Trước tiên, chúng tôi sẽ phân tích các dữ liệu của kí hiệu học động vật. Mèo, cũng như nhiều loài động vật khác, nhận biết được tổng số chung của con mình, nhưng nó không thể dựa vào hình thức bề ngoài để cá thể hoá đám con cái ấy. Đem một con mèo khác đánh tráo vào đàn mèo con, nếu tổng số cả đàn không có gì thay đổi lớn, thì mèo mẹ không hề cảm thấy bất an. Giờ chúng ta lại chú ý tới việc: một đứa trẻ quan sát đàn mèo con mới sinh, nó lập tức phân biệt được đặc điểm riêng của chúng về màu sắc, về cách phân bố các đốm và đường vằn trên cơ thể, thậm chí phân biệt được cả đặc điểm hành vi cá thể của chúng. Bầy hươu đực tham gia vào một cuộc chiến tay đôi để giành vị trí đầu đàn, rồi cả bầy đi theo con thắng cuộc, tất cả cùng quên phắt ngay con bại trận. Không thể hình dung ra cảnh thế này: một con cái trong bầy hươu không chia sẻ tình cảm chung, quyết định ở lại với con đực vừa bị thua.
Tất nhiên, bức tranh hiện thực bao giờ cũng phức tạp hơn nhiều: có thể dẫn ra những trường hợp có đặc điểm cá nhân nổi bật, nhất là ở những cặp động vật trong thời kì chúng đang hình thành gia đình. Tuy nhiên, có một sự thật bất di bất dịch: ngôn ngữ của động vật không hề biết tới tên riêng. Tên riêng chỉ xuất hiện ở vật nuôi, gia súc và bao giờ cũng là kết quả can thiệp của con người. Cho đến nay, vẫn chưa ai tìm thấy ngôn ngữ tên riêng trong ngôn ngữ của các loài động vật phức tạp nhất. Khi nhân vật trong truyện ngắn của Sekhov dạy người vợ trẻ hôn tay mình vì mọi “… người đàn bà yêu anh ta đều hôn tay anh ta và anh ta đã quen với chuyện ấy…”[1], nhân vật này đã hiện thực hoá hành vi của một con đực (theo nghĩa đen, chứ không phải nghĩa miệt thị của từ ấy) bằng cách tạo ra cho bản thân hình tượng “người đàn bà của mình” không có sự phân biệt về mặt cá nhân.
Điều vừa nói mâu thuẫn một cách kì lạ với hành vi của đứa trẻ - con vật người. Ngược với quan niệm phổ biến tới mức nhàm chán, có thể nói, sự khác biệt về nguyên tắc giữa con người và động vật không biểu hiện ở đâu đậm nét như ở trẻ con. “Thú tính” nhập vào lứa tuổi ấy của đứa trẻ trong phạm vi sinh lí đã che lấp đôi mắt, không cho con người - kẻ quan sát nhìn thấy đặc tính nổi bật của hành vi văn hoá – tâm lí. Những trường hợp trẻ con không hành xử như động vật (tức là như con người) được xem là bình thường, người ta không nhận ra các trường hợp hợp ấy.
Có lẽ biểu hiện nổi bật nhất trong bản chất tự nhiên của nhân tính là việc sử dụng tên riêng và kèm với nó là sự phân biệt tính cá thể, tính độc đáo của cá nhân riêng lẻ như là cơ sở làm nên giá trị của nó đối với “người khác” và “những cái khác”. “Tôi” và “người khác” là hai bình diện của một hành vi duy nhất ở hoạt động tự nhận thức, bình diện này không thể thiếu bình diện kia.
Chỉ có việc được phép giả dối mới biến sự thật thành lối ứng xử có ý thức và được lựa chọn tự do, tương tự như thế, chỉ có việc được phép ứng xử trái khoáy, tội lỗi, phi đạo đức mới biến sự lựa chọn các chuẩn mực đạo đức một cách có ý thức thành hành vi ứng xử. Thú nhỏ – người là sinh vật khó chịu hơn rất nhiều so với đồng sự của nó trong thế giới động vật: nó nhõng nhẽo, dối trá, cố ý gây hại, xoá bỏ những điều cấm kị. Có chuyện như thế, vì nó có khả năng thực hiện hay không thực hiện hành vi này hay hành vi khác và nó cảm nhận được một cách thực tế giới hạn những khả năng của mình. Khả năng được phép làm điều ác là bước đầu tiên tiến tới năng lực không làm điều đó một cách có ý thức. Sự nhõng nhẽo của trẻ con không có cái tương đương trong hành vi của những chú thú con, dù khinh nghiệm tiêu cực đóng vai trò quan trọng trong việc dạy giỗ chúng.
Sự khác biệt nổi bật giữa những con thú nhỏ và con người được biểu hiện trong xu hướng tài năng. Nếu xác định tài năng là năng lực đặc biệt trong việc tinh thông một dạng hoạt động nào đó, thì con vật “tài năng” bao giờ cũng thực hiện rất thành công những hành động vốn có sẵn (chúng tôi sẽ không bàn tới sự tập luyện do con người tạo ra), còn hành vi của con người, cả “tốt” lẫn “xấu”, được thực nghiệm theo thiên tư, bẩm tính của nó. Đây chính là sự khác nhau cơ bản giữa dạy học và tập luyện (dù trong thực tiễn, mọi sự dạy học đều bao hàm nhân tố tập luyện).
Sẽ không thể có hành vi tự giác, nếu thiếu sự lựa chọn, tức là thiếu nhân tố cá nhân hoá[2], và, do đó, hành vi ấy bao hàm cả sự tồn tại của không gian đầy ắp những tên riêng.
Bên ngoài sự can thiệp của con người, ngôn ngữ của động vật, trong chừng mực có thể xét đoán, hoàn toàn không có tên riêng. Vậy mà, chính những tên riêng lại tạo thành trương lực giữa cái cá thể và cái toàn thể vốn là cơ sở nhận thức của con người. Nắm vững trương lực giữa lời nói của cá nhân được sáng tạo ad hoc[3] và lời nói chung, dành cho “tất cả”, trẻ nhỏ sẽ tham dự vào một cơ chế nhận thức hoàn toàn mới. Thông thường, điều này được biểu hiện ở tính chất gây hấn của phạm vi các tên riêng: khuynh hướng mở rộng vô biên của nó sẽ xuất hiện, nhưng cũng có thể xuất hiện trường hợp ngược lại. tuy nhiên, quan trọng là ở chỗ: bản thân thực tế trương lực ngữ nghĩa, chứ không phải là sự chiến thắng, bao giờ cũng chỉ là thực tế của một xu hướng nào đó mang tính nhất thời. Đó là thời kì hoạt động sáng tạo ngôn từ sôi sục, vì chỉ có ngôn từ mới, ngôn từ vừa sáng tạo ra một cách độc đáo mới gắn chặt với cái được biểu đạt.
Xu hướng trên thâm nhập một cách tích cực từ ngôn ngữ của trẻ nhỏ vào ngôn ngữ của cha mẹ. Chẳng hạn, ta thường nghe các bậc phụ huynh nói rằng: “Cháu tên là Tanhia, nhưng chúng tôi vẫn gọi là Tiulia, vì hồi xưa, đó là một trong những từ đầu tiên của nó, vả lại, chính cháu tự gọi tên mình như thế”.
Sự khác nhau giữa lời nói “của mình” và của “người khác” sẽ phân chia thế giới của trẻ em thành thế giới của “mình” và của “người khác”, vạch ra đường ranh giới nhận thức mà nó luôn luôn được duy trì như là nhân tố ưu thắng quan trọng nhất của văn hoá. Thế cho nên mới xuất hiện ranh giới ngữ nghĩa mà về sau sẽ giữ vai trò cơ bản trong kiến tạo thế giới về mặt xã hội, văn hoá, vũ trụ, luân lí.
Đặc tính nói trên trong ý thức của trẻ nhỏ là yếu tố tạo thành nền tảng đặc biệt của nhân tính. Ở hàng loạt cá nhân, nó thể hiện hết sức rõ rệt. Chẳng hạn, thời thơ ấu, Vladimir Soloviov đặt tên cho từng cái bút chì của mình. Kì vọng buộc “người khác” phải kiêng kị, không sử dụng cái tên “trẻ con” của mình có nguồn cội ở đó. Thoạt đầu, đằng sau kì vọng này là tâm lí muốn bảo vệ điều bí mật ở thế giới “của mình”. Về sau, cậu/cô thiếu niên có thể xấu hổ vì tính trẻ con mới đấy của bản thân và lấy đó làm lí do để cấm kị đối với ngôn ngữ đầu đời của mình. Các lí do có thể thay đổi, nhưng kị huý thì bao giờ cũng được duy trì.
Việc đứa trẻ muốn mở rộng lĩnh vực tên riêng bằng cách nhập vào đó toàn bộ phạm vi danh từ có liên quan tới thế giới “gia đình” của nó đã được chỉ ra nhiều lần và người ta nhìn thấy ở đó biểu hiện của tính cụ thể khác thường trong nhận thức của trẻ em. Nhưng cả xu hướng ngược lại cũng mang tính tích cực: cậu bé ba tuổi chạy từ gốc cây này đến cây kia trong công viên, cậu đá vào cây thông, cây bạch dương, cây sồi đầy phấn khích và khoái chá kêu lên: “Này, cái cây!”. Sau đó cậu cũng kêu lên như thế và đá vào cột điện, rồi phá ra cười: đây là sự đùa vui hóm hỉnh, cậu bé không xem cột điện là cái cây. Trước mắt chúng ta không chỉ là năng lực khái quát, mà còn là khả năng dùng năng lực ấy để đùa bỡn, tức là những gì gắn với các quá trình chỉ thuộc về nhận thức của con người.
Tách ngôn từ ra khỏi sự vật là ranh giới tạo ra hố sâu ngắn cách con người và thế giới động vật còn lại; trẻ con là lính gác biên giới đứng bên rìa cái hố sâu ấy, so với người lớn, nó có những đặc tính rõ hơn của loại ý thức mà nó là một tín đồ mới.
Trong Luận về nguồn gốc của sự bất công, Rousseauđãphát biểu một cách thiên tài về tâm lí phân biệt các sự vật và hiện tượng: “Nên giả định rằng, những từ đầu tiên mà loài người sử dụng, trong óc họ, có ý nghĩa rộng hơn rất nhiều so với những từ mà họ sử dụng trong các ngôn ngữ đã ổn định, rằng khi tiến hành phân chia lời nói thành các bộ phận hợp thành, lúc đầu, loài người đã gán cho mỗi từ ý nghĩa của một câu trọn vẹn. <…>
Mỗi đối tượng lúc đầu có một tên gọi riêng biệt độc lập với giống, loài và kiểu, dạng mà những ông giáo đầu tiên không có có khả năng phân biệt; trí tuệ của họ hình dung mọi cá thể là những đối riêng biệt như nó vốn dĩ trên bức tranh của tự nhiên. Nếu một cây sồi được gọi là A, thì cây sồi khác sẽ được gọi là B, bởi vì ý niệm đầu tiên của chúng ta, cái ấn tượng xuất hiện dưới dạng hai đối tượng, sẽ là ấn tượng cho rằng chúng không phải cùng là một thứ, và thường phải cần nhiều thời gian mới có thể thay đổi, rằng giữa hai cái cây ấy có cái chung; thế cho nên, tri thức càng hạn hẹp, kho từ vựng càng rộng lớn. Những khó khắn gắn với toàn bộ bảng danh mục này thật không thể dễ dàng loại bỏ, bởi vì, muốn sắp xếp những thực thể sống động phù hợp với các dấu hiệu phổ quát và chủng loại, cần biết được thuộc tính và sự khác biệt, cần phải quan sát và xác định, tức là cần phải có lịch sử tự nhiên và siêu hình học”[4].
Tiếp theo, Rousseau còn táo bạo khẳng định, rằng “khi chuyền từ cây hồ đào này sang cây hồ đào khác”, con khỉ không xem các đối tượng này là cái gì thống nhất (một con khỉ như thế, tất nhiên, ngược với ý kiến của nhà triết học, đã chết đói mất rồi). Nguồn mạch tạo nên đặc thù của con người nằm ngay ở những nét chia tách con khỉ với đứa trẻ. Ở đây bắt đầu diễn ra trò chơi giữa tên riêng và danh từ chung, giữa cái “này” với cái “bất kì”. Cũng chính vì khái niệm “cái này và chỉ nó” là khái niệm mới, nên trước tiên nó thu hút sự chú ý của tín đồ mới. Không phải “tôi” thiếu “những người khác”. Mà chỉ trong ý thức của con người “tôi” và “tất cả những người khác, trừ tôi” tạo thành một cái gì đó đồng thời vừa thống nhất, vừa xung đột.
Một trong những cơ chế kí hiệu học khởi điểm vốn có của con người được bắt đầu từ khả năng trở thành “chỉ là mình”, thành sự vật (tên riêng) và đồng thời lại xuất hiện với tư cách “đại diện” của một nhóm, là một trong nhiều (danh từ chung). Cái khả năng này, khả năng xuất hiện trong vai của cái khác, thay thế ai đó hay cái gì đó cũng có nghĩa “không trở thành cái vốn là mày”.
Chẳng hạn, khi những con đực trong bầy khỉ đầu chó ẩu đả, con bại trận làm điệu bộ chấp nhận giao cấu, chúng ta bắt gặp một trường hợp cực kì thú vị về điểm xuất phát của tiến trình kí hiệu học. Ngược với những cách giải thích có thể có theo quan điểm Freud, trước mắt chúng ta không phải là trường hợp toàn thắng của ý đồ giao cấu, mà là sự biểu hiện nổi bật của khả năng giải phóng khỏi quyền lực của ý đồ ấy ngay trong vương quốc riêng của nó, biến nó thành ngôn ngữ, tức là thành một cái gì đó mang tính hình thức, tách khỏi nghĩa hẹp. Con khỉ đầu chó đực sử dụng tư thế giao cấu của con cái như là kí hiệu của quan hệ phi nhục dục - nó là bằng chứng về thái độ chấp thuận trở thành kẻ chịu lệ thuộc. Những tư thế sinh học tự nhiên, do thiên nhiên tạo ra, hình thành theo đường di truyền được lặp lại như những kí hiệu có thể được gán cho một ý nghĩa mang tính võ đoán.
Trong Tiểu thuyết sân khấu, M. Bulgakov mô tả một trường hợp được gợi ra từ việc đạo diễn ra lệnh cấm mô mả những cảnh đổ máu. Kết cục, màn kịch trong đó tác giả mô tả cuộc cãi cọ giữa các nhân vật và cái chết của một người trong số đó đã phải thay đổi: “…Sau cánh gà súng nổ thật sự. Thế là Nataxia Ivanona suýt bị ngất, cả đời cô ấy chưa lần nào nghe thấy tiếng súng, còn Lutmila Sinvestrona thì lên cơn động kinh. Từ đấy, chuyện bắn súng không còn nữa. Khi diễn kịch, người ta làm khác đi, nhân vật không bắn, mà giơ cái bình tưới nước lên rồi hét to “thằng vô lại kia, tao giết mày”, nhờ thế, theo ý kiến của Ivan Vasilievich, bao giờ vở kịch cũng thành công”[5].
Ý nghĩa hài hước của đoạn văn nằm ở sự đối sánh giữa văn bản của tác giả và văn bản ấy bị biên tập chỉnh sửa qua kiểm duyệt của Ivan Vasilievich. Điều này cho phép xem các văn bản nói trên vừa như những văn bản trái nghĩa, từ quan điểm của tác giả, vừa như những văn bản đồng nghĩa đã được nhuận sắc, từ quan điểm của đạo diễn. Khả năng hai văn bản đồng thời hiện lên trong tương quan giữa văn bản này với văn bản kia vừa với tư cách đồng nghĩa, vừa với tư cách trái nghĩa đã dẫn chúng ta tới một vấn đề mới.
Trò chơi ngữ nghĩa tương tự như trường hợp trên nhất định gắn với chức năng nghệ thuật – phạm vi của nó rộng hơn nhiều[6]. Đây là một trong những cơ chế tạo nghĩa. Đặc điểm của nó là ở chỗ: bản chất đích thực của nghĩa chỉ chịu sự quyết định của ngữ cảnh, tức là từ kết quả tiếp xúc với một không gian rộng hơn, nằm bên ngoài nó.
Hỡi cái đầu thông tuệ,vì đâu ngươi mê sảng?[7]
Chỉ cần hiểu đây là những lời nói với con lừa (sự hiểu biết này đòi hỏi phải có một ngữ cảnh rộng hơn rất nhiều), ta có thể xác định, mình đang tiếp xúc với văn bản giễu nhại. Bởi thế, ở đây thực ra phải nói về chức năng của văn bản, chứ không phải về cấu trúc của nó. Trong thực tế, giễu nhại bao giờ cũng có ý muốn nói tới sự am hiểu mang tính cá nhân của người nhận. Sự giễu cợt, trực tiếp hay kín đáo, luôn luôn nói về cái đơn nhất cụ thể, tức là gắn với tên riêng. Vấn đề sẽ còn phức tạp hơn nhiều khi ta chuyển sang khu vực các văn bản nghệ thuật.
Về nguyên tắc, văn bản nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ khả năng phức tạp hoá quan hệ giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, tức là từ xu hướng ngả về không gian của các tên riêng và sự trần thuật khách quan từ ngôi thứ ba. Về phương diện này, kinh nghiệm tâm lí của chiêm bao đã gợi ý cho ta về bản thân khả năng của văn bản nghệ thuật. Chính ở đó, con người tìm thấy kinh nghiệm về sự “chập chờn” giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, giữa phạm vị hiện thực và phạm vi ước lệ của hoạt động. Bởi vậy, trong chiêm bao, các khả năng văn phạm của ngôn ngữ “tựa như” tìm thấy “hiện thực”. Lĩnh vực được thấy trước kia bị đồng nhất một cách hồn nhiên với hiện thực té ra là không gian mà trong đó có thể diễn ra mọi biến đổi do ngôn ngữ cho phép: trần thuật ước lệ, phi hiện thực, lựa chọn các hành động trong không gian và thời gian, thay đổi điểm nhìn. Một trong những đặc điểm của giấc mơ là các phạm trù về sự nói được chuyển sang không gian của sự nhìn. Không có kinh nghiệm như thế, không thể nào có được các lĩnh vực, ví như nghệ thuật và tôn giáo, tức là những biểu hiện đỉnh cao của ý thức.
Việc chuyển phạm vi chiêm bao vào một phần của ý thức sẽ kéo theo sự biến đổi tận gốc bản chất đích thực của nó. Chỉ có những thay đổi này mới tạo ra khả năng bắc được cây cầu từ giấc mơ tới hoạt động nghệ thuật. Bài học kinh nghiệm từ chiêm bao cũng chịu sự biến đổi mà chúng tôi sẽ thực hiện khi bàn về những giấc mơ. Giả thuyết thiên tài của P. Florenski, theo đó, lúc kể lại giấc mơ, bao giờ cũng diễn ra sự thay đổi các vị trí mở đầu, kết thúc và xu hướng của chiêm bao, giờ đây đã được kiểm tra bằng thực nghiệm, vì thế, chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây. Với chúng tôi, điều quan trọng hơn là khi kể lại chiêm bao bằng lời nói, mức độ của tính tổ chức bao giờ cũng được phóng đại lên rất nhiều: cấu trúc trần thuật đã áp đặt lên lời nói của chúng ta.
Tóm lại, việc biến cái có thể nhìn thấy thành cái được kể lại tất yếu sẽ phóng đại tính tổ chức. Văn bản được sáng tạo ra như thế. Quá trình kể chuyện bao giờ cũng loại bỏ vết tích hiện thực của chiêm bao ra khỏi kí ức của chúng ta, và con người thấm nhuần niềm tin, rằng anh ta quả đã nhìn thấy chính cái điều mà anh ta kể lại. Sau đó, văn bản kể lại bằng lời sẽ lưu lại trong kí ức của chúng ta. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của quá trình ghi nhớ: văn bản được tổ chức bằng ngôn từ bao giờ cũng bị đánh bật ngược trở lại với các hình tượng thị giác được lưu giữ trong kí ức và được ghi nhớ trong hình thức trực quan. Cấu trúc trần thuật thị giác, loại trần thuật kết hợp với tình cảm thiện thực vốn là đặc tính của mọi thứ có thể nhìn thấy và mọi khả năng văn phạm của cái phi thực tế được sáng tạo ra như vậy. Đây chính là chất liệu tiềm tàng của sáng tạo nghệ thuật.
Khả năng thấy mộng của loài động vật cao cấp nhất cho phép giả định rằng ranh giới nghệ thuật cũng chẳng cách xa ý thức của chúng là bao. Nhưng sự am hiểu của chúng ta ở lĩnh vực này tỏ ra có vấn đề nhiều tới mức khiến chúng ta không thể đưa ra kết luận nào cả.
Nghệ thuật là không gian phát triển nhất của hiện thực ước lệ. Chính điều này đã biến nó thành “bãi thử” dành cho lĩnh vực thí nghiệm trí tuệ và, rộng hơn, cho việc nghiên cứu các quá trình vận động của trí lực. Ở vấn đề này, chúng tôi quan tâm tới khả năng của nghệ thuật trong việc kết nối không gian của tên riêng và danh từ chung.
Hàng loạt khu vực rộng lớn của nghệ thuật, những khu vực cắm rễ sâu nhất vào các tầng vỉa cổ xưa, có quan hệ với ngôi thứ nhất và là ich-Erzahlung - trần thuật từ ngôi thứ nhất. Nhưng cái “tôi” này hoá ra đồng thời là đại diện cho ý nghĩa “tất cả những người khác trong vị thế tôi”. Thực chất, đây là mâu thuẫn mà Pushkin đã định nghĩa bằng những lời sau đây:
Nghe chuyện bịa mà mắt tôi đẫm lệ(III, 228)
Trong Nhật kí một tuần lễ, sau khi đưa nhân vật của mình vào nhà hát xem vở kịch Beveley của Soren, Radisev tự đặt cho mình câu hỏi: “Nó uống thuộc độc, chuyện ấy liên quan gì tới mày?”[8]. Vấn đề này từng có lời giải đáp tự nhiên cho tới khi, theo luật lệ của folklore, diễn viên đồng thời cũng là khán giả của chính bản thân mình: “tôi” và “nó” hoà lẫn vào cùng một hành động. Việc chia tách thành diễn viên và khán giả, ca sĩ và thính giả đã tạo ra một tình huống hoàn toàn mới, chứa đựng mâu thuẫn nội tại: với tôi, diễn viên là “nó”, nhưng tôi lại truyền đạt toàn bộ lời nói và tình cảm của nó cho “tôi” của tôi. “Tôi” nhìn thấy, giống như người ta trông thấy những tình cảm riêng của tôi.
Với ý nghĩa như thế, vai trò đặc biệt của ballet ở khía cạnh phức tạp hoá mối quan hệ giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba có ý nghĩa hết sức tiêu biểu. Trên sân khấu, “tôi” truyền đạt chức năng của ngôi thứ ba: tất cả những gì có thể nhìn thấy, tôi truyền đạt cho một nhân vật khác (cho nó), nhưng tất cả những gì thuộc phạm vi xúc động nội tâm, tôi lại giữ riêng cho mình bằng cách biểu diễn như là sự thể hiện của ngôi thứ nhất. Nhưng quan hệ “sân khấu - khán giả” chỉ vạch rõ một khía cạnh của vấn đề, còn một khía cạnh khác được hiện thực hoá trên cái trục “tôi - khán giả khác”. Trong Cuộc du ngoạn nhà hát, Gogol viết: “Cả một câu chuyện kì diệu! ... Ở ngoài kia, tất cả ban công và lan can nhà hát đều rên rỉ, từ dưới lên trên, tất cả rung chuyển, hoà vào một tình cảm, biến thành một người (I.M. Lotman nhấn mạnh), toàn thể dân chúng hội ngộ như huynh đệ trong một dòng vận động tâm hồn và những tràng vỗ tay hoà nhịp vang lên như sấm làm thành bài ca tạ ơn dành cho điều đã năm trăm năm chưa từng thấy trên thế gian này”[9].
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, rằng giá trị của sự thống nhất ấy chính là ở chỗ: sự thống nhất dựa trên cơ sở của sự khác biệt mang tính cá nhân giữa khán giả với nhau và nó loại trừ sự khác biệt này. Nó là sự bùng nổ tâm lí chỉ có thể có trong bối cảnh căng thẳng tình cảm được tạo ra trong nhà hát.
[1] A.P. Sekhov.- Tác phẩm toàn tập và thư từ.- T. 8, tr. 222.
[2] Khi nói về tính cá nhân, chúng tôi không đồng nhất khái niệm này với cá thể sinh học riêng lẻ của con người. Bất kì một nhóm xã hội nào cũng có thể hoạt động với tư cách cá nhân. Chỉ có mỗi yêu cầu là nó phải làm sao để không chỉ có được sự thống nhất của hành vi (đàn súc vật cũng có được sự thống nhất này), mà còn phải có cả sự tự do lựa chọn hành vi mà nếu thiếu đi, thì phẩm chất cá nhân cũng không có.
[3] La tinh: dùng cho mục đích đặc biệt, đột xuất.- ND.
[4] J.-J. Rousseau.- Luận văn.- M., 1969, tr. 60-61.
[5] M.A. Bulgakov.- Tuyển tập. Bộ 5 tập. M., 1990. T.4. Tr. 515.
[6] Về sự giễu nhại như một phương thức chuyển nghĩa, xin xem: B.V. Tomasevski.- Lí luận văn học. Thi pháp học. L., 1925. Tr. 39.
[7] I.A. Krylov.- Toàn tập. M., 1946. T. 3. Tr. 158. Chúng tôi sử dụng ví dụ của B.V. Tomasevski (xem tài liệu đã dẫn).
[8] A.N. Radisev.- Toàn tập. Bộ ba tập.- M.; L., 1938. T. 1, tr. 140.
[9] Toàn tập. N.V. Gogol.- Toàn tập. Bộ 14 tập.- M.; L., 1949. T.5, tr. 170.
Nguồn: Лотман Ю.М. Семиосфера.- С.-Петербург: «Искусство - СПБ», 2000. С.35 - 41.