logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa Việt Nam
  • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
Saturday, 13 October 2012 11:44

Nguyễn Thanh Lợi. Tục thờ cô hồn biển ở Nam Trung bộ

Người post bài:  Nguyễn Thị Tuyết Ngân

TỤC THỜ CÔ HỒN BIỂN Ở NAM TRUNG BỘ

Nguyễn Thanh Lợi
Trường CĐSP TW TP.HCM

 

Âm hồn hay còn gọi là âm linh là những khái niệm dùng để chỉ linh hồn những chết nói chung có nguồn gốc từ thuyết vạn vật hữu linh (anismism, thuyết duy hồn, thuyết vật linh). Trong tâm thức dân gian, âm hồn và linh hồn đôi khi chỉ được hiểu là linh hồn của những người chết bất đắc kỳ tử, của những người chết không nơi thờ tự, chết vì tự tử, tai nạn, thú dữ, chết yểu…Theo cách hiểu này, thì âm hồn hay âm linh gần nghĩa với vong hồn cô độc (cô hồn), sống lang thang vất vưởng, không nơi nhang khói nên thường gieo rắc tai họa. Đó là đối tượng mà thế nhân phải tìm cách giải trừ. Cộng đồng cư dân ven biển Nam Trung Bộ gọi một cách kính trọng là Cô Bác.

 

1. Đặt vấn đề

Thờ cô hồn biển vốn là một tín ngưỡng truyền thống của cư dân Việt ven biển Đông, nhưng ở Nam Trung Bộ có những sắc thái riêng thông qua tín lý, đối tượng thờ tự, thực hành nghi lễ. Tập tục này liên quan đến các tín niệm dân gian và có cả những yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo chi phối. Hình thức biểu hiện của nó cũng khá phong phú: miếu âm linh, lăng thờ, nghĩa trủng, lễ tế âm linh, lễ phóng sinh, phóng đăng, tục tống ôn, hát bả trạo / chèo âm linh…

2. Tục thờ cô hồn biển ở Nam Trung Bộ

2.1                     Tín lý

Âm hồn hay còn gọi là âm linh là những khái niệm dùng để chỉ linh hồn những chết nói chung có nguồn gốc từ thuyết vạn vật hữu linh (anismism, thuyết duy hồn, thuyết vật linh). Trong tâm thức dân gian, âm hồn và linh hồn đôi khi chỉ được hiểu là linh hồn của những người chết bất đắc kỳ tử, của những người chết không nơi thờ tự, chết vì tự tử, tai nạn, thú dữ, chết yểu…Theo cách hiểu này, thì âm hồn hay âm linh gần nghĩa với vong hồn cô độc (cô hồn), sống lang thang vất vưởng, không nơi nhang khói nên thường gieo rắc tai họa. Đó là đối tượng mà thế nhân phải tìm cách giải trừ. Cộng đồng cư dân ven biển Nam Trung Bộ gọi một cách kính trọng là Cô Bác.[1]

Đối với quỷ thần, Nho giáo chủ trương “kính nhi viễn chi”, xuất phát từ quan điểm hướng sự quan tâm chính yếu của họ vào các vấn đề nhân sinh. Thái độ ứng xử với các vong hồn cô độc, không người tế tự là biểu hiện của lòng nhân nghĩa thông qua lễ cúng âm linh.

Đạo giáo nỗ lực thoát khỏi định mệnh của cái chết bằng việc mưu cầu sự bất tử và những chuyến du hành tiêu dao cõi tiên ngoài thế gian là những cơ may có một không hai. Các hình thức nghi lễ nhằm chức năng giải trừ tà ma.

Theo thuyết luân hồi của nhà Phật, vong hồn, tùy theo tội phước đã có lúc sinh tiền, hoặc được “trực vãng Tây phương”/”tiêu diêu cực lạc” hoặc chưa thoát khỏi sinh tử thì chu chuyển trong vòng tứ sanh-lục đạo[2], tức tái sinh qua bốn hình thức (thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh), làm thiên, a tu la / phi thiên, làm người, làm súc vật hay phải vào địa ngục.

Các vong hồn nói chung, chỉ được siêu thăng đến cõi Tây phương cực lạc hay đầu thai kiếp khác thì hồn người chết phải đến Phong Đô (âm ty, âm phủ), do Phong Đô đại đế chưởng quản. Ở đây có Thập điện Diêm vương thống quản với nhiệm vụ thưởng công phạt tội các vong hồn. Các vong hồn sau khi bị xử phạt ở các điện được giải về điện thứ mười do Chuyển Luân vương chưởng quản, ở tại đáy biển Đông, rồi sang sở chuyển kiếp để định tội phúc mà cho đầu thai lên các phương thế gian theo lục đạo.[3]

     2.2 Đối tượng thờ tự

Những vong hồn được suy tôn là là âm linh / Cô Bác ở Nam Trung Bộ gồm:

     Vong linh của mười loại người chết vì mười nguyên do khác nhau. Căn nguyên của họ được thể hiện rõ trong các bản văn tế cô hồn của các làng biển. Họ là những người chết vì bệnh dịch, đau ốm, chiến tranh, bão lũ[4]…Nói chung là những người khi sống than phận không may mắn, đến lúc chết đi vong linh phiêu dạt, mồ mả không ai chăm sóc.

Vong linh của dân sở tại cũng do chết bất đắc kỳ tử nhưng có nguồn gốc danh xưng rõ ràng. Nhưng do chết ở nơi khác, mồ mả bị thất lạc nên các đối tượng này cũng được quy về dạng âm linh / Cô Bác, dù tên tuổi của họ được ghi vào phổ hệ (gia phả) của làng, đặt thờ trong lăng âm linh.

Ngư dân các đời của các tộc họ đã bỏ mình trên biển trong cuộc mưu sinh từ xưa. Đối tượng được tôn là tiền bối nghề biển của làng vạn. Họ vừa được thờ cúng ở làng vừa được thờ ở gia tộc (thờ vọng), chủ yếu là ở làng, mang đậm sắc thái thờ cúng tổ tiên.

Những người khuất mặt hay còn gọi là “Khách” (tiền chủ) vốn là những dân tộc cư trú ở dãy đất miền Trung trước khi người Việt đến đây. Trong các lễ thức của các cộng đồng cư dân biển nơi đây bao giờ cũng có phần dành cho những người khuất mặt như trong lễ cúng vong ở gia đình và cộng đồng, lễ tống ôn ở các làng xã.

Chiến sĩ trận vong là những chiến sĩ tử trận không phân biệt địch ta, thể hiện đạo lý nhân nghĩa của dân tộc. Việc thờ cúng này diễn ra dưới hình thức thờ độc lập hoặc phối tự ở lăng âm linh.[5]

2.3                     Cơ sở thờ tự

Các làng quê ven biển Nam Trung Bộ đều có các dinh, miếu, sở với tên gọi âm linh tự (nơi thờ âm linh), nghĩa tự (nơi thờ việc nghĩa) hay miếu (miễu / miểu), âm hồn, miếu cô hồn, miếu thờ Cô Bác hay dinh âm hồn, dinh cô hồn, dinh thờ Cô Bác hoặc chùa âm hồn với mật độ hết sức dày đặc.

Ngày xưa, ở đầu hoặc cuối mỗi làng có một khu đất rộng để làm bãi tha ma, chôn cất dân làng. Nơi ấy có lập một am năm ba gian hoặc xây lộ thiên đề chữ “Hàn lâm sở” thờ chung cả những mồ mả vô chủ, gọi là am chúng sinh.[6]

Lăng âm linh / sở Cô Bác là nơi quy tập vong linh vô thừa nhận. Các lăng này tương đối giống nhau về vị trí, quy mô, phương hướng. Đa số các lăng âm linh đều được xây dựng gần và cùng hướng với lăng thờ cá Ông.

Trong các ngôi lăng, ở chính điện thờ Tiêu Diện Đại Sĩ (hoặc Chúa Chưởng), thần chỉ huy cô hồn, âm hồn. Tả ban thờ A Sát Đế Mẫu. Hữu ban thờ Diệm Khẩu Quỷ Vương. Tiêu Diện được thờ vọng trong khám riêng hoặc được biểu trưng bằng một giá kỉnh, trên đó ghi hai chữ “Đại Sĩ”như các lăng Thanh Khê, Bắc Ninh, An Hải (TP. Đà Nẵng); lăng Phước Trạch (TP. Hội An) có cả tượng Tiêu Diện; lăng Tĩnh Thủy (Tam Thanh, TP. Tam Kỳ) có tượng “Sĩ Vương”.

Xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), các miếu thờ âm linh, cô hồn đều có tượng ông Tiêu Diện. Đình Mỹ Lại xưa có miếu thờ âm linh. Xóm An Thới thuộc làng Mỹ Khê Tây xưa có ngôi miếu thờ quỷ vương Tiêu Diện, sau bị đổ nát trong chiến tranh, nay đã được dân sở tại xây dựng lại.[7]

Ở Quảng Ngãi, miếu nghĩa từ là một miếu thờ lộ thiên, diện tích khoảng 40m2, bao gồm các ban thờ. Ban thờ ở trung tâm miếu là ban thờ Hội đồng, có 3 đàn để lễ vật. Hai bên tả hữu gồm 4 ban thờ: bên hữu gồm các ban Tây phối, Tiền vãng viên liệt vị; bên tả gồm các ban Đông phối, Tiền vãng quan viên liệt vị. Mặt trước có 2 ban thờ nhỏ, cạnh vòm cửa tam quan là Hữu ngoại đàn liệt vị và Tả ngoại đàn liệt vị. Nhiều nơi, còn có ban thờ Thành hoàng và Tiền hiền, Hậu hiền.

Để tiện việc cúng tế, một số nghĩa từ được làm mái che bên trên như nghĩa tự ở Thạch Bi (Sa Huỳnh), Âm linh tự ở làng An Vĩnh (đảo Lý Sơn). Âm linh tự ở làng An Hải cũng trên đảo Lý Sơn lại không có mái che.

Thông thường làng chỉ quản lý và lo việc tế lễ đình làng, còn dinh, miếu, nghĩa tự, nghĩa trủng thì do xóm hay lân quản lý và tế lễ.[8]

Các miếu nghĩa từ Thanh Khiết (xã Nghĩa Hà), Thạch Sơn (xã Nghĩa Phú) đều thuộc huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, gần cửa Cổ Lũy thờ cả những người chết trên nguồn sông Trà Khúc, sông Vệ xuôi trôi về cửa biển.[9]

Đến ngày Thanh minh, các cơ sở thờ tự của xóm như dinh, miếu, chùa trở thành nơi dùng để cúng âm hồn. Riêng xã Đức Lợi (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) có chùa Âm Hồn để cúng tế các vong hồn bạn chài gặp nạn trên biển. Ngày xưa các làng quê ở huyện Mộ Đức có “ruộng nghĩa trủng”dành hoa lợi thu hoạch để cúng cho miếu âm hồn.[10]

Ở Quảng Ngãi, thiết chế tín ngưỡng nằm trong khu vực lăng Ông Nam Hải còn có miếu âm hồn, miếu Ngũ Hành / Thủy Long, miếu Thổ thần. Trong lăng ông Cổ Lũy Nam (xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa) hiện có các ban thờ: Cửu Huyền Thất tổ, Nam Hải Đại tướng quân, Thành hoàng bổn xứ, Tiền hiền, Hậu hiền, Âm hồn…. Lăng này mời cả thầy chùa làm lễ cầu siêu cho các oan hồn trên biển trong lễ túc yết. Hoặc ngay như dinh thờ Thiên Y Ana Yên Phú (huyện Tư Nghĩa) cũng có ban thờ Âm hồn.[11]

Một vài nơi lập miếu thờ Chiến sĩ trận vong[12] bên cạnh lăng âm linh như làng Mân Thái, làng Thanh Khê (TP.Đà Nẵng), số còn lại phối thờ Chiến sĩ trận vong trong lăng âm linh như làng Tĩnh Thủy (TP. Tam Kỳ), làng Nam Thọ, làng Nam Ô (TP. Đà Nẵng). Các miếu này đều có bàn thờ Quan Thánh (Quan Vân Trường, Quan Công).

Theo quan niệm của cư dân ven biển Quảng Nam Đà Nẵng, lăng âm linh là nhà thờ chung của làng, của các tộc họ, nên còn được gọi là “đình thờ”. Làng Thanh Khê gọi kiến trúc này là “lăng Tập linh” với ý nghĩa là nơi quy tập linh hồn tổ tiên của các tộc họ trong làng đã bỏ mình trên biển cả. Hay nó còn được gọi là nhà thờ truyền thống nghề cá làng Thanh Khê để thờ các tổ tiên / tổ sư nghề biển của làng.

Các lăng âm linh đều do làng vạn thiết lập, nhưng cũng có nơi do một cá nhân lập để tạ ơn “cứu tử” của Cô Bác ngoài biển như lăng âm linh của làng Xuân Thiều (TP. Đà Nẵng).

Ở Khánh Hòa, mỗi làng đều có một miếu âm cô, miếu âm hồn hay miếu cô hồn. Miếu thường cất trên một gò thổ mộ công hoặc trong khuôn viên sân đình, để tiện việc cúng tế. Chính giữa phía sau một bàn thờ, hai bên tả hữu là hai bàn thờ hội đồng. Bàn thờ hội đồng ngoại, dành cho các Cô Bác, cô hồn, âm hồn, chiến sĩ trận vong.[13]

Nghĩa trang Thanh Minh ở làng Võ Cạnh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa, nay không còn sử dụng.

Gắn liền với lăng âm linh là các nghĩa trủng, thường lập ở phía tây, đối với nơi thờ phụng ở phía đông như nghĩa trủng các làng Mân Quang, Phú Lộc, Nại Hiên, Nam Ô, Tân Lưu (TP. Đà Nẵng), Điện Dương, Phước Trạch, Tam Hải, Tĩnh Thủy, cù lao Chàm (Quảng Nam). Phần nhiều nghĩa trủng chỉ có mộ phần, nhưng cũng có nghĩa trủng có thêm miếu thờ, tường bao, bình phong, câu đối như nghĩa trủng Tĩnh Thủy.[14]

Hầu hết các làng quê từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều xây dựng bộ ba cơ sở tín ngưỡng, đó là đình, chùa và miếu âm hồn. Miếu âm hồn có nơi còn gọi là miếu âm linh, bàn âm hồn hoặc cô đàn…thường được xây dựng ở nghĩa địa hoặc gần nghĩa địa của làng. Một số làng xây dựng miếu âm linh ngay nơi có nhiều người hy sinh hoặc bị chết trong những cuộc chiến tranh.

Miếu âm linh thường có quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản, theo kiểu đình làng thu gọn, thường từ một đến ba gian. Song cũng nhiều nơi miếu thờ chỉ là một bệ thờ xây lộ thiên giữa bãi đất rộng không có mái che, không tường vách bao quanh (trừ nơi đặt bài vị). Khi làm giỗ mới dựng them nhà tạm bằng tranh tre để làm chỗ hành lễ.

Trong miếu âm linh, ngoài đền thờ, bát hương, có thể có bài vị thờ chung những người đã mất. Đền âm linh ở Thuận An (Huế) có 3 bài vị: 1 bài vị thờ các võ quan cao cấp, 1 bài vị thờ binh lính, 1 bài vị thờ các nam phụ lão ấu. Miếu âm linh không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là nơi để quàn tạm quan tài những người chết ở địa phương khác được đưa về chôn ở làng mà theo tục lệ, không được đưa vào khu ở của dân cư.

Những người không có thân nhân, họ hàng được chôn chung trong nghĩa địa của làng. Song cũng có nơi dành những khu đất riêng để chôn cất người vô thừa nhận, gọi là nghĩa trủng. Đối với những người chết trận trong cùng một ngày người ta cũng quy tập mồ mả về một chỗ, gọi là mả làng.[15]

Ở thành phố Hồ Chí Minh có 10 ngôi miếu cô hồn, được chia thành 3 nhóm. Những ngôi miếu thờ nghĩa quân hy sinh vì nước mang dáng dấp một ngôi miếu âm binh theo quan niệm Nho giáo (miếu Hòa Tây, đền Sơn Cang). Miếu thờ cô hồn, nạn nhân chiến tranh, liệt sĩ nhưng nội dung ít nhiều ảnh hưởng Phật giáo (miếu Thập Tứ Cô Hồn; miếu Cô Hồn Cầu Ông Lãnh; Cô Hồn Tự; miếu Chiến Sĩ; miếu Dân Công Cây Cám, huyện Bình Chánh; miếu Cô Hồn phường 13, quận Bình Thạnh; miếu Cô Hồn, phường 3, quận Gò Vấp). Miếu thờ liệt sĩ (phường 11, quận Tân Bình).[16]

2.4                     Nghi lễ và phong tục

Ở Quảng Nam Đà Nẵng, tục cúng âm hồn, cô hồn gồm các bước.

Lễ tế âm linh còn gọi là lễ tế cô hồn / Cô Bác là nghi thức tế lễ thường xuyên, không kể vào những dịp sóc vọng, tết Nguyên đán. Nhìn chung, thường diễn ra vào khoảng thời gian có các lễ tiết liên quan đến Phật giáo như rằm tháng giêng (lăng Nam Ô), tháng 3 (Mân Thái, Điện Dương, Phước Trạch, Duy Hải, Tam Hải, Bình Minh), tháng 4 (Tĩnh Thủy 16/4, Nam Thọ 20/4) và rằm tháng 7 (Nại Hiên, Mân Quang, An Hải, Xuân Hàf, Cẩm Thanh, cù lao Chàm). Ngoài ngày tế chính, tất cả các lăng đều tổ chức cúng tế trong ngày quẻ cơm hay còn gọi là ngày giẫy mả / chạp mả âm linh / Cô Bác theo ngày lệ riêng của làng mình.

