I. TỔNG QUAN VỀ ĐÌNH LÀNG CỦA NGƯỜI VIỆT Ở ĐỒNG NAI
1. Lịch sử xây dựng và trùng tu
Đồng Nai hiện có 123 ngôi đình[1] nằm rải rác ở các huyện, thị, thành phố. Trước đây, cứ mỗi làng đều có một ngôi đình thờ vị Thành hàng của làng. Quá trình phát triển, thay đổi địa giới hành chính, sáp nhập các làng với nhau dẫn đến trường hợp một xã có tới 11 ngôi đình tọa lạc (xã Hiệp Hòa của thành phố Biên Hòa), phường Bửu Long có 3 ngôi đình, xã Hiệp Phước của huyện Nhơn Trạch có 3 ngôi, xã Bình Hòa của huyện Vĩnh Cửu có 3 ngôi, xã An Phước huyện Long Thành có 2 ngôi,… Các huyện còn lại là vùng đất mới nên mật độ các đình ít hơn; nhiều xã, huyện không có ngôi đình nào. Có trường hợp đình Trảng Bom trong cùng khuôn viên vừa có đình (thờ Thần), vừa có đền (thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo). Đặc biệt, sau giải phóng, nhiều ngôi đình đã thỉnh các danh nhân có công với đất nước vào thờ và đổi tên gọi như đình Mỹ Khánh (thờ Nguyễn Tri Phương), đình Tân Phú (thờ Trương Công Định), đình Tân Lân (thờ Trần Thượng Xuyên),... Đến nay, cũng không có một tư liệu thành văn nào chỉ dẫn chính xác niên đại hình thành các ngôi đình. Tuy nhiên, căn cứ vào các đạo sắc phong gia tặng vào năm Minh Mệnh nhị niên (1822), Tự Đức ngũ niên (1852) và năm Khải Định nhị niên (1918) thì hầu hết các ngôi đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII trở đi (ngoại trừ một số đình ở các huyện: Trảng Bom, Long Khánh, Xuân Lộc xây dựng vào thế kỷ XX là rõ năm xây dựng).
Cũng như những ngôi đình ở Nam Bộ, đình ở Đồng Nai nguyên thủy được xây dựng bằng vật liệu thô sơ, do nhân dân trong làng quyên góp dựng nên. Trước đây, một hoặc hai, ba làng lập nên ngôi miếu[2] đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của bà con. Xưa kia, làng nào có ngôi đình Thần mới được kể là một đơn vị địa lý hành chính. Do vậy, vừa thành lập làng là nhân dân phải lo xây đình. Chức sắc trong làng còn gọi là Ban hội tề gồm 12 vị (Hương cả, Hương chủ, Hương sư, Hương thân, Hương hào, Xã trưởng, Hương lễ, Hương hội, Hương quản, Hương bản, Hương bộ, Hương kiểm), đồng thời cũng là thành viên quản lý ngôi đình. Số lượng thành viên Ban quý tế cũng khác nhau, tùy đặc điểm từng ngôi đình mà có sự bố trí thích hợp, thường gồm có: trưởng ban, phó ban, thủ quỹ, thư ký và ban cố vấn gồm các kỳ lão trong làng.
Các ngôi đình hầu hết đều trải qua các đợt trùng tu tôn tạo (thể hiện rõ ở kết cấu kiến trúc đặc trưng: vật liệu gỗ, tường gạch vôi, tôn, xi măng,… mang đậm dấu ấn kiến trúc của từng thời kỳ lịch sử), kinh phí trùng tu chủ yếu do bá tánh hảo tâm đóng góp. Những năm kháng chiến chống Pháp, nhiều ngôi đình ở thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành bị đốt do hưởng ứng phong trào “tiêu thổ kháng chiến”; sau này được xây dựng lại trên nền đình cũ nhưng quy mô nhỏ hơn và bằng vật liệu hiện đại hơn.
2. Bố trí mặt bằng tổng thể tại các ngôi đình
Đặc điểm chung của những ngôi đình ở Đồng Nai thường nằm trong khu dân cư, bám theo các trục đường, hầu hết quay theo hướng Nam được xây dựng theo thuật phong thủy, xung quanh đình có rất nhiều các cây dầu cổ thụ tạo dáng vẻ thâm nghiêm, khuôn viên được bố trí đan xen nhiều hạng mục công trình. Đa số các đình ở phía trước có có sân rộng, trước có một bức bình phong đắp ông Hổ, vẽ trang trí tùy vào mỗi đình mà có kiểu lớn nhỏ, trang trí khác nhau; mục đích để che chắn những điều không hay, tạo sự kín đáo cho công trình phía trong. Bên ngoài đình còn có miếu thờ Thổ Thần, miếu Ông Hổ, Bạch mã Thái giám, miếu Bà Chúa xứ, bàn thờ Thần nông, miếu Ngũ Hành nương nương (tùy theo mỗi đình mà có sự bố trí các miếu thờ bên ngoài khác nhau). Miếu thường quay mặt ra ngoài cùng hướng với chánh điện (vì trong chánh điện không phối thờ những vị này nên mới xây dựng các miếu thờ ở bên ngoài, đình nào phối thờ bên trong thì ngoài không có). Phần lớn các đình đều có nhà võ ca, thường thì nhà võ ca nằm đối diện với chánh điện, cũng có khi được xây tách biệt, cố định trong khuôn viên đình, cũng có một số nhà võ ca chỉ được dựng tạm mỗi khi cúng đình; đây là nơi để diễn xướng các trích đoạn tuồng mỗi dịp lễ hội. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi đình mà có hay không việc tổ chức hát bội, thường thì đáo lệ ba năm tổ chức một lần.
