CÓ NÊN TIẾP TỤC ĂN TẾT TA?: ‘TẾT NÊN GIỮ NHƯNG PHẢI CHẤP NHẬN SỰ ĐA DẠNG’
Tác giả:
Nguyễn Loan
'Không thể khư khư giữ ý nghĩ tết là phải về quê sum vầy, nấu bánh chưng, dựng cây nêu mới là tết, chúng ta vẫn có thể đi du lịch, nghỉ ngơi, hay ở lại thành phố trong những ngày này”, GS Trần Ngọc Thêm chia sẻ.
Trước tranh luận có nên giữ lại Tết Nguyên đán hay chỉ ăn Tết dương lịch như nhiều nước, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Tết Nguyên đán vẫn có giá trị riêng
Thưa giáo sư, hiện nay một số người cho rằng chúng ta nên gộp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán làm một vì... có quá nhiều tết, ý kiến của ông như thế nào?
- Đúng là Việt Nam đang có hai cái tết song hành, nhưng mà thực chất người Việt quan tâm và trông chờ nhiều hơn vào tết truyền thống hàng năm. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, người lao động sẽ có một kỳ nghỉ lễ dài để nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Tết tây chỉ gọi là "cho có" vì hằng năm người Việt được nghỉ một ngày và nhiều người coi đây chỉ là một ngày nghỉ chứ không coi đây là tết. Do vậy không nên cào bằng để nói rằng ta có tới hai cái tết (như nhau).
Hơn nữa, việc có nên bỏ Tết Nguyên đán hay không không phụ thuộc vào những lý do hay ý kiến của một số cá nhân mà nó phụ thuộc vào tình cảm của con người. Tết Nguyên đán là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm trí người Việt từ người già đến trẻ con nên không dễ thay đổi hay bỏ đi được.