Quá trình thực hiện xây dựng NTM tại Thành phố thời gian qua, sau hơn 5 năm thực hiện, nói lên sự đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm của Thành phố; người dân tự xem đây là cơ hội để cải thiện, nâng cao đời sống. Trong công tác tuyên truyền, vận động, vai trò của các đoàn thể, mặt trận rất nổi bật, đã đóng góp phần huy động các nguồn lực trong doanh nghiệp, trong nhân dân tham gia thực hiện 19 tiêu chí NTM, làm cho diện mạo đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngoại thành có những chuyển biến cả về chất và lượng.
Từ những tiền đề trên, qua bài viết này, tác giả muốn nhấn mạnh đến phạm vi “thực trạng giá trị di sản văn hóa”[1] tại một số xã nông thôn Thành phố trong thời gian hơn 5 năm qua có những biến chuyển, thay đổi căn bản để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu vật chất và tinh thần của người nông dân. Qua kết quả khảo sát, điền dã quan sát tham dự tại một số xã của 5 huyện ngoại thành được triển khai xây dựng NTM, mạn phép đưa ra một số kết quả với những hành động cụ thể từ chính cuộc sống của người nông dân mà họ là chủ thể của NTM, nhằm tạo dựng một phần cơ sở tiền đề cho công cuộc chuyển hoá nông thôn đi vào thực chất hơn. Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, tạo môi trường bình đẳng, minh bạch và lành mạnh thúc đẩy cho việc bảo lưu, phát huy các giá trị di sản văn hoá vốn của người nông dân thời gian tới nhằm củng cố và nâng chất các tiêu chí chương trình NTM.
1. Việc đầu tư cơ sở vật chất, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại các xã xây dựng NTM
Việc thực hiện Chương trình NTM đã gắn liền với tiêu chí thứ 6 là cơ sở văn hóa và tiêu chí 16 với mục tiêu đạt tiêu chuẩn xã văn hóa. Qua khảo sát hầu như mỗi xã đều có nhà văn hóa, trung tâm thể thao đa năng với nguồn kinh phí rất lớn, nhằm tạo một sân chơi cho cộng đồng dân cư với những hình thức phong phú khác nhau. Chính nhờ chương trình NTM thổi luồng gió mới mà các nhà văn hóa được đầu tư trang thiết bị khá đầy đủ và tương đối tiện nghi - hiện đại, không gian phù hợp đã thu hút một lượng lớn người dân tới tham gia (cập nhật thông tin thời sự, trao đổi kinh nghiệm đồng áng - nông vụ, tham gia các lớp chuyển giao khoa học công nghệ, giao lưu hội nhóm đờn ca tài tử, hát Karaoke, xem tổ chức biểu diễn cải lương, hội chợ kèm dịch vụ; tham gia trò chơi thể thao như cờ tướng, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, patin,…). Nhất là thanh thiếu niên có sân chơi giải trí, tăng cường và bảo vệ sức khỏe, học tập phát triển các năng khiếu[2]. Các di tích lịch sử văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng được quan tâm phục hồi, trang hoàng khá tốt[3].
Song, nhu cầu hưởng thụ vẫn còn dừng lại ở mức phong trào, chưa đi vào chiều sâu, mang tính lâu dài. Bởi lẽ, theo xu hướng hiện đại, các sản phẩm công nghệ cao đã len lỏi khắp mọi vùng nông thôn: điện thoại gia đình, điện thoại di động, truyền hình, Internert, truyền hình mạng-cáp,… chính những yếu tố này sẽ làm dần mất đi những sân chơi bảo tồn văn hóa dân tộc mà nhà văn hóa xã cần có sự chuyển giao từ tuyến trên qua những mô hình mẫu, mang tính trực quan, sinh động, sáng tạo hơn, phù hợp với lứa tuổi, trình độ dân trí của người nông dân trên từng địa bàn. Một phần do cách trở về điều kiện địa lý, phương tiện đi lại nên đã hạn chế phần nào hoạt động hiệu quả của nhà văn hóa[4]. Nơi sinh hoạt cộng đồng như đình, chùa, đền thờ chỉ là điểm đến của những người lớn tuổi. Một mặt, vai trò của đình, chùa, đền thờ chỉ tỏa phát ở những thời điểm mà công nghệ thông tin, phương tiện nghe-nhìn chưa đạt đến “công nghệ tiêu dùng”, vốn là nơi sinh hoạt cộng đồng, thì hiện nay vai trò này chuyển hẳn sang nhà văn hóa hay hội trường của xã[5]. Hiện tại, những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của vùng Nam Bộ sông nước, thuần nông vốn mộc mạc, chân phương, giản dị với những điệu hò, hát ru đã một thời đi vào lòng người khi vừa chào đời nay đã mai một, thậm chí đã mất đi “bản ngã tinh thần” khiến ngay cả người nông dân ở vào hàng tuổi 40-50 cũng không còn nhớ một câu nào. Đây là một trạng thái báo động khi quan sát tham dự, thảo luận nhóm các nhóm khách thể nghiên cứu.
