Tôi đã thường cảnh báo ý đồ và tham vọng của các chuyên gia khoa học xã hội khi họ lôi ra những tệ nạn của ngày hôm nay và của mai sau để mà lên án. Tôi đã phải vượt qua những giới hạn mà mình đã tự xác định nhân danh ý niệm về tính khách quan mà dần dà bản thân tôi thấy như một hình thức kiểm duyệt. Chính vì thế mà ngày nay, trước những nguy cơ đang đè nặng lên nền văn hóa, những nguy cơ mà rất nhiều người không hay biết, kể cả những nhà văn, nghệ sĩ và học giả là những người liên quan đầu tiên, tôi thấy cần thiết phải cho phổ biến thật rộng rãi, càng rộng rãi càng tốt, cái mà theo tôi là giác độ nghiên cứu tiến bộ nhất về hậu quả của cái được gọi là toàn cầu hóa đối với văn hóa.
Sự tự trị bị đe dọa
Tôi đã miêu tả và phân tích (nhất là trong cuốn sách Quy tắc nghệ thuật của tôi) tiến trình tự trị hóa lâu dài và kết cục của nó là sự hình thành, trong một số nước phương Tây, những thế giới xã hội thu nhỏ mà tôi gọi là những trường, trường văn học, trường khoa học hay trường nghệ thuật; tôi đã chỉ ra rằng những vũ trụ này tuân theo những quy luật riêng của chúng (đây là nguyên nghĩa của khái niệm tự trị), khác với những quy luật của thế giới xã hội xung quanh, nhất là về phương diện kinh tế, ví như trường văn học hay trường nghệ thuật thường tránh được quy luật về tiền và lợi nhuận, ít nhất là trong lĩnh vực tự trị của chúng. Tôi cũng đã luôn nhấn mạnh về việc tiến trình này không phải là một kiểu phát triển tuyến tính và được định hướng theo kiểu Hégel, và quá trình hướng tới tính tự trị có thể bị gián đoạn, bất ngờ, như chúng ta đã từng chứng kiến điều đó mỗi khi mà các chế độ độc tài được thiết lập, những chế độ có khả năng cắt đứt những thế giới nghệ thuật với những cuộc chinh phục trong quá khứ của chúng. Nhưng, trong các nước phát triển, điều đang xảy ra ngày hôm nay với thế giới sáng tạo nghệ thuật là cái gì đó hoàn toàn mới mẻ, và thực sự chưa bao giờ có trong lịch sử: quả như vậy, sự độc lập trong việc sáng tạo và lưu hành các sản phẩm văn hóa trước những đòi hỏi về kinh tế, một sự độc lập khó khăn lắm mới có được, giờ đang bị đe dọa, ngay trong nguyên lý của mình, bởi sự thâm nhập của logic thương mại vào mọi giai đoạn sáng tạo và phát hành các sản phẩm văn hóa.
Các nhà tiên tri tân phúc âm theo chủ-nghĩa-tự-do-mới tuyên bố rằng, về văn hóa cũng như về các lĩnh vực khác, cơ chế thị trường chỉ mang lại ích lợi mà thôi. Một mực không thừa nhận tính đặc thù của các sản phẩm văn hóa một cách tường minh hay hàm ẩn, ví như về sách chẳng hạn (họ không chịu chấp nhận bất cứ hình thức bảo hộ nào), họ khẳng định, chẳng hạn, rằng những thành tựu mới mẻ về khoa học công nghệ và sự đổi mới về kinh tế vốn khai thác tối đa những thành tựu đó sẽ chỉ có thể làm tăng số lượng và chất lượng của các sản phẩm văn hóa, và như vậy làm tăng luôn cả mức độ thỏa mãn của người tiêu dùng, dĩ nhiên với điều kiện tất cả những gì được những tập đoàn truyền thông tích hợp cả công nghệ và kinh tế cho lưu hành, có nghĩa là vừa cả các thông điệp truyền hình cũng như sách vở, phim ảnh, trò chơi, thường được gộp dưới cái tên thông tin, được xem như một thứ hàng hóa nào đó, và do vậy được đối xử như bất cứ sản phẩm nào, và tuân theo quy luật lợi ích kinh tế. Như vậy, việc phát triển ồ ạt của các kênh truyền hình kỹ thuật số theo chủ đề hẳn đã kéo theo sự “bùng nổ của truyền thông tự chọn” (explosition of media choices”) đến mức tất có thể nói cầu được ước thấy, mọi nhu cầu và thị hiếu dường như đều được đáp ứng: kể cả về những mặt này, quy luật lợi nhuận sẽ mang tính dân chủ, vì nó thừa nhận những sản phẩm được số đông yêu thích. Tôi có cỡ hàng chục trích dẫn, đôi khi được sử dụng nhiều lần, để làm cơ sở cho những khẳng định của tôi. Ví dụ duy nhất, đúc kết được những gì tôi vừa nói, được mượn của Jean-Marie Messier: “Hàng triệu công ăn việc làm đã được tạo ra ở Mỹ nhờ vào sự giải phóng toàn bị lĩnh vực viễn thông và nhờ vào công nghệ tuyền thông. Nước Pháp phải học theo Mỹ về lĩnh vực này! Tính cạnh tranh của nền kinh tế và công ăn việc làm của con em chúng ta đang bị thử thách. Chúng ta phải thoát khỏi sự sợ sệt, ra sức cạnh tranh và sáng tạo.”
Những lập luận này có giá trị gì? Trái ngược với huyền thoại về sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm là sự đồng nhất các sản phẩm, ở bình diện quốc gia cũng như quốc tế: sự cạnh tranh không đa dạng hóa mà đồng nhất hóa, ý đồ khai thác tối đa người tiêu dùng đã đưa các nhà sản xuất đến việc tìm kiếm các sản phẩm tàu chợ, có giá trị cho mọi thành phần công chúng và cho mọi quốc gia, bởi vì không được đa dạng hóa và góp phần đa dạng hóa, ví như phim ảnh Hollywood, telenovelas, phim truyền hình dài tập, soap opéras, phim trinh thám nhiều tập, nhạc thương mại, kịch đại lộ hay kịch Broadway, sách bán chạy (best-sellers) được phát hành khắp thế giới, tuần báo dành cho mọi đối tượng. Ngoài ra, sự cạnh tranh, với sự tập trung của bộ máy sản xuất và lưu hành, đang tuột dốc không phanh: nhiều hệ thống truyền thông đang có xu hướng phát hành cùng thời điểm một loại sản phẩm được ra đời từ sự tìm kiếm lợi nhuận tối đa với những đầu tư tối thiểu. Sự tập trung các tập đoàn truyền thông dẫn đến sự sát nhập theo phương thẳng đứng, như thể phát hành đi trước sản xuất theo sau, áp đặt một sự kiểm duyệt bằng tiền thuần túy. Có thể lấy ví dụ như sự sáp nhập mới đây giữa Viacom và CBS, một tập đoàn hướng tới việc sản xuất nội dung và một tập đoàn hướng tới việc phát hành. Sự tích hợp các hoạt động sản xuất, khai thác và phát hành kéo theo sự lạm dụng cậy quyền cậy thế, tạo điều kiện thuận lợi cho phim nhà phát triển: Gaumont, Pathé và UGC đã chiếu 80% phim độc quyền có mặt trên thị trường Paris: cũng cần phải nêu ra đây sự phát triển rầm rộ của các cụm rạp chiếu bóng (multiplexe), hoàn toàn phục tùng các yêu sách của các nhà phát hành phim. Các nhà này cạnh tranh bất chính với các rạp chiếu phim nhỏ và độc lập, thường có nguy cơ phải đóng cửa.
Thế nhưng điều quan trọng nhất, đó là sự coi trọng doanh thu, việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa trong thời gian sớm nhất và tính “thẩm mỹ” từ đó mà có càng ngày càng có một sự chi phối rộng rãi lên tất cả mọi sản phẩm văn hóa. Hậu quả của chính sách như vậy hoàn toàn giống với những hậu quả gặp phải trong lĩnh vực xuất bản, lĩnh vực này cũng có sự tập trung quyền lực rất cao: ví dụ như ở Mỹ, ngoài hai nhà xuất bản độc lập: W.W. Norton và Houghton MIFFLIN, một vài tạp chí đại học (càng ngày càng chịu chi phối bởi nhu cầu tài chính) và một số nhà xuất bản nhỏ có tinh thần “chiến đấu”, việc kinh doanh sách nằm trong tay tám tập đoàn truyền thông khổng lồ. Không chút lập lờ, một số nhà xuất bản phải hướng đến doanh thu, và hậu quả, bên cạnh các hậu quả khác, là sự xâm lấn của các ngôi sao truyền thông trong giới tác giả và sự kiểm duyệt qua đồng tiền. Điều này thể hiện rõ nhất ở chỗ, vì được sát nhập vào các tập đoàn đa phương tiện lớn, các nhà xuất bản phải đạt được lợi suất rất cao. (Tôi có thể nêu ra ở đây M. Thomas MIDDLEHOFF, Tổng giám đốc Bertelsman. Theo báo La Tribune, ông này đã “cho các trung tâm lợi nhuận 2 năm để kiếm ra được hơn 10% lợi nhuận so với số vốn được đầu tư.) Làm gì mà không thấy được rằng cơ chế lợi nhuận, nhất là cơ chế kiếm lời ngắn hạn, là sự phủ nhận sạch trơn giá trị văn hóa, vốn đòi hỏi những đầu tư mạo hiểm, công toi, không biết bao giờ hoàn bổn, và thường chết rồi thì vốn mới hoàn nguyên?
Điều đáng bàn ở đây là việc tiếp tục cho ra những sản phẩm văn hóa không hướng tới mục đích thương mại thuần túy và không chấp nhận những phán quyết của những người đang làm mưa làm gió trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, nhất là bằng quyền lực mà họ đang nắm giữ đối với các phương tiện truyền thông lớn. Quả vậy, một trong những khó khăn trong cuộc chiến này, đó là sự tồn tại khả thể những vẻ bề ngoài phản dân chủ, trong khi việc sản xuất ồ ạt các sản phẩm văn hóa công nghiệp được đại đa số công chúng ủng hộ, đặc biệt là giới trẻ ở khắp nơi trên thế giới vì họ tiếp cận dễ dàng hơn (việc tiêu thụ các sản phẩm này không cần nhiều vốn văn hóa) và cũng bởi vì họ là đối tượng của hiện tượng đua đòi phản cảm: đúng như thế thật, lần đầu tiên trong lịch sử, các sản phẩm văn hóa đại chúng rẻ tiền nhất lại được coi như là những sản phẩm thời thượng trong một xã hội mà kinh tế và chính trị đóng vai trò thống soái; những thanh thiếu niên mặc baggy pants,quần dài có đụng trễ xuống ngang đùi, hẳn không biết rằng thời trang mà họ cho là siêu thời thượng, siêu hiện đại ấy đã ra đời trong các nhà tù Mỹ, giống như sở thích chạm trổ vậy! Điều này có nghĩa là “văn minh” quần jean, Coca-Cola, McDonald’s không những có quyền lực kinh tế mà còn có quyền lực biểu trưng. Quyền lực biểu trưng ở đây được thực thi qua một sự lôi cuốn mà bản thân các nạn nhân có góp phần vào tạo nên. Khi biến trẻ em, thanh thiếu niên, nhất là những em không có hệ miễn dịch riêng, thành mục tiêu ưu tiên cho chính sách thương mại, với sự hỗ trợ của quảng cáo và truyền thông, vừa bị ép buộc nhưng cũng vừa là tòng phạm, các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất và phát hành các sản phẩm văn hóa, đặc biệt là điện ảnh, có ảnh hưởng cực lớn, chưa bao giờ có trong lịch sử, đối với xã hội đương đại trong đó mỗi cá thể như bị trẻ con hóa.
