Vào đầu mùa hè năm 2004, Tập đoàn Zilog đóng cửa các cơ sở sản xuất của mình ở phía tây nam Idaho sau một phần tư thế kỷ hoạt động. Đặt trụ sở tại San Jose, California, Zilog tập trung vào phân khúc thiết bị vi logic của thị trường chip bán dẫn, thiết kế và sản xuất các thiết bị được sử dụng trong bộ điều khiển nhúng. Mặc dù công ty đã có các trung tâm thiết kế tại một số địa điểm nhưng cơ sở tại Idaho là nơi duy nhất đặt các nhà máy sản xuất của công ty. Việc đóng cửa nhà máy đã khiến 150 công nhân thất nghiệp. Theo đại diện công ty, mục đích là để biến Zilog thành một công ty bán dẫn “phi chế tạo”, tức là Zilog sẽ tiếp tục thiết kế vi điều khiển, nhưng sẽ ký hợp đồng với các công ty ở châu Á để chế tạo chúng (Idaho Statesman, ngày 20/6/2004, B2).
Hành động của Zilog đã được một số công ty ở tây nam Idaho làm theo trong vài năm sau. Vào mùa thu năm 2007, Tập đoàn Công nghệ Micron – tập đoàn tạo ra bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) cho các máy tính và bộ nhớ flash của các thiết bị kỹ thuật số cỡ nhỏ – đã sa thải hơn 1.100 công nhân ở các cơ sở khác nhau trong thung lũng Boise. Theo giám đốc điều hành, công ty đã chuyển một vài phần thuộc quy trình sản xuất của mình sang Trung Quốc trong nỗ lực giảm chi phí hoạt động (Idaho Statesman, ngày 20/10/2007, B1). Một năm sau đó, SuperValu – công ty có trụ sở đặt tại thành phố Minneapolis đứng đầu trong ngành công nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng – thông báo rằng 80 nhân viên trong văn phòng tài chính Boise sẽ bị sa thải vì các hoạt động quản lý tài sản của công ty đang được chuyển đến Ấn Độ (Idaho Statesman, ngày 11/06/2008, B1).
Những quyết định của Zilog, Micron và SuperValu là ví dụ của hoạt động thuê ngoài quốc tế – nghĩa là chuyển một chức năng kinh doanh nào đó cho nhà cung cấp nước ngoài thực hiện (Drezner 2004). Hơn 3,3 triệu việc làm ở Mỹ dự đoán sẽ bị mất vào tay của hoạt động thuê ngoài quốc tế vào năm 2015 và 14 triệu (11% trong tổng số việc làm của Mỹ) được xác định là có nguy cơ đưa ra nước ngoài (Time, ngày 01/03/2004, 33). Ngoài ảnh hưởng đến công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất, thuê ngoài quốc tế cũng có tác động đến các lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý tài liệu và dịch vụ khách hàng. Lĩnh vực giáo dục gần đây cũng bị ảnh hưởng. Điển hình như Ấn Độ hiện nay có ngành gia sư điện tử đáng giá 10 triệu USD, trong đó các công ty như Educomp Solutions (New Delhi), TutorVista (Bangalore) và Growing Stars (Cochin) cung cấp hỗ trợ trực tuyến giá rẻ cho sinh viên đại học và trung học ở Mỹ, chủ yếu là về toán học và khoa học. Với một số lượng cực kỳ lớn các nhà hóa học và kỹ sư nói được tiếng Anh và chi phí theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính là bằng một phần tám của phương Tây (Economist, ngày 04/02/2006, 58), Ấn Độ đã sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn trong nghiên cứu và phát triển nước ngoài – một thị trường dự kiến sẽ tăng đến 12 tỷ USD.
Nhưng không phải chỉ mình Ấn Độ được hưởng lợi từ những công việc được chuyển ra nước ngoài từ các nước có mức lương cao. Công ty CompuPacific International tại Tây An, Trung Quốc xử lý các chứng từ y tế, đơn vay nợ và các giấy tờ tương tự cho các công ty Mỹ. Tập đoàn Công nghệ Seagate có phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Pittsburgh và đã thuê các nhà khoa học ở Singapore thực hiện một số nghiên cứu cho họ (New York Times, ngày 20/04/2008, 5). Hơn nữa, liên quan đến những gì đã được gọi là “nearshoring” (hoạt động dịch vụ tìm nguồn cung ứng ở nước ngoài có mức lương thấp hơn mà tương đối gần về khoảng cách hoặc múi giờ, hoặc cả hai – ND), Estonia, Bulgaria, và các quốc gia hậu cộng sản khác – những nơi mà tiền lương có thể bằng một nửa con số được trả ở châu Âu – cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu và các trung tâm dịch vụ khách hàng (call-centers) cho các công ty ở các nước lân cận.
Mặc dù người tiêu dùng Mỹ có thể được hưởng giá thấp hơn và các nhà đầu tư có thể thấy sự gia tăng giá trị cổ phiếu mà họ nắm giữ tại các công ty thuê ngoài chức năng kinh doanh cho các nhà cung cấp nước ngoài, một số người cũng lo lắng rằng toàn cầu hóa đang gây ra một “cuộc chạy đua tới đáy” khi mà các tập đoàn ngày càng chuyển hoạt động sang các nước có mức lương thấp hơn, phúc lợi ít hơn và ít các quy định của chính phủ hơn. Lo ngại về sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp (ngay cả trong các ngành công nghệ cao từng được cho là miễn nhiễm với cạnh tranh từ lao động chi phí thấp nước ngoài), các nhà phản đối hoạt động gia công nước ngoài kịch liệt lên án các giám đốc điều hành công ty khi “xuất khẩu” công ăn việc làm của Mỹ.
Tuy nhiên, cùng với lúc mà việc làm tại Mỹ đang chuyển ra nước ngoài, công việc mới cũng đến khi các công ty nước ngoài thuê một số công việc tại Hoa Kỳ. Theo Cục Thống kê Lao động, số lượng các công việc này đã tăng từ 2,5 triệu năm 1983 đến 6,5 triệu USD trong năm 2000. Khi nhu cầu về dịch vụ trên toàn thế giới gia tăng, lương của lao động dịch vụ ở một số nước Đông bán cầu dự kiến sẽ tăng, khiến việc thuê ngoài của các công ty Hoa Kỳ kém hấp dẫn hơn về mặt chi phí, đồng thời khiến các công ty nước ngoài có nhiều khả năng xem xét chuyển một số công việc của họ sang Hoa Kỳ. Ví dụ vào năm 2007, Wipro – một công ty Ấn Độ – đàm phán thỏa thuận với một số thành phố ở Hoa Kỳ để thành lập trung tâm phát triển phần mềm.
Điều gì đang diễn ra trên thế giới? Câu trả lời chính là toàn cầu hóa.[1] Tiền tệ, hàng hoá, con người và thông tin đang được chuyển xuyên qua biên giới quốc gia với một tốc độ nhanh chóng, kết nối các xã hội theo những cách làm biến chuyển cả nền chính trị thế giới. Tính liên kết này tạo ra cả cơ hội và thách thức. Một mặt, toàn cầu hóa đang tạo ra một mức độ của cải chưa từng có khi nhiều doanh nghiệp tinh giản hóa quy trình hoạt động và tìm ra thị trường mới ở nước ngoài cho sản phẩm của họ. Mặt khác, căng thẳng xã hội cực kỳ lớn đang diễn ra khi những người lao động mất việc không thể tìm lại được thu nhập bị mất của họ, ngay cả khi họ được đào tạo lại trong một ngành nghề khác hay di chuyển đến địa điểm khác. Và do đó, thật dễ hiểu là tại sao những tác động của toàn cầu hóa lại gây ra nhiều tranh cãi.
“Chúng ta được sinh ra trong một thế giới sẽ sớm chấm dứt sự tồn tại của nó,” nhà báo người Đức Gabor Steingart dự đoán (2008, 4). Do toàn cầu hóa, thế giới cũ trong thời thơ ấu của chúng ta “đang biến mất vào trong sương mù của lịch sử, trong khi một thế giới mới chỉ đang bắt đầu hình thành.” Trong chương này, chúng ta sẽ nghiên cứu các lực đa dạng đang dẫn dắt quá trình toàn cầu hóa. Cụ thể là chúng ta sẽ xem xét sự phát triển của liên lạc viễn thông toàn cầu, khả năng lưu chuyển vốn, lao động, hàng hóa, dịch vụ tăng lên và sự gia tăng các vấn đề mới xuyên quốc gia. Khi xem xét những vấn đề này, điều quan trọng là suy nghĩ về khả năng tiếp tục tồn tại các quốc gia như là các chủ thể có chủ quyền và độc lập. Nhưng trước khi xem xét hệ quả của toàn cầu hóa, chúng ta phải tìm hiểu những nguyên nhân của nó trước.
Toàn cầu hóa là gì?
