MXH ở Việt Nam phát triển vào loại mạnh mẽ nhất
Việt Nam vẫn là một nước nghèo và khá lạc hậu so với các nước tên tiến.Nhưng người Việt Nam năng động, luôn luôn có khát vọng tìm hiểu và khám phá những cái mới.Khi mạng Internet mới ra đời, Việt Nam đã tìm cách tiếp cận ngay và đã tạo ra một trào lưu dùng MXH.
Việt Nam chính thức gia nhập “những quốc gia Internet” từ năm 1997. Sau hơn 20 năm, số người Việt nam sử dụng Internet chiếm hơn 62,7% dân số, nghĩa là có khoảng gần 60 triệu người. Còn số người dùng mạng xã hội, có tài khoản trên blog, zalo, facebook, … cũng rất nhiều nhưng khó thống kê chính xác vì nhiều người dùng nhiều nick name khác nhau. Nhiều chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin khẳng định Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có số người sử dụng Internet.Số liệu do chính Facebook công bố khẳng định điều này. Theo đó, tính đến tháng 7/2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong 10 nước có nhiều người dùng facebook với 64 triệu người dung.
Những con số ấn tượng trên khiến người Việt Nam có một chút tự hào và cảm thấy vui vui mỗi khi truy cập Internet. Khỏi phải nói là Internet mang lại cho Việt Nam những điều mới mẻ như thế nào trong cuộc sống.Một sự kiện nào đó xẩy ra, MXH cùng với báo chí chính thống thông tin khẩn trương,nhanh chóng, rộng rãi với ý kiến đa chiều.
Nhiều khi MXH tỏ ra nhanh nhạy và mạnh dạn hơn so với báo chí chính thống.Điều này không có gì lạ vì lực lượng của họ rất đông, rải ra ở khắp mọi nơi; họ lại không bị ai biên tập, không có tâm lý sợ bị sai, bị phạt.Trình độ của dân cư mạng tuy không đồng đều nhưng rất đa dạng, phong phú, có nhiều nhà báo chuyên nghiệp cũng tham gia MXH, viết rất chuyên nghiệp và đứng đắn. Ngoài ra, các nhà khoa học, các nhà kinh tế, những người có uy tín trong xã hội cũng góp tiếng nói trên MXH, do vậy MXH là một diễn đàn rộng rãi, thẳng thắn, mạnh mẽ.Nhiều thông tin quan trọng mà xã hội trông ngóng lại xuất hiện trên MXH trước báo chí chính thống.Điển hình là khi Nguyễn Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) bị khởi tố, bị truy nã thì rất nhiều người muốn biết ông này trốn ở đâu?Khi nào bị bắt. Chính MXH thông tin về việc ông Vũ “nhôm” đã trốn sang Singapore, bị cơ quan chức năng của nước này bắt giữ. MXH góp phần rất quan trọng vào việc tạo ra sức mạnh của dư luận xã hội.
Rất nhiều người tham gia bàn luận những việc trọng đại của quốc gia.Điều này chứng tỏ tính tích cực xã hội của người dân Việt Nam rất cao.Như vậy, sức mạnh của dư luận xã hội đã hình thành.Ví dụ, trong thời gian diễn ra phiên tòa xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm, MXH tràn đầy những thông tin về vụ đại án này với những phân tích, bình luận rất khác nhau.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt, tích cực và tiêu cực, MXH lại càng như thế vì có rất nhiều người tham gia, có nhiều loại thông tin được phổ biến, nhiều loại ý kiến được nêu lên.Những games có hình ảnh kích dục, bạo lực xuất hiện tràn lan trên Internet khiến bao nhiêu người lo lắng. Chưa hết, những tài khoản facebook giả mạo mới gây hoang mang và lo lắng sâu xa.Đã là tài khoản giả mạo thì khó hi vọng họ làm được điều gì tốt đẹp. Vì vậy, chúng ta không lạ gì những tin giả, tin bị bóp méo xuất hiện ngày càng nhiều trên MXH.Rồi những bình luận, đánh giá đầy thù hằn, đầy kích động cũng xuất hiện với tần suất ngày càng lớn.
Để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực trên MXH, quốc gia nào cũng có những chính sách của mình.Thông thường có 4 cách để hạn chế những tác động tiêu cực của MXH: 1. Dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn dân cư mạng tiếp xúc với những nguồn tin không có lợi. 2. Ban hành quy chế và luật lệ để kiểm soát thông tin và những người sử dụng thông tin trên mạng. 3. Dùng lực lượng của chính quyền để đấu tranh với những người được cho là có ảnh hưởng xấu đối với chế độ. 4. Trang bị kiến thức, kỹ năng để người dân miễn nhiễm với những thông tin được cho là độc hại trên MXH.
Có lẽ Việt Nam là quốc gia sử dụng cả 4 biện pháp trên để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực trên MXH.Một số bộ, ngành có những đơn vị đặc biệt để bảo đảm an ninh mạng. Điều này là bình thường và cần thiết.Biểu hiện rõ nhất là chúng ta có tới hai bộ luật liên quan đến MXH, đó là Luật an toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, cần tránh những biện pháp và thái độ thái quá. Chúng ta đang sống trong thế giới hội nhập, dẫu sao cũng cần chú ý tới những giá trị chung nhân loại, những chuẩn mực về tự do, dân chủ, quyền con người.
Những gì liên quan đến cách ứng xử văn hóa trên MXH thì tất cả chúng ta phải quan tâm. Bởi đấu tranh với những biểu hiện kém văn hóa trên MXH là một vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp. Để đấu tranh chống lại một cách có hiệu quả những hành vi vô văn hóa trên MXH, đòi hỏi phải có kiến thức, tầm nhìn, sự tôn trọng những giá trị chung nhân loại, sự tinh tế, lịch lãm trong tương tác. Nếu không, những người muốn bảo vệ những giá trị tốt đẹp lại có thể trở thành những người có những hành động thiếu văn hóa trên MXH và góp phần hủy hoại giá trị MXH.
Cần ứng xử có văn hóa để bảo vệ và nâng cao giá trị của MXH
Ở đây chúng ta chưa bàn về chiến tranh thông tin, những tranh luận về tư tưởng, chính trị, khoa học (thu hút những người có vai trò quan trọng, có kiến thức, có trí tuệ…), chỉ nói về văn hóa ứng xử trên MXH.
Những biểu hiện vô văn hóa trên MXH có rất nhiều. Dễ thấy nhất là những lời chửi đổng vô căn cứ, vô trách nhiệm. Dù cách chửi này có thể không nhằm cụ thể vào tổ chức hay cá nhân nào nhưng chúng vẫn gây tác hại. Ít nhất là chúng gây cho người đọc sự khó chịu; nhiều là chúng gây hoang mang, làm ô nhiễm môi trường không gian mạng.
Tiếp theo là những lời lẽ thô tục, bẩn thỉu. Ai cũng biết trong cuộc sống có nhiều từ ngữ không nên nói, nên viết một cách công khai trong giao tiếp. MXH là một không gian rộng lớn để hàng trăm triệu người giao tiếp với nhau, ấy thế mà có những người sử dụng những lời lẽ mà lúc tức giận nhất, các bà, các chị ở ngoài chợ cũng không dùng. Điều này làm MXH ô nhiễm trầm trọng, khiến một số người có lòng tự trọng không dám “lướt nét” nữa.
Việc đưa những hình ảnh phản cảm lên mạng xã hội cũng gây khó chịu và tác hại không kém.Hiện nay, con người sử dụng nhiều thời gian cho việc nghe nhìn hơn là đọc và suy nghĩ nên hình ảnh được sử dụng rất rộng rãi trên MXH. Hầu như ai cũng dễ dàng nhận ra ba loại biểu hiện phi văn hóa này; người ta vô cùng khó chịu khi “đụng” phải chúng trên MXH. Điều đáng nói là chúng xuất hiện khá thường xuyên với tuần suất rất cao, nhất là khi có sự kiện mới lạ, ví dụ như đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS, TS Bùi Hiền hay đề nghị đưa tác phẩm “Chí Phèo” của cố Nhà văn Nam Cao khỏi chương trình phổ thông.
Tuy nhiên, “đau đầu” nhất chưa phải là 4 loại biểu hiện phi văn hóa được kể đến ở trên, mà là những tin giả, những điều bịa đặt, vu cáo nhằm vào những tập thể, cá nhân có tiếng tăm trong xã hội; những bình luận, trao đổi qua lại dưới các bài viết (kể cả những bài viết trên báo chí chính thống). Lời lẽ ở đây có vẻ lịch sự nhưng nội dung của chúng khó mà chấp nhận được. Người ta sẵn sàng “phong tặng” cho nhau những “danh hiệu” đầy tính vu cáo, miệt thị như: Phản động, Hán gian, tay sai, dốt nát, tham lam, phá hoại… Điều đáng nói là những người bị “gắn” những mác này ở ngoài đời thường là những người đáng kính.Ví dụ như liên quan đến quyển sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” – có tác giả cũng bị “phong tặng” những “danh hiệu” rất ghê gớm.
Hiện tượng nàyxẩy ra trên toàn cầuvà được các chuyên gia truyền thông gọilà “bắt nạt trên mạng” (cyber bullying) - một thuật ngữ được báo chí sử dụng trong nhiều năm gần đây, để chỉ những kẻ thường xuyên bịa đặt, và bôi nhọ người khác thông qua những thiết bị công nghệ. Những thiết bị này bao gồm điện thoại, máy tính, máy tính bảng và được sử dụng như những công cụ truyền thông dưới dạng các trang MXH, những tin nhắn văn bản, những đoạn chat và các website.
Với những việc làm như vậy, một số dân cư mạng (kể cả những người tốt, có trình độ nhận thức cao) đã bôi bẩn, đã làm “ô nhiễm” không gian mạng.Tác hại của việc này là rất lớn. Nó không chỉ đầu độc trẻ em, mà nó còn khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng, nghi ngờ, hoang mang. Những trạng thái tâm lý – tình cảm này làm cho con người giảm niềm vui, giảm nhiệt tình, giảm khả năng sáng tạo trong cuộc sống.
Bình tĩnh, kiên trì, lịch lãm, khoan dung -“Chìa khóa” bảo vệ giá trị MXH
Ngoài các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ giá trị của MXH (theo tôi, chưa có hiệu quả như mong muốn), mỗi một cư dân mạng cần tham gia vào công việc này. Cách tốt nhất là mỗi người tự trang bị cho mình “hành trang văn hóa” phù hợp để ứng xử có lý, có tình trên MXH.
“Hành trang văn hóa” chính là tất cả những gì mà con người được trang bị và tự trang bị cho mình để làm nền tảng kiến thức văn hóa cơ bản giúp cho việc hội nhập vào xã hội vững vàng, thuận lợi. Người có “hành trang văn hóa” phong phú, luôn luôn có đủ trình độ để giao tiếp và biết cách ứng xử thích hợp trong nhiều hoàn cảnh và tình huống khác nhau.Trong cuộc sống, để có được thành công, hoạt động trong bất cứ trường hợp nào cũng cần tới văn hóa. Đây là văn hóa ứng xử, văn hóa của sự hiểu biết, sự lịch lãm... Được trang bị “hành trang văn hoá”, con người có thể tự giác thụ hưởng những giá trị văn hoá trên Internet một cách tích cực, có ích.
Khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, con người có thể cảm thấy được rõ nhất sự tự do, thoải mái, không bị gò bó, khuôn phép. Chính vì thế nó có thể gây ra những hậu quả xấu mà chúng ta không lường trước được. Do vậy, chúng ta nhắc lại với nhau điều này:Cần luôn luôn bình tĩnh, kiên trì, khoan dung, lịch lãm để ứng xử có văn hóa trên mạng Internet. Chỉ có văn hóa mới giúp con người bớt sai lầm.
Là một dân cư mạng có thâm niên (Ngày xưa, tôi là chủ nhân Blog “Nghệ Nhân Huyện Quỳnh), tôi xin đưa ra những ví dụ cụ thể để chứng minh hiệu quả của cách ứng xử văn hóa.Vào ngày 11/6/2018, tôi đưa lên facebook một status ngắn gọn, có rất nhiều người vào bày tỏ ý kiến, thái độ.Đại đa số đều nói có tình, có lý; lập luận chặt chẽ, sắc sảo. Duy có một người dưới cái tên Nguyễn Văn Hảo tỏ ra tự tin, hùng hổ, “nổ” những điều rất đại ngôn.
Lời lẽ của Nguyễn Văn Hảo rất “chợ búa” và láo xược; xin được trích dẫn:“Cái bọn mà cứ mở mồm ra là cho trung quốc thuê đất là liệt cái lũ đó thành lũ kích động lôi kéo biểu tình. Trung quốc thuê đất nào ? Thuê cái mồm thối chúng mày ak, toàn những loại 1 chữ đặc khu bẻ đôi không biết mà cứ hô hào bô bô lên, luật an ninh mạng thì chưa đọc 1 dòng mà giám bưng bô láo xược. Lũ chúng bay mà ở nước tàu khựa thì nó cho chúng bay tan tành mây khói như Thiên An Môn rồi”. Dù rất bực, tôi vẫn nhẹ nhàng: “Có thể những người như Nguyễn Văn Hảo đầy nhiệt tình nhưng cũng cần biết ngưỡng văn hóa để sử dụng ngôn từ chứng tỏ thuộc lớp người có hiểu biết, có học, có khát vọng hướng thiện…”.Anh ta vẫn chưa chịu im, tôi phải mất cả tiếng đồng hồ để trao đổi với anh ta.Lúc này rất nhiều người vào nhận xét, hầu như không có ý kiến nào ủng hộ Nguyễn Văn Hảo.Một số người quen của tôi khuyên không nên đối đáp với loại người như thế này, phí thời gian. Tôi trả lời là ngoài việc giải thích cho anh ta về nhận thức, tôi còn có mục đích nghiên cứu các đối tượng càn quấy trên mạng. Đọc bình luận của nhiều người, một người có nickname Trần Công cũng nhảy vào bình luận, đại ý: “Hôm trước, cháu nói những lời rất gay gắt, ấy thế mà chú vẫn nhẹ nhàng. Bái phục…”. Đến đây, nickname Dung Nguyen Quang viết: “Tôi không biết Nguyễn Văn Hảo học hành thế nào, làm nghề gì ?Nhưng nếu anh ta làm Nghề Báo Chí thì chắc hẳn là Hạng Bồi Bút thôi…” thì Nguyễn Văn Hảo mới chịu im.
Có chuyện nhẹ nhàng nhưng cũng khá thấm thía. Đó là có một nickname Ann Phan (ảnh đại diện là một phụ nữ đứng tuổi) có vẻ là một người hiểu biết nhưng thái độ luôn cay nghiệt và dùng từ ngữrất thô, kiểu “MỘT. LU.KHONG VO HỌC.... KHONG CÓ GIAO DỤC....”.Tôi nhẹ nhàng đáp: “Tục ngữ Việt Nam có câu "Lạt mềm buộc chặt" - dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, tinh tế có khi hay hơn chăng? (Ngày 03/7/2018). Người này im lặng một dạo, sau đó lời lẽ mềm mỏng, dễ nghe hẳn.
Tôi chỉ nhắc lại những chuyện khá nhẹ nhàng trong thời gian gần đây, còn trên thực tế, chúng ta gặp phải nhiều “ca” ga cấn hơn.Tuy nhiên, tôi vẫn chủ trương bình tĩnh, kiên trì, lịch lãm, khoan dung trong việc đối đáp, tương tác với nhau trên MXH.Làm được như thế, chúng ta góp phần bảo vệ và nâng cao giá trị của MXH.
Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn