TUỔI TRẺ HUẾ THUỞ ẤY: NỖI LÒNG, KHÍ PHÁCH VÀ KHÁT VỌNG.
Thế hệ của chúng tôi, hiểu theo nghĩa rộng: thế hệ cùng tuổi của một thời đại, đều nặng lòng với thân phận của quê hương chiến tranh đói nghèo. Cũng nặng lòng với giấc mơ hợp nhất tổ quốc, giấc mơ của sự độc lập thoát khỏi thân phận của người nô lệ da vàng.
Những con người trẻ tuổi thời xưa ấy, thời đất nước còn cách chia và chiến tranh ấy, do định mệnh ở hai miền Bắc, , nên có thái độ hành sử khác nhau. Tuổi trẻ miền Bắc đi vào cuộc dấn thân lịch sử dễ dàng như hít thở khí trời, như trở một bàn tay.
Còn thế hệ trẻ tuổi miền thuở ấy phải dò dẫm trong lo âu, tìm đường, định hướng với những bóng tối trong mạch máu nghi hoặc, phải với một hành trình dằng dặc để nhận diện lại quê hương, nhân dân, và phận mình. Từ nhận diện đến tỉnh thức, từ tỉnh thức đến hành động cho một quê hương hòa bình thống nhất, cho một vận hội mới trùng tu lại cái xứ sở mà cuộc chiến tranh dài dằng dặc những bóng chinh phu, các chinh phụ, những người tình, người vợ chờ đến hóa đá bên chân trời đăm đăm, những bà mẹ già lòng quặn thắt đớn đau bị rứt khỏi những vòng tay tình yêu, những đứa con ruột rà quẳng vào lò lửa cuộc chiến...
Trong cái tuổi trẻ chung của các đô thị miền Nam ấy, tuổi trẻ của cái xứ Huế tĩnh lặng trầm mặc ấy của lăng miếu trùng vây và của tiếng thở dài, của thành quách rêu phong lở lói vết tích thời gian ấy, đột khởi một cơn bão lớn của phản chiến, đòi Hòa Bình và cũng của những ánh thép, của những ngọn lửa cất cao ngùn ngụt của tình thương và cũng là ngọn lửa cháy bùng của lòng yêu nước. Ngọn lửa của một ước mơ mai này hòa bình, mai này thống nhất Huế- Sài Gòn-Hà Nội, mai này trùng tu lại một quê hương tan hoang đổ nát, những ruộng đồng làng mạc bỏ hoang, những ngôi nhà sụp nát như những con mắt linh hồn hoang vu, những cây cầu gẫy đổ nhịp giữa những giòng sông chới với nỗi sầu muộn. Cũng là ngọn lửa của khát khao xây dựng lại một quê hương bình an, xanh thắm hiện hữu thực bên ngoài. Và cũng là ngọn lửa mơ trùng tu lại quê hương bên trong tâm hồn còn đầy những hiềm thù nghi ngại, đầy những biên giới cách chia cảnh giác giữa những người cùng màu da, cùng tiếng nói, cùng cội nguồn.
Tuổi trẻ Huế thuở xa xưa ấy đã trở thành ngòi nổ và ngọn lửa của bão táp thổi dọc miền Trung vô Nam làm bùng cháy một cơn bão lửa lớn hơn rồi quay trở ra lại Huế tiếp sức một đợt sóng cháy bùng mới. Ngọn lửa ấy diễn tiến trong cái chu trình đi, về, đấu tranh sục sôi của phong trào đô thị yêu nước miền Nam, chảy suốt một dọc thời gian khởi nguồn từ biến động năm một chín sáu ba trãi dài cho đến tháng ba một chín bảy lăm.
Có hiểu nỗi lòng, khí phách, khát vọng của Tuổi trẻ Huế, mới hiểu được thái độ dấn thân của trí thức văn nghệ sĩ. Những Ngô Kha, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Vàng Sao, Cao Huy Thuần, Thái Kim Lan, Nguyễn Đắc Xuân, Thái Ngọc San, Trần Phá Nhạc, Võ Quê, Trần Hoài, Nguyễn Xuân Hoa... và đặc biệt Trịnh Công Sơn. Tuổi trẻ đó lại in đậm một tâm thức Huế thẳm sâu.
TÂM THỨC HUẾ VÀ NGƯỜI NGHỆ SĨ.
Dữ dội, bạo liệt trong cái chốn tịch lặng, thâm u ấy. Khí phách hiên ngang của thanh kiếm trắng trên giòng trường giang giữa cái cõi dịu dàng thơ mộng ngát thơm hương của giòng sông Hương u hoài ấy.
Tính cách Huế, cõi nội tâm sâu thẳm Huế là một sự tổng hợp hài hòa của một phép biện chứng kỳ lạ của những sự trái ngược, tương phản cực đoan, khủng khiếp trên.
Giữa cõi thực và cõi mơ, giữa bạo liệt và tĩnh lặng, giữa hào hùng và dịu dàng, giữa chiêm nghiệm của triết gia, thi sĩ, nhà tu hành với hành động dấn thân của nhà hoạt động xã hội, của chiến sĩ, lặn sâu vào vòng xoáy của phận người, phận quê hương, phận dân tộc.
Phạm Duy, có lần có nhận xét về tính cách Huế ấy khi đối chiếu so sánh tình yêu của một người con gái ở ba miền Trung Nam Bắc khi bị thất tình. Người con gái xứ Bắc khi thất tình thì điên giả như Xúy Vân giả dại, xứ Huế thì đâm đầu xuống sông tự tử, xứ sẽ đốt chồng như cô Quờn...
Theo tôi, đó là nhận xét và một phép so sánh lý thú, từ đó nảy bật một cách hiểu về cái nét cực đoan của tính cách Huế: Tình yêu quá mức hay nói rộng ra yêu cuộc sống quá mức đã bao hàm yêu cả cái chết và sự vô vọng, tuyệt vọng.
Và cũng có thể nói từ trong sự vô vọng, tuyệt vọng kia, từ trong cõi âm u của sự chết kia, đã bao hàm sự sống, sự phục sinh, giữa tro tàn và khát vọng của huyền thoại xa xưa về ngọn lửa, cái chết và chim Phượng hoàng.
Cõi cỏ hoa, cảnh sắc kiều diễm này, một thung lũng được đắp bồi do phù sa của những nhánh sông, nhưng được chở che bởi dãy Trường Sơn và Biển Đông này là sự hội tụ của “văn hóa biển” và “văn hóa rừng” của những gì mênh mông, bát ngát, thẳm sâu và huyền bí. Từ đó, kết tinh trong Huế một chất tâm linh sâu thẳm, chất lãng mạn mơ màng và chất đời thường tinh tế, nhưng cũng mãnh liệt sục sôi những giòng ngầm.
Cái quê quán tôi xưa của uyên nguyên vĩnh hằng cũng kết hợp với quê quán cỏ hoa, cây lá có thực. Đó là cõi đi về của tâm hồn Huế và cũng là bản chất nghệ sĩ của Huế và người Huế hiểu theo nghĩa rộng. Chất cổ truyền xa xưa nhất và chất hiện đại nhất cũng được kết hợp ở đây.
Huế cũng là một trong những trung tâm của tôn giáo. Từ Tiên thánh giáo “dân dã bí ẩn”, đến cái chất “thiền và tịnh độ” siêu thoát, tự tại ung dung của Phật giáo, đến cái chất nhân vị huyền hoặc của một “Phúc âm buồn”: tuẫn nạn trên cây Thập Tự Đời để rồi cũng “Phục Sinh” chính ở giữa cõi trần này trong Thiên chúa giáo. Đụng đầu, đấu tranh, hay tách riêng ai sống phận nấy, hoặc kết tủa thành các lớp địa tầng tâm hồn, các tôn giáo này cũng tạo nên tâm thức Huế.
TÂM THỨC HUẾ QUA CÁC VĂN NGHỆ SĨ TIÊU BIỂU: NGÔ KHA, HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG, BỬU CHỈ...
Tâm thức Huế ấy được kết tinh trong cõi lòng của các văn nghệ sĩ tiêu biểu của Huế, ở những mức độ đậm nhạt khác nhau.
Trong cái thế hệ cùng tuổi thời đại của đất nước bị chiến tranh và chia cắt ở Huế, theo tôi, bốn nghệ sĩ đặc trưng nhất cho tâm thức Huế đó là: Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn, và Bửu Chỉ.
Bốn nghệ sĩ này vốn có một tình bạn gắn bó với nhau qua những ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, tuy thể hiện cùng một tâm thức Huế theo cách riêng của mình và có ảnh hưởng lẫn nhau và lên nhau trong cuộc sống lẫn các tác phẩm.
Ngô Kha chủ yếu thể hiện trong ngôn ngữ thơ từ “Hoa cô độc”, “Ngụ ngôn người đãng trí” đến “Trường ca Hòa Bình” và “Mai có Hòa bình” là một sự vận động từ cái riêng của thân phận mình đến cái chung của thân phận dân tộc quê hương.
Từ cái tôi cô đơn, “tân lãng mạn” với cõi tình của tập thơ “Hoa cô độc” đến cái hư hư thực thực đi về giữa hai cõi mê và tỉnh siêu thực ở “Ngụ ngôn người đãng trí“ ở cõi phận mình với cõi tình và cõi người, đến sắc độ “thực” về thân phận quê hương trong “Trường ca hòa bình”, “Mai có hòa bình”, ở đó là sự thâm nhập một hồn thơ vào cõi thực hiện hữu lịch sử: một sự chọn lựa dứt khoát của dấn thân.
Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn cái thể tản văn phóng túng kết hợp và hòa tan cái chất thơ, chất triết lý và chất uyên bác của mình.
Anh đi từ cái cõi khói sương lãng đãng của cái chết đến thân phận lịch sử mang tính dấn thân cao (trong Tập ký “Rất nhiều ánh lửa”) đến trở về bốn mùa thiên nhiên (“Ai đã đặt tên cho một giòng sông”, “Hoa trái quanh tôi”) rồi trở lại cái cõi uyên nguyên của vô thường trong “ngọn núi ảo ảnh”.
Bửu Chỉ trong các tranh bút mực phản chiến trước 1975, đã thể hiện trong trong ngôn ngữ hội họa điều mà Trịnh Công Sơn thể hiện trong ngôn ngữ ca khúc ở các tập “Ca khúc da vàng”, phụ “Ca khúc da vàng”, “Kinh Việt Nam”, “Ta phải thấy mặt trời”. Họ là hai anh em song sinh cùng tâm thức và thái độ dấn thân với hai hình thể ngôn ngữ nghề nghiệp khác nhau.
Từ sau giải phóng 1975 đến 1990, tranh Bửu Chỉ đi vào con đường hiện thực và đã có một số họa phẩm thành công, nhưng chính từ 1991 đến nay, anh đã tìm được một ngôn ngữ hội họa triết lý và biểu tượng với những gam màu rực rỡ mà lại phảng phất u buồn để diễn tả tâm linh mình trước vũ trụ, cuộc đời và cõi thế nhân.
Trịnh Công Sơn thì đi về giữa cõi tình đến cõi phản chiến dấn thân, rồi trở về với cõi phận mình. Sau 1975 với thử nghiệm đi vào cõi thực ít thành công, anh trở lại với cái chất tình ca và chất triết lý vô thường và cũng kết hợp với chất cõi thực nhưng mang màu sắc tâm linh hơn (Huyền thoại mẹ, Sóng về đâu, Tôi ơi đừng tuyệt vọng...).
ĐẶC TRƯNG NHẤT CỦA TÂM THỨC HUẾ: TRỊNH CÔNG SƠN.
1. Dưới đây chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một trường hợp đặc trưng nhất của tâm thức Huế: Trịnh Công Sơn và thế giới ca khúc của anh, nhân năm giỗ đầu của anh, đặc biệt là đề cập đến cái chất “tâm linh Huế” trong thế giới đó.
Tuy nhiên, lễ kỷ niệm một năm ngày mất của anh, lại trùng với sự kiện quan trọng đang được chuẩn bị trong đời sống thành phố Huế: Festival 2002.
Từ Festival 2000 đến Festival 2002, cố đô rêu phong này đã hồi sinh mạnh mẽ về văn hóa - du lịch và ngay cả trong đời sống của người dân. Tôi thử đặt ra một vấn nạn trong cuộc hồi sinh của cố đô đó, di sản nghệ thuật của Trịnh Công Sơn còn đóng góp được gì cho sự phát triển chung của thành phố Huế- Festival?
2. “Về Huế tháng ba. Trời đẹp, ở Morin, nơi này xưa kia Charlie đã từng ở. Thấy vui vì Huế như được phục sinh...”
(...) “Đây là thời kỳ phục sinh, Huế được “sống lại”, sống bền bỉ thì tốt biết bao nhiêu! Bởi vì một thành phố “sống lại” thì “tất cả những gì, ai ở trong thành phố đó hoặc những ngành nghệ thuật có cơ hội sống lại”.
Đó là những lời người nhạc sĩ tài hoa, đứa con dấu yêu của đất Thần kinh đã viết, đã nói trong cuộc phỏng vấn của Văn Cầm Hải vào ngày 27/3/1978 tại Huế. (Văn Cầm Hải là một người làm phỏng vấn rất hay. Tôi cũng từng làm cùng công việc ấy và rất khâm phục, bởi anh biết nắm bắt được tư tưởng và cảm quan nổi bật, nỗi lòng và cả mơ ước khát vọng của người nghệ sĩ. Vừa rồi trên Sông Hương, số Tết Xuân Nhâm Ngọ, anh đã thực hiện một phỏng vấn hay về Nghệ sĩ đạo diễn phim “Đặng Nhật Minh”, người mà tôi đã từng thực hiện “hụt”.)
Cảm nhận của Trịnh Công Sơn về sự phục sinh của thành phố Huế, mong ước của anh về sự “sống lại” bền bỉ của Huế, lập luận bởi vì... của anh đã cho thấy tấm lòng của đứa con của Huế dù có “ở trọ” tít xa ở thành phố phương Nam, vẫn trĩu nặng đau đáu đối với một chốn quê hương, một “cõi đi về”, một “quê quán tôi xưa”.
Anh là một đứa con xuất sắc của Huế trong lĩnh vực ca khúc âm nhạc. Chính anh cũng tự nhận mình là người được sinh ra, nuôi dưỡng bởi khí chất của Huế, tâm linh của Huế.
“... Địa lý theo tôi rất quan trọng. Tâm hồn của mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biệt nào đó nuôi dưỡng, nó phả vào tâm hồn một điều rất lạ và độc đáo. Ấy nên, có những giọng nói khác nhau ở mỗi vùng, thực sự trong âm nhạc và nghệ thuật cũng vậy. Có nhiều người than phiền và trách tôi tại sao tôi ở Huế mà không viết về Huế. Tôi nói tất cả các bài hát của tôi đều viết về Huế. Thường khi như bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội, mình không phải là người Hà Nội nên phải dùng từ “Hà Nội” để người ta biết mình viết về vùng đất đó như những người không phải đứa con của Huế thì hay dùng từ Huế.
Tôi không nói về Huế, nhưng tất cả các bài hát của mình đều là của “Huế” cả.
(...) Thậm chí “Một cõi đi về” cũng là Huế chứ không thể ở chỗ khác mà viết được (Bài phỏng vấn trên, I, trang 206, 207).
Những hình ảnh của Huế dày đặc trong ca khúc của anh. Anh đã từng chỉ ra vài ví dụ mưa Huế, lăng miếu, tiếng thở dài rất buông trùm xa xôi, tiếng khóc của bào thai (ở đường Âm hồn mới có những hồn thai với những ngọn đèn leo lét trong am miếu”...) trong những lời ca từ của anh.
3. Khánh Ly, một ca sĩ nhờ hát nhạc Trịnh Công Sơn mà nổi tiếng, và chính Trịnh Công Sơn cũng ngược lại nhờ tiếng hát Khánh Ly mà làm xao động tâm hồn hàng triệu con tim, người mà anh từng phát biểu “Còn Khánh Ly là một sự may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà cả Khánh Ly”. Chính người ca sĩ này cũng đã từng nhận xét:
“Trịnh Công Sơn là một người Huế chay”.
Chính qua cái con người thân thương nhất đối với đời mình, với “những kỷ niệm, ấn tượng với con người đó ở một vùng đất đặc biệt, người ta có thể yêu tha thiết đắm say một vùng đất. Khánh Ly viết:
“Một thứ tình lạ thường đã trói buộc Huế trong trái tim tôi. Một trói buộc mơ hồ nhưng mạnh mẽ, đằm thắm. Tôi lớn trong hơi thở có Huế. Chính Huế cho tôi hơi thở.”
(Bài “Trịnh Công Sơn và thời tôi còn trẻ”,IV, TCS, Rơi lệ ru người, NXB Phụ nữ, trang 165)
Không chỉ Khánh Ly mà hầu như tất cả bạn bè của Trịnh Công Sơn đã từng nói tới cái chất Huế sâu nặng trong thế giới ca khúc của anh. Những người bạn thân nhất của anh như Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu ý, Trịnh Cung, Cao Huy Thuần, Thái Kim Lan... đều nói những ấn tượng Huế, kỷ niệm Huế với Trịnh Công Sơn và âm nhạc của anh.
4. Không chỉ là lời của ca từ và hình ảnh của nó trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn mới là Huế mà ngay cả cái nhịp Récitativo, tâm tình nói kể than vãn như một tiếng thở dài, cái điệu blues của cung la thứ sầu thảm u hoài có nguồn gốc trong âm nhạc da đen kia, những bản spirituals (tâm ca, kinh ca), có cội nguồn Thánh ca Thiên chúa giáo và thiền ca của Phật giáo kia cũng mang cái chất tâm linh của Huế.
Ngay cả cái chất lãng đãng khói sương, hát về giấc mơ đời hư ảo kia cũng là linh hồn Huế được phả vào tâm linh người nhạc sĩ, dĩ nhiên theo cách riêng của anh, chất Huế riêng của phong cách của anh.
Ngay cả đối tượng, để giải bày nỗi lòng chủ yếu của anh về mọi cung bậc cuộc sống, người Tình, một hình bóng “em” mơ hồ nào đó cũng là cái chất lãng mạn mơ mộng của Huế.
5. Cả cái cảm quan nghệ thuật biện chứng siêu thoát tâm linh của thế giới ca khúc âm nhạc Trịnh Công Sơn, sự biện chứng giữa vĩnh cửu và khoảnh khắc, thực và mơ, hiện tại sầu muộn và mơ ước tương lai, giữa đi và ở, đi và về, trộn lẫn các không gian biển, rừng, phố, lẫn thời gian, thiên thu vĩnh hằng và cái biến dịch, cái nỗi nhớ khôn nguôi ngoai chốn quê xưa của uyên nguyên tâm linh, cỏ hoa, thời tiết bốn mùa, mây, gió, núi, sông, sương cũng là của trời đất Huế được các sắc điệu của ý tình, cảm xúc Trịnh Công Sơn nhào nặn để trở một linh hồn Huế dưới cái nhìn nghệ thuật riêng của Trịnh Công Sơn. Cả cái không khí thời đại của phong trào đấu tranh đòi hòa bình, phản chiến, mơ về thống nhất của phong trào đô thị tuổi trẻ Huế từ những năm 63 đến 75 cũng âm vang trong chất nhạc của anh và ngược lại nó tác động lại sâu đậm phong trào này.
