1. Mối quan hệ giữa TTKT với giảm nghèo
TTKT là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ để giảm nghèo
Trước hết, cần khẳng định TTKT là điều kiện cần để giảm nghèo. Phải có TTKT, nhất là TTKT cao, ổn định và dài hạn thì Nhà nước mới có sức mạnh vật chất để thực hiện các chương trình giảm nghèo. Thực tế ở nhiều nước cho thấy, tốc độ TTKT cao đã tác động tích cực đến tỷ lệ nghèo. Thí dụ, trong những năm 1990, các quốc gia Đông Á đạt tốc độ tăng trưởng cao (6,4%) và tốc độ giảm tỷ lệ nghèo là 6,8%; trong khi ở các quốc gia Nam Á, số liệu lần lượt là 3,3% và 2,4%. Nếu không có TTKT, hoặc TTKT chậm, thì Nhà nước sẽ không có nhiều nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo.
Tuy nhiên, TTKT mới chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ để giảm nghèo. Thực tế cho thấy, một số những quốc gia có mức TTKT và thu nhập bình quân đầu người cao hơn, nhưng kết quả giảm nghèo lại kém hiệu quả hơn. Ngược lại, có những quốc gia thu nhập bình quân đầu người thấp hơn, nhưng thành tựu giảm nghèo lại tốt hơn. Chẳng hạn, năm 2018, GNI bình quân đầu người của Mexico là 17.628 USD (tính theo PPP 2011), nhưng tỷ lệ nghèo quốc gia của họ lên tới 43,6%, tỷ lệ nghèo quốc tế là 2,5%; các số liệu tương ứng của Brazil là 14.068 USD, 26,5% và 4,8%; của Đông Timor là 7.527 USD, 41,8% và 30,7%. Trong khi đó, GNI bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 6.220 USD, nhưng tỷ lệ nghèo quốc gia chỉ còn 9,8% và tỷ lệ nghèo quốc tế là 2,0%, các con số tương ứng của Trung Quốc là 16.127 USD, 3,1% và 0,7%(1).
Như vậy, để thúc đẩy giảm nghèo, ngoài điều cần là TTKT, phải có điều kiện đủ là vai trò của Nhà nước, được thể hiện trong các khía cạnh sau: (1) Lựa chọn mô hình TTKT. Nếu Chính phủ lựa chọn mô hình TTKT nhanh, diễn ra ở những ngành, lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, sẽ không thu hút được người nghèo tham gia, do đó họ không được hưởng lợi trực tiếp từ kết quả của tăng trưởng. Hoặc Chính phủ đẩy nhanh CNH, HĐH, đô thị hóa, dẫn đến tình trạng thu hồi đất sản xuất của nông dân, trong khi không bảo đảm chuyển đổi nghề cho họ, đẩy họ vào tình trạng thất nghiệp, làm gia tăng nghèo đói; (2) Phân phối kết quả của tăng trưởng (GDP). Nếu Chính phủ tập trung quá nhiều nguồn lực cho mục tiêu TTKT, thì sẽ giảm nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo và có thể làm tăng tình trạng nghèo; hoặc nếu Chính phủ chỉ tập trung nguồn lực đầu tư vào các vùng trọng điểm, những ngành mũi nhọn để thúc đẩy TTKT nhanh, mà không quan tâm đầy đủ đến vùng khó khăn, vùng nghèo, thì sẽ dẫn đến sự phát triển mất cân đối, vùng giàu càng giàu, vùng nghèo càng nghèo, tình trạng phân hóa giàu nghèo sẽ nặng nề thêm.
Giảm nghèo thúc đẩy TTKT, nhưng cũng có thể cản trở TTKT
Giảm nghèo có tác động trở lại đối với TTKT. Nó thể thúc đẩy hoặc cản trở TTKT, cụ thể như sau:
(1) Giảm nghèo thúc đẩy TTKT. Các chính sách cho người nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi, đào tạo nghề cho người nghèo, phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo tham gia vào các hoạt động kinh tế... góp phần làm tăng năng lực sản xuất (tăng vốn đầu tư, tăng trình độ nhân lực, tăng kết cấu hạ tầng cho phát triển sản xuất...), tăng cơ hội việc làm cho người nghèo, vùng nghèo, nhờ đó thúc đẩy TTKT. Giảm nghèo còn giúp ổn định xã hội, tạo điều kiện cho TTKT nhanh và bền vững.
(2) Tuy nhiên, nếu thực hiện giảm nghèo không đúng cách có thể cản trở TTKT. Nếu Chính phủ quá chú trọng vào các biện pháp hỗ trợ cho người nghèo, vùng nghèo mà không đi cùng với nâng cao năng lực sản xuất cho người nghèo, vùng nghèo, nâng cao lòng tự trọng, tự lực, ý chí thoát nghèo... thì có thể làm tăng sự ỷ lại của người nghèo vào Chính phủ, làm mất động lực thúc đẩy TTKT.
2. Tăng trưởng kinh tế gắn với giảm nghèo ở Việt Nam
Tác động tích cực của TTKT đến giảm nghèo ở Việt Nam
Thứ nhất, TTKT thúc đẩy gia tăng thu nhập bình quân đầu người (TNBQĐN) và nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo: Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, kể từ năm 1986 đến nay, Việt Nam luôn đạt tốc độ TTKT dương, với mức bình quân giai đoạn 1991-2010 là 7,03%/năm và giai đoạn 2011-2019 khoảng 6,08%/năm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng dân số được kiểm soát đã có tác động tích cực, thúc đẩy TNBQĐN của Việt Nam không ngừng tăng, từ 206,1 nghìn đồng/người năm 1995 lên 3.876 nghìn đồng/người năm 2018 (giá hiện hành). TTKT tạo điều kiện gia tăng nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo: TTKT liên tục với tốc độ khá cao, nên thu ngân sách nhà nước cũng ngày một tăng. Nhờ đó, nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo tăng nhanh từ 10 nghìn tỷ đồng giai đoạn 1998-2000 lên 16.245 tỷ đồng giai đoạn 2001-2005, và 43.488 tỷ đồng giai đoạn 2006-2010. Giai đoạn 2011-2015, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nên nguồn vốn cho giảm nghèo giảm xuống so với giai đoạn trước, song vẫn đạt mức 32.982 tỷ đồng, và tăng lên mức 46.161 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020(2).
Thứ hai, TTKT liên tục đi cùng với giảm tỷ lệ hộ nghèo: Từ năm 1986 đến năm 2019, Việt Nam luôn đạt tốc độ TTKT dương. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ mức 58% năm 1993 xuống 28,9% năm 2002 và 5,8% năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cũng giảm nhanh từ 9,2% năm 2016, xuống 7,8% năm 2017, 6,8% năm 2018 và năm 2019 ước còn khoảng 3,73 - 4,23%.
Thứ ba, TTKT theo hướng có lợi hơn cho người nghèo: Thông qua so sánh tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2003-2018, có thể thấy, ở Việt Nam, tác động của TTKT có lợi hơn cho người nghèo so với nhóm dân cư khác.
Bảng trên cho thấy, bình quân giai đoạn 2003-2018, tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 10,1%/năm, lớn hơn tốc độ tăng trưởng TNBQQĐN trong cùng giai đoạn là 7,8%/năm. Điều đó có nghĩa là, TTKT của Việt Nam trong giai đoạn này “vì người nghèo”, có lợi hơn cho người nghèo. Hay nói cách khác, tác động đồng thuận của TTKT đến giảm nghèo là mạnh mẽ, giảm nghèo nhanh. Tuy nhiên, xét riêng trong 2 năm 2009 và 2010, tỷ lệ nghèo không giảm, mà tăng lên, tức là TTKT trong 2 năm này có lợi cho người giàu hơn là cho người nghèo.
b. Hạn chế
Thứ nhất, tác động tích cực của TTKT đến giảm nghèo không đồng đều giữa các nhóm dân cư, dân tộc. TTKT của Việt Nam trong những thập niên qua đã có tác động tích cực đến giảm nghèo nói chung. Tuy nhiên, tác động này không đồng đều giữa các nhóm dân cư, nhóm giàu được hưởng lợi từ thành quả của TTKT nhiều hơn so với nhóm nghèo. Điều đó thể hiện ở khoảng cách thu nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất với nhóm 20% dân số nghèo nhất ngày càng tăng lên và tỷ trọng thu nhập của 40% dân số nghèo nhất trong tổng thu nhập của toàn dân ngày càng nhỏ đi.
Giai đoạn 1995-1999, chênh lệch thu nhập giữa hai nhóm này ở mức dưới 8 lần (tức là bất bình đẳng trong phân phối thu nhập thấp). Giai đoạn 2002 -2008, mức chênh lệch trong khoảng 8,1 - 8,9 lần (tức là cận dưới mức bất bình đẳng vừa trong phân phối thu nhập); từ năm 2010 đến 2016, mức chênh lệch tăng lên 9,2 - 9,8 lần (tức là cận trên mức bất bình đẳng vừa trong phân phối thu nhập). Năm 2018, mức chênh lệch này tăng lên 10 lần, tức là mức bất bình đẳng cao. Xét theo “tiêu chuẩn 40” của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2002 -2006, tỷ lệ thu nhập của 40% dân số nghèo nhất trong tổng thu nhập chiếm >17% (tương ứng với bất bình đẳng thấp), từ năm 2008 đến nay tỷ lệ này trong khoảng 12%-17% (tức là mức bất bình đẳng vừa). Điều đó cho thấy chênh lệch giàu nghèo tăng lên, người nghèo được hưởng lợi từ kết quả của TTKT ít hơn so với người giàu.
Tác động tích cực của TTKT đến giảm nghèo không đồng đều giữa các dân tộc. Nhìn chung, tác động tích cực của TTKT đến giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thấp hơn đối với đồng bào Kinh. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 52,66% trên tổng số hộ nghèo cả nước và chiếm 27,55% tổng số hộ DTTS. Một số huyện nghèo 30a có tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 60%. Năm 2018, hộ nghèo DTTS chiếm tỷ lệ 62,51% so với tổng số hộ nghèo của 51 tỉnh vùng DTTS, miền núi(6). Có 10 DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 45,7% đến 83,9%, cụ thể là: La Hủ (83,9%), Mảng (79,5%), Chứt (75,3%), Ơ Đu (66,3%), La Ha (47,7%), Co (65,7%), Khơ Mú (59,4%), Xinh Mun (52,4%), Kháng (46,1%), Mông (45,7%)(7).
Thứ hai, khả năng tiếp cận các yếu tố sản xuất của nhóm người nghèo hạn chế, không ít người nghèo ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, giảm động lực TTKT.
Theo điều tra mức sống dân cư 2016, tỷ lệ hộ nghèo được hỗ trợ tín dụng những năm gần đây ngày càng giảm sút. Năm 2010, tỷ lệ này là 9,9%, đến năm 2012 giảm còn 9,1%, năm 2014 chỉ còn 3,4% và năm 2016 là 1,0%. Tỷ lệ hộ nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cũng ngày một giảm, từ 1,2% (năm 2010) xuống 0,8% năm 2012, 0,5% (năm 2014) và 0,3% (năm 2016). Tỷ lệ hộ DTTS được giao đất, giao rừng rất thấp, chiếm 11,5% số hộ DTTS; Năm 2018 có 303.578 hộ thiếu đất sản xuất; 96.256 hộ thiếu vốn, có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất(7).
Thêm vào đó, không ít hộ nghèo còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không có ý thức vươn lên thoát nghèo cũng là lực cản đối với TTKT. Tình trạng này xảy ra ở nhiều xã 135 có tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Ở nhiều bản người La Hủ, người dân chủ yếu chỉ làm nương và vào rừng hái lượm theo mùa. Đây cũng là cộng đồng luôn duy trì tỷ lệ nghèo hơn 80% ở tỉnh Lai Châu. Nhiều năm qua, cái ăn, cái ở, cây giống, vật nuôi đều được Nhà nước cung cấp, nhưng nhiều hộ vẫn chưa thể thoát nghèo(9).
Thứ ba, giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, tuy nhiên, giảm nghèo ở Việt Nam chưa thật sự bền vững. Chẳng hạn, trong 2 năm 2016-2017, tỷ lệ hộ tái nghèo chiếm bình quân 5,17%/năm tổng số hộ thoát nghèo, riêng vùng miền núi Tây Bắc có tỷ lệ tái nghèo lên tới 26,86% (giai đoạn trước khoảng 12%/năm). Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo mới phát sinh cao (so với hộ thoát nghèo) tập trung vào các vùng DTTS, miền núi như: vùng miền núi Đông Bắc (24,67%); vùng miền núi Tây Bắc (39,21%); Tây Nguyên (31,74%). Một số tỉnh có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao như: Hà Giang (28,25%); Cao Bằng (25,44%); Bắc Kạn (59%); Sơn La (52,31%); Điện Biên (41,5%); Đắk Nông (44%); Kon Tum (41%)(10). Đến tháng 3-2018, tuy đã có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. Đặc biệt, 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt tăng từ 0,03% trở lên, trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi như Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kiên Giang; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao(11).
3. Một số khuyến nghị
Các phân tích trên cho thấy, để vừa thúc đẩy TTKT, vừa giảm nghèo bền vững ở nước ta, trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung vào những giải pháp mấu chốt sau:
Kết hợp có hiệu quả mô hình TTKT theo chiều rộng với chiều sâu, chú trọng theo chiều sâu. Định hướng này không chỉ bảo đảm tăng năng suất lao động, thúc đẩy TTKT bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho gia tăng TNBQĐN, gia tăng nguồn vốn giảm nghèo, mà còn tạo cơ hội cho người nghèo, vùng nghèo tham gia vào quá trình tăng trưởng và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình TTKT. Muốn vậy, Chính phủ cần: (i) Duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình TTKT chú trọng theo chiều sâu; (ii) Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, vùng DTTS theo hướng đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tạo mọi cơ hội để người nông dân, người nghèo, người DTTS được trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh tế; (iii) Khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, đầu ra, chế biến, tiêu thụ nông sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo.
Tăng năng lực sản xuất cho vùng nghèo, người nghèo
Tăng năng lực sản xuất cho người nghèo, vùng nghèo là cái gốc để bảo đảm giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, Chính phủ cần quán triệt tinh thần coi trọng “cho cần câu hơn cho con cá”. Cụ thể, cần: (i) Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng nghèo kết nối với các vùng phát triển, nhằm tạo nền tảng thúc đẩy phát triển sản xuất ở vùng nghèo; (ii) Hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người nghèo, để họ có cơ hội tìm việc làm, tham gia vào quá trình TTKT và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này; (iii) Hỗ trợ nguồn lực sản xuất cho người nghèo, vùng nghèo, nhất là hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vì đây là những điểm yếu mà người nghèo không tự mình vượt qua được.
Thay đổi căn bản phương thức giảm nghèo, đề cao ý thức tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo
Giảm nghèo không thể thực hiện thành công nếu như không có sự nỗ lực tự thân của các hộ nghèo, người nghèo và vùng nghèo. Muốn vậy, Chính phủ cần: (i) Giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách cho người nghèo; (ii) Ban hành các chính sách đột phá để khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia và phát huy nội lực của người nghèo, (iii) Tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức của hộ nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là phải đưa người nghèo từ thế “thụ động” sang “chủ động thoát nghèo.
__________________
(1) Báo cáo phát triển con người 2019 của UNDP, Tổng hợp số liệu từ bảng 1, tr.300, 301, 302 và bảng 6, tr.320, 321.
(2) Tổng hợp từ các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.
(3) “Kinh tế 2018-2019 Việt Nam và Thế giới”, Thời báo kinh tế Việt Nam, tr.115 và Niên giám thống kê 2018 và Báo cáo tình hình KTXH năm 2019 và kế hoạch năm 2020.
(4) Tổng hợp của tác giả qua Điều tra mức sống dân cư các năm chẵn từ 2002 - 2016 và tính toán của tác giả từ số liệu tỷ lệ hộ nghèo, Thời báo kinh tế Việt Nam, Kinh tế 2018-2019 Việt Nam và Thế giới, tr.115.
(5) “Kinh tế 2018-2019 Việt Nam và Thế giới”, Thời báo kinh tế Việt Nam, tr.115 và “Thực trạng BBĐ thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 2002-2018”, http://consosukien.vn.
(6) “Sẽ ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững khu vực DTTS, miền núi”, http://baobaohiemxahoi.vn.
(7) “Kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững”, https://www.qdnd.vn.
(8), (10) “Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững”, https://giaoducthoidai.vn.
(9) “Giảm nghèo thế nào để bền vững”, https://vtv.vn.
(11) “Giảm nghèo chưa bền vững”, http://daidoanket.vn.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020