Sài Gòn Tiếp Thị: Cứ đến mùa lễ hội đầu năm, báo chí truyền thông lại kêu ca về tình trạng biến tướng của các lễ hội cổ truyền. Từ góc độ nghiên cứu văn hóa, giáo sư nghĩ sao về điều này?
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Trước hết, cần hiểu rằng, lễ hội là một hiện tượng văn hóa luôn luôn được giới hạn rất rõ ràng bởi không gian và chủ thể. Lễ hội truyền thống luôn luôn thuộc về một vùng hẹp, chính xác, là của một làng chứ không bao giờ thuộc về một cộng đồng lớn, dành cho tất cả mọi người. Chủ thể của lễ hội là dân của làng đó. Thường lễ hội diễn ra mỗi năm một lần, và tùy làng, có làng lễ hội tổ chức vào mùa xuân, có làng thì vào mùa thu. Sở dĩ như thế vì đó là hai mùa nông nhàn, người ta ăn bù chơi bù cho những ngày tháng vất vả.
Vì lễ hội thuộc về một làng cho nên có lý do, ý nghĩa, mục đích rất cụ thể của nó. Thực ra, ý nghĩa của nó thông thường không bao giờ được nói ra một cách rõ ràng mà được phủ lên bởi một lớp sương mù huyền ảo của tâm linh hay mê tín. Nhưng thường thì mục đích chung là hướng con người ta đến một cuộc sống tốt đẹp. Người dân trong làng thì cứ “xưa bày nay làm” mà không nhất thiết hiểu đúng ý nghĩa của nó nhưng thực tế kết quả cho thấy điều đó là tốt đẹp cho cộng đồng và cá nhân trong cộng đồng chủ thể lễ hội. Tuy là vậy, nhưng cũng có thể thấy đâu đó, lễ hội có thể bị biến tướng về sau này.
Hội đua ghe ngo ở Sóc Trăng. Ảnh: Huỳnh Công Bá
Vậy nhân tố nào làm biến tướng lễ hội? Có vẻ như nguyên nhân xã hội thị trường vẫn thường được nêu ra…
- Chủ thể của lễ hội là dân làng có đại diện là một cộng đồng bô lão chứ không phải chính quyền địa phương. Trên thực tế, khi thấy một lễ hội thu hút được nhiều du khách thì lập tức xuất hiện những người có máu làm ăn sẽ ăn theo, ví dụ bán hàng, chèo kéo, cò mồi…. Và thế là những lùm xùm xảy ra là thường do người bên ngoài can thiệp vào, vì thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai về tính chất hay mục đích lễ hội. Ví dụ như lễ hội khai Ấn Đền Trần, lễ hội Đền Bà Chúa Kho… thì “mùi kinh doanh” rất rõ. Tất cả do người ta không hiểu được ý nghĩa sâu xa. Trong chuyện vay tiền bà Chúa Kho chỉ có ý nghĩa linh thiêng nếu người vay làm ăn trung thực và lương thiện hay chuyện khai ấn đền Trần vốn có ý nghĩa là triều đình trở lại làm việc bình thường, mở đầu ngày làm việc của một năm mới, thì lại được những người ham danh vọng và các quan chức ngày nay “diễn dịch” theo hướng hời hợt thực dụng rằng đi giành giật nhận ấn là để cầu thăng quan tiến chức…
Hình như chuyện lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) vừa qua bị Tổ chức bảo vệ động vật Châu Á phê phán “tàn bạo” và yêu cầu xóa bỏ, hay lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên cũng từng bị báo chí đây đó cho rằng có màu sắc “dã man”... cũng là một cách soi xét lễ hội dân gian dưới một nhãn quan của kẻ “đứng bên ngoài”, thưa ông?
Đây là trường hợp phê phán do xuất phát từ sự bức xúc mang tính đạo lý. Điều đó tốt thôi. Nhưng thứ nhất, sự can thiệp này giống như mình đứng ngoài mà can thiệp vào việc riêng gia đình của người khác vậy. Lễ hội này xưa nay đã tồn tại tốt đẹp trong phạm vi việc riêng của dân làng, không có gì xấu xa cả, cho đến khi có những người đưa tin, đưa ảnh lên truyền thông và lôi kéo người khác đứng bên ngoài bình luận vào… thì tất cả bắt đầu trở nên xấu.
Thứ hai, họ nói vậy là do thiếu hiểu biết về văn hóa. Bởi vì cùng một hiện tượng có thể hiểu dưới góc độ này hay góc độ kia. Khi không hiểu gì về phong tục tập quán mà chỉ nhìn hình thức bề ngoài thì có thể dẫn đến hiểu sai vấn đề. Nhưng khi chúng ta đặt mình vào tâm thức của chủ thể lễ hội, hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và sống trong không gian văn hóa của lễ hội đó thì mới thấy nó có lý do tồn tại. Phong tục đấu bò dưới con mắt của người phương Tây có ý nghĩa khẳng định sức mạnh của con người trước tự nhiên, còn theo con mắt của người phương Đông lại là sự lừa dối và hành hạ con vật cho đến chết một cách dã man.
Cũng vậy, phong tục chém lợn của làng Ném Thượng dưới con mắt của dân làng là thể hiện sự nhớ ơn người anh hùng thời Lý đã chém lợn rừng nuôi quân; là giáo dục dân làng lối sống đức độ, gia đình chu toàn, biết chăn nuôi giỏi (để được chọn giao làm người nuôi lợn, chém lợn). Còn nếu lấy quan điểm giáo dục ra để can thiệp, bảo rằng trẻ con nhìn cảnh chém lợn sẽ trở nên độc ác và bạo lực thì thiếu cơ sở. Nếu thử điều tra quê quán của những người đầu trộm đuôi cướp trên khắp cả nước này thì chưa chắc đã có ai là dân của làng đó.
Từ góc độ nghiên cứu văn hóa, tôi tin rằng ở những làng giữ được truyền thống tốt đẹp, con người đều hiền, đều tốt. Chỉ có khi hiểu sai về tâm linh, làm cho thần thánh mất đi thì con người mới trở nên hung dữ, dã man và sai trái.
Hội đâm trâu ở Tây Nguyên. Ảnh: Huỳnh Công Bá
Như vậy vẫn sẽ có sự mâu thuẫn dai dẳng giữa quan điểm lễ hội truyền thống với những quan điểm “bên ngoài” nảy sinh trong xã hội hiện đại – thông tin và hội nhập?
Bản chất lễ hội thì có tính cộng đồng, không đóng cửa, nhưng ngày xưa, lễ hội làng nào thì làng đó biết, khách bên ngoài tham dự có thể cũng có nhưng ít. Họ có thể cũng có cảm xúc lạ lẫm, trái mắt nhưng họ ý thức rõ là nhập gia tùy tục nên không biểu hiện ra hay không có ý đồ can thiệp vào. Nay do người dự lễ đưa hình ảnh lên tràn ngập trên truyền thông. Có nhiều báo chí đứng đắn lại làm một việc sai là bỏ phiếu thăm dò xem ai ủng hộ giữ lại lễ hội, ai muốn dẹp bỏ đi… Như vậy dẫn tới tình trạng số đông người ngoài cuộc không hiểu vấn đề lại có tiếng nói hay quyền lực quyết định trong khi nguyện vọng của chủ thể lễ hội trở thành tiếng nói yếu ớt của thiểu số. Trong trường hợp này số đông hay người có quyền “quy hoạch lễ hội” không phải bao giờ cũng đúng.
Như thế, mâu thuẫn này chỉ có thể giải được khi con người của xã hội hiện đại biết tôn trọng người khác và thấu hiểu, có lòng khoan dung, biết chấp nhận sự khác biệt và đa dạng về văn hóa. Còn nếu con người của xã hội thông tin lại cứ tự cho mình quyền can thiệp vào việc của người khác, phán xét việc của người khác từ góc nhìn của mình thì có lẽ cách giải quyết cực đoan là phải đóng cửa lễ hội lại, không cho người ngoài tham gia.
Nhưng đóng cửa lễ hội trở lại, làng nào tự biết làng đó thì chắc là không ổn. Có thể nghĩ tới một giải pháp nào khác, khả dĩ và có tính dung hòa hay không, thưa ông?
(Cười) Tôi nói nếu cực đoan thì làm như thế chứ thật sự có muốn làm như thế cũng không thể được. Cho nên đúng là phải có giải pháp dung hòa. Ví dụ, có thể nghi thức thực hành lễ hội thay đổi và giới hạn một chút. Thay đổi đó là làm sao để tránh tạo ra ấn tượng quá mạnh, hay sốc văn hóa với người bên ngoài: như cách chém, cách giết, hạn chế cảnh máu me… Người ngoài có thể đề xuất, nhưng quyền thay đổi phải là do những người chủ lễ hội tự nguyện quyết định. Thứ hai, với những chi tiết trong lễ hội có thể gây hiểu lầm với cộng đồng lớn, muốn bảo tồn thì phải quy định giới hạn về đối tượng, không gian tham gia, có cách kiểm soát để hạn chế sự gây nhiễu của truyền thông.
Hội đua bò của người Khmer Nam bộ. Ảnh: Huỳnh Công Bá
Ông nghĩ gì về những lễ hội mới phát sinh trong đời sống đô thị, là kết quả của quá trình du hành văn hóa khi chúng ta hội nhập với bên ngoài, cụ thể là văn hóa phương Tây?
Truyền thống văn hóa phương Tây dương tính, bản lĩnh, lý tính, ngược lại, xã hội phương Đông thiên về âm tính, nặng tình cảm và tính cộng đồng. Trong khi phương Tây có tiếp nhận một số phẩm chất của văn hóa phương Đông nhưng không du nhập các lễ hội của phương Đông thì phương Đông lại du nhập rất nhiều lối sống phương Tây. Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Gần đây tại Việt Nam xuất hiện rất nhiều lễ hội vô thưởng vô phạt có nguồn gốc từ phương Tây như Valentine, Halloween, "Cá tháng Tư" ("ngày nói dối"), v.v., nhưng những phẩm chất cần thiết của nếp sống công nghiệp - đô thị như ý thức cộng đồng xã hội, cách tổ chức xã hội, ý thức pháp luật … thì rất tiếc, chúng ta lại ít chịu học hỏi.
Có ý kiến cho rằng nên khai thác tính đặc sắc của lễ hội cổ truyền cho mục đích kinh tế, cụ thể là phát triển du lịch, ông nghĩ gì về điều này?
Văn hóa luôn luôn có thể kết hợp với du lịch. Nếu biết làm ăn, thì văn hóa có thể mang lại nguồn lợi vô cùng lớn lao. Nhưng đó là sự kết hợp chứ không phải mục tiêu. Mục tiêu văn hóa cao cả hơn nhiều. Sứ mạng của nó là sứ mạng tinh thần. Ở những nước làm khéo như Hàn Quốc, khi kết hợp, họ đạt được cả hai mục tiêu: kinh tế và tinh thần. Còn nếu với tư duy tiểu nông, thì từ cực này rất dễ nhảy sang cực kia. Khi chỉ nhìn thấy mục tiêu nguồn lợi vật chất trước mắt thì rất dễ sa đà vào thương mại hóa và bỏ đi các giá trị văn hóa cần giữ gìn. Như thế rất có hại cho sự sống còn của lễ hội nói riêng và văn hóa nói chung. Trong việc làm du lịch lễ hội, phải rất thận trọng, vì nó liên quan đến phong tục, tập quán của từng địa phương.
Xin cám ơn ông.
Nguyễn Vinh thực hiện
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị, số tất niên, 11-2-2015