Lễ tế âm linh giống nhau về diễn trình và lễ thức. Không gian nghi lễ diễn ra cả trong và ngoài lăng âm linh. Thường diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu là lễ túc yết hoặc lễ chưng thường. Hôm sau là lễ chánh tế. Lễ chánh tế cử hành khoảng từ 1-5 giờ sáng, giống lễ tế đình. Chỉ khác nhau ở lời xướng, thay vì xướng nghinh tôn thần cúc cung bái thì xướng nghinh âm linh cúc cung bái. Hát bội, chèo cô hồn (hát bả trạo), đua ghe được tổ chức sau lễ túc yết. Sau đó tiến hành lễ tống ôn.

Lễ túc yết còn gọi là tế ngoại đàn, nhằm thỉnh mời / gọi hồn người chết, tiến hành tại sân lăng. Có 2 bàn cúng. Bàn thứ nhất cúng thần Thành hoàng và Thổ Địa, lễ vật gồm bông, trái cây, vàng mã và một bộ đồ Thần bằng giấy đỏ. Bàn thứ hai để tế cáo âm linh với nhiều thức chay, cúng mặn, đồ mã. Đồ chay là các vật phẩm lục cúng: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Thức cúng mặn có bánh trái, cơm canh, xôi thịt, cháo thánh, bỏng nổ, khoai sắn. Đồ mã gồm vàng, áo, nhiều hình thế (bằng giấy) đàn ông, đàn bà, trẻ em.

Lễ chánh tế tiến hành trong lăng, vật phẩm cúng giống như tế ngoại đàn. Bàn thờ hậu tẩm có một con heo quay. Đôi khi có lăng cúng một con bê sống, bôi huyết toàn thân (Mân Quang, Đà Nẵng).

Lễ quẻ cơm Cô Bác ở làng Thanh Khê (Đà Nẵng) gồm các lễ thức và tục lễ sau.

Lễ nghinh Thủy lục tiến hành vào rạng sáng ngày 23/3, nghinh đón các bậc thủy thần và linh hồn Cô Bác về lăng, thay cho lễ giẫy mả.

Lễ khai kinh thỉnh Phật cầu siêu do các nhà sư, ban tế tự và đại diện các đạo hữu thực hiện.

Lễ cúng ngọ thực chất cũng là lễ cúng và tụng niệm cho Cô Bác ở ngoài lăng và trong lăng. Đáng chú ý là cùng với thức cúng là 12 bài vị, trong đó bài vị lớn nhất của Tiêu Diện, còn lại là của thập loại cô hồn / Cô Bác.

Lễ thí thực, các lễ vật như bánh trái, hoa quả, khoai sắn, được đem thí một nửa, còn một nửa cho trẻ con trong làng, những cô hồn sống theo phong tục của làng.

Lễ hoàn kinh kết thúc việc khai kinh cầu siêu cho Cô Bác.

Lễ phóng sinh, phóng đăng tiến hành vào buổi tối cùng ngày tại bến. Chim phóng sinh là chim sẻ và 28 cây nến thắp trong những hình hoa sen làm bằng giấy màu vàng.

Lễ túc yết để cáo với thần và âm linh, Cô Bác, cô hồn, chiến sĩ.

Lễ chánh tế tiến hành vào rạng sáng ngày 24/3, nghi thức như lễ chánh tế ở đình, lăng.

Lễ giẫy mã âm linh là lễ tục thống nhất ở các làng có nghĩa trủng. Thường được tiến hành vào sáng sớm, trước một ngày của lễ túc yết. Phần đông do trai tráng của làng đảm nhiệm, dưới sự hướng dẫn của ông chánh tế và một số kỳ lão. Công việc gồm giẫy cỏ, vun mộ, thắp hương. Buổi chiều là lễ nghinh thỉnh, rước nồi hương (biểu tượng là một cây hương) ở các nơi thờ tự khác của làng về lăng âm linh.

Lễ quẻ cơm Cô Bác còn gọi là “giỗ hội” hay “hiệp kỵ”, dành cho các âm hồn thuộc các tộc họ đã bỏ mình trên biển, có tên tuổi được lưu giữ thờ phụng trong lăng âm linh. Ngày lễ chính là ngày lễ thường niên của cả làng để kỷ niệm người mất, nên có một số khác biệt so với lễ cúng âm linh nói chung.[17]

Tục tống ôn[18] là một nghi lễ / phong tục nằm trong diễn trình lễ tế âm linh của hầu hết cư dân ven biển Nam Trung Bộ. Lễ này còn gọi là lễ tống ôn đưa khách vì bên cạnh việc tống ôn, làng vạn còn tiễn đưa vong hồn Cô Bác, những người khuất mặt. Mục đích của lễ này là tống tiễn xua đuổi ôn hoàng dịch lệ, mong Cô Bác, những người khuất mặt và các thần linh phò hộ độ trì cho cuộc sống bình an.

Địa điểm tiến hành lễ tống ôn tại lăng âm linh. Một vài nơi tiến hành ở đình làng (Mân Quang, Mân Thái, Đà Nẵng), lăng Bà (Nam Thọ-Đà Nẵng; Hà My-Điện Dương, Điện Bàn; Hói Láng-Hội An). Thực hành lễ tiết là ban khánh tiết do ông chủ làng đứng đầu cùng đại diện các chư tôn tộc phái trong làng. Các làng Nam Ô, Nại Hiên (Đà Nẵng) còn mời thêm thầy chùa tham gia nghi lễ. Thời gian tiến hành vào buổi sáng, trước lễ chánh tế âm linh, nhưng sự chuẩn bị các công đoạn và phương tiện, nghi trượng hành lễ thì từ nhiều ngày trước.[19]

Nghi trượng quan trọng nhất trong lễ tục này là long chu với bộ sườn bằng tre, ngoài phết giấy vẽ phẩm xanh đỏ, giữa mình là thuyền, đầu đuôi hình rồng có đủ sừng, râu, kỳ, vẩy…Trước lễ chính, 7 thầy phù thủy thuộc loại cao tay ấn do thầy Cả dẫn đầu cùng các học trò lễ đi làm phép “trấn đạo lộ” (trấn yểm). Họ mang theo những mảnh bùa vẽ sẵn dán trên mảnh gỗ, tre, vừa đi vừa giật khăn ấn bắt quyết phún hỏa đựng bùa vào ngã ba, ngã tư đường làng hoặc nơi nghi ngờ có quỷ, ôn tụ tập.

Đầu tiên là lễ cáo thần (lễ túc yết) vào giờ Tý (11-2 giờ đêm), lễ vật đơn sơ, hương đăng trà quả. Đến giờ Mão (5-7 giờ sáng) làm lễ tế thần, có cúng mặn, heo gà. Giờ Thìn (7-9 giờ sáng). Thầy Cả mặc áo Thái Thượng Lão Quân in hình bát quái, thắt lưng đỏ, vai vắt khăn ấn đỏ hoặc vàng, chân đi hia, đầu đội mũ tỳ lư, tay cầm cái vãng cắm hương hoặc cái kỵ lịnh (chuông lắc), tay bắt quyết. Thầy Cả đọc những bài chú đầy bí ẩn vừa đọc văn triệu 32 tường chỉ huy, văn triệu âm binh, văn phát lương, văn phát ngoại binh.

Sau cùng long chu được rước qua đường phố, thả xuống sông cho trôi ra biển, trên thuyền có những chén dầu phụng làm đèn cháy sáng.

Lễ Long chu được tiến hành 2 ngày 2 đêm. Các vùng Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn quanh vùng cửa Đại đều có làm long chu. Lễ hội này có sự tích hợp và hòa đồng giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian.[20]

Vào khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm ở các xóm làng ven biển Mỹ Khê Tây có lệ tổ chức tống ôn. Địa điểm hành lễ là các nghĩa từ của xã. Trên hương án có ghi bài vị các thần. Lễ vật là thịt gà, xôi. Pháp sư được thỉnh đến để cúng vái, ấn chú, đưa các hung thần (ghi tên trên các bài vị và đồ cúng) xuống bè thả trôi sông ra khỏi địa phận của làng.[21]

Lễ tống ôn dịch trên đảo Lý Sơn lại đậm chất dân gian của người Việt hơn. Lễ tế diễn ra ở đình làng do ông hương cả đứng tế. Lễ vật gồm một con gà nấu chín, còn có trầu cau, rượu, gạo, muối. Một chiếc ghe lớn làm bằng thân cây chuối, trên ghe để các lễ vật gồm hai ống gạo, hai ống nước, bánh khô, hoa quả và những hình nhân. Làm lễ xong, ông cả dẫn đầu đoàn người đi tống ôn, tiếp theo sau là bốn người khiêng chiếc tàu, theo sau nữa là các chức sắc trong làng, sau cùng là đoàn người cầm cờ ngũ hành, trống chiêng đi khắp làng để mời các “ôn thần” dịch bệnh ra khỏi làng. Sau đó đem ghe cúng lễ vật mang thả ra biển.[22]

Bình Định lại gọi lễ tống ôn là lễ tống na. Đầu tiên là làm lễ tế thần Thành hoàng ở đình, đền, rồi sau cả làng rước cờ quạt, hương án đến bến sông để cúng thủy thần. Tại đây đã kết sẵn một chiếc thuyền có người giả bện bằng rơm phết giấy, cầm chèo giả, trên thuyền đặt tượng trưng nhiều đồ tế lễ. Sau lễ tế chiếc thuyền được thả xuống sông theo dòng nước trôi đi, các làng dưới có thể bắt gặp nhưng không ai dám quấy phá vì sợ ma quỷ làm hại.

