Niềm tin của người dân là sự tin tưởng, hoài nghi hoặc không tin tưởng vào hoạt động của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong xã hội. Đo lường niềm tin đã trở thành một biện pháp quan trọng nhằm góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo. Từ thực tiễn cách mạng, Đảng ta nhận thức một cách sâu sắc: sự thành bại của sự nghiệp cách mạng luôn luôn gắn liền với niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Muốn dân tin Đảng, Đảng phải coi lợi ích của nhân dân, của đất nước là mục tiêu phấn đấu của mình.
Niềm tin của người dân
Niềm tin của người dân (NTCND) được tiếp cận đa chiều theo đó mô tả khái niệm không giống nhau, kế thừa và phát triển những kết quả đã có, tác giả cho rằng, NTCND được định hình theo ba nhóm:
– Niềm tin cá nhân. Là hiện tượng tâm lý đặc biệt của mỗi cá nhân với các biểu hiện cụ thể như: tin tưởng, hoài nghi, không tin tưởng vào các chủ thể khác1 trong một hoặc một số phương diện cụ thể khác nhau (hành động, mục đích, mục tiêu, ý nghĩa, kết quả…). Do là hiện tượng tâm lý cá nhân nên niềm tin với các biểu hiện cụ thể đã nêu được hình thành trên cơ sở: kiến thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm, lý trí, ý chí, độ nhậy cảm thần kinh và các giác quan của mỗi cá nhân. Mức độ tác động, ảnh hưởng (trực tiếp, gián tiếp) của các yếu tố nêu trên không đồng đều, không như nhau thậm chí trái ngược đối với mỗi cá nhân. Ví dụ khá thú vị minh họa cho điều này là tai bay vạ gió với loại bia của Me-xi-co trùng tên virus corona (bia Corona Extra): 38% khách hàng Mỹ được hỏi tuyên bố không mua “trong bất cứ trường hợp nào”2. Qua ví dụ này cho thấy, đôi khi độ nhạy cảm thần kinh và các giác quan tạo nên tâm lý gần như không gắn kết với kiến thức, sự hiểu biết của mỗi cá nhân.
– Niềm tin nhóm xã hội. Nhóm xã hội là một tập hợp của hai hoặc nhiều người có cùng chung những lợi ích và mục đích, giữa các thành viên có sự tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau về hành vi; là một đơn vị tồn tại một cách có tổ chức. Những điều kiện để một tập hợp người trở thành một nhóm gồm:
Thứ nhất, các thành viên phải tương tác, chia sẻ với nhau, có ảnh hưởng đến nhau trực tiếp hoặc gián tiếp;
Thứ hai, các quan hệ giữa các thành viên phải tương đối bền vững và có sự phụ thuộc vào nhau. Sự việc xảy ra với người này có ảnh hưởng tới người khác;
Thứ ba, các thành viên có chung mục đích hoạt động và cùng chia sẻ trách nhiệm để đạt tới mục đích đó, vì lợi ích tập thể và vì sự tiến bộ xã hội;
Thứ tư, mỗi một thành viên trong nhóm đều giữ một hoặc nhiều vai trò, vị trí nào đấy (tương ứng với một công việc nhất định). Các vai trò thể hiện trong nhóm như vai trò hướng về công việc, vai trò liên quan đến củng cố, duy trì nhóm, và các vai trò liên quan đến nhu cầu cá nhân (cản trở hay thúc đẩy nhóm phát triển). Các vai trò này luôn biến đổi làm cho nhóm năng động và ảnh hưởng lên từng con người trong nhóm;
Thứ năm, sự tác động giữa các thành viên trong nhóm phải dựa trên những quy tắc, tiêu chuẩn riêng;
Thứ sáu, các thành viên phải nhận ra sự tồn tại của họ trong các mối quan hệ với nhóm và điều này thể hiện ở những đặc điểm tâm lý chung của nhóm (thể hiện ở nhận thức, xúc cảm, mục tiêu hoạt động…).
Từ nhận thức về nhóm xã hội nêu trên cho thấy, niềm tin của nhóm xã hội không là phép cộng đơn thuần niềm tin của mỗi cá nhân thành viên của nhóm. Sự tin tưởng, hoài nghi, không tin tưởng của nhóm đối với tổ chức, cá nhân khác trong xã hội được hình thành trên cơ sở phương châm hành động, mục đích, mục tiêu và sự tương tác, phối hợp, chia sẻ… của nhóm (tổ chức) với các chủ thể đó. Trong số các yếu tố bên trong tạo nên niềm tin của nhóm xã hội có yếu tố “Người đóng vai trò thủ lĩnh” định hướng niềm tin, dẫn dắt nhóm đạt đến điều mong muốn.
– Niềm tin cộng đồng xã hội. So với niềm tin nhóm xã hội thì niềm tin cộng đồng xã hội có những điểm tương đồng như: không là phép cộng thuần túy niềm tin cá nhân, niềm tin nhóm xã hội; yếu tố bên trong bao gồm các yếu tố niềm tin cá nhân, niềm tin nhóm xã hội; cũng cần có người định hướng, dẫn dắt; các biểu hiện cụ thể cũng là tin tưởng, hoài nghi và không tin tưởng. Những điểm khác biệt quan trọng cụ thể là:
Một là, đối tượng, phạm vi chủ thể rộng lớn hơn, bao trùm hơn, tuy vậy không bao phủ được hết toàn bộ xã hội. Do đó, niềm tin cộng đồng xã hội mang tính đại diện cho xã hội. Ví dụ: đa số tin tưởng, một số hoài nghi và một số ít không tin tưởng. Đặc điểm này cho thấy sự khác biệt giữa “Niềm tin của người dân” với “Lòng tin xã hội” (LTXH) sẽ được so sánh phân tích ở mục sau.
Hai là, chỉ với các yếu tố bên trong, đặc biệt là yếu tố vai trò của thủ lĩnh như đối với niềm tin cộng đồng xã hội là chưa đủ. Do đối tượng, phạm vi chủ thể rộng lớn hơn, bao trùm đại diện cho xã hội nên cần có tổ chức nòng cốt với những người ưu tú, đủ uy tín và năng lực định hướng niềm tin và hướng dẫn hành động thống nhất đối với xã hội.
Ba là, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, mức độ phát triển vũ bão của công nghệ thông tin truyền thông, theo đó tác động (trực tiếp) mạnh mẽ đến mỗi cá nhân, nhóm xã hội và ảnh hưởng đến cả xã hội. Đây là đặc điểm cần chú ý với yếu tố bên ngoài khi định hình, dẫn dắt niềm tin cộng đồng xã hội để không bị rơi vào trạng thái “tâm lý đám đông” hay “khủng hoảng niềm tin do truyền thông” đang khá phổ biến hiện nay.
Từ những quan niệm trên, tổng hợp lại cho thấy: NTCND (cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội) là sự tin tưởng, hoài nghi hoặc không tin tưởng vào hoạt động của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, tránh nhiệm trong xã hội.
So sánh NTCND với LTXH
LTXH (social trust) là vấn đề được tiếp cận và nghiên cứu đa ngành, gắn với tên tuổi của các học giả nổi tiếng, như: Giddens, Putnam, Weigert, Lewis, Coleman, hay Francis Fukuyama,… Trong xã hội học, LTXH được xem là một cấu phần chính của vốn xã hội (social capital), cùng với các mạng lưới xã hội, các chuẩn mực xã hội (social norms).
Nếu như yếu tố bên ngoài của NTCND là hành động hoặc không hành động của các chủ thể khác; thông tin, truyền thông; đạo đức, văn hóa và mức độ phát triển xã hội. Thì LTXH có nguồn gốc của sự tin cậy trong xã hội không phải xuất phát từ lòng tốt hay từ thiện ý chủ quan của từng cá nhân, mà là xuất phát chủ yếu từ các định chế xã hội. Nói cách khác, sự tin cậy tồn tại trên nền tảng của các quy ước và các chuẩn mực xã hội trong khuôn khổ của những định chế xã hội nhất định.
Trong xã hội cổ truyền, người ta tin nhau vì cùng là thành viên của một định chế xã hội nào đó, như: làng xã, dòng tộc hay cộng đồng tôn giáo. Mỗi thành viên yên tâm rằng các thành viên khác (trong cùng một cộng đồng) sẽ cư xử với mình phù hợp với những quy tắc và chuẩn mực mà cả cộng đồng cùng chia sẻ. Phạm vi bán kính của sự tin cậy này nói chung là hẹp, đóng kín; các mối liên hệ xã hội thường là trực tiếp và diện đối diện (face to face). Trong xã hội hiện đại, ngoài những mối liên hệ trực tiếp trong gia đình hay giữa bạn bè thân thiết với nhau, người ta còn có những mối liên hệ giao tiếp rộng rãi hơn ngoài xã hội và trong nhiều trường hợp còn mang tính chất vô danh hoặc nặc danh.
Những định chế mang tính chất trung giới (mediation) giữa cá nhân với xã hội không còn là những định chế cổ truyền (như làng xã hay dòng tộc), mà là những định chế xã hội đa dạng của xã hội hiện đại (trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội). Ngoài phạm vi gia đình và những nhóm xã hội nhỏ, cơ sở xã hội của sự tin cậy giữa các cá nhân với nhau trong đời sống xã hội lúc này phần lớn không còn dựa trên phong tục và tình cảm như trong xã hội cổ truyền, mà dựa trên luật pháp và lý tính3.
Theo các nhà nghiên cứu thì tiêu chí khác biệt cơ bản giữa NTCND với LTXH là giá trí phản ánh. Đối với “niềm tin” thì giá trị phản ánh là tư tưởng, còn với “lòng tin” thì giá trị phản ánh là đạo đức. Lẽ tất yếu là tư tưởng, đạo đức đều phải giữ vai trò chính thống, chủ đạo, chi phối quyết định đến định hướng phát triển các giá trị xã hội (phát triển giá trị tư tưởng, giá trị đạo đức xã hội).
Thực tiễn đo lường niềm tin của người dân
Đo lường NTCND với khung lý thuyết của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)
Có nhiều mô hình đo lường khác nhau như: mô hình chất lượng kỹ thuật – chức năng của Gronroos; mô hình chất lượng khoảng cách của Parasuraman & ctg; mô hình các nhân tố chất lượng dựa trên sự hài lòng của Johnston4… mục này giới thiệu mô hình đo lường của OECD5.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đo lường NTCND thể hiện trên một số khía cạnh như: sự tham gia, sự tương trợ, các mạng lưới xã hội. Mỗi một khía cạnh lại chia thành các tiêu chí để đo lường định tính trên những phương diện khác nhau tùy theo yêu cầu của cuộc khảo sát.
Ứng dụng logic đo lường của OECD trong đánh giá sự tin tưởng của người dân vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Chính phủ6
(1) Đối tượng điều tra (yếu tố bên trong của niềm tin)
Đây là cuộc khảo sát quy mô lớn nhất toàn cầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức), tiến hành7. Với sự tham gia của khoảng 32.600 người tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp châu lục. Ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ khảo sát, Dalia Research tiến hành lấy ý kiến ít nhất 500 người dân. Kết quả được công bố ngày 30/3/2020.
(2) Nội dung và kết quả khảo sát: Đề nghị người dân các nước đánh giá về cách phản ứng của Chính phủ với dịch Covid-19.
– Có khoảng 70% số ý kiến đại diện cho 40% dân số toàn cầu tin rằng nhà nước đã có những phản ứng “đúng mức” để chống đại dịch.
– Cũng theo khảo sát, gần một nửa số ý kiến được hỏi (43%) cho rằng: Chính phủ của họ đã phản ứng “quá ít” trong ứng phó với dịch bệnh, trong khi người dân ở 8/45 quốc gia và vùng lãnh thổ cho rằng: Chính phủ những nơi này đã hành động có phần “thái quá” trong ứng phó dịch bệnh.
– Bên cạnh đó, khi Mỹ vượt Trung Quốc về số ca nhiễm, có 19% số dân Mỹ được hỏi tin rằng Chính phủ đang làm “quá nhiều” để chống dịch. Người dân ở Pháp và Tây Ban Nha đều cho rằng Chính phủ hai nước này “chưa làm gì nhiều” để chống dịch, tương ứng ở mức 64% và 66%.
Qua kết quả trên, cùng với các tin tức trên báo, đài phát thanh, đài truyền hình trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội – Social distancing, cho thấy NTCND, uy tín của Chính phủ Việt Nam được nâng cao hơn ở trong nước và bạn bè quốc tế.
Một số khuyến nghị về củng cố niềm tin của người dân
Trên phương diện nhận thức – lý luận
– Tiếp thu những giá trí khoa học trong nghiên cứu về niềm tin xã hội của người dân các nước, nhất là các nươc phát triển để sử dụng phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, mức độ phát triển của Việt Nam (các khía cạnh cần đo lường về niềm tin xã hội của OECD cho thấy khá rõ điều này).
– Nhận thức đúng về vai trò, giá trị của nghiên cứu xã hội học đối với chính sách công và dịch vụ công để từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế tạo điều kiện phát triển nghiên cứu (khảo sát do tổ chức Dalia Research thực hiện đánh giá về cách phản ứng của chính phủ với dịch Covid-19 cho thấy, đóng góp của nghiên cứu vào việc củng cố NTCND đối với Chính phủ).
– Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản để định hình ổn định khung lý thuyết trong đánh giá NTCND đối với dịch vụ công. Thông qua các Chỉ số như: PAPI, PAR INDEX, SIPAS cho thấy, khung lý thuyết chung cho việc đánh giá chất lượng dịch vụ công ở nước ta chưa hoàn chính, đó là một trong những nguyên nhân tạo ra mâu thuẫn, trùng chéo về kết quả giữa các cuộc điều tra, làm giảm độ tin cậy của người dân và xã hội đối với các Chỉ số.
– Hành trình từ “Tự trọng cá nhân” đến “Văn hóa đáng tin” rồi đến “Thương hiệu uy tín” cũng chính là cách thức xây dựng thương hiệu hiệu quả và bền vững nhất đối với mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp và mọi quốc gia. Với phương cách độc đáo này, xây dựng thương hiệu không chỉ là công việc của bộ phận marketing hay công việc của ban lãnh đạo công ty như lâu nay, mà đó còn là trách nhiệm thực sự của mỗi thành viên trong toàn tổ chức. Mỗi nhân viên đều là người xây dựng thương hiệu công ty, để khi có thương hiệu mạnh thì doanh thu sẽ tăng, chi phí sẽ giảm và hệ quả là lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ tăng nhanh và tăng bền vững. Nghiên cứu sử dụng hợp lý những kinh nghiệm quản lý của khu vực kinh tế thị trường vào khu vực công để cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao uy tin, LTXH cũng là một hướng cần đẩy mạnh.
– Tính kịp thời, thời sự của các nghiên cứu cũng là điều cần vận dụng thực hiện ở nước ta để củng cố, cải thiện NTCND đối với một số dịch vụ công. Củng cố, cải thiện vì các nghiên cứu mang tính khoa học, khách quan, cung cấp thông tin đa chiều theo đó tác động đến các yếu tố bên trong của niềm tin để các cá nhân, nhóm xã hội nhìn nhận đúng thực tế, không bị rơi vào “tâm lý đám đông”.
Trên phương diện thực tiễn – tổ chức thực hiện8
Trong cuốn sách “Tốc độ của niềm tin” đã chỉ ra một trong những phương pháp hay nhất về cách thức xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Theo đó, muốn có thương hiệu uy tín (Trusted brands) thì cần phải có một tổ chức đáng tin. Mà một tổ chức đáng tin thì cần phải có đội ngũ những con người đáng tin. Bất kể là tạo dựng niềm tin trong tổ chức hay trên thương trường – đều xuất phát từ sự tin cậy của chính bản thân mỗi người, trong các mối quan hệ của chúng ta, rồi lan tỏa trong tổ chức, lan tỏa trên thương trường và xã hội. Bài học này đã được một số nước vận dụng thành công theo mô hình “Hợp tác công – tư” để cải cách khu vực công.
– Công việc quan trọng nhất của mọi nhà lãnh đạo là khơi dậy niềm tin trong nhân viên, nhằm giải phóng sức sáng tạo và khả năng của mỗi cá nhân để họ cống hiến hết mình, đồng thời tạo ra môi trường có độ tin cậy cao để đội ngũ có thể cùng nhau chung sức làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng, nhất là đối với các lãnh đạo trẻ. Vì vậy, khóa học Lãnh đạo với Tốc độ của niềm tin có thể sẽ chỉ đường cho những ai còn bối rối trên hành trình xây dựng niềm tin cho tổ chức. Phương pháp này sẽ giúp các nhà lãnh đạo biết cách vận hành của niềm tin, cách đo lường, thiết lập, phát triển, mở rộng và duy trì chúng – để triển khai chiến lược phát triển tổ chức thành công trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng như hiện nay. Từ đó cho thấy kinh nghiệm trong xây dựng hình ảnh, trách nhiệm cũng như bối dưỡng năng lực đối với lãnh đạo, quản lý là điều cần làm.
– Như đã nêu ở trên niềm tin ở phạm vi rộng nhất là “Niềm tin của cộng đồng xã hội” nhưng ngay ở mức này cũng không bao phủ hết toàn bộ xã hội. Tức là, vẫn còn bộ phận (cá nhân, nhóm xã hội) với những cách lý giải khác nhau cho lý do hoài nghi hoặc không tin. Thực tế việc sử dụng khẩu trang ở các nước châu Á và không sử dụng khẩu trang y tế ở các nước châu Âu và Mỹ trong dịch Covid 19 đã cho ta thấy rõ điều này. Ngay tại Việt Nam, mới đây ngày 06/4/2020 khoảng 30 người trong khu cách ly ở huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) mua bia rượu, gà vịt rồi tụ tập ăn nhậu mừng gần hết ngày cách ly9. Hoặc hành vi hất tung máy đo và tát công an của phụ nữ ở Hải Phòng10…
Thực tế đó cho thấy cùng với các biện pháp tuyên truyền, vận động cần thực hiện các biện pháp “mạnh” để cải thiện các yếu tố bên trong (kiến thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm, lý trí, ý chí…) của mỗi cá nhân không chỉ với niềm tin mà trên nhiều phạm trù khác. Nói cách khác cần khai thác, sử dụng thể mạnh của truyền thông, các mạng xã hội và cùng với đó sử dụng hiệu quả công cụ bảo vệ pháp luật theo phương châm “Tuyên truyền phổ biến kết hợp với xử lý nghiêm minh các vi phạm”, đây cũng là giải pháp củng cố NTCND.
– Huy động sự tham gia của các nhóm xã hội vào hoạt động cung ứng, kiểm soát, đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ công cũng là một nội dung cần quan tâm vận dụng đối với Việt Nam. Nghiên cứu của tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức) về xếp hạng Chính phủ trong phòng, chống Covid 19 đã cho thấy rõ ý nghĩa của bài học này.
– Ứng dụng mạnh những công nghệ mới để có những nghiên cứu kịp thời, bảo đảm độ tin cậy cao trong đánh giá niêm tin của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ công và hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước.