I. Giới thiệu về khu 36 phố phường
Những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của cuộc cải cách kinh tế và đường lối đổi mới, nhận thức về giá trị văn hóa lịch sử và nhu cầu bảo tồn, tôn tạo các giá trị này về môi trường xây dựng của Hà Nội ngày càng được thấu hiểu trong giới quản lý thành phố, các nhà chuyên môn và dân chúng.
Tuy nhiên, cho đến nay trọng tâm chú ý của các cuộc tranh luận và của các dự án bảo tồn đang tập trung vào khu phố cổ, hay còn gọi là khu 36 phố phường. Lý do rất dễ hiểu: đây là phần cội rễ (core) truyền thống lịch sử của thành phố, có lịch sử tồn tại và phát triển gắn liền với lịch sử tiến hóa của Hà Nội trong suốt 10 thế kỷ qua. Và do vậy trong nó ngưng đọng nhiều tầng văn hóa – lịch sử của đời sống đô thị Hà Nội.
Khu 36 phố phường Hà Nội đã được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa quan trọng cần được giữ gìn, bảo tồn. Chính phủ Việt Nam đã ban hành pháp luật bảo vệ những nét đặc sắc của khu phố này. Bản quy hoạch tổng thể mặt bằng Hà Nội đến năm 2010 cũng đã khẳng định lại nhiệm vụ bảo tồn khu phố cổ như một trung tâm thương mại và du lịch của Hà Nội.
Trong một số công trình nghiên cứu và dự án bảo tồn của các tác giả Việt Nam và nước ngoài còn có những điểm khác nhau về ranh giới khu phố cổ và tên gọi của nó (ancient quarter, 36 old streets quarter, old sector). Theo một quy định mới nhất (1994) của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thì phạm vi phố cổ nằm gọn về phía Bắc hồ Hoàn Kiếm. Theo quy định này, khu 36 phố phường Hà Nội hiện nay rộng chừng 80 ha với số dân khoảng 70 ngàn người thuộc vào 8 phường của quận Hoàn Kiếm. Các công trình kiến trúc trong khu vực trải qua thời gian dài đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn giữa được nhiều dáng vẻ và đường nét chủ yếu.
II.Các yếu tố của môi trường xây dựng của khu 36 phố phường
Xem xét khu 36 phố phường như một tổng thể, có thể mô tả môi trường xây dựng của khu phố qua 3 yếu tố tổ chức không gian sau đây:
1. Các cấu trúc “nhà ống” (về mặt kiến trúc) và nhà hàng “về mặt kinh tế”
2. Hệ thống đền, chùa, miếu, đình – những nơi thực hành các nghi lễ tôn giáo của người dân trong kh phố này.
3. Hệ thống đường phố lịch sử nối liền các phường theo một sơ đồ quy hoạch, các tên gọi từ xưa và một số di tích lịch sử còn lại của kinh thành (tường thành và các cửa ô).
Gắn kết những yếu tố của tổ chức không gian nói trên là những yếu tố văn hóa – lịch sử của tổ chức xã hội, đời sống kinh tế của dân cư trong khu phố này.
Khu 36 phố phường được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ XI. Trong những thế kỷ sau đó, thợ thủ công từ các làng nghề ở các vùng nông thôn lần lượt kéo về và lập thành các phường nghề để sản xuất và cung cấp hàng hóa tiêu dùng cho Hoàng gia và các chức sắc sống trong Hoàng thành ngay kế cận. Ở đây đã tập trung rất nhiều loại thợ thủ công theo các nghề như chạm bạc, làm da, nhuộm, tơ lụa, làm giấy..v..v.. Ngay từ buổi đầu dân cư thuộc một nghề nhất định đã cùng nhau cư trú, sản xuất, buôn bán sản phẩm trên cùng một khu vực, dọc theo những con đường hẹp và quanh co được đặt tên theo nghề của họ. Sự cư trú và hoạt động kinh tế theo tổ chức phường hội như vậy ở khu 36 phố phường tiếp tục phát triển thịnh vượng cho đến cuối thế kỷ XIX, mặc dù có những thay đổi lớn về địa vị chính trị của Thăng Long – Hà Nội thời đó khi triều Nguyễn dời đô vào Huế và sự chiếm đóng của thực dân Pháp trên đất nước.
Do dân số gia tăng và nhu cầu có một “mặt tiền” cho hoạt động thương mại, cư dân ở đây đã phát triển một kiểu kiến trúc độc đáo – một nơi ở dài và hẹp gọi là những “nhà ống”. Kiểu nhà này tạo cho mỗi gia đình có một phòng ở mặt phố để kinh doanh. Những nhà ống cọn lại đến ngày nay thường được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với bề rộng từ 2 – 3m, chiều sâu từ 60 – 100m.
Bố cục của các nhà ống về cơ bản khá giống nhau: gian ngoài cùng là chỗ sản xuất vừa là chỗ bán hàng. Tiếp đến là một khoảng sân trong còn gọi là “giếng trời” để lấy ánh sáng, thông thoáng với thiên nhiên và thường là nơi trồng cây cảnh, nuôi thú cảnh. Gian trong là gian để ở và khu phụ. Trong cùng có thể là một sân nhỏ có khu phụ, bể nước (gọi là sân ướt). Chiếm đa số ở đây là nhà một tầng, mái ngói, đôi khi có thêm gác xép nhưng không có cửa sổ.
Nét hấp dẫn của quần thể các nhà ống này là nhà mái thấp, lợp ngói đỏ với đường nét kiến trúc dân gian quen thuộc, có quy mô và kích thước hài hòa với con người. “Ngồi trên sân thượng nhỏ trong khu phố cổ này ta có cảm giác đang ngồi trên một con thuyền an toàn và thoải mái giữa những làn sóng nhấp nhô của những mái nhà kề nhau liên tiếp”. (Nguyễn Thế Bá, 1993).
Trong lĩnh vực đời sống tâm linh, tôn giáo, những người thợ thủ công từ nông thôn khi về Thăng Long sinh sống cũng mang theo cả truyền thống thờ cúng, tế lễ. Khu 36 phố phường vì vậy ngoài các nhà ống còn có một hệ thống các nơi thờ cúng. Đó là các chùa, đền, miếu hay đình. Nếu như chùa là nơi lui tới của các phật tử; đền, miếu là nơi thờ cúng các vị thần thì Đình là nơi gặp gỡ, hội họp quen thuộc của cư dân nông thôn được đưa vào khu phố cổ bởi những người thợ thủ công với một chức năng nữa là thờ cúng những ông tổ của phường nghề, làng nghề (ví dụ ông tổ nghề da, nghề giấy, nghề dệt nhuộm...v...v....).
Và vì thế trong số những nơi thờ cúng trên, Đình là nơi có nhiều thay đổi trong chức năng của nó. Một số phường nghề do sự phát triển mà mất đi hoặc chuyển đổi thành nghề khác. Sinh hoạt cộng đồng thành thị đã khác với các cộng đồng nông thôn. Một số đình vì thế được chuyển sang làm trường học, thậm chí làm nơi ở và sản xuất hoặc trụ sở. Tuy nhiên về giá trị kiến trúc cổ, so với nhà ống thì các CHÙA, ĐỀN, MIẾU, ĐÌNH còn được giữ lại khá nguyên vẹn kết cấu và hình dáng cũ. Theo thống kê của Phê và Nishimura (1990), tại quận Hoàn Kiếm, nơi có khu 36 phố phường có tới 45 địa điểm thờ cúng như vậy. Chúng tạo thành một mạng lưới các vị trí phục vụ cho đời sống tâm linh của người dân sống trong khu vực này. Cảnh quan đô thị đặc trưng của khu 36 phố phường sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu đi bóng dáng những ngôi chùa, ngôi đền, đình ẩn dưới bóng những cây si già hay những khóm tre.
Về hệ thống đường phố tại khu 36 phố phường có đặc điểm nhỏ hẹp và quanh co, do đã hình thành từ nhiều thế kỷ trước với quy hoạch tự phát theo địa hình ao hồ cũ. Chỉ đến đầu thế kỷ XX, trong thời kỳ thuộc địa, đường xá mới bắt đầu được rải nhựa hoặc nắn lại cho thẳng hơn. Lòng đường hẹp, hè phố cũng hẹp và lại được tận dụng làm nơi buôn bán. Đường phố ở đây thực hiện cả 3 chức năng: giao thông đi lại, không gian công cộng; nơi buôn bán và giao tiếp cộng đồng (mở rộng không gian ở).
Nét đặc trưng độc đáo của khu 36 phố phường được tạo ra bở sự đặt liều kề bên nhau những ngôi nhà ống, những nơi thờ cúng trên một dãy phố - chợ náo nhiệt, và mỗi góc phố mỗi ngôi chùa, ngôi đền hầu như đều có một sự tích riêng. Môi trường xây dựng của Hà Nội trong khu phố này, như vậy bao gồm nhiều tầng lịch sử và hòa trộn với cảnh quan phố phường tạo nên một cảm giác rất thực về nơi chốn mà khó tìm thấy ở các đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, cảm giác về mối liên hệ giữa nơi chốn với không gian và công việc cũng rất dễ nhận ra, đặc biệt ở những phố mà các phường nghề vẫn còn giữ nguyên phù hợp với tên gọi cho đến ngày nay: Phố Hàng Thiếc, phố Thuốc Bắc, phố Hàng Bạc, Hàng Mã....
Trải qua một thời kỳ dài, truyền thống lịch sử và văn hóa của tinh thần phường hội trong tổ chức cư trú, sản xuất và buôn bán vẫn còn khá vững chắc. Ở đây, tinh thần này không chỉ thể hiện ở sự tổ chức kinh tế - xã hội của khu 36 phổ phường mà đã lan tỏa ra các khu phố khác dưới hình thức tập trung một ngành hàng, một loại hình dịch vụ theo một tuyến phố trong những năm gần đây ở Hà Nội
III. Khu 36 phố phướng dưới sức ép của cải cách kinh tế và phát triển
Từ đầu thế kỷ XX, khu 36 phố phường đã trải qua và chịu ảnh hưởng của nhiều biến cố lịch sử. Tuy vậy, cho đến 1954, về cơ bản khu 36 phố phường vẫn được bảo tồn và có phần được tôn tạo, xen kẽ bởi một số ngôi nhà kiến trúc mới. Đường phố được rải nhựa và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị được đưa vào (điện, nước).
Chiến tranh đã ảnh hưởng đến môi trường xây dựng của khu phố này không nhiều. Tuy nhiên, thay vào đó, 30 năm dưới thời kinh tế bao cấp (1954 – 1985) khu phố cổ đã bị xuống cấp nghiêm trọng do không được bảo dưỡng, tôn tạo và do sức ép của gia tăng dân số, do cách sử dụng và quản lý nhà ở và cơ sở hạ tầng của chính những người dân sinh sống ở đó. Mâu thuẫn nội tại đã tích tụ và bung ra, phá vỡ chính các ngôi nhà và cảnh quan đô thị. Lúc đầu mỗi ngôi nhà chỉ dùng cho một gia đình, còn bây giờ thì hầu hết có từ 5 – 6 gia đình trở lên với hàng trăm người sinh sống. Cơ sở hạ tầng cũ nát và quá tải (80% các gia đình trong khu phố hiện phải dùng toitel chung).
Kết cấu cư dân thời kỳ này đã thay đổi theo hướng công chức hóa lao động. Hoạt động thương mại của các phố phường thu hẹp, xen lẫn vào đó là các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Cư dân ở đây có xu hướng “quay lưng ra đường phố”. Và khu 36 phố phường có nguy cơ trở thành một khu cư trú hơn là trung tâm thương mại truyền thống của Hà Nội.
(Hà Nội - Phố cổ. Nguồn: http://dulichgo.blogspot.com)
Chính sách đổi mới, cải cách kinh tế từ 1986 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho khu 36 phố phường. Khu 36 phố phường với truyền thống lịch sử là trung tâm thương mại của thành phố cũng được hồi sinh. Hoạt động thương mại náo nhiệt và sầm uất của khu phố cùng với bầu không khí sinh hoạt đô thị đặc thù ở đây lại là nơi hấp dẫ du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng mức sống và sự chênh lệch giàu nghèo, đã xuất hiện một mâu thuẫn, một mối nguy cơ lớn cho môi trường xây dựng của khu phố cổ. Những người dân ở đây, khi đã có thu nhập cao và trong điều kiện chính sách mới về xây dựng nhà ở, đã không thể chấp nhận tình trạng ở kém chất lượng trong các nhà ống. Hơn nữa, cuộc sống và hoạt động kinh doanh của họ lại phải gắn liều với khu phố này. Vì vậy đã và đang tiếp tục diễn ra sự bùng nổ các hoạt động xây dựng cải tạo nhà ở trong khu phố cổ. Và không chỉ là nhà ở mà cả các cửa hàng, các mini hotel được xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại (bê tông, nhôm, kính) đang thi nhau mọc lên, lấn át và “thôn tính” các khu nhà kiến trúc cổ đang tàn tạ, cũ nát. Một sự tương phản giữa các nhóm dân cư giàu – nghèo trong ứng xử với nhà ở của họ cũng được thể hiện ở đây. Đường chân trời của khu phố cổ trước đây kéo dài, liên tục trên nền các mái ngói đỏ của những ngôi nhà 1 – 2 tầng, nay bị xé rách với sự nhô cao của những kiến trúc hiện đại đủ kiểu, xâm lấn vào không gian truyền thống của khu 36 phố phường.
Sau nhiều tiếng kêu cứu “hãy cứu nguy cho phố cổ Hà Nội” từ giới chuyên môn, từ các học giả ở trong và ngoài nước (trong số đó có Hội những người bạn của Hà Nội do nhóm những người có thế lực ở Australia dựng nên), chính quyền thành phố đã có hàng loạt quy định nhằm khống chế, kiểm soát, hoạt động xây dựng tự phát ở khu phố cổ. Song dường như cũng đã quá muộn. Theo lời Tổng thư ký Hội kiến trúc sư Việt nam Nguyễn Trực Luyện “chỉ bằng mắt thường cũng có thể thấy khoảng 50% số nhà cũ trong khu phố đã bị phá để xây mới”.
Trong khi đó, rất nhiều quan chức, học giả và du khách nước ngoài đều cảnh cáo rằng: nếu để mất khu phố cổ (36 phố phường) do không kiểm soát được tình trạng xây dựng tự phát, Hà Nội có thể trở thành một Băng Cốc thứ hai, và sẽ không hy vọng thu hút nhiều khách du lịch. Hà Nội khi đó sẽ gia nhập vào hàng ngũ đông đảo các thành phố châu Á đã san bằng lịch sử và xóa bỏ đặc điểm, bản sắc của mình.
Nhận thức được đe dọa này, trong mấy năm gần đây đã có hàng chục dự án và hội thảo quốc gia và quốc tế về vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc văn hóa của Hà Nội. Tuy nhiên, đáng tiếc là do thiếu kinh phí và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này, hầu như chưa có dự án nào khả thi. Sự đe dọa vẫn còn treo lơ lửng trên đầu, trong khi sức ép phát triển của nền kinh tế thị trường và sự mở cửa với thế giới đang gõ cửa. Thành phố vẫn chưa có một chiến lược hay một dự án tổng thể bảo tồn toàn bộ thành phố. Tương lai của Hà Nội khi bước vào thế kỷ XXI ra sao? Nó có thể giữ lại được những gì độc đáo, bản sắc riêng có của mình hay sẽ bị hòa vào những đường nết chung của đô thị châu Á (điều này cũng vẫn còn là may mắn) hoặc sự ngổn ngang vô trật tự của một số thành phố thuộc các nước đang phát triển với muôn vàn vấn đề kinh tế - xã hội – môi trường nan giải? Vai trò của Nhà nước, của chính quyền thành phố và các nhà chuyên môn (quy hoạch đô thị) trong việc trả lời cho những câu hỏi trên là hết sức quan trọng.
IV.Những vấn đề cần được thảo luận
1. Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của môi trường xây dựng Hà Nội là quan trọng và cấp bách. Song bảo tồn cái gì và bảo tồn như thế nào? Chiến lược bảo tồn nên sử dụng: không đụng chạm gì cả? bảo tồn một phần? bảo tồn cả môi trường xây dựng và đời sống cộng đồng hay riêng rẽ? Mối quan hệ giữa các di sản cần bảo vệ và hoạt động du lịch, phong cách tương lai của thành phố, tinh thần (linh hồn) của thành phố sẽ là gì sau một quá trình biến đổi? Những loại chính sách gì cần có và nói chung bằng cách nào Việt Nam có thể kiểm soát được sự biến đổi của môi trường xây dựng thành phố thủ đô?
2. Tương lai của Hà Nội trong đầu thế kỷ XXI là như thế nào? Có thể dự phóng 3 kịch bản cho sự phát triển Hà Nội trong tương lai gắn liền với việc giữ gìn bản sắc văn hóa - lịch sử của nó
a) Vùng lịch sử theo định nghĩa của một số tác giả (ví dụ William S.Logan) bao gồm khu phía Tây thành cổ, khu 36 phố phường và khu phố Tây sẽ được bảo tồn trở thành một trung tâm văn hóa – du lịch – thương mại có giá trị của thành phố. Sự bảo tồn và tôn tạo sẽ đạt hiệu quả cao và tính độc đáo của Hà Nội so với các nước trong khu vực sẽ được nổi bật.
b) Bản quy hoạch tổng thể 1992 sẽ được thực hiện (ở mức nào?). Theo đó, một trung tâm văn hóa – du lịch mới sẽ mở ra ở vùng phía Bắc – vành đai Hồ Tây. Đây sẽ là một trung tâm mới mang phong cách hiện đại kết hợp dân tộc và cảnh quan thiên nhiên, cùng tồn tại với các trung tâm cũ: Ba Đình (trung tâm chính trị) và Hoàn Kiếm (trung tâm thương mại) mà tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội.
c) Nhằm chuẩn bị sự phát triển của quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố, đồng thời nhằm lái và kiểm soát các áp lực phát triển một thành phố mới nằm trên trục đường từ sân bay quốc tế Nội Bài với Hà Nội hiện nay (con đường cao tốc vừa hoàn thiện trong năm 1994 dài hơn 20km). Hoặc được phát triển từ chính quần thể sây bay.
Trong tương lai, với sự bành trướng không gian đô thị Hà Nội và khu vực “thành phố” Nội Bài sẽ dần dần nối liền thành một đô thị mở rộng. Hy vọng rằng cùng với quá trình phát triển theo hướng này sẽ có điều kiện bảo tồn giữ gìn, tôn tạo các di sản của Hà Nội cổ.
Nguồn: Xã hội học, số 3 - 1997