“Ngoại giao văn hóa” là hai thực thể riêng biệt gồm “ngoại giao” và “văn hóa”. Khi dùng “văn hóa” để giao lưu, kết nối với bên ngoài thì hình thành khái niệm “ngoại giao văn hóa”. Có thể hiểu ngắn gọn, “ngoại giao văn hóa” là khái niệm để chỉ một phương thức ngoại giao với hàng loạt phương sách, cách thức làm cơ sở cho việc triển khai có hiệu quả những hoạt động thực tiễn, trong đó nhân tố văn hóa chiếm vị trí chủ đạo. Nói đến ngoại giao là nói đến sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa với ngoại giao mà yếu tố văn hóa vừa là nền tảng, vừa là công cụ, động lực, mục tiêu cho hoạt động ngoại giao. Như vậy, ngoại giao văn hóa là sự huy động, vận dụng, phát huy nguồn lực văn hóa để làm tốt công tác ngoại giao và cũng là thông qua ngoại giao để tôn vinh và bảo vệ các giá trị văn hóa.
Ngoại giao văn hóa là một trong những sức mạnh mềm được Ấn Độ sử dụng thành công trong lịch sử đấu tranh giành tự do, độc lập và trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ Narendra Modi làm Thủ tướng. Từ khi nhậm chức Thủ tướng đến nay, Narendra Modi luôn dành vị trí ưu tiên cho chính sách đối ngoại. Trong bản Tuyên ngôn của Đảng BJP (2014), Thủ tướng Modi đã thể hiện rõ các trụ cột trong tầm nhìn về chính sách đối ngoại: “Tầm nhìn này về cơ bản là khởi động lại và định hướng lại các mục tiêu, nội dung và tiến trình thực hiện chính sách đối ngoại nhằm xác định sự tham gia chiến lược toàn cầu của Ấn Độ vào một mô hình mới và một cuộc vận động rộng rãi hơn, không chỉ giới hạn ở ngoại giao chính trị mà còn bao gồm các lợi thế về kinh tế, khoa học, văn hóa, chính trị và an ninh của Ấn Độ, cả ở quy mô khu vực lẫn toàn cầu, trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi để dẫn đến một Ấn Độ mạnh mẽ hơn về kinh tế và có tiếng nói được lắng nghe trên diễn đàn thế giới”(1).
TS. Anirban Ganguly, tác giả chính trong Ban Biên tập sách Học thuyết Modi: Những hình mẫu mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã mô tả 5 trụ cột (Panchamrit) trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, gồm: 1) Phẩm giá và danh dự (Samman); 2) Can dự sâu rộng hơn và đối thoại (Samvad); 3) Chia sẻ sự thịnh vượng (Samriddhi); 4) An ninh khu vực và toàn cầu (Suraksha); 5) Các liên kết văn hóa và nền văn minh (Sanskriti evam Sabhyata).
Từ tầm nhìn cũng như hình mẫu mới trong thực tiễn triển khai chính sách đối ngoại của Chính phủ Ấn Độ trong gần một nhiệm kỳ đầu N. Modi làm Thủ tướng, giới chính khách và giới học giả nhận rõ những đặc điểm trong chính sách đối ngoại của Modi, gồm: 1) Ấn Độ trên hết; 2) Trước hết, ưu tiên vùng lân cận; 3) Vượt qua những chướng ngại lịch sử; 4) Từ người thực hiện quy tắc đến nhà tạo ra quy tắc; 5) Ấn kiều của Ấn Độ; 6) Tăng cường kết nối văn hóa.
Luận giải những nét chính trong đặc điểm chính sách đối ngoại của Ấn Độ thời Modi, có thể nhận diện rõ hơn tầm nhìn, chủ trương, cách triển khai giúp cho việc biến tầm nhìn thành mục tiêu được xác định, biến sáng kiến riêng biệt liên kết hợp lý với nhau của Ấn Độ.
