- 1.Đặt vấn đề
Trong số các tộc người có mặt tại vùng đất Nam Bộ, người Khmer là tộc người có số dân khá đông và có mặt khá sớm tại vùng đất này. Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Khmer đã có được nền văn hóa phong phú trong đó có nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Trước những thách thức to lớn do quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số là một vấn đề cấp thiết được toàn xã hội quan tâm. Bằng cách nào để bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong môi trường xã hội hiện đại? Cần làm gì để khơi dậy niềm đam mê, tiếp nối nghệ thuật Khmer cho thế hệ trẻ?... là những câu hỏi thường được đặt ra. Việc bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói chung và của người Khmer nói riêng luôn là niềm trăn trở khôn nguôi đặc biệt là của những người trong cuộc, nhất là những người có tâm huyết.
Hiện nay, việc truyền nghề các loại hình nghệ thuật biểu diễn Khmer chủ yếu theo phương thức cầm tay chỉ việc, cha truyền con nối, kiến thức truyền đạt bởi người dạy và phương thức học của người học chưa được khoa học và logic. Từ đó, các loại hình nghệ thuật được xem như tài sản quý báu sống còn trong môi trường cộng đồng tộc người mà chưa thể phát huy hết tiềm năng vốn có của nó. Không những thế, văn hóa trên thế giới dễ dàng tràn vào cộng đồng bằng nhiều con đường và nhiều hình thức, sự thay đổi về thị hiếu thưởng thức các loại hình văn hóa dưới tác động của toàn cầu hóa, khi đó việc bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống đã bị đặt vào thế khó lại càng khó khăn hơn.
Năm 2012, Trường Đại học Trà Vinh được Thủ tướng chính phủ ký quyết định thành lập Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ - đây là bước ngoặc lớn và là điều kiện giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của tộc người Khmer. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin trình bày về lĩnh vực di sản nghệ thuật biểu diễn của người Khmer Nam Bộ gồm: biểu diễn nhạc cụ truyền thống, múa, sân khấu,... qua đó nhận diện thực trạng tồn tại của các loại hình trong đời sống xã hội hiện nay. Mặt khác, nghiên cứu này tìm hiểu hoạt động đào tạo nghệ thuật tại trường Đại học Trà Vinh, nhằm tìm ra giải pháp góp phần thực thi hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ đào tạo trọng điểm quốc gia lĩnh vực ngôn ngữ – văn hóa – nghệ thuật Khmer Nam Bộ, cụ thể lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn Khmer Nam Bộ.
- 2.Sơ lược về tộc người và di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống Khmer Nam Bộ
Nam Bộ là khu vực phía nam của Việt Nam – vùng đất được hình thành muộn hơn so với các vùng khác trong cả nước. Song, nơi đây hội tụ các giá trị văn hóa của các tộc người anh em như: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm,… mỗi tộc người nơi đây, từ bản sắc riêng biệt đã làm nên sự đa dạng văn hóa cho vùng. Đóng góp cho sự độc đáo ấy không thể không kể đến những thành tố độc đáo, giàu bản sắc của tộc người Khmer. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009, người Khmer tại Việt Nam có số dân 1.260.640 người [tr. 1], khu vực có người Khmer tập trung đông nhất vẫn là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau,… với tổng số dân là 1.183.476 người, đứng thứ 5 trong 54 dân tộc anh em. Đồng bào Khmer có tiếng nói, chữ viết riêng có nền văn hóa, nghệ thuật dân gian độc đáo và giàu bản sắc.
Hiện nay, người Khmer Nam Bộ kế thừa một kho tàng di sản nghệ thuật biểu diễn do tổ tiên để lại gồm: âm nhạc, múa, hát, sân khấu,... được xem là những loại hình nghệ thuật độc đáo được sản sinh từ những con người có năng khiếu và sự say mê nghệ thuật dân tộc. Múa là một bộ phận làm nên đặc trưng bản sắc khi nói về tộc người này. Múa có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực sinh hoạt văn hóa cộng đồng tộc người Khmer: trong vui chơi giải trí, trong lao động sản xuất, trong các mối quan hệ xã hội, trong phong tục tập quán, đời sống tâm linh,... như là nhu cầu của xã hội, múa có mặt ở bất cứ ở Phum, Sroc, nhà chùa và cộng đồng người. Kho tàng múa dân gian Khmer có đa dạng điệu múa: Rom Vong, Cbach, Saravan, Lam Lev, Chôk Kom Pưs, Ta Lung, Kon Trưm,… Đi kèm với múa là nghệ thuật hát: hát trữ tình, hát ba sắc, hát ru và hát Aday. Nội dung của loại hình hát Aday thường là lời trong tục ngữ, ca dao, truyện dân gian. Có hai kiểu hát Aday là: Aday đối đáp và Aday Rường (đó là câu chuyện mà được diễn tả bằng hình thức Aday [Ngô Văn Tưởng 2007:31]. Đến với đồng bào Khmer là đến với một tộc người yêu thích nghệ thuật biểu diễn và họ đã đạt được thành tựu nhất định, cụ thể: với người Khmer tại Nam Bộ phải nói rất tự hào rằng: Ở nước ta, trừ người Kinh (Việt) dân tộc Khmer là dân tộc ít người duy nhất có hình thức sân khấu kịch hát, không phải một mà là hai: Rô băm và Dù kê. Năm 1985 Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận “Nghệ thuật sân khấu Dù kê là loại hình kịch hát dân tộc nằm trong hệ thống sân khấu truyền thống Việt Nam” [Lê Tiến Thọ 2013]. Những năm gần đây, nhiều di sản nghệ thuật Khmer tiếp tục được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: nghệ thuật Chầmriêng Chàpây, nghệ thuật Rô băm của người Khmer Trà Vinh,...
Ngoài ra, người Khmer Nam Bộ còn sở hữu kho tàng nhạc khí phong phú gồm: Phlêng Pin Peat (nhạc Ngũ âm), Phlêng Khse (Nhạc dây), Phlêng M’hôri,... Nó là bộ phận quan trọng trong các lễ hội tôn giáo và lễ hội truyền thống dân gian của cộng đồng tộc người Khmer nói chung. Âm nhạc biểu diễn phục vụ trong các lễ hội lớn của dân tộc như: Chôl Chhnam Thmây, Ok Om Bok, Đôn Ta,… các nghi thức, lễ cưới, nghi lễ của lễ hội tôn giáo – Phật giáo như: Kathina (dâng y), Upasam pathia (đám tu), đám tang, đám phước, lễ cầu an,…
Có thể nhận thấy: âm nhạc, múa và sân khấu chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của tộc người Khmer, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, do nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chưa thật sự bài bản, theo phương thức mang tính cha truyền con nối hoặc cầm tay chỉ việc nên có nguy cơ bị mai một khá cao. Mặt khác, chính toàn cầu hóa hiện nay đã và đang đặt ra không ít những thách thức cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng. Sự tác động bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan do đó nghệ thuật biểu diễn trong văn hóa Khmer có nhiều biến dạng, nền âm nhạc phương Tây đã phần nào ảnh hưởng đến nền âm nhạc dân tộc và thị hiếu của tộc người. Như các tộc người khác, nền văn hoá cổ truyền người Khmer Nam Bộ đang đứng trước thử thách của một thời kỳ phát triển mới do những cơ sở kinh tế - xã hội trước đó đã bị thu hẹp, nhường chỗ cho những yếu tố văn hóa mới của xã hội hiện đại, cùng với đó là những yếu tố văn hoá ngoại lai đang dần xâm nhập và tác động rất lớn đến nền văn hóa cổ truyền nơi đây trong đó có di sản nghệ thuật biểu diễn.
- 3.Đào tạo nghệ thuật biểu diễn Khmer tại Trường Đại học Trà Vinh
Năm 2012, Trường Đại học Trà Vinh được Thủ tướng chính phủ ký quyết định thành lập Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nhân lực cho đồng bào Khmer Nam Bộ. Đây là bước ngoặc lớn và là điều kiện giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo tộc người Khmer trong đó có lĩnh vực di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống.
Bước đầu, lĩnh vực Nghệ thuật Khmer Nam Bộ đã được nhà trường chú trọng đầu tư đáng kể cả về nhân lực và vật lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ chuyên môn như: phòng học, hội trường biểu diễn, nhạc cụ, trang phục, hệ thống âm thanh, ánh sáng,… Đồng thời, trong quá trình xây dựng các chương trình đào tạo như nghệ thuật múa, sân khấu truyền thống Khmer Nam Bộ, đơn vị đã xây dựng chương trình đào tạo, mở mã ngành đại học biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ... Hình thức giáo dục, đào tạo nghệ thuật tại trường đại học vừa là hoạt động chuyển giao giá trị di sản văn hóa nghệ thuật giữa các thế hệ đồng thời đây là một hoạt động học thuật, nghiên cứu mang tính liên ngành. Cơ sở lý luận của giáo dục nghệ thuật được nhà trường xây dựng dựa trên các học thuyết về văn hóa học, nghệ thuật học, giáo dục học và tâm lý học chứ không đơn thuần là cầm tay chỉ việc, tính chất cha truyền con nối hoặc như truyền dạy trong cộng đồng mang tính tự phát.
Về chuyên môn, đào tạo nghệ thuật Khmer luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ phía các nghệ nhân, nghệ sĩ đoàn nghệ thuật Khmer trong và ngoài tỉnh. Với phương châm lấy người học làm trung tâm, Trường Đại học Trà Vinh coi việc gắn kết giữa lý thuyết và thực hành trong giảng dạy là hoạt động thiết thực và hiệu quả của chương trình đào tạo. Sinh viên được học các loại nhạc cụ của người Khmer như: dàn nhạc Ngũ âm, đàn Khưm, đàn Tà Khê, đàn Cò,... Ngoài việc học chuyên môn các em còn được tham gia vào các hoạt động văn nghệ do nhà trường tổ chức, tham gia biểu diễn nghệ thuật tại địa phương và hội thi các cấp. Từ đó, hoạt động Nghệ thuật Khmer tại Trường Đại học Trà Vinh ngày càng phát triển thể hiện phong phú ở các thể loại như: múa, hát, nhạc, kịch, sân khấu.
Cụ thể ở từng thể loại, múa Khmer là loại hình nghệ thuật khá phát triển bởi đa phần sinh viên Khmer tại Trường Đại học Trà Vinh có tố chất âm nhạc và khả năng cảm nhạc, dễ dàng hòa quyện cùng các điệu múa truyền thống do được nuôi dưỡng bởi tâm hồn nghệ thuật tộc người. Qua quá trình đào tạo, các bài múa dân gian được trình diễn ngày càng điêu luyện, phong phú và bài bản hơn. Kiến thức múa được định hình ở dạng tuyến và đội hình thông qua sự hướng dẫn, giảng dạy của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong trường và các nghệ nhân Khmer được thỉnh giảng ở các đoàn nghệ thuật. Đặc biệt về loại hình múa cổ điển và loại hình kịch múa Rô băm Yeak Rom cũng đã được nhà trường chú trọng nghiên cứu và truyền dạy cho sinh viên. Năm 2013 Trường Đại học Trà Vinh đã phối hợp với Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam (CEEVN) thực hiện dự án “Khôi phục và truyền dạy nghệ thuật kịch múa Yeak Rom – Rô băm Khmer Nam Bộ tại ấp Giồng Lức, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh”. Dự án được thực hiện là một trong những việc làm thiết thực, kịp thời góp phần thực hiện định hướng giữ gìn phát huy loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một trong giai đoạn hiện nay.
Về loại hình ca hát Khmer, nhà trường đã chú trọng nghiên cứu và mời các nghệ nhân đến truyền dạy các làn điệu Ba Săc, Dù kê, làn điệu truyền thống, dân gian Khmer cho sinh viên trong bộ môn. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các buổi giao lưu, các cuộc thi như “Tiếng hát sinh viên Khmer” lần 1 năm 2014 và lần 2 năm 2016 nhằm giúp hoạt động ca hát truyền thống Khmer được phong phú trong sinh viên. Sinh viên được tạo điều kiện để thực hành biểu diễn trong những ngày lễ hội, tiếp đoàn khách, tham gia các hội thi trong, ngoài trường, ngoài tỉnh, khu vực và toàn quốc như: Hội thi Tiếng hát hay tay đàn giỏi, Hội diễn Dân Ca khu vực Nam Bộ, Ngày hội Văn hóa Khmer Nam Bộ, Liên hoan Văn Nghệ – Thể thao các trường trong Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam, Hội diễn Văn nghệ công nhân viên chức, Hội thi Tiếng hát Sinh viên toàn quốc, Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm – Văn nghệ – Thể thao các trường Sư phạm toàn quốc,… Cùng với sự phát triển của nhà trường trong những năm qua, lĩnh vực nghệ thuật Khmer đạt được những thành quả đáng trân trọng gồm: 04 huy chương vàng, 04 giải nhất, 01 giải A cấp khu vực, 01 giải đặc biệt, 02 giải B, 05 giải nhì, 06 huy chương đồng, 06 giải ba và nhiều giải thưởng khác.
Đồng thời với hoạt động giảng dạy, hoạt động biểu diễn, các nghiên cứu về nghệ thuật múa, âm nhạc của người Khmer được đa số cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu, thực hiện cụ thể như “Đề xuất phương pháp dạy múa Khmer”; “Nghiên cứu chế tác mão, mặt nạ múa cổ điển của người Khmer”; Đưa ra sáng kiến và viết dự án: “Khôi phục, truyền dạy nghệ thuật diễn xướng Dù kê của người Khmer tại Trà Vinh năm 2012”; Thực hiện dự án: “Khôi phục và truyền dạy nghệ thuật kịch múa Yeak Rom – Rôbăm Khmer Nam Bộ, tại ấp Giồng Lức, xã đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh năm 2013” với sự tài trợ của Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Nghệ thuật Văn hóa Dân gian của Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam. Các bài nghiên cứu được đăng trên sách, tạp chí khoa học như: “Múa của người Khmer Trà Vinh”; “Phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật Khmer Nam Bộ trong đội ngũ cán bộ - sinh viên tại trường Đại học Trà Vinh”;… Những nghiên cứu về âm nhạc của người Khmer như: “Giá trị nghệ thuật Phlêng Pin Peat của người Khmer trong đời sống hiện đại”; “Giữ gìn và phát huy nghệ thuật Chầmriêng Chàpây của người Khmer”; “Đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật Khmer Nam Bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Trường hợp ngành biểu diễn Nhạc cụ Truyền thống Khmer Nam Bộ tại Đại học Trà Vinh)” được đăng trong sách Âm nhạc Phương Đông – Bản sắc và Giá trị. Lĩnh vực nghiên cứu còn thể hiện ở việc sáng tác, dàn dựng và biểu diễn sân khấu Dù kê và bước đầu nhà trường cũng đạt được những thành quả nhất định: kịch Thnênh Chhey biểu diễn phục vụ chương trình “Bản sắc Phum Sróc” do VTV Cần Thơ tổ chức, vở ca kịch Dù kê Cạm bẫy học đường tham gia đạt được Bằng khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trong Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer lần thứ I năm 2013; đạt 01 giải Khuyến kích của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - giải kịch bản tác phẩm sân khấu Dù kê Khmer Đằng sau danh vọng năm 2014.
Tuy nhiên, cùng với những thành quả đạt được, quá trình đào tạo nghệ thuật biểu diễn tộc người Khmer tại Trường Đại học Trà Vinh cũng gặp không ít khó khăn: số lượng sinh viên theo học các ngành nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ khá ít bởi ngành đòi hỏi năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc dân tộc. Các nghệ nhân giảng dạy đa số là những nhạc công của các đoàn nghệ thuật, họ là những người có kinh nghiệm, có kỹ năng nghề, song quá trình truyền đạt dựa trên thực hành nhiều hơn lý luận, phân tích. Để hoạt động đào tạo nghệ thuật biểu diễn Khmer tại trường Đại học Trà Vinh hiệu quả hơn thì cần lập kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá một cách khách quan khoa học về di sản nghệ thuật biểu diễn Khmer; hoàn thiện giáo án, giáo trình di sản Khmer; tiếp tục mời gọi những nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản nghệ thuật tham gia giảng dạy tại nhà trường; áp dụng phương pháp giảng dạy khoa học nâng cao tính tích cực của người học.
- 4.KẾT LUẬN
Di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống Khmer Nam Bộ khá đa dạng và độc đáo là một phần trong ngôi nhà văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn và phát huy vốn giá trị văn hóa ấy luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Kết quả đạt được sau 05 năm đào tạo tại Trường Đại học Trà Vinh đã một lần nữa khẳng định hiệu quả đào tạo và tính thiết thực trong việc giữ gìn và phát huy di sản nghệ thuật dân tộc. Môi trường đào tạo chuyên nghiệp, năng động, sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghệ nhân “người truyền lửa” và thế hệ sinh viên được đào tạo nghệ thuật Khmer là hạt nhân – “người giữ lửa” góp phần phát triển nhà trường và văn hóa dân tộc. Họ chính là người khởi xướng và mở đầu cho việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật độc đáo của đồng bào Khmer trong tương lai. Với định hướng phát triển hơn nữa, lĩnh vực nghệ thuật Khmer không ngừng phát huy để Trường Đại học Trà Vinh là địa chỉ đào tạo hiệu quả góp phần bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật của người Khmer tại Nam Bộ đặc biệt là lĩnh vực di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống của tộc người nơi đây.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh, 2007, “Báo cáo kết quả điều tra di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh”, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
- Hoàng Túc, 2011, Diễn ca Khmer Nam Bộ, NXB Thời đại.
- Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc - Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị Yến Tuyết, 1987, Người Khmer tỉnh Cửu Long, NXB Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Cửu Long.
- Huỳnh Thị Bích Nhung, 2004, “Rô băm – Chân dung nghệ thuật và phương hướng bảo tồn”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc Khmer Nam Bộ, Bộ Văn hóa Thông tin, Vụ Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 459.
- Lâm Vĩnh Phương, 2014, “Nghệ thuật múa cổ điển trong sân khấu Rô băm Khmer Nam Bộ ở Sóc Trăng”, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học.
- Lê Hương, 1969, Người Việt gốc Miên, NXB Trí Đăng, Sài Gòn.
- Lê Tiến Thọ 2013, “Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ - Di sản văn hóa của dân tộc”, http://sankhau.com.vn/news/bao-ton-va-phat-trien-nghe-thuat-san-khau-du-ke-khmer-nam-bo--di-san-van-hoa-cua-dan-toc.aspx.
- Ngô Văn Tưởng, 2007, “Báo cáo kết quả điều tra di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh”, Sở Văn hóa Thông tin Cửu Long, tr. 31.
- Thạch Muni, 2014, “Các loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam Bộ”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Trà Vinh. Số 13 tháng 3/2014, tr. 18-26.
- Tổng cục Thống kê năm, 2009, Báo cáo kết quả chính thức “Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009”, H., 2010.
Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”