Vấn đề môi trường biển từ nghĩa rộng
Sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung do Formosa (Hà Tĩnh) xả thải ra biển năm 2016 là một quả bom cảnh báo về việc ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động kinh tế của con người. Từ sự cố môi trường đã lan rộng trở thành một phong trào xã hội rộng lớn, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, chính trị của địa phương và đất nước. Trước đó, do biển quá rộng lớn nên những hoạt động của con người vốn nhỏ bé và dần dần làm cho người ta ít quan tâm đến hệ quả của việc ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên, càng ngày, hoạt động kinh tế của con người càng rộng lớn và sự ảnh hưởng đến môi trường cũng mạnh mẽ lên gấp nhiều lần. Nhận thức của con người về giới hạn chịu đựng của trái đất nói chung, của các môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn cụ thể nói riêng cũng được nâng cao. Xây dựng một nhà máy ven một con sông hay xây một khu chế xuất ở bờ biển cũng làm người ta nghĩ đến việc ô nhiễm môi trường biển. Bởi nhiều người đã nhận thức được mối liên quan hệ thống giữa các môi trường với nhau. Đó cũng là góc nhìn mà các nhà sinh thái học quan tâm. Họ cố gắng phân tích hệ thống các mối liên hệ giữa các hoạt động của con người với môi trường và giữa các môi trường với nhau để tìm đến những cách giải quyết mang tính hệ thống hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Một nhà máy sản xuất hoạt động làm ô nhiễm một nhánh của sông Hiếu hay hàng trăm bãi rác thải ven sông Lam (Nghệ An) đang hủy hoại môi trường hiện nay không chỉ là vấn đề riêng của các con sông đó nữa mà là vấn đề ô nhiễm môi trường lớn hơn, đó là môi trường biển bởi các con sông cũng đổ ra biển cả mà thôi.
Chúng ta cần hiểu môi trường biển (và hệ sinh thái biển) ở nghĩa rộng, gồm nước ở biển và các dòng sông đổ ra biển, hệ sinh vật sống dưới biển, hệ sinh vật ven biển và các hoạt động của con người liên quan đến biển bao gồm cả hoạt động kinh tế và chính trị… Biển cũng như rừng, đều có cấu trúc văn hóa của nó. Đó là nhận thức và ứng xử của con người với môi trường biển. Trong lịch sử của nhiều nhóm cư dân miền biển thì biển là một thế giới, và là thế giới rộng lớn, được cai trị bởi những vị thần và các hoạt động của con người liên quan đến thế giới đó đều cần phải tôn trọng các vị thần cai quản biển. Những cấu trúc văn hóa luôn ảnh hưởng đến sự ứng xử của con người với môi trường. Trong vài thập kỷ gần đây, khi mà các cấu trúc văn hóa liên quan đến biển thay đổi nhanh chóng thì sự khai thác kinh tế biển cũng trở thành một hoạt động ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường biển. Hàng loạt các thành phố triệu dân gần ngay bờ biển, hàng loạt những con tàu siêu tải triệu tấn trên mặt biển, hàng loạt các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng gần biển, thêm vào đó là việc khai thác các tài nguyên dưới đáy biển cũng được đẩy mạnh. Nó làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường biển trở nên cấp bách và là vấn đề toàn cầu lẫn quốc gia, địa phương.
Bảo vệ môi trường biển như là bảo vệ một hệ thống các môi trường
Môi trường biển rộng lớn và liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, nhiều hoạt động khác nhau, nên bảo vệ môi trường biển cũng phải nhìn nhận trong một hệ thống các vấn đề khác nhau và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Để bảo vệ môi trường biển, chúng ta cần phân tích nó trong một loạt các mối quan hệ khác nhau để nhận thức đầy đủ hơn về những việc cần làm. Thoát khỏi cái nhìn hạn hẹp rằng môi trường biển chỉ là môi trường trong khu vực bao phủ bởi biển và đại dương, chúng ta nhìn rộng lên cả khu vực bờ biển, các con sông chảy ra biển cũng như các thành tố khác liên quan.
