1. Cười như là cách thế ứng xử của người nhà quê ở miệt vườn Nam bộ
a. Tiếng cười biểu hiện cho sự đôn hậu, chất phác, thiệt thà
Tiếng cười tiếng nói của người Nam bộ gắn liền với sinh hoạt đời sống (có thể là chuyện trên đồng, chuyện trong nhà), tiện thể mở miệng nói để làm cho việc đồng áng hay gặp gỡ thêm phần vui vẻ. Có thể đó là khi má đang chuẩn bị món cá linh hấp mía, miệng nói với biểu chị Hai; có khi là thằng Tám ở Saigon về quê phụ đập lúa ma mà câu chuyện bày ra giữa lúc làm đồng. Tiếng cười chen vào lúc “tay làm” hay “hàm nhai”. Cuộc sống của người nhà quê giàu sinh khí chính là vì có tiếng cười giòn giã.
Mà phải ở chỗ thâm tình mới có được tiếng cười thiệt tình thương mến. Cho nên, cái cười đó trước tiên là cách người Nam bộ thể hiện tâm tình chơn chất thiệt thà của mình. Cái tình đôn hậu, chất phác ấy là đặc sản của người nhà quê. Và sự dí dởm tươi vui của cuộc sống quê nhà gắn với ruộng đồng sông nước, nên có thể nói, cái cười cũng mang vào đó thể tính của sông nước đồng ruộng Cửu Long. Thậm chí có thể nói, thể tính của sông nước hiền hòa và động ruộng phì nhiêu đã tạo thành tính chất của tiếng cười ở chốn quê nhà. “Đây là hệ luận của dân gian tính vì dân gian thường bao giờ cũng chất phác và thiết thực. Chất phác là có sao nói vậy không lèo lá bôi bác kiểu quý tộc; còn thiết thực là không nói những chuyện trừu tượng như quý tộc La-Hy hay nói về thế giới bên kia mồ hay hư vô như tăng lữ nhưng là nói về những việc làm ăn, giao tế hàng ngày, ở đây và bây giờ” [17;235]. Cho nên, tiếng cười Nam bộ hay tiếng cười của Trần Bảo Định không phải xuất phát từ cái gì xa xôi viễn vông, mà thường luôn bắt nguồn từ chính đời sống lao động sinh hoạt thường ngày người nhà quê.
b. Tiếng cười của sinh thái học nhân văn
Cười vì bất bình (Kiến ngãi bất vi vô dõng giả) - Cười như một phép đối nhân xử thế (phản ứng). Nhưng phản ứng ở đây không hàm ý tranh đoạt. Ngược lại, lối ứng xử này thuận theo chủ tính hài hòa, phối ứng của người phương Nam. Tại sao lại nói sự phản ứng trước bất bình là chủ tính hài hòa ! Vì bất bình chính là phản ứng lại tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái nhân sinh/nhân văn. Người dân quê phản ứng lại sự rúng động đảo điên của thời thế nhân tình, chính là để giữ gìn sự cân bằng hài hòa của Thiên-Nhân-Địa; chứ không phải tiếng cười mang tính bạo động, triệt tiêu đối tượng. Cười để “phản” nhưng vẫn “ứng”. Chính vì vậy tiếng cười này vẫn giữ được căn tính phương Nam.
Lại nói, từ chỗ thâm tình mà cười rỡn với nhau. Cái cười này thiệt tình chất phác, khởi đi từ chỗ tình thương mà không làm cho đối phương tự ái. Cũng không phải là cái cười tự phụ/tự mãn/tự cao của bề trên cười lên đầu kẻ dưới. Đâu phải như vậy ! Tiếng cười ở đây của người nhà quê, tự nhận mình dốt nát, đâu có chen lấn lên trước, dự phần với hàng thông thiên bác địa. Qua tiếng cười, chúng ta còn có thể nhìn thấy cách ứng xử đối đãi của người nhà quê. Đó là lối ứng xử điều hòa-hài phối vốn được gìn giữ ngàn đời trong phần sâu kín nhất của tâm hồn con người để rồi thể hiện ra một cách triệt để từ giọng nói tiếng cười, tập quán cư trú đến tánh nết làm ăn sinh sống. Cố nhiên không phải lối tương tranh của phương Bắc; cười người khác để “tung hỏa mù” tâm lý đối phương, để tranh phần hơn với thiên hạ. Thản như, kẻ trên chê người dưới, kẻ khôn chê người dại; rồi lấy đó làm cười, chính là tiếng cười của phương Bắc. Còn tiếng cười rỡn ở đây không nhằm triệt hạ tha nhân.
Nói như vậy không có nghĩa là tiếng cười cà rỡn phương Nam thiếu sót hay nông cạn về ý nghĩa luân lý (phê phán). Kỳ thực, người Nam bộ không phán để phê người khác mà chỉ tâm tình, chỉ cà rỡn chơi với nhau. Và ý nghĩa luân lý còn lại chính là khi tiếng cười đã lặng chìm vào suy tư tự thân mỗi người. Bởi vậy mới gọi là cười rỡn chớ không phải cười mỉa, không phải cười xéo, không phải cười khẩy, không phải cười xếch, không phải cười nửa miệng, … Tiếng cười rỡn là cách cười tủm tỉm, ý nhị, thiệt thà hoặc là “cười khề khà” tý tửng. Chủ yếu để chơi vậy (chơi thôi mà!). Cách cười ấy không làm người ta tự ái, chẳng khiến ai mất mặt với bàng dân thiên hạ …. Sau cùng trong lòng mỗi người còn đọng tiếng cười, để tự biết xấu hổ.
Vậy sao tiếng cười rỡn không làm mếch lòng ai ? Lẽ vì tiếng cười ấy không phải làn tên mũi đạn, không phải đầu dùi mũi chỉa, đâu có phỉ nhổ chà đạp, … nhắm đến một ai. Cười trước hết là cười mình, sau nữa là cười trời, cười đất, cười đời, cười bâng quơ, rồi nhiều khi cũng không biết cười cái gì ! Cười vào chỗ trống không (cách thế cười của Tế Điên hòa thượng nửa tỉnh nửa mê cũng là cái cười giác ngộ). Phải nói chúng ta nên dành thêm thời gian khảo luận để làm rõ tiếng cười đặc sản của ông già Nam bộ nhiều chuyện vào dòng văn học sinh thái nói chung.
c. Cười không phải tranh giật mà hàn gắn – tiếng cười hóa giải
Để làm rõ vấn đề này, chúng ta nên xét tới hậu quả của tiếng cười. Sau tiếng cười là gì ? Tiếng cười sẽ đọng lại gì ?
Phàm cái cười chỏ vào người khác theo mô thức: “ĐỐI TƯỢNG CƯỜI + TÍNH CHẤT GÂY CƯỜI = CÁI CƯỜI”. Đây là cái cười chia lìa. Vì cười nhắm vào chỗ hạ bệ kẻ khác, ắt gây cho kẻ khác tự ái, đôi khi là bất bình, phẫn uất (uất quá thành ra phẫn). Phẫn rồi thì hố thẳm giữa mình với người càng thêm sạt lở. Hố thẳm cách ngăn không thể hàn gắn.
Nhưng Trần Bảo Định không mang thâm ý hạ bệ bất cứ ai. Có chăng, chỉ là hạ bệ chính mình, cười chính mình (tự nhận mình là bỉ nhân!). Ông cười không làm mếch lòng thiên hạ là vậy. Và bởi ông tạo ra tiếng cười theo mô thức: CÁI THƯƠNG + CÁI ĐAU = CÁI CƯỜI. Đau còn đó, thương còn đây thì lòng dạ nào nữa mà mếch lòng, tự ái ! Vì đau quá mà phải cười để chữa lành, vì thương quá mà xích lại gần nhau. Tựu trung, tiếng cười cà rỡn của Trần Bảo Định là tiếng cười hàn gắn và hóa giải. Tiếng cười này sẽ may vá lại thảm trạng rách nát của lòng người và tình đời trong thời buổi đảo điên hệ giá trị nhân bản.
2. Cười như thế nào ?
“Mẹo” gây cười của ông già Nam bộ là kiểu hư chiêu. Trần Bảo Định cho chúng ta cảm giác người viết không hề chú ý về thủ pháp. Nghĩa là câu chuyện sẵn tiện nói ra. Chẳng hạn, dịp đứa cháu về quê nên ông già có dịp nhiều chuyện, chẳng hạn lúc thả xuôi theo con nước ngẫm ngợi xa xôi. Giữa lúc sẵn tiện đó, tiếng cười vang ra. Người đọc dễ rơi vào cái “hư chiêu” của “Vô Danh thần tăng” để cảm nghiệm tiếng cười một cách tự nhiên[1]. Trong số những “hư chiêu”, Trần Bảo Định thường gây cười thông qua nhận thức nghịch cảnh éo le của chuyện đời. Chim không chết vì chiến tranh, chim chết vì hòa bình (Chim phương Nam). Hồi chiến tranh cái gì cũng có, thậm chí dư; lúc hòa bình cái gì cũng thiếu (Kiếp Ba Khía). Thêm vào đó, ông bày ra nghịch lý để người đọc tự thấy hợp lý. Nhà văn làm người ta cười vì cái nghịch lý hợp lý đó.
Một khía cạnh nữa chính là nhà văn tạo ra tiếng cười bằng cái “TỤC”. Vì nhà văn “thủ giữ” cái phận nhỏ bé, nhỏ mọn và cũng “nhọn mỏ” (nhiều chuyện) nên đâu có ngại ngùng hay cố tình tỏ ra “tao nhã”. Phải nói, tánh nết này của Trần Bảo Định đã khởi đi từ thói quen ăn nói của người bình dân. Hơn ai hết, ông đã sống trọn vẹn với người bình dân. Câu ca dao từ thơ ấu là bầu sữa hun đúc thành cái nết “cà tửng” và duyên ngầm đậm đà của một cánh chim quê vẫn giữ được đặc trưng tiếng hót cố thổ quê nhà.
“Có đầu mà chẳng có đuôi
Có một khúc giữa cứng ruôi lại mềm” (câu đố dân gian)
Lại nói, cái thiết thực của người bình dân khiến cho người bình dân thẳng thắn với cái Tục. Theo đó, họ giỡn với cái Tục. Trần Bảo Định lấy cái tục để cà rỡn. “Chính vì thế mà khi nhiều văn minh gọi cơ quan sinh dục là sự xấu xa hoặc là củ tội thì Việt Nho lại gọi là ngọc hành, và văn chương dân gian nói về việc nam nữ hợp thân cũng như về việc gạ hỏi cưới xin một cách rất hồn nhiên thành thực, không một vết mặc cảm chi cả” [17;241]. Chuyện âm dương giao hòa [4;110] được Trần Bảo Định chuyển hóa thành tiếng cười “tủm tỉm”, tinh nghịch mà tinh tế. Tự nhiên, chuyện sao thì nói ra vậy. “Nhảy đực” thì nói là “nhảy đực” bày đặt nói “huê dạng” ai mà hiểu !” [13;64]. Hay như chuyện chị Năm Thử bị Tèo Lát rủ chơi trò vợ chồng đến mức đau rát; nhưng rồi đêm hôm thấy “nhơ nhớ”, chị rủ ngược lại; và đợt này Tèo Lát te tua với chị [15;68]. Đối với Trần Bảo Định, tính dục không phải là vùng cấm trong văn chương.
Từ trung đại đến hiện đại, văn chương dần phá bỏ những rào cản của vùng cấm tính dục trong việc biểu hiện sinh giới con người (từ thơ nôm Hồ Xuân Hương đến Hà Hương phong nguyệt; đến thơ của Bích Khê, Hàn Mặc Tử; đến văn xuôi đô thị miền Nam như Lê Xuyên, Nguyễn Đình Toàn, các nhà văn nữ…., sau nữa với văn học thời đổi mới và một số cây viết nữ gần đây như Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, …). Tính dục được sử dụng như một cách thế phản ánh tâm lý nhân vật/chủ thể trữ tình, phần nhiều với sắc thái trầm uất, mặc cảm, đau đớn, đầy rẫy tổn thương bi phẫn. Chưa có văn sĩ nào sử dụng tính dục một cách “gọn hơ” như Trần Bảo Định. Bởi ông đã ở trong tâm thức dân gian để thể hiện các vấn đề tính dục. Tuy nhiên không phải ông sử dụng “cái tục” để tạo ra tiếng cười dễ giải. Cái tục ở đây chính là chuyện hợp thân mà người Nam bộ cho là hợp với lẽ trời đất, không mắc mớ gì phải ái ngại. Tiếng cười ở đây là một lối nhận thức khác với lối nhận thức bị bóp nghẹt trong quy phạm xã hội; lối nhận thức nhân bản của kẻ đứng giữa trời đất và bình đẳng với trời đất. Huống hồ con người lại là yếu tố giao hòa, kết nối trời đất. Theo đó, giao hợp âm dương là vận động sinh triển đương nhiên của tồn tại. Vì đương nhiên nên cứ chất phác “huỵch tẹt”, điều này khiến người ta cười. Cái cười cứ nhơn nhơn đứng giữa cõi trời đất, không mảy may tủi hổ cúi đầu.
Bên cạnh cái Tục, “mẹo” gây cười của Trần Bảo Định còn ở cách nói trại, chơi chữ nôm na mà nghĩa tình thấm đẫm. Tình ở chỗ nào ! Không phải bằng lời nói, người Nam bộ ưa làm mà ít nói. Ngay trong cái ý ăn nết ở có thể thấy cái tình như vậy. Thấm đẫm ở chỗ nào ! Thử nhìn vào món cá linh hấp mía. Hấp chớ chẳng kho. Bởi vì hấp thì thấm đượm còn kho thì xát muối. Hấp – chia sẻ ngọt bùi. Kho – áp chế khắc nghiệt. Người miền Nam nghĩ vậy [6;40]. Hay như lối cắt nghĩa Lúa ma [6;53] có vẻ cạn cợt manh mún nhưng nghĩ lại rất thấu đáo. Hay như lối chơi chữ của người đàn bà ít chữ. Dù ít chữ nhưng không phải là không có nhận thức. Cách nói: Phù mỏ (Phù Nam), Chưn đạp (Chân Lạp)[6;50] cho thấy người đàn bà quê mùa vừa có trí, vừa có sự dí dởm.
Về cách tạo ra tiếng cười, chúng tôi chỉ gợi ra vài khía cạnh. Để khai thác kỹ lưỡng, chúng ta cần nhiều công sức khảo cứu hơn nữa. Tuy nhiên, điểm nổi bật ở cách thức (mẹo) gây cười chính là tác giả không móm mồi, không chọc lét người đọc. Người ta tự đọc, tự thấm rồi tự cười. Mỗi người mỗi tiếng cười khác nhau, mỗi cảm nghiệm khác nhau. Từ cười mình đến cười trời, cười đất, cười bâng quơ. Tiếng cười hướng đến khoảng không gian bao la giữa thiên địa.
3. Cười cái gì ?
a. Cười mình để thấy người – Cười nhân tình
Như đã nói, người nhà quê đâu có đặt mình trên thiên hạ để cười. Thành ra cười đây trước hết là cười mình. Nhưng lối cười mình ở đây khác với lối “tự trào”[2] của bậc Nho gia. Cười mình không xuất phát từ lối nhận thức “uyên bác” của bậc túc nho về thế sự rồi “tự trào”. Chỉ là tình thiệt lòng mình ra. Không nghĩ tới gây cười mà lại cười. (Thà không có con c** gì để ăn, chứ nhất quyết không để nó coi mình không ra con c** gì). Chủ yếu nói ra suy nghĩ thiệt tình trong bụng dạ, không chọc lét mà độc giả tự cười. Qua đó, cười mình (chẳng mếch lòng ai) mà người đọc có thể thấy cái thảm trạng của nhân tính-nhân tình. Mới nói, cười mình để rồi tiếng cười của độc giả sẽ lan tỏa đến “tha nhân”. Sau khi cười Trần Bảo Định, độc giả tự nhận ra bao nhiêu “cảnh” đáng cười của thiên hạ. Dầu vậy, cười không làm người ta bi quan, ngược lại càng nhấn mạnh và thể hiện lòng tin tưởng vào “thiên lương” hằng cửu của người dân quê[3]. Đây là điểm đáng quý ở tiếng cười của ông già Nam bộ.
Và còn đáng quý bởi tính giáo dục của mỗi câu chuyện. Nhà văn đề cập đến cái nghiến răng của Cóc và tiếng tục tác của Gà Mái như hai phạm trù Hài-Bi đặt bên cạnh nhau. Nhà văn viết truyện có vẻ không có cốt truyện. Sáng tác của Trần Bảo Định không đi theo trật tự thường thấy (mở đầu, mâu thuẫn, đỉnh điểm mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn). Có vẻ không có cốt truyện nhưng lại có cốt truyện. Cốt truyện đây có lẽ chỉ nên gọi là “cốt”. Do ý niệm trừu tượng xuyên suốt, hiển hiện bàng bạc đóng vai trò như sợi chỉ đỏ nối kết các bộ phận của văn bản. Nhìn sơ qua, người ta dễ thấy truyện của ông rời rạc và gán vào thể loại “tản văn”, “tạp bút”. Kỳ thực văn bản thống nhất hóa bằng một cảm thức siêu hình, một ý hướng trừu tượng. Chúng ta có thể nói đến “Trời chắc đã mưa” để minh chứng cho lối viết này. Nếu bám vào ý hướng: “Mái đối đầu và chiến thắng kẻ thù hữu hình vì, Mái giải mã được quy luật của nó. Với kẻ thù vô hình đột biến từ thiên nhiên, do con người thọc gậy, Mái mù tịt, hoàn toàn không biết và không hiểu !”[4;144], chúng ta có thể kết thông toàn bộ sự việc diễn ra, cũng hiểu được tiếng cười từ niềm tin Cóc nghiến răng khiến cháu Trời “té đái”. Tiếng cười vì sự ngô nghê không nhìn thấu bao nhiêu biến đổi man trá của nhân tính. Cái tình (tâm + tính/thái độ) của con người đã can gián vào Dòng tương tục Thiên Địa (Élan vital), tạo ra sự biến động kinh thiên của nhân quầng và vạn vật. Mầm móng họa loạn chính ở chỗ nhân tình. Chúng ta còn có thể bắt gặp tiếng cười này trải dài từ Kiếp Ba khía đến Thương những ngày. Nhiều sáng tác của ông vừa có tính chất truyện cười, vừa có tính chất truyện ngụ ngôn; vừa có tính chất cảnh báo vừa có tính chất tiên đoán. Do đó, tiếng cười có đóng góp lớn vào giá trị giáo dục trong văn xuôi của Trần Bảo Định.
Tuy vậy, Trần Bảo Định không sử dụng văn chương để “dạy đời”. Giá trị giáo dục qua tiếng cười chính là tự giáo dục/tự nhận thức. Bài học về đạo làm người trong “chơi mà chối” không phải xuất phát từ lời lẽ “lên lớp” người đời mà chính là ở nét mặt “cắt không còn hột máu” của Cả Khịa. Bởi sau khi đã sàng gạo chị Năm Thử lia lịa, mê mệt và đắc ý thì ông Cả ngồi bật dậy không nói tiếng nào. Nét mặt của ông Cả sau khi nghe chị Năm nói thằng Tèo Lát bị lậu khiến người ta cười và hiểu ông Cả chết bởi vì “chơi mà chối”. Nếu không chối, ông đâu có chết. Chị Năm Thử được mấy anh trong trạm xá trị bệnh dễ ợt, chị khỏe ra. Cho nên “chơi mà chối” chính là lời nhắc nhở, khuyên dạy nhẹ nhàng mà thấm thía đối với “nhân tình” và “nhân tính”. Người Nam bộ hay nói “có sức chơi, có sức chịu”. “Không chối những việc mình đã làm dù có thể bỏ mạng. Nhưng từ chối thẳng thừng và dứt khoát không làm những điều bất nghĩa, cho dù có được vinh thân phì gia”[15;76]. Bởi chăng, chơi không chối – đó là chữ Tín-Nghĩa để góp vào đạo Nhân.
b. Cười chuyện đời muốn tréo bản họng – Cười thế thái
Cũng giống như tiếng cười nhân tình bắt đầu bằng việc cười chính mình; thì ở đây chủ thể phát ngôn cũng lấy việc cười mình để thấy cái đáng cười trong sự đời man trá, éo le. Sống giữa thời buổi nhập nhằng, tình thế đàng họ đàng mình, một mảnh đất hai chánh quyền, hơn ai hết người dân Nam Kỳ hiểu được tình thế con người giữa đôi dòng nước. Có người theo Tây, có người theo Việt Minh, cũng có người theo Phật, … nhưng dù là đàng mình hay đàng họ, dù là Ba Huỳnh hay Năm Đặng thì cũng một lòng với người dân Thạnh Hội Thượng. Chung quy, đằng sau việc Năm Đặng/Tổng Bầy trả lại chức chánh tổng là một nhận thức “lấy dân làm gốc” (dân vi quý), tức là “nhân chủ”. “Từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa hề bị bịnh sốt rét nên tôi không hứng thú gì chuyện phò tá lá “cờ sốt rét”, thưa ngài!”[14;54]. Thế cuộc bày ra làm thành thảm trạng nhiễu nhương Song le, người đời chẳng biết tham vọng đó so với lòng dân chỉ là tạm bợ. Thảnh thử, từ lời nói khí khái của Năm Đặng, một đằng khiến cho người ta cười “quốc kỳ” của Chánh quyền Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, một đằng xiển dương tư tưởng “nhân chủ” của Việt tộc.
Chí như chuyện anh sui – chị sui trong “Chuyện người” của tập Kiếp Ba khía, đó là cái cười lộn ruột lộn gan. Bởi đâu ai dè chuyện dân gian hay cà rỡn, giỡn hớt về mối quan hệ thân mà không thể cận của sui gia đôi bên. Dân gian có nhiều câu “rắn mắc”, “cắc cớ” và “cắc cùm cum” về chuyện anh sui-chị sui. Từ cái chỗ thân mà không thể cận của sui gia, Trần Bảo Định bày ra cảnh thiếu dầu, thiếu xăng, thiếu muối, thiếu mắm, thiếu đủ thứ. Một thời quá khứ mà con người Việt Nam sau bao năm gian khó đấu tranh chẳng thể ngờ được. Chuyện tưởng như đùa, kể ra chơi mà không phải chỉ để chơi thôi. “Mèng đéc ơi, tui phát tay là để tắt cái đèn bóng chớ nào ngoắt anh sui qua! … Dạo này, dầu lửa khan hiếm lắm, tui tiện tặn vì nhà đang có con dâu đẻ. Thôi, trở lại võng nằm nghỉ đi anh sui”[15;131]. Hoàn cảnh thiếu thốn sinh ra tình thế ngượng ngập trớ trêu. Người với người cùng trong cảnh khổ; vậy thì hơn thua, bắt lỗi phải để làm gì. Bởi vậy, tiếng cười của Trần Bảo Định không chỉ cười cái “manh động”, “liều ăn nhiều” của anh sui, không chỉ cười ba lần ngoắt tay của chị sui; thiệt ra cười “thế thái”/cảnh đời tréo ngoe, tréo bản họng (chiến tranh cái gì cũng có, có cái thừa; hòa bình rồi cái gì cũng thiếu).
Như đã nói, Trần Bảo Định không gượng ép “dàn dựng” tiếng cười. Sự cười thường bật ra ở chỗ không ngờ. Vì không ngờ nên sửng sốt, từ sửng sốt đến bàng hoàng. Ngó từ “thế thái” trên trang sách đến “thế thái” đang diễn ra, ngòi bút của ông già Nam bộ đã ghi lại đúng phần ung nhọt nhức nhối của đời sống con người. Thời buổi hệ giá trị căn cơ của dân tộc và tính người nói chung đã “thất điên bát đảo” thì chữ nghĩa đã mất nghĩa đến mức lụn bại con chữ. Câu trả lời của Trò Đực: - Ạ ưa ầy, ồn ! / Dạ thưa thầy, …ồn![15;28] không khỏi khiến người ta đau điếng về sự hủ bại của “chữ” và “nghĩa”. Chắc không ít người la trời về thảm trạng “chữ nghĩa” vì sự bất nghĩa đã giết chết con chữ. Tiếng cười này chỉ ta thấy viễn tượng “bất nghĩa” “bất nhân” sắp sửa của con người vong bản (dù tác giả không có một câu chữ nào chỉ trỏ phê phán).
Huống hồ, chuyện đời thăng trầm, có cái gì chắc ăn ! Cười ở chỗ thấy ăn chắc mà hóa ra không chắc ăn. Chắc ăn người thiết kế dinh thự nhưng ai là chủ của dinh thự đâu có ăn chắc. Thời cuộc đổi thay thì kẻ chủ cũng thay đổi. Ví như “thằng Mẹo” báo điềm làm ba Mẹo bỏ ăn, ai ngờ nhà Tám chuối nướng “ò e í e” [12;37]. Vả lại, chuyện đời đa phần là trò bịp. Bao nhiêu trí trá thuyết khách chung quy cũng để “bịp”. Người ta sẽ cười tréo bản họng vì trình độ lớp ba khiến cho bậc thượng thừa trí thức cúc cung vâng dạ, cười tréo bản họng vì xào chẻ “mưu ma chước quỷ” (bịp đến mức bợm) để “hô phong hoán vũ” cả rừng đa đề học thức Âu-Mỹ [12;55]. Cười đó, rồi đau đó. Đau vì chuyện đời tưởng nói giỡn mà có thiệt rành rành trước mắt.
c. Cười nhất nguyên
Nhà báo Hoàng Sơn, đêm cuối cùng bên người vợ hiền, đã trao lại cho vợ và cho đời một lời tuyên ngôn kiên quyết mà nhẹ nhàng: “Chơi thôi mà!”. Bởi chăng “trời đất vô cùng một cuộc chơi”, mặc cho thù hận, dầu cho nghĩa ơn, lấy ơn báo oán, lấy nghĩa trả thù, không phải không có. Mới đầu, độc giả sẽ hoang mang, hoài nghi về cách thế ứng xử và tiếng cười nhẹ nhàng của Hoàng Sơn đối với kẻ đã bắt bớ và tra tấn mình thua cả súc vật; cũng như độc giả sẽ băn khoăn làm sao có một con người đi tìm kẻ thù một thời để giúp đỡ và động viên. Liệu rằng một con người bình thường có thể đối đãi như vậy được chăng ! Tuy nhiên trên lập trường nhân tính, nghĩa là chỗ phân biệt giữa nhân tính và thú tính, độc giả tự hiểu được luận lý đúng/sai, hay/dở, hơn/thua của đời người chỉ là các diễn trình/dao động của tính mệnh. Có khi người ta ngã về thú tính, có khi người ta thiên về thần tính (con người lý tưởng của triết thuyết và tôn giáo) nhưng sau rốt nhân tính vẫn là cái rạng ngời sáng sủa, soi lối cho tâm hồn con người giữa sự đời lắm cuộc nhiều trò. Vượt lên trên chiêu trò bịp bợm của đời là an trú tâm tính ở chỗ nhân tính. Cầm bằng chính là an nhiên ở chỗ nguyên khai của nhân tính, giữ được nhất nguyên tính từ buổi lọt lòng mẹ. Văn xuôi Trần Bảo Định đã chạm đến gốc rễ uyên nguyên toàn diện của tính người căn cơ nói chung.
Vậy nên cuộc chơi với tiếng cười là cách thế ứng đối của con người phương Nam, chạm đến tính mệnh Việt tộc. Lại nói, một khi người cầm bút gắn chặt tâm hồn mình với tính mệnh quê nhà, cũng chính là phát hiện ra thể tính sâu dày của bản thân. Con nước hồn quê vì thế có thể nâng đỡ bẹ xuồng chữ nghĩa chảy qua thời cuộc bể dâu, vượt qua thời gian hiện hữu hạn hẹp của đời người.
3. Cười là gì hay bản chất của sự cười
a. Cười là thương
Để nói về cười thương, chúng ta cần nhắc lại mô thức: cười = đau + thương. Còn tình ý, nhà văn không trực tiếp biểu lộ mà người đọc tự ngộ ra. Thành thử, chê mà thương, giễu mà thương, đau mà thương, buồn mà thương, giận mà thương, xót mà thương, đánh mà thương, chửi mà thương …. Cái cười lấy cái thương làm nền tảng. Cái thương nào ! Đó là tình thương của mẹ, thản như tình thương của xứ sở quê mình.
Lại nói, tiếng cười không chỉ “yêu” mà còn “thương” [8]. Bởi thương nên không câu nệ. Vì thương nên bỏ qua tiểu tiết cốt sao giữ gìn được tình thương. Cái tên tục (C**, D**,..) xấu ơi là xấu. Học chánh tả, thằng nhỏ méc mẹ chuyện thầy đổi tên từ C** (tê) thành C** (xê). Rồi mẹ phân bua: “chữ “xê” nó ngắn hơn chữ “tê”. Viết chữ “tê” là ước muốn c** dài cho nó chắc ăn” [8;180]. Ngoài là tiếng cười nhưng bên trong là tình thương. Bởi vì “bà mẹ nào mà chẳng giống nhau: “Mong con mình được sống!””[8;179]. Nhưng các mẹ đâu có dè: cái tên tục xấu hoắt có thể lừa ma quỷ thánh thần nhưng đâu có lừa được bom đạn. C** hay G*** gì đều là con của làng mình, đều trở thành mồi chụm cho lửa khói chiến tranh. Sau khi kết thúc trò chơi súng đạn, con về bên mộ mẹ càng thấy rõ cái tên tục xấu hoắt là tình thương vĩ đại của mẹ quê, cụ thể là tình thương của bà mẹ miền Nam. Mẹ chọn tên xấu cũng vì mong con “được sống trước cái tốt đã bị nhân danh … Ở đời làm người thì khó, làm chó thì dễ”; mẹ chọn làm chó để che giữ chất người” [8;182]. Vì thế, cái tên tục làm người ta cười ngặt nghẽo chính là biểu tượng của tình thương mà cũng là sự gửi gắm của lòng mẹ. Cái tên tưởng cà rỡn (bậy bạ) mà ngẫm lại mới thấy sự thấu đáo của mẹ đối với lẽ đời. Qua đó, chúng ta thấy cách suy nghĩ, cách sống và căn cơ tánh nết Nam bộ. Cái cười toát lên từ cách đặt tên còn ẩn chứa nhân sinh quan và thế giới quan giữa thảm trạng ly loạn chết chóc; cho thấy cách thế tâm hồn của con người miền Nam. Ngoài ra, tên tục Mẹ đặt còn cho thấy một yếu tính rất đỗi phương Nam: đó là tánh ý không tranh đoạt. Không chen lấn giành giật phần hơn với người đời giữa sự đời, chỉ thủ lấy cái phần cốt lõi nhất của việc sống: đó là giữ lấy cốt người nguyên vẹn. Giữ được cốt người thì danh xưng bên ngoài dẫu là “chó” đi nữa vẫn xứng đáng làm người hơn biết bao nhiêu tên gọi mĩ miều. Bởi lòng dạ đã là một con người đúng nghĩa. Vậy nên, cái tục và cái cười ở đây đã đi vào yếu tính căn cơ của nhân tính.
Rồi từ chỗ thương để tha thứ. Bởi vì sao ! Vì đã hiểu ! Hiểu cho ai ! Trước là hiểu cho mình, sau là hiểu cho người, sau cùng là hiểu lẽ thái bỉ thịnh suy xoay vần của nhân sinh. Vậy còn cắc cớ khư khư chấp niệm làm gì ? Buông mà không bỏ như thắp nén hương lòng chôn chết cái giận trong lòng mình và cả mối thù hằn với người. Cười để tha thứ, bao dung. Tính chất này khiến cho cái cười của ông già Nam bộ thật sự khác biệt với tiếng cười giễu cợt-nhạo báng-khinh miệt của “thánh hiền” rao kinh giảng thuyết, cũng khác tiếng cười như dao đâm búa bổ của quý tộc mở miệng ra đầy siêu hình phạm trù.
Thương và hiểu thành ra thông cảm, rồi tha thứ và bao dung; tiếng cười có thể sưởi ấm tâm hồn đồng loại. Văn xuôi Trần Bảo Định dù có ngọt bùi, cay đắng, chua chát, ấm nồng thì sau cùng vẫn là tình thương dành cho con người.
b. Cười là tận cùng của cái bi
Cái cười của ông già Nam bộ là tiếng khóc vô thanh của dân miền Nam khi nỗi đau tận cùng. Cười vì “đã quá rồi”, cười vì “quá thể rồi”. Bao nhiêu dấu chưn lưu dân sẵn lòng bỏ xứ vào Nam, khai khẩn đất đai, tìm cuộc sống mới. Không ai như người lưu dân Nam bộ trong việc hiểu thấu và thấm thía cơ cực ở đời.
“Đến đây xứ sở lạ lùng /
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải ghê” (Ca dao).
Thành ra, chúng ta có thể nói về cuộc sống lưu dân như là quá trình chống chọi và trải qua hiểm nguy rình rập của thiên địa ở vùng đất mới để tồn tại. Đó là quá trình chống chọi đau thương do thiên địa buổi hồng hoang gây ra, đồng thời chống chọi với cái tréo ngoe của đời sống con người ở vùng đất mới. Để vượt qua cơ cực, dân Nam bộ dùng tiếng cười chuyển hóa[4]. Nỗi đau tận cùng, cửa miệng méo xẹo thành ra tiếng cười quặn đứt ruột. Bản chất tiếng cười là tiếng la trời thống thiết. Bởi vì ngó thấy cái “cà chớn” của đời đã đến mức quá thể nên buông ra tiếng cười “cà” để mà “rỡn”.
Nói vậy không phải bản chất bi thương của tiếng cười đồng nghĩa với nhắm mắt cam chịu. Kỳ thực, đó là cách thế ứng đối vượt qua hạn định của đúng sai, hơn thua[5]; kẻ đó đã nhìn thấy được quy luật vận động tất yếu của thế sự. Đã nói, tiếng cười cũng là một biểu hiện của tính người phương Nam. “Vì thế ghét sự chém giết, nhưng thiên về những cảnh thái bình, an vui, yêu thương. Giàu về hí hước, trào lộng, ít về bi kịch, thảm sầu. ….Chính vì Việt Nho thì chấp nhận trọn vẹn cuộc sống với mọi chiều kích của nó: cả vui cả buồn nhưng sinh thú được đề cao hơn là khổ đau” [17;240]. Nên dân Nam bộ chọn niềm vui để biết cách chuyển hóa tài tình nỗi đau thành tiếng cười.
c. Nụ cười Tam Tài và Nhân chủ
Đến đây, chúng tôi muốn đi sâu hơn vào căn để tiếng cười. “Nguyên lý nền tảng của nó là Tam Tài, một nguyên lý sâu thẳm đặt nền cho nhân chủ” [17;233]. Nhân chủ trong tiếng cười là cách thế nhân chủ như thế nào ? Trước hết đó là quyền làm con người. Ví như mẹ Hai Lan (Thương những ngày). Bằng vốn hiểu biết quê mùa, mẹ không thể cải lý với chồng về chuyện gả Hai Lan cho Tư Cò nhưng trong lòng bà thừa biết, thừa hiểu và muốn để cho con gái có quyền tự do lựa chọn người thương – cái quyền cơ bản của một con người. Tư tưởng tự do này đặt nền tảng trên nhu thuận, hài hòa. Theo đó, tự do cũng chính là sự lý bản nhiên. Con người trong sinh hiện căn cơ ứng với Thiên Địa để lập thành bộ kiềng ba chân vững chắc cho vận động tính mệnh và xác lập thể tính. Tam Tài do đó là nhất thể cũng là khả thể. Con người đóng vai trò như căn tố đều phối, giữ vững cục diện vận động của Tam Tài. Chính vậy, mối họa mất cân bằng cũng do con người tạo ra. Vấn đề là phải giữ vững cốt người. Nụ cười nhân chủ nói cho văn vẽ: “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, hay ngó thấy như chuyện dân thờ là chắc ăn (chuyện Thủ ngự Thừa), chuyện Năm Đặng được dân bầu làm chánh tổng hai đàng [14]. Tư tưởng nhân chủ của Việt tộc nằm trong thế đối lập với quan niệm Thiên chủ và Địa chủ. Một tiếng la trời của Năm Đặng khi Ba Huỳnh thổ lộ tâm ý của nhân dân. “Mà ý dân là ý trời” [14;46]. Lối suy nghĩ và tiếng cười nhân chủ trong Chưa chắc ăn (tập Chơi thôi mà!) chính là lối tư duy nền tảng trên sự vận động và phát triển hài hòa của Tam Tài. Ở đó, tư duy phương Nam thiên về Động Tính (Động Hướng Tính) nghĩa là giàu tính năng sản, triển nở, thướng vượt và phồn thịnh, giàu tính mở. Lối tư duy phương Bắc nặng về tính Tĩnh, nghĩa là khép đóng, thủ giữ trạng thái cố cựu nên ưa thủ tiêu sự phát triển/thay đổi. Lối tư duy Mở/Năng Sản này khởi xuất trên cấu trúc mở của làng Nam bộ từ buổi lưu dân mở cõi đến hiện thời. “Đó là lý do tại sao Hậu Thiên Bát Quái đặt cung Ly ở phương Nam, và Dịch lý hiểu rằng phương Nam là phương của ánh sáng, của trí thông minh, của lòng Nhân Nghĩa” [12;39]. Cho nên, tiếng cười và thể tính của tiếng cười đã ngụ ẩn triết lý thâm sâu của tộc Việt. Qua tiếng cười, chúng ta có thể khai mở khả năng trao truyền tính mệnh Việt tộc cho hậu thế.
Bấy giờ, ta sẽ thấy: người dùng lời lẽ để dạy dỗ răn đe mà giáo hóa người đời - có thể gọi là thầy đời. Còn người có thể dùng Tiếng Cười mà giáo hóa thiên hạ - có thể gọi là minh sư của đời vậy.
4. Cười và cười nữa
a. Từ nụ cười ca dao đến nụ cười của ông già Nam bộ nhiều chuyện
Cái cười ca dao thường mang ý nghĩa nhắc nhở, khuyên lơn hoặc đúc kết kinh nghiệm sống, đôi khi chuyển tải một ý tình gì đó. Với Trần Bảo Định, cái cười từ ca dao qua “lò luyện đơn” của ý thức thời cuộc đã trở thành tiếng cười giòn mà thâm trầm. Tiếng cười giỡn, cười chơi trao cho câu chuyện loài vật tình ý sâu xa. Thế rồi, câu chuyện động chạm đến vấn đề triết lý nhân sinh. Ví như truyện Thần khẩu hại xác phàm trong tập Đời Bọ hung:
“Le le, vịt nước, chằng bè
Nghe miệng ba đía, bỏ bè con thơ !” (ca dao).
Cười chuyện con ba đía cánh cụt cổ ngắn, mỏ nhọn, tánh nết ưa nổ rần trời [3;90], nhà văn đã ý nhị nói đến biết bao thị phi trong thiên hạ chẳng qua do cái miệng ! Miệng nói ra lời lẽ tình ý, ý tình hiển hiện ra ngoài bằng ngữ ngôn, ngôn ngữ hễ phát ra đã ít nhiều sai lạc với nguyên bản ban đầu. Vậy nên, chính chỗ sai lạc đó thành ra thị và phi. Thị và phi giảo hoạt tráo chuyển tam sao thất bổn thành ra từng cuộc của sự đời.
Đời chung quy chính là ở chỗ cái miệng toày ngoày tét ngoét ra. Miệng làm cuộc cho thành đời nên cái nghiệp của miệng chính là nghiệp quả cơ tạo lớn nhất của sinh hiện trên cõi thế gian. Khởi đi từ ca dao, được nuôi dưỡng trong bầu sinh quyển dân gian nhưng cái cười của Trần Bảo Định đã vượt ra phạm vi ca dao để chuyển tải một cách duyên dáng tình ý sâu xa của sinh hiện khắp trong sáu cõi, vừa mang tính cập nhật giữa thời buổi truyền thông mồm ba miệng bảy cho tới lẽ sống ở mọi thời.
Ở văn xuôi Trần Bảo Định, ta nhìn thấy sự kết hợp của tri thức bình dân với luận lý nhân sinh của người trí thức, tạo thành tiếng cười cà rỡn như biểu hiện thâm thúy, đặc trưng cho cá tính Nam bộ.
b. Cười của ông già Nam bộ nhiều chuyện và Thánh nhơn Đông phương
Để định vị tiếng cười của ông già Nam bộ nhiều chuyện, chúng tôi thiết nghĩ phải quay về với cái cười của “thánh nhơn”. Dưới ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, có thể nói tiếng cười là đặc sản của chủ tính phương Nam. Vì sao vậy ! Vì tiếng cười phương Nam từ Tam Tài, bày ra tính mệnh Việt tộc, thấm nhuần tình thương để nảy mầm. Từ đó, tiếng cười phương Nam đối trọng với tính chất nghiêm nhặt của lý tính áp chế. Nếu như văn học phương Bắc hầu như không mấy trọng tiếng cười thì văn học Việt Nam tiếng cười đã khởi đi từ bầu sữa dân gian (âm thầm lưu chuyển).
Theo sách Lục Cơ, Lưu Hiệp cho đến sau này có Chử Bân Kiệt [23] thì thể tài văn học Trung Quốc không có chỗ cho tiếng cười. Bởi vì tiếng cười trong cái nhìn của quân tử là hành vi của tiểu nhân. Tiếng cười không được coi trọng. Giá trị của tiếng cười theo đó cũng bị xem nhẹ. Cho nên, chúng tôi muốn đặt ra để đi đến xác lập: tiếng cười của Ông già Nam bộ nhiều chuyện chính là tiếng cười toát ra từ nguồn sữa của mẹ và tiếng hót của con chim sẻ phương Nam. Đi từ bầu sữa dưỡng dục của mẹ với tâm hồn dân gian của tộc Việt cho đến cái “mẹo” cười cà rỡn của người Tây Nam bộ hiện thời, án ngữ ở trời Nam đối trọng với tính phách lối “chủ cả” của bậc quân tử/thánh nhơn thượng tôn phương Bắc. Nhiều khi, cái cười của Ông già Nam Bộ nhiều chuyện quê mùa như con chim sẻ vừa bay vừa rỡn, cũng khiến cho các bậc thương tôn thánh hiền phải đỏ mặt, tía tai.
Để làm rõ cho vấn đề vừa xác lập, chúng tôi muốn nhắc tới sách Điển luận của Tào Phi: “Thể văn tấu nghị nên nhã nhặn; thể văn thư luận nên rành mạch; thể văn minh lụy nên chân thực; thể thi phú nên bống bẩy” [18;240]. Cách hiểu về thể và tính của văn chương từ họ Tào đến họ Lục họ Lưu, từ họ Tạ đến họ Tô sau nữa “di căn” sang bầu trời Bắc Việt cũng vẫn chú trọng ở cái nhã, thực, lệ. Cái tiếu bị khép vào phường hạ phẩm, của bậc quan nhỏ, ngang hàng lời nói vụn vặt (tiểu thuyết). Liệu chúng ta có thể nói đến “tiếng cười” trong truyền thống văn học Trung Quốc cho đến văn học trung đại Việt Nam hay không ?
Về điều này, Nguyễn Duy Cần gọi là “Trào lộng u mặc” [2]. Chữ trào lộng(嘲弄) mà Nguyễn Duy Cần chua thêm vào u mặc có lẽ nên xem lại, ngay cả chữ “u mặc” cũng cần phải xem lại (nguồn gốc từ này vốn dịch từ Pháp văn). Theo ý Lâm Ngữ Đường, Nguyễn Duy Cần nói đến tính u mặc khởi đi từ Trang Tử như là thủy tổ văn chương Trung Hoa. Trong cách thế u mặc này, người quân tử, bậc thánh nhơn trên thế đứng cao hơn thiên hạ để “phúng thích” thiên hạ. Thản như “trào” và “lộng” tự thân đã có ý đùa cợt, giỡn hớt, khinh nhờn (嘲弄=侮蔑/vũ miệt). Vốn dĩ, đùa cợt không phải sự “đứng đắn, phải lẽ” của bậc thánh nhơn; cho nên trong bản chất, sự đùa cợt ở đây nhằm miệt khinh đối tượng. Cho nên, cái cười của thánh nhơn (họa chăng) là phúng thích u mặc (tính trào lộng rất hạn chế).
Nói về hố thẳm ngàn trùng giữa bậc thánh an vị oai nghiêm trên bệ thờ chữ nghĩa với cái nết tưng tửng của anh nhà quê, quả là như nước với lửa. Truyền thống Nho gia từ các cụ nhà ta trải ngược về các thánh phương Bắc, chẳng kiếm được mấy tiếng cười sảng khoải. Sự lộng để mà trào quả là hiếm hoi. Cũng do thánh nhơn coi tiếng cười là khiếm nhã. Có chăng là tính châm biếm như諷刺文學(phúng thích văn học), mà đặc trưng cơ bản của nó là phúng để mà thích (đâm chém, ám sát, châm chích). Ấy là tính bá đạo ưa đâm thọc, biếm giễu, mỉa mai, xéo xắt, hạ bệ kẻ khác. Mục đích sau cùng là nhằm để phơi bày cái dở, cái xấu, cái tệ hại, hủ bại, hư thúi của tha nhân … sau nữa thượng tôn cái hay-cái đẹp-cái lý tưởng thượng thừa của bậc thánh. Thói biếm trích đó chẳng khác gì chà đạp kẻ khác để phô diễn vẻ sáng đẹp bản thân mình. Chúng tôi gọi là hỏa tính (hủy diệt và tranh giật). Ngược lại, cười rỡn phương Nam như Ông già Nam bộ tự đặt mình “ngồi dưới đất”, hạ mình thấp hơn thiên hạ, không tranh chỗ tranh của thiên hạ, cho nên cũng như tính chất của nước. Nước chảy về chỗ thấp, khỏa lấp, thấm nhuần. Sinh mà không diệt, dưỡng mà không hoại. Với lại, cười trước hết tự lấy mình làm cười; thủ giữ phận hèn mọn, dốt nát, tự nhận mình nhà quê nôm na ba que nhiều chuyện, thâu phần xấu dở bần hèn về phía mình để cười mình, thì cơn cớ gì thiên hạ còn tranh giành với ông già Nam bộ nữa. Nhưng không tranh chính là đã vượt qua cái sự tranh, bởi vì tranh ở chỗ mà thiên hạ không tranh. Trần Bảo Định không dám léo hánh tới chỗ chiếu trên người trước mà tranh giật thì cớ gì người trước chiếu trên giật tranh với ông già Nam bộ. Sự chiếm lĩnh thâm trầm đó thuộc về tính chất của nước. Chúng tôi tạm gọi là thủy tính. Nên thấy, cái cười của bậc quân tử thánh nhơn trời Đông là trường thành oai nghiêm bệ vệ, là hỏa diệm sơn chực chờ nuốt chửng những cái không phải lẽ; còn cái cười của anh nhà quê cù lần cù lất chỉ như bãi bình nguyên đồng rộng sông dài. Chỗ dị biệt ấy do đâu ? Bởi chăng thánh nhơn lấy phúng thích làm gốc, chủ ngự trên đỉnh cao Lý Tính, thủ giữ cái gọi là Phải Lẽ; còn anh nhà quê phát ra tiếng cười bởi cái tánh chơn chất quê mùa, lặng lẽ ở đáy nước Thâm Tình, gìn giữ cái gọi là Phải Lòng.
Đi vào cõi mù sa u mặc lại thấy các bậc thánh nhơn đôi khi bị thiên hạ gán ghép làm cho sai lạc. Nguyễn Duy Cần cũng có nhắc đến ý này. Bởi vì u mặc thánh nhơn phần nhiều bị hậu bối bẻ sang “hoạt kê trào phúng”. Nói vậy là có ý xem hoạt kê trào phúng là dạng hạ phẩm không thể so với u mặc của thánh nhơn. Nhưng u mặc từ đâu mà có ? Theo Lâm Ngữ Đường [2] thì U mặc của Trang Chu thiên về dương tính, u mặc của Đào Tiềm thiên về âm tính. Ở Trang là tiếng cười vang động cho bọn ham mê danh lợi đến mức không thấy mình chỉ là trâu lợn được vỗ béo chờ đến ngày cúng tế. Còn như họ Đào là tiếng cười “chát” cho thói đời lấy nhân phẩm đổi lấy danh lợi. Họ Lâm gọi hai vị ấy là tổ của u mặc trong văn học Trung Quốc. Chúng tôi xét qua, thấy rằng hai vị u mặc tiên sinh ấy chung quy cũng là lấy thiên hạ ra để mà cười. Dù cho “tự thích” của họ Đào có phảng phất bình đạm thì cũng vẫn nhắm đến cái xấu dở ngu muội của thiên hạ. Tựu trung, đó vẫn là tính chất công kích, triệt hạ. Xét trên mối tương liên tạo dựng tiếng cười thì lối phóng thích hay u mặc của thánh nhơn còn ở dạng phân chia giữa ta với người để làm cười. Nghĩa là còn ở thế nhị nguyên phiên biệt. Nhược bằng, xem “trời đất vô cùng một cuộc chơi” thì cái cười của ông già Nam bộ đã ở thế “nhất nguyên” để rong chơi theo đường hướng tộc Việt du hý bình nguyên. Bởi vậy, hòa bình lập lại đâu có kẻ buồn người vui, đâu có ai thắng ai thua. Chỉ có: hoặc là cả làng buồn, hoặc là cả làng vui. Vui bởi vì làng xóm đã yên bình qua cơ ly loạn, buồn vì trong nhà ai cũng vắng đi một hai bóng người. Mắc mớ gì nữa mà đúng sai, có đáng gì nữa chuyện hay dở, có sá gì nữa chuyện hơn thua. Chung quy là một tiếng cười chan hòa nhân bản.
Thôi thì bậc thánh nhơn cứ thủ giữ miệng cười biếm trích “tha nhân”, còn ông già Nam bộ cứ nghêu ngao cười rỡn, cười để mà chơi vậy thôi ! Cười chơi xong rồi, ông già bỏ đi.
c. Cười của ông già Nam bộ nhiều chuyện và Thánh nhơn – Tây phương
Liệu ông già Nam bộ cười rỡn có gặp gỡ với tiếng cười của các bậc thánh nhơn Tây phương ở khía cạnh nào không ? Băn khoăn này khiến chúng tôi tìm về cổ Hy Lạp. Đặc biệt ở địa hạt hài kịch.
“Satirise” (χλευάζειν) [22;734] bắt nguồn từ căn tự χλενάζω [19;1729] nghĩa là lời nói đùa, chế nhạo, chuyện buồn cười lố bịch, làm trò vui cho thiên hạ, mục đích để làm cho thiên hạ cười cợt, còn là kẻ bị đem ra làm trò đùa để người khác phỉ báng (joke, jest, mock, scoff). Vốn nghĩa này bắt nguồn từ hài kịch Hy Lạp cổ (κωμῳδειν /kōmōidein) gắn liền với Aristophanes [22;734]. Bấy nhiêu ta rõ thấy tính chất gây hấn của lối hài hước châm biếm. Ở đó, cái cười hả hê phỉ báng rộ lên với sức công phá của đám đông. Tiếng cười là sự áp chế của đám đông với kẻ yếu. Kẻ đó bị quy chụp vào cái sai/cái xấu nên bị đám đông cười cợt. Mỗi tiếng cười ở đây chẳng khác gì đá tảng ném về phía đối tượng bị cười. Phải chăng mỗi vở hài kịch là một cuộc ném đá tập thể vào những đối tượng mà đám đông nhắm đến.
Ý châm biếm của tiếng cười đóng vai trò chủ yếu trong việc tác động vào trí tưởng tượng gây ra nhận thức mới trong lòng người xem [20;23]. Cơ chế triển khai của tiếng cười chính là công phá đối tượng, để trên đống tro tàn còn lại có thể phát hiện ra một nhận thức mới về đối tượng và hiện tượng. Thế nên tiếng cười này đằng đằng ý hướng chinh phạt/khuất phục/phá hủy. Phá hủy để làm gì ! Để đạt đến sự tự do. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến hài kịch Aristophanes như là thái độ dứt khoát tìm đến tự do. Dù trong mối liên hệ với bạn bè hay kẻ thù, tiếng cười châm biếm luôn là nhát dao phá bỏ ràng buộc để tự do (free), khinh bỉ sự bất nghĩa (unbribable, direct) [1;52]. Nghĩa là tiếng cười tự do/hài hước châm biếm của Aristophanes vừa là thái độ phản ứng lại sự vô luân và nhân danh sự vô luân, vừa đồng thời khẳng định “nhân chủ” tuyệt đối. Đến đây, chúng tôi nghĩ chỗ dị biệt giữa tiếng cười Hy Lạp cổ và tiếng cười Nam bộ đã sáng rõ. Tiếng cười Nam bộ vẫn đề cao nhân chủ hướng đến tự do nhưng không khẳng định tuyệt đối nhân chủ mà hướng đến hài hòa Nhân với Thiên-Địa.
Văn minh Tây phương trải từ cổ Hy Lạp cho đến hậu bán thế kỷ XX mới bắt đầu nhận ra vai trò của việc hài hòa tương ứng với thiên địa trong việc sinh tồn trên mặt đất trần gian mà Phê bình sinh thái [21;577-602] là một trong những biểu hiện. Trong khi đó, Việt tộc thiên di về phương Nam sau nhiều lần xâm lấn của phương Bắc, đã và đang tiếp tục giữ vững triết lý Tam Tài thiên biến vạn hóa. Vì thiên tính đó, lưu dân vào Nam đã thích nghi và chung sống với miền đất mới để tạo ra trái ngọt cây lành. Nói chi xa xôi, không chỉ trong văn chương của ông già Nam bộ nhiều chuyện – Trần Bảo Định mà ngay cả trong cách thế làm ăn sinh sống của các lão nông trứ danh[6] ở đất Nam bộ trải gần nửa thế kỷ (tính từ sau khi thống nhất đất nước) đã là minh chứng rõ ràng cho cốt lõi tâm hồn và nết ăn tính ở giao hòa tương ứng giữa cõi trời đất. Đủ thấy, chủ tính hài hòa tương ứng Thiên-Nhân-Địa đã ăn sâu vào tâm thức con người phương Nam. Không chỉ trong tiếng nói tiếng cười mà còn trong tánh nết đối nhân xử thế. Không chỉ trong văn chương thơ phú mà còn trên thực tiễn đời sống hằng ngày. Chủ tính này là cốt lõi tạo nên khác biệt trong tiếng cười của Trần Bảo Định với cách cười của Tây phương(!).
Chắc hẳn, việc so sánh của chúng tôi trong phạm vi bài viết này không thể đi vào cặn kẽ tiếng cười phương Đông và tiếng cười phương Tây mà chỉ gợi mở để định vị tiếng cười Trần Bảo Định trên căn để cổ nhân Trung Hoa và cổ nhân Hy Lạp, ít nhiều có thể mang lại những suy ngẫm thú vị và độc đáo ở tiếng cười của Ông già Nam bộ nhiều chuyện như là dòng chảy thâm trầm từ tính mệnh Việt tộc cho đến các vấn đề đời sống và xã hội của con người phương Nam trong bối cảnh hiện thời.
Tạm kết
Nhìn chung, để nói về tiếng cười khởi đi từ tính mệnh Viêm Việt, phục dựng thuyết lý Tam Tài cho đến tiếng hót chim sẻ đỏ ở rạch Bà Tàu, có lẽ chúng ta cần nhiều thời gian khảo cứu hơn nữa. Tuy nhiên, có thể nói rằng tiếng cười của Trần Bảo Định đã mở ra cho chúng ta cõi giới phi thời – liên không của sinh giới Việt tộc. Tiếng cười cũng chính là tiếng hót chim sẻ đỏ bay về phương Nam sau nhiều lần xâm lấn của phương Bắc.
Cho nên, “Sau cùng đến nay thì xem ra nó đang chuyển hướng xuống Nam về phía Cửu Long” [16;387]. Kim Định đã đưa ra tiên đoán cho vận động tính mệnh Việt tộc. Bắt nguồn từ việc so sánh nguồn cội phát tích của ba con sông Hoàng Hà, Dương Tử và Cửu Long, ông đi đến chỗ phát hiện quá trình vận động chủ tính tộc Việt. Từ vùng đồng bằng trù phú giữa hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử mà tính chất của chúng là biểu trưng rõ ràng cho cách thế biện chứng âm dương của người phương Nam để rồi Kim Định bày ra một cuộc diện tang thương của chủ tính Viêm Việt trong quá trình thiên di về phía Nam. Từ quá trình ấy, tộc Việt dẫu có đánh mất nơi cư trú ngàn đời (Trong Nguồn/Trong Nguôn/Trung Nguyên!) để dời mãi về phía Nam. Đến nay, mảnh đất Nam bộ một thời khai thiên lập địa trở thành đất mới cho cánh chim Việt. Từ Dương Tử Giang đến Việt Giang/Hồng Hà và sau nữa là “Trao về Cửu Long Giang”, chủ tính Việt tộc không những không mai một mà còn sáng rõ hơn ở bờ cõi cung Ly với tính khí của loài chim phương Nam ưa tự do, cánh chim chuyển hóa chan hòa bay giữa vùng trời đất.
Bởi vậy, dù cho Nho giáo phương Bắc trá hình (trí và trá) áp chế nhưng vùng trời phương Nam vẫn giữ được tiếng cười minh triết của thiên tính tự do phóng khoáng và địa tính sâu dày thâm trầm chuyên chở để rồi nhất nguyên tương hợp/tương hòa với Thiên Địa lập thành Tam Tài. Phải chăng, cánh chim phương Nam trên dòng nước Bảo Định chảy từ Vũng Gù về Mỹ Tho đã ấp iu nuôi nấng một cá tính phương Nam đậm đặc, một tánh nết Nam bộ rõ nét, một mảnh hồn Việt tộc ngàn đời. Điều quý giá đó có thể nhìn thấy trong văn xuôi Trần Bảo Định và tiếng cười cà rỡn duyên dáng của ông già Nam bộ nhiều chuyện. Thành ra ! Dùng lời, mà dạy thiên hạ là bậc thầy của thiên hạ; dùng tiếng cười, không dạy đời mà giáo hóa được người đời thì có thể gọi là bậc minh sư.
Bấy giờ, khi đã hiểu thấy ý kiến của Kim Định và cảm mến tiếng cười cà rỡn của ông già Nam bộ, ta sẽ thấy con lân què Viêm Việt dẫu có què mà không quặt. Con lân mấy ngàn năm trước đến giờ vẫn còn đang tý tởn trên doi đất bình nguyên Cửu Long. Và con chim sẻ đỏ vẫn còn hót ven rạch Bà Tàu. Nói khác đi, suy tư về cốt cách an vi của Viêm Việt trong mối tương liên với phương Bắc và phương Tây đã lập định cho tộc Việt một cách thế riêng biệt. Dẫu trải qua mấy ngàn năm nhưng con lân què không chết, mà bấy giờ còn đang du hí khắp các bãi bờ trời Nam.
Sau khi đọc Trần Bảo Định, sau khi đã cười ngả ngớn-ngặt nghẽo, cười lộn ruột-lộn gan, là cái thất thần lặng người. Cho nên nói, cà rỡn nhưng sau cùng không còn cà để mà rỡn nổi được nữa !
(Saigon, 14.7.2020)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aristophanes (1915), Clouds (edited with introduction and notes by Ph.D. Lewis Leaming Forman, American Book Company, New York - Cincinnaty – Chicago.
2. Thu Giang Nguyễn Duy Cần (2017), Cái cười của thánh nhân, Nxb Trẻ, TPHCM.
3. Trần Bảo Định (2016), Đời Bọ hung, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TPHCM.
4. Trần Bảo Định (2017), Phận Lìm kìm, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TPHCM.
5. Trần Bảo Định (2017), Chim phương Nam, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TPHCM.
6. Trần Bảo Định (2017), Đất phương Nam ngày cũ, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
7. Trần Bảo Định (2017), Ông già Nam Bộ nhiều chuyện: Góc khuất dưới chưn đèn, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
8. Trần Bảo Định (2017), Ông già Nam Bộ nhiều chuyện: Dấu chưn lưu dân, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
9. Trần Bảo Định (2018), Khói un chiều, Nxb Đà Nẵng.
10. Trần Bảo Định (2018), Bóng chiều quê, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
11. Trần Bảo Định (2018), Bông trái quê nhà, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
12. Trần Bảo Định (2019), Chơi thôi mà!, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
13. Trần Bảo Định (2019), Mưa bình nguyên, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
14. Trần Bảo Định (2019), Thương những ngày, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
15. Trần Bảo Định (2020), Kiếp Ba khía (tái bản), Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
16. Kim Định (1970), Việt lý tố nguyên, An Tiêm xuất bản, Saigon.
17. Kim Định (2017), Cơ cấu Việt Nho, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
18. Lê Quý Đôn (2006), Vân đài loại ngữ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
19. Liddell, H.G. & Scott, R. (1901), A Greek-English lexicon, Clarendon Press, Oxford.
20. Murray, G. (1933), Aristophanes – A Study, The Clarendon Press, Oxford.
21. Phillips, D. (1999), Ecocriticism, Literary Theory, and the Truth of Ecology, New Literary History, Vol. 30, No. 3, Ecocriticism (Summer, 1999), The Johns Hopkins University Press, pp. 577-602.
22. Woodhouse, S.C. (1910), English-Greek Dictionary A Vocabulary Of The Attic Language, George Routledge & Sons Limited, London.
23. Mai Thu Huyền (2018), Về khái niệm văn học trào phúng, Tạp chí Lý luận-phê bình văn học, nghệ thuật, số 11/2018. (https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/ve-khai-niem-van-hoc-trao-phung-77).
Nguồn: Tác giả
[1] Tính tự nhiên của tiếng cười, Nguyễn Duy Cần đã xếp vào hạng thượng thừa.
[2] “Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”. (Tự trào – Nguyễn Khuyến)
[3] Điểm này, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ ở phần sau (cười là thương, cười là tận cùng cái bi)
[4] Chẳng phải tiếng cười này chính là cách chuyển hóa và chế tác hỷ lạc từ nỗi khổ niềm đau mà Thiền sư Nhất Hạnh đã dụng tâm trao truyền mấy mươi năm qua hay sao ! Lưu dân Nam bộ trải mấy trăm năm đã hun đúc tiếng cười như là “phương tiện thiện xảo” của tâm hồn.
[5] Đã nói ở phần trên.
[6] Chẳng hạn như Vua Đất Võ Quan Huy tức Út Huy (ở Tân Mỹ, Đức Hòa-Long An) phải ăn đất-ngửi đất-uống nước đồng để hiểu được đất và chuyển hóa đất; lão nông Võ Hồng Ngoãn tức Sáu Ngoãn (Xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) nổi tiếng với việc nuôi tôm sạch hài hòa với môi trường; lão nông Võ Văn Chung tức Hai Chung (Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang) nổi tiếng với việc trồng lúa và nuôi heo áp dụng khoa học bảo vệ sinh thái, v.v.v…
Tiếng cười tiếng nói của người Nam bộ gắn liền với sinh hoạt đời sống (có thể là chuyện trên đồng, chuyện trong nhà), tiện thể mở miệng nói để làm cho việc đồng áng hay gặp gỡ thêm phần vui vẻ. Có thể đó là khi má đang chuẩn bị món cá linh hấp mía, miệng nói với biểu chị Hai; có khi là thằng Tám ở Saigon về quê phụ đập lúa ma mà câu chuyện bày ra giữa lúc làm đồng. Tiếng cười chen vào lúc “tay làm” hay “hàm nhai”. Cuộc sống của người nhà quê giàu sinh khí chính là vì có tiếng cười giòn giã.
1. Cười như là cách thế ứng xử của người nhà quê ở miệt vườn Nam bộ
a. Tiếng cười biểu hiện cho sự đôn hậu, chất phác, thiệt thà
Tiếng cười tiếng nói của người Nam bộ gắn liền với sinh hoạt đời sống (có thể là chuyện trên đồng, chuyện trong nhà), tiện thể mở miệng nói để làm cho việc đồng áng hay gặp gỡ thêm phần vui vẻ. Có thể đó là khi má đang chuẩn bị món cá linh hấp mía, miệng nói với biểu chị Hai; có khi là thằng Tám ở Saigon về quê phụ đập lúa ma mà câu chuyện bày ra giữa lúc làm đồng. Tiếng cười chen vào lúc “tay làm” hay “hàm nhai”. Cuộc sống của người nhà quê giàu sinh khí chính là vì có tiếng cười giòn giã.
Mà phải ở chỗ thâm tình mới có được tiếng cười thiệt tình thương mến. Cho nên, cái cười đó trước tiên là cách người Nam bộ thể hiện tâm tình chơn chất thiệt thà của mình. Cái tình đôn hậu, chất phác ấy là đặc sản của người nhà quê. Và sự dí dởm tươi vui của cuộc sống quê nhà gắn với ruộng đồng sông nước, nên có thể nói, cái cười cũng mang vào đó thể tính của sông nước đồng ruộng Cửu Long. Thậm chí có thể nói, thể tính của sông nước hiền hòa và động ruộng phì nhiêu đã tạo thành tính chất của tiếng cười ở chốn quê nhà. “Đây là hệ luận của dân gian tính vì dân gian thường bao giờ cũng chất phác và thiết thực. Chất phác là có sao nói vậy không lèo lá bôi bác kiểu quý tộc; còn thiết thực là không nói những chuyện trừu tượng như quý tộc La-Hy hay nói về thế giới bên kia mồ hay hư vô như tăng lữ nhưng là nói về những việc làm ăn, giao tế hàng ngày, ở đây và bây giờ” [17;235]. Cho nên, tiếng cười Nam bộ hay tiếng cười của Trần Bảo Định không phải xuất phát từ cái gì xa xôi viễn vông, mà thường luôn bắt nguồn từ chính đời sống lao động sinh hoạt thường ngày người nhà quê.
b. Tiếng cười của sinh thái học nhân văn
Cười vì bất bình (Kiến ngãi bất vi vô dõng giả) - Cười như một phép đối nhân xử thế (phản ứng). Nhưng phản ứng ở đây không hàm ý tranh đoạt. Ngược lại, lối ứng xử này thuận theo chủ tính hài hòa, phối ứng của người phương Nam. Tại sao lại nói sự phản ứng trước bất bình là chủ tính hài hòa ! Vì bất bình chính là phản ứng lại tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái nhân sinh/nhân văn. Người dân quê phản ứng lại sự rúng động đảo điên của thời thế nhân tình, chính là để giữ gìn sự cân bằng hài hòa của Thiên-Nhân-Địa; chứ không phải tiếng cười mang tính bạo động, triệt tiêu đối tượng. Cười để “phản” nhưng vẫn “ứng”. Chính vì vậy tiếng cười này vẫn giữ được căn tính phương Nam.
Lại nói, từ chỗ thâm tình mà cười rỡn với nhau. Cái cười này thiệt tình chất phác, khởi đi từ chỗ tình thương mà không làm cho đối phương tự ái. Cũng không phải là cái cười tự phụ/tự mãn/tự cao của bề trên cười lên đầu kẻ dưới. Đâu phải như vậy ! Tiếng cười ở đây của người nhà quê, tự nhận mình dốt nát, đâu có chen lấn lên trước, dự phần với hàng thông thiên bác địa. Qua tiếng cười, chúng ta còn có thể nhìn thấy cách ứng xử đối đãi của người nhà quê. Đó là lối ứng xử điều hòa-hài phối vốn được gìn giữ ngàn đời trong phần sâu kín nhất của tâm hồn con người để rồi thể hiện ra một cách triệt để từ giọng nói tiếng cười, tập quán cư trú đến tánh nết làm ăn sinh sống. Cố nhiên không phải lối tương tranh của phương Bắc; cười người khác để “tung hỏa mù” tâm lý đối phương, để tranh phần hơn với thiên hạ. Thản như, kẻ trên chê người dưới, kẻ khôn chê người dại; rồi lấy đó làm cười, chính là tiếng cười của phương Bắc. Còn tiếng cười rỡn ở đây không nhằm triệt hạ tha nhân.
Nói như vậy không có nghĩa là tiếng cười cà rỡn phương Nam thiếu sót hay nông cạn về ý nghĩa luân lý (phê phán). Kỳ thực, người Nam bộ không phán để phê người khác mà chỉ tâm tình, chỉ cà rỡn chơi với nhau. Và ý nghĩa luân lý còn lại chính là khi tiếng cười đã lặng chìm vào suy tư tự thân mỗi người. Bởi vậy mới gọi là cười rỡn chớ không phải cười mỉa, không phải cười xéo, không phải cười khẩy, không phải cười xếch, không phải cười nửa miệng, … Tiếng cười rỡn là cách cười tủm tỉm, ý nhị, thiệt thà hoặc là “cười khề khà” tý tửng. Chủ yếu để chơi vậy (chơi thôi mà!). Cách cười ấy không làm người ta tự ái, chẳng khiến ai mất mặt với bàng dân thiên hạ …. Sau cùng trong lòng mỗi người còn đọng tiếng cười, để tự biết xấu hổ.
Vậy sao tiếng cười rỡn không làm mếch lòng ai ? Lẽ vì tiếng cười ấy không phải làn tên mũi đạn, không phải đầu dùi mũi chỉa, đâu có phỉ nhổ chà đạp, … nhắm đến một ai. Cười trước hết là cười mình, sau nữa là cười trời, cười đất, cười đời, cười bâng quơ, rồi nhiều khi cũng không biết cười cái gì ! Cười vào chỗ trống không (cách thế cười của Tế Điên hòa thượng nửa tỉnh nửa mê cũng là cái cười giác ngộ). Phải nói chúng ta nên dành thêm thời gian khảo luận để làm rõ tiếng cười đặc sản của ông già Nam bộ nhiều chuyện vào dòng văn học sinh thái nói chung.
c. Cười không phải tranh giật mà hàn gắn – tiếng cười hóa giải
Để làm rõ vấn đề này, chúng ta nên xét tới hậu quả của tiếng cười. Sau tiếng cười là gì ? Tiếng cười sẽ đọng lại gì ?
Phàm cái cười chỏ vào người khác theo mô thức: “ĐỐI TƯỢNG CƯỜI + TÍNH CHẤT GÂY CƯỜI = CÁI CƯỜI”. Đây là cái cười chia lìa. Vì cười nhắm vào chỗ hạ bệ kẻ khác, ắt gây cho kẻ khác tự ái, đôi khi là bất bình, phẫn uất (uất quá thành ra phẫn). Phẫn rồi thì hố thẳm giữa mình với người càng thêm sạt lở. Hố thẳm cách ngăn không thể hàn gắn.
Nhưng Trần Bảo Định không mang thâm ý hạ bệ bất cứ ai. Có chăng, chỉ là hạ bệ chính mình, cười chính mình (tự nhận mình là bỉ nhân!). Ông cười không làm mếch lòng thiên hạ là vậy. Và bởi ông tạo ra tiếng cười theo mô thức: CÁI THƯƠNG + CÁI ĐAU = CÁI CƯỜI. Đau còn đó, thương còn đây thì lòng dạ nào nữa mà mếch lòng, tự ái ! Vì đau quá mà phải cười để chữa lành, vì thương quá mà xích lại gần nhau. Tựu trung, tiếng cười cà rỡn của Trần Bảo Định là tiếng cười hàn gắn và hóa giải. Tiếng cười này sẽ may vá lại thảm trạng rách nát của lòng người và tình đời trong thời buổi đảo điên hệ giá trị nhân bản.
2. Cười như thế nào ?
“Mẹo” gây cười của ông già Nam bộ là kiểu hư chiêu. Trần Bảo Định cho chúng ta cảm giác người viết không hề chú ý về thủ pháp. Nghĩa là câu chuyện sẵn tiện nói ra. Chẳng hạn, dịp đứa cháu về quê nên ông già có dịp nhiều chuyện, chẳng hạn lúc thả xuôi theo con nước ngẫm ngợi xa xôi. Giữa lúc sẵn tiện đó, tiếng cười vang ra. Người đọc dễ rơi vào cái “hư chiêu” của “Vô Danh thần tăng” để cảm nghiệm tiếng cười một cách tự nhiên[1]. Trong số những “hư chiêu”, Trần Bảo Định thường gây cười thông qua nhận thức nghịch cảnh éo le của chuyện đời. Chim không chết vì chiến tranh, chim chết vì hòa bình (Chim phương Nam). Hồi chiến tranh cái gì cũng có, thậm chí dư; lúc hòa bình cái gì cũng thiếu (Kiếp Ba Khía). Thêm vào đó, ông bày ra nghịch lý để người đọc tự thấy hợp lý. Nhà văn làm người ta cười vì cái nghịch lý hợp lý đó.
Một khía cạnh nữa chính là nhà văn tạo ra tiếng cười bằng cái “TỤC”. Vì nhà văn “thủ giữ” cái phận nhỏ bé, nhỏ mọn và cũng “nhọn mỏ” (nhiều chuyện) nên đâu có ngại ngùng hay cố tình tỏ ra “tao nhã”. Phải nói, tánh nết này của Trần Bảo Định đã khởi đi từ thói quen ăn nói của người bình dân. Hơn ai hết, ông đã sống trọn vẹn với người bình dân. Câu ca dao từ thơ ấu là bầu sữa hun đúc thành cái nết “cà tửng” và duyên ngầm đậm đà của một cánh chim quê vẫn giữ được đặc trưng tiếng hót cố thổ quê nhà.
“Có đầu mà chẳng có đuôi
Có một khúc giữa cứng ruôi lại mềm” (câu đố dân gian)
Lại nói, cái thiết thực của người bình dân khiến cho người bình dân thẳng thắn với cái Tục. Theo đó, họ giỡn với cái Tục. Trần Bảo Định lấy cái tục để cà rỡn. “Chính vì thế mà khi nhiều văn minh gọi cơ quan sinh dục là sự xấu xa hoặc là củ tội thì Việt Nho lại gọi là ngọc hành, và văn chương dân gian nói về việc nam nữ hợp thân cũng như về việc gạ hỏi cưới xin một cách rất hồn nhiên thành thực, không một vết mặc cảm chi cả” [17;241]. Chuyện âm dương giao hòa [4;110] được Trần Bảo Định chuyển hóa thành tiếng cười “tủm tỉm”, tinh nghịch mà tinh tế. Tự nhiên, chuyện sao thì nói ra vậy. “Nhảy đực” thì nói là “nhảy đực” bày đặt nói “huê dạng” ai mà hiểu !” [13;64]. Hay như chuyện chị Năm Thử bị Tèo Lát rủ chơi trò vợ chồng đến mức đau rát; nhưng rồi đêm hôm thấy “nhơ nhớ”, chị rủ ngược lại; và đợt này Tèo Lát te tua với chị [15;68]. Đối với Trần Bảo Định, tính dục không phải là vùng cấm trong văn chương.
Từ trung đại đến hiện đại, văn chương dần phá bỏ những rào cản của vùng cấm tính dục trong việc biểu hiện sinh giới con người (từ thơ nôm Hồ Xuân Hương đến Hà Hương phong nguyệt; đến thơ của Bích Khê, Hàn Mặc Tử; đến văn xuôi đô thị miền Nam như Lê Xuyên, Nguyễn Đình Toàn, các nhà văn nữ…., sau nữa với văn học thời đổi mới và một số cây viết nữ gần đây như Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, …). Tính dục được sử dụng như một cách thế phản ánh tâm lý nhân vật/chủ thể trữ tình, phần nhiều với sắc thái trầm uất, mặc cảm, đau đớn, đầy rẫy tổn thương bi phẫn. Chưa có văn sĩ nào sử dụng tính dục một cách “gọn hơ” như Trần Bảo Định. Bởi ông đã ở trong tâm thức dân gian để thể hiện các vấn đề tính dục. Tuy nhiên không phải ông sử dụng “cái tục” để tạo ra tiếng cười dễ giải. Cái tục ở đây chính là chuyện hợp thân mà người Nam bộ cho là hợp với lẽ trời đất, không mắc mớ gì phải ái ngại. Tiếng cười ở đây là một lối nhận thức khác với lối nhận thức bị bóp nghẹt trong quy phạm xã hội; lối nhận thức nhân bản của kẻ đứng giữa trời đất và bình đẳng với trời đất. Huống hồ con người lại là yếu tố giao hòa, kết nối trời đất. Theo đó, giao hợp âm dương là vận động sinh triển đương nhiên của tồn tại. Vì đương nhiên nên cứ chất phác “huỵch tẹt”, điều này khiến người ta cười. Cái cười cứ nhơn nhơn đứng giữa cõi trời đất, không mảy may tủi hổ cúi đầu.
Bên cạnh cái Tục, “mẹo” gây cười của Trần Bảo Định còn ở cách nói trại, chơi chữ nôm na mà nghĩa tình thấm đẫm. Tình ở chỗ nào ! Không phải bằng lời nói, người Nam bộ ưa làm mà ít nói. Ngay trong cái ý ăn nết ở có thể thấy cái tình như vậy. Thấm đẫm ở chỗ nào ! Thử nhìn vào món cá linh hấp mía. Hấp chớ chẳng kho. Bởi vì hấp thì thấm đượm còn kho thì xát muối. Hấp – chia sẻ ngọt bùi. Kho – áp chế khắc nghiệt. Người miền Nam nghĩ vậy [6;40]. Hay như lối cắt nghĩa Lúa ma [6;53] có vẻ cạn cợt manh mún nhưng nghĩ lại rất thấu đáo. Hay như lối chơi chữ của người đàn bà ít chữ. Dù ít chữ nhưng không phải là không có nhận thức. Cách nói: Phù mỏ (Phù Nam), Chưn đạp (Chân Lạp)[6;50] cho thấy người đàn bà quê mùa vừa có trí, vừa có sự dí dởm.
Về cách tạo ra tiếng cười, chúng tôi chỉ gợi ra vài khía cạnh. Để khai thác kỹ lưỡng, chúng ta cần nhiều công sức khảo cứu hơn nữa. Tuy nhiên, điểm nổi bật ở cách thức (mẹo) gây cười chính là tác giả không móm mồi, không chọc lét người đọc. Người ta tự đọc, tự thấm rồi tự cười. Mỗi người mỗi tiếng cười khác nhau, mỗi cảm nghiệm khác nhau. Từ cười mình đến cười trời, cười đất, cười bâng quơ. Tiếng cười hướng đến khoảng không gian bao la giữa thiên địa.
3. Cười cái gì ?
a. Cười mình để thấy người – Cười nhân tình
Như đã nói, người nhà quê đâu có đặt mình trên thiên hạ để cười. Thành ra cười đây trước hết là cười mình. Nhưng lối cười mình ở đây khác với lối “tự trào”[2] của bậc Nho gia. Cười mình không xuất phát từ lối nhận thức “uyên bác” của bậc túc nho về thế sự rồi “tự trào”. Chỉ là tình thiệt lòng mình ra. Không nghĩ tới gây cười mà lại cười. (Thà không có con c** gì để ăn, chứ nhất quyết không để nó coi mình không ra con c** gì). Chủ yếu nói ra suy nghĩ thiệt tình trong bụng dạ, không chọc lét mà độc giả tự cười. Qua đó, cười mình (chẳng mếch lòng ai) mà người đọc có thể thấy cái thảm trạng của nhân tính-nhân tình. Mới nói, cười mình để rồi tiếng cười của độc giả sẽ lan tỏa đến “tha nhân”. Sau khi cười Trần Bảo Định, độc giả tự nhận ra bao nhiêu “cảnh” đáng cười của thiên hạ. Dầu vậy, cười không làm người ta bi quan, ngược lại càng nhấn mạnh và thể hiện lòng tin tưởng vào “thiên lương” hằng cửu của người dân quê[3]. Đây là điểm đáng quý ở tiếng cười của ông già Nam bộ.