6. Có thể cái chất Huế của TCS có cội nguồn từ kinh nghiệm sống, sự nghiệm sinh của anh mà những lớp phù sa Huế đắp bồi dần dần trong bãi bờ của tâm hồn anh.
Các ấn tượng, cảm giác, tri giác về Huế được thu nhận vô hình, có tính chất tiềm thức và vô thức, dần dần được kết tinh nhờ liên tưởng và tưởng tượng, nhờ cái tình, cái cảm xúc của anh trong mọi khoảnh khắc cuộc sống tạo tác nên.
Cội nguồn đó là chất thiền của các ngôi chùa Huế, chất thế giới thiên đường - trần gian lưỡng diện của Thiên chúa giáo mà những ngày anh học ở trường Pellerin, Providence xưa kia.
Rồi cái ngày phát hiện ra năng khiếu âm nhạc và sáng tác, những mối tình đầu đưa mộng, chất suy ngẫm triết lý từ những trang sách triết, đặc biệt là triết Hiện sinh, cái thế giới lãng đãng của “Tuyệt tình cốc” và căn hộ ở đường Nguyễn Trường Tộ, cái thế giới bạn bè nghệ sĩ đã tác động đến anh và ngược lại anh cũng tác động lại đến họ cũng là chất Huế tạo dựng nên anh.
Rồi sự ám ảnh về cái chết đột ngột của người cha, cũng là ám ảnh về “sự vắng mặt”, nó tạo ra sự thức ngộ biện chứng giữa sống/chết, vắng mặt/ hiện diện, một thứ biện chứng của các nghịch lý thấm đượm trong thế giới ca từ và giai điệu của anh mà Cao Huy Thuần đã phân tích rất hay ở bài “Buồn bã với những môi hôn”. Chính ám ảnh vắng mặt này đã tạo nên hình tượng “Nhớ” xuyên thấm trong các ca khúc của anh.
7. Chất tâm linh Huế này không chỉ bó hẹp trong tính địa phương của nó. Mà nó mở rộng tiếp thu, cảnh sắc khí chất của nhiều miền đất nước, mà người nhạc sĩ đã trải nghiệm trong thế giới thực và mơ: đó là biển Quy Nhơn, núi, đồi, thung lũng, sương mù, thác, đèo của Blao và Đà Lạt, rồi thế giới huyên náo và tĩnh lặng của Sài Gòn, thế giới của giấc mơ về Hà Nội...
Chất tâm linh Huế này hòa quyện với chất quê hương dân tộc. Cái nhìn của anh còn mở rộng ra ở bình diện nhân loại: do vậy, dù viết về thân phận con người, tình yêu, hay thân phận quê hương, chúng cũng trở thành những huyền thoại lung linh. Cái nhìn về sự hiện hữu của các thân phận hữu hạn ấy được đặt chồng trên bình diện vũ trụ vô hạn, do vậy luôn luôn có hai thời gian sóng đôi, phản chiếu, như “vang và bóng” đó là thời gian vô thủy vô chung, vĩnh cửu của vũ trụ và thời gian hữu hạn của con người. Từ đó nổi bật cái tính vô thường, cái ở trọ của cõi đi về này. Cái thế giới trần gian cũng chỉ là những bước loanh quanh mỏi mệt trong cái vô cùng trời đất kia. Chất ngậm ngùi của nỗi đau toát ra từ triết lý nghiệm sinh đó.
