Kỳ 1: Bạn của người Anh – điêng
Từ năm triệu cư dân ban đầu, đến giờ dân da đỏ chỉ còn khoảng hơn 440.000 người thuộc 220 dân tộc, phân bố thưa thớt và biệt lập. Đa số dân Indian còn đang sống trong thời nguyên thủy và bảo tồn những tập tục "chẳng giống ai"...
Khi Columbus tìm ra Tân thế giới, ông đã gọi những cư dân ở đó là người Indian (người Ấn Độ), bởi ông cứ đinh ninh rằng mình đã tới miền Đông Ấn. Ngày nay, ở vùng Amazon, người ta vẫn gọi thổ dân là người Indian, tiếng Việt gọi là người Anh-điêng. Đa số dân Indian còn rất nguyên thủy và bảo tồn trong lòng Amazon những tập tục "chẳng giống ai" của họ.
Đến giữa thế kỉ 16, người da trắng đã đặt chân đến vùng Amazon. Những kẻ xâm lược với trang bị kĩ thuật vượt trội đã cướp đi đất đai và phá huỷ nền văn hóa của cộng đồng cư dân Nam Mỹ nguyên thủy. Người da đỏ hầu như không thể chống đỡ nổi với các chiến hạm tối tân và những thứ vũ khí kì lạ chưa từng thấy trong đời. Họ rút vào ẩn nấp trong vùng rừng Amazon mênh mông để tránh sự tàn sát của kẻ thù.
Trong năm mươi năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế Brazil, khu vực sinh sống của người da đỏ càng ngày càng bị thu hẹp. Những nơi trước kia vẫn còn nhiều bộ lạc hoang dã định cư, giờ đã mọc lên những thành phố hiện đại hay những khu dân cư đông đúc.
Nhiều người da đỏ cũng đã từ bỏ cuộc sống nguyên thủy để đi theo tiếng gọi của văn minh, nhiều bộ lạc giải tán hoàn toàn hoặc bị tuyệt chủng.
Nội bất xuất, ngoại bất nhập
Mới đây, Tổ chức quốc gia về người Indian của Brazil – Funai (Fundação Nacional do Índio) đã đưa ra một biện pháp mới nhằm bảo vệ các bộ lạc vùng Amazon. Họ không cho phép bất cứ một cuộc tiếp xúc nào giữa người bên ngoài và các dân tộc biệt lập ở vùng rừng này.
Những người lạ, bao gồm cả khách du lịch, về nguyên tắc bị cấm không được bước vào lãnh thổ của người Anh-điêng. Chuyện thổ dân phục kích bắt sống hay tiêu diệt những kẻ lạ mặt xâm nhập lãnh địa của họ không phải chỉ tồn tại trong lịch sử hay những bộ phim trên màn ảnh.
Ngày nay, nặng thì họ vẫn sẽ "tiếp đón" bằng tên tẩm độc, nhẹ thì họ dùng điện thoại vệ tinh báo cho Funai hoặc quân đội. Một nhà thám hiểm châu Âu khá nổi tiếng vừa rồi cũng đã phải "trang bị thêm kinh nghiệm": ông tự nhận mình là bạn của người Anh-điêng và sau đó lại bị... ngồi bóc lịch ít lâu ở Brazil.

Ai muốn vào đây cần phải xin giấy phép của Funai. Nhưng kể cả có giấy tờ trong tay rồi, nhiều khi người da đỏ vẫn khước từ việc cho vào khu vực sinh sống của họ. Dân Indian ngày nay vẫn chọn bạn bè theo những cách thức cổ xưa. Nếu như quá tò mò, nhất thiết phải tìm đến chỗ họ thì phải chấp nhận là có thể sẽ không được chào đón, cho dù là có thiện chí đi chăng nữa.
Bạn của người Anh-điêng
Ở đây, những nhà nhân chủng học sống trong thế tiến thoái lưỡng nan. Họ muốn tiếp xúc với cuộc sống hoang dã của người da đỏ để từ đó có thể khám phá ra quá trình phát triển của loài người. Nhưng ngay lần gặp gỡ đầu tiên cũng có thể phá hỏng hết mọi kết quả. "Tốt nhất là ta để cho họ yên“, Sydney Possuelo, cán bộ của Funai và là bạn của người Indian, nói.
Tất nhiên nhà nhân chủng nào cũng muốn những hành động đầy chất anh hùng phải đem đến cho họ những khám phá vẻ vang chứ không phải biến họ thành kẻ mang tội.
Cách đây một năm Possuelo cũng nghĩ y như vậy khi ông phát hiện ra một bộ lạc chưa từng được biết tới của dân tộc Corubo. Thế nhưng, khi bị nhóm người da đỏ đuổi theo ra đến ngoài rừng thì "tim tôi đã chui tọt lên tận cổ“, ông kể. Cái nhìn đầu tiên! Ai biết được họ đánh giá thế nào về chúng ta?

Renato Athias là một ngoại lệ. Anh là con của một người đàn ông Ma-rốc gốc Do Thái và một phụ nữ Bồ Đào Nha. Ban đầu anh đến với người da đỏ không phải vì tình yêu. Anh không biết họ có trên đời. Những năm 70, Renato phải sống chui lủi vì một sinh viên có tư tưởng cấp tiến như anh đã nằm trong sổ đen của chế độ độc tài. Tình cờ, anh nghe được tin người Salesian ở trong rừng đang tìm giáo viên dạy tiếng Bồ. Đó là một chỗ ẩn nấp lý tưởng.
Anh ở lại và sống một thời gian dài ngoài dự tính cùng một dòng họ người Hupdé thuộc giống dân Anh-điêng lùn Maku, những người vẫn sống theo trật tự bầy đàn ở trong rừng, săn bắn du mục, trồng trọt không đáng kể và nhất là không có sắn! Cạnh đó là làng của người Tucano. Những người Tucano thì ngược lại, sống ven sông, có sắn.
Họ thuê người Maku làm mọi việc, ví dụ như khi cần dựng lều để tổ chức lễ hội. Đặc biệt là không người Tucano nào có ý định lấy một phụ nữ Maku làm vợ. Họ sống hoàn toàn bản năng và ghét người ngoại tộc. "Với họ thì người Maku không phải là con người" - Renato nói. Nhưng thuở đó, anh đã quyết định ở lại với người Maku, sống với họ và cùng chịu cảnh bị săn đuổi như họ.

Sau đó Athias học lên giáo sư, cưới vợ và có bốn đứa con. Nhưng anh luôn trở lại thăm bộ lạc của mình. Ở São Gabriel anh đã thành lập tổ chức y tế “Saude Sem Límites” – “Sức khỏe không biên giới”, dưới sự bảo trợ của EU. Kể từ khi những người Anh-điêng chuyển đến sống ở gần khu vực nhà thờ và các hội truyền giáo, bệnh lao và các bệnh kí sinh trùng khác lây lan rộng rãi. Ngày xưa, cứ 20 năm họ lại di cư theo từng nhóm nhỏ đến một bờ sông mới. Ngày nay, họ sống định cư trong các ngôi làng lớn, mà những dòng sông chảy qua các ngôi làng thì ngày càng nhiễm độc nặng hơn.
Renato không phải là một nhà bảo vệ thiên nhiên giáo điều. Anh cùng với một nhóm người Dessano đứng ra xây một “Maloca” - nhà rông của người da đỏ, tổ chức cho họ làm và bán đồ thủ công ở đó, mặc dù mỗi món chỉ thu được vài xu. Nhà chức trách vẫn thường đóng cửa những xưởng kiểu này, bởi trong quá trình sản xuất có sử dụng lông chim quý hiếm. Renato thoáng ngoảnh mặt đi. “Cho đến nay chúng tôi chưa làm gì tổn hại đến môi trường”, anh cười nhăn, “nếu có, thì là chẳng may bị lẫn vào”.
Anh đứng về phe những người da đỏ, nhưng ngay trong đất người da đỏ cũng thường xảy ra những sự kiện nguy hiểm không ngờ. Gần đây, Renato bị rơi vào một cuộc xung đột của hai bộ lạc. Làng này chết mất một người đàn ông, làng kia hai đứa trẻ, và Renato thì vừa ghé qua thăm họ, nên anh bị vạ lây.
Cha anh là một bác sĩ nổi tiếng ở Rio de Janeiro, bản thân anh là một nhà khoa học đáng kính – nhưng anh vẫn tin vào những ma thuật huyền thoại của vùng Amazon như thể lý trí của anh bị chia làm hai.
Anh đã từng được cứu chữa. Anh kể, “Một lần, đột nhiên vùng thận của tôi đau nhói, sau đó thì bất tỉnh nhân sự”. Một ông thầy lang đã lấy ba viên đá ra khỏi bụng anh, bằng phương pháp đặt tay ma thuật không hề làm tổn thương đến da. “Lão Pagé, đã cứu tôi" - Renato nói đầy cảm phục.
Ở nơi âm u cuối trời này anh đã trưởng thành. Anh mang đến cho người da đỏ những thành quả tích cực của xã hội hiện đại, là thuốc men, là cách sống vệ sinh, nhưng chính anh, ngược lại, chấp thuận sự giúp đỡ của ma thuật và cặm cụi đi thu thập những mảnh vụn của một thế giới đã vỡ
Kỳ 2: "Người kể chuyện"
Chiều hôm đó, Renato ghé thăm Feliciano Lana, một người Anh-điêng Tucano. Anh mang theo giấy và màu cho bạn mình. Feliciano đang vẽ minh hoạ cho một quyển sách về những huyền thoại anh được nghe người già nhất làng kể, khi anh còn là một đứa trẻ.
Lời vọng từ quá khứ
Lều của anh nằm trên một khu đất cao ngay bên cạnh một ngọn đồi. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra vô tận, đuổi theo con sông cho đến khi nó biến mất trong đám màu xanh mờ sương của khu rừng già. Từ chốn xa xăm ấy, năm năm trước, anh đã xuôi dòng về vùng Sao Gabriel này. “Vì sao?” “Vì bọn trẻ. Tôi muốn chúng đi học".
Căn lều hầu như không có gì ngoài một chỗ gọi là giường, ba giỏ hoa quả và vài cái võng mắc sẵn. Một chồng bản thảo nằm trên nền đất vụn – kí ức của một dân tộc đã lãng quên quá khứ. Feliciano bảo, anh là người theo Kitô giáo, nhưng truyện anh viết khác với chuyện các mục sư kể, bởi ở đây dân tộc được lựa chọn là người Tucano.
Tranh minh hoạ trong sách của Feliciano được vẽ rành rọt như dành cho thiếu nhi. Những trang sách soi sáng căn lều âm u. Giọng kể của anh tựa như những lời vọng về từ một quá khứ xa xăm: Đầu tiên là một người phụ nữ, bà ta tạo ra một vị thần từ đám khói của một điếu xì gà, ông thần này lại tạo ra con người.
Ban đầu tất cả nằm trong bụng một con rắn thần Anaconda, nó bơi ra từ hồ sữa trong rừng Amazon rồi xuôi theo dòng sông. Một chuyến đi dài, và con rắn thường phải dừng lại bên bờ sông để cho bớt người ra. Cứ mỗi lần vượt qua một trở ngại là bầy người lại tiến hóa lên thêm một bậc. Ngay từ những đoạn đầu, người da trắng đã rời đi về phía đông. Sau đó là người Maku và người Arawak. Những thành viên cuối cùng rời khỏi con rắn là người Tucano - trung tâm của sự hình thành con người và là dân tộc lãnh đạo.
Một vài câu chuyện của Feliciano gợi đến thuyết vũ trụ của đạo thiên chúa, ví dụ như những con người đầu tiên đã ăn một cái hạt rơi từ trên trời xuống. Sau đó, khi trời đổ xuống một cơn mưa trừng phạt, những người này đã chui vào những hốc cây để trốn. Một số chuyện khác thể hiện những quan niệm mê muội về giới tính:
“Những người đàn bà đầu tiên không hề có cơ quan sinh dục”, Feliciano kể. Trên tờ giấy anh đang vẽ có hình một người phụ nữ đang dang rộng chân, phía dưới là một dòng máu, đó là lúc cơ quan của chị ta mới được tách ra. Sau này dòng máu sẽ biến thành một làn sương mù màu đỏ và làm dậy lên những hơi cồn đầu tiên của loại đồ uống linh thiêng Capí.
Không có huyền thoại nào đề cao người phụ nữ: đây là Inamu, chúa hài đồng, toàn thân Người phát ra tiếng nhạc. Inamu xuống trần gian, mang cho con người một cây sáo thần. Cây sáo này đến bây giờ vẫn là vật sở hữu của đàn ông. Trong dịp lễ nếu như nó được đem ra thổi thì không người đàn bà nào được phép nhìn vào, hình phạt sẽ là cái chết.
Trong khi kể, Feliciano luôn quay ra ngó Renato, ý chừng muốn anh kể chuyện cùng. Và người kể chuyện nhiều khi tự đưa ra các giả thiết, bổ sung hay trích dẫn từ thế giới huyền bí của người Anh-điêng, rồi sau đó lại tự mình tán đồng hay bác bỏ. Chốc chốc, anh lại hỏi “Đúng thế chứ, phải không?” Renato gật đầu. “Đúng vậy!”.
Những lúc như thế Renato lại nhớ đến anh chàng người Do Thái Saul trong “Người kể chuyện”, tiểu thuyết về Amazon của Vargas Llosas. Saul quyết chí sống mãi trong rừng già, nơi anh, như một người đi rừng huyền bí, di chuyển từ bộ lạc này sang bộ khác. Anh “hiểu thấu tâm can”, biết hết các bí mật thầm kín của họ, anh nói chuyện với người da đỏ về chính huyền thoại và lịch sử của người da đỏ.
Còn anh, anh hiểu được gì từ người Maku? “Nhiều lắm, hiểu về chính mình thì đúng hơn”, Renato nói. Những năm ở cùng người Anh-điêng là thời gian tôi đi nhận dạng bản thân, ban đầu phải nếm trải cảm giác của người ngoại tộc duy nhất, rồi được chấp nhận thành thành viên của một dân tộc, nhưng lại là một dân tộc bị căm ghét, săn đuổi, tiêu diệt.” Ý anh là? “Ví dụ như, tôi là người Do Thái, có những chuyện khi đến đây tôi mới thực sự hiểu.”
Cunahá – Cái chết trong rừng sâu
Những phong tục kì lạ ư? Nhiều lắm. Mỗi bộ lạc ở đây đều có những bí mật riêng của họ. Và còn rất nhiều bộ lạc chúng ta chưa hề được tiếp xúc. – Anh có biết chuyện tự tử của người Suruaha không? Có chứ, cách đây ít lâu có một ông bác sĩ người Đức và một nhà tâm lý học người Brazil cũng tìm đến đây vì việc này. Nhưng tôi phải đính chính là thổ ngữ Suruaha không hề có từ “tự tử”.
Khu vực sinh sống của bộ lạc người Anh-điêng này nằm khá sâu trong vùng rừng Amazon. Đó là một dân tộc nhỏ, bao gồm các ông góa vợ, các bà góa chồng và những đứa trẻ mồ côi. Gần như, mỗi thành viên trong bộ lạc đều đã mất đi ít nhất là một người thân vì tục Suizid. Họ không gọi đó là tự tử, cũng không coi đó là điều trái tự nhiên. Đó là một phần tất yếu trong văn hóa của họ.

Sau mười ngày chèo thuyền và đi rừng đoàn nghiên cứu đó mới đến được khu vực của người Suruaha. Da Silva đã sống với người Anh-điêng tám năm, và được họ coi như bạn, ông Garve là bác sĩ nha khoa lưu động, đến khu rừng già này để chữa răng cho thổ dân. Họ thường xuyên nhai mía, nên răng lợi hỏng hết cả. Trong quá trình làm việc, ông hết sức ngạc nhiên khi nhận ra dân tộc này hầu như không có cảm giác đau. Nguyên nhân nằm ở chỗ, mọi người ở đây, không phân biệt tuổi tác, địa vị, đều thích hít một loại bột có tên là Komadi.
Thuốc phiện là một phần “đời sống ẩm thực” của người Suruaha. Komadi, một hỗn hợp từ tro của vỏ cây và bột thuốc lá, chỉ là loại dùng hàng ngày. Thứ thuốc độc này đưa con người ta vào thế giới của ma quỷ. Nó lấy đi sự tự chủ của họ. Không chỉ chi phối đời sống, nó quyết định cả cái chết. Hầu như không có ai ở làng này “ra đi” một cách tự nhiên. Mười năm vừa qua, nửa bộ lạc đã tự kết liễu đời mình.
Thứ ma túy đặc biệt dùng cho những “dịp” như vậy có tên là Curaha, loại ma túy nguy hiểm nhất. Nếu ai đó muốn tự tử, những người khác vẫn sẽ ra sức cứu chữa. Thi thoảng thì việc này cũng đem lại kết quả, chất độc cũng làm người được cứu tỉnh ngộ, không chán sống nữa. Nhưng thường khi mọi người đến thì đã muộn. Lý do tự tử thì có nhiều, nhưng đa phần rất “vớ vẩn”, ví dụ như mất một con gà, mất một cái rìu v.v. Khi một người thân qua đời, các thành viên còn lại của gia đình cũng không tỏ vẻ đau buồn, thương tiếc.
Những đứa trẻ mồ côi vì Suizid sẽ được họ hàng nuôi nấng. Bản thân chúng cũng học tập bố mẹ hút thuốc phiện. Cái chết với các em không có gì xa lạ. Bọn trẻ biết, một ngày nào đó Curaha cũng sẽ đưa chúng đến thế giới bên kia. Ở đó, bố mẹ các em đang đợi.
Sau cùng, vấn đề đeo đẳng chúng tôi vẫn là chuyện hòa nhập hay không hòa nhập của người Anh-điêng. Có nên để họ sống mãi nơi rừng thiêng này như những “động vật quý hiếm”, để mặc họ đối phó với cuộc đấu tranh sinh tồn, tự sinh tự diệt? Hay tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với văn minh, ràng buộc họ với những mối lo mà lẽ ra họ không phải gánh chịu, để rồi, một vài thế kỉ sau, người da đỏ chính thức trở thành huyền thoại?

Kỳ 3: Làng của những người Anh-điêng xài euro
Khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới nằm ở phía bắc Brazil. Giám đốc vườn quốc gia này là một kĩ sư nông nghiệp trẻ đến từ CHLB Đức – anh đến đây để giành giật từng thước rừng với dân chăn nuôi bò và những tay đào vàng trái phép.
Raimundo Nonato, một tay đào vàng cơ bắp cuồn cuộn, cầm về lều một túi nilon dính đầy máu và quăng lên bàn. "Bữa trưa đấy!“, vừa nói anh ta vừa kéo cái thủ lợn ra khỏi bao. "Thứ lợn rừng này ngon phải biết", tay bạn thân Jose Martin cười hân hoan.
"Đó là một con lợn nhà", Nonato đính chính và ném về phía bạn mình một cái lườm. "Mày muốn tao đi tù à? Ở đây cấm săn thú". Đôi mắt của anh ta gườm lại thành một đôi rãnh nhỏ, "Sáng nay bọn bảo vệ thiên nhiên vừa đi thuyền tới. Tay sếp là một gã người Đức – một con bẹc-giê".
Bảo vệ rừng: Cuộc đua với thời gian
Cũng không hoàn toàn như vậy: Christoph Jaster, 41 tuổi, sinh ra ở Đức nhưng từ hai năm nay anh đã là công dân Brazil. Chân ướt chân ráo đến đây, anh hiểu có những việc cần phải thỏa hiệp. "Thực sự tôi cũng không muốn biết chính xác là những gì đang diễn ra ở nơi này!".
Săn bắt trái phép ở "Vila Brasil" có thể coi như một tội lỗi vô hại. Bởi cả làng này sinh sống không đăng kí. Ngôi làng nằm giữa khu rừng quốc gia Tumucumaque do Jaster quản lý. Anh chàng kĩ sư lâm nghiệp này đang phụ trách khu bảo tồn rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.
Năm 2002, Tổng thống Brazil khi đó là Fernando Henrique Cardoso đã kí sắc lệnh đưa khu rừng ở biên giới phía bắc này vào diện cần được bảo vệ. Trước khi hết nhiệm kì, ông cũng muốn làm một việc có ích để lấy cái tiếng là nhà bảo vệ thiên nhiên, cũng như để giải thoát đất nước ông khỏi vết nhơ chặt phá rừng.
Khu vực rừng quốc gia này có diện tích bằng bốn tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam gộp lại, biên giới trải dài trên 1.700 kilômét. Những cánh rừng già vẫn còn bao bọc trong lòng một hệ động thực vật có một không hai. Những cây gỗ cao trên 50 mét vươn thẳng lên trời. Trong nhiều cuộc thám hiểm trước đây các nhà khoa học cũng đã phát hiện nhiều loại động vật mới.
Nhưng kể cả với trang thiết bị hiện đại như hiện nay thì việc khám phá khu rừng cũng vẫn còn là một thử thách lớn. Dòng sông có nhiều chỗ nước chảy xiết và vô số các thác ghềnh, đường sá hoàn toàn không có. "Tumucumaque là biên giới cuối cùng của Brazil", tờ tạp chí tin tức "Veja" đã viết như vậy. Tuy nhiên văn minh cũng đang tiến lại gần nơi đây. Những hội đào vàng đã đến định cư ngay cạnh khu bảo tồn, nơi có mỏ vàng và mangan. Cả những tay chăn bò cũng mới tìm đến vùng đất này.
Chưa bao giờ ở khu vực Amazon rừng lại bị chặt phá nhiều như mười năm trở lại đây. Khu vực từng một thời được phủ kín bởi những dải màu xanh miên man bất tận giờ trông như một tấm thảm lốm đốm. Vườn quốc gia Tumucumaque sẽ là nơi cho các thế hệ sau chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy và thiên nhiên phong phú của một khu rừng mưa nhiệt đới, tất nhiên là nếu như việc bảo vệ thiên đường này thành công. Jaster bảo với tôi, anh đang ở trong một cuộc đua với thời gian.

Không trông đợi nhiều từ chính quyền
Bố của chàng trai giàu lòng yêu thiên nhiên này vốn là một chuyên gia hỗ trợ phát triển. Khi nộp đơn xin làm trưởng khu bảo tồn, anh cũng đồng thời phải xin nhập quốc tịch: các cơ quan hành chính ở Brazil không dành cho người nước ngoài. Thực ra, anh chàng vận động viên lướt sóng này từng mơ ước có một công việc ở biển. Khi được tin mình được cử tới Tumucumaque, Jaster đã đi tìm ngay một tấm bản đồ. Giờ đây, anh sống ở Macapa, thủ đô của bang Amapa, và lướt sóng trên sông Amazon.
Khu bảo tồn cách nhà anh ở 250 cây số, khu nhà cho ban quản lý vẫn đang xây dở chưa xong. Để canh gác "bốn tỉnh Tây Nguyên", người ta trang bị cho anh một chiếc ô tô, hai xuồng máy và năm người phụ tá. Mỗi chuyến đi vào rừng là một cuộc mạo hiểm không biết trước kết quả. Đã có lần anh phải sửa động cơ thuyền bằng dao bỏ túi, từng phải nhảy xuống sông để đẩy thuyền qua chỗ nước xiết; trong cơn mưa xối xả của rừng già, anh chỉ mất vài phút để dựng xong một cái lều trú ẩn.
"Đó là một cảm giác không gì so sánh nổi, khi bạn là người đầu tiên bước vào trong một khu rừng và ngỡ rằng từ hàng triệu năm nay chưa hề có ai đặt chân đến nơi đây", anh hào hứng kể. Để được vui như vậy, anh cũng đã phải thả những thất vọng với bộ máy hành chính ở đây trôi theo dòng sông. Cấp trên của anh, viện môi trường và tài nguyên Brazil IBAMA, vốn bị cho là hoạt động không hiệu quả và bị nạn tham nhũng chế ngự. Ai chống lại những kẻ phá hoại thiên nhiên thường trở thành người bị săn đuổi. Cách đây ít lâu một đồng sự của Jaster thiếu chút nữa bị xe đâm chết, sau khi anh này ra lệnh phạt với một chủ trang trại bò. Ngay Jaster cũng đã từng bị đe dọa.
Anh chẳng trông mong được giúp đỡ gì ở những nhà chính trị. Ông thống đốc bang Amapa vốn xuất thân từ một gia đình kinh doanh gỗ. Vị nghị sĩ theo đảng Xanh của bang thậm chí còn muốn thông qua lệnh cho phép khai thác vàng trong khu vực rừng cấm, bởi qua đó ông ta sẽ giành được nhiều phiếu bầu hơn.
Trong lần bay ngang qua rừng gần đây Jaster đã đếm được hai chục đường băng trái phép, chủ yếu có lẽ do dân đào vàng và dân buôn thuốc phiện xây dựng nên. Một khu đào vàng trong rừng cũng đã bị anh phát hiện.
Sống trong rừng, xài tiền "Ơ rô"
Nhưng việc làm Jaster đau đầu hơn cả là "Vila Brasil" ở biên giới phía bắc khu rừng. Khu làng bất hợp pháp này hoàn toàn không có trên bản đồ. Từ đó đến thành phố gần nhất cũng mất bảy tiếng đi xuồng máy. Thế nhưng dân số làng này vẫn tăng đều đặn. Cách đây một năm mới có 150 dân, giờ đây đã hơn 200. Hiệu thời trang, cửa hàng tạp hóa, quán rượu và nhà thổ mọc lên như nấm dọc bờ sông. Vila Brasil bùng nổ, bởi phía bên kia bờ đã là đất sử dụng đồng euro: thuộc địa Guayana của Pháp.
Đối diện với Vila Brasil là tỉnh Camopi, "sứ quán vùng nhiệt đới" của châu Âu. Mấy cảnh sát quân sự mặt khó đăm đăm và một quân đoàn lê dương (khoảng 8000 người - ND) đóng quân ở khu vực này. Ngoài ra bên phía Pháp còn có khoảng gần một ngàn dân bộ lạc Wayapi sinh sống. Họ quấn vải đỏ, nói thứ tiếng Pháp mất âm và mua Baguett (loại bánh mỳ dài đặc trưng của Pháp – ND) để ăn sáng. Họ thuê người Brazil làm việc trên đồng và trả lương theo ngày. Sung túc như vậy, bởi những người Anh-điêng này mang quốc tịch Pháp và nhận trợ cấp từ chính phủ Pháp.
Paris trả cho mỗi chủ gia đình ở đây 1200 euro một tháng, 600 euro cho một bà vợ, 300 euro tiền con cho một bé gái hoặc trai. Những gia đình người Anh-điêng đông con có thể nhận từ 4000-5000 euro một tháng – bằng 12 lần thu nhập của một người Brazil bình thường. Họ mang tiền này sang tiêu ở Vila Brasil, bởi hàng hóa ở đó rẻ hơn ở Camopi.
Vậy nên khu làng trong rừng này sống nhờ đồng euro của người da đỏ. Những người Anh-điêng giàu có này rất dễ bị mua đắt: 30 euro cho một két bia, 50 euro cho một "chương trình với các quý cô" ở lầu xanh lầu đỏ. Tối tối các quý ông rủng rỉnh tiền ngồi rung đùi ở quầy bar, uống đẫy bia Antarcia và rượu mía. Tiền bạc đã biến những người xưa kia chuyên săn bắn hái lượm thành những tên bợm nhậu hiện đại
Ngoài ra còn phải kể đến hàng ngàn người vượt biên trái phép sang bờ bên kia tìm vàng; dòng sông đã bị nhiễm độc thủy ngân, thứ kim loại được dân đào vàng dùng tách vàng khỏi tạp chất.
"Vì sao chính phủ Pháp không giải quyết tình trạng lộn xộn ở đây?", Jaster hỏi trong một lần sang thăm viên chỉ huy quân đoàn lê dương. Đại tá Antonio Lopes cười lớn trước sự ngây ngô của anh: "Voilà, voilà, anh bạn, nếu chính phủ không chi tiền cho người da đỏ, họ sẽ gặp rắc rối với tổ chức nhân quyền, còn nếu họ muốn đuổi người đào vàng, ắt sẽ có đổ máu".
Mặc dù đã có những kế hoạch sáp nhập vùng biên giới với Pháp vào khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng đến nay tất cả vẫn còn nằm ở mức thông báo. Jaster cam kết là sẽ chống lại việc di dời Vila Brasil, "vì lý do xã hội", nhưng anh cũng quyết không để làng này lan rộng thêm.
Một buổi sáng gần đây, Jaster bị tiếng ồn phát ra từ bìa rừng đánh thức. Một nhóm dân di cư trái phép lại đốt trụi một khoảng rừng, cây cối vẫn đang âm ỉ cháy. Những người công nhân lại vội vã bắt tay vào việc đặt các lồng cây mới. Cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục.

Kỳ 4: "Chốn thiên đường" Amazon
Rừng Amazon là chốn thiên đường gần như bất khả xâm nhập của hàng ngàn loài chim thú. Với tốc độ "rùa" - tám trăm mét một giờ, đoàn thám hiểm chúng tôi đã lội suối băng rừng từ khu bảo tồn Yanomami cho đến tận đỉnh Pico de Neblina huyền thoại.
Băng qua rừng sâu
Cuộc thám hiểm chưa thực sự bắt đầu, nhưng riêng sự căng thẳng thôi đã làm mỏi nhừ những đôi chân. Mười hai ngày sắp tới chúng tôi sẽ "rạc cẳng" qua khu rừng mưa lên đến đỉnh Pico da Nebila, đỉnh núi cao nhất Brazil, nằm ở biên giới với Venezuela và Colombia. Con đường cũng dẫn tới khu bảo tồn thiên nhiên cùng tên.
Mỗi năm chỉ có vài đoàn thám hiểm được phép đến khu vực sinh sống của người Anh-điêng Yanomami đặt dưới sự bảo vệ của nhà nước. Khu rừng rậm này được coi như một trong những dải đất xa xôi nhất của thế giới và mới chỉ được phát hiện vào những năm tám mươi, khi dân đào vàng thực hiện một cuộc thảm sát nhằm vào người da đỏ địa phương.
Bộ lạc Yanomami cũng mới chỉ được người ta biết đến khoảng hai mươi năm trước đó. Cho đến bây giờ họ vẫn còn rất xa lạ với nền văn minh thế giới.
Từ Manaus, thủ phủ của bang Amazonas, đoàn đi rừng "bắt" một chiếc Cessna con con bay 850 cây số vào sâu trong khu rừng. Rồi sau đó, từ Sao Gabriel de la Cachoeira đoàn nhảy lên một chiếc Jeep băng qua những con đường rừng nhầy nhụa bùn lầy tiến lên phía bắc.
Dọc đường không biết bao lần chiếc xe ngập sâu trong các vũng bùn không nhích lên nổi. Một lúc sau thì ai cũng biết phải làm gì: nhảy ra khỏi xe, lội bùn ngập đến đầu gối, dùng tay và thân cây bẩy chiếc xe khốn khổ lên.

Cá heo quanh thân thuyền
Ì ạch mãi cũng tới được bờ sông, cuộc phiêu lưu chuyển sang giai đoạn đường thủy: rong ruổi trên dòng Rio Negro rồi rẽ vào các nhánh sông phụ, đoàn chúng tôi tiến sâu vào trong rừng rậm. Dường như có một đàn cá heo bơi lượn hộ tống quanh thân thuyền.
Cá heo ở dòng sông đục ngầu này ư? Đúng vậy, tôi cũng đã đọc được đâu đó là dòng sông này có cá heo, thậm chí là cá heo hồng. Anh chàng người Anh-điêng tên là Lobo vỗ vỗ mái chèo lên trên mặt nước, dường như muốn dụ đàn cá heo nổi lên. Thị giác của cá heo sông không được tốt, nhưng bù lại cơ quan thính giác của chúng rất nhạy cảm.
Đột nhiên từ dưới nước trồi lên một cặp vây lưng cá, kèm theo tiếng phì hơi rất mạnh. Nhanh như chớp chúng lại lặn xuống. Tôi bật máy ảnh lên sẵn và ngồi chờ. Lần này thì có một chú ngoi lên ngay bên cạnh tôi, và phải công nhận là chú ta màu hồng thật.
Cá heo sông không bơi theo đàn lớn, thường chỉ từ hai đến ba con. Đặc điểm nổi bật phân biệt cá heo Amazon với cá heo các sông khác chính là ở màu sắc của nó: ngoại trừ lưng màu xám thì tất cả phần thân còn lại đều có màu hồng.
Ngoài ra sông Amazon còn một loại cá heo khác tên là Amazon-Sotalia. Loại này có màu xám giống cá heo thường, nhưng về già thì màu của nó sáng dần ra, cũng có khi chuyển thành màu kem.
Con thuyền nổ máy tiếp tục lên đường. Nơi đuôi sóng xuất hiện một bầy rái cá khổng lồ chơi đùa thỏa thích. Những chú vẹt lông sặc sỡ, chim bói cá, chim cốc bay qua bay lại giữa hai bờ sông.
Cá quỷ Piranha – hung thần ăn thịt người?
Ở độ ẩm 95 phần trăm và nhiệt độ 50 độ C thì không có gì hợp lý hơn là một bữa tắm. Nhưng sau khi quan sát xung quanh chúng tôi đành ngậm ngùi để quần áo bơi lại trong hành lý, bởi đằng xa là bầy cá sấu châu Mỹ to khủng khiếp đang nằm vừa sưởi nắng, vừa tranh thủ "săm soi" con thuyền nhỏ xíu.

Rồi trên những cành cây to là là mặt nước là những con rắn Anaconda dài phải đến sáu mét đang nằm vắt vẻo. Chưa hết, những con cá quỷ, hay còn gọi là cá cọp Piranha nức tiếng về "tài" ăn thịt đang lởn vởn ở dưới trông cũng không có vẻ gì là thân thiện mời chào.
Thực ra thì Piranha không nguy hiểm như người ta đồn thổi. Những minh chứng về việc cá cọp ăn thịt người thì ít, mà phim ảnh tô vẽ lên thì nhiều.
Điển hình nhất là trong tập phim Điệp viên 007 "Bạn chỉ sống hai lần" năm 1967 có cảnh trùm phản diện Blofeld trừng phạt cấp dưới bằng cách để cô ta trượt xuống một bể nước đầy cá Piranha.
Thực tế, như các nhà khoa học trường đại học St Andrews (Scotland) đã chứng minh, cá cọp chỉ quen ăn các loài cá nhỏ, côn trùng và thực vật. Vũ khí nguy hiểm nhất của Piranha là hàm răng cực kỳ sắc nhọn.
Chúng thường tụ họp lại thành từng đàn lớn từ 50 đến 100 con, với mục đích chính là để tự bảo vệ chống lại các kẻ thù thường trực như cá sấu, cá heo sông và nguy hiểm hơn cả là Arapaima, một trong những loài cá lớn nhất thế giới, có thể dài đến ba mét và coi cá quỷ Piranha là thức ăn chủ yếu. Nói như vậy không có nghĩa là chúng hoàn toàn vô hại. Tốt nhất là không nên kinh động đến cá quỷ. Nếu ai đó có nuôi một con trong bể thì cũng chớ dại mà lấy tay khoắng nước.
Một buổi sáng, sau ngã rẽ của con sông, chúng tôi tình cờ phát hiện một làng của người Yanomami lấp ló sau những cây ngọc giá (cây yucca), cây xoài, cây đu đủ. Bọn trẻ con đang nô đùa hồn nhiên dưới sông giật mình hoảng sợ khi thấy con thuyền xuất hiện ở khúc cua. Trên bờ sông, những thành viên lớn tuổi hơn của bộ lạc quan sát chúng tôi đầy vẻ hoài nghi.
"Họ không tin tưởng chúng ta đâu. Họ vẫn còn bị ấn tượng bởi dân đào vàng, những kẻ vô nhân tính đã tất công họ, đã mang bệnh tật truyền cho họ, săn đuổi cuộc sống hoang dã của họ", Aril Silva, người dẫn đường và là nhà khảo cổ, giải thích.
Không có ai rành về con người và cuộc sống ở đây như ông ấy. Vài năm trước ông từng đảm nhận việc đo đạc khu vực này cho quân đội Brazil, bởi cho đến khi đó vẫn không có tấm bản đồ nào vẽ chi tiết những vùng có người Anh-điêng sinh sống nằm dưới sự bảo vệ của chính quyền trong vùng rừng Amazon.
Mãi đến bây giờ chính phủ mới gửi một nhóm các nhà sinh vật học đến bảo tồn thiên nhiên này để khảo sát xem có những loài động vật nào sinh sống nơi góc khuất heo hút nhất của đất nước.

Kỳ 5: Hung thần Jararaca, chim ruồi và nhện độc
Tới gần trưa thì Jeremias, người từ nãy đến giờ đã đưa con thuyền chúng tôi băng qua bao thác ghềnh, quyết định tắt máy. "Lên bờ thôi, giờ thì đi bộ nào", Silva ra lệnh. Đoàn quân đều bước tiến, đi đầu đoàn là anh thợ bắt rắn Blanco. Tay cầm dao rựa, anh phát ngang dọc mở lối.
Câu hỏi đầu tiên dành cho Silva, còn bao cây số nữa thì đến đỉnh Pico da Neblina, nhận được hồi âm không dễ chịu chút nào: "Ở đây chúng tôi không tính bằng cây số, mà tính bằng tiếng đồng hồ. Để đi tám trăm mét trong vùng rừng rậm này bạn cần khoảng một giờ". Điều đó có nghĩa là còn ba ngày leo núi và ba ngày xuống núi nữa.
Trực thăng bay đi kiếm mật hoa

"Cẩn thận, đừng nhúc nhích!“ – Branco thận trọng nhìn vào lùm cây. Tất cả nín thở. Cả những người gùi lương bản xứ cũng tỏ ra rất dè dặt. Nhanh như chớp, Branco vơ lấy cây gậy của anh rồi đập mạnh một cái. “Một con Jararaca, rất nguy hiểm !“, người thợ bắt rắn nói. Đó là một con rắn viper dài hai mét có màu nâu đen, một trong những loại độc nhất ở vùng rừng Amazon này. "Nó mà cắn cậu là cậu đi đời rồi!“
Tám chục phần trăm các vụ rắn độc cắn ở Brazil có sự tham gia của loài hung thần này, bởi chúng đặc biệt thích cư trú tại các khu vực có con người sinh sống ở ngoại ô các thành phố lớn. Độc tố của Jararaca có tính hoại tử, gây buồn nôn và dẫn đến cái chết nếu trong tay không có huyết thanh kháng nọc rắn cần thiết.
húng tôi "hành quân" từ bảy giờ sáng cho đến khi mặt trời lặn. Khu rừng khổng lồ cao sáu chục mét làm chậm bước người đi. Ở đây có tới hơn 3.000 loài cây và hơn 2.000 loài chim khác nhau. "Cậu có nhìn thấy gì kia không? Một con chim ruồi."
Trưởng đoàn Ari chỉ vào một chú chim nhỏ lông sặc sỡ. Với tốc độ đập cánh lên tới 80 lần một giây, chiếc trực thăng tí xíu này gần như có thể đứng yên trong không trung để thọc mỏ vào nhị hoa lấy mật
Thấp thoáng và lạo xạo quanh các bụi cây là bầy khỉ đang nhảy tới nhảy lui, cắt ngang dọc đường đi là những con kiến khổng lồ dài bằng ngón tay.
Những con chim tu căng, những con lười, những con heo vòi đồng bằng, những con bướm sặc sỡ đầy màu sắc đưa chúng tôi từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác.
Có lần mọi người còn thấy đằng xa có một con báo đang gầm gừ. Đường dài đầy chông gai, dốc lên thì dựng đứng. Đôi khi cả nhóm phải leo trên những rễ cây hoặc dây leo khổng lồ để vượt qua một con suối hay một dòng sông nhỏ.
Nếu trời mà mưa thì cả con đường đất sét này sẽ biến thành một nơi "trượt bùn nghệ thuật" vui phải biết. Nhện độc khổng lồ Tarantula trong túi ngủ?
Trời tối, cũng đồng nghĩa với việc phải đi kiếm củi đốt và căng võng lên giữa những thân cây. Khi tất cả đang quây quần sưởi ấm thì đột nhiên có bóng người tiến lại gần đống lửa.
Một thổ dân Yanomami đã nhìn thấy ánh sáng bập bùng và đi về phía chúng tôi. Mặc dù dân Anh-điêng không thích người lạ, nhưng người đàn ông này đang cần tìm thuốc cho vợ. Để trao đổi anh ta mang theo cá Piranha nướng và nửa con cá sấu châu Mỹ.
Ban đêm xuất hiện những tiếng động ghê rợn đến kinh người. Tất cả nằm im trên võng và tự hỏi liệu con vật đang ở dưới đất và phát ra những âm thanh kì lạ kia có độc hay không.
Tôi lái ánh mắt hướng lên trên cao, xuyên qua các vòm lá, tới những ngôi sao lấp lánh. Nhưng bấy nhiêu lãng mạn cũng không làm dịu bớt được lo âu: liệu có con rắn nào rơi từ trên cây xuống hay có con nhện độc Tarantula nào bò vào trong túi ngủ không?

Tarantula là loài nhện lớn nhất thế giới, thân của chúng có thể dài đến năm centimét, sải chân dài tới hơn mười hai centimét, chuyên săn mồi ban đêm. Thức ăn chính của chúng là ếch nhái, cóc và chuột, đôi khi chúng ăn cả những loài chim nhỏ.
Tuy nọc độc của Tarantula vô hại với người, nhưng nếu trêu tức chúng, chúng có thể làm ta bị thương. Dù thế nào đi nữa, nếu con vật gớm ghiếc đó chọn định cư trong hành lý của chúng tôi thì đó quả thực là một tai họa.
Nhưng rồi tiếng kêu ộp oạp đều đặn của bầy ếch nhanh chóng đưa tất cả vào giấc ngủ. Sớm tinh mơ, chúng tôi bị đánh thức dậy bởi tiếng kêu chói tai của những con khỉ hét Alouatta và bầy vẹt đuôi dài. Tiếp đó chúng tôi phát hiện ra là những bộ cánh mình đang mặc đã ướt nhoét, bởi với độ ẩm như ở đây thì không có gì khô được cả.
Hai ngày sau đoàn thám hiểm để lại sau lưng khu rừng ngột ngạt. Bắt đầu leo núi, cây cối đã dần thưa ra, không khí đã dễ chịu hơn. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được trạm dừng chân ở độ cao hai ngàn mét.
Lần đầu tiên cả đoàn nhìn thấy đỉnh ngọn núi Pico del Neblina cao 3014 mét ngự trị giữa bầu trời xanh chói lọi. Thông thường đỉnh những núi cao phủ đầy sương.
Sáng hôm sau cả đoàn lại tiếp tục chiến đấu với những vũng bùn lầy lội để tiến lên phía trước. Ba trăm mét cuối cùng không có lối đi mà phải leo. Cột người vào dây, vượt qua các thác nước, băng qua những khe núi, sau cùng cũng tới được đỉnh.
Đổi lại cho bao sức lực đã bị vắt kiệt là tầm nhìn bao phủ lên vùng rừng Amazon bao la, sung sướng đến nghẹn thở. Dưới chân là vách núi dựng đứng kéo thẳng xuống dưới một ngàn mét. Cảm giác được đứng ở đây khiến cho bao nhiêu vất vả mệt nhọc tiêu biến.
Cả những vết sưng tấy nơi đôi bàn chân mềm giờ cũng không còn quan trọng nữa. Các mái lều nhanh chóng được dựng lên.Và rồi, tất cả mọi ánh mắt hướng về ánh hoàng hôn đang lặng lẽ rơi một cách bình yên.
Kỳ 6: Cơn khát vàng ở Amazonas
Hơn 6.000 người Brazil đã bỏ quê bỏ quán đến Apui bên bờ sông Rio Juma để tìm kiếm may mắn và giàu sang. Không rõ tương lai trong số đó sẽ có bao nhiêu người may mắn trở về, khi mà ngự trị nơi đây giờ là sự lộn xộn, là tội phạm, ma túy, bệnh tật và tất nhiên là cả nạn mại dâm.
Hơn một năm trước, bốn người nông dân nghèo đã lặn lội mò vào vùng rừng rậm gần Apui, một chốn thâm sơn cùng cốc bị trời bỏ quên nằm cách Manaus, thủ phủ của bang Amazonas 460 cây số về phía tây nam. Neguinho, Paulo, Agenor và Tibúrcio hợp sức cùng nhau chặt cây rừng ven sông Rio Juma. Họ dự định làm một trang trại nhỏ và chăn nuôi bò. Thịt gia súc là thứ duy nhất có thể giúp họ kiếm tiền ở vùng Amazon này.
Rio Juma: Đào bới để tìm sự giàu có

Trong lúc bốn người đào bới ở bờ sông, tình cờ họ phát hiện ra mấy cục quặng vàng lấp lánh giữa những viên sỏi. Cả hội đã thề với nhau rằng sẽ không hé răng nửa lời về phát hiện trời cho này. Bốn người bí mật tiến hành khai quật hàng tháng trời, và có lẽ đã trở nên cực kì giàu có, nếu như họ không đi lê la hàng quán. Cuối tháng mười hai năm ngoái, trong một quán bar ở Apui, khi đang cao hứng một trong số họ đã khoe tướng lên rằng. “Tôi đang bơi trong vàng!“.
Đó là tín hiệu cho cơn khát vàng lớn nhất vùng Amazon kể từ “cuộc đổ xô huyền thoại” tại vùng Serra Pelada ở bang Pará kế bên vào giữa những năm tám mươi của thế kỉ trước. Khi đó, hai chục ngàn "garimpeiros" (từ dùng để chỉ dân đào vàng theo tiếng Bồ Đào Nha) đã khoan vào lòng khu rừng một cái hố khổng lồ. Siêu nhiếp ảnh gia Brazil Sebastiao Salgado, bằng những thước phim đen trắng chân thực, đã đưa cảnh tượng những “tổ kiến người” ở Serra Pelada nổi tiếng khắp toàn thế giới.
Một gam hai cái bánh mỳ kẹp, nửa gam một lon Cola
Hai mươi năm sau, từ khắp mọi miền đất nước Samba, bao kẻ mạo hiểm và săn may lại đổ về vùng Amazon này. Tin về việc tìm thấy vàng truyền đi nhanh như lửa cháy. Hơn một tháng sau đã có tới 6.000 garimpeiros tay cuốc tay xẻng tham gia đào bới ở "Eldorado de Juma" (Đất vàng mới ở Juma). Người đến mỗi ngày một đông hơn. Khoảng 1,5 tấn vàng đã được tìm thấy. Nhưng con số thực thì không ai biết.
Những người nhập cuộc đầu tiên là dân Apui ở cách đó 80 cây số. Xưởng gỗ Incopol lớn nhất vùng đột nhiên một ngày nọ vắng bóng công nhân – họ thích đi đào vàng trong rừng hơn. Các tay chăn bò bỏ rơi các trang trại. Các công trường thiếu hụt trầm trọng thợ xây và thợ sắt. Ngay cả ông phó thị trưởng cũng bỏ rơi nhiệm sở đi theo tiếng gọi của vàng.
Từ ngày có bãi vàng, công việc làm ăn của cánh phi công tư nhân, chủ thuyền, dân buôn bán và gái mại dâm trở nên phát đạt. Ở Rio Juma giờ đây chỉ lưu hành một loại tiền: đó là vàng. Hai cái bánh mì kẹp giá một gam vàng, tương đương với khoảng 280.000 đồng VN, một lon Cola nửa gam. Một đôi giày đá bóng được hét với giá cắt cổ là 30 gam. Đắt như vậy, bởi trên nền đất rừng lầy lội này giày đinh là thích hợp nhất.
Ai nhanh nhạy có thể tạo cơ nghiệp cả đời ở đây. Andréia Gobbi, giám đốc siêu thị lớn nhất ở Apui, trong một lần đến thăm những người đào vàng đã phát hiện ra trong khu rừng rậm này, thứ thiếu thốn nhất chính là: phụ nữ. Cô kết hợp cùng với anh mình, một bác sĩ thú y, thuê 25 cô gái trẻ từ Manaus đến và khai trương "Andressa’s Nightclub" (Hộp đêm của Andressa).
Bốn gam vàng cho một "chương trình" với các quý cô tổ chức tại một trong hai mươi căn phòng của "câu lạc bộ". "Chúng tôi sẽ kiếm được ối vàng“, anh em nhà Gobbi phấn khởi thổ lộ.
Vua bãi vàng
Hộp đêm là nơi thay đổi không khí duy nhất dành cho dân garimpeiros. Từ mờ sáng cho đến khi tối mịt họ đã phải chôn chân trong bùn bên những chiếc máy bơm, tay đào bới, hoặc oằn mình dưới những tảng đất nâu nhầy nhụa. Họ ngủ trên võng trong các lán dựng tạm bằng vải bạt và gỗ rừng, nơi bốc lên một thứ mùi hôi thối tựa địa ngục tổng hợp từ các loại chất thải của con người. Sốt rét và tiêu chảy là những bệnh thường ngày.
Ai đến sớm hơn sẽ là thủ lĩnh của cả bọn – đó là luật bất thành văn của dân đào vàng. Nhưng ở những nhóm làm ăn khá, chuyện dùng bạo lực chiếm ngôi “đại ca” là chuyện xảy ra như cơm bữa.
Những tay đàn anh bản lĩnh nhất sẽ thu nhặt thật đông vệ sĩ và bắt “đàn em” lao động khổ sai cho họ. Đứng ở vị trí thấp nhất trong hệ thống băng nhóm là những tay "requeiros" - những người chuyên lục lọi trong các đống xỉ quặng, với hy vọng tìm đuợc một chút vàng còn sót lại.
Chỉ mới đây thôi vẫn còn tồn tại quy định là bất cứ ai muốn tới đây xin đất đào vàng phải nộp mười phần trăm thu nhập cho Zé Capeta, bởi ông này đã đưa ra giấy tờ chứng minh mình là chủ khu đất chứa vàng này. Thực ra thì Zé Capeta cũng không phải dạng đàn anh đàn chị gì, ông ta vốn là bần nông, mù chữ. Dựa vào tờ giấy mua đất viết tay, Zé lập nên một hợp tác xã và bắt tất cả mọi người tham gia vào. Nhưng ông ta không được lòng dân ở đây, đã có đêm ông bị bắn lén khi đang ở trong lều.
Trong lúc đó thì vụ di dân và cải cách ruộng đất INCRA đã bác quyền sở hữu đất của Zé vì giấy tờ không có giá trị pháp lý. Hợp tác xã của Zé Capeta bị mất thế độc tôn và nhanh chóng bị thay bởi một tổ chức khác có cách ăn chia công bằng hơn.

Đất vàng hôm nay, địa ngục ngày mai?
Mới đây Chính phủ Brazil đã quyết định sẽ “hợp pháp hóa” mỏ vàng ở bên sông Juma nhằm chấm dứt tình trạng lộn xộn nơi đây. Hơn tám mươi cảnh sát, chuyên gia sức khỏe, bác sĩ đã được điều động đến “Eldorado ở Juma”. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo an ninh và ngăn không cho bệnh dịch bùng phát. Tất cả dân đào vàng sẽ được tập trung vào một tổ chức, các băng nhóm cũng phải đăng kí với ban quản lý.
Mục tiêu của Chính phủ là chấm dứt tình trạng khai thác tài nguyên vô tổ chức cũng như ngăn chặn các vụ thanh trừng lẫn nhau giữa các băng nhóm. Tình trạng phá hoại thiên nhiên ở đây cũng đã đến mức báo động : Hơn bốn ngàn hecta rừng đã bị dân garimpeiros chặt phá, và ngày càng có thêm các dải rừng mới bị “thanh toán”. Sông suối quanh vùng bị nhiễm độc thủy ngân (được dân khai thác dùng để tách các tạp chất ra khỏi vàng). Bạo lực ngày càng gia tăng. Nếu cứ để tự nhiên phát triển, sự sụp đổ của xã hội thu nhỏ này chỉ diễn ra trong nay mai.
Ngay từ đầu cũng đã có những người chống lại việc đào vàng ở khu vực vùng Amazon này. Đó là hai công dân có uy tín của Apui, một người là cha đạo Itacir Fontana, còn người kia là thị trưởng thành phố, ông Antonio Roque Longo.
Cha Itacir từng ra sức bác bỏ các thông về việc tìm thấy vàng ở Apui, nhưng vô ích. Cha đã liên hệ với tất cả các đài phát thanh trong cả nước và thuyết phục các tổng biên tập rằng tất cả chỉ là lừa đảo. Cha đủ sung túc để không bị cơn bão vàng cuốn đi, nhưng lời của cha không đủ sức thuyết phục các con chiên ở lại. Ngày lễ thánh chỉ còn có người già và trẻ nhỏ đến nhà thờ cầu nguyện. Những người khác đi cầu may nơi bãi vàng.
Thị trưởng Roque Longo thì đoán trước kết cục của cơn khát vàng: Đa số dân khai thác nghèo sẽ lại hoàn nghèo. Số vàng kiếm được rồi cũng rót cả vào rượu và gái điếm. Cuối cùng thì chính quyền là người gánh chịu hậu quả.
"Dân garimpeiros đang sống trong những điều kiện không dành cho con người. Chúng tôi sớm sẽ phải đối mặt với một thảm họa xã hội", ông nói. “Mai đây cánh đào vàng sẽ xếp hàng đầy trước cửa tòa thị chính để xin phát chẩn – và rồi, "Eldorado vùng Juma" sẽ nhanh chóng biến thành "địa ngục trần gian" nơi thiên đường xanh.
Kỳ 6: Boi-Bumba - Lễ hội Carneval của cư dân Amazon
Boi-Bumba là lễ hội lớn nhất miền Bắc Brazil. Ở thành phố Amazon Parintins người ta tổ chức một đại nhạc hội nhiệt đới kéo dài suốt ba ngày ba đêm. "Tiếp lửa" cho những người tham gia là rượu mía và cần sa.
Parintins- nơi tổ chức vũ hội

Dona Cristina đã đi qua thời xuân sắc. Da nàng đã đầy vết chân chim, lời mời chào ngọt ngào năm xưa giờ chỉ còn là một tiếng khò khè rên rỉ. Nàng lắc lư chòng chành trên cảng Manaus, dập dềnh theo từng nhịp sóng.
Trong khi đó Paulo và Eurico vẫn đang cặm cụi tết sam từ những băng chỉ xanh đỏ. Đó không phải là những "đồ trang điểm" duy nhất.
Hai bên hông Dona Cristina đã giăng đầy tràng hoa, trên trán nàng đính đầy những hình trái tim, và quanh nàng là những lá cờ ngộ nghĩnh, hoặc màu xanh, hoặc màu đỏ, bay phấp phới trong cơn gió Amazon nhớp nháp.
Nhìn nàng, ta liên tưởng đến một quý bà luống tuổi nhưng lại ăn bận theo lối con trẻ. Thì cũng phải như thế. Phục trang lạ thường của nàng giờ đã hợp với vũ hội lớn nhất miền Bắc Brazil.
Ngày mai nàng sẽ lên đường, 420 cây số xuôi dòng tới quần đảo Tupinambarana trên dòng Amazon. Hàng ngàn vũ công sẽ có mặt ở đó, lượng khán giả còn đông hơn gấp nhiều lần.
Khoảng một chục đội quay camera đến từ khắp cả nước làm nhiệm vụ tường thuật, “lão bà” Dona Cristina cũng được dịp phô trương.
Đổ xô lên Dona Cristina
Từ bến tàu, Paulo và Eurico ngắm con tàu của họ lần cuối trong ngày. Trông cứ như thể cô nàng đang đáp lại họ bằng những ánh mắt hấp háy điệu đà.
Vẻ ngoài lộng lẫy dường như khiến nàng ta quên mất rằng, nàng cũng chỉ là một trong vô vàn những con "ngựa bơi" ở vùng Amazon này mà thôi. Một phần năm lượng nước ngọt của cả thế giới nằm ở đây, trong những mạch máu của cả vùng rộng lớn bằng nửa châu Úc này.
Đường sá hầu như không có, tất cả những thứ cần thiết sẽ được chuyên chở bằng những chiếc xà lan gỗ ba tầng kiểu như Dona Cristina. Thôi thì đủ cả: buồng chuối, bao sắn, vật dụng gia đình, gia súc, thương nhân, gái mại dâm, học sinh.
Ngày mai, trên này sẽ tập trung vô số người tham gia vũ hội. Paulo và Eurico nhìn nhau gật đầu hài lòng. Con tàu của họ không hề nao núng trước các đối thủ cạnh tranh cũng mang vẻ hào nhoáng tương tự và trong những ngày sắp tới sẽ mang về cho họ một khoản thu nhiều hơn bình thường gấp bội.
Cặp thuyền trưởng biến mất trong đám đông chen chúc ở khu cảng ngay sau đó. Hôm nay hai anh em đi ngủ sớm hơn thường lệ, bởi họ biết những ngày tới đây hầu như không có thời gian để ngủ.
Dòng người dự hội không ngừng đổ lên Dona Cristina. Một hành khách bực bội hỏi, chẳng phải lượng người đã vượt quá sức chứa của thuyền rồi sao?
Người đàn ông với bộ râu dê màu vàng tỏ ra hết sức lo lắng. Eurico vẫn lộ vẻ sung sướng ra mặt. "Falou, cậu trả lời nhé!". Vừa chỉ đạo anh ta vừa nhét một tệp tiền mới vào túi quần rồi biến mất đằng sau rừng võng đang đu đưa trên tầng hai.
Sau đó một lát thì Dona Cristina được tháo dây khỏi cầu cảng. Trong khoang, Paulo vật lộn với cái bánh lái như thể anh đang chiến đấu với một con cá sấu. Đưa một con tàu chòng chành đi đúng hướng không đơn giản chút nào.
Thuyền lớn thuyền nhỏ nhất loạt rời bến. Trên bến cảng, trung tâm thương mại Mercado Municipal nổi bật lên sừng sững tựa như đàn chim đại bàng với những đôi cánh đồng xanh.
Ở đó có thể mua được những con cá nheo dài bằng chân người, những thức hoa quả tươi mát, những linh vật của người da đỏ và trăm thứ bột bổ lấy từ trong rừng. Một trong số các hỗn hợp ấy có tên là "Viagra địa phương", một món bán rất chạy.
Truy hoan và ngộ đạo
Một lát sau khi rời Manaus, chúng tôi tới nơi hợp lưu của dòng Rio Negro và dòng Rio Solimoes. Theo bản đồ thì chính thức từ đoạn này mới được tính là sông Amazon. Dòng sông rộng đến nỗi đứng ở bờ bên này hầu như không nhìn thấy bờ bên kia.
Sau đó con tàu rẽ vào một trong hàng ngàn nhánh sông nhỏ xung quanh. Tựa như khi ta đang đi trên con đường một làn bỗng dưng bẻ lái mất hút vào một khu rừng rậm chằng chịt. Hàng bầy vẹt bay xổ ra tứ tung từ những khoảng xanh tươi mát bất tận, những con chim bói cá phi thân xuống mặt nước, những con khỉ hét nhào lộn trên cành.
Trên những vòm cây to bằng cả sân quần vợt mọc um tùm dương xỉ, phong lan và vô số những cây họ dứa, cứ như thể cây cối ở đây cảm thấy xấu hổ khi phơi ra tấm thân trần trụi vậy.
Nhưng hôm nay chẳng ai đoái hoài gì đến thiên nhiên cả. Rượu mía và cần sa "cầm trịch" không khí trên tàu. Vỡ vụn trong không gian là giai điệu Sertaneja của Parintins. Bầy người bán khỏa thân quay cuồng trong cái nóng nhễ nhại, những người khác uống bia hoặc tán chuyện với nhau trên võng.
Đâu đó trên tầng thượng là Rosivaldo. Một người đàn ông nhỏ bé, yếu ớt, khuôn mặt thoáng vẻ âu lo. Ở đây anh là người duy nhất mặc quần dài và áo sơ mi được là lượt tỉ mỉ. Trong tay anh cầm quyển kinh thánh.
Rosivaldo là nhà truyền giáo, anh nhận nhiệm vụ từ vô số các nhà thờ Tin lành đi thu nạp thêm con chiên ở khắp ngõ cùng hang hẻm trên đất nước một thời hết thảy dân chúng theo Kitô giáo này. Công việc của những người như anh cũng đem lại không ít thành quả. Ngày nay cứ bốn người Brazil thì có một người đi theo Tân giáo.
Ngay trong đám nhộn nhạo trên con tàu này Rosivaldo cũng đã gặp những người đồng đạo. Ví dụ như ngay lúc này, có hai thanh niên đột nhiên uống cạn lon bia trên tay họ, làm dấu thánh giá rồi cùng với anh chàng cha đạo đưa hai tay lên trời. Cách đó vài bước, một nhóm vũ công nhiệt đới đang lắc mông điệu nghệ, cứ như thể không có gì tự nhiên hơn sự kết hợp giữa sự truy hoan và lòng ngộ đạo.
Kỳ cuối: Cuồng nhiệt trong rừng sâu
Sau hơn hai chục tiếng đồng hồ ồn ào, Dona Cristina tiến vào cảng Parintins. Hơn 300 chiếc phà, tuần dương, độc mộc, thuyền buồm, nhà thờ bơi đổ về trước những dải nhà lốm đốm của thành phố. Nơi bình thường vốn là chốn ngủ quên của dân chài và đồ tể giờ bị chiếm lĩnh bởi những phần tử say mèm, mặt xanh mặt đỏ. Mỗi mặt tiền nhà, mỗi mảng rừng đều mang hai thứ màu đó, ngay cả bộ y tế cũng tuyên truyền cho việc sử dụng bao cao su bằng các áp phích xanh đỏ.
Hàng chục ngàn người và ba đêm quay cuồng trong vũ hội
"Quan trọng là không để mất khách”, Paulo và Eurico nhìn vào cơn bão nhạc bình luận. Bên cạnh đó là thành viên của hội “Đỏ”. Trong những ngày Boi-Bumba, màu đỏ tượng trưng cho Đảng “Niềm tin chiến thắng” và hơn hết là cho sự tự hào của các tầng lớp thấp trong xã hội: nghệ sĩ lang thang và dân nghèo, người Anh-điêng và người Caboclos, từ người Brazil dùng để chỉ con lai giữa dân “ngoài rừng” và dân “trong rừng”.
Trong mỗi đêm của ba đêm sắp tới, họ sẽ phải tham gia vào những màn trình diễn đại hoành tráng để so tài cùng hội “Xanh”. Hội này tự đặt cho mình là “quái gở” và kết bạn chủ yếu trong giới chủ đồn điền và công nhân viên chức của các tập đoàn ở Manaus.

Cuộc đua tài tuân theo một kịch bản đơn giản: Cô vợ Mae Catirina đang có mang và rất thèm ăn lưỡi bò. Anh chồng Francisco thương vợ nên đã giết chết con bò tốt nhất của ông chủ. Cái lưỡi được luộc chín và chế biến thành món ăn. Nhưng sau đó Francisco phải trả giá bằng mạng sống của anh. Cuối cùng một thầy tu được mời đến, ông cầu phúc cho con bò và làm nó sống lại.
Gần một trăm năm trước, dân hứng mủ cao su đã mang theo câu chuyện này từ những cánh đồng cỏ cằn cỗi vùng đông bắc vào trong rừng già. Kể từ đó hai hội năm nào cũng thi đấu để xem ai trình bày câu chuyện hay hơn.
Tổng cộng trong ba đêm, huyền thoại này được kể đi kể lại sáu lần. Những vũ công xinh đẹp nhất, những bộ hóa trang hoành tráng nhất, những tay trống cự phách nhất và sự cuồng nhiệt của khán giả sẽ đóng góp vào quyết định: con bò của bên nào được quyền tái sinh.
Nửa đêm ở Bumbódromo, sân vận động được xây dựng riêng cho đêm diễn ở Parintins. Ba mươi nhăm ngàn cơ thể túa mồ hôi lên nhau. Các nhóm nhạc “hậu đãi” người hâm mộ trong suốt ba giờ đồng hồ liền. Sau đó đội quân mối, nhện và kiến tiến vào khán trường. Đó là màn hóa trang thành những con vật gớm ghiếc của hội Đỏ.
Thêm vào đó là tiếng châu chấu chói tai từ cả chục ngàn cái còi phát ra từ đám cổ động viên đỏ rực của nhóm “niềm tin chiến thắng” trên khán đài. Đối diện với họ là một bầu không khí im lặng như ma, không một tiếng xoa tay, không một giọng nói. Phe “quái gở” buộc phải im lặng, nếu không sẽ bị trừ điểm. Về sau, đến lượt họ huy động bốn nghìn vũ công vào trận, và phe Đỏ phải im lặng. Đêm cuồng nhiệt lại tiếp diễn.
Những nhân vật thần thoại bằng bìa giấy to bằng cả ngôi nhà chiếm lĩnh sân khấu. Những con “cá heo” mang kích cỡ của tàu thủy thi nhau “ngụp lặn”. Những vị nữ thần của dòng sông trong những bộ cánh sặc sỡ lần lượt diễu qua sân khấu. Hàng trăm vũ công ba lê trong những bộ trang phục lông cánh túa rua xoay mình điệu nghệ trong ánh pháo hoa rạng rỡ.
Ca sĩ, nhạc công, vũ công hừng hực như trong cơn mê say. Và đến một lúc nào đó, chú bò Garantido của phe đỏ lao mình vào đối thủ màu xanh Caprichoso, trên sân khấu. Đó là đỉnh điểm của đêm vũ hội cuồng nhiệt. Không thể tin nổi là trong hai đêm tiếp theo những cảnh tượng này lại được lặp lại. Nhưng mà đúng là như thế.
"Ăn theo" lễ hội Boi Bumba
Mỗi năm qua đi, Boi Bumba càng trở nên đồ sộ hơn. Và mỗi năm đều có thêm những kịch bản mới, những vũ điệu mới, những bài hát mới được soạn riêng dành cho buổi diễn. Thỉnh thoảng người ta còn mời đến đây những đạo diễn sự kiện vốn chuyên phục vụ cho các buổi đại lễ nhạc Rock hoặc trong công viên Disneyland. Nhiều công ty trong khu vực mậu dịch tự do Manaus đứng tên nhà tài trợ và rót vào lễ hội hàng triệu đô la. Một khoang ghế lô trên sân vận động có giá hơn hai trăm triệu VND. Tất nhiên chỉ có hai trăm người giành được một chỗ như vậy.

Chừng nào lễ hội bên sông Amazon còn nhuốm màu thương mại, chừng đó, nghề sản xuất ra những con búp bê hóa trang cầu kì (một con cần đến hàng tuần liền), vẫn còn tồn tại. Đó cũng là một cơn ác mộng cho giới y tế lao động. Những công xưởng kiểu này nằm trong một nhà máy chế biến đay bên bờ sông. Ai bước vào trong đó cũng dễ lầm tưởng rằng mình đứng giữa xưởng làm phim câm của Fritz Lang. Hàng trăm công nhân đang kéo lê những con ngươi to bằng quả bí ngô, những móng vuốt quái vật lù xù lông lá và những chiếc răng nanh khổng lồ qua những đống đổ nát trong nhà máy. Bản vẽ các nhân vật được khắc nguệch ngoạc xuống nền bê tông.
Từ trong mớ bùng nhùng dây điện và giàn giáo nhô lên những khung xương nhân vật bằng sắt trông như những bộ xương khủng long. Trên đỉnh đầu cao 20 mét, những người đàn ông đang gắng giữ thăng bằng để hàn đầu, tay hoặc cánh cho các mô hình.
Họ không hề có mặt nạ bảo vệ, một số người dùng nửa vỏ quả dừa đục lỗ ở mắt và buộc vào mặt. Tia lửa rơi trong không trung như mưa sa, tiếng búa đập rầm rầm, một thứ mùi lờm lợm của keo dán và sơn cào vào trong phế quản. Mấy chàng thanh niên kéo theo những can đầy sữa nóng đi vào xưởng. Chủ nhà máy tin chắc rằng cho công nhân uống nhiều sữa sẽ giúp họ giảm được nguy cơ chóng mặt.
Bùng nổ trẻ sơ sinh chín tháng sau Boi-Bumba
Trong đêm thứ ba, không khí ở Bumbódromo đạt đến đỉnh điểm. "Viva o boi!" – "Những con bò sống mãi!"- đó là nội dung tiếng hô đồng thanh phát ra từ mấy chục ngàn cái cổ họng. Tuy vậy nó chẳng vọng tới được tai sáu thành viên ban giám khảo.
Họ là những nhà phê bình nghệ thuật và chuyên gia sân khấu đến từ Rio de Janeiro hoặc Sao Paulo. Cũng như mọi khi, họ rời Parintins trước khi số phiếu được kiểm. Bầu chọn của họ được bảo quản trong hòm phiếu. Hòm này được mang đến bảo vệ tại trại quân cảnh và đặt trên bàn của tư lệnh cho tới lúc công bố. Chắc chắn là an toàn.
Kết quả tuy có phần ngang ngửa, những cũng đã được quyết định. Caprichoso sống, phe Xanh dành phần thắng. Trong tiếng pháo hoa và tiếng chuông nhà thờ rộn ràng, đoàn người tiến vào trung tâm thành phố. Khúc ca hạnh phúc màu xanh vang lên tưng bừng trong buổi bình minh nhập nhoạng.
Những kẻ thua cuộc thì lại bận rộn với chuyện khác. Trước sân vận động họ đang "làm thịt" những huyền thoại khổng lồ, những hình tượng mà chỉ mới đây thôi vừa được họ tung hô. Mọi người hò nhau trèo lên bụng, bẻ xương, bóc da các nhân vật cổ tích. Bìa cứng sẽ được dùng làm vách lều, vải thì làm rèm cửa, còn những cái lưỡi rồng to bằng cái võng sẽ là nơi cho trẻ con ngủ. Boi Bumba kết thúc như mội hội chiến giữa những nhu cầu.
Dona Cristina là một trong những con tàu cuối cùng rời khỏi Parintins trong ánh bình minh. Tiếng đầu máy diesel nổ điềm đạm như ông lão, thỉnh thoảng xuất hiện một chú cá heo, còn lại thì hoàn toàn tĩnh lặng. Cuối cùng cũng tĩnh lặng.
Eurico khuấy động màn đêm đang chực vỡ vụn bằng ánh sáng đèn pha. Paulo vẫn đứng trong khoang. Tay trái đặt trên bánh lái, tay phải ôm ngang hông một vẻ đẹp cà phê nâu.
Cô ấy là trung tâm của một trong rất nhiều cuộc chinh phục trong ba đêm vừa qua. Anh chàng đang tán chuyện về những con cá heo sông. Chuyện ấy thì cô đã biết từ lâu. Trong ánh trăng rằm, con vật sẽ biến thành một chàng trai hào hoa và đi quyến rũ phụ nữ.
Ngày nay ở Amazon những người đàn ông có nước da hồng hào vẫn bị cho là cha của những đứa trẻ mồ côi. Và ai ở cũng biết rằng, không có lúc nào trong năm ở Manaus và Parintins lại có nhiều trẻ sơ sinh hơn thời điểm chín tháng sau Boi Bumba.
Một nụ cười mơ màng âm ỉ trên khuôn mặt người đẹp, tựa như ánh chớp xuất hiện giữa những dãy núi mờ mây xa xa và làm chân trời bừng lên như một chiếc đèn lồng khổng lồ. Dường như khu rừng già cũng muốn ăn mừng một ngày sinh nhật con trẻ.
Nguồn: vietnamnet.vn (lược dịch, theo theo SPIEGEL và DIE ZEIT)
Sông Amazon
Amazon là tên gọi hệ thống sông và khu rừng mưa lớn nhất thế giới. Sông Amazon bắt nguồn từ dãy Andes ở Peru, chảy qua lãnh thổ của nhiều quốc gia như Brazil, Ecuador, Columbia, Bolivia rồi cuối cùng đổ ra Đại Tây Dương ở Belem, Brazil. Theo kết quả đo đạc mới nhất năm 2007 thì sông Amazon có tổng chiều dài 6800km, hiện là con sông dài nhất thế giới.
Có tổng cộng mười ngàn con sông lớn nhỏ thuộc hệ thống sông Amazon, trong số đó có 17 dòng dài hơn 1600 km. Sông chảy trên lãnh thổ Brazil thường có chiều rộng hàng cây số. Lưu lượng nước của toàn bộ hệ thống chiếm một phần năm tổng lượng nước ngọt toàn thế giới.
Diện tích toàn bộ khu vực Amazon tùy theo cách phân chia dao động từ 6-8 triệu km2, chiếm khoảng 35-45% lục địa Nam Mỹ. Đây là nơi trú ngụ của hàng trăm bộ lạc người Anh-điêng cùng hàng triệu loài động thực vật. Các nhà khoa học chưa thể đưa ra một con số chính xác về số lượng các loài nơi đây, bởi mới chỉ một phần khu rừng được nghiên cứu, khám phá. Trong số 1,4 triệu loài động thực vật được ghi chép, có khoảng 750.000 loài côn trùng, 200.000 loài thực vật, 40.000 loài động vật có xương sống, 360.000 loài vi sinh vật.
Khí hậu đặc trưng cho vùng Amazon là khí hậu nhiệt và cận nhiệt đới. Nhiệt độ trong năm dao động rất ít. Gần như ngày nào trong rừng cũng có những cơn mưa rào với lượng nước lớn, mang theo rất nhiều chất dinh dưỡng.
Lể hội Boi-Bumba
Boi-Bumba được tổ chức vào những ngày cuối tuần cuối cùng của tháng sáu. Đó là lễ hội quan trọng thứ hai của người Brazil, chỉ đứng sau Carneval ở Rio de Janeiro. Parintins, thành phố nằm trên một hòn đảo giữa lòng Amazon được chọn làm nơi tổ chức hàng năm. Từ Manaus đi tàu xuôi dòng đến đó cũng phải mất hai ngày. Một trăm năm chục ngàn người, đông gấp đôi dân cư trên đảo, sẽ vượt rừng sâu núi cao để tụ họp về đây. Trước đó hàng tháng trời các vũ công và cổ động viên đã phải tập dượt trong sân vận động Sambódromo ở Rio de Janeiro hoặc trên những sân khấu ngoài trời ở Manaus. Đêm đêm, những bước chân và cơ thể chuyển động như say cuồng. Trong các khu nhà ổ chuột ven đô cũng rộn ràng tiếng trống, người người nhảy múa trước những ngôi nhà sàn tạm bợ dựng bên bờ một nhánh sông nhỏ đen ngòm than thở chảy vào thành phố.