Một giai thoại về thi tài của hai vị Tiến sĩ, hai nhà thơ đời Tống, Vương An Thạch (1021-1086, tự Giới Phủ, hiệu Bán Sơn) và Tô Thức (1037-1101, tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha Cư Sĩ, người sau quen gọi “Tô Đông Pha”) được người đời nhắc mãi. Xin nêu lại để thấy vốn sống rất cần cho việc cảm nhận thơ.
Vương An Thạch có làm hai câu thơ:
“Minh nguyệt sơn đầu khiếu, (chữ in đậm để nhấn mạnh.TG)
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.”
Tô Đông Pha đọc được cho rằng, hai câu thơ Vương An Thạch sai, vì đã vi phạm lôgích ngữ nghĩa của từ ngữ. Đại ý, Tô Đông Pha hiểu hai câu thơ Vương An Thạch như sau: “Trăng sáng kêu (khiếu) đầu núi, Chó vàng nằm giữa tim (tâm) hoa.”. Vô lí! Trăng sáng, sao lại kêu đầu núi; Chó vàng “to đùng”, sao nằm giữa tim hoa được?”. Tô Đông Pha sửa lại:
“Minh nguyệt sơn đầu chiếu,
Hoàng khuyển ngọa hoa âm.”
Tạm dịch:
“Trăng sáng soi rọi (chiếu) trên đỉnh núi,
Chó vàng nằm dưới bóng hoa râm (âm).”.
Người đời khen Tô Đông Pha, tác giả của hai bài phú nổi tiếng “Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú” giỏi, thi tài!, đã chữa được cái sai của thơ Vương An Thạch; lại chữa rất khéo, vì vẫn còn giữ được âm vận nguyên tác.
Ai có biết đâu vốn sống của Tô Đông Pha lại “kém cõi” hơn Vương An Thạch đến như vậy!
Thứ nhất, lẽ ra Tô Đông Pha, phải nghi ngờ cách hiểu của mình. Vì một điều đơn giản vậy, không lí nào Tiến sĩ Vương An Thạch, một Tể tướng của triều đình, có thể sai dễ dàng được sao?
Thứ hai, Tô Đông Pha không nghĩ tới điều này: có khi nào mình lại thiếu vốn sống? Vì không nghĩ, nên ông mới mạnh dạn chữa thơ Vương An Thạch.
May là sau đó thực tế dạy điều ông chưa biết, khi ông bị đi đày lên một vùng núi xa xôi, hoang vắng. Ở đó, những đêm trăng sáng, ông nằm nhớ quê nhà, nghe chim kêu đến nao lòng. Sau nhiều đêm, ông mới hỏi người địa phương: “Những đêm trăng sáng, có con chim gì kêu nghe buồn quá vậy?”. Người dân mới cho ông biết, đó là “chim Minh Nguyệt” (chim Trăng Sáng). Như vậy, “Chim Minh Nguyệt (Trăng Sáng) kêu vào những đêm trăng sáng (minh nguyệt)” thì hay tuyệt rồi, còn sửa làm gì nữa? Một lần khác, ông lạc vào một vùng bạt ngàn những hoa vàng, nhưng nó không giống như hoa cúc vàng xứ ông, là trong nhụy tim của mỗi hoa, ông phát hiện có một con sâu vàng nhỏ nằm trong đó. Hỏi người dân mới biết, người ta gọi là hoa Hoàng Khuyển, còn sâu là sâu Chó Vàng. Vậy thì, “sâu Chó Vàng (Hoàng Khuyển) nằm giữa tim hoa Hoàng Khuyển (chó vàng)” đúng quá, lại giúp cho hai câu của Vương An Thạch chuẩn cả nghĩa lẫn âm vận rồi. Lúc này, Tô Đông Pha mới “hiểu ra” một điều: mình đã nhận định tri thức Vương An Thạch không đúng và sửa sai thơ Vương An Thạch rồi!
Ngày học đại học và mãi đến tận sau này về Cần Thơ giảng dạy đại học được 20 năm, tôi vẫn chưa “ngộ” hai câu thơ thực (câu 3 và 4) của Nguyễn Trãi (1380-1442, hiệu Ức Trai) trong bài 39, tức bài “Trần Tình” thứ 3 trong “Quốc âm thi tập”, tập thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi: “Cơm kẻ bất nhân, ăn ấy chớ! Áo người vô nghĩa, mặc chăng thà!”. Cái sai tai hại là ở chữ “trớ” được đổi thành “chớ” và được nhiều người đinh ninh là “chữ chuẩn” ở câu thơ Ức Trai.
Từ điển Tiếng Việt, 1992, Viện Ngôn ngữ học, NXB. Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ, định nghĩa chữ “chớ” như sau: “1. dùng phụ trước động từ hoặc dùng làm phần phụ trong câu; 2. Từ biểu thị ý phủ định.”; “chớ” còn có nghĩa khác nữa là “chứ”. (sđd, tr. 181) Như vậy, đa số người hiểu câu thơ đầu của Nguyễn Trãi sẽ diễn dịch như sau:
Cách thứ nhất, “chớ ăn cơm của kẻ bất nhân”: “chớ” ở đây được hiểu là “đừng”, là “không”; thứ hai, “cơm kẻ bất nhân, ăn ấy chứ?”: “chớ” ở đây được hiểu là “chứ”, là cân nhắc, suy nghĩ, có nên hay không?
Còn câu 2 “áo người vô nghĩa mặc chăng thà” được hiểu: mình có nên mặc áo người vô nghĩa không?; câu trả lời cũng là cách hiểu thứ hai: áo người vô nghĩa thì mặc làm gì; không nên mặc; “chẳng thà ở trần…”, còn hơn mặc áo người vô nghĩa.
Cách hiểu thông thưởng hiện nay được nhiều người chấp nhận: Nguyễn Trãi khuyên chúng ta, chớ nên ăn cơm của kẻ bất nhân và cũng không được mặc áo của người vô nghĩa. Nói chung, không nên chịu ơn của phường bất nhân, phi nghĩa.
Nhưng có người lại tầm ra chữ “trớ” trong câu thơ đầu của Nguyễn Trãi (Huệ Thiên, 2004, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, NXB. Trẻ.) và viết lại như sau:
“Cơm kẻ bất nhân, ăn ấy trớ!
Áo người vô nghĩa, mặc chăng thà!”
Từ điển Từ ngữ Nam Bộ, 2007, 2009, Huỳnh Công Tín, NXB Khoa học Xã hội và NXB Chính trị Quốc gia – ST, định nghĩa chữ “trớ” như sau: 1. lảng tránh, sang chuyện khác; 2. quá đà, vượt giới hạn… (sđd, tr. 1240; tr. 1309) Từ cách hiểu này, liên tưởng cách nói của người dân Nam Bộ: khi ngựa chạy sai đường, họ nói: “ngựa trớ đường.”. Như vậy, “trớ” còn được hiểu là “sai”. Huệ Thiên chấp nhận nghĩa “trớ” là “sai” để giải thích câu thơ Nguyễn Trãi. Nhưng vì sao một từ Nam Bộ lại có mặt trong thơ Nguyễn Trãi? Huệ Thiên nêu lí do: “con đường lưu giữ từ Việt cổ trong phương ngữ Nam Bộ”. Về vấn đề này, chúng tôi tán thành ý kiến Huệ Thiên (An Chi, Võ Thiện Hoa) và sẽ chứng minh ở một bài khác.
Trở lại nội dung chữ “trớ” được dùng trong thơ Nguyễn Trãi để hiểu hai câu thơ:
Câu thứ nhất, “Cơm kẻ bất nhân, ăn ấy trớ!”. Nghĩa khẳng định: “cơm của kẻ không có nhân tính, mà mình ăn ấy là sai, là trái đạo.”. Câu thứ hai, “Áo người vô nghĩa, mặc chăng thà!”. Nghĩa khẳng định bằng hình thức phủ định: “áo của người vô nghĩa, bất nghĩa, mà mình mặc là không đúng, không phải lẽ.”. Câu thứ nhất: “sai” đối xứng với câu thứ hai: “không đúng”. Hiểu ở nghĩa “trớ” (sai), hai câu thơ của Nguyễn Trãi đối rất chuẩn về ý, lẫn từ ngữ, cách diễn đạt. Hiểu ở nghĩa này, hai câu thơ của Nguyễn Trãi không nhằm để khuyên ai mà để tự vấn mình, tự cảm nhận nỗi đau nhân thế, hối tiếc khi nhận ra sự thật phũ phàng. Tất nhiên, tự vấn mình cũng có thể xem là phương cách để khuyên người đời, nhưng có hiệu quả là người nghe dễ chấp nhận hơn.
Vì sao nói hai cây thơ ấy, Nguyễn Trãi chỉ để tự vấn mình? Câu thứ nhất, Nguyễn Trãi viết “Cơm kẻ bất nhân, ăn ấy trớ!”, phải chăng ông muốn nói đến Lê Lợi. Lịch sử đã ghi nhận công lao của Nguyễn Trãi trong việc giúp Lê Lợi kháng chiến thành công chống quân Minh và xây dựng cơ đồ nhà Lê; nhưng khi Lê Lợi được việc thì đã rơi vào tật xấu của đấng quân vương là “… nghi kỵ, địa vị và ích kỷ mà bức hại Trần Nguyên Hãn và giết chết Phạm Văn Xảo là hai bậc đệ nhất công thần và Lê Lợi cũng đã từng hạ lệnh tống giam Nguyễn Trãi (1430) vì nghi ông có liên can đến Trần Nguyên Hãn.”. (Huệ Thiên, sđd, tr. 21) Sau đó, “…tuy được tha, nhưng cho đến tận khi Lê Lợi mất (1433), ông vẫn không được giao một công việc gì quan trọng.”. (Từ điển Văn học, Bộ mới, 2004, NXB Thế Giới, tr. 1198) Cứ theo lẽ này, “Thái Tổ Lê Lợi không phải là người có nhân mà Thái Tông Lê Nguyên Long cũng chẳng phải là người có nghĩa.”. (Huệ Thiên, sđd, tr. 21)
Còn câu thơ thứ hai “Áo người vô nghĩa, mặc chăng thà.” của Nguyễn Trãi phải chăng là ám chỉ Lê Thái Tông. Lịch sử cũng đã ghi nhận: Thái Tông vì thích Nguyễn Thị Lộ (tùy thiếp xinh đẹp, tài năng của Nguyễn Trãi) mà gọi vào cung cho làm “Lễ nghi nữ học sĩ” ngày đêm hầu bên cạnh và cái chết của vua tại Lệ Chi Viên, làm nên vụ án Lệ Chi Viên, đã gây bi kịch cho Nguyễn Trãi là phải bị tru di tam tộc. Hành động “chiếm đoạt người vợ sủng ái của bậc khai quốc công thần đã từng cùng với cha mình nằm gai nếm mật để dựng nên đế nghiệp nhà Lê thì sao gọi là có nghĩa cho được?”. (Huệ Thiên, sđd, tr. 21) Điều này, không phải là suy diễn mà Huệ Thiên còn cho biết thêm: “Chính sử thần của nhà Lê (Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, Hà Nội, 1973, tr. 119) mà còn dám có lời bàn rằng, “Lê Thái Tổ (…) công nhiều đức tốt (…) song nhiều sự giết hại, có phần bất nhân. Thái Tông (…) cũng là bậc vua siêng chăm song say đắm tửu sắc, khi chết không chính mệnh. (Huệ Thiên, sđd, tr. 22)
Có thể còn nhiều biện giải về 2 câu thơ này theo hướng phản bác; nhưng trong phạm vi chủ đề bài viết, chúng tôi tạm dừng ở đây. Như vậy, qua hai câu thơ của Nguyễn Trãi, chúng tôi tán thành cách hiểu của Võ Thiện Hoa (Huệ Thiên) và cũng đồng ý trong lối biện giải sâu sắc của học giả An Chi (Huệ Thiên): “… Việc chỉ trích vua Lê không những không có gì là không thích hợp với đức độ của Nguyễn Trãi và nội dung của Quốc âm thi tập mà còn là một nét tính cách nghiêm minh, khả kính của ông và một khía cạnh bất ngờ trong nội dung của thơ ông. Ông hết lòng phò vua nhưng không mù quáng trước sai lầm, nhất là trước tội lỗi của vua. Ông lại càng không thể nào tỏ ra hoàn toàn vô tri vô giác trước những bất hạnh hoặc bất công do chính vua đã gây ra cho ông. Chính vì vậy mà người ta càng thấy rõ, với những câu thơ trên, Nguyễn Trãi là một người sòng phẳng và trung thực…”. (Huệ Thiên, sđd, tr. 25)
Có những nhà thơ chỉ để lại một bài thơ, đôi câu thơ nhưng vẫn được người đời ghi nhớ và đánh giá cao tài năng thơ; nhưng có người làm cả đời thơ cũng không để lại trong lòng người đọc một bài cho có “ấn tượng”. Qua đó, mới thấy rằng, thơ dễ làm; nhưng không dễ chinh phục lòng người bằng thơ. Thơ hay, không hẳn cả bài, nhiều khi chỉ một chữ dùng đắt cũng là quá đủ. Yêu cầu của thơ là “tinh”, chứ không phải là “đa” bạn à.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ, số 60, tháng 9+10/2011