1. Giới thiệu
Là một nhà nghiên cứu và đại diện cho Ấn Độ, có vinh dự là một phần của truyền thống Ấn-Hoa (Indo-Chinese) tuyệt vời của khu vực Đông Nam Á, tôi xin gửi đến những người Việt cao qúy lời chào mừng và mong ước tốt lành từ nhân dân Ấn Độ. Tôi cũng nhớ về người Cha già của dân tộc Việt Nam vĩ đại, người mà từ khi còn thơ ấu tôi đã nghe gọi là “Bác Hồ.” Tên người thật sự là rất quen thuộc với người Ấn Độ, và những sử gia của chúng tôi gọi người là “cầu nối giữa cuộc Vạn lý trường chinh của Mao và guồng quay tơ của Gandhi.” Khoảng hai năm trước, Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày hoà đàm lịch sử giữa các ông Nehru và Hồ Chí Minh diễn ra vào tháng 10 năm 1954 cũng tại thành phố này. Trong tinh thần tiếp nối những truyền thống tốt đẹp này của hai quốc gia, tôi đã đồng ý tham dự vào hội nghị này, là sự kiện mà những người tổ chức đã mô tả là “khởi đầu thảo luận” về tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á.
Tôi cũng biết khá rõ về những đạo luật liên quan đến tôn giáo ở vùng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Mọi người đều biết rằng Đạo luật 70 và những điều khoản khác của bản Hiếp pháp Việt Nam năm 1992, Pháp lệnh về tôn giáo năm 2004, Nghị định hướng dẫn năm 2005, và những Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về đạo Tin Lành vào cùng năm đó đã cung cấp một khung luật pháp bảo hộ cho tự do tôn giáo và quyền lợi của các nhóm tôn giáo. Tôi chắc rằng những người cùng tham dự ở đây đều rất thông thạo về nội dung và cách tiến hành những đạo luật này, tôi sẽ không nói nhiều về phần này. Thay vào đó, tôi xin phép được trình bày tổng quan về những luật về tôn giáo và tự do tôn giáo của Ấn Độ, và cả những kinh nghiệm về tác động của tôn giáo – về cả thực tế và khả năng – đến sự phát triển và ổn định xã hội.
Tự hào là một công dân của đất nước đã sản sinh ra tôn giáo hiện đang có vị trí đáng kể nhất tại Việt Nam, cho phép tôi kể về việc một triết gia kiêm thi sĩ vĩ đại của tiểu lục địa này, tiến sĩ Dr Sir Mohammad Iqbal, đã có lần cất tiếng ca thương như sau:
Qaum ne paigham-e-Gautam ki zara parwa na ki
Qadr pahchani na apne gauhar-e-yak-dana ki
Aah badqismat rahe aawaz-e-haq se bekhabar
Ghafil apney phal ki shirini se hota hai shajar
Barhaman sarshar hai abtak mae-e-pindar mein
Sham-e-Gautam jal rahi hai mahfil-e-aghyar mein
Tạm dịch:
Người Ấn Độ đã không màng đến thông điệp của Đức phật
Họ đâu nhận ra những hạt ngọc họ có thật hiếm quý
À! Những kẻ bất hạnh vẫn luôn lờ tảng lời nói của chân lý
Như cái cây kia không biết những trái mình sinh ra rất ngọt
Say trong men kiêu ngạo, người Brahmins vẫn chỉ tay trắng thôi
Và ánh sáng cuả Đức Phật đang chiếu soi những miền đất xa xôi.
Vì thế, kho tàng tâm linh mà người Ấn Độ chúng tôi đánh mất may mắn thay lại đang được gìn giữ ở quốc gia này. Và, trong tinh thần đó, cũng là tinh thần của những niềm tin khác trên thế giới, tôi cho rằng những niềm tin này cần phải được xem là di sản chung của nhân loại và có tiềm năng lớn lao trong việc phát triển và ổn định xã hội.
Rõ ràng tôn giáo và luật pháp vẫn là hai cơ chế điều khiển xã hội mạnh mẽ nhất trên khắp thế giới, ngay cả trong thế kỷ 21 này. Những nỗ lực của nhiều cá nhân, quốc gia và các lý tưởng trong quá khứ nhằm kiềm chế tôn giáo đã chưa bao giờ đạt được thành công lâu dài. Dĩ nhiên, mối quan hệ tương hỗ giữa tôn giáo và luật pháp đang thay đổi, và phải thay đổi tùy theo thời thế. Có một lúc tôn giáo hoàn toàn điều khiển luật pháp, nhưng trong thời đại của chúng ta, chính luật pháp – quốc gia và quốc tế – quyết định phạm vi của tôn giáo và hoạt động tôn giáo hầu như ở khắp nơi trên thế giới. Bây giờ tôn giáo phải hoạt động dưới mô hình Pháp quyền mà nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận thông qua những tài liệu về nhân quyền thế giới, và một số khác thì thông qua luật quốc nội về những quyền tự do dân sự.
2. Công cụ của quyền con người và Luật pháp Ấn Độ
Ấn Độ đã thức tỉnh trước một bình minh dân chủ mới, chủ nghĩa thế tục và sự tự do dân sự khoảng một năm sau khi các quốc gia trên thế giới bắt tay để ban hành Tuyên ngôn Toàn thế giới về quyền con người, nói rằng: “tất cả mọi người sinh ra đều được bình đẳng về nhân phẩm và các quyền” (Điều 1) và rằng:
"Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do nêu trong Bản tuyên ngôn này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các vị thế khác."
-- Tuyên ngôn Toàn thế giới về quyền con người 1948, Điều 2
Hiến pháp mà người Ấn Độ chúng tôi “ban hành, thông qua, và áp dụng cho chính chúng tôi” vào tháng Giêng năm 1950 rõ ràng phản ánh tinh thần của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người. Kể từ lúc đó, luật pháp quốc tế đã thúc đẩy một cơ chế khoáng đạt của sự tự do tôn giáo cho các cá nhân và các nhóm phái, cũng như sự bình đẳng của mọi tôn giáo và mọi thành viên của các tôn giáo đó, như là những biểu hiện của quyền căn bản của con người. Hai tài liệu chính mà Liên Hiệp quốc công bố về vấn đề những năm sau đó là Bản Tuyên ngôn 1981 Về việc loại bỏ mọi hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo hoặc niềm tin, và Bản Tuyên ngôn 1992 về quyền con người thuộc về các nhóm sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số. Bản Tuyên ngôn thứ nhất nói rằng:
"Sự phân biệt đối xử giữa con người với nhau trên cơ sở tôn giáo hoặc niềm tin là sự sỉ nhục nhân phẩm con người và chối bỏ những nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp quốc, và bị xem là sự vi phạm nhân quyền cũng như những tự do căn bản mà Bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền đã công bố, cũng như đã nêu chi tiết trong Hiệp ước Quốc tế về Quyền Con người, và được xem là một vật cản cho các mối quan hệ hữu nghị và hòa bình giữa các quốc gia".
-- Bản Tuyên ngôn về việc loại bỏ mọi hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo hoặc niềm tin, Điều 3
Bản Tuyên ngôn đòi hỏi mọi quốc gia phải “có biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn và xóa sổ sự phân biệt đối xử trên cơ sở tôn giáo hoặc niềm tin một khi đã nhìn nhận, thực thi và vui hưởng quyền con người cũng như những tự do căn bản khác trong mọi lĩnh vực dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.” [Điều 4].
Bản Tuyên ngôn thứ hai của Liên Hiệp quốc công bố rằng:
"Những người thuộc về các nhóm sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số có quyền được gìn giữ chính văn hóa của họ, được công bố và thực hành tôn giáo của họ, và được dùng ngôn ngữ của họ ở chốn công cộng hay nơi riêng tư, không bị cản trở hay bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào".
-- Bản Tuyên ngôn về quyền con người được thuộc về các nhóm sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số 1992, Điều 2.1
Trong khi công nhận các nhóm thiểu số có quyền tham dự vào quá trình đưa ra quyết định và thiết lập cũng như duy trì đoàn thể của họ, Bản Tuyên ngôn này cũng nói rõ rằng:
"Những người thuộc các nhóm thiểu số có quyền thiết lập và duy trì, mà không bị phân biệt đối xử, những mối quan hệ tự do, hòa bình với các thành viên khác trong nhóm của họ, và với những người thuộc các nhóm thiểu số khác, cũng như những mối quan hệ vượt ra ngoài lãnh thổ với các công dân của các quốc gia khác mà họ có những liên kết về sắc tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ".
-- Bản Tuyên ngôn về quyền con người được thuộc về các nhóm sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số 1992, Điều 2.5.
Bản Tuyên ngôn cũng nói rằng nghĩa vụ của mọi nhà nước là bảo vệ sự hiện hữu và nhân phẩm của các nhóm thiểu số của họ, và “tạo điều kiện thuận lợi bằng cách thông qua lập pháp và những biện pháp khác nhằm thực thi hiệu quả mọi quyền mà Bản Tuyên ngôn này đã công bố, cũng như mọi quyền con người và các quyền tự do căn bản khác.”
Kể từ khi ban hành hai tài liệu bổ sung về quyền con người này, lần lượt theo từng tài liệu trong suốt thập niên 1981-1992, Ấn Độ đã hết sức nỗ lực để khích lệ tinh thần của văn bản đó, giống như UDHR, vào khung luật pháp thông qua chỉnh sửa Hiến pháp, lập pháp và tuyên bố ở tòa án.
Tôi không có ý nói rằng Ấn Độ giờ đang có một cơ chế lý tưởng mà toàn thế giới phải học hỏi. Vẫn còn nhiều điều Ấn Độ phải làm, đặc biệt là về việc mỗi ngày áp dụng luật về tự do tôn giáo và quyền thiểu số. Tuy nhiên, tôi muốn khích lệ thính giả của tôi về tiến trình mà người Ấn Độ chúng tôi đã đạt được cho đến ngày nay đặc biệt về những lý tưởng này, và chỗ đứng của xã hội Ấn Độ ngày nay trong bối cảnh tác động của tôn giáo trên sự phát triển và bình ổn xã hội.
3. Các Mối quan hệ giữa Tôn giáo và Nhà nước ở Ấn Độ
Người Ấn Độ chúng tôi sống tại một khu vực trên thế giới mà nơi đó mỗi người láng giềng của chúng tôi đều đối đãi với một tôn giáo này hay tôn giáo kia như đó là tôn giáo chính thức của nhà nước – gần đây, đạo Hin-đu được xem là chính giáo của Nepal, Phật giáo là chính giáo của Bhutan và Sri Lanka, Islam giáo là chính giáo của Pakistan, Bangladesh và Maldives. Trái ngược với tất cả những điều này, Ấn Độ – dù phần đông dân số theo một tôn giáo nào đó – chưa bao giờ gán một địa vị như thế cho bất cứ tôn giáo nào. Vậy mà chúng tôi lại là một quốc gia có tôn giáo đậm sâu, có quan tâm lớn tới thần thánh và tâm linh, và cũng không bao giờ ngại ngùng tìm kiếm ánh sáng từ những dạy dỗ tôn giáo, ngay cả trong những vấn đề trần tục hiện thời. Bản chất đó trong tinh thần dân tộc Ấn Độ phản ánh Hiến pháp và luật pháp của quốc gia chúng tôi, và những nhà lãnh đạo đất nước cũng luôn nhớ rõ điều đó trong công việc của họ hằng ngày.
Sự đa nguyên tôn giáo là tinh chất của chính sách Ấn Độ, đã được nhấn mạnh rất nhiều bởi tòa án tối cao trong việc đưa ra phán quyết về quyền của nhóm thiểu số:
"Ấn Độ là nước đông dân nhất trên thế giới. Cư dân sống trên vùng đất rộng lớn này có nhiều tôn giáo khác nhau và nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Đó là một bức khảm của nhiều tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Mỗi một thứ đó đều để lại dấu ấn trên chính sách Ấn Độ và Ấn Độ ngày nay đại diện cho sự tổng hợp của tất cả những điều này. Bất chấp sự đa dạng về tôn giáo và ngôn ngữ, xuyên suốt nền tảng quốc gia là sợi chỉ vàng của sự thống nhất căn bản có tính bẩm sinh."
-- HR Khanna, J, in St Xavier's College case, Supreme Court of India, 1974
Lời mô tả đầy thẩm quyền về Ấn Độ như một bức khảm tượng trưng cho sự tổng hợp nhiều tôn giáo và văn hóa khác nhau chỉ là một dấu ấn chắc chắn về phương diện luật pháp của một thực tại hiển nhiên. Sự đa nguyên tôn giáo-văn hóa là quá khứ, hiện tại và tương lai của Ấn Độ; trên thực tế là trái tim, là linh hồn. Không một tôn giáo nào bị cho là ngoại lai tại Ấn Độ; Ấn Độ cũng không phải một vùng đất xa lại cho bất cứ tôn giáo nào. Những nhân vật tôn giáo vĩ đại của Ấn Độ – Rama và Krishna, Đức Phật và Mahavira – tất cả đều nổi tiếng trên thế giới loài người khi hai tôn giáo toàn cầu, Ki tô giáo và Islam giáo, lần lượt xuất hiện trên thế giới. Không có tôn giáo nào phủ nhận xu hướng tâm linh của Ấn Độ – cả hai đều xem Ấn Độ là tổ quốc và Ấn Độ cũng mở rộng vòng tay đón nhận. Hai ngàn rưỡi năm hiện diện tại Ấn Độ đã khiến Ki tô giáo và Islam giáo một phần của bức tranh truyền thống tôn giáo-văn hóa Ấn Độ.
Tại Ấn Độ ngày nay, những người theo Hin đu giáo chiếm đại đa số ở phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, quốc gia chúng tôi là một đất nước liên bang rộng lớn với ba mươi lăm đơn vị lập hiến, 6 trong số đó có số đông tín đồ tôn giáo không thuộc Hin đu giáo – 3 trong số đó là Ki tô giáo, 2 trong số đó Islam giáo và 1 là đạo Sikhs. Số tín đồ Islam giáo của chúng tôi là 140 triệu, đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới này, chỉ sau Indonesia; và chúng tôi có gần 25 triệu công dân là Ki tô hữu thuộc về nhiều giáo hội khác nhau. Trong số những nhóm tôn giáo thiểu số khác ở Ấn Độ thì có Phật giáo, đạo Xích (Sikhism), đạo Giai-na (Jainsism), đạo Do Thái và đạo Bà-hai (Bahaism).
Một lý do chính khiến cho có sự phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới nằm trong những thái độ tùy tiện cho rằng chỉ một tôn giáo này là đúng hay là một hệ thống tâm linh siêu việt, và trong nhận thức phổ biến vốn xem các tôn giáo cụ thể như những tôn giáo tự nhiên của các quốc gia-dân tộc cụ thể trong thời đại chúng ta. Nguồn gốc mỗi tôn giáo của chúng ta được gán cho một quốc gia-dân tộc nào đó, trong khi tất cả mọi tôn giáo trên thực tế ra đời từ trước khi khai sinh ý niệm về quốc gia. Đây thật là một vấn đề nan giải. Những xướng ngôn viên thật sự của mọi tôn giáo, và thực ra là của tính nhân văn chân chính, phải thức tỉnh trước tiềm năng gây sự phân biệt đối xử và bất công. Họ phải nhận thức và chấp nhận rằng mọi tôn giáo là di sản chung của toàn thể nhân loại. Những người sáng lập các tôn giáo có thể đã chào đời vào thời lịch sử xa xôi nào đó, trong những làng quê hẻo lánh nào đó; nhưng không có một tôn giáo nào là chỉ dành riêng cho một khu vực địa lý hay một thực thể chính trị của quá khứ hoặc hiện tại. Liều thuốc thật sự nằm trong chỗ cắt đứt mối liên hệ giữa nơi sinh của những người sáng lập và các tôn giáo, đồng thời chấp nhận bản chất hoàn vũ của các tôn giáo. Cũng tại Ấn Độ, nhiều lý tưởng tôn giáo-chính trị đôi khi cố gắng phân biệt giữa những tôn giáo bản địa và du nhập vào, nhưng sự phân biệt này hoàn toàn không được luật pháp Ấn Độ thừa nhận.
Các nhóm tôn giáo thiểu số vẫn hiện hữu dù có một tôn giáo của đa số hay không – và sự bảo vệ các nhóm thiểu số trên thực tế là sự bảo vệ các quyền của con người. Có người nói rằng mức độ văn minh của một quốc gia được đo lường bởi cách quốc gia đó đối xử với những nhóm thiểu số – vì “thiểu số” và “đa số” chỉ là những thuật ngữ toán học cho thấy số lượng của các nhóm khác nhau trong một thực thể chính trị cụ thể, và không có liên hệ gì tới quyền lợi pháp lý của họ. Luật quốc tế định nghĩa “thiểu số” là “một nhóm có số lượng ít hơn phần còn lại trong dân số của một quốc gia, không giữ vị trí thống trị, có những đặc điểm dân tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo khác biệt với phần còn lại của dân số.” Chức năng của Luật pháp là bảo đảm “thiểu số” này không bị biến thành tầng lớp thấp kém về chính trị và xã hội, và nhóm thiểu số này không bị cai trị bởi nhóm đa số.
Như đã công bố rất rõ ràng trong Hiến pháp, Ấn Độ là một nước dân chủ, xã hội chủ nghĩa và cộng hòa thế tục [Lời Mở đầu, đã tu sửa năm 1976]. Trên thực tế, một nền dân chủ thực thụ đòi hỏi phải mang tính không thiên vị về tôn giáo để bảo đảm cơ hội bình đẳng cho mọi người chia sẻ những tài nguyên quốc gia – thiên nhiên và vật chất. Nơi nào người dân không được hưởng quyền con người cách bình đẳng, hoặc không thể tự do dự phần vào bộ máy hành chính của một đất nước mà không bị kỳ thị, nơi nào có sự phân biệt tôn giáo hoặc thiên vị một số nhóm công dân đặc biệt nào đó về nhiều vấn đề hiện tại và phân biệt cụ thể về cộng đồng tới mức hạn chế tự do tôn giáo, thì nơi đó nền dân chủ mà người ta tuyên bố chỉ là trò giả hình chính trị, và là sự phủ nhận rõ ràng niềm tin thể chế quân chủ như một “chính quyền của dân, do dân và vì dân.”
Theo quy định của Hiến pháp, chính phủ Ấn Độ không thể phân biệt đối xử các công dân dựa trên nền tảng tôn giáo của họ [các điều khoản 15-16]. Mọi công dân đều bình đẳng trước Chính phủ, và mọi người đều được sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp [Các điều khoản 14-15]. Các tín đồ Ki tô giáo, các nhóm, các hệ phái và cộng đồng được bảo đảm sự tự do tôn giáo – tức là mọi người có sự tự do tin tưởng, công bố, thực hành và cổ xúy cho tôn giáo; trong khi đối với các hệ phái tôn giáo thì có những quyền lợi ràng buộc công việc của riêng họ trong tôn giáo; thiết lập và duy trì các tổ chức tôn giáo và từ thiện; và được thu nhận, sở hữu cũng như điều hành tài sản [Các điều khoản 25-26]. Dĩ nhiên sự tự do tôn giáo phải diễn ra trong giới hạn trật tự, đạo đức, sức khỏe công cộng và sự cho phép của Hiến pháp. Hiến pháp cũng nói rõ thêm rằng sự tự do tôn giáo không được ngăn chặn Chính phủ thực thi những biện pháp đem lại “phúc lợi và cải cách xã hội” cũng như “điều tiết hoặc hạn chế bất cứ hoạt động kinh tế, tài chính, chính trị hoặc thế tục nào khác vốn có thể liên đới tới hoạt động tôn giáo” [Điều khoản 25:2].
Đối với mọi “bộ phận công dân” có ngôn ngữ, văn hóa riêng biệt, Hiến pháp bảo hộ quyền duy trì ngôn ngữ và văn hóa đó [Điều khoản 29]. Ý thức rằng cuộc sống trong một chế độ dân chủ là một trò chơi của những con số trong đó cái thiểu số, đặc biệt về vấn đề giáo dục, có thể dễ dàng bị che khuất bởi số đông, Hiến pháp thiết lập một cơ chế tự quản giáo dục cho dân thiểu số qua đó trang bị cho họ quyền thiết lập và điều hành những tổ chức giáo dục của riêng họ ở mọi cấp bậc [Điều khoản 30]. Để bảo đảm tính bình đẳng cho các tôn giáo, Hiến pháp nghiêm cấm truyền đạt kiến thức tôn giáo trong các cơ quan giáo dục hoàn toàn dựa vào ngân sách của chính phủ, nhưng cho phép các cơ quan giáo dục tư nhân được chính phủ thừa nhận và hỗ trợ giáo dục về tôn giáo cũng như hành vi thờ cúng – dĩ nhiên, miễn là học sinh không bị bắt buộc phải tham dự những chương trình này, trái ý muốn của họ hoặc của người bảo hộ nếu họ còn nhỏ [Điều khoản 27]. Những điều khoản này của Hiến pháp được thể hiện qua hàng triệu các cơ quan giáo dục tư nhân thành lập và điều hành bởi nhiều hệ phái và nhóm phái khác nhau.
Trong khi ghi nhận chi tiết những Quyền cơ bản của công dân, Hiến pháp cũng ràng buộc họ với một số Nghĩa vụ cơ bản – trong số đó có nghĩa vụ “cổ xúy cho sự hòa hợp và tinh thần anh em giữa tất cả mọi người dân Ấn Độ bất kể những khác biệt về tôn giáo, ngôn ngữ và khu vực”, đồng thời “đề cao và bảo tồn di sản văn hóa tổng hợp của chúng ta” [Điều khoản 51-A]. Với sự quân bình hợp lý giữa quyền lợi và nghĩa vụ của các công dân, cũng như giữa những xu hướng tôn giáo của người dân và trách nhiệm của Chính phủ, Hiến pháp Ấn Độ dường như thi hành câu châm ngôn “Hãy trả cho Đức Chúa trời những gì thuộc về Ngài và trả cho Caesar những gì thuộc về Caesear.”
Điều đáng lưu ý đó là loại hình thế tục mà Ấn Độ đã tiếp nhận không có nghĩa là sự từ bỏ hoặc ghê tởm tôn giáo. Trong Hiến pháp không hề có cái gọi là “bức tường ngăn cách” dựng lên giữa tôn giáo và nhà nước – tôn giáo có thể và được luật pháp cho phép giữ vai trò trong một số công việc của nhà nước và ngược lại. Hiến pháp và luật pháp Ấn Độ khẳng định sự bình đẳng của mọi tôn giáo trước nhà nước, và nhà nước đứng trung lập trước mọi tôn giáo để không có sự phân biệt đối xử đối với bất cứ niềm tin nào. Nhà nước không thể thu thuế từ các công dân đặc biệt là để phát triển một tôn giáo cụ thể nào đó [Điều khoản 28], cũng không có điều nào ngăn cấm ngân khố nhà nước chi ra để giữ những cơ sở tôn giáo mà không gây nên sự phân biệt đối xử trong cộng đồng cụ thể.
Lá cờ quốc gia Ấn Độ với màu vàng nghệ, xanh lá, trắng và bánh xe pháp (đức tin) được nhiều người Ấn xem là một biểu tượng tôn giáo, dẫu rằng các văn bản pháp lý thì không ngụ ý này. Dù trong trường hợp nào, quốc ca của Ấn Độ rõ ràng có màu sắc tôn giáo nhiều hơn. Lấy từ một bài hát tiếng Băng-gan, bài hát cầu khẩn Chúa: Jan gan man adhinayak jaya hey Bharat bhagya vidhata – “Chiến thắng thuộc Ngài: Trí tuệ siêu việt của quần chúng, Đấng quyết định vận mệnh của Ấn Độ.” Tuy không chống lại độc thần giáo, luật pháp Ấn Độ không bắt buộc bất cứ ai hát bài hát này nếu nó chống lại nền tảng tôn giáo của họ [trường hợp Nhân chứng Jehovah, Tòa án Tối cao Ấn Độ, 1987]. Điều này trở nên khả dĩ vì chủ nghĩa thế tục của Ấn Độ dung dưỡng sự nhạy cảm với vấn đề tôn giáo của mọi người và không hề có sự kỳ thị nào.
Cũng bởi bản chất độc nhất của chủ nghĩa thế tục của Ấn Độ mà tôi đã giải thích, nhà nước Ấn Độ đã tổ chức những kỳ lễ tôn giáo nội đia cho nhiều cộng đồng khác nhau và nhiều nhóm hành hương ngoại quốc, tổ chức Lễ Ban thánh thể và tôn vinh những chức sắc giáo hội được quý trọng, cấp quỹ cho việc duy trì những địa điểm thờ cúng và thi hành việc quản lý tài chính tại các đền thờ của nhiều tôn giáo khác nhau.
4. Tôn giáo với Sự phát triển và Ổn định của Xã hội
Một văn hóa pháp lý dựa trên chủ nghĩa thế tục, tính bình đẳng, sự không phân biệt và tự do tôn giáo hợp lý cho mọi người tạo nên một tiềm năng vĩ đại cho sự phát triển và ổn định của xã hội. Cách nhìn về tôn giáo và cách sử dụng tôn giáo có thể tạo nên một tác động tích cực hoặc tiêu cực, ngăn trở hoặc đẩy mạnh sự phát triển xã hội, và tạo ra hoặc phá hủy sự bền vững xã hội. Tại Ấn Độ, tôn giáo đã được chính thức sử dụng để đạt được những mục tiêu mong muốn trong lĩnh vực giáo dục, sức khỏe và các quan hệ gia đình.
Việc xóa mù chữ đã được đẩy mạnh bằng cách nhắc nhở mọi người về lời dạy của các tôn giáo khác nhau về vấn đề giáo dục – giáo lý của đạo Hin đu về vidyadan [phần thưởng của sự học hỏi], huấn thị của Islam giáo cho các môn đệ phải “tiếp thu tri thức ngay cả khi nếu tri thức đó tìm thấy tại Trung Hoa” [có nghĩa là ở những vùng đất rất xa], vân vân.
Trong lĩnh vực sức khỏe, những lời dạy của tôn giáo cùng với nhiều dịch vụ của các học giả và diễn giả tôn giáo đã được dùng để bảo hộ những đứa trẻ mới sinh khỏi bệnh bại liệt, và những bệnh tương tự, cũng như những biện pháp phòng ngừa. Trong khi Luật Hình sự Ấn Độ tuyên bố rằng cố gắng tự sát là một tội lỗi, những quy định tôn giáo chống lại việc tự sát cũng được xem là một công cụ hữu hiệu để trang bị cho mọi người tránh xa việc làm có hại này. Các bản văn tôn giáo ca ngợi những đức hạnh của các gia đình nhỏ và cho phép sử dụng các biện pháp phòng tránh thai. Tiềm năng của những sự giáo dục tôn giáo đã được đem ra sử dụng, dù là rất cẩn thận, để khuyến khích cấy ghép các bộ phận cơ thể.
Nhận thức tính chất thiêng liêng tôn giáo của hôn nhân đẩy mạnh sự ổn định trong gia đình, Ấn Độ đã tiếp nhận hai chế độ luật pháp gia đình. Người ta có một lựa chọn lập gia đình và hình thành một gia đình dưới những quy định của cộng đồng, phần lớn rút ra từ những ý niệm tôn giáo hoặc dưới luật dân sự vốn không liên hệ gì tới các niềm tin tôn giáo. Dù những người muốn lập gia đình trong cộng đồng tôn giáo của riêng họ có lựa chọn này, luật pháp hoàn toàn chấp nhận hôn nhân giữa các tôn giáo. Một hôn nhân sắp đặt trước có thể được chuyển thành một hôn nhân dân sự, chứ không phải ngược lại.
5. Kết luận
Trong việc chấp nhận chủ nghĩa thế tục và sự bình đẳng cho các tôn giáo, và tích hợp những ý tưởng này vào luật pháp nội địa, Ấn Độ đứng chung với nhiều nước lớn khác trong thế giới con người hiện tại. Về vấn đề tự do tôn giáo và không phân biệt đối xử, có nhiều điểm tương đồng giữa Hiến pháp Ấn Độ và hiến pháp của nhiều nước khác. Điều đáng tiếc đó là những người cổ xúy cho các điều luật này đôi khi có khuynh hướng xem thường những điều kiện tiền lệ căn bản của họ – tức là sự chấp nhận không điều kiện, trong lý thuyết và thực hành, một sự bình đẳng tuyệt đối của mọi tôn giáo và mọi thành viên của các nhóm tôn giáo nhìn từ góc độ nhà nước và luật pháp. Đây là một mâu thuẫn có khuynh hướng biến chủ nghĩa thế tục thành chế độ thần trị.
Tại Ấn Độ, bộ máy tư pháp thi hành chức năng thực thi quá trình thế tục hóa và xóa bỏ những nỗ lực hòa lẫn tính thế tục với chế độ thần trị. Trong một vụ kiện trước đây, Tòa án Tối cao đã cảnh báo mọi người rằng họ phải biết phân biệt giữa tôn giáo với những niềm tin mê tín và những sự đề cao người khác một cách không cần thiết [trường hợp Ajmer Dargah, Tòa án Tối cao Ấn Độ, 1961]. Trong một trường hợp mới đây, nhiều phản đối nổi lên tại Kerala - một tiểu bang theo chủ nghĩa cộng sản của Ấn Độ - về việc đề cử những thành viên làm ủy ban đền thờ do những nhà lập pháp của đạo Hin đu thực hiện dựa trên nền tảng họ đã thề công khai trước Chúa, chứ không phải trước Ishwar [một tên khác để gọi Chúa], và cũng không thực sự thực hành niềm tin Hin đu giáo giống như quần chúng. Tòa án Dân sự tối cao đã bác bỏ các kháng cáo, nói rằng không có sự khác biệt giữa “Chúa” và “Ishwar” và việc thực hành các nghi lễ là không cần thiết cho mục đích vẫn tuân thuộc một tôn giáo.
Bảo vệ chủ nghĩa thế tục mà không nhất thiết phải cắt bỏ quyền tự do tôn giáo căn bản của các cá nhân và các nhóm trong xã hội – đặc biệt là những người thiểu số – là một nhiệm vụ mà bộ máy tư pháp và các cơ quan khác của nhà nước phải thực hiện trong mọi xã hội dân chủ công khai tuân thủ lý thuyết được quốc tế nhìn nhận về quyền con người, đặc biệt là quyền bình đẳng và tự do tôn giáo.
Những cuộc tranh luận về tôn giáo là các vết tích cay đắng của quá khứ. Chúng ta không thể phục hưng chúng trong thế kỷ 21 với những tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc. Nếu chúng ta tiếp tục tìm kiếm các bản văn tôn giáo của nhau nhằm liệt ra những phân đoạn thoạt nhìn có vẻ như không thể chấp nhận được đối với chúng ta, thì chúng ta sẽ chẳng đi tới đâu cả. Những phân đoạn đó là những điều thuộc về quá khứ. Chẳng có ai làm theo chúng nữa; cũng không ai cần phải làm theo cả. Có rất nhiều điều trong tất cả các bản văn tôn giáo có thể đem chúng ta lại với nhau. Chúng ta phải tập trung vào những bản văn nhân bản tươi mới, và cố gắn tiệm cận – đem mọi dân tộc đến gần nhau hơn.
Những khái niệm đại loại như “chủ nghĩa văn hóa dân tộc", “chính sách một văn hóa” và “đồng hóa các dân thiểu số” chống lại những ý niệm quốc tế vốn phản đối sự kỳ thị và phân biệt về tôn giáo. Chúng ta phải tránh xa những khái niệm này và chấp nhận những lý tưởng về nền văn hóa hợp chủng và sự đa nguyên tôn giáo. Tiếp nối tầm quan trọng của xã hội và tác động của tôn giáo là một thực tại vững vàng diễn ra trên khắp thế giới. Ngay cả Hoa Kỳ, với chính sách “bức tường ngăn cách” giữa tôn giáo và nhà nước trong Hiến pháp, đã lãng quên thực tại này – như điều đã thấy rõ từ phản ứng của đại đa số người trong một trường hợp mới đây, việc hát lời Tuyên thệ trong các trường học với cụm từ “một quốc gia dưới Đức Chúa trời” đã bị một số đối tượng thế tục cực đoan phản đối mạnh mẽ.
Một làn gió mát thổi từ hai nền dân chủ lớn nhất thế giới – Ấn Độ và Hoa Kỳ – đang được làm mới lại và xứng đáng được sự chú ý của các dân tộc khắp nơi trên thế giới.
Nguồn: vnctongiao.vass.gov.vn và https://vanhoanghean.com.vn