Và còn đáng quý bởi tính giáo dục của mỗi câu chuyện. Nhà văn đề cập đến cái nghiến răng của Cóc và tiếng tục tác của Gà Mái như hai phạm trù Hài-Bi đặt bên cạnh nhau. Nhà văn viết truyện có vẻ không có cốt truyện. Sáng tác của Trần Bảo Định không đi theo trật tự thường thấy (mở đầu, mâu thuẫn, đỉnh điểm mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn). Có vẻ không có cốt truyện nhưng lại có cốt truyện. Cốt truyện đây có lẽ chỉ nên gọi là “cốt”. Do ý niệm trừu tượng xuyên suốt, hiển hiện bàng bạc đóng vai trò như sợi chỉ đỏ nối kết các bộ phận của văn bản. Nhìn sơ qua, người ta dễ thấy truyện của ông rời rạc và gán vào thể loại “tản văn”, “tạp bút”. Kỳ thực văn bản thống nhất hóa bằng một cảm thức siêu hình, một ý hướng trừu tượng. Chúng ta có thể nói đến “Trời chắc đã mưa” để minh chứng cho lối viết này. Nếu bám vào ý hướng: “Mái đối đầu và chiến thắng kẻ thù hữu hình vì, Mái giải mã được quy luật của nó. Với kẻ thù vô hình đột biến từ thiên nhiên, do con người thọc gậy, Mái mù tịt, hoàn toàn không biết và không hiểu !”[4;144], chúng ta có thể kết thông toàn bộ sự việc diễn ra, cũng hiểu được tiếng cười từ niềm tin Cóc nghiến răng khiến cháu Trời “té đái”. Tiếng cười vì sự ngô nghê không nhìn thấu bao nhiêu biến đổi man trá của nhân tính. Cái tình (tâm + tính/thái độ) của con người đã can gián vào Dòng tương tục Thiên Địa (Élan vital), tạo ra sự biến động kinh thiên của nhân quầng và vạn vật. Mầm móng họa loạn chính ở chỗ nhân tình. Chúng ta còn có thể bắt gặp tiếng cười này trải dài từ Kiếp Ba khía đến Thương những ngày. Nhiều sáng tác của ông vừa có tính chất truyện cười, vừa có tính chất truyện ngụ ngôn; vừa có tính chất cảnh báo vừa có tính chất tiên đoán. Do đó, tiếng cười có đóng góp lớn vào giá trị giáo dục trong văn xuôi của Trần Bảo Định.
Tuy vậy, Trần Bảo Định không sử dụng văn chương để “dạy đời”. Giá trị giáo dục qua tiếng cười chính là tự giáo dục/tự nhận thức. Bài học về đạo làm người trong “chơi mà chối” không phải xuất phát từ lời lẽ “lên lớp” người đời mà chính là ở nét mặt “cắt không còn hột máu” của Cả Khịa. Bởi sau khi đã sàng gạo chị Năm Thử lia lịa, mê mệt và đắc ý thì ông Cả ngồi bật dậy không nói tiếng nào. Nét mặt của ông Cả sau khi nghe chị Năm nói thằng Tèo Lát bị lậu khiến người ta cười và hiểu ông Cả chết bởi vì “chơi mà chối”. Nếu không chối, ông đâu có chết. Chị Năm Thử được mấy anh trong trạm xá trị bệnh dễ ợt, chị khỏe ra. Cho nên “chơi mà chối” chính là lời nhắc nhở, khuyên dạy nhẹ nhàng mà thấm thía đối với “nhân tình” và “nhân tính”. Người Nam bộ hay nói “có sức chơi, có sức chịu”. “Không chối những việc mình đã làm dù có thể bỏ mạng. Nhưng từ chối thẳng thừng và dứt khoát không làm những điều bất nghĩa, cho dù có được vinh thân phì gia”[15;76]. Bởi chăng, chơi không chối – đó là chữ Tín-Nghĩa để góp vào đạo Nhân.
b. Cười chuyện đời muốn tréo bản họng – Cười thế thái
Cũng giống như tiếng cười nhân tình bắt đầu bằng việc cười chính mình; thì ở đây chủ thể phát ngôn cũng lấy việc cười mình để thấy cái đáng cười trong sự đời man trá, éo le. Sống giữa thời buổi nhập nhằng, tình thế đàng họ đàng mình, một mảnh đất hai chánh quyền, hơn ai hết người dân Nam Kỳ hiểu được tình thế con người giữa đôi dòng nước. Có người theo Tây, có người theo Việt Minh, cũng có người theo Phật, … nhưng dù là đàng mình hay đàng họ, dù là Ba Huỳnh hay Năm Đặng thì cũng một lòng với người dân Thạnh Hội Thượng. Chung quy, đằng sau việc Năm Đặng/Tổng Bầy trả lại chức chánh tổng là một nhận thức “lấy dân làm gốc” (dân vi quý), tức là “nhân chủ”. “Từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa hề bị bịnh sốt rét nên tôi không hứng thú gì chuyện phò tá lá “cờ sốt rét”, thưa ngài!”[14;54]. Thế cuộc bày ra làm thành thảm trạng nhiễu nhương Song le, người đời chẳng biết tham vọng đó so với lòng dân chỉ là tạm bợ. Thảnh thử, từ lời nói khí khái của Năm Đặng, một đằng khiến cho người ta cười “quốc kỳ” của Chánh quyền Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, một đằng xiển dương tư tưởng “nhân chủ” của Việt tộc.
Chí như chuyện anh sui – chị sui trong “Chuyện người” của tập Kiếp Ba khía, đó là cái cười lộn ruột lộn gan. Bởi đâu ai dè chuyện dân gian hay cà rỡn, giỡn hớt về mối quan hệ thân mà không thể cận của sui gia đôi bên. Dân gian có nhiều câu “rắn mắc”, “cắc cớ” và “cắc cùm cum” về chuyện anh sui-chị sui. Từ cái chỗ thân mà không thể cận của sui gia, Trần Bảo Định bày ra cảnh thiếu dầu, thiếu xăng, thiếu muối, thiếu mắm, thiếu đủ thứ. Một thời quá khứ mà con người Việt Nam sau bao năm gian khó đấu tranh chẳng thể ngờ được. Chuyện tưởng như đùa, kể ra chơi mà không phải chỉ để chơi thôi. “Mèng đéc ơi, tui phát tay là để tắt cái đèn bóng chớ nào ngoắt anh sui qua! … Dạo này, dầu lửa khan hiếm lắm, tui tiện tặn vì nhà đang có con dâu đẻ. Thôi, trở lại võng nằm nghỉ đi anh sui”[15;131]. Hoàn cảnh thiếu thốn sinh ra tình thế ngượng ngập trớ trêu. Người với người cùng trong cảnh khổ; vậy thì hơn thua, bắt lỗi phải để làm gì. Bởi vậy, tiếng cười của Trần Bảo Định không chỉ cười cái “manh động”, “liều ăn nhiều” của anh sui, không chỉ cười ba lần ngoắt tay của chị sui; thiệt ra cười “thế thái”/cảnh đời tréo ngoe, tréo bản họng (chiến tranh cái gì cũng có, có cái thừa; hòa bình rồi cái gì cũng thiếu).
Như đã nói, Trần Bảo Định không gượng ép “dàn dựng” tiếng cười. Sự cười thường bật ra ở chỗ không ngờ. Vì không ngờ nên sửng sốt, từ sửng sốt đến bàng hoàng. Ngó từ “thế thái” trên trang sách đến “thế thái” đang diễn ra, ngòi bút của ông già Nam bộ đã ghi lại đúng phần ung nhọt nhức nhối của đời sống con người. Thời buổi hệ giá trị căn cơ của dân tộc và tính người nói chung đã “thất điên bát đảo” thì chữ nghĩa đã mất nghĩa đến mức lụn bại con chữ. Câu trả lời của Trò Đực: - Ạ ưa ầy, ồn ! / Dạ thưa thầy, …ồn![15;28] không khỏi khiến người ta đau điếng về sự hủ bại của “chữ” và “nghĩa”. Chắc không ít người la trời về thảm trạng “chữ nghĩa” vì sự bất nghĩa đã giết chết con chữ. Tiếng cười này chỉ ta thấy viễn tượng “bất nghĩa” “bất nhân” sắp sửa của con người vong bản (dù tác giả không có một câu chữ nào chỉ trỏ phê phán).
Huống hồ, chuyện đời thăng trầm, có cái gì chắc ăn ! Cười ở chỗ thấy ăn chắc mà hóa ra không chắc ăn. Chắc ăn người thiết kế dinh thự nhưng ai là chủ của dinh thự đâu có ăn chắc. Thời cuộc đổi thay thì kẻ chủ cũng thay đổi. Ví như “thằng Mẹo” báo điềm làm ba Mẹo bỏ ăn, ai ngờ nhà Tám chuối nướng “ò e í e” [12;37]. Vả lại, chuyện đời đa phần là trò bịp. Bao nhiêu trí trá thuyết khách chung quy cũng để “bịp”. Người ta sẽ cười tréo bản họng vì trình độ lớp ba khiến cho bậc thượng thừa trí thức cúc cung vâng dạ, cười tréo bản họng vì xào chẻ “mưu ma chước quỷ” (bịp đến mức bợm) để “hô phong hoán vũ” cả rừng đa đề học thức Âu-Mỹ [12;55]. Cười đó, rồi đau đó. Đau vì chuyện đời tưởng nói giỡn mà có thiệt rành rành trước mắt.
c. Cười nhất nguyên
Nhà báo Hoàng Sơn, đêm cuối cùng bên người vợ hiền, đã trao lại cho vợ và cho đời một lời tuyên ngôn kiên quyết mà nhẹ nhàng: “Chơi thôi mà!”. Bởi chăng “trời đất vô cùng một cuộc chơi”, mặc cho thù hận, dầu cho nghĩa ơn, lấy ơn báo oán, lấy nghĩa trả thù, không phải không có. Mới đầu, độc giả sẽ hoang mang, hoài nghi về cách thế ứng xử và tiếng cười nhẹ nhàng của Hoàng Sơn đối với kẻ đã bắt bớ và tra tấn mình thua cả súc vật; cũng như độc giả sẽ băn khoăn làm sao có một con người đi tìm kẻ thù một thời để giúp đỡ và động viên. Liệu rằng một con người bình thường có thể đối đãi như vậy được chăng ! Tuy nhiên trên lập trường nhân tính, nghĩa là chỗ phân biệt giữa nhân tính và thú tính, độc giả tự hiểu được luận lý đúng/sai, hay/dở, hơn/thua của đời người chỉ là các diễn trình/dao động của tính mệnh. Có khi người ta ngã về thú tính, có khi người ta thiên về thần tính (con người lý tưởng của triết thuyết và tôn giáo) nhưng sau rốt nhân tính vẫn là cái rạng ngời sáng sủa, soi lối cho tâm hồn con người giữa sự đời lắm cuộc nhiều trò. Vượt lên trên chiêu trò bịp bợm của đời là an trú tâm tính ở chỗ nhân tính. Cầm bằng chính là an nhiên ở chỗ nguyên khai của nhân tính, giữ được nhất nguyên tính từ buổi lọt lòng mẹ. Văn xuôi Trần Bảo Định đã chạm đến gốc rễ uyên nguyên toàn diện của tính người căn cơ nói chung.
Vậy nên cuộc chơi với tiếng cười là cách thế ứng đối của con người phương Nam, chạm đến tính mệnh Việt tộc. Lại nói, một khi người cầm bút gắn chặt tâm hồn mình với tính mệnh quê nhà, cũng chính là phát hiện ra thể tính sâu dày của bản thân. Con nước hồn quê vì thế có thể nâng đỡ bẹ xuồng chữ nghĩa chảy qua thời cuộc bể dâu, vượt qua thời gian hiện hữu hạn hẹp của đời người.
3. Cười là gì hay bản chất của sự cười
a. Cười là thương
Để nói về cười thương, chúng ta cần nhắc lại mô thức: cười = đau + thương. Còn tình ý, nhà văn không trực tiếp biểu lộ mà người đọc tự ngộ ra. Thành thử, chê mà thương, giễu mà thương, đau mà thương, buồn mà thương, giận mà thương, xót mà thương, đánh mà thương, chửi mà thương …. Cái cười lấy cái thương làm nền tảng. Cái thương nào ! Đó là tình thương của mẹ, thản như tình thương của xứ sở quê mình.
Lại nói, tiếng cười không chỉ “yêu” mà còn “thương” [8]. Bởi thương nên không câu nệ. Vì thương nên bỏ qua tiểu tiết cốt sao giữ gìn được tình thương. Cái tên tục (C**, D**,..) xấu ơi là xấu. Học chánh tả, thằng nhỏ méc mẹ chuyện thầy đổi tên từ C** (tê) thành C** (xê). Rồi mẹ phân bua: “chữ “xê” nó ngắn hơn chữ “tê”. Viết chữ “tê” là ước muốn c** dài cho nó chắc ăn” [8;180]. Ngoài là tiếng cười nhưng bên trong là tình thương. Bởi vì “bà mẹ nào mà chẳng giống nhau: “Mong con mình được sống!””[8;179]. Nhưng các mẹ đâu có dè: cái tên tục xấu hoắt có thể lừa ma quỷ thánh thần nhưng đâu có lừa được bom đạn. C** hay G*** gì đều là con của làng mình, đều trở thành mồi chụm cho lửa khói chiến tranh. Sau khi kết thúc trò chơi súng đạn, con về bên mộ mẹ càng thấy rõ cái tên tục xấu hoắt là tình thương vĩ đại của mẹ quê, cụ thể là tình thương của bà mẹ miền Nam. Mẹ chọn tên xấu cũng vì mong con “được sống trước cái tốt đã bị nhân danh … Ở đời làm người thì khó, làm chó thì dễ”; mẹ chọn làm chó để che giữ chất người” [8;182]. Vì thế, cái tên tục làm người ta cười ngặt nghẽo chính là biểu tượng của tình thương mà cũng là sự gửi gắm của lòng mẹ. Cái tên tưởng cà rỡn (bậy bạ) mà ngẫm lại mới thấy sự thấu đáo của mẹ đối với lẽ đời. Qua đó, chúng ta thấy cách suy nghĩ, cách sống và căn cơ tánh nết Nam bộ. Cái cười toát lên từ cách đặt tên còn ẩn chứa nhân sinh quan và thế giới quan giữa thảm trạng ly loạn chết chóc; cho thấy cách thế tâm hồn của con người miền Nam. Ngoài ra, tên tục Mẹ đặt còn cho thấy một yếu tính rất đỗi phương Nam: đó là tánh ý không tranh đoạt. Không chen lấn giành giật phần hơn với người đời giữa sự đời, chỉ thủ lấy cái phần cốt lõi nhất của việc sống: đó là giữ lấy cốt người nguyên vẹn. Giữ được cốt người thì danh xưng bên ngoài dẫu là “chó” đi nữa vẫn xứng đáng làm người hơn biết bao nhiêu tên gọi mĩ miều. Bởi lòng dạ đã là một con người đúng nghĩa. Vậy nên, cái tục và cái cười ở đây đã đi vào yếu tính căn cơ của nhân tính.
Rồi từ chỗ thương để tha thứ. Bởi vì sao ! Vì đã hiểu ! Hiểu cho ai ! Trước là hiểu cho mình, sau là hiểu cho người, sau cùng là hiểu lẽ thái bỉ thịnh suy xoay vần của nhân sinh. Vậy còn cắc cớ khư khư chấp niệm làm gì ? Buông mà không bỏ như thắp nén hương lòng chôn chết cái giận trong lòng mình và cả mối thù hằn với người. Cười để tha thứ, bao dung. Tính chất này khiến cho cái cười của ông già Nam bộ thật sự khác biệt với tiếng cười giễu cợt-nhạo báng-khinh miệt của “thánh hiền” rao kinh giảng thuyết, cũng khác tiếng cười như dao đâm búa bổ của quý tộc mở miệng ra đầy siêu hình phạm trù.
Thương và hiểu thành ra thông cảm, rồi tha thứ và bao dung; tiếng cười có thể sưởi ấm tâm hồn đồng loại. Văn xuôi Trần Bảo Định dù có ngọt bùi, cay đắng, chua chát, ấm nồng thì sau cùng vẫn là tình thương dành cho con người.
b. Cười là tận cùng của cái bi
Cái cười của ông già Nam bộ là tiếng khóc vô thanh của dân miền Nam khi nỗi đau tận cùng. Cười vì “đã quá rồi”, cười vì “quá thể rồi”. Bao nhiêu dấu chưn lưu dân sẵn lòng bỏ xứ vào Nam, khai khẩn đất đai, tìm cuộc sống mới. Không ai như người lưu dân Nam bộ trong việc hiểu thấu và thấm thía cơ cực ở đời.
“Đến đây xứ sở lạ lùng /
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải ghê” (Ca dao).
Thành ra, chúng ta có thể nói về cuộc sống lưu dân như là quá trình chống chọi và trải qua hiểm nguy rình rập của thiên địa ở vùng đất mới để tồn tại. Đó là quá trình chống chọi đau thương do thiên địa buổi hồng hoang gây ra, đồng thời chống chọi với cái tréo ngoe của đời sống con người ở vùng đất mới. Để vượt qua cơ cực, dân Nam bộ dùng tiếng cười chuyển hóa[4]. Nỗi đau tận cùng, cửa miệng méo xẹo thành ra tiếng cười quặn đứt ruột. Bản chất tiếng cười là tiếng la trời thống thiết. Bởi vì ngó thấy cái “cà chớn” của đời đã đến mức quá thể nên buông ra tiếng cười “cà” để mà “rỡn”.
Nói vậy không phải bản chất bi thương của tiếng cười đồng nghĩa với nhắm mắt cam chịu. Kỳ thực, đó là cách thế ứng đối vượt qua hạn định của đúng sai, hơn thua[5]; kẻ đó đã nhìn thấy được quy luật vận động tất yếu của thế sự. Đã nói, tiếng cười cũng là một biểu hiện của tính người phương Nam. “Vì thế ghét sự chém giết, nhưng thiên về những cảnh thái bình, an vui, yêu thương. Giàu về hí hước, trào lộng, ít về bi kịch, thảm sầu. ….Chính vì Việt Nho thì chấp nhận trọn vẹn cuộc sống với mọi chiều kích của nó: cả vui cả buồn nhưng sinh thú được đề cao hơn là khổ đau” [17;240]. Nên dân Nam bộ chọn niềm vui để biết cách chuyển hóa tài tình nỗi đau thành tiếng cười.
c. Nụ cười Tam Tài và Nhân chủ
Đến đây, chúng tôi muốn đi sâu hơn vào căn để tiếng cười. “Nguyên lý nền tảng của nó là Tam Tài, một nguyên lý sâu thẳm đặt nền cho nhân chủ” [17;233]. Nhân chủ trong tiếng cười là cách thế nhân chủ như thế nào ? Trước hết đó là quyền làm con người. Ví như mẹ Hai Lan (Thương những ngày). Bằng vốn hiểu biết quê mùa, mẹ không thể cải lý với chồng về chuyện gả Hai Lan cho Tư Cò nhưng trong lòng bà thừa biết, thừa hiểu và muốn để cho con gái có quyền tự do lựa chọn người thương – cái quyền cơ bản của một con người. Tư tưởng tự do này đặt nền tảng trên nhu thuận, hài hòa. Theo đó, tự do cũng chính là sự lý bản nhiên. Con người trong sinh hiện căn cơ ứng với Thiên Địa để lập thành bộ kiềng ba chân vững chắc cho vận động tính mệnh và xác lập thể tính. Tam Tài do đó là nhất thể cũng là khả thể. Con người đóng vai trò như căn tố đều phối, giữ vững cục diện vận động của Tam Tài. Chính vậy, mối họa mất cân bằng cũng do con người tạo ra. Vấn đề là phải giữ vững cốt người. Nụ cười nhân chủ nói cho văn vẽ: “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, hay ngó thấy như chuyện dân thờ là chắc ăn (chuyện Thủ ngự Thừa), chuyện Năm Đặng được dân bầu làm chánh tổng hai đàng [14]. Tư tưởng nhân chủ của Việt tộc nằm trong thế đối lập với quan niệm Thiên chủ và Địa chủ. Một tiếng la trời của Năm Đặng khi Ba Huỳnh thổ lộ tâm ý của nhân dân. “Mà ý dân là ý trời” [14;46]. Lối suy nghĩ và tiếng cười nhân chủ trong Chưa chắc ăn (tập Chơi thôi mà!) chính là lối tư duy nền tảng trên sự vận động và phát triển hài hòa của Tam Tài. Ở đó, tư duy phương Nam thiên về Động Tính (Động Hướng Tính) nghĩa là giàu tính năng sản, triển nở, thướng vượt và phồn thịnh, giàu tính mở. Lối tư duy phương Bắc nặng về tính Tĩnh, nghĩa là khép đóng, thủ giữ trạng thái cố cựu nên ưa thủ tiêu sự phát triển/thay đổi. Lối tư duy Mở/Năng Sản này khởi xuất trên cấu trúc mở của làng Nam bộ từ buổi lưu dân mở cõi đến hiện thời. “Đó là lý do tại sao Hậu Thiên Bát Quái đặt cung Ly ở phương Nam, và Dịch lý hiểu rằng phương Nam là phương của ánh sáng, của trí thông minh, của lòng Nhân Nghĩa” [12;39]. Cho nên, tiếng cười và thể tính của tiếng cười đã ngụ ẩn triết lý thâm sâu của tộc Việt. Qua tiếng cười, chúng ta có thể khai mở khả năng trao truyền tính mệnh Việt tộc cho hậu thế.
Bấy giờ, ta sẽ thấy: người dùng lời lẽ để dạy dỗ răn đe mà giáo hóa người đời - có thể gọi là thầy đời. Còn người có thể dùng Tiếng Cười mà giáo hóa thiên hạ - có thể gọi là minh sư của đời vậy.
4. Cười và cười nữa
a. Từ nụ cười ca dao đến nụ cười của ông già Nam bộ nhiều chuyện
Cái cười ca dao thường mang ý nghĩa nhắc nhở, khuyên lơn hoặc đúc kết kinh nghiệm sống, đôi khi chuyển tải một ý tình gì đó. Với Trần Bảo Định, cái cười từ ca dao qua “lò luyện đơn” của ý thức thời cuộc đã trở thành tiếng cười giòn mà thâm trầm. Tiếng cười giỡn, cười chơi trao cho câu chuyện loài vật tình ý sâu xa. Thế rồi, câu chuyện động chạm đến vấn đề triết lý nhân sinh. Ví như truyện Thần khẩu hại xác phàm trong tập Đời Bọ hung:
“Le le, vịt nước, chằng bè
Nghe miệng ba đía, bỏ bè con thơ !” (ca dao).
Cười chuyện con ba đía cánh cụt cổ ngắn, mỏ nhọn, tánh nết ưa nổ rần trời [3;90], nhà văn đã ý nhị nói đến biết bao thị phi trong thiên hạ chẳng qua do cái miệng ! Miệng nói ra lời lẽ tình ý, ý tình hiển hiện ra ngoài bằng ngữ ngôn, ngôn ngữ hễ phát ra đã ít nhiều sai lạc với nguyên bản ban đầu. Vậy nên, chính chỗ sai lạc đó thành ra thị và phi. Thị và phi giảo hoạt tráo chuyển tam sao thất bổn thành ra từng cuộc của sự đời.
Đời chung quy chính là ở chỗ cái miệng toày ngoày tét ngoét ra. Miệng làm cuộc cho thành đời nên cái nghiệp của miệng chính là nghiệp quả cơ tạo lớn nhất của sinh hiện trên cõi thế gian. Khởi đi từ ca dao, được nuôi dưỡng trong bầu sinh quyển dân gian nhưng cái cười của Trần Bảo Định đã vượt ra phạm vi ca dao để chuyển tải một cách duyên dáng tình ý sâu xa của sinh hiện khắp trong sáu cõi, vừa mang tính cập nhật giữa thời buổi truyền thông mồm ba miệng bảy cho tới lẽ sống ở mọi thời.
Ở văn xuôi Trần Bảo Định, ta nhìn thấy sự kết hợp của tri thức bình dân với luận lý nhân sinh của người trí thức, tạo thành tiếng cười cà rỡn như biểu hiện thâm thúy, đặc trưng cho cá tính Nam bộ.
b. Cười của ông già Nam bộ nhiều chuyện và Thánh nhơn Đông phương
Để định vị tiếng cười của ông già Nam bộ nhiều chuyện, chúng tôi thiết nghĩ phải quay về với cái cười của “thánh nhơn”. Dưới ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, có thể nói tiếng cười là đặc sản của chủ tính phương Nam. Vì sao vậy ! Vì tiếng cười phương Nam từ Tam Tài, bày ra tính mệnh Việt tộc, thấm nhuần tình thương để nảy mầm. Từ đó, tiếng cười phương Nam đối trọng với tính chất nghiêm nhặt của lý tính áp chế. Nếu như văn học phương Bắc hầu như không mấy trọng tiếng cười thì văn học Việt Nam tiếng cười đã khởi đi từ bầu sữa dân gian (âm thầm lưu chuyển).
Theo sách Lục Cơ, Lưu Hiệp cho đến sau này có Chử Bân Kiệt [23] thì thể tài văn học Trung Quốc không có chỗ cho tiếng cười. Bởi vì tiếng cười trong cái nhìn của quân tử là hành vi của tiểu nhân. Tiếng cười không được coi trọng. Giá trị của tiếng cười theo đó cũng bị xem nhẹ. Cho nên, chúng tôi muốn đặt ra để đi đến xác lập: tiếng cười của Ông già Nam bộ nhiều chuyện chính là tiếng cười toát ra từ nguồn sữa của mẹ và tiếng hót của con chim sẻ phương Nam. Đi từ bầu sữa dưỡng dục của mẹ với tâm hồn dân gian của tộc Việt cho đến cái “mẹo” cười cà rỡn của người Tây Nam bộ hiện thời, án ngữ ở trời Nam đối trọng với tính phách lối “chủ cả” của bậc quân tử/thánh nhơn thượng tôn phương Bắc. Nhiều khi, cái cười của Ông già Nam Bộ nhiều chuyện quê mùa như con chim sẻ vừa bay vừa rỡn, cũng khiến cho các bậc thương tôn thánh hiền phải đỏ mặt, tía tai.
Để làm rõ cho vấn đề vừa xác lập, chúng tôi muốn nhắc tới sách Điển luận của Tào Phi: “Thể văn tấu nghị nên nhã nhặn; thể văn thư luận nên rành mạch; thể văn minh lụy nên chân thực; thể thi phú nên bống bẩy” [18;240]. Cách hiểu về thể và tính của văn chương từ họ Tào đến họ Lục họ Lưu, từ họ Tạ đến họ Tô sau nữa “di căn” sang bầu trời Bắc Việt cũng vẫn chú trọng ở cái nhã, thực, lệ. Cái tiếu bị khép vào phường hạ phẩm, của bậc quan nhỏ, ngang hàng lời nói vụn vặt (tiểu thuyết). Liệu chúng ta có thể nói đến “tiếng cười” trong truyền thống văn học Trung Quốc cho đến văn học trung đại Việt Nam hay không ?
Về điều này, Nguyễn Duy Cần gọi là “Trào lộng u mặc” [2]. Chữ trào lộng(嘲弄) mà Nguyễn Duy Cần chua thêm vào u mặc có lẽ nên xem lại, ngay cả chữ “u mặc” cũng cần phải xem lại (nguồn gốc từ này vốn dịch từ Pháp văn). Theo ý Lâm Ngữ Đường, Nguyễn Duy Cần nói đến tính u mặc khởi đi từ Trang Tử như là thủy tổ văn chương Trung Hoa. Trong cách thế u mặc này, người quân tử, bậc thánh nhơn trên thế đứng cao hơn thiên hạ để “phúng thích” thiên hạ. Thản như “trào” và “lộng” tự thân đã có ý đùa cợt, giỡn hớt, khinh nhờn (嘲弄=侮蔑/vũ miệt). Vốn dĩ, đùa cợt không phải sự “đứng đắn, phải lẽ” của bậc thánh nhơn; cho nên trong bản chất, sự đùa cợt ở đây nhằm miệt khinh đối tượng. Cho nên, cái cười của thánh nhơn (họa chăng) là phúng thích u mặc (tính trào lộng rất hạn chế).
Nói về hố thẳm ngàn trùng giữa bậc thánh an vị oai nghiêm trên bệ thờ chữ nghĩa với cái nết tưng tửng của anh nhà quê, quả là như nước với lửa. Truyền thống Nho gia từ các cụ nhà ta trải ngược về các thánh phương Bắc, chẳng kiếm được mấy tiếng cười sảng khoải. Sự lộng để mà trào quả là hiếm hoi. Cũng do thánh nhơn coi tiếng cười là khiếm nhã. Có chăng là tính châm biếm như諷刺文學(phúng thích văn học), mà đặc trưng cơ bản của nó là phúng để mà thích (đâm chém, ám sát, châm chích). Ấy là tính bá đạo ưa đâm thọc, biếm giễu, mỉa mai, xéo xắt, hạ bệ kẻ khác. Mục đích sau cùng là nhằm để phơi bày cái dở, cái xấu, cái tệ hại, hủ bại, hư thúi của tha nhân … sau nữa thượng tôn cái hay-cái đẹp-cái lý tưởng thượng thừa của bậc thánh. Thói biếm trích đó chẳng khác gì chà đạp kẻ khác để phô diễn vẻ sáng đẹp bản thân mình. Chúng tôi gọi là hỏa tính (hủy diệt và tranh giật). Ngược lại, cười rỡn phương Nam như Ông già Nam bộ tự đặt mình “ngồi dưới đất”, hạ mình thấp hơn thiên hạ, không tranh chỗ tranh của thiên hạ, cho nên cũng như tính chất của nước. Nước chảy về chỗ thấp, khỏa lấp, thấm nhuần. Sinh mà không diệt, dưỡng mà không hoại. Với lại, cười trước hết tự lấy mình làm cười; thủ giữ phận hèn mọn, dốt nát, tự nhận mình nhà quê nôm na ba que nhiều chuyện, thâu phần xấu dở bần hèn về phía mình để cười mình, thì cơn cớ gì thiên hạ còn tranh giành với ông già Nam bộ nữa. Nhưng không tranh chính là đã vượt qua cái sự tranh, bởi vì tranh ở chỗ mà thiên hạ không tranh. Trần Bảo Định không dám léo hánh tới chỗ chiếu trên người trước mà tranh giật thì cớ gì người trước chiếu trên giật tranh với ông già Nam bộ. Sự chiếm lĩnh thâm trầm đó thuộc về tính chất của nước. Chúng tôi tạm gọi là thủy tính. Nên thấy, cái cười của bậc quân tử thánh nhơn trời Đông là trường thành oai nghiêm bệ vệ, là hỏa diệm sơn chực chờ nuốt chửng những cái không phải lẽ; còn cái cười của anh nhà quê cù lần cù lất chỉ như bãi bình nguyên đồng rộng sông dài. Chỗ dị biệt ấy do đâu ? Bởi chăng thánh nhơn lấy phúng thích làm gốc, chủ ngự trên đỉnh cao Lý Tính, thủ giữ cái gọi là Phải Lẽ; còn anh nhà quê phát ra tiếng cười bởi cái tánh chơn chất quê mùa, lặng lẽ ở đáy nước Thâm Tình, gìn giữ cái gọi là Phải Lòng.
Đi vào cõi mù sa u mặc lại thấy các bậc thánh nhơn đôi khi bị thiên hạ gán ghép làm cho sai lạc. Nguyễn Duy Cần cũng có nhắc đến ý này. Bởi vì u mặc thánh nhơn phần nhiều bị hậu bối bẻ sang “hoạt kê trào phúng”. Nói vậy là có ý xem hoạt kê trào phúng là dạng hạ phẩm không thể so với u mặc của thánh nhơn. Nhưng u mặc từ đâu mà có ? Theo Lâm Ngữ Đường [2] thì U mặc của Trang Chu thiên về dương tính, u mặc của Đào Tiềm thiên về âm tính. Ở Trang là tiếng cười vang động cho bọn ham mê danh lợi đến mức không thấy mình chỉ là trâu lợn được vỗ béo chờ đến ngày cúng tế. Còn như họ Đào là tiếng cười “chát” cho thói đời lấy nhân phẩm đổi lấy danh lợi. Họ Lâm gọi hai vị ấy là tổ của u mặc trong văn học Trung Quốc. Chúng tôi xét qua, thấy rằng hai vị u mặc tiên sinh ấy chung quy cũng là lấy thiên hạ ra để mà cười. Dù cho “tự thích” của họ Đào có phảng phất bình đạm thì cũng vẫn nhắm đến cái xấu dở ngu muội của thiên hạ. Tựu trung, đó vẫn là tính chất công kích, triệt hạ. Xét trên mối tương liên tạo dựng tiếng cười thì lối phóng thích hay u mặc của thánh nhơn còn ở dạng phân chia giữa ta với người để làm cười. Nghĩa là còn ở thế nhị nguyên phiên biệt. Nhược bằng, xem “trời đất vô cùng một cuộc chơi” thì cái cười của ông già Nam bộ đã ở thế “nhất nguyên” để rong chơi theo đường hướng tộc Việt du hý bình nguyên. Bởi vậy, hòa bình lập lại đâu có kẻ buồn người vui, đâu có ai thắng ai thua. Chỉ có: hoặc là cả làng buồn, hoặc là cả làng vui. Vui bởi vì làng xóm đã yên bình qua cơ ly loạn, buồn vì trong nhà ai cũng vắng đi một hai bóng người. Mắc mớ gì nữa mà đúng sai, có đáng gì nữa chuyện hay dở, có sá gì nữa chuyện hơn thua. Chung quy là một tiếng cười chan hòa nhân bản.
Thôi thì bậc thánh nhơn cứ thủ giữ miệng cười biếm trích “tha nhân”, còn ông già Nam bộ cứ nghêu ngao cười rỡn, cười để mà chơi vậy thôi ! Cười chơi xong rồi, ông già bỏ đi.
c. Cười của ông già Nam bộ nhiều chuyện và Thánh nhơn – Tây phương
Liệu ông già Nam bộ cười rỡn có gặp gỡ với tiếng cười của các bậc thánh nhơn Tây phương ở khía cạnh nào không ? Băn khoăn này khiến chúng tôi tìm về cổ Hy Lạp. Đặc biệt ở địa hạt hài kịch.
“Satirise” (χλευάζειν) [22;734] bắt nguồn từ căn tự χλενάζω [19;1729] nghĩa là lời nói đùa, chế nhạo, chuyện buồn cười lố bịch, làm trò vui cho thiên hạ, mục đích để làm cho thiên hạ cười cợt, còn là kẻ bị đem ra làm trò đùa để người khác phỉ báng (joke, jest, mock, scoff). Vốn nghĩa này bắt nguồn từ hài kịch Hy Lạp cổ (κωμῳδειν /kōmōidein) gắn liền với Aristophanes [22;734]. Bấy nhiêu ta rõ thấy tính chất gây hấn của lối hài hước châm biếm. Ở đó, cái cười hả hê phỉ báng rộ lên với sức công phá của đám đông. Tiếng cười là sự áp chế của đám đông với kẻ yếu. Kẻ đó bị quy chụp vào cái sai/cái xấu nên bị đám đông cười cợt. Mỗi tiếng cười ở đây chẳng khác gì đá tảng ném về phía đối tượng bị cười. Phải chăng mỗi vở hài kịch là một cuộc ném đá tập thể vào những đối tượng mà đám đông nhắm đến.
Ý châm biếm của tiếng cười đóng vai trò chủ yếu trong việc tác động vào trí tưởng tượng gây ra nhận thức mới trong lòng người xem [20;23]. Cơ chế triển khai của tiếng cười chính là công phá đối tượng, để trên đống tro tàn còn lại có thể phát hiện ra một nhận thức mới về đối tượng và hiện tượng. Thế nên tiếng cười này đằng đằng ý hướng chinh phạt/khuất phục/phá hủy. Phá hủy để làm gì ! Để đạt đến sự tự do. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến hài kịch Aristophanes như là thái độ dứt khoát tìm đến tự do. Dù trong mối liên hệ với bạn bè hay kẻ thù, tiếng cười châm biếm luôn là nhát dao phá bỏ ràng buộc để tự do (free), khinh bỉ sự bất nghĩa (unbribable, direct) [1;52]. Nghĩa là tiếng cười tự do/hài hước châm biếm của Aristophanes vừa là thái độ phản ứng lại sự vô luân và nhân danh sự vô luân, vừa đồng thời khẳng định “nhân chủ” tuyệt đối. Đến đây, chúng tôi nghĩ chỗ dị biệt giữa tiếng cười Hy Lạp cổ và tiếng cười Nam bộ đã sáng rõ. Tiếng cười Nam bộ vẫn đề cao nhân chủ hướng đến tự do nhưng không khẳng định tuyệt đối nhân chủ mà hướng đến hài hòa Nhân với Thiên-Địa.
Văn minh Tây phương trải từ cổ Hy Lạp cho đến hậu bán thế kỷ XX mới bắt đầu nhận ra vai trò của việc hài hòa tương ứng với thiên địa trong việc sinh tồn trên mặt đất trần gian mà Phê bình sinh thái [21;577-602] là một trong những biểu hiện. Trong khi đó, Việt tộc thiên di về phương Nam sau nhiều lần xâm lấn của phương Bắc, đã và đang tiếp tục giữ vững triết lý Tam Tài thiên biến vạn hóa. Vì thiên tính đó, lưu dân vào Nam đã thích nghi và chung sống với miền đất mới để tạo ra trái ngọt cây lành. Nói chi xa xôi, không chỉ trong văn chương của ông già Nam bộ nhiều chuyện – Trần Bảo Định mà ngay cả trong cách thế làm ăn sinh sống của các lão nông trứ danh[6] ở đất Nam bộ trải gần nửa thế kỷ (tính từ sau khi thống nhất đất nước) đã là minh chứng rõ ràng cho cốt lõi tâm hồn và nết ăn tính ở giao hòa tương ứng giữa cõi trời đất. Đủ thấy, chủ tính hài hòa tương ứng Thiên-Nhân-Địa đã ăn sâu vào tâm thức con người phương Nam. Không chỉ trong tiếng nói tiếng cười mà còn trong tánh nết đối nhân xử thế. Không chỉ trong văn chương thơ phú mà còn trên thực tiễn đời sống hằng ngày. Chủ tính này là cốt lõi tạo nên khác biệt trong tiếng cười của Trần Bảo Định với cách cười của Tây phương(!).
Chắc hẳn, việc so sánh của chúng tôi trong phạm vi bài viết này không thể đi vào cặn kẽ tiếng cười phương Đông và tiếng cười phương Tây mà chỉ gợi mở để định vị tiếng cười Trần Bảo Định trên căn để cổ nhân Trung Hoa và cổ nhân Hy Lạp, ít nhiều có thể mang lại những suy ngẫm thú vị và độc đáo ở tiếng cười của Ông già Nam bộ nhiều chuyện như là dòng chảy thâm trầm từ tính mệnh Việt tộc cho đến các vấn đề đời sống và xã hội của con người phương Nam trong bối cảnh hiện thời.
Tạm kết
Nhìn chung, để nói về tiếng cười khởi đi từ tính mệnh Viêm Việt, phục dựng thuyết lý Tam Tài cho đến tiếng hót chim sẻ đỏ ở rạch Bà Tàu, có lẽ chúng ta cần nhiều thời gian khảo cứu hơn nữa. Tuy nhiên, có thể nói rằng tiếng cười của Trần Bảo Định đã mở ra cho chúng ta cõi giới phi thời – liên không của sinh giới Việt tộc. Tiếng cười cũng chính là tiếng hót chim sẻ đỏ bay về phương Nam sau nhiều lần xâm lấn của phương Bắc.
Cho nên, “Sau cùng đến nay thì xem ra nó đang chuyển hướng xuống Nam về phía Cửu Long” [16;387]. Kim Định đã đưa ra tiên đoán cho vận động tính mệnh Việt tộc. Bắt nguồn từ việc so sánh nguồn cội phát tích của ba con sông Hoàng Hà, Dương Tử và Cửu Long, ông đi đến chỗ phát hiện quá trình vận động chủ tính tộc Việt. Từ vùng đồng bằng trù phú giữa hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử mà tính chất của chúng là biểu trưng rõ ràng cho cách thế biện chứng âm dương của người phương Nam để rồi Kim Định bày ra một cuộc diện tang thương của chủ tính Viêm Việt trong quá trình thiên di về phía Nam. Từ quá trình ấy, tộc Việt dẫu có đánh mất nơi cư trú ngàn đời (Trong Nguồn/Trong Nguôn/Trung Nguyên!) để dời mãi về phía Nam. Đến nay, mảnh đất Nam bộ một thời khai thiên lập địa trở thành đất mới cho cánh chim Việt. Từ Dương Tử Giang đến Việt Giang/Hồng Hà và sau nữa là “Trao về Cửu Long Giang”, chủ tính Việt tộc không những không mai một mà còn sáng rõ hơn ở bờ cõi cung Ly với tính khí của loài chim phương Nam ưa tự do, cánh chim chuyển hóa chan hòa bay giữa vùng trời đất.
Bởi vậy, dù cho Nho giáo phương Bắc trá hình (trí và trá) áp chế nhưng vùng trời phương Nam vẫn giữ được tiếng cười minh triết của thiên tính tự do phóng khoáng và địa tính sâu dày thâm trầm chuyên chở để rồi nhất nguyên tương hợp/tương hòa với Thiên Địa lập thành Tam Tài. Phải chăng, cánh chim phương Nam trên dòng nước Bảo Định chảy từ Vũng Gù về Mỹ Tho đã ấp iu nuôi nấng một cá tính phương Nam đậm đặc, một tánh nết Nam bộ rõ nét, một mảnh hồn Việt tộc ngàn đời. Điều quý giá đó có thể nhìn thấy trong văn xuôi Trần Bảo Định và tiếng cười cà rỡn duyên dáng của ông già Nam bộ nhiều chuyện. Thành ra ! Dùng lời, mà dạy thiên hạ là bậc thầy của thiên hạ; dùng tiếng cười, không dạy đời mà giáo hóa được người đời thì có thể gọi là bậc minh sư.
Bấy giờ, khi đã hiểu thấy ý kiến của Kim Định và cảm mến tiếng cười cà rỡn của ông già Nam bộ, ta sẽ thấy con lân què Viêm Việt dẫu có què mà không quặt. Con lân mấy ngàn năm trước đến giờ vẫn còn đang tý tởn trên doi đất bình nguyên Cửu Long. Và con chim sẻ đỏ vẫn còn hót ven rạch Bà Tàu. Nói khác đi, suy tư về cốt cách an vi của Viêm Việt trong mối tương liên với phương Bắc và phương Tây đã lập định cho tộc Việt một cách thế riêng biệt. Dẫu trải qua mấy ngàn năm nhưng con lân què không chết, mà bấy giờ còn đang du hí khắp các bãi bờ trời Nam.
Sau khi đọc Trần Bảo Định, sau khi đã cười ngả ngớn-ngặt nghẽo, cười lộn ruột-lộn gan, là cái thất thần lặng người. Cho nên nói, cà rỡn nhưng sau cùng không còn cà để mà rỡn nổi được nữa !
(Saigon, 14.7.2020)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aristophanes (1915), Clouds (edited with introduction and notes by Ph.D. Lewis Leaming Forman, American Book Company, New York - Cincinnaty – Chicago.
2. Thu Giang Nguyễn Duy Cần (2017), Cái cười của thánh nhân, Nxb Trẻ, TPHCM.
3. Trần Bảo Định (2016), Đời Bọ hung, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TPHCM.
4. Trần Bảo Định (2017), Phận Lìm kìm, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TPHCM.
5. Trần Bảo Định (2017), Chim phương Nam, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TPHCM.
6. Trần Bảo Định (2017), Đất phương Nam ngày cũ, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
7. Trần Bảo Định (2017), Ông già Nam Bộ nhiều chuyện: Góc khuất dưới chưn đèn, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
8. Trần Bảo Định (2017), Ông già Nam Bộ nhiều chuyện: Dấu chưn lưu dân, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
9. Trần Bảo Định (2018), Khói un chiều, Nxb Đà Nẵng.
10. Trần Bảo Định (2018), Bóng chiều quê, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
11. Trần Bảo Định (2018), Bông trái quê nhà, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
12. Trần Bảo Định (2019), Chơi thôi mà!, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
13. Trần Bảo Định (2019), Mưa bình nguyên, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
14. Trần Bảo Định (2019), Thương những ngày, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
15. Trần Bảo Định (2020), Kiếp Ba khía (tái bản), Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
16. Kim Định (1970), Việt lý tố nguyên, An Tiêm xuất bản, Saigon.
17. Kim Định (2017), Cơ cấu Việt Nho, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
18. Lê Quý Đôn (2006), Vân đài loại ngữ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
19. Liddell, H.G. & Scott, R. (1901), A Greek-English lexicon, Clarendon Press, Oxford.
20. Murray, G. (1933), Aristophanes – A Study, The Clarendon Press, Oxford.
21. Phillips, D. (1999), Ecocriticism, Literary Theory, and the Truth of Ecology, New Literary History, Vol. 30, No. 3, Ecocriticism (Summer, 1999), The Johns Hopkins University Press, pp. 577-602.
22. Woodhouse, S.C. (1910), English-Greek Dictionary A Vocabulary Of The Attic Language, George Routledge & Sons Limited, London.
23. Mai Thu Huyền (2018), Về khái niệm văn học trào phúng, Tạp chí Lý luận-phê bình văn học, nghệ thuật, số 11/2018. (https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/ve-khai-niem-van-hoc-trao-phung-77).
Nguồn: Tác giả
[1] Tính tự nhiên của tiếng cười, Nguyễn Duy Cần đã xếp vào hạng thượng thừa.
[2] “Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”. (Tự trào – Nguyễn Khuyến)
[3] Điểm này, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ ở phần sau (cười là thương, cười là tận cùng cái bi)
[4] Chẳng phải tiếng cười này chính là cách chuyển hóa và chế tác hỷ lạc từ nỗi khổ niềm đau mà Thiền sư Nhất Hạnh đã dụng tâm trao truyền mấy mươi năm qua hay sao ! Lưu dân Nam bộ trải mấy trăm năm đã hun đúc tiếng cười như là “phương tiện thiện xảo” của tâm hồn.
[5] Đã nói ở phần trên.
[6] Chẳng hạn như Vua Đất Võ Quan Huy tức Út Huy (ở Tân Mỹ, Đức Hòa-Long An) phải ăn đất-ngửi đất-uống nước đồng để hiểu được đất và chuyển hóa đất; lão nông Võ Hồng Ngoãn tức Sáu Ngoãn (Xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) nổi tiếng với việc nuôi tôm sạch hài hòa với môi trường; lão nông Võ Văn Chung tức Hai Chung (Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang) nổi tiếng với việc trồng lúa và nuôi heo áp dụng khoa học bảo vệ sinh thái, v.v.v…