Bên cạnh nhiều ý kiến, bài viết đánh giá cao công trình này và những góp ý đúng đắn, chân thành mà chúng tôi rất trân trọng tiếp thu, cũng có một số bài viết chứa những nhận xét không thỏa đáng do không hiểu rõ, không cùng điểm xuất phát, hoặc đơn giản là do chưa đọc kỹ. Nhận thấy một số băn khoăn thắc mắc trong những bài này có thể cũng là băn khoăn thắc mắc chung của bạn đọc “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” nên chúng tôi đã đưa vào “Phụ lục” này một phần gọi là “Đối thoại cùng bạn đọc” mà nội dung chủ yếu được soạn theo bài trả lời phỏng vấn của chúng tôi với phóng viên Công Bình nhan đề “Trò chuyện với tác giả Cơ sở văn hóa Việt Nam” đã đăng trên Báo “Văn nghệ”, số 32-1996 và một bài khác đã gửi cho báo “Văn nghệ” sau đó, nhưng chưa được tòa soạn công bố.
Các tư liệu này, từ những góc độ khác nhau, đều góp phần làm sáng tỏ thêm về phương pháp tiếp cận và nội dung những vấn đề đã trình bày trong sách.
Phần này nói về hai loại hình văn hóa.
VỀ HAI LOẠI HÌNH VĂN HÓA
* Một số người không tán thành việc coi văn hóa phương Tây là thuộc loại hình “gốc du mục”.
- Trước hết, cần hiểu rằng các cụm từ “gốc du mục” và “gốc nông nghiệp” được chúng tôi dùng như những thuật ngữ để chỉ hai loại hình văn hóa thỏa mãn hai chùm các dấu hiệu đặc trưng nhất định đã nêu; theo đó, các nền văn hóa phương Tây có thể xếp vào loại hình “gốc du mục”, còn phương Đông có thể xếp vào loại hình “gốc nông nghiệp”. Do sự đan cài trong không gian và trong thời gian, “không có một nền văn hóa nào là nông nghiệp hoàn toàn hoặc du mục hoàn toàn” (xem tr. 41 sách Cơ sở văn hóa Việt Nam bản in năm 1995 hoặc §2.3.6 sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam).
Bởi vậy, ý kiến phản đối dựa trên lập luận cho rằng: “các dân tộc du mục có đời sống thấp hơn dân tộc nông nghiệp <…>, làm gì có chế độ quân chủ, có tham vọng chế ngự thiên nhiên, có óc phân tích…” (tạp chí Văn Tp. Hồ Chí Minh tháng 5-1996) là không có cơ sở. Đúng là du mục có đời sống thấp hơn nông nghiệp, cho nên các nền văn hóa cổ đại lớn đều phát sinh trước hết ở phương Đông. Nhưng rồi theo quy luật vận động lịch sử, chính cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi cái đời sống thấp đó đã là động lực giúp phương Tây xưa nhanh chóng vượt qua giai đoạn nông nghiệp (mà điều kiện thiên nhiên ở đó không thuận tiện) để đạt tới giai đoạn phát triển công thương nghiệp và đô thị. Lối sống tập trung quyền lực về một mối trong các bộ lạc du mục (= quân chủ) giúp cho phương Tây sớm trở thành một xã hội có kỷ cương chặt chẽ. Và óc phân tích cùng tham vọng chế ngự thiên nhiên vốn là bản chất tiềm tàng của văn hóa gốc du mục đã góp phần giúp cho khoa học kỹ thuật phát triển nhanh.
Có người khác thì cho rằng không thể phân biệt các nền văn hóa gốc du mục hoặc nông nghiệp vì dân tộc nào cũng đều trải qua tất cả các giai đoạn: du mục - nông nghiệp - đô thị và công nghiệp và chất vấn: “Làm như các dân tộc Nam Á chưa hề đi qua văn hóa du mục, từ con vượn người, thoắt cái đã biết nghề trồng lúa nước?” (báo Văn nghệ số 17-18 năm 1996). Xin thưa, sơ đồ tiến hóa chung là như thế, nhưng không nên hiểu nó một cách máy móc; việc trải qua những giai đoạn nào, giai đoạn ấy diễn ra chớp nhoáng hay kéo dài thì còn tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên cụ thể của từng vùng. Khu vực Đông Nam Á là vùng đồng bằng sông nước và núi non, ở đây không có những đồng cỏ rộng lớn thì làm sao có đủ điều kiện để “du” với “mục” được? Người cổ Việt Nam đúng là “chưa hề đi qua văn hóa du mục”: Trong cuốn Lịch sử Việt Nam (NXB Đại học vàGDCN, 1991, tr. 20), các tác giả Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh đã viết: “Trên cơ sở kinh tế hái lượm phát triển ở vùng rừng nhiệt đới, các bộ lạc Hòa Bình đã thực hiện một bước nhảy có ý nghĩa lớn lao <…>: phát minh nông nghiệp”. Cũng vậy, phương Tây đất đai kém màu mỡ, khí hậu lạnh giá không thích hợp với trồng trọt bằng chăn nuôi và thương mại. Theo Bửu Dưỡng trong cuốn Lịch sử nhân loại (SG, 1972, tr. 28,67) thì “ngày xưa, người Hy Lạp chỉ nuôi dê và cừu, ít người làm nghề nông, phần đông lo việc mục súc và hàng hải”; người La Mã thì uống sữa bò, áo quần dệt bằng lông cừu hoặc bằng da thú vật. Còn W. Durant trong cuốn Nguồn gốc văn minh (Huế, 1991, tr. 33) thì cho biết: “Tại những bộ lạc săn bắn và mục súc, loài bò là một đơn vị giá trị rất tiện <…>. Vào thời đại Homer ở Hy Lạp người ta đánh giá người và vật bằng số bò: bộ đồ binh giáp của Diomède đáng giá 9 con bò, một người nô lệ khéo tay đáng giá 4 con. Người La Mã cũng vậy, họ dùng hai danh từ gần giống nhau pecus và pecunia để trỏ bò và tiền bạc”. Xem thế đủ thấy nguồn gốc du mục của văn hóa phương Tây đã quá rõ ràng.
* Về hai loại hình văn hóa, có người đã hiểu rằng, theo tác giả Cơ sở văn hóa Việt Nam và Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam thì “phương Bắc là du mục, phương Nam là nông nghiệp”, tức là “chia văn hóa làm hai hệ thống có nguồn gốc Bắc-Nam”, và lập luận phản bác: a) theo đó thì lẽ ra “văn hóa Việt Nam trước thế kỷ XVII sẽ mang tính du mục cao hơn văn hóa Campuchia, nhưng chính người Việt Nam chứ không phải người Campuchia đã khai phá thành công đồng bằng Nam Bộ, hay vào thế kỷ XVII-XVIII, văn hóa Việt Nam ở Đàng Trong sẽ mang tính nông nghiệp cao hơn Đàng Ngoài, mà mọi người đều biết rằng vào thời gian này đời sống văn hóa - xã hội Đàng Trong lại chịu ảnh hưởng kinh tế hàng hóa tiền tư bản cao hơn Đàng Ngoài”; b) “Nếu coi hoạt động chăn nuôi kiểu du mục không thuộc phạm trù sản xuất nông nghiệp như Trần Ngọc Thêm thì nông nghiệp chỉ còn là trồng trọt, đồng thời phải kể thêm một vài loại văn hóa khác như “văn hóa du nông” của nhiều tộc người du canh du cư ở miền núi hay “văn hóa đánh bắt” của các cư dân hải đảo; c) “Trần Ngọc Thêm vô hình chung sa vào một loại quyết định luận địa lý về văn hóa” (báo Văn nghệ số 37-1996).
- Trước hết, nếu đọc kỹ các trang 33-34 sách Cơ sở văn hóa Việt Nam 1995 (hoặc §2.2 sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam) thì người đọc sẽ thấy rằng hai loại hình văn hóa “gốc du mục” và “gốc nông nghiệp” được chúng tôi tách ra không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng mà là xuất phát từ thực tế về sự phân biệt hai khu vực văn hóa phương Đông và phương Tây[1][1] với những nét khác biệt hiển nhiên mà bất kỳ người quan sát nào cũng thấy. Sẽ là sai lầm nếu tuyệt đối hóa vai trò của môi trường địa lý - khí hậu (dẫn đến cái gọi là “quyết định luận địa lý về văn hóa”), bởi vì cuộc sống của một dân tộc còn chịu sự chi phối của những nhân tố lịch sử - xã hội. Song cũng sẽ sai lầm không kém nếu phủ nhận nó, bởi lẽ văn hóa trước hết chính là một sự trả lời của con người trước những thách đố của tự nhiên, rồi mới đến những thách đố của xã hội (chẳng hạn, người dân xứ lạnh hiển nhiên sẽ ăn, mặc, ở, đi lại, kiếm sống… không giống với cách của người dân xứ nóng). Mối liên hệ tổng quát giữa sự khác biệt về môi trường địa lý - khí hậu với sự khác biệt về văn hóa đã quá rõ ràng.
Song liên hệ dù sao cũng chỉ là “liên hệ”. Chúng tôi chưa bao giờ đồng nhất hai loại hình văn hóa với hai khu vực địa lý, lại càng chưa bao giờ nêu ra ở đâu những khẳng định cứng nhắc kiểu như “Bắc là du mục, Nam là nông nghiệp”. Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi không đặt tên cho chúng là loại hình văn hóa phương Tây và phương Đông hay Tây-Bắc và Đông-Nam, mà gọi bằng những đặc trưng theo nguồn gốc kinh tế (“gốc du mục” và “gốc nông nghiệp”) hoặc gọi theo hoạt tính (“trọng động” và “trọng tĩnh”, “trọng âm” và “trọng dương”).
Hình như người đưa ra phản bác trên chưa hiểu đúng khái niệm “loại hình văn hóa”. Loại hình văn hóa thực chất là một thứ mô hình với những chùm đặc trưng nhất định, không nên chỉ căn cứ vào tên gọi mà hiểu chúng một cách máy móc. Khái niệm loại hình văn hóa, cũng như mọi mô hình, sơ đồ, thường đúng trên tổng thể, trong không gian lớn mà biến hóa, di dịch trong tiểu tiết, trong không gian nhỏ. Sự biến hóa, di dịch ấy không phải là tùy tiện, mà chịu sự chi phối của các điều kiện tự nhiên và xã hội, thời gian và không gian, và ngay cả ở đây cũng tồn tại những quy luật chung nhất định. Ở các trang 41-43 sách Cơ sở văn hóa Việt Nam bản in năm 1995 và §2.3.6 sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, chúng tôi đã chỉ ra rằng trong thời gian, các đặc trưng của hai loại hình văn hóa được đa dạng hóa bởi quy luật phát triển hình sin mang tính chu kỳ với các bước phát triển không đồng đều. Trong không gian, hai loại hình văn hóa được đa dạng hóa bởi quy luật phát triển đan cài do giao lưu văn hóa, do sự khác biệt về các điều kiện tự nhiên và xã hội trong nội bộ mỗi vùng, mỗi nền văn hóa.
Nêu ra trường hợp Việt Nam - Campuchia ở đồng bằng Nam Bộ và trường hợp Đàng Trong - Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII-XVIII, người phản bác đã không chỉ hiểu sai khái niệm “loại hình văn hóa” mà còn thiếu cái nhìn biện chứng - lịch sử vì đã quên rằng chủ nhân ban đầu của vùng đất Nam Bộ là người Phù Nam mà sách Tấn thư của Trung Hoa mô tả là “đen và xấu xí, tóc quăn, ở trần, đi đất, tính tình mộc mạc, thẳng thắn, không trộm cắp” với hoạt động nông nghiệp và giao thông đường thủy rất phát triển. Rồi đến thế kỷ VI thì Phù Nam nông nghiệp đã bị người Chân Lạp dương tính hơn thôn tính. Cũng không thể nói rằng người Khmer đã không “khai phá thành công đồng bằng Nam Bộ”, mà phải biết rằng từ thế kỷ VI đến thế kỷ XV, Nam Bộ là vùng đệm của những cuộc tranh chấp liên miên (giữa Thủy Chân Lạp với Lục Chân Lạp, giữa Java với Chân Lạp, giữa Ăng Co với Champa và Chân Lạp, giữa các quốc gia Thái với Chân Lạp), do vậy mà mảnh đất vốn rất trù phú dưới thời Phù Nam này mới trở thành kiệt quệ, hoang vu. Từ cuối thế kỷ XVI, khi người Việt đến đây khai phá lập nghiệp thì chính là lúc phương Tây nhòm ngó và đặt chân vào, cho nên dễ hiểu là tại sao “Đàng Trong lại chịu ảnh hưởng kinh tế hàng hóa tiền tư bản cao hơn Đàng Ngoài”.
Cũng thật lạ lùng là thắc mắc về việc chúng tôi “coi hoạt động chăn nuôi kiểu du mục không thuộc phạm trù sản xuất nông nghiệp”. Xưa nay, chưa thấy có một từ điển Đông-Tây nào coi chăn nuôi du mục thuộc phạm trù sản xuất nông nghiệp cả; nông nghiệp bao giờ cũng được định nghĩa là “trồng trọt, làm ruộng”. Trong kinh tế nông nghiệp cũng có thể có chăn nuôi, nhưng yếu tố chăn nuôi ấy bao giờ cũng là một thành phần kinh tế phụ, chứ không thể là chăn nuôi kiểu du mục, vì một lẽ rất đơn giản là một tộc người không thể vừa sống định cư vừa du cư!
Người nắm được phương pháp luận khoa học ắt phải hiểu rằng đã là mô hình thì phải khái quát, mà muốn khái quát thì phải bỏ qua những tiểu tiết, những trường hợp giáp ranh. Do đó, đòi hỏi “phải kể thêm một vài loại văn hóa khác như văn hóa du nông của nhiều tộc người du canh du cư ở miền núi hay văn hóa đánh bắt của các cư dân hải đảo” là hoàn toàn không nhất thiết, cũng hệt như ở mục “giới tính” trong mẫu khai lý lịch, bên cạnh hai ô “nam”-“nữ” không nhất thiết là phải có ô “á nam á nữ” vậy!