(1) “Ấn Độ trên hết”
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Narendra Modi làm Thủ tướng được thúc đẩy bởi quan điểm trung tâm trong tầm nhìn của Modi về vấn đề quản trị - sự thịnh vượng của Ấn Độ. Chính sách đối ngoại của Modi được bắt đầu từ trong nước với nhiều phương cách tiếp cận và triển khai quyết liệt. Là thị trường tự do phát triển nhanh và nền dân chủ đông dân nhất thế giới, ấn tượng của Ấn Độ về các vấn đề quốc tế là một thực tế, cũng tương tự như sự thật rằng, đói nghèo là thách thức lớn nhất của Ấn Độ. Trong tình thế đó, Modi đã linh hoạt liên kết chính sách đối ngoại của Ấn Độ với công cuộc chuyển đổi trong nước. Một mặt, nhằm thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ và mở cửa thị trường nước ngoài cho các sản phẩm của Ấn Độ, mặt khác, hướng tới sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Ông đã theo đuổi các chương trình hàng đầu của Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) như “Made in India” (Sản xuất tại Ấn Độ), Digital India (Ấn Độ số hóa), Smart Cities (Những thành phố thông minh), Clean Ganga (Làm sạch sông Hằng), Swachh Bharat (Ấn Độ sạch), Skill India (Ấn Độ tay nghề cao) và Startup India (Phong trào khởi nghiệp ở Ấn Độ). Đó là những chương trình có ấn tượng trong chính sách đối ngoại của Modi.
Trong một thời gian không dài, chưa hết nhiệm kỳ đầu làm Thủ tướng, hoạt động ngoại giao của Ấn Độ đã thu được kết quả vượt trội. Đầu tư nước ngoài tăng 40%. Ấn Độ đã tăng thêm 16 điểm trong chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đứng thứ 9 trong xếp hạng hấp dẫn đầu tư của UNCTAD (Hội nghị của Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển). Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng Ấn Độ - Hoa Kỳ đạt mục tiêu đầu tư 75 tỷ USD; Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cung cấp hạn mức tín dụng 2 tỷ Euro; Quỹ Đối tác Ấn Độ - Anh thuộc Quỹ Đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia (NIIF) và Quỹ Cơ sở hạ tầng Ấn Độ - các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã được thành lập để nhanh chóng mở rộng cơ sở hạ tầng thế hệ tiếp theo của Ấn Độ. Riêng trong lĩnh vực xây dựng đường cao tốc, Ấn Độ đã vận động nhiều nước tham gia: Nhật Bản đã đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên cho Ấn Độ; Chính phủ Ấn Độ sẽ hỗ trợ phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ Rupee tại London để xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt; Pháp và Đức đang tài trợ cho các dự án tàu điện ngầm và xây dựng nhà máy chế tạo đầu máy xe lửa chạy điện; Hợp tác với Hoa Kỳ được tiến hành nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cho hoạt động giao thông tại Ấn Độ; Ấn Độ đang cùng Trung Quốc lập kế hoạch xây dựng một Trường Đại học đường sắt.
Trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và nhiều lĩnh vực khác, nhờ chính sách ngoại giao văn hóa năng động, vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế được nâng cao.
(2) “Trước hết, ưu tiên vùng lân cận”
Đặc điểm thứ hai trong chính sách đối ngoại của Modi là xác định rõ tầm quan trọng của các nước láng giềng, khu vực lân cận của Ấn Độ. Từ cách tiếp cận này, Modi đã làm cho các nước láng giềng và khu vực lân cận sôi động cùng Ấn Độ. Chính phủ Modi đã thay đổi quyết định trong quan hệ với Bangladesh khi Ấn Độ phê chuẩn Hiệp định Phân định biên giới trên bộ (LBA - vốn đã bị trì hoãn từ năm 1974) với nước láng giềng này. Quan hệ của Ấn Độ với Srilanka đã có chuyển biến tích cực cùng sự thay đổi lãnh đạo ở quốc đảo này. Quan hệ giữa Ấn Độ với Nepal và Maldives không dễ dàng nhưng Ấn Độ vẫn tiếp tục chính sách thiện chí, như sẵn sàng tổ chức hoạt động cứu trợ thảm họa lớn nhất ở nước này. Ấn Độ hoan nghênh việc chuyển đổi dân chủ ở Myanmar, nuôi dưỡng tình hữu nghị bền vững với Bhutan.
Modi chủ động thúc đẩy quan hệ với nước láng giềng lớn Trung Quốc theo một cách tiếp cận mới, chủ động đặt Ấn Độ ngang hàng với Trung Quốc. Những hiểu biết về Trung Quốc qua những lần đến thăm Trung Quốc khi ông còn làm Thủ hiến bang Gujarat và từ nhiều nguồn thông tin khác đã giúp Modi làm cho Ấn Độ duy trì được ảnh hưởng của mình và không bị gạt ra ngoài lề trong cuộc cạnh tranh lớn giữa Trung Quốc và Mỹ. Quan hệ giữa Ấn Độ và Afghanistan đã được hâm nóng khi Thủ tướng Modi đến thăm nước này và khánh thành tòa nhà Quốc hội Afghanistan do Ấn Độ trợ giúp. Việc Modi tặng cây Bồ đề non cho Tu viện Phật giáo chính của Mông Cổ khi ông đến thăm Mông Cổ đã thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa hai nước.
Việc Modi nâng cấp Chính sách “Hướng Đông” thành “Hành động phía Đông” là biểu hiện sự hiện diện thực tế hơn, sâu hơn của Ấn Độ đối với các nước Đông Á. Ấn Độ cũng đã chủ động nâng cấp mối quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản lên mức cao nhất từ trước tới nay.
Tất cả những sự kiện trên cho thấy, chính sách ngoại giao coi trọng ưu tiên vùng lân cận của Modi đã được triển khai quyết liệt trong thực tế.
(3) “Vượt qua những chướng ngại lịch sử”
Chính sách ngoại giao văn hóa quyết đoán, mạnh mẽ của N.Modi đã vượt qua sự cầm chừng, do dự - những đặc điểm cố hữu trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Ấn Độ trước đây.
Để tìm kiếm hòa bình, Ấn Độ phải đối mặt với các tổ chức khủng bố xuyên biên giới ở Pakistan hoặc giải phóng Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á khỏi sự phủ quyết của Islamabad. N. Modi đã mạnh mẽ hơn những người tiền nhiệm. Ông chỉ rõ bản chất bạo lực, coi chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Gạt bỏ mọi ảo tưởng, ông bác bỏ bất kỳ gợi ý thỏa hiệp nào, vạch rõ rằng, không thể có quan niệm khủng bố tốt hay khủng bố xấu, tất cả những kẻ khủng bố đều là ác quỷ. Việc máy bay của N. Modi hạ cánh trong thời gian ngắn tại Lahore cuối năm 2015, các cuộc đột kích của binh lính Ấn Độ qua tuyến kiểm soát tạm thời nhằm vào những căn cứ khủng bố ở vùng Kashmir do Pakistan chiếm đóng cuối tháng 9-2016 và việc thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Nam Á kể từ cuối năm 2014, v.v. đều là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của N. Modi nhằm khôi phục vị thế đứng đầu tự nhiên của Ấn Độ ở tiểu lục địa bằng cách giải quyết những xung đột và mở rộng những lĩnh vực hợp tác nếu có thể, và đối mặt với các lực lượng chống đối nếu cần thiết.
Sự khác biệt trong chính sách ngoại giao văn hóa của N. Modi với quá khứ còn là khả năng làm cho người ta ít tranh luận về chính sách này và tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết vấn đề bằng cách rà soát một loạt các lựa chọn thay thế và đưa ra các quyết định tối ưu.
Sự khác biệt này còn là phong cách ngoại giao có sức lôi cuốn, khả năng làm tan băng trong quan hệ với các đối tác. Modi đã khéo léo tạo dựng mối quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Mỹ Barack Obama, các nhà lãnh đạo khác trên thế giới như Angela Merkel, Shinzo Abe,... Điều đó góp phần nâng cao đáng kể vị thế của Ấn Độ.
Việc tăng cường tham gia của Ấn Độ trên phạm vi toàn cầu với những ý tưởng, chương trình nghị sự mới gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển bền vững; ủng hộ giải pháp công bằng cho thỏa thuận về chống biến đối khí hậu toàn cầu, loại trừ nghèo đói và ủng hộ cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên cũng là điểm sáng khác biệt của N. Modi với những người tiền nhiệm.
(4) “Từ người thực hiện quy tắc đến nhà tạo dựng quy tắc”
Những năm gần đây, Ấn Độ đang chuyển đổi toàn bộ guồng máy quốc gia từ “người thực hiện quy tắc” sang “nhà tạo dựng quy tắc”. Nhận thức của thế giới về Ấn Độ đã khác xa so với trước đây 4 năm. Ấn Độ đương nhiên là một quốc gia đang chuyển mình mạnh mẽ. Những thay đổi đã và đang diễn ra được phản ánh trong các chương trình lớn của Chính phủ. Những chương trình, chính sách đó đã và đang gặt hái được những kết quả trong thực tiễn. Ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế, gia tăng sức mạnh quốc phòng, đẩy mạnh và mở rộng công tác đối ngoại, nâng cao vị thế Ấn Độ trên trường quốc tế... đều được thực hiện tốt trong những nỗ lực lớn của ngành ngoại giao Ấn Độ để thực hiện ý tưởng ngoại giao văn hóa của N. Modi là “khám phá những ý tưởng phổ quát và định vị nó trong bối cảnh văn hóa truyền thống của Ấn Độ”(2).
Việc xây dựng và thực hiện học thuyết đối ngoại của riêng mình có tên là Panchamrit xoay quanh năm trụ cột: nhân phẩm, đối thoại, chia sẻ sự thịnh vượng, an ninh khu vực và toàn cầu và các liên kết văn hóa và văn minh bằng tư tưởng chủ đạo, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đưa Ấn Độ giành được vị thế cường quốc thế giới thay vì chỉ là người “quan sát tầm thường”(3) cho thấy sự vươn mình của Ấn Độ để trở thành “nhà tạo dựng quy tắc”. Tham vọng này được N. Modi khẳng định trong bài phát biểu tại Đại học Bamaras Hindu: “Trong thời đại hiện nay, có thể được coi là một kỷ nguyên của kiến thức, vai trò và trách nhiệm của chúng ta đã tăng lên. Chúng ta phải nổi lên như một Guru Vishwa, không chỉ để cung cấp hướng đi mới cho thế giới, mà còn để bảo vệ di sản của chúng ta”(4).
(5) “Ấn kiều của Ấn Độ”
Trong chính sách đối ngoại, Chính quyền N. Modi rất coi trọng Ấn kiều và đã có những hành động thiết thực tăng cường quan hệ sâu với Ấn kiều như gia tăng các cam kết với cộng đồng Ấn kiều, tăng cường mối quan hệ của họ với quê hương và nâng cao vị thế của họ tại nước sở tại.
Ngay sau khi lên cầm quyền (9-2014), khi tới New York để dự Hội nghị Đại hội đồng Liên Hợp quốc, N. Modi đã chủ động tổ chức một sự kiện lớn tại Quảng trường Madison Square Garden ở New York với khoảng 18 nghìn người, chủ yếu là người Mỹ gốc Ấn. Nhiều chính trị gia Hoa Kỳ tới dự vì họ thèm muốn sự ủng hộ của người Mỹ gốc Ấn, bởi họ không gắn bó lâu dài với bất kỳ một trong hai đảng nào thay nhau cầm quyền ở Mỹ và họ có địa vị cao hơn mức trung bình của Hoa Kỳ về giáo dục và sự giàu có. Họ là những cử tri và nhà tài trợ có tiềm năng (cùng ngồi với N. Modi trên khán đài có hơn 30 thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ)(5). Mở đầu bài phát biểu, Modi nói trước công chúng với lời chào mừng “Mẹ Ấn Độ”. Bài phát biểu thể hiện rõ tầm nhìn của N. Modi về thế giới và đánh giá cao của ông về Ấn kiều. Ông khẳng định: “Tới đây sẽ là thế kỷ của Ấn Độ với sức trẻ và tinh thần đổi mới của đất nước của chính cộng đồng người Ấn trên toàn thế giới”(6).
Trong các chuyến thăm của N. Modi tới Seychelles tháng 3-2015, thăm Thượng Hải, Trung Quốc tháng 5-2015, thăm Fiji tháng 8-2015, thăm Brussel tháng 3-2016, thăm Johannesburg tháng 7-2016 và nhiều nơi khác, N. Modi luôn khuyến khích, kêu gọi Ấn kiều sở tại yên tâm làm ăn, gia tăng quan hệ với Đất Mẹ. Ông gặp gỡ, trao đổi thân tình, tạo nên mối quan hệ bình dị với Ấn kiều.
Nhân kỷ niệm ngày sinh Mahama Gandhi, vào ngày 2-10-2016, N. Modi đã đích thân dự Lễ Khánh thành Trung tâm Văn hóa Ấn kiều – India Diaspora Center) ở New Delhi (Pravasi Bharatiya Kendra). Phát biểu tại Lễ Khánh thành, ông cho rằng: “Ấn Độ không chỉ nhìn nhận Ấn kiều của chúng ta về số lượng (Sankhya) mà hãy nhìn nhận về sức mạnh của họ (Shakti)(3).
Cách tiếp cận và ứng xử của N. Modi đã thúc đẩy nhiều Ấn kiều trở về với Đất Mẹ thường xuyên, đầu tư nhiều hơn, góp phần nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển của Ấn Độ.
(6) “Tăng cường kết nối văn hóa”
Chính sách ngoại giao văn hóa của Ấn Độ trong gần một nhiệm kỳ Thủ tướng N. Modi cầm quyền thể hiện rõ tư tưởng, tầm nhìn toàn cầu của người hoạch định chính sách và lãnh đạo thực thi chính sách. Modi đã tiến hành với số lượng chưa từng có các chuyến thăm, các cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo nước ngoài trên khắp năm châu. Tới đâu ông cũng giới thiệu, thể hiện, truyền bá giá trị văn hóa Ấn Độ.
Ngoại giao văn hóa thời N. Modi thể hiện rõ trong việc ông tích cực thúc đẩy giá trị truyền thống và hiện đại của Ấn Độ ra toàn thế giới. Tác giả Ted Piccone từng nói rằng: “Ông thể hiện rõ tầm nhìn về thế giới quan tâm linh về triết học sâu sắc và coi đây là những đóng góp độc đáo của Ấn Độ cho thế giới. Ông giới thiệu, quảng bá về nền dân chủ sôi động của Ấn Độ, giới thiệu về đặc điểm “thống nhất trong đa dạng”, không chỉ là phần không thể thiếu cho việc quản lý xã hội phức tạp của mình mà còn là con đường cần thiết cho hòa bình và cùng tồn tại trên thế giới, một thế giới cho phép đất nước mình mức độ phát triển và thịnh vượng, bền vững”(8).
“Là một người Hindu mộ đạo, N. Modi không ngần ngại khi giảng những đức tính mà ông coi không phải là một tôn giáo mà là một lối sống bao gồm tất cả các quy tắc gắn kết xã hội...”(9).
Ngoại giao Yoga là những nỗ lực đầu tiên của ông Modi. Ông sử dụng ngày lễ Yoga để thúc đẩy bản sắc văn hóa Ấn Độ ra thế giới. Năm 2015, ông tổ chức ngày này tại Đại lộ Raj Path với số lượng 35.985 người thuộc 84 nước tham gia thực hành 21 tư thế Yoga. Hai danh hiệu kỷ lục Guinness thế giới đã được trao cho “Lễ hội cùng tập Yoga lớn nhất”, “Nhiều quốc gia nhất cùng tham gia Yoga”(10). Năm 2016, ông tổ chức Ngày hội tập Yoga ở Chandigarh ở Punjab. Tại đây, ông nhấn mạnh sáng kiến làm cho Yoga phổ biến trên toàn thế giới. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc, N. Modi mô tả Yoga là món quà của Ấn Độ giành cho thế giới. Ông đã vận động thành công để diễn đàn này tuyên bố lấy ngày 21-6 hàng năm là ngày Yoga thế giới. Kế hoạch này đã được 177 quốc gia ủng hộ.
Ngoại giao Phật giáo cũng được N. Modi hết sức chú trọng. Ông đã từng nói: “Người ta nói rằng, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ châu Á, điều đó không có gì phải bàn cãi” và ông khẳng định: “Nếu không có Phật giáo thì thế kỷ này không thể là thế kỷ của châu Á”(11). Ông đã sử dụng lịch sử hình thành phát triển và lan tỏa Phật giáo để quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Myanma, Nepal,... Ông đã khôn khéo tiếp cận ngoại giao văn hóa bằng cách liên kết tâm linh và triết học của Ấn Độ với phần còn lại của châu Á. Ấn Độ đang thực hiện kế hoạch biến Ấn Độ trở thành một nơi hành hương của Phật tử thế giới. Modi đã xúc tiến để Ấn Độ và Nhật Bản ký hiệp định, trong đó Banaras và Kyoto trở thành những thành phố di sản văn hóa Phật giáo, cam kết sẽ cùng tham gia vào việc bảo tồn di sản, hiện đại hóa và hợp tác trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và học thuật.
Các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại được N. Modi sử dụng để giới thiệu, kết nối, tăng cường quan hệ với các nước. Ví như: chuyến thăm Iran từ 22 - 23-5-2016, ông đã giới thiệu một bản sao của tập bản thảo viết tay Panehatantra(12) từ thế kỷ XV (đang bảo quản tại thư viện Razu ở Rampur, bang Uttar Pradesh) tại cuộc trưng bày lớn về quan hệ Ấn Độ - Iran. Ông cũng trực tiếp tham dự Hội thảo “Ấn Độ - Iran - hai nền văn minh vĩ đại: Hồi tưởng và triển vọng”, trong đó các nghệ sĩ hai nước cùng ngâm thơ và biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống.
N. Modi cũng chủ trương đẩy mạnh ngoại giao trên lĩnh vực phim ảnh, truyền thông, truyền hình. Ông đã vận động Trung Quốc cùng Ấn Độ ký bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất phim, ký thỏa thuận với Việt Nam về hợp tác phát sóng giữa “Prasar Bharti” của Ấn Độ và Đài Tiếng nói Việt Nam. Một sáng kiến mới mang tên “Cộng hòa truyền hình” đã được triển khai và dần trở thành một kênh truyền thông toàn cầu song song với CNN và BBC(13).
Đánh giá về thành tựu ngoại giao văn hóa của Ấn Độ trong giai đoạn đầu N. Modi cầm quyền. Ngài Arun Jaitley, Bộ trưởng Tài chính và các vấn đề doanh nghiệp Chính phủ Ấn Độ khẳng định: “...Dấu ấn toàn cầu của Ấn Độ cho thấy, từ một nước loay hoay tìm đường phát triển, quốc gia này đang trở thành một quốc gia lãnh đạo, từ một nước tuân thủ các quy tắc đã trở thành một quốc gia đưa ra các quy tắc và thiết lập các chương trình nghị sự trên trường quốc tế”(14).
Với những minh giải trên, chúng ta thấy rằng, ngoại giao văn hóa đã góp phần rất quan trọng, có tính quyết định trong việc phát triển quốc gia dân tộc. Bài học về sự thành công trong ngoại giao văn hóa của Ấn Độ rất đáng cho chúng ta suy ngẫm.
______________________
(1), (2), (5), (14) Anirban Ganguly, Vijay Chauthaiwale, Uttam Kumar Sinha (Chủ biên), The Modi Doctrine, New Paradigms in India’s Foreign Policy, Wisdom Tree, India.
(3) Manjeet S. Pardesi, “India a Great Power? Understanding Great Power Status in contemporary international relations”, Asian Security, vol. 11, 2015, No.1.
(4) Peter Martin, “Yoga Diplomacy: Narendra Modi’s Soft Power Strategy”, Foreign Affairs, 2015, 25 January, http://www.foreignaffairs.com.
(6) “Madison Square Garden Spot for India’s Modi on US visit”, http://www.bbc.com.
(7) DNA (2016), “PM Modi inaugurates Pravasi Bharatiya Kendra in Delhi”, 2 October, http://www.dnaindia.com.
(8), (9) Piccone T. (2016), Five Ricing Democracies and the Fate of the International Liberat, Orde. Brookings Institution Press: Washington DC.
(10) “10 quotes from Narendra Modi’s Yoga Day Speech”: “Make Yoga a part of one’s address”, Indian Express (2016a).
(11) Bhavna Vij Aurona, “PM Narendra Modi keen on projecting India as a “soft power”, uses Buddha connect in foreign policy”, Economic Times, ngày 9-1-2017.
(12) Truyện ngụ ngôn Ấn Độ.
(13) Republic TV leads even as ratings fall, Indian television ngày 7-9-2017.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2018
http://lyluanchinhtri.vn