8. Chất hiện sinh trong thế giới ca anh không chỉ đến từ triết lý hiện sinh phương Tây, giữa lưu đày và quê nhà, giữa cái phi lý phải chọn lựa để “gió hàm oan” còn thổi mãi mà còn chất hiện sinh “sống hết, sống tận cùng với mỗi sát na” của Thiền gia. Sống một cách ung dung tự tại với mọi thứ. Dù từng bị chẻ ra từng trăm mảnh nhỏ, dù từng bị nghi ngại cả hai phía, bên này quê hương và phía bên kia, anh đã vượt qua để sống với chính mình, tự phục sinh lấy mình, để tồn tại giữa lòng của mọi người và quê hương và được yêu mến.
9. Cái ngôn ngữ tân kỳ mà đôi khi rất giản dị của thế giới ca từ của anh nhờ mơ mà đi tới thực và từ thực mà đi tới mơ, từ riêng đi đến chung, từ chung đi tới với chính mình. Các hình ảnh của vũ trụ và thiên nhiên được phóng chiếu bởi cảm thức của tâm linh người nhạc sĩ với những cung bậc và trạng thái cảm xúc khác nhau, để nó mang linh hồn của người nhạc sĩ hòa quyện trong một thể đồng nhất con người - vũ trụ, vũ trụ - con người. (Chẳng hạn, Ngày mai em đi, Biển nhớ tên em... Cánh diều rơi cho vực thẳm buồn theo...)
Sự tương hợp giữa các giác quan (nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều), sự tương hợp của tâm hồn cá nhân và tâm hồn vũ trụ vốn là đặc trưng của chủ nghĩa tượng trưng đã phủ thêm sắc màu của chủ nghĩa siêu thực để dẫn dắt ngôn từ đi theo một trục liên tưởng của tiềm thức, vô thức gắn kết kiến trúc âm vang và sự dẫn dắt tự động của ngôn từ, ca khúc tạo nên sự tân kỳ trong ngôn ngữ ca từ rất thơ của anh.
10. Chất mặc khải, tiên tri cũng là chất đặc biệt trong thế giới ca từ của anh. Sự tiên tri về thống nhất, hòa bình, về dựng xây và cả những giả sử chiêm nghiệm ngắm nhìn cái chết, sự vô vọng, nỗi buồn của “một cái tôi” để rồi từ đó, “một cái tôi khác” thoát ra khỏi nó một cách ung dung thanh thoát.
11. Trịnh Công Sơn đã mất gần tròn một năm. Đám tang của anh, đông đảo chưa bao giờ từng có đối với một nghệ sĩ. Cái đám tang đông đảo hâm mộ và tiếc thương của mọi thành phần kia phải chăng là một sự đánh dấu cho sự thành công của thế giới ca khúc của anh trong lòng mọi người. Sự vinh quang sau cùng của nghệ sĩ là ở chỗ đó.
Năm tập sách viết về người nhạc sĩ ra đời trong vòng mấy tháng với các nhà xuất bản khác nhau quy tụ các bài viết của nhiều khuôn mặt trí thức văn nghệ sĩ, nhà báo có tiếng tăm là một biểu hiện khác về sự kỳ diệu, kỳ vĩ của một thế giới nghệ thuật, một sự nghiệp, một con người.
Là một đứa con của Huế, anh đã trở lại làm rạng rỡ Huế, và tôi nghĩ rằng mơ ước của linh hồn anh là trở về lại với Huế, bởi anh xem quê hương này là “một cõi đi về” của tâm thức mình.
Đặc biệt tôi có cảm tưởng rằng linh hồn ấy chắc sẽ rất mừng vui với sự phục sinh của Huế, của cố đô rêu phong, khi nó thay da đổi thịt để trở thành một thành phố Festival - một biểu hiện cụ thể hóa trung tâm du lịch - văn hóa của cả nước, vì đó theo tôi nghĩ đó cũng là giấc mơ của anh, cũng như giấc mơ của mỗi người con xứ Huế, dù chỉ là giấc mơ đời hư ảo.
Nguồn: tapchisonghuong.com.vn