Nếu chịu khó nhìn khắp thế giới chung quanh và để ý nhận xét, chúng ta sẽ trông thấy một sự thật hiển nhiên là đâu đâu cũng có sự hiện diện và tác động của đồng tiền. Thông qua sự trao đổi để chiếm hữu của cải vật chất bằng phương tiện tiền tệ, đồng tiền có thể mang lại cho con người một số tiện nghi phục vụ đời sống (quần áo, nhà cửa, phương tiện đi lại, chữa bệnh, giáo dục, giải trí…) và nhờ đó mà đạt được sự thoải mái, hay hạnh phúc. Ngược lại sẽ là sự khốn khổ, như chỉ một câu thơ Kiều sau đây đã có thể lột tả gần hết: “Một ngày lạ thói sai nha, Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền. Cho nên cả đời con người ta xét cho cùng hầu như ai cũng chạy theo đồng tiền để giải quyết mọi nhu cầu cuộc sống hằng ngày của mình tuy có thể bằng những cách thức và thái độ hơi khác nhau tùy theo nhân sinh quan và mục đích riêng của mỗi người.
Điều đáng nói là vì ai cũng muốn chiếm lấy cho thật nhiều tiền mà thiên hạ cấu xé lẫn nhau, dẫn đến chiến tranh giành giật cái kho của cải vốn dĩ giới hạn của Trái Đất. Một chính phủ muốn được dân tín nhiệm cũng phải tìm mọi cách đảm bảo mức sống của người dân, nếu chưa đủ hoặc chưa thể nâng cao thêm nữa thì phải quay sang những nước khác để tom góp của cải mang về phục vụ cho cái bao tử cùng nhiều thứ tham vọng khác nữa của người dân trong nước, từ đó đẻ ra chính sách can thiệp quân sự của những nước lớn đối với nước nhỏ. Sự thật dễ hiểu là đồng tiền chu lưu trong xã hội trên quy mô toàn thế giới theo nguyên tắc hễ chỗ này có thêm một khoản thì chỗ kia phải bị giảm đi một khoản. Nói cách khác nó chạy từ túi người này sang người khác thông qua các hoạt động trao đổi hoặc chiếm đoạt trong một chu trình bất tận và qua đó (nhờ đó) mà duy trì sinh hoạt của con người theo cái kiểu cách của loài người văn minh hiện đại.
Tiền không chỉ mua được hàng hóa, dịch vụ mà còn tạo nên quyền uy và thế lực cho những người nắm giữ được nó. Người bình dân ta có câu “Lưng mang túi bạc kè kè, nói vấy nói vá chúng nghe rầm rầm”, là một nghĩa như thế. Cho nên hễ ai lệ thuộc kinh tế thì thường thường phải chịu cảnh lép vế về chính trị, xét ở mức độ nhỏ cá nhân hay quy mô lớn quốc gia cũng đều như thế cả.
Có lẽ chúng ta cũng không cần dông dài để bàn hay xác nhận thêm về mãnh lực của đồng tiền khi đã thấy quá rõ nó vốn hiện diện khắp nơi và chi phối mọi hoạt động của con người trên tất cả các mặt tốt cũng như xấu: tham ô cướp của cũng vì tiền, anh em ruột thịt xào xáo kiện tụng nhau cũng vì tiền…. Mà cái cảnh hạnh phúc cũng có thể nhờ tiền mà có được. Sinh ra đủ thứ bệnh tật hết thuốc chữa, hay thậm chí tự tử, nguyên nhân cũng có thể dính dáng đến chuyện tiền bạc…Thế cho nên người ta mới nói tiền là tiên là phật, là sức bật của muôn loài, động lực của tiến hóa, và thường khi phải có tiền mới có được lễ nghĩa (phú quý sinh lễ nghĩa)…
Hiện nay nhân loại đang đứng trước hai cuộc khủng hoảng lớn: khủng hoảng môi sinh và khủng hoảng tài chính. Cuộc khủng hoảng sau nói theo cách giản đơn hơn chính là cuộc khủng hoảng tiền, khiến cho bao nhiêu đầu óc tinh hoa của nhân loại phải họp chung nhau lại tìm cách đối phó mà hiện vẫn chưa thấy được lối ra căn bản. Năm ngoái, hàng loạt phong trào ở cường quốc Hoa Kỳ có các tên gọi như “Chiếm lấy Phố Wall” (khởi đầu từ 17.9.2011), rồi “Ngày chuyển ngân hàng”, “Lấy lại đồi Capitol” cũng chỉ là những cuộc đấu tranh về tiền, trong đó những người nghèo yêu cầu giới tài phiệt phải trả bớt tiền lại cho họ trong một xã hội còn thiếu cách thức phân chia công bằng về tiền bạc. Một trong những đại biểu của phong trào đã tuyên bố: “Chúng ta sống ở thời đại mà những bất bình đẳng giữa Phố Wall giàu có và phần còn lại của nước Mỹ đã trở nên quá lớn. Hàng triệu người đã mất việc, mất nhà” (báo Tuổi Trẻ, 5.10.2011).
Nhưng giữa hai cuộc khủng hoảng (môi sinh và tài chính) là có quan hệ biện chứng với nhau: để tạo ra đồng tiền, người ta sản xuất và tiêu thụ, theo cái vòng luẩn quẩn đẩy mạnh tiêu thụ để duy trì và phát triển sản xuất, thế là tạo nên tình trạng ô nhiễm môi sinh vô phương cứu chữa, với nạn khí thải, nước thải, rác thải… không còn chỗ chứa hoặc tiêu hủy, dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa ngày càng gắt gao hơn sự sinh tồn của loài người trên khắp cả hành tinh.
Đồng tiền quan trọng và thiết thân như vậy, nhưng trong thế giới hiện đại, được biết có một người dám chủ trương thực hành lối sống không cần tiền. Đó là bà Heidemarie Schwermer người Đức, sinh năm 1942, đã 15 năm nay quyết ý đoạn tuyệt với tiền. Bà là tác giả của trung tâm “Cho và nhận” sáng lập năm 1994, mô hình đầu tiên ở Đức về trao đổi hàng hóa, kỹ năng mà không có sự hiện diện của tiền. Heidemarie đã xuất bản hai cuốn sách, trong đó cuốn “Cuộc đời không tiền của tôi” đã được dịch sang các thứ tiếng Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn 20 quốc gia đã chiếu bộ phim tài liệu về cuộc sống không tiền của bà (có thể xem http://livingwithoutmoney.org/).
Bà này có “ngược đời” và gàn dở lắm không? Chắc là không. Trong bộ phim, có người gọi bà là “ăn bám” người khác, nhưng cũng có người gọi bà là nguồn cảm hứng lớn. Bộ phim nói về ảnh hưởng của tiền bạc tới cách nghĩ, cách sống, sức khỏe của con người và môi trường xung quanh, cho thấy chủ nghĩa vật chất cùng với sự tiêu thụ quá mức của con người hiện đại.
Theo nhà báo Khổng Loan, người thực hiện cuộc phỏng vấn bà Heidemarie qua mạng internet (đăng trên báo Tuổi Trẻ, 18.9.2011), trong thế giới mà giá trị vật chất trở thành tiêu chuẩn và làm cho con người điên lên thì bà Heidemarie không để tiền hiện hữu trong cuộc đời mình, kể cả dưới hình thức thẻ tín dụng hoặc séc. Trả lời câu hỏi không xài tiền thì sống cách nào, bà Heidemarie cho biết: “Tôi không mua gì cả. Tôi sống với những người khác, trông nom nhà cửa hay giúp đỡ họ để đổi lấy đồ ăn. Tôi cảm thấy mình rất giàu mà không cần tiền. Tiền lương hưu, tôi cho cả. Đồ ăn, quần áo và tất cả mọi thứ cần trong một ngày đều đến từ những người khác sau khi tôi và họ trao đổi với nhau…Tôi đã có được sự tự do vĩ đại vì tôi không phải chạy theo đồng tiền”.
Các nội dung trả lời phỏng vấn còn cho biết nguyên nhân gốc nguồn của chủ trương sống không cần tiền của bà Heidemarie, cũng như ý nghĩa-giá trị của việc thực hành triết lý này: Trong các chuyến đi Nam Mỹ, bà gần như không thể chịu được cảnh nghèo đói bắt gặp nơi đây. Có một câu hỏi luôn ở trong đầu bà: “Có cách nào chúng ta có được thế giới tốt đẹp hơn, thế giới mà mỗi con người đều có được thêm phẩm giá của mình?”. Bà Heidemarie còn cho biết thêm: “Tôi quyết định như vậy vì không thể chịu được cảnh nghèo túng trên thế giới. Mỗi ngày có hàng triệu người đang đói vì không có cái ăn. Thật là một sự xấu hổ cho thế giới khi chỉ một số ít người lại có rất nhiều tiền”.
Quả thật, bà Heidemarie không chút gàn dở. Trái lại những gì được giải thích thêm như sau đây liên quan các vấn đề thuộc về lối sống và môi trường còn chứng tỏ chủ trương của bà hoàn toàn minh triết và cũng có thể không quá đáng nếu gọi bà là một bậc tiên tri: “Tôi sống không có tiền có nghĩa tôi phát hiện một cuộc sống có chất lượng mới mà tôi cảm nhận được thông qua sự quan tâm và chia sẻ với người khác. Tôi quan tâm tới mình, tới hàng xóm, tới xã hội. Tất cả dường như tạo nên sức bật mới, dâng hiến cho cuộc sống. Thay vì chạy theo một cách đau khổ những phú quý tiền tài, để mối quan tâm của cuộc đời vào vật chất, những gì tôi quan niệm hiện nay là từ bên trong. Theo cách này sẽ dẫn đến sự thay đổi các giá trị, sự thay đổi đó chính là cái mà chúng ta cần để bù đắp những đổ vỡ. Có sự khác nhau giữa người nghèo, người giàu, xảy ra thảm họa thiên nhiên và những điều xấu xa khác đều đến từ lòng tham về tiền bạc của con người”.
Nếu nói gàn dở, chúng ta có thể nhắc đến lối quan niệm trông có vẻ xa rời thực tế của một số nhà nho xưa: họ tránh nói tới tiền bạc vì cho tiền bạc có gì không được thanh cao, thậm chí đôi khi còn ca tụng cái nghèo (kiểu “Hàn nho phong vị phú”…). Nhưng ở đây, hoặc họ là nhà nho lý tưởng, hoặc họ là nhà nho cổ hủ gàn dở, nói không cần tiền nhưng thiếu tiền là không yên được với họ! Riêng các nhà nho thuộc loại chính thống, nghiêm túc thì lại thường đề cập đến mối quan hệ hợp lý giữa hằng sản và hằng tâm. Theo định nghĩa, “hằng sản” là những sản nghiệp cố định không thay đổi, như đất đai ruộng vườn nhà cửa, tương đương với bất động sản bây giờ; còn “hằng tâm” là ý chí bền vững không dời đổi (tương đương với lý tưởng). Theo quan niệm của Mạnh Tử, không có hằng sản mà có hằng tâm thì chỉ kẻ sĩ mới có được mà thôi; nếu là dân thường thì không có hằng sản cũng không thể có hằng tâm (Vô hằng sản nhi hữu hằng tâm giả, duy sĩ vi năng; nhược dân, tắc vô hằng sản, nhân vô hằng tâm).
Trong lịch sử, Tư Mã Thiên (145-86 TCN) có lẽ là nhà nho có lương thức rõ rệt nhất. Do không tiền chuộc tội mà phải chịu tội thiến (hoạn), một trong những hình phạt nhục nhã nhất thời đó, nên Tư Mã Thiên hiểu rất đúng ý nghĩa, giá trị của tiền bạc. Trong bộ Sử ký nổi tiếng của ông, có bài tựa dành cho thiên “Hóa thực liệt truyện” (một thiên viết về việc sản xuất và trao đổi hàng hóa), với những lời bình luận thật sâu sắc, cận nhân tình: “Kho lương đầy rồi mới biết lễ tiết, cơm áo đủ rồi mới biết vinh nhục. Lễ sinh ra ở chỗ giàu đủ mà bị bỏ rơi ở nơi nghèo khó. Cho nên người quân tử mà giàu thì thi hành được đức mình; kẻ tiểu nhân mà giàu thì dùng sức mình vào những chỗ thích hợp. Vực có sâu thì cá mới sinh ra ở đó, núi có thẳm thì loài thú mới lui tới ở đó, người ta có giàu thì nhân nghĩa mới phụ họa thêm vào…”.
Sống như bà Heidemarie, mới thoạt trông thấy có vẻ như bất cận nhân tình, nhưng một khi người ta đã có đủ kinh nghiệm để hiểu ra rằng “nhà giàu cũng khóc” (tên một bộ phim), và “Tiền có thể mua được thuốc men nhưng không thể mua được sức khỏe. Tiền có thể mua được thực phẩm nhưng không thể mua được sự ngon miệng. Tiền có thể mua được các phương tiện hưởng lạc nhưng không thể mua được hạnh phúc” (lời Giáo sư-Pháp sư Tế Quần nói trong một bài viết về bảo vệ môi trường), thì người ta sẽ có thể bắt đầu thấy bà Heidemarie có lý.
Chủ trương sống không cần tiền, nếu muốn áp dụng vào đời sống thực tế hằng ngày thì hầu như là điều khó thể thi hành được cho số đông mọi người, kể cả đối với linh mục, nhà sư… Nhưng nó hoàn toàn hiện thực cho số ít người nào nhờ sự suy nghiệm sâu sắc riêng mà đồng thuận được với nó, như bà Heidemarie đã từng chứng tỏ một cách thành công. Tác dụng tốt đẹp của triết lý sống không cần tiền tối thiểu cũng nằm ở chỗ nó là loại triết lý mang tính vừa phản kháng vừa cách mạng để cảnh tỉnh loài người luôn phải ý thức về việc cần phải điều chỉnh lại lối sống của mình nếu muốn tránh được mối hiểm họa bị hủy diệt do tác động phá hủy của môi trường trong tương lai. Điều này còn nhắc nhở mọi quốc gia cần phải xem xét lại các chính sách phát triển cơ bản của mình, để không tiếp tục chạy theo đường lối phát triển ồ ạt bằng công nghiệp hóa hiện đại hóa một cách mù quáng thiếu cân nhắc mà kết quả chắc chắn chỉ là sự phá hủy môi trường sống của chính mình.
Một nước Nhật hay Hoa Kỳ chẳng hạn, giàu có nhờ khả năng phát triển thần tốc của khoa học-kỹ thuật và kinh tế với thu nhập đầu người tính bằng tiền rất cao nhưng trong đó con người luôn phải tất bật căng thẳng trong cuộc sống liên tục bị dồn nén, bệnh tật cũng nhiều theo do ăn uống quá thừa mứa, để xảy ra nhiều trục trặc trong đời sống tâm lý khiến hạnh phúc bị giới hạn …, nếu xét kỹ, chưa chắc xứng đáng là mô hình gương mẫu của nền văn minh hiện đại để các nước noi theo. Trái lại, nhận xét như bà Heidemarie lại có vẻ thực tế hơn, “Đúng là hạnh phúc xuất phát từ bên trong con người. Bởi vậy, những nghiên cứu cho thấy con người sống ở nước nghèo lại hạnh phúc hơn người ở nước giàu”. Chỗ này, có lẽ cũng cần một đoạn bổ sung: nghèo nhưng đừng quá nghèo đến mức đói khổ gầy trơ xương như không ít dân tộc hiện nay ở Châu Phi.
Sống nghèo nhưng được bình yên hạnh phúc hơn, như bà Heidemarie phát biểu, đây là một thực tế có cơ sở chứng minh vững chắc chứ không phải lời nói vu khoát. Hình ảnh ngược lại với một số cường quốc đang ngông cuồng chạy theo nền văn minh vật chất là các nước Lào, Campuchia, Myanmar (Miến Điện)…trước đây, theo truyền thống nhờ nền kinh tế Phật giáo (Buddhist Economics) mà có được cuộc sống tương đối bình ổn. Nay do bị cuốn hút bởi trào lưu công nghiệp hóa hiện đại hóa, và bị các giới đặc quyền chính trị-kinh tế lợi dụng chi phối, dân tộc Lào và Campuchia đã không còn được sống bình yên như trước, phong tục tập quán tốt đẹp bị xáo trộn dữ dội và đang phải đứng trước những thách thức thật sự đáng lo ngại trong việc họ phải đối đầu với hiểm họa môi trường do các dự án xây dựng gây ra, khiến cho “cây đa cũng cụt, dòng sông cũng què”, ruộng đồng bị “bê tông hóa”, kèm theo là hiện tượng tiêu cực tham nhũng ngày một gia tăng. Trung Quốc, Việt Nam cũng đã và đang lâm vào tình hình tương tự nhưng còn nặng nề hơn, vì đi trước những nước kia một bước trên con đường “phát triển thần tốc”, ngoài ô nhiễm môi trường còn có nạn tham nhũng tràn lan vô phương cứu chữa, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc, văn hóa-đạo đức xuống cấp thê thảm, các tệ đoan xã hội trong đó có nạn cướp của giết người dã man thừa cơ phát triển, khiến dân chúng phải sống trong tình trạng bị đe dọa thường trực, các nhà chức trách luôn điên đầu mà vẫn chưa tìm được giải pháp căn bản khả thi để ngăn chặn hiệu quả. Suy cho cùng, và nói đơn giản dễ hiểu, tất cả cũng chỉ vì xã hội nhắm mắt chạy theo đồng tiền!
(Thiên nhiên Myanmar. Nguồn: dulichmyanmar123.net)
Riêng tại Myanmar, tình trạng có lẽ khá hơn, đáng là hiện tượng để suy nghĩ, và có thể sẽ trở thành bài học tham khảo chung cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt cho những nước có trình độ phát triển tương tự nhưng đang quá hăng hái chạy đua theo con đường tiền của, vật chất mà bất chấp sự hủy hoại văn hóa-đạo đức cũng như môi sinh.
Như chúng ta đều biết, Myanmar là một nước nói chung rất nghèo, suốt hơn thế kỷ là thuộc địa của Anh (1825-1948), lại bị nạn quân phiệt đè ép trong 50 năm (1962-2010), nhưng bần cùng mà vẫn không sinh đạo tặc là nhờ giữ được nền văn hóa truyền thống cố hữu, biết “tri túc thiểu dục”, có nếp sống từ bi theo tinh thần Phật giáo, với 85% dân số theo đạo Phật (tiểu thừa).
Trong bài “Từ chuyện đời ở Myanmar, nghĩ về giáo dục lớp trẻ ở Việt Nam”, phát biểu ngày 14.11.2012 tại Vũng Tàu trong cuộc tọa đàm về Văn học viết cho thiếu nhi tại Trại sáng tác Hội Nhà văn VN, nhà văn Triệu Xuân, sau chuyến đi thăm Myanmar vào tháng 9.2012, đã đưa ra nhận xét khẳng định “Myanmar nghèo khổ nhưng giàu… lòng nhân ái” (xem ww.trieuxuan.ìnfo). Ông ghi nhận:
“Lần đầu đến Yangon, thành phố lớn nhất, vốn là thủ đô của Myanmar, tôi không khỏi ngạc nhiên về quy hoạch và cơ sở hạ tầng của thành phố này: Thoáng đãng, nhiều cây xanh và còn có cả rừng. Rừng trong thành phố, những nếp nhà xinh xắn nằm khuất giữa vườn cây xanh quanh năm. Đường phố sạch, 4 đến 6 làn xe chạy. Người dân có ý thức tự trọng cao, luôn tôn trọng người khác và chấp hành nghiêm luật giao thông. Không có xe gắn máy trong thành phố. Xe ô tô tuy không mới, không model, nhưng không bao giờ nhấn còi inh ỏi như Hà Nội. Ban đêm, trời mưa tầm tã nhưng khi có đèn đỏ, xe nào cũng dừng, dù trước mặt và xung quanh đều vắng tanh. Thành phố nằm bên dòng sông Yangon đầy ắp nước, thật êm đềm và thơ mộng (…). Những tòa nhà cũ kỹ, những chung cư khá lâu năm rồi, nhưng rất sạch. Không đánh lộn, không chửi thề, không phóng uế bừa bãi, không xả rác vô tội vạ, và đặc biệt là không có nạn trộm cắp... Tôi đã gặp những người nghèo nhất, dưới đáy xã hội, trẻ đánh giày, bán báo, bán hàng dạo… nhưng họ thật hiền lành, tự trọng, không bao giờ lừa đảo, không bao giờ kiếm tiền bất lương, kiếm tiền bằng mọi giá!”.
Rồi tác giả bài phát biểu nêu trên đặt một giả thuyết, nhưng cũng coi như câu trả lời: Phải chăng Đạo Phật phái Tiểu thừa (là quốc giáo của đất nước này) đã giúp cho con người luôn lương thiện dù đời sống của phần lớn cư dân (tổng số 59,1 triệu người) là nghèo khổ?
Ở những chỗ khác, tác giả Triệu Xuân phản ảnh tiếp: Người dân Myanmar hiền lành, thân thiện, trẻ con dù phải cực khổ kiếm sống nhưng ngoan ngoãn (…). “Chúng tôi qua phà, vượt sông Yangon để đi thăm một làng ngoại ô: làng Dala. Chỉ cách Yangon một con sông, nhưng Dala là một thế giới hoàn toàn khác. Trẻ em ít được đến trường, người dân thiếu ăn, thiếu nước sạch và không có thuốc khi ốm đau… Nhà cửa thật sự nhếch nhác, giống hệt khu ổ chuột ở quận Tư và Thủ Thiêm của Sài Gòn trước năm 1985. Thế nhưng, trong làng này vẫn không hề có lưu manh, trộm cắp, cướp giật, không đánh lộn, không chửi thề… Trẻ em không lâm vào quá trình lưu manh hóa!”
Phép mầu nào giúp cho con người, nhất là trẻ em luôn giữ mình lương thiện? Tác giả bài phát biểu kể tiếp: “Tôi đã tìm gặp, hỏi chuyện khá nhiều người (…) Và, tôi cho rằng, phép mầu ấy chính là nền văn hóa Phật giáo, cụ thể là Phật giáo tiểu thừa sâu rễ bền gốc trong lòng người Myanmar (…). Trong các làng Myanmar truyền thống, chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hóa, là trường học của trẻ thơ. Nhà chùa dạy chữ (các môn học cấp tiểu học), đồng thời, và chủ yếu là dạy làm người, rèn luyện nhân cách cho thế hệ tương lai. Sống trung thực, không tham lam; giàu lòng nhân ái, biết thương kẻ khác, không độc địa… là những bài học thấm vào máu trẻ thơ. Các nhà sư được sùng kính và người dân luôn quỳ trước mặt để tỏ lòng tôn trọng họ. Lễ nhập tu được gọi là shinbyu là lễ đánh dấu sự trưởng thành quan trọng nhất của một chú bé khi vào chùa tu. Các cô bé cũng có lễ xuyên lỗ tai khi đến tuổi trưởng thành. Sau thời gian vào tu ở chùa, thấm nhuần giáo lý của Đức Phật, các em ra đời với tâm hồn, trái tim giàu nhân nghĩa, thánh thiện”.
Khi so sánh với tình hình có vẻ trái ngược ở Việt Nam, nhà văn Triệu Xuân đặt câu hỏi: “ Thế tại sao, trẻ con VN ngày càng hư hỏng nhiều. Rất nhiều vụ trọng án cướp của giết người do thủ phạm gây ra trong tuổi vị thành niên?”. Rồi sau một đoạn phân tích tìm hiểu các lý do về chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, ông đã mạnh dạn đưa ra lời kết luận: “Một xã hội coi việc kiếm tiền là trên hết, tôn sùng đồng tiền, thì con người tất phải hư hỏng, nhân tài bị rẻ rúng, người lương thiện, trọng nhân cách bị cho là dở hơi, là điên. Đó là hệ quả bình thường, đúng quy luật! Đừng đơn thuần trách thanh thiếu niên ta hư hỏng. Phải dũng cảm nhận ra nguồn cội ma đưa lối quỷ đưa đường khiến con em chúng ta người thì ít, ngợm thì nhiều! Với cơ chế chính sách hiện hành, nói chuyện cải cách giáo dục, cải cách đại học, xóa tiến sĩ giấy, xóa bằng cấp thật mà học giả… chỉ là chuyện ba láp, ba xạo. Trời cũng không làm được! Chúng ta đã nhiều năm lừa dối nhau và tự lừa dối mình!”.
Cả thế giới hiện nay đang cùng nhìn về nước Myanmar với cuộc cải cách lớn từ đầu năm 2011 theo hướng dân chủ hóa đời sống chính trị của đất nước. Nếu cuộc cải cách này thành công, mà vẫn giữ được truyền thống văn hóa Phật giáo, người ta có rất nhiều lý do để tin tưởng quốc gia này sẽ có một tương lai phát triển tốt đẹp và bền vững, nghĩa là phát triển cân bằng, không hủy hoại môi sinh và văn hóa, cùng những mặt tích cực khác trong đời sống tâm linh theo truyền thống Phật giáo.
Người Myanmar hiện đại lẽ tất nhiên không phải là một dân tộc “sống không cần tiền” như trong nền kinh tế “hoán vật” của loài người sơ khai, nhưng không phải vì tiền, vì nhắm mắt chạy đua theo của cải vật chất mà sinh ra nạn phá rừng vô tội vạ làm hủy hoại môi trường, hoặc trộm cướp bất lương. Trái lại, phần lớn họ chỉ “xin Phật cho con mỗi ngày dùng đủ”.
Ảnh hưởng tốt đẹp của đạo Phật trong việc giúp thắng bớt tình trạng chạy đua vật chất quá đà của thế giới hiện nay, đã được chứng minh một cách hùng hồn qua thực tế Myanmar, một quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo, ở đó “tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân”, hầu hết ai cũng muốn sống theo tinh thần từ bi, tri túc thiểu dục của nhà Phật.
Trở lại vấn đề lối sống không cần tiền như trong nền kinh tế “hoán vật” của loài người sơ khai, chúng ta thấy nó rất giống với chủ trương trở về lối sống “vô vi” của Lão Tử. Nói nghiêm túc, trước những mối hiểm họa về môi trường hiện nay, trên lý thuyết, loài người cũng chỉ còn có một cách lùi lại này thôi mới có thể cứu chữa được tình trạng nguy hiểm như đang đứng bên bờ vực thẳm của cuộc “tận thế từng phần”. Nhưng mặt khác, trên thực tế, thì đây có lẽ chỉ là điều hoàn toàn giả định, bởi dù biết rõ của cải vật chất biểu thị qua tiền là nguyên nhân gây nên mọi thảm họa nhưng nhân loại cũng không thể không xài tiền bằng cách trở về lại với phương thức hoán vật nguyên thủy. Mặc dầu vậy, triết lý “sống không cần tiền” có thể vẫn được lựa chọn bởi một số cá nhân nào đã nhận thức quán triệt các mặt lợi hại của tiền bạc, từ đó xác định cho mình thái độ thích hợp hơn đối với chuyện tiền bạc cũng như cách thức xài tiền theo một lối sống riêng nhằm tránh được những đau khổ mà chuyện tiền bạc có thể gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội.
Người sống theo triết lý không cần tiền, tri túc thiểu dục, xét cho cùng có lối sống và nhân sinh quan tương tự các nhà tu hành chân chính, và cũng là một hình thức sống đạo. Đó là thứ lý tưởng có lẽ ít ai thực hiện được, nhưng việc ý thức về giá trị của chủ trương sống không cần tiền có thể sẽ giúp cho những người thực tâm sống đạo có được cương lĩnh triết lý để điều chỉnh lối sống của cá nhân mình cho phù hợp, dù không theo được trọn vẹn nhưng cũng có thể góp phần hữu hiệu thắng bớt tham vọng chạy theo vật chất quá đà của thế giới hiện nay, tích cực gìn giữ hòa bình và sự an lạc cho toàn cõi hành tinh của chúng ta.
Nguồn: tác giả