Cái mà chúng ta vẫn gọi là giữ gìn không gian công cộng, nhiều lúc rất buồn cười ở chỗ chúng ta vừa đứng trong cuộc lại vừa ngoài cuộc, vừa là nạn nhân vừa là tác nhân. Ví dụ: mọi người đều bị căng thẳng bởi tiếng ồn nhưng rồi mọi người đều tự nhiên nhấn còi inh ỏi.
Nếu nhìn ở khía cạnh tâm lý có thể thấy việc nhấn còi inh ỏi khi đi đường thể hiện một cách giải tỏa xung năng tâm lý bị ức chế bởi sự ngột ngạt của bối cảnh, sự hối thúc vội vàng của nhịp sống đô thị cộng với những rối ren của phương thức di chuyển, giao thông.
Từ đó tiếng còi là phương tiện “bày tỏ”: tranh giành đường sá để được việc mình: nhấn còi!; kẹt xe không còn đường thoát: cùng nhau nhấn còi!; đèn vàng chuyển sang đèn xanh: nhấn còi thúc giục!; dằn mặt nhau: nhấn còi!; qua mặt nhau: nhấn còi!...
Cứ như thể phương tiện ngôn ngữ phổ biến nhất khi đi trên đường là tiếng còi. Mọi người đang dùng tiếng còi để “nói chuyện” với nhau đầy căng thẳng và gay gắt. Không riêng gì xe máy, cả những phương tiện công cộng như xe buýt, xe hơi gia đình và cả xe hơi công vụ cũng tha hồ nhấn còi.
Có những chiếc xe buýt trang bị còi âm lượng lớn có thể gây bùng tai người đi xe máy bên cạnh, có những chủ nhân xe hơi sẵn sàng đi “độ” những chiếc còi có sức “khủng bố” đinh tai nhức óc để dằn mặt người khác... Cuộc giao tiếp với nhau bằng tiếng còi trên đường phố hằng ngày diễn ra theo kiểu “kẻ nào nhấn còi lớn thì kẻ đó thắng”.
Nếu có dịp đứng trên cao nhìn xuống đám kẹt xe sẽ thấy sự kinh khủng của một đám đông náo loạn đang rúc vào nhau, ken kín mọi khoảng hở, tiếng động cơ rần rần và tiếng còi bắt đầu náo nhiệt như một bản hòa tấu hỗn tạp những thanh âm đe dọa sự ổn định của mọi thần kinh! Điều này hiếm thấy ở những thành phố lớn khác mà tôi đã đi qua.
Ngay tại một thành phố thủ đô nhỏ nhưng rất cảm tình là Vientiane của Lào, nơi cũng có người đi xe máy và phương tiện vận chuyển thô sơ, công cộng khá cao trên đường nhưng rất hiếm khi nghe tiếng còi xe. Người Lào nói với tôi rằng chỉ nhấn còi khi thấy cần phải chào nhau vui vẻ, không nhấn còi vì... “lên máu” như khi ra đường ở Việt Nam.
Đường phố huyên náo luôn tiềm tàng những nguy cơ, căn bệnh tinh thần đối với thị dân. Tôn trọng không gian công cộng có khi bắt đầu từ chuyện hãy biết tiết chế những tiếng còi khi đi trên đường. Đó cũng là cách hạn chế ô nhiễm và góp phần tìm sự bình yên cho tinh thần chính mình mỗi khi ra đường.
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN