Xem phim “Tử Cấm Thành - bản di chúc của một bạo chúa ”
Xem Video: Cố Cung (Tử Cấm Thành) ở Bắc Kinh
Đọc bài “Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long xây dựng Bắc Kinh ”
NGUYỄN AN (阮安) sinh năm Tân Dậu (1381), quê vùng Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng và có biệt tài về kiến trúc. Năm 1397, khi chưa đầy 16 tuổi, ông đã có mặt trong các hiệp thợ xây dựng các công trình kiến trúc tuyệt tác trong cung điện nhà Trần (dưới triều vua Trần Thuận Tông).
Theo Minh sử, tháng 12 năm Bính Tuất (1406), tướng nhà Minh là Trương Phụ đem quân sang An Nam với danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ" (giúp nhà Trần đánh nhà Hồ). Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Người Minh vào Đông Đô bắt cướp con gái, ngọc lụa… Chúng thiến hoạn nhiều con trai nhỏ tuổi và thu lấy tiền đồng ở các xứ, cho chạy trạm đưa về Kim Lăng”… Trương Phụ bắt Hồ Quý Ly (thượng hoàng) và Hồ Hán Thương (con trai thứ được truyền ngôi) đưa về đày ở Quảng Tây.
Tháng 7 năm Đinh Hợi (1407), Trương Phụ sai tuyển chọn 9.000 người tài có học vấn cao và 7.700 thợ giỏi đưa về Trung Quốc để xây dựng kinh đô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Người Minh lùng tìm những người ẩn dật rừng núi, có tài đức, thông minh, giỏi giang xuất chúng… lục tục đưa dần về Kim Lăng…”.
Trong số đó có một vài người tài nổi bật như Hồ Nguyên Trừng, Phạm Hoành, Vương Cẩn và Nguyễn An
Hồ Nguyên Trừng là con trai cả của Hồ Quý Ly, là một thiên tài kỹ thuật quân sự, ông đã sáng tạo nên súng thần cơ mà vua Minh đã dùng để chống quân Mông Cổ và phong cho ông chức Thượng thư bộ Công và coi ông là Ông tổ của súng thần công Trung Quốc. Hồ Nguyên Trừng còn là một tác giả văn học, để lại cho đời tác phẩm đặc sắc Nam Ông mộng lục.
Phạm Hoằng là người chủ trì việc xây dựng ngôi chùa lớn Vĩnh An Tự ở tây nam Bắc Kinh với kinh phí 70 vạn lạng bạc. Ông phục vụ mấy đời hoàng đế, được hết thảy các vua đều sủng ái. Hoàng đế Anh Tông nhà Minh tặng ông biệt danh "Bồng Lai Cát Sĩ".
Vương Cẩn (còn có tên Trần Vũ) là thái giám giả bị phát hiện nhưng nhờ tài giỏi mà vua miễn tội chết, còn ban cho cung nữ và nhiều vàng bạc.
Nguyễn An nổi tiếng là người giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc lại cương trực, liêm khiết hiếm thấy. Ông sống qua 5 triều vua nhà Minh: Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và Cảnh Tông.
Năm 1403, Hoàng đế thứ ba của nhà Minh là Chu Đệ, (hay Lệ, 朱棣,1360-1424), miếu hiệu là Minh Thành Tổ (明永樂, 1402-1424), con trai thứ tư của Chu Nguyên Chương, sau khi giết cháu ruột là Minh Huệ Đế để giành ngôi, đã quyết định dời đô từ Kim Lăng (sau đổi thành Nam Kinh) về Bắc Bình (là kinh đô cũ của nhà Nguyên) và đổi tên thành Bắc Kinh. Năm 1404 vua Thành Tổ quyết định xây dựng Tử cấm thành (nay gọi là Cố cung). Nghe tiếng Nguyễn An là người có tài kiến trúc lại cương trực và liêm khiết, nhà vua giao cho ông trọng trách "Tổng đốc công” xây dựng công trình. Đến năm 1420 (sau 17 năm) thì hoàn thành.
Nhưng một năm sau, 1421, ở Bắc Kinh có hỏa hoạn lớn, ba điện lớn là Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân (đến đời Thanh đổi tên là Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hòa) và hai cung Càn Thanh, Khôn Ninh bị cháy rụi. Năm 1437 vua Minh giao cho bộ công xây dựng lại. Viên công bộ thị lang là Thái Tin xin 18 vạn dân phu biết nghề "và tốn phí về vật liệu không biết bao nhiêu mà kể". Năm 1440 vua Minh Anh Tông (niên hiệu Chính Thống) giao cho Nguyễn An 7 vạn thợ để trùng tu ba điện và hai cung này. Sách Chính Thống thực lục ghi: "Ngày 10 tháng 2 năm Chính Thống thứ sáu (1441) hai cung ba điện xây dựng hoàn thành". Như vậy, Nguyễn An đã trùng tu hai cung ba điện chỉ trong vòng hơn một năm. Vua ban thưởng cho ông 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấm lụa và 1 vạn quan tiền.
Tử Cấm Thành (紫禁城, sau năm 1949, được đổi thành Viện bảo tàng Cố Cung 故宮), do Nguyễn An chỉ huy xây dựng và tái thiết, có diện tích 72 vạn m², gồm 800 cung và 8.886 phòng. Nguyễn An thiết kế Tử Cấm Thành gồm một vòng thành hình chữ nhật bao quanh cả kinh thành. Toàn thành có 9 cổng, có 3 lớp vòng thành (tam trùng thành quách). So với Nam Kinh và các kinh thành Trung Quốc trước đó, Tử Cấm Thành có hai điểm mới: Thứ nhất, Tử Cấm Thành có hình chữ nhật trong khi các kinh thành trước đó thiết kế theo nguyên tắc "tiền triều, hậu thị" (cung điện triều đình phía trước, chợ búa phía sau), đều có hình vuông. Thứ hai, Tử Cấm Thành có 3 lớp vòng thành trong khi các kinh thành Trung Quốc từ thời Ân Thương đến Kim Lăng (Nam Kinh đầu triều Minh) đều được xây bọc quanh bằng 1 hoặc 2 lớp vòng thành. Hai sự thay đổi này được đánh giá là do người vẽ kiểu (Nguyễn An) chịu ảnh hưởng của kiến trúc Việt Nam (từ thành Cổ Loa đã có 3 vòng thành) [Lê Thanh Hoa].
Tháng tư năm 1442, vua Anh Tông giao cho đội quân xây dựng của Nguyễn An gồm 7 vạn quan binh, thợ thủ công tiếp tục xây Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công, phủ Tôn Nhân, Hồng Lô Tự, Khâm Thiên Giám, Viện Thái Y, Viện Hàn Lâm và Quốc Học (Quốc Tử Giám , tức Thư viện Thủ đô Bắc Kinh ngày nay).
Như vậy, các công trình ở Bắc Kinh do Nguyễn An chỉ huy xây dựng bao gồm thành trì Tử Cấm Thành và chín cửa thành lầu, hai cung, ba điện, năm phủ, và sáu bộ. Sách Kinh kỳ ký thắng của Dương Sĩ Kỳ viết: "Về việc xây dựng thành Bắc Kinh ngày ấy, Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra được cách làm, tất cả đều đúng với qui chế. Bộ Công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến. Thật là ngưòi đại tài, xuất chúng".
Sách Thủy Động nhật ký của Diệp Thanh (có sách viết là Diệp Thịnh) đời Minh ghi: "Nguyễn An, cũng gọi là Á Lưu, người Giao Chỉ, thanh khiết, giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc. Trong các công trình xây dựng thành trì Bắc Kinh và 9 cửa thành lầu, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, 6 bộ ở Bắc Kinh và nạo vét sông Trạch Chư ở thôn Dương đều có nhiều công lao to lớn. Các nhân viên thuộc hạ của Nguyễn An ở Bộ Công chẳng qua là chỉ là những người thừa hành, thực hiện những công trình do Nguyễn An qui hoạch, thiết kế ra đó mà thôi".
Các thư tịch khác của Trung Hoa thời trung đại như Hoàng Minh thông kỷ, Anh Tông chính thống thực lục... đều có nhắc tới công lao của Nguyễn An.
Các vua nhà Minh đều xem Nguyễn An như một "kỳ nhân", thưởng cho nhiều vàng bạc và vóc nhiễu quý. Cố Cung Bắc Kinh đã được UNESCO xếp vào loại quần thể kiến trúc cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và công nhận là Di sản văn hoá thế giới tại Trung Quốc vào năm 1987.
Ở Việt Nam, Lê Quý Đôn (1726-1784) đã viết trong Kiến văn tiểu lục: "Nguyễn An trải năm triều vua: Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và Cảnh Tông, làm quan đến chức Thái giám. An là người giản dị, khắc khổ, cứng rắn, liêm khiết, giỏi về mưu lược tính toán, rất sở trường về công việc xây dựng. Những việc tu tạo thành hào Bắc Kinh, 9 cửa, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, công đường, nha môn, 6 bộ và các trường sở, nhà trạm, An đều thân hành sắp đặt, tỏ ra rất có công lao. Các ty tào trong Bộ Công chỉ theo kế hoạch của An mà thành lập mà thôi. Bình sinh vua ban cho thứ gì đều lấy ở kho công, sau đó An lại đem nộp vào kho công không sót một ly nào cả. Việc này thấy chép trong Hoàng Minh thông kỷ".
Tại Mỹ, trong tập 7 của bộ sách lịch sử Trung Quốc của Đại học Cambridge (The Cambridge History of China), viết về triều đại nhà Minh (The Ming Dynasty (1368-1644), Part I) đã kể rõ vai trò của kiến trúc sư trưởng Nguyễn An (Juan An) trong việc xây dựng cung điện nhà Minh ở Bắc Kinh như sau: "... Công trình xây dựng kinh thành Bắc Kinh đòi hỏi động viên một lực lượng đông đảo thợ giỏi về thủ công và lao động, thường được lấy từ những đơn vị quân binh hoặc những tội phạm bất trị bị kết án khổ sai, cũng như việc trưng dụng vật liệu xây cất từ khắp nơi trong nước, kể cả những nơi xa xôi như An Nam vừa mới được sát nhập. Số lượng nhân công không biết đích xác, nhưng ước lượng phải lên tới hàng trăm nghìn người. Kiến trúc sư trưởng là một thái giám người An Nam tên là Nguyễn An (mất năm 1453), ông này cũng còn đóng vai trò quan trọng trong công trình tái thiết Bắc Kinh sau đó dưới thời vủa Anh Tông."
Nguyễn An không chỉ là nhà kiến trúc đại tài, mà còn là người có nhiều đóng góp trong việc trị thủy sông Hoàng Hà. Những trận lụt lớn vào các năm 1444, 1445, vua Minh đều đặc phái Nguyễn An đến chỉ huy việc hàn khẩu ở những nơi xung yếu nhất. Trận lụt lớn năm 1456, đê sông Hoàng Hà ở vùng Trương Thụ (Sơn Đông) bị vỡ, hàn khẩu mãi không được, vua Minh lại phái Nguyễn An đi, chẳng may ông bị bệnh và mất dọc đường. Đó là năm 1453 (có sách ghi là 1456), Nguyễn An thọ 72 tuổi. Trước khi mất, ông trăng trối đem toàn bộ của cải của ông phát chẩn cho dân bị nạn do lụt ở những nơi Nguyễn An đang đi mà chưa tới.
Nhà sử học đương đại Trương Tú Dân – người từng làm việc nhiều năm tại Thư viện Bắc Kinh đã công bố trên tờ Ích Thế báo số ra ngày 11-11-1947 (trang 8b) bài viết nhan đề "Thị dân Bắc Kinh nên kỷ niệm Nguyễn An, người An Nam, Thái giám nhà Minh, Tổng công trình sư tạo dựng lầu thành Bắc Kinh thế kỷ XV". Sau khi kể các công lao của Nguyễn An, trong đoạn cuối, ông viết:
"Hoạn quan là chế độ tội ác của thời đại phong kiến chuyên chế. Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan thì trăm ngàn người không được một. Còn An thì hết lòng vì việc công, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không còn được một nén vàng trong túi, là người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh. Nguyễn An cùng thời với Tam Bảo thái giám Trịnh Hòa (ba lần sang Tây Dương) đều là những người kiệt xuất trong hoạn quan, có công với quốc gia không thể phai mờ.
Ngày nay, tên Tam Bảo thái giám (Trịnh Hòa) thì đàn bà, trẻ con đều tỏ tường, còn tên của nhà đại kiến trúc Nguyễn An - Á Lưu thì ngay học giả, chuyên gia cũng ít ai hay biết. Thật bất hạnh thay! Tôi nghĩ với An, không chỉ riêng giới công trình sư ngưỡng mộ, mà 1 triệu 60 vạn dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm chớ quên".
Những sự kiện và nhận định này một lần nữa còn được Trương Tú Dân trình bày trong cuốn Trung Việt quan hệ sử luận văn tập của mình xuất bản tại Đài Bắc (Đài Loan) năm 1992.
Gần đây, Đài truyền hình ZDF Dokukanal của Cộng Hòa Liên Bang Đức đã cho xây dựng và công chiếu 2 tập phim tài liệu "China Verbotene Stadt - Das Vermachtnis des Despoten" (Tử Cấm Thành Trung Hoa - Bản di chúc của một bạo chúa) trong đó xác quyết công trình kiến trúc này do một tù binh Việt Nam là ông Nguyễn An (Ruan An) chỈ huy thực hiện. Ba người Việt là cô Phương Thùy ở Phần Lan giới thiệu và Xuân Trường cùng Cẩm Vân ở Đức đã tiến hành dịch và làm phụ đề cho phim, công việc hoàn tất vào giữa tháng 9-2009.
Nội dung phim xoay quanh bạo chúa Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc, tức Chu Đệ (Lệ), con thứ tư của vua khai sáng triều Minh Chu Nguyên Chương. Từ bé, Chu Đệ được đánh giá là người đa mưu, túc trí. Sau khi dấy binh cướp ngôi vua từ tay ấu chúa vốn là cháu mình, Chu Đệ đã ra tay tàn sát tất cả triều thần cũ để trừ hậu hoạn và thay vào đó, ông trọng dụng thái giám. Trong đám thái giám cận thần, có Nguyễn An, nguyên là tù binh từ Việt Nam, được Chu Đệ tin tưởng giao cho việc vẽ kiểu và chỉ huy hàng triệu nhân công để xây dựng cung đình, nội phủ cho Minh triều.
Dựa trên các tư liệu lịch sử, phim đã phục dựng lại công cuộc xây dựng Tử Cấm Thành, trong đó kể lại nhiều mẩu chuyện về Tổng đốc công Nguyễn An. Như việc ông lo sợ bị vua Minh ra lệnh chém đầu nếu không làm xong đồ án kiến trúc Tử Cấm Thành. Giai thoại Nguyễn An thức trắng đêm lo nghĩ, bất chợt chiếc lồng nhỏ nhốt con ve sầu ngay trên bàn gợi cho ý tưởng sáng tạo trung tâm Tử Cấm Thành khiến ông vùng dậy vẽ họa đồ. Cảnh khi vận chuyển khối cẩm thạch nặng trên 600 tấn trên con đường băng giá dài trên 1.000 km đến Bắc Kinh chợt Nguyễn An nghĩ ra sáng kiến cho người đào giếng dọc đường để xối nước làm băng sao cho đoàn người kéo khối cẩm thạch nặng trên 600 tấn lướt nhẹ trên băng, v.v.
Mở đầu phim, ta đọc:
“Tử Cấm Thành giữa trung tâm Bắc Kinh, một thời là nơi ngự triều của những hoàng đế Trung Hoa hùng mạnh, ngày nay vẫn là cung điện lớn nhất trên thế giới. Lịch sử của nó gắn với hoài bão của một con người. Tên ông ta là: Chu Đệ.
Chu Đệ là một kẻ tiếm ngôi, ông đã dùng bạo lực để giành quyền thống trị Trung Hoa. Chu Đệ đày đọa tất cả những ai cản trở tham vọng quyền lực tuyệt đối của mình. Biểu tượng quyền lực của vị hoàng đế này là Tử Cấm Thành, một thế giới đầy bí ẩn với những nghi lễ duy trì từ đời này sang đời khác.
Viên thái giám Nguyễn An là kiến trúc sư trưởng của công trình này. Thiết kế bậc thầy của ông dựa trên những chuẩn mực lâu đời. Không có chi tiết nào được phác thảo một cách ngẫu nhiên, mà tất cả đều mang một ý nghĩa biểu trưng nào đó...”
Tài liệu tham khảo
Cố Cung. - http://vi.wikipedia.org/wiki/ Cố_Cung
Huyền Viêm 2010: Nguyễn An – tổng công trình sư xây dựng Hoàng thành và Tử Cấm Thành Bắc Kinh. - http://tranchieuqn.vnweblogs.com/print/8625/208506
Lê Thanh Hoa. Người Việt Nam vẽ kiểu và xây thủ đô Bắc Kinh. - http://lichsuvn.info/forum/showthread.php?t=10054
Nguyễn An. - http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_An
Nguyễn Hữu Viện 2009: Người trẻ Việt Âu châu phụ đề việt ngữ cho phim Đức ca ngợi người Việt xây Tử Cấm Thành Bắc Kinh. - http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=28&idpoeme=1745
Quỳnh Cư. Nguyễn An (1456), kiến trúc sư tài ba chỉ huy xây dựng cổ thành Bắc Kinh, công trình trị thủy sông Hoàng Hà. - http://vietsciences.free.fr/vietnam/vanhoa/savants/nguyenan.htm
Tân An 2009: Công trình sư NGUYỄN AN, người Việt Nam với việc tạo dựng Cố Cung ở Trung Quốc. - http://honvietquochoc.com.vn/Nhan-vat/Cong-trinh-su-NGUYEN-AN-nguoi-Viet-Nam.aspx
Trịnh Hảo Tâm 2005: Ký sự du lịch Trung Quốc. Bài 9: Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. - http://www.aihuucongchanh.com/dulich/trungquoc/trungquoc9.html