Như Gombrich nói, khi “điều kiện sinh thái nghệ thuật” bị tàn phá thì sớm muộn gì nghệ thuật cũng sẽ chết. Văn hóa đang bị đe dọa bởi vì môi trường kinh tế, xã hội trong đó văn hóa có khả năng phát triển đang bị chi phố bởi logic lợi ích kinh tế trong các nước phát triển, những nước mà vốn tích lũy, điều kiện cho việc tự chủ, đã là rất lớn, huống chi là các nước khác. Các thế giới thu nhỏ tương đối độc lập, các thế giới trong đó văn hóa được sản sinh, phải phối hợp với hệ thống giáo dục để sinh ra người sản xuất và kẻ tiêu thụ. Các họa sĩ đã mất gần năm thế kỷ để chinh phục những điều kiện xã hội mà một họa sỹ như Picasso đã được thừa hưởng; họ đã phải – chúng ta biết điều này qua việc đọc các bản kế ước – đấu tranh chống lại những “nhà tài trợ” để tác phẩm của họ được cư xử như một sản phẩm đơn thuần, được đánh giá trên cơ sở diện tích được vẽ và giá cả các màu sắc được sử dụng; họ đã phải đấu tranh để có được quyền được ký, có nghĩa là quyền được đối xử như là những tác giả. Họ đã phải đấu tranh để được quyền chọn lựa màu sắc, cách sử dụng màu sắc và cuối cùng, nhất là với nghệ thuật trừu tượng, quyền được lựa chọn chủ đề, mà thường thì quyền lực của nhà tài trợ đè nặng lên sự lựa chọn này. Những nghệ sĩ khác, nhà văn hay nhạc sĩ, đã phải đấu tranh để mới đây thôi có được quyền tác giả; họ đã phải đấu tranh cho tính độc sáng và chất lượng của tác phẩm. Họ chỉ nhờ sự cộng tác của các nhà phê bình, nhà viết tiểu sử, các giáo sư lịch sử nghệ thuật v.v… để tự khẳng định như những nghệ sĩ, như những “nhà sáng tạo”. Cũng như vậy, người ta không thể liệt kê ra hết những điều kiện xuất hiện những tác phẩm điện ảnh mang tính học thuật và công chúng để thưởng thức và đánh giá những tác phẩm này: đơn cử như những tạp chí chuyên ngành và các nhà phê bình để làm cho những tạp chí này sống được, những rạp chiếu phim, những viện tư liệu phim chiếu những bộ phim nghệ thuật cho sinh viên, những câu lạc bộ điện ảnh với sự góp sức của những người hâm mộ điện ảnh làm việc từ thiện, những người làm phim sẵn sàng hi sinh tất cả để sản xuất ra những bộ phim không “mì ăn liền”, những nhà phê bình tài giỏi, những nhà sản xuất có đủ thông tin và tri thức để tài trợ cho những câu lạc bộ đó. Nói tóm lại, đó là một thế giới thu nhỏ trong đó điện ảnh tiên phong được công nhận, có giá trị và đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện ồ ạt thứ điện ảnh thương mại, và nhất là với sự thống trị của những đại gia phát hành phim: khi mà các nhà sản xuất không thể tự mình phát hành phim thì phải trông cậy vào những đại gia này. Vậy nên, tất cả những thứ đó ngày nay đang bị đe dọa qua việc quy giản một tác phẩm thành một sản phẩm, một hàng hóa. Cuộc chiến của các nhà điện ảnh để hoàn thành bộ phim của mình và chống lại ý đồ chiếm đoạt quyền sở hữu tác phẩm của nhà sản xuất cũng y hệt cuộc chiến của họa sĩ thuộc trào lưu văn nghệ Quattrocento.
Là thành quả của một quá trình trỗi dậy, tiến triển, những thế giới tự trị này giờ đang đi vào một tiến trình đơn hóa (involution): chúng là nơi tụt hậu, thoái lui, tác phẩm chuyển thành sản phẩm, tác giả biến thành kỹ sư hay kỹ thuật viên, những kẻ áp dụng những phương tiện kỹ thuật không phải do mình sáng tạo ra, chẳng hạn như kỷ xảo, hay những ngôi sao nổi tiếng mà các tạp chí phát hành rộng rãi thường tung hô nhằm thu hút số đông người đọc. Mà người đọc thì chưa đủ trình độ để tiếp nhận các nghiên cứu đặc thù, thường mang tính hình thức. Nhất là họ phải sử dụng các phương tiện cực kỳ tốn kém này để hướng tới những mục đích thuần túy thương mại, tức là tổ chức các phương tiện đó một cách có thể nói là vô liêm sỉ, nhằm thu hút càng đông khán giả càng tốt bằng cách thỏa mãn những xung năng sơ đẳng của họ, những xung năng mà các kỹ thuật viên khác, các chuyên gia marketing có thể thấy trước. Chính vì thế mà mà chúng ta cũng thấy xuất hiện, trong mọi lĩnh vực (chúng ta có thể tìm thấy những ví dụ khác trong lĩnh vực tiểu thuyết hay điện ảnh, thậm chí trong thơ ca với cái mà Jacques Roubaud gọi là “thơ thập cẩm” (poésie muesli), những sản phẩm văn hóa giả tạo. Những sản phẩm này thậm chí còn bắt chước y xì những thành tựu tiên phong bằng cách bắt chước những mánh khóe truyền thống để tạo ra những sản phẩm văn hóa. Những sản phẩm này, vì tính mơ hồ, nước đôi của chúng, có thể nhờ hiệu ứng allodoxia (nhầm lẫn) để đánh lừa các nhà phê bình và những người tiêu dùng cứ nghĩ mình là tân thời chủ nghĩa.
Chúng ta thấy sự lựa chọn giữa “toàn cầu hóa”, được hiểu như sự tuân theo cơ chế thị trường, tức là tuân theo sự thống ngự của “tính thương mại”. Mà tính thương mại thì ở đâu, thời kỳ nào cũng đi ngược lại cái mà người ta gọi là văn hóa và việc giữ gìn các nền văn hóa dân tộc hay một hình thức chủ nghĩa dân tộc văn hóa đặc thù nào đấy. Những sản phẩm vô vị thuộc trào lưu “toàn cầu hóa” thương mại, ví dụ như phim hoành tráng, nặng về kỷ xảo, hay “phim truyện thế giới” (world fiction) mà tác giả có thể là người Ý, người Ấn Độ, người Anh hay người Mỹ đối lập về mọi mặt với Quốc tế văn chương, nghệ thuật và điện ảnh, hội mà trung tâm của nó có thể ở bất cứ nơi đâu, cho dù đã ngự rất lâu tại Paris. Như Pascale Casanova đã chỉ ra trong Cộng hòa văn chương thế giới, “Quốc tế phi dân tộc hóa của những người sáng tạo”, những Joyce, Faulkner, Kafka, Beckett hay Gombrowicz, những đứa con máu mủ của Ailen, Mỹ, Tiệp Khắc hay Ba Lan nhưng lại được sinh ra ở Paris, hay những Kaurismaki, Mauel de Oloveira, Satyajit Ray, Kieslowsky, Kiarostami và biết bao nhiêu những nhà làm phim đương đại đến từ các nước trên thế giới mà mỹ học Hollywood không hề biết, không thèm biết, hẳn họ sẽ chẳng bao giờ tồn tại nếu không có truyền thống quốc tế chủ nghĩa về nghệ thuật, và cụ thể hơn, nếu không có thế giới thu nhỏ của những nhà sản xuất, nhà phê bình và những người tiếp nhận có trình độ. Vũ trụ thu nhỏ này rất cần thiết cho sự sống còn của nghệ thuật chân chính. Được thiết lập từ lâu, vũ trụ đó đã sống sót ở một số nơi không bị ảnh hưởng bởi sự xâm lăng của kinh tế.
Vì một chủ nghĩa quốc tế mới
Bất chấp vẻ bề ngoài, truyền thống chủ nghĩa quốc tế đặc thù về lĩnh vực văn hóa này đối lập cơ bản với cái mà người ta gọi là “toàn cầu hóa”. Khái niệm “toàn cầu hóa” vận hành như một mật khẩu, một khẩu hiệu và như một mặt nạ thuyết minh chính sách phổ cập hóa những lợi ích và truyền thống đặc thù của các thế lực thống trị về mặt kinh tế và chính trị, đặc biệt là Mỹ, và nhằm phổ biến khắp thế giới mô hình kinh tế và văn hóa có lợi nhất cho các thế lực này, bằng cách đồng thời đưa ra mô hình này như một chuẩn mực, như một lẽ sống (devoir-être) và như một định mệnh, một số phận mang tính phổ quát, làm thế nào đó để mà đạt được một sự gia nhập hay chí ít là một sự nhẫn nhục chấp nhận mang tính toàn cầu. Có nghĩa là, về mặt văn hóa, nhằm phổ quát hóa, bằng cách áp đặt trên toàn thế giới, những đặc trưng của một truyền thống văn hóa trong đó cơ chế thương mại đã có được sự phát triển toàn vẹn. (Trên thực tế, sức mạnh của logic thương mại nằm ở chỗ, ngoài thì trông có vẻ hiện đại tiến bộ nhưng trong chỉ là hậu quả của hình thức thả nổi căn bản, đặc trưng cho một trật tự xã hội phó mặc cho logic quyền lợi và nhu cầu trước mắt được chuyển đổi thành nguồn lợi nhuận. Các trường sản xuất văn hóa, vốn được thiết lập một cách trình tự và phải chịu nhiều hy sinh lớn lao, thì tỏ ra rất yếu ớt trước sức mạnh công nghệ kết hợp với sức mạnh kinh tế: quả thế thật, ngày nay, giống như những trí thức truyền thông đại chúng và các nhà sản xuất hàng best-sellers, những người chấp nhận đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hưởng lợi về mặt kinh tế và quyền lực biểu trưng thì luôn đông hơn và có thế lực hơn về mặt vật chất so với những người không hề nhượng bộ bất cứ nhu cầu nào của khách hàng, nghĩa là sản xuất cho một thị trường không tồn tại.)
Những ai gắn bó với truyền thống chủ nghĩa quốc tế văn hóa này, những nghệ sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu hay những nhà xuất bản, giám đốc nhà trưng bày, nhà phê bình của các nước trên thế giới, ngày nay phải tập trung lại để mà hành động vào thời điểm mà sức mạnh kinh tế, vốn có xu hướng bắt quy trình sản xuất và phát hành các sản phẩm văn hóa phải tuân theo quy luật lợi nhuận trước mắt, có sự tăng viện rất lớn từ các chính sách gọi là chính sách mở rộng tự do mà các thế lực kinh tế và văn hóa thống trị hòng áp đặt trên toàn cầu dưới vỏ bọc của “toàn cầu hóa.” Ở đây, bất đắc dĩ tôi phải nhắc đến những thực tế tầm thường vốn không có chỗ đứng trong tập thể các nhà văn… Dẫu biết rằng tôi có vẻ như đang nói gở, đang phóng đại những mối nguy cơ mà những biện pháp tự do mới đang đè nặng lên văn hóa. Tôi nghĩ đến Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ (AGCS) mà nhiều quốc gia khác nhau đã tán thành bằng cách gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Như nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt Lori Wallach, Agnès Bertrand và Raoul Jennar, đã chỉ ra điều đó, hiệp định này buộc 136 nước thành viên phải chấp nhận một điều rằng tất cả các dịch vụ của mình phải tuân theo quy luật tự do trao đổi hàng hóa và như vậy tạo điều kiện cho việc biến tất cả các hoạt động dịch vụ, kể cả các hoạt động đáp ứng các quyền cơ bản là giáo dục và văn hóa, thành hàng hóa và thành nguồn lợi nhuận. Chúng ta thấy dường như không còn khái niệm dịch vụ công và các thành quả xã hội cũng mang tính quyết định như việc tất cả mọi người được tiếp cận với giáo dục miễn phí và với văn hóa theo nghĩa rộng (quả thế, nhờ vào việc đặt lại vấn đề về các phân loại hiện hành, biện pháp này dường như cũng được áp dụng cho các dịch vụ như nghe nhìn, thư viện, lưu trữ, bảo tàng, vườn bách thảo, vườn thú và tất cả các dịch vụ liên quan đến giải trí như nghệ thuật, kịch nói, phát thanh, truyền hình, thể thao, v.v…) Chương trình đó có ý xem các chính sách của các quốc gia (liên quan đến việc bảo tồn đặc trưng văn hóa dân tộc và qua đó nhằm cản trở công nghiệp văn hóa xuyên quốc gia) là những “trở ngại cho kinh tế”. Làm sao mà không thấy rằng hậu quả của chương trình này chính là cấm phần lớn các quốc gia, đặc biệt là các nước ít tiềm năng kinh tế và văn hóa, được quyền hy vọng phát triển theo đặc thù dân tộc và đặc thù địa phương và bảo đảm sự đa dạng văn hóa cũng như sự đa dạng trong các lĩnh vực khác? Nhất là chương trình đó lại buộc các biện pháp quốc gia, các quy định nội bộ, các khoản trợ cấp cho các cơ quan, thể chế v.v… phải tuân theo những bản án của một tổ chức đang cố đáp ứng những đòi hỏi của các thế lực kinh tế xuyên quốc gia bằng một chuẩn mực toàn cầu.
Sự tai ác của chính sách này thể hiện trong một hậu quả kép: trước hết, chính sách này được bảo vệ chống lại giới phê bình và sự phản đối của công chúng bằng cách giữ bí mật cho những người đẻ ra nó, sau nữa, nó có rất nhiều hệ lụy, đôi khi có mong muốn, mà những người phải chịu những hệ lụy đó không thấy vào thời điểm chính sách được thực thi. Những hệ lụy này chỉ xuất hiện khá chậm, thành thử các nạn nhân không thể tố cáo chính sách đó ngay tức thì (chẳng hạn như tất cả các chính sách giảm giá trong lĩnh vực y tế).
Đó là một chính sách biết cách sử dụng các nguồn lực tri thức vào lợi ích kinh tế nhờ vào sức mạnh của đồng tiền, ví dụ như Think Tanks, viện chính sách tập hợp các nhà tư tưởng và các nhà nghiên cứu đương chức, các nhà báo và các chuyên gia quan hệ công chúng. Chính sách đó hẳn phải gây nên sự cự tuyệt của tất cả các văn nghệ sĩ và các học giả vốn gắn bó với công việc nghiên cứu độc lập. Nhưng bản thân những người này đang là những nạn nhân được chỉ định. Ngoài việc không phải lúc nào họ cũng nhận thức và hiểu biết các cơ chế và hành động đang tập trung phá hủy thế giới mà chính cuộc sống của họ đang có liên quan; vì luôn thiết tha một cách chính đáng sự độc lập, tự trị, nhất là về mặt chính trị, họ không được chuẩn bị tốt để dấn thân trên chính trường, dù chỉ để bảo vệ sự độc lập, tự chủ của mình. Sẵn sàng cùng hành động vì các sự nghiệp toàn cầu mà hệ hình của chúng mãi là hành động của Zola ủng hộ Dreyfus nhưng họ lại không sẵn sàng cho lắm trong việc dấn thân vào những hoạt động mà họ thấy dường như mang tính nghiệp đoàn chủ nghĩa ích kỷ vì những hoạt động này chỉ có một đối tượng chủ yếu, đó là việc bảo vệ quyền lợi đặc thù của họ. Như vậy là chúng ta quên rằng, bằng cách bảo vệ những quyền lợi liên quan trực tiếp nhất đến cuộc sống của bản thân họ (bằng những hành động như những hành động của các nhà điện ảnh Pháp chống lại AMI- Hiệp định đa phương về đầu tư), họ góp phần bảo vệ các giá trị mang tính phổ quát nhất, những giá trị mà qua họ đang bị trực tiếp đe dọa.
Những hoạt động kiểu này vừa hiếm vừa khó: việc huy động giới chính khách vào những sự nghiệp vượt qua giới hạn của những quyền lợi nghiệp đoàn của một loại hình xã hội đặc thù, tài xế xe tải, y tá, nhân viên ngân hàng hay các nhà điện ảnh luôn đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian, đôi khi yêu cầu cả tinh thần dũng cảm nữa. Những “mục tiêu” của việc huy động giới chính khách thì cực kỳ trừu tượng và rất xa rời thực tế của công dân, kể cả những người có học: các công ty đa quốc gia lớn với những hội đồng quản trị quốc tế, những tổ chức quốc tế lớn, OMC, FMI và ngân hàng thế giới và những chi nhánh với những tên viết tắt phức tạp và đôi khi không thể đọc được, và tất cả các thực tế tương ứng, các ban và ủy ban gồm những nhà kỹ thuật cầm quyền không được bầu và công chúng quảng đại ít biết đến, tất cả tạo thành một chính phủ quốc tế vô hình mà nhiều người không nhận biết và quyền lực của nó thậm chí chi phối các chính phủ quốc gia. Kiểu Big Brother (truyền hình thực tế) này được trang bị tất cả các tập tin được kết nối với nhau về tất cả các thể chế kinh tế và văn hóa. Nó có công năng, hiệu suất, nó quyết định chúng ta ăn gì, không ăn gì, đọc hay không đọc, xem hay không xem phim hay ti vi, và cứ như thế, trong khi các nhà tư tưởng sáng suốt nhất vẫn còn tin rằng những gì đang diễn ra hiện nay là sự tiếp nối những tư biện kinh viện về các dự án Quốc gia toàn cầu theo tư tưởng của các triết gia thế kỷ 18.
Bằng quyền lực gần như tuyệt đối, một thứ quyền lực chi phối các tập đoàn truyền thông lớn, có nghĩa là chi phối toàn bộ các công cụ sản xuất và phát hành các sản phẩm văn hóa, những ông chủ thế giới mới đang hướng đến việc thâu tóm tất cả các quyền lực kinh tế, văn hóa và biểu trưng, những quyền lực mà trong phần lớn các xã hội luôn mang tính riêng biệt, thậm chí đối lập, và như vậy, họ có khả năng áp đặt trên quy mô lớn thế giới quan của họ cho phù hợp với quyền lợi của mình. Mặc dù không phải là những nhà sản xuất trực tiếp và cách thể hiện của chúng được bộc lộ trong những thông cáo không phải là độc đáo nhất, tinh tế nhất của các nhà quản lý, các tập đoàn truyền thông lớn đang đóng góp một phần quyết định vào việc lưu hành gần như trên toàn thế giới một tín điều (doxa) vừa tràn lan vừa vòng vo về một chủ nghĩa tự do mới mà có lẽ phải phân tích chi tiết cái biện pháp tu từ: những con quỷ logic như những nhận định chuẩn (ví dụ như: “kinh tế đang toàn cầu hóa, cần phải toàn cầu hóa nền kinh tế của chúng ta”; “mọi thứ thay đổi rất nhanh, chúng ta cần phải thay đổi”), những “suy luận” thô lỗ, vừa kiên quyết vừa lạm dụng (“Sở dĩ chủ nghĩa tư bản thắng thế khắp nơi là bởi vì nó được ghi sâu trong bản chất của con người”), những luận đề không thể pha gian (“Bằng cách tạo ra sự giàu có, chúng ta tạo ra công ăn việc làm”, “Quá nhiều thuế sẽ giết chết thuế”), cách nói mà, đối với những người hiểu biết nhất, có thể tham khảo biểu đồ nổi tiếng của Laffer, một nhà kinh tế học khác tên là Roger Guesnerie đã chứng minh rằng biểu đồ này không thể chứng minh…), những thực tế hiển nhiên, không thể tranh cãi, đến nỗi chính việc tranh cãi về những thực tế này dường như đang là vấn đề đáng tranh cãi (“Nhà nước bảo hộ và sự bảo đảm công ăn việc làm đã thuộc về quá khứ” và “làm sao còn có thể bảo vệ nguyên lý dịch vụ công”), những ngộ biện đôi khi méo mó (kiểu: “Nhiều thị trường hơn là nhiều công bằng hơn”, “chủ nghĩa bình quân xô đẩy hàng nghìn người đến sự nghèo khó”, những uyển ngữ kỹ thuật cầm quyền (nói “tái cơ cấu các doanh nghiệp” thay vì nói sa thải) và biết bao nhiêu khái niệm và cách nói sáo rỗng, gần như không rõ nghĩa, bị tầm thường hóa và bị bào mòn vì nói lâu thành quen, những khái niệm, cách nói vận hành như những câu thần chú, được nhai đi nhai lại vì giá trị thần chú của chúng (“phi điều tiết”, “thất nghiệp tự nguyện”, “tự do trao đổi”, “tự do lưu thông vốn”, “tính cạnh tranh”, “tính sáng tạo”, “cách mạng công nghệ”, “tăng trưởng kinh tế”, “khắc phục lạm phát”, “giảm nợ công”, “giảm giá thành lao động”, “giảm chi tiêu xã hội”). Bị áp đặt bởi hậu quả của sự phát triển liên tục, tín điều (doxa) này rốt cuộc được thể hiện với sức mạnh tiềm ẩn của một điều gì đó hiển nhiên. Ai mà định loại bỏ khái niệm này thì không thể, ngay trong trường sản xuất sản phẩm văn hóa, trông cậy vào giới báo chí vốn liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất và các sản phẩm hướng đến sự thỏa mãn nhu cầu của công chúng đông đảo nhất (nói thế không phải không có những ngoại lệ), cũng không thể trông cậy vào các “trí thức truyền thông đại chúng”. Những trí thức này luôn quan tâm đến thành quả vật chất, cuộc sống của họ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Trong một số trường hợp hy hữu và cũng đặc biệt đầy ý nghĩa, họ có thể bán trên thị trường kinh doanh những sản phẩm bắt chước, mô phỏng các tác phẩm thời kỳ tiên phong mà các tác phẩm tiên phong thì luôn chống lại thị trường đó. Điều này có nghĩa, vị thế của các nhà sản xuất sản phẩm văn hóa độc lập nhất, bởi lẽ càng ngày càng mất đi phương tiện sản xuất và đặc biệt là phương tiện lưu hành, có lẽ chưa bao giờ bị đe dọa đến mức như vậy, chưa bao giờ yếu như vậy nhưng cũng chưa bao giờ hiếm có, hữu ích, quý báu như vậy.
Kỳ lạ ở chỗ, những nhà sản xuất “trong sạch” nhất, phi lợi nhuận nhất, “hình thức” nhất” thường đi tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ các giá trị cao quý nhất của nhân loại. Bằng cách bảo vệ tính đặc thù của mình, họ bảo vệ những giá trị phổ quát nhất.
Séoul, tháng 9 năm 2000.