1. Đặc điểm loại hình di tích Baudi
Baudi là một từ trong tiếng Hindi dùng để chỉ các công trình chứa nước nhân tạo như giếng, bàu hoặc ao của cư dân Ấn Độ. Bên cạnh đó nó còn có nhiều tên khác nhau tùy theo địa phương hoặc theo các dân tộc khác nhau ở Ấn Độ bao gồm các tên đọc trại ra từ tiếng “baudi” như bawdi (phương ngữ Rajasthani),baoli, bavadi và bavdi. Trong tiếng Gujarati và Marwari thường gọi là vav hay vaav. Bên cạnh đó còn một số các tên khác như kalyani hay pushkarani (phương ngữ Kannada) và barav (phương ngữ Marathi)[1].
Tùy theo chức năng, kích thước mà chúng mang những tên gọi khác nhau. Trong tiếng Anh, baudi được gọi là “stepwell” hay “stepped pond” khi được dùng để chỉ về kích thước, hình dáng và “temple tank” khi nói về chức năng. Đối với stepwell thì đây là loại hình giếng hoặc ao được đào sâu và có các bậc cấp đi xuống. Các ao - giếng này thường được xây bằng gạch, đá và đa phần có hình chữ nhật hoặc vuông, một số khác có dạng hình tròn. Stepwell có thể được xây dựng riêng rẽ nhằm phục vụ đời sống của cư dân hay nằm phía trước đền để phục vụ riêng cho tôn giáo, một số khác còn được sử dụng kết hợp cả hai chức năng này. Về loại hình, stepped pond là các bàu, ao, hồ lớn đa phần được xây dựng nhằm cung cấp nước cho các thành thị cổ đại. Với loại hình này thì có thể được xây bằng đá, gạch hoặc đắp đất và cũng được xây dựng với các bậc cấp nhưng không quá sâu so với loại hình stepwell. Có thể xem loại hình này với chức năng như một “ao làng”, “ao thành” hay “bàu thành” do thường xuất hiện tại các làng cổ hay các đô thị, thành cổ. Một số ao phía trước đền với quy mô và kích thước lớn cũng được gọi là stepped pond. Còn thuật ngữ “temple tank” chỉ dùng cho các ao, bàu, giếng (stepwell và stepped pond) được xây dựng gắn liền với phần kiến trúc đền tháp nên có thể gọi là các “ao thần” hoặc “ao đền”. Một số ngôn ngữ và các vùng khác nhau ở Ấn Độ còn gọi các ao thần này là puskarini, kalyani, kunda, sarovara, tirtha, talab, pukhuri,…[2].
Các baudi đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau, từ việc cung cấp nước sinh hoạt cho đời sống cư dân địa phương cho đến đời sống tinh thần, việc cúng kiến trong các đền thần. Trong văn hóa Ấn Độ, nếu như sông Hằng là con sông linh thiêng gắn liền với các hoạt động tôn giáo như tắm sông Hằng hoặc thả thần ra sông Hằng. Với quan niệm đó, đối với những vùng xa thì các baudi hoặc các con sông địa phương cũng đóng vai trò “trung gian” với sông Hằng. Đều này lý giải cho việc nhiều tượng cổ ở Việt Nam cũng như nhiều nơi hay được tìm thấy trong các bàu nước hay dưới lòng sông. Bên cạnh các chức năng về đời sống dân sinh và đời sống tín ngưỡng, các baudi cũng góp phần tạo cảnh quan cho đền thờ hoặc cho các thành phố cổ.
Trong quá trình giao lưu thương mại cùng với sự ảnh hưởng các tôn giáo cổ Ấn Độ đã tạo điều kiện cho sự du nhập các loại kiến trúc với nguồn gốc từ Ấn Độ như các stupa Phật giáo, các loại hình đền thờ Phật giáo hay Hindu giáo cũng như các loại hình baudi này. Tiếng Khmer gọi là baray hay một từ ít phổ biến hơn là Tadaaka, đó là một loạt các “ao thần” lớn nhỏ khác nhau tại khu vực Angkor Wat, khu vực Wat Phou (Lào) hay nhiều đền thờ khác ở Campuchia và Thái Lan. Bên cạnh đó các ao - bàu cung cấp nước cho cộng đồng dân cư cũng được gọi chung là baray. Một số di tích đền thờ ở Campuchia như di tích đền Cheung Ang, đền Preiki bên cạnh baray phía trước còn có bàu nước bao bọc xung quanh theo hình Yoni. Ở Indonesia, các di tích “hồ tắm” theo loại hình Stepwell được gọi chung tên gọi với các đền thờ là candi với quan niệm các hồ tắm này cũng là các đền thờ thần linh. Tại cố đô Trowulan (đông Java) của đế chế Majapahit có một bàu nước lớn (stepped pond) hình chữ nhật xây bằng gạch với kích thước 800 x 500m dùng cho cả thành phố được gọi là Segaran - nghĩa là “đại dương”[3]. Các baudi này cũng xuất hiện tại Việt Nam trong văn hóa Champa và với vương quốc cổ Phù Nam, Chân Lạp.
2. Các di tích baudi tại Việt Nam
Một trong những bằng chứng duy nhất và rõ nét nhất về các baudi trong văn hóa Champa còn tồn tại cho đến ngày nay là tại khu di tích Đồng Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong những di tích đền đài Phật giáo quan trọng nằm tại vị trí trung tâm của thành Indraputra và có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ IX-X. Tại khu vực này tồn tại một ao lớn nằm cách khoảng 1km về phía đông theo trục chính của khu phế tích Đồng Dương được người dân địa phương gọi là Ao Vuông. Ao có hình dáng chữ nhật với cạnh dài theo hướng bắc nam với kích thước 200 x 120m và được xây đơn thuần bằng đất và giật hai cấp vào lòng. Phần bờ bao của ao này cũng được đắp từ đất lấy từ trong lòng của ao. Di tích này nhiều khả năng mang tính chất của loại hình di tích ao bàu lớn (stepped pond) cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ tín ngưỡng tôn giáo cho cư dân cổ trong khu vực thành Indraputra và đây còn là một baudi lớn và còn nguyên vẹn nhất của nền văn hóa Champa trên dải đất miền Trung Việt Nam.
Sang đến khu vực Nam Bộ, dấu tích các baudi cổ hầu như xuất hiện tại nhiều khu vực với đa dạng về kiểu thức, loại hình, chất liệu và cả kích thước. Trong đó có những baudi xuất hiện rất sớm gắn liền với các di tích quan trọng thuộc văn hóa Óc Eo. Đa phần các kiến trúc baudi tại Nam Bộ được đắp bằng đất thuộc vào giai đoạn Hậu Óc Eo, trong khi đó các kiến trúc sớm hơn được xây bằng các loại vật liệu như gạch, đá, gỗ.
Trên cánh đồng Óc Eo tại huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang, khi khai quật di tích Gò Cây Thị B vào năm 1999 đã phát hiện một kiến trúc ao thần nằm về phía đông, cách di tích đền thần mặt trời Gò Cây Thị A khoảng 20m. Ao có hình chữ nhật xây bằng gạch với chiều dài cạnh đông Tây dài 6,7m, cạnh bắc nam dài 4,4m. Bên trong lòng ao có một kiến trúc hình chữ nhật nhỏ hơn được xếp bằng đá có thể đây là một kiến trúc có niên đại sớm của di tích này.
Tại khu di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) qua các cuộc khai quật người ta đã tìm thấy bốn kiến trúc baudi, trong đó đợt khai quật năm 2010 đã phát hiện một kiến trúc ao lớn (stepped pond) có dạng gần vuông với cạnh tây dài 122m, cạnh đông dài 113m, cạnh bắc dài 98m, cạnh nam dài 88m và đây được xem là baudi lớn nhất tại khu di tích Gò Tháp được xây dựng nhằm chứa nước sinh hoạt cho cư dân Phù Nam ở Gò Tháp. Các nhà khảo cổ học gọi kiến trúc này là “Ao thần Gò Tháp”. Kiến trúc này xây dựng bằng gạch, bên trong ao được kè bằng gạch vụn và đất sét, bên ngoài được đổ thêm cát nhằm gia cố bờ tường gạch của ao. Bờ tường này được xây gạch xếp lớp, đoạn cao nhất còn 12 lớp gạch, không giật cấp nhưng không bằng phẳng mà có một số viên nhô ra. Kiến trúc này được xác định xây vào khoảng thế kỷ II-III, thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo sớm và được nâng cấp sửa chữa vào giai đoạn Óc Eo muộn (thế kỷ VII-XII).
Hiện vật tìm thấy trong ao ngoài gốm Óc Eo còn có gốm men ngọc niên đại từ thế kỷ II-III cho đến thế kỷ XII, đặc biệt là một bộ linga - yoni nhỏ minh chứng cho tín ngưỡng “thả thần ra sông” ảnh hưởng từ Ấn Độ. Phía đông của đền Shiva Gò Minh Sư vào năm 2013 cũng đã phát hiện một di tích ao thần (temple tank) với kích thước 640 x 580cm, sâu 190cm. Ao được xây bằng gạch xếp thành bậc thang dẫn xuống đáy ao, kiến trúc gạch này được xây trên một đà kiềng bằng gỗ nhằm giữ cho ao vững chắc. Đáy ao được nện kỹ nhằm chống thẩm thấu nước.
Tại đáy ao cũng tìm được nhiều hiện vật trong đó có một mảnh vàng lá chạm hoa sen,… đặc biệt là còn phát hiện nhiều vỏ dừa, xơ dừa, cọng lá dừa có thể đây là các vật phẩm dâng cúng cho thần linh. Ao thần đền Vishnu Gò Tháp Mười được tìm thấy tại phía đông Gò Tháp Mười với kích thước mỗi cạnh là 24m, cấu tạo ao cũng tương tự ao thần đền Shiva Gò Minh Sư. Năm 2016, dấu vết ao thần thứ tư được phát hiện ở phía đông ao thần Gò Tháp Mười với cạnh bắc nam là 5m, cạnh đông tây 2,5m, sâu 70cm. Ao cũng được xây bằng gạch giật cấp vào trong lòng[4].
Ao Bà Om tại Trà Vinh cũng là một baudi hình chữ nhật với kích thước 300 x 500m. Ao được đắp bằng đất với bờ thành cao và giật ba cấp vào lòng ao. Ao nằm ở phía Đông di tích khảo cổ Chùa Lò Gạch, đây là một di tích kiến trúc đền thần Shiva vào thế kỷ thứ tám nên nhiều khả năng Ao Bà Om là ao thần của kiến trúc này.
Trên địa bàn tỉnh Long An tồn tại một loạt các kiến trúc đền có ao thần phía trước như cụm Bàu Xã Keo, Gò Bún, di tích Gò Đồn, di tích Gò Năm Tước... Ngoài các kiến trúc đền tháp có ao thần phía trước, trong giai đoạn Hậu Óc Eo trên địa bàn tỉnh Long An còn có rất nhiều các di tích bàu nước (stepped pond) dạng chữ nhật hay vuông nằm riêng lẽ hay tập trung thành từng cụm. Các di tích này thường tập trung quanh các di chỉ cư trú[5]. Tại ấp Lộc An, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa có một baudi lớn được người dân địa phương gọi là Ao Vuông. Ao Vuông nằm cách Gò Lộc Giang khoảng 700m về phía đông bắc. Ao rộng khoảng 10.000m2 nằm trên một khu đất cao khoảng 4m so với mặt ruộng xung quanh. Di tích này được đắp bằng đất sét ken laterite và xây giật hai cấp vào trong lòng, quanh năm đều có nước. Ngoài ra còn có các di tích bàu nước khác như bốn bàu nước cổ quanh khu vực Gò Tháp Lớn A thuộc cụm di tích Rừng Đình (Mỹ Hạnh Bắc - Đức Hòa) và các bàu nước đã cạn tại cụm di tích Bình Tả như Bàu Sình, Bàu Sen, Bàu Trảng, Bàu Điển, Bàu Trang. Khu vực vùng trũng Đồng Tháp Mười của Long An cũng tồn tại nhiều bàu nước cổ như Bàu Gò Lang (diện tích 20 x 50m), các bàu nước cổ ở Láng Biển (Hưng Điền A, Tân Hưng) với kích thước khá đều nhau (khoảng 20 x 20m). Hầu như các kiến trúc baudi tại Long An đều được đắp bằng đất.
Tại TP HCM cũng đã phát hiện một tượng Vishnu dưới một bàu nước tại khu vực chùa Gò Phụng Sơn, nơi đây cũng đã tìm thấy một kiến trúc Óc Eo nằm bên dưới chùa.
Địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng có một số kiến trúc Hậu Óc Eo có ao thần phía trước điển hình như đền tháp Chót Mạt (xã Tân Phong, huyện Tân Biên) có một ao thần hình chữ nhật ở phía trước với ba lần giật cấp vào trong và chính giữa ao còn một dấu vết của một đường tròn. Ngoài ra còn có một con đường đất dẫn từ ao này vào đền. Di tích Bình Thạnh cùng với một số phế tích khác trong khu vực xã Bình Thạnh cũng ghi nhận có các ao thần phía trước nhưng hiện tại đã bị san lấp. Tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu cũng có một di tích bàu nước lớn (stepped pond) mà người dân địa phương gọi là Sông Đua nhưng hiện nay di tích này đã bị san lấp chỉ còn lại một trũng nhỏ.
3. Hiện trạng bảo tồn
Hầu như các baudi tại hai trung tâm di tích cấp quốc gia đặc biệt đều được quan tâm bảo tồn. Di tích Gò Cây Thị B tại Óc Eo đã được xây dựng nhà mái che và hằng năm đều tiến hàng bảo quản duy tu. Kiến trúc Ao thần Gò Tháp tại khu di tích Gò Tháp hiện nay đã tiến hành xây dựng nhà mái che một góc của kiến trúc, những phần còn lại được tiến hành bảo tồn nguyên trạng dưới đất, các di tích ao thần khác trong khu di tích cũng được lấp đất bảo vệ. Di tích Ao Bà Om đã được xếp hạng chung với chùa Âng là di tích lịch sử cấp quốc gia và được quan tâm nạo vét, duy tu thường xuyên.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có còn rất nhiều di tích khác lại không được quan tâm đúng mức. Điển hình là tại di tích Chót Mạt tuy đã được xếp hạng là di tích nhưng chỉ xây tường bao quanh khu đền tháp còn ao thần bên ngoài lại để cho cạn nước và hoang hóa. Tình trạng như vậy cũng xảy ra tương tự đối với di tích Gò Đồn, toàn bộ khu khai quật kiến trúc được xây tường bảo vệ nhưng ao thần trước đền lại bị san lấp dần và có nguy cơ bị xóa sổ. Bên cạnh đó, hiện nay còn rất nhiều các di tích baudi tại Long An, TP HCM, Tây Ninh,… do không được xếp hạng di tích hoặc không được quan tâm đúng mức nên dần bị cạn kiệt, thu hẹp hoặc san lấp xóa sổ.
Hiện nay việc bảo tồn các di tích baudi là một việc rất cần thiết không chỉ giúp xác định các vị trí có đền tháp hay các di tích cư trú mà các kiến trúc này còn cho thấy một bình diện kiến trúc đền tháp hoàn chỉnh không thể để thiếu sót, bên cạnh đó còn là diện mạo về các làng cư trú cổ, thành cổ hay các đô thị cổ. Điều đó thể hiện sự bố trí, quy hoạch của các cộng đồng dân cư cổ, đồng thời đây cũng là một minh họa sinh động cho các hoạt động sinh hoạt, tín ngưỡng thể hiện sự giao lưu - ảnh hưởng đậm nét của văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam.
TÀI LIỆU KHAM KHẢO
- Sharad Chandra (2015), “Steps to Water: Stepwells in India”, Chitrolekha International Magazine on Art and Design, ISSN 2231-4822, Vol.5, No.2,
http://chitrolekha.com/V5/n2/04_Stepwells_in_India.pdf.
- Hosur Tamil Nadu, M. Alaguraj (2018), “Surface water wonder : Chendrachoodeshwarar Temple Tank”, International Journal of Advances in Science Engineering and Technology, ISSN(p): 2321–8991, ISSN(e): 2321–9009. Vol.6, Iss.1, Spl. Issue.1, Feb 2018,
http://www.iraj.in/journal/journal_file/journal_pdf/6-445-152448667512-15.pdf.
- Amrit Gomperts, Arnoud Haag and Peter Carey in collaboration with Djoko Umbaran, The Archaeological Identification of the Majapahit Royal Palace: Prapañca’s 1365 Description Projected onto Satellite Imagery,
http://www.siamese-heritage.org/jsspdf/2011/JSS_102_0d_GompertsHaagCarey_ArchaseologicalIdentificationOfTheMajapahitRoyalPalace.pdf.
- Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp (2014), Gò Tháp - Di tích quốc gia đặc biệt, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP HCM.
- Bùi Phát Diệm (2003), Di tích Óc Eo ở Long An, Luận án tiến sĩ Lịch sử, Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học, TP HCM.
- Đặng Văn Thắng (2017), Các trung tâm tôn giáo thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- George Michell (1988), The Hindu Temple, University of Chicago Press.
Nguồn: Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”
[1] Sharad Chandra (2015), “Steps to Water: Stepwells in India”, Chitrolekha International Magazine on Art and Design, (ISSN 2231-4822), Vol.5, No.2, http://chitrolekha.com/V5/n2/04_Stepwells_in_India.pdf .
[2] Hosur Tamil Nadu, M. Alaguraj (2018), “Surface water wonder : Chendrachoodeshwarar Temple Tank”, International Journal of Advances in Science Engineering and Technology, ISSN(p): 2321–8991, ISSN(e): 2321–9009. Vol.6, Iss.1, Spl. Issue.1, Feb 2018.
http://www.iraj.in/journal/journal_file/journal_pdf/6-445-152448667512-15.pdf.
[3] Amrit Gomperts, Arnoud Haag and Peter Carey in collaboration with Djoko Umbaran, The Archaeological Identification of the Majapahit Royal Palace: Prapañca’s 1365 Description Projected onto Satellite Imagery, http://www.siamese-heritage.org/jsspdf/2011/JSS_102_0d_GompertsHaagCarey_ArchaseologicalIdentificationOfTheMajapahitRoyalPalace.pdf.
[4] Võ Thị Huỳnh Như (2014), “Ao thần ở Gò Tháp”, In trong Gò Tháp - Di tích quốc gia đặc biệt, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP HCM.
[5] Bùi Phát Diệm (2003), Di tích Óc Eo ở Long An, Luận án tiến sĩ Lịch sử, Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học, TP HCM.