Tiền đình nằm phía trước của chánh điện, thường có ba gian, cột gỗ hoặc đúc bê tông, mái ngói. Nhiều ngôi đình còn giữ được hệ thống cột gỗ tròn, vuông vức, chạm khắc tinh sảo các mô típ dân gian như đình An Hòa, đình Thành Hưng,… Chánh điện là nơi quan trọng nhất của ngôi đình, là nơi thần linh ngự trị. Toàn bộ khu thờ ở bên trong đình đều được bài trí trang trọng, tôn nghiêm, thể hiện sự tài hoa của đội ngũ nghệ nhân dân gian xưa. Chánh điện những ngôi đình ở Đồng Nai giữ được khá nguyên vẹn, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời nhà Nguyễn, cách bài trí (các bàn thờ, hoành phi, liễn đối, tự khí…) được nhiều thế hệ nhân dân tự giác bảo quản, giữ gìn khá tốt. Nhà túc (nhà hậu), nhà khách tùy theo khuôn viên mỗi đình mà xây dựng phía trước, sau, trái, phải, lớn, nhỏ khác nhau. Đa số các đình đều xây dựng nhà túc phía sau chánh điện[3] và có bàn thờ Tiên sư, Hương chức quá vãng, người có công hiến đất dựng đình, người có công lập chợ, xây cầu. Đây là ngôi nhà dùng để tiếp khách mỗi dịp cúng đình, nơi làm việc của các Hương chức thời xưa, nơi nhóm họp của Ban quý tế hiện nay. Nhà bếp thường có thêm hương án thờ ông Táo (Đông trù tư mệnh), Thổ địa, Thần tài,… Một số đình ngoài những hạng mục trên còn xây dựng thêm Nhà bia ghi danh liệt sĩ, bàn thờ Cẩm địa (đình Mỹ Khoan, xã Hiệp Phước, Nhơn Trạch, đình Tân Giám ở TP Biên Hòa,…).
3. Kết cấu kiến trúc cơ bản
Đình ở Đồng Nai chủ yếu có dạng mặt bằng kiến trúc kiểu chữ nhị (二), chữ tam (三), tức là các công trình được bố trí song song nhau từ trên xuống dưới (các đòn dông nằm song song nhau). Một số huyện như Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán thì có đình bố trí dạng chữ nhất (gồm có một khu nhà ba gian hai chái, cột, kèo gỗ). Thường những ngôi đình phổ biến ở dạng nhà tứ trụ gồm một gian hai chái, có mặt bằng hình vuông. Loại nhà này có mái dốc ra bốn phía, hai mái ở phía trước và sau cao hơn hai mái ở đầu hồi. Khung nhà nhìn từ bốn mặt đều có hai hàng cột cái. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi làng mà có hay không việc xây dựng các dãy cột hàng ba ở xung quanh, quy mô cao thấp của ngôi đình. Đa số những ngôi đình hiện nay có cấu trúc hỗn hợp gạch và đá, phân định rõ ràng trong việc sử dụng vật liệu: bên trong hoàn toàn dùng gỗ, bên ngoài dùng gạch xây vôi vữa. Tường gạch bên ngoài không phải là cơ sở chịu lực mà có tác dụng che nắng mưa. Các hàng cột hiên xung quanh bằng gạch xây theo kiểu vuông cạnh, đầu và chân có đắp vữa tạo gờ nổi. Bộ khung gỗ bên trong có dạng cấu tạo xuyên trính, liên kết với nhau bằng hệ thống mộng chốt chắc chắn. Đình ở Đồng Nai phổ biến là dạng kiến trúc tứ trụ, ở giữa chánh điện nổi bật bởi bốn cây cột gỗ được kê cao lên chân đá tảng, liên kết với nhau bằng các cây xiên tạo thế chắc chắn cho bộ khung tứ trụ. Trên đầu cột (cột cái, cột hàng nhì và cột hàng ba) thường có liên kết với nhau bởi các vì kèo (đa số là kèo đoạn nối với nhau, mặt dưới có trang trí). Các khung kèo nối với nhau theo liên kết ngang gồm đòn dông, đòn tay. Đặc biệt, ở bốn cột đầu hồi có liên kết kèo đấm và kèo quyết khiến cho không gian của đình được mở rộng ra bốn phía tạo sự thông thoáng. Hiện nay, toàn bộ hệ thống cột hàng nhì và hàng ba đỡ thân và đầu kèo của các ngôi đình hầu như được thay thế bằng các hàng cột gạch hoặc các bức tường bao quanh (chỉ còn một số ngôi đình ở TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch giữ được khá nguyên vẹn).
Mái của các ngôi đình hầu hết được lợp ngói (ngói âm dương, ngói vảy cá, ngói tây), một số ít ngôi đình ở huyện Vĩnh Cửu do ảnh hưởng của “tiêu thổ kháng chiến” nên khi trùng tu đã thay ngói bằng mái tôn. Một số đình trên bờ nóc mái thường trang trí lưỡng long tranh châu, cặp rồng chầu pháp lam, rồng chầu hồ lô, ông Nhật, bà Nguyệt bằng gốm hoặc đắp vôi vữa không trang trí; ở đầu các bờ nóc thường xòe ra bốn phía và không có đầu đao uốn lượn. Một số đình như: đình Tân Lân, đình Bình Tự (TP Biên Hòa), đình Bình Thạch (huyện Vĩnh Cửu),… ở các đầu nóc thường có trang trí các tượng gốm theo mô típ dân gian rất sống động.
4. Bài trí ở các ngôi đình
Nổi bật lên ở nghệ thuật điêu khắc gỗ trên các bao lam, hoành phi, liễn đối, trên các vì kèo, khám thờ,… của các ngôi đình với các đề tài truyền thống như: tứ linh, bát tiên, mai điểu, liên áp, mai, lan, cúc, trúc, hoa lá, dây leo,… được chạm nổi hoặc chạm lộng khá công phu, được sơn son, thếp vàng hàm chứa nhiều ý nghĩa thâm thúy trong các điển tích cổ và qua đúc rút từ thực tế cuộc sống. Hoành phi bằng gỗ được treo trên chính giữa các cây xiên ở mỗi gian, liễn đối treo dọc theo các cột (một số đình còn giữ được các cặp liễn đối lòng máng chạm khắc khá cầu kỳ, một số chạm chữ Hán trực tiếp vào cột, cũng có khi liễn đối bằng đồng được đục âm chữ Hán…).
Đồ thờ được bày trên hương án thường là các đồ tự khí tam sự (lư hương đồng, hai bên là hai cây đèn) hoặc ngũ sự (gồm một bát nhang, hai cây đèn, một bình hoa, một mâm ngũ quả). Chính giữa của chánh điện là hương án thờ Thần khắc bằng chữ Hán. Một số đình trước bàn hương án có thêm bài vị khắc mỹ tự của Thần Thành hoàng, trước bài vị là hộp đựng sắc phong của thần được phủ vải đỏ. Thường thì hộp sắc này mỗi năm chỉ được mở một lần vào dịp Kỳ yên để khán sắc và phơi sắc dưới bóng râm chống ẩm rồi lại cất vào. Hai bên hương án có đôi hạc đứng trên lưng rùa. Cạnh đó là bàn la liệt, lộng, tàn, lỗ bộ gồm: biển Túc tĩnh (肅静),Hồi tỵ (廻避); phủ việt (búa vàng); tay văn, tay võ, gậy đầu rồng, chùy, gươm, mác; bát bửu (bình bầu, bút, quạt vả, ống tiêu, giỏ hoa, cây kiếm, khánh, phất trần), bát kích (thanh đao, mác trường, chùy, kiếm, câu liêm, đinh ba, xà mâu, giáo). Một số đình ở hương án thờ Thần có một cặp hia, áo bào, thanh gươm gỗ (đình Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân, đình Tân Vạn). Các ngôi đình có thờ Bạch Mã, Thái giám ở hương án hoặc ngôi miếu nhỏ trước đình. Trong đình thường có một trống cái lớn (đại cổ), một cái chiêng (minh chinh), một cái mõ đại (thái bình) đặt trên chiếc giá gỗ sơn son chỉ được sử dụng vào các dịp lễ, tết.
Bàn thờ trong chánh điện được chia làm ba hàng từ trong ra ngoài, chính giữa trong cùng là bàn thờ Thần Thành hoàng. Từ bàn thờ này tiến theo thứ tự từ hàng giữa ra đến cửa chính, phía trước khám thờ có một chiếc bàn bằng xi măng rộng là nơi bày biện lễ vật cúng, trên đó có một chiếc giá bằng gỗ dùng để đặt con heo lên tế.
Hai bên hương án Thần là bàn thờ Tả ban, Hữu ban (hình thức thờ là chạm chữ Hán vào trong khám thờ bằng gỗ, xi măng hoặc viết trực tiếp vào tường). Dọc hai bên tường là những hương án nằm đối mặt nhau thờ các bậc tiền bối hữu công như: Tiền hiền, Hậu hiền; cùng những thần dân gian khác như: Cửu Thiên Huyền Nữ, Thanh Long, Bạch Hổ, Ngũ Hành nương nương,… Khu vực tiền điện còn có bài trí bàn thờ Hội đồng nội và bàn Hội đồng ngoại, bàn thờ Đông hiến, Tây hiến. Nhiều đình bày thêm lỗ bộ, bát bửu, lộng,…; nhiều ngôi đình còn giữ được long đình (hình ảnh ngôi đình thu nhỏ) làm bằng gỗ, chạm trổ, sơn son thếp vàng và được đặt trang trọng ở khu vực chính giữa tiền điện (đình Tân Vạn, đình An Hòa, Bình Thiềng,…).
Phần hậu điện thường được bố trí bàn thờ Tiên sư, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ; tùy thuộc mỗi đình mà có số lượng khác nhau. Cách bố trí cũng rất khác biệt, phía vách sau của bàn thờ Thần thường là bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, một số đình bố trí bàn thờ Tiên sư. Cũng có khi bàn thờ Tiên sư đặt theo trục ngang bố trí của ngôi đình (đình Bình Thạch, đình Long Hòa,…).
5. Đối tượng thờ ở đình
Đối tượng thờ chính ở đình là Thần Thành hoàng. Ở các đình thờ tại Đồng Nai tồn tại ở hai hạng là: Thượng đẳng thần là các bậc trung trinh ái quốc, sinh tiền có công với nước với dân, lúc mất đi được vua tinh biểu công trạng lập đền thờ, hoặc do dân chúng kính vọng tự động lập đền thờ như: Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên, Nguyễn Tri Phương, Đoàn Văn Cự, Nguyễn Công Trứ,… Các thần này đều có công trạng hiển hách và qua bao triều đại đã có mỹ tự phong làm Thượng đẳng thần. Còn Hạ đẳng thần là các vị thần được nhân dân thờ phụng đã lâu, có công bảo bọc che chở cho muôn dân, tuy không rõ họ tên cùng sự tích, nhưng cũng được liệt vào bậc chính thần, triều đình cũng thể theo lòng dân mà sắc phong là Thành hoàng bổn cảnh, mỹ tự phong làm Chính Trực, Hữu Thiện, Đôn Ngưng chi Thần. Ngoài ra, các đình còn phối thờ các đối tượng như: Tả ban, Hữu ban, Bạch mã Thái giám, Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, Tiền đại viên quan, Tiền đại hương chức, Thần Tài, Thần Nông, Tiên Sư,…
Ngoài những đặc điểm chung là những ngôi đình ở Đồng Nai đều có đối tượng thờ chính là Thần Thành hoàng thì ở mỗi vùng đất khác nhau trong tỉnh có những đặc trưng riêng về đối tượng phối thờ, về số lượng, vị trí bài trí,… Sự khác nhau này có thể do những đặc điểm về địa hình, thành phần dân cư, ảnh hưởng văn hóa với các dân tộc khác, phong tục tập quán từng địa phương, những thần tích riêng của từng làng,… Vị trí của các đối tượng phối thờ bài trí trong đình cũng không đồng nhất, đa số các đình ở hai bên Thần là Tả ban và Hữu ban, có một số đình Bình Thiềng hai bên là Thần nông và Thánh mẫu, đình Bình Tự hai bên là Đông phối và Tây phối; đình Tân Vạn hai bên Thần là Đông hiến và Tây hiến phía sau thần là bàn thờ Tả ban và Hữu ban, đình Mỹ Khoan (huyện Nhơn Trạch) hai bên thờ Ngũ cốc, Thái giám và Tiên sư, Ngũ thổ,... Cũng có khi Tả ban, Hữu ban được bố trí hai bên vách trái phải của chánh điện (đình Bình Thanh xã Bình Hòa, Vĩnh Cửu). Hai bên vách của chánh điện thường bố trí các bàn thờ Bạch mã, Thái giám; Tiền hiền, Hậu hiền,...
6. Những ngày lễ trong năm
Trong một năm, ở các ngôi đình diễn ra rất nhiều các lễ như: lễ Niêm ấn (còn gọi là sắp ấn), lễ Thượng điền và lễ Hạ điền, lễ cúng Tiên sư, Giỗ hậu và giỗ anh hùng, lễ Tống phong; tuy nhiên lễ hội Kỳ yên (lễ cúng đình) được tổ chức quy mô nhất. Tùy theo điều kiện kinh tế mỗi đình mà tổ chức lễ Kỳ yên lớn hay nhỏ, các nghi tiết có theo chuẩn mực truyền thống như: thỉnh sắc thần, tỉnh sanh, tế Tiền hiện Hậu hiền, túc yết, đàn cả; hay bị giản lược. Chương trình lễ hội của các ngôi đình ở Đồng Nai về cơ bản là giống nhau (về các lễ cúng, nghi tiết của từng lễ cúng, thời gian thực hành nghi lễ,...). Lễ hội thường diễn ra trong hai ngày (có đình chỉ tổ chức trong một buổi hoặc một ngày). Lễ vật chính cúng Thần là xôi, thịt, hương đăng, các phẩm vật phụ như: đầu heo luộc, cháo, bánh hỏi, bún, hoa trái, trầu cau, rượu trắng, trà.
