1. Bạch Mã Thái Giám là ai?
Theo kinh Đại bản như ý, Quan Thế Âm Bồ Tát có 8 dạng: Viên Mãn Nguyện Minh Vương Bồ Tát, Bạch Y Tự Tại Bồ Tát, Tứ Diện Quan Âm, Cát La Sát Nữ, Tỳ - Câu - Chi, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đà La Quan Âm (tức Chuẩn Đề Bồ Tát) và Mã Đầu La Sát.
Mã Đầu La Sát là hóa thân của Bồ Tát Quan Âm, mình người đầu ngựa. Avalokitesvara (Quan Thế Âm bồ tát) của Phật giáo Đại thừa không phân biệt giới tính vì ngài có thể hóa ra nữ hoặc nam. Phật giáo thường gọi vị Bồ Tát này là “Quan Âm Đại sĩ” (một hóa thân của Quan Âm). Quan Âm thường là nữ, nhưng gọi là “Sĩ” tức nam, do tính chất trung tính này nên gọi là “Thái Giám”[1].
Do cứu độ chúng sanh nên Bồ Tát Quan Thế Âm phải ở lại thế gian và hóa thân thành nhiều hình tướng khác nhau, cả nam và nữ. Con ngựa Bahala cũng không có giới tính. Dựa vào đặc tính này, triều Nguyễn đã dùng từ Thái Giám để gắn cho vị thần Bạch Mã đức cao vọng trọng[2].
Đạo Bà-la-môn cũng có một vị thần tên “Kalkyavatara” (hóa thân của thần Vishnu) mình người đầu ngựa. Trong truyện Tiền thân Đức Phật cũng có câu chuyện về con ngựa Balaha. Có 800 người lái buôn đường biển đi lạc đến hòn đảo của các nữ nhân ăn thịt người. Khi gặp các lái buôn này thì các nữ nhân buộc phải kết hôn với họ. Một hôm các anh lái buôn nhớ nhà và cầu nguyện Đức Phật cứu giúp. Đức Phật hóa ra con ngựa thần và bảo họ nắm vào cổ, bờm, lông, đuôi,… Trước khi bay qua biển, Bồ Tát dặn họ không được luyến tiếc những lạc thú mà họ đã gặp trên đảo nhưng do thương nhớ vợ con, họ đã quay lại nhìn và bị rơi xuống biển. Chỉ có một người nhớ lời Bồ Tát dặn, làm chủ được mình, nên sống sót và về làm vua Ấn Độ.
Khối tượng Neak Pean (Angkor Wat, Campuchia) vào cuối thế kỷ XII – đầu thế kỷ XIII diễn tả sự tích này với cảnh một đám người tranh nhau bám vào mình ngựa thần[3].
Từ đó, Mã Đầu La Sát hay Bạch Mã Thái Giám trở thành thần phù hộ giới thương buôn đường biển và cả thương buôn đường bộ trên con đường tơ lụa. Vì Bạch Mã Thái Giám là hóa thân của Bồ Tát nên được nhà Nguyễn phong “Dương Uy Ngự Vũ Bảo Chướng Kiện Thuận Hòa Nhu Hàm Quang Thượng đẳng thần”, Bạch Mã Thái Giám là vị thần của dân dã[4].
Tại chùa Quan Âm (Quan Âm Phật tự, Minh Hương Phật tự) ở Hội An, trên bàn thờ có một đồ án trang trí hình con ngựa có cánh đang sải bước/bay trên những đám mây hình cánh sen. Đó là dấu vết ngựa thần Balaha hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát hiện còn ở nước ta[5].
Theo Đại Thừa trang nghiêm bảo vương kinh, bộ kinh chữ Phạn của Ấn Độ về cuộc đời của Avalokitesvara (Quan Thế Âm Bồ Tát) có một đoạn kể về tiền kiếp của Bồ Tát Quan Thế Âm lúc đó là con ngựa thần màu trắng có cánh tên là Balaha đã giải cứu hoàng tử Sinhgala, tiền thân Phật Thích Ca khi ngài cùng các khách thương bị nạn trên biển. Dấu vết muộn hơn, thì vị Bồ Tát kia là Avalokitesvara, Quan Âm của Phật giáo Đại thừa, chính là Quan Âm Nam Hải của những người dân qua lại Biển Đông cầu cứu tai qua nạn khỏi[6].