2. Mối quan hệ láng giềng, tình làng nghĩa xóm, nương tựa, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống tại các xã xây dựng NTM
Mối quan hệ tích cực gắn kết giữa những con người cùng cộng đồng, dù lớn hay nhỏ, còn tồn tại và vẫn được mọi người mong muốn nó tồn tại; con người vẫn hướng đến nhau trong xã hội hiện đại dù là nông thôn hay thành thị (Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ). Tương trợ nhau gần như là một nhu cầu cho cuộc sống “thuộc về nhau”. Tính “sở thuộc ấy” phải do chính con người tạo ra từ sự kế thừa truyền thống của gia đình, dòng tộc, họ hàng, láng giềng, làng xã, rộng hơn là lòng yêu thương tổ tiên, bậc tiền hiền, Tổ quốc,… mà truyền thống đạo lý tình cảm của con người Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Sự thành công bước đầu của chương trình xây dựng NTM là nhờ đi vào đúng tâm lý tình cảm này của mọi người con đất Việt, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo.
Qua quan sát tham dự cho thấy phần nào nói lên truyền thống văn hóa của một bộ phận người nông dân vẫn còn đó “bán anh em xa, mua láng giềng gần”; “tối lửa tắt đèn có nhau”; “tương thân - tương trợ”; “tình làng nghĩa xóm” là một nhu cầu sống động của một nền nông nghiệp lúa nước truyền thống, cố kết cộng đồng (dựa vào nhau mới có thể làm ruộng nước được, đổi công cho nhau, tính thời vụ cao, chu kỳ nông lịch,…). Điều này cũng bộc lộ tính ưu việt của chế độ ta.
Song bên cạnh đó, tại một số xã xây dựng NTM đã có những biến tướng. Một khi cơ sở hạ tầng khang trang, tiện dụng thì đi theo là “những nhóm lợi ích” tranh thủ những kẽ hở của pháp luật, làm chệch hướng chủ trương của Đảng ta về quyền sử dụng đất đai. Người nông dân sẽ đi về đâu, một khi bán đi mảnh đất của mình? Với một trình độ dân trí thấp, không nghề nghiệp rồi họ sẽ ra sao? Tương lai sẽ thế nào? Đây là vấn nạn thấy rõ được tại các xã có biến động đô thị hoá quá cao, trở thành những nơi mua-bán cả hữu hình lẫn vô hình. Xảy ra những rạn nứt trong gia đình, anh em-cha mẹ không nhìn nhau, xích mích tranh chấp láng giềng, có nơi diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Tình trạng này có thể thấy được ở xã Vĩnh Lộc B, Tân Thông Hội, Nhơn Đức, Xuân Thới Thượng, Đa Phước, Thới Tam Thôn,… Với một lượng dân nhập cư khá lớn từ nội thành chuyển ra ngoại thành, xu hướng bán đất, tách thửa và làm cho Điều 2, Thông tư 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/10/2013 bị biến dạng khi thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về NTM; đi kèm chuyển dịch dân cư là tệ nạn xã hội lan tỏa, mất an ninh - trật tự xã hội.
