Nhận diện về văn hóa công vụ
Văn hóa, hiểu theo tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”1 .
Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước – pháp lý, do các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đảm nhiệm theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của nhà nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ quan niệm về “văn hóa” và “công vụ” nêu trên có thể hiểu “văn hóa công vụ” (VHCV) là loại hình văn hóa gắn với tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, trong đó có chứa đựng nhiều nội dung khác nhau, như: văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp công vụ, văn hóa từ chức…
VHCV “là hệ thống biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức, tạo nên tầm nhìn, tác động đến hành vi và lề lối làm việc, cách sống của người thực thi công vụ, của môi trường tổ chức, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ”2 . Do vậy, VHCV có những đặc thù riêng so với các loại hình văn hóa khác.
Thứ nhất, chủ thể của VHCV trước hết là cơ quan, tổ chức của Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Cơ quan, tổ chức của Nhà nước là những pháp nhân công quyền được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật. Công dân để trở thành CBCCVC được tuyển dụng theo những điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục do pháp luật quy định. So với chủ thể của các loại hình văn hóa khác, chủ thể VHCV có những lợi thế trên nhiều phương diện như: có quyền lực công, có nguồn lực vật chất được Nhà nước bảo đảm, có trình độ chuyên môn, khả năng tiếp cận thông tin nhanh và rộng rãi, được bảo hộ khi thi hành công vụ…
Những lợi thế này đòi hỏi các chủ thể VHCV phải mẫu mực hơn trong việc tạo ra VHCV, thực thi chuẩn mực của VHCV cũng như phải lan tỏa được các giá trị của văn hóa công vụ.
Thứ hai , cán bộ, công chức, viên chức phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân bằng sự tận tâm, tận lực, phải là những giá trị cốt lõi và mục tiêu cao nhất của VHCV.
Nếu văn hóa được hiểu một cách khái quát là những giá trị tốt đẹp (vật thể và phi vật thể) mà nhân loại đạt được thì “Trong xã hội không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”3 , phải trở thành giá trị cốt lõi và mục tiêu cao nhất của VHCV. Giá trị và mục tiêu này sẽ chi phối đến việc thiết kế, tổ chức thực hiện VHCV cũng như đánh giá công vụ.
Sứ mệnh của Nhà nước là quản lý, phục vụ xã hội, thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển bền vững của xã hội cũng như cùng với các chủ thể khác trong xã hội thực hiện những nhiệm vụ mà thực tiễn yêu cầu đặt ra. Tất cả các yếu tố cấu thành VHCV đều phải thể hiện và thực hiện một cách thực chất giá trị, mục tiêu nói trên. Khó có thể có VHCV khi nền công vụ không đặt sự trường tồn, phát triển của quốc gia, dân tộc là tối thượng.
Thứ ba, phần lớn các vấn đề của VHCV, về hình thức, đều có giá trị pháp lý.
Những yếu tố cấu thành VHCV bao gồm: thể chế, chủ thể, nội dung, phương thức, điều kiện bảo đảm… (các yếu tố vật chất của VHCV); tinh thần, ý thức, lương tâm, đạo đức, giao tiếp công vụ… (các yếu tố phi vật chất của VHCV) cùng các mối quan hệ công vụ (trên – dưới, dọc – ngang, trong – ngoài) được điều chỉnh bởi pháp luật, do pháp luật quy định. Đặc điểm này đòi hỏi phải có sự thống nhất và hài hòa giữa nội dung VHCV với hình thức pháp lý của nó ở mức độ cao nhất có thể. Nói cách khác, VHCV cần phải được thể hiện, phản ánh ra bên ngoài trước hết bằng những hình thức pháp lý nhất định. Sự tôn trọng công lý, pháp luật, hiểu biết, nhận thức đầy đủ, đúng đắn pháp luật cũng như những hành vi, hoạt động đáp ứng đầy đủ những yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật là nền tảng cho việc có một VHCV vững chắc.