Cho đến thế kỷ 15, hầu hết các nền văn minh vẫn còn tương đối cô lập với nhau. Bị hạn chế bởi các tuyến đường giao thông chậm chạp, tốn kém và nguy hiểm, giao dịch quốc tế có xu hướng xảy ra trong các khu vực khép kín của thế giới. Ngoại trừ việc giao thương không thường xuyên, một vài làn sóng di cư và các cuộc đụng độ thi thoảng với những kẻ xâm lược, tương tác với các dân tộc ở xa là rất hiếm.
Những gì phân biệt giữa nền chính trị thế giới đương đại với thời kỳ trước chính là phạm vi toàn cầu của nó. Các quá trình khác nhau bao gồm mở rộng, tăng cường và thúc đẩy sự liên kết trên toàn thế giới. Trong các quá trình này, thông tin liên lạc nhanh chóng và không giới hạn có lẽ là quan trọng nhất. Thật sự, nhiều người coi nó như là nền tảng của một ngôi làng toàn cầu[2] đang xuất hiện – một phép ẩn dụ được các nhà tương lai học sử dụng để minh họa cho một thế giới không còn biên giới giữa các quốc gia và tất cả mọi người trở thành một cộng đồng duy nhất.
Kỷ nguyên thông tin toàn cầu
Sự suy giảm tầm quan trọng của khoảng cách địa lý – một yếu tố quyết định chi phí thông tin liên lạc – đã được mô tả như là lực lượng kinh tế quan trọng nhất trong việc định hình xã hội nửa đầu thế kỷ 21. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nơi con người sống và làm việc, mà như những người theo chủ nghĩa kiến tạo đã chỉ ra, nó còn có khả năng thay đổi hình ảnh bản sắc cá nhân của con người và ý nghĩa mà họ gắn cho khái niệm “cộng đồng”.
Công nghệ không dây của điện thoại di động đang lan rộng khắp hành tinh, cho phép ngay cả những cá nhân bị cô lập – những người mà trước kia chưa bao giờ thực hiện một cuộc gọi điện thoại – liên lạc được ngay lập tức với người khác. Chẳng hạn như tin nhắn văn bản đã tạo sức mạnh cho các phong trào chính trị, cho phép mọi người tổ chức các cuộc kháng cự chống lại chính sách mà họ phản đối cũng như thúc đẩy những chính sách mà họ ủng hộ. Những cuộc biểu tình dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Philippines Joseph Estrada năm 2001 đã minh họa cho những gì mà một số nhà phân tích gọi là “sức mạnh của con người trong kỷ nguyên di động” (“cellular people power”).
Máy vi tính là một tác nhân hiệu quả khác của truyền thông toàn cầu với việc nhiều người hơn bao giờ hết lên mạng trực tuyến để đọc tin tức, giải trí hoặc tiến hành kinh doanh. Đặc biệt, sự phát triển của các blog đã tạo ra mạng lưới xuyên quốc gia tinh vi với sức mạnh góp phần thiết lập chương trình nghị sự về các vấn đề khác nhau, từ nhân quyền ở Trung Quốc đến cuộc chiến Iraq của Mỹ. Hơn nữa, với sự lan tỏa nhanh chóng của iPod và sự phổ biến cực lớn của podcasting, ngày càng có nhiều người tạo kênh trên web riêng của họ và chia sẻ thông tin âm thanh và hình ảnh với bất cứ người nào trên thế giới đăng nhập vào. Bất cứ ai tiếp cận công nghệ này đều có thể vượt qua các tổ chức thông tấn truyền thống và đưa ra quan điểm cá nhân của mình về các sự kiện đang diễn ra đến người xem toàn cầu. Làn sóng phẫn nộ của người Hồi giáo vào năm 2006 về bức biếm họa của báo chí Đan Mạch châm biếm nhà tiên tri Muhammad đã minh chứng cho sự vận động nhanh chóng con người trên toàn thế giới bởi những hình thức truyền thông toàn cầu mới.
Mặc dù cả thế giới đang được kết nối nhưng điều này lại đang diễn ra với các mức độ khác nhau: Chỉ có một phần năm người dùng Internet sống ở Nam bán cầu. Hơn nữa, Internet đã không giúp mọi người thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ ở Bắc bán cầu – nơi đặt địa điểm quản lý của hầu hết các trang web. Vì vậy, ngay cả khi Internet đã tạo cơ hội cho những ý tưởng và thông tin lan truyền khắp thế giới thì nó cũng đóng góp vào nguồn lực “quyền lực mềm” của các quốc gia Bắc bán cầu. Điều này đặc biệt rõ ràng với thương mại điện tử toàn cầu. Khoảng ba phần tư tất cả hoạt động thương mại điện tử hiện đang diễn ra ở Mỹ – nơi tạo ra 90% số các trang web thương mại. Với vị trí trung tâm của Hoa Kỳ trong không gian mạng, một câu hỏi được đặt ra bởi phần còn lại của thế giới là liệu rằng công nghệ và thông tin đỉnh cao của Mỹ sẽ cho phép nó thống trị tương lai toàn cầu hay không.
Mặc dù một số người nhìn nhận cuộc cách mạng thông tin liên lạc là một yếu tố bình đẳng hóa, giúp trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) để đưa những tiếng nói chưa được quan tâm trước đó vào lực lượng vận động hành lang mới, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng nó đang làm cho khoảng cách giữa người giàu và người nghèo rộng hơn. Tình hình sử dụng Internet chủ yếu tập trung ở Bắc bán cầu. Vì thế, ảnh hưởng của nó vẫn không đồng đều, một số quốc gia được hưởng lợi trong khi phần còn lại ở thế cực kỳ bất lợi. Kết quả là một khoảng cách số[3] khổng lồ, nơi một phần ba dân số thế giới không được tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại.
Mặc dù như thế, cuộc cách mạng truyền thông đang tạo cơ hội lớn cho Nam bán cầu, bởi công nghệ thông tin hiện đại có thể cho phép các nước nghèo “nhảy cóc” đến những công nghệ mà các quốc gia Bắc bán cầu đã phải đầu tư rất tốn kém trong quá trình phát triển kinh tế. Chẳng hạn như điện thoại di động giá rẻ trở nên cực kỳ phổ biến và hứa hẹn phát triển ở các quốc gia Nam bán cầu – nơi mà chi phí đường dây nối điện thoại truyền thống giữa các vùng thường là rất đắt. Khi lập trình làm cho các thế hệ phần mềm mới dễ dàng sử dụng hơn, khoảng cách số có thể dần được thu hẹp. Nhưng bởi vì các yếu tố địa lý, kinh tế và xã hội đã làm khoảng cách số rất phức tạp, việc thu hẹp nó sẽ là rất khó khăn. Nhiều công nghệ tiên tiến yêu cầu kết cấu hạ tầng dựa trên các công nghệ có trước kia mà ở Nam bán cầu lại không được phổ biến. Ví dụ như ở các quốc gia không có lưới điện ổn định, công nghệ máy tính sẽ thường không đạt được quy mô toàn thị trường. Ba phần tư các nước có thu nhập thấp có ít hơn 15 máy tính cá nhân trên 1.000 người, so với 862 ở Thụy Sĩ và 761 ở Thụy Điển (Economist, ngày 09/02/2008, 75). Như thế, Bắc bán cầu hiện nay vẫn là đối tượng hưởng lợi chính của cuộc cách mạng thông tin liên lạc.
Toàn cầu hóa hay Mỹ hóa?
Thời đại của chúng ta thường được mô tả là thời đại thông tin, nhưng một phần đáng kể thông tin chúng ta nhận được bị kiểm soát bởi một số tập đoàn lớn: AOL Time Warner, Disney, General Electric, News Corporation, Viacom (Mỹ), Viendi (Pháp), Sony (Nhật Bản) và Berstelsmann (Đức) tại các quốc gia Bắc bán cầu. Một số người lo lắng rằng khi các nguồn phương tiện truyền thông trên thế giới được sáp nhập thành các đơn vị lớn hơn bao giờ hết, sẽ có ngày càng ít các công ty đại diện kiểm soát những gì mọi người nghe và nhìn về thế giới xung quanh. Mặc dù có sẵn hàng ngàn các nguồn thông tin dồi dào về chính trị, xã hội và văn hóa nhưng ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông nhỏ lẻ như vậy là không đáng kể so với sức ảnh hưởng của các tập đoàn khổng lồ.
Loại quyền lực mà các phương tiện truyền thông có được đối với các vấn đề quốc tế trong thực tế là một loại hình quyền lực cụ thể và bị hạn chế. Nghiên cứu chỉ ra rằng phương tiện truyền thông ảnh hưởng đến những gì mà con người nghĩ tới hơn là những gì mà họ tin. Theo cách này, các phương tiện truyền thông có chức năng chủ yếu là thiết lập chương trình nghị sự cho các thảo luận của công chúng về các vấn đề thời sự thay vì quyết định dư luận. Trong quá trình thiết lập chương trình nghị sự,[4] các phương tiện truyền thông đã định hình nên chính sách công quốc tế. Ví dụ như nhiều nhà lãnh đạo quốc gia đã phàn nàn về một “hiệu ứng CNN” với khả năng đưa các dịch vụ tin tức cả ngày lẫn đêm làm nổi bật một số vấn đề bằng cách phát các hình ảnh cảm động về nạn đói, tội ác và những thảm cảnh khác của con người tới hàng triệu người xem trên toàn thế giới. Khi được kết hợp với việc sử dụng thư điện tử của các nhà hoạt động cấp cơ sở để vận động nhân dân trên toàn thế giới một cách nhanh chóng về một vấn đề cụ thể nào đó, các chính phủ có thể thấy rằng họ không thể lờ đi những vấn đề này.
Trật tự NWICO đã lùi xa khỏi dư luận toàn cầu, nhưng vấn đề “chủ nghĩa đế quốc về văn hóa” vẫn tồn tại khi nhiều người tiếp tục bày tỏ lo ngại về sự tập trung quyền lực truyền thông vào tay của chỉ một vài đối tượng. Khả năng để định hình sự ưa thích của người khác trở nên dễ dàng hơn trong Kỷ nguyên thông tin này. Những người kiểm soát thông tin, cũng như những người kiểm soát sự truy cập thông tin, có lợi thế rõ ràng trong đàm phán quốc tế hơn so với những người mà tầm ảnh hưởng của họ chỉ bao gồm sự đe dọa trừng phạt. Sự phổ biến của mạng lưới Al Jazeera ở Trung Đông cho thấy lợi ích của Nam bán cầu về những lựa chọn thay thế cho các phương tiện truyền thông phương Tây vốn thường được cho là phản ánh một cách thành kiến, không chính xác về những mối quan tâm của Nam bán cầu.Việc kiểm soát truyền hình và các phương tiện truyền thông khác của Mỹ và một số ít các quốc gia Bắc bán cầu khác trở thành tâm điểm của cuộc bàn luận sôi nổi với Nam bán cầu trong những năm 1980. Không hài lòng với các bản tin truyền thông nhận được từ các cơ quan thông tấn phương Tây, các nhà lãnh đạo ở các nước đang phát triển yêu cầu một Trật tự Thông tin và Truyền thông Thế giới Mới (NWICO). Họ khẳng định dòng chảy hình ảnh và thông tin từ Bắc đến Nam thúc đẩy các giá trị về chủ nghĩa tiêu dùng và tiêu thụ hàng hóa xa xỉ đã làm duy trì sự phụ thuộc của Nam bán cầu vào Bắc bán cầu. Khi cuộc xung đột Bắc – Nam tăng cường, Mỹ giận dữ rút khỏi Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), một phần nhằm thể hiện sự bác bỏ vai trò của nó trong việc thúc đẩy trật tự thông tin liên lạc mới. (Tuy nhiên, vào tháng 9/2002, trong nỗ lực thu hút sự ủng hộ đa phương cho cuộc chiến tranh phòng ngừa chống lại Iraq, Mỹ tuyên bố tái gia nhập UNESCO).
Trái ngược với khẳng định toàn cầu hóa áp đặt bản sắc văn hóa Mỹ lên thế giới là ý kiến cho rằng ảnh hưởng văn hóa đang đi theo nhiều hướng khác nhau. Đó không chỉ là dòng chảy các phương thức và ý tưởng đa dạng từ Nam bán cầu sang Bắc bán cầu, mà còn là nhiều sản phẩm từ Bắc bán cầu được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và thị hiếu địa phương. Khoảng 25% siêu thị của Costco hoạt động bên ngoài Hoa Kỳ với dòng sản phẩm được thiết kế phù hợp với thị trường nước ngoài. Tương tự như vậy, sau khi mắc phải các sai lầm văn hóa ở Paris và Hồng Kông, công viên giải trí Disney đã điều chỉnh để thích nghi với điều kiện địa phương. Văn hóa bản địa, theo William Marling (2006), thậm chí đã đặt dấu ấn lên cả thương hiệu McDonald’s, vốn có lẽ là một trong những biểu tượng Mỹ hóa dễ thấy nhất trên thế giới. Ví dụ như công thức chế biến gà ở Indonesia cay hơn nhiều so với ở Hoa Kỳ. Các cửa hàng nhượng quyền thương mại của McDonald’s bên ngoài nước Mỹ cũng bán các mặt hàng không có trong thực đơn thức ăn nhanh điển hình của Mỹ, bao gồm bia ở Đức, rượu vang ở Pháp, nước sốt cay ở Mexico và vị đậu nành tại Nhật Bản. Các nền văn hóa bản địa theo như Marling là mang sức sống bền bỉ hơn những gì mọi người tưởng tượng. Mặc dù có những lo ngại về sự đồng hóa văn hóa trên hành tinh, nhà phân tích người Anh Philippe Legrain (2003) cho rằng toàn cầu hóa đã tạo ra “sự bùng nổ giao lưu văn hóa” và một “bữa tiệc phong phú của hỗn hợp các nền văn hóa”.
Kinh tế học của toàn cầu hóa
Khi quốc gia – dân tộc nổi lên ở Châu Âu thời thế kỉ mười bảy với vai trò là chủ thể chính trên sân khấu thế giới, nhiều nhà lãnh đạo quốc gia đã tìm cách tăng sức mạnh thông qua mở rộng lãnh thổ. Bên cạnh các vùng đất có kim loại quý hoặc các tuyến đường thủy, lãnh thổ có giá nhất trong thời đại mà không có các công cụ làm lạnh như ngày nay là các vùng có vụ mùa ngũ cốc, nguồn lưu trữ thực phẩm dễ dàng vận chuyển với đầy đủ dinh dưỡng cho nông dân cũng như những người khác không tham gia vào nông nghiệp.
Với sự khởi đầu của Cuộc cách mạng Công nghiệp, giá trị của nguồn vốn vật chất (máy móc, thiết bị, nhà xưởng v.v…) tăng lên trong vai trò một yếu tố sản xuất, mặc dù nhu cầu về than đá, quặng sắt, dầu mỏ sau đó vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của đất đai. Chỉ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai thì các quốc gia mới chuyển mối quan tâm từ mở rộng lãnh thổ bằng cách chinh phục quân sự sang thương mại quốc tế. Các “quốc gia thương mại” nhận ra rằng hàng hóa sản xuất để xuất khẩu có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Rosecrance 1986). Ngay sau đó họ thấy rằng xuất khẩu là con đường duy nhất dẫn đến sự thịnh vượng, các sản phẩm có thể được thiết kế tại nước mình nhưng được chế tạo ở nước ngoài cho cả thị trường trong và ngoài nước. Thay vì được sản xuất bởi và cho những người sống trong một lãnh thổ duy nhất, hàng hóa và dịch vụ đang ngày càng được sản xuất bởi những người đang làm việc trên các khu vực khác nhau của thế giới cho một thị trường toàn cầu. Chúng ta đang bước vào một thời đại mà sự khác biệt về lãnh thổ truyền thống sẽ không còn quan trọng bằng các kỹ năng tài chính và quản lý để tạo ra các sản phẩm, cung cấp dịch vụ và quản lý của cải toàn cầu (Rosecrane 1999).
Toàn cầu hóa thương mại
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, những nước chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài và tàn phá đó tin rằng họ có thể kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại quốc tế. Ở chương 6 chúng ta đã thấy dưới sự bảo trợ của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), “Vòng đàm phán Geneva” vào năm 1947 đã làm giảm mức thuế quan[5] xuống 35%. Các vòng đàm phán kế tiếp sau đó vào những năm 1950 và 1960 (Vòng đàm phán Kennedy), những năm 1970 (Vòng đàm phán Tokyo) và những năm 1980 và 1990 (Vòng đàm phán Uruguay) hầu như đã loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa sản xuất. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kế tục GATT vào năm 1994 và mở rộng thành viên (xem Bản đồ 11.1), hiện đang tham gia vào việc giảm các hàng rào phi thuế quan[6] đối với thương mại quốc tế.
Việc giảm mức thuế suất đã làm cho thương mại quốc tế và sản lượng kinh tế thế giới cùng tăng trưởng. Kể từ khi thành lập GATT, kinh tế thế giới đã tăng trưởng gấp sáu lần, trong đó thương mại đã tăng hai mươi lần (Samuelson 2006). Tác động của sự gia tăng khối lượng hàng hóa được vận chuyển từ nước này sang nước khác là rất lớn, làm cho thương mại trở nên ngày càng quan trọng hơn đối với tất cả các nước.
Có rất nhiều cách để đo lường mức độ các quốc gia hội nhập toàn cầu hóa. Biểu đồ này đo lường và xếp hạng hai mươi quốc gia có mức độ toàn cầu hóa cao nhất dựa trên chỉ số kết hợp bốn yếu tố sau: sự tham gia chính trị (số lượng thành viên trong các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán nước ngoài và các sứ mệnh của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà nước đó tham gia), công nghệ (số người sử dụng Internet, máy chủ Internet và các máy chủ bảo mật); liên lạc cá nhân (di chuyển và du lịch quốc tế, đường dây điện thoại quốc tế và chuyển giao xuyên biên giới); và hội nhập kinh tế (thương mại, đầu tư nước ngoài và dòng vốn đầu tư gián tiếp, các khoản thanh toán thu nhập và các khoản thu).
Một mẫu hình tương tự có thể đang xuất hiện trong thương mại dịch vụ. Vì Hoa Kỳ được hưởng lợi thế so sánh trong lĩnh vực này nên nước này đã ủng hộ mạnh mẽ việc đưa dịch vụ vào các quy tắc tự do hóa của WTO. Thương mại dịch vụ đã được mở rộng gấp ba lần kể từ năm 1980 với việc Bắc bán cầu gặt hái hầu hết các lợi ích. Tuy nhiên, sự lan truyền của công nghệ thông tin, phần mềm kinh doanh mới có thể được sử dụng dễ dàng và chi phí tiền lương thấp hơn của các nền kinh tế đang phát triển là một phần trong những lý do tại sao Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng các nước đang phát triển sẽ nắm giữ thị phần lớn hơn trong thương mại dịch vụ thế giới trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Các nước ở Nam bán cầu như Ấn Độ với số lượng cực lớn công dân được giáo dục tốt và nói được tiếng Anh đã điều hành các trung tâm cuộc gọi và đường dây nóng hỗ trợ người tiêu dùng cho các công ty có trụ sở tại Bắc bán cầu.
Bán sản phẩm cho một quốc gia khác thường đòi hỏi các công ty thiết lập một chi nhánh đại diện ở nước ngoài để có thể sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Theo truyền thống, các hoạt động ở nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia (multinational corporation – MNC) là “các phần phụ” của một trung tâm tập trung hóa. Mô hình hiện nay là tháo gỡ các trung tâm này bằng cách phân tán cơ sở sản xuất trên toàn thế giới, điều này về mặt kinh tế có thể hiện được nhờ có những cuộc cách mạng trong thông tin liên lạc và giao thông vận tải (bao gồm cả việc sử dụng các container vận chuyển quốc tế được chuẩn hóa). Hầu hết các công ty lớn bán hàng đang hướng đến thị trường toàn cầu và một tỷ lệ lớn doanh thu của họ được tạo ra từ việc bán hàng ở ngoài quốc gia họ đặt trụ sở. Sự toàn cầu hóa sản xuất này đang chuyển đổi nền kinh tế chính trị quốc tế. Thương mại đã từng được tính bằng dòng chảy hàng hóa giữa các quốc gia và cách tính đó được tiếp tục thực hiện bởi thống kê tài khoản quốc gia vẫn được thu thập với các quốc gia được xem như là đơn vị phân tích. Nhưng hình ảnh đó ngày càng không thể mô tả được thực tế hiện nay. Thực sự là các quốc gia không giao dịch với nhau mà là các tập đoàn. 68.549 công ty đa quốc gia trên thế giới và 582.579 chi nhánh nước ngoài của nó bán khoảng 10 nghìn tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới mỗi năm (Oatley 2008, 173). Hiện tại các MNC đang đảm trách một phần tư lượng sản xuất thế giới và hai phần ba xuất khẩu thế giới.
Các công ty đa quốc gia nhận ra rằng để xuất khẩu sang nước khác thì đặt cơ sở tại quốc gia đó sẽ là hữu ích. Đặt cơ sở sản xuất và quản lý tại các chi nhánh khu vực của một công ty đa quốc gia sẽ giúp tránh các loại thuế và thuế quan. Ngày nay, khoảng 40% những gì chúng ta gọi là thương mại quốc tế thực tế là liên quan đến giao dịch giữa các chi nhánh qua biên giới của các công ty đa quốc gia, hay chính là giữa một công ty và các công ty con của nó ở nước ngoài (Oatley 2008, 170).
Bằng cách hình thành liên minh chiến lược[8] với các công ty trong ngành và sáp nhập với nhau, nhiều công ty đa quốc bây giờ cạnh tranh nguồn tài chính với các quốc gia dân tộc. Mạng lưới những công ty này thực sự theo đuổi chiến lược toàn cầu tạo lợi ích tài chính, thường là thông qua các thỏa thuận cung cấp dài hạn và hợp đồng cấp quyền và nhượng quyền thương mại. Khi đưa các dòng tài chính lớn qua biên giới quốc gia, các tập đoàn toàn cầu đang tích hợp các nền kinh tế quốc gia vào một thị trường trên toàn thế giới. Từ năm 1970, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng lên gần một trăm lần, trong đó các quốc gia Nam và Đông bán cầu đang là đối tượng tiếp nhận.
Theo một trong số những ý kiến ủng hộ toàn cầu hóa hăng hái nhất, sự hội nhập không ngừng của các nền kinh tế quốc gia vào một thị trường thế giới duy nhất được xem là liều thuốc hiệu lực cho căn bệnh đói nghèo. Tuy vậy, quan điểm như trên là không chính xác. Mặc dù có bằng chứng cho thấy việc mở rộng và phát triển dòng chảy thương mại quốc tế có liên quan đến tăng trưởng kinh tế nhưng những thành tựu này không phân bổ đồng nhất. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa đã giúp làm giảm nghèo đói ở các nước Đông và Nam bán cầu bằng cách tận dụng lợi thế lao động chi phí thấp của họ để thu hút các công việc chế tạo hàng tiêu chuẩn và lắp ráp thành phẩm. Nhưng các nhà phê phán toàn cầu hóa cho rằng lợi ích tích lũy nhiều hơn cho những người sản xuất ở Bắc bán cầu với các sản phẩm sáng tạo, sử dụng nhiều vốn con người. Thử xét ví dụ iPod của Apple. Mẫu sản phẩm video 30 GB được sản xuất tại Trung Quốc bởi Inventec và bán vào năm 2005 với giá 224 đô la – giá bán buôn. Theo một nghiên cứu, Apple tuyên bố có được khoảng 80 đô la lợi nhuận gộp. Trung Quốc với việc thử nghiệm và lắp ráp 424 linh kiện của iPod, chỉ có được 3,70 đô la bởi các khâu nghiên cứu, phát triển và thiết kế cũng như linh kiện sản phẩm được tạo ra ở một nơi khác (Economist, tháng 10/2007, 8). Như Báo cáo phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc từng nói: “Cơn thủy triều của sự giàu có khi lên ắt sẽ nâng tất cả các tàu thuyền. Nhưng một số có khả năng đi biển hơn những tàu thuyền khác. Các du thuyền và tàu khách vượt đại dương thực sự đang chào đón những cơ hội mới, nhưng các thuyền bè và thuyền chèo vẫn đang vùng vẫy trên mặt nước – và một số thì đang chìm đi nhanh chóng.” Toàn cầu hóa thương mại, nói cách khác, là tạo ra kẻ thắng người thua, cả giữa các quốc gia lẫn bên trong quốc gia. Kết quả là một sự phản ứng dữ dội chống lại những bất bình đẳng đang dấy lên trong nhóm người mà họ thấy bản thân mình là nạn nhân của một thế giới thương mại hội nhập (Broad 2002; Aaronson 2002).
[1] Globalization: một tập hợp các quy trình giúp mở rộng, tăng cường và đẩy nhanh tốc độ kết nối lẫn nhau giữa các xã hội.
[2] Global village: một hình ảnh phổ biến được sử dụng để miêu tả sự gia tăng về nhận thức rằng tất cả mọi người đều chia sẻ chung một số phận, bắt nguồn từ quan điểm thế giới là một tổng thể kết nối và phụ thuộc lẫn nhau.
[3] Digital divide: Khoảng cách giữa những quốc gia có tỉ lệ cao và thấp về người dùng internet và máy chủ.
[4] Agenda setting: Khả năng ảnh hưởng tới việc vấn đề nào nhận được quan tâm từ các chính phủ và các tổ chức quốc tế bằng cách tăng cường quảng bá về vấn đề đó.
[5] Tariff: các loại thuế áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu bởi các chính phủ.
[6] Non-tariff barriers: các hạn chế bởi chính phủ mà không liên quan đến thuế, thuế quan để làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hoá vào một quốc gia.
[7] Trade integration: toàn cầu hóa kinh tế được đo lường bằng mức độ mà khối lượng thương mại thế giới tăng nhanh hơn so với tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu hợp lại.
[8] Strategic corporate alliances: sự hợp tác giữa các MNC và các công ty nước ngoài cùng lĩnh vực kinh doanh, được thúc đẩy bởi việc dịch chuyển sản xuất của các MNC ra nước ngoài.
Nguồn: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond, The Global Future: A Brief Introduction to World Politics (Chapter 11), (Boston, MA: Wadsworth, 2010)