1.Thực trạng
Năm 2008 là năm Thành phố Hồ Chí Minh đặt tiêu điểm vào xây dựng văn minh đô thị. Nhìn lại chặng đường đã qua, với những điều hay, dở và quá nhiều bề bộn khiến những ai quan tâm đến sự phát triển bền vững của thành phố không khỏi băn khoăn, ngậm ngùi …
Sáng 26-1, trước Nhà hát Thành phố, lễ phát động thực hiện “Năm 2008 - Năm thực hiện Nếp sống văn minh đô thị” của UBND TP đã diễn ra khá trang trọng với sự tham gia của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP cùng các đoàn thể và lực lượng đoàn viên thanh niên. Cuộc vận động đã đón nhận sự hưởng ứng của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân thành phố. Hình ảnh một bộ phận nhân dân thành phố tham gia tích cực vào các buổi tổng vệ sinh nơi cư trú, dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng, vớt rác trên kênh rạch, giữ gìn trật tự đô thị, nhiệt tình hướng dẫn du khách... là những hình ảnh đẹp, rất cảm động và rất đáng trân trọng. Những việc làm ấy tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, góp phần làm cho bộ mặt của thành phố ngày càng mỹ quan hơn, thân thiện hơn.
Cho đến nay, hơn 40% diện tích pano quảng cáo ở TP.HCM được dành riêng phục vụ cho mục đích tuyên truyền chính trị, chủ yếu về thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Hơn 2.000 bài báo về nội dung thực hiện năm văn minh đô thị, nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật và hàng triệu tờ rơi có chủ đề này được gửi tới người dân TP.HCM nhằm nâng cao ý thức nếp sống văn minh [Vinh Giang 2008].
Qua gần mười tháng thực hiện, trả lời phỏng vấn báo Công an TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu: “Sau khi HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết số 15/2007/NQ-HĐND ngày 28-12-2007 và UBND TPHCM ban hành Quyết định số 147/2007/QĐ-UBND ngày 28-12-2007 về kế hoạch thực hiện “Năm 2008 - năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” với 3 nội dung chính, gồm: Chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; Ý thức giữ gìn vệ sinh chung, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; Xây dựng ý thức giao tiếp - ứng xử văn minh ở nơi công cộng, thì tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, phường, xã, tổ dân phố, ấp, thậm chí là cả cá nhân người dân đều xây dựng các chương trình, hành động cụ thể để tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân sống trong đơn vị, địa bàn mình quản lý, sinh sống. Nhờ vậy mà ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Chín tháng qua, thành phố đã xây dựng được 51 tuyến đường điểm cấp quận, huyện, 11 tuyến đường điểm cấp thành phố, lắp đặt mới 31 nhà vệ sinh công cộng; 3.539 thùng rác; xử phạt trong lĩnh vực giao thông 260.811 vụ với tổng số tiền trên 44,5 tỷ đồng; xử phạt trong lĩnh vực đô thị 89.885 vụ với tổng số tiền trên 11,9 tỷ đồng; 24 quận, huyện đã thực hiện 2.368 panô, 8.428 lượt băng rôn, khẩu hiệu, 1.216.726 tờ bướm tuyên truyền và 2.409 lượt xe hoa phát thanh cổ động; tổ chức tập huấn cho 437 cán bộ cấp quận, huyện và 322 cán bộ cấp phường, xã làm công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trong các lĩnh vực liên quan đến thực hiện NSvăn minh đô thị... Chính nhờ vậy nhận thức của người dân về năm thực hiện NSvăn minh đô thị đã có những chuyển biến nhất định…” [Nguyễn Thị Thu Hà 2008].
Nghe qua, “rằng hay thì thật là hay”. Mừng thật. Nhưng những gì “trông thấy” hình như ngược lại! Bởi lẽ, mỗi năm thành phố vẫn hơn 1.000 người chết vì tai nạn giao thông, mưa…ngập nước, nắng…ngập bụi, đường ngập…“lôcốt”, đào lên lấp xuống… Làm sao gọi là văn minh? Mặc dù, UBND TP đưa ra 5 hành vi xấu cần loại bỏ là xả rác, khạc nhổ, tiểu tiện, chửi thề - nói tục và ăn mặc hở hang nhưng những chuyện “khổ lắm, biết rồi, nói mãi” như: rác thải tràn lan, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, tiểu tiện không đúng nơi quy định, lấn chiếm lòng lề đường…vẫn thành việc “thường ngày ở huyện”. Suốt một năm qua, tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên nhiều tuyến đường trong nội đô diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tới mức, lũ trẻ đến trường, ngồi sau xe cha mẹ, chúng vừa gặm bánh mì, vừa lẩm nhẩm “tụng” bài: “non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn vào công… giải quyết nạn kẹt xe của các chú (công an giao thông)”! Nhìn rộng hơn chút nữa, cơn đại hồng thủy diễn ra ở Hà Nội vừa qua đã gây choáng váng cho không ít người, cả cộng đồng cư dân lẫn các nhà quản lý đô thị bởi những mất mát do nó đưa lại.
Tại cuộc họp giao ban chiều 3/11/2008, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ cho biết, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho 11 tỉnh, thành phía Bắc, làm 49 người bị thiệt mạng (trong đó riêng Hà Nội đã là 20 người), 7 người mất tích, 250.000 hoa màu bị ngập, hơn 100.000 nhà chìm trong nước… Tổng thiệt hại vật chất gần 5.300 tỷ đồng (nặng nề nhất là Hà Nội với ước tính ban đầu 3.000 tỷ đồng (chưa kể sản xuất công nghiệp, dịch vụ), tiếp đến là Hưng Yên 1.300 tỷ đồng, Hà Nam 888 tỷ đồng…và hậu quả của nó một thời gian dài nữa vẫn tiếp tục tốn kém khắc phục [Mưa lũ ở Hà Nội 2008].
Riêng vấn nạn kẹt xe, bản thân Bộ trưởng Nông nghiệp & phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng bức xúc khi cho biết “trên đường đi họp Chính phủ hồi cuối tháng (tháng 10-TG chú thích), ông cũng bị mắc kẹt gần hai tiếng đồng hồ” [Bộ trưởng 2008]. Vậy, nỗi niềm này đâu của riêng ai. Những hình ảnh nhếch nhác ở hai đại đô thị Việt Nam (TP.HCM & Hà Nội) khiến cho ai nấy đều chung một cảm xúc không lời về “những điều trông thấy mà…ngao ngán lòng”!
2. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Do cơ sở hạ tầng lạc hậu, chưa theo kịp nhu cầu và xu hướng phát triển của một đô thị ngày càng đông dân. Do phía chủ thể quản lý, năng lực quản lý đô thị còn những hạn chế, bất cập. Phía người dân, thì đa phần chưa có ý thức tự giác trong việc tôn trọng và thực thi pháp luật…Tất cả đều đúng. Nhưng dường như đó mới là những nguyên nhân bề mặt, thoạt nhìn đã thấy. Ở cấu trúc sâu hơn, những nguyên nhân ấy cần được lý giải thêm từ góc nhìn văn hóa. Bài viết này muốn góp một hướng nhìn như thế về văn minh đô thị ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh quản lý văn minh đô thị.
Ai cũng biết, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự lựa chọn tất yếu của bất kỳ quốc gia nào trên hành trình phát triển. Kéo theo, sẽ là quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh và mạnh. Khi nào thì được gọi là đô thị? Ở phương Tây nói chung, thông thường mật độ dân số tối thiểu cần thiết để được gọi là một đô thị phải là 400 người trên một cây số vuông hay 1000 người trên một dặm vuông Anh. Đối với các quốc gia châu Âu, định nghĩa đô thị dựa trên cơ bản việc sử dụng đất thuộc đô thị, không cho phép có một khoảng trống tiêu biểu nào lớn hơn 200 mét (thường, họ dùng không ảnh chụp từ vệ tinh thay vì dùng thống kê từng khu phố để quyết định ranh giới của đô thị). Tại các quốc gia kém phát triển, ngoài việc sử dụng đất và mật độ dân số nhất định nào đó, một điều kiện nữa để trở thành đô thị là phần đông dân số, khoảng 75% trở lên, không còn hành nghề nông nghiệp hay đánh cá… [Wikipedia - Đô thị]. Dù phân chia theo cách nào, về nguồn gốc, đối với phương Tây, như Trần Ngọc Thêm đã so sánh và khái quát: “trong khi đô thị Việt Nam do nhà nước khai sinh ra (chữ in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh) thì hầu hết đô thị phương Tây đều hình thành một cách tự phát: bất kỳ nơi nào có có một trong ba điều kiện sau đều có thể trở thành đô thị:(a) là nơi tập trung đông dân, (b) có sản xuất công nghiệp, (c) là nơi tập trung buôn bán”. Về chức năng, tác giả nhận định: “ trong khi đô thị Việt Nam thực hiện chức năng hành chính là chủ yếu thì đô thị phương Tây thực hiện chức năng kinh tế là chủ yếu” [Trần Ngọc Thêm 1996/2004: 221]. Về quản lý, đô thị Việt Nam do nhà nước quản lý, còn phương Tây, đô thị tự trị đã trở thành truyền thống lâu đời. Cho đến nay, ở nước ta, đặc trưng đô thị “do nhà nước khai sinh”, “nhà nước quản lý” và “thực hiện chức năng hành chính là chủ yếu” vẫn không hề thay đổi. Điều này dẫn đến nhiều khác biệt trong cách quản lý đô thị “kiểu Việt Nam”, so với phương Tây. Trong Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 5/10/2001, Chính phủ Việt Nam đã định nghĩa, phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị như sau: “Đô thị là khu dân cư tập trung có những đặc điểm: Về cấp quản lý, đô thị là thành phố, thị xã, thị trấn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập; Về trình độ phát triển, đô thị phải đạt được những tiêu chuẩn sau:
- Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc một vùng lãnh thổ như: vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc vùng trong tỉnh, trong thành phố trực thuộc Trung ương; vùng huyện hoặc tiểu vùng trong huyện.
- Đối với khu vực nội thành phố, nội thị xã, thị trấn tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu phải đạt 65% tổng số lao động; cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động của dân cư tối thiểu phải đạt 70% mức tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng quy định cho từng loại đô thị, quy mô dân số ít nhất là 4000 người và mật độ dân số tối thiểu phải đạt 2000 người/km²”[Nghị định 72-2001].
Với cách phân chia dựa trên nguyên tắc “Về cấp quản lý, đô thị là thành phố, thị xã, thị trấn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập”, hiện Việt Nam có 5 loại đô thị (cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4, cấp 5) và một loại đô thị đặc biệt là: Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài những khác biệt về nguồn gốc, chức năng, chủ thể quản lý…ở mọi loại hình đô thị hóa lại có một điểm thống nhất chung, đó là ba tính chất quan trọng và phổ biến [Tôn Nữ Quỳnh Trân]:
1. Tính chất không thể đảo ngược (Irreversibility): Đô thị hóa bao giờ cũng là một sự thay đổi mà từ đó, ta không bao giờ quay ngược lại được trạng thái trước kia, một nơi nào đã có đô thị hóa thì xã hội hiện đại ấy không thể trở lại trạng thái tiền đô thị như trước đây.
2. Tính tăng tốc (Acceleration): Tốc độ của đô thị hóa càng ngày càng tăng nhanh, nhanh đến nỗi mà các chuyên gia về đô thị học vẫn phải luôn loay loay trong việc cập nhật tìm hiểu về bản chất và đánh giá những ảnh hưởng của nó lên xã hội, nhưng vẫn không cập nhật được.
3. Tính đứt đoạn (Discontinuity): Những thay đổi do đô thị hóa mang lại, tạo ra những đứt đoạn trong quá trình chuyển động. Mô hình và cơ chế mới trong xã hội hoàn toàn khác với những gì đã ngự trị trước đây. Cuộc cách mạng đô thị này tạo nên những đổi thay đột ngột làm cho con người bị cắt đứt với những hành vi quen thuộc đã có, bắt họ phải học cách suy nghĩ, cách hành động mới.
Như vậy, đô thị hóa đòi hỏi con người phải chuyển động theo tốc độ chuyển động của nó. Tức là, một khi, nơi nào đó đã có hiện tượng đô thị hóa, thì nơi ấy đòi hỏi một lối sống khác, một cách ứng xử văn hóa khác, thậm chí khác hẳn với lối sống, với nếp ứng xử văn hóa trước đây. Điều này hiển nhiên, sẽ tạo nên những cú sốc văn hóa (shock culture) mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng. Một giai đoạn “quá độ” với những xung đột gay gắt giữa thói quen ứng xử cũ và mới, truyền thống và hiện đại, lạc hậu và tiên tiến…là điều phải buộc chấp nhận đối với bất kỳ cuộc cách mạng đô thị nào. Vấn đề đặt ra là, quá trình chuyển động đó nhanh hay chậm, trì trệ hay tích cực còn tùy thuộc ở cách tư duy và phương pháp xử lý các yếu tố mâu thuẫn của các nhà hoạch định chiến lược và quản lý đô thị. Muốn thế, từ góc độ quản lý, chủ thể quản lý phải xây dựng được những giá trị văn hóa, những tiêu chí văn minh phù hợp với đặc trưng bản sắc dân tộc để định hướng cho cuộc cách mạng đô thị này. Đồng thời phải thấu hiểu mối quan hệ hữu cơ giữa văn hóa và văn minh để đi đến một nhận thức khách quan: Văn minh đô thị luôn được định hình và chịu sự ảnh hưởng từ nền tảng văn hóa dân tộc. Sự tương tác ấy phải dựa trên các nguyên lý:
- Văn minh phải dựa trên nền tảng văn hoá, lấy văn hoá làm bệ đỡ, làm định hướng nếu không sẽ biến phía sau thành hoang mạc.
- Bảo tồn văn hoá mà không chú ý đến văn minh hiện đại thì rất dễ rơi vào tình trạng bảo thủ, trì trệ và lạc hậu.
- Văn hoá và văn minh phải được coi là hai người bạn đồng hành hỗ trợ cho nhau.
- Văn hóa giúp cho văn minh có tính định hướng; văn minh bổ sung cho văn hóa tính hiện đại, hội nhập và phát triển.
Nếu không bao quát hết mối quan hệ này thì chắc chắn trong hoạch định mục tiêu chiến lược cho xây dựng và phát triển văn minh đô thị sẽ gặp nhiều lúng túng. Theo đánh giá của Bộ xây dựng,“đô thị nước ta phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ vừa qua. Hiện cả nước có 743 đô thị, 160 khu công nghiệp, 28 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có nhiều khu đô thị mới được xây dựng. Bên cạnh những mặt được, công tác qui hoạch đô thị còn bộc lộ rất nhiều bất cập, đó là thiếu đồng bộ, tầm nhìn ngắn, manh mún, chắp vá, mạnh ai nấy làm…”[1]. Nông nỗi này do đâu? Nhiều công trình nghiên cứu gần đây đặt tiêu cự trên mối quan hệ giữa văn hóa và văn minh mà đưa ra nhận xét xác đáng: đô thị Việt Nam chỉ là loại hình liên làng và siêu làng. Trong đó, người dân vẫn có thói quen sống ở làng quê, với tính dân dã tuỳ hứng của thôn quê, vẫn là con người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp là chủ yếu (Trước đây trên 90% dân số Việt Nam là nông dân - nông nghiệp - nông thôn, nay con số đó cũng xấp xỉ trên dưới 70%). Bản chất và tính cách nông dân vẫn luôn chi phối mạnh mẽ cách hành xử của cộng đồng cư dân nơi thành thị. Nói về bản sắc văn hóa Việt Nam, tác giả Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh ở 5 đặc tính được bắt rễ từ điều kiện tự nhiên và phương thức sản xuất nông nghiệp điển hình là: tính cộng đồng, tính ưa hài hoà, tính tổng hợp, tính âm tính và tính linh hoạt. Mỗi đặc tính đều bao hàm hai mặt âm – dương, tốt – xấu, tích cực – hạn chế… như những cặp đối lập, mâu thuẫn mà thống nhất, có quan hệ biện chứng, vừa thúc đẩy, vừa kiềm chế lẫn nhau [Trần Ngọc Thêm 2008]. Hiểu điều này sẽ dễ lý giải hơn vì sao: với nạn kẹt xe đã trở thành nỗi “ám ảnh kinh hoàng” diễn ra hàng ngày, người dân sống ở hai đại đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội vẫn thích nghi và tồn tại được? Là bởi, truyền thống linh hoạt đã tạo cho người Việt Nam khả năng thích ứng cao, giỏi biến báo trong mọi hoàn cảnh (Không đi được ôtô, xe buýt - vì kẹt, thì xuống tìm “xe ôm”; “xe ôm”, xe máy bất lực thì cuốc bộ; đường đúng luật không đi được thì “len lỏi” lên vỉa hè; đường chính “tắc” thì tìm hẻm mà “thoát”…miễn là đến đích!). Tuy nhiên, mặt trái của tính linh hoạt sẽ dẫn đến hậu quả xấu: người dân quen sống tùy tiện, ứng xử cảm tính, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật… Từ đó tác động trở lại, khiến việc xây dựng văn minh đô thị vốn đã bề bộn lại càng gặp nhiều khó khăn, thách thức.Ý thức của người dân về lối sống văn minh đô thị sau nhiều năm vẫn chưa được nâng cao, thậm chí có chiều hướng ngược lại là "nông thôn hóa thành thị", sống bằng “lệ” nhiều hơn “trọng luật”. Bệnh “trên bảo dưới không nghe”- cũng là một biểu hiện mặt trái của tính linh hoạt, ngày càng trầm kha thì đồng nghĩa với việc Luật mất “thiêng”, có pháp luật mà dân vẫn mạnh ai nấy “lách”. Thêm nữa, văn hóa nông nghiệp mạnh về truyền thống trọng tình. Nguyên tắc sống trọng tình cảm làm cho bệnh tùy tiện, coi thường phép nước càng trở nên trầm trọng hơn. Từ đó tạo ra hệ quả xấu là bệnh cả nể, thiếu kiên quyết, dẫn đến vi phạm luật mà vẫn như “lẽ thường tình”, vẫn “thoát”. Vậy, có Luật cũng như không!
Nhưng, điều chúng tôi muốn bàn kỹ hơn ở bài viết này là: để “trên bảo dưới nghe” thì bản thân những nhà xây dựng Luật, những chiến lược gia về quản lý đô thị và xây dựng văn minh đô thị phải là nhóm người tiên phong hàng đầu trong đổi mới và vượt thoát khỏi tư duy nông dân. Cách Nghĩ quy định cách Làm. Tư duy lãnh đạo thế nào thì chủ trương, chính sách, cơ chế, pháp luật…như thế ấy. Lối suy nghĩ tiểu nông, tư duy nhiệm kỳ và phong cách quản lý xã hội trì trệ không quy rõ trách nhiệm và quyền lợi kéo dài trong suốt mấy chục năm quan liêu bao cấp đã níu kéo tầm tư tưởng về phát triển đô thị hiện đại. Điều này đã thể hiện ở phương pháp quy hoạch đô thị chắp vá, lộn xộn và chồng chéo, chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa kế hoạch định hướng và tính khả thi, thiếu một tầm nhìn xa bao quát cả hệ thống bởi vậy luôn bị động trước sự phát triển khách quan và lúng túng trong cách điều hành kiểu "chữa cháy". Bàn về trận lũ lụt lịch sử vừa qua ở Hà Nội, phóng viên Khiết Hưng (Báo Tuổi trẻ) nêu lên câu hỏi:“Điều gì đang xảy ra với thủ đô? Đó có phải là sự trả giá cho việc qui hoạch đô thị bất hợp lý, trả giá cho sự phát triển đô thị một cách manh mún?” [2]. Sự “manh mún” ấy là biểu hiện của tư duy lãnh đạo kiểu nhà nông, thực chất, cũng bắt nguồn từ văn hóa nông nghiệp truyền thống. Văn hóa nông nghiệp mang tính thời vụ cao. Hết “áp lực” của thời vụ là có thể dông dài, thư nhàn thụ hưởng. Lâu dần tập nhiễm thành thói “nước đến chân mới nhảy”, “mất bò mới lo làm chuồng”… luôn giải quyết mọi việc theo kiểu “tình thế”, nặng về đối phó hơn là hình thành những chiến lược với một tầm nhìn dài hạn. Việc quy hoạch và xây dựng văn minh đô thị của các nhà quản lý đô thị ở Việt Nam hiện nay là thế. Đã vậy, cư dân nông nghiệp quen sống trong làng xã, với những mối quan hệ hàng xóm láng giềng thân thuộc, không cần giữ ý tứ, sống gần thiên nhiên nên cũng rất “hồn nhiên” (việc “phóng uế, xả rác, nhổ bậy”…, mấy nghìn năm nay sống trong làng xã, ai nấy đều tự “giải quyết” nhu cầu một cách rất bản năng, rất “hồn nhiên”, “cả làng đều thế phải mình…em đâu” mà mắc cỡ!). Họ quen ung dung, tư tại, thoải mái tự do trong một bầu không khí dân chủ kiểu làng xã. Việc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” chưa hề được xem là truyền thống ở Việt Nam. Tư duy “trọng nguyên tắc, trọng lý lẽ, trọng luật” là sản phẩm của loại hình văn hóa phương Tây gốc du mục, trong động, được chúng ta tiếp thu muộn sau này cùng với quá trình giao thoa, tiếp xúc với Tây phương. Muốn thay đổi thói quen ứng xử của người dân thì trước hết các nhà quản lý, lãnh đạo cần xác định việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị phải là một cuộc hành trình dài lâu, bền bỉ. Nghĩa là, về phương pháp luận, không thể vội vàng “đánh trống bỏ dùi”, chạy theo thành tích, phong trào hoặc chỉ tập trung vào giải quyết các việc “sự vụ” như hô hào dọn rác, căng áp phích, panô tuyên truyền hoặc báo cáo đã xây dựng được bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng, lắp đặt được bao nhiêu thùng rác…Những truyền thống văn hóa lâu bền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, muốn điều chỉnh và thay đổi phải có khoảng thời gian đủ dài và rộng, ít nhất hàng trăm năm, để các mô hình ứng xử cũ không còn thích hợp bị phá vỡ, thay thế vào đó là những phương thức ứng xử mới phù hợp hơn với quá trình vận động và phát triển của đất nước. Quan trọng là nhận thức ấy phải được thể hiện thống nhất giữa các nhà lãnh đạo. Nếu cứ mỗi năm lại đề ra một “tiêu điểm” mới, một phong trào mới, những yếu tố tích cực vừa gieo trồng, chưa kịp chăm sóc vun xới cho sâu rễ bền gốc, cây còn non nớt, èo uột…đã vội vàng cày xới gieo hạt trên luống đất khác, thì dù tốn kém sức người, sức của cho nhân công, giống má, cây trồng đến mấy, cũng khó hi vọng có được những vụ mùa bội thu. (Được biết, trong phiên thảo luận chiều ngày 4/9/2007 của kỳ họp HĐND TP.HCM, Đại biểu Võ Văn Sen- Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn “đề xuất năm 2008 tiếp tục lấy chủ đề năm là cải cách hành chính để nêu cao quyết tâm cải cách hành chính, tạo tiền đề cho năm 2009 áp dụng mô hình chính quyền đô thị” [Phạm Cường 2007]. Tiếp tục tập trung vào đẩy mạnh cải cách hành chính- là những việc đang làm và cần làm ngay! Bởi, quá trình cải cách ấy đã tạo được kết quả ban đầu, cần duy trì để có được nền tảng vững chắc hơn... Có thể hiểu là, không nên “rải mành mành” theo kiểu mỗi năm một phong trào, chưa xong việc này đã sang việc khác. Rốt cuộc, chẳng phong trào nào “đi đến nơi, về đến chốn”. Tiếc thay, tư duy “thời vụ” của số đông quá mạnh. Thế mới nên nông nỗi, năm 2008 – năm văn minh đô thị, thực chất lại là năm của đào xới đường và “trồng lôcốt”-như lời than của quần chúng nhân dân!- tác giả bình luận thêm).
3. Giải pháp
Đành rằng, ở nước ta, con đường đi lên của đô thị từ Đô (trung tâm hành chính), rồi sau mới đến Thị (buôn bán), nên tính dân dã và sự quan liêu là điều không thể trách khỏi. Cổ nhân có câu “giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời”. Thay đổi thói quen ứng xử đã ăn vào nếp nghĩ, nếp sống, trở thành nếp văn hóa có “tuổi thọ” hàng ngàn năm của một cộng đồng cư dân không hề đơn giản. Văn hóa mang đặc tính tĩnh, thường ổn định, có sức mạnh di truyền như một bộ gien xã hội, vì thế khó thay đổi. Trên thực tế, đối với đô thị mới thành lập, hình thành một NẾP SỐNG VĂN MINH thường mất khoảng 10-20 năm (tức mất khoảng 10-20 năm thì một chuẩn mực văn hóa mới có thể được định hình rõ nét), thậm chí lâu hơn rất nhiều. Nhưng như vậy, không có nghĩa là không thể thay đổi. Ở trên chúng tôi đã trình bày ba tính chất và đặc tính phổ biến của mọi loại hình đô thị hóa: Tính không thể đảo ngược (Irreversibility); Tính tăng tốc (Acceleration) và đặc biệt là Tính đứt đoạn (Discontinuity). Phải chấp nhận một thực tế là cuộc cách mạng đô thị nào cũng tạo ra những “đứt đoạn” do trong quá trình chuyển độngcon người bị cắt đứt với những hành vi quen thuộc đã có, buộc phải học cách suy nghĩ, cách hành động mới. Để giảm bớt “đứt đoạn” và những cú “shock” văn hóa, theo chúng tôi cần phải có những giải pháp mang tính chiến lược, đón đầu.
Thứ nhất, giáo dục ý thức xây dựng văn minh đô thị.
Đây là tiền đề quan trọng. Về phương pháp luận, làm được bước này, chính là chúng ta đang xây nhà từ móng. Bởi ý thức quyết định hành vi. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Có thể lồng ghép chương trình giáo dục “Tác phong văn minh đô thị Việt Nam” vào chương trình giáo dục công dân các cấp trường học, vào các hoạt động ngoại khóa, bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành, ngay từ tiểu học.
Ở Mỹ, mới đây, ban giám hiệu trường Trường tiểu học Garfield tại Santa Ana- một trong những khu nghèo nhất quận Cam, bang California đã tổ chức cho 200 em học sinh lớp 5 đi thực tế nhằm khảo sát các “điểm đen” ở đô thị. Thời gian đi kiểm tra thực tế là 45 phút. Các em sẽ quan sát và ghi vào sổ tay những điều chướng tai gai mắt. Bài thu hoạch của các em sẽ được gửi cho chính quyền địa phương nghiên cứu, xử lý. Theo kết quả thu hoạch, các em quan tâm nhất là tình hình an toàn giao thông, đường phố xuống cấp, thiếu lối đi cho người đi bộ, người lái xe phóng nhanh vượt ẩu, rác rưởi vứt bừa bãi, hình vẽ chướng mắt đầy trên tường. Phân nửa số học sinh tham gia cảm thấy không an toàn khi gặp người lang thang, người ăn mày hay bắt nạt và chó chạy rông trên đường. Một số em nhận thấy nhiều công trình ngang nhiên đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè. Nhiều em đã đề nghị chính quyền đặt thêm đèn tín hiệu giao thông, gắn thêm bảng chỉ dẫn, sửa lại lối đi cho người đi bộ, tăng cường người dọn dẹp vệ sinh…[Học sinh Mỹ 2008].
Một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines hay Malaysia… cũng đã thành công trong việc giáo dục học sinh, sinh viên và người dân nói chung tôn trọng trật tự giao thông, vệ sinh công cộng, nếp sống văn minh đô thị. Để tạo thành một nếp sống văn minh đô thị như hiện tại, các nước này đã kiên trì dành cả chục năm trời triển khai chương trình giáo dục công dân cho học sinh, sinh viên của họ thói quen về trật tự, giữ gìn vệ sinh hay tác phong lịch sự văn minh đô thị. Môn công dân được dạy rất cụ thể và nghiêm túc, gồm cả giáo dục luật lệ giao thông, ý thức bảo vệ của công, phép lịch sự xã giao hàng ngày…v.v… Đó là cách giáo dục từ gốc rất đáng để chúng ta tham khảo, học tập và vận dụng một cách phù hợp vào điều kiện cụ thể của nước ta.
Thứ hai, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật.
Hiện tại, những quy định về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của chúng ta không thiếu. Các nước phát triển đã đô thị hóa nhiều thế kỷ, có rất nhiều kinh nghiệm và nhiều văn bản quy định về vấn đề này. Chúng ta đã kế thừa, phát huy và vận dụng, biểu hiện ở nhiều nội dung về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được thể chế hóa thành luật. Tuy nhiên, như trên đã phân tích về những yếu kém bất cập và nguyên nhân chủ quan của những yếu kém, bất cập trong quản lý đô thị và xây dựng văn minh độ thị ở nước ta, đó là có Luật mà chưa có truyền thống “trọng luật”, “hành luật”. Vì thế, nhu cầu đổi mới tư duy pháp lý được đặt ra ngày càng cấp thiết, mạnh mẽ, kiên quyết hơn. Dưới góc độ văn hóa học quản lý, tư duy pháp lý mới có thể được phác thảo trên cơ sở hài hòa mối quan hệ giữa hai yếu tố: Dân tộc và hiện đại. Trong lịch sử, dân tộc ta đã rất thông minh và chủ động trong việc tiếp thu các yếu tố văn hóa ngoại sinh để canh tân đất nước. Theo truyền thống phương Đông, quản lý xã hội thường dựa trên cơ sở QUẢN KỲ TÂM (Quản lý dựa trên các chuẩn mực đạo đức, văn hóa cổ truyền dân tộc). Theo truyền thống phương Tây, quản lý xã hội thường dựa trên tiêu chí QUẢN KỲ SỰ (Quản lý chủ yếu căn cứ vào sức mạnh của pháp luật, chế tài…). Trên thế giới, các thành phố lớn tiêu biểu như London, New York hay Berlin ngay từ thế kỷ XVIII đã được thiết kế, xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị theo cách đó. Phương Tây đã hoàn tất trước chúng ta khoảng hai thế kỷ cuộc cách mạng công nghiệp nên tầm nhìn của họ về xây dựng văn minh đô thị hẳn cũng vượt xa một khoảng cách tương tự. Cái gì hay thì phải học, học một cách sáng tạo. Tiếp thu văn hóa Đông – Tây, vận dụng nguyên lý âm – dương, hài hòa nhất là sự kết hợp cả hai phương pháp QUẢN KỲ TÂM và QUẢN KỲ SỰ trong quản lý đô thị. Tuy nhiên, cho đến nay, sự hài hòa này vẫn thiên về âm tính nhiều hơn. Nằm trong khu vực phương Đông, Việt Nam đương nhiên chịu nhiều ảnh hưởng của khu vực này, cả mặt tích cực và hạn chế. Những biểu hiện thường bị xem là lực cản trở xu hướng vận động tiến bộ trong đời sống xã hội Việt Nam hiện đại như thói quen ứng xử “Phép vua thua lệ làng”, “Một bồ cái lý, không bằng một tí cái tình”, hay hiện tượng “Đưa nhau ra trước cửa quan, bên ngoài là lý bên trong là tình”…từng làm ngả nghiêng cán cân luật pháp là những minh chứng cho sự hạn chế của phương pháp quản lý xã hội cũ. Cái chúng ta còn thiếu và rất yếu là tư duy và hành động thiết thực SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT - với nguyên tắc “Luật bất dung tình”. Hồ Chí Minh quan niệm: Thói quen cũ và truyền thống lạc hậu cũng là “giặc nội xâm” của dân tộc. Chúng ta chống giặc ngoại xâm gian khổ như thế nào thì chống “giặc nội xâm” càng khó khăn gian khổ gấp bội lần. Bởi, đôi khi “giặc” nằm ngay trong ý nghĩ của ta, trong thói quen hàng ngày, những thói quen không hẳn thuộc về “sở hữu cá nhân” mà đã từ lâu mang dáng dấp của “sở hữu toàn dân” như hiện tượng giao thông không theo một luật lệ nào, tùy tiện xả rác trên đường phố, học hành, hội họp theo kiểu “giờ cao su” bất chấp nội qui, qui chế… Chuyển đổi từ một xã hội nông nghiệp - nông thôn với những “lệ làng” ràng buộc con người chặt chẽ ngay từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời, sang một xã hội công nghiệp - đô thị đòi hỏi mọi công dân phải hành xử theo nguyên tắc tôn trọng pháp luật là cả một chặng đường dài phấn đấu lâu dài, đầy thách thức. Lịch sử Việt Nam hiện đại chứng minh khả năng “đi tắt đón đầu” của dân tộc trong những điều kiện cụ thể dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song, sự chuyển đổi tư duy không dễ dàng “đi tắt”, nó cần trải qua quá trình vận động tất yếu từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính để rồi thâm nhập, chuyển hóa và chi phối hành động cụ thể của con người theo những nguyên tắc và giá trị định hướng chung mà xã hội đó đề ra. Nếu chúng ta đã thừa nhận từ bài học kinh nghiệm quản lý đô thị của những quốc gia Đông-Tây trên thế giới rằng, trong xã hội hiện đại, quản lý bằng pháp luật là một yêu cầu mang tính tất yếu, khách quan thì cần có thêm nhiều động thái và nỗ lực hiện thực hóa nó. Việc cấp bách hiện nay là cần điều chỉnh hình thức xử phạt hành chính đối với một số hành vi xấu để đủ sức răn đe, khắc phục kiên quyết bệnh cả nể, du di, thiếu tôn trọng pháp luật. Nếu không, “mèo lại hoàn mèo”!
Thứ ba, yếu tố quyết định, một nguồn nhân lực quản lý đô thị có Tâm.
Với đặc trưng không đổi: “Về cấp quản lý, đô thị là thành phố, thị xã, thị trấn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập”[Nghị định 72-2001], vậy nên, sự thành bại của công cuộc xây dựng văn minh đô thị hoàn toàn phụ thuộc vào Tài năng, Tâm đức và Tầm hoạch định chiến lược của chủ thể quản lý. Ba chữ Tài , Tâm và Tầm đan xen chặt chẽ như kiềng ba chân mới tạo nên trí lực, phẩm chất, nhân cách và bản lĩnh cho người lãnh đạo. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ bàn đến một chữ Tâm. Đơn giản, đây là chữ mà cụ Tố Như đã dạy “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mặc dù Người rất biện chứng khi đặt chữ Tài cạnh chữ Tâm (Đức), song Người vẫn khẳng định Đức (Tâm) là gốc của Tài. Phương pháp xây dựng kiến trúc đô thị là xây từ móng, từ gốc. Móng có vững, rễ có chắc thì thân mới bền. Trồng người cũng vậy. Đối với chủ thể quản lý - các kiến trúc sư, các chiến lược gia lại càng cần chữ Tâm hơn thế!
Có nhiều cách nhìn nhận và đánh giá Chữ Tâm. Thông thường, người đời bao giờ cũng liên tưởng ngay đến ý nghĩa tâm huyết tức là sự tận tâm, công tâm vì việc chung. Không có người tâm huyết thì bất kỳ nguồn tài lực nào cũng khó có thể phát huy được tác dụng, thậm chí còn kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực lâu dài. Đối với người quản lý, lãnh đạo, chữ Tâm ấy phải là sự kết hợp chặt chẽ của Dân chủ và Dân tâm: “ Dân chủ và dân tâm gắn với nhau như bóng với hình. Để thu phục được dân tâm, để giành dân tâm thì phải thực lòng thực thi dân chủ. Để giành dân tâm, không có gì đơn giản hơn điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho cán bộ của Đảng và Nhà nước ngay từ những ngày mới giành được chính quyền từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945; “ Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh” [Nhiều tác giả 2006]. Nghĩa là khi xây dựng luật, đề ra chính sách, tiêu chí hay hoạt động chỉnh trang đô thị..v…v.. nhà quản lý phải xuất phát từ quyền lợi lâu dài của quần chúng nhân dân. Đừng theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” như đợt lũ lụt vừa qua tại Hà Nội. Càng không nên qui hoạch hết khu đô thị này tới khu đô thị khác mà không hình dung nổi từ làng lên phố, nếu có mưa lớn thì nước thoát về đâu?
GS.TSKH Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khi được hỏi về trận ngập lụt lịch sử năm 2008 tại Hà Nội, đã có ý kiến như sau: “Chúng ta đang xây dựng đô thị rất tùy tiện, miễn có đất là xây nhà, còn nhà đó ngập bao nhiêu không được xác định. Đấy là điều rất nguy hiểm. Anh cứ chia đất cho nhau, một doanh nghiệp được 30-40 ha, hàng trăm hecta, có nơi được một nghìn hecta. Đó là những vấn đề đang đe dọa quá trình phát triển đô thị. Chúng ta không thể có được đô thị đẹp, không thể có được đô thị ổn định nếu chúng ta xé vụn nó ra, không kiểm soát tổng thể. Trận ngập lụt này thể hiện rõ sự lúng túng của chúng ta. Muốn thoát nước mà không có cống lớn thì làm sao nước chảy được? Thử đếm xem Hà Nội có cống lớn nào? Chẳng có cái nào. Chúng ta chỉ có một trạm bơm tiêu nước ở Yên Sở thì làm sao chịu được? Đó là hậu quả của việc coi nhẹ hạ tầng cơ sở… Những người làm qui hoạch phải nhìn thấy những bất cập trong đô thị để tránh, làm sao cho đô thị như một cơ thể lớn dần chứ không phải teo đi. Mọi người phải tôn trọng qui hoạch. Người lãnh đạo cũng phải tôn trọng quy hoạch, tất nhiên trong quá trình thực hiện anh phải tìm ra những thiếu sót qui hoạch chưa bàn đến để cùng nhau điều chỉnh chứ không phải xóa đi làm lại. Chúng ta có thể giầu lên nhờ qui hoạch nhưng chúng ta cũng có thể nghèo đi vì những cái không làm theo quy hoạch. Chúng ta đang làm theo kiểu tiểu nông và đã đến lúc không thể xây dựng đô thị theo kiểu tiểu nông, manh mún”[3].
Muốn dân “trọng luật” thì phải tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để dân chấp hành luật. Nếu cứ tiếp tục đào đắp đường sá, vỉa hè, mở đường, dựng “lôcốt”, làm rào chắn khắp nơi… khiến cứ mỗi buổi chiều đến hàng vạn người và xe dồn cục lại, tạo thành dòng sông người dài vô tận, đầy nghẹt, chết cứng, bất lực ở các cửa ngõ thành phố trong nhiều giờ liền thì chẳng ai có thể chấp hành đúng Luật giao thông, kể cả điều đơn giản nhất là không được đi xe máy trên vỉa hè. Đối với thói quen xấu đang cần phải “xóa” - được xem như một tiêu chí trong xây dựng văn minh đô thị là “chống phóng uế bừa bãi”, các cấp chính quyền đã làm gì để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không vi phạm pháp luật? Ở phần mở đầu bài viết, chúng tôi có trích dẫn lời phát biểu của một vị phó chủ tịch UBND thành phố báo cáo những việc đã làm được sau chín tháng thành phố triển khai xây dựng văn minh đô thị, cụ thể là “lắp đặt mới 31 nhà vệ sinh công cộng”. Nhưng “lắp đặt mới” mà không đưa vào hoạt động thì cũng không có tác dụng “phục vụ” nhu cầu chính đáng của dân! Thực chất, vẫn là biểu hiện của bệnh hình thức, nửa vời. “Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, sau chín tháng thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại TP.HCM, hiện nay chỉ mới đưa vào hoạt động được một nhà vệ sinh công cộng tại chân cầu Bình Triệu 2 (Q. Bình Thạnh), sáu nhà vệ sinh công cộng khác xây dựng sắp xong tại quận 6 và quận 10. Mặt khác trong tổng số 76 vị trí khả thi để xây dựng mới chỉ có 42 vị trí được các quận có văn bản chấp thuận” [Q. Khải 2008]. Đó là chưa nói, đối với một đô thị mà áp lực dân số quá đông, mật độ dân số quá cao và quá nhiều người hoạt động, lưu thông trong không gian công cộng như TP.HCM thì việc lắp đặt 31 hay 42 nhà vệ sinh công cộng là quá ít. Cung không đáp ứng cầu, tất yếu dẫn đến “tức nước vỡ bờ”, cứ “hồn nhiên” mà hành xử thôi! Về điều này, cũng theo tài liệu trên, ông Nguyễn Văn Lưu - chuyên viên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM nêu ý kiến: “Đến nay vẫn còn quá ít nhà vệ sinh công cộng được xây dựng” [Q. Khải 2008].
Tóm lại,muốn dân “trọng luật” phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, muốn đạt dân chủ lại cần nền tảng dân tâm vững chắc, muốn giành được dân tâm thì mỗi chủ thể quản lý phải giữ được TÍN TÂM - “nói đi đôi với làm”, thực sự là “tấm gương cho quần chúng nhân dân”. Khi lời nói không đi đôi với việc làm, khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn và thứ “vi trùng rất độc” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) ấy lại tập trung chủ yếu ở những người có chức, có quyền; khi đạo đức giả đã trở thành một căn bệnh xã hội, quái gở đến mức có người thốt lên: “điều bức xúc nhất, trầm trọng nhất là một lối sống tệ hại đã trở thành thói quen của không ít người, đó là thói đạo đức giả, nói một đằng, làm một nẻo; trong hội nghị thì gật gù tán thưởng, ra quán trà thì dè bửu, chê bai, trên diễn đàn thì cao đàm khoát luận những chuyện cao siêu, vào quán nhậu thì bàn mưu tính kế kiếm chác, lừa gạt ti tiện…” [Nhiều tác giả 2006], tất cả đều tác động đến tình cảm và niềm tin của quần chúng nhân dân đối với các chủ thể và cơ quan quyền lực nhà nước. Không có Tín Tâm thì chẳng thể đạt Dân Tâm. Sự “hư hỏng, thoái hóa biến chất” ấy là do thiếu tự trọng, thiếu ý thức rèn luyện chữ Tín Tâm mà sinh ra. Không coi trọng Tín Tâm, người ta không còn mấy ngượng ngùng e ngại khi dấn thân vào những thương vụ “mua quan, bán tước”, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án…công khai. Khi ấy, quyền lợi cá nhân tất sẽ cao hơn quyền lợi tập thể và bộ máy chính quyền nhà nước với những đại diện “con sâu làm rầu nồi canh” đó liệu có thể đảm bảo thực thi hai chữ Dân Chủ mà Bác Hồ đã dày công tạo dựng trên cơ sở ước nguyện của quần chúng nhân dân hay không? Tín Tâm không thể thay thế luật pháp nhưng nó chính là cơ sở, nền tảng vững chắc để bảo đảm tính đúng đắn, khả thi cho pháp luật.
An sinh và an dân là một trong số các mục tiêu cao nhất của một quốc gia, một thành phố. Xây dựng văn minh đô thị, thực chất nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thiết lập các mối quan hệ ứng xử hài hòa, bền vững giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong quá trình đô thị hóa. Một thành phố có thể chưa giầu có, có thể không có nhiều cao ốc, nhiều khách sạn sang trọng nhưng lại rất cần một trạng thái xã hội thăng bằng để sống và mưu sinh. Trách nhiệm đó, trước hết thuộc về các nhà hoạch định chiến lược, các nhà quản lý xã hội. Cách nghĩ quy định cách làm. Để có một đô thị “vuông tròn” trăm năm và lâu hơn thế nữa, cần có những định hướng phù hợp với tư duy và thói quen của dân tộc ta, đồng thời hòa nhập được vào dòng chảy chung của văn minh nhân loại. Bởi,“một dân tộc khi có được một giá trị quan cốt lõi được toàn dân tộc công nhận, có một qui phạm và chuẩn mực đạo đức chung, một trật tự công cộng và chuẩn tắc giao lưu chung tương đối văn minh, mới có đủ khả năng điều chỉnh, cân đối hài hòa nguồn tài nguyên kinh tế, chính trị, văn hóa, mới tránh được sự không thống nhất, mới ngưng tụ được sức mạnh lớn thúc đẩy đất nước phát triển” [4].
Tài liệu tham khảo
1. Bộ trưởng 2008: Bộ trưởng Nông nghiệp: 'Hà Nội chậm chạp trong giúp dân'. - http://tintuc.xalo.vn/00-769573394/bo_truong_nong_nghiep_ha_noi_cham_chap_trong_giup_dan.html
2.Học sinh Mỹ 2008: Học sinh Mỹ xây dựng văn minh đô thị. - http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&;file=article&sid=83489
3.Mưa lũ ở Hà Nội 2008: Hà Nội mới "tính sơ" đã thiệt hại hơn 3.000 tỉ đồng. - http://tintuc.xalo.vn/001510714973/ha_noi_moi_tinh_so_da_thiet_hai_hon_3_000_ti_dong.html
4.Nghị định 72-2001: Nghị định số 72/2001/NĐ-CP về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị do TT Chính phủ Phan Văn Khảký ngày 5-10-2001. - http://www.thuvienphapluat.vn/default.aspx?CT=VC&;LID=BCCB006
5.Nguyễn Thị Thu Hà 2008: Văn minh đô thị: Những điều được và chưa được (Xuân Hùng phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND TPHCM). - http://www.congan.com.vn/toa_soan_va_ban_doc/2008/11/20081107.78695.ca
6.Nhiều tác giả 2006: Giục giã từ cuộc sống. - NXB Trẻ TP.HCM.
7.Phạm Cường 2007: TP.HCM: Mổ xẻ hiệu lực của Hội đồng Nhân dân. - http://vietnamnet.vn/chinhtri/2007/12/758070/
8.Q. Khải 2008: Chín tháng thực hiện nếp sống văn minh đô thị: Chỉ một nhà vệ sinh công cộng được đưa vào hoạt động! - http://diaoc.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=284510&;ChannelID=450
9.Tôn Nữ Quỳnh Trân: Văn hóa làng xã trong đô thị hóa. - http://www.cefurds.com/index.php?option=com_content&;task=view&id=33&Itemid=36
10.Trần Ngọc Thêm 1996/2004: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. - NXB Tổng hợp TP.HCM.
11.Trần Ngọc Thêm 2008: Bản sắc văn hóa Việt Nam. - Bài giảng cho HVCH k8 và NCS k1-2 của Khoa văn hoá học, Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM.
12.Vinh Giang 2008: TP. HCM: Văn minh đô thị còn nặng tính phong trào. - http://vietbao.vn/Chinh-Tri/TP-HCM-Van-minh-do-thi-con-nang-tinh-phong-trao/20810693/96/
13.Wikipedia - Đô thị: http://vi.wikipedia.org/wiki/Đô_thị
Nguồn:In trong: Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, Tp.HCM - Nxb Đại học Quốc gia, 2013