Cứt một giá trị văn hóa
Trong phạm vi thảo luận môn Lý luận văn hóa GS. Trần Ngọc Thêm có đưa ra một chủ đề thảo luận nêu ra một sự vật, hiện tượng mà chúng ta thường cho là xấu xa nhất, tồi bại nhất để tìm ra giá trị văn hóa của nó.
Trước nay ai cũng nghĩ “cứt”là hôi thối, tồi tệ, … thường xuất hiện trong các câu chửi, thóa mạ người khác như: “mày là đồ chó ăn cứt…”, khi nghe nói đến cứt thì ai cũng muốn tránh xa, ai cũng nghĩ cứt là một thứ ghê tởm, chả có giá trị gì cả, nhưng thực chất dưới góc nhìn văn hóa, cứt là một giá trị đích thực!
Trước tiên để đi vào tìm hiểu giá trị văn hóa của cứt, chúng ta tìm tìm hiểu về ngữ nghĩa, khái niệm cứt là gì? Theo từ điển bách khoa mở cứt là: “phân của người hay động vật”[ http://vi.wiktionary.org], trong một số trường hợp vì yếu tố lịch sự cho nên một số người đã thay từ cứt thành phân cho nên để tránh nhầm lẫn về khái niệm người viết mạn phép đưa ra một số đặc trưng để nhận dạng khái niệm này như sau:
Một cục cứt bình thường phải có đủ bốn yếu tố :
• Dạng khuôn đặc trưng: cứt trâu bò hình bánh, dê hình tròn nhỏ, người thì cục dài có đầu lớn đầu bé (cứt cũng có đầu có đuôi).
• Màu đặc trưng: cứt ngựa màu xanh tuơi, trâu bò màu xanh đậm, cứt người màu vàng, cứt dê màu đen.
• Mùi đặc trưng; mỗi loài có một mùi gần giống nhau.
• Độ ẩm: cứt người khi bình thường thì chìm khi bón thì nổi. Cứt chó thì nổi. [http://vi.wiktionary.org] , Còn phân thì không có những đặc điểm trên.
Để đi vào tìm hiểu giá trị văn hóa của cứt, chúng ta thường nên xác định ba yếu tố cơ bản là chủ thể - không gian – thời gian, vì trên thực tế không có một khái niệm giá trị chung chung, mà là cho từng đối tượng cụ thể, trong triết học cũng thế khi hỏi rằng cái trứng và con gà cái nào có trước? thì việc cần thiết trước hết là chúng ta phải xác định được con gà nào? Và cái trứng nào? khi ấy chúng ta mới xác định được cái nào có trước cái nào?
Rõ ràng trong một trường hợp cụ thể như trên bàn ăn, một bữa tiệc, …cứt là một thứ khũng khiếp, và hòan tòan không có giá trị, nhưng đối với một người nông dân, cứt là một thứ rất có giá trị họ dùng để bón phân cho các loại cây cỏ, làm cho mùa màng tốt tươi và từ đó nó trở thành một giá trị văn hóa (điều này sẽ bàn rõ hơn ở phần sau trong trong bút pháp nghệ thuật trào tiếu của Rabelais).
Cũng liên quan đến vấn đề cứt, đã hình thành một cái nghề hẳn hoi, chúng ta thường nghe ông bà ta mắng: mày mà không học lớn lên chỉ có đi hốt cứt thôi con ạ! Chúng ta tưởng chừng như hốt cứt là một vịêc làm tồi tệ lắm, nhưng ở làng Cổ Nhuế lại là một nghề có đền thờ tổ hẳn họi, phía trong đền thờ thần thành hòang của làng người ta thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu cầm tay. Trước kia vua Lê Thánh Tông cũng từng ban cho làng này câu đối:
“Khoác tấm áo bào giang tay gánh vác Thiên hạ
Vung hai thước kiếm, tận thu lòng dạ Thế gian’’
( theo người viết, ở đây áo bào tượng trưng cho áo tơi, kiếm ở đây là chiếc vá đi hốt phân )
Và hốt cứt đã trở thành một nghề nghiệp, có tổ hẳn hoi, họ cũng thường có câu vè vui là:
“Thanh niên Cổ Nhuế ta thề
Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương”
[ Hàn Sĩ: Nghề tổ, http://groups.msn.com/VietNews/langconhue.msnw]
Bên cạnh đó hình tượng cứt cũng xuất hiện trong kho tàng ca dao như câu ca dao chàng trai tỏ tình một cô gái đã dùng hình ảnh cứt “thân em như cứt trôi sông, thân anh như chó chạy rông trên đường, ”…bên cạnh đó để ám chỉ cho những cặp vợ chồng không xứng lứa, vừa đôi cao dao cũng có câu “bông lài cặm bãi cứt trâu”….Trong kho tàng câu đố dân gian cũng có câu đố về cứt như: rầm rầm rộ rộ, torng hố chui ra, đầu tà đầu nhọn, là cái gì? Đó là hình tượng của cứt, phần đầu nhọn phần đuôi tà,…
Ở một lĩnh vực văn hóa khác đó là ẩm thực, thì cứt đã nâng lên thành một nghệ thuật, một giá trị đích thực đó là Càfê Cứt Chồn, một nhà thơ đã tả cái ý vị của Càfê Cứt Chồn như là một chất men, cảm hứng sáng tác của các hiền nhân thi sĩ :
“Lên đến Am Phương Bối
Mới hiểu được "cứt chồn"
Xưa nay bao hiền sĩ
Uống đời mình trên non”
[Bùi Chí Vinh -11-2007: Bí ẩn của càfê, http://vietbao.vn/]. Dĩ nhiên là cafê này đã qua một vài công đọan tái chế chứ không phải giữ nguyên hình thù nguyên vẹn của cứt Chồn nữa.
Đó là một vài giá trị đặc trưng của cứt trong văn hóa Việt chúng ta, tất nhiên sẽ còn rất nhiều những khía cạnh khác, nhưng do trong khuôn khổ một bài tập người viết chưa có điều kiên nghiên cứu tòan diện về vấn đề này.
Đó là một số khía cạnh văn hóa của cứt trong văn hóa Việt, thế thì trong văn hóa phương tây hình tượng ấy được biểu hiện trên những mặt nào? Một trong những nhà văn vượt thời đại đó chính là Rabelais, ông đã sử dụng hình ảnh của cứt, như là một trong những yếu tố trào lộng để biểu thị về quan điểm hạ phần xác thịt của cơ thể, của sự phồn sinh, .hành động vãi phân là một trong những động tác của lễ hội Charivari [M.M.Bakhtin (Từ Thị Loan dịch – 2006) – Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và phục hưng, Nxb. Khoa Học xã Hội, trang 236]. Hành động vãi phân, hắt nước tiểu, ... “là một cách diễn đạt tương tự bằng lời là sự hạ thấp về mặt trắc địa theo nghĩa đen, nghĩa là hướng tới hạ tầng cơ thể , tới khu vực cơ quan sinh sản. Đó là sự diệt trừ, là huyệt chôn cái bị hạ thấp. Nhưng mọi hành động và biểu đạt hạ thấp kiểu đó đều mang tính nhị chức năng. Bởi lỗ huyệt do chúng ta tạo nên, là lỗ huyệt thân xác. Bởi vì hạ tầng thân xác, khu vực các cơ quan sinh sản là hạ tầng thụ thai và sinh đẻ. Vì vậy ngay trong các biểu tượng phân và nước tỉểu đã hàm chứa mối liên hệ quan trọng với sự sinh sôi, phồn thực, đổi mới, sung mãn [M.M.Bakhtin (Từ Thị Loan dịch – 2006) – Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và phục hưng, Nxb. Khoa Học xã Hội, trang238]. Trong văn hóa dân gian những lễ hội như Charivari,... phân (ở đây vì lý do lịch sự người dịch đã dùng chữ phân thay cho cứt) là một vật tương đối quan trọng, là sự biểu hiện của niềm tin về sự phồn thực.
Giá trị văn hóa của cứt có lẽ sẽ còn biểu hiền trên nhiều lĩnh vực khác, do khả năng hiểu biết còn hạn chế người viết chỉ có thể đưa ra một vài khía cạnh giá trị văn hóa của nó, mong thầy cô và các anh chị góp ý để cho bài viết được tốt hơn.