3. Việc giữ gìn - bảo tồn - phát huy các giá trị thuần phong mỹ tục, phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn tại các xã xây dựng NTM
Do nhiều nguyên nhân tác động khác nhau, nhất là nền kinh tế thị trường và trào lưu hội nhập thế giới, vấn đề lề lối, nếp sống, nếp nghĩ, gia phong, gia lễ của từng gia đình bị chi phối bởi nhân tố kinh tế, văn hoá vật chất, pháp luật, lối sống, chất lượng sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp, thị hiếu và giải trí,… Từ đây đã phần nào ảnh hưởng đến các giá trị đời sống văn hóa trong phạm vi gia đình, rộng hơn là hành vi ứng xử có văn hóa với cộng đồng ở nông thôn (được thắt chặt bởi cấu trúc bền vững nhà - làng - nước). Chính bởi gia đình là tế bào của xã hội, cho nên với hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu tế bào tốt, thì ắt hẳn sẽ xây dựng một xã hội tốt. Bằng ngược lại, nó sẽ là tác nhân gây nên sự suy đồi, mất trật tự, làm đảo lộn đời sống xã hội nông thôn. Đây cũng chính là vấn đề không phải của riêng ai. Một nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hậu cho thấy “những giá trị truyền thống như kính trọng ông bà tổ tiên vẫn được đánh giá cao. Có đến 79,3% được hỏi cho là việc kính trọng tổ tiên, ông bà là rất quan trọng, các mối quan hệ như anh chị em đoàn kết thương yêu nhau cũng đạt kết quả khá cao ở mức độ rất quan trọng 64,5% trong 400 người được khảo sát” [2010: tr. 85]. Việc xây dựng gia đình gia phong, gia lễ, cách ăn, nếp ở, đạo lý gia đình - cộng đồng,…. nên bắt đầu bằng việc giáo dục từ các bậc làm cha, làm mẹ tạo khung hình mẫu văn hóa truyền thống cho con cái, anh em, dòng tộc,… tôn trọng ông bà tổ tiên, gia đình hòa thuận, anh em đoàn kết thương yêu nhau [Hà Thúc Minh 2005: tr. 11-12]. Thông qua các chương trình tuyên truyền từ trung ương đến cơ sở từ chương trình xây dựng NTM ắt hẳn nề nếp gia đình, quan hệ cộng đồng, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) sẽ được củng cố và nhân lên[6].
Qua kết quả tham vấn quan sát của các gia đình, từ việc bảo tồn-lưu giữ giá trị thuần phong mỹ tục chứng minh thêm vùng nông thôn vẫn còn lưu giữ các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Một mặt, minh chứng sức sống văn hóa truyền thống gia đình của dân tộc Việt Nam nói chung và người nông dân vùng ngoại thành Thành phố dù có những biến đổi lớn hơn những vùng nông thôn khác (sự năng động, hội nhập, giao lưu, lan tỏa) vẫn giữ được nề nếp gia phong của gia đình.
Chính nền tảng giáo dục từ hạt nhân gia đình tốt đẹp có từ ngàn xưa của ông cha ta vẫn còn bảo lưu ở vùng nông thôn không chỉ tự thân phát triển trên nền tảng đạo lý, khuôn mẫu có sẵn từ cái nôi văn hóa gia đình vốn là rường cột, khung thẩm định nhân cách, phương thức giáo hoá, giáo dưỡng tự thân mỗi con người mà hiện tại vẫn luôn còn nguyên giá trị thực tiễn.
Bên cạnh đó, mức độ tham gia chương trình đoàn kết tương trợ xóm giềng, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn; hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, cuộc vận động vì người nghèo khẳng định mức độ tham gia của người nông dân ngoại thành từ khi có Chương trình xây dựng NTM được nâng lên cả về chất và lượng.
Vì mục đích cao cả, tổ tiên ta ít để tâm đến sự rườm rà, chỉ chú ý bảo lưu những chi tiết nào phù hợp điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Cụ thể hiện tại ta thấy, các chương trình “xoá đói giảm nghèo”, “uống nước nhớ nguồn”, “nhà tình nghĩa, nhà tình thương”,… được phát động trong thời gian qua mang một ý nghĩa thực tiễn rất lớn cho truyền thống đạo lý của dân tộc ta từ xưa đến nay, luôn lấy giá trị nhân văn làm chuẩn mực cho mọi hành động cụ thể của cuộc sống không chỉ xưa mà nay vẫn còn nguyên giá trị.
4. Việc thực hiện nếp sống văn minh việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt tôn giáo tại các xã xây dựng NTM
Việc cưới: Cưới xin là chuyện cá nhân, của từng gia đình, nhưng lại phản ánh phần nào bộ mặt văn hóa của xã hội. Đặc biệt là cộng đồng người dân ở nông thôn, đám cưới cổ truyền có một số nét tích cực, thể hiện truyền thống đạo lý như hiếu lễ với ông bà tổ tiên, tình cảm gắn bó vợ chồng, trách nhiệm của công dân với cộng đồng [Hồ Sĩ Vịnh 1999: tr. 53]. Hiện tại, dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau: ảnh hưởng ly tâm vùng đô thị qua người nông dân dịch chuyển đô thị trong kế sinh nhai “ly nông, ly hương”, giao thoa văn hóa “nông thôn và thành thị”; tác động nông vụ gắn với kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường,… mà những đám cưới ngày nay ở nông thôn cũng kết hợp nhiều hình thức mới lạ chẳng khác gì những đám cưới ở thành thị. Đám cưới ở nông thôn ngày nay không còn đơn thuần là chỉ để rước dâu, hai gia đình kết thông gia mà ẩn trong đó là việc kinh doanh, thu lợi nhuận. Điều này không chỉ gây ra sự lãng phí mà còn kéo theo đó là những tệ nạn xuất hiện ở tầng lớp người lao động. Di sản văn hóa trong cưới xin dần dần bị mai một, thay vào đó là sự lãng phí, cảm giác “sợ” được mời của người dân.
Việc tang: Việc tang là chuyện buồn của gia đình, nhưng còn là việc có liên quan đến tình làng nghĩa xóm, đến xã hội bởi “nghĩa tử là nghĩa tận”, với sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất của mọi thành viên trong làng xã, dòng tộc. Lễ tang còn là mối quan hệ cái tôi và cái ta, hiện thực và siêu thực, người sống và người chết, giữa thế giới thực và thế giới bên kia. Trong tang lễ truyền thống có những phép tắc, nghi thức tôn nghiêm trong lễ bái nhạc hiếu, đi đứng, nói năng, vái lạy người đã khuất,… tất cả đều mang ý nghĩa chia tay đầy lưu luyến giữa thế giới trần tục và thế giới thần linh [Hồ Sĩ Vịnh 1999: tr. 56]. Cho dù hiện nay tồn tại cùng lúc nhiều hình thức tang lễ khác nhau, nhưng sự kế thừa những quy chế về tang ma truyền thống kết hợp với những yếu tố hiện đại có tính phù hợp đã trở thành xu thế tương đối mạnh trong tang lễ. Dù sao, vẫn còn tồn tại việc tang theo lối cũ với những hủ tục cần được xóa bỏ. Cần chú ý tới mối tương quan giữa các hình thức cũ và mới, sự kết hợp cũ - mới trong từng lớp người, từng nhóm đối tượng dân cư, từng địa phương cho phù hợp với cảm quan tâm lý, tính cách cộng đồng,… trong việc thực hành tang lễ. Tuy nhiên, xu thế kết hợp cũ và mới cũng như tang lễ đơn giản theo lối mới đang ngày càng mạnh và chiếm ưu thế.
Lễ hội[7]: Dân tộc nào cũng có lễ hội, bởi đó là nơi giáo dục mọi người tính tập thể, ý thức cộng đồng. Đó là dịp con người tìm về với cội nguồn, hướng về kỳ tích, ôn lại những chiến công lịch sử của cha ông. Lễ hội còn là một loại hình cộng đồng văn hóa dân gian tổng thể, rất phù hợp và hữu ích với đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam nói chung và người dân nông thôn nói riêng [Hồ Sĩ Vịnh 1999: tr. 59]. Đây là dịp để cộng đồng dân cư tìm lại cội nguồn văn hóa thông qua thực hành lễ hội, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, gia đình trong làng xóm, mở ra môi trường sinh hoạt văn hóa, giải trí cho người nông dân,... Thực trạng cho thấy hiện nay trong việc phục hồi các lễ hội truyền thống, do cách thức tổ chức kém, những tệ nạn, hủ tục như mê tín dị đoan, ăn xin ăn mày, sự o ép về dịch vụ là nguyên nhân cản trở người nông dân đến với lễ hội. Vấn đề tuyên truyền, phổ biến giá trị của loại hình văn hóa cộng đồng này, vì thế, cần được tiếp tục đẩy mạnh [Huỳnh Văn Sinh 2012: tr. 38-39].
Tục thờ cúng tổ tiên: Phong tục thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt, đã được hình thành từ rất lâu đời. Phong tục ấy không chỉ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mà còn mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ. Việc cùng nhau bày tỏ lòng thành kính trước tổ tiên, các thành viên trong gia đình càng thắt chặt thêm sợi dây huyết thống. Từ lâu, thờ cúng tổ tiên ông bà đã trở thành một phong tục, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, đặc biệt là cuộc sống ở các làng quê.
Xin tổ tiên phù hộ cho gia quyến bình an, đó là tâm niệm của tất cả người Việt Nam. Trong mỗi gia đình, bàn thờ cúng tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất và trở thành nơi con cháu khấn vái trong những ngày tuần, ngày giỗ, ngày Tết, hoặc khi có hiếu hỷ, việc to, việc nhỏ với mong muốn được gia tiên phù hộ [Chu Xuân Diên 2002: tr. 189-191].
Qua kết quả khảo sát, quan sát tham dự, tình hình thực hiện việc tang, cưới, lễ hội cho thấy bức tranh phản ánh tương đối chính xác thực trạng nếp sống văn minh ở các xã xây dựng NTM có những chuyển biến tích cực dựa trên Quyết định số 2347/QĐ-UBND ngày 10/5/2011 của UBND Thành phố “Ban hành các Tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2011 – 2015”. Tiêu chuẩn xét Gia đình văn hóa thuộc phong trào “TDĐKXDĐSVH” Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến tiêu chuẩn 2 “Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, tiêu chuẩn thứ 4 “Thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh mỹ quan đô thị - nông thôn mới” của Quyết định số 1396/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND Thành phố “về ban hành các tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2017 – 2021”, đồng thời thực hiện tốt Chỉ thị 27-CT/TW về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”: những rườm rà hủ tục –lạc hậu, lãng phí tiền bạc - thời gian giảm bớt do nhận thức của cộng đồng nông dân được nâng lên phần nào qua các chương trình tuyên truyền, vận động các cấp chính quyền cơ sở với nhiều hình thức phong phú đa dạng khác nhau[8].
Trong quá trình xây dựng chương trình NTM, văn hóa nông thôn đang đứng trước những thuận lợi cơ bản cũng như những thách thức không nhỏ. Sự biến động về quy luật phát triển và thực trạng biểu hiện của kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn vẫn đang diễn ra một cách nhanh chóng và chắc chắn sẽ có những thay đổi trong tất cả những yếu tố đã nêu. Nhưng dù có biến đổi thế nào, văn hóa nông thôn vẫn giữ được cho mình những hằng số văn hóa. Đó là sinh hoạt văn hóa mang đậm nét dấu ấn, phong vị văn hóa văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, nay có điều kiện để trở thành một pháo đài, bảo lưu các giá trị di sản văn hoá tinh thần vốn có nông thôn Nam Bộ; là sự bền vững phong phú, đa dạng của các hoạt động văn hóa dân gian thôn ấp, làng xã, tạo điều kiện cho người dân sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nhiều hơn, cao hơn; là ý chí vươn lên của người nông dân trong tất cả các lĩnh vực vốn có từ truyền thống xưa là rất nhiều nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử, thực hành văn hóa của người nông dân với vai trò chủ thể của NTM.
KẾT LUẬN
Qua kết quả nghiên cứu trên, bước đầu có thể đưa ra một số nhận định khái quát việc thực hiện “bảo tồn, phát huy các giá trị các di sản văn hoá” cả hữu hình và vô hình vốn có của vùng nông thôn Thành phố (chủ yếu đánh giá là giá trị di sản văn hoá tinh thần) đi cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sau hơn 5 năm thực hiện. Chúng tôi nhận thấy đã phần nào đạt những thành tựu rất khích lệ và cũng bộc lộ những khiếm khuyết cần điều chỉnh trong thời gian tới nhằm “giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc” trong việc nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, trong đó các giá trị di sản văn hoá về tinh thần vùng nông thôn tập trung vào một số vấn đề sau:
* Thành tựu:
- Chương trình NTM đã phần nào nói lên di sản văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của người nông dân vẫn còn đó “bán anh em xa, mua láng giềng gần”; “tối lửa tắt đèn có nhau”; “tương thân - tương trợ”; “tình làng nghĩa xóm” là một nhu cầu sống động của một nền nông nghiệp lúa nước truyền thống, cố kết cộng đồng.
- Kết quả khảo sát cho thấy qua Chương trình NTM việc bảo tồn các giá trị thuần phong mỹ tục của gia đình vẫn còn bảo lưu, đây là một kết quả báo hiệu đáng mừng khi vùng nông thôn vẫn còn lưu giữ các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống. Minh chứng cho sức sống văn hóa truyền thống gia đình của dân tộc Việt Nam nói chung và người nông dân vùng ngoại thành Thành phố là dù có những biến đổi lớn hơn những nơi khác nhưng vẫn giữ được nề nếp gia phong của gia đình.
- Kết quả tham vấn quan sát tham dự cho thấy việc tang, cưới, lễ hội phần nào phản ánh thực trạng thực hiện nếp sống văn minh ở các xã xây dựng NTM có những chuyển biến tích cực; những rườm rà hủ tục - lạc hậu, lãng phí tiền bạc – thời gian giảm bớt do nhận thức của cộng đồng nông dân được nâng lên phần nào qua các chương trình tuyên truyền, vận động các cấp chính quyền cơ sở với nhiều hình thức phong phú đa dạng khác nhau.
* Hạn chế
- Tại một số xã đang diễn ra tình trạng đô thị hoá cao, xuất hiện “nhóm lợi ích” lợi dụng chủ trương, chính sách trong xây dựng NTM để đầu cơ đất đai, phá vỡ không gian kiến trúc nông thôn đã được quy hoạch, dẫn đến tình trạng bảo tồn các di sản văn hoá cả hữu hình và vô hình trở nên khó khăn và tốn kém.
- Một vài nơi, đối với việc tang, cưới, vẫn còn một số nông dân chưa có chuyển biến trong nhận thức và hành động để hoạt động văn hóa tinh thần đi vào nề nếp hơn, thực chất hơn như: đám cưới là nơi trả nợ miệng, đám tang để lâu ngày, còn rải vàng mã,….
- Di sản văn hoá gia đình và dòng họ có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống trong xây dựng NTM. Thiết chế gia đình và dòng họ được tổ chức có ý thức ở bậc cao; và song hành với đó là quy luật thần linh hoá, huyền thoại hoá đối với dòng tộc, thể hiện qua việc lãng phí khá lớn trong việc lập tộc phả, làm từ đường, xây mộ tổ, di huấn truyền ngôn (vốn dĩ vấn đề gia phả trong văn hoá nông thôn Nam Bộ hầu như rất ít được quan tâm). Cần có căn cứ khoa học để xây dựng một chiến lược quản lý văn hóa dòng họ phù hợp với thực tại.
- Đây đó vẫn còn xem lễ hội là nơi phô diễn bộ mặt của xã, ấp. Trong việc tổ chức lễ hội làm sao kết hợp được giữa những giá trị chung (hoạt động cộng đồng rộng lớn) và giá trị riêng (của những người có tín ngưỡng mà lễ hội đang được tiến hành); giá trị truyền thống (những yếu tố văn hóa có ý nghĩa tích cực được sáng tạo trong quá khứ) và giá trị hiện đại (vệ sinh môi trường, vệ sinh sức khỏe cho cư dân, không ảnh hưởng đến sản xuất, bảo đảm trật tự an ninh xã hội,...); kết hợp giữa nguyện vọng chính đáng và hợp lý với khả năng vật chất, kinh phí thực có của nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chu Xuân Diên 2002: Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia TP HCM.
- Hồ Sĩ Vịnh 1999: Văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới, NXB Chính trị Quốc gia, 1999.
- Huỳnh Văn Sinh 2012: “Nét mới của lễ hội và sự kiện quảng bá du lịch”, Tạp chí Du lịch, số báo Xuân Nhâm Thìn - 2012, 2012.
- Minh Đường 2010: Nghi lễ thờ cúng trong đình, chùa, miếu, phủ, NXB Thời Đại.
- Nguyễn Minh Hòa 2007: Văn hóa ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh (từ góc nhìn thiết chế), NXB Tổng Hợp TP HCM.
- Nguyễn Thị Hậu 2010: “Xây dựng môi trường văn hóa đô thị Tp.HCM theo hướng văn minh hiện đại”, Đề tài nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, 10/2010.
- Tôn Nữ Quỳnh Trân 1999: Văn hóa làng xã trước thách thức của đô thị hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ.
- Trần Ngọc Thêm 2002: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP HCM.
- Võ Thanh Bằng 2008: Tín ngưỡng dân gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Lê Hồ Tố Uyên 2011: “Thống kê lễ hội Việt Nam”, http://sobn.ninhthuan.gov.vn/library/tabid/169/postid/325/Thong-ke-le-hoi-Viet-Nam.aspx).
Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”
[1] Phạm vi nghiên cứu của bài viết dừng lại việc tìm hiểu các giá trị di sản văn hoá tinh thần từ cấu trúc của truyền thống văn hoá Nam Bộ qua việc tự đánh giá của người nông dân ngoại thành, thông qua quan sát tham dự, ghi chép về: đầu tư cơ sở vật chất di sản văn hoá; các giá trị quan hệ gia đình-cộng đồng; các giá trị trong việc cưới, tang, lễ hội, sinh hoạt tôn giáo,… (thời gian kiểm chứng đối chiếu là tháng 7/2015 và tháng 7/2017, tại các xã Tân Thông Hội, Phạm Văn Cội, Thái Mỹ - Củ Chi; Xuân Thới Thượng, Thới Tam Thôn - Hóc Môn; Lý Nhơn - Cần Giờ; Tân Nhựt, Đa Phước - Bình Chánh; Nhơn Đức - Nhà Bè).
[2] Theo kết quả phân tích của Nguyễn Minh Hòa thì các loại hình dịch vụ phù hợp cho các nhà văn hóa ở các xã ngoại thành cần có sự quản lý của nhà nước với những cấp độ thang đo của ý kiến dư luận thăm dò khác nhau: Karaoke (13,2% là cần dẹp bỏ, 68,4% khuyến khích nhưng cần sự tăng cường quản lý của nhà nước. Tương ứng: truy cập Internet là 6,4% và 93,5%; cho thuê băng đĩa là 15% và 62,5%, quán cà phê nhạc là 18,2% và 54,5%; tổ chức biểu diễn-sự kiện là 2,6% và 76,9%; Hội chợ kèm dịch vụ là 46,1% và 46,1% [Nguyễn Minh Hòa 2007: tr. 125-127].
[3] Quan sát hiện tại các đình, chùa, miếu, di tích văn hóa, đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại các xã khảo sát được đầu tư với sự tham gia cộng đồng dân cư trong từng xã, thậm chí có sự góp sức của các mạnh thường quân từ khắp nơi hướng về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, thể hiện đức tính “Uống nước nhớ nguồn” vốn có của dân tộc Việt Nam: Đình Tân Thông Hội khá bề thế, lúc nào cũng có sự tham gia của nhân dân trong xã, là nơi lui tới của khách thập phương, điểm dừng chân lý tưởng của khách du lịch. Đền thờ anh hùng liệt sĩ được sửa chữa, nâng cấp khang trang là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tương tự tại Thái Mỹ, Nhơn Đức, Tân Nhựt, Xuân Thới Thượng, Đa Phước, Thới Tam Thôn,… cũng đã, đang hoàn thiện các công trình trên. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các xã xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố.
[4] “Đánh giá về khả năng thu hút của nhà văn hóa, 40% cho rằng thu hút, 35,8% cho là bình thường. Điều này cho thấy thực tế người dân Thành phố vẫn thích đến nhà văn hóa. Song tại các nhà văn hóa huyện ngoại thành vẫn còn tình trạng xây dựng xong bỏ hoang dù với nguồn kinh phí rất lớn, khoảng 5 tỷ đồng, bởi lẽ nhà văn hóa ngoại thành bó hẹp trong địa giới hành chính, có khuynh hướng trở thành đơn vị quản lý sự nghiệp của Nhà nước, ít có tác động trong đời sống văn hóa cộng đồng” [Nguyễn Thị Hậu 2010: tr. 57-58].
[5] Điều này cũng dễ nhận thấy rõ, trong quá khứ đình chính là nơi sinh hoạt cộng đồng làng - xã, phổ biến thông tin qua Hội đồng Hương chức, Kỳ mục, Hồi tề vốn có chức năng quản lý “phần xác” của đình thông qua “phần hồn” của Thần hoàng bổn cảnh (nhiên thần, nhân thần, hoặc không có mà chỉ là một điềm mộng nào đó gán ghép cho đình). Ngược lại, cơ quan quản lý cả “hồn” và “xác” là cơ quan quản lý nhà nước phong kiến thông qua một sợi dây xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam, nhất là vào thời Hậu Lê từ thế kỷ XV và mạnh mẽ hơn hết là vào triều Nguyễn thế kỷ XIX chính là “Sắc phong thần” theo cấp bậc (Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần). Đây là sợi chỉ đỏ của hệ tư tưởng phong kiến nhằm cột chặt quan hệ “thần quyền” phục vụ “quân quyền” và nhằm giảm đi quyền năng - thế lực của làng - xã truyền thống người Việt vốn là “Phép vua thua lệ làng”. Điều này chúng ta cần suy nghĩ thêm, trong một xã hội pháp quyền XHCN thông qua cơ chế dân chủ cơ sở thì việc mở rộng - phát triển - bảo tồn các giá trị văn hóa hiện đang cần một cơ chế quản lý bổ sung yếu tố của “Thần hoàng đình” hiện đại trong công tác tuyên truyền và quản lý từ trung ương đến địa phương cơ sở, mà hiện tại ở các tỉnh phía Bắc đang trỗi dậy phục hồi hương ước làng, trùng tu đình-chùa, lễ hội ăn theo biến tướng [Tôn Nữ Quỳnh Trân 1999: tr. 191-204; Võ Thanh Bằng 2008: tr. 34-63; Minh Đường 2010: tr. 73-86].
[6] Quyết định số 1396/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND Thành phố. Tiêu chuẩn xét nhận Gia đình văn hóa thuộc phong trào “TDĐKXDĐSVH” Thành phố Hồ Chí Minh. Hộ gia đình đạt 4 tiêu chuẩn gia đình văn hóa liên tục trong 3 năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn ban hành Quyết định kèm theo giấy công nhận. Bốn tiêu chuẩn bao gồm:
1. Chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của thành phố, địa phương, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân
2. Gia đình hòa thuận, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, không để con bỏ học, sinh con đúng quy định; Chuyên cần lao động, thực hành tiết kiệm, phát triển kinh tế gia đình.
3. Hưởng ứng phong trào an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, đoàn kết tương trợ xóm giềng, giúp nhau giảm nghèo, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn.
4. Thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh mỹ quan đô thị - nông thôn mới.
[7] Theo kết quả thống kê lễ hội năm 2002, tạm thời sắp xếp và phân loại theo các dạng lễ hội như: lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Các lễ hội văn hóa – du lịch, lễ hội văn hóa thể thao tiêu biểu cũng được đưa vào tập sách và sắp xếp ở danh mục thống kê các lễ hội khác. Theo danh mục thống kê này ở nước ta có tất cả 7.966 lễ hội: lễ hội dân gian 7.039, lễ hội tôn giáo 544, lễ hội lịch sử cách mạng 332, lễ hội du nhập từ nước ngoài 10, lễ hội khác 40. Trong đó cấp tỉnh quản lý 327 lễ hội, cấp bộ quản lý 8 lễ hội [Lê Hồ Tố Uyên 2011].
[8] Qua quan sát tại một số nơi tại Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Nhơn Đức, Xuân Thới Thượng thì hiện tượng đám cưới với nhiều nghi thức đã giảm đáng kể, nếu không muốn nói là văn minh hơn thành thị. Cụ thể người đến dự đám cưới khá đúng giờ ghi trên thiệp mời, đủ số người trên bàn là họ đãi ăn ngay, không nhậu nhiều như trước nữa. Điều này phần nào phản ánh chính công việc đồng áng gắn với chu trình quay vòng của đồng vốn (vay tín dụng xã, hoặc ngân hàng chính sách), định hướng nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Đám tang không còn để kéo dài theo hủ tục xưa xem ngày giờ tẩm liệm, động quan và hạ quyệt; tình trạng ăn nhậu bê tha, ăn theo đám đã giảm đáng kể cũng một phần tác động bởi nhận định đã nêu ở trên.
Hiện tại xã Thái Mỹ đang triển khai quy hoạch đất nghĩa trang cho từng ấp (vận động quyên góp, ngân sách). Đây là một một trong chuỗi giải pháp cho NTM không chỉ cho người sống được mới mà người về bên kia cũng thấy mới vì “sống có cái nhà, chết có cái mồ”; Nhơn Đức, Đa Phước, Lý Nhơn, Tân Nhựt, Tân Thông Hội đang dần hoàn thiện quy hoạch.