Ở khía cạnh văn hóa vật chất, VHCV có thể nhận diện qua các biểu hiện như:
– Hệ thống thể chế, pháp luật phù hợp với thực tiễn khách quan. Hệ thống thể chế, pháp luật không chỉ đồng bộ, thống nhất, đầy đủ về hình thức, quan trọng hơn là nội dung và phương thức điều chỉnh phải phản ánh được thực tiễn, phù hợp quy luật khách quan đời sống kinh tế – xã hội, tạo không gian pháp lý cho các chủ thể công vụ chủ động, sáng tạo cống hiến cho đất nước, đồng thời kiểm soát công vụ được thực thi theo mục tiêu đã định trước. Hệ thống thể chế, pháp luật công vụ cũng tương thích với sự thay đổi của môi trường công vụ trước sự tác động (thuận lợi, thách thức) các yếu tố về sự phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, khoa học và công nghệ là một lực lượng sản xuất trực tiếp, an ninh phi truyền thống…
– Tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, có sự phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vận hành có hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề được đặt ra cả ở hai khía cạnh: sự phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong nội bộ bộ máy nhà nước và sự phân định giữa chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước với chức năng, nhiệm vụ của xã hội (công việc của Nhà nước và công việc của xã hội). Khía cạnh thứ hai này là tiền đề cho khía cạnh thứ nhất. Phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước sẽ rõ ràng hơn trên cơ sở quy mô, mức độ hoạt động của nhà nước được xác định trước.
Phương thức quản lý trong đó chuyển nhà nước từ “người chèo thuyền” sang “người lái thuyền” làm cho năng lực, nguồn vốn của xã hội được huy động cao nhất, cùng với đó là xã hội tự quản lý, tự giải quyết các vấn đề của mình. Phương thức này cũng làm cho Nhà nước giảm đi những công việc ôm đồm, bao biện làm thay xã hội. Vai trò của Nhà nước là đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh và bảo vệ môi trường.
– Đội ngũ cán bộ, công chức, “nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” như được nêu rõ trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
– Phương thức quản lý hiện đại dựa trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ vào quản lý, điều hành, trong đó, các mối quan hệ (trong, ngoài) của nền công vụ được số hóa, hệ thống thông tin được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác. Các dữ liệu lớn được sử dụng phổ biến trong công vụ, tạo tiền đề cho việc tăng hiệu quả quản lý, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công vụ. Người dân tham gia quản lý nhà nước không chỉ như là một bên liên quan mà là một chủ thể chính thức được pháp luật trao quyền thực hiện.
– Hệ thống trụ sở, nơi làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trang phục được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu của công vụ, song đồng thời cũng tạo nên môi trường gần gũi, thân thiện với người dân; được đầu tư phù hợp với năng lực của Nhà nước và xã hội. Cùng với đó là những vấn đề khác, như: trang phục của CBCCVC, trang trí trụ sở, nơi làm việc…
Ở khía cạnh văn hóa phi vật chất, VHCV có thể nhận diện qua các biểu hiện, như:
– Tinh thần, ý thức, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của các chủ thể công vụ. Được phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là một vinh dự. Tinh thần “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”4 phải luôn luôn thường trực trong ý thức các chủ thể công vụ.
Đối với lãnh đạo, quản lý, còn phải “trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia – dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Yên tâm công tác, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao” (theo Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp).
– Lương tâm, đạo đức công vụ được tôn trọng, đề cao và phải được xem như một trong những nền tảng chủ quan cấu thành yếu tố phi vật chất cũng như môi trường chủ quan của công vụ. CBCCVC trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao dựa trên nguyên tắc “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cùng với đó là sự chia sẻ, hỗ trợ, tương thân, tương ái với đồng nghiệp, với người dân để cùng hướng đến thực hiện công việc có hiệu quả cao nhất, đáp ứng cao nhất lợi ích của Nhà nước, người dân. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải “Tâm huyết và có trách nhiệm với công việc; không tham vọng quyền lực, không háo danh; có tinh thần đoàn kết, xây dựng, gương mẫu, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp” (Quy định số 89-QĐ/TW).
– Trong giao tiếp công vụ, CBCCVC phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến các bên liên quan; tận tình, nhiệt tình hướng dẫn, giải thích về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân.
Xây dựng tài liệu bồi dưỡng văn hóa công vụ và tổ chức bồi dưỡng văn hóa công vụ
Để có được VHCV, cần nhiều giải pháp khác nhau, trong đó Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án VHCV nêu rõ: Hoàn thiện quy định về VHCV, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho CBCCVC về VHCV, tổ chức thực hiện các quy định về VHCV góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ. Trong đó có việc biên soạn tài liệu bồi dưỡng về VHCV và tổ chức bồi dưỡng về VHCV cho đội ngũ CBCCVC.
Trên cơ sở nhận diện chung về VHCV và tinh thần của Quyết định số 1847/QĐ-TTg, tài liệu bồi dưỡng VHCV cần phải đáp ứng những yêu cầu sau:
Một là , về nội dung, tài liệu cần đề cập đến: (1) Những nguyên tắc của tổ chức và hoạt động công vụ, bao gồm các nguyên tắc như: Đảng lãnh đạo công vụ; công vụ phải thể hiện được ý chí nhân dân, đáp ứng và phục vụ được các lợi ích của nhân dân, của xã hội, Nhà nước; tập trung dân chủ trong hoạt động công vụ nhà nước; bảo đảm tính khách quan của công vụ; pháp quyền, nhân văn trong công vụ; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công vụ; (2) Những nội dung cốt lõi của VHCV (tinh thần, ý thức, trách nhiệm, lòng trung thành với Đảng, nhân dân, sự sẵn sàng hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc); (3) Trách nhiệm công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó làm rõ nội dung trách nhiệm công vụ của CBCCVC, các biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm VHCV tại cơ quan, đơn vị, tổ chức; (4) Đạo đức công vụ, trọng tâm là đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với các giá trị: trung, hiếu, nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; (5) Phòng, chống tham nhũng cũng như phòng, chống lạm dụng quyền lực trong công vụ; (6) Văn hóa công sở, giao tiếp công vụ, lễ tân, nghi thức nhà nước.
Tài liệu bồi dưỡng cần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; sinh động, thiết thực; cập nhật quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về VHCV; kế thừa được các kết quả nghiên cứu khoa học VHCV, kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức xây dựng, thực hiện VHCV.
Hai là , tổ chức bồi dưỡng về VHCV cho đội ngũ CBCCVC có thể được thực hiện trong thời lượng từ 3 – 5 ngày, với các hình thức tổ chức đa dạng, phù hợp từng đối tượng cụ thể (tập trung, từ xa, trực tuyến); phương pháp giảng dạy linh hoạt, chú trọng sự trao đổi, thảo luận giữa các học viên, gắn lý luận và liên hệ thực tế. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho khóa học tốt nhất có thể, làm mẫu về VHCV ngay trong quá trình tổ chức bồi dưỡng. Giảng viên, báo cáo viên là những người am hiểu sâu sắc về VHCV, có kinh nghiệm trong bồi dưỡng CBCCVC và trước hết, bản thân giảng viên cũng thể hiện được VHCV trong quá trình giảng dạy để học viên tham khảo.
Bảo đảm sau khi tham gia bồi dưỡng, học viên có những thay đổi tích cực trong nhận thức về VHCV, qua đó góp phần đạt được mục tiêu hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội đã được xác định rõ trong Quyết định số 1847/QĐ-TTg./.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 3 . H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 458.
2. Huỳnh Văn Thới (chủ biên). Văn hóa công vụ ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn . H NXB Lý luận chính trị, 2016, tr. 39 – 40.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 453.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 265.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.
2. Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.
3. Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/