Người Việt không tiếp thu trực tiếp hình thức thờ Bạch Mã từ Ấn Độ mà thông qua sự giao thương bằng đường biển của người Chăm để mang tín ngưỡng này về đất nước của họ. Một bằng chứng nữa là Bạch Mã Thái Giám được thờ phổ biến ở các vùng biển Nam Trung Bộ và ở Nam Bộ là do những di dân miền Trung mang vào từ địa bàn cư trú cũ của người Chăm.
Văn tế trong các đình làng miền Trung, vị thần này được nêu với danh hiệu “Thái Giám Bạch Mã Lợi Vật chi thần” cho thấy tính chất “sinh lợi” trong hoạt động giao thương khi tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ.
Ở Phú Yên, thần Bạch Mã Thái Giám được ngư dân xem là hiện thân của Phật Bà Quan Âm, “vì thương người hóa thành con ngựa trắng để cứu giúp những người đi buôn, những người đánh bắt cá trên biển gặp nạn, như truyền thuyết Phật Bà hóa thành cá Voi”[7].
Bạch Mã Thái Giám thuộc bậc thượng đẳng thần, được tòng tự trong đình làng, về phẩm trật cao hơn Thành Hoàng, nhưng dân gian lại quan niệm là vật cỡi của Thành Hoàng. Cách hiểu sai này dần dần đã trở thành mặc định trong tâm thức của người dân Cù Lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai)[8].
Quan niệm này khá phổ biến ở Nam Bộ: “Thái Giám Bạch Mã (hiểu theo dân gian là ngựa thần), dùng cho thần đi lại, biểu tượng thờ là cốt tượng bằng xi măng hay thạch cao, có khi là bài vị viết bốn chữ Hán“Thái Giám Bạch Mã”[9].
Bạch Mã Thái Giám là Mã Thủ Quan Âm trong kinh Đại Bảo Tích hay là biểu tượng thần nước xứ Bắc, được người Việt tiếp cận qua văn hóa Chăm từ miền Trung hay gốc từ Bắc, ở Sài Gòn – Gia Định được cụ thể hóa thành vật cỡi của Thành Hoàng Bổn Cảnh[10].
Có tác giả không hiểu, lại tách bạch giữa Bạch Mã và Thái Giám khi cho rằng “Bạch Mã thực hiện việc di chuyển, Thái Giám trông coi việc trong cung vua. Bạch Mã Thái Giám là những vị giúp việc cho Thần”[11].
Vị thần đang bàn về sau có tên Bạch Mã Thái Giám hay do sự xáo trộn trong ngữ pháp Hán Việt nên gọi Thái Giám Bạch Mã, hoặc kiêng tên chỉ gọi là Thái Giám như vị thần thờ ở Quảng Ngãi[12].
Tóm lại, danh xưng Bạch Mã Thái Giám là từ hình tượng con ngựa trung tính để chỉ vị thần biển có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn Độ.
2. Thờ Bạch Mã Thái Giám ở các địa phương
Thần Bạch Mã được thờ ở nhiều làng xã trên địa bàn Đà Nẵng. Đây là vị thần có nhiều sự tích. Người dân làng Nam Thọ (quận Sơn Trà) cho rằng miếu Bạch Mã ở bãi Nồm dưới chân núi Sơn Trà thờ vị thần núi Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương, sắc phong ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 và ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33. Sắc phong Bạch Mã Thái Giám có mỹ tự kèm theo là “Lợi Vật, Kiện Thuận, Hòa Nhu, Đoan Túc” như sắc phong làng Xuân Lộc ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 và sắc phong ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3. Làng Phú Thượng cũng được phong tặng danh hiệu như làng Phú Lộc[13].
Khu vực Đà Nẵng có khá nhiều sắc phong của triều Nguyễn cho Bạch Mã Thái Giám: thôn Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3, ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9; xã Hóa Khuê Đông (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5; xã Nam An – Nam Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5; xã Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7, ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3; xã Phước Sơn – Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3, ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33; xã Quá Giản (Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), ngày 6 tháng 2 năm Thiệu Trị nguyên niên, ngày 14 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3; xã Thạc Giản (Thạc Gián, phường Chín Gián, quận Thanh Khê); xã Xuân Lộc (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3, ngày 14 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3, ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3, ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33, ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2, ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3[14].
Ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Bạch Mã Thái Giám được thờ ở miếu Xóm Bắc (xã Hòa Quý). Ngôi miếu nằm ở khoảng đất cao ở cuối làng, xây cách nay khoảng 400 năm. Người dân thờ cúng vị thần để mong phù hộ làm ăn, buôn bán may mắn[15].
Từ miền núi đến trung du, châu thổ cửa sông ven biển đều có tục thờ thần Bạch Mã. Tại miếu Hội đồng tỉnh, thần Bạch Mã có sắc phong khá sớm vào năm 1824. Thần Bạch Mã thường được thờ cùng với Đại càn Tứ vị Thánh nương, Thiên Y A Na Chúa Ngọc và một số vị thần khác tại đình làng. Một số địa phương gọi những ngôi miếu riêng thờ vị thần này là miếu ông Thái Giám. Ở Thanh Hà có hai miếu Bạch Mã Thái Giám ở Nam Diêu và Thanh Chiếm, Bàu Súng. Cẩm Phô trước đây cũng có hai miếu Thái Giám, cúng mỗi năm hai kỳ vào ngày 13/1 và 11/8 âm lịch[16].
Theo thống kê của Viện Viễn Đông Bác cổ (1943), ở Hội An (Quảng Nam) có 8/11 làng có sắc phong thần Bạch Mã với 51 lá sắc. Cụ thể là: phường Cẩm Phô, 6 sắc, Tự Đức 5 (1852) đến Khải Định 9 (1924); phường Minh Hương, 5 sắc, Tự Đức 5 (1852) đến Khải Định 9 (1924); xã An Mỹ, 5 sắc, Tự Đức 5 (1852) đến Khải Định 9 (1924); xã Thanh Đông, 4 sắc, Tự Đức 5 (1852) đến Duy Tân 3 (1909); xã Sơn Phô, 5 sắc, Tự Đức 5 (1852) đến Khải Định 9 (1924); phường Điển Hội, 8 sắc, Minh Mạng 7 (1826) đến Khải Định 9 (1924); xã Thanh Hà, 8 sắc, Minh Mạng 7 (1826) đến Khải Định 9 (1924); xã Đế Võng, 7 sắc, Minh Mạng 7 (1826) đến Khải Định 9 (1924); miếu Hội đồng tỉnh ở Cẩm Phô, 3 sắc, Minh Mạng 7 (1826) đến Thiệu Trị 3 (1843)[17].
Trong nhóm thứ nhất các sắc phong Bạch Mã ở Hội An, vị thần này có danh hiệu đầy đủ là Lợi Vật, Kiên Thuận, Hòa Nhu, Đoan Túc, Hàm Quang, Dực Bảo Trung Hưng Thái Giám Bạch Mã Thượng đẳng thần. Phẩm trật Thượng đẳng thần đến năm Khải Định 9 (1924) mới được phong và đến năm này thì mới có danh hiệu Thái Giám.
Ở nhóm thứ hai, thì vào thời Tự Đức (1852), Bạch Mã đã được phong Thượng đẳng thần và có các mỹ tự là Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng, Kiên Thuận, Hòa Nhu, Hàm Quang. Các đời sau chỉ gia phong thêm mỹ tự Dực Bảo Trung Hưng để có tên đầy đủ là Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng, Kiên Thuận, Hòa Nhu, Hàm Quang Dực Bảo Trung Hưng Thái Giám Bạch Mã Thượng đẳng thần. Đến thời Khải Định danh hiệu Thái Giám mới được sử dụng kèm[18].
Các làng ven biển Phú Yên có nhiều cơ sở thờ tự thần Bạch Mã Thái Giám, được các vua triều Nguyễn ban nhiều sắc phong: lẫm Quy Hậu (huyện Phú Hòa), ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886); đình Phong Niên (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886)[19], ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909)[20]; đình Mỹ Thành (đình Tây Phú, xã Tây Phú, huyện Phú Hòa), có 4 sắc phong chung với thần Thổ Địa[21]; đình Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc), ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)[22]; đình Đông Bình (xã Đông Bình), ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880)[23]; đình Bình Nhạn (phường 1, thành phố Tuy Hòa), ngày 20 tháng 2 năm Thành Thái thứ 2 (1890), ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924); đình Vĩnh Xuân, ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909); đình Vinh Ba, ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 3 (1886)[24], ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909)[25], ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)[26]; đình Phú Sơn, ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886); lăng Ông ngư nghiệp Đông Tác (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa), ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852)[27].
Khu vực Vũng Rô, Đèo Cả, Đá Bia thuộc Phú Yên, các đình miếu đều thờ Bạch Mã với sắc phong Bạch Mã Thái Giám tôn thần, nhất là ở các đình làng[28].
Một số đình ở Khánh Hòa có sắc phong như đình Phương Sài (Nha Trang), ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924); đình Vạn Thạnh (Nha Trang), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Khải Định thứ 9 (1924); đình Phú Lộc (huyện Diên Khánh), ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917), ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)[29].
Tại các di tích trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) thường phối tự các vị thần như Trấn Bắc Quân Đô Đốc Phủ, Quan Thánh Đế Quân, Bạch Mã Thái Giám. Trên đảo có 28 di tích có giá trị tiêu biểu gồm các đình, chùa, vạn, đền thờ, mộ, trong đó có hai đền thờ Bạch Mã Thái Giám ở làng Quý Thạnh (Ngũ Phụng) và làng An Hòa (Ngũ Phụng). Đình Phú Mỹ trong khám thờ 5 sắc phong của Bạch Mã Thái Giám, sắc bị rách bồi lại bằng giấy bóng mờ. Hai ngôi đền thờ Bạch Mã ở làng Quý Thạnh và Phú An ở xã Ngũ Phụng do người dân Phú Quý mang từ cố hương vào khi đến tiếp quản và khai lập cuộc sống trên đảo Phú Quý[30].
Đền thờ Quan Thánh ở xã Ngũ Phụng, nằm cạnh đền thờ Thầy Sài Nại, còn lưu giữ 5 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban cho thần Bạch Mã Thái Giám. Tuy nhiên, đền thờ chỉ lưu giữ các sắc phong của Bạch Mã Thái Giám: ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), ngày 25 tháng 7 năm Duy Tân thứ 3 (1909). Trong đó có 3 sắc phong cấp cho làng Hương Lăng, 1 sắc cấp cho làng Tuy Lăng và 1 sắc cấp cho làng Quý Thạnh[31].
Đền thờ Thái Giám tọa lạc tại làng An Hòa (xã Ngũ Phụng), xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, gắn với quá trình di cư của các bộ phận cư dân vùng Ngũ Quảng đến đảo Phú Quý khai khẩn đất đai lập làng An Hòa. Chánh điện có ba khám thờ: khám giữa thờ thần Thái Giám, khám hữu thờ Hữu ban và khám tả thờ Tả ban. Khám thờ Bạch Mã Thái Giám có kích thước 1,8m x 1,5m x 2,1m. Trên khám chạm chữ “Thần”, phía trước có hai Bạch Mã cao 60cm, dài 50cm. Lọng khám xung quanh chạm nổi hình tượng lưỡng long tranh châu, chim phụng, rùa và hoa lá.
Tại đây còn lưu giữ 5 sắc phong của các vua triều Nguyễn cho Bạch Mã Thái Giám của làng Phú Ninh, được cất giữ thờ cúng tại đình Phú Mỹ: ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Hàng năm tại đền Thái Giám diễn ra hai kỳ tế lễ vào trung tuần tháng giêng và tháng bảy âm lịch, có tổ chức rước sắc phong từ đình Phú Mỹ, thu hút đông đảo người dân tham gia. Các bước thực hiện tế lễ và lễ vật dâng cúng về cơ bản cũng tương tự như các đền thờ, lăng vạn, đình làng khác trên đảo[32].
Dinh Lý Nhân (miếu chủ Thơ) thuộc thôn Tây (xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) nằm ngay sát bờ biển. Lúc đầu dinh được làm bằng tranh tre, thờ thần Bạch thố Kim Tinh (Ngũ Hành), sau này do sự linh hiển của Bà, nhân dân đã góp tiền xây dựng lại vào đầu thế kỷ XX. Trong dinh đặt các ban thờ Tam phủ, Bạch Mã Thái Giám và Bạch Thố Kim tinh. Dinh Tam Tòa ở thôn Tây, xây dưới triều vua Gia Long, thờ Thủy Long Thần Nữ, Bạch Mã Thái Giám và Hồng Nương Chúa Động[33].
Nhiều đình ở Biên Hòa có thờ Bạch Mã Thái Giám như đình Thành Hưng (xã Hiệp Hòa)[34], đình Bình Trước (phường Thống Nhất), đình Bình Thiền (phường Quang Vinh),… Một số đình lại tách riêng thành hai bàn thờ riêng biệt, bài trí đối lập nhau trong chánh điện, ví dụ như đình Tân Lân (phường Hòa Bình). Có đình không có bàn thờ Bạch Mã Thái Giám mà chỉ có tượng của Bạch Mã được đặt trong chánh điện. Chưa rõ việc tách bạch Bạch Mã, Thái Giám bắt nguồn từ đâu nhưng có lẽ do hiểu theo ngôn xưng Bạch Mã, Thái Giám là hai đối tượng: Bạch Mã (ngựa trắng) và Thái giám (nhân vật bị mất chức năng đàn ông để hầu cận phục vụ trong cung đình vua chúa trước đây)[35].
Nhiều đình ở Thành phố Hồ Chí Minh có thờ Bạch Mã Thái Giám với những danh hiệu khác nhau, thậm chí các đình trong cùng một xã danh hiệu cũng khác nhau, như đình Ích Phú, đình Bình Khánh (quận 2), đình Tăng Phú (quận 9), đình Bình Lý, đình Thới Thuận, đình Bình Xuân (huyện Hóc Môn), đình Long Kiểng (huyện Nhà Bè), đình Quy Đức, đình Thừa Phước[36], đình Tri Hòa (huyện Bình Chánh) thờ Bạch Mã; đình Nam Chơn (quận 1), đình Bình Yên (quận 5), đình Bình Thái (quận 9), đình An Hội (quận Gò Vấp) thờ Bạch Mã, Thái Giám; đình Tân Kiểng, đình An Bình (quận 5), đình Bình Tiên, đình Bình Tây, đình Phú Hòa (quận 6), đình Khánh Bình (quận 8), đình Chí Hòa (quận 10), đình Tân Thới Tam, đình Tam Đông, đình Thới Đông (huyện Hóc Môn), đình Thới Hòa (đình Long Thới, huyện Nhà Bè), đình Tân An Hội, đình Mỹ Thạnh, đình Phước Vĩnh Ninh (đình Bà Giả), đình Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), đình Bình Chánh, đình Long Bình, đình Bình Điền, đình Bình Lộc, đình Phú Nhiêu[37], đình Đa Phước, đình Phục Đức, đình Mỹ Phú (đình Hòa Thới) (huyện Bình Chánh) thờ Bạch Mã Thái Giám[38].
Ngoài ra, Bạch Mã Thái Giám thường được phối tự với Ngũ Hành Nương Nương như ở các miếu: 1A, Võ Trường Toản (phường 15, quận 5), 72, đường số 13; cầu 38, Phạm Thế Hiển (quận 8), 1107/10, Phạm Thế Hiển (phường 5, quận 8); 50/9C, bến Phú Định (quận 8); ấp 1 (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh)[39].
Tại Bình Dương, Bạch Mã Thái Giám được thờ trong một số đình. Đình Chánh Phú Hòa (thị xã Bến Cát), miếu Bạch Mã Thái Giám nằm kế miếu Thủy Long Thần Nữ ở trước đình. Ở các đình Phước Hòa (huyện Phú Giáo), đình Tân Thới (thị xã Thuận An), đình Tân Lương (thị xã Tân Uyên), miếu Bạch Mã Thái Giám nằm cùng với miếu Thần Nông trước đình. Trước đình Tân An (thành phố Thủ Dầu Một), phía bên trái, có miếu thờ Bạch Mã và Ngũ phương Thổ địa. Riêng đình Tân Ninh (thị xã Dĩ An) thì Bạch Mã Thái Giám được thờ trong chính điện. Án thờ Thái Giám và Bạch Mã ở đình Bình An (thị xã Dĩ An) nằm ở hai bên bàn thờ Bác Hồ (có hai con ngựa trắng) đặt sau bàn thờ Hội đồng nội[40]. Miếu thờ Thái Giám được đặt trước đình Thới Hòa – Tân Định (huyện Bến Cát), đối diện miếu thờ Sơn Quân[41].
Bạch Mã Thái Giám được thờ phổ biến ở Mỹ Tho, vùng Gò Công có lẽ là nơi tín ngưỡng Bạch Mã Thái Giám mạnh nhất, được sắc phong của nhà Nguyễn, mang dấu ấn đầu tiên của một dạng tín ngưỡng được đem từ miền Trung vào. Riêng vùng Gò Công có nhiều miếu thờ Bạch Mã Thái Giám được sắc phong từ thời Tự Đức[42].
Ở lăng ông Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), ngoài bàn thờ ông Nam Hải còn có các bàn thờ Tả ban, Hữu ban, Tiên sư, Tiền hiền, Ngũ hành, Lang Lại Đại tướng quân (rái cá), Bạch Mã Tôn thần (ngựa trắng). Theo truyền thuyết địa phương, rái cá và ngựa trắng đã từng theo giúp Nguyễn Ánh trong những năm bôn ba ở vùng đất Nam Bộ.
Trong miếu Bà Chúa Xứ ở Mỹ Long (huyện Duyên Hải, Trà Vinh), cốt tượng Bạch Mã được đặt giữa gian thờ Chúa Xứ Nguyễn Nhung và Thượng Động Cố Hỷ. Ngoài sân, trước miếu cũng có cốt tượng Bạch Mã với câu đối “Tây hồi dương Bạch Mã”, đối diện là tượng Thanh Long với câu đối “Đông xuất hiển Thanh Long”. Như vậy, Bạch Mã ở đây được xem là phương tiện, vị thần hầu cận, được tòng tự cùng với Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Động, Thủy Long Thần Nữ[43].
Trong các ngôi đình ở Bạc Liêu, phía bên trái sân đình thường có miếu thờ Bạch Mã Thái Giám, “là loại ngựa thần có lông trắng, phục vụ việc đi lại cho các thần linh của đình”[44]. Thần Bạch Mã cũng có mặt ở miếu Phước Hưng, làng Vĩnh Phước (Bạc Liêu)[45].
3. Kết luận
Bạch Mã Thái Giám là vị thần biển ở miền Trung có nguồn gốc từ Ấn Độ, do các thương nhân Champa truyền vào nước ta. Tín ngưỡng này là dấu vết của sự giao lưu văn hóa Việt - Ấn thông qua “cầu nối” văn hóa Chăm, nó phản ánh các hoạt động lịch sử giao thương hàng hải một thời. Tục thờ Bạch Mã Thái Giám đã có từ trước đó, sau này vua Gia Long (1824) cho đến vua Khải Định (1924) đã ban một loạt sắc phong cho vị thần này như một sự công nhận mức độ hội nhập sâu rộng vào thần điện Việt. Bạch Mã Thái Giám được thờ tự trải dài ở ven biển và hải đảo, từ Huế vào đến Nam Bộ, trong những cơ sở thờ tự khác nhau (miếu, đình, đền, lẫm, lăng,…) hoặc phối tự, điều đó cho thấy sức mạnh của loại hình tín ngưỡng này trong tâm thức dân gian. Sự nhập nhằng về thần hiệu (Bạch Mã, Thái Giám, Bạch Mã Thái Giám, Thái Giám Bạch Mã) thể hiện vết mờ về nguồn gốc ban đầu của vị thần biển này. Nghiên cứu về loại hình tín ngưỡng này góp phần vào việc chỉ ra những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ vào khu vực Đông Nam Á.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đinh Thị Trang (2014), Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
- Hồ Tấn Tuấn (2015), Di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng.
- Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế (2005), Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên) (2017), Tìm hiểu liễn đối Hán – Nôm trong các đình, chùa, miếu tỉnh Bình Dương, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
- Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên) (1997), Lịch sử & văn hóa Cù Lao Phố, NXB Đồng Nai.
- Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (2018), Đình Nam Bộ xưa và nay, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh.
- Lê Thế Vịnh, Phạm Hùng Thoan (2006), Văn hóa cư dân ven biển Phú Yên, Viện Văn hóa - Thông tin – Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên.
- Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toán (2013), Sắc phong ở Đà Nẵng, NXB Thuận Hóa, Huế.
- Nguyễn Đình Chúc (2013), Văn hóa dân gian Vũng Rô - Đèo Cả - Đá Bia, NXB Thuận Hóa, Huế.
- Nguyễn Đình Chúc (2017), Đình – miếu – lẫm – lăng ở Phú Yên, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
- Nguyễn Hiếu Học (2012), Những ngôi đình tiêu biểu ở Bình Dương, NXB Trẻ - Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương, tr.200.
- Nguyễn Hữu Hiếu (2004), Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Xuân Lý (2007), Di sản văn hóa Phú Quý, Đề tài nghiên cứu khoa học, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Bình Thuận.
- Phan Đình Dũng (chủ biên) (2009), Cơ sở tín ngưỡng và lễ hội truyền thống ở Biên Hòa, Trung tâm Văn Miếu Trấn Biên.
- Tạ Chí Đại Trường (2000), Thần, người và đất Việt, Bản mới, NXB Văn học, California, USA.
- Trần Dũng, Đặng Tấn Đức (2012), Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập I, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam.
- Trần Phỏng Diều (2015), Đình ở thành phố Cần Thơ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Trần Thuận (2012), Tín ngưỡng dân gian Bạc Liêu, Đề tài nghiên cứu khoa học, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
- Trần Văn An (2016), Biển đảo trong văn hóa, văn nghệ dân gian Hội An, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
- Trung tâm Bảo tồn Di tích Khánh Hòa (2013), Đình làng Khánh Hòa, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
- Trương Thanh Hùng, Phan Đình Độ (2012), Văn hóa dân gian huyện đảo Phú Quốc và Lý Sơn, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
- Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008), Tín ngưỡng dân gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia TP. HCM, TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”
[1] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (2018), Đình Nam Bộ xưa và nay, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, tr.132-133.
Trong Phật thoại Ấn Độ Một cuộc chiến thắng vinh dự kể về tiền kiếp của Phật Thích Ca, khi đó là Sinhgala, con của một lái buôn giàu có. Sinhgala dẫn 500 lái buôn ra khơi và gặp nạn trên biển. Nhờ ngựa thần màu trắng Balaha bay lên mà Sinhgaha thoát khỏi bọn quỷ Dạ Xoa trở về đất liền [Trần Văn An (2016), Biển đảo trong văn hóa, văn nghệ dân gian Hội An, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.139].
[2] Trần Văn An (2016), Sđd, tr.141.
[3] Tạ Chí Đại Trường (2000), Thần, người và đất Việt, Bản mới, NXB Văn học, California, USA, tr.246.
[4] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (2018), Sđd, tr.133.
[5] Trần Văn An (2016), Sđd, tr.139-140.
[6] Tạ Chí Đại Trường (2000), Sđd, tr.247.
[7] Lê Thế Vịnh, Phạm Hùng Thoan (2006), Văn hóa cư dân ven biển Phú Yên, Viện Văn hóa - Thông tin – Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên, tr.184.
[8] Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên) (1997), Lịch sử & văn hóa Cù Lao Phố, NXB Đồng Nai, tr.279.
[9] Nguyễn Hữu Hiếu (2004), Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr.45.
[10] Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế (2005), Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr.105-106.
[11] Trần Phỏng Diều (2015), Đình ở thành phố Cần Thơ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.71.
[12] Tạ Chí Đại Trường (2000), Sđd, tr.245.
[13] Hồ Tấn Tuấn (2015), Di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng, tr.35-36.
