Đình Đông Châu (Nam Trung, Nam Đàn) hiện tại cũng là nhà văn hóa xóm
Đình làng đang tồn tại thế nào?
Con số thống kê là 216 di tích đình làng (DTĐL), nhưng số đình đang còn hình hài thực sự không nhiều, hầu hết là phế tích hoặc chỉ còn lại địa điểm. Huyện Hưng Nguyên có 8 đình làng nhưng hiện chỉ là địa điểm, phế tích hoặc có dựng lại cũng chỉ là một gian thờ thành hoàng. Huyện Yên Thành có số lượng DTĐL nhiều nhất tỉnh (61 DT) nhưng chỉ có 12 DT được xếp hạng và cả 12 DT này đang bị xuống cấp. Huyện Thanh Chương chỉ mới 4/36 DTĐL được xếp hạng và 3/4 DT đó cũng đang bị xuống cấp. Huyện Nam Đàn, 8/18 DTĐL được xếp hạng thì cả 8 DT đều bị xuống cấp. Đây cũng là tình trạng chung của các DTĐL trong tỉnh hiện nay.
Có một thực tế là lâu nay đình làng không còn được người dân quan tâm, gần như không biết đến sự hiện diện của nó. Đi khảo sát ở huyện Hưng Nguyên, khá khó khăn chúng tôi mới hỏi được địa chỉ của các đình. Một người dân có ốt đối diện biển dẫn tích “phế tích cổng đình Hưng Xá”, nhưng khi được hỏi, họ cũng không biết để chỉ dẫn cho chúng tôi. Khảo sát ở huyện Nam Đàn cũng tương tự. Đình làng Khoa Trường xã Nam Tân có khuôn viên, cây cối, nằm sát đường liên xã. Khi chúng tôi hỏi mấy người dân đang cắt cỏ và đi cày ở cánh đồng trước mặt đình cũng không ai biết đó là di tích gì…
Cả những đình làng đã được xếp hạng di tích cũng luôn vắng vẻ, quạnh hiu. Đình Trung Cần (Nam Trung, Nam Đàn) - DT quốc gia, là một ngôi đình lớn có khuôn viên rất rộng nhưng quanh năm hầu như đóng cửa, chỉ mở khi có ngày kỉ niệm nào đó. Dù thỉnh thoảng buổi sáng có các cụ cao tuổi vào tập dưỡng sinh ở sân đình nhưng không khí của đình cũng thật ảm đạm. Đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, Nam Đàn) là DT quốc gia đặc biệt đã xuống cấp trần trọng và còn hoang vu, ảm đạm hơn rất nhiều. Đình Võ Liệt (Thanh Chương) nằm một mình giữa đồng không mông quạnh cũng đang chịu cảnh hoang tàn tương tự,…
Đình làng đang dần bị quên lãng nên cùng với thời gian, lại có thêm nhiều ngôi đình trở thành phế tích. Ông Tô Ngọc Tấn, cán bộ Trung tâm VH,TT huyện Đô Lương cho biết, vùng Bạch Ngọc (gồm các xã Ngọc Sơn - Lam Sơn - Bồi Sơn) trước đây 7 làng có 7 đình, giờ chỉ còn hai đình là Phúc Hậu và Phúc Yên đã được xếp hạng, 2 đình nữa chỉ còn lại địa điểm. Tiếc nhất là đình Nhân Trung, một ngôi đình đẹp kết nối với lễ hội đền Quả Sơn, nhưng nay đã thành phế tích, hiện chỉ lưu giữ được một số gỗ. Đình làng ở xã Văn Thành (Yên Thành), đình Thành Công (Hưng Lợi, Hưng Nguyên) bị hư nát cũng vừa được tháo dỡ…
Trong khi đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị đình làng cũng còn nhiều bất cập. Mươi năm trở lại đây, cả nhà nước và nhân dân cũng đã có sự đầu tư để phục dựng, tôn tạo đình làng. Từ năm 2014 đến 2018, hàng chục tỉ đồng từ ngân sách đã được đầu tư để chống xuống cấp cho đình làng. Một số đình được đầu tư tu bổ với kinh phí rất lớn, như đình Võ Liệt (10 tỷ đồng), đình Lương Sơn - Đô Lương (10 tỷ đồng),… Nhiều địa phương cũng đã huy động từ nguồn lực xã hội hóa phục dựng, tôn tạo đình, như xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) phục dựng 3 đình (Phúc Xá, Ngọc Sơn, Phúc Long) với kinh phí 2,2 tỷ đồng. Đặc biệt có một cá nhân đầu tư 1,7 tỷ đồng xây đình Dinh Chu ở xã Thanh Tường (Thanh Chương). Ở xã Nam Tân, Nam Đàn, một doanh nghiệp cùng người dân đã quyên góp hàng trăm triệu đồng phục dựng hai đình làng,… Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên việc tu bổ còn chắp vá cộng với việc phát huy tác dụng đình làng chưa tốt, nên đầu tư năm trước, năm sau lại xuống cấp, lại hư hỏng, như đình Hoành Sơn (Nam Đàn), đình Tám Mái (Diễn Châu), đình Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu)... Rất nhiều đình làng được tôn tạo từ nguồn xã hội hóa, không đúng kiến trúc của đình mà chỉ là một ngôi nhà cấp bốn hay một gian nhỏ để thờ thành hoàng làng. Qua khảo sát hiện trạng di tích đình làng của Ban Quản lý Di tích, 42/46 DT đình làng đã xếp hạng bị xuống cấp, chỉ có 10 DT đang được phát huy giá trị.
Hiện nay, hầu hết đình làng không còn duy trì đúng chức năng của một thiết chế tâm linh - văn hóa cộng đồng như nó vốn có. Những đình làng đã được xếp hạng các cấp đang giữ được kiến trúc của một ngôi đình cũng chỉ còn là nơi để mọi người thỉnh thoảng đến thắp hương ngày tuần tưởng nhớ đến các vị thành hoàng làng. Một số nơi chính quyền có tổ chức dâng hương vào các ngày kỷ niệm của đất nước.
Làm gì để đình làng vẫn là di tích “sống”?
Khác với các di tích đền, chùa, tính thiêng của đình làng rất mờ nhạt hơn nên không có sức hút đối với cộng dồng dân cư. Bởi vậy, chính những sinh hoạt văn hóa cộng đồng sẽ là cái neo để giúp nó không bị quên lãng. Bà Hồ Thị Khương, nguyên Phó phòng Văn hóa huyện Quỳnh Lưu cho rằng: “Nhiều năm trước, đã có ý tưởng vận dụng đình làm nhà văn hóa, nhưng vì những quy định về chuẩn thiết chế văn hóa (diện tích khuôn viên, diện tích sử dụng…) nên ý tưởng này không trở thành hiện thực do không thỏa mãn yêu cầu này. Cùng với thời gian, rất nhiều đình đã hư hỏng bởi sức sống của nó trong cuộc sống hiện tại rất yếu ớt”.
Những ngôi đình như đình Đức Nậm (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn) này nếu được sử dụng thường xuyên thì sẽ không bị xuống cấp lại phát huy được giá trị của đình
Như vậy, chúng ta đã bỏ lỡ mất cơ hội để đình luôn được “sống” khi không xem nó như là một thiết chế văn hóa công cộng. Cũng có một số đình đang được phát huy công năng như đình Đông Châu xã Nam Trung, Nam Đàn chẳng hạn “Đình vẫn đảm bảo cho sinh hoạt của bà con chúng tôi từ các nghi lễ tâm linh đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Bà con cũng không phải lo tiền chống xuống cấp vì đình luôn ấm hơi người”, ông Nguyễn Đình Thanh, xóm trưởng xóm 12, xã Nam Trungcho biết. Đình Sừng (Lăng Thành), đình Phụng Luật (Hợp Thành) của huyện Yên Thành; đình Phượng Lịch xã Diễn Hoa (Diễn Châu)... cũng may mắn còn duy trì được các sinh hoạt cộng đồng của làng, xã. Ở những ngôi đình này, vẫn có không gian trầm mặc, thiêng liêng của một di tích, nhưng vẫn có cái ấm cúng, sôi nổi của một thiết chế văn hóa công cộng. Tuy nhiên, số lượng đình hiện nay được sử dụng kiêm nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh rất ít. Những đình chưa phục dụng cũng không còn cơ hội này nữa vì hầu như toàn tỉnh đã khép kín hệ thống nhà văn hóa.
Đình Phượng Lịch vẫn là nơi sinh hoạt văn nghệ của CLB Ca trù xã Diễn Hoa (Diễn Châu).
Nguồn fb Cao Xuân Thưởng
Đình làng có lịch sử hàng trăm năm ra đời và có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Vì vậy, dù là đình đã được xếp hạng, hay đã/đang được phục dựng thì chúng ta cũng không được phép để chúng tiếp tục bị hư hỏng rồi bị lãng quên. Vấn đề là làm sao để đình làng không nhanh chóng xuống cấp, hư nát là bài toán mà cả chính quyền và người dân cơ sở phải tính.
Chúng tôi nghĩ, tu bổ, tôn tạo đình là cần thiết nhưng nếu cứ đổ tiền vào tu bổ để rồi lại đóng cửa thì chẳng bao lâu đình lại hư hỏng. Vậy nên, để phát huy tốt giá trị đình làng, chính quyền sở tại cần đưa nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động mang tính giáo dục truyền thống (lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, lễ xuất quân, lễ tri ân),... tổ chức tại đình làng để người dân có dịp tìm hiểu tốt hơn lịch sử làng mình, và làm chođình không cô quạnh, đìu hiu rồixuống cấp.