Ở thôn Trung Lý, lễ tế Thành hoàng tiến hành ở đền Trung Lý. Sau đó dân làng rước hương án và đồ cúng tế tới bến Cảnh để tế Hà Bá. Các bài dân ca nghi lễ được xướng lên, nổi bật là hát Bạt Đồng (Mục Đồng) để tỏ long thường xót các cô hồn, cho cô hồn ăn uống trong ngày lễ, gọi là thế thẩm cô hồn. Dân làng làm một chiếc long đình, trên đặt đồ cúng, khiêng tới các nấm mồ vô chủ bái lạy. Làng làm sẵn 4 vị tường giả bù nhìn, đặt 4 hướng đông tây nam bắc. Đó là 4 vị thần hộ mệnh cho làng, có nhiệm vụ trấn an, trừ tà, bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi nhà.[23]

Tại Quảng Ngãi, vào dịp tết Nguyên tiêu và nhất là vào tiết Thanh minh, các làng xóm chăm lo việc tế tự ở các nghĩa trủng, nghĩa từ. Hiện nay, do không có mộ bia nên các nghĩa trủng dần dần bị bỏ quên. Còn các nghĩa từ thì hầu như còn tồn tại, nhất là ở các làng xóm ven biển.

Lịch tế nghĩa từ bao gồm các bước:

Lễ giẫy mả: các thành viên trong cộng đồng, dù là dân chính cư hay ngụ cư đều phải có nghĩa vụ chăm lo giẫy mả ở các nghĩa trủng, kể cả mộ bỏ hoang. Việc này tiến hành vào trước ngày cúng ở nghĩa từ một ngày.

Lễ tế và lễ vật hiến tế: ngoài việc cúng tế vào các ngày sóc vọng, vật phẩm bằng cháo bỏ trong lá đa (cháo lá đa), có khi làm chay vào rằm tháng bảy hay chạy đèn theo kiểu đạo pháp mong cho các linh hồn đập phá được các cửa ngục, thoát khỏi chốn giam cầm ở âm ty. Vào tiết Thanh minh, dân chúng trong xóm tổ chức hai lễ chính.

Lễ yết (túc yết) cúng vào sẫm tối sau khi giẫy mả xong và lễ chánh tế tiến hành vào sáng sớm ngày hôm sau. Trong lễ này chỉ cúng hương, hoa, trà, quả nhằm báo cho quỷ thần, các âm hồn, cô hồn là lễ giẫy mả đã hoàn tất và biết để về tham dự ngày lễ khao tế của dân chúng.

Lễ vật trong chánh tế đối với các lệ đàn và những nơi thờ âm linh có quy mô lớn thường là tam sinh (tam sênh) (trâu / bò, dê, heo), rượu, vàng mã, do nhà nước tài trợ, được chế định cụ thể cho từng năm, còn ở các địa phương thì tùy theo điều kiện. Lễ vật cúng tế cũng hết sức đa dạng, tùy theo sản vật của mỗi gia đình và tùy theo hoàn cảnh: khoai, củ sắn, củ từ, bắp luộc, cháo trắng, bánh ít lá gai, bánh lá dong, nộm bằng cá, mực…

Có thể bày biện lễ vật trên bát dĩa hay trên lá đa, lá chuối, lá dong cũng được. Cách hiến tế này mang tính dân dã, gần gũi với các vong hồn. Và sau khi cúng, mọi người đều được thừa hưởng tất cả các lễ vật dâng cúng, thể hiện tính dân chủ, bình đẳng qua một lễ thức dân gian.

Thành phần tham gia tế lễ: khác với ban tế đình làng, lăng, dinh, miếu thờ thành hoàng, thờ các vị thần khác, phải do ông hương cả hay ông chủ xóm và chỉ có dân chính cư mới được tham gia thực hiện nghi lễ. Trong lễ tế nghĩa từ, miếu âm hồn, dân chính cư và dân ngụ cư đều tham gia thực hiện nghi lễ.

Trong việc thực hiện tế lễ, cả lễ túc yết lẫn lễ chánh tế đều được thực hiện theo các bước sơ hiến, á hiến và chung hiến, có đội đại chinh cổ, đội tiểu chinh cổ, ban nhạc ngũ âm, phân hiến…Sự khác biệt giữa các địa phương là ông chủ tế và cũng là chủ nghĩa từ đôi khi là dân ngụ cư.

Một ý nghĩa mới được tích hợp vào tập tục này là tại âm linh tự làng An Vĩnh (Lý Sơn), không chỉ cũng tế các âm linh, cô hồn như những nghĩa từ khác mà phối thờ vào đó các chiến sĩ đi lính thú ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ngày 15,16/3 âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức giẫy cỏ các nghĩa trủng, các mộ hoang trong làng, các ngôi mộ gió[24] của những người lính đi nghĩa vụ năm xưa trên những đảo xa. Đồng thời tổ chức lễ tế các âm linh, thực hiện nghi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, cầu mong cho họ vượt qua được sóng gió bão tố trong suốt 6 tháng trời lênh đênh trên biển, từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm.

Họ làm lễ phóng sinh, lễ thả đèn trên biển, lễ tế những hình nhân thế mạng, lễ thả thuyền hiến tế trên mặt biển cho những người đi lính Hoàng Sa. Do vậy, nghĩa từ âm linh tự An Vĩnh giờ đây đã mang thêm một chức năng mới, đó là đền thờ anh hùng, liệt sĩ.[25]

Trong tục cúng âm hồn, ở các làng xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) hàng đêm mỗi nhà người ta thắp nhang ngoài sân. Trước sân nhà đặt trang thờ hoặc khám thờ. Vào các ngày lễ tết, mồng một, ngày rằm, có lệ cúng âm hồn, nấu cháo gà, xôi chè, gọi là “cúng ngoài sân”. Ở Mỹ Khê Tây, vào khuya ngày 13/1 âm lịch tổ chức đi giẫy mộ hoang. Khuya hôm sau tổ chức tế âm hồn với heo, gà, xôi. Ở Tư Cung, mỗi xóm đều có một nghĩa từ riêng ngoài trời, nhiều xóm có miếu thờ, từng xóm tổ chức tế âm hồn vào ngày 16/3 âm lịch, cùng với ngày cúng đình Tư Cung. Hiện nay đã đổi lại ngày 16/1. Các xóm khác cũng có hình thức cúng tế tương tự.[26]

Dấu vết cúng cô hồn biển thể hiện khá rõ nét trong tín ngưỡng dân gian vùng biển Khánh Hòa. Ngoài việc lập các miếu thờ Các Bác ở khu vực biển đảo, thì hầu như trong các lễ cúng của ngư dân đều có liên quan đến đối tượng này như lễ cúng ra mắt, cúng lịch y, lễ cầu siêu, lễ phóng đăng, lễ cúng cầu ngư, lễ cúng hạ đăng, lễ cúng tạ, lễ cúng ông Phan Hòa (tổ nghề lưới đăng sở đầm Mai Thọ). Đặc biệt, tại sở lưới đăng hòn Một, gần đảo Hòn Tre (Nha Trang) trước đây duy trì tập tục thiêu xác một đứa trẻ người dân tộc rồi thả xuống biển để cúng cho Các Bác, nhằm cầu mong vụ mùa đánh bắt.[27]

Người dân Khánh Hòa tổ chức lễ Thanh minh vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Có nơi phối hợp với tế xuân ở đình làng. Trước đó mấy ngày, dân làng tổ chức đi tảo mộ tập thể, sửa sang lại những ngôi mộ vô thừa nhận. Sau đó tập trung tại miếu âm hồn tổ chức tế lễ, từ 2 giờ chiều đến nửa đêm.

Trong cuộc lễ có cờ trống, phường bát âm, một cụ già đứng ra làm chủ lễ, hai người khiêng một bàn hương án, có hương hoa, đèn nến, chè rượu, 3 vị sư cùng đi đọc kinh tiếp thỉnh. Đám rước thu hút đông đảo dân chúng tham dự, đi khắp các gò mả trong làng, nhà sư tụng kinh, chủ lễ khấn vái, cung thỉnh các âm hồn về miếu dự lễ.

Lễ cúng âm hồn có hai hình thức: tụng kinh cầu siêu phả độ do các nhà sư đảm nhiệm, kết thúc lúc 12 giờ đêm. Hình thức thứ hai là tế lễ ở đình. Lễ vật trong lễ tế Thanh minh gồm xôi, thịt heo, bánh trái. Con heo sau khi làm thịt, xé ra từng tấm vai, đùi, đầu, nọng, đem nhúng nước sôi, hàm ý thịt chín cúng cho âm hồn, khác với cúng thần bằng thịt sống, huyết tươi.

Trong lời khấn vái, có nhắc đến các vị thần trong lễ tế:

La Sát đế mẫu Phạm đột thiên

Tiêu Diện đại sĩ Phạm đột địa

Diệm Khẩu quỷ vương Phạm đột nhơn

Bà La Môn tiên ta bà ngạ quỷ sơn lâm dương gian âm giới kiêm nghĩa đàn chư tiên linh âm hồn, cô hồn nam nữ đẳng chứng đồng lai phụ hưởng.[28]

Lễ tống na ở Khánh Hòa có những điểm khác biệt so với các tỉnh ở Nam Trung Bộ. Các lễ vật cúng được đặt trên một chiếc thuyền nhỏ làm bằng nan, có buồm để có thể chạy trên biển. Sau khi lễ, các phẩm vật dâng cúng trên hương án được chất hết lên thuyền nan. Chiếc thuyền nan được đặt lên một chiếc thuyền, đưa ra biển và hạ thủy. Chiếc thuyền cúng nương theo song gió ra biển cho đến khi mất dạng. Trong phần nghi lễ có hát múa bả trạo. Sau cùng là phần hát bội, còn gọi là hát đãi (hát lòng án), mọi người vừa ăn uống vừa xem hát.[29]

Tại Nghệ An, đối với những dân chài đi biển không về, người nhà cũng đóng hòm ván trong đặt gáo dừa, gỗ dâu, mời thầy chiêu hồn cầu siêu, rồi cũng cử hành lễ tống táng như đối với xác chết thật sự. Những gia đình nghèo, người ta có tục giỗ làng, làm giỗ chung với những người chết mất xác khác hoặc cũng bị một trận bão hoặc vào những trường hợp không giống nhau, nhưng không tiến hành khấn chiêu hồn cầu siêu và tống táng giả.

Xác người chết trôi nam giới thường trôi sấp, nữ giới trôi ngửa. Khi thấy có xác chết trôi, một người đại diện chính quyền thường đứng ở bờ sông thắp vài cây hương khấn:”Bớ vong hồn ai đó, có khôn thì rẽ vào đây, cho quan tìm ra nguyên nhân bất hạnh, để trả về cho thân nhân quê quán”. Và xác chết sẽ từ từ trôi vào bờ như nghe lời khấn vậy.

Những người chết vô thừa nhận, được người dân sở tại chôn tại chỗ, sau đó mỗi người qua lại sẽ bỏ thêm một hòn đất hay cắm vào mộ một nhánh cây. Dần dần những ngôi mộ này sẽ to cao hơn những ngôi mộ thông thường, gọi là “ông Đống” hay “mụ Đống”.[30]

Làng biển Nhượng Bạn (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có hội đám chay tổ chức 3 năm một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ. Mục đích của lễ hội là cầu siêu, cứu vớt những vong linh trôi dạt trên biển do bị đắm thuyền. Trong lễ hội đám chay này có lễ “đàn oan” mở cửa ngục và làm lễ “tiếp linh”, tức đưa linh hồn về siêu linh tịnh độ. Những người phụ nữ có chồng hay các chị em có người thân bị chết trong vòng 3 năm qua, đứng thành một hàng dài trên đầu đội một miếng vải trắng, tương trưng cho dòng sông, sóng biển. Trên đó, thuyền Bát Nhã làm bằng giấy ghi tên những chết trên biển cả mênh mông.[31]

Lễ cúng cô hồn ở Bình Trị Thiên tổ chức theo chu kỳ 3 năm một lần hoặc mỗi năm một lần tùy địa phương. Ngày tế cô hồn không thống nhất. Có làng tế vào 15/12 âm lịch hoặc 16, 17/7 âm lịch như làng Thuận An hoặc có làng cũng giỗ vào rằm tháng 7, đúng vào dịp lễ Vu lan.

Không gian diễn ra lễ tế cô hồn hay cô đàn là trong và ngoài miếu âm linh. Thời gian lễ hội kéo dài từ 1 đến 3 ngày.

Bàn thờ tế cô hồn bày đủ hương hoa, bánh trái, xôi thịt cùng “giầy, áo, cháo, nổ”. Nơi diễn ra lễ hội bao giờ cũng có một cây “phan” cao để gọi hồn người chết trở về. Trước miếu hoặc ở bàn thờ thường đốt một đống lửa (hoặc đặt một lò lửa) để sưởi ấm cho các cô hồn.

Nghi lễ tế cô hồn nhìn chung đơn giản hơn so với lễ tế Thành hoàng, lễ cầu ngư, lễ kỳ yên. Có làng lại tế với nhiều nghi thức khác nhau. Lễ tế ở làng Thủ Lễ (Huế) diễn ra trong 3 ngày với các lễ “hưng tác” thượng phan, lễ rước nghinh sơn thủy, lễ tụng niệm, lễ phóng sinh-phóng đăng…Có sự tham gia của các nhà sư trong lễ này để cầu siêu cho linh hồn người đã mất. Người dự được ăn uống tại nơi tế lễ, theo tục lệ “vào chay ra mặn”.[32]

Ở Quảng Bình, ngày rằm tháng 7 hàng năm là “ngày rằm xá tội vong nhân”. Mọi người đều tự nguyện cúng các cô hồn nơi các miếu âm hồn và trong gia đình. Nam phụ lão ấu đều được khuyến khích tham dự. Khác với dịp lễ tế thần, trẻ con và phụ nữ không được đến chốn đình trung. 5-6 năm làm chay một lần. Họ dọn bàn thờ giữa trời, cả làng họp lại mời các bậc tu hành đến tụng niệm kinh Phật để siêu độ cho những linh hồn cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Trong ngày rằm tháng 7, ở nơi gần sông nước thì thả chim, thả cá và thả đèn.[33]

Họ thờ cô hồn ở gia đình bằng một bàn thờ riêng ngoài bàn thờ ông bà, nếu gia đình phát hiện được xác chết trên biển mà không công bố với xóm làng. Hoặc thờ chung theo đơn vị làng xóm qua các miếu âm hồn, nghĩa địa riêng, dành để thờ cúng và chôn cất tập thể, cô hồn mà người làng may mắn bắt gặp.[34]

Cư dân miền Quảng Bình nói chung và Đồng Hới nói riêng, trong việc cúng các âm hồn, hàng năm công quỹ làng xóm đều có khoản chi phí dành riêng, có thể lệ, phép tắc riêng cho tế âm hồn và hiện vẫn còn lưu giữ bài văn tế âm hồn ở cửa sông Nhật Lệ:

     …Cửa Nhật Lệ ào ào sóng dậy, thấp thoáng hương hồn

         Động Bạch Sa khúc khúc cát bồi, lơ thơ cổ mộ!...[35]

Hội trãi “lục niên cạnh độ” (sáu năm đua bơi một lần) vùng cửa lạch Nhật Lệ (Quảng Bình) không những là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mà còn là một thứ tế lễ, cầu phúc, cầu yên và siêu độ chúng sinh tử nạn trên sông nước. Chính cái phần tâm linh này của ngư dân miền biển mới là linh hồn của hội trãi. Lễ cầu siêu này gọi là lễ buông phao. Sau mỗi chiếc trãi, người ta buộc vào một sợi dây dài kết bằng những chiếc phao cứu sinh bằng lồ ô và những khúc thân cây chuối cắm thẻ đề tên họ người tử nạn trên sông nước, nơi biển khơi, trong các ngày mà làng biển có hàng loạt người chết. Những chiếc trãi bơi hết sức chậm rãi trên sông Nhật Lệ, cất giọng trong không khí trầm mặc:

                         Ôm phao…phao… mà về

                         Ôm phê…phê…mà vào

Đây là lễ cầu hồn, cầu siêu cho những người đã bỏ mình trên sông nước, một thứ lễ nghi không cúng cơm, không lễ vật, không kèn trống, không tụng niệm, không hương khói, đèn nhang… mà lại hết sức thiêng liêng, dân dã, bình dị.[36]

Binh Đại Càn là một loại cô hồn biển, khá phổ biến ở Nam Bộ, liên quan đến truyền thuyết về Tứ vị Thánh nương ở cửa Cờn (Nghệ An).[37] Còn thủy đạo trường sa cũng là một loại âm binh trên mặt biển. Trong ký ức của những người dân Nam Bộ về những ngày đầu khẩn hoang từ miền Bắc, miền Trung vượt biển vào đây. Trên hành trình di cư bằng đường thủy, họ đã gặp không biết bao nhiêu phong ba bão tố, có người thiệt mạng giữa biển khơi. Hồn xác không còn và thân nhân lấy ngày ra đi làm giỗ và họ gọi những người ấy đã gia nhập vào đội thủy đạo trường sa.

Do đó, nghi lễ rước vong hồn đường biển, đường sông là một dấu ấn khá đặc trưng trong tín ngưỡng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian lễ rước vong đường thủy kéo dài trên một tháng. Lễ rước vong đường thủy hay còn gọi là lễ chiêu u[38] đường sông rất lớn. Các nhà sư đi trên hai chiếc ghe to. Trên ghe có bàn thờ Phật, bàn vong, tượng Tiêu Diện đại sĩ bằng giấy. Nối đuôi theo sau là đoàn ghe của dân chúng. Đến tối, chủ ghe làm lễ phóng đăng trên ghe đặt bàn hương án, thức ăn đồ cúng cô hồn như trái cây, bánh cấp, bánh cúng…Ghe đi từ từ ra giữa song, đèn nến thắp sáng cả mặt sông. Đúng 12 giờ đêm, tiến hành nghi thức xô giàn, những đụn tre treo đầy tiền, bánh kẹo, thức ăn được đẩy xuống đất, mọi người xô nhau tranh cướp để lấy may. Ở Long An, Sóc Trăng hình thức này gọi là cúng thí rế, vì thức ăn để trên những cái rế nồi.

Người ta phóng hỏa tượng ông Tiêu vào giữa khuya, khiến người dân tăng thêm niềm tin vào ông.

Sau cùng, chủ tế thực hiện nghi thức tống ôn, tống phong nhằm tống tiễn các ôn hoàng dịch lệ, cô hồn các đảng bằng một chiếc ghe giấy khá to đặt trên một bè chuối. Hiện nay, có nơi tổ chức gộp cả lễ cầu siêu, cầu an và tống ôn làm một cho tiết kiệm thời gian, tiền bạc.[39]

Ở lễ cúng cá Ông ở Quảng Nam Đà Nẵng, có mối quan hệ rất rõ nét với tục cúng cô hồn biển. Các lăng cá Ông đều nằm kề hoặc sát lăng âm linh và quay ra biển. Như ở Hội An, bao gồm một quần thể các cơ sở tín ngưỡng: lăng Ông, miếu Bà, miếu âm linh, miếu các vạn ghe bầu và miếu thổ thần. Lăng ông Xuân Hà (Đà Nẵng) bên phía hữu ban là bàn thờ Cô Bác.

Trong diễn trình lễ cúng cá Ông có hẳn một lễ tế riêng gọi là lễ tế Âm linh / Cô Bác (cô hồn) và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là một lễ thức thực hiện độc lập và nằm trong hệ thống nghi lễ tế thần Nam Hải cầu ngư chứ không phải là một nghi lễ phụ, kết hợp với chánh lễ như ở Thuận An hoặc chỉ là lễ phụ, được thực hiện sau lễ tống na như ở làng Trường Nguyên (Nha Trang, Khánh Hòa) hoặc lồng ghép trong lễ chánh như ở Nam Bộ. Những nghi thức cúng Cô hồn còn được thể hiện nhiều lần trong lễ tế cá Ông (trước khi lễ vọng, lúc ra khơi nghinh Ông, lễ tế Cô hồn trước khi bước vào chánh lễ) nhằm vừa cầu an, cầu ngư, vừa xin phép Cô Bác phù hộ cho cuộc tế thần được suôn sẻ.

Lễ Nghinh ông Sanh (cá Ông) của làng An Bàng (Hội An), trong văn khấn có đoạn thỉnh mời “bá vạn cô hồn về chứng lễ”. Sau lễ nghinh Ông về đến lăng lại là nghi thức cung thỉnh Cô Bác, các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Tiền vãng về lăng.

Tiếp đó là lễ tế Âm linh / Cô Bác / Cô hồn tại sân lăng. Lễ vật cúng có: cháo thánh (cháo hoa), hương, hoa, đăng, trà, trầu, rượu, quả, thực (khoai, sắn, bỏng nổ, bánh oản). Nghi lễ thực hiện xong, thức cúng được tung ra các nơi thí thực cho Cô hồn chết và Cô hồn sống (trẻ em).

Lăng ông Thanh Khê (Đà Nẵng), trước khi ra biển nghinh Thủy thần, phải tiến hành nghi lễ vía bà Chúa Ngọc và mời các nhà sư đến tụng kinh cầu siêu cho những người trong vạn mất tích trên biển ngay sau lễ nghinh Thủy thần.[40]

Trong lễ Nghinh Ông ở Bình Thắng (huyện Bình Đại, Bến Tre), khi chiếc ghe lễ đi nghinh trên biển ta thấy có bày một bàn lễ vật gồm 1 con heo quay, 2 dĩa lòng, gan heo (1 dĩa sống, 1 dĩa chín), 1 dĩa bánh hỏi, hoa quả. Bên cạnh con heo quay là 12 chiếc chén cùng 12 đôi đũa. Sau ghe lễ là ghe chở đoàn múa lân, theo sau là hàng trăm ghe đi nghinh, tất cả cùng tiến ra biển. Cả ghe lễ và các ghe khác đều thả một sợi dây xuống nước, cuối sợi dây là một cái giẻ, được thả trôi trên mặt nước.[41]

Theo Nguyễn Chí Bền giải thích, thì sợi dây buộc theo mảnh giẻ chính là một dạng “hèm”, có liên quan đến truyền thuyết cá Ông được sinh ra từ tấm lòng của Phật Bà Quan Âm. Nó ở dạng khá đơn giản, không có đường dây gắn kết với trò diễn và cũng chỉ được tiến hành khi các ghe thuyền ra khơi nghinh ông. Thực ra đó là nghi thức vớt vong cô hồn đường thuỷ trong khoa nghi của nhà Phật. Chiếc giẻ đó chính là hình ảnh “rút gọn” của 12 gút dây tượng trưng cho 12 chi, được kéo trên biển để các vong hồn theo đó mà về.[42] Và các dụng cụ cúng cũng có 12 chiếc chén, 12 đôi đũa chính là dành cho các cô hồn biển.[43] Đây là lễ rước vong hồn của người bị tai nạn nghề nghiệp bị chết ngoài biển, gọi chung là "cô hồn thủy đạo". Khoa chiêu u được cử hành khi đám rước về đến nơi. Nội dung nghi lễ này là cầu nguyện cho tất cả các cô hồn ngạ quỷ quy y tam bảo để vĩnh viễn không còn đọa địa ngục, súc sanh hoặc ngạ quỷ.[44]

Trong lễ cúng cá Ông ở Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), có tiến hành nghi thức Nghinh Ông trên biển. Theo tín niệm của của ngư dân, khi thấy cá Ông phun nước vọt lên thì làm lễ thỉnh Ông về. Thực chất đây là nghi thức đón vong hồn các ngư dân bị tai nạn nghề nghiệp. Đoàn nghinh về đến bến, tiếp tục nghi thức rước Ông và vong hồn các bạn lái về lăng. Tại đây, các nhà sư tụng kinh cầu siêu cho các cô hồn bị tai nạn.[45] Có tục xô giàn cúng cô hồn trong lễ thỉnh sắc.[46]

Lăng ông Thủy tướng Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh), ngoài bàn thờ Nam Hải Đại Tướng Quân ở chánh điện, còn có các bàn thờ Thủy Tề Công Chúa, Tiêu Diện Đại Sĩ, Tiên Sư, Hội Đồng, Tam Thập Lục Vị, Tứ Sanh Lục Đạo.[47]

Trong lễ hội Nghinh Ông ở Cần Thạnh, khi đi nghinh trên biển, các chủ ghe thỉnh thoảng gõ vào be ghe của mình thay cho chuông mõ mời những người ’’khuất mặt, khuất mày” (cô hồn) về chứng giám bên mâm đồ cúng của mình. Ông vạn trưởng rót một chén rượu đổ xuống biển thì đồ cúng được mọi người thả xuống biển để hiến cho ’’Ông’’, tất cũng có phần cho các vong hồn của thủy đạo trường sa.[48]

Mối liên hệ trong tục thờ cô hồn biển nơi đây còn thấy ở tập tục thờ cá Ông, qua sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, phần nào giống như lễ khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đó là sự kết hợp tưởng niệm những người sống chết vì nghề nghiệp trên biển mà ngư dân địa phương gọi là ’’Bạn xưa lái cũ’’ với việc viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ của huyện, tri ân các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì quê hương trong lễ cúng cá Ông hàng năm.[49]

Hát bả trạo còn được gọi là hò rỗi, hò đưa linh, hò hầu linh, chèo âm linh, chèo người, chèo / hát chèo cô hồn…Đây là hình thức diễn xướng thực hành nghi lễ gắn với lễ tang cá Ông và tín ngưỡng thờ cúng Nam Hải cự tộc Ngọc Lân Thượng đẳng thần / Nam Hải tướng quân, nó bắt nguồn từ hình thức hò / hát đưa linh trong tang lễ của người đời.

Hát chèo âm linh thường được tổ chức vào buổi tối. Hát bả trạo trong lễ tế âm linh được coi là hát lễ, bởi nó cũng là một bộ phận của tế lễ Âm linh. Tâm thức chèo của bả trạo là đưa linh Cô Bác trực giảng về cõi Phật. Cuộc hát mang đậm tính chất hát lễ cầu siêu, độ thoát cho âm linh / thập giới cô hồn được siêu thăng. Nó có ý nghĩa như một hình thức trai đàn cúng Phật, dùng từ bi làm phương tiện siêu độ cho các vong hồn. Trên con thuyền Bát Nhã, bả trạo tiếp dẫn âm linh vượt bờ mê sang bờ giác trong tâm thức vừa tự giác vừa giác tha. Qua đó, cộng đồng dân biển gửi gắm vào đó nguyện ước cầu xin được Cô Bác hộ trì cho cuộc sống bình an. Ngoài ra, còn là một buổi biểu diễn văn nghệ dân gian với các trò diễn thể hiện qua màn giăng câu, bủa lưới, đưa thuyền vượt qua bão tố phong ba.[50]

  1. 3Nhận xét

         -Tục thờ cô hồn biển ở Nam Trung Bộ trên cơ sở so sánh với tín ngưỡng này ở Bắc Trung Bộ và Nam Bộ có những biểu hiện hết sức phong phú, đa dạng, sinh động với những sắc thái đặc trưng riêng; thể hiện rõ nét nhất ở Quảng Nam Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

- Nó chịu ảnh hưởng từ những quan niệm tư tưởng triết lý khác nhau (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo) kết hợp với những tín lý dân gian. Tích hợp cả những giá trị truyền thống và đưa vào những yếu tố hiện đại phù hợp (thờ cúng liệt sĩ).

-Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn nói chung, cô hồn nói riêng là dạng tín ngưỡng khá phổ biến ở các làng quê ven biển Nam Trung Bộ. Thể hiện tâm linh cầu mong những người đã khuất, những thế lực siêu nhiên giúp đỡ, phù hộ sự bình an cho dân chúng, đồng thời là sự thông cảm sâu sắc đối với những vong hồn đã khuất không nơi thờ tự. Một tập tục mang ý nghĩa nhân văn hết sức cao cả (giá trị giáo dục đạo đức, cố kết cộng đồng).

     - Biểu hiện mối quan hệ giao lưu về văn hóa tín ngưỡng giữa người Việt với các tộc người khác cư trú trên mảnh đất miền Trung này. Tục thờ cô hồn biển có mối quan hệ chặt chẽ với các tín ngưỡng của cư dân chài lưới như thờ Đại Càn, thờ cá Ông, lễ cúng ra mắt, cúng lịch y, lễ cầu siêu, lễ cúng cầu ngư, lễ cúng hạ đăng, lễ cúng tạ…

   - Hình thái tín ngưỡng này vừa cho thấy nguồn mạch văn hóa chung và sự biến đổi, thích nghi cao độ trong việc tiếp biến các giá trị văn hóa của các cộng đồng cư dân ở những hệ tọa độ địa lý - lịch sử văn hóa khác nhau.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1.Nguyễn Đăng Vũ (2007), Quảng Ngãi một số vấn đề lịch sử văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. 2.Nguyễn Xuân Hương (2009), Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam Đà Nẵng (Hình thái, đặc trưng và giá trị), Nxb Từ điển bách khoa – Viện Văn hóa, Hà Nội.
  3. 3.Huỳnh Ngọc Trảng (2010), Âm linh, âm hồn và thế giới bên kia, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Chuyên san Phương Nam, số 2, tháng 11.
  4. 4.Huỳnh Ngọc Trảng (2005), Sự hỗn dung văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Nam Bộ, Nguyệt san Giác ngộ, số 116, tháng 11.
  5. 5.Trần Quốc Vượng (2003), Trong cõi: những ý kiến về lịch sử, truyền thống và hiện trạng dân tộc của một sử gia trong nước, Nxb Trăm Hoa, Califonia.
  6. 6.Tạ Chí Đại Trường (2000), Thần, người và đất Việt (bản mới), Nxb Văn Học, California.
  7. 7.Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008), Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
  8. 8.Đoàn Ngọc Khôi, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Đăng Vũ, Phan Đình Độ, Nguyễn Văn Bốn (2002), Văn hóa truyền thống đảo Lý Sơn, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi.
  9. 9. Lê Quang Nghiêm (1970), Tục thờ cúng của ngư phủ lưới đăng Khánh Hòa, Trung tâm Văn bút Việt Nam, Sài Gòn.
  10. 10.Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Nguyễn Đại Phúc, Lê Hải Đăng (2002), Diễn xướng dân gian Gia Định-Sài Gòn, Trung tâm Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.
  11. 11.Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam Bộ xưa & nay, Nxb Đồng Nai, 1999.
  12. 12.Nguyễn Đăng Vũ (2003), Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.

In trong: Tạp chí Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, số 27, 2012

Nguồn: Tác giả



[1] Tục thờ cúng âm hồn dọc biển. Trong Nguyễn Đăng Vũ (2007), Quảng Ngãi một số vấn đề lịch sử văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.137. Huỳnh Ngọc Trảng (2010), Âm linh, âm hồn và thế giới bên kia, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Chuyên san Phương Nam, Số 2, Tháng 11, tr.28-31.

[2] Tứ sanh (tứ chủng sanh) là bốn cách sanh ra của chúng sinh:1. Noãn sanh (từ trong trứng mà nở ra, như chim); 2.Thai sanh (từ trong bào thai mà sanh ra và lớn lên, như người, ngựa, lừa…); 3. Thấp sanh (từ chỗ ướt mà sanh ra, như rắn, cá); 4. Hóa sanh (tự nhiên mà hóa ra, sanh ra do sức mạnh của cái Nghiệp, như những hồn sanh lên cõi tiên hoặc đi đày ở địa ngục, ngạ quỷ hoặc những vật cỡi lốt đòi hình, như loài bướm do sâu mà thành).

Lục đạo (lục thú) là sáu chốn luân hồi, tùy theo căn thiện ác mà chuyển vào trong lục đạo luân hồi: 1.Thiên (tiên); 2.A tu la (thần); 3.Nhân (người); 4.Địa ngục; 5. Ngạ quỷ (ma đói); 6.Súc sanh (thú vật) (Đoàn Trung Còn (2009), Phật học từ điển, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.1.214, 648).

[3] Hồi hướng nhân quả-Ngọc Lịch minh kinh. Dẫn theo Huỳnh Ngọc Trảng, Vu Gia (2007), Địa chí Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), Nxb Đà Nẵng, tr.326-327.

[4] Trong tín ngưỡng của Nhật Bản, ngư dân rất tôn thờ Phật trôi. Đó là những tử thi chết đuối trôi dạt từ nơi khác đến, nếu gặp được xem là may mắn lớn trong đánh bắt, nên ngư dân thường đối xử rất hậu với Phật trôi. (Chu Xuân Giao (2008), Mấy vấn đề về làng chài và nghiên cứu làng chài ở Nhật Bản từ góc nhìn văn hóa dân gian. Trong Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr.411).

[5] Nguyễn Xuân Hương (2009), Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam Đà Nẵng (Hình thái, đặc trưng và giá trị), Nxb Từ điển bách khoa – Viện Văn hóa, Hà Nội, tr.129-133.

[6] Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, tr.127.

[7] Cao Chư (2010), Văn hóa dân gian xã Tịnh Khê, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.94-95.

[8] Nguyễn Đăng Vũ, Sđd, tr.142-143.

[9] Tư liệu do nhà nghiên cứu Cao Chư (Quảng Ngãi) cung cấp. Nhân đây, tôi xin chân thành cám ơn.

[10] Cao Chư (chủ biên) (2008), Địa chí huyện Mộ Đức, Huyện ủy-HĐND- UBND huyện Mộ Đức, tr.456.

[11] Nguyễn Đăng Vũ (2003), Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr.47, 61, 38, 63.

[12] Ở những nơi chiến trận, các tướng sĩ tử trận chôn một chỗ thì nhà vua lập đàn thờ, gọi là lệ đàn. Mỗi năm nhà vua sai quan về tế hoặc là hội thiện góp tiền với nhau để cúng hay làm chay (Phan Kế Bính, Sđd, tr.128).

[13] Nguyễn Đình Tư (1969), Non nước Khánh Hòa, Sông Lam xb, Sài Gòn, tr.205-206.

[14] Nguyễn Xuân Hương, Sđd, tr.133-136. Nguyễn Đăng Vũ, Sđd, tr.142-143.