Mỗi ngôi đình ở Đồng Nai có ngày, giờ cúng tế khác nhau tùy thuộc tục từng làng (cũng có một số ngôi đình trùng ngày cúng). Theo thống kê thì hầu hết các ngôi đình có ngày cúng âm lịch vào tháng 10, tháng 11, 12. Số còn lại cúng vào tháng 2, 3, 5, 7, 8, 9 âm lịch tùy mỗi đình; có một số đình ở huyện Vĩnh Cửu một năm cúng hai kỳ, nghi thức giống nhau. Trong lễ Kỳ yên, một số đình tổ chức múa lân sư rồng, xây chầu, đại bội[4] phục vụ bà con tới khuya. Bên miếu Bà (thường các ngôi đình ở Đồng Nai đều có xây dựng miếu thờ Bà ở kế bên. Theo dân gian thì đã thờ Ông - Thần thì phải thờ Bà) cũng tổ chức hát Bóng rỗi, Địa – Nàng,… tạo sự náo nhiệt, phấn khởi cho người tới dự lễ.
Sau nghi lễ cúng chính, nhân dân tề tựu chiêm bái Thần, tùy tâm người dâng mâm trái cây, bông, có khi cúng tiền… Trong ngày này còn có sự hiện diện của chính quyền địa phương tới chung vui. Sau lễ cúng quý khách cùng bà con nhân dân trong làng cùng thưởng thức bữa tiệc tại đình.
II. NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA ĐÌNH LÀNG NGƯỜI VIỆT Ở ĐỒNG NAI
Văn hóa đình làng của người Việt ở Đồng Nai có sự biến đổi rất đáng kể diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của đình làng gắn liền với văn hóa của người Việt. Ở mỗi giai đoạn khác nhau với những tác động từ yếu tố lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội thì văn hóa đình làng có những dấu ấn riêng rõ nét. Sự biến đổi trong văn hóa đình làng diễn ra trên cả hai bình diện: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần theo xu hướng biến đổi xuyên thời gian lẫn không gian.
Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, mạnh ở địa phương đang tác động tới vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Quá trình đó đang ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức chung của cộng đồng, của chủ thể di sản. Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng có tác động rất lớn tới biến đổi của văn hóa đình làng. Thực tế cho thấy quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương bên cạnh yếu tố tích cực như đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, thì mặt trái của nó cũng tác động rất lớn tới sự biến đổi trong văn hóa đình làng của người Việt ở Đồng Nai. Các giá trị văn hóa vật chất gắn với đình làng cũng bị thay đổi theo thời gian; phần nào đó phản ánh ý chí chủ quan của con người cũng như quy luật của sự phát triển.
Điều dễ nhận diện nhất là thay đổi ở các hạng mục kiến trúc đình làng truyền thống của người Việt ở Đồng Nai. Nhiều ngôi đình do ảnh hưởng của chiến tranh, hỏa hoạn, sự xâm hại của thiên nhiên của con người, từ quá trình phát triển,... nên bị biến đổi, xuống cấp so với diện mạo ban đầu. Thực tế ở Đồng Nai, một số ngôi đình chỉ có duy nhất kiến trúc chữ nhất (gồm một chánh điện thờ Thần như đình Tân Lập ở xã Suối Tre, thị xã Long Khánh; đình Bình Thới xã Bình Hòa, đình Tân Xuân ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu,...). Kết cấu kiến trúc đình, nếu trước kia là dạng nhà tứ trụ, cột kèo gỗ, mái ngói âm dương,... thì nay nhiều ngôi đình bị thay thế bằng các vật liệu hiện đại hơn: xi măng, mái lợp tôn, nền xi măng,... như trường hợp các ngôi đình ở huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu,... Cũng rất hiếm gặp các ngôi đình còn giữ được vách bằng gỗ như truyền thống (đa số bị thay mới bằng tường gạch). Về mỹ thuật, trang trí ở đình làng cũng mang màu sắc hiện đại hơn so với truyền thống. Các đề tài truyền thống như: tứ linh, bát tiên, mai điểu, liên áp, mai, lan, cúc, trúc, hoa lá,… được chạm nổi trên nền gỗ hoặc chạm lộng hiện nay còn lại rất ít. Một số các ngôi đình được xây dựng hoặc trùng tu vào thế kỷ XX thì trang trí có phần đơn giản hơn, có khi chánh điện để trống hoặc chỉ trang trí ở gian giữa; cũng có khi bao lam, hoành phi, liễn đối được làm bằng nhôm, tôn, xi măng tạo dáng rất đẹp, dùng sơn vàng trang trí hoặc dùng sơn đỏ làm nền viết chữ Hán màu vàng lên trên đó (đình ở huyện Cẩm Mỹ, Biên Hòa (đình Hóa An), Vĩnh Cửu (đình Tân Thạch),…) hoặc chạm nổi trên nền bảng đồng, mica. Hoặc có khi chữ Hán được viết bằng sơn đỏ, vàng trên nền gỗ và lộng kiếng bên ngoài; hay viết trực tiếp vào mặt trong của tấm kiếng (viết ngược chữ Hán); một số đình còn dùng xi măng để tạo các bức hoành phi, liễn đối (đình Mỹ Khoan xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch); một số đình dùng sơn vàng để vẽ lên các bức bao lam, hoành phi, liễn đối (thay vì phải dùng thếp vàng bổ sung vào những chỗ bong tróc) lâu ngày chất sơn phai màu chuyển sang màu xám, các mảng vàng cũ bong ra loang lỗ; làm mất giá trị của các hiện vật gỗ trang trí. Vào mỗi dịp Kỳ yên hoặc năm mới đến, các đình tự làm hay thuê người tô vẽ lại chữ Hán ở các hoành phi, liễn, khánh thờ, vẽ trang trí ở bao lam, bình phong,… khiến cho ngôi đình luôn có màu sắc tươi mới, có sự chăm sóc, gần gũi của con người. Tuy nhiên, ngoại trừ một số đình nhờ người có chuyên môn về mỹ thuật, chữ Hán thì trang trí rất khéo, đẹp, chuẩn xác; số còn lại do người vẽ không biết chữ Hán nên vẽ một cách nguệch ngoạc, mất nét, sai chữ rất khó nhận diện; nhiều chữ do nhiều năm được sơn phết khiến cho chữ Hán (vốn được chạm âm đã bị lấp đầy nhiều lớp sơn) không thể đọc được nữa. Một số đình do có người tặng các bài vị (kích thước 40 x 60cm) viết chữ Hán lên giấy đỏ, bọc ni lông bên ngoài, phiên âm Hán Việt vào kế bên (phiên âm đúng nhưng ghi lộn nội dung giữa các bài vị với nhau) đặt gá vào các bàn Tiền hiền, Bạch mã, Thái giám,… Cũng có đình nhờ người phiên âm toàn bộ nội dung chữ Hán ở các bàn thờ dán vào khánh thờ, hoặc khắc bảng mica đặt kế bên (nội dung sai, nhầm lẫn,…). Một số đình còn dùng sơn viết phiên âm trực tiếp trên khánh thờ (một số đình viết đúng, một số viết sai); tuy nhiên phần nào đã làm mất mỹ quan của chốn linh thiêng. Theo truyền thống các đề tài như: “lưỡng long tranh châu” “rồng chầu pháp lam” trên mái đình (nay rất ít đình giữ được), tứ linh ở các bức bao lam, khám thờ bằng gỗ, bàn thờ, long đình,... (nay một số đình thay khám thờ bằng xi măng và dùng sơn các màu để vẽ trang trí). Nói chung, trang trí ở các ngôi đình hiện nay thiên về những màu sắc, hoa văn mang sắc thái hiện đại hơn.
Số lượng bàn thờ ở chánh điện của mỗi ngôi đình đều khác nhau. Ở mỗi khu vực thờ đều có hương án bằng gỗ hoặc xi măng; rất ít đình còn giữ được các bàn thờ bằng gỗ, chủ yếu được thay thế bằng xi măng. Tại một số ngôi đình như: đình Xuân Lộc (thị xã Long Khánh), đình Nguyễn Tri Phương, đình Bình Trước (Biên Hòa), đình Long Đức, đình Tam Thiện (huyện Long Thành), đình Vinh Thạnh (Biên Hòa)... chánh điện có thờ Thần bằng cốt tượng; hoặc đắp nổi chữ Thần trên nền tường hay chạm âm trên nền đá. Hiện nay, các đạo sắc phong vốn gắn liền với các ngôi đình đang bị xuống cấp do quá tin vào sự linh thiêng, diệu ứng của sắc mà Ban quý tế cũng như người dân không dám khai sắc, không hiểu về nội dung của từng đạo sắc, hoặc do lệ của từng địa phương mà ba năm mới tuyên sắc một lần; qua năm tháng thì mối mọt hủy hoại mục nát. Thực tế nhiều ngôi đình qua nhiều đời truyền lại hàng năm không có lệ khai sắc; hiện nay khi mở ra, sắc đã bị mối xông mất một nửa phần dưới hoặc mưa làm mục lỗ chỗ hay bị đạo tặc lấy mất (đình Xuân Lập, thị xã Long Khánh; đình Ông Kèo ở Nhơn Trạch,…). Các đạo sắc phong đều do nhân dân tự bảo quản một số để tại đình và có thủ từ (người giữ đình) trông coi; cũng có khi đem gửi ở nhà Chánh tế đương nhiệm, hoặc nhà người một kỳ lão trong làng. Đạo sắc phong thuộc sở hữu của mỗi đình, của người dân, do người dân tự giác bảo quản bằng những lệ, những quy định riêng của mỗi làng. Trong tình hình hiện nay, việc bảo tồn loại hình sắc phong chủ yếu dựa vào ý thức của người dân là chính. Các cơ quan quản lý về văn hóa chỉ hướng dẫn giúp người dân phương pháp bảo quản, phiên âm, dịch nghĩa nội dung hàm chứa trong từng đạo sắc phong; hiểu được giá trị văn hóa, lịch sử, chứ không thể thay người dân lưu giữ hoặc sưu tầm đem về bảo quản được.
