1. Sự trở lại của niềm tin tôn giáo, biến đổi diện mạo và tái cấu trúc tôn giáo
Sự trở lại của niềm tin tôn giáo, gia tăng nhu cầu đời sống tôn giáo, số lượng tín đồ, chức sắc. Dưới tác động của kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa, thời kỳ CMCN 4.0, đời sống tôn giáo ở nước ta có sự biến đổi sâu sắc. Đó là sự biến đổi về đức tin, nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo gia tăng với sự “trở lại niềm tin tôn giáo” diễn ra ở tất cả các tôn giáo, các cộng đồng xã hội, các tầng lớp dân cư ở mức độ “đậm, nhạt” khác nhau và ở mọi vùng miền trong cả nước.
Trong vòng 16 năm (2001-2017), số tín đồ của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tăng lên 6% trong dân số(1). Đó là chưa kể các tôn giáo nhóm nhỏ (chủ yếu là các nhóm Tin lành tư gia) chưa được công nhận và các hiện tượng tôn giáo mới rất khó thống kê số lượng người theo. Số lượng tín đồ các tôn giáo đều tăng lên, trong đó tăng nhanh nhất là tín đồ đạo Tin lành, từ 670.000 người năm 2004, đã tăng lên tới trên 1,2 triệu tín đồ năm 2015, tức là tăng gấp gần 2 lần trong 10 năm. Sự phát triển có tính chất đột biến của đạo Tin lành diễn ra chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đây cũng là hai địa bàn có sự chuyển đổi đức tin tôn giáo diễn ra mạnh mẽ nhất trong thời kỳ đổi mới(2).
Sự thay đổi diện mạo tôn giáo. Cùng với nhu cầu đời sống tâm linh tôn giáo, sự trở lại của niềm tin tôn giáo và sự gia tăng tín đồ tôn giáo, diện mạo tôn giáo có sự thay đổi theo xu hướng ngày càng đa dạng hóa. Sự biến đổi đó, một mặt, do sự chuyển đạo, đổi đạo diễn ra mạnh mẽ dẫn đến sự ra đời nhiều tôn giáo mới. Mặt khác, do một số tôn giáo sau thời gian dài suy giảm nay đã được khôi phục hoạt động trở lại, được Nhà nước công nhận.
Về diện mạo tôn giáo, trước năm 1985 ở nước ta có ba loại hình tôn giáo, gồm: tôn giáo, tín ngưỡng bản địa(3); tôn giáo nhập nội, từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam(4) và tôn giáo nội sinh(5). Từ năm 1986 đến nay, xuất hiện loại hình thứ tư, đó là “hiện tượng tôn giáo mới”, còn gọi là đạo lạ(6), với rất nhiều tên gọi khác nhau, số lượng lớn, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ(7).
Sự thay đổi cấu trúc tôn giáo, diễn ra sự cấu trúc lại hệ thống tôn giáo cũng như trong từng tôn giáo. Nếu như thay đổi diện mạo tôn giáo nói lên sự biến đổi bên ngoài của thế giới tôn giáo tạo nên các loại hình tôn giáo (4 loại hình nêu trên) phản ánh xu hướng phát triển khách quan của đời sống tôn giáo diễn ra dưới tác động của điều kiện kinh tế - xã hội, thì tái cấu trúc tôn giáo lại nói lên sự biến đổi bên trong của hệ thống tôn giáo và từng tôn giáo, do tác động của chính sách, luật pháp tôn giáo, làm thay đổi địa vị pháp lý của tôn giáo. Nói cách khác, trong tái cấu trúc tôn giáo ở Việt Nam, vai trò chủ thể của Nhà nước mang tính quyết định.
Sự thay đổi cấu trúc hệ thống tôn giáo. Trước năm 1990, nước ta chỉ có ba tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận: Tổng hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), (1958); Hội đồng giám mục Việt Nam (1980) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981). Từ khi có chính sách đổi mới về công tác tôn giáo, đánh dấu bằng sự ra đời Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị (16-10-1990) về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, đã có nhiều tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận. Từ năm 1990 đến khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ra đời (2004), đã có thêm 3 tôn giáo, gồm Hồi giáo (2 Ban đại diện), Cao Đài (9 hệ phái), Phật giáo Hòa Hảo và Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), nâng lên 6 tôn giáo với 16 tổ chức tôn giáo được công nhận. Từ năm 2005 đến nay, có thêm 9 tôn giáo với 22 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu tập, nâng lên 15 tôn giáo với 41 tổ chức và 1 pháp môn được công nhận(8). Trong đó, có nhiều tôn giáo nhóm nhỏ mang tính địa phương cũng được công nhận như Tứ Ân hiếu nghĩa, Bửu Sơn kỳ hương, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo.
Cùng với sự cấu trúc lại hệ thống tôn giáo, với việc “thiết chế hóa” tôn giáo của Nhà nước, cấu trúc bên trong của mỗi tôn giáo cũng có sự thay đổi. Đối với Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Nhà nước công nhận theo hình thức “trọn gói” (cả tôn giáo là một pháp nhân), còn đối với đạo Cao Đài, Tin lành, Hồi giáo, do tính đặc thù nên pháp luật thừa nhận theo tổ chức, hệ phái, thậm chí theo pháp môn tu tập.
Như vậy, sự thay đổi về diện mạo và cấu trúc làm cho bức tranh tôn giáo của Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, tính đa nguyên cũng được thể hiện rõ(9). Nếu như tính đa dạng thể hiện xu hướng phát triển khách quan của đời sống tôn giáo, thì tính đa nguyên lại phản ánh luật pháp tôn giáo của Việt Nam đang tiệm cận mô hình tôn giáo dân sự. Mặt khác, tính đa dạng tôn giáo là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển đổi đức tin tôn giáo, còn tính đa nguyên là kết quả của việc hoàn thiện luật pháp tôn giáo ở nước ta.
2. Sự chuyển đổi đức tin, xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới và hình thành các cộng đồng tôn giáo - tộc người
Ở miền núi phía Bắc, chủ yếu chuyển đổi từ tín ngưỡng đa thần truyền thống sang Kitô giáo. Trong đó, sự chuyển sang Công giáo đã diễn ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với sự hình thành các cộng đồng người Mường, người Thái theo Công giáo ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, người Mông ở Sapa (Lào Cai), Yên Bái. Tuy nhiên, Công giáo phát triển chậm, sau hơn 100 năm truyền giáo, ở miền núi phía Bắc mới có 45.488 người dân tộc thiểu số theo Công giáo (2003)(10). Trong khi việc chuyển sang theo đạo Tin lành tuy muộn hơn, nhưng lại có sự phát triển ngoạn mục, đặc biệt từ khi đổi mới đến nay. Sự kiện này bắt đầu vào năm 1986, khi một số người Mông ở Tuyên Quang qua nghe đài FEBC từ Manila (Philíppin) và sự rủ rê của một số đối tượng tại chỗ đã theo đạo Tin lành dưới tên gọi Vàng Chứ. Từ đó, đạo Tin lành - Vàng Chứ nhanh chóng lan sang các vùng người Mông khác và vùng người Dao (dưới tên gọi Thìn Hùng) ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tạo nên một phong trào chuyển đổi đức tin mạnh mẽ. Đến năm 2015, đã có 181.615 người dân tộc thiểu số ở 927 bản, 13 tỉnh miền núi phía Bắc theo đạo Tin lành, không kể trên 62 nghìn người Mông theo đạo Tin lành di cư vào Tây Nguyên, sang Lào, Trung Quốc(11). Miền núi phía Bắc trở thành địa bàn có số lượng tín đồ theo đạo Tin lành đứng thứ hai trong cả