Solomon xa xôi
Thanh Hòa là công ty đầu tiên khám phá ra thị trường nguyên liệu gỗ Solomon. Năm 2000, anh Lê Đình Ba đang công tác tại Lào thì được công ty gọi về để bay đến chuỗi đảo tít tận nam Thái Bình Dương này.
Lần đầu, khi đọc cái tên Ba Le Dinh, nhân viên xuất nhập cảnh ngờ ngợ anh với... trùm khủng bố Bin laden! Nghe anh giải thích, vỡ lẽ ra, họ cười xòa. Về sau, mỗi khi từ VN bước xuống phi trường thủ đô Honiara, họ chỉ lướt qua visa của anh, đón chào:
"Welcome home!".
Theo anh, người Solomon rất thân thiện và hiếu khách. Có dịp là họ nhảy, đặc biệt điệu lắc mông của các thiếu nữ mới uyển chuyển, gợi mở làm sao. Trong mắt anh Ba, người Solomon quen với sóng gió tự thiếu thời, sức chịu đựng của họ là vô song khi gắn đời mình với đảo. "Cả đời họ đầu trần chân đất. Thuyền độc mộc gắn bó họ từ khi lọt lòng đến khi chết. Họ yêu thiên nhiên và âm nhạc. Tiết tấu nằm trong máu họ trước khi biết đến cái gọi là nhạc lý. Họ cũng yêu con người và như người Việt, rất yêu hòa bình, chán ghét chiến tranh", anh nhận xét.
Năm 2000, lần đầu tiên đặt chân đến Solomon, một nhóm công nhân gỗ ở Guadalcanal hỏi anh từ đâu đến. Anh bảo họ đoán. Họ gọi tên một số nước ở châu Á nhưng chờ mãi chẳng nghe VN. Đến khi biết anh là người Việt, họ sực nhớ những điều đã nghe, đã thấy trên tivi hoặc qua những bộ phim chiến tranh. Họ nói về những căn hầm, bụi tre, địa đạo... nhất là địa đạo Củ Chi kèm nhận xét: "Cả thế giới, chỉ có VN ông đánh Mỹ". Theo anh Ba, nhìn nét mặt và nghe ngữ điệu, anh hiểu họ nói "ông" chứ không phải "mày" như những "thằng Tây" khác.
Đa dạng về sắc dân nên Solomon có ít nhất 70 loại ngôn ngữ bản địa trong khoảng 100 thứ tiếng địa phương đang được sử dụng. Cũng do vậy, chính phủ quy định dùng chung tiếng Anh và tiếng Pidgin, bởi nếu không như thế, biết làm sao thống nhất đảo quốc? Theo anh Ba, người Solomon nói tiếng Anh không theo ngữ pháp English. Tư duy văn phạm của họ cũng giống người Việt mình. Ví dụ khi anh hỏi: "How are you?" Họ đáp: "Me alright no more", tức tôi khỏe không gì hơn. Hoặc họ ít khi nói từ "we" mà dùng: "Me you go", tức chúng ta đi. Từ "got them" họ đọc "ga rem" nghĩa là "có". Khi họ nói: "Me ga rem", tức tôi có. Nói "Go long Honiara", tức đi tới Honiara. Nói "Me love you", tức I love you/Anh yêu em. Quen dùng me, họ hiếm khi dùng chữ I. Anh Ba phân tích...
Tôi hỏi anh Ba về những tấm hình chụp một cô gái 21 tuổi mà cô to lớn quá! Anh cười: "Hình thể người Solomon phát triển sớm hơn người VN". Tôi thắc mắc, có phải do... yêu sớm nên tuổi thọ trung bình của người Solomon chỉ 50 tuổi? Anh Ba: "Chịu! Tôi chỉ biết ở Solomon tuổi nghỉ hưu là 50. Khi nghe nói về nhiều cụ già VN sống trên 100 tuổi, họ trợn tròn mắt, ngạc nhiên. Ngược lại, ở Solomon có những điều ở VN thường gọi là ưu việt. Trị bệnh trong 1 tuần, chỉ phải trả viện phí 27 SBD, tương đương 4 USD, miễn phí tiền thuốc, tiền giải phẫu. Nếu bệnh nặng, nằm lâu, miễn luôn viện phí. Tuy nhiên, những người dân ở đảo xa, không ít khi phải nhờ đến thầy lang. Họ giỏi về bó xương, trật đả".
Anh Ba cho biết, về giáo dục, học sinh tiểu học và trung học không phải trả học phí. Cao đẳng thì có học phí, các trường nổi tiếng nhất, theo thứ tự: Lâm nghiệp, Nông nghiệp, Cơ khí điện. Solomon chưa có trường đại học.
Theo anh Ba, ở Solomon người ta rất sợ... ma. Có lẽ do trong chiến tranh thế giới thứ hai, binh lính Nhật và Mỹ chết nhiều, tục săn đầu người cũng gieo rắc nỗi ám ảnh nhiều thế hệ, chưa kể có những ngôi làng có hàng trăm người chết đồng loạt do dịch bệnh, người ta phải bỏ đảo mà đi đến giờ không ai quay lại.
Sự tích trầu cau
Đến bây giờ, anh Lê Đình Ba còn nhớ mãi tấm biển lạ tại thủ đô Honiara. Không ngờ, tấm biển ấy là cái cớ về sau để anh kể sự tích trầu cau Việt trước những người bạn Solomon.
Vừa ra khỏi sân bay, anh thấy cạnh hình điếu thuốc bị gạch với dòng chữ “no smoking” là hình trái cau cũng bị gạch với dòng chữ “no betel nuts”. Ban đầu không thể hiểu, đến khi ra bên ngoài thấy mọi người thi nhau ăn trầu, anh ngớ ra: “Té ra vậy! Trong sân bay, họ bị cấm ăn trầu”.
Về sau, anh biết thêm, người Solomon nghiện trầu cau hơn thuốc lá. Họ ăn trầu như người phương Tây hút thuốc. Vừa ngồi vừa ăn, vừa đi vừa nhai trầu. Nước trầu tứa ra, họ nhổ toèn toẹt, nước trầu đỏ tươi! Có lần anh Ba định ăn thử nhưng sợ say, nên thôi. Bù lại, anh nhớ lắm những bà già trầu ở Đại Lộc quê anh: lá trầu nguồn, chút vôi trắng, trái cau chẻ tư làm nên câu chuyện.
Bộ “đồ nghề” ăn trầu cũng tuyệt chiêu: cái đãy dây rút, bình vôi cổ tròn, dao xép mỏng như lá lúa, đẹp nhất là cái ống xoáy trầu bằng đồng. “Thương nhau cau sáu bửa ba/ Ghét nhau cau sáu bửa ra làm mười”. Những người già vừa xoáy trầu vừa hát điệu nhân tình, hình ảnh ấy giờ đây ở Việt Nam đã hiếm, anh lại tìm thấy ở Solomon, chỉ có điều họ chẳng có câu ca nào tương tự và cũng không có cái ống xoáy dễ thương.
Trong một dịp đi xem lễ nhà thờ trên đảo Kolombangara, anh nghêu ngao ca khúc Trầu cau của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rồi kể với người Solomon về sự tích cùng tên của Việt Nam: “Ngày xưa, hai anh em Cao Lang và Cao Tân cùng yêu một cô gái. Sau khi người anh cưới cô gái làm vợ, người em vẫn ở chung nhà. Thời gian sau, do quá phiền muộn, chàng lang thang biệt xứ. Người anh thương em, đi tìm.
Đến nơi mới biết Cao Tân đã chết, hóa thành tảng đá. Nghĩ mình có lỗi, Cao Lang đau khổ, chết theo em, hóa thành cây cau mọc kế bên. Chốn quê nhà, người vợ mỏi mòn trông đợi. Mãi không thấy hai anh em quay về, nàng khăn gói đi tìm. Đến nơi, nghe mọi người kể lại sự tình, nàng âu sầu ngồi trên tảng đá cho đến khi qua đời, hóa kiếp dây trầu, vòng ôm quấn quít thân cau. Sự tích trầu cau ra đời từ đó...”.
Nghe xong, mọi người ngạc nhiên, thích thú. Họ nhìn nhau, Solomon cũng ăn cau ăn trầu mà sao không có câu chuyện hay và cảm động như ở nước Mr Ba? Họ hỏi đi hỏi lại từng tình tiết, anh Ba mở laptop trưng ra những tấm ảnh trầu têm cánh phượng, họ xuýt xoa, trầm trồ, coi đó như một phát hiện, tương tự... nhà hàng hải Alvaro De Maindana tìm ra quần đảo Solomon!
Thế rồi, người lớn kể cho người trẻ, kể từ trong nhà ra ngoài ngõ và giờ đây sự tích trầu cau nước Việt lan truyền nhiều nơi ở quần đảo này. “Người Solomon ăn trầu rất dữ, nhất là người cứng tuổi. Gặp nhau là họ mời trầu. Đi đâu về, ai cũng có chùm trầu cau đung đưa trên tay. Họ nghiện trầu đến nỗi, không ăn lá mà ăn nguyên trái (khóm trầu) cho đã.
Ăn mọi lúc mọi nơi trừ chỗ có biển cấm. Tay họ cầm trái trầu quẹt chút vôi, cắn cái rụp như người Quảng Nam ăn ớt. Ngoài cách ăn đó, người Solomon cũng có khi ăn cau không, giống người Hàn Quốc. Còn khi ăn cả 3 thứ, có người bảo ăn theo kiểu sự tích Việt Nam”, anh Ba kể.
Trên đảo Kolombangara, hầu hết vườn nhà rất rộng. Vườn nào cũng trồng trầu để ăn để bán. Vậy mà trầu đâu có rẻ. Cứ 1 SBD/trái (SBD là đô la Solomon, 7 SBD = 1 USD), bằng giá 1 điếu thuốc. Một người mỗi ngày ăn trầu và mời bạn cùng ăn tiêu tốn ít nhất từ 15 SBD đến 20 SBD, tương đương 30.000 VNĐ đến 40.000 VNĐ.
Ăn nhiều vậy nhưng chưa bao giờ anh Ba thấy ai bị say trầu. Có lẽ do từ nhỏ họ đã ăn trầu, “cấp độ” trầu tăng dần theo tuổi. Thậm chí học sinh cũng nhai trầu, lên trung học mới bị cấm do nhà trường sợ mất vệ sinh. Công chức nhà nước cũng ăn, nhất là những người 40 tuổi trở lên, nhưng khi đến cơ quan phải nhịn, ra đường hoặc về nhà mới được nhâm nhi. Mỗi chiều hoặc ngày nghỉ, họ tập trung về công viên ven biển Honiara để hóng mát, ăn trầu cho thỏa, anh Ba gọi đó là “Công viên ăn trầu”.
Không coi ăn trầu như một cái đạo ở Nhật. Không dùng trầu cau trong lễ hỏi, lễ cưới như ở Việt Nam. Nhưng, trầu cau nằm trong máu người Solomon, tương tự nicotine thẩm thấu trong cơ thể những người nghiện thuốc lá. Hôm 7.7 vừa rồi, lên thủ đô Honiara dự lễ độc lập Solomon, anh Lê Đình Ba đã cùng ông bạn Daniel Kwon đến thăm nhà một nghị viên sở tại. Đang trò chuyện, ông nghị đưa tay ra dấu, liền có người mang trầu cau tới.
“Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Thành ngữ này đã mai một ở Việt Nam nhưng rất thịnh hành tại Solomon.
Giống cái muôn thưở
“Nếu không có áp lực công việc thì những ngày tháng ở Solomon là hạnh phúc cõi thiên đường", anh Ba nói khi đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng.
Tôi đưa anh đến thẳng quán biển Trí Hằng, đường Bạch Đằng Đông. Phần do đã lâu không được chạm ly với anh, phần do tôi sợ mất cảm giác nóng hổi khi anh đã về với gia đình. Trước sông Hàn, anh nhớ đâu nói đấy: "Bên đó, câu cá bằng cước với tay không, không cần tới cần câu. Mồi giả bằng nhựa, đứt hết mồi thì lấy bao nylon giả làm mồi. Thấy "mồi" chập chờn trên biển, cá thu đớp ngay. Trước hôm về Việt Nam, mình là người duy nhất câu được con cá to trên 5 kg".
Chợt thấy chiếc du thuyền vừa cập cảng sông Hàn, anh kể về bà Angels Page, người Úc, suốt đời sống trên du thuyền, dù có nhà ở Brisbane (Úc). Bà là cháu của Andy Page, một đồng sự của anh tại Công ty KFPL. Theo bà, dù đã lênh đênh nhiều vùng biển lạ, bà chỉ thật sự bình tâm khi đến Solomon, ngoạn cảnh tại khu resort Fat Boy's ở đảo Gizo. Với anh Ba, khu resort này rất độc đáo, bởi toàn bộ nội thất được trang bị từ... Sài Gòn. Chủ quán rất muốn có một bếp trưởng Việt Nam và ngỏ lời nhờ anh Ba giúp để có một thực đơn thuần Việt. "Tay này rất thiện cảm với Việt Nam nhưng gặng hỏi hoài không chịu nói. Chừng vài ly lại ầm ừ điệu Lý quạ kêu". Anh Ba nói. Từ Fat Boy's nhìn sang đảo Kennedy rất rõ, những ngày cuối tuần đến đây nhậu chơi, hứng lên mỗi người hát một bài dân ca nước mình. Anh Ba thường hát Lý quạ kêu, tay chủ quán nhảy theo, hai tay dẻo như... con hải sâm.
Vùng biển Gizo có rất nhiều hải sâm. Gần đây Solomon đã thu gom, xuất khẩu. "Người Solomon theo đạo truyền thống của tổ tiên, ít dùng những thức này. Họ không ăn cua, tôm, động vật nhiều chân, máu trắng. Mình muốn tôm hùm chỉ cần đổi 4 viên pin, họ đốt đèn pin đi lụi cá, tiện thể bắt về vài ký tôm hùm loại trung. Mình ăn, Tây ăn, họ chẳng nói gì. Cua biển bên đó vỏ trắng, có chấm tròn đốm đỏ rất đẹp, họ cũng không đụng đến. Cua đất gọi là land crabs thì giống cua sông ở xứ mình. Độc đáo nhất, nếu có bắt cho du khách ăn, họ chỉ bắt cua đực nên bên đó không bao giờ mình được ăn gạch cua. Mấy lần mình hỏi sao không thấy gạch, họ bảo để cho cua đẻ. Quan niệm này khác hẳn với Việt Nam". Anh Ba còn cho biết, mấy công ty Nhật sang đó làm nhà máy đóng hộp hải sản chỉ được phép dùng lưới mắt sưa bắt cá lớn hầu bảo vệ nguồn tài nguyên biển dài lâu. "Gà cũng vậy, đố ăn được gà mái tơ. Họ để nó đẻ hết trứng mới thôi. Vì vậy, ở Solomon chỉ được ăn gà... dai nhách!".
“Giống cái muôn năm!”. Anh Ba kêu lên rồi mở laptop cho tôi xem vài điệu nhảy Solomon. Những nữ vũ công trẻ trông thật gợi cảm trong trang phục kết chuỗi lá cây, mông lắc liên tục theo tiết tấu nhạc nhanh, sôi động, toàn thân tở mở rùng rùng. "Hôm Lễ độc lập 30 năm Solomon, mình về thủ đô Honiara dự lễ, mỗi sắc dân biểu diễn một điệu múa, rất tưng bừng. Tới khi diễn ra điệu múa rất lạ, nam vũ công vừa nhảy vừa… ra bộ khoe sinh thực khí! Bốn phía quảng trường ré lên, mấy em Tây chụp hình như vãi đạn, mình hỏi điệu múa chi, ai cũng lắc đầu, không biết!". Dàn nhạc thật sinh động, nhạc công vỗ tay trước đầu ống nhựa, ống gỗ, ống tre trông giống đàn Klong puk Tây Nguyên, âm thanh bập bình bập bình hòa trong tiếng gõ lẫn tiếng đàn nhộn nhịp, nghe ra nhạc châu Phi. Trống của họ cũng đẹp, nhiều kiểu, nhiều hoa văn, là nhạc cụ cầm chịch tiết tấu trong lễ hội nhảy.
Nhảy ở Solomon có nhiều thể điệu, anh Ba không biết hết. Anh chỉ biết, người Solomon nhảy bất cứ đâu, hễ có cơ hội là nhảy. Hôm dự lễ bàn giao giữa 2 công ty trồng rừng trên đảo Kolombangara, thổ dân nhảy ngay tại bến cảng. Tiếp đó tại hội trường, một đoàn nữ vũ công lại nhảy lắc mông. Tôi hỏi, họ có để ngực trần? Anh Ba nói ngay: "Giữa đông người, đâu có chuyện đó! Ở những đảo biệt lập kia, người ta mới sống như tiên. Hầu hết thổ dân không mặc đồ vải, chỉ vận lá cây thôi…". Cũng chuyện "hạnh phúc cõi thiên đường", anh Ba và nhiều đồng sự từng tham gia lễ hội nướng bằng lửa đá. Ban đầu, họ chất lửa trên đá. Đá nóng hàng trăm độ, xếp lên một lớp cá hoặc thịt rồi lớp lá, ngoài cùng là lớp xương. Trên lớp lá cuối cùng là củi. Vậy rồi họ đốt, sức nóng bên trong bên ngoài nhanh chóng làm chín mọi thứ, thơm lừng. "Chao ôi! Như vậy làm sao cưỡng được...". Anh Ba nháy mắt: "Rượu thịt no say, dân bản xứ dắt nhau đi từng cặp, mình và tụi Tây chỉ biết nhìn theo…".
Ở Việt Nam, anh Ba bị bệnh ngủ ngáy nhưng qua Solomon thì hết. "Không khí bên đó trong veo, mình thở rất nhẹ nhàng. Thường, đầu buổi sáng có mưa chừng 15 phút, đến nửa buổi trời đất trong veo, người nhẹ như không. Ở Sài Gòn khói xe bụi bặm, chiều nào mình cũng khạc ra cục cục, sang đó không bao giờ có chuyện ô nhiễm môi trường. Xe máy tuyệt nhiên không thấy, chỉ có xe hơi và đi bộ. Cũng không thấy cái tàn thuốc, bao nylon nào bị vứt ra đường", anh Ba kể.
Để bay từ Việt Nam đến Solomon có hai đường:
1/ Tân Sơn Nhất - Singapore 90 phút. Bay tiếp đến Port Moresby thuộc Papua New Guinea hết 360 phút, sau đó làm visa tại chỗ, bay thêm 90 phút là đến thủ đô Horiana của Solomon. Tổng cộng 9 giờ bay, chưa kể transit. Theo anh Ba, đây là đường bay độc quyền của Air Niugini, 2 chuyến/tuần.
2/ Tân Sơn Nhất (Việt Nam) - Singapore - Brisbane (Úc) - Horiana (Solomon). Tuyến này dài hơi hơn, lại phải xin visa đến Solomon. Giá vé khứ hồi khoảng 2.400 USD.
Nguồn: www.thanhnien.com.vn