1. Mở đầu
Thuật ngữ triết học so sánh đã được sử dụng vào cuối thế kỷ XIX trong các bài viết về so sánh triết học Trung Quốc và Ấn Độ với triết học phương Tây. Đặc biệt, năm 1923, xuất hiện cuốn sách chuyên khảo đầu tiên ở Châu Âu Triết học so sánh của nhà triết học và phương Đông học người Pháp Paul Masson Oursel, trong đó ông đưa ra những điểm tương đồng từ những nền triết học khác nhau trong phạm vi toàn cầu. Sau đó, vào năm 1926 cuốn sách được dịch ra tiếng Anh và kể từ đó triết học so sánh có ảnh hưởng lớn đến nhiều nước ở Châu Âu và trên thế giới [7, tr.128]. Trong bài viết này, chúng tôi luận bàn về một số vấn đề cơ bản nhất của môn Triết học so sánh Đông Tây, cụ thể về một số câu hỏi như: đối tượng của triết học so sánh Đông - Tây là gì? Triết học so sánh Đông - Tây có đặc thù khác biệt với các môn học gần gũi khác? Triết học so sánh Đông - Tây có phương pháp và các cách tiếp cận như thế nào? Đặc thù và những chủ đề chính của triết học so sánh Đông - Tây là gì? Khía cạnh lịch sử của nó như thế nào và tình hình nghiên cứu triết học so sánh ở Việt Nam ra sao?
2. Khái lược lịch sử của triết học so sánh Đông - Tây
Triết học so sánh Đông - Tây là một lĩnh vực mới của triết học, được hình thành và phát triển từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX. Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ XVIII, trong truyền thống triết học phương Tây và phương Đông, đã xuất hiện những mầm mống và tiền đề nhất định cho sự hình thành và phát triển triết học so sánh. Trở ngại cơ bản cho sự hình thành triết học so sánh Đông - Tây là lối tư duy cực đoan của thuyết lấy Châu Âu làm trung tâm, theo đó nhiều đại biểu của triết học phương Tây hầu như không sẵn sàng thừa nhận tư duy triết học trong các nền văn hóa khác ngoài Châu Âu.
Vào những năm 20 của thế kỷ XIX, ở các trường đại học Châu Âu đã bắt đầu xuất hiện những mầm mống đầu tiên cho môn triết học so sánh với việc A.W.Schlegel dịch tác phẩm Bhagavad Gita ra tiếng La Tinh vào năm 1823 tại Berlin và việc Wilhelm Humbolt tôn vinh triết học Ấn Độ ở Tây Âu vào năm 1826. Những nỗ lực của Schlegel và Humbolt đã mang đến cho các độc giả Đức và Châu Âu một tinh thần cởi mở đối với tư tưởng Ấn Độ nói riêng và tư tưởng ngoài Châu Âu nói chung.
Một trong những dấu mốc quan trọng trong hình thành tiền đề cho triết học so sánh thế kỷ XIX là nghiên cứu so sánh của Schopenhauer giữa tư tưởng phật giáo và tư tưởng phương Tây.
Việc nghiên cứu về các tư tưởng triết học ngoài Châu Âu (như tư tưởng Ấn Độ, tư tưởng Trung Quốc đặc biệt là Nho giáo và Lão giáo, và tư tưởng Nhật Bản) được đẩy mạnh ở phương Tây trong suốt thế kỷ XIX và XX, đã mang đến nhiều thành quả quan trọng cho sự phát triển của sự giao lưu giữa các nền văn hóa Đông - Tây và khích lệ cho sự hình thành của triết học so sánh Đông - Tây.
Trong lĩnh vực nghiên cứu so sánh Đông - Tây, phải kể đến tên tuổi của các học giả phương Tây như Max Weber [8, tr.237 - 571], Paul Deussen, Nathan Soederblom, Friedrich Heiler, Walter Otto,Gerard van der Leeuw, Helmuth von Glasenapp, Richard Wilhelm, Gustav Mesching, Mircea Eliade, James Legge và Joseph Needham, đặc biệt là Martin Heidegger... Tuy nhiên, ở nhiều học giả phương Tây, vẫn ngự trị kiểu tư duy lấy Châu Âu làm trung tâm. Chẳng hạn, Kant, Hegel, Husserl đã bác bỏ mọi thứ triết học ở ngoài Châu Âu.
Tuy vậy, ở giai đoạn này, việc giao lưu triết học Đông - Tây vẫn chưa thực sự chuyên sâu. Việc so sánh giữa các nền triết học phương Tây và triết học phương Đông chủ yếu trên cơ sở phương pháp tiếp cận từ bên ngoài, chưa thực sự liên quan đến các nội dung triết học sâu xa của chúng.
Chỉ đến cuối thế kỷ XIX, khi triết học Trung Quốc và Ấn Độ được đưa vào cuộc tranh luận với tư tưởng Châu Âu, thì mới xuất hiện chính thức tên gọi môn triết học so sánh. Với việc xuất hiện cuốn chuyên khảo đầu tiên Triết học so sánh của nhà triết học Pháp Paul Masson Oursel vào năm 1923 và việc dịch cuốn sách được dịch ra tiếng Anh vào năm 1926, triết học so sánh đã chính thức được thừa nhận như một môn học quan trọng của triết học.
Đặc biệt, việc nghiên cứu so sánh giữa triết học phương Đông và phương Tây không chỉ được thực hiện bởi các học giả phương Tây, mà còn bởi các học giả phương Đông, bởi các nhà triết học Ấn Độ như Sri Aurobino, Sri Radakrishnan, Raymondo Pannikar, Ram Adhar, hay bởi các nhà triết học Trung Quốc như Wang Gung Hsing, Lin Yutang, Fung Yulan và Liu Wuchi.
Triết học so sánh Đông - Tây ngày càng tìm được vị thế không dễ dàng có được của mình ở cả những nước phương Tây và các nước phương Đông (chẳng hạn như: Đức, Áo, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước khác thuộc các Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ). Nói đến sự đóng góp quan trọng cho sự phát triển của triết học so sánh Đông - Tây, phải kể đến các nhà triết học như Paul O.Ingram, Fredrick J.Streng, Robert E.Allinson, Roger T.Ames...
Ở đây, cũng không thể không nhắc đến trung tâm Đông - Tây thành lập năm 1960 với hơn một trăm cộng tác viên tại Honolulu (Hoa Kỳ), một Trung tâm chuyên nghiên cứu về triết học so sánh Đông - Tây với tư tưởng chiến lược được đưa ra trong một cuộc Hội thảo quốc tế từ năm 1939 là: phát triển nền triết học thế giới trên cơ sở tổng hợp các nền triết học phương Đông và phương Tây. Trước đó, từ năm 1951, tạp chí Triết học Đông Tây của Trường Đại học Hawai được thành lập. Tạp chí này gắn liền với các tên tuổi của các triết gia nổi tiếng như O.T.Suzuki, Sarvapali Radkhakrishnan, Hushi, Vepcecchan, Calidas, Eliot Deutsch, Roger T.Ames... Các cuộc hội thảo quốc tế về triết học so sánh Đông - Tây được tổ chức thường xuyên ở Honolulu.
Môn triết học so sánh phát triển mạnh không chỉ ở Mỹ. Năm 1973, ở Nhật Bản, tạp chí Triết học so sánh được thành lập dưới sự chỉ đạo của nhà triết học H.Nakamura (1912 - 1999) và từ tháng 12 năm 1999, xuất hiện một loạt sách chuyên đề về triết học so sánh nhan đề Triết học Kyoto do các học trò của nhà triết học Kitaro Nishidas (1870 - 1945), các đại biểu của trường phái Kyoto xuất bản.
Năm 1996, trong một bức thư ngỏ gửi tới hội triết học Mỹ, nhà triết học so sánh Bryan Van Norden đã phân biệt hai cách mà các nhà triết học so sánh vận dụng: thông qua nghiên cứu khu vực liên quan đến Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Á, các nước Trung Đông, các nước Hồi giáo; thông qua các tạp chí nghiên cứu triết học khu vực như: tạp chí Triết học Ấn Độ, tạp chí Triết học Trung Quốc, tạp chí Triết học Châu Á, tạp chí Triết học Nhật Bản, tạp chí Triết học Châu Phi... Ngoài ra, cũng đã xuất hiện một số không lớn các tạp chí triết học chuyên sâu về triết học so sánh như: tạp chí Triết học Đông và Tây; tạp chí Triết học so sánh.
3. Đối tượng của triết học so sánh Đông - Tây
Triết học so sánh là một trong những bộ phận cấu thành của triết học, tập trung xem xét các vấn đề đối thoại giữa các truyền thống triết học khác nhau trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là giữa phương Đông và phương Tây. Triết học so sánh tập trung vào các vấn đề chủ yếu trong đối thoại giữa triết học phương Tây hiện đại (như ở Tây Âu, Mỹ) và các truyền thống triết học Châu Á cổ điển (như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…), hay giữa các truyền thống triết học phương Tây cổ điển (như Do Thái giáo, Ki tô giáo, thuyết Platon…) và các truyền thống triết học ở các nước Hồi giáo và Châu Phi.
Nói chính xác hơn, Triết học so sánh Đông - Tây là môn học nghiên cứu so sánh các truyền thống triết học khác nhau ở phương Đông và phương Tây. Triết học so sánh coi con người trong các hình thái khác nhau về chủng tộc, về tộc người, về truyền thống văn hóa, tôn giáo là tiêu điểm cơ bản của nó. Nguyên tắc tối cao của triết học so sánh là ở chỗ coi bản chất con người ở khắp mọi nơi là như nhau. Mục tiêu cao nhất của triết học so sánh là khái quát và tổng hợp các tư tưởng chân lý và giá trị khác nhau của các truyền thống triết học khác nhau ở phương Đông và phương Tây. Tiền đề cơ bản cho triết học so sánh là sự cởi mở về tinh thần và sự khoan dung lẫn nhau giữa các tư tưởng Đông - Tây [3, tr.67 - 78].
Triết học so sánh Đông - Tây có vai trò rất quan trọng trong quá trình hội nhập văn hóa của nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Việc nghiên cứu so sánh các truyền thống triết học khác nhau có thể mang đến một số kết luận quan trọng về bản chất của các giá trị con người, có ý nghĩa đối với toàn bộ nhân loại. Triết học so sánh có thể tìm ra những gì thiếu vắng trong mỗi truyền thống triết học với tính cách là nền tảng tinh thần của đời sống tinh thần xã hội ở các nước phương Đông và các nước phương Tây, góp phần đưa ra những giải pháp cho các vấn đề khác nhau của cuộc sống được đặt ra trong các nền văn hóa khác và đặc biệt hướng tới việc tổng hợp triết học Đông - Tây và nền triết học mang tính phổ quát của nhân loại.
Đối tượng của triết học so sánh là nghiên cứu so sánh các truyền thống triết học khác nhauở các trình độ và các thứ bậc khác nhau (như các khái niệm, các học thuyết, các hệ thống) của di sản triết học ở phương Đông và phương Tây. Việc so sánh giữa các truyền thống triết học này liên quan đến những điểm tương đồng và dị biệt giữa các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, triết học so sánh không đồng nhất với so sánh văn hóa. Như vậy, nghiên cứu so sánh giữa các truyền thống triết học khác nhau mới có thể coi là hạt nhân của triết học so sánh. Các truyền thống triết học khác nhau có thể mang các giá trị như nhau hoặc khác nhau.
4. Đặc thù và sự phân ranh của triết học so sánh Đông - Tây
Về cách tiếp cận, triết học so sánh có những điểm khác biệt cơ bản so với triết học truyền thống, với triết học khu vực và triết học thế giới.
Khác với triết học truyền thống, chỉ tập trung so sánh các nhà tư tưởng trong khuôn khổ của cùng một truyền thống triết học nhất định (chẳng hạn so sánh các học thuyết triết học của Socrate với Platon, Aristotes, Thomas Aquinas, Kant, Hegel… hoặc so sánh triết học của Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…), triết học so sánh chủ yếu tập trung đối chiếu, so sánh một cách có chủ đích các tư tưởng của các nhà triết học thuộc các truyền thống triết học khác nhau, thuộc các văn hóa khác nhau, chẳng hạn như triết học Hy Lạp cổ đại, triết học Tây Âu Trung cổ, triết học Khai sáng, triết học cổ điển Đức, triết học phương Tây hiện đại triết học Nho giáo, triết học Phật giáo, triết học Đạo giáo, triết học Ấn Độ giáo… Cách tiếp cận của triết học so sánh giúp tránh được cách nhìn phiến diện của Thuyết lấy Châu Âu làm trung tâm (coi triết học Châu Âu là nền triết học duy nhất, không thừa nhận các nền triết học nào khác ngoài Châu Âu), của chủ nghĩa Sô vanh (nhìn nhận truyền thống triết học khác chỉ thông qua các tiêu chí của mình được coi là duy nhất đúng), hay của thuyết trường tồn (không thừa nhận sự tiến hóa, sự phát triển của các truyền thống triết học)...
Triết học so sánh cũng khác với triết học khu vực. Nếu triết học khu vực tập trung chủ yếu vào một khu vực mà không cần so sánh hay đối chiếu một cách hệ thống giữa các nhà triết học của các khu vực khác nhau, thì triết học so sánh tập trung xem xét các vấn đề đặt ra, đặc thù và các cách nhìn nhận đánh giá khác nhau ở các trường phái, các nhà tư tưởng thuộc các truyền thống triết học khác nhau như triết học phương Đông và triết học phương Tây. Với cách tiếp cận của triết học khu vực, xuất hiện các nền triết học khác nhau như triết học Ấn Độ, triết học Trung Quốc, triết học Nhật Bản, triết học Việt Nam, triết học Châu Phi…
Cách tiếp cận của triết học so sánh cũng không đồng nhất với cách tiếp cận của triết học thế giới. Khác với triết học so sánh, triết học thế giới tập trung luận giải nhiều tác phẩm thuộc di sản triết học và các truyền thống triết học trong các nền văn hóa và liên kết chúng thành một thế giới quan vững chắc mang tính phổ quát của nhân loại nói chung trong phạm vi toàn cầu. Không hướng đến mục tiêu này, triết học so sánh chỉ tập trung vào các chủ đề riêng biệt hay vào hai hay một vài nhà triết học nhằm làm rõ những quan niệm, những cách tiếp cận và những vấn đề nhất định.
Tuy nhiên, triết học so sánh có mối quan hệ chặt chẽ với triết học khu vực và triết học thế giới. Triết học so sánh dựa vào triết học khu vực và là một bộ phận không tách rời của triết học thế giới.
Triết học so sánh cũng có quan hệ gần gũi với một số môn học giáp ranh như chính trị học so sánh, văn học so sánh, tôn giáo học so sánh, xã hội học so sánh, văn hóa học so sánh, nhân học so sánh, dân tộc học so sánh, ngôn ngữ học so sánh, nghệ thuật học so sánh... Nhưng cách tiếp cận của triết học so sánh có đặc thù riêng gắn liền với các quan niệm và nhận định về giá trị [3, tr.67 - 78].
5. Các phương pháp và các cách tiếp cận của triết học so sánh Đông -Tây
Nếucác nhà triết học truyền thống có xu hướng đề cao, thậm chí phổ quát hóa thế giới quan của cộng đồng văn hóa hay dân tộc của mình, thì các nhà triết học so sánh cố gắng xóa bỏ ranh giới của cộng đồng mình và phát triển nền triết học nhân loại hướng tới sự hài hòa của cuộc sống và sự tiếp cận đến toàn thể nhân loại.
Khác với các phương pháp của các khoa học như tâm lý học, nhân học, dân tộc học, xã hội học,… các phương pháp của triết học so sánh là các phương pháp triết học gắn liền với sự phản tư, nhận định và đánh giá một cách phê phán đối với các giá trị của các truyền thống tư duy khác, từ đó đưa ra các giải pháp. Triết học so sánh chủ yếu xem xét các giá trị của các tư tưởng triết học Đông - Tây, chứ không nghiên cứu các sự kiện như các khoa học. Các khoa học không thể thực hiện được các nhiệm vụ này của triết học so sánh.
Phương pháp của triết học so sánh không chỉ nhấn mạnh việc phân tích những điểm tương đồng và dị biệt giữa các nền triết học Đông - Tây, mà còn khẳng định sự cần thiết phải thâm nhập sâu vào hệ thống các giá trị tinh thần trong mỗi nền triết học đó và phải chuyển tải tư tưởng triết học từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Triết học so sánh cũng có thể sử dụng phương pháp đối chiếu các quan điểm, các nhà triết học thuộc các nền triết học Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc liên quan đến thời kỳ đầu tiên của sự hình thành và phát triển của chúng.
Đặc biệt trong triết học so sánh, có thể sử dụng phương pháp so sánh tổng hợp dựa vào các cách tiếp cận triết học, tôn giáo học, văn hóa học, xã hội học...
Cách tiếp cận của triết học so sánh là cách tiếp cận đa dạng từ nhiều giác độ khác nhau, luôn tự điều chỉnh và thể hiện những bình diện mới, vượt xa hơn giai đoạn dịch thuật và đối chiếu ban đầu. Cách tiếp cận của triết học so sánh có thể coi là sự liên kết của một số giai đoạn, một số cách tiếp cận khác nhau như sau: cách tiếp cận ngôn ngữ (bao gồm đối chiếu, sắp xếp, dịch thuật các văn bản gốc); cách tiếp cận lịch sử (bao gồm tái tạo các mẫu lịch sử tiến hóa, biên soạn các dữ kiện về các nhà triết học, phân loại các xu hướng, các trào lưu qua các thời kỳ); cách tiếp cận so sánh (bao gồm phân tích so sánh qua các sơ đồ liên quan đến chủ đề triết học, từ đó tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt và bước đầu đánh giá); cách tiếp cận đánh giá hình thức đối với các tư tưởng triết học; cách tiếp cận tâm lý học (đối với các tư tưởng triết học chịu ảnh hưởng của tâm lý học); cách tiếp cận của xã hội học và nhân học và cách tiếp cận liên kết tổng thể hướng đến sự tổng hợp triết học [5, tr.10 - 15].
6. Các bộ phận cấu thành và các chủ đề chính của triết học so sánh Đông - Tây
Triết học so sánh Đông - Tây bao gồm những bộ phận cấu thành tương ứng với các bộ môn của triết học như bản thể luận so sánh Đông - Tây hay siêu hình học so sánh, nhận thức luận so sánh Đông - Tây, đạo đức học so sánh Đông - Tây, mỹ học so sánh Đông - Tây, lôgíc học so sánh Đông Tây, triết học chính trị so sánh Đông - Tây, triết học tôn giáo so sánh Đông - Tây, triết học xã hội so sánh Đông - Tây, lịch sử triết học so sánh Đông - Tây...
Từ đây, xuất hiện vô số các chủ đề của triết học so sánh Đông - Tây, tập trung vào những điểm tương đồng và khác biệt giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây thông qua các trào lưu triết học khác nhau, nhà triết học khác nhau, các quan niệm triết học khác nhau, các vấn đề triết học khác nhau được đưa ra ở phương Đông và phương Tây.
Ở đây, có thể phân chia thành các loại chủ đề (và tương ứng với chúng là các loại tư liệu) so sánh như sau: so sánh giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây nói chung; so sánh giữa triết học Trung Quốc và triết học phương Tây; so sánh giữa triết học Ấn Độ và triết học phương Tây; so sánh giữa triết học Nhật Bản và triết học phương Tây; so sánh giữa triết học các nước phương Đông khác và triết học phương Tây...
Thứ nhất, liên quan đến nghiên cứu so sánh giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây nói chung, từ những thập kỷ gần đây, xuất hiện rất nhiều cuốn sách và các bài viết về các chủ đề khác nhau như: nhập môn triết học so sánh Đông - Tây, sự hội ngộ giữa tư tưởng Châu Á và tư tưởng phương Tây, Heidegger và tư tưởng Châu Á, Nietzsche và tư tưởng Châu Á, triết học so sánh dưới góc nhìn của người Châu Á, đối thoại Đông - Tây về mỹ học, lịch sử triết học so sánh, văn hóa và cái Ngã dưới góc nhìn Đông - Tây, triết học Châu Á và triết học Châu Âu, triết học ngoài phương Tây...
Thứ hai, nghiên cứu so sánh giữa triết học Trung Quốc và triết học phương Tâyđề cập đến nhiều chủ đề khác nhau như: so sánh giữa Kinh dịch và Whitehead, giữa Kinh dịch và phân tâm học, giữa lôgíc của Kinh dịch và Hegel hay Heidegger, giữa Nho giáo và Kant, giữa Đạo giáo và chủ nghĩa tiên nghiệm Mỹ, giữa Phật giáo và Hume, Chu Hi và Platon, giữa các quan niệm về sự biến đổi trong Kinh dịch, trong Đạo giáo và ở Heraclit và Whitehead, giữa quan niệm Lão tử và Trang Tử về Đạo và quan niệm của Rousseau về giới tự nhiên. Đặc biệt, từ thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến nay, có nhiều công trình khoa học bàn đến các chủ đề thú vị như so sánh các quan niệm về phẩm hạnh ở Khổng tử và Aristotle, so sánh các học thuyết triết học của J.Dewey, Khổng tử và triết học thế giới, so sánh tư tưởng tôn giáo của Trang Tử và Kierkegaard, so sánh các quan niệm về dân chủ ở J.Dewey và Khổng tử, lối tư duy của người Trung Quốc và văn hóa phương Tây, so sánh tư tưởng triết học của Mạnh tử và Aquinas...
Thứ ba, liên quan đến nghiên cứu so sánh giữa triết học Ấn Độ và triết học phương Tây, có thể kể đến các công trình với các chủ đề khác nhau như: so sánh giữa triết học Ấn Độ cổ đại và triết học Hy Lạp cổ đại, so sánh giữa lôgíc học trong triết học Ấn Độ giáo (phái Mimamsa) và lôgíc toán học trong triết học phân tích (Russell, Wittgenstein, Quine), so sánh nguyên tử luận của phái Vaisesika với nguyên tử luận của Democrit, so sánh quan niệm về con người trong triết học phương Tây và triết học Ấn Độ, so sánh triết học Ấn Độ và triết học Hồi giáo, so sánh chủ nghĩa hiện sinh và Phật giáo...
Thứ tư, thuộc về nghiên cứu so sánh giữa triết học phương Tây và triết học Nhật Bản, có thể kể đến các chủ đề được quan tâm như thiền và tư tưởng phương Tây, tư tưởng triết học Đông - Tây của trường phái Kyoto, Hư vô và thế giới quan tôn giáo...
Thứ năm, các nghiên cứu so sánh giữa triết học của một số nước phương Đông khác (như các nước Đông Nam Á, các nước Hồi giáo, các nước Châu Phi...) và triết học phương Tây được xem xét không chỉ từ góc nhìn của người phương Tây, mà còn từ quan điểm của người phương Đông.
Ngoài ra, có thể thấy xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu ở các nước phương Tây cũng như các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam với nhiều chủ đề như: so sánh những điểm tương đồng và dị biệt giữa các nền triết lý Đông - Tây, giữa các cách tiếp cận và phương pháp của chúng; so sánh đạo đức Nho giáo, đạo đức Đạo giáo và đạo đức Tin Lành; so sánh tư tưởng biện chứng trong thuyết âm dương ngũ hành với triết học của Heraclitus; so sánh tính dung hợp giữa triết học Trung Quốc và triết học phương Tây; những khiếm khuyết của đạo đức học Nho gia dưới góc nhìn của người phương Tây; chủ nghĩa duy lý và Phật giáo, vấn đề thiện ác trong Phật giáo dưới góc nhìn so sánh Đông - Tây; xu hướng tổng hợp triết học Đông - Tây, minh triết phương Đông và triết học phương Tây, triết học phương Đông dưới góc nhìn của người phương Tây; triết học phương Tây dưới góc nhìn của người phương Đông; quan niệm về văn hóa của phương Đông và phương Tây; những triển vọng của phương pháp tiếp cận của triết học so sánh Đông - Tây; so sánh các phương pháp và các cách tiếp cận trong triết học so sánh Đông - Tây...
7. Tình hình nghiên cứu triết học so sánh Đông - Tây ở Việt Nam
Ở Việt Nam trong suốt thế kỷ XX, việc nghiên cứu triết học so sánh Đông - Tây cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Nhưng trên thực tế, việc nghiên cứu này mới chỉ dừng ở mức độ ban đầu với một số lượng chưa nhiều các công trình nghiên cứu, dịch thuật. Trong số này có thể kể đến một số sách và bài viết tiêu biểu như: Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông - Tây của tác giả Kim Định (xuất bản năm 1974), Triết học Đông Tây do Nguyễn Như Diệm làm chủ biên (gồm tập hợp các bài viết đã được đăng trên các tạp chí nước ngoài bàn về đối thoại triết học Đông - Tây và được dịch ra tiếng Việt, xuất bản năm 1996), Minh triết trong tư tưởng phương Tây của Nguyễn Thu Phong (xuất bản năm 2002). Đặc biệt, khi nói đến tình trạng nghiên cứu về triết học so sánh Đông - Tây ở Việt Nam, không thể không nhắc đến nhà triết học Pháp tên là François Jullien, học giả có số lượng công trình nghiên cứu triết học so sánh lớn nhất (gần 10 công trình) đã được dịch ra tiếng Việt. Trong số này, phải kể đến cuốn Xác lập cơ sở cho đạo đức - đối thoại giữa Mạnh Tử và một số triết gia phái Khai sáng do Hoàng Ngọc Hiến dịch năm 2002, Minh triết phương Đông và triết học phương Tây do Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu năm 2003. Đó là những cuốn sách đang khá thịnh hành ở Việt Nam và đang được nhiều học giả, độc giả quan tâm. Trong những cuốn sách liên quan đến triết học so sánh này, François Jullien đã cố gắng tìm hiểu tư tưởng Trung Quốc từ cách nhìn phương Tây và xem xét lại một cách hệ thống tư tưởng Tây Âu từ cách nhìn của người Trung Quốc. Tháng 5 năm 2005, một Hội thảo khoa học dành riêng François Jullien và các tác phẩm của ông liên quan đến triết học so sánh được tổ chức tại Huế với chủ đề “François Jullien từ khơi nguồn tư tưởng đến khai hóa giao lưu”. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia tích cực của bản thân nhà triết học François Jullien và các học giả Việt Nam quan tâm đến triết học so sánh Đông - Tây.
Tháng 6 năm 2006, được sự tài trợ của quỹ Ford, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Triết học so sánh Đông - Tây và vai trò của triết học trong đời sống xã hội” đã được tổ chức tại Viện Triết học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Một số giáo sư triết học của trường Đại học Temple, Hoa Kỳ và các học giả Việt Nam đã tham gia và trình bày báocáo tham luận tại Hội thảo này.
Thêm vào đó, có thể kể đến một số bài viết riêng lẻ đề cập đến triết học so sánh Đông - Tây chẳng hạn của một số tác giả như: Nguyễn Hùng Hậu, Hoàng Thị Thơ, Nguyên Ngọc, Lê Hữu Khóa, Trương Thị An Na, Hoàng Ngọc Hiến, Thái Thị Kim Lan, Trần Văn Đoàn... đăng trên một số tạp chí và sách chuyên luận. Nhìn chung, việc nghiên cứu về triết học so sánh Đông - Tây ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.
Ngoài ra, từ năm 2007, Đề cương môn triết học so sánh đã được tác giả bài viết này biên soạn chi tiết và môn triết học so sánh đã được chính thức đưa vào chương trình đào tạo cho sinh viên chuyên triết, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2013, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Triết học Đông - Tây: cách tiếp cận so sánh”.
8. Kết luận
Triết học so sánh Đông - Tây là một trong những lĩnh vực nghiên cứu triết học tương đối mới ở Việt Nam trong việc khai thác và bổ sung những giá trị tinh túy của các truyền thống triết học khác nhau ở các nước phương Đông và phương Tây, hướng đến việc tổng hợp triết học của nhân loại với tính cách là mục tiêu cao cả nhất của nó. Ở nhiều nước, triết học so sánh Đông - Tây đã nhận được sự quan tâm lớn không chỉ của giới triết học, mà cả giới học giả thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đặc biệt trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay.
Vì vậy, việc đầu tư nghiên cứu và phát triển triết học so sánh Đông - Tây ở Việt Nam hiện nay là hoàn toàn cần thiết nhằm xây dựng nền triết học tiên tiến và nhân văn với tính cách là nền tảng của đời sống tinh thần xã hội, hướng đến triết học toàn cầu và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ triết học thế giới. Đây là một trong những hướng nghiên cứu đang thu hút được sự quan tâm nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa, trong bối cảnh đối thoại triết học Đông - Tây và hội nhập của triết học Việt Nam với triết học thế giới.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Như Diệm (Chủ biên) (1996), Triết học Đông - Tây, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Cheng Chung-ying (1978), Remarks on Onto-Theo-Logical Formations of Language in Heidegger and Lao Tzu, Journal of Chinese Philosophy 5.
[3] Kimmerle, Heinz (2002), Interkulturelle Philosophie, Junius Verlag GmbH, Hamburg.
[4] Ohashi, R. (Hrsg.) (1990), Philosophie der Kyoto-Schule. Texte und Einfuehrungen, Muenchen/Freiburg.
[5] Philosophy East and West (1951), Vol.1, No.1.
[6] Ting, Y. C. (1990), A Way toward the Confrontation between Heidegger and Lao Tzu. The Approach through Language, Diss Phil Louvain-la-Neuve.
[7] Rolf Elberfeld (1999), Überlegungen zur Grundlegung “komparativer Philosophie”, in: Allgemeine Zeitschrift für Philosophie, 2.
[8] Weber, Max (1988), Gesammelte Aufsaetze zur Religionssoziologie, Tuebingen: Mohr.
[9] Http://www.comparativephilosophy.org/index.php/ComparativePhilosophy
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7(104) - 2016