ĐỀ TÀI LUẬN VĂN:
TRƯỜNG VĂN HÓA NHẬT BẢN TRONG TÁC PHẨM
CỦA KAWABATA YASUNARI VÀ MURAKAMI HARUKI
MỤC LỤC
DẪN NHẬP
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
3. Phương pháp nghiên cứu
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài
5. Những đóng góp mới của luận văn
6. Cấu trúc luận văn
Chương 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG
I. Mối liên hệ giữa văn hóa học và văn học
II.Khái niệm về trường văn hóa và trường văn hóa Nhật Bản
Tiểu kết
Chương 2 : KAWABATA YASUNARI VÀ MURAKAMI HARUKI, CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM
I. Kawabata Yasunari:
1. Cuộc đời
2.Tác phẩm
2.1 Cô vũ nữ xứ Izu
2.2 Xứ tuyết
2.3 Tiếng rền của núi
2.4 Truyện ngắn trong lòng bàn tay
2.5 Cố đô
2.6 Ngàn cánh hạc
2.7 Đẹp và buồn
II. Murakami Haruki
1. Cuộc đời
2. Tác phẩm
2.1 Rừng Na Uy
2.2 Folklore của thời chúng ta
2.3 Lưỡi dao săn
2.4 Người đàn ông băng
2.5 Con voi biến mất
2.6 Đốt nhà kho
2.7 Chim vặn dây thiều và phụ nữ ngày thứ ba
- Tiểu kết
Chương 3 : SỰ BIẾN CHUYỂN CỦA TRƯỜNG VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ KAWABATA YASUNARI ĐẾN MURAKAMI HARUKI
1. Sự biến chuyển của trường văn hóa Nhật Bản qua thời gian văn hóa
2. Sự biến chuyển của trường văn hóa Nhật Bản qua không gian văn hóa
3. Sự biến chuyển của trường văn hóa Nhật Bản qua chủ thể văn hóa
3.1. Ý nghĩa của đời sống
3.2 Văn hóa tình dục
3.3 Văn hóa đọc
Tiểu kết
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
BẢN TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ
“TRƯỜNG VĂN HÓA NHẬT BẢN TRONG TÁC PHẨM
CỦA KAWABATA YASUNARI V MURAKAMI HARUKI”
Trong luận văn này chúng tôi nghiên cứu những đặc trưng văn hóa Nhật Bản, hay còn gọi là trường văn hóa Nhật Bản dựa trên tác phẩm của nhà văn Kawabata Yasunari và Murakami Haruki. Cả hai tác gia này đều tiêu biểu cho tinh thần Nhật Bản. Một người tượng trưng cho truyền thống, một người là hiện đại.
Kawabata thể hiện rõ ràng là một người tôn sùng nền văn hóa Nhật bản cổ điển với tư tưởng Phật Giáo Thiền tông và nền văn chương nữ tính huy hoàng thời Heian mà tiêu biểu là tác phẩm “Genji monogatari” (Nguyên Thị vật ngữ) do nữ sĩ Murasaki Shikibu sáng tác. Giải thưởng Nobel năm 1968 đã mang lại cho ông vinh quang quốc tế, và đưa dòng văn học Nhật Bản hòa nhập vào dòng chảy chung của nền văn học thế giới. Như trong lời tuyên dương của Viện hàn lâm Thụy Điển đã nhấn mạnh tác phẩm của ông “thể hiện rõ nét lối tư duy Nhật Bản”.
Còn Murakami là một con người phản kháng lại nền văn hóa truyền thống Nhật Bản. Các tác phẩm của ông nhắm đến một trường văn hóa toàn cầu, không còn sự khác biệt trong suy tư của giới trẻ, một thế giới mà thị trường tiêu dùng tràn ngập đã xóa nhòa ranh giới của các quốc gia. Chính vì vậy mà tác phẩm của Murakami được dịch ra hàng chục thứ tiếng, được tiêu thụ hàng chục triệu bản trên toàn thế giới. Và rất có thể Murakami sẽ đem về cho Nhật Bản một giải Nobel văn chương thứ ba cho Nhật Bản trong những năm tới đây. Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã tuyên bố như vậy mà Matt Thompson là một ví dụ điển hình.
Xem xét sự vận động và phát triển của quá trình toàn cầu hóa văn hóa Nhật Bản từ Kawabata đến Murakami sẽ cho chúng ta thấy sự biến chuyển về mặt văn hóa, xã hội và con người Nhật Bản, đồng thời là một tấm gương soi chiếu vào Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Như GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã nhận định, văn hóa học có nhiệm vụ nghiên cứu văn hóa như một đối tượng riêng biệt trên cơ sở những dữ liệu do các ngành khác cung cấp, mà trong đó có ngôn ngữ và văn học. Trong tác phẩm văn học, nhân vật, cá tính, cách tư duy đều được tổng hợp, khái quát lên, mang tính điển hình cao độ. Nó chính là tấm gương soi phản ánh nền văn hóa của đất nước đó. Vì thế mà tác phẩm văn học chính là một nguồn tư liệu hữu ích trong vấn đề nghiên cứu và tìm hiểu nền văn hóa của một quốc gia.
Tác phẩm văn chương nào cũng là tác phẩm văn hóa. Theo nhà nghiên cứu Đoàn Văn Chúc thì “Tác phẩm văn hoá” phản ánh và điều chỉnh các quan hệ xã hội tức là nó gieo trồng các giá trị tinh thần. Nó được sản xuất bằng các phương tiện: dấu hiệu nói, dấu hiệu viết, dấu hiệu âm thanh, dấu hiệu đồ thị, dấu hiệu lai pha. Đặc trưng căn bản nhất của tác phẩm văn hoá là tính biểu tượng. Trong khi các tác phẩm kinh tế bị hủy hoại dần trong quá trình tiêu thụ thì tác phẩm văn hoá được lưu truyền và mang giá trị thẩm mỹ cao.
Bởi dù sao khi sáng tác, nhà văn phải chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ, hoàn cảnh đang sống, tức là cái trường văn hóa mà anh ta đang hiện diện. Chính vì vậy mà tác phẩm văn chương phần nào phản ánh “bản sắc văn hóa” của dân tộc mình trong tư duy và lối sống.
Qua sự phân tích những tác phẩm chính yếu của hai tác gia, chúng tôi đi đến việc nhận định về biến chuyển của trừơng văn hóa Nhật Bản theo ba khía cạnh chính về thời gian văn hóa, không gian văn hóa và chủ thể văn hóa. Từ đó chúng tôi nhận thấy tác phẩm của Kawabata và Murakami đều phản ánh tâm tư tình cảm của thời đại mình đang sống và thể hiện rõ cách ứng xử văn hóa của mỗi tác gia trong quá trình phát triển toàn cầu hóa.
Bản sắc văn hóa của một dân tộc là cái tự hình thành trong quá trình phát triển của dân tộc, gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc nên rõ ràng nó mang nặng yếu tố quá khứ. Nhưng bản sắc chính là cái làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác khi ta quan sát, như vậy bản sắc văn hóa mang tính hiện tại. Và bản sắc văn hóa còn mang tính lịch sử, nên nó gắn liền với tương lai. Mà tương lai của mỗi dân tộc không gì khác hơn là sự hòa nhập vào cộng đồng thế giới, tìm kiếm một sự đồng thuận để sống và cùng chung sống. “Văn hóa với sự tích lũy những hằng số lịch sử và tầm nhìn khoáng đạt, quán xuyến hiện tại, quá khứ và tương lai thuộc bản chất của nó, có thể trụ lại được trong cuộc khủng hoảng nếu đề ra được những tư tưởng căn cốt khả dĩ rút ra được những bài học của sự suy sụp những thiết chế văn minh lỗi thời…”[Hoàng Ngọc Hiến 2006 : 7,8]. Điều này dẫn đến sẽ có một nền văn hóa toàn cầu, một hệ tiêu chuẩn văn hóa mang tính toàn cầu tồn tại song song song với nền văn hóa bản địa. Và mỗi con người phải mang nặng hai địa tầng văn hóa. Tầng dưới là của quốc gia, của dân tộc, tầng trên là của thế giới, của toàn cầu. Sự dày mỏng của hai địa tầng này tùy theo người, tùy theo dân tộc. Và có thể đến một ngày nào đó, sự ngăn cách giữa hai địa tầng này có thể hoàn toàn biến mất. Đó chắc chắn sẽ là điều sẽ xảy đến trong một tương lai xa. Như thế khái niệm trường văn hóa sẽ cần phải được hiểu theo nghĩa rộng vì không gian dân cư của dân tộc dần biến mất, sự kiện văn hóa thì càng ngày càng mang tính phổ quát hơn.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của văn minh làn sóng thứ ba, trường văn hóa ngày càng được mở rộng, không còn bị lệ thuộc vào biên giới quốc gia. Alvin Toffler đã khái quát hóa một cách đầy đủ về sự giãn nở của khái niệm trừơng văn hóa như sau “Theo nghĩa này, nền văn minh làn sóng thứ ba chính là một tương lai thực tế lý tưởng. Người ta có thể nhìn thấy trong nó một nền văn minh cho phép sự khác biệt cá nhân, chấp nhận sự đa dạng về chủng tộc, khu vực, tôn giáo và văn hóa. Một nền văn minh đầy sáng tạo và có khả năng tạo ra sự ổn định tương đối cho những người cần hoặc muốn có sự ổn định”[Alvin Toffler 1992 : 296].
Và nếu hiểu như thế việc Murakami đưa vào trong tác phẩm của mình dày đặc những yếu tố phương Tây nhưng vẫn tự nhận biết mình chỉ là một nhà văn Nhật Bản là điều không có gì lạ. Nó tự nhiên như con người ta phải hòa nhập để mà sống.
Khác với Murakami, Kawabata, khi cảm thấy nền văn hóa của dân tộc mình và bản thân mình bị tổn thương vì toàn cầu hóa (chiến tranh thế giới cũng là một biến thể của quá trình toàn cầu hóa này), ông đã rút lui vào miền ẩn dật, tìm kiếm lại vẻ đẹp cổ xưa, một truyền thống sơ nguyên của dân tộc Nhật Bản. Thời đại của Kawabata, người ta có thể làm được điều đó. Nhà văn Tanizaki cũng làm như vậy. Hành động rút lui vào trong truyền thống tuy mang nặng tính bảo thủ nhưng nó thể hiện một cách ứng xử văn hóa của những nhà văn hàng đầu Nhật Bản, muốn níu kéo lại một điều gì đó của quá khứ và dĩ vãng xa xăm. Ở giai đoạn thứ ba của quá trình toàn cầu hóa (theo cách phân chia của Nguyễn Trần Bạt) , cách ứng xử văn hóa ấy của Kawabata đã đáp ứng nhu cầu bảo vệ bản sắc dân tộc trước sự xâm lăng của văn hóa phương Tây. Lúc bấy giờ lớp địa tầng văn hóa thứ hai mới còn manh nha, chưa thể hiện rõ ràng.
Nhưng đến thời của Murakami, khi ông thấy hai lớp địa tầng văn hóa đã phát sinh, và sống trong dòng chảy của quá trình toàn cầu hóa giai đoạn thứ tư, hòa nhập là điều không phải tranh luận. Đúng hơn hầu như Murakami không tự lựa chọn cho mình một cách ứng xử văn hóa mà tự nó tìm đến với thế hệ của ông.
Nói một cách khác thì Kawabata đã bị một cú sốc văn hóa sau đại chiến thế giới lần 2, khiến ông dứt khoát ẩn mình, chọn lựa quay trở về với truyền thống. Còn thời của Murakami là nằm trong sự diễn tiến liên tục của một quá trình thống nhất biện chứng, vừa do sự mất phương hướng đến choáng váng trong đời sống do toàn cầu hóa bành trướng nhanh chóng, vừa có sự tự do để lựa chọn một kiểu văn hóa mà mình thích ứng. “Hơn thế nữa, giống như cá nhân có thể thực hiện sự chọn lựa có ý thức trong số các lối sống khác nhau, một xã hội ngày nay cũng có thể chọn một cách có ý thức trong số các kiểu văn hóa khác nhau. Đây là một sự kiện mới trong lịch sử. Trong quá khứ, văn hóa đã nổi lên mà không có sự chủ tâm. Ngày nay, lần đầu tiên chúng ta có thể nâng quy trình đó lên thành sự hiểu biết”[ Alvin Toffler 1992 :165]. Vì vậy trong tác phẩm của Murakami, cá nhân hành xử theo một lối hư vô chủ nghĩa trong cách sống nhưng lại có sự tự do trong việc tiếp nhận cái mà mình thích. Cái nền tảng truyền thống lặn sâu xuống nhưng không biến mất mà biến thành trầm tích để nảy sinh trên đó một địa tầng văn hóa chung toàn cầu mang tính phổ quát. Hai lớp địa tầng văn hóa này làm đa dạng và phức tạp hóa con người hiện đại. Vì thế mâu thuẫn và xung đột trong tâm hồn con người cũng dữ dội hơn. Trái ngược với điều đó, Kawabata phản ánh tâm hồn người Nhật như một sự tinh tế và dịu dàng truyền thống để làm nổi bật lên sự khác biệt của bản sắc văn hóa Nhật Bản, đối chọi với nền văn hóa Tây Phương. Còn Murakami lại phản ánh tâm hồn người trẻ tuổi nổi loạn, hư vô chủ nghĩa, hành xử quay cuồng dữ dội trên nền nhạc jazz hay đi tìm cái chết quá sớm để trốn chạy cuộc đời, để nói lên điểm tương đồng giữa những con người hiện đại đang phải đối mặt với toàn cầu hóa văn hóa và một xã hội siêu công nghiệp. Cho nên văn phẩm của Murakami dễ dàng giành được sự đồng cảm của nhiều độc giả trên toàn thế giới. Nó phản ánh sự đối mặt của con người với hiện tại. Còn tác phẩm của Kawabata như là mot điểm bảo tồn truyền thống quá khứ, người ta tìm đọc tác phẩm của ông trước hết là vì giá trị văn chương nhưng cũng vì để tìm lại một vùng đất đệm của quá khứ nhằm tạm thời quên lãng đi những áp lực của đời sống hiện tại
Quá trình toàn cầu hóa kinh tế và văn hóa đòi hỏi chúng ta phải sống và cùng chung sống, tranh luận để đồng thuận, giảm bớt xung đột vũ lực và chiến tranh. Những ý kiến như của Samuel Hungtington đã dần trở nên lạc hậu. “Được khích lệ bởi hiện đại hóa, nền chính trị toàn cầu đang được tái định hình trên cở sở các dòng văn hóa. Các dân tộc và các quốc gia có nền văn hóa tương đồng thì nhóm lại với nhau. Các dân tộc và các quốc gia có nền văn hóa khác nhau thì tách nhau ra” [Samuel Hungtington 1993 : 153]. Đúng hơn thì chính vì tác động và tốc độ mãnh liệt của cơn lốc toàn cầu hóa về đời sống kinh tế chính trị văn hóa đã làm cho ý kiến của Humington chỉ còn đúng một nửa. Giai đoạn đầu tiên khi con người còn bị ngăn cách bởi những biên giới quốc gia địa lý, việc giao lưu giữa các nền văn hóa còn thưa thớt thì thái độ các dân tộc có thiện cảm với nhau vì chung cùng một nền văn hóa là rất dễ hiểu. Nhưng sang những giai đoạn thứ ba thứ tư của quá trình toàn cầu hóa, các biên giới quốc gia dần dần mờ đi và cùng với sự ra đời của các lực lượng đa quốc gia và công nghệ Internet, trái đất đã trở nên nhỏ hẹp lại. Các quốc gia, các nền văn hóa nằm trong vùng ảnh hưởng lẫn nhau. Và nếu như việc gia nhập WTO của Việt Nam có lợi về mặt kinh tế cho việt Nam gấp đôi thì Hàn Quốc có thể có lợi gấp ba. “Hiệu ứng cánh bướm”[1] (butterfly effect) này đòi hỏi nhân loại phải có một tiếng nói chung trong tất cả các vấn đề, và phải một nền văn hóa chung toàn cầu song hành với nền văn hóa bản địa. Hai nền văn hóa này không hề mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau theo nguyên lý “tổn hữu dư, bổ bất túc”. Vì thế, đối thoại sẽ dần thay thế cho đối đầu. Và mỗi cá nhân sẽ mang trong mình ít nhất hai địa tầng văn hóa. Điều này thể hiện quá rõ trong con đường đi của văn hóa Nhật Bản từ Kawabata đến Murakami, từ bước đầu của xung đột văn hóa tìm thoát trốn tránh vào quá khứ đến hòa nhập và chấp nhận.
Và như thế qua văn phẩm của hai tác gia, chúng ta thấy rõ về sự phát triển mạnh mẽ của trường văn hóa Nhật Bản hiện đại trong tiến trình toàn cầu hóa. Đây cũng là một tấm gương soi chiếu với tình hình phát triển về văn hóa của Việt Nam hiện nay.
[1] “Hiệu ứng cánh bướm” (butterfly effect) do nhà khí tượng học Hoa Kỳ Edward Lorenz phát hiện vào năm 1961. Một cái vỗ cánh của con bướm ở Brazil có thể gây ra bão tố ở Texas Hoa kỳ. Hiện tượng này chứng tỏ sự thay đổi rất nhỏ trong trạng thái ban đầu của một hệ thống có thể làm thay đổi hoàn toàn sự tiến hóa của hệ thống ấy. Trong Phật Giáo thì tư tưởng này được gọi là “vạn pháp tương tức”. Chúng tôi dùng thuật ngữ này để nói về tác động tức thời và mãnh liệt lẫn nhau giữa các quốc gia trong tiến trình toàn cầu hóa (Hoàng Long).