Trước hết, bảo vệ môi trường biển từ việc bảo vệ các môi trường liên quan. Đó là môi trường sông suối, môi trường bờ biển và các miền địa cực… Nhiều người cho rằng bảo vệ môi trường biển không liên quan đến môi trường sông suối. Nhưng điều đó không đúng. Sông suối là một phần của biển. Nó nằm trong các chu trình tự nhiên có liên quan mật thiết với nhau. Suối đổ ra sông và sông đổ về biển. Suối và sông ô nhiễm thì như một lẽ tất yếu là biển cũng sẽ bị ô nhiễm. Trong quá trình công nghiệp hóa và đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong khoảng 3 thập kỷ qua đã khiến nhiều con suối, con sông, thậm chí các hệ thống sông lớn cũng bị ô nhiễm nặng. Ở nhiều vùng nông thôn, các địa phương thi nhau xây dựng các bãi rác lớn ở ven các con sông lớn. Sau một trận lũ, hàng loạt các rác thải bị nước cuốn trôi và đích đến của những rác thải này là biển. Trong số chất thải đó, có một khối lượng lớn chất nilon, vốn là một loại rác thải khó phân hủy và khi xuống đáy biển lại càng thêm nghiêm trọng hơn. Khi nói đến ô nhiễm sông suối, chúng ta cũng nghĩ đến rừng. Nói vậy để biết, mối liên quan giữa các môi trường đều rất chặt chẽ và ít khi có chuyện không liên quan. Tiếp đó là bảo vệ hệ sinh thái bờ biển. Các bờ biển luôn là không gian quan trọng cho các hoạt động kinh tế. Các khu cảng biển, các thành phố ven biển và hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại dịch vụ không ngừng mọc lên ở bờ biển. Cùng với đó là hàng ngàn các hoạt động kinh tế sôi động khác. Các hoạt động này tạo sức ép rất lớn đến môi trường biển. Sự kiện ô nhiễm môi trường biển ở Fomosa là một ví dụ điển hình. Từ các hoạt động kinh tế ở bờ biển đã làm ô nhiễm nặng nề môi trường biển, gây suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái biển. Và cũng từ đó nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội. Không thể bãi bỏ các hoạt động kinh tế ở khu vực bờ biển nhưng cần có sự kiểm soát cũng như có chiến lược phát triển thích hợp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường biển. Việc chuyển giao một diện tích lớn khu vực bờ biển cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Thứ hai là bảo vệ môi trường biển và các hệ sinh thái trên biển và đại dương. Hàng ngày, môi trường biển và đại dương đang bị ô nhiễm nặng dần từ các hoạt động vận tải biển và xuyên biển, hoạt động khai thác hải sản, khai thác khoáng sản trên biển. Hàng triệu con tàu siêu tải đang hoạt động trên biển cũng thải ra một lượng lớn chất làm ô nhiễm môi trường. Việc vận chuyển các loại hàng hóa như dầu mỏ rất nguy hiểm cho môi trường biển khi có sự cố chìm tàu, chảy dầu lan ra mặt biển. Việc đánh bắt hải sản theo công nghiệp cũng ảnh hưởng mạnh đến sự đa dạng sinh thái ở biển… Rồi các hoạt động thử nghiệm vũ khí hủy diệt, vũ khí có sức công phá lớn trên các đại dương cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường biển. Những hoạt động của con người một mặt ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường biển, mặt khác gây nên những chấn động, đứt gãy trong lòng địa tầng và từ đó gây nên những xáo trộn lớn trong lòng đại dương và làm thay đổi, mất cân bằng hệ sinh thái dưới biển.
Những gợi mở trong bảo vệ môi trường biển
Sinh thái học coi trọng các mối quan hệ với nhau giữa các môi trường và giữa môi trường với các hoạt động của con người trong môi trường đó. Vậy nên, để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển cần nhận thức có hệ thống về môi trường biển theo nghĩa rộng và các mối quan hệ của nó. Bảo vệ môi trường biển cần gắn với các chiến lược bảo vệ môi trường chung, từ bảo vệ rừng núi, sông suối, sinh vật, đất, nước đến khí quyển…. Cùng với đó là bảo vệ các môi trường nhân văn gắn liền với môi trường biển.
Về mặt pháp lý, cần hoàn thiện hệ thống chính sách bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng dựa trên quan điểm phát triển bền vững và phù hợp với tinh thần pháp luật từ các nghị định cũng như quy định của các tổ chức quốc tế liên quan. Thực hiện kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển và các môi trường liên quan.
Về mặt kinh tế, cần có hoạch định chiến lược phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển một cách rõ ràng. Trong đó cần nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế xanh để hạn chế ô nhiễm môi trường biển, ưu tiên phát triển du lịch biển bền vững. Việc xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất ven bờ biển cần phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cố gắng thu hút các dây chuyền công nghệ sạch, hạn chế các chất thải nguy hiểm. Xây dựng và kiểm tra việc xử lý chất thải một cách công khai và minh bạch đối với mọi hoạt động liên quan đến môi trường.
Về chính trị, các quốc gia cần tôn trọng các quy định chung về bảo vệ môi trường của Liên Hợp Quốc, hạn chế chạy đua vũ trang và thử nghiệm vũ khí hủy diệt trên biển và đại dương. Tôn trọng lãnh thổ và lãnh hải theo các quy định quốc tế. Đối với các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường biển cũng như các môi trường khác, cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người dân, của tầng lớp trí thức có hiểu biết. Không đem vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường làm điều kiện để nhượng bộ cho các hoạt động chính trị và lợi ích nhóm.
Về văn hóa, con người là một phần trong hệ sinh thái tự nhiên rộng lớn, trong đó có hệ sinh thái biển. Vậy nên con người cần tôn trọng sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường biển cũng là bảo vệ cuộc sống của chính con người. Cụ thể hơn, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phát huy các giá trị kinh nghiệm của người dân vùng biển trong việc khai thác hải sản và bảo vệ môi trường biển. Gìn giữ các làng nghề ven biển và các giá trị văn hóa biển của cộng đồng cư dân đó. Bên cạnh đó cần đầu tư nghiên cứu, tìm kiếm các công nghệ sạch để bảo vệ môi trường biển gắn với phát triển kinh tế.
Nói tóm lại, bảo vệ môi trường biển là việc xây dựng hệ thống tương tác giữa các hoạt động sống của con người với sự bền vững của môi trường biển và các môi trường liên quan. Theo đó, hầu hết các hoạt động của con người, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đều ảnh hưởng đến môi trường biển nói riêng và trái đất nói chung. Đây là vấn đề rộng lớn mang tính toàn cầu. Nhưng để giải quyết vấn đề lớn đó, lại phải bắt đầu từ nhận thức và ý thức của mỗi con người. Các nhà sinh thái học đã khuyến cáo về vấn đề này khi nhấn mạnh rằng: “Không có cái gì trên Trái Đất mà không liên quan đến sự sống còn của con người”./.
Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn