Trước tiên, chúng ta phải kể đến quan điểm phổ biến của trường phái hiện thực chủ nghĩa “trở lại tương lai giống quá khứ châu Âu”. Lo ngại về tranh giành lợi ích quyền lực tương đối ở cấp độ đơn vị (ví dụ như sự trỗi dậy của Trung Quốc) và những ngòi nổ chính trị bất ổn luôn song hành với quá trình chuyển giao quyền lực, Aaron Friedberg và những nhà hiện thực chủ nghĩa bi quan khác trong những năm 1990 đã đưa ra những dự đoán “trở lại tương lai” ảm đạm: châu Á sẽ bị nhấn chìm trong một cuộc đối đầu cường quốc kinh điển như châu Âu đã từng trải qua vài thế kỷ trước. Nói một cách ngắn gọn, họ tin rằng tương lai châu Á hội đủ điều kiện để tái diễn quá khứ đầy rẫy chiến tranh của châu Âu.1
Thứ hai là trường phái “trở về tương lai giống quá khứ châu Á” thời kỳ “dĩ Hoa vi trung” (lấy Trung Quốc làm trung tâm). Áp dụng lý thuyết “sự va chạm giữa các nền văn minh” vào “sự trỗi dậy của Trung Quốc”, Samuel Huntington cho rằng các quốc gia châu Á với tính chất biệt lệ của mình sẽ có xu hướng phù thịnh Trung Quốc hơn là tìm cách cân bằng lại nước này. Những cuộc chiến tranh giành bá quyền kiểu châu Âu và cả một hệ thống cân bằng quyền lực như ở châu Âu đều chưa từng xảy ra ở châu Á. Thay vào đó, trong suốt hai ngàn năm trước khi các cường quốc châu Âu đặt chân đến châu lục này vào giữa thế kỷ 19, “quan hệ quốc tế Đông Á đều xoay quanh Trung Hoa với những cộng đồng xã hội khác nhau được sắp đặt ở những tầng nấc phụ thuộc vào Bắc Kinh, hay bang giao với Bắc Kinh, hoặc độc lập tự trị so với Bắc Kinh”.2 Huntington kết luận chính lịch sử của châu Á thời kỳ lấy Trung Quốc làm trung tâm “sẽ là tương lai của châu Á”, chứ không phải lịch sử đa cực của châu Âu, ngay cả khi “Trung Quốc đang lấy lại vị thế bá chủ khu vực của mình”.3
Cũng với quan điểm chủ nghĩa biệt lệ, David Kang đã lập luận rằng quan hệ quốc tế châu Á đã có lịch sử phân chia thứ bậc, hòa bình hơn và ổn định hơn so với hệ thống ở phương Tây do trong khu vực từ lâu đã có tư tưởng chấp nhận một trật tự thế giới có thứ bậc do Trung Quốc đứng ở vị trí trung tâm.4 Kang đã rút ra một nhận định bao quát rằng hệ thống quốc tế châu Á từ năm 1300 đến 1900 vừa tập trung, vừa dàn trải, ổn định và phân tầng, theo đó thách thức lập luận cho rằng cân bằng quyền lực là một hiện tượng phổ biến ở mọi nơi và trong mọi thời kỳ. Quả thực, Kang khẳng định rằng “thỏa hiệp với (hay phù thịnh) Trung Quốc đã trở thành quy tắc hành xử ở Đông Á thời kỳ nhà Minh (1468-1644) và triều Thanh (1644-1911)”.5 Theo đó, chính quá khứ phân thứ bậc của châu Á với Trung Quốc làm trung tâm sẽ dẫn dắt và đảm bảo tương lai ổn định của khu vực, chứ không phải lịch sử đa cực của châu Âu.
Nghiên cứu lịch sử châu Á có thể giúp chúng ta xác định một đường cơ sở nhằm phân tích so sánh quá trình phát triển và đánh giá những sự thay đổi và kế thừa trong sự tiến hóa của hệ thống “châu Á” thời kỳ hiện đại. Những vấn đề được trình bày tiếp theo đây không có mục đích tổng kết toàn bộ quá trình lịch sử hay phục vụ cho lập luận ủng hộ thuyết định mệnh lịch sử hay văn hóa, mà chỉ là một bản tóm tắt một số sự kiện nổi bật hoặc có ảnh hưởng làm biến đổi cả hệ thống trong lịch sử của khu vực.
Theo hướng nghiên cứu đó, bài viết này có nhiệm vụ cung cấp một cái nhìn tổng quan về hệ thống quốc tế “châu Á” với tiến trình phát triển và biến đổi qua ba cuộc chuyển đổi hệ thống từ đầu thế kỷ 19 đến cuối Chiến tranh Lạnh. Phần đầu tiên trong bốn phần chủ yếu sẽ xác định những đặc điểm chính của hệ thống triều cống của Trung Hoa cũng như quá trình sụp đổ từng bước của nó từ cuộc Chiến tranh Nha phiến những năm 1839-1842 đến Chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895. Phần thứ hai nghiên cứu về sự trỗi dậy và lụi tàn của hệ thống đế quốc Nhật Bản từ Chiến tranh Trung-Nhật năm 1895 đến cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (hay còn gọi là Chiến tranh Thái Bình Dương) năm 1945. Phần thứ ba đi sâu tìm hiểu về quá trình xuất hiện và kết thúc của hệ thống Chiến tranh Lạnh (1947-1989). Phần thứ tư và cũng là cuối cùng sẽ nhìn nhận những tác động và hàm ý của ba cuộc chuyển đổi hệ thống này đối với tương lai quan hệ quốc tế châu Á trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.
Bài viết xác định phạm vi của “châu Á” chủ yếu bao trùm khu vực Đông Á và loại trừ vùng Nam Á, và cách giới hạn địa lý này cần được giải thích.6 Do kích thước và vị trí trung tâm của mình, Trung Quốc xét về đặc điểm tự nhiên thực sự áp chế cả châu Á, có ảnh hưởng đến tất cả các tiểu khu vực ở châu Á với đường biên giới tiếp giáp với nhiều quốc gia hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Châu Á trở nên dĩ Hoa vi trung không chỉ về khía cạnh địa lý mà còn về mặt hệ thống. Hơn nữa, sự trỗi dậy của Trung Quốc thường đồng hành với sự vươn lên của Đông Á, khu vực nơi nước này chiếm đến 70% diện tích.7 Xét về cấp độ và cường độ tương tác giữa các quốc gia – dấu hiệu chính của một hệ thống quốc tế trong khu vực – quá trình thăng trầm của sức mạnh Trung Quốc luôn là một đặc điểm có tính định hướng cho tất cả các hệ thống “châu Á”. Dù trong lịch sử tồn tại hai hệ thống liên quốc gia hoàn toàn khác biệt ở châu Á là hệ thống Trung Hoa ở Đông Á và hệ thống Ấn Độ ở Nam Á,8 hệ thống Ấn Độ vẫn không được xét đến bởi nó đã suy tàn kể từ khi quyền lực thống trị của Anh chạm tới đây trong thời kỳ của hệ thống triều cống Trung Quốc và đế quốc Nhật Bản. Ngay cả trong giai đoạn hệ thống Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ với vai trò người sáng lập Phong trào Không Liên kết (Non-Aligned Movement-NAM) tiếp tục nằm ngoài vòng xoáy của hệ thống lưỡng cực Chiến tranh Lạnh. Trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Đông Nam Á không hề có bản sắc khu vực cụ thể nào mà chỉ được biết đến với một loạt các tên gọi khác nhau (như “Viễn Ấn”, “Đông Dương”, “Tiểu Trung Hoa”, hay vùng “Viễn Đông nhiệt đới”). Chỉ cho đến khi Nhật Bản xâm lược và chiếm đóng khu vực này đầu những năm 1940, cụm từ “Đông Nam Á” mới xuất hiện.9
Cuộc chuyển đổi lần thứ nhất: Hệ thống triều cống Trung Hoa
Có lẽ quan niệm truyền thống về trật tự thế giới ở Trung Hoa chính là một minh chứng tiêu biểu cho nguyên tắc tư duy xã hội: con người và các quốc gia không phản ứng với bản thân thực tại khách quan của thế giới mà là với nhận thức chủ quan của họ về thực tại đó. Theo lý thuyết, nếu không muốn nói là cả trong thực tế, Trung Hoa truyền thống vẫn giữ quan niệm bảo thủ lâu năm về trật tự thế giới. Chính nhận thức về thế giới của tầng lớp cai trị của Trung Quốc, chứ không phải bản chất thực của nó, đã quyết định phản ứng của họ đối với hoàn cảnh quốc tế. Sức mạnh và khả năng tồn tại dai dẳng của quan niệm này được bộc lộ mạnh mẽ nhất trong nửa đầu thế kỷ 19, khi Trung Quốc phải đối mặt với mối đe dọa nhãn tiền từ các nước đế quốc phương Tây trong suốt một thời gian dài.
Điểm đáng chú ý trong quan niệm truyền thống về trật tự thế giới của Trung Quốc, hay ít nhất của tầng lớp trí thức quý tộc nhà Thanh, là cách mà họ tô vẽ cho trật tự đó bằng những giả định, niềm tin, cảm xúc và biểu tượng của nhận thức về bản thân họ.10 Quả thực, trật tự thế giới thời bấy giờ chỉ là hệ quả tất yếu từ trật tự quốc nội của Trung Quốc, và vì vậy nó chính là hình ảnh tự họa của Trung Quốc đã được lý tưởng hóa và phóng đại trên diện rộng. Như John Fairbank đã từng chỉ ra, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của trật tự thế giới lấyTrung Hoa làm trung tâm (gọi tắt là trật tự Trung Hoa), “trật tự ngoại biên Trung Quốc có quan hệ hết sức mật thiết với trật tự trong nước, theo đó trật tự này không thể tồn tại lâu dài nếu thiếu trật tự kia.”11 Nói theo cách khác, ngay cả Trung Hoa đế quốc dù luôn tự phụ về sự thịnh vượng chuẩn mực trong nước cũng không thể tồn tại một cách biệt lập, mà ngược lại họ cũng cần những xứ man di bên ngoài để có được và chứng minh tính toàn vẹn trong bản sắc riêng hay nét khác biệt của mình.
Mối quan tâm lớn nhất trong chính sách đối ngoại truyền thống Trung Quốc luôn xoay quanh những cách thức đảm bảo các hoạt động ngoại giao phù hợp với nhận thức tự thân được lý tưởng hóa này. Đôi khi, vì quyết tâm bảo đảm sự thuần khiết của hình ảnh tự thân này, họ sẵn sàng bóp méo chính sử để biến những hoạt động vượt ra ngoài khuôn khổ trở nên phù hợp với quy chuẩn lý tưởng đề ra.12 Việc thiếu vắng một nền văn minh đối kháng cũng trở thành một nhân tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển quan niệm về trật tự thế giới của người Trung Quốc, và cùng với đó là các rào cản địa lý tự nhiên cũng có tác động vô cùng to lớn. Phía tây Trung Hoa được trấn giữ bởi những sa mạc tưởng như vô tận, phía tây nam có dãy Himalaya bao bọc, và phía đông tiếp giáp với những đại dương bao la. Trong tình cảnh những “bộ tộc man di” từ những vùng cao nguyên bán khô cằn khi quy phục, lúc chống đối, và bị đại dương, sa mạc và núi non ngăn cách khỏi những trung tâm văn minh khác, Trung Quốc đã dần hình thành một tư duy độc đáo về vị thế của mình trong thiên hạ.
Một điểm đáng chú ý hơn nữa, nếu không muốn nói là đáng ngạc nhiên, chính là sự vắng bóng của một động lực dân tộc chủ nghĩa trong việc hình thành bản sắc; vì nếu nói theo cách nói ngày nay, có thể thấy bản sắc Trung Hoa được vận dụng để đáp trả thách thức từ phương Tây mang tính chất nền văn minh hơn là quốc gia. Thời trước đây, người ta tin rằng bản sắc văn minh như vậy sẽ tự tái sinh thành những vòng tròn đồng tâm mở rộng đúng như trật tự vũ trụ chuẩn mực. Do đó, chúng ta nhận thấy rõ ràng ở Trung Hoa xưa không hề có một cơ quan nào có vai trò tương đương với bộ ngoại giao ở phương Tây. Dựa vào những tài liệu và những bằng chứng hành vi của ngoại giao thời nhà Thanh vào thế kỷ 19, Immanuel C.Y. Hsü đã khẳng định: “Đế quốc Trung Hoa chắc chắn không phải là một quốc gia dân tộc.”13
Vậy quan niệm của Trung Hoa về hệ thống thế giới mang tính thứ bậc này đã dẫn đến những hệ quả gì khi áp dụng trong thực tế? Cụm từ “hệ thống triều cống” dù không tồn tại trong ngôn ngữ Trung Quốc, nhưng nó được các nhà Hán học phương Tây sử dụng để chỉ toàn bộ những dạng thức tổ chức phức tạp của trật tự thế giới thứ bậc Trung Hoa. Biểu tượng cho hệ thống triều cống là việc “sắc phong của thiên triều” (tức là lễ phong vương cho một vị vua của nước chư hầu để khẳng định quyền lực bá chủ và vị thế thống trị của Trung Quốc). Đó là một hoạt động mang tính chất tượng trưng và có giá trị chính trị tối quan trọng do nó hợp pháp hóa huyền thoại coi Trung Quốc là một quốc gia phủ khắp thiên hạ được cai trị bởi Thiên Tử. Ở đây hoàn toàn vắng bóng những nguyên tắc của Hòa ước Westphalia về chủ quyền quốc gia và bình đẳng quốc gia – những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế ngày nay.14
Hệ thống triều cống vận hành tương đối tốt trong nhiều thế kỷ, đạt đến đỉnh cao tinh vi kinh điển vào thời nhà Minh (1368-1664) và nhà Thanh (1644-1911). Có lẽ hệ thống này tồn tại dai dẳng như vậy là do khả năng thúc đẩy lợi ích bổ sung lẫn nhau từ cả hai phía phiên thuộc (nước cống nạp) và thiên triều (nước nhận triều cống).15 Morris Rossabi là một trong số các học giả đã đưa ra một luận điểm đáng chú ý, đó là thể chế Trung Hoa trước đó từng có truyền thống lâu đời quan hệ bình đẳng với các nước Nội Á trong giai đoạn tiền Minh, đặc biệt khi sức mạnh của những triều đại lúc bấy giờ còn yếu và bị chia rẽ, và chính sách của Trung Quốc khi đó mềm dẻo và thực tế hơn, đối xử với các nước ở vị thế ngang hàng.16
Với các quốc gia còn lại, hệ thống triều cống cũng đóng vai trò hữu ích trong việc thiết lập và duy trì tính chính đáng của triều đình trong nước. Ví dụ tiêu biểu là Triều Tiên, quốc gia triều cống điển hình lâu đời nhất. Quan hệ triều cống Trung-Triều thực chất mang màu sắc chính trị hơn là kinh tế. Giới cai trị theo Nho giáo ở Triều Tiên đã nhận thấy hệ thống triều cống không chỉ tương hợp về tư tưởng – trong tiếng Triều Tiên gọi là mohwa-sasang (tức là tư tưởng mô phỏng Trung Quốc) – mà đây còn là điều kiện tiên quyết cho việc thiết lập và duy trì quyền cai trị chính thống của triều đình trong nước. Điều này lý giải cho sự tồn tại lâu dài của hệ thống triều cống: “Sống ngoài vùng ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, đối với giới tinh hoa Triều Tiên mà nói, không khác nào sống như những kẻ man di”.17 Cho tới tận đầu những năm 1880, gần như không có người Triều Tiên nào coi đất nước họ ngang hàng hay độc lập với Trung Quốc.18 Dù cũng có nhiều quốc gia Đông Nam Á triều cống cho Trung Quốc, nhưng mối quan hệ “thiên triều-chư hầu” như vậy (ngoại trừ ở Việt Nam) “không mang cùng ý nghĩa và trách nhiệm như giữa Trung Quốc và những nước nằm trong Vùng (Văn hóa) Trung Hoa.”19
Tuy nhiên nhiều nước phải chấp nhận hệ thống triều cống như một cái giá không thể tránh khỏi để đổi lấy những đặc quyền trong thương mại, và thương mại với Trung Quốc mang lại nhiều lợi lộc đến nỗi họ sẵn sàng lấy nó để làm cớ để bào chữa cho nỗi nhục nhã mà họ phải chịu đựng từ những đòi hỏi lễ nghi, đặc biệt là việc thi hành “khấu đầu” (kowtow) – chín vái ba lạy – tượng trưng cho sự thừa thuận trật tự thế giới thứ bậc của Trung Quốc. Khi phải đối diện với thách thức từ Nga, hệ thống triều cống đã chứng tỏ khả năng điều chỉnh linh hoạt trước thực tế quyền lực. Từ năm 1728 đến 1858, trong phạm vi quan hệ Trung-Nga, hệ thống này tồn tại bằng cách né tránh nghi thức triều cống. Một hệ thống liên lạc đặc biệt giữa những quần thần thứ phẩm hoặc tam phẩm ở hai bên triều đình Bắc Kinh và Saint Peterburg đã được thiết lập nhằm tránh tình thế nhạy cảm khi Nga hoàng phải trực tiếp hạ mình gọi hoàng đế Trung Hoa là Thiên tử, còn những đoàn thương nhân Nga đến Bắc Kinh “có lẽ đã được ghi chép vào sổ sách của triều đình Mãn Châu là những đoàn triều cống, nếu cần thiết”.20 Do đó, quan niệm của Trung Quốc về trật tự thế giới được bảo toàn nguyên vẹn, trong khi người Nga vẫn được phép tiếp tục các hoạt động thương mại của họ ở Trung Quốc mà không trực tiếp tham gia vào hệ thống triều cống. Những ví dụ đa dạng trên đã cho thấy chỉ cần hai bên nhìn nhận được lợi ích của họ bổ trợ cho nhau, hoặc ít nhất là chấp nhận được đối với cả hai, thì hệ thống triều cống vẫn sẽ tiếp tục vận hành.
Sự kiện Chiến tranh Nha phiến (lần thứ nhất) (1839-1842) đã đánh dấu một cột mốc lịch sử trong quá trình tái định hình quan hệ quốc tế ở Đông Á vào thế kỷ 19, và cũng mở ra hồi kết cho hệ thống triều cống. Thất bại nhục nhã của Trung Quốc trong cuộc chạm trán quân sự đầu tiên với phương Tây chưa thể thay đổi quan niệm Trung Hoa về những giống nòi man di bên ngoài, mà ngược lại việc Anh dùng đến vũ lực quân sự còn tái khẳng định nhận thức này. Những điều kiện trên đã không chỉ trở thành nguồn gốc cho chính sách mâu thuẫn của Trung Quốc, mà còn là cái cớ cho phía các cường quốc phương Tây tùy tiện sử dụng lực lượng quân đội. Bị chính quyền trung ương chối bỏ mọi sự giao thiệp và luôn phải chịu đựng những trì hoãn vô thời hạn của chính quyền tỉnh lị, các cường quốc phương Tây đã nhanh chóng sử dụng những pháo hạm theo lệnh của các viên chức lãnh sự nhằm xoa dịu những ấm ức mà họ phải chịu ở các hải cảng mở. Đây chính là nguồn gốc của nền ngoại giao pháo hạm tiêu biểu cho chính sách của phương Tây ở Trung Quốc trong suốt giai đoạn quá độ hay giai đoạn giữa hai cuộc chiến 1842-1856.
Dần dần, người phương Tây càng tin tưởng rằng tất cả những rắc rối đều bắt nguồn từ sự khác biệt trong phương thức tiến hành công việc ngoại giao ở vùng ngoại vi, chứ không phải ở trung tâm chính quyền nhà Thanh, và họ chắc chắn phải thiết lập sự liên hệ và liên lạc trực tiếp với triều đình để làm nền tảng tiên quyết cho một mối quan hệ bang giao bình thường. Nhu cầu giao lưu trực tiếp như trên, dù với mục đích thúc đẩy thương mại hoặc uy thế ngoại giao, đều đã nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới lãnh sự, lái buôn, các nhà báo, cũng như những đại diện ngoại giao thời bấy giờ.
Các xung đột giữa Trung Quốc và phương Tây tiếp theo trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến, tức những năm 1840 và 1850 (cuối cùng được giải quyết bằng chiến tranh Nha phiến lần thứ hai 1856-1860), và cuộc hành quân của quân đội liên minh vào Bắc Kinh năm 1860 đã làm nổi bật giai đoạn thử thách đối với quan niệm của người Trung Hoa về trật tự thế giới. Trung Quốc một lần nữa phải hứng chịu một thất bại nhục nhã. Lực lượng Anh-Pháp hùng hậu đã tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn lực, nhằm thẳng vào kinh thành, thiêu đốt Di Hòa Viên, buộc hoàng đế phải tháo chạy đến Nhiệt Hà (Thừa Đức), và đảm bảo triều đình công nhận tất cả những yêu sách của họ bằng việc thông qua Điều ước Thiên Tân (còn được coi là Hòa ước lần II) và ký Điều ước Bắc Kinh vào mùa thu năm 1860. Pháo đài cuối cùng của trật tự thế giới Trung Hoa theo đó cũng sụp đổ dưới lưỡi lê của phương Tây. Việc Trung Quốc chính thức chấp nhận mối quan hệ ngoại giao trực tiếp với các cường quốc phương Tây năm 1860 đã đánh dấu chấm hết cho cuộc hành trình dài đằng đẵng mà nước này buộc phải trải qua, với kết quả cuối cùng là Trung Quốc bất đắc dĩ phải từ bỏ hệ thống triều cống, bất chấp những nỗ lực kháng cự ban đầu. Dù tàn dư cuối cùng của hệ thống triều cống còn kéo dài đến năm 1894 ở Triều Tiên, nhưng trên thực tế nó đã bị phá hủy đến mức không thể cứu vãn kể từ năm 1860.
Phải đối diện với mối họa kép, bạo động trong nước từ cuộc Khởi nghĩa Thái Bình (1850 – 1864) và nguy cơ xâm lược từ phương Tây, tình cảnh “nội loạn ngoại xâm” trong lịch sử một lần nữa đe dọa sự tồn tại của triều đình, Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch có phối hợp đồng bộ mang tên Phong trào Tự Cường trong những năm 1860 để chấn chỉnh đất nước. Được sự bảo vệ lúc bấy giờ từ Chính sách Hợp tác của các nước hiệp ước phương Tây, với đại sứ Mỹ và Anh tại Trung Quốc, Anson Burlingame và Sir Frederick Bruce là những người đi tiên phong ủng hộ,21 nhà Thanh đã mạnh dạn khởi động một loạt những biện pháp cải cách tự cường với tốc độ và điều kiện do triều đình quyết định. Từ đó, một số cải cách quan trọng đã được áp dụng trong lĩnh vực ngoại giao, tài chính, giáo dục và quân sự, với số lượng các chuyên gia phương Tây tham gia hỗ trợ ngày một đông đảo.
Mặc dù vậy, Phong trào Tự Cường rút cuộc cũng kết thúc trong thất bại do những điều kiện cần thiết giúp Trung Quốc có thể đối phó hiệu quả với sự xâm lấn của phương Tây lại đi ngược với các đòi hỏi nhằm bảo tồn tôn ti trật tự Nho giáo nội quốc. Sự gián đoạn về ý thức hệ do chủ nghĩa đế quốc phương Tây gây nên đòi hỏi Bắc Kinh phải có một sự ứng phó mang tính cách mạng, nhưng những nhà cải cách tự cường đơn thuần chỉ là nhóm người bảo thủ “thực dụng” muốn vay mượn khoa học và công nghệ phương Tây, nhất là “những pháo hạm hùng mạnh và những khẩu súng mạnh mẽ”, để bảo vệ trật tự Nho giáo. Những biện pháp cải cách kế tiếp ở lĩnh vực kinh tế, hành chính, và luật pháp trong suốt hai thập kỷ cuối thế kỷ 19 cũng rơi vào thất bại vì điều Trung Quốc cần là một công cuộc cách mạng cho toàn hệ thống, không chỉ về mặt thể chế, mà quan trọng hơn, là về mặt tư tưởng. Cuộc cách mạng về ý thức hệ như vậy chỉ xuất hiện khi Trung Quốc thực sự bị hạ nhục hoàn toàn dưới tay người láng giềng châu Á trong Chiến tranh Trung – Nhật 1894-1895. Đến lúc này, ảnh hưởng còn sót lại của quan niệm truyền thống của người Trung Hoa về trật tự thế giới cuối cùng cũng đã sụp đổ hoàn toàn.
Dần dần, hậu quả của tất cả những nhân nhượng của triều đình trước các cường quốc hiệp ước đã dồn lại thành một “hệ thống hiệp ước bất bình đẳng” mà Trung Quốc không thể thay đổi cho đến năm 1943.22Điều này thật mỉa mai là cuộc đấu tranh của Trung Quốc nhằm bảo vệ hệ thống thứ bậc trong trật tự thế giới của mình – được biểu đạt dưới dạng hệ thống triều cống – cuối cùng lại chấm dứt với kết quả nước này phải chấp nhận hệ thống hiệp ước bất bình đẳng do phương Tây thiết lập.
Chúng ta không nên đánh giá phản ứng của Trung Quốc với phương Tây chỉ trong khuôn khổ hệ thống quốc tế. Đối đầu Trung Hoa – phương Tây thực chất là một cuộc xung đột hệ thống-với-hệ thống, giữa hai quan niệm hoàn toàn đối nghịch về trật tự thế giới. Hòa ước lần II đã chỉ rõ sự yếu thế của trật tự thế giới truyền thống của người Trung Hoa cũng như hệ thống triều cống trước một hệ thống lấy châu Âu làm trung tâm thế giới (dĩ Âu vi trung) trong quan hệ quốc tế.
Cuộc chuyển đổi lần thứ hai: Hệ thống đế quốc Nhật Bản
Thật nghịch lý là sự nổi lên của Nhật Bản trong những thập niên cuối thế kỷ 19 có một phần đóng góp rất lớn từ sự thâm nhập và thống trị của phương Tây ở châu Á trong suốt thời kỳ thực dân đế quốc này. Quả thực lịch sử quan hệ quốc tế châu Á thế kỷ 19 có thể tóm gọn thành ba cuộc chuyển đổi địa chính trị chủ yếu. Đầu tiên, sự lớn mạnh của phương Tây, đặc biệt là của Anh Quốc với tư cách cường quốc bá chủ thống trị đã dẫn đến việc tất cả các vương quốc và quốc gia ở Nam và Đông Nam Á (ngoại trừ Nepal và Thái Lan) rơi vào vòng cai trị thuộc địa của châu Âu, và cuối cùng đến hết thế kỷ 19 châu Á đã hoàn toàn nằm ở vị thế bị áp đảo trong hệ thống thế giới lấy châu Âu làm trung tâm. Thứ hai, Trung Quốc đánh mất vị trí cường quốc thống trị khu vực lâu đời của mình do quá trình suy tàn dần dần của đế chế, do hệ thống triều cống mất đi ảnh hưởng và sụp đổ, và do sự chia rẽ từ từ của đất nước khi phần lãnh thổ ven biển bị chia tách và rơi vào “vùng ảnh hưởng” của các cường quốc thực dân phương Tây và Nhật Bản. Thế kỷ 19 bắt đầu với cục diện Trung Quốc vẫn còn là cường quốc chi phối mạnh mẽ nhất trong khu vực, nhưng cuối cùng đã khép lại với hình ảnh một Trung Quốc bán chủ quyền, hay một nước “thuộc địa cấp thấp” (“hypocolony”).23 Thứ ba, một Nhật Bản ngày càng lớn mạnh đã thay thế Trung Quốc, trở thành cường quốc chi phối trong khu vực, manh nha tiến hành bành trướng từng bước lãnh thổ đế chế Nhật Bản, mở màn cho “Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á” nhằm đối đầu với chủ nghĩa đế quốc phương Tây.24
Xét về mặt biểu tượng và chiến lược, Chiến tranh Nha phiến đã trở thành đại diện cho dấu mốc chuyển mình toàn hệ thống quan trọng nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế châu Á. Đối với Trung Quốc, nó mở ra một thời kỳ quá độ và đánh dấu sự chuyển đổi từ kỷ nguyên cận đại lên hiện đại. Với Anh Quốc, nó ghi dấu sự trỗi dậy của nước này thành cường quốc thống trị ở Đông Á và khu vực Ấn Độ Dương. Và với Nhật Bản, đây là sự khởi đầu cho một quá trình thay đổi tư tưởng quyết định trong quan niệm của Nhật Bản về Trung Quốc, từ ngưỡng mộ sang khinh miệt, từ đó mang lại những hệ lụy địa chiến lược đi kèm cuộc Duy Tân Minh Trị trong nửa cuối thế kỷ 19.
Khi buộc Nhật Bản mở cửa với phương Tây, Mỹ đã đi tiên phong bằng việc triển khai ngoại giao pháo hạm theo cách của riêng mình. Đến đầu những năm 1859, với động cơ kết hợp giữa những lợi ích, sức mạnh và hệ tư tưởng, Hoa Kỳ đã quyết định tăng cường sự hiện diện của mình ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, Thiếu tướng hải quân Matthew Perry năm 1853 đã cho đoàn “thuyền đen” đầy đe dọa tiến vào Vịnh Edo, đảm nhận sứ mệnh mở cửa Nhật Bản bằng ngoại giao khi còn có thể và bằng đại bác pháo hạm nếu cần thiết. Sau khi chịu nhường bước trước những yêu sách của Perry và ký Hiệp ước Kanagawa năm 1854 và Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại Mỹ- Nhật năm 1858, chính sách bế quan tỏa cảng kéo dài suốt 200 năm của Nhật Bản đã đi đến hồi kết, mở đường cho sự vươn lên của cuộc Duy Tân Minh Trị (1868-1912). Điều khoản tối huệ quốc trong Điều IX Hiệp ước Kanagawa là điểm quan trọng nhất trong quá trình thiết lập một hệ thống bất bình đẳng sau khi người Châu Âu lần lượt tràn đến, dần dần nới rộng các đặc quyền ngoại giao và mở cửa thêm các cảng biển.25
Được các tàu chiến, những nhà ngoại giao và lái buôn đến từ phương Tây hỗ trợ và tiếp sức, cuộc Duy Tân Minh Trị đã đóng vai trò là chất xúc tác chính và là cú giáng cuối cùng cho sự sụp đổ của chế độ triều đình phong kiến Mạc Phủ Tokugawa vốn kéo dài 265 năm. Thành công của cuộc Duy Tân Minh Trị, ngược lại với số phận của Phong trào Tự Cường của Trung Quốc, được thể hiện rõ nét ở việc Tokyo chỉ mất khoảng một nửa thời gian so với Bắc Kinh để xóa bỏ chế độ hiệp ước bất bình đẳng. Vào năm 1899, Tokyo đã đạt được yêu sách sửa đổi những hiệp ước bất bình đẳng, chấm dứt những đặc quyền ngoại giao mà người phương Tây được hưởng ở Nhật Bản.
Trong những thập niên cuối thế kỷ 19, cải cách nội quốc và chính sách đối ngoại bành trướng của Nhật Bản thời Minh Trị đã phát triển phối hợp cùng lúc, với quan niệm: “Nếu không thể đánh bại họ, hãy gia nhập vào hàng ngũ ấy và đánh bại họ bằng chính những luật mà họ đặt ra”. Thử thách đầu tiên Nhật Bản vấp phải là làm thế nào để tìm kiếm một vị thế bình đẳng, sau đó tiến đến những mục tiêu chủ nghĩa đế quốc và quyền lực thống trị – những yếu tố mà nước này cho là không thể thiếu cho việc duy trì địa vị siêu cường của mình. Triều Tiên là điểm đến có vị trí địa chính trị gần gũi và hợp lý nhất để Nhật Bản khởi động kế hoạch với bước đầu là tìm kiếm bình đẳng quyền lực và sau đó vươn tới bá quyền trên phạm vi rộng lớn hơn – khu vực Đông Á. Trong suốt thời kỳ Mạc phủ Tokugawa tiền Duy Tân Minh Trị, quan hệ của Triều Tiên với Nhật Bản diễn ra mà gần như không có sự can dự của Trung Quốc. Trái với mối ràng buộc triều cống sadea chui (sự đại chủ nghĩa, hay phụng sự nước lớn) truyền thống của Triều Tiên đối với Trung Quốc, quan hệ bang giao với Nhật Bản được định nghĩa là kyorin (giao lân, hay quan hệ láng giềng). Nhà vua của Triều Tiên và Mạc chúa của Nhật Bản đối xử với nhau ngang hàng và hai bên giao thiệp với nhau qua hòn đảo trung gian Tsushima (Đối Mã) nằm giữa Nhật Bản và Triều Tiên.26
Tình hình bắt đầu thay đổi khi Nhật Bản bước vào cuộc Duy Tân Minh Trị và mở cửa với phương Tây. Dù nước này vẫn tiếp tục duy trì các mối quan hệ như trước với Triều Tiên, sử dụng đảo Tsushima là địa điểm trung gian cho hai bên, nhưng những tính toán lợi ích và chủ nghĩa bành trướng đã lớn dần lên trong dư luận quốc gia về người láng giềng khi giới trí thức bắt đầu lên tiếng yêu cầu áp đặt vai trò triều cống lâu nay lên Triều Tiên trong quan hệ với Nhật Bản. Bên cạnh đó, quan sát thấy Nga và Anh thu lợi từ đảo Tsushima và những khu vực khác dọc bờ biển Trung Quốc, Nhật Bản đã hiểu ra rằng nếu muốn giành được vai trò thống trị trên bán đảo Triều Tiên, nước này phải kìm chân những cường quốc phương Tây đang có ý đồ áp đặt quyền lợi của mình ở đây.
Năm 1871, Nhật Bản và Trung Quốc ký hiệp định Đông Á đầu tiên dựa trên luật pháp quốc tế của phương Tây. Với cánh cửa đã mở rộng, Nhật Bản cũng bắt đầu điều chỉnh quan hệ với Triều Tiên, mà trước hết là chấm dứt truyền thống giao thiệp qua đảo Tsushima. Sau chuyến thám hiểm Nam Đài Loan, một lời thách thức rõ ràng nhắm tới Trung Quốc và tín hiệu cảnh báo với Triều Tiên, Nhật Bản bắt đầu triển khai những hành động quyết liệt ở Triều Tiên, dẫn đến sự ra đời của Hiệp ước Kanghwa không lâu sau đó vào tháng 2/1876.27 Hiệp ước tuyên bố Triều Tiên là một “nhà nước tự trị”, chấm dứt quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên truyền thống và thay vào đó là mối quan hệ theo kiểu Tây phương hóa, và gia tăng đáng kể những tương tác giữa hai bên.28 Như để ngang hàng với chính sách ngoại giao pháo hạm của Mỹ và Anh trong những năm trước đó, giờ đây đến lượt Nhật Bản buộc “Vương quốc Ẩn dật” Triều Tiên phải mở cửa.
Tuy vậy, những tương tác này không phải lúc nào cũng mang tính tích cực. Một cuộc binh biến mang tính chất chống Nhật nổ ra đã dẫn đến việc Nhật Bản đòi tiền bồi thường, dù hai năm sau đó, chính Nhật Bản lại tham gia vào phía bên kia khi dính líu vào một vụ đảo chính bất thành do phe cấp tiến của Triều Tiên tổ chức. Trung Quốc đáp trả lại cuộc đảo chính bằng vũ lực quân sự, và Nhật Bản sau khi sự kiện kết thúc lại một lần nữa đòi Triều Tiên bồi thường thiệt hại.29 Cuộc Khởi nghĩa Tonghak năm 1894 đã đóng vai trò là ngòi nổ cuối cùng làm bùng nổ chiến tranh Trung-Nhật. Trong thời gian cuộc chiến diễn ra, Nhật Bản đã chiếm đóng hoàng cung ở Seoul, tái cơ cấu chính phủ Triều Tiên và thiết lập những biện pháp cải cách triệt để bao quát mọi khía cạnh trong đời sống người dân Triều Tiên.30
Chiến thắng của Nhật Bản trong cuộc chiến Trung-Nhật lần thứ nhất (1894-1895) – phát súng mở màn cho hệ thống đế quốc Nhật Bản – đã dẫn đến việc Trung Quốc không chỉ mất đi quốc gia triều cống cuối cùng là Triều Tiên mà còn phải nhượng lại Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, và bán đảo Liêu Đông ở Mãn Châu cho Nhật. Không chỉ vậy, nó còn mở ra một cuộc cạnh tranh mới “cá lớn nuốt cá bé” giữa các cường quốc phương Tây với những nước gặp bất lợi là Nhật Bản và Trung Quốc. Dù giành chiến thắng trong cuộc chiến nhưng tham vọng đế quốc và chiến lợi phẩm của Nhật Bản đã bị thu hẹp lại khi Pháp, Đức và Nga yêu cầu Nhật Bản phải trao trả lại Trung Quốc cả cảng Authur lẫn bán đảo Liêu Đông. Nhật Bản đã tuân thủ, để rồi đứng nhìn các cường quốc phương Tây hưởng thụ thành quả chiến thắng bằng việc tranh giành nhau những vùng độc quyền ảnh hưởng trên lãnh thổ Trung Quốc.
Do đó, đấu trường đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến khác, lần này là với một cường quốc lục địa châu Âu hay chính xác hơn là Á-Âu. Chiến thắng ấn tượng của Nhật Bản trong chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905, cũng là chiến thắng quân sự đầu tiên của một quốc gia châu Á trước một cường quốc phương Tây, là một sự kiện đánh dấu cho thành công của Nhật Bản trong việc hình thành bản sắc quốc gia là một siêu cường. Hiệp định Portsmouth (1905) do Theodore Roosevelt đứng ra làm trung gian đã trao cho Nhật Bản quyền kiểm soát Bán đảo Liêu Đông, cảng Authur, nửa phía nam đảo Sakhalin, khu vực phía Nam tuyến đường sắt ở Mãn Châu do Nga xây dựng, và quan trọng nhất, chính là toàn quyền ở Triều Tiên, nơi chỉ năm năm sau Nhật Bản đã chính thức thôn tính thành một thuộc địa của mình. Kể từ đó, Triều Tiên, “mũi dao đâm thẳng vào tim Nhật Bản”, bị biến thành bàn đạp cho công cuộc bành trướng lấn sâu hơn vào Trung Quốc và là một nguồn cung cấp lương thực giá rẻ cho lượng dân số công nghiệp đang tăng vọt của Nhật Bản.31
Nhìn chung, quãng thời gian 25 năm sau Chiến tranh Nga-Nhật có thể được coi là giai đoạn củng cố đất nước. Triều Tiên ngày càng quan trọng với Nhật Bản khi trở thành con đường huyết mạch nối liền với vùng lợi ích mới giành được của nước này ở nam Mãn Châu. Nga trước đó đã thừa nhận vị thế bá chủ của Nhật Bản, và phía Anh cũng không đặt ra bất cứ thách thức nào. Thỏa thuận bí mật Taft-Katsura năm 1905 cũng đánh dấu sự kiện Washington chính thức công nhận bá quyền của Tokyo trên bán đảo Triều Tiên để đổi lại việc Tokyo chấp nhận quyền kiểm soát tuyệt đối của Hoa Kỳ ở Philippines, đồng thời Mỹ cũng phải thể hiện sự ủng hộ đối với liên minh Anh – Nhật. Được Mỹ và Anh chống lưng, Nhật Bản đã ra sức đẩy mạnh vị thế quốc gia bảo hộ của mình ở Triều Tiên, đạt được “quyền kiểm soát và lãnh đạo quan hệ ngoại giao của Triều Tiên” thông qua một hiệp định vào tháng 11/1905 và đặt một chức thống sứ ở Seoul để điều hành các công việc ngoại giao.32 Trong vòng 2 năm, Nga và Nhật đã đạt được một thỏa thuận cho phép Nhật Bản chính thức thôn tính Triều Tiên.33 Mọi hành động chống đối những quy định của Nhật đều bị đàn áp đẫm máu, và từ đó sự phát triển nền kinh tế và xã hội của Triều Tiên được xác định bởi những nhu cầu kinh tế và chiến lược của người Nhật tại quê nhà, chứ không phải là những lợi ích của chính nhân dân bản địa.
…..
Cuộc chuyển đổi lần thứ ba: Hệ thống Chiến tranh Lạnh
Kết luận
Chú thích
Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Tien trinh phat trien he thong quoc te o Chau A.pdf
Nguồn: Trích dịch từ sách: Samuel Kim (2008). “The Evolving Asian System: Three Transformations”, in David Shambaugh & Michael Yahuda (eds), International Relations of Asia (Maryland: Rowman & Littlefield Publishers), pp. 35-56.