1. Di tích lịch sử, văn hóa - tiềm năng của du lịch và những khó khăn cần giải quyết
Di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Thành phố là những di sản vô giá phản ánh những giá trị lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể của Thành phố hơn 300 năm khai phá, xây dựng và đấu tranh kiên cường bất khuất chống kẻ thù xâm lược của quân và dân Thành phố trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Mỗi một di tích lịch sử - văn hóa là nơi hội tụ các giá trị của thiết chế văn hóa, một không gian văn hóa công cộng cho tất cả nhân dân đến tham quan, vui chơi, thực hiện các nghi lễ truyền thống và nghiên cứu, học tập. Đặc biệt, giá trị to lớn của di tích lịch sử - văn hóa là góp phần quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cần cù trong lao động, xây dựng, anh dũng trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của các thế hệ tiền nhân cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đây chính là tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng phong phú – lợi thế phát triển du lịch của thành phố chúng ta.
Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 172 di tích có quyết định xếp hạng, trong đó gồm: 02 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 55 di tích quốc gia; 114 di tích cấp thành phố [Phòng Di sản văn hoá 2017]. Ngoài ra, có hơn 100 công trình, địa điểm được đề nghị đưa vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa.
Trong những năm qua, nhiều di tích đã được ngành du lịch khai thác hiệu quả như: 02 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là dinh Độc Lập và địa đạo Củ Chi, trở thành thương hiệu cho ngành du lịch tại Thành phố. Hầu hết các di tích đã được ngành du lịch quan tâm, giới thiệu và đưa khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Ngành di sản và ngành du lịch cần hợp tác để khắc phục những khó khăn, tồn tại nhằm phát huy giá trị di tích, thu hút khách du lịch tham quan. Căn cứ trên hồ sơ của Trung tâm Bảo tồn Di tích TP HCM, xin giới thiệu một số di tích tiêu biểu của các loại hình di tích như sau:
- Di tích lịch sử: Thành phố hiện có 72 di tích lịch sử (24 di tích lịch sử quốc gia, 48 di tích lịch sử cấp thành phố). Di tích lịch sử ở Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng hào hùng và trở thành niềm tự hào của quân dân thành phố trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử hết sức đa dạng, tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ví dụ:
+ Trụ sở Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam cạnh phân ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn (1955-1958) - quận Phú Nhuận), là di tích lịch sử lưu niệm sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lợi thế của di tích là mặt bằng di tích rộng rãi, kiến trúc đẹp và nội dung giá trị được thể hiện khá đầy đủ qua phần trưng bày bổ sung di tích. Khó khăn lớn nhất hiện nay khi đưa khách đến tham quan là thủ tục hành chính: phải được cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cho phép tham quan. Do đó, cần giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn khách tham quan.
+ Di tích lịch sử là cơ sở nuôi giấu cán bộ, nơi cất giấu vũ khí của cách mạng, là nơi ghi đậm dấu ấn cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, góp phần vào thành công của cách mạng, đặc biệt là các trận đánh vang dội vào đầu não của địch trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Loại hình di tích này hiện ở Thành phố khá nhiều, kể cả các công trình, địa điểm đã được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích, tiêu biểu như: Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968; Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968; Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ (1965 - 1975); Cơ sở bí mật của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1968 - 1972 và cơ sở bí mật của Ban Hoa Vận đặc khu Sài Gòn - Gia Định,... Khó khăn hiện nay là các di tích này đa số nằm trong các khu vực đông dân cư (đây là đặc điểm chung của chiến tranh nhân dân Việt Nam ở các đô thị). Việc đưa cả đoàn khách du lịch khoảng 50 đến 100 người vào di tích sẽ ảnh hưởng đến giao thông của khu vực. Vì vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa địa phương với các đơn vị du lịch để việc chuẩn bị mọi mặt, nhất là khu vực để xe và tiếp đón khách tham quan được thuận lợi.
+ Căn cứ Vùng Bưng Sáu xã - là di tích lịch sử tiêu biểu cho loại hình di tích. Đây là căn cứ địa có giá trị lịch sử to lớn trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Hiện nay, di tích đang được các Quận 2, Quận 9 và Thành phố quan tâm, mở rộng và phục dựng, tái hiện cảnh quan di tích như thời chiến tranh, khả năng sẽ là nơi hấp dẫn du khách trong tương lai. Vì, với vị trí cận kề trung tâm thành phố, đường đi thuận lợi, mặt bằng rộng rãi, cảnh quan mang dấu ấn vùng quê Nam Bộ, du lịch có nhiều thuận lợi khi kết hợp tham quan di tích với du lịch sinh thái, nhà vườn, du lịch đường sông.
+ Di tích lịch sử là nơi ghi dấu chứng tích tội ác của thực dân và đế quốc xâm lược, là nơi hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào đã bị giam giữ tra tấn dã man khi không may bị bắt. Nhưng cũng tại nơi đây những người yêu nước, những chiến sĩ cách mạng đã thể hiện ý chí và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam như: di tích Ngã Ba Giồng (Hóc Môn); Bót Dây Thép (Quận 9); Khu trại giam trong bệnh viện Chợ Quán – nơi đồng chí Trần Phú hy sinh... Đây là nơi mà du khách khi tham quan sẽ cảm nhận được nỗi đau của chiến tranh và thêm yêu cuộc sống hạnh phúc trong hòa bình, tự do, độc lập. Di tích Ngã Ba Giồng đã được Thành phố đầu tư, trưng bày và là nơi tổ chức kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940). Hai di tích còn lại cần được tu bổ, nâng cấp phần trưng bày để phát huy giá trị di tích hiệu quả hơn.
- Di tích kiến trúc nghệ thuật: Di tích kiến trúc nghệ thuật bao gồm những công trình kiến trúc cổ như đình, lăng, miếu, hội quán của người Hoa, chùa, nhà cổ dân gian truyền thống, công trình kiến trúc cổ đô thị, mộ cổ,… Loại hình di tích này chứng minh cho quá trình lịch sử khai phá, xây dựng và hoạt động kinh tế, văn hóa trên địa bàn thành phố trong diễn trình lịch sử. Mỗi di tích có những giá trị kiến trúc tiêu biểu riêng, nếu nghiên cứu, giới thiệu sẽ thấy được giá trị to lớn về kiến trúc của di tích; đồng thời, du khách đến di tích có thể thực hiện các nghi thức tín ngưỡng tôn giáo.
+ Di tích thuộc loại hình chùa, đình, miếu... là công trình kiến trúc cổ, có lợi thế về du lịch nghiên cứu giá trị kiến trúc nghệ thuật và du lịch tâm linh hiện đang thu hút đông đảo khách tham quan, nhất là những ngày lễ, hội, ngày đầu năm mới...
Nhiều di tích là những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, có niên đại cách nay hàng thế kỷ và hiện vật cổ phong phú, đặc sắc, tiêu biểu như chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Phụng Sơn, chùa Phước Tường, chùa Phú Long,...
Thành phố có hơn 200 ngôi đình, là cơ sở tín ngưỡng dân gian mang tính đặc trưng của người Việt và trở thành một yếu tố đặc thù của văn hóa Việt. Ngôi đình được coi là ngôi nhà chung của làng. Việc xây dựng ngôi đình ở Việt Nam nói chung, và ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, là mốc đánh dấu một làng đã được hình thành và tồn tại; do đó, nghiên cứu tổng thể lịch sử hình thành những ngôi đình sẽ giúp chúng ta có thể hiểu được sự hình thành của các cộng đồng dân cư cũng như tổ chức của các đơn vị hành chính cơ sở, cơ cấu tổ chức xã hội của cư dân người Việt ở thành phố trong lịch sử. Nghiên cứu các hoạt động lễ, hội liên quan đến ngôi đình giúp chúng ta hiểu những nét văn hóa truyền thống của cư dân ở một vùng đất (làng)… Tiêu biểu như: đình Thông Tây Hội, đình Bình Hòa, đình Nam Chơn, đình Phong Phú,... Khó khăn lớn nhất đối với các đình này là đa số đã xuống cấp do niên đại lâu năm và việc thuyết minh di tích chưa thật bài bản để chuyển tải nội dung di tích một cách đầy đủ, thu hút khách tham quan.
+ Di tích kiến trúc nghệ thuật loại hình nhà cổ dân gian truyền thống cũng có giá trị và ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nghiên cứu về loại hình này, đặc biệt là các yếu tố kiến trúc và trang trí kiến trúc, cấu trúc khuôn viên, cũng là nguồn tư liệu giúp chúng ta hiểu phần nào những nét văn hóa và đời sống kinh tế - xã hội gắn với thời kỳ lịch sử của vùng đất và cư dân xưa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tiêu biểu như: nhà cổ Vương Hồng Sển; nhà cổ số 107/A/4 ấp 1, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Khó khăn hiện nay là cả ngôi nhà đã xuống cấp, cần được tu bổ để giữ lại kiến trúc cổ. Riêng nhà cổ Vương Hồng Sển cần giải quyết thấu đáo vấn đề quản lý nhằm sớm đưa khách du lịch đến tham quan, phát huy giá trị di tích và du lịch mới hiệu quả.
+ Di tích kiến trúc nghệ thuật là công trình kiến trúc cổ đô thị như công thự, trường học, bệnh viện,… ở Thành phố khá nhiều và có giá trị tiêu biểu trong việc nghiên cứu lịch sử hình thành đô thị của Sài Gòn và sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố trong quá trình hình thành và phát triển. Những công trình này, về kiến trúc và trang trí, đa số chịu ảnh hưởng phong cách Pháp. Trong đó, có một số công trình đã được xếp hạng di tích, một số được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích (chưa xếp hạng di tích) nhưng thu hút đông đảo khách tham quan như: Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân thành phố, trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Bưu điện Thành phố, nhà thờ Đức Bà, trụ sở Cục hải quan Thành phố,... Vì các công trình này đang là công sở, trường học, bên trong còn diễn ra hoạt động, nên việc tham quan có phần hạn chế. Do đó, cần có sự thống nhất cao giữa quản lý di sản, du lịch và đơn vị quản lý để phát huy hiệu quả giá trị di tích và ngành du lịch an tâm đưa khách đến tham quan.
+ Loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật là hội quán, miếu thờ của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là nguồn tư liệu góp phần nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của Thành phố. Kiến trúc từng hội quán mang đặc thù của mỗi cộng đồng người Hoa. Hiện nay, nhiều di tích đã thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, là tiềm năng của ngành du lịch, tiêu biểu như: chùa Sắc tứ Huệ Lâm, chùa Sắc tứ Tập Phước, hội quán Ôn Lăng, hội quán Tuệ Thành (miếu Thiên Hậu).
- Di tích khảo cổ học: Thành phố hiện có hai di tích khảo cổ được xếp hạng, đó là di tích Giồng Cá Vồ và di tích Lò gốm Hưng Lợi. Tuy nhiên, khó khăn lớn cần giải quyết để đưa khách du lịch tới tham quan là việc khai quật các di tích, xây dựng nhà trưng bày và tổ chức quản lý, dịch vụ tại di tích sao cho đáp ứng nhu cầu của khách tham quan du lịch.
Tóm lại, trong những năm qua, công tác quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đã được Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát, giao Sở Văn hóa và Thể thao trực tiếp quản lý.
Công tác tu bổ, tôn tạo di tích trong những năm gần đây đã được Ủy ban nhân dân Thành phố quan tâm, bố trí kinh phí cho việc chống xuống cấp một số di tích. Đồng thời, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quan tâm hỗ trợ kinh phí tu bổ một số di tích quốc gia. Công tác phát huy giá trị di tích cũng đã được chú trọng. Nhìn chung, các di tích đã mở cửa đón khách tham quan, chiêm bái, được quản lý và sử dụng đúng mục đích, các lễ hội truyền thống gắn với di tích được bảo tồn. Sở Văn hóa và Thể thao đã có nhiều hoạt động để nhân dân Thành phố ngày càng hiểu và đến với di tích như: tổ chức in ấn và phát hành 5.000 cuốn sách “Hành trình đến với di sản văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”, tổ chức thi tìm hiểu về di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, cùng với Sở Giáo dục và Thành đoàn đã thực hiện tốt Kế hoạch liên tịch về phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, góp phần tuyên truyền, giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa cho đối tượng học sinh, phối hợp chọn đăng ký tham gia chăm sóc các di tích.
Công tác quản lý và phát huy giá trị di sản văn hoá hiện nay có nhiều thuận lợi nhờ có nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước liên quan đã được ban hành. Công tác xã hội hóa để bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã được chú trọng và khuyến khích góp phần vào hiệu quả chung của công tác quản lý. Nhận thức của người dân Thành phố về vai trò, ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh nói riêng ngày càng được nâng cao. Các quận, huyện đã chủ động xây dựng, ban hành quy chế về quản lý các cơ sở tín ngưỡng, di tích trên địa bàn quản lý…
- Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và những những thành tựu trên, công tác quản lý di tích vẫn còn những khó khăn nhất định, trong đó, có những khó khăn có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch đối với các di tích (chúng tôi đã nêu một số di tích tiêu biểu ở trên).
Về điểm chung, đối với di tích lịch sử, do chiến tranh tàn phá, hầu hết còn rất ít dấu tích gốc, nhân chứng cũng không còn nhiều. Một số di tích lịch sử chưa có phần trưng bày bổ sung, do đó, việc du lịch đưa khách đến tham quan với mong muốn thấy được nội dung toàn diện về di tích là chưa đáp ứng được. Ngay cả di tích quốc gia đặc biệt là Địa đạo Củ Chi, mặc dù có rất đông khách tham quan và phát huy giá trị di tích tốt, nhưng cũng chưa có phòng trưng bày bổ sung di tích hoàn chỉnh. Điều đó dẫn đến những hạn chế nhất định đối với việc nghiên cứu và cảm thụ một cách toàn diện về giá trị lịch sử đặc biệt tiêu biểu của di tích nhằm đưa du khách trở lại với di tích không chỉ một mà nhiều lần.
Đối với di tích kiến trúc nghệ thuật: Hầu hết di tích kiến trúc nghệ thuật có thời gian xây dựng là khá lâu năm, có di tích hơn 200 năm, vật liệu xây dựng chủ yếu là đồ gỗ, ảnh hưởng của thời tiết và ý thức bảo vệ của con người, cho nên, đa số di tích đã xuống cấp, thậm chí một số di tích xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được tu bổ. Ngoài ra, khó khăn đối với các di tích hiện nay là đội ngũ hướng dẫn viên tại di tích và các đoàn du lịch chưa thật sự am hiểu về giá trị lịch sử - văn hóa và ý nghĩa của di tích nên chưa thực sự truyền được cái hồn của di tích đến với khách tham quan.
2. Gắn kết hoạt động bảo tồn di tích với du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh
Mục tiêu chiến lược cụ thể của du lịch là “phát triển du lịch phải hướng tới góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam; lấy du lịch là động lực, tạo nguồn lực để đẩy mạnh bảo tồn văn hóa; nguồn thu từ du lịch hướng tới đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn, đồng thời tăng cường kiểm soát những tác động từ hoạt động du lịch lên các thiết chế văn hóa” [Hà Văn Siêu 2015]. Đây là điều kiện cơ bản thuận lợi để Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao cùng đưa ra những dự án phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy những lợi thế của di tích đối với du lịch nhằm khai thác hiệu quả các di tích đối với ngành du lịch, để di tích là tiềm năng lớn của du lịch của Thành phố.
Du lịch và bảo tồn di sản văn hóa là hai ngành có mối quan hệ mật thiết luôn song hành và hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Đây là mối quan hệ kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả cao không chỉ về mặt kinh tế, mà tác dụng văn hóa và xã hội mới là giá trị lâu dài. Do vậy, hai ngành phải phối hợp chặt chẽ để phát huy tối đa năng lực của mình vì lợi ích chung. Sự phối hợp này cần được phản ánh qua các hoạt động cụ thể, đó là:
- Ngành bảo tồn di sản nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị từ ngành du lịch, tăng cường trùng tu, bảo quản các giá trị văn hoá của di tích, tìm tòi phát hiện các di tích mới. Thông tin kịp thời về tình trạng di tích, hiện đại hoá các phương tiện truyền thông đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.
- Hai ngành phối hợp chặt chẽ trong khâu đào tạo hướng dẫn viên du lịch phục vụ khách tham quan một cách hiệu quả nhất. Ngành bảo tồn di tích có trách nhiệm tập huấn nội dung cho cán bộ chủ chốt ngành du lịch. Ngành du lịch có trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ ngành bảo tồn di tích để cập nhật cho nhân viên của mình, tránh tình trạng thuyết minh chưa đúng nội dung của di tích. Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố lưu trữ hồ sơ di tích phục vụ nhu cầu tra cứu của nhân viên du lịch.
- Ngành du lịch có trách nhiệm nhắc nhở khách tham quan có ý thức bảo vệ di tích, tránh các hoạt động xâm hại di tích, hiện vật trưng bày. Thông báo tình trạng hư hại, xuống cấp của di tích với cán bộ bảo tồn để có biện pháp bảo vệ, trùng tu, tôn tạo kịp thời.
Hiện nay, còn có tình trạng hai ngành du lịch và di tích chưa phối hợp chặt chẽ trong các “tour” du lịch để xây dựng được các điểm, tuyến du lịch, định hướng các chương trình du lịch cụ thể, phù hợp với yêu cầu của các loại đối tượng phong phú về lứa tuổi, sở thích, thời gian,… Kiến nghị thành phố xây dựng hạ tầng phù hợp với điều kiện khai thác của hoạt động du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng. Cụ thể là, phối hợp xây dựng bản đồ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, các công trình địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn Thành phố, từ đó, xây dựng các tour du lịch một cách khoa học phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước. Đặc biệt chú trọng tới các tour du lịch hành trình đến với di tích gắn với du lịch tâm linh - du lịch sinh thái - du lịch đường bộ - du lịch đường sông và các tuyến du lịch về nguồn một cách hợp lý.
Ngành du lịch nghiên cứu giá trị tiềm năng của di tích để đưa khách đến tham quan theo nhu cầu: khách nghiên cứu – học tập (chủ yếu là học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu), tùy theo địa phương mà gắn với các di tích để phát huy giá trị di tích trên địa bàn; khách du lịch tâm linh; phối hợp tham quan các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, các danh lam thắng cảnh cũng như các làng nghề truyền thống, gắn liền với lễ hội, các vấn đề dân tộc học, khảo cổ học, môi trường và sinh thái.
Để du lịch và di sản cùng song hành phát triển bền vững, lãnh đạo cần xây dựng chiến lược, kế hoạch lâu dài để từng bước kiện toàn tổ chức cán bộ, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm mang lại lợi ích kinh tế - xã hội lâu bền và quan trọng hơn cả là bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hà Minh Hồng (cb) 2011: Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – hành trình 100 năm (1911 – 2011), NXB Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hà Văn Siêu 2015: Du lịch văn hóa trong tầm nhìn chiến lược. http://tourla.vn/nghien-cuu/du-lich-van-hoa-trong-tam-nhin- chien-luoc/
- Nguyễn Thị Huệ 2008: Di tích lịch sử văn hoá với vấn đề phát triển du lịch. http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=24&sitepageid=417#sthash.UHacqs7t.dpbs
- Phòng Di sản văn hoá 2017: Danh sách các công trình, địa điểm đã được quyết định xếp hạng di tích trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (đến hết tháng 5 năm 2017). Thông báo của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh ngày 02/6/2017.
Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”