Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - BÁO SGGP

Đây là nơi bàn thảo các vấn đề về văn hoá quản trị (văn hoá quản lý) và quản lý văn hoá

Re: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - BÁO SGGP

Gửi bàigửi bởi binhan » Thứ 2 23/05/11 15:27

Buồn vì báo sai có vẻ không phải chỉ một lần.

Có lẽ không nên bàn tiếp chuyện này, làm loãng chủ đề.

Tóm lại, báo đã bắt đầu có thiện chí. Tạm nằm im, chờ những thiện chí tiếp theo.
RANDOM_AVATAR
binhan
 
Bài viết: 45
Ngày tham gia: Thứ 7 26/05/07 19:58
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - Suy nghĩ mười ngày

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 3 24/05/11 14:48

[center]SUY NGHĨ MƯỜI NGÀY
(từ ngày Thứ Sáu Mười Ba)

...........................................GS. Trần Ngọc Thêm
[/center]

Kể từ ngày 11-5-2011 – ngày mà bài viết “Bất cập trong đào tạo thạc sĩ: Lượng nhiều – chất ít” của Anh Khoa xuất hiện trên trang Giáo dục của báo SGGP, đến hôm nay là 12 ngày.

Còn nếu kể từ ngày Thứ Sáu Mười Ba (tháng 5) – cái ngày chúng ta họp nhau để thảo luận bài báo này, đến hôm nay (23-5) thì vừa đúng 10 ngày.

Tôi biết rằng không chỉ mình tôi đếm từng ngày. Mà có không ít anh chị HVCH, NCS, thầy cô... cũng đếm từng ngày như tôi.

Trong 10 ngày ấy có biết bao xúc động, biết bao tâm tư. Tôi biết có những anh chị buồn, bực... đến mức hầu như không làm được gì. Đi ra đi vào rồi lại mở máy ra ngồi trước Diễn đàn. Có anh chị một ngày vào Diễn đàn viết trên một lần, còn vào đọc đi đọc lại mà không viết thì khỏi kể. Xuất hiện một thành ngữ mới là "ăn Diễn đàn, ngủ Diễn đàn” có nghĩa là ‘làm việc gì đó quá say mê’.

Trong 10 ngày ấy có 72 ý kiến đã đưa lên trang Diễn đàn này. Trong đó:
- 18 ý kiến phát biểu trong cuộc họp thảo luận chiều 13-5
- 53 ý kiến phát biểu trên topic này, trong đó có 4 bài đã được tác giả tự xóa hoặc đồng ý cho chúng tôi xóa, còn lại 49 bài đang hiện diện.

Trong 10 ngày ấy, Diễn đàn này đã chứng minh đầy sức thuyết phục rằng Đại gia đình Văn hoá học chúng ta không phải là cái tập thể giáo dục chứa đầy thói hư tật xấu mà bài báo của Anh Khoa đã miêu tả. Ở cách nửa vòng trái đất, trang Văn hoá - Giáo dục của Trần Hữu Dũng đã nhắc đến thông báo trên website vanhoahoc và topic thảo luận này của chúng ta. Trong 10 ngày qua, lượng truy cập vào website và Diễn đàn của chúng ta đã gia tăng đột biến. Đến giờ phút này - 14h48' ngày 24 tháng 5-2011 - đã có 1.836 lượt người vào đọc topic này.

Trong 10 ngày ấy, chúng ta đã thể hiện được không chỉ sức mạnh của tập thể, của cộng đồng, mà còn thể hiện được sức mạnh của văn hoá – cái văn hoá truyền thống của dân tộc mình vẫn chảy trong huyết quản mỗi người và cái văn hoá mới mà chúng ta học được, rèn luyện được, tiếp nhận được trong quá trình làm việc và học tập tại Khoa Văn hoá học.

“Trong âm có dương”, “Âm cực sinh dương” – quy luật chúng ta nghiền ngẫm bao ngày trong nhà trường đó lại một lần nữa được chứng thực: Chính là nhờ có cơ hội này mà chúng ta có dịp gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Trò và thầy văn hoá học - mỗi người mỗi tính mỗi nết – nhưng qua Diễn đàn này chúng ta biết tình cảm thầy trò, bè bạn giữa chúng ta là sâu đậm và quý giá biết nhường nào! Không chỉ là tình cảm giữa những thầy trò còn đang cùng làm việc (mà người ta có thể còn chưa tin hoàn toàn vào tính khách quan), mà còn là tình cảm của nhiều anh chị HVCH đã ra trường, nói như cách nói rất quyết liệt của ThienPhuong là “Tôi đã bảo vệ xong, và tôi không sợ hãi gì mà phải ca tụng ai, những gì tôi nói là sự thật, và tôi viết để người sau tôi biết về sự thật”. Thật cảm động khi nghe anh nói: “Bài báo của Anh Khoa làm tôi ý thức về công ơn các Thầy cô tôi phải ghi nhớ, mai này tôi cũng sẽ nối bước các vị mà thành một người Thầy. Xin Thượng Đế hãy giữ gìn để tôi sống ngay thẳng, thanh sạch như gương những người Thầy yêu quý ở trên của tôi”.

Cũng nhờ có cơ hội này mà chúng ta có thêm dịp nhắc nhở nhau rằng hãy phân biệt cho rõ những truyền thống quý báu của dân tộc (như “uống nước nhớ nguồn”) mà ta cần gìn giữ với những thói xấu đang lan tràn trong xã hội (như tệ nạn hối lộ) mà những người thiếu bản lĩnh có thể đưa vào làm vẩn đục bầu khí quyển còn tương đối trong lành của chúng ta. Xin các anh chị HVCH đang học và sắp vào học luôn nhớ cho rằng trong bất cứ trường hợp nào, ở Khoa Văn hoá học này mọi thành tích học tập của các anh chị luôn được đánh giá công bằng và khách quan, mọi sự gian lận đều không có chỗ đứng.

Cũng nhờ có cơ hội này mà bạn bè hiểu ta hơn. Và qua những lời tâm sự và động viên của những thành viên như RedDragon (mà ta chưa quen biết), DuongMinhHoang (từ ngành CH châu Á học),... chúng ta càng hiểu tấm lòng bạn bè hơn.

Tôi biết rằng có không ít người trong chúng ta mong chờ để đọc số báo SGGP ra ngày hôm nay (23-5). Chả thế mà bài đưa lên mạng lúc 0g31’ thì nửa giờ sau (lúc 1g02’) Lệ Hằng đã thông báo ngay cho chúng ta rồi. Sáng ra lại có người chạy hết sạp báo nọ sang sạp báo kia để tìm một tờ báo giấy SGGP (sao mà khó thế!).

Suốt ngày hôm nay (23-5), các anh chị và các bạn vào Diễn đàn xem rất nhiều (lúc nào cũng có hàng chục người có mặt ở topic này) – xem rồi đi ra mà không viết gì. Hình như BinhAn đã nói đúng tâm tư của nhiều người: “được an ủi đôi phần... song vẫn có nỗi buồn”.

Được an ủi vì tâm huyết và công sức, niềm tin và hy vọng mà chúng ta bỏ ra trong 10 ngày qua không uổng phí. Vì danh dự và uy tín của chúng ta 10 phần thì cũng cứu vãn được một đôi phần.

Được an ủi vì báo SGGP đã làm một việc mà xưa nay báo ít khi làm trong những trường hợp tương tự. Đó là một ứng xử rất thiện chí cần được đánh giá đúng mức và trân trọng. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng dầu sao thì cũng vẫn có lẽ phải và sự công bằng...

Còn buồn... không phải vì báo vẫn có lỗi chính tả nữa đâu (tôi cảm nhận rằng đó là cách diễn đạt rất riêng của BinhAn – phải chăng vì thành viên này lúc nào cũng sôi sùng sục nên mới có mong ước ‘Bình An’?)!

Mà buồn là vì... có lẽ đây là mức thiện chí tối đa có thể trông cậy được.

Buồn là vì... trong khi cả nước ta đang phấn đấu “Sống và làm việc theo pháp luật” thì ai cũng biết rằng điều 9 về việc “Cải chính trên báo chí” trong Luật báo chí 1989; điều 15 trong Luật số 12/1998/QH10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; Quyết định số 03/2007/QĐ-BVHTT ban hành Quy chế cải chính trên báo chí... chưa bao giờ được (tự nguyện) thi hành. Ai cũng biết rằng cách diễn đạt “nói lại cho rõ” là một sáng tạo đáng kính nể của báo giới Việt Nam đóng góp vào việc làm giàu cho kho từ ngữ tiếng Việt vốn đã vô cùng phong phú về các cách “nói lòng vòng” (trên Google cụm từ “nói lại cho rõ” xuất hiện khoảng 745 nghìn lần!).

Nhưng thôi, những chuyện như “nói vòng (vo)”, “sĩ diện”, “thanh minh thanh nga”, v.v. âu cũng là những sản phẩm văn hoá truyền thống của chúng ta.

Dân tộc ta có truyền thống biết tiến lên, nhưng cũng biết dừng lại. Biết “cầu sung” nhưng cũng biết dừng ở mức “vừa đủ xài”. Còn thế nào là “vừa đủ” thì xưa Lão Tử đã nói: “Biết đủ, biết dừng” (Tri túc, tri chỉ). Và Nguyễn Công Trứ cũng đã trả lời cách đây trên hai thế kỷ: “Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ? Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?” (Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?)

Trên tinh thần đó, tôi mong chúng ta hãy tạm hài lòng với kết quả hôm nay.

Thay mặt chi bộ và khoa, tôi cùng TS. Nguyễn Văn Hiệu xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả các thầy cô, các anh chị HVCH, NCS, cựu HVCH văn hoá học và các thành viên Diễn đàn là bạn bè của Cộng đồng Văn hoá học trong 10 ngày qua đã sát cánh cùng nhau trên Diễn đàn này. Cảm ơn những tâm tư tình cảm của các anh chị đối với khoa, những nhận xét khách quan và trung thực về kết qủa đào tạo của chúng ta. Cảm ơn và xin lỗi một số anh chị có bài đã đồng ý cho phép chúng tôi gỡ xuống; cảm ơn và xin lỗi một số anh chị khác có bài đã không phản đối việc chúng tôi mạn phép “biên tập” (sửa chữa một vài câu chữ, cách diễn đạt cho “mềm” hơn).

Xin cảm ơn lãnh đạo Đảng và Chính quyền các cấp (Trường, ĐHQG-HCM) đã thông cảm và chia sẻ với chúng tôi, bằng nhiều con đường đã theo dõi sát sao từng bước công việc của chúng tôi, đánh giá đúng và kịp thời động viên khích lệ những đóng góp nhỏ bé của chúng tôi trong mảng công việc mà xã hội đang xem là “bất cập” – đó là mảng giáo dục; trong giáo dục thì lại ở lĩnh vực được đánh giá là yếu nhất – đó là lĩnh vực khoa học xã hội.

Thay mặt chi bộ và khoa, chúng tôi xin ghi nhận thiện chí (rất lớn) của BBT báo SGGP và cố gắng (rất nhiều) của các anh chị PV và BTV ở Ban Khoa Giáo của quý Báo.

Cuối cùng, xin phép được tuyên bố tạm khép chủ đề này của Diễn đàn tại đây.

Xin gửi tới các bạn, các anh chị, quý thầy cô, quý vị lãnh đạo Báo SGGP, lãnh đạo Trường ĐHKHXH-NV và ĐHQG-HCM lời chúc sức khỏe cùng những điều tốt đẹp nhất.

Mong gặp lại nhau ở những chủ đề khác để bàn về những việc lớn hơn, cần thiết hơn.

[right]Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23-5-2011
(đưa lên muộn một ngày sau khi viết)

Trần Ngọc Thêm[/right]
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - BÁO SGGP

Gửi bàigửi bởi thanhhuyen » Thứ 3 24/05/11 19:41

Thầy ơi! Xin cho em một ý kiến nữa. Thật lòng là em không muốn bới móc làm gì, nhưng phải nói đọc rồi vẫn tức, chứ không phải buồn. Vì tóm lại là, cho đến hôm nay, loạt bài này mới chính là một ví dụ điển hình cho "lượng nhiều - chất ít"
RANDOM_AVATAR
thanhhuyen
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 2 04/01/10 9:25
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - BÁO SGGP

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 3 24/05/11 20:08

Cảm ơn thanhuyen.
Là người đại diện, tôi biết là không thể nói lên được hết mọi tâm tư và làm thỏa mãn hết mọi nguyện vọng của tất cả các thành viên cộng đồng.
Vì vậy tôi chỉ tuyên bố “tạm khép” lại chủ đề.

Nghĩa là bạn nào còn điều gì ấm ức vẫn có thể tiếp tục nói và viết tiếp ở đây.
Tất cả những ý kiến đó sẽ là những VĨ THANH.
Trong văn chương, một câu chuyện có vĩ thanh là chuyện có hậu.
Trong cuộc đời, hình như chuyện gì cũng có "vĩ thanh".
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - Vĩ thanh...

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 3 24/05/11 23:27

[justify]Vĩ thanh... về văn hóa Xin Lỗi

Chủ đề này tạm khép, nhưng dư âm buồn vui của nó vẫn còn đọng lại trong tâm tư, xúc cảm của những ai yêu văn hóa, đồng hành cùng Khoa VHH những ngày qua…

Như một khúc vĩ thanh, xin tản mạn đôi điều về văn hóa Xin lỗi.

Xưa nay, xin lỗi thường được xem là biểu hiện của tự trọng cá nhân, của văn hóa nhân cách.

Tướng De Gaulle của nước Pháp, trong hồi ký của mình, đã viết, đại ý như sau: Số lượng những kẻ ân hận bao giờ cũng lớn hơn nhiều lần số lượng những người dám thú nhận. Câu nói này hàm nghĩa: thú nhận bao giờ cũng khó khăn hơn ăn năn, nó đòi hỏi cả lòng dũng cảm… Ân hận là cuộc đối thoại với lương tâm cá nhân, còn thú nhận phải đối diện với lương tâm xã hội. Một lời xin lỗi chân thành thể hiện tinh thần gánh vác trách nhiệm của người có trách nhiệm.

Mười ngày qua, như GS. Trần Ngọc Thêm đã viết, chúng ta đã chờ đợi một Lời xin lỗi trong tâm trạng, khi thì bức xúc đến nghẹt thở, lúc lại dạt dào niềm tin thơ ngây, rồi khắc khoải, rồi thất vọng, rồi “im lặng đến tê người” để tiếp tục chờ đợi… Và cuối cùng chấp nhận, tạm bằng lòng “được an ủi đôi phần…” với một thông điệp phản hồi gần giống với lời xin lỗi.

Lời xin lỗi chân thành, thẳng thắn, dũng cảm sao mà quá khó khăn! Người ở vị trí càng cao, tổ chức có quyền lực càng lớn, việc Nhận và Sửa lỗi, biểu hiện ít nhất qua Lời Xin Lỗi dường như càng trở nên khó khăn hơn.

Từ góc nhìn văn hóa truyền thống, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên (như GS. Trần Ngọc Thêm tổng hợp) và do GS. Thêm đã yêu cầu đóng chủ đề nên chúng tôi không tiếp tục phân tích, bình luận nữa.

Chỉ có điều, cá nhân tôi, với tư cách một người Đảng viên - Giảng viên, vẫn thấy còn nhiều băn khoăn, trăn trở: trong khi cả nước tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mà năm 2011, một nội dung trọng tâm gắn liền với tinh thần NQ ĐH lần thứ XI là nhấn mạnh vào việc “Làm theo” lời Bác dạy, thì nơi này nơi khác, việc Học rõ ràng vẫn chưa đi đôi với Hành.

Sinh thời, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 442, NXB Sự thật Hà Nội-1984).

Đặc biệt, Người phê phán thái độ phê bình không trên tinh thần chân thành giúp đỡ, không có lòng cầu tiến, xây dựng. Không xuất phát từ chữ TÂM, phê bình dễ trở nên thái quá, “đao to búa lớn” “việc bé xé to”, hoặc lợi dụng phê bình, cường điệu nâng quan điểm để hạ bệ nhau, mạt sát nhau. Đó là thái độ phê bình như Bác Hồ viết, là “không nghiêm chỉnh”, không có tinh thần “phụ trách”, không theo phương châm “trị bệnh cứu người”.

Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tự phê bình” (báo Nhân dân ngày 20-5-1951). Người khuyên: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động đúng đắn”. Bác nêu vấn đề và tự giải đáp: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”.

Có thể nói, tự phê bình, biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi chính là cuộc cách mạng diễn ra ngay trong bản thân mỗi con người chúng ta, rộng hơn nữa, là của một tổ chức, một đất nước, một dân tộc.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chi Minh cũng cho rằng: “Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó, khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”.

Một nguyên do nữa là - như Người phân tích: “Sợ mất uy tín và thể diện mình, không dám tự phê bình. Lại nói: nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói như vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng…” (Sđd, tr. 477)...

Trên thực tế, tự phê bình, biết nhận lỗi và xin lỗi công khai không thể tránh khỏi ít nhiều làm ảnh hưởng đến “sĩ diện” cá nhân, làm “suy giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền” (HCM). Nhưng sự “giảm bớt” này chỉ là tạm thời, để rồi nếu quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, thì uy tín và niềm tin yêu của mọi người, của quần chúng dành cho tổ chức và cá nhân, nhất là đối với những cá nhân lãnh đạo biết tự phê bình, thành tâm Nhận và Xin lỗi, sẽ ngày càng tăng lên.

Dân tộc ta vốn giàu truyền thống nhân văn, “đánh người chạy đi, ai nỡ đánh người chạy lại”! Tiếc là, không phải ai cũng thấm thía và biết vận dụng thích hợp điều này trong thực tiễn đời sống. Một lời Xin lỗi được nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm, đúng đối tượng… hóa giải được biết bao nhiêu điều bức xúc, oan sai, mang lại biết bao niềm tin yêu, hi vọng về những điều tốt lành đã và đang từng ngày được hàng triệu triệu người, trong đó có đội ngũ Thầy Cô giáo Khoa VHH, âm thầm, bền bỉ gieo trồng trong cuộc sống. Giá như “thông điệp phản hồi gần giống với Lời Xin Lỗi” đó được nói ra sớm hơn; giá như thông điệp đó được nói ra rõ ràng hơn – nó là nó chứ không phải là cái “gần giống với” nó; giá như... làm được như Bác dạy: “thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”; giá như tín hiệu văn hóa ấy được lan tỏa và truyền rộng như biểu hiện sức sống mạnh mẽ của những giá trị "Thật thà - Dũng Cảm" (trong 5 điều Bác Hồ dạy) mà mỗi thế hệ trẻ Việt Nam đều được học và thuộc nằm lòng từ những ngày đầu cắp sách tới trường tiểu học… Giá như từ Nói đến Làm, khoảng cách ngắn chỉ tày gang chứ đừng vời vợi xa đến thế…

Nhưng thôi, sự việc đã tạm khép. Nói như GS.Trần Ngọc Thêm: “chúng ta tạm hài lòng với kết quả hôm nay”. Nhìn một cách bình tĩnh và lạc quan, trong nỗi buồn vẫn lấp lánh niềm vui.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, qua sự việc trên, chúng tôi - những thành viên của Khoa VHH đón nhận đầy đủ, trọn vẹn hơn tình cảm của đông đảo SV, học viên CH, NCS, những người quan tâm và yêu mến VHH. Khoa đã nhận được một lời xin lỗi thật bất ngờ: Bạn Nhật Tân, lớp trưởng lớp CH K10 đã viết: “Dù chỉ là những hành động của một "con sâu" thôi cũng làm ảnh hưởng tới các thầy cô trong khoa. Và cả đối với những học viên chúng em. Chính vì vậy em thay mặt lớp gửi tới các thầy cô lời xin lỗi vì đã làm cho các thầy cô phải suy nghĩ và buồn phiền. Dù ai đó có phải người K10 hay không thì chúng em cũng là những người có liên quan tới bài báo. Mong các thầy cô sớm trở lại để tiếp tục có những giờ giảng thú vị và những nụ cười vui”. Lớp trưởng CHVH K10 đã dũng cảm nhận lỗi và xin lỗi thay cho tác giả ẩn danh mà Nhật Tân không biết, nhận lỗi chỉ vì thấy “có liên quan”.

Vâng, một lời Xin lỗi ngắn gọn, chân thành, kịp an ủi và làm ấm lòng Thầy Cô giáo - những người “làm vườn” đang hết lòng hết sức gieo trồng tri thức văn hóa cho lớp lớp thế hệ SV-HV. Yên tâm bạn nhé, chắc chắn Thầy Cô giáo Khoa VHH của chúng ta đủ Tình yêu nghề nghiệp sâu sắc và lớn lao, đủ lòng Nhân ái để Tha thứ và tự tin vượt qua những oan sai, phiền muộn, những vạ gió tai bay để lại như con tằm rút ruột nhả tơ, tận hiến cho chúng ta những bài giảng tràn đầy tri thức văn hóa, kiến thức khoa học mà Thầy Cô cả đời tích lũy.

Bản thân tôi là một giáo viên đứng trên bục giảng đã tròn 20 năm. So với quý Thầy Cô đi trước, tôi chỉ là một học trò nhỏ. Song 20 năm ấy, không phải không có ít nhiều trải nghiệm, không phải không có lúc nén tiếng thở dài về chuyện nhân tình thế thái, về Duyên Nghiệp của người Lái đò chở bao lớp học trò qua sông, có người nhớ, có người thương, có người không bao giờ nhìn lại, có người ngoảnh mặt “ngó lơ” dù đã nhận ra Thầy Cô giáo cũ từng đứng lớp dạy mình... Vì thế, cũng không ít lần rưng rưng khi nhẩm đọc câu thơ:

“Mỗi lần cầm khăn xóa bảng
Lại thầm thương trách bàn tay
Lẽ nào những điều mới giảng
Đã thành hạt bụi phấn bay”…

Liên tưởng trong trường hợp này, chợt nghĩ, bạn Anh Khoa khi bắt tay chắp bút viết bài báo tai hại kia, có lẽ bạn đã chợt quên tình Thầy, nghĩa Trò – dù chưa phải là tình nghĩa thầy trò nơi mình mới vào học thì cũng là tình nghĩa thầy trò nơi bạn đã học đại học, nơi bạn đã học trung học, phổ thông, mẫu giáo... Bạn đã quên mất rồi những lời Thầy Cô dạy dỗ, căn dặn về chữ Tài, chữ Tâm, chữ Dũng, chữ Liêm của một người cầm bút. Ngay cả câu ông bà dạy: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy)- về đạo nghĩa Thầy – Trò, một giá trị văn hóa được người Việt Nam tôn vinh phút chốc cũng “đã thành hạt bụi phấn bay”??? Thật bất hạnh thay cho các thầy cô, nhất là các thầy cô đã dạy bạn nghề báo chí – cái nghể cần nhất là lương tâm nhưng vào tay bạn hình như đã chỉ trở thành công cụ kiếm cơm...

Dù bạn không lên tiếng, nhưng tôi biết bạn lắng nghe, bạn đang ở đâu đó quanh chúng tôi, lắng nghe và im lặng. Chẳng ai có thể ép một người lên tiếng nếu người đó chưa đủ dũng khí, chưa đủ sự trung thực và khả năng tự nhận thức, tự phê bình bản thân mình. Thật tiếc! Nhưng cũng thật may, bạn chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi trong một tập thể Thầy – Trò VHH luôn ý thức hướng tới và quyết tâm hiện thực hóa những giá trị Chân - Thiện – Mỹ trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học.

Và cũng thật thương cho bạn, vì không đủ dũng cảm bước sang hàng ngũ những người thú nhận, bạn đã ở lại trong hàng ngũ những kẻ ân hận, để rồi bạn sẽ phải tự đối thoại với lương tâm đến hết cuộc đời.

Tôi muốn nói nhiều hơn về ý nghĩa của Lời Xin lỗi, đúng lúc và đúng cách. Song, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu chúng ta biết nói hoặc hành động thay cho những lời Cảm ơn chân thành và cố gắng đừng để mắc lỗi, nhất là mắc lỗi với những người đã có công khơi mở, vun trồng cho chúng ta cơ hội chung hưởng vườn hoa VHH, một vườn hoa đang tràn đầy sức sống và vẻ đẹp Nhân Văn.[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - BÁO SGGP

Gửi bàigửi bởi violet » Thứ 4 25/05/11 11:13

Lời xin lỗi muộn

[justify]GS. Trần Ngọc Thêm đã yêu cầu tạm đóng chủ đề này, nhưng sau bài Vĩ thanh … Về văn hóa xin lỗi của GV Le Truc Anh, chúng em với tư cách là những cựu HVCH, những NCS, những GV đã đứng trên bục giảng nhờ sự dìu dắt của Thầy Cô, cũng muốn nói lên một Lời xin lỗi với Thầy Cô của mình, mặc dù là lời xin lỗi muộn.

Kính thưa Quý Thầy Cô, mười ngày qua chúng em không phải vô cảm, không phải không bức xúc sau bài báo của tác giả Anh Khoa. Do công việc chuẩn bị cho Lễ hội quá nhiều, quá bận rộn, chúng em không có thời gian để tập trung suy nghĩ và viết bài lên Diễn đàn. Nhưng chúng em vẫn hàng ngày theo dõi từng động thái trên Diễn đàn, vẫn hỏi nhau đã đọc comment mới chưa và cũng tạm bằng lòng với bản thân là Diễn đàn vẫn đang sôi động, đã có những HVCH, NCS khác thay mình nói lên tiếng nói chung. Nói ra điều này nghe có vẻ ngụy tạo, thanh minh nhưng chúng em vẫn mong Thầy Cô thông cảm và tha lỗi cho chúng em.

Sự thật chúng em không đứng ngoài cuộc, chúng em cũng vô cùng bức xúc khi trong buổi trao đổi về bài báo trên SGGP có liên quan đến Khoa Văn hóa học, có nhân vật ngồi tham dự với vẻ mặt “rất bất cần, rất thách thức”; chúng em cũng vô cùng đau xót khi những Thầy Cô của mình cả đời cống hiến vì “sự nghiệp trồng người” mà lại chịu sự oan sai, tai bay vạ gió như vậy. Càng đau xót và xúc động hơn khi nhìn những sợi tóc bạc trên mái tóc Thầy Thêm càng ngày càng nhiều, nhìn những lo âu phiền muộn trên gương mặt Thầy vì những điều sai sự thật trên báo; và khi Cô Hiền phát biểu với sự xúc động nghẹn ngào, không nói ra thành lời với những giọt nước mắt lăn nhanh thì quả thật chúng em không còn bình tâm được nữa.

Chúng em xin được gửi đến Quý Thầy Cô Lời xin lỗi chân thành nhất từ trái tim chúng em, không phải chúng em đứng ngoài cuộc, vì những lý do khách quan mà chúng em không tham dự vào Diễn đàn để góp phần nói lên tiếng nói của mình. Chúng em mong được sự thông cảm và tha thứ từ Quý Thầy Cô, và chúng em tin chắc rằng Thầy Cô giáo Khoa VHH của chúng em với lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng sẽ vượt qua tất cả những phiền muộn này để tiếp tục truyền giảng cho chúng em những tri thức, kiến thức mà Thầy Cô đã cả đời tích lũy.[/justify]
RANDOM_AVATAR
violet
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: Thứ 7 26/01/08 21:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - BÁO SGGP

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 4 25/05/11 15:12

Sau khi tôi đưa lên Diễn đàn này bài “Suy nghĩ mười ngày” và tuyên bố “tạm khép” chủ đề, một số bạn đã gửi thư trực tiếp đến tôi để bày tỏ cảm xúc và nguyện vọng của mình.

Sẽ là bất công nếu tôi được các bạn tin cậy gửi gắm tâm sự mà lại im lặng không nói gì. Vì vậy tôi xin phép các tác giả điểm lại ở đây một vài đoạn trong số những ý kiến ấy như một vĩ thanh của những vĩ thanh:

Bạn H.L. vào lúc 20:37’ ngày 24 tháng 5 năm 2011 đã viết:Thực lòng mà nói thì em vẫn có cảm giác hụt hẫng. Như thầy nói topic thì cũng nên đến hồi dành cho vĩ thanh nhưng không hiểu sao bất cứ lúc nào vào diễn đàn em cũng mong chờ một tin nào đó... Chắc phải theo cách thầy nói trong trường hợp này là "tạm hài lòng" thôi.
...................


Bạn N.L.H. vào lúc 20:44 ngày 24 tháng 5 năm 2011 đã viết:Em đã đọc Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - Suy nghĩ mười ngày ít nhất là 10 lần trong chiều nay và cứ mỗi lần đọc là mỗi lần rưng rưng nước mắt.
Em nghĩ không riêng gì Thầy, riêng gì em mà rất nhiều, rất nhiều người trong và ngoài Đại gia đình VHH của chúng ta đã trải qua những ngày Ăn Diễn đàn, Ngủ Diễn đàn như Thầy đã mô tả. Em biết Thầy buồn cũng như chúng em đã buồn khi đứa con tinh thần ... được cộng đồng VHH dày công vun đắp cho đến ngày hôm nay đã bị người khác "hiểu sai".
Nhưng Thầy ơi, em nghĩ chúng ta dùng kết quả để trả lời, chứng minh chứ cũng không cần phải mất thời gian suy nghĩ mãi về những lời vu vơ vô căn cứ mà làm ảnh hưởng đến nhiều việc khác.
...................


Bạn T.K.H. vào lúc 20:45 ngày 24 tháng 5 năm 2011 đã viết:Trong topic Thầy đã viết:
"Trong 10 ngày ấy có biết bao xúc động, biết bao tâm tư. Tôi biết có những anh chị buồn, bực... đến mức hầu như không làm được gì. Đi ra đi vào rồi lại mở máy ra ngồi trước Diễn đàn. Có anh chị một ngày vào Diễn đàn viết trên một lần, còn vào đọc đi đọc lại mà không viết thì khỏi kể. Xuất hiện một thành ngữ mới là "ăn Diễn đàn, ngủ Diễn đàn” có nghĩa là ‘làm việc gì đó quá say mê’."

Đó đúng là tâm trạng của em và các bạn ở đây trong những ngày qua. Cứ ngồi vào máy là mở Diễn đàn để xem đi xem lại những ý kiến của Thầy cô, của Khoa và của các bạn. Trong giờ làm việc ở cơ quan mà cứ khoảng 1 tiếng lại mở xem có ý kiến gì mới của các bạn và thái độ của báo SGGP, của tác giả Anh Khoa.

Thời gian này bị áp lực bởi công việc chỉ là yếu tố nhỏ nhưng suy nghĩ và bức xúc về bài báo làm em không viết được gì. Bên Sở VHTTDL cứ gọi điện liên tục nhắc nộp bài tham luận cho hội thảo sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 6, nhưng em không thể tập trung được. Mặc khác, Hội Văn nghệ dân gian VN nhắc nộp đề cương dự thi năm 2011, vẫn chưa làm được. Viết thế nào để có thể xứng đáng công dạy dỗ của quý Thầy cô trong những năm qua? Viết thế nào để người đọc không thể đánh giá một cách chủ quan, hồ đồ là "Lượng nhiều - Chất ít"?

Kính thưa Thầy!
Gần 20 năm sinh sống ở vùng đồng bào R., "biết" không ít về tập quán, phong tục của họ, em đã thu âm không dưới 1.000 băng cassette về tộc người này nhưng phải đến khi được Thầy, Cô giảng dạy, em mới "hiểu" về họ, dù còn rất mỏng. Không có những năm tháng học tập vừa qua ở Khoa, không có những lời chỉ bảo tận tình của Thầy có lẽ em chưa biết làm thế nào để khai thác, để tập sự làm công tác nghiên cứu khoa học; không có lời động viên và hướng dẫn tận tình của Cô Phan Thu Hiền, của các thầy cô đã giảng dạy ở các môn học chắn chắn em không có ngày hôm nay.

Chất ít? Em rất bức xúc về điều này... Trong ngày bảo vệ đề cương, đề cương của em hoàn toàn bị phá sản và hầu như phải làm lại từ đầu. Luận văn của em phải sửa đi sửa lại nhiều lần mà Cô Hiền (GVHD) vẫn không hài lòng...

Từ ngày nhận được tấm bằng ThS từ tay Thầy trao (tháng 10/2009), Em đã được Hội VHDG tặng các giải thưởng hằng năm đối với các bài viết tham dự. Đã hơn 2 lần được mời ra Hà Nội đọc báo cáo tham luận; đã được Văn phòng Dự án công bố tác phẩm văn hóa dân gian Việt Nam hợp đồng in 4 tác phẩm... Hiện nay trên giá sách của một số Nhà sách ở TP HCM, trong thư viện ở một số trường Đại học đã có một số tác phẩm của các học trò do Thầy đào tạo, dìu dắt. Thành công của em và các bạn đã chứng minh rất rõ sự phá sản luận điểm "Lượng nhiều - chất ít" của bài báo.

Em không phải là một trong những học viên giỏi của Thầy Cô trong Khoa, nhưng em xin hứa với Thầy sẽ không để ai đánh giá một cách chủ quan, hồ đồ như tác giả AK đã viết về kết quả đào tạo HVCH của Khoa VHH mà Thầy đã tâm huyết xây dựng.
...............


Bạn A.H.S. vào lúc 22:05 ngày 24 tháng 5 năm 2011 đã viết:Em đã đọc kỹ bài Thầy viết và đã học được rất nhiều điều....
....đáng buồn thay điều tưởng chừng như là điều kiện tiên quyết của nghề báo ấy lại ngày càng trở nên xa xỉ trong xã hội Việt Nam đương đại.
Em cám ơn ...[topic này]... đã cất lên tiếng nói của công lý và sự thật, đã bảo vệ một cách hiệu quả thanh danh của gia đình Văn hóa học chúng ta.


Bạn B.T. vào lúc 12:04 ngày 25 tháng 5 năm 2011 đã viết:Sau những loạt bài phản hồi về những bất cập trong đào tạo thạc sĩ, quả thật em vẫn chưa hài lòng lắm với tờ báo khi chưa thật sự đăng tải những kiến nghị của những người trong cuộc, những người đã trao đổi qua buổi thảo luận để độc giả có thể hiểu rõ hơn về bài báo cũng như khoa Văn hóa học.
Bản thân em cũng đã gửi trực tiếp lên báo một số bài phản hồi thế nhưng em vẫn thấy không một chút hài lòng về cách giải quyết của tờ báo này.
Dù thầy đã khép lại chủ đề thảo luận trên diễn đàn nhưng em vẫn còn thấy khó chịu lắm, không biết có phải em cầu toàn quá không khi muốn cái gì cũng phải rõ ràng, rành mạch.
Nhưng nghĩ lại trong buổi thảo luận thầy có nói đến yếu tố nhân văn đối với người viết bài nên em cũng hiểu rằng không nên quá khắt khe với tác giả.

Cảm ơn thầy đã cho em nhận ra những giá trị tốt đẹp của sự vị tha, bao dung.


Một lần nữa, từ đáy lòng, tôi xin cảm ơn những lời tâm huyết đã nói ra và chưa được nói ra của tất cả các anh chị và các bạn.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - BÁO SGGP

Gửi bàigửi bởi hoangdiep » Thứ 5 05/01/12 15:33

Thầy cô và các bạn VHH thân mến!
Bẵng đi một thời gian dài, H.Đ ít vô trang Diễn đàn của khoa mình với nhiều lý do rất riêng(liên quan đến sức khỏe và công việc của bản thân). Sau khi đọc những thông tin liên quan đến Khoa mình, H.Đ bỗng thấy lòng nao nao, xót xót...H.Đ xin có đôi lời chia sẻ như sau:
- Thưa quí thầy cô trong Khoa VHH! Thời gian được theo học NCS K.2 với các thầy cô đối với em là một vinh hạnh rất lớn! Có thể VHH đối với em là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ nhưng không xa lạ vì đã có sự hướng dẫn tận tâm của các thầy cô. Chúng em đã học được rất nhiều không chỉ về kiến thức... Với sự cố trên, em nghĩ sau buổi tọa đàm mọi chuyện gần như đã sáng tỏ, kính mong quí thầy cô đừng quá phiền lòng vì những điều đã xảy ra mà tổn hại đến sức khỏe và tinh thần.
- Xin có đôi lời với PV Anh Khoa(có thể đây chỉ là bút danh của bạn?). Là người cầm bút, bạn đã vi phạm những điều liên quan đến đạo đức, đó là: thông tin chung chung(mặc dù là 1 thực trạng có thật ở VN) với những dẫn chứng cụ thể nhưng sai đối tượng(?!). Bạn đã sử dụng thông tin 1 chiều(thay vì phải đa chiều theo nguyên tắc Báo chí để giữ tính khách quan của bài viết), chưa kể bạn đã phạm luật trong việc trích dẫn lời PV cô Hiền, gây chia rẽ nội bộ khoa...Bạn làm vậy với mục đích gì? Rất có thể bạn là 1 trong những HV "bê bối" đang theo học ở khóa nào đó trong Khoa VHH chăng? Nếu vậy thì bạn đã chứng tỏ sự hèn yếu trong nhận thức và thiếu sự công tâm của người làm báo rồi. Hy vọng, những comment trên diễn đàn sẽ là những bài học đáng giá cho bạn?! Dù bạn viết bài với mục đích gì đi nữa, nếu là người có tự trọng sẽ không ai làm như vậy.
RANDOM_AVATAR
hoangdiep
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 25/10/07 16:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trước

Quay về Văn hoá quản trị (quản lý) và quản lý văn hoá

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến0 khách

cron