Sau khi tiến hành nghiên cứu điền dã ở quần đảo Andaman thuộc Ấn Độ Dương (1906 – 1908) và miền Tây Úc (1910 – 1912), A. R. Radcliff-Brown dành hầu hết thời gian cho giảng dạy và nghiên cứu. Ông từng giảng dạy ở Đại học Capetown, Nam Phi (1920 - 1925); Đại học Sydney, Úc (1925 - 1931); Đại học Chicago, Mỹ (1931 - 1937) và trở thành giáo sư chính thức đầu tiên về nhân học ở Đại học Oxford năm 1937… Về mặt nghiên cứu, A. R. Radcliff-Brown viết không nhiều nhưng có ảnh hưởng lớn đến giới nghiên cứu nhân loại học ở Anh, nhất là trong thời kỳ hoàng kim của thuyết cấu trúc – chức năng từ thập niên 1930 đến hết thập niên 1950. Ông qua đời ngày 24 tháng 10 năm 1955, để lại một số công trình chính sau:
- Dân quần đảo Andaman (The Andaman Islanders), 1922.
- Tổ chức xã hội của các bộ tộc châu Úc (The Social Organization of Australian Tribes), 1931.
- Các hệ thống thân tộc và hôn nhân châu Phi (African Systems of Kinship and Marriage), viết chung với Ford, D.), 1950.
- Cơ cấu và chức năng trong xã hội bán khai (Structure and Function in Primative Society), 1952, tập hợp các bài nghiên cứu.
- Khoa học tự nhiên về xã hội (A Natural Science of Society), 1957, tập hợp bài giảng do học trò A. R. Radcliff-Brown xuất bản sau khi ông qua đời.
A. R. Radcliff-Brown đặc biệt chú trọng đến các vấn đề lý luận và có ảnh hưởng lớn đến các nhà nghiên cứu văn hóa – xã hội đương thời, nhất là cách tiếp cận “cấu trúc – chức năng” (structural – functional approach) do ông đề xướng.
Dựa trên tư liệu điền dã ở quần đảo Andaman, A. R. Radcliff-Brown đưa ra quan điểm cho rằng hệ thống xã hội là một cơ chế hợp nhất, trong đó tất cả các bộ phận đều có chức năng tạo nên sự hài hoà của cái toàn thể. Theo ông, để tìm ra quy luật, cơ chế vận hành của cơ cấu văn hóa – xã hội, cần phải tiến hành so sánh nhưng là so sánh một cách có hệ thống chứ không phải so sánh từng yếu tố riêng lẻ. Ông cũng cho rằng cần căn cứ vào yếu tố văn hóa, coi đó là tiêu chí chung nhất để so sánh các tổ chức xã hội, như tổ chức thân tộc, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tôn giáo… Ở đây ta thấy quan điểm nghiên cứu của A. R. Radcliff-Brown chịu ảnh hưởng khá sâu sắc tư tưởng của Emil Durkheim (1858 – 1917), nhà xã hội học người Pháp. Cũng như E. Durkheim, A. R. Radcliff-Brown cho rằng các thiết chế xã hội phải được nghiên cứu như một đối tượng khoa học, một khách thể. Nhà nghiên cứu phải mô tả được phần cơ bản nhất của các thiết chế xã hội tương thuộc nhau. Ông gọi đó là cơ cấu xã hội và xác định rằng chức năng của các bộ phận đều quan hệ với cái toàn thể.
Cách tiếp cận này dẫn đến việc nghiên cứu phân tích các thiết chế xã hội có phần trừu tượng và lạnh lùng nhằm tìm ra các quy luật xã hội chung nhất. Ông cũng vận dụng cách tiếp cận này để nghiên cứu các hệ thống thân tộc thổ dân ở châu Úc, xem các hệ thống thân tộc này như là những biến thể của một số cấu trúc nhất định. Trên cơ sở đó, ông xác định một tập hợp các mối quan hệ giữa các thuật ngữ thân tộc với các quy tắc của hôn nhân – những mối quan hệ cơ bản tạo nên “cấu trúc” ban đầu của xã hội bán khai.
Bằng việc khảo sát các mối quan hệ trong quy chiếu với mô thức chung về các quan hệ thân tộc và mô thức chung về các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội khác nhau, A. R. Radcliff-Brown góp phần chỉ ra cấu trúc chức năng của những phong tục tưởng chừng phi lý, lạ lùng nhất. Cách tiếp cận, nghiên cứu này thể hiện khá rõ trong công trình Tổ chức xã hội của các bộ tộc châu Úc (The Social Organization of Australian Tribes, 1931) và trong bài viết về vai trò của người cậu ở Nam Phi (The Mother’s Brother in South Africa) in năm 1924.
A. R. Radcliff-Brown, trong nhiều bài viết của mình, cũng đem lại những lý luận cơ bản giải thích về tín ngưỡng vật tổ (totemism) – một hệ các mối liên kết giữa các nhóm xã hội với các loại động vật, thực vật. Ông cho rằng tín ngưỡng vật tổ tạo nên sự liên kết bền vững giữa tự nhiên và xã hội loài người. Tự nhiên được “thuần hoá” qua tín ngưỡng vật tổ. Thêm vào đó, A. R. Radcliff-Brown cho rằng những đối lập giữa các giống loài thực vật, động vật hình thành nên những biểu tượng khác nhau giữa các nhóm xã hội. Cách tiếp cận này một lần nữa nhấn mạnh đến việc phân tích những thiết chế xã hội đặc thù trong bối cảnh xã hội tổng thể của chúng, đặt nền móng cho sự phát triển của chủ nghĩa cấu trúc hiện đại mà Claude Levis-Straus là đại biểu.
Khi A. R. Radcliff-Brown đến với nhân loại học, các nền văn hóa thường được nghiên cứu như là sự tập hợp của những phong tục riêng lẻ và nhân loại học văn hóa như là lịch sử về những phong tục và về cách các phong tục này được truyền bá hay được vay mượn giữa các nền văn hóa. Cách tiếp cận thông minh nhưng có phần trừu tượng của A. R. Radcliff-Brown đối với việc phân tích xã hội bị không ít người phê bình, chống đối, nhưng rõ ràng những phân tích của ông về các mô thức xã hội đã đánh một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của nhân loại học xã hội hiện đại.
Biên soạn: Nguyễn Văn Hiệu