Không gian giữa bàn thờ Thần và hai bên Tả ban, Hữu ban thường nối thông, không có vách ngăn; tuy nhiên, cũng có một số đình như: Phước Thiền (Nhơn Trạch), Phước Nguyên (Long Thành),… có sự tách biệt trong một trục ngang không gian; cũng có khi phụ thuộc vào không gian kiến trúc mà có sự bố trí khác nhau (đình Long Đức của huyện Long Thành có kiến trúc quá nhỏ khoảng 20 m2 cho nên các đối tượng thờ tự đều được bố trí trong không gian này). Đình Phước Khánh của huyện Nhơn Trạch do kiến trúc bị thay đổi (xây mới hoàn toàn bằng bê tông cốt thép) và bố trí không gian thờ tự có khác biệt: chính giữa chánh điện là bàn thờ Thần, vách trong cùng sau bàn thờ Thần là bàn thờ Tả ban, Hữu ban, Hậu hiền, Tiền hiền. Dọc hai bên tường là những hương án nằm đối diện nhau thờ các bậc tiền bối hữu công như: Tiền hiền, Hậu hiền; cùng những thần dân gian khác như: Cửu Thiên Huyền Nữ, Thanh Long, Bạch Hổ, Ngũ Hành Nương Nương, Bạch mã, Thái giám, Ngũ cốc ngũ thổ,… Rất nhiều các ngôi đình ở bàn thờ Hội đồng ngoại có ảnh hoặc tượng của Bác Hồ.
Hệ thống hoành phi, liễn đối trong đình có sự biến đổi đáng kể. Ngoài các hoành phi, liễn đối bằng gỗ chạm âm chữ Hán, được sơn son, thếp vàng được treo trên chính giữa các cây xiên ở mỗi gian (số lượng nhiều ít ở các đình đều khác nhau), liễn đối treo dọc theo các cột (một số đình còn giữ được các cặp liễn đối lòng máng chạm khắc khá tỉ mỉ, một số chạm chữ Hán trực tiếp vào cột, cũng có khi liễn đối bằng tôn được chạm âm chữ Hán, cũng có khi viết trực tiếp trên nền cột gỗ, viết lên tấm sắt sơn đỏ đóng đinh vào cột, viết lên giấy dán vào cột hoặc tường,…). Một số đình khi trùng tu đã thay toàn bộ cột gỗ mặt tiền (do mưa nắng thẩm thấu hay mối mọt làm hư hao) bằng cột gạch và tạc chữ Hán vào đó; có đình còn đúc nguyên các cặp liễn đối bằng xi măng treo trên cột gỗ (đình Mỹ Khoan, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch). Đình Phước Thiền, An Phú (huyện Nhơn Trạch) còn được một số bà con dùng tấm sắt có kích thước (20 x 30 cm) sơn màu đỏ viết chữ Hán vàng, đen và đóng đinh trực tiếp lên các cây xiên, lên tường với số lượng rất nhiều, nội dung như: xuất nhập bình an (出入平安), quốc thái dân an (國泰民安). Cũng có rất nhiều đình nhân dân còn trang trí các bức phướn bằng vải thêu chữ Hán, hoa lá,… treo trên các cây xiên có nội dung như: Thần ân phổ chiếu (神恩普照), hộ quốc tý dân (護國庇民),… Cũng có đình không có hoành phi, liễn đối; vào dịp Kỳ yên Ban quý tế nhờ người viết chữ Hán vào giấy hồng đơn dán trực tiếp vào các cây cột.
Hoạt động lễ hội được diễn ra tại các ngôi đình; nhìn chung so với truyền thống thì nhiều yếu tố gốc trong lễ hội bị giản lược (các nghi tiết, phẩm vật, thời gian tổ chức lễ hội, phạm vi lễ hội, người tham dự lễ hội, “tính thiêng”,…). Sự biến đổi này phụ thuộc nhiều vào nhận thức chung của cộng đồng, chủ thể di sản trước những tác động của phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Thực tế ở những địa phương có tiến trình đô thị hóa nhanh, trong lễ hội kỳ yên hàng năm ngoài những bà con trong xóm ấp còn có sự hiện diện của các ông chủ từ các công ty nước ngoài, công nhân các nhà máy đóng trên địa bàn. Một số đình còn nhận được sự ủng hộ về kinh phí của các cá nhân, tổ chức kinh tế đóng trên địa bàn cho lễ cúng Kỳ yên.
Không gian văn hóa đình làng chịu tác động rất lớn từ quá trình phát triển. Nếu trước kia không gian văn hóa của đình làng mở trong mối giao hòa với khu dân cư lân cận; thì ngày nay không gian đó được khu biệt lại, thu hẹp hơn, nhiều đình làng trở nên “kín cổng cao tường”. Nhiều ngôi đình bị người dân lấn chiếm đất xây dựng các công trình dân dụng; buôn bán cây kiểng, hàng hóa,... Các hạng mục kiến trúc trong khuôn viên đình cũng bị thay đổi: nhiều đình xây thêm các công trình phụ, xây đền thờ liệt sĩ,... Đặc biệt, hướng ngôi đình cũng có sự thay đổi so với trước do quá trình xây dựng, phát triển của các địa phương. Nhiều ngôi đình cổng đi vào từ phía sau đình, bên hông, trái với phong thủy thuở ban đầu tạo lập (do mở đường, quy hoạch). Cũng có những ngôi đình không còn bức bình phong phía trước do không gian kiến trúc quá trật chội, ảnh hưởng của việc mở đường (đặc biệt là với trường hợp các ngôi đình ở đô thị). Do điều kiện riêng của từng địa phương, nhiều nơi người dân chỉ thực sự đến với đình làng khi có lễ hội, đình đám. Thậm chí nhiều ngôi đình ở huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch,... ẩm thấp quanh năm, là địa điểm để các loại côn trùng, dơi trú ngụ (chỉ được dọn dẹp khi có lễ cúng). Tâm thức của người dân đến với đình làng, đến với các hoạt động văn hóa gắn với đình làng có sự thay đổi theo thời gian, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống bị giản lược, bị thay thế hoặc biến đổi hoàn toàn; nhiều yếu tố văn hóa mới phát sinh. Tất cả các nguyên nhân chủ quan và khách quan đang tác động lớn tới chủ thể di sản, cộng đồng trong nỗ lực chung hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
III. KẾT LUẬN
Đình là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa, là nơi thờ thần Thành hoàng bổn cảnh, là nơi dân làng đến lễ bái cầu cho gia đình và bản thân được an ninh, phú quý, mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn; là nơi tụ họp dân làng, yến ẩm, vui chơi. Với mỗi người dân, đình làng có vai trò rất quan trọng và hết sức thân thiết, gần gũi. Ngoài việc tự hào về ngôi đình của làng, về truyền thống của làng mình, người dân còn ra sức chung tay bảo quản, tôn tạo để ngôi đình ngày càng khang trang hơn bằng ý thức, trách nhiệm, sự tự nguyện của mỗi cá nhân. Giá trị của đình làng không chỉ là nơi cố kết cộng đồng, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa mà còn là nơi ghi dấu sự đổi thay của con người, của vùng đất. Trong bối cảnh hiện nay, đình làng đang đứng trước nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống. Các yếu tố tác động từ kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương đang tác động lớn tới việc gìn giữ các giá trị văn hóa của đình làng. Nói chung, biến đổi văn hóa đình làng là một quy luật tất yếu trong quá trình phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Ngọc Thêm, 1999, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục.
- Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, 1999, Đình Nam Bộ xưa và nay, NXB Đồng Nai.
- Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường, 1993, Đình làng Nam Bộ tín ngưỡng và nghi lễ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tư liệu điền dã của tác giả, Tư liệu của phòng Di sản văn hóa, Bảo tàng Đồng Nai.
Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”
[1] Theo số liệu Kiểm kê phổ thông di tích tại Đồng Nai từ năm 1995 đến năm 2005 của Phòng Di sản Văn hóa, Bảo tàng Đồng Nai.
[2] Hiện nay ở Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Biên Hòa người dân vẫn gọi đình là miếu, đình Bình Thạch, đình Bình Sơn ở huyện Vĩnh Cửu vẫn còn bức hoành phi chữ Hán ghi Bình Thạch miếu, Bình Sơn miếu,…
[3] Nhà túc của đình An Hòa, đình Bình Điện (Biên Hòa) nằm phía bên trái chánh điện.
[4] Tùy điều kiện kinh tế, tục lệ của từng đình mà tổ chức hàng năm hay ba năm đáo lệ một lần