặc thù của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực sản xuất. Kết quả là, các nhà hoạch định chính sách hầu hết không có hai công cụ quan trọng như nhiều nước khác về chính sách công nghiệp, đó là kiểm soát tín dụng và phân bổ ngân sách cho phát triển.
Các nhà lãnh đạo chính trị còn quyết tâm ngăn chặn việc tập trung các nguồn lực vào tay tư nhân, vì họ cho rằng nếu một nhóm nhỏ các doanh nhân có quyền lực kiểm soát phần lớn các nguồn lực tư nhân và hệ thống tài chính thì điều đó sẽ gây nên sự không minh bạch và tiêu cực cho nền kinh tế. Quyết tâm này thể hiện rõ ở sự gia tăng nhanh chóng các doanh nghiệp nhà nước trung bình chiếm tới 50% giá trị gia tăng về sản xuất trong những năm 50. Ngay cả trong chiến lược khuyến khích xuất khẩu dẫn đầu là khu vực tư nhân, truyền thống quân bình này cũng vẫn là một lực cân bằng.
Về chiến lược phát triển, các nhà chính trị Đài Loan hiểu rõ rằng, ba yếu tố quan trọng của của sản xuất - đất đai, tư bản và sức lao động - phải được kết hợp hợp lý với yếu tố thứ tư là quản lý. Đất đai và mọi tài nguyên thiên nhiên, sức lao động và tư bản, trên thực tế, đều do con người quản lý, chủ động sử dụng và khai thác và cũng chỉ thông qua hoạt động quản lý, điều tiết thông minh của con người thì tài nguyên thiên nhiên và tư bản mới kết hợp được với nhau để tạo ra sản xuất và của cải. Ở thời kỳ đầu, khả năng quản lý, vai trò của điều tiết vĩ mô được chính phủ Đài Loan hết sức coi trọng. Nhà nước sẵn sàng can thiệp, nhưng cũng sẵn sàng điều chỉnh chính sách và có biện pháp khuyến khích sản xuất xã hội. Và đây là một trong những nhân tố khiến Đài Loan động viên được sức sản xuất trong nước, sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Mỹ và các đầu tư từ bên ngoài(79), có chính sách dự trữ và tiết kiệm thoả đáng, không quá ưu ái tư nhân v.v. tạo ra được bước đi ban đầu hợp lý trên con đường phát triển.
Trước năm 1964, Chính phủ Đài Loan không hề chú trọng đến vấn đề nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực. Điều đó thể hiện qua nhận xét của Harry Weiss, trợ lý bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ: “Chính phủ Trung Hoa hiện nay (những năm 60) đang điều khiển con tàu đất nước một cách mù quáng, bởi vì họ không biết được họ đang có một nguồn nhân lực như thế nào, nghiêm trọng hơn là, họ hoàn toàn không biết gì về nhu cầu nguồn nhân lực trong vòng 5 năm hay 10 năm tới. Kết quả là các trường đại học và các cơ sở giáo dục phát triển những kỹ năng cho người học không phù hợp với nhu cầu kinh tế hiện đại. Nếu một quốc gia muốn thực thi một cách thuận lợi kế hoạch kinh tế của mình, cần phải lập tức tiến hành quy hoạch nhu cầu nhân lực của quốc gia trong vòng ít nhất là 5 năm tới, đồng thời không ngừng phân tích một cách tường tận về nguồn nhân lực hiện đang có. Một trong những vòng khâu yếu nhất của kế hoạch huấn luyện kỹ năng Đài Loan là thiếu kế hoạch huấn luyện công nhân và học sinh kỹ thuật, phát triển kinh tế lại có nhu cầu rất to lớn về những người này”(80).
Năm 1964, do nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nguồn nhân lực và yêu cầu sống còn phải nắm bắt, quản lý, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực, chính phủ Đài Loan đã thành lập cơ quan quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Cơ quan này có nhiệm vụ giúp chính phủ lập quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia, quy hoạch tổng thể và lên phương án trọng yếu nhằm phát triển nguồn nhân lực đất nước; đồng thời, cùng các đơn vị khác điều chỉnh ngành nghề, phối hợp với chính phủ thúc đẩy kế hoạch định kỳ phát triển quốc gia. Bắt đầu từ năm 1966, căn cứ vào nhu cầu kiến thiết định kỳ, cơ quan này đã tiến hành đề xuất “Kế hoạch phát triển nhân lực”. Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực hiện mà tiến hành kiểm tra, đánh giá, dần dần điều chỉnh thực tế phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Trải qua gần 40 năm, cơ quan quốc gia về nguồn nhân lực đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phồn vinh kinh tế cũng như ổn định xã hội Đài Loan.
Năm 1996, khi tập trung nghiên cứu một cách tương đối kỹ lưỡng về tình hình nhân lực đương thời, cơ quan quốc gia về nguồn nhân lực đã đưa ra nhận định: “Dù cho hơn mười năm qua, nền kinh tế của chúng ta đã có những tiến triển nhất định, song nhìn nhận lại kỹ hơn, hiện nó đang bao chứa những yếu tố bất lợi. Xét tổng thể, hàng xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là sản phẩm của công nghiệp nhẹ, sản phẩm nông nghiệp và hàng gia công, các sản phẩm này sở dĩ có vị trí trên thị trường quốc tế, chủ yếu là vì chi phí lương cho người lao động thấp, hơn nữa trình độ một số nước đang phát triển hiện giờ chưa theo kịp chúng ta, thị trường của họ vẫn là thị trường của chúng ta. Song một khi nền kinh tế của các nước này phát triển, thì không những hàng hoá của chúng ta khó có thể vào nước họ, mà còn bị họ cạnh tranh trên các thị trường khác v.v. Để giải quyết được tình trạng đó, nền sản xuất của chúng ta buộc phải đi vào quy mô sản xuất hiện đại hoá, lấy chất lượng cao, giá thành hạ để cạnh tranh, nói cách khác, nền sản xuất của chúng ta phải lấy khoa học - kỹ thuật cao và hiệu quả sản xuất làm nền tảng. Để làm được điều này cần phải nâng cao toàn diện tố chất nguồn nhân lực của chúng ta, điều này cũng chính là đáp ứng mục tiêu phát triển nguồn nhân lực”(81).
Chẳng hạn, căn cứ theo tư liệu của ban thống kê thuộc chính phủ Đài Loan, năm 1989 cơ quan này đã phát hiện thấy hiện tượng bất bình thường về quan hệ cung cầu trong sử dụng nguồn nhân lực tại Đài Loan. Phân tích từ góc độ xu thế tăng trưởng sức lao động, tỷ lệ biến động của lượng tham gia lao động, các thành viên của cơ quan đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng đó là: 1/. Ở giai đoạn này, nền kinh tế phát triển rất mạnh; nhu cầu về nguồn nhân lực do đó, tăng vọt; 2/. Do hoàn cảnh đầu tư thuận lợi, nên nhiều người tham gia đầu tư, tránh lao động nặng nhọc, xã hội giảm thiểu nhu cầu việc làm; 3/. Nền giáo dục ngày càng thu hút người học, khiến tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi đi làm giảm; 4/. Thu nhập của người dân ngày càng tăng, khiến một tỷ lệ lớn phụ nữ có học vấn thấp đã kết hôn không cần đi làm; 5/. Ngành nghề dịch vụ tăng đột biến gây nên tình trạng thiếu nhân lực của các khu vực ngành nghề khác. Từ những nguyên nhân như vậy, chính phủ đã có những biện pháp điều chỉnh để bổ sung nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển kinh tế.
Khi tiến hành phát triển nguồn nhân lực, ngoài việc chú ý đến vấn đề phối hợp giữa giáo dục và quy hoạch dân số, Đài Loan đã nỗ lực cải tiến một cách toàn diện quản lý kinh doanh sản xuất, thúc đẩy sử dụng một cách có hiệu quả nhất kỹ thuật và nhân lực, nhằm nâng cao sức sản xuất của nguồn nhân lực. Quy hoạch nguồn nhân lực là kiểm soát số lượng nhân lực như kế hoạch hoá gia đình, nâng cao trình độ giáo dục đại chúng, phát triển giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp, đào tạo nghề, tăng cường phụ đạo cách làm việc cho mọi người. Quản lý nguồn nhân lực là cách thức lựa chọn nhu cầu, tuyển dụng, sắp xếp, cũng như đào tạo, điều chỉnh, thi cử, cải tiến phương pháp quản lý các nhân viên trong một đơn vị kinh tế. Ở mỗi giai đoạn phát triển, nhu cầu về nguồn nhân lực thường là khác nhau, do đó cần phải biết điều chỉnh quy hoạch về nguồn nhân lực. Sau 20 năm thực hiện chính sách phát triển nhân lực, chính phủ Đài Loan đã khẳng định, việc nền giáo dục chuyển hướng từ chú trọng giáo dục trung học phổ thông sang chú trọng giáo dục nghề nghiệp là bước đi đúng hướng; điều đó tương ứng với kết cấu kinh tế đã chuyển từ nền kinh tế có tính truyền thống sang nền công nghiệp tập trung nhân công cao, rồi đến công nghệ cao có đầu tư tư bản lớn.
Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Khổng giáo, người dân Đài Loan coi giáo dục như một công cụ đương nhiên và cao quý của sự thành đạt cá nhân và phát triển xã hội. Được giáo dục cao là một giá trị xã hội. Có học vấn cao, đồng nghĩa với có việc làm tốt là một mơ ước khá phổ biến ở người Đài Loan, dù nhiều người hiểu có học vấn thường không phải là người giàu có. Từ những thập niên đầu, chính sách của chính phủ vẫn đề cao trường công, khuyến khích trường công, nên trường tư của Đài Loan chỉ thực sự phát triển từ những năm 80 trở lại đây. Ngày nay, các trường tư đã có vai trò và uy tín trong giáo dục và đào tạo Đài Loan gấp nhiều lần. Hiện nay Đài Loan có hơn 100 trường đại học, trong đó nhiều trường có đẳng cấp quốc tế. Đại học Quốc gia Đài Bắc năm 2007 được xếp vào top 100 trường đại học tốt nhất thế giới. Các trường cao đẳng và dạy nghề cũng có chất lượng rất cao, là địa chỉ tin cậy của khoảng 60% số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Nền giáo dục ở Đài Loan được coi là rất có chất lượng và sức ép học tập đối với học sinh các cấp cũng rất lớn. Vào năm 1971, tỷ lệ trẻ em đến trường đã đạt 98,02%. Đến năm 1997, tỷ lệ này đạt gần như tuyệt đối, 99,91%. Phổ thông trung học là trình độ giáo dục được phổ cập ở Đài Loan. Gần một nửa số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học được học tiếp đại học và cao hơn.
Trên thực tế, nền văn hoá Khổng giáo Trung Hoa đã thấm sâu vào trong các hoạt động khoa học và giáo dục của Đài Loan. Truyền thống đề cao học hành đã được người đài Loan sử dụng để chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học và công nghệ, tạo ra một xã hội có hệ thống nguồn nhân lực đồng bộ đáp ứng tốt yêu cầu của sự phát triển.
Tại Đài Loan, việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực thường được chú ý ở hai nội dung: 1/. Nguồn nhân lực bổ sung cho các đơn vị kinh tế phụ thuộc vào số lượng người trưởng thành trong cả nước, vào mối quan hệ giữa tỷ lệ già hoá và tỷ lệ bắt đầu có khả năng làm việc, cũng như mối quan hệ giữa các ngành nghề khác nhau. 2/. Việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực phải tính toán sao cho phù hợp với phương pháp và công nghệ sản xuất thay đổi liên tục. Do đó, các đơn vị kinh tế được khuyến khích thường xuyên đẩy mạnh đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt kỹ năng. Trong hoàn cảnh đó, người lao động cũng bắt buộc phải không ngừng tiếp nhận đào tạo nhằm phát triển tay nghề và đa dạng hoá kỹ năng. Có thể hiểu được tại sao Đài Loan lại là một trong những nền kinh tế có sự đổi mới công nghệ rất mau lẹ và không gây những xáo trộn xã hội hoặc gây phá sản những doanh nghiệp có công nghệ chậm thay đổi.
Việc hòn đảo Đài Loan đất chật người đông, tài nguyên ít, trong nửa thế kỷ qua đã tạo nên điều “thần kỳ” về kinh tế là một bài học kinh nghiệm đáng giá về tầm quan trọng của việc phát triển nhân lực, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực nói riêng và phát triển giáo dục, khoa học nói chung. Phát triển nhân lực chỉnh thể quốc gia cần có một sách lược liền mạch lâu dài và điều đó đòi hỏi có sự phát triển đồng bộ về khoa học, công nghệ với những chính sách xã hội hợp lý. Nguồn nhân lực, tuy là một yếu tố cho sản xuất, song nó khác với những yếu tố khác ở chỗ, nhân tài cần được bồi dưỡng và đào tạo không ngừng. Tài nguyên nhân lực nếu không sử dụng được thì cũng không thể vì thế mà vứt bỏ. Ngược lại, sự lãng phí đó còn làm nảy sinh các vấn đề xã hội. Vì vậy, mục tiêu chủ yếu nhất của quy hoạch phát triển nhân lực Đài Loan là căn cứ vào mục tiêu phát triển quốc gia và yêu cầu phát triển kinh tế, dự báo được thực trạng và nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai, trên cơ sở đó đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, mở rộng thị trường lao động, để mỗi người có điều kiện và được khuyến khích phát huy hết khả năng của mình.
Những năm 70-80, lý thuyết về quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ được đề cao. Ở Đài Loan, một số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã sản xuất và xuất khẩu một tỷ trọng lớn các sản phẩm. Các doanh nghiệp loại này ở Đài Loan nói chung đều được khuyến khích và ít chịu sự chi phối nghiêm ngặt của sự điều hành vĩ mô. Có thể vì thế mà tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đài Loan chiếm ưu thế so với ở nơi khác. Chẳng hạn, vào năm 1976, trong ngành sản xuất giầy dép, các doanh nghiệp có từ 300 công nhân trở xuống chiếm tới 60% giá trị sản phẩm, trong khi tỷ lệ này ở Hàn Quốc chỉ là 7%. Với cơ cấu này, việc can thiệp trực tiếp theo kiểu Hàn Quốc là khó khăn hơn. Chính phủ Đài Loan hỗ trợ hiệu quả các nhà xuất khẩu nhỏ bằng cách đưa ra các biện pháp khuyến khích đồng đều dựa vào thành tích xuất khẩu mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đạt được. Năm 1986, trên 98% doanh nghiệp Đài Loan có dưới 300 nhân viên và 48% trong số đó có 5 công nhân trở xuống. Các doanh nghiệp này đã tạo ra khoảng 30% giá trị gia tăng hàng hóa và xuất khẩu hầu hết số lượng đó ra thị trường nước ngoài. Đài Loan chủ trương khuyến khích xuất khẩu các hàng hóa có giá trị lao động cao giống như Hàn Quốc, nhưng lại chọn các công nghệ khác vì Đài Loan có thể tận dụng lực lượng đông đảo các nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm.
Chiến lược dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ dĩ nhiên có những hạn chế của nó. Đài Loan đã khắc phục tình trạng này nhờ đông đảo các nhà kinh doanh đến từ lục địa. Họ đã tạo cho các nhà sản xuất nhỏ Đài Loan cơ hội tiếp cận các đơn đặt hàng nhỏ. Họ còn tìm kiếm những sản phẩm chuyên ngành với nhu cầu tương đối nhỏ và nhiều hoạt động có hàm lượng công nghệ thích hợp với các doanh nghiệp nhỏ.
Do có chiến lược sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Mỹ, nguồn đầu tư nước ngoài và nguồn đầu tư xã hội, có chính sách phát triển giáo dục và đào tạo đúng hướng, biết khai thác và có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp, sử dụng hợp lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ v.v. Đài Loan đã từ một hòn đảo nghèo tiềm năng và nguồn lực tự nhiên, từ một xã hội độc đoán và nghèo nàn v.v. đã trở thành vùng lãnh thổ phát triển về kinh tế, mạnh về khoa học, giáo dục và công nghệ, đa dạng và hài hoà về văn hóa, ổn định và dân chủ về đời sống xã hội, trở thành một trong những “con rồng châu Á”.
Quá trình hoá rồng của Đài Loan diễn ra trong vòng 3 thập niên. Tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 8,5% năm. Tăng trưởng thực GDP trung bình hàng năm vào khoảng 8%. Xuất khẩu tăng trưởng nhanh đã tạo ra động lực cho công nghiệp hóa. Lạm phát và thất nghiệp ở mức thấp; thặng dư thương mại cao. Nông nghiệp đóng góp 3% GDP, lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 73% nền kinh tế. Nền công nghiệp sử dụng lao động theo kiểu truyền thống đã không còn là trụ cột và được thay thế bằng ngành công nghiệp sử dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ cao. Nhiều nhà đầu tư và các doanh nhân người Đài Loan đã trở thành những nhà đầu tư chính vào Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, và Malaysia. Do có nhu cầu lao động, nhiều công nhân nước ngoài đã đổ về Đài Loan cả theo cách hợp pháp lẫn không hợp pháp. Với chính sách tài chính thận trọng và nhờ các nhà thầu mạnh, Đài Loan ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1999 và 2008-2009 so với các nước khác trong khu vực.
Mười dự án lớn (Tân thập đại kiến thiết) được coi là bản thiết kế của thế kỷ XXI đã được đệ trình năm 2003 và đã được quốc hội Đài Loan phê duyệt thực hiện vào năm 2005 với tổng ngân sách trên 500 tỷ Đài tệ. Nếu như Thập đại kiến thiết được tiến hành từ thập niên 70 chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng, thì Tân thập đại kiến thiết gồm các dự án phát triển văn hóa, công nghệ và cơ sở hạ tầng, gồm:
- Xây dựng các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao với mục tiêu trong vòng 5 năm sẽ có ít nhất một trường đại học lọt vào danh sách 100 trường đại học tốt nhất thế giới. Mục tiêu này đã đạt được vào năm 2007.
- Xây dựng các trung tâm văn hóa nghệ thuật với mục tiêu xây dựng ở Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam những trung tâm văn hóa nghệ thuật quốc tế, và biến Đài Loan thành nơi phổ biến các loại hình âm nhạc lưu hành trong khối văn hóa Trung Hoa.
- Phát triển công nghệ thông tin, đưa Đài Loan thành nơi có dịch vụ Internet tốt nhất thế giới.
- Xây dựng hệ thống các trung tâm triển lãm hỗ trợ phát triển khoa học -kỹ thuật, du lịch và văn hóa.
- Phát triển các hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc.
- Phát triển hệ thống đường bộ cao tốc lần thứ ba.
- Nâng cấp Cao Hùng thành một cảng quốc tế trung chuyển container cỡ lớn.
- Nâng cấp hệ thống giao thông đô thị ở Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam với tổng chiều dài đường cần nâng cấp là 182 km.
- Cải tạo hệ thống thoát nước theo hướng bảo vệ môi trường.
- Xây dựng các đê biển, và các công trình đối phó với hiện tượng nước biển dâng cao do trái đất nóng lên.
Vài năm gần đây, việc thực thi những dự án lớn này đã cho phép Đài Loan vẫn giữ được mức tăng trưởng hợp lý, vững vàng trước các biến động bất lợi chính trị do Trung Quốc đại lục trỗi dậy manh mẽ và do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc dân chủ hoá đời sống chính trị - xã hội đất nước cũng đã làm cho hình ảnh Đài Loan ngày càng tốt đẹp trong con mắt các nhà hoạt động chính trị, xã hội trên trường quốc tế.
Về sự chuyển hoá xã hội theo hướng dân chủ ở Đài Loan, chúng tôi thấy cần thiết phải nói rằng, theo định kiến, một số người thường nghĩ nền dân chủ chỉ có thể phát triển tốt ở những nước ít nhiều đã có kinh nghiệm về dân chủ chính trị hoặc đã từng có những diễn biến chính trị cho phép ra đời một hình thức dân chủ nào đó. Tuy nhiên, dân chủ về bản chất là một khái niệm phổ quát và là một quyền, một nhu cầu gần như tự nhiên. Sự tiến triển của dân chủ, về nguyên tắc và về lâu dài, luôn có lợi cho tiến bộ xã hội nói chung. Đến thời đại ngày nay, việc vô tình hay cố ý coi một xã hội nào đó không có khả năng tiếp nhận dân chủ, thực chất là một kiểu quan điểm dối trá và vụ lợi. Với Đài Loan, các quan niệm về dân chủ đã được đưa ra trong chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Sau khi Nhật bản rút khỏi Đài Loan, chính quyền Quốc Dân đảng thống trị toàn đảo, dù chuyên chế, độc tài nhưng chính quyền Tưởng Giới Thạch vẫn phổ cập tư tưởng Tam Dân, coi ý thức hệ của Trung Hoa Dân Quốc là học thuyết Tam Dân. Các đề xuất của Tôn Trung Sơn như quyền giám sát chính trị, một hệ thống chính trị dân chủ cho Trung Quốc v.v. đã ít nhiều được giới thiệu. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đài Loan thường biện minh cho sự có mặt của mình trên trường quốc tế là một nước dân chủ.
Cải cách chính trị bắt đầu từ cuối thập niên 70 và tiếp tục đến cuối thập niên 90 đã tự do hóa Trung Hoa Dân Quốc từ một nhà nước độc tài, độc đảng trở thành một chế độ dân chủ, đa đảng. Ngay từ 1969, chính quyền Quốc Dân Đảng đã tổ chức những cuộc bầu cử bổ sung các dân biểu địa phương vào quốc hội trên cơ sở thừa nhận các quyền tự do ngôn luận và hội họp. Năm 1986, các chính đảng được phép thành lập và tranh cử. Năm 1987, thiết quân luật được bãi bỏ. Từ 1991 mọi đạo luật của thời kỳ thiết quân luật đều được bãi bỏ, Đài Loan trở thành một nước dân chủ thật sự, và được nhiều người coi là một trong nước dân chủ nhất ở châu Á. Đa số những cấp lãnh đạo cấp cao của Đài Loan hiện nay là người địa phương. Quốc Dân Đảng đã có uy tín vì một trong những lý do là họ thực sự coi trọng năng lực cá nhân không phân biệt người gốc địa phương. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1998, Quốc Dân Đảng đã thắng lớn. Người nước ngoài đến Đài Loan vào các dịp bầu cử thường rất ấn tượng với việc các ứng cử viên phải giới thiệu công khai về những người thân trong gia đình mình. Năm 2000, Quốc Dân Đảng thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng không phải vì không được cử tri tín nhiệm. Từ khi thiết quân luật được bãi bỏ, Trung Hoa Dân Quốc đã dân chủ hóa và cải cách, xóa bỏ những thiết chế hành chính trước kia quản lý toàn bộ lục địa Trung Hoa. Nhiều cơ quan hiện đến nay vẫn còn tồn tại, nhưng không hoạt động. Năm 2000, thế độc quyền chính trị của Quốc Dân đảng chấm dứt sau khi Đảng Dân Tiến chiến thắng với việc Trần Thuỷ Biển nắm giữ chức Tổng thống. Tháng 5/2005, một quốc hội mới được bầu để giảm số lượng ghế nghị viện và áp dụng nhiều cải cách hiến pháp. Những cải cách này đã được thông qua. Quốc hội đã bỏ phiếu tự giải tán và chuyển quyền cải cách hiến pháp cho nhân dân thông qua trưng cầu dân ý.
Điều đáng chú ý là ở Đài Loan, những cải cách này không phải là một cuộc cách mạng, không gây những bất ổn và xáo trộn lớn, mà chỉ là một cuộc chuyển đổi trong khuôn khổ luật pháp hiện hành, ôn hòa và yên bình.
Một xã hội dân chủ thường được biểu hiện ở nhiều mặt với nhiều nội dung. Nhưng việc đánh giá và nhìn nhận trước hết, thường được xem ở hai tiêu chí vĩ mô quan trọng nhất: 1/. Mức độ bình đẳng và công bằng trong cạnh tranh về chính trị và 2/. Quyền con người được tôn trọng và bảo đảm đến đâu. Xem xét hai tiêu chí này ở Đài Loan, có thể thấy, người dân Đài Loan ngày nay được tự do lập hội, được tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do ứng cử, bầu cử, đi lại, làm ăn v.v. Nếu so với thời kỳ những năm 50-60, hoặc với các cuộc đàn áp trong thập niên 80, thì rõ ràng dân chủ ở Đài Loan đã thuộc vào một trình độ khác. Có những ý kiến cho rằng dân chủ ở Đài Loan là một quá trình từ dưới lên, không phải từ trên xuống, chính quyền Quốc Dân đảng không tự nguyện dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy, chính Tưởng Kinh Quốc đã thực hiện nới lỏng kiểm soát chính trị so với thời kỳ Tưởng Giới Thạch, và Lý Đăng Huy đã dám đưa ra những quyết định táo bạo để thay đổi bộ mặt của Đài Loan.
Quá trình dân chủ hoá thực sự đã tạo nhiều điều kiện cho nhiều cộng đồng, cá nhân ngoài lề xã hội, có cơ hội tham gia vào đời sống chính trị - xã hội, đặc biệt là giới trí thức, thương gia, hoạt động xã hội gốc Đài Loan sống và làm việc ở nước ngoài. Từ những năm 90, những người này trở về nhiều hơn đã đóng góp một cách đáng kể vào sự phát triển của khoa học, văn hóa và xã hội Đài Loan.
GDP Đài Loan qua các năm(82)
Số liệu của IMF | ||
Năm | GDP (PPP) | Tăng so với năm trước (%) |
1980 | 3.570,61 | |
1981 | 4.082,412 | 14,33 % |
1982 | 4.425,312 | 8,40 % |
1983 | 4.910,206 | 10,96 % |
1984 | 5.488,072 | 11,77 % |
1985 | 5.809,656 | 5,86 % |
1986 | 6.525,545 | 12,32 % |
1987 | 7.350,689 | 12,64 % |
1988 | 7.934,561 | 7,94 % |
1989 | 8.989,704 | 13,30 % |
1990 | 9.858,462 | 9,66 % |
1991 | 10.903,38 | 10,60 % |
1992 | 11.891,86 | 9,07 % |
1993 | 12.853,8 | 8,09 % |
1994 | 13.999,27 | 8,91 % |
1995 | 15.074,68 | 7,68 % |
1996 | 16.085,71 | 6,71 % |
1997 | 17.093,4 | 6,26 % |
1998 | 17.734,18 | 3,75 % |
1999 | 18.928,26 | 6,73 % |
2000 | 20.289,51 | 7,19 % |
2001 | 20.288,14 | -0,01 % |
2002 | 21.590,78 | 6,42 % |
2003 | 22.769,01 | 5,46 % |
2004 | 24.942,06 | 9,54 % |
2005 | 26.657,33 | 6,88 % |
2006 | 28.880,34 | 8,34 % |
2007 | 31.384,05 | 8,67 % |
2008 | 32.203,87 | 2,61 % |
2009 | 31.802,67 | -1,25 % |
2010 | 35.604,28 | 11,95 % |
Nguồn: http://www.indexmundi.com/taiwan/gdp_per_capita_(ppp).html |
Đài Loan cùng với Hàn Quốc là hai xã hội thành công nhất của thế kỷ XX. Một đất nước thiếu tài nguyên với vài chục triệu người sống ở mức nghèo đói của thế giới đã “cất cánh”, hoá rồng và dân chủ hóa. Điều thần kỳ về kinh tế Đài Loan cần phải đặt sau điều thần kỳ về đời sống xã hội. Người dân được làm quen với các giá trị dân chủ và chẳng bao lâu đã làm chủ được giá trị dân chủ. Nền kinh tế - xã hội phát triển dẫn đến sự xuất hiện tầng lớp trung lưu quan tâm đến văn hóa, văn minh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Một xã hội tôn trọng học vấn, có nền giáo dục tiên tiến, có trình độ nguồn nhân lực cao và đồng đều, có nền văn hóa kết hợp được truyền thống và hiện đại. Một xã hội có chính thể tiếp thu được áp lực quốc tế, chuyển từ độc đoán, độc tài sang thể chế dân chủ và đã ghi được những tư tưởng này vào hiến pháp. Một xã hội có tầng lớp lãnh đạo có trách nhiệm, dám quyết định; chính phủ sẵn sàng với mọi trách nhiệm quốc gia và quốc tế. Một xã hội dân sự đủ trưởng thành, gánh được các trách nhiệm dân sự, điều tiết được các hoạt động xã hội theo hướng lành mạnh. Một xã hội có pháp luật nghiêm và tương đối công bằng, không chùn bước trước tham nhũng, không nương nhẹ với chủ nghĩa tư bản thân hữu, kiểm soát được tội phạm và tệ nạn xã hội. Một xã hội mà về đại thể, quần chúng nhân dân trở thành một lực lượng chính trị ôn hòa, đấu tranh bất bạo động cho các mục tiêu tiến bộ v.v.
Bài học cất cánh của Đài Loan quả thực đáng để cho các nước đi sau suy ngẫm vận dụng.
II.2.4. Hồng Kông
Từ thời đồ đá cũ, vùng đất này đã có người sinh sống và được sáp nhập lần đầu vào Trung Hoa thời nhà Tần, sau đó được nhà Đường và nhà Tống xây dựng thành một trạm thương mại và căn cứ hải quân. Trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (1839-1842), đảo Hồng Kông đã bị các lực lượng Anh chiếm đóng năm 1841 và đã được chuyển nhượng chính thức cho Anh vào cuối cuộc chiến theo Hiệp ước Nam Kinh. Anh đã thiết lập ở đây chế độ thuộc địa trực thuộc Anh. Năm 1860, sau khi Trung Quốc thất bại trong Chiến tranh Nha phiến thứ hai, Bán đảo Cửu Long phía Nam Phố Boundary và Đảo Stonecutter đã nhượng cho Vương quốc Anh theo Hiệp định Bắc Kinh. Cuối thế kỷ XIX, Hồng Kông là một cảng thương mại lớn của Đế quốc Anh.
Ngày 8/12/1941, Nhật Bản xâm lược Hồng Kông như một phần của chiến dịch quân sự trong Thế chiến thứ Hai. Trận chiến Hồng Kông kết thúc với việc các lực lượng bảo hộ Anh và Canada giao nộp quyền kiểm soát thuộc địa này cho Nhật Bản. Thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, ở Hồng Kông đã xảy ra nạn thiếu lương thực và lạm phát rất cao. Sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến thứ Hai, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tiếp tục kiểm soát thuộc địa Hồng Kông.
Đặc khu hành chính Hồng Kông ngày nay gồm đảo Hồng Kông, bán đảo Cửu Long, khu Tân Giới và 262 các hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 1.103 km2. Về vị trí địa lý, phía bắc Hồng Kông là đặc khu kinh tế Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, phía đông giáp vịnh Đại Bằng, phía tây giáp cửa Chu Giang và phía nam là biển Đông Việt Nam. Tính đến năm 2009, dân số Hồng Kông là 7.055.071 người với mật độ khoảng 6.076,4 /km².
Hồng Kông không có đồng bằng và tài nguyên thiên nhiên, hầu hết thực phẩm và nguyên liệu phải nhập khẩu với tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu vượt quá GDP của mình. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Hồng Kông là những sản phẩm sản xuất bên ngoài lãnh thổ Hồng Kông, đặc biệt ở Trung Hoa đại lục, ngay cả trước 1997. Vị thế tự trị biến Hồng Kông trở thành cửa ngõ cho đầu tư vào lục địa Trung Quốc. Trước đây, Hồng Kông còn là điểm quá cảnh cho các chuyến bay từ Đài Loan vào Trung Quốc.
Hồng Kông thường được coi là nơi gặp gỡ Đông Tây, điều này được thể hiện trong đời sống kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa v.v. với vô số các hiện tượng giao lưu và giao thoa văn hóa. Sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng nhất của thành phố này được coi là ngành giải trí, đặc biệt là thể loại phim võ thuật, thể loại có ảnh hưởng đáng kể đến các hãng phim giải trí nhiều nước. Nhiều phim sản xuất tại Hồng Kông đã được thừa nhận ở phạm vi quốc tế. Chính quyền Hồng Kông cũng rất chú ý tới việc quản lý và phát triển các hoạt động văn hóa. Cục dịch vụ Văn hóa và Giải trí của chính quyền là cơ quan đảm nhận chức năng này.
Dân số Hồng Kông vào thời điểm kết thúc Thế chiến thứ Hai là khoảng 600 nghìn người và sau đó tăng lên nhanh chóng do làn sóng tị nạn khỏi cuộc Nội chiến Trung Quốc giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch. Sau khi nhà nước Trung Quốc lục địa thành lập năm 1949, nhiều người nhập cư vẫn tìm đến Hồng Kông. Nhiều công ty ở Thượng Hải và Quảng Châu cũng chuyển đến Hồng Kông. Thuộc địa này đã trở thành nơi liên lạc duy nhất giữa Trung Quốc và thế giới phương Tây khi chính quyền mới ở Trung Quốc tăng cường cô lập đất nước khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài. Thương mại giữa Hồng Kông với đại lục chỉ bị gián đoạn trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên khi Liên Hiệp Quốc ra lệnh cấm vận thương mại đối với Trung Quốc.
Dân số Hồng Kông tăng nhanh chóng trong thập niên 90, đạt 6,99 triệu vào năm 2006. Khoảng 95% dân Hồng Kông là gốc Hoa. Tiếng Quảng Đông và tiếng Anh là phương ngữ chính thức của Hồng Kông. Từ năm 1997, các nhóm dân nhập cư mới từ Trung Hoa Đại Lục đã đến đây. Việc sử dụng tiếng Quan thoại từ đó cũng đang tăng lên. Việc hội nhập vào nền kinh tế Đại lục cũng làm cho nhu cầu gia tăng số người nói tiếng Bắc Kinh. Khoảng 5% dân số Hồng Kông là người Ấn Độ, Nepal, Việt Nam, Philippines, Indonesia. Một số người châu Âu, người Mỹ, người Úc, người Canada, người Nhật, và người Triều Tiên làm việc trong các lĩnh vực tài chính và thương mại.
Mật độ dân số Hồng Kông là 6.200 người/km². Hồng Kông có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới (0,95 trẻ em/ một phụ nữ) và thấp xa so với tỷ lệ 2,1 trẻ em trên một phụ nữ cần để duy trì mức dân số hiện nay. Tuổi thọ trung bình của dân Hồng Kông theo HDR 2010 là 82,5 tuổi vào năm 2010, thuộc thứ hạng cao nhất thế giới. Ngày nay, đến làm việc tại Hồng Kông còn có người Thâm Quyến - người ta chọn hình thức làm việc hằng ngày tại Hồng Kông, còn cư trú thì ở Thâm Quyến.
Hệ thống giáo dục Hồng Kông được tổ chức theo hệ thống giáo dục của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Ở bậc đại học, cả hai hệ thống giáo dục Anh và Mỹ đều có ảnh hưởng lớn. Đại học Hồng Kông (HKU), thành lập năm 1911 là trường đại học dựa trên kiểu mẫu truyền thống của Anh nhưng lại áp dụng nhiều yếu tố của Mỹ. Năm 2010, HKU được Công ty xếp hạng toàn cầu QS xếp hạng đứng đầu các trường tốt nhất châu Á(83). Xếp thứ hai sau HKU là Đại học Trung Hoa Hồng Kông (CUHK) theo mô hình Mỹ - Anh. Hồng Kông có 9 trường đại học công lập và một số trường đại học tư thục. Các trường công của Hồng Kông do Phòng Giáo dục và Nhân lực của Đặc khu Hành chính Hồng Kông quản lý. Hệ thống giáo dục trẻ em Hồng Kông gồm 3 năm mẫu giáo không bắt buộc, 6 năm phổ thông cơ sở, 3 năm phổ thông trung học bắt buộc và 2 năm phổ thông cao cấp (senior secondary education) không bắt buộc để được cấp bằng trung học Hồng Kông (Hong Kong Certificate of Education Examination).
Về tôn giáo, Hồng Kông được hiến pháp coi tự do tôn giáo là Luật cơ bản. Khoảng gần 90% dân chúng Hồng Kông theo văn hóa Phật giáo. Cộng đồng Kitô giáo cũng có quy mô đáng kể với khoảng 500.000 dân, chiếm 7% dân số; một nửa số đó là Công giáo còn một nửa là Tin lành. Khoảng 200.000 là tín đồ Phật giáo và chính thống giáo; 23.000 tín đồ Mormon, 3.000 Do Thái giáo và một số là tín đồ Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Sikh và tôn giáo khác. Nhiều tổ chức tôn giáo Hồng Kông có các trường học và có các hoạt động phúc lợi xã hội khá uy tín.
Dù năm 1999, Bắc Kinh đã cấm giáo phái Pháp Luân Công hoạt động ở đại lục, nhưng những môn đồ của giáo phái này vẫn được tự do hoạt động ở Hồng Kông và Đài Loan. Ở Hồng Kông, Giáo hội Công giáo cũng được tự do bổ nhiệm các giám mục, linh mục không theo quy định như ở Trung Hoa đại lục.
Hồng Kông có mạng lưới giao thông hiện đại, thuộc sở hữu công cộng và tư nhân. Hệ thống thống thanh toán dịch vụ giao thông bằng thẻ Octopus card được thống nhất sử dụng ở khắp nơi cho mọi loại phương tiện. Sân bay quốc tế Chek Lap Kok sử dụng từ năm 1998, thay thế sân bay quốc tế trước đây nằm ở thành phố Cửu Long. Năm 2005, sân bay này được bầu chọn là sân bay tốt nhất thế giới và hãng hàng không Cathay Pacific Airways cũng được bầu chọn là hãng hàng không tốt nhất thế giới từ năm 2001 đến năm 2005.
Dưới thời cai trị của Anh, dân Hồng Kông đã được phép gia nhập quân đội Anh đồn trú tại Hồng Kông (British Forces Overseas Hong Kong). Tuy nhiên, từ 1997 dưới thời chủ quyền Trung Quốc, người Hồng Kông lại không được phép gia nhập vào lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đồn tại trú Hồng Kông.
Vào năm 1970, GDP thực tế của Hồng Kông đã là 959,20 USD/người; nghĩa là đã vượt qua ngưỡng bị coi là nước nghèo (960 USD/người theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc, hoặc 875 USD/người theo tiêu chuẩn của WB). Đến năm 1988, với GDP đạt 10.590,85 USD/người, Hồng Kông được coi là nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs).
Kinh tế dịch vụ của Hồng Kông chiếm đến 90% GDP. Trong quá khứ, công nghiệp chế tạo là khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế do Hồng Kông đã tiến hành công nghiệp hóa sau Thế chiến thứ Hai. Với động lực xuất khẩu, trong thập niên 70 của thế kỷ XX, kinh tế Hồng Kông tăng trưởng với tốc độ 8,9%/năm. Những năm 80, kinh tế Hồng Kông chuyển dịch nhanh sang một nền kinh tế dịch vụ và hiện nay công nghiệp chỉ còn chiếm 9% nền kinh tế. Khi Hồng Kông đã lớn mạnh để trở thành một trung tâm tài chính, tăng trưởng chậm lại xuống còn 2,7% mỗi năm trong những năm 90.
Năm 2005, tốc độ tăng trưởng GDP của Hồng Kông là 7,3%, đạt 172,6 tỷ USD. GDP bình quân đầu người là 26.092,25 USD. Năm 2008 GDP thực tế là 223,764 tỷ USD, tính theo đầu người là 31.849 USD; tính theo PPP (Purchasing Power Parity) là 215,4 USD = 30.863 USD PPP tính theo đầu người. Nhiều năm liền, GDP Hồng Kông đứng thứ hai ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản, cao hơn cả Singapore và Đài Loan. Theo Báo cáo phát triển con người năm 2009 thì Hồng Kông có chỉ số HDI là 0,944, xếp hạng 24/182 nước.
Năm 2005, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế Hồng Kông tăng 0,9%. Tỷ lệ người thất nghiệp là 5,5%, giảm hơn so với năm 2004 (6,8%). Xuất khẩu đạt 286,3 tỷ USD với các sản phẩm chính là máy móc và thiết bị điện tử, vải sợi, quần áo, giày dép, đồng hồ, đồ chơi, chất dẻo, các loại đá quý, nguyên liệu ngành in sang Trung Quốc 45%, Hoa Kỳ 16,1%, và Nhật Bản 5,3%. Nhập khẩu 291,6 tỷ USD với các sản phẩm chính là nguyên liệu thô và chưa qua tinh chế, hàng tiêu dùng, tài sản vốn, thực phẩm, chất đốt (đa số là tái xuất) từ Trung Quốc 45%, Nhật Bản 11%, Đài Loan 7,2%, Singapore 5,8%, Hoa Kỳ 5,1%, và Hàn Quốc 4,4%.
GDP, HDI Hồng Kông qua các năm
Số liệu của WB và OECD | Số liệu của UNDP (HDR 1990-2010) | ||||
Năm |
GDP (Real) |
GDP |
HDI |
XÕp h¹ng HDI |
HDR |
1960 | 429,51 | ||||
1961 | 483,18 | ||||
1962 | 521,86 | ||||
1963 | 577,35 | ||||
1964 | 649,06 | ||||
1965 | 676,62 | ||||
1966 | 686,23 | ||||
1967 | 721,54 | ||||
1968 | 714,85 | ||||
1969 | 826,69 | ||||
1970 | 959,20 | ||||
1971 | 1.097,25 | ||||
1972 | 1.374,42 | ||||
1973 | 1.891,17 | ||||
1974 | 2.162,80 | ||||
1975 | 2.251,13 | ||||
1976 | 2.849,41 | ||||
1977 | 3.426,47 | ||||
1978 | 3.920,08 | ||||
1979 | 4.563,03 | ||||
1980 | 5.691,82 | ||||
1981 | 5.970,10 | ||||
1982 | 6.115,11 | ||||
1983 | 5.572,16 | ||||
1984 | 6.179,03 | ||||
1985 | 6.512,06 | ||||
1986 | 7.405,32 | ||||
1987 | 9.027,29 | ||||
1988 | 10.590,85 | ||||
1989 | 12.091,13 | ||||
1990 | 13.478,33 | ||||
1991 | 15.443,88 | ||||
1992 | 17.929,85 |
PPP 20.340 Real 5.348 |
0,905 | 24/177 | 1995 |
1993 | 20.328,39 | ||||
1994 | 22.457,91 | ||||
1995 | 23.428,79 | ||||
1996 | 24.701,45 | ||||
1997 | 27.169,71 | ||||
1998 | 25.506,83 | 20,763 | 0,872 | 26/174 | 2000 |
1999 | 24.715,53 | ||||
2000 | 25.374,52 | ||||
2001 | 24.811,67 | ||||
2002 | 24.285,05 | 26.910 | 0,903 | 23/177 | 2004 |
2003 | 23.559,17 | 27.179 | 0,916 | 22/177 | 2005 |
2004 | 24.454,39 | ||||
2005 | 26.092,25 | 34.833 | 0,937 | 21/177 | 2007/2008 |
2006 | 27.698,55 | ||||
2007 | 29.897,77 | 42.306 | 0,944 | 24/182 | 2009 |
2008 | 30.863,26 | 45.090 | 0,862 | 21/169 | 2010 |
2009 | 29.881,81 | ||||
2010 | 31.887,47 | 0,862 | 21/169 | 2010 | |
Nguồn: UNDP (HDR 1990-2010) & WB National Accounts data, and OECD National Accounts data files http://www.indexmundi.com/facts/hong-kong-sar,-china/gdp-per-capita |
Trong thế kỷ XX, Hồng Kông được biết đến là một nền kinh tế quốc tế hóa cao độ, môi trường kinh doanh thuận lợi, thể chế pháp luật kiện toàn, thị trường tự do cạnh tranh, có hệ thống mạng lưới tiền tệ, tài chính, chứng khoán rộng khắp, cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống giao thông, dịch vụ hoàn chỉnh. Báo cáo tình hình đầu tư thế giới năm 2004 của Hội nghị Phát triển và Mậu dịch Liên Hiệp Quốc xem Hồng Kông là hệ thống kinh tế tốt nhất thứ hai của châu Á về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nền kinh tế Hồng Kông là một nền kinh tế thị trường, tư bản chủ nghĩa phát triển, thuế thấp và ít có sự can thiệp phi kinh tế của chính phủ. Đây là một trung tâm tài chính, thương mại quan trọng và là nơi tập trung nhiều công ty lớn của châu Á - Thái Bình Dương. Trên thực tế, Hồng Kông là một hình mẫu của chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh về mặt thực tiễn. Hồng Kông được xếp hạng nhất thế giới về tự do kinh tế trong 13 năm liên tục, kể từ khi có chỉ số này vào năm 1995. Thành phố này cũng nằm ở vị trí thứ nhất trong Báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới. Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông lớn thứ 6 thế giới, với giá trị thị trường khoảng 1.710 tỷ USD. Năm 2006, giá trị các cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng thực hiện ở Hồng Kông xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau thị trường chứng khoán Luân Đôn. Bộ mặt của Hồng Kông trong thế kỷ XX là một kích thích lớn cho sự phát triển của Trung Quốc ngày nay.
Hai thập niên trước thời hạn cho thuê Tân Giới kết thúc, chính phủ Trung Quốc và Anh đã thảo luận vấn đề chủ quyền Hồng Kông. Năm 1984, hai nước đã ký Tuyên bố chung Trung - Anh, đồng ý chuyển chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, theo mô hình “một nước - hai chế độ”. Trong khuôn khổ mô hình này, 50 năm sau khi bàn giao, Hồng Kông sẽ được quản lý như một đặc khu hành chính với quy chế tự trị cao và vẫn giữ nguyên chế độ chính trị cũ, ngoài ngoại giao và quốc phòng. Vào năm 1984 và nhiều năm sau đó, mô hình một nước hai chế độ vẫn là mối hoài nghi của không ít người. Tuy nhiên thực tế không lường trước của thế giới trong những năm cuối thế kỷ XX đã xóa đi mọi hoài nghi. Ngày 1/7/1997 Hồng Kông, trung tâm thương mại tài chính quốc tế, sau hơn nửa thế kỷ do người Anh quản lý, đã trở về Trung Quốc. Sau một thời gian ngắn thích ứng với mô hình một nước hai chế độ, tuy từ đó nền kinh tế của đặc khu này có nảy sinh một số vấn đề nhất định, song Hồng Kông vẫn tiếp tục phát triển và phồn vinh, vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” của người Trung Hoa.
II.2.5. Philipines
Quần đảo Philippines gồm 7.107 hòn đảo với tổng diện tích đất liền gần 300.000 km2, phía đông giáp Biển Philippines, phía tây giáp Biển Đông (Việt Nam) và phía bắc giáp Biển Celebes.
Philippines được chia thành ba miền mang tên ba hòn đảo lớn là Luzon ở phía Bắc đất nước, Visayas ở trung tâm và Mindanao ỏ phía Nam. Ba miền này được chia thành 17 vùng lãnh thổ. Các vùng này có các văn phòng của các bộ ngành trung ương, nhưng không phải là một cấp hành chính. 15 vùng không có chính quyền địa phương. Chỉ 2 vùng là thủ đô Manila và vùng Hồi giáo tự trị Mindanao có chính quyền địa phương.
Philippines là nước duy nhất ở châu Á không chịu ảnh hưởng của Phật giáo. không có hệ tư tưởng hay các truyền thống văn hóa lớn ăn sâu vào xã hội bản địa. Ngày nay, người dân Philippines dường như thiếu một lịch sử phong phú về thời kỳ tiền thuộc địa để tạo cảm hứng văn hóa đặc sắc dân tộc. Cùng với Đông Timor, Philippines là nước châu Á có cộng đồng Kito giáo chiếm đại đa số cư dân và là một trong những nước có mức độ Tây phương hoá cao, một sự hoà trộn rất sâu văn hóa Đông Tây. Philippines là thuộc địa của Tây Ban Nha trong hơn 350 năm và trực tiếp chịu sự quản trị của Hoa Kỳ trong gần 50 năm. Hầu hết diện tích Philippines là nông nghiệp, nhưng nước này lại là nhà xuất khẩu hàng công nghiệp và nhân công. Ngoại hối của người Philippines ở nước ngoài chuyển về chiếm một phần quan trọng trong GDP.
Tên nước này - “Philippines” do một nhà thám hiểm Tây Ban Nha trong chuyến viễn du năm 1543 đặt theo tên nhà vua Philip II của Tây Ban Nha.
Khoảng 50.000 năm trước, người homo sapiens đã có mặt ở quần đảo Philippines. Những dân cư đó được gọi là người Tabon. Ở Thời đại đồ sắt, những người dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo từ vùng Nam Trung Quốc và Đài Loan đã đến định cư tại quần đảo này. Những nhà buôn Trung Quốc đã tới đây từ thế kỷ thứ 8. Ferdinand Magellan, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha lần đầu đặt chân lên quần đảo năm 1521. Ông thân thiện với các thủ lĩnh địa phương và truyền giáo La Mã cho họ. Tuy nhiên, Magellan đã bị giết trong Trận chiến ở Mactan với Lapu-Lapu, một trong những vị thủ lĩnh kiên quyết bảo vệ tôn giáo bản địa. Một trong những chiếc tàu của Magellan, chiếc Victoria, quay trở về Tây Ban Nha mang theo tin tức về vùng đất mới(84). Ngày 27/4/1565, Miguel López de Legazpi và 500 binh sĩ Tây Ban Nha được trang bị vũ khí đã đến Cebu và lập khu định cư đầu tiên của người Tây Ban Nha trên quần đảo này.
Các nhà truyền giáo theo chân binh lính từ hòn đảo này sang hòn đảo khác, để truyền đạo cho thổ dân. Các thủy thủ Tây Ban Nha đã nhanh chóng lập ra các nhà thờ và pháo đài, trong khi vẫn tìm kiếm vàng và các sản vật quý. Công giáo La Mã được truyền bá và phần lớn dân chúng đã chấp nhận. Sự bóc lột hà khắc của người Tây Ban Nha đã khiến các nhóm bộ tộc miền núi ở bắc Luzon và những vùng ven biển nhiều lần nổi dậy. Những người Hồi giáo tiếp tục kháng chiến ở những hòn đảo miền Mindanao. Các nhóm cướp biển người Trung Quốc và các lực lượng khác ở Philippines như Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Đế quốc Anh cũng gây khó khăn cho sự thống trị của người Tây Ban Nha.
Thời kỳ cai trị Philippines của Tây Ban Nha đã bị gián đoạn trong năm 1762, khi quân đội Anh chiếm quần đảo để trả đũa việc Tây Ban Nha tham gia vào cuộc Chiến tranh bảy năm. Hiệp ước Paris 1763 khôi phục lại sự cai trị của người Tây Ban Nha. Quân đội Anh rút năm 1764. Giai đoạn cai trị ngắn của người Anh đã làm Tây Ban Nha suy yếu nhiều về quyền lực.
Năm 1781, Tổng toàn quyền José Basco y Vargas lập ra Hội Kinh tế của những Người bạn của Quốc gia. Những tiến bộ bên ngoài đất nước đã mang lại nhiều tư tưởng mới cho người Philippines. Việc khai trương Kênh đào Suez năm 1869 đã làm giảm thời gian đi lại giữa hai nước. Nhiều thanh niên Philippines đã du học tại châu Âu. Tầng lớp trí thức Philippines xuất hiện.
Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ nổ ra năm 1898. Hòn đảo nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ và được tổ chức như một vùng lãnh thổ Mỹ. Người dân Philippines đã nhiều lần khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của ngoại xâm ngay từ những năm 1896 nhưng không thành công. Lãnh tụ Manuel Luis Quezon (1878-1944) lãnh đạo cuộc kháng chiến giành độc lập và trở thành vị tổng thống đầu tiên (1935-1944) của Khối Thịnh Vượng Philippines nửa độc lập. Cuộc xâm lược bất ngờ của Nhật Bản vào quần đảo này đã gây nhiều tổn thất về sinh mạng cho cả người Mỹ lẫn người Philippines. Nhật Bản lập ra nước Cộng hòa Philippines, nhưng sau khi Mỹ chiếm lại quần đảo năm 1946 thì nước Cộng hòa Philippines mới thật sự mới ra đời. Ngày 4 tháng 7 năm 1946, Philipines được trao độc lập.
Philippines là thành viên sáng lập và tham gia nhiều hoạt động của Liên Hiệp Quốc từ khi tổ chức này được thành lập năm 1945. Là thành viên sáng lập Hiệp hội ASEAN, Philippines cũng là thành viên của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và là nước tham gia tích cực vào Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Do có nhiều liên hệ truyền thống với Mỹ La tinh, Philippines tham gia Liên minh Latinh và Nhóm 24. Thân Mỹ nhưng không tham gia NATO, Philippines còn là một thành viên của Phong trào không liên kết.
Dân số năm 2005 là 86.241.697 người; Philippines là nước đông dân thứ 12 trên thế giới. Manila là thành phố đông dân thứ 11 trên thế giới, vùng thủ đô Manila có số dân lên đến 17 triệu người. Tỷ lệ gia tăng dân số khoảng 1,92%, với 26,3 trẻ em trên 1.000 dân. Sau 100 năm, tính từ cuộc điều tra dân số năm 1903, dân số đã tăng 11 lần.
Văn hoá Philippines dựa trên các truyền thống của nhiều nhóm dân bản địa gồm Tagalogs, Ilokanos, Visayans, Bikolanos và một số nhóm khác. Tuy nhiên, các nhóm này đều bị ảnh hưởng bởi văn hoá Tây Ban Nha, Mỹ và các nền văn hoá khác ở mức độ nhỏ hơn. Ảnh hưởng của Tây Ban Nha, Mỹ và Mỹ La tinh đối với văn hoá Philippines là kết quả của hơn 300 năm Philippines là thuộc địa của Tây Ban Nha, 50 năm là thuộc địa của Mỹ và thường xuyên giao lưu với Mehico.
Người Philippines là duy nhất trong số các cộng đồng châu Á mang tên họ Tây Ban Nha. Nét đặc biệt này là kết quả của một nghị định năm 1849 của chế độ thuộc địa về phân loại họ và áp dụng hệ thống tên họ Tây Ban Nha đối với những người dân ở đây(85). Ngoài việc mang tên họ Tây Ban Nha, ảnh hưởng từ văn hoá Tây Ban Nha còn khá đậm nét trong phong tục, tôn giáo, lễ hội, sinh hoạt và giao tiếp. Ảnh hưởng Trung Hoa trong văn hoá Philippines rõ nhất là ẩm thực và một số tên họ gốc Hoa. Ảnh hưởng văn hoá Mỹ thể hiện ở việc sử dụng rộng rãi tiếng Anh, và sự ưa thích phong cách chính trị Mỹ, chủ nghĩa thực dụng Mỹ và một số loại hình văn hoá hiện đại Mỹ như đồ ăn nhanh, nhạc Mỹ, phim Mỹ và truyền hình Mỹ.
Trước Thế chiến thứ Hai, Philippines từng là quốc gia giàu của châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản. Nhưng sau khi giành độc lập năm 1946, Philippines lại trở thành một trong những nước nghèo nhất trong vùng chủ yếu do các nguyên nhân xã hội và chính trị mà dưới đây chúng tôi sẽ cố gắng mô tả.
Từ năm 1946 đến 1965, Philippines bước vào nền Cộng hoà thứ ba, với 4 đời tổng thống, trăn trở tìm đường dân chủ. Tuy nhiên cũng là thời kỳ đất nước phải đối mặt với tình trạng không yên ổn kinh tế và chính trị. GDP đầu người cao nhất là năm 1961 với 260,03 USD. Những năm sau đó GDP tụt dần đến năm 1964 chỉ còn 172,13 USD. Năm 1965, Ferdinand Marcos được bầu làm Tổng thống. Vị Tổng thống dân cử này lúc đầu cũng được kỳ vọng. Nhưng hoá ra lại là vị Tổng thống chuyên quyền bậc nhất của lịch sử Philippines. Khi mới lên nắm quyền, bàn tay cứng rắn của Marcos đã khiến đất nước có những chuyển biến tích cực về phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và cải thiện các quan hệ quốc tế. Nhưng chỉ đến cuối thập niên 60, các phong trào sinh viên và những cuộc biểu tình chống chính phủ, chống Mỹ đã xuất hiện nhiều và gay gắt. Đời sống dân chúng không được cải thiện. Đất nước chậm phát triển. Những rối loạn trong đời sống thường ngày và tình trạng tham nhũng đã khiến Marcos phải ban bố luật về tình trạng khẩn cấp vào ngày 21/9/1972. Hiến pháp mới sau đó cũng có hiệu lực dù một số điều khoản vẫn bị tranh cãi và chánh án tối cao Roberto Concepcion phải từ chức. Tình hình từ đó ngày một tồi tệ hơn trong những năm cuối của chế độ Marcos, do ông đã kéo dài thời cầm quyền của mình bằng những biện pháp trái luật. Những năm 80, ở Philippines, tình trạng tham nhũng và chế độ chuyên quyền gia đình trị Marcos đã đẩy tình trạng bất đồng và hỗn loạn trong xã hội lên tới cực điểm.
Cuộc bầu cử tổng thống năm 1986 với sự gian lận đã dọn đường để Marcos thắng cử ngày 15/2/1986 và nắm giữ thêm một nhiệm kỳ nữa. Không đồng tình với kết quả này, ngày 22/2/1986 cuộc “Cách mạng Quyền lực Nhân dân” đã nổ ra khi hai đồng minh thân cận của Marcos là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Juan Ponce Enrile và Phó Tư lệnh Quân đội Fidel Ramos đòi Marcos phải từ chức. Maria Corazon Cojuangco Aquino (1933-2009), người đã cùng tranh cử với Marcos, vợ thượng nghị sỹ Benigno Aquino(86), trở thành tâm điểm thu hút sức mạnh đoàn kết chống Marcos trong cuộc “Cách mạng Quyền lực Nhân dân”. Và bà đã tuyên thệ nhậm chức trở thành Tổng thống thứ 11 của Philippines ngày 25/2/1986 sau cuộc bầu cử đầy những tình huống gay cấn. Cũng ngày 25/2/1986, Marcos và gia đình chạy tới Hawaii tỵ nạn.
Cách lên cầm quyền không đổ máu thông qua cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân của Aquino đã khiến cộng đồng quốc tế coi bà là một thần tượng dân chủ. Bà được Tạp chí Time chọn là Nhân vật của năm 1986. Bà cũng được đề cử Giải Nobel Hòa bình (nhưng không được giải). Tháng 9/1986, bài phát biểu của Aquino trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ được coi là "Diễn văn hay nhất trong 34 năm Quốc hội Mỹ” kể từ 1986 trở về trước.
Là một nhà hoạt động dân chủ, hòa bình, nữ quyền, và mộ đạo nổi tiếng ở tầm thế giới, bà Aquino giữ chức vụ tổng thống từ năm 1986 đến năm 1992. Bà là nữ tổng thống đầu tiên của cả châu Á.
Để dọn dẹp những vấn đề của chế độ chuyên quyền trước đó, bà Aquino tuyên bố chính quyền của mình là “Chính quyền cách mạng”. Tháng 2 năm 1987, Hiến pháp Philippines được thông qua bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 22/7/1987, chính quyền Aquino đưa ra Công bố số 131 và Chỉ thị Hành pháp số 229, phác ra những nét chính về chương trình cải cách ruộng đất. Chính sách cải cách ruộng đất của bà được Quốc hội thứ 8 thông qua năm 1988 và trở thành Luật số 6657 "Luật Cải cách ruộng đất toàn diện" (CARP). Đạo luật cho phép chính phủ chia đất cho nông dân từ đất của địa chủ. Các địa chủ được chính phủ trả tiền bồi thường thích đáng và chỉ được phép sở hữu không quá 5 ha đất. Đạo luật này cũng ép buộc các nhà tư bản tự nguyện tước bỏ một phần cổ phần, tài sản hay lợi tức của mình. Về sau, người ta gọi là đạo luật này "một sự sung công theo kiểu cách mạng".
Ngoài luật về cải cách ruộng đất, chính quyền Aquino còn ban bố các bộ luật mới mang tính cải cách về gia đình, về chế độ dân sự, về cơ cấu và quyền hạn của chính quyền địa phương, về các thủ tục hành chính v.v. nhằm giải quyết những mâu thuẫn xã hội, đưa chế độ dân chủ trở lại, và nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Công bằng mà nói, chính phủ thiên tả được lòng dân của bà Aquino đã không đủ điều kiện để thực hiện được mong muốn của mình. Tình trạng tham nhũng, nghèo đói và bất ổn trong đời sống kinh tế cùng với hoạt động của các nhóm nổi loạn và phong trào ly khai Hồi giáo tiếp tục ngăn cản sự phát triển của đất nước Philippines. Ngoài ra, thời bà Aquino cầm quyền, Philippines đã gặp một vài thiên tai lớn và một cuộc khủng hoảng điện lực khá trầm trọng.
Từ 1986 đến 1989, chính quyền Aquino đã phải đối đầu với 7 cuộc đảo chính không thành, trong đó có 2 cuộc đảo chính dẫn đến đổ máu (8/1987 và 1/1989); mỗi cuộc đảo chính đều có vài chục người bị chết và hàng trăm người bị thương. Hầu hết các âm mưu đều là của Phong trào cải cách lực lượng vũ trang (RAM) gồm một nhóm sĩ quan có quan hệ gần gũi với Bộ trưởng Quốc phòng và các quân nhân trung thành với gia đình cựu Tổng thống Marcos.
Năm 1986, khi bà Aquino lên nắm quyền, GDP đầu người của Philippines là 528,87 USD. Sáu năm liền liên tục có tăng trưởng tương đối cao, đến năm 1992, khi bà rời ghế Tổng thống, GDP đầu người Philippines là 809,70 USD, gần đạt ngưỡng thu nhập trung bình theo tiêu chuẩn của WB. Dưới thời Aquino, xã hội tương đối dân chủ; phụ nữ, trẻ em và người nghèo được quan tâm; các phúc lợi xã hội khác cũng được chú ý; quan hệ quốc tế tích cực v.v. Cũng dưới thời chính phủ Aquino, Mỹ bắt đầu rút khỏi các căn cứ quân sự tại Philippines.
Fidel Ramos là vị Tổng thống kế tiếp bà Aquino trong chính trường Philippines. Từ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong những năm 1986-1991, ông Ramos trở thành vị Tổng thống thứ 12 của Philippines với số phiếu chênh lệch không không nhiều (dưới một triệu phiếu), trong khi dân chúng và quốc hội nghi ngờ khả năng lãnh đạo của ông, đặc biệt về mặt kinh tế. Tuy nhiên, bằng những hứa hẹn mạo hiểm thúc đẩy cải cách kinh tế, cải tổ chế độ thuế, tự do hoá ngành viễn thông và ngân hàng, những ngành từ lâu do giới tài phiệt thống trị v.v. Ramos đã đắc cử. Trong thời gian 6 năm tại vị (1992-1998), Philippines bước vào một thời kỳ ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, do có các chính sách và các chương trình phát triển được thiết kế hợp lý; đời sống xã hội có những thay đổi tích cực theo hướng hòa giải và thống nhất dân tộc, làm khởi sắc xã hội Philippines.
Ramos đã chủ động ký các thỏa thuận hòa bình với người Hồi giáo ly khai, với những người cộng sản và với phe quân sự nổi dậy. Ông cũng tích cực bãi bỏ các quy định phi lý trong nền công nghiệp và tư nhân hoá tài sản xấu của chính phủ.
Dưới thời Ramos, Philippines là nơi thu hút đầu tư nước ngoài lớn. Trong những năm 90, Philippines là nhà tiên phong trong các công trình kinh tế xây dựng theo phương thức BOT. Chính phủ chủ động mời tư nhân tham gia xây dựng các dự án lớn về hạ tầng xã hội và chuyển giao cho chính phủ sau một thời gian hoạt động. Các giao dịch chứng khoán ở Philippines giữa thập niên 1990 là một trong những nơi tốt nhất thế giới. Du lịch cũng có bước tiến lớn so với thời truớc. Philippines cũng là một trong những nước đã khởi đầu Hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 4 đã được tổ chức ở Subic, Philipines vào tháng 11 năm 1996.
GDP Philippines trong thời kỳ Ramos tăng nhanh đáng kể, từ 710,47 USD đầu người năm 1991 đến năm 1994 đã vượt quá 1.000 USD đầu người năm, mức khởi điểm của thu nhập trung bình. Đến năm 1996 GDP Philippines đạt 1.157,76 USD đầu người năm, mức mà sau đó nhiều năm liền Philippines không duy trì được.
Với những tiến bộ thực tế của đất nước dưới thời mình, Tổng thống Fidel Ramos đã đạt được tín nhiệm đáng kể trong nước và cả trên trường quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà đầu những năm 90, Philippines được nhiều nhà nghiên cứu và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá sẽ là con hổ tiếp theo của châu Á. Trong những năm cuối cùng của nhiệm kỳ, Ramos đã cố gắng để sửa đổi Hiến pháp 1987, nhằm mở đường cho đất nước phát triển nhanh hơn.
Tuy vậy, các đối thủ chính trị vẫn đổ lỗi cho ông về sự suy giảm của nền kinh tế khi khủng hoảng tài chính châu Á xuất hiện. Các nhóm cánh tả chỉ trích những cải cách kinh tế của Ramos như bãi bỏ quy định hạn chế sở hữu, tư nhân hóa nền kinh tế và tự do hóa thương mại v.v. là có hại. Các đối thủ chính trị của ông tuyên bố rằng sự tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ của ông là giả tạo. Ngoài ra, Ramos còn bị cáo buộc vi phạm nhân quyền khi là chỉ huy Sở mật vụ Cảnh sát quốc gia dưới thời Marcos. Và, giống như tất cả các tổng thống ở Philippines, Ramos cũng bị cáo buộc tham nhũng.
Sau Fidel Ramos, Tổng thống Philippines là Joseph Estrada. Từ một ngôi sao điện ảnh được đông đảo người nghèo hâm mộ qua hàng trăm bộ phim chuyên đóng vai người hùng cứu nạn chiến đấu chống lại những chủ đất tham lam, những băng nhóm tội ác, những cảnh sát tham nhũng và những chính trị gia dối trá, Joseph Estrada giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1998, với tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines.
Những năm 1997-1998, châu Á đã lún sâu vào khủng hoảng tài chính. Trong cuộc khủng hoảng này, nền kinh tế Philippines bị ảnh hưởng lớn. Lúc đó nợ nước ngoài của Philippines là 39,4 tỷ USD; dự trữ ngoại tệ chỉ còn 8,3 tỷ USD. Tình trạng trầm trọng hơn vì giá cả tăng cao, lạm phát, và thiên tai. Tăng trưởng kinh tế giảm từ 5% năm 1997 xuống 0,6% năm 1998. Phục hồi kinh tế tuy diễn ra khá nhanh: tăng trưởng khoảng 3% năm 1999 và 4% năm 2000, chính phủ cũng đã hứa hẹn cải cách kinh tế để đạt mức tăng trưởng tương đương với các nước NICs Đông Á, nhưng những nỗ lực nhằm cải thiện kinh tế đã bị chặn lại bởi một khoản nợ công lên đến 77% GDP. Ngân sách cho các khoản nợ còn cao hơn ngân sách cho giáo dục và quốc phòng cộng lại. Nguồn thu thất thường cũng là một vấn đề nghiêm trọng với Philippines.
Làm Tổng thống chưa được 2 năm, Estrada bị buộc tội tham nhũng. Tháng 10/2001, ông bị Tòa án tối cao Philippines xét xử về các tội tham nhũng, rửa tiền và cản trở công lý với cáo trạng biển thủ số tiền lên đến 4 tỉ peso (81 triệu USD). Ngày 21/5/2001, hàng ngàn người ủng hộ Estrada đã diễu hành trước dinh tổng thống. Chỉ trong vài ngày, tình trạng bạo loạn và phong trào EDSA III (phong trào “Sức mạnh của dân nghèo”(87)) đã làm khuynh đảo đất nước, đe doạ sự tồn tại của chính phủ kế nhiệm Arroyo. Nỗ lực này cuối cùng không thành công. Phiên tòa kéo dài suốt 6 năm. Đến 2007, Estrada bị kết án chung thân. Estrada đã phủ nhận tất cả những gì tòa án luận tội. Cũng năm 2007, ông được ân xá và được trả tự do sau 6 năm rưỡi bị giam giữ.
Sau Estrada, vị nữ Tổng thống thứ hai của Philippines là Gloria Macapagal-Arroyo chấp chính (2001-2010). Sự kiện Arroyo kế nhiệm tổng thống, một lần nữa chia cắt đất nước Philippines thành hai phe, một phe ủng hộ Tổng thống đương nhiệm và phe kia đứng về phía người mãn nhiệm.
Cũng giống như các Tổng thống trước đó, suốt trong nhiệm kỳ đầu, những cáo buộc về tính hợp pháp của chức vụ tổng thống luôn đeo đuổi Arroyo. Thách thức lớn nhất đối với Arroyo cũng giống như thách thức với hầu hết các đời Tổng thống là đòi hỏi cải cách chính quyền luôn bị xem là thối nát, tham nhũng và thiếu trách nhiệm. Khó khăn xuất hiện khắp nơi khi nền kinh tế còn nhiều yếu kém, đông đảo người nghèo luôn cảm thấy bị bỏ rơi, và những người thuộc phe đối lập, các phiến quân v.v. sẵn sàng chụp lấy bất cứ cơ hội nào để làm đảo chính, hay ít nhất là phá hoại quyền lãnh đạo của chính quyền đương nhiệm. Các lực lượng chính trị luôn có mặt đúng lúc trong các sự kiện chính trị ở Philippines là nhà thờ Cơ đốc giáo, các sĩ quan cao cấp trong quân đội và tầng lớp thượng lưu.
Và từ năm 2010, Tổng thống đương nhiệm của Philippines là Benigno Simeon "Noynoy" Cojuangco Aquino III, con trai của Nữ cựu Tổng thống Corazon Aquino, người với những phẩm cách cá nhân tốt đẹp lại có vốn liếng chính trị khá phong phú, đang được kỳ vọng sẽ đưa Philippines tránh được những cạm bẫy để cất cánh trên con đường phát triển.
GDP, HDI Philippines qua các năm
Số liệu của WB và OECD | Số liệu của UNDP (HDR 1990-2010) | ||||
Năm |
GDP (Real) |
GDP |
HDI |
Xếp hạng HDI |
HDR |
1960 | 247,06 | ||||
1961 | 260,03 | ||||
1962 | 152,83 | ||||
1963 | 164,17 | ||||
1964 | 172,13 | ||||
1965 | 183,22 | ||||
1966 | 195,84 | ||||
1967 | 203,16 | ||||
1968 | 219,95 | ||||
1969 | 236,64 | ||||
1970 | 182,87 | ||||
1971 | 196,92 | ||||
1972 | 207,20 | ||||
1973 | 253,42 | ||||
1974 | 336,93 | ||||
1975 | 354,29 | ||||
1976 | 395,81 | ||||
1977 | 442,74 | ||||
1978 | 498,09 | ||||
1979 | 587,28 | ||||
1980 | 674,48 | ||||
1981 | 721,11 | ||||
1982 | 731,24 | ||||
1983 | 636,48 | ||||
1984 | 586,01 | ||||
1985 | 558,48 | ||||
1986 | 528,78 | ||||
1987 | 572,78 | ||||
1988 | 637,38 | ||||
1989 | 698,75 | ||||
1990 | 709,81 | ||||
1991 | 710,47 | ||||
1992 | 809,70 | 2.550 | 0,667 | 100/174 | 1995 |
1993 | 812,30 | ||||
1994 | 936,32 | ||||
1995 | 1.059,38 | ||||
1996 | 1.158,76 | ||||
1997 | 1.127,40 | ||||
1998 | 873,76 | 3.555 | 0,774 | 77/174 | 2000 |
1999 | 1.000,25 | ||||
2000 | 977,13 | ||||
2001 | 898,74 | ||||
2002 | 950,80 | 4.170 | 0,753 | 83/177 | 2004 |
2003 | 967,08 | 4.321 | 0,758 | 84/177 | 2005 |
2004 | 1.035,98 | ||||
2005 | 1,155,89 | 5.137 | 0,771 | 90/177 | 2007/2008 |
2006 | 1.349,43 | ||||
2007 | 1.623,91 | 3.406 | 0,751 | 105/182 | 2009 |
2008 | 1.843,95 |
PPP 4.002 Real 1.847 |
0,638 | 97/169 | 2010 |
2009 | 1.752,45 | ||||
2010 | 2.131,98 | 2010 | |||
Nguån: UNDP (HDR 1990-2010) & WB national accounts data, and OECD National Accounts data files. http://www.indexmundi.com/facts/philippines/gdp-per-capita |
Với tất cả những gì đã diễn ra trong lịch sử Philippines, có thể nhận định về mô hình phát triển của đất nước này rằng, xã hội Philipines từ sau chế độ Marcos đã hình thành một vết trượt mà đến nay, chính xác hơn là đến nhiệm kỳ của bà Arroyo, chưa có chính phủ nào tránh được. Đó là sự đối đầu giữa các lực lượng xã hội đã bị phân hoá sâu sắc: một bên là đông đảo người nghèo, không có hay ít có cơ hội trở thành giàu có(88); một bên là tầng lớp thượng lưu - gồm những người giàu, các sĩ quan cao cấp trong quân đội luôn có hai phe - một ủng hộ người đương nhiệm và một ủng hộ người tiền nhiệm, tầng lớp giáo sỹ ủng hộ người nghèo và một số ủng hộ tầng lớp thượng lưu. Trong chính phủ luôn có những người tham nhũng, thiếu trách nhiệm và các nhóm quyền lực có lợi ích cục bộ. Chính phủ luôn bị coi là yếu kém, không thực thi được các sứ mệnh đặt ra, bị chi phối bởi các nhóm lợi ích kiểu tư bản thân hữu (Crony Capitalism(89)) và luôn rình rập nguy cơ đảo chính. Quan chức chính phủ nơm nớp tình trạng nghi kỵ. Lòng tin của dân chúng vào chính phủ không nhiều.
Có thể hiểu được tại sao một đất nước được tin tưởng là đang cất cánh vào đầu những năm 90, lại bị chững lại khoảng hơn 10 năm và đến nay nền kinh tế vẫn tăng truởng chậm với mức GDP đầu người dưới 2.000 USD.
II.2.6. Thái Lan
Từ 4.500 năm trước, người Thái vùng núi đông bắc Tứ Xuyên, Trung Quốc đã di cư dần xuống phía nam và dần dần đã định cư ở vùng đất hiện nay là Thái Lan. Năm 1238, Vương quốc của người Thái được thành lập tại Sukhothai, bắc Thái Lan, sau đó mở rộng dần xuống phía Nam. Năm 1350 kinh đô của người Thái di chuyển xuống Ayuthaya ở phía bắc Bangkok. Hơn 400 năm sau đó, những cuộc chiến tranh liên miên với người Myanmar khiến kinh đô Ayuthaya bị huỷ diệt. Năm 1767, tướng Taksin, khởi binh giành lại độc lập, lên ngôi, và dời đô về Thonburi, bên bờ sông Chao Phraya, đối diện với Bangkok. Từ năm 1782, Bangkok mới trở thành kinh đô của Thái Lan khi nhà vua Rama I lên ngôi .
Trước năm 1932, Thái Lan theo chế độ Quân chủ chuyên chế. Ngày 10/12/1932 nhà vua Prachadhipok (Rama VII) đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên và Thái Lan từ đó theo chế độ quân chủ lập hiến. Hơn 70 năm qua Thái Lan đã 16 lần thay đổi hiến pháp, nhưng tinh thần Hiến pháp ngày nay chủ yếu vẫn dựa trên cơ sở Hiến pháp 1932. Hiện nay vua Thái Lan là Bhumibol Adulyadej, lên ngôi từ năm 1946. Đây là vị nguyên thủ quốc gia tại vị lâu nhất trên thế giới và vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Thái Lan. Theo Hiến pháp, vua Thái Lan là nguyên thủ, tổng tư lệnh quân đội và nhà lãnh đạo tinh thần của đất nước.
Thái Lan có diện tích 513.000 km2, lớn thứ 50 trên thế giới. Dân số tính đến năm 2006 là 65,44 triệu người, trong đó người Thái chiếm 75%, người Hoa 14%, các dân tộc khác như người Malay, người Môn, Khmer v.v. chiếm khoảng 11%. Ở Thái Lan có khoảng hơn 2 triệu người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp. Phật giáo phái Nam tông được coi là là quốc đạo, chiếm khoảng 94,7% dân số. Ngoài ra Thái Lan còn có Đạo Hồi (4%), Kito giáo và các tôn giáo khác (1%). Ngôn ngữ chính thức là tiếng Thái. Văn hóa Thái Lan trước đây chịu ảnh hưởng chủ yếu từ Ấn Độ và Trung Hoa; ngày nay sự tiếp biến văn hoá Nam Á và Đông Nam Á đã khiến Thái Lan có bản sắc văn hóa khá độc đáo và rõ nét. Thái Lan có những địa danh du lịch nổi tiếng thế giới như Pattaya, Bangkok, Phuket v.v.
Thái Lan là một nước nông nghiệp truyền thống. Từ 1965 đến nay, Thái Lan đã vượt qua Myanmar trở thanh nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Mỗi năm Thái Lan xuất ra thị trường thế giới khoảng 8-10 triệu tấn; năm 2010 là 9 triệu tấn. Hiện Thái Lan là nhà sản xuất chính, cũng là quốc gia có khả năng tiết chế giá gạo toàn cầu do trữ lượng gạo khá lớn của mình. Tuy nhiên gần đây chính phủ Thái Lan đang chủ trương từ bỏ vị trí là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới do áp lực của giá gạo(90) và những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Đây là một quyết định có ảnh hưởng không chỉ đối với Thái Lan mà còn đối với tình trạng lương thực toàn cầu.
Cũng như các nước Đông Á thân Mỹ khác, từ những năm 70, Thái Lan đã chú ý phát triển công nghiệp và thực hiện chính sách “hướng vào xuất khẩu”. ASEAN, Mỹ, Nhật Bản và EC là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan lúc đó. Ngành công nghiệp và dịch vụ đã dần dần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Từ năm 1988 đến năm 1996, kinh tế Thái Lan liên tục tăng trưởng cao với tốc độ 9,4%/ năm do các ngành sản xuất công nghiệp phát triển. Các ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh là sản xuất ô tô, máy tính, đồ điện tử, may mặc, đồ da, đồ gỗ, các sản phẩm gỗ, thực phẩm đóng hộp, đồ chơi, các sản phẩm chất dẻo, đá quý và đồ trang sức. Các yếu tố mang lại thành công kinh tế cho đến năm 1997 được thừa nhận là nguồn tài nguyên thiên nhiên (chủ yếu cho nông nghiệp và du lịch), lực lượng lao động rẻ, chủ nghĩa bảo thủ tài chính, các chính sách đầu tư nước ngoài cởi mở và sự khuyến khích kinh tế tư nhân. Nền kinh tế Thái Lan được coi là tương đối tự do. Nhà nước chỉ nắm giữ một số dịch vụ nhất định thuộc sở hữu nhà nước và do nhà nước vận hành như điện, giao thông vận tải v.v. Sau khủng hoảng tài chính, việc tư hữu hóa các lĩnh vực này cũng đã được chú ý hơn.
Khủng hoảng tài chính 1997-1998 bắt đầu từ Thái Lan. Năm 1996, nợ tài chính của khu vực tư nhân Thái Lan đã lên đến 140,9% GDP. Giai đoạn 1990-1995 ở Thái Lan, các khoản cho vay bất động sản của những công ty tài chính tăng 41%/năm, trong khi tổng tín dụng chỉ tăng 33%/năm. Tháng 7/1997, các đợt tấn công vào đồng Baht đã làm chính phủ phải sử dụng dự trữ ngoại tệ để giữ giá đồng tiền của mình. Khi dự trữ ngoại tệ gần cạn kiệt, Thái Lan buộc phải thả nổi tỷ giá. Khủng hoảng nhanh chóng lan ra làm đồng nội tệ của Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippines đều chịu sức ép. Việc phá giá đồng nội tệ ở các nước này cùng với lãi suất gia tăng đã làm nhiều doanh nghiệp trước đây vay nợ bằng ngoại tệ không còn khả năng chi trả. Khó khăn của doanh nghiệp nhanh chóng trở thành khó khăn của các tổ chức tài chính và khủng hoảng ngân hàng xảy ra. Riêng trong năm 1997, hơn 20 tỷ USD ròng được đưa ra khỏi Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippines; trong khi trước đó một năm hơn 60 tỷ USD đi theo chiều ngược lại. Việc đột ngột rút các nguồn vốn nước ngoài khiến nền kinh tế này lộ ra những “bong bóng xà phòng”. Thái Lan sụp đổ kéo theo các nền kinh tế ở Đông Nam Á, rồi Đông Á và thế giới rúng động. Giữa “thanh thiên bạch nhật”, không có chiến tranh, không có thiên tai, không có các kẻ thù hữu hình truyền thống khác, mà Thái Lan thiệt hại khoảng 80 tỷ USD, đồng Baht Thái Lan mất giá 44% (tính từ 7/1997 đến 6/3/1998; tương tự, đồng Rupiah Indonesia mất giá 79%, đồng Ringgit Malaysia mất giá 38%, đồng Peso Philippines mất giá 33%).
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 đã làm gục ngã “con hổ tương lai” Thái Lan. Những năm 96-98 tăng trưởng kinh tế Thái Lan giảm sút. Năm 1996, tăng trưởng kinh tế chỉ còn 5,9%. Tỷ giá đồng Baht tháng 1/1998 là 53 Baht/1USD (trong khi năm 1995 là 25,3/1USD). Mức tăng GDP năm 1998 là -10,5%. Nợ nước ngoài khoảng 87 tỷ USD. Các ngành sản xuất mũi nhọn như công nghiệp ô tô, dệt, điện tử suy giảm nghiêm trọng. Thất nghiệp gia tăng: tính đến tháng 3/1998 2,8 triệu người thất nghiệp, chiếm 8,8% lực lượng lao động.
Tỷ giá đồng Baht 1980-1998 | |
Năm | Tỷ giá so với USD |
1980 | 20,47 Baht |
1985 | 27,15 Baht |
1990 | 25,58 Baht |
1995 | 24,91 Baht |
1998 | 53, 06 Baht |
Từ năm 1999, kinh tế Thái Lan bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Năm 2000, tăng trưởng đạt 4,3 %. Tháng 2/2001, ông Thaksin Shinawatra nắm quyền Thủ tướng. Với mục đích kích cầu nội địa và giảm sự phụ thuộc vào ngoại thương và đầu tư, Chính quyền thực thi chính sách kinh tế “nước đôi” kết hợp kích thích nội địa với xúc tiến các thị trường mở và đầu tư nước ngoài. Các chính sách được biết đến với tên gọi là kinh tế học Thaksin (Thaksinomics). Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm 2001 chỉ là 1,9% . Tác dụng của kích cầu nội địa và phục hồi xuất khẩu mãi đến năm 2002 mới giúp Thái Lan có tốc độ tăng GDP đến 5,3% và năm 2003 là 6,3%. Từ năm 2000 đến nay, thu từ du lịch chiếm 7,7% GDP, tạo việc làm cho khoảng 3,3 triệu người. Giai đoạn từ 2002 đến 2004, kinh tế tăng trưởng 5-7%/năm. Năm 2005, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 9,3%, công nghiệp 45,1%, dịch vụ 45,6%. Năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt là 5,1%. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 150 tỷ USD.
Nhưng đến năm 2007, kinh tế Thái Lan lại bị ảnh hưởng mạnh do sự bất ổn về chính trị. Một năm trước đó đảo chính quân sự đã nổ ra khiến Thủ tướng Thaksin phải mất chức và sống lưu vong. Đây là cuộc đảo chính nằm trong logic chính trị thường trực của Thái Lan. Vì từ khi nền quân chủ bị lật đổ năm 1932 đến năm 2006 khi Thaksin hết đường trở về nước, Thái Lan đã chứng kiến ít nhất 17 cuộc đảo chính, trong đó 10 cuộc đảo chính thành công. Từ năm 2007, hàng loạt các cuộc biểu tình của các bên “áo vàng”, “áo đỏ” liên tục được tổ chức. “Gần 4 năm sau khi Thaksin mất chức, thế giới mới thấy rõ và thấy hết sự kỳ quái của nền dân chủ Thái. Chính xác hơn thì, đó không phải là dân chủ mà là một sản phẩm lai căng giữa dân chủ, quân chủ và vô chủ. Thấu hiểu sự hỗn loạn hiện nay ở Thái Lan phải thấu hiểu sự pha trộn đặc trưng ấy v.v. Trong suốt giai đoạn hậu Thaksin gần 4 năm qua, ổn định chỉ là thời kỳ nghỉ ngơi chờ hỗn loạn. Khi những người được gọi là nhân dân không tìm được thỏa hiệp nơi nghị trường thì họ phải tìm nó trên đường phố. Nền chính trị Thái Lan được gọi là nền dân chủ đường phố v.v. Gần 4 năm với một cuộc đảo chính, 6 thủ tướng liên tiếp và bất ổn xã hội lan rộng, nhiều người đã đổ hết những hỗn loạn ấy ở Thái Lan lên đầu hai chữ “dân chủ”. Nhưng nền dân chủ không có lỗi cho những hỗn loạn hiện nay, lỗi lại nằm ở chính điều ngược lại”(91).
Ngày 5/8/2011, bà Yingluck Shinawatra, nghị sĩ đảng Pheu Thai, em gái Thaksin, với 296 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 197 phiếu trắng đã đắc cử chức Thủ tướng thứ 28 và là nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử xứ chùa Vàng. Với nữ Thủ tướng Yingluck, người Thái đang hy vọng, tình trạng chia rẽ và phân cực sâu sắc trong xã hội sẽ sớm có giải pháp dứt điểm.
Dù giấc mơ hoá rồng đã tạm xa vời, nhưng kinh tế Thái Lan mấy năm nay vẫn có những dấu hiệu tích cực. Năm 2003 GDP đầu người năm đã vượt quá mốc 2.000 USD; năm 2006 vượt qua mốc 3.000 USD và năm 2008 vượt quá mốc 4.000 USD. Với các nước đang phát triển, nhiều người thích nghe con số GDP đầu người theo sức mua ngang giá (PPP); với cách tính này người ta thường nhắc đến con số 8.001 USD chứ không phải 4.043 USD của Thái Lan năm 2008.
GDP, HDI Thái Lan qua các năm
Số liệu của WB và OECD |
Số liệu của UNDP (HDR 1990-2010) |
||||
Năm | GDP (Real) | GDP | HDI | Xếp hạng HDI | HDR |
1960 | 99,88 | ||||
1961 | 106,46 | ||||
1962 | 112,60 | ||||
1963 | 116,84 | ||||
1964 | 124,50 | ||||
1965 | 136,32 | ||||
1966 | 159,16 | ||||
1967 | 165,05 | ||||
1968 | 172,93 | ||||
1969 | 185,08 | ||||
1970 | 190,57 | ||||
1971 | 193,07 | ||||
1972 | 208,56 | ||||
1973 | 269,47 | ||||
1974 | 332,35 | ||||
1975 | 352,37 | ||||
1976 | 392,87 | ||||
1977 | 447,25 | ||||
1978 | 530,91 | ||||
1979 | 592,10 | ||||
1980 | 684,53 | ||||
1981 | 721,00 |