nước, sau Tây Nguyên. Đáng lưu ý, cũng cải đạo theo xu hướng Kitô giáo, nhưng một bộ phận người Mông không theo Tin lành hoặc Công giáo mà lựa chọn “con đường thứ ba”, kết hợp giữa tư tưởng Kitô giáo với tín ngưỡng truyền thống tạo nên một thứ đạo lạ: đạo Dương Văn Mình(12). Có một bộ phận chuyển sang theo Phật giáo, nhưng không nhiều(13). Đồng thời có hiện tượng chuyển từ Công giáo sang Tin lành và ngược lại(14), nhất là việc chuyển đổi trong các hệ phái Tin lành diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tại Tây Nguyên, việc chuyển đạo, đổi đạo diễn ra sớm, theo nhiều xu hướng khác nhau. Thứ nhất, từ tôn giáo truyền thống chuyển sang Công giáo, diễn ra sớm nhất, đầu tiên ở Bắc Tây Nguyên (Kon Tum), cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phổ biến là người Bana, Xơ Đăng theo Công giáo. Từ sau năm 1990, Công giáo phát triển mạnh mẽ, lan rộng ra nhiều tộc người, trở thành tôn giáo có số lượng tín đồ lớn nhất ở Tây Nguyên(15). Thứ hai, từ tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống chuyển sang đạo Tin lành vào thập niên 30 của thế kỷ XX, phát triển mạnh trong giai đoạn 1954-1975, đặc biệt phát triển ồ ạt từ sau năm 1990. Tây Nguyên trở thành địa bàn có số lượng tín đồ Tin lành nhiều nhất (chiếm 51,17%) trong cả nước(16). Thứ ba, từ Công giáo chuyển sang Tin lành vào đầu những năm 2000, khi Tin lành được công nhận và đẩy mạnh truyền giáo vào vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Thứ tư, từ tín ngưỡng truyền thống chuyển sang Phật giáo, vào thập niên 1990, đến nay có 20 nghìn Phật tử là người dân tộc thiểu số. Thứ năm, từ Công giáo và Tin lành chuyển sang các hiện tượng tôn giáo mới(17). Thứ sáu, chuyển đổi trong nội bộ Tin lành, từ hệ phái này sang hệ phái khác diễn ra phổ biến.
Ngoài ra, việc chuyển đạo, đổi đạo còn diễn ra trong cộng đồng người Kinh (Việt) theo nhiều xu hướng, nhất là chuyển sang theo các hiện tượng tôn giáo mới, ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Không chỉ có người theo tín ngưỡng truyền thống chuyển sang tôn giáo, mà cả người Khmer theo Phật giáo Nam tông ở Tây Nam Bộ; người Chăm theo đạo Bàni, đạo Islam và đạo Bàlamôn cũng có tình trạng chuyển sang theo đạo Công giáo hoặc Tin lành.
Việc chuyển đổi đức tin tôn giáo đã dẫn đến sự hình thành các hiện tượng tôn giáo mới (đạo lạ) cả trong cộng đồng người Kinh (Việt) và đồng bào dân tộc thiểu số. Trong người Kinh (Việt), tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ; đa số nảy sinh ở trong nước, dựa vào tín ngưỡng dân gian dung hợp với Phật giáo. Còn trong vùng dân tộc thiểu số theo xu hướng theo Kitô giáo: Dương Văn Mình, Amí Sara, Pơ Khắp Brâu (từ Tin lành), Canh tân đặc sủng, Hà Mòn (từ Công giáo). Sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới làm thay đổi diện mạo tôn giáo ở nước ta, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý nhà nước(18).
Việc chuyển đạo, đổi đạo còn dẫn đến sự hình thành các cộng đồng tôn giáo - tộc người mới. Đó là những cộng đồng tộc người cùng theo một tôn giáo, được cố kết bởi tôn giáo, bị chi phối bởi giáo lý, giáo luật tôn giáo. Tính cộng đồng tôn giáo tộc người thể hiện mạnh mẽ ở việc lấy đức tin tôn giáo làm yếu tố gắn kết các nhóm sắc tộc. Ở đó, yếu tố tôn giáo đã chi phối yếu tố tộc người, thiết chế tôn giáo thường đan lồng vào thiết chế xã hội(19). Sự hình thành thiết chế tôn giáo - tộc người đã làm thay đổi nhiều giá trị truyền thống của các cộng đồng này, đáng chú ý là vị trí, vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ đã bị thay thế bởi các chức vị đạo, như điểm nhóm trưởng, truyền giáo, mục sư (Tin lành), trùm giáo khu, giáo buôn, giáo sóc, trùm họ đạo, chánh trương, linh mục (Công giáo).
Tình trạng chuyển đạo, đổi đạo diễn ra nhanh và mạnh mẽ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là nảy sinh vấn đề xung đột đức tin tôn giáo. Những người gia nhập đạo Tin lành, trước hết phải từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, đập bỏ bàn thờ gia tiên cũng như từ bỏ các tập tục văn hóa truyền thống khác. Chính vì thế đã nảy sinh mâu thuẫn, xung đột và sự phản ứng gay gắt của những người theo tín ngưỡng bản địa.
3. Sự biến đổi về phương thức truyền giáo và lối sống đạo
Sự biến đổi sâu sắc nhất, nổi bật nhất là sự biến đổi niềm tin và thực hành niềm tin tôn giáo ở nước ta diễn ra trong thời kỳ đổi mới dưới tác động của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba, lần thứ tư, gắn với những khái niệm mới như truyền giáo thời internet, cầu nguyện thời @, sống đạo online thời cách mạng 4.0.
Truyền giáo thời internet. Vào nửa sau của thế kỷ XX, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba ra đời với những phát minh mới về vệ tinh, máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin và internet,... đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, tạo điều kiện cho các tôn giáo đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa với việc sử dụng các phương tiện truyền giáo mới: “Phương tiện truyền giáo mềm”. Đó là việc truyền bá đức tin tôn giáo bằng tư tưởng, văn hóa, học thuật, nghệ thuật với việc sử dụng công cụ của các phương tiện truyền thông đại chúng như kinh sách, đài phát thanh, truyền hình, radio, cassette, Internet và mạng điện tử, chứ không phải bằng vũ lực, quân sự như trước đây. Công nghệ thông tin và Internet được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực quan trọng như truyền giáo, giáo dục tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, sống đạo, quản đạo với nhiều hình thức khác nhau. Nhận thức được giá trị to lớn ấy, lãnh đạo các tôn giáo đón nhận và khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin và internet phục vụ cho công cuộc truyền giáo phát triển đạo.
Sống đạo online thời CMCN 4.0. Cuộc CMCN 4.0(20) diễn ra vào đầu thế kỷ XXI với sự ra đời của công nghệ điện toán đám mây, vạn vật kết nối (internet of things) và sự phát triển các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, Google Flus,... phủ sóng toàn cầu, không chỉ giúp con người kết nối với nhau mọi lúc, mọi nơi, làm cho thế giới càng trở nên phẳng và ảo hơn, mà còn có thể làm cho họ kết nối với “thần thánh”, với “thiên đường”. Người ta có thể trò chuyện, tương tác với nhau, nhìn thấy nhau nhờ các thiết bị điện tử được nối mạng như tivi, máy tính, điện thoại thông minh (smastphone) chỉ trong vòng “1 nốt nhạc” mà không cần gặp trực tiếp. Thực tế “ảo”, không gian “ảo” của CMCN 4.0 ấy đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trong đó có đời sống tâm linh tôn giáo. Thậm chí, ngày nay mạng xã hội và Internet, đang trở thành “đối thủ cạnh tranh” với cả Tòa Thánh La Mã, đến nỗi trong buổi thánh lễ trước đám đông giáo dân và cả các chức sắc tôn giáo tại quảng trường thánh Phêrô (ngày 8-11-2017), Giáo hoàng Phanxicô đã phải thống thiết kêu gọi rằng: “Các con hãy đặt điện thoại xuống và nâng tâm hồn mình lên”(21).
Tóm lại, dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, đời sống tâm linh - tôn giáo ở nước ta đang có sự biến đổi sâu sắc, xuất hiện loại hình sống đạo mới: sống đạo online. Mặc dù các tôn giáo đều cho rằng, việc sống đạo online, kể cả đi lễ chùa online, tham dự thánh lễ online hay cúng giỗ online không thể thay thế cho sống đạo trực tiếp, song các tôn giáo đều không phản đối, thậm chí còn khuyến khích lối sống đạo trực tuyến này để thu hút tín đồ thời CMCN 4.0. Trong xu thế phát triển chung, nhất là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo với những loại dịch vụ mới như rôbốt bán hàng, rôbốt dạy học, rôbốt phát thanh viên truyền hình, thì việc xuất hiện loại hình rôbốt giáo sĩ cũng chỉ còn là vấn đề thời gian, nhất là trong bối cảnh “ơn gọi” giáo sĩ hướng dẫn việc đạo đang thiếu trầm trọng như hiện nay.
4. Một số nhận xét và giải pháp kiến nghị
Sự biến đổi của đời sống tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới như đã nêu trên trước hết là do tác động của sự biến đổi về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của công cuộc đổi mới phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế ở nước ta diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc CMCN 4.0. Mặt khác, sự biến đổi ấy còn do chính sách đổi mới công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta ngày càng cởi mở, thông thoáng hơn. Đồng thời, nó là hệ quả của sự phục hồi và gia tăng nhu cầu đời sống tâm linh tôn giáo sau bao năm bị kìm nén bởi chiến tranh, nay bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa có điều kiện trỗi dậy, bung ra.
Sự biến đổi đời sống tôn giáo ở nước ta trong hơn 30 năm qua diễn ra vô cùng mạnh mẽ, sâu rộng về mọi mặt. Trước hết là sự trở lại niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng tín đồ, chức sắc đã làm thay đổi không gian phân bố và diện mạo, cấu trúc của hệ thống tôn giáo ở nước ta. Diện mạo, cấu trúc tôn giáo ở Việt Nam được tái cấu trúc theo xu hướng hệ thống tôn giáo ngày càng đa dạng hơn về loại hình, tính đa nguyên cũng thể hiện rõ nét hơn. Cùng với sự trở lại niềm tin, gia tăng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, sự chuyển đổi đức tin tôn giáo của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên cũng diễn ra rất sôi động. Sự chuyển đổi đức tin tôn giáo đã làm thay đổi diện mạo đời sống tôn giáo ở nước ta, đưa tới sự hình thành các cộng đồng tôn giáo mới, xuất hiện các cộng đồng tôn giáo - tộc người mới diễn ra ở hầu hết các tộc người thiểu số, nhất là người Mông, người Dao và các tộc người ở Tây Nguyên. Sự xuất hiện các cộng đồng tôn giáo - tộc người, một mặt là thay đổi các giá trị truyền thống trong các cộng đồng này, mặt khác cũng làm nảy sinh mâu thuẫn, xung đột văn hóa, đức tin giữa các cộng đồng tôn giáo - tộc người với nhau. Bởi vì, trong hầu hết các trường hợp, chuyển đổi đức tin tôn giáo đồng nghĩa với việc từ bỏ, đoạn tuyệt với tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống để gia nhập các tôn giáo khác, nhất là đối với đạo Tin lành và Công giáo. Những mâu thuẫn đó rất dễ bị các thế lực xấu lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước như đã từng xảy ra ở Tây Nguyên, Tây Bắc.
Sự biến đổi lớn nhất, sâu sắc nhất trong đời sống tôn giáo ở nước ta thời gian qua là sự biến đổi về phương thức truyền giáo và lối sống đạo nhờ cuộc CMCN lần thứ 3, thứ 4 đem lại. Phương thức truyền đạo đã có sự thay đổi cả về nội dung, hình thức và phương tiện truyền giáo. Điều đó đòi hỏi có cách thức quản lý mới về hoạt động tôn giáo. Công nghệ thông tin và Internet trở thành phương tiện hữu hiệu nhất để các tôn giáo giới thiệu, phổ biến và quảng bá hình ảnh của mình đối với xã hội. Trong đời sống tôn giáo xuất hiện lối sống đạo mới: sống đạo online, diễn ra đối với mọi tôn giáo, tín ngưỡng làm thay đổi đời sống đức tin tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
Những thay đổi của đời sống tôn giáo nêu trên đòi hỏi cần có cách thức nhìn nhận, quan điểm mới cũng như chính sách, pháp luật nhằm phát huy được mặt tích cực, hạn chế tiêu cực của tôn giáo trong phát triển bền vững đất nước. Trước hết, cần phải quán triệt sâu sắc việc nhìn nhận tôn giáo là một nguồn lực cho sự phát triển của đất nước như Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10-1-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã chỉ rõ, Đảng và Nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo để phát huy, khai thác tốt nguồn lực tôn giáo, nhất là trên phương diện từ thiện - nhân đạo, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội cũng như trong lĩnh vực giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực xã hội, y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần phát triển bền vững đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và CMCN 4.0 hiện nay. Muốn vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo như đất đai, văn hóa, luật giáo dục, y tế,… bảo đảm đồng bộ với luật pháp về tôn giáo và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Về lâu dài, cần xây dựng luật pháp tôn giáo bảo đảm sự hài hòa tôn giáo, đồng thuận xã hội theo phương châm mọi tổ chức, cá nhân tôn giáo (cũng như xã hội) đều được làm những gì luật pháp không cấm, nhằm phát huy một cách tốt nhất nguồn lực tôn giáo cho phát triển bền vững đất nước.
Mặt khác, việc hoàn thiện luật pháp tôn giáo phải hướng tới xây dựng mô hình tôn giáo xã hội trong bối cảnh xã hội Việt Nam đa dạng về tôn giáo. Trước mắt, cần giải quyết vấn đề hiện tượng tôn giáo mới, theo hướng mọi tôn giáo đều được thừa nhận pháp nhân phi thương mại khi hội đủ các tiêu chí do Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định và khuyến khích các tôn giáo phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những tổ chức lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng hay các hiện tượng phản nhân văn, phi văn hóa.
____________________________
(1) Năm 1985 cả nước có 14 triệu tín đồ; Năm 1990, có 15 triệu tín đồ, 38 nghìn chức sắc. Năm 2001, 6 tôn giáo được công nhận, 18.367.059 tín đồ, chiếm 21% dân số; năm 2005, thống kê 8 tôn giáo có 21.040.474 tín đồ, chiếm 24% dân số, trên 80 nghìn chức sắc, nhà tu hành, 23.830 cơ sở thờ tự. Tính đến tháng 6-2017, thống kê 41 tổ chức tôn giáo thuộc 15 tôn giáo đã được công nhận, có trên 25,3 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số. Theo Vũ Chiến Thắng: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở nước ta hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 140, tháng 8-2018.
(2) Theo Ban Tôn giáo Chính phủ: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày 4-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành, ngày 31-8-2015.
(3)Tôn giáo bản địa, gồm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (đối với người Việt có 3 cấp độ: thờ cúng tổ tiên theo huyết thống trong gia đình, dòng họ; thờ thần Thành hoàng, thờ tổ nghề ở làng xã và thờ quốc tổ Hùng Vương ở quốc gia); thờ thành hoàng, thần bản, mường, ma nhà; thờ Mẫu; thờ anh hùng dân tộc, thờ bách thần, tín ngưỡng phồn thực; các loại hình tôn giáo sơ khai: Tôtem giáo, Bái Vật giáo, Hồn linh giáo, Sa man giáo, Ma thuật giáo. Các loại hình tín ngưỡng trên vẫn tồn tại và phát triển trong hầu hết các cộng đồng tộc người, dân cư, kể cả các tôn giáo (trừ đạo Tin lành).
(4)Tôn giáo nhập nội, rất đa dạng, phong phú, lâu đời, hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt ở Việt Nam. Các tôn giáo đến từ Ấn Độ có Phật giáo (từ đầu Công nguyên), 3 hệ phái: Bắc Tông, Nam Tông và Khất Sỹ; Bàlamôn giáo (từ đầu Công nguyên) chủ yếu trong người Chăm; Ấn Độ giáo. Từ Trung Quốc tới có Đạo giáo, Nho giáo, nhưng hai tôn giáo không tồn tại độc lập mà dung hợp vào các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa, hay tôn giáo nội sinh, như Cao Đài, đạo Mẫu (Đạo giáo). Từ phương Tây đến có Kitô giáo gồm Công giáo (từ thế kỷ XVI-XVII); đạo Tin lành (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX); đạo Mormon (Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô). Từ Trung Cận Đông đến có Hồi giáo (Islam giáo, từ thế kỷ XI-XV, chủ yếu trong người Chăm), gồm hai khối: Chăm Bàni (Hồi giáo cũ) ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Chăm Islam (Hồi giáo mới) ở An Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nội; đạo Baha’i giữa thế kỷ XX.
(5)Tôn giáo nội sinh, ra đời ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, rất phong phú, đa dạng: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật Hội, Giáo hội Phật đường Tam tông Minh sư đạo, Minh lý đạo Tam tông miếu, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Tổ tiên Chính giáo.
(6) Hiện tượng tôn giáo mới (Đạo lạ), hiện có trên 70 loại khác nhau, đa số phát sinh từ trong nước như Long Hoa Di Lặc, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Đoàn 18 Vua Hùng, Vàng Chứ, Thìn Hùng, Chân Không (đạo Thày Ty), Dương Văn Mình, Canh tân Đặc sủng, Hà Mòn, Amí Sara, Pơ Khắp Brâu; các loại du nhập từ nước ngoài: Thanh Hải Vô Thượng Sư, Tam Tổ Thánh hiền (từ Đài Loan), Ôtômô giáo, Sôka Gakhai, Nhất Quán đạo (đạo Trứng), (từ Nhật Bản), Vô Vi Pháp (từ Pháp), Pháp Luân công, Phật Mẫu Địa Cầu, Sề Chu Hà Ly Cha, San Sư Khổ Tọ, đạo Chữ Thập (từ Trung Quốc), Ômsai Baha’i, Osho (từ Ấn Độ).
(7) Nguyễn Phú Lợi: Sự biến đổi đời sống tôn giáo ở Việt Nam trước tác động của kinh tế thị trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trong Kỷ yếu hội thảo khoa học: Văn hóa tôn giáo và sự phát triển bền vững ở Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015, tr.44-45.
(8) Ban Tôn giáo Chính phủ: Báo cáo đánh giá tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương, ngày 20-9-2017.
(9) Tính đa dạng tôn giáo (Religious diversity) thể hiện ở sự cùng tồn tại nhiều loại hình tôn giáo khác nhau ở nước ta, phản ánh xu hướng phát triển khách quan của đời sống tôn giáo, còn tính đa nguyên tôn giáo (Religious pluralism) lại nói lên sự thừa nhận giá trị ngang nhau của các tôn giáo về mặt pháp lý, bất luận đó là tôn giáo lớn có nhiều tín đồ hay tôn giáo nhóm nhỏ có ít tín đồ đều là một thực thể như nhau trước pháp luật. Theo đó, luật pháp của nhà nước nêu lên những tiêu chí quy định nếu tôn giáo nào hội đủ các tiêu chí ấy sẽ được nhà nước công nhận. Khi đã được nhà nước công nhận, tất cả các tôn giáo đều bình đẳng như nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật.
(10) Giáo hội Công giáo Việt Nam: Niên giám 2004, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr.511. Đến năm 2015, vùng miền núi phía Bắc có khoảng 60 nghìn tín đồ là người dân tộc thiểu số.
(11) Ban Tôn giáo Chính phủ: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày 4-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành, số 82/BC-TGCP, ngày 31-8-2015.
(12) Những người theo đạo Dương Văn Mình không thờ cúng tổ tiên, không thờ ma nhà, ma cửa, song họ lại sử dụng 4 biểu tượng là con én, con cóc, con ve và chiếc cung (tượng trưng bằng cây thánh giá) trong tang ma. Ngoài ra, họ còn dùng biểu tượng hình mặt trời in trên nền vải trắng và vẫn sử dụng khèn, trống trong múa hát. Đó là điều trái với đạo Tin lành không thờ ảnh tượng. Các hệ phái Tin lành không thừa nhân đạo Dương Văn Mình. Năm 2017, có 7.700 người Mông ở 101 thôn, bản trên địa bàn 50 xã thuộc 17 huyện của 5 tỉnh: Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lào Cai theo đạo Dương Văn Mình.
(13) Tỉnh Thái Nguyên, năm 2003 có 750 Phật tử là người dân tộc thiểu số, đã tăng lên 3.283 vào năm 2013. Tỉnh ủy Thái Nguyên: Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, số 350-BC/TU ngày 31-3-2015.
(14) Trong 2 năm 2015-2016, có khoảng 400 người Mông theo Công giáo ở Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên (Yên Bái) chuyển sang theo đạo Tin lành. Ngược lại, ở Sapa (Lào Cai) lại có hiện tượng một số người Mông theo đạo Tin lành chuyển sang theo Công giáo.
(15) Theo số liệu thống kê năm 2016 ở 3 giáo phận: Kon Tum, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt có 1.141.175 tín đồ Công giáo, trong đó có 448.793 giáo dân là người dân tộc thiểu số, chiếm 39,32% dân số theo đạo Công giáo trong vùng.
(16) Đến tháng 3-2015, Tây Nguyên và Bình Phước có 429.607 tín đồ Tin lành là người dân tộc thiểu số, tăng gấp 7 lần so với năm 1975. Ban Tôn giáo Chính phủ, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 4-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành, ngày 31-8-2015.
(17) Canh tân Đặc sủng, Hà Mòn có nguồn gốc từ Công giáo, còn Amí Sara, Pơ Khắp Brâu từ Tin lành.
(18) Nguyễn Phú Lợi: Nhận diện hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, số 6 (7) 2015, tr.12-25.
(19) Ví như người Mông hiện nay hình thành 4 nhóm theo tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau: nhóm theo tín ngưỡng truyền thống (trên 70%); nhóm theo đạo Tin lành (24%); nhóm theo Công giáo (trên dưới 10.000 người) và nhóm theo đạo Dương Văn Mình (hơn 7.700 người) và các hiện tượng tôn giáo mới khác. Điều này cũng diễn ra tương tự với các tộc người khác ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, kể cả người Khmer ở Tây Nam Bộ hiện nay cũng đã bị chia thành ba nhóm: nhóm theo Phật giáo Nam tông; nhóm Khmer theo Công giáo và nhóm Khmer theo Tin lành; còn người Chăm, ngoài ba nhóm Chăm truyền thống, như Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni, Chăm Islam, cũng đã xuất hiện nhóm Chăm Công giáo, Chăm Tin lành.
(20) Thuật ngữ cách mạng công nghiệp 4.0 lần đầu tiên được Chính phủ Đức nêu lên vào năm 2013 để chỉ về cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như các hệ thống không gian mạng thực - ảo (cyber-physical system), Internet vạn vật (The Internet of things-IOT), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI), thực tế ảo (Virtual Reality-VR), tương tác thực tại ảo (Virtual Reality interaction-AR), mạng xã hội (Social Network-SN), điện toán đám mây (Cloud Computing-CC), điện thoại di động, điện thoại thông minh (smartphone), phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
(21) Bạch Linh: Đức Phanxicô: Hãy nâng tâm hồn lên, đừng giơ cao điện thoại, Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 3132.
Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn