SỰ CHẾ TẠO VĂN HÓA CỦA CÁC DÂN TỘC CHÂU ÂU
Anne Marie Thièsse
Người dịch: Nguyễn Mạnh Tiến
Ngày nay, người ta thường định nghĩa dân tộc như "một nhóm người nói chung khá rộng lớn, mang đặc trưng về ý thức thống nhất của nó (lịch sử, xã hội, văn hóa) và ý muốn sống chung" (định nghĩa của Le Petit Robert, 1996). Nhưng để thể hiện ý muốn sống chung, đối với mỗi dân tộc trước hết không những phải phát triển ý thức về sự thống nhất ấy mà còn phải xây dựng nó. Vì, vào cuối TK XVIII, nó chỉ mới còn là một định đề, nói chung tương phản với những hiện thực xã hội rõ rệt nhất. Để cho những cộng đồng tưởng tượng ấy (1), tức là các dân tộc, ra đời, còn phải đem lại cho chúng một lịch sử, một ngôn ngữ, một văn hóa chung. Đó là một sự nghiệp khổng lồ, huy động các nhà bác học, nhà văn và nghệ sĩ trong nhiều thập kỷ.
Một dân tộc là gì? Theo cách hiểu chung, được tạo ra vào cuối TK XIX và được làm sống lại gần đây, có hai quan niệm đối kháng nhau về dân tộc. Quan niệm chủ quan, gọi là quan niệm Pháp, thoát thai từ cách mạng: coi việc thuộc một dân tộc là biểu hiện của một sự lựa chọn theo lý trí và có tính hợp đồng để tham gia một cộng đồng. Quan niệm khách quan, được coi là của Đức và gắn với phong trào lãng mạn, xác định sự quy thuộc dân tộc bằng những tiêu chuẩn tộc người và văn hóa. Sự đối lập này là giả tưởng, vì cả hai liên kết với nhau một cách nội tại, ngay cả khi chúng được nhấn mạnh một cách khác nhau tùy theo những bối cảnh chính trị và xã hội.
Dân tộc, hiện thân của nhân dân tối thượng
Ý tưởng dân tộc, theo nghĩa chúng ta đem lại cho thuật ngữ này hiện nay, là đồng chất với cuộc cách mạng tư tưởng lớn ở cuối TK XVIII, chuyển tính hợp thức tối thượng sang cho nhân dân và bác bỏ sự phân chia xã hội thành những trật tự khác nhau. Khác với một nhóm cư dân được xác định bằng sự lệ thuộc vào cùng một quốc vương, dân tộc được coi là độc lập với lịch sử triều đại và quân sự: nó tồn tại trước và sau quốc vương. Do những bất ngờ của lịch sử, nó có thể bị áp bức hay chia cắt, nhưng nó có bổn phận đấu tranh cho sự tự do của mình. Dân tộc được hiểu như một sự sinh đẻ chung do thiết lập một sự bình đẳng và một tình hữu ái có tính nguyên tắc giữa các thành viên của nó. Như ta thấy, ý tưởng này có tính lật đổ, và về mặt dân tộc, nó đặt ra một sự ngang bằng giữa nhà quý tộc hùng mạnh nhất và người cày ruộng nghèo khổ nhất. Nghĩa là nó còn bị phân chia để trở thành sức mạnh biến đổi xã hội và chính trị. Để làm được điều này, nó phải hình thành căn tính tập thể của các thành viên dân tộc, trên đó có thể phát triển một ý thức quy thuộc, xuất phát từ những quy chiếu và những tập quán chung.
Nhiệm vụ này lúc đầu chẳng có gì là hiển nhiên cả, như Ernst Gellner nhấn mạnh (2), do tính đa dạng văn hóa là thông lệ trong các đế chế, các vương quốc và các công quốc thời đại tiền dân tộc. Những quy chiếu về căn tính của các cá nhân được quy định bởi địa vị xã hội, tôn giáo và sự quy thuộc của họ vào một cộng đồng địa phương tương đối nhỏ hẹp và phong phú về đủ mọi loại đặc tính. Ở TK XVIII, tất cả hay gần như tất cả mọi người đã phân chia nhà quý tộc ở Francfort với người nông dân xứ Bade, nhà tư sản ở Milan với viên thư lại ở Rouen, kẻ mục đồng ở Calabre với người thợ thủ công ở Provence. Nếu các căn tính dân tộc Đức, Italia hay Pháp ngày nay là điều không còn nghi ngờ gì nữa, thì đó chính là do một công việc khổng lồ nhằm tạo ra căn tính và giáo dục yếu tố dân tộc đã được thực hiện từ hai thế kỷ nay.
Tại sao người ta lại muốn sống chung? Vì người ta có một di sản tập thể, không thể phân chia và không thể tước bỏ. Đó chính là nền tảng của ý tưởng dân tộc, như Ernest Renan nhấn mạnh trong bài giảng nổi tiếng dưới nhan đề Một dân tộc là gì? (3): "Một dân tộc là một tâm hồn, một nguyên lý tinh thần. Nói cho đúng, hai cái đó chỉ là một, chúng xây nên tâm hồn ấy, nguyên lý tinh thần ấy... Một cái là sự có chung một di sản những kỷ niệm; cái kia là sự đồng tình hiện có, là ước muốn được sống chung, là ý chí tiếp tục phát huy giá trị của cái di sản không thể phân chia mà người ta nhận được". Sự hình thành những căn tính dân tộc là ở chỗ xây dựng những di sản mới nhìn qua là giống nhau một cách rõ rệt ấy. Tất cả các căn tính dân tộc đều khác nhau, nhưng chúng biến đổi theo những loại giống nhau.
Mọi dân tộc được thừa nhận thật ra đều có một lịch sử lâu đời và tiếp tục thiết lập mối liên hệ giữa các tổ tiên sáng lập và hiện tại, một ngôn ngữ, những anh hùng, những tượng đài văn hóa, những tượng đài lịch sử, những điểm ký ức, những truyền thống dân gian, những cảnh quan tượng trưng. Trường tiểu học dạy sự kết cấu của di sản tập thể ấy, mà ngày nay đó là cái khuôn của tất cả những biểu tượng của dân tộc, từ những sưu tập tiền ngân hàng đến những nghi lễ chính thức. Về căn bản, sự hoàn chỉnh đã kết thúc vào TK XIX.
Sự hình thành của các ngôn ngữ dân tộc
Người Pháp nói tiếng Pháp, người Thụy Điển nói tiếng Thụy Điển, người Ba Lan nói tiếng Ba Lan, người Bulgari nói tiếng Bulgari,... Một điều có vẻ tự nhiên đối với chúng ta là mọi dân tộc đều đồng nhất với một ngôn ngữ nói chúng có tính đặc thù. Thế nhưng cảnh quan ngôn ngữ của châu Âu thời Khai sáng hoàn toàn không giống với cảnh quan của chúng ta, khi những biên giới dân tộc trùng hợp ít nhiều với những ranh giới ngôn ngữ học. Trên cùng một không gian, ngôn ngữ được các cá nhân sử dụng phụ thuộc vào địa vị xã hội và bối cảnh giao tiếp của họ. Đám đông dân cư nông thôn nói những phương ngữ chỉ dưới hình thức nói miệng, trong khi nhiều ngôn ngữ viết (ngôn ngữ thờ cúng, ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ triều đình) cùng tồn tại.
Các văn bản Viện hàn lâm Berlin được soạn bằng tiếng Pháp theo chỉ dụ của Frederic II nước Phổ, và nhà triết học Johann Gottgried Herder đã trách cứ các nhà quý tộc Đức chỉ nói tiếng Đức với lũ ngựa và lũ đầy tớ của họ. Ở một phần khá lớn của châu Âu, tiếng Pháp là ngôn ngữ triều đình và ngôn ngữ văn hóa, nhưng nhiều người vốn là những người dân của vương quốc Pháp lại không nói tiếng Pháp. Từ Francois I, chế độ quân chủ đã làm cho tiếng Pháp thành ngôn ngữ hành chính của vương quốc; về sau nó lại lập ra một Viện hàn lâm để chăm nom sự thuần khiết và tỏa sáng văn hóa của tiếng Pháp.
Tuy nhiên, vương quốc Pháp lại mang đặc trưng có nhiều thứ tiếng ô hợp (các phương ngữ breton, flamand,...), nhưng nhà vua tuyệt đối không quan tâm tới việc thống nhất các tập quán ngôn ngữ của thần dân. Mọi cái thay đổi cùng với cách mạng. Việc dùng ngôn ngữ nhà vua trước đó là dấu hiệu của địa vị xã hội và có nguồn gốc địa lý, còn việc dùng ngôn ngữ dân tộc đã trở thành một nghĩa vụ đối với tất cả các công dân vì nó chỉ sự quy thuộc vào cộng đồng mà từ nay nắm giữ chủ quyền. Do đó, các patois (thổ ngữ) được coi như những tàn tích của chế độ cũ bị loại bỏ trước thực tế ấy.
Trong toàn châu Âu, sự đồng nhất hóa ngôn ngữ xuất hiện như một điều kiện cần thiết cho sự thực hiện dân tộc như sự thống nhất xã hội và văn hóa. Đôi khi đó là phổ cập việc sử dụng một ngôn ngữ đã có, hoặc trong dân chúng (trường hợp nước Pháp), hoặc bên trong các giới thượng lưu (trường hợp nước Đức). Nhưng rất thường khi phải bắt đầu bằng việc xây dựng ngôn ngữ chung. Đôi khi, có một ngôn ngữ viết, nhưng đó là một ngôn ngữ cổ, không thích hợp với nhiều việc sử dụng: lúc đó phải làm giàu và hiện đại hóa nó (trường hợp tiếng Italia và nhiều thứ tiếng slaves). Có những trường hợp khác, ngôn ngữ viết bị giới hạn vào những sự thờ cúng, khi đó phải xây dựng nó trên cơ sở những phương ngữ được dùng trong dân cư (trường hợp tiếng Phần Lan, tiếng Estonie, các thứ tiếng slave ở Balkan).
Một công việc vô cùng lớn đã được các nhà ngữ văn học thực hiện từ cuối TK XIX để hoàn thiện các ngôn ngữ dân tộc, chuẩn hóa chúng bằng các từ điển và ngữ pháp. Còn việc xúc tiến chúng thì có các hội chiến đấu được thành lập để trợ cấp cho việc ấn hành những cuốn sách và những tờ báo bằng nhiều ngôn ngữ dân tộc; các trường học được mở cửa để dạy những ngôn ngữ ấy. Sự thống nhất ngôn ngữ được tiến hành khá nhanh chóng, theo những chính sách giáo dục và trình độ phát triển kinh tế.
Quá trình tạo dựng ngôn ngữ ấy gắn liền với sự xuất hiện những yêu sách dân tộc mà ngày nay vẫn còn được theo đuổi. Nhất là hiện nay, khi các nhà nước mới thoát thai từ sự tan vỡ của Nam Tư (sự phân chia giữa tiếng serbe và tiếng croate, các thứ tiếng từng được các nhà thông thái xây dựng ở TK XIX như ngôn ngữ thống nhất viết theo hai vần chữ cái, sự tuyên bố lấy tiếng Macédoine làm ngôn ngữ dân tộc, tách khỏi tiếng bulgare). Việc yêu cầu thừa nhận một dân tộc romkhông có lãnh thổ, được đệ trình ở Prague tháng 7-2000, có kèm theo một dự án mã hóa một ngôn ngữ thống nhất từ những phương ngữ được nói bởi những người Rom và Tsigan khác nhau ở châu Âu.
Các lịch sử và các huyền thoại dân tộc
Vào TK XIX, các dân tộc chưa có lịch sử. Chỉ trong những thập kỷ sau đó, những truyện kể đầu tiên vạch lại sự tồn tại của những thực thể ấy qua các thời đại mới được những nhà trí thức tự do và yêu nước soạn ra. Các lịch sử dân tộc khác về căn bản với các lịch sử nhà vua. Một dân tộc không bao giờ xâm chiếm lãnh thổ các láng giềng. Qua các thế kỷ, nó chỉ chống lại áp bức và xâm lược, quyết liệt bảo vệ mảnh đất do tổ tiên mình để lại với những vấp váp và những bất hạnh. Những anh hùng của nó thuộc về tất cả mọi tầng lớp xã hội, kể cả những người bình thường nhất: những nông dân (hiếm khi là nữ nông dân) đứng lên quyết liệt chống lại kẻ thù và các bạo chúa. Tính thống nhất hàng đầu và tính thừa kế lâu đời của thực thể dân tộc là hai nguyên lý căn bản của các lịch sử dân tộc, do đó chúng che đậy sự khác biệt của các lịch sử vùng hay các xung đột giữa các bộ phận của dân tộc. Ngược lại, tất cả những thời điểm, dù rất tạm thời, của sự đoàn kết chiến lược đều được đánh giá cao. Trong lịch sử dân tộc Pháp, người ta biết rõ di sản của sự liên minh giữa vài thủ lĩnh gaulois trước quân đội La Mã!
Lịch sử dân tộc nêu bật những tình tiết và những gương mặt tiêu biểu, đó cũng là những bài học và những khuôn mẫu cho những cuộc chiến đấu sắp tới. Nó tạo ra một ký ức tập thể để về sau tất nhiên được truyền bá bằng giáo dục và cũng bằng cả một tập hợp sáng tạo văn học và nghệ thuật rộng lớn. Tiểu thuyết lịch sử, do Walter Scott khai trương đầu TK XIX, là một phương tiện có hiệu quả để truyền bá rộng rãi trong dân chúng sự nhận thức lịch sử dân tộc về mặt tình cảm và sự đồng nhất với các anh hùng của nó. Các tiểu thuyết Risorgimento ở Italia, trong những năm 1830, đã cổ vũ các cuộc đấu tranh chống những bạo chúa nước ngoài và tôn vinh việc xây dựng Liên minh Lombardie chống lại Fréderic Barberouse, và đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng ý thức thống nhất của Italia, tiền đề của sự thống nhất.
Vô số tranh lịch sử vẽ vào TK XIX cũng đóng vai trò như vậy: được sao lại hay bắt chước vô tận trên những tranh khắc hay những đồ vật trong nhà, chúng biến lịch sử dân tộc thành cảnh trang trí trong cuộc sống riêng tư. Với sự phát triển của đô thị hiện đại, những pho tượng vĩ nhân trở thành sự trang trí thường gặp thấy ở những nơi công cộng. Ở sân khấu, nhà hát nhạc kịch, các cử tọa, tâm hồn người ta dễ rung động về lịch sử chung. Những lễ tưởng niệm lớn nảy nở mạnh mẽ trong thế kỷ này cũng phát triển một cách có hệ thống sự tôn vinh tính cộng đồng xuyên thế kỷ ấy.
Cùng với sự phát triển lịch sử dân tộc, đã xuất hiện một loại di sản tập thể mới, những tượng đài lịch sử. Cho đến lúc đó chỉ mới tồn tại những tòa nhà tương đối cổ kính được xác định bởi việc sử dụng chúng. Chủ nhân của chúng có thể làm gì tùy thích. Nếu họ có tiền, họ hiện đại hóa chúng cho thích hợp với sở thích đương thời. Những nhà thờ roman hay gôtic, cứ từng thời gian, lại được làm đẹp đều đặn theo một dáng mới, và để cho oai, người ta chạm một dàn hợp xướng của TK XIII lên một bàn thờ barôc. Một ông chủ nghèo khổ hoặc lo lắng tới việc hợp lý hóa tài sản của mình rất lấy làm thích thú khi chuyển một tu viện cũ hay một lâu đài phong kiến thành một công trường đá.
Cả ở đó nữa, mọi cái đã thay đổi với sự xuất hiện nguyên lý dân tộc. Nguyên lý này đặt ra quyền cao nhất của tập thể đối với một số tòa nhà được đánh giá lại như những công trình lớn của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên khi những công việc đầu tiên trong lĩnh vực này được tiến hành tiếp theo cách mạng Pháp, và khi tu viện trưởng Grégoire bày đặt ra thuật ngữ nạn phá hoại văn vật (vandalisme) chỉ một kẻ dã man, một kẻ bên ngoài tồn tại mới có thể xâm phạm di sản tập thể như vậy. Nhưng còn cần phải xác định những gì thuộc về di sản này.
Các học giả, nhà văn, họa sĩ hồi đó cố phân biệt cho được, trong số những công trình ấy, những cái nào đặc biệt thuộc về lịch sử dân tộc và cái nào là đối tượng sùng kính riêng của cộng đồng. Chẳng hạn, năm 1831 ở Paris, đã xuất bản một tiểu thuyết lịch sử lấy nhà thờ làm nhân vật của nó. Tác giả Nhà thờ Đức Bà Paris tặng cho độc giả của nó một bài học về lịch sử thời Trung đại, trong đó những người nghèo được dành cho một phần thật đẹp: tác giả cũng cho độc giả một bài học về kiến trúc gôtic cho đến lúc đó còn chưa được chú trọng mấy. Đến mức Victor Hugo phải thốt lên: "Hãy bảo toàn những tượng đài lịch sử của chúng ta. Nếu có thể được, hãy đem lại cảm hứng của dân tộc đối với tình yêu kiến trúc dân tộc".
Vài năm sau, một ủy ban tượng đài lịch sử được chính thức thành lập, chịu trách nhiệm lập danh mục các tòa nhà sẽ là đối tượng bảo tồn và khôi phục. Cũng trong thời gian này, giai cấp tư sản Đức được huy động vào một công việc lớn do vài học giả Rhénanie khởi xướng: khôi phục Nhà thờ Cologne, để nó trở thành một ẩn dụ về việc xây dựng sự thống nhất của nước Đức.
Bản tính dân tộc: một cảnh quan tượng trưng
Trong cả TK XIX, còn có thêm một sự dân tộc hóa có hệ thống tiếp theo sau tất cả những sản xuất văn hóa của các thời đại trước đó: những tác phẩm văn học nghệ thuật của các thế kỷ trước được phân loại lại theo những thẩm định dân tộc, thường là hoàn toàn vô nghĩa đối với thời kỳ chúng được sáng tạo ra. Như vậy là đã tăng thêm việc hiểu dân tộc như một cái đã có sẵn, mà các thế hệ hiện tại có nghĩa vụ phải trung thành và truyền thụ.
Ngày nay, khi nhìn một tấm biển quảng cáo du lịch, chúng ta biết cách đoán ra địa chỉ được nhắm tới. Những nếu như chúng ta có thể liên kết ngay một cảnh quan với một xứ sở, thì đó là do đã thực hiện ở TK XIX một công việc vô dùng rộng lớn về mã hóa bản tính dân tộc. Các họa sĩ, nhà thơ, nhà tiểu thuyết đã cách điệu hóa và tôn vinh những cảnh quan tượng trưng của dân tộc, được coi là hiện thân của tâm hồn dân tộc. Chính do sự đồng nhất dân tộc với cảnh quan tượng trưng của nó mà Bộ Di sản văn hóa Italia, cách đây vài năm, đã chống lại việc đặt một chiếc đèn chiếu quảng cáo thương hiệu ô tô Thụy Điển lên những ngọn đồi Toscane. Việc quy định cảnh quan dân tộc thường được thực hiện theo lối phân biệt. Tự tách ra một cách căn bản khỏi nước Áo và những thung lũng núi Alpes của nó, Hunggari hiện thân ở Puszta (đồng bằng lớn) mà các họa sĩ và các nhà thơ hình dung như một thứ biển lục địa bị gió quét tung lên, tượng trưng cho một sự tự do quyết liệt. Thụy Sĩ, với lãnh thổ khá hẹp so với các cường quốc láng giềng, được phóng chiếu qua những đỉnh cao lấp lánh và những núi băng. Cảnh quan dân tộc Na Uy được tạo bằng những vịnh dựng đứng đến chóng mặt, tương phản với những cánh đồng xanh rờn của Đan Mạch, người chủ cũ của đất nước này, cũng như những cánh rừng không kém xanh của người chủ cuối cùng là Thụy Điển. Sự quy định về thực vật cho thấy rõ hơn những chỉ dẫn về địa hình: bạch dương Nga, thông Phần Lan, sồi Đức, bách Italia.
Cảnh quan dân tộc Pháp thật phức hợp, vì nó hiện ra chủ yếu dưới những hình thức một chuỗi cảnh quan vùng rất rõ rệt nhưng cũng rất khác nhau. Thật vậy, vào TK XIX đã hình thành một quan niệm về tính đặc thù Pháp, dựa vào tính đa dạng về những tài nguyên thiên nhiên của đất nước: nước Pháp có lẽ là một kiểu tóm lược lý tưởng của châu Âu. Ý tưởng này có một hệ quả: nước Pháp, sự kết hợp hài hòa của những tương phản, đúng là mảnh đất của sự điều hòa. Thể hiện ở cảnh quan: một thung lũng cỏ rập rờn khi hiện ra hiền hòa dưới một bầu trời phơn phớt mây; những cây tạo thành một cái lùm mà không phải một khu rừng; một ngôi nhà ở xa xa. Tất cả đều là những tổng hợp yên bình...
Giống như những tượng đài lịch sử, những cảnh quan tượng trưng cũng trở thành đối tượng làm tranh tượng và văn chương, sau đó được phổ biến rộng rãi bằng nhiếp ảnh, bưu thiếp, các tấm quảng cáo. Nhiều chiến dịch động viên và nhiều hội được lập ra để bảo vệ chúng. Cả ở đó nữa, nguyên tắc về các quyền cao nhất của tập thể đối với các bất động sản cũng được đặt ra, khiến cho người sở hữu chúng không thể thay đổi theo ý thích của mình được nữa. Những quyết định chính thức đầu tiên về bảo vệ các phong cảnh tự nhiên ở Pháp được đưa ra năm 1861: những quyết định này giới hạn các khu phải được bảo vệ ở trạng thái tự nhiên trong rừng Fontainebleau, nghĩa là giống hệt với những bức tranh được vẽ ra vài chục năm trước đó.
Các folklore và sự bày đặt ra truyền thống
Ở TK XIX, người nông dân trở thành thực thể dân tộc tiêu biểu nhất. Tầng lớp nông dân được coi như một loại bảo tàng sống về những nguồn gốc dân tộc, các bảo tàng này đã nắm giữ được một sợi chỉ trực tiếp với tổ tiên xa nhờ có những truyền thống của nó. Nó cũng không được coi như đã có những quan hệ thân thiết với mảnh đất dân tộc. Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi có rất nhiều cuộc điều tra và sưu tầm tộc người học được tiến hành, mà mục đích được nêu rõ là để khám phá những cơ sở đích thực của các văn hóa dân tộc.
Những người sưu tầm đầu tiên, vào cuối TK XVIII, đã tung ra một tiếng kêu báo động: các truyền thống sắp biến mất mãi mãi, thâu thập chúng là một nghĩa vụ yêu nước cấp bách. Nhưng thời gian càng trôi đi thì các folklore lại càng phong phú. Ở đâu những nhà quan sát đầu tiên phàn nàn vì đã đến quá muộn, thì vài chục năm sau, những người tiếp nối họ lại tìm được những sự mô tả phong phú: đặc biệt đó là trường hợp những trang phục truyền thống, được mô tả và minh họa dồi dào từ những năm 1830. Dường như sự bày đặt ra truyền thống, nói theo một cách nói nổi tiếng (4), hay ít ra sự cải tiến chúng, đã giữ một vị trí quan trọng trong nhiều folklore dân tộc của TK XIX.
Dù sao, các dân tộc châu Âu càng công nghiệp hóa và đô thị hóa bao nhiêu, thì chúng càng ghi khắc căn tính của mình theo sự quy chiếu vào tính cổ xưa và vào thế giới nông dân bấy nhiêu. Trong những cuộc trưng bày lớn về căn tính của mình, tức là các cuộc triển lãm quốc tế, từ năm 1951, những gian hàng máy móc nằm cạnh những triển lãm về truyền thống dân gian của dân tộc và những làng tộc người học. Được tạo ra bằng những ngôi nhà truyền thống nói chung xây dựng nhân dịp này, đôi khi đặt vào một bối cảnh gợi lại cảnh quan dân tộc tượng trưng, các ngôi làng này làm cho khách thăm triển lãm thích thú ngắm nghía những người nông dân ăn mặc một cách tiêu biểu đang vắt sữa bò và làm các nghi lễ vào giờ giấc đã báo trước trong chương trình.
Khu Thụy Điển của Triển lãm quốc tế tại Paris năm 1878 đã thành công lớn và đem lại một xung lực quyết định để mở ra các bảo tàng tộc người học ở tất cả các thủ đô lớn châu Âu. Các bảo tàng này rõ ràng được dành làm những nơi giáo dục yêu nước và gây cảm hứng về một văn hóa dân tộc đích thực. Sự xuất hiện và phổ biến nguyên lý dân tộc gắn chặt với những biến đổi kinh tế và kỹ thuật: đó chính là các cuộc cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Nhưng, như Anthony D.Smith (5) nhấn mạnh, chính những nhà trí thức và nghệ sĩ đã hoàn thiện ngôn ngữ dân tộc, xây dựng gia tài tượng trưng và vật chất bằng cách đem lại hình thức và sức mạnh động viên cho nó. Những sáng tạo văn hóa tỏ ra có hiệu quả lớn, cho phép tạo nên những hình thức tổ chức xã hội và chính trị bền vững. Nhiều tấm gương hiện nay (Québec, các nhà nước thoát thai từ Liên Xô, những chủ nghĩa dân tộc vi mô phương Tây) còn cho thấy rằng việc tạo dựng một gia sản văn hóa tập thể đang đóng một vai trò hàng đầu trong yêu sách dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. B.Anderson, Cái tưởng tượng dân tộc: suy nghĩ về nguồn gốc và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc, La Découverte, 1996.
2. E.Gellner, Các dân tộc và các chủ nghĩa dân tộc, Payot, 1989.
3. E.Renan, Một dân tộc là gì?, bài giảng ở Sorbonne ngày 11-3-1882.
4. E.Hobsbawm, T.Ranger, Sự phát minh ra truyền thống, Cambrridge University Press, 1983.
5. A.D.Smith, Căn cước dân tộc, Pengun books, 1991.
Nguồn:Tạp chí VHNT số 343, tháng 1-2013