[15] Trần Hoàng (1997), Tục chạp “Mả làng” và lễ tế “Cô đàn” một loại sinh hoạt văn hóa đặc thù ở các làng quê Bình Trị Thiên. Trong Văn hóa truyền thống các tỉnh Bắc Trung Bộ, Kỷ yếu hội thảo khao học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.394-396.

[16] Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008), Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr.97-98.

[17] Nguyễn Xuân Hương, Sđd, tr.136-144.

[18] Người Chăm có lễ hội múa tống ôn đầu năm (Rija Nưgar) với ý nghĩa tống khứ những điều xấu xa, xui xẻo, để đón năm mới với những điều tốt lành, đón nước, cầu mưa, chuẩn bị mở đầu cho việc khai mương. Lễ Cầu đảo (Palau Sah) ở thôn Bĩnh Nghĩa (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) có nội dung tương tự như lễ Rija Nưgar. (Sakaya (2003), Lễ hội của người Chăm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.76, 56). Theo nhà nghiên cứu Sakaya, trong lễ này mặc dù không có phần lễ cúng riêng cho Cô hồn nhưng trong phần nghi thức lễ cuối cùng của Rija Nưgar, người Chăm luôn cầu cô hồn, những người chết bụi, chết bờ, những bậc tiền hiền chết chưa biết tên tuổi về hưởng lễ vật dâng cúng của dân làng. Cuối cùng người Chăm tống khứ họ cùng với những “hình nhân thế mạng” (salih) mang đi những điều xấu, xui xẻo, bệnh dịch của dân làng ra sông, biển (Tư liệu phỏng vấn Sakaya ngày 14/3/2011).

[19] Nguyễn Xuân Hương, Sđd, tr.144-145.

[20] Nhiều tác giả (2008), Lễ lệ lễ hội Hội An, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích thành phố Hội An, tr.80-87.

[21] Cao Chư, Văn hóa dân gian xã Tịnh Khê, Sđd, tr.95.

[22] Đoàn Ngọc Khôi, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Đăng Vũ, Phan Đình Độ, Nguyễn Văn Bốn (2002), Văn hóa truyền thống đảo Lý Sơn, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, tr.191-192.

[23] Nguyễn Xuân Nhân (chủ biên) (2004), Văn hóa cổ truyền ở các làng quê Bình Định, Sở Văn hóa-Thông tin Bình Định, tr.271-272.

[24] Hiện trên đảo Lý Sơn có hàng ngàn ngôi mộ gió với những hình nhân thế mạng được nặn bằng đất sét, bông gòn và cây dâu để thay thế hình hài của những người đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. Nhiều ngôi mộ không có cả một tấm bia ghi khắc tên tuổi người chết.

[25] Nguyễn Đăng Vũ, Sđd, tr.144-147.

[26] Cao Chư, Văn hóa dân gian xã Tịnh Khê, Sđd, tr.96-97.

[27] Lê Quang Nghiêm (1970), Tục thờ cúng của ngư phủ lưới đăng Khánh Hòa, Trung tâm Văn bút Việt Nam, Sài Gòn, tr.66, 68, 69-72, 76-78, 82, 128.

[28] Nguyễn Đình Tư, Sđd, tr.206-207.

[29] Nguyễn Viết Trung (2007), Lưới đăng nghề biển truyền thống ở Khánh Hòa, Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, tr.78-79, 145.

[30] Nguyễn Đổng Chi (chủ biên) (1995), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, tr.473.

[31] Nguyễn Trí Sơn (2008), Hò chèo cạn và hội đám chay, nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc ở làng biển Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trong Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ, Sđd, tr.163, 165.

[32] Trần Hoàng, Sđd, tr.397-398.

[33] Nguyễn Tú (2010), Văn hóa dân gian Quảng Bình, Tập 3, Phong tục tập quán, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.120-121.

[34] Văn Lợi (chủ biên) (2001), Nguyễn Tú, Địa chí văn hóa miền biển Quảng Bình, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, tr.181-182.

[35] Nguyễn Tú (2004), Địa chí Đồng Hới, UBND thành phố Đồng Hới, tr.469-470.

[36] Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Tú (2000), Vài nét văn hóa truyền thống vùng cư dân biển Quảng Bình, Tài liệu hội thảo Văn hóa nghệ thuật miền Trung – vấn đề định hướng nghiên cứu, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật tại TP. Huế, TP. Đồng Hới. Nguyễn Tú, Sđd, tr.147-149.

[37] Xem Nguyễn Thanh Lợi (2010), Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Nam Bộ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11, tr.31-41.

[38] Chiêu u là hình thức đi rước vong (thỉnh vong, rao binh) để kêu gọi các vong hồn xiêu mồ lạc mả các nơi về tập hợp ở chùa để các nhà sư thực hiện những nghi thức cầu siêu cho họ được siêu thoát (Phan Thị Yến Tuyết (2004), Tâm thức của cư dân Nam Bộ qua lễ hội Trai đàn cầu siêu – cầu an. Trong Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.111).

[39] Võ Thành Hùng (2010), Văn hóa tâm linh người Việt trong các nghi lễ cầu an cầu siêu vùng Tây Nam Bộ. Trong Văn hóa phi vật thể Tây Nam Bộ, Kỷ yếu hội thảo, Văn phòng đại diện Tạp chí Văn hóa nghệ thuật – Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tr.208.

[40] Nguyễn Xuân Hương, Sđd, tr.52, 54, 55, 407, 309, 65, 98, 67, 68, 70.

[41] Nguyễn Chí Bền (1997), Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.82, 93. Trong lễ Nghinh Ông ở Quảng Ngãi, khi đoàn đi nghinh ra đến địa điểm nhất định trên mặt biển, ông chánh tế (hoặc ông sư) thả xuống nước một sợi dây, cuối sợi dây buộc một miếng vải trắng. Sợi dây này sẽ được kéo rê dưới nước cho đến khi vào tận bờ. (Nguyễn Đăng Vũ, Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, Tlđd, tr.39-40). Điểm khác biệt là trong lễ Nghinh Ông ở Bình Thắng (Bến Tre), chiếc giẻ được thả trôi trên mặt nước trước khi ra biển.

[42] Nguyễn Thanh Lợi (2008), Tục thờ cá Ông ở ven biển Tây Nam Bộ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9, tr.38, 43.

[43] Trong lễ cúng Dàng của các sở đầm ở Khánh Hòa ngày trước, tiến hành trong tháng 3 hoặc thượng tuần tháng 4 âm lịch, còn gọi là lễ Thập nhị Nhang Dàng. Mỗi vật phẩm đều phải làm 12 phần: 12 vắt cơm, 12 trứng gà, 12 miếng thịt heo luộc, 12 lá trầu, 12 miếng cau, 12 con tôm, 12 con cua…Khi rót rượu, nước trà “rót trên đá” cũng phải rót 12 lần. Họ cho 12 vị Dàng đó là những âm binh theo tín ngưỡng của người Chăm, mà hiện nay chỉ nhớ tên được 7, đó là: Dàng Châm, Dàng Chợ, Dàng Mọi, Dàng Rợ, Dàng Đĩ, Dàng Thỏa, Dàng Ó Ma Lai. (Lê Quang Nghiêm, Sđd, tr.72-75). Chữ Dàng bắt nguồn từ chữ Yang của người Chăm và các tộc người Mã Lai – Đa Đảo nói chung, có nghĩa là Thần như cách gọi của các dân tộc ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên. Còn Nhang cũng có nghĩa là Thần như cách gọi trong lễ cúng Nhang của người Châu Ro ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai.

[44] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Nguyễn Đại Phúc, Lê Hải Đăng (2002), Diễn xướng dân gian Gia Định-Sài Gòn, Trung tâm Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tr.281-282.

[45] Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập 1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang – Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, tr.778.

[46] Nguyễn Thanh Lợi (2004), Tục thờ cá Ông ở Nam Bộ. Trong Nam Bộ đất & người, Tập 2, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr.423.

[47] Nguyễn Thanh Lợi, Tục thờ cá Ông ở Nam Bộ. Bđd, tr.421.

[48] Nguyễn Thanh Lợi (1999), Sinh hoạt văn hóa dân gian ở xã Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) qua tục thờ cá Ông. Trong Làng xã Nam Bộ- quá khứ và hiện tại, Huỳnh Lứa, Đinh Văn Liên chủ nhiệm, Đề tài của Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh.

[49] Nguyễn Thanh Lợi (2003), Thờ cá voi ở thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6, tr.54.

[50] Nguyễn Xuân Hương, Sđd, tr.153-155.

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Nguyễn Hải Hoành. Bàn thêm về nguồn gốc chữ Quốc ngữ

  • Nguyễn Thanh Lợi. tín ngưỡng thờ Bạch Mã Thái Giám

  • Cao Xuân Hạo. Mấy vấn đề về văn hóa trong cách xưng hô của người Việt

  • Nikulin. Vua Hàm Nghi - Một họa sĩ

  • Nguyễn Hữu Sơn. Giá trị văn học của Nam Phong tạp chí

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 26
  • Tổng :
  • 3 8 0 9 9 1 6 6
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân