1. Giới thiệu khái quát về lễ hội Hoa Lư và lễ hội Gion
- Lễ hội Hoa Lư: Lễ hội Hoa Lư (trước đây có tên gọi là Lễ hội Trường Yên hay Lễ hội Cờ lau)[1] được tổ chức từ thời Lý là một lễ hội truyền thống phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đức vua Đinh Tiên Hoàng và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh, Lê, Lý. Lễ hội Hoa Lư xưa được các vương triều phong kiến tổ chức trang trọng. Trải qua các triều Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn, lễ hội được tổ chức theo nghi thức Nhà nước (Quốc lễ). Sau nhiều năm, lễ hội Hoa Lư trở thành hội làng. Trong lịch sử lễ hội, có những giai đoạn lễ hội Hoa Lư bị gián đoạn. Nhưng từ năm 1983 đến nay, lễ hội Hoa Lư vẫn là lễ hội có tầm ảnh hưởng lớn, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc và đang hướng tới nâng cấp thành Quốc lễ[2].
Lễ hội Hoa Lư là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Là một trong những lễ hội lớn nhất ở Việt Nam, hiện đang được đề nghị tổ chức theo nghi thức Nhà nước với vai trò là ngày Quốc lễ. Lễ hội được mở vào mùa xuân, có thể vào ngày sinh của Đinh Bộ Lĩnh (15/2 âm lịch), hoặc đầu tháng 3 bắt đầu từ 6/3 đến 10/3 âm lịch hoặc từ ngày 8 tháng 3 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch (Tương truyền, ngày 10/3 là ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, ngày 8/3 là ngày mất của vua Lê Đại Hành).
Cho dù hiện nay, các nghiên cứu chưa làm rõ được từ thời Lý đến thời Nguyễn, nhất là khi Lễ hội Hoa Lư trở thành Quốc lễ việc tổ chức lễ hội diễn ra một cách chi tiết như thế nào. Nhưng từ khi trở thành hội làng, như hầu hết các lễ hội truyền thống của Việt Nam, lễ hội Hoa Lư gồm 2 phần Lễ và Hội.
Đối với phần Lễ có hai phần là chuẩn bị lễ và tiến hành lễ. Các tài liệu chúng tôi tham khảo và phỏng vấn trực tiếp người dân tại Hoa Lư cho thấy, trước đây Trường Yên có hai làng Yên Thượng và Yên Hạ đứng ra lo việc lễ. Theo truyền thống, dân làng Yên Thượng sẽ lo việc tế lễ ở đền Đinh (tức đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng). Dân làng Yên Hạ sẽ lo việc tế lễ ở đền Lê (tức đền thờ vua Lê Đại Hành). Hàng giáp cắt phiên nhau mua sắm lễ vật. Ngoài hương hoa, lễ phải có lợn và xôi. Việc chuẩn bị lợn cúng lễ là một phần rất quan trọng và phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Lợn phải được chọn chăm nuôi từ một năm trước. Người ta gọi lợn là Ông với thái độ tôn kính. Ông Lợn được nuôi trong chuồng treo cao cách xa mặt đất. Trước ba tháng, lợn được ăn bằng thức ăn tinh khiết. Đúng ngày lễ, dân mổ Ông Lợn, luộc chín, bày vào mâm lớn, rước ra đền. Khác với lợn cúng lễ ở các nơi khác, không có món dồi lợn trong lễ tế đền vua Đinh vì tương truyền vua bị hãm hại vì món dồi lợn.
Về cơ bản, phần lễ trong lễ hội Hoa Lư được tổ chức theo tuần tự như sau: Lễ mở cửa đền, Lễ dâng hương, Lễ rước nước, Lễ rước lửa, Lễ mộc dục, Lễ tiến phẩm, Lễ rước kiệu, Tế lễ cổ truyền, Lễ cầu siêu - Lễ hội hoa đăng, Lễ Tạ. Trong lễ hội Hoa Lư, phần tế được coi là quan trọng nhất trong khâu tổ chức lễ. Đặc biệt là các nghi thức tế về đêm. Khi đèn đuốc được đốt lên, hai cây đình liệu cao khoảng 10m được thắp sáng, ánh sáng của lửa hòa với các đồ tế tạo nên hiệu ứng ánh sáng rực rỡ và không khí linh thiêng cũng là lúc ban lễ (gồm 5 người: 01 ông chánh lễ, 02 ông hành lễ, 02 ông bồi trị) hành lễ. Giúp ban lễ có ông thông xưởng, ông hạ xưởng, ông chiêng, ông trống, hai ông đêm đài (rước đài). Trong quá trình hành lễ còn có chín ông đọc cửu khúc. Sau mỗi khúc tế bằng Hán vận có hai người phường nhà trò, nam đàn, nữ hát diễn giải toàn bộ nội dung cuộc hát bằng ca trù. Thời gian tế đêm thường diễn ra khoảng 6 tiếng. Các nghi lễ tế cổ truyền thường diễn ra trong 03 ngày chính hội. Trong khoảng thời gian này, người dân địa phương, du khách cùng tham gia vào các nghi lễ.
Nếu “tế” được coi là nghi lễ quan trọng nhất trong khâu tổ chức, thì lễ rước rước nước truyền thống hàng năm biểu hiện mối liên hệ mật thiết, hữu cơ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng, bao hàm những yếu tố: linh khí núi sông, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.Việc chuẩn bị cho lễ rước nước được chuẩn bị rất chu đáo. Đến ngày rước, đoàn người khởi hành từ đền Vua Đinh đến bến sông Hoàng Long thì dừng lại lấy nước vào chóe đem về đền. Đoàn rước đi theo thứ tự dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc các loại, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm, phường trống. Tiếp đến là một kiệu bát cống lớn có hương án do tám nam thanh niên trong trang phục lính tráng nhà Đinh xưa khoẻ mạnh khiêng, tiếp theo là các vị quan khách, đại biểu chính quyền trung ương, địa phương. Rồi tiếp đến là những kiệu bát cống có tán do các thiếu nữ mang lễ vật. Đoàn người đi sau là các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương xa gần, nhân dân và du khách[3]. Lễ rước nước là nghi thức mở đầu cho ngày khai hội. Đoàn rước nước khởi hành từ đền vua Đinh, tới bến sông Hoàng Long. Khi đoàn rước xuống thuyền, có một thuyền rồng (thuyền chính) chèo ra giữa sông làm lễ, sau đó thả đồ vàng mã và đồ lễ xuống sông tạ ơn Hà Bá. Tiếp đó người chủ tế thả một chiếc vòng tròn vải đỏ xuống dòng sông, nước được múc từ trong vòng tròn này, đổ vào choé qua một lớp vải đỏ trên miệng. Nước trong vòng tròn vải đỏ là được lọc qua lớp vải sẽ càng tinh khiết hơn. Khi nước đã đầy choé, các thuyền tản ra, quay mũi về bến, riêng thuyền rước choé nước còn quay sang bên trái rồi mới trở lại bến cũ và tiếp tục cuộc rước nước về đền. Phần độc đáo và đặc sắc nhất của lễ rước nước là màn múa rồng trên sông của các đoàn thuyền.
Phần hội: sau phần "lễ" (rước, tế, lễ...) là phần "hội" (diễn xướng, trò chơi, cuộc đấu...). Ngoài các trò chơi giống ở các lễ hội dân gian Việt Nam khác như du Tiên, múa rồng, tổ tôm điếm, kéo chữ, bơi trải, đua thuyền, múa gậy, cờ người, xếp chữ, ném còn, thi hát chèo, vật, ... lễ hội Hoa Lư có một trò chơi hội đặc trưng, tiêu biểu là viết chữ Thái Bình và cờ lau tập trận. Qua quá trình sưu tầm tư liệu, phỏng vấn người dân, ban giám hiệu trường PTCS Trường Yên và các em học sinh lớp 7 tham gia tập trận cờ lau tại địa phương xung quanh khu vực xã Trường Yên, chúng tôi được biết hội tiết này đã có từ lâu đời. Theo ông Nguyễn Quang Hải cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình, một trong những cuộc tập trận đầu tiên được ghi chép lại ở thế kỷ XX là từ khoảng năm 1940[4]. Tiết mục tập trận cờ lau ở hội Trường Yên ban đầu vốn là một lễ tiết, mà về sau đã trở thành một trò diễn dân gian. Bắt nguồn từ việc tái hiện lại truyền thuyết về tuổi ấu thơ của vua Đinh, ngày nay trò chơi diễn xướng dân gian này đã trở thành biểu tượng cho khí phách dân tộc và nguyện cầu đất nước bình an, hưng thịnh.
- Lễ hội Gion: Lễ hội Gion được tổ chức vào tháng 7 hàng năm, là một trong ba lễ hội lớn nhất ở Kyoto (lễ hội Aoi Matsuri tổ chức vào tháng 5 ở đền Uwakamo Jinja và đền Shimogamo Jinja và lễ hội Jidai Matsuri tổ chức vào tháng 10 ở đền Heian Jingu).
Lễ hội Gion khởi nguồn từ các “nghi lễ” tế thần để trừ dịch bệnh được tiến hành vào năm 869 (năm Jougan (貞観) thứ 11) ở đền Gion (Yasaka). Các vị thần đầu tiên được cúng tế ở đây chính là Dịch thần (疫神) và các linh hồn (怨霊) mà người ta tin rằng đã gây ra trận đại dịch ở kinh đô Heian thời đó. Ác linh của những người lính tử trận, thần dịch bệnh, thiên tai và những hiện tượng thời tiết dị thường được người dân thời ấy đồng nhất thành nguyên nhân gây ra dịch bệnh và để đối phó với điều này, họ tổ chức dâng lễ vật, gọi là Ngự linh hội - Goryoe (御霊会). Ngự linh hội - Goryoe là nghi thức hành lễ nhằm đem lại niềm vui cho các vị thần, hòng tránh được thiên tai, dịch bệnh và những điều đáng sợ do các ác linh và thần dịch bệnh đem đến. Những ghi chép về Goryoe - lễ tế thần có ghi lại rằng khoảng đầu thế kỷ thứ 10 đến giữa thế kỷ thứ 11 là thời gian các nghi lễ tế thần được tổ chức nhiều nhất.
Một số ghi chép cho thấy đã từng có việc diễu hành những cỗ xe kiệu yama và hoko trước thời kỳ Loạn Onin, theo ghi chép thì thời kỳ đó có tới 58 cỗ xe kiệu yama và hoko. Vào thời kỳ Loạn Onin (1467-1477), các lễ tuần hành rước kiệu bị gián đoạn, song sau đó trở đi, từ những năm 1500 lễ hội được người dân Kyoto khôi phục lại và tiến hành cho đến ngày nay. Vào thời Minh Trị, sự tồn tại của các phố quý tộc bị bài trừ, việc duy trì các loại kiệu Yama - Boko sử dụng trong lễ hội lâm vào tình trạng khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của những người dân Kyoto, lễ hội vẫn tiếp tục được tổ chức định kỳ hàng năm. Sau đó, ngay cả khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra, lễ hội Gion vẫn được tiếp tục duy trì. Việc tổ chức lễ hội định kỳ vào tháng 7 hàng năm được kéo dài cho đến tận ngày nay, thu hút lượng khách du lịch khoảng 400.000 người tới Kyoto xem lễ hội Gion mỗi năm.
Mặc dù cho đến nay, từ những cứ liệu lịch sử, vẫn còn chưa rõ buổi ban đầu ai là người duy trì việc thờ cúng Ác linh và các vị thần thuộc hệ Thiên vương, nhưng có một điều chắc chắn rằng, vượt trên giới hạn của các gia đình quyền thế, quý tộc thời đó, đền thờ Gion (đền Yasaka) đã thu hút sự thăm viếng và cúng tế của phần lớn người dân trong kinh thành Heian lúc đó như một tín ngưỡng quan trọng trong cuộc sống của họ.
Ranh giới của đền Gion, tức là khu vực tập trung các tín đồ của đền Yasaka bắt đầu từ con đường Đông đại lộ, phía tây kéo dài đến đường Senbon dori (Thiên bản lộ), phía bắc kéo dài từ đường Nijoiu-dori (Nhị điều), phía Nam đến Matsubara-dori (Tùng nguyên). Nói chung, khu vực tín đồ của đền nằm trong một hình chữ nhật kéo dài, trong khu vực này bao gồm rất nhiều phố nhỏ (machi). Mỗi một con phố thông thường đều có những ngôi nhà được xây dựng hướng ra đường chính, đó là nguyên tắc xây dựng nhà ở Kyoto. Ở kinh đô Heian, các con phố đều được xây dựng trên nguyên tắc ô bàn cờ. Cứ mỗi cạnh này đến các cạnh kia của ô bàn cờ, người ta xây dựng 1 khu phố. Trong những khu phố ấy, vào mùa hè, người ta dựng các kiệu Yama và Hoko. Hiện nay có 23 phố Yama và 9 phố Hoko. Trên những cỗ kiệu Yama người ta trang trí búp bê, kiệu yama là những cỗ kiệu do nhiều người khênh. Hiện nay, thay cho việc khênh kiệu, người ta gắn các bành xe dưới cỗ kiệu để có thể kéo đi được. Kiệu Hoko thì có hình dáng lớn hơn kiệu Yama, cỗ kiệu Naginata hoko lúc nào cũng được chọn đi đầu trong đám diễu hành các cỗ kiệu vào ngày hội Gion có chiều cao tới 21m. Kiệu Tsuki hoko còn cao 27m. Kiệu Fune hoko là kiệu hình chiếc thuyền lớn... Những cỗ kiệu này là kiểu kiệu ngay từ đầu đã có bánh xe, được nhiều người dùng dây để kéo đi. Những cỗ kiệu Yama hay Hoko như vậy đều là do 32 phố nằm trong khu vực đệ tử của đền Yasaka sinh sống bảo quản, trang trí và trình diễn trong đám rước kiệu. Cứ như vậy, mỗi phố, hoặc là đóng góp kiệu yama, hoặc là đóng góp kiệu hoko để tạo thành một đám rước tráng lệ trong lễ hội Gion. Ngay cả tên các con phố từ lâu đời đã được gắn với tên cỗ kiệu Yama hoặc Hoko mà phố đó sở hữu. Ví dụ như: Kikusui boko-cho là phố sở hữu kiệu Kikusui hoko, Tenjin yama-cho là phố sở hữu kiệu Tenjin yama. Cũng có những phố trước kia có sở hữu kiệu yama hoặc hoko nhưng nay không còn nữa, song tên phố thì vẫn được giữ lại, gắn với tên của loại kiệu mà họ đã từng sở hữu, ví dụ như Tourou yama-cho...
Mỗi phố Yama-Boko không chỉ có trách nhiệm trong việc bảo quản, tu bổ, mà hàng năm họ còn trang trí những cỗ xe kiệu Yama hay Hoko lộng lẫy để tham gia vào đám diễu hành trong lễ hội Gion ngày 17/7, có nhiều phố còn rước theo cả những vị thần mà họ thờ phụng. Có phố rước xe kiệu Thần mưa (霰天神山), Ngưu thần (油天神山), thì cũng có phố rước kiệu Bát phàm (八幡山), rước tượng Quan âm (観音山), Thần công Hoàng hậu (神功星后), Thánh đức Thái tử (聖徳太子)...
Lễ hội Gion không chỉ tượng trưng cho tín ngưỡng của cộng đồng dân cư phố cổ Yama-Hoko, mà nó còn là nơi gắn kết những người dân với nhau, thể hiện tinh thần cộng sinh, cộng mệnh, cộng cảm, cộng hữu - yếu tố làm nên sự bền vững của lễ hội truyền thống.
2. Bốn yếu tố thể hiện tính cộng đồng
Tính cộng đồng trong lễ hội truyền thống được thể hiện ở 4 yếu tố: tính “cộng cư”, “cộng cảm”, “cộng hữu” và “cộng sinh”. Bài viết sẽ dựa theo trục phân tích này để xem xét đặc điểm tính cộng đồng thể hiện trong lễ hội Gion (Nhật Bản) và Hoa Lư (Việt Nam).
Về phương diện cộng cư, có thể thấy, nhu cầu gắn kết, tìm thấy sức mạnh của cá nhân được nâng lên thành sức mạnh cộng đồng tại lễ hội Gion và Hoa Lư được thể hiện rất rõ. Có thể hiểu “cộng cư là quá trình sinh sống lâu dài trong cùng một cộng đồng, hình thành những lợi ích của các nhóm dân cư cùng cư trú…(lược), cũng như những khác biệt giữa các cộng đồng trong đời sống văn hóa…”[5]. Cứ đến mùa lễ hội Gion (tháng 7 dương lịch), những cư dân phố cổ Yama-Boko (山鉾町衆) lại gắn kết với nhau trong một tổ chức có tên là “Hội phố” (町会) được điều hành bởi Hội phố trưởng (町会長) do họ tự bầu ra. Các phố Yama-Boko liên kết với nhau thành “Hội liên hiệp các phố Yama-Boko lễ hội Gion” (祇園祭山鉾連合会) để cùng bàn bạc cách thức tổ chức lễ hội, phân bổ nguồn kinh phí do họ tự đóng góp, phân công thứ tự rước kiệu trong lễ tuần hành. Họ dành ra cả tháng 7 để chuẩn bị cho các lễ hội nhỏ và lễ hội chính là Lễ tuần hành kiệu Yama và Hoko vào ngày 17/7. Ba mươi hai cỗ kiệu (gồm 23 cỗ kiệu Yama và 9 cỗ kiệu Hoko) được 32 phố cổ lưu giữ, bảo tồn, trang hoàng lộng lẫy để tỏa sáng ở lễ tuần hành. Mỗi phố trở thành một cộng đồng nhỏ - dồn sức cho cỗ kiệu mà họ gửi gắm niềm tin tôn giáo, niềm tự hào về nghề truyền thống được trao truyền qua nhiều thế hệ. Ở lễ hội Hoa Lư cũng vậy, vào đầu tháng 4 dương lịch hàng năm, cư dân Trường Yên lại tạm gác công việc hàng ngày và chia theo các nhóm, hội khác nhau (Hội phụ lão, Hội phụ nữ, Hội thương binh, Hội nông dân, Đoàn thanh niên…) dưới sự quản lý của Ủy Ban nhân dân xã để tập trung cao độ vào việc chuẩn bị đồ lễ, công việc tế lễ, lễ rước nước (phần lễ) và hội tiết tập trận cờ lau (phần hội), xếp chữ Thái Bình, tế nữ quan…. Hội phụ lão chuẩn bị cho việc hành lễ và tế lễ, đọc Cửu khúc tại đền thờ vua Đinh. Hội phụ nữ tập dượt cho màn dâng rượu và tế nữ quan. Hội nông dân, thương binh, đoàn thanh niên phụ trách đội nhạc, kèn truyền thống và màn múa lân. Các thiếu niên (học sinh lớp 7 ở một số trường THCS trên địa bàn xã) tập trận cờ lau chuẩn bị cho việc trình diễn trong ngày hội…
Về phương diện cộng cảm, đây là thành tố thể hiện sự gắn kết của các cư dân trong cộng đồng bởi như cầu đồng cảm trong các hoạt động tế lễ (vì cùng chung tín ngưỡng), các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Ở lễ hội Gion, 32 cỗ kiệu tượng trưng cho 32 vị thần được thờ phụng như Aratenjin-yama thờ Thần mưa (霰天神), Yamabushi-yama thờ phái Sugendo (修験道), Taishi-yama thờ Thánh Đức Thái Tử (聖徳太子), Tsuki-hoko thờ Thần mặt trăng (月読命), Kiku-hoko thờ Tiên nhân (仙人), Bành tổ, Hachiman-yama theo tín ngưỡng Bát phàm (八幡), Uchide-yama rước Thần công hoàng hậu (神功星后)... cho thấy mỗi cộng đồng dân cư ở Kyoto từ lâu đã chọn cho mình vị thần mà họ tin tưởng sẽ đem lại may mắn, hạnh phúc, bình an..., và cứ thế, họ thuộc về những cộng đồng tín ngưỡng riêng như vậy. Con số hơn 100.000 người được huy động vào việc dựng kiệu, trang trí và rước kiệu hàng năm của các phố cổ Gion và khoảng 400.000 khách du lịch cùng tham gia vào lễ hội, cùng với việc lễ hội Gion được duy trì liên tục từ thế kỷ 16 tới nay chứng tỏ tính cộng cảm cao của lễ hội này. Về lễ hội Hoa Lư, trong 3 ngày lễ hội, chúng tôi đã thống kê được 38 đoàn tế ở các địa phương về chầu, tế tại hai Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê. Con số này cũng trùng với báo cáo của Ban tổ chức lễ hội tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tổ chức Lễ hội Trường Yên 2016. Thống kê của Ban tổ chức lễ hội cho thấy có 56 tiết mục nghệ thuật quần chúng của 8 huyện, thành phố và trung tâm văn hóa tỉnh Ninh Bình, thu hút trên 300 diễn viên và nhạc công từ các câu lạc bộ thôn, xóm, làng trong tỉnh[6]. Sự tự nguyện tham gia, tái hiện các nghi lễ mang đậm tính tín ngưỡng cũng chính là sự thỏa mãn phần nào nhu cầu giao tiếp với “nhân vật thờ” - đối tượng quan trọng trong lễ hội - điều mà trước đây chỉ có một vài tầng lớp hoặc nhân vật đặc biệt được chỉ định - mới được tham gia. Bên cạnh đó, sự gắn kết trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sự tự hào vì được chan hòa trong không khí vừa thiêng liêng vừa hứng khởi đã giúp các cư dân cùng được hưởng thụ các giá trị văn hóa và tâm linh, và khi đó, các cách biệt xã hội giữa các cá nhân ngày thường dường như được xóa nhòa, con người cùng sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa của mình. Sự cộng cảm còn được thể hiện ở việc lễ hội đã thu hút được hàng chục nghìn lượt nhân dân và du khách[7] đến tham quan, cổ vũ các trò chơi dân gian và các hoạt động của lễ hội. Khác với cư dân ở Trường Yên, du khách tham quan mang theo mong muốn trở về với văn hóa dân tộc, ngưỡng vọng “nhân vật thờ” siêu việt, cao cả, cùng tận hưởng giây phút thiêng liêng, được phô bày bản thân qua các cuộc thi tài, hình thức trình diễn nghệ thuật, nhất là được sống với tinh thần cộng đồng khác hẳn ngày thường.
Về phương diện cộng hữu, đối với lễ hội Gion, theo kết quả phỏng vấn của nhóm nghiên cứu, chi phí để tổ chức lễ hội Gion không dựa vào nguồn tài trợ của chính phủ hoặc của thành phố, mà dựa hoàn toàn vào sự đóng góp tự nguyện của những người dân nơi đây. Gần đây, một số phố do có sự giảm dân số sinh sống tại địa phương, đã tiến hành pháp nhân hóa tổ chức của họ, đồng thời đăng ký quyền sở hữu cỗ kiệu Yama hoặc Hoko do khu phố họ chịu trách nhiệm bảo tồn, sau đó kêu gọi sự đóng góp từ các công ty trên địa bàn. Tiêu biểu có phố Kankoku Boko (函谷鉾) đã kêu gọi sự đóng góp của các công ty như Daido seimei, Asahi là những công ty gắn bó chặt chẽ với Kyoto, sử dụng khoản tiền đóng góp này để vận hành lễ hội. Ngoài ra, về những người tham gia vào việc duy tu, bảo tồn, dựng kiệu và rước kiệu, cũng có những cư dân phố cổ Yama-Boko chấp nhận sự tham gia của những cư dân mới sống trong các chung cư được xây dựng 15-20 năm trở lại đây, nhưng cũng có khu phố không đồng ý điều này. Có thể nói, sự tự nguyện, tự chủ của người dân các phố Yama - Boko đóng vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì và tổ chức lễ hội Gion cho đến ngày nay. Còn ở Lễ hội Hoa Lư, chi phí để tổ chức lễ hội không chỉ dựa vào nguồn tài trợ của tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao Ninh Bình, mà phần nhiều dựa vào sự đóng góp tự nguyện của những người dân cố đô Hoa Lư và các công ty có sự gắn bó mật thiết với vùng đất này. Trong quá trình này, Ban Khánh tiết - những người tổ chức, quản lý lễ hội và các “mạnh thường quân” có vai trò quan trọng trong việc huy động tài chính, tổ chức, quản lý lễ hội diễn ra tốt đẹp. Nếu trong cuộc sống thường nhật các cư dân địa phương không tránh khỏi có những cạnh tranh ở mức độ khác nhau trong công việc làm ăn, nhưng vào lễ hội, việc này không tồn tại ở cố đô Hoa Lư. Người dân đều cảm thấy vinh dự, tự hào khi được cống hiến sức người, sức của cho lễ hội. Việc cư dân xã Trường Yên và các xã tham gia lễ hội đóng góp tự nguyện theo khả năng của tài chính của mỗi gia đình vào việc chuẩn bị cho lễ hội đã mang đến cho họ những ý nghĩa nhân văn lớn lao: trước là để ghi nhớ công ơn Vua Đinh - Vua Lê, tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cầu mưa thuận, gió hòa, thái bình hưng thịnh, sau là tạo điều kiện vui chơi lễ hội, gắn kết cá nhân với cộng đồng sau những ngày tháng làm việc vất vả.
Về phương diện cộng mệnh – cộng sinh, lễ hội Gion có lịch sử hơn 1.200 năm, bắt nguồn từ việc người dân kinh đô Heian thực hiện các nghi lễ (Goryoe) cúng tế Thiên vương, Dịch thần và các linh hồn để tiễu trừ dịch bệnh cho kinh thành. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử như loạn Onin (1467-1477) và Trận biến Hamaguri Gomon cuối thời Mạc phủ, các trận hỏa hoạn lớn thiêu hủy khá nhiều cỗ kiệu quý giá..., nhưng người dân Kyoto vẫn gìn giữ, tu bổ và trang trí những cỗ kiệu phục vụ cho lễ diễu hành hàng năm bởi đó là công việc được truyền lại từ các bậc tiên tổ, thể hiện sự kính trọng và tự hào của họ đối với lịch sử quê hương mình. Còn lễ hội Hoa Lư lại thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và lòng kính trọng đối với bậc tiền nhân đã có công dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất giang sơn về một mối, xây dựng nên nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Trong lễ hội Hoa Lư, phần tế được coi là quan trọng nhất trong khâu tổ chức lễ và đó là nghi lễ cả cộng đồng cùng gắn kết với nhau bằng niềm tin tâm linh thành kính đối với tiên tổ. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong các nghi thức tế về đêm. Bên cạnh đó, lễ rước rước nước truyền thống hàng năm biểu hiện mối quan hệ mật thiết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Cộng sinh là thành tố gắn kết bởi số mệnh chịu sự chi phối của một lực lượng siêu nhiên nào đó, có thể thấy yếu tố cộng sinh thể hiện rõ nhất ở tín ngưỡng thờ Linh hồn (怨霊) và Dịch thần (疫神) ngay từ thời cổ đại, khoảng thế kỷ thứ 8 ở Heian (sau này là Kyoto). Tín ngưỡng này đã đưa đến việc người dân cố đô cùng nhau thờ cúng và dâng lễ cho các vị thần vào lễ hội Gion trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Chính niềm tin tôn giáo, sự tin tưởng vào cùng một thế lực siêu nhiên đã đem lại cho người dân nơi đây cảm giác gắn bó, nương tựa vào nhau để sống. Việc thờ cúng và hành lễ đã được nâng lên thành các hoạt động mang tính mỹ học cao vào thời Edo (từ thế kỷ 16) do sự phát triển vượt bậc của các ngành nghề thủ công truyền thống nơi đây như: chế tác kim loại, dệt, nhuộm, làm đồ gỗ... Sau này, lễ hội Gion không chỉ là một biểu tượng tôn giáo, mà nó còn trở thành một hoạt động trình diễn mang tính nghệ thuật cao - mỗi cỗ kiệu Yama – Hoko được ví như những “viện bảo tàng mỹ thuật di động”, trở thành niềm tự hào của người dân Kyoto. Về lễ hội Hoa Lư, nhìn tổng thể, có thể khẳng định, lễ hội Hoa Lư nói riêng và lễ hội truyền thống ở Việt Nam nói chung huộc phạm trù “cái thiêng” thể hiện ở một số đặc trưng sau: - Thứ nhất là thời điểm diễn ra lễ hội: đó là thời điểm thiêng (tức là ngày sinh, ngày mất của nhân vật thờ - vốn được gắn với các truyền thuyết siêu nhiên) đi cùng với các hành động mang tính biểu trưng làm cho thời điểm diễn ra lễ hội trở thành “thời điểm thiêng”; - Thứ hai là ngôn ngữ mang tính biểu tượng như tế, lễ, rước, các trò diễn; - Thứ ba là các hình thức diễn xướng khác. Tại Lễ hội Trường Yên, như đã trình bày, nghi lễ Rước thể hiện sự nghênh tiếp Đức Vua, phô diễn sức mạnh cộng đồng và được đánh giá là màn trình diễn ngoạn mục vừa mang tính linh thiêng, trang nghiêm lại vừa rất sôi động, thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng với các nghi trượng tiêu biểu như cờ, kiệu, lễ vật dâng cúng, chiêng, trống, lọng và dàn nhạc bát âm. Đây cũng chính là cách cộng đồng coi lễ hội là chỗ dựa tinh thần để hướng về tổ tông, quê hương, về thế giới tâm linh và với thiên nhiên. Sự tự nguyện tham gia trong không khí vừa vui vẻ, vừa trang nghiêm, vừa trần tục, vừa linh thiêng của cư dân đã chứng tỏ sự gắn kết của cư dân trong cộng đồng đối với nhân vật lịch sử nhưng lại mang đậm tính truyền thuyết - yếu tố cốt lõi trong hoạt động lễ hội truyền thống.
3. Kết luận
Có thể thấy, trong cả lễ hội Gion (Nhật Bản) và Hoa Lư (Việt Nam), dù trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các nghi thức truyền thống vẫn được gìn giữ, lưu truyền tạo nên ấn tượng sâu sắc cho người tham gia lễ hội. Chính những nghi thức trang nghiêm đã khiến cho người tham gia tôn kính, phục tùng và cảm nhận được sự linh thiêng, tôn quý của công việc mà cộng đồng cũng như bản thân tham gia, khiến cho tất cả cùng chung một cảm nhận sâu sắc về ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Mặt khác, việc lễ hội được tổ chức với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội đã khiến cho các cư dân địa phương và khách tham gia lễ hội háo hức tham gia và đắm mình vào không khí lễ hội.
Mặc dù có sự tương đồng như trên, nhưng cũng có thể thấy tính cộng đồng được biểu hiện với các sắc thái và cấp độ khác nhau ở lễ hội hai nước. Thứ nhất là, nếu như trong lễ hội Gion, chủ thể của lễ hội nổi lên là tầng lớp thị dân phố cổ (町衆) - những người “nâng đỡ” sự tồn tại của lễ hội trong suốt chiều dài hơn một ngàn năm lịch sử, thì ở lễ hội Hoa Lư, bên cạnh vai trò chủ đạo của người dân xã Trường Yên xuyên suốt quá trình lịch sử, hiện nay còn có sự điều hành và chỉ đạo của Ban Khánh tiết (bao gồm nhiều thành phần, trong đó có các tổ chức như chính quyền xã, Sở văn hóa tỉnh, các tổ chức xã hội như Hội phụ lão, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên...); lễ hội Hoa Lư cũng trở thành một lễ hội được nhà nước bảo hộ. Thứ hai là, lễ hội Gion được vận hành theo nguyên tắc tự chủ - chất lượng - độc đáo. Sự “tự chủ” ở đây là tự chủ về kinh phí tổ chức, vận hành lễ hội. “Chất lượng” thể hiện ở mỗi cỗ kiệu được trang hoàng xa hoa, lộng lẫy với các vật phẩm và đồ tạo tác có lịch sử hàng trăm năm, cách rước kiệu và trang phục của người rước cũng được tuân thủ tuyệt đối theo các mẫu truyền thống, không lai căng, pha tạp. Sự “độc đáo” thể hiện ở vật phẩm trang trí và những cỗ kiệu lộng lẫy mà chỉ lễ hội Gion mới có, thậm chí, có những phố kiệu còn bài trừ và ngăn chặn sự tham gia của người ngoài vào công việc tổ chức lễ hội, do sợ sẽ làm biến mất các phong tục truyền thống. Tuy nhiên, sự tỉ mẩn, kỳ công và tuân thủ nghiêm ngặt các mẫu truyền thống như vậy dường như còn chưa thấy được trong lễ hội Hoa Lư. Việc quá nhiều ban ngành, đoàn thể được huy động tham gia vào việc điều hành lễ hội trong khi những người thực sự hiểu về lịch sử và lễ hội truyền thống vẫn còn ít ỏi là một điểm yếu của lễ hội, cần được khắc phục.
Tóm lại, việc tham dự, quan sát, nghiên cứu lễ hội Gion và Hoa Lư đã mang đến cho chúng tôi nhận diện rõ hơn, đây là những lễ hội truyền thống điển hình của hai nước, mang đậm tính cộng đồng. Lễ hội do chính cộng đồng làm chủ thể sáng tạo, đồng thời chính cộng đồng lại là khách thể thưởng thức các giá trị văn hóa đó. Sự đồng thuận của lễ hội đến từ nhiều phương diện: khâu tổ chức nghiêm túc, kế hoạch cụ thể, quản lý chặt chẽ; sự chủ động, tự giác phối hợp, đóng góp, tham gia hoạt động chuẩn bị, hành lễ chu đáo, tận tâm, nhiệt huyết của mỗi người dân địa phương. Lễ hội đã giúp cho người dân gắn kết, chia sẻ, đồng cảm với nhau hơn. Nhờ chia sẻ niềm tin, tín ngưỡng, lợi ích chung mà lễ hội có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần của cộng đồng, đem lại những giá trị tích cực cho mỗi cá nhân, đồng thời là niềm tự hào của người dân hai nước./.
[1] Ngày 21/11/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Quyết định số 4037/QĐ-BVHTTDL về việc điều chỉnh tên gọi di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Trường Yên” trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành tên Lễ hội Hoa Lư.
[2] Tọa đàm khoa học, Đinh Tiên Hoàng với sự nghiệp thống nhất quốc gia và việc nâng cấp lễ hội Trường Yên thành lễ hội cấp nhà nước, 17/4/2015 do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức tại TP Ninh Bình.
[3] Đặng Công Nga sưu tầm, Lễ hội Trường - Yên, TL 49/2003, Thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
[4] Nguyễn Quang Hải, Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình, Tập trận cờ lau: Một hoạt động lễ hội dân gian đặc sắc
http://baoninhbinh.org.vn/tap-tran-co-lau-mot-hoat-dong-le-hoi-dan-gian-dac-sac-20100325093800000p15c44.htm
[5] Ngô Văn Lệ, “Cộng đồng và lễ hội cộng đồng – Một vài nhận xét”, Lễ hội cộng đồng - truyền thống và biến đổi”, NXB Đại học Quốc gia TP HCM, 2014, tr.6.
[6] Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tổ chức Lễ hội Trường Yên 2016
http://nbtv.vn/tin-tuc-su-kien/ninh-binh-24h/thoi-su-chinh-tri/201604/hoi-nghi-rut-kinh-nghiem-cong-tac-to-chuc-le-hoi-truong-yen-2016-674289/
[7] Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội đã có khoảng 35 nghìn lượt khách đến dự và tham gia
http://nbtv.vn/tin-tuc-su-kien/ninh-binh-24h/thoi-su-chinh-tri/201604/hoi-nghi-rut-kinh-nghiem-cong-tac-to-chuc-le-hoi-truong-yen-2016-674289/
Tài liệu tham khảo chính:
1. Đặng Công Nga sưu tầm, Lễ hội Trường - Yên, TL 49/2003, Thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
2. Đỗ Long, Trần Hiệp, Tâm lý cộng đồng làng và di sản, NXB. Khoa học xã hội, 1993.
3. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB. Giáo dục, 1999.
4. Lễ hội cộng đồng - truyền thống và biến đổi, nhiều tác giả, NXB.Đại học Quốc gia TP.HCM, 2014.
5. 米山俊直1974年『祇園祭りー都市人類学ことはじめ』中古新書363. (Yoneyama Toshinao, 1974, Lễ hội Gion - Từ góc nhìn nhân học đô thị, NXB.Choukoronsha 363)
6. 本多健一著2015年『京都の神社と祭り』』中古新書2345. (Honda Kenichi, 2015, Đền thờ thần đạo ở Kyoto và các lễ hội, NXB.Chuokoron-shinsa, 2345)
7. 『函谷鉾 : 祇園祭山鉾』2001あすの函谷鉾をつくる会 (Kankoku-hoko: Kiệu yama - boko trong lễ hội Gion. 2001, Hội làm kiệu Kankoku-hoko)
8. 岡澤浩一, 則子 [編]2008年『京の熱い夏 : 2008年祇園祭長刀鉾稚児 = A passionate summer at the Gion Festival in Kyoto』(Okazawa Koichi (chủ biên), 2008).
9. 月刊『太陽』1985年7月号 (Tạp chí “Thái dương” số 7/1985).
10. 佐々木 健2007年「長く続くお祭りの条件―祇園祭を例に―」早稲田大学商学部 (Sasaki Ken, 2007, “Điều kiện để duy trì lễ hội dài lâu - Trường hợp lễ hội Gion, Khoa thương mại, đại học Waseda)
11. 河内将芳著2007年『祇園祭と戦国京都』角川学芸出版 (Kawauchi Masayoshi, 2007, Lễ hội Gion và Kyoto thời Chiến quốc, NXB.Kadokawa Gakugei).
12. 稲葉陽二2011年『ソーシャル・キャピタル入門 孤立から絆へ』中公新書2138 (Inaba Yoji (2011), “Nhập môn về Vốn xã hội - Từ “Cô Lập” đến “Bạn””, NXB Chukoron-Shinsha INC.)
Nguồn: cjs.inas.gov.vn