Văn hóa-Văn nghệ, TP.iền Giang-n NXB ở phần footnote vì ở trên chưa thấy dẫn tài liệu này. [14] Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toán (2013), Sắc phong ở Đà Nẵng, NXB Thuận Hóa, Huế, tr.63, 67, 76, 107, 139, 140, 165-168, 173, 174, 180, 222-224, 228, 230, 232.
[15] Đinh Thị Trang (2014), Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr.76.
[16] Trần Văn An (2016), Sđd, tr.131.
[17] Trần Văn An (2016), Sđd, tr.129-131.
[18] Trần Văn An (2016), Sđd, tr.133-137.
[19] Sắc phong chung với Hà Bá Thủy Quan Trung đẳng thần và thần Thổ Địa.
[20] Sắc phong chung với Hà Bá Thủy Quan Trung đẳng thần. Ở gò Chàm (xã Hòa Thắng) còn có miếu thờ Bạch Mã.
[21] Xã Tây Phú có miếu Đông Lý và miếu Tây Lý thờ Thái Giám Bạch Mã Tôn thần.
[22] Xã Ngọc Lãng có miếu Trung Lý thờ Bạch Mã Thượng đẳng thần.
[23] Xã Đông Bình có miếu Tây Lý (miếu Cây Da) thờ Bạch Mã.
[24] Sắc phong chung với Cao Các Quảng Độ Thượng đẳng thần.
[25] Sắc phong chung với Cao Các Quảng Độ Thượng đẳng thần.
[26] Sắc phong chung với Cao Các Quảng Độ Thượng đẳng thần.
[27] Nguyễn Đình Chúc (2017), Đình – miếu – lẫm – lăng ở Phú Yên, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr.89, 92, 107, 123-124, 131, 151, 184-185, 195, 226-227, 267.
[28] Nguyễn Đình Chúc (2013), Văn hóa dân gian Vũng Rô - Đèo Cả - Đá Bia, NXB Thuận Hóa, Huế, tr.159.
[29] Trung tâm Bảo tồn Di tích Khánh Hòa (2013), Đình làng Khánh Hòa, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr.63, 65, 68-69, 70-72, 189, 420.
[30] Nguyễn Xuân Lý (2007), Di sản văn hóa Phú Quý, Đề tài nghiên cứu khoa học, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Bình Thuận, tr.16, 36, 54, 95-97.
[31] Nguyễn Xuân Lý (2007), Tlđd, tr.113-114.
[32] Nguyễn Xuân Lý (2007), Tlđd, tr.119-121.
[33] Trương Thanh Hùng, Phan Đình Độ (2012), Văn hóa dân gian huyện đảo Phú Quốc và Lý Sơn, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr.175-176, 185.
[34] Là đình duy nhất ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) thờ Bạch Mã Thái Giám, trên bàn thờ có bốn chữ “Bạch Mã Thái Giám”, được đặt bên vách hông của chánh điện [Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên) (1997), Lịch sử & văn hóa Cù Lao Phố, NXB Đồng Nai, tr.278].
[35] Phan Đình Dũng (chủ biên) (2009), Cơ sở tín ngưỡng và lễ hội truyền thống ở Biên Hòa, Trung tâm Văn Miếu Trấn Biên, tr.48-49.
[36] Cùng xã với đình Đa Phước.
[37] Cùng xã với đình Quy Đức.
[38] Dẫn theo Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế (2005), Sđd.
[39] Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008), Tín ngưỡng dân gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia TP HCM, TP Hồ Chí Minh, tr.74.
[40] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên) (2017), Tìm hiểu liễn đối Hán – Nôm trong các đình, chùa, miếu tỉnh Bình Dương, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.231, 429, 495, 500, 513. Tài liệu điền dã.
[41] Nguyễn Hiếu Học (2012), Những ngôi đình tiêu biểu ở Bình Dương, NXB Trẻ - Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương, tr.200.
[42] Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập I, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, tr.768.
[43] Trần Dũng, Đặng Tấn Đức (2012), Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr.394-395.
[44] Trần Thuận (2012), Tín ngưỡng dân gian Bạc Liêu, Đề tài nghiên cứu khoa học, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, tr.27-28.
[45] Tạ Chí Đại Trường (2000), Sđd, tr.245.