Qua thời gian, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế và bản chất của vấn đề an ninh quốc gia, các công cụ có thể được sử dụng để đạt được an ninh, trong đó có chủ nghĩa trọng thương, cũng đã thay đổi theo. Chương này tìm hiểu lịch sử của quan điểm trọng thương, từ khởi nguồn với hình thức chủ nghĩa trọng thương cổ điển; đến quá trình phát triển thành chủ nghĩa dân tộc kinh tế; và một vài hình thái được biết đến như “chủ nghĩa trọng thương mới” ngày nay.
Khi bạn tìm hiểu về chủ nghĩa trọng thương trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau và với các biến thể khác nhau, hãy cố gắng phân định rõ ràng các thành phần cơ bản của các hình thái khác nhau của chủ nghĩa trọng thương và lý giải tại sao chủ nghĩa trọng thương lại trở thành hệ tư tưởng KTCTQT quan trọng như vậy.
Học thuyết Mỹ – Ănglô chỉ cho người phương Tây thấy rằng kinh tế học về bản chất là một “trò chơi có tổng dương”, qua đó tất cả đều có thể trở thành người thắng cuộc. Lịch sử châu Á chỉ cho người Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và các dân tộc khác thấy rằng cạnh tranh kinh tế là một hình thức chiến tranh trong đó có người thắng và có kẻ bại. Mạnh tốt hơn nhiều so với yếu; ra lệnh tốt hơn so với phục tùng mệnh lệnh. Theo logic này, cách thức để có được sự hùng mạnh, khả năng đưa ra mệnh lệnh, có được sự độc lập và khả năng kiểm soát là luôn ghi nhớ sự khác biệt giữa “chúng ta” và “họ”. Quan điểm này hình thành một cách tự nhiên với người Triều Tiên (khi nghĩ về Nhật Bản), với người Canada (khi nghĩ về Hoa Kỳ) hay với người Anh (thậm chí đến tận ngày nay, khi nghĩ về Đức) hay là người Trung Quốc và Nhật Bản (khi nghĩ về những điều mà người Châu Âu đã làm với quốc gia của họ).[1]
James Fallows (1994)
Quyền lợi kinh tế của chúng ta đang dần mất đi… Nếu chúng ta muốn khôi phục những quyền lợi này… chúng ta phải nhanh chóng sử dụng sức mạnh của nhà nước để thúc đẩy công nghiệp, sử dụng máy móc trong sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lực lượng nhân công của đất nước….[2]
Tôn Dật Tiên (1920)
Chủ nghĩa trọng thương là một quan điểm lý thuyết, được dùng để giải thích một trong những ham muốn cơ bản nhất của tất cả các quốc gia dân tộc: tạo dựng và duy trì của cải và sức mạnh nhằm giữ gìn và bảo vệ an ninh và độc lập quốc gia. Ở bất cứ đâu bạn nhận thấy có sự lo ngại về những mối đe doạ từ bên ngoài đối với an ninh – cho dù là quân sự, kinh tế, hay văn hoá – ở đó bạn đều có thể thấy dấu hiệu của các quan điểm trọng thương. Về cơ bản, chủ nghĩa trọng thương được định nghĩa theo nghĩa hẹp là những nỗ lực của nhà nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, qua đó đạt được thặng dư thương mại nhằm tạo ra sự thịnh vượng và sức mạnh.[3]
Trong KTCTQT, chúng ta thường tư duy về chủ nghĩa trọng thương theo những khái niệm có phần rộng hơn, xem chủ nghĩa trọng thương là một quan điểm lý thuyết mà ở đó an ninh là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia. An ninh của một quốc gia có thể bị đe dọa bởi nhiều thứ: quân đội nước ngoài, các công ty nước ngoài và các sản phẩm của họ, tác động từ bên ngoài thông qua luật và các thể chế quốc tế và thậm chí bởi phim ảnh, tạp chí hay các chương trình tivi nước ngoài. Như đã chú thích trong Chương I, đối với nhiều người, thập niên 90 đã để lại dấu ấn như một giai đoạn toàn cầu hoá mạnh mẽ liên quan tới hàng loạt những diễn biến, tập trung quanh những thay đổi về bản chất của chủ nghĩa tư bản, việc sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc và công nghệ mới và sự phổ biến của các tư tưởng tự do kinh tế (Xem Chương 3). Mặc dù vậy, trong thập kỷ 1990 và cả sau này, rất nhiều người đã có cái nhìn không mấy thiện cảm với các nền kinh tế công nghiệp tập trung tư bản chủ nghĩa và coi toàn cầu hóa như một mối đe dọa đến những giá trị xã hội, tín ngưỡng và các đặc tính văn hóa khác của các nhóm dân cư và các quốc gia.[4] Tương tự như vậy, kể từ ngày 11 tháng 9, những lo ngại mới về các mối đe dọa an ninh cá nhân đã xuất hiện – bên cạnh các mối đe dọa đối với nhà nước – liên quan đến chủ nghĩa khủng bố quốc tế (xem Chương 9).
Chủ nghĩa trọng thương là một giai đoạn lịch sử, triết lý và chính sách nhà nước
Thuật ngữ chủ nghĩa trọng thương thường được dùng theo ba cách khác nhau trong KTCTQT. Đôi khi nó dùng để chỉ một giai đoạn lịch sử. Lúc khác nó được dùng như một công cụ phân tích hay triết lý của kinh tế chính trị. Gần đây, thuật ngữ trên được dùng để chỉ một tập hợp các chính sách và hành động của nhà nước nhằm đảm bảo và duy trì độc lập và an ninh quốc gia, đặc biệt khi xét đến nền kinh tế của quốc gia. Chúng ta sẽ cùng nghiên cứu ba khía cạnh này của chủ nghĩa trọng thương và sau đó tiếp tục tiến hành xem xét cách thức mà những tư tưởng và hành động của những người theo chủ nghĩa trọng thương đã phát triển, thích ứng qua thời gian nhằm nắm giữ một vai trò vững chắc trong các chính sách bảo hộ mà các nhà nước và các chủ thể khác vẫn tiếp tục theo đuổi trong nền kinh tế chính trị toàn cầu ngày nay. Trái với hy vọng của nhiều người theo chủ nghĩa tự do mới (xem Chương 3), toàn cầu hoá đã không đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa bảo hộ mà thực ra có thể còn đang giúp bảo vệ nó.
Giai đoạn của chủ nghĩa trọng thương cổ điển trong lịch sử có mối liên hệ mật thiết với sự nổi lên của các quốc gia dân tộc mới ở châu Âu trong khoảng thời gian từ thế kỷ 15 sang thế kỷ 18.[5] Đây là thời kỳ mà ý tưởng về việc xây dựng nhà nước và sự can thiệp vào nền kinh tế với mục đích đảm bảo sự tồn tại của các nhà nước dân tộc thống trị tư tưởng kinh tế chính trị. Một dân tộc là một tập hợp dân cư, dựa trên cơ sở nền tảng dân tộc, ngôn ngữ, và lịch sử – hoặc dựa vào một vài các yếu tố khác – xác định bản thân họ là thành viên của một cộng đồng chính trị mở rộng.[6] Như chúng ta đã thấy ở Chương 1, nhà nước được nhìn nhận như một thực thể pháp lý, theo lý thuyết sẽ không chịu sự can thiệp của bất kỳ quốc gia khác, và có toàn quyền đối với của cải sức mạnh vật chất trong xã hội và áp dụng chủ quyền (quyền lực chính trị tối hậu) đối với tất cả người dân trong một vùng lãnh thổ đã được xác định rõ.[7]
Theo quan điểm trọng thương, một quốc gia dân tộc mới thành lập có nhiều nhu cầu, mà có thể đạt được thông qua công cụ bạo lực hoặc phi bạo lực. Mối đe dọa chiến tranh và bạo lực là luôn có thật như đã được minh chứng trong lịch sử các cuộc chiến tranh ở châu Âu giai đoạn này.[8] An ninh lãnh thổ luôn được xem là ưu tiên hàng đầu của nhà nước, bởi vì những nỗ lực để đạt được sự phồn vinh, công bằng và hoà bình trong nước sẽ trở nên vô ích nếu quốc gia không được bảo vệ trước những kẻ xâm lược ngoại bang hoặc các bè phái trong nước, vốn có thể lật đổ nhà nước cầm quyền. Tuy nhiên, để có được an ninh cần tiền của. Rất tốn kém để xây dựng, trang bị khí tài và duy trì quân đội và hải quân. Cùng với vũ khí và các công cụ quyền lực khác, của cải được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để đạt được và duy trì an ninh quốc gia.
Vì của cải có thể được dùng để mua vũ khí và cung cấp tài chính cho quân đội, của cải được xem như gắn liền với quyền lực và là một phần của một vòng biện chứng, trong đó quyền lực tạo nên của cải, của cải đến lượt mình làm gia tăng quyền lực, quyền lực lại đưa đến nhiều của cải hơn nữa, qua đó làm cho quốc gia trở lên phồn thịnh hơn và do vậy, an toàn hơn. Đồng thời, của cải và quyền lực cũng được cho là một phần của một cái vòng luẩn quẩn trong đó các chính sách được thông qua bởi nhà lãnh đạo hoặc một nhóm các quan chức chính phủ nhằm tạo dựng và bảo vệ của cải và an ninh quốc gia họ thường được xem là gây ra bất lợi cho các quốc gia khác. Vì vậy, các quan chức chính phủ nhìn nhận quyền lực quốc gia như là sự được và mất tuyệt đối, nhiều quyền lực hơn có thể bảo vệ được quốc gia, thiếu quyền lực có thể dẫn đến thảm họa. Quốc gia càng nghèo thì càng yếu, càng dễ bị tổn thương hơn so với các quốc gia khác. Thực vậy, nhiều quan chức nhà nước đã cảm thấy rằng nếu cái vòng lẩn quẩn của yếu và nghèo này không được giải quyết bởi các hành động mang tính chất của chủ nghĩa trọng thương để bảo vệ quốc gia dân tộc thì sẽ, và thường như vậy, dẫn đến những tình huống thảm họa như thất bại về quân sự, sụp đổ nền kinh tế hoặc sụp đổ xã hội – bao gồm lãnh thổ, văn hóa và ngôn ngữ của nó.
Đối với những người theo thuyết trọng thương, và sau đó là những người anh em về tư tưởng, những người theo chủ nghĩa hiện thực (sẽ thảo luận sau), sự tăng thêm của cải kinh tế của một quốc gia thường được xem như là sự tổn thất của các quốc gia đối thủ khác, được bàn luận trong thế giới quan tổng bằng không (không có người thắng cuộc) của chủ nghĩa trọng thương. Sự phụ thuộc vào các quốc gia khác được coi là sẽ làm suy yếu một quốc gia dân tộc nếu nguồn cung hàng hóa nhập khẩu bị gián đoạn. Quốc gia phụ thuộc đó cũng có thể dễ bị thương tổn trước ảnh hưởng và quyền lực của quốc gia cung cấp. Bởi vậy, trong một môi trường với sự thù địch chính trị và cạnh tranh kinh tế ngày một gia tăng, các quốc gia càng bị thôi thúc mạnh mẽ bởi việc tạo ra thật nhiều của cải, đặc biệt thông qua thương mại quốc tế và cụ thể là tạo ra thặng dự thương mại, hạn chế nhập khẩu, thu được nhiều vàng bạc, phần lớn trong số đó là từ các quốc gia thuộc địa ở Tân thế giới.
Chủ nghĩa thực dân, được hậu thuẫn bởi sức mạnh quân sự của nhà nước, được coi như một công cụ quan trọng trong những nỗ lực của phái trọng thương nhằm kiểm soát thương mại. Chủ nghĩa trọng thương thường được xem như động lực chủ yếu đứng đằng sau chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc trong việc khai thác mở mang ra các khu vực trên thế giới. Những người theo phái trọng thương chủ trương tạo dựng các nước thuộc địa trở thành thị trường dành riêng cho các loại hàng hóa của mẫu quốc, nguồn vật liệu thô và hàng hóa thay thế hàng hóa mua từ các nước cạnh tranh, cũng như nguồn cung cấp lao động rẻ mạt. Thomas Mun, một thương gia thành công và giám đốc của Công ty Đông Ấn, chỉ ra rằng “nhu cầu quan trọng trên hết của nước Anh là theo đuổi một cán cân thương mại tích cực”.[9] Như vậy việc gia tăng tầng lớp thương nhân mà một cường quốc ủng hộ sẽ giúp bảo vệ các lợi ích của nó, và ngược lại chính phủ của nước đó sẽ cho phép nhà buôn độc quyền kiểm soát một vài ngành công nghiệp, đem lại nhiều lợi ích cho cả nhà nước và các nhà buôn thông qua những hoạt động kinh doanh thương mại.
Chủ nghĩa trọng thương cổ điển đề cập đến một giai đoạn lịch sử khi mà các quốc gia dân tộc mới xuất hiện phải đối mặt với vấn để sử dụng nền kinh tế của mình như một phương tiện để đạt được của cải và quyền lực nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Triết lý chính trị của chủ nghĩa trọng thương đã đề xuất cho các nhà lãnh đạo quốc gia cách thức làm sao để có thể tạo ra vòng biện chứng của quyền lực và của cải, mà qua đó cho phép họ có thể phát triển thịnh vượng và đạt được nhiều quyền lực hơn. Các chính sách trọng thương bao gồm cả việc sử dụng các khoản trợ cấp để tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, cùng với việc mở rộng đế quốc thực dân. Những chính sách này có thể xem là rất duy lý, đặc biệt khi xét đến bối cảnh các quốc gia mới hình thành còn tương đối non yếu so với các quốc gia khác. Các quốc gia chỉ có thể dựa vào bản thân mình và các chính sách trọng thương giúp đáp ứng nhu cầu bảo vệ và duy trì quốc gia đó.
Chủ nghĩa trọng thương và chủ nghĩa hiện thực: Những quan điểm bổ sung lẫn nhau
Các quan điểm của những người theo phái trọng thương và người theo phái hiện thực thường hay được gộp lại với nhau, bởi vì giống như chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa hiện thực giải thích rất nhiều cách thức mà qua đó chính trị, quyền lực và nhà nước tác động tới nền kinh tế và thị trường. Chủ nghĩa hiện thực là nhân sinh quan nổi trội (thế giới quan) của phần lớn các nhà lãnh đạo và những người hoạch định chính sách đối ngoại thế giới kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.[10] Theo nhiều cách khác nhau, hai quan điểm này có cùng một vài giả định giống nhau, tuy nhiên ở một số khía cạnh, chúng cũng có sự khác biệt. Phác thảo sơ bộ của chủ nghĩa hiện thực cho thấy rằng nhiều trong số các động lực và điều kiện thúc đẩy nền kinh tế chính trị quốc tế và tạo nên chủ nghĩa dân tộc kinh tế cũng chính là những động lực và điều kiện thúc đẩy các quốc gia và các nhóm lợi ích trong các quốc gia đó tìm kiếm nan ninh đảm bảo cho riêng mình.
Đối với những người theo phái hiện thực, cũng như người theo phái trọng thương, quốc gia dân tộc là chủ thể chính trong hệ thống quốc tế vì nó được xem như đơn vị có quyền lực chính trị cao nhất.[11] Một trong những trọng tâm của chủ nghĩa hiện thực là hệ thống quốc tế mà trong đó các quốc gia dân tộc là chủ thể chính luôn ở trong tình trạng vô chính phủ và tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh, xuất phát từ việc các xung đột về lợi ích quốc gia khiến các quốc gia phải cạnh tranh với nhau nhằm giành giật nguồn tài nguyên có hạn. Quyền lực quan hệ (khả năng buộc một người nào đó làm những việc mà họ không muốn làm) là phép giải cuối cùng cho các xung đột. Các công cụ quyền lực cứng và tiềm lực của quốc gia bắt nguồn từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, đặc thù của quốc gia mà sau đó được chuyển thành việc sản xuất ra của cải, vũ khí quân sự và các tiềm lực quốc gia khác. Đối với nhiều người theo phái hiện thực thì tiềm lực của quốc gia và sự phân chia quyền lực toàn cầu quyết định cách thức mà các quốc gia tương tác với nhau trong một hệ thống quốc tế mà mỗi quốc gia phải tự lực. Giống như người theo phái trọng thương, những người theo phái hiện thực cũng nhìn nhận rằng sự cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ đưa đến kết cục giống trò chơi có tổng bằng không, trong đó sự thu lợi tương đối của quốc gia này có thể xem như là sự tổn thất tuyệt đối của các quốc gia khác. Ngày nay, cả hai trường phái trọng thương và hiện thực đều giả định rằng các biện pháp được thực hiện để tăng cường an ninh của một quốc gia, nhất định sẽ làm giảm an ninh của các quốc gia khác bởi vì quyền lực là tương đối cố định.
Một điểm khác biệt giữa những người theo chủ nghĩa hiện thực và những người theo chủ nghĩa trọng thương mới thể hiện ở chỗ những người theo trường phái hiện thực nhấn mạnh vai trò của các công cụ quân sự hay các công cụ và năng lực khác có tác dụng tương tự nhằm đạt được an ninh quốc gia. Khi tình hình trở nên căng thẳng, những người theo chủ nghĩa hiện thực tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng sức mạnh và tiềm lực quân sự quan trọng hơn kinh tế nếu một quốc gia muốn tự bảo vệ mình trước xu thế hiếu chiến của các quốc gia khác hoặc, nếu cần, để đánh bại kẻ thù của mình. Mặt khác, những người theo chủ nghĩa trọng thương và những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế, lại nhấn mạnh rằng xung đột không những xuất phát từ lý do kinh tế mà một nền kinh tế vững mạnh là rất quan trọng nếu một quốc gia muốn có khả năng mua sắm vũ khí cần thiết để tự bảo vệ mình.
Sự đắn đo giữa một bên là mưu cầu của cải và một bên là mưu cầu quyền lực của một quốc gia thường được giải quyết bằng cách ưu tiên cái này hoặc cái kia hơn hoặc cả hai tùy vào từng thời điểm. Câu nói thường được trích dẫn của Jacob Viner “Của cải và quyền lực đều là mục tiêu đúng đắn và cơ bản trong chính sách của mỗi quốc gia”[12] đã trở thành tôn chỉ của những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế và gần đây là của các quan chức chính phủ theo chủ nghĩa trọng thương mới (Xem chương 12). Ngoài ra, trong hệ thống quốc tế mà các quốc gia cơ bản phải dựa vào bản thân mình để đảm bảo an ninh, kinh tế vẫn tiếp tục được xem là một trong số các công cụ mà nhà nước có thể sử dụng để đạt được các mục tiêu khác nhau trong chính sách đối nội và đối ngoại.
Chủ nghĩa dân tộc kinh tế
Quan điểm của các nhà trọng thương đã phát triển trong nhiều năm và thích nghi với các thay đổi trong môi trường kinh tế và chính trị. Một ví dụ quan trọng của sự biến chuyển này là sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc kinh tế như một hình thái của chủ nghĩa trọng thương vào cuối thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Chủ nghĩa dân tộc thường được giải thích như một sự nhận biết hay tình cảm trung thành mạnh mẽ đối với một quốc gia nào đó và nó được chia sẻ với tất cả người dân của quốc gia đó. Những tình cảm này gắn kết với lịch sử; với văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ; và với ý thức hệ của quốc gia đó.
Trong khi chủ nghĩa trọng thương cổ điển tập trung đạt được của cải và quyền lực thông qua các hoạt động ngoại thương không công bằng, thì chủ nghĩa dân tộc kinh tế tập trung vào sự phát triển nội bộ của nền kinh tế quốc dân. Có thể nói, chủ nghĩa dân tộc kinh tế là sự phản ứng đối với chủ nghĩa tự do kinh tế, một quan điểm đã giành được nhiều sự ủng hộ vào những năm 1840. Khi Vương quốc Anh trở lên giàu có và hùng mạnh hơn, các quốc gia khác như Hoa Kỳ và Vương quốc Phổ lo ngại về nền độc lập của mình và đã sử dụng các chính sách dân tộc kinh tế như một cách để tự bảo vệ mình trước những gì họ cho là quan điểm tự do kinh tế hiếu chiến của nước Anh.
Góp phần vào sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc kinh tế là những cải tiến trong công nghệ sản xuất và các phương tiện vận tải, từng bước tạo nên những nền kinh tế quốc dân thực sự xét về quy mô (khác với các nền kinh tế mang tính địa phương hay khu vực). Các ranh giới chính trị của quốc gia và nền kinh tế bắt đầu trùng khớp với nhau ở mức độ lớn hơn. Ở một chừng mực nào đó, ranh giới giữa của cải và quyền lực cũng đã bắt đầu mờ đi, bởi vì một trong hai cái có thể sử dụng để đạt được cái còn lại. Theo một số người, để có được quyển lực chính trị độc lập nhất thiết phải có quyền lực kinh tế độc lập. Tuy nhiên, thị trường, nếu để nó tự thân vận động, sẽ liên kết một cách tự nhiên với các hình thức thương mại trong nước và quốc tế vốn được các nhà trọng thương nhìn nhận như những mạng lưới phụ thuộc đáng quan ngại. Làm thế nào để một quốc gia có thể độc lập, lấy ví dụ độc lập trước Vương quốc Anh, nếu như quốc gia đó lệ thuộc vào việc nhập khẩu các mặt hàng do Anh sản xuất hay Anh lại là thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của mình?
Các nhà trọng thương tin rằng nếu thị trường tự do khuyến khích sự lệ thuộc về kinh tế thì nhà nước nên tập trung phát triển các mối liên kết thị trường nội địa và phát triển nền kinh tế quốc dân, biến nó trở thành một cỗ máy mạnh mẽ và độc lập nhằm tạo ra của cải và quyền lực. Ý kiến cho rằng lợi ích kinh tế của một quốc gia nên được đặt lên trên lợi ích cá nhân và lợi ích kinh tế quốc dân cần được thúc đẩy bằng những chính sách và hành động mạnh mẽ của nhà nước là chủ điểm nổi bật của chủ nghĩa dân tộc kinh tế.
Những người cổ súy chủ nghĩa dân tộc kinh tế nổi tiếng nhất có thể kể đến Alexander Hamilton (1755-1804, người Mỹ) và Friedrich List (1789-1846, người Đức). Ở Hoa Kỳ, Hamilton[13] nhận thấy rằng để một quốc gia có được một nền tảng công nghiệp và sản xuất mạnh cần phải có một nhà nước tích cực can thiệp vào nền kinh tế cùng với các chính sách bảo hộ mậu dịch cho các ngành công nghiệp non trẻ của mình. Trong Báo cáo về đối tượng của sản xuất trước Quốc hội khóa đầu tiên, ông lập luận rằng bảo hộ mậu dịch và vai trò tích cực của nhà nước góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước, những lập luận này cũng tương tự như những lập luận chúng ta thường gặp ngày nay. Hamilton đã nhìn nhận rằng an ninh kinh tế của nước Mỹ bị đe dọa bởi các chính sách trọng thương của các quốc gia khác và ông tin rằng các hành động mạnh mẽ của nhà nước là cần thiết nhằm đẩy lùi các đối thủ cạnh tranh kinh tế nước ngoài. Ông ủng hộ việc sử dụng các khoản trợ cấp nhằm làm cho hàng hóa của Mỹ tăng thêm tính cạnh tranh trên thị trường nội địa và nước ngoài, và để bù đắp cho các khoản trợ cấp mà chính phủ các nước khác cũng đang áp dụng cho hàng hóa của họ. Hamilton tán thành một cách miễn cưỡng cách thức sử dụng thuế quan để hạn chế nhập khẩu. Ông viết rằng:
Nhiều người biết rằng… có một số quốc gia đưa ra các khoản tiền thưởng (các khoản trợ cấp) cho việc xuất khẩu một số hàng hóa nhất định, nhằm giúp người sản xuất ở quốc gia đó có thể bán với giá thấp hơn và chiếm chỗ của các đối thủ cạnh tranh ở những quốc gia có sự hiện diện của các loại hàng hóa đó. Vì vậy người sản xuất những loại sản phẩm mới không chỉ phải đối phó với các bất lợi tự nhiên đến từ việc sản xuất một loại sản phẩm mới mà còn từ những khoản tiền thưởng và trợ cấp của các chính phủ khác. Để tạo điều kiện cho những nhà sản xuất này thành công, rõ ràng cần có sự can thiệp và trợ giúp từ phía chính phủ.[14]
Nhà kinh tế chính trị người Đức thế kỷ 19 Friedrich List là người cổ súy cho chủ nghĩa dân tộc kinh tế thậm chí còn mạnh mẽ hơn Hamilton. Thật mỉa mai khi ông bị trục xuất khỏi quê hương nước Đức cũng chính vì những quan điểm tự do thương mại cấp tiến của mình – List đến Hoa Kỳ và theo một cách nào đó, ông đã thấy những thành quả của các chính sách dân tộc kinh tế của Hamilton. Ông cho rằng đây là một quốc gia đã tự mình gây dựng và đạt được sự độc lập và an ninh. Theo những gì List viết vào những năm 1840, ông tin rằng các hành động của nhà nước thực sự cần thiết để thúc đẩy năng lực sản xuất quốc gia thông qua các hoạt động giáo dục, công nghệ và công nghiệp. Theo List “Sức mạnh sản xuất […] chắc chắn quan trọng hơn so với bản thân của cải”.[15] Ông cũng đưa ra rất nhiều lý do để tin rằng sản xuất, chứ không phải nông nghiệp, là nền tảng đáng mong đợi nhất cho việc xây dựng của cải và quyền lực quốc gia. Luận điểm của ông cho rằng sản xuất giúp phát triển các kĩ năng của con người cũng như tạo ra các cơ hội tốt hơn so với nông nghiệp vẫn rất phổ biến đến tận ngày nay. Ông viết:
Nếu coi công việc trong ngành sản xuất là một thể thống nhất thì có thể thấy ngay là ngành sản xuất giúp phát triển đồng thời đem lại sự đa dạng vô cùng lớn cùng các giá trị tinh thần và khả năng cao hơn hẳn nông nghiệp. Các mặt hàng sản xuất vừa là đứa con, đồng thời cũng là người ủng hộ và nuôi dưỡng khoa học và nghệ thuật.[16]
Các tác phẩm của Halmiton và List hợp thành tinh thần của chủ nghĩa dân tộc kinh tế yêu nước đến mức cả hai đều ủng hộ các chính sách của nhà nước nhằmthúc đẩy hơn nữa lợi ích quốc gia bằng cách hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế. Các quan điểm của họ gắn chặt với các khái niệm quan trọng về lợi ích quốc gia (mục tiêu của nhà nước), vai trò tích cực của nhà nước trong nền kinh tế và sự hy sinh vì lợi ích tương lai. Nhiều người cho rằng những khái niệm này là những nhân tố chủ yếu trong công thức cổ điển để xây dựng một quốc gia. Thật vậy, gần đây Robert Reich, cựu Bộ trưởng Bộ lao động và cũng là giáo sư kinh tế học tại MIT đã viết rằng “Ý tưởng cho rằng công dân của một quốc gia phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm vì sự lớn mạnh của nền kinh tế là một sự phát triển tự nhiên của quá trình gây dựng lòng yêu nước”.[17]
Ngày nay, những quan điểm kinh tế chính trị yêu nước kiểu như vậy vẫn được bắt gặp ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Ví dụ, rất nhiều quan chức ở các nước đang phát triển xem việc phát triển và xây dựng quốc gia như là một quá trình để “bắt kịp” với các nước công nghiệp hóa phương Tây. Để làm được điều này, thông thường họ dựa vào nhà nước để thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước hoặc để bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ của mình trước những ngành công nghiệp lớn mạnh cùng với các chính sách bảo hộ của các quốc gia công nghiệp hóa. Trong những thập niên 1980 và 1990, một xu hướng học thuật phổ biến là đối chiếu sự thành công trong kinh tế của Nhật bản và một vài quốc gia mới công nghiệp hóa (NICs) với Hoa Kỳ và các quốc gia công nghiệp khác. Nhà kinh tế học Lester Thurow đã viết rằng bí quyết thành công của Nhật Bản là họ đã biết cách “đánh thức những mong muốn phổ quát của con người là gây dựng và trở thành một phần của một đế chế, chinh phục các đế chế láng giềng và trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới”.[18] Khát vọng bảo vệ các ngành công nghiệp của mình, vượt lên trên các quốc gia khác và đạt được ngày càng nhiều sự đảm bảo về mặt an ninh trong một thế giới khó đoán định, là một trong những động cơ thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa trọng thương thậm chí cho đến cả ngày nay.
Mặc dù các mục tiêu của chủ nghĩa dân tộc kinh tế tương đối ôn hòa – xây dựng sức mạnh kinh tế quốc dân nhằm đảm bảo nền an ninh và độc lập – những cải tiến trong công nghệ, thông tin liên lạc và các phương tiện vận chuyển cuối cùng đã làm thay đổi đáng kể tác động của những chính sách này. Vào cuối thế kỷ 19, khả năng sản xuất của một quốc gia thường lớn hơn nhiều so với khả năng tiêu thụ các mặt hàng này ở thị trường trong nước. Do đó trọng tâm của chủ nghĩa dân tộc kinh tế là chuyển từ phát triển năng lực sản xuất trong nước sang tìm kiếm thị trường nước ngoài cho các loại hàng hóa mà năng lực sản xuất đó có thể tạo ra. Chìa khóa để có được sự đảm bảo về an ninh thay đổi ở chỗ không chỉ củng cố nền kinh tế trong nước mà còn phải xây dựng được một đế chế kinh tế lớn mạnh với hệ thống các thuộc địa có khả năng cung cấp những nguồn tài nguyên khan hiếm và tiêu thụ những sản phẩm của các ngành công nghiệp của quốc gia đó. Tóm lại, như nhiều người theo chủ nghĩa cấu trúc đã chỉ ra (Xem chương 4), chủ nghĩa dân tộc kinh tế đã giúp hình thành lên chủ nghĩa đế quốc thực dân.
Khi nhiều quốc gia heo đuổi các chính sách tương tự nhằm phát triển nền công nghiệp trong nước và sau đó mở rộng ra thị trường nước ngoài, sự xung đột lợi ích quốc gia là không thể tránh khỏi. Có thể nói rằng ở một mức độ nào đó những xung đột toàn cầu như Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bắt nguồn từ sự cạnh tranh quốc tế giữa các quốc gia khi mà chủ nghĩa dân tộc kinh tế được đẩy lên cao.[19]
[1] Nhìn vào mặt trời của James Fallows (New York: Pantheon, 1994), trang 231.
[2] Tôn Dật Tiên (1920), trích trong Công việc của các quốc gia của Robert Reich (New York: Knopf, 1991), trang 30.
[3] Xem thêm, ví dụ, phần “Chủ nghĩa trọng thương” trong Hướng dẫn cho người bắt đầu đến với Kinh tế Thế giới của Randy Epping (New York: Nhà sách Vintage, 1992), trang 139.
[4] Có rất nhiều tài liệu về chủ đề này. Xem, ví dụ, 5 ngày chấn động thế giới, của Alexander Cockburn, Jeffrey St. Clair và Allan Sekula, (London: Verso, 2001), Ấn phẩm Toàn cầu là đây! của Kevin Danaher và Reger Burbach (Monroe, ME: Nhà xuất bản khuyến khích chung, 2000), và “Toàn cầu hóa và những hạn chế: Cácbáo cáo vDề sự sụp đổ của nền kinh tế quốc gia đã bị cường điệu quá mức,” của Robert Wade, trong ấn phẩm Sự đa dạng quốc gia và Chủ nghĩa tư bản toàn cầu của Suzanne Berger and Ronald Dore (Ithaca, NY: Nhà xuất bản Đại học Conrney, 1996), trang.60-88.
[5] Sự xuất hiện của các quốc gia dân tộc khôngdiễn ra cùng một thời điểm. Pháp đã thực sự là “quốc gia dân tộc” từ thế kỷ 15, trong khi cho đến tận nửa sau của thế kỷ 19, Đức và Italia mới thống nhất thành những thực thể quốc gia như chúng ta thấy ngày nay.
[6] Các khái niệm như dân tộc và chủ nghĩa dân tộc là trọng tâm của tác phẩm tiêu biểu của Hans Kohn, Quan điểm của Chủ nghĩa Dân tộc (New York: Macmillan, 1994) và Dân tộc và Chủ nghĩa dân tộc từ năm 1780, của E. J. Hobsbawm, ấn bản lần 2 (Cambridge: Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 1992).
[7] Định nghĩa cổ điển về nhà nước là của Max Weber, trong đó ông nhấn mạnh đặc trưng quản lý và pháp luật của nhà nước. Xem, Lý thuyết về Tổ chức Kinh tế và Xã hội của Max Weber(New York: Nhà xuất bản tự do, 1947), trang 156.
[8] Xem, “Phát động Chiến tranh và Kiến tạo Nhà nước giống như việc Hoạt động tội phạm có tổ chức,” của Charles Tilly, ấn phẩm Mang nhà nước trở lại của Peter Evans, Dietrich Reuschemeyer, và Theda Skeeocpol (Cambridge Ấn bản Đại học Cambridge, 1985), từ trang 161-191.
[9] Giáo lý từ Triết học thế giới (New York: W.W.Norton, 1996) của Robert Heibroner, trang 25.
[10] Có nhiều trường phái khác nhau trong hệ tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực. Hai tác phẩm tiêu biểu ỏ lĩnh vực này là Chính trị giữa các quốc gia: Cuộc đấu tranh vì quyền lực và hòa bình của Hans Morgenthau (New York: Knoft, trong bất kỳ ấn phẩm nào) và Lý thuyết Chính trị Quốc tế của Kenneth Waltz (Reading, MA: Addison- Wesley, 1979).
[11] Xem Lý thuyết Chính trị Quốc tế của Waltz.
[12] “Quyền lực và Của cải là mục tiêu của chính sách đối ngoại trong thế kỷ XVII và XVIII”, của Jacob Viner, Chính trị Thế giới 1 (tháng 10 năm 1948), trang 2.
[13] Để biết thêm chi tiết các tác phẩm của Hamilton, xem Henry Cabot Lodge, ấn phẩm, Các tác phẩm của Alexander Hamilton (Honolulu: Nhà sách đại học Pacific, 2005).
[14] “Báo cáo về hàng hóa chế tạo” của Alexander Hamilton, Sự phát triển về mặt lý thuyết của Kinh tế chính trị quốc tế: Một góc nhìn của George T. Crane và Abla Amawi, (New York: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 1991, trang 42.
[15] Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia của Friedrich List (New York: Augustus M. Kelley, 1966), trang 144.
[16] Như trên, từ trang 199-200.
[17] Reich, Công việc của các quốc gia, trang 18.
[18] Lester Thurow, Đối đầu: cuộc chiến kinh tế giữa Nhật Bản, Châu Âu và Hoa Kỳ (New York: William Morrow, 1991), trang 118.
[19] Xem các phân tích của John Maynard ở Chương 3 và các quan điểm của V.I.Lênin ở Chương 4.
Nguồn: David Balaam & Michael Veseth (2007). “Wealth and Power: Mercantilism and Economic Nationalism”, in D. Balaam & M. Veseth (eds) Introduction to International Political Economy, 4th ed. (London